Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Hội nghị các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo (năm 2014)


Hội nghị các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo

(Opera Pontificia Missionalia: OPM)
05-10/5/2014
WGPSG -- Hội nghị thường niên các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo đã được khai mạc vào thứ Hai ngày 5/5/2014, tại Rôma. Năm nay số tham dự viên là 123 vị, đại diện cho từng quốc gia (Giáo Hội địa phương). Việt Nam có Linh mục Đa Minh Ngô Quang Tuyên tham dự. Một vài vị vắng mặt vì hoàn cảnh đất nước như Syria, Iran. Nhưng cũng có một số đại biểu mới như Campuchia, Lào. Đức Hồng y Fernando Filoni chủ tọa hội nghị, Đức Tổng Giám mục Rugambwa, chủ tịch các hội OPM điều hành các phiên họp.
Chúng tôi ghi nhận các phát biểu quan trọng của hội nghị theo thứ tự sau:
Sáng 5/5: Đức Hồng y Filoni khai mạc Đại hội các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo: một sự sinh động hoá “nói với cõi lòng của Dân Chúa, chỉ cho thấy vẻ đẹp của sự tham gia vào việc phục vụ truyền giáo.”
“Nếu các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo (GHTG) không kiên trì giữ vững chiều kích công giáo phổ quát của mình một cách nhiệt tình, không những sự tồn tại của chính các Hội này sẽ gặp nguy hiểm, mà việc phục vụ cho tất cả các Giáo Hội truyền giáo cũng gặp nguy hiểm”: đó là lời khẳng định sáng nay của Đức Hồng y Fernando Filoni, Chủ Tịch Bộ Loan Báo Tin Mừng các Dân Tộc, khi ngài khai mạc Đại Hội Thường Niên của các Hội GHTG đang diễn ra tại Roma cho tới thứ bảy 10 tháng 5 (xem Fides 29/4/2014).
Trong bài Khai Mạc, Đức Hồng y trước hết nhắc nhở rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong năm đầu phục vụ mục vụ trong tư cách Giám mục Roma, đã ghi tạc vào Hội Thánh một động lực truyền giáo to lớn” thông qua nhiều cử chỉ và việc công bố hai văn kiện quan trọng, Lumen Fidei và Evangelii Gaudium. Ngài nói tiếp: “Việc rao giảng Tin Mừng trong thời kỳ xã hội đầy biến động ghê gớm hôm nay đòi hỏi một Hội Thánh được biến đổi, một Hội Thánh đi ra truyền giáo... bởi vì hành động truyền giáo là khuôn mẫu mọi hoạt động của Hội Thánh”.
Rồi Đức Hồng y Chủ Tịch nêu bật vai trò của các Hội GHTG trong bối cảnh mới của Hội Thánh; ngài nhấn mạnh rằng, sau Công Đồng Vaticanô II, các Hội GHTG “đã xác định lại vị trí của mình, để có thể đáp ứng vai trò chủ đạo của mình trong các Giáo Hội địa phương. Bây giờ các Hội này được kêu gọi có sự đóng góp chuyên biệt của mình, trong việc thành lập hay phát triển các Giáo Hội của mình, kể cả các Giáo Hội trẻ, như là những chủ thể có trách nhiệm trong việc loan báo Tin Mừng”.
“Trong thời gian gần đây - vị Chủ Tịch Bộ Truyền Giáo nói tiếp - ngày càng có sự suy tư đáng chú ý trong mối quan tâm của Đức Thánh Cha cho tất cả các Giáo Hội và sự hợp tác song phương giữa các Giáo Hội trong lãnh vực nâng đỡ và cứu trợ”. Các Hội GHTG được gọi là các Hội “Giáo hoàng” theo nghĩa là “vị Mục Tử Tối Cao biết và cảm thấy hơn ai hết những đòi hỏi cấp bách và những nhu cầu của tất cả các Giáo Hội và của từng Giáo Hội”, nhưng các Hội GHTG “cũng thuộc quyền mỗi Giám mục, vì các Hội này gắn liền với đời sống của các Giáo Hội địa phương. Đây tuyệt đối không phải là vấn đề địa vị danh giá hay quyền lực, nhưng là một việc phục vụ công cuộc loan báo Tin Mừng. Tất cả chúng ta đều phục vụ việc truyền giáo - Đức Hồng y nhắc lại. Mỗi Giáo Hội địa phương phải để mình đi vào các nhu cầu, khát vọng, đức tin và đức ái của tất cả các Giáo Hội khác. Giáo Hội nào tìm cách khẳng định căn tính riêng của mình mà đi ngược lại hay không quan tâm tới chiều kích công giáo phổ quát của mình, tất yếu sẽ trở nên một cành chết khô”.
Sau đó, Đức Hồng y cũng lưu ý rằng ngay cả các Hội GHTG cũng đang chịu những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính: “Chúng ta phải nhận ra một sự suy giảm dần dần các khoản dâng cúng của các tín hữu thuộc các Giáo Hội lâu đời, trong khi cũng ghi nhận có sự gia tăng chút ít nơi các Giáo Hội trẻ của Châu Phi và Châu Á”. Tuy nhiên, theo Hồng y Chủ tịch, các nguyên nhân không chỉ là kinh tế, mà có lẽ cũng là vì một sự “thiếu nhiệt tình của Dân Chúa đối với thế giới truyền giáo”. “Vì vậy chúng ta cần xét lại hoạt động sinh động hoá của chúng ta, nó phải nói với cõi lòng của Dân Chúa, chỉ cho thấy vẻ đẹp của sự tham gia vào việc phục vụ truyền giáo - Hồng y khẳng định. Hợp tác truyền giáo không thể chỉ dựa vào sự quyên góp. Bản thân các Hội GHTG mang tính đoàn sủng, nghĩa là hiệu năng của chúng dựa trên sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Có đức tin, trao ban đức tin, cầu nguyện cho các công cuộc truyền giáo và sư hi sinh là những yếu tố cần thiết để có hiệu quả trong việc loan báo Tin Mừng”.
Theo gương Thánh Tông Đồ Phaolô và cộng đoàn tông đồ tiên khởi, “chúng ta cần phải ra khỏi các toà của mình để đến với các vùng ngoại vi, như Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói. Điều quan trọng là chúng ta phải có sự hiện diện trong các cơ quan của giáo phận, trong các giáo xứ và các hội đoàn và các dòng tu. Cần nhắc nhở các tín hữu tham gia tích cực vào hoạt động của các điểm truyền giáo và các hội nghị giáo phận và quốc gia”, Đức Hồng y khuyên nhủ, bằng cách phó thác “tất cả công việc của chúng ta cho Nữ Vương Truyền Giáo”. (SL)
Sáng 6/5: Tổng Giám mục Rugambwa: “Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo là một trong những công cụ quan trọng và thích hợp nhất trong việc đề cao vị trí ưu tiên của Missio ad Gentes trong các Giáo Hội địa phương.”
“Quả là một năm làm việc cật lực”: Đức Tổng Giám mục Protase Rugambwa, Chủ tịch các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo (GHTG) đã phát biểu như thế trong bài diễn văn mở đầu công việc Đại Hội Toàn Thể thường niên của các Hội GHTG. Ngài nói tiếp: “Từ những thông tin tôi và các tổng thư ký nhận được qua các Báo cáo thường niên do quí vị gửi đến, chúng ta có thể nói chắc chắn rằng các Hội GHTG là một trong những công cụ quan trọng và thích hợp nhất trong việc đề cao vị trí ưu tiên của Missio ad Gentes trong các Giáo Hội địa phương. Các Hội của chúng ta đã phát hành nhiều tạp chí, tổ chức các cuộc hội thảo cho giới trẻ, người lớn, thiếu niên, các khoá đào luyện cho linh mục và giáo dân, các ngày truyền giáo, gây quĩ, thăm viếng các chủng viện, các dòng tu, và nhiều hoạt động khác.”
Đức Tổng Giám mục nói nhiều về thừa tác vụ truyền giáo của Đức Thánh Cha Phanxicô, người “không muốn có một Hội Thánh đóng kín, nhưng muốn một Hội Thánh đi ra truyền giáo. Một Hội Thánh chọn người nghèo, đi khắp thế giới, đặc biệt đến với những vùng ven địa lý và nhân chủng của thế giới. Và một Hội Thánh đi khắp thế giới để nói lên rằng chúng ta là những người rao giảng Tin Mừng đầy vui tươi, hạnh phúc, đem niềm vui của Tin Mừng đến với mọi người. Chúng ta rất phấn khởi được tiếp tục công cuộc hợp tác truyền giáo mà chúng ta được giao phó.”
Sau khi nhắc đến các hoạt động đã thực hiện bởi Ban Điều Hành và Uỷ Ban Tài chính, cùng với các vấn đề đã thảo luận trong kỳ Đại Hội Đặc Biệt tháng 11, Đức Cha Chủ Tịch các Hội GHTG tập trung vào tình hình chúng ta đang sống. “Chúng ta đang trải qua một thời kỳ thay đổi sâu xa, không chỉ trong Hội Thánh mà cả ngoài xã hội - ngài nhấn mạnh. Tôi không nói quá khi cho rằng ngày nay thậm chí làm việc để giúp đỡ người nghèo và những người bị gọi là cặn bã của xã hội cũng rất khó. Có thể do các lạm dụng hay các điều tai tiếng, luật tại một số quốc gia đang khiến cho việc trợ giúp tài chính cho các giáo hội trở nên rất khó khăn, do các qui định rất nghiêm ngặt về việc xuất vốn ra nước ngoài.”
Trong lãnh vực này, Đức Cha Rugambwa lưu ý một số khía cạnh thực hành. Thứ nhất, cần có “một sự hiệp thông chân thành và hiệu quả giữa các Văn phòng quốc gia và quốc tế”, bởi lẽ “việc đối thoại liên tục và thành thật, sự hiệp thông hiệu quả, sự tương trợ, tôn trọng và quí mến nhau là cần thiết, vì không phải chúng ta làm cho mình, nhưng cho Nước Chúa. Nếu chúng ta có thể làm cho tổ chức lớn này của các Hội GHTG trở thành một gia đình, nó sẽ lấy lại được hào quang trước kia của nó và có được sinh lực mới.” Một vấn đề khác được Đức Cha nhấn mạnh là việc truyền thông và sự minh bạch của nhân tố kinh tế-tài chính: mức độ rõ ràng và minh bạch đã đạt được hiện nay ở cấp trung ương, bây giờ phải được thể hiện ở cấp các Giám Đốc quốc gia.
Sau cùng, Đức Tổng Giám mục nhắc lại rằng các Giám Đốc Quốc Gia phải là một “cầu nối giữa Bộ (Loan Báo Tin Mừng) và các Trụ Sở của các Hội GHTG với các Hội Đồng Giám mục, đặc biệt với các Uỷ Ban Truyền Giáo hay Loan Báo Tin Mừng”. “Cần nhớ rằng, đặc biệt trong thời kỳ này, lúc mà các Giáo Hội địa phương đang đảm nhận một cách chính đáng vai trò chủ đạo của mình trong hoạt động Missio ad Gentes, các Giám mục - cùng với vị Mục Tử Tối Cao là Đức Thánh Cha - chịu trách nhiệm vềMissio ad Gentes, và các Hội GHTG tồn tại không phải để giúp riêng cho việc truyền giáo này hay việc truyền giáo khác được chọn lựa bởi các giáo phận hay bởi một Hội Đồng Giám mục, nhưng là để giúp cho các hoạt động truyền giáo của toàn thể Giáo Hội và của các Giáo Hội cần được giúp đỡ nhất”. (SL)
Ngoài những diễn văn chủ đề còn có các phát biểu khác từ các châu lục hoạc những quốc gia dựa trên những đề tài mà vị chủ tọa đề nghị bàn thảo trong các họp nhóm. Những đúc kết từ các nhóm được nêu lên trong hội nghị để được thêm các hóp ý khác,và ban thư ký hội nghị đúc kết từng ngày, đúc kết toàn hội nghị. Việc giải quyết các vấn đề sẽ được ban thượng cố vấn thực hiện trong cuộc họp tháng 11 hàng năm.
Sáng 9/5: tại Phủ Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên tham dự Đại Hội toàn thể thường niên của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, dẫn đầu bởi Đức Hồng y Fernando Filoni, Chủ Tịch Bộ Loan Báo Tin Mừng các Dân Tộc. Dưới đây là toàn văn bài diễn từ của Đức Thánh Cha, điểm nhấn là: “Có một nhu cầu rất lớn về linh mục, tu sĩ và giáo dân, những người được tình yêu của Đức Kitô chiếm hữu, mang nơi mình ngọn lửa đam mê Nước Thiên Chúa và sẵn sàng lên đường loan báo Tin Mừng.”
Thưa Đức Hồng y, các Anh Em Đáng Kính trong hàng Giám mục và Linh Mục, các anh chị em quí mến,
Tôi chào mừng các Giám Đốc Quốc Gia của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo và các cộng sự viên của Bộ Loan Báo Tin Mừng các Dân Tộc. Tôi cảm ơn Đức Hồng y Fernando Filoni và tất cả anh chị em đang phục vụ cho sứ mạng của Hội Thánh hầu đem Tin Mừng đến mọi dân tộc trên khắp thế giới.
Qua Tông Huấn Evangelii gaudium, tôi đã muốn mời gọi mọi tín hữu đi vào một mùa tân Phúc-Âm-hoá. Cả ở trong thời đại chúng ta cũng vậy, missio ad gentes là động cơ của năng động lực cơ bản này của Hội Thánh. Mối quan tâm loan báo Tin Mừng đến “tận cùng trái đất” mà các nhà truyền giáo thánh thiện và quảng đại đã chứng tỏ, giúp cho mọi cộng đoàn thực hiện một hoạt động mục vụ rộng mở và hiệu quả, một sự đổi mới các cơ cấu và các công cuộc. Hành động truyền giáo là một hệ hình cho mọi hoạt động của Hội Thánh (xem Evangelii gaudium, 15).
Trong thời kỳ này với những biến đổi lớn về xã hội, rao giảng Tin Mừng đòi hỏi một Hội Thánh truyền giáo, một Hội Thánh hoàn toàn đi ra, có khả năng phân định rõ ràng để đối diện với các nền văn hoá khác nhau và các quan niệm khác nhau về con người. Đối với một thế giới biến đổi, cần có một Hội Thánh được canh tân và biến đổi nhờ việc chiêm ngắm và tiếp xúc cá nhân với Đức Kitô, nhờ sức mạnh của Thần Khí. Chính Thần Khí Đức Kitô là nguồn của sự canh tân, giúp chúng ta tìm ra những con đường mới, những phương pháp sáng tạo mới, những hình thức diễn tả mới cho việc phúc âm hoá thế giới hôm nay. Chính Người ban cho chúng ta sức mạnh để thực hiện cuộc hành trình truyền giáo và niềm vui của việc loan báo Tin Mừng, để ánh sáng Đức Kitô chiếu soi những ai còn chưa biết Người hay những ai đã gạt bỏ Người. Để làm được điều này, chúng ta phải có can đảm “đến với mọi vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng” (Evangelii gaudium 20). Chúng ta không thể để mình bị kìm hãm bởi các yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, hay bởi biết bao nhiêu điều gây cản trở cho việc làm chứng và loan báo Tin Mừng. Chính kinh nghiệm gặp gỡ Chúa thúc giục chúng ta và cho chúng ta niềm vui để loan báo Người cho mọi dân tộc.
Do bản chất truyền giáo, Hội Thánh coi việc phục vụ bác ái cho mọi người là ưu tiên cơ bản của mình. Tình huynh đệ và liên đới với mọi người thuộc về bản chất của đời sống và sứ mạng của Hội Thánh trong thế giới và cho thế giới. Việc loan báo Tin Mừng, tuy phải nhắm tới hết mọi người và từng người, nhưng trước tiên phải bắt đầu với những người hèn kém nhất, những người nghèo khổ, nhưng người vai trĩu nặng bởi những vất vả và mệt mỏi của cuộc sống. Khi làm điều này, Hội Thánh đang nối dài sứ mạng của chính Đức Kitô, Đấng đã “đến để họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10). Hội Thánh là dân của các Mối Phúc Thật, là nhà của những người nghèo, những người đau khổ, những người bị loại trừ và bị bách hại, những người đói khát sự công chính. Với anh em, Hội Thánh đòi hỏi anh em làm việc để các cộng đoàn Hội Thánh biết tiếp đón với lòng ưu ái những người nghèo, luôn mở rộng cửa của Hội Thánh để mọi người có thể vào và tìm nơi nương ẩn. Các Hội GHTG là công cụ ưu việt để nhắc nhở và quảng đại chăm lo cho công việc missio ad gentes. Chính vì thế tôi ngỏ lời với anh chị em là những người đặc trách việc sinh động hoá và đào luyện ý thức truyền giáo của các Giáo Hội địa phương: với sự nhẫn nại và kiên trì, anh chị em hãy cổ vũ tinh thần đồng trách nhiệm truyền giáo. Có một nhu cầu rất lớn về linh mục, tu sĩ và giáo dân, những người được tình yêu của Đức Kitô chiếm hữu, mang nơi mình ngọn lửa đam mê Nước Thiên Chúa và sẵn sàng lên đường loan báo Tin Mừng.
Tôi cảm ơn anh chị em về việc phục vụ quí báu anh chị em cống hiến cho việc mở mang Nước Chúa, làm cho tình yêu và ánh sáng của Đức Kitô đến với mọi góc cùng của thế giới. Xin Đức Maria, Mẹ của Tin Mừng sống, luôn đồng hành với anh chị em trong hành trình nâng đỡ việc rao giảng Tin Mừng. Tôi cũng muốn đồng hành với anh chị em bằng phép lành của tôi, cho anh chị em và các cộng sự của anh chị em. Cảm ơn.”
Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên tường thuật và trích dịch từ các chuyên viên Agenzia Fides làm việc trực tiếp trong hội nghị (Agenzia Fides là cơ quan truyên thông của OPM).













Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20140514/26049

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét