Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

CHÚC MỪNG LỄ TRUYỀN TIN - Bổn mạng Hội Legio tại Giáo xứ Cầu Lớn

Kết quả hình ảnh cho lễ truyền tin

I. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ

Lễ Truyền tin được mừng đầu tiên tại Giáo hội Đông phương vào Chúa nhật I mùa Vọng từ thế kỷ IV hay thế kỷ V để kính nhớ mầu nhiệm Nhập Thể. Đến thế kỷ VII, lễ này lan sang Giáo hội Tây phương để kỷ niệm Đức Trinh Nữ Maria chịu thai Ngôi Lời Nhập Thể, đồng thời kỷ niệm Chúa Kitô được xức dầu làm Thượng Tế và làm Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người. Đức Thánh Sergiô I lập bốn lễ: Lễ Đức Mẹ tịnh tẩy, dâng Con vào đền thờ, lễ Truyền tin, lễ Sinh nhật Đức Mẹ, và lễ Đức Mẹ lên trời. Mỗi dịp lễ này, ngài truyền dạy tổ chức cuộc rước Đức Mẹ từ nhà thờ Thánh Adrianô về đền thờ Đức Bà Cả tại Rôma. Thánh Phêrô Kim ngôn đã giảng nhiều trong lễ Truyền tin.

Thánh Augustinô đã đề nghị mừng lễ Truyền tin vào ngày 25 tháng 3 cho đúng chín tháng trước lễ Giáng sinh, nhưng Giáo hội Tây Ban Nha không đồng ý, nên Công đồng Toleđô năm 656 ấn định mừng tám ngày trước lễ Giáng sinh rồi đổi sang ngày 18 tháng Giêng để tránh mùa Chay. Đức Bênêđictô XIV ra sắc lệnh ấn định khắp Giáo hội mừng lễ Truyền tin vào ngày 25 tháng 3 theo Thánh Augustinô đã đề nghị và như ngày nay.

Năm 1884 Công đồng Baltimore quyết định lễ Truyền tin ngày 25 tháng 3 là lễ nghỉ và lễ buộc cho Giáo hội Hoa Kỳ.

II. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ

Lịch Rôma thời xưa trọng thể mừng "lễ Ngôi Lời nhập thể" gọi là "Lễ Truyền tin của Chúa". Lễ này đã được sửa đổi lại nhưng là lễ mừng Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ. Mừng Chúa là Ngôi Lời trở thành Con Mẹ Maria (Mc 6:3). Mừng Đức Trinh Nữ trở thành Mẹ Thiên Chúa.

* Về Chúa Kitô, Phụng vụ Đông phương và Tây phương mừng lễ trọng này để kính nhớ "lời xin vâng" của Ngôi Lời nhập thể vào trần gian đã nói: "Lạy Chúa, này con đây. Con xin đến để thực thi ý Chúa" (xem Dt 10:7; Tv 39:8-9). Lễ này cũng kính nhớ giây phút đầu tiên của ơn Cứu chuộc và mối tơ duyên kết hợp bất khả phân ly của Thiên tính với nhân tính trong một ngôi vị của Ngôi Lời.

* Về Mẹ Maria, Phụng vụ Đông phương và Tây phương mừng lễ trọng này như một lễ của Tân Evà là Đức Trinh Nữ tuân phục và trung thành. Với lời thưa "Xin vâng quảng đại", bởi phép Chúa Thánh Thần, Mẹ đã trở nên Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ chúng sinh. Và bởi nhận trong cung lòng một Đấng trung gian (1 Tm 2:5), Mẹ thật sự trở nên Hòm bia Giao ước và Đền thờ Thiên Chúa. Phụng vụ này cũng kính nhớ thời điểm cao chót của cuộc đối thoại cứu độ giữa Thiên Chúa và loài người, và kính nhớ sự tự tình chấp nhận và hợp tác của Đức Trinh Nữ trong công trình Cứu chuộc.

III. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ

Bài đọc I: Isaia 7:10-14

Thời vua Akhaz cai trị nước Giuđêa, vua Aram và vua Ephraim định lên đánh chiếm thành Giêrusalem. Vua Akhaz hoảng sợ. Giavê sai Isaia nói với vua Akhaz: "Hãy ở yên. Đừng sợ. Lòng chớ bủn rủn". Isaia bảo vua Akhaz phải đặt lòng tin vào Giavê trong giờ nguy kịch cho triều đại Đavít. Isaia lại nói với vua Akhaz: "Hãy xin với Giavê, Thiên Chúa ngươi, một dấu". Nhưng Akhaz nói: "Tôi đâu dám xin thế. Tôi không muốn thử sức Giavê". Ngài mới nói: "Hỡi nhà Đavít, hãy nghe đây... chính Đức Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh Con và Bà sẽ gọi tên Con là Emmanuel". Thánh sử Matthêô giải thích lời tiên tri này nói về Trinh Nữ của lễ Truyền tin là "Chúa ở cùng chúng ta" (Mt 1:22-23).

Bài đọc II: Do thái 10:4-10

Chức tư tế thời Cựu ước tương phản chức tư tế của Chúa Kitô: Hy lễ Cựu ước không trừ được tội lỗi, nên Chúa Kitô đã đến, hiến dâng mình Ngài duy một lần mà chúng ta được ơn cứu thoát.

Phúc âm: Luca 1:26-38

Thánh sử Luca trình thuật cuộc đàm đạo giữa thiên sứ Gabrie và Trinh nữ Maria tại căn nhà Nazaréth xứ Galilêa. Thiên sứ chào chúc Trinh Nữ "đầy ơn phúc" làm Trinh Nữ xao xuyến. Thiên sứ trấn an Trinh Nữ và loan báo "Trinh Nữ sẽ thụ thai sinh con trai sẽ gọi tên là Giêsu. Ngài là Con Đấng tối cao. Ngài sẽ lên ngai Đavít, làm vua trên nhà Giacob đến đời đời. Vương quyền Ngài vô tận". Trinh Nữ thắc mắc: "Làm sao điều đó xảy ra được vì tôi giữ mình đồng trinh". Thiên sứ giải thích: "Thánh Thần sẽ đến trên tôn nương và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên tôn nương, nên con tôn nương sẽ là Đấng Thánh là Con Thiên Chúa". Thiên sứ đưa tin bà Elizabéth già và son sẻ mà đã mang thai sáu tháng để minh chứng: "Với Thiên Chúa, không gì là không có thể". Trinh Nữ đầy lòng tin và ưng thuận.

Giải quyết khó khăn thường nhật theo gương Mẹ Maria


Mỗi một vấn đề xảy đến trong cuộc sống luôn đòi hỏi ta phải giải quyết. Giải quyết dược vấn đề cách tốt đẹp theo con mắt người đời đã khó, giải quyết chúng theo lời mời gọi của Thiên Chúa thì thật thách đố biết bao! Đoạn Tin Mừng thánh Luca thuật lại biến cố Truyền Tin cho chúng ta một phương pháp tuyệt vời để đới diện với các vấn đề ập đến trong cuộc sống.

Ngay sau lời chào của sứ thần, chúng ta bắt gặp hình ảnh của một người con gái trẻ tuổi trong tâm trạng âu lo, sợ hãi. Maria ngỡ ngàng trước lời chào của sứ thần, lời chào: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Lời ấy khiến Mẹ phải bối rối như lời thánh sử Luca ghi lại: “Mẹ đã bối rối và tự hỏi trong lòng”. Mẹ không hề phản đối hay ít là tỏ thái độ. Mẹ cũng không cất lời để chất vấn lại sứ thần đang diện hiện sẵn sàng trước mặt mình. Nhưng Mẹ nhìn vào sâu thẳm trong tâm hồn và tự hỏi chính mình, như một cuộc hồi tâm nhanh chóng trong phút chốc trước biến cố bất ngờ. Một con người của cầu nguyện! Có lẽ Mẹ rất quen với việc hỏi ý kiến của Chúa trước khi hành động, trước khi phản ứng! Chính trong thái độ kiếm tìm Ý Chúa, Mẹ đã gặp được sự an ủi của sứ thần. Bài học đầu tiên cho chúng ta trong ngày hôm nay khi chiêm ngắm Mẹ. Cuộc sống không thiếu những lần dẫn chúng ta tới hoàn cảnh tương tự. Khi có một công việc đột xuất, một biến cố bất ngờ, một nguồn dư luận chói tai, một lời góp ý không dễ nghe,… trong những cảnh huống đó, lời Mẹ như đang mời gọi ta: hãy biết bình tâm trước cuộc sống mỗi khi nó đòi hỏi ta phải đưa ra một quyết định, một cách hành xử hay một phản ứng!

Trong thái độ bình tâm kiếm tìm Thánh Ý Chúa, Mẹ nhận ra sự đáp lời của Thiên Chúa ngay trong tâm hồn và trong hoàn cảnh đang phải đối diện. Sự an ủi của sứ thần dành cho Mẹ như một bảo đảm với mỗi chúng ta rằng Thiên Chúa sẽ đáp lời bao lâu ta còn thiết tha kiếm tìm Ý Ngài. Thực tế cuộc sống cho thấy một vấn đề, nhiều khi con người mất kiên nhẫn trước sự chậm trễ của Thiên Chúa. Nhìn lên Mẹ ta hãy tự vấn chính mình: Liệu tôi có thực sự tìm kiếm Thánh Ý Chúa, có sẵn sàng lắng nghe hay lắng nghe có chọn lọc? Nếu là lắng nghe có chọn lọc thì ta đang nghe tiếng mình chứ đâu phải kiếm tìm Ý Chúa! Cuộc sống này chỉ viên thành khi con người biết lắng nghe Ý Chúa và thực thi ý định đó mà thôi! Dẫu rằng lắng nghe tiếng Chúa là một điều khó nhưng sống tiếng Chúa vang vọng trong lòng thì còn khó biết chừng nào vì “con đường xa nhất là con đường từ đôi tai đến đôi tay”. Kinh nghiệm cuộc sống cho ta thấy được rằng chỉ ý mình mới là vuông tròn thôi. Nhưng cuộc đời đâu phải sống cho chính! Theo gương Mẹ ta cũng xin được ơn kiên trì kiếm tìm Ý Chúa trong hoàn cảnh. Chỉ khi con người kiên trì tìm kiếm và lắng nghe thì mới ước mong có một quyết định sáng suốt và đẹp lòng Chúa.

Đứng trước một cảnh huống không thể hiểu được, Mẹ đã sẵn sàng đối thoại để thắc mắc của mình được giải tỏa. Sứ thần của Thiên Chúa đã ân cần trong cuộc đối thoại để giúp Mẹ thấu hiểu Ý Chúa. Điều Mẹ tưởng là không thể và quả thực là không thể với con người thì với Thiên Chúa không có gì là khó. Đó chính là sự can thiệp của Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi con người. Cuộc sống này rất cần sự đối thoại! Đối thoại để hiểu nhau hơn, đối thoại để nối kết tình thân trong cuộc sống này. Đối thoại là con đường ngắn nhất để con người đến với nhau một cách thân tình và chân thành. Mẹ đã trở nên rất thân thiết với sứ thần của Thiên Chúa sau cuộc đối thoại chân thành thì điều này cũng sẽ đến trong các mối tương quan của cuộc sống nếu ta biết lưu tâm đến việc đối thoại. Thiên Chúa ban cho con người có miệng lưỡi để diễn đạt ý hướng của mình, để tạo tình thân với mọi người và đặc biệt để cùng nhau ca tụng Chúa. Dẫu là một đặc ân nhưng liệu ta có quảng đại trong lời nói hay không? Ta có sẵn sàng đối thoại mỗi khi có những trắc trở với chị em trong cuộc sống dù đó là sự cần thiết!

Lời đáp cuối cùng của Mẹ: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Lời “xin vâng” của Mẹ làm cho cả trời đất được vui mừng và là một mối phúc lành cho cả thế giới. Như Mẹ Maria đã quảng đại và sẵn sàng vâng nghe tiếng Chúa dẫu Mẹ cũng không biết trước được tương lai và những khó khăn sẽ đến trong đời Mẹ sau tiếng “xin vâng”, xin cho mỗi chúng ta cũng biết vâng theo Ý Chúa trong đời sống hàng ngày. Xin vâng là liều mình bước vào một hành trình mới trong quỹ đạo của Chúa. Xin vâng là hi sinh chính bản thân mình để Ý Chúa được thể hiện.

Mẹ Maria đã sống một đời thánh thiện nhờ sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, nhờ sống thánh Ý Chúa trọn vẹn trong cuộc sống. Những bước có vẻ rất đơn giản để giải quyết vấn đề trong cuộc sống: bình tâm nhìn lại mình, kiếm tìm Ý Chúa qua việc bàn hỏi với người không ngoan, lắng nghe tiếng Chúa qua đại diện của Ngài, quảng đại và sẵn sàng thưa “xin vâng”. Nhưng để học và hành được là điều không hề dễ với mỗi chúng ta! Xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa ban ơn thêm sức cho từng người con yêu của Mẹ để mỗi người biết bước từng bước trong khi giải quyết các vấn đề của cuộc sống theo gương Mẹ. Đó như là một cách giúp chúng ta tiến đến trên con đường thánh thiện mà Chúa đang mời gọi mỗi người. Ước mong mỗi ngày chúng ta tiến gần Chúa hơn theo bước chân dẫn đường của Mẹ!

Mary Rose, Nguyễn Thị Hường, MTG Tân Lập
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

ĐTC kêu gọi các bạn trẻ đừng chùn bước trước khó khăn

DTC tiếp kiến Học viện Barbarigo ở thành phố Padova

ĐTC mời gọi các bạn trẻ đừng để những khó khăn đè bẹp, nhưng hãy làm cho sức mạnh của bản thân và trong tư cách là Kitô hữu, được bộc phát, như những mầm mống một xã hội công bằng, huynh đệ, tiếp đón và an bình hơn.


Học viện Barbarigo, Padova

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 23-3-2019 dành cho 1.150 người gồm ban giám đốc, các học sinh và phụ huynh cũng như các cựu học sinh của Học viện Barbarigo ở thành phố Padova, bắc Italia, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập cơ sở giáo dục này.

Đương đầu với thách đố ngày nay

Trong cuộc gặp gỡ, ĐTC đã trả lời những câu hỏi do một vài bạn trẻ nêu lên. Ngài nhận xét rằng ”Thiên Chúa ủy thác cho người trẻ ngày nay một công tác quan trọng là đương đầu với những thách đố thời nay, những thách đố về mặt vật chất, nhưng trước tiên là thách đố về nhân sinh quan. Thực vậy, cùng với những vấn đề kinh tế, những khó khăn trong việc tìm công ăn việc làm và tương lai bất định, chúng ta cũng thấy có cuộc khủng hoảng về các giá trị luân lý và thái độ ngỡ ngàng không chắc chắn về ý nghĩa cuộc sống.”

Chống lại cám dỗ chạy trốn

Trước những tình trạng đó, ĐTC nhắn nhủ các bạn trẻ ”đừng chiều theo cám dỗ chạy trốn, khép mình trong thái độ cô lập ích kỷ, hoặc tìm quên trọng rượu chè, ma túy, hoặc trong những ý thức hệ rao giảng oán thù và bạo lực”. Ngài nói:

”Đó là những thực tại mà tất cả chúng ta đều biết rõ. Vì thế, tôi khuyên các bạn đừng để mình bị đè bẹp, nhưng không chút sợ hãi, hãy làm nổi bật sức mạnh đến từ chính con người của các bạn, từ tư cách Kitô hữu của các bạn, từ sự kiện các bạn là những mầm mống sinh ra một xã hội công bằng, huynh đệ, có tinh thần đón tiếp và an bình. Cùng với Chúa Kitô, các bạn là sức mạnh của Giáo Hội và của xã hội. Nếu các bạn để cho Chúa Kitô uốn nắn, nếu các bạn cởi mở đối thoại với Chúa trong kinh nguyện, trong việc đọc và suy niệm Tin Mừng, các bạn sẽ trở thành những ngôn sứ và chứng nhân về niềm hy vọng”. (Rei 23-3-2019)

"Vì lòng mến dân tôi, tôi sẽ không nín lặng": Ngày tưởng nhớ các nhà truyền giáo tử đạo

"Vì lòng mến dân tôi, tôi sẽ không nín lặng"

Câu Kinh Thánh "Vì lòng mến dân tôi, tôi sẽ không nín lặng" (Is 62,1), được chọn làm chủ đề cho Ngày cầu nguyện và ăn chay lần thứ 27, tưởng nhớ các nhà truyền giáo tử đạo được cử hành năm vào ngày 24 tháng 3.

Câu Kinh thánh được lấy cảm hứng từ lời chứng của Đức Tổng Giám mục Oscar Arnulfo Romero, Tổng Giám mục San Salvador. Ngày 24 tháng 3 được chọn vì là ngày Đức Tổng Giám mục bị giết vào năm 1980. Đức Tổng Giám mục bị giết trong khi ngài đang cử hành Thánh lễ; được phong á thánh ngày 23 tháng 5 năm 2015 và được Đức Giáo hoàng Phanxicô phong thánh vào ngày 14 tháng 10 năm 2018.

"Yêu Chúa có nghĩa là yêu thương anh chị em mình, là bảo vệ quyền cho anh chị em, chấp nhận sợ hãi và khó khăn của họ”. Đây là những điều được viết trong tập hướng dẫn trợ giúp do Missio Italia chuẩn bị cho hoạt động của Ngày cầu nguyện. Vì tình yêu của dân, tôi sẽ không im lặng có nghĩa là hành động kiên vững với đức tin. Là Kitô hữu, môn đệ truyền giáo, người mang Tin mừng của Chúa Giêsu, chúng ta không thể im lặng khi đối diện với cái ác. Nếu chúng ta làm như vậy có nghĩa là phản bội sự ủy thác được giao phó cho chúng ta.

Được thành lập vào năm 1993 do sáng kiến của Phong trào Truyền giáo Giới trẻ của Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo ở Italia, với mục đích tưởng nhớ tất cả các chứng nhân của Tin mừng bị giết ở nhiều nơi trên thế giới. Sáng kiến này đã lan rộng ra nhiều quốc gia. Nhiều giáo phận, dòng tu, các phong trào Giáo hội có những sáng kiến đặc biệt để tưởng nhớ các nhà truyền giáo của họ và tất cả những người đã đổ máu vì Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài. Đức Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục nhắc nhớ rằng "ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn những thế kỷ trước".

Trong năm 2018, theo báo cáo hàng năm do Hãng tin Fides thuộc Bộ Truyền giáo, có 40 nhà truyền giáo đã bị giết trên thế giới, gần gấp đôi so với 23 vị của năm trước và hầu hết là các linh mục: 35 cha. Năm 2018, châu Phi đứng đầu trong bảng xếp hạng bi thảm này.

Cha Giulio Albanese, một nhà truyền giáo và giám đốc của các tạp chí Truyền giáo Italia, trong bài suy tư về chủ đề của ngày cầu nguyện này cho biết: "Bạo lực lan tràn và tiếp tục hoành hành ở vùng ngoại ô và hiện hiện trong thời đại chúng ta, nó không chỉ giới hạn ở những sự kiện đẫm máu. Thực tế, các vụ giết người ngày càng trở nên đau đớn hơn; từ Châu Phi đến Châu Mỹ Latinh, từ Trung Đông đến Viễn Đông. Chỉ cần nghĩ đến việc tuyển dụng lính trẻ em những người trẻ bị lôi kéo từ các đường dây lừa dối; nhiều gia đình bị rơi vào tuyệt vọng; nhiều hoạt động sản xuất bị cản trở bởi tống tiền; sự cam chịu của nhiều dân tộc, gần như đó là một thảm họa không thể tránh khỏi! Là nhhững người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, đón nhận sứ vụ loan báo Tin Mừng giải thoát của Chúa Kitô, chúng ta không thể im lặng trước sự lan tràn của tội ác. Lời dạy của ngôn sứ: Vì tình yêu của dân tôi, tôi sẽ không im lặng phải thức tỉnh chúng ta".

Sự trợ giúp hướng dẫn do Missio Italia thực hiện đưa ra nhiều gợi ý khác nhau cho hoạt động của ngày này: một suy tư ngắn cho mỗi Chúa nhật, từ Mùa Chay đến Lễ Ngũ Tuần; chặng đàng Thánh giá, chầu Thánh Thể, canh thức cầu nguyện trước ngày 24 tháng 3, cử hành phụng vụ sám hối cộng đoàn. Năm bộ phim cũng được chiếu về chủ đề này và đưa ra một số đề xuất để tạo ra một "hoạt động đường phố". Cử chỉ liên đới theo truyền thống cùng với việc cử hành Ngày này là một dự án dành cho giới trẻ giáo xứ Sainte Marie ở Mwenga, thuộc giáo phận Uvira, Cộng hòa Dân chủ Congo. Nhân dịp này, Missio cũng đề xuất một chiến dịch nâng cao nhận thức thông qua các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và Instagram

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

Tin Mừng Chúa nhật 3 mùa Chay - Năm C

24-03-chua-nhat-iii-mua-chay-nam-c

Phúc Âm: Lc 13, 1-9
"Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".

Ngài nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: "Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!" Nhưng anh ta đáp rằng: "Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi".

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

ĐTC sẽ ký và công bố Tông Huấn về giới trẻ

Đền thánh Đức Mẹ Loreto, trung Italia
Đền thánh Đức Mẹ Loreto, trung Italia 

Tông huấn hậu Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ có tựa đề là ”Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng của chúng ta” (Vive Cristo, esperanza nuestra” sẽ được ĐTC ký và công bố ngày thứ hai, 25-3 tới đây, trong cuộc viếng thăm của ngài tại Đền thánh Đức Mẹ Loreto, trung Italia.


Tông huấn có hình thức như một thư gửi giới trẻ, và nguyên bản được viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Qua việc ký và công bố văn kiện này tại Loreto, ĐTC muốn phó thác cho Đức Mẹ Maria văn kiện đúc kết Thượng HĐGM thế giới đã tiến hành tại Vatican cách đây 5 tháng, từ ngày 3 đến 28-10 năm ngoái về chủ đề ”Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”.

Sứ điệp của Văn phòng Tổng thư ký THDGM

Trong một sứ điệp ngắn, Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM đã phổ biến một đoạn do chính ĐTC viết tay, và những câu đầu tiên của Tông Huấn sẽ là:

”Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng của chúng ta, và Ngài là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này. Tất cả những gì Ngài động đến đều trở thành trẻ, trở nên trẻ trung, và tràn đầy sức sống. Vì thế, những lời đầu tiên mà tôi muốn gửi đến mỗi người trẻ Kitô là: Chúa sống và Chúa muốn bạn sống!” (Cath.ch 20-3-2019)

Biến cố đặc biệt

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của HĐGM Italia, truyền đi hôm 20-3 vừa qua, Đức TGM Fabio Dal Cin, Đặc Ủy của Tòa Thánh về Đền thánh Loreto, nhận xét rằng ”việc ký và công bố Tông Huấn Hậu Thượng HĐGM tại Loreto vào thứ 2 tới đây là một sự kiện ngoại thường, vì theo thông lệ, Văn kiện này được ký và công bố tại Vatican. Lần này ĐTC ký Văn kiện tại Loreto, biến nơi đây thành nơi gìn giữ một ký ức lịch sử và sinh động”. Cử chỉ này cũng xác nhận mồi liên hệ giữa Đền Thánh Đức Mẹ Loreto và giới trẻ. Sứ điệp ĐTC để lại là tái đẩy mạnh trung tâm Montorso ở Loreto này là nơi đón tiếp các bạn trẻ. (Sir 20-3-2019)

Thánh lễ mừng Thượng Thọ Bát Tuần cha GB Võ Văn Ánh


“Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ đợi vòng hoa dành cho người công chính”. Câu 7 chương 4 trong thư 2 Timôthê của thánh Phaolô tông đồ đã được cha Tổng Đại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân trích dẫn trong bài chia sẻ Thánh lễ tạ ơn mừng Thượng Thọ Bát Tuần của cha GB Võ Văn Ánh, nguyên chánh sở giáo xứ Tân Định, vào lúc 17g30 ngày 20/03/2019 tại Nhà Thờ Tân Định.

Hiện diện trong Thánh lễ gồm có Đức cha Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chủ tế, cha Tổng Đại diện Inhaxiô, cha GB Võ Văn Ánh, cha sở giáo xứ Tân Định Phaolô Nguyễn Quốc Hưng và khoảng 40 linh mục trong và ngoài Tổng Giáo phận Saigon. Đông đảo cộng đoàn dân Chúa, các đoàn thể trong TGP Saigon đều đến tham dự.

Mở đầu Thánh lễ, cha chánh sở giáo xứ Tân Định Phaolô Nguyễn Quốc Hưng đã nói lên niềm hân hoan chào đón cha nguyên chánh sở giáo xứ Tân Định GB Võ Văn Ánh trở về ngôi nhà thờ thân yêu để dâng Thánh lễ tạ ơn nhân ngày Thượng Thọ Bát Tuần. Đây cũng là một dịp để giáo dân Tân Định cùng tạ ơn Chúa và cám ơn công sức đóng góp của cha GB trong suốt 18 năm cha làm chánh sở tại đây. Cha Phaolô cũng cám ơn Đức cha Giuse, dù bận nhiều việc, cũng đã cố gắng thu xếp để đến đây chủ tế Thánh lễ tạ ơn. Đồng thời cha chánh sở cũng cám ơn cha Tổng Đại diện, quý cha đồng tế, quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân và thân nhân cùng toàn thể cộng đoàn Dân Chúa đã hiện diện đông đảo để cầu nguyện cho cha Gioan Baotixita. Sau đó, cha đã mời Đức cha bắt đầu Thánh lễ.

Trong bài giảng, phần đầu, cha TĐD Inhaxiô đã nhắc lại tiểu sử của cha GB Võ Văn Ánh:

Cách đây 80 năm, vào ngày 20/3/1939, tại họ đạo Quang Diệu, 1 họ đạo cổ kính của giáo phận Vĩnh Long đã đón nhận 1 thành viên mới: chú bé GB Võ Văn Ánh chào đời trong một gia đình đạo đức, mọi người đều ước mong sau này chú bé sẽ trở thành một vì sao sáng trên vòm trời… Ước mong đó đã trở thành hiện thực vào ngày 14/5/1968, thầy GB đã chịu chức linh mục với khẩu hiệu cuộc đời linh mục của mình: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thề gian”.

Tiếp theo, cha TĐD nêu 3 đặc điểm của cha GB Võ Văn Ánh:

Trước nhất, ngài là 1 vị tông đồ hăng say rao giảng Tin Mừng cứu độ.

. Tận tụy hướng dẫn, chăm sóc chu đáo các chủng sinh tại Tiểu chủng viện Saigon.
. Củng cố và phát triển các đoàn thể tông đồ giáo dân nhất là Legio Mariae tại giáo xứ Thị Nghè.
. Củng cố đức tin tín hữu trong một thời kỳ khó khăn tại giáo xứ Xóm Chiếu.
. Củng cố và phát triển họ đạo Chợ Đũi.
. Xây dựng và củng cố ngôi nhà đức tin tại giáo xứ Chợ Quán.

Thứ hai, ngài là một mục tử nhiệt thành, tận tụy, một mục tử giàu lòng thương xót.

. Xây dựng các cơ sở vật chất, xây dựng ngôi nhà đức tin cho giáo xứ Tân Định.
. Cha GB đã làm hết sức mình để giáo dân Tân Định ngày một yêu mến Chúa nhiều hơn, ngày càng đồng hình đồng dạng với Chúa hơn.
. Xây dựng bệnh viện để chăm sóc người nghèo nhiều hơn.
. Chịu trách nhiệm nhiều đoàn thể lớn trong TGP: Đại diện Giám mục đặc trách giáo dân, Tổng Giám đốc Hội Bà Mẹ Công giáo, Tổng linh hướng cộng đoàn Lòng Chúa Thương xót, Tổng linh hướng Hội Mân Côi.

Thứ ba, ngài có lòng hiếu thảo đối với người mẹ ruột của mình và với người mẹ thiêng liêng là Giáo hội. Ngài động viên các bà mẹ Công Giáo chăm sóc các chủng sinh; quan tâm đến các giáo xứ nghèo ở vùng sâu vùng xa. Năm 2004, ngài đã vận động các đoàn thể trong giáo phận xây dựng Nhà Thờ An Thới Đông làm món quà sinh nhật Thất Tuần cho Đức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn. Ngài cũng tham gia nhiều công tác xã hội để đem Chúa đến cho mọi người.

Cuối cùng, cha TĐD kết luận: Cha GB kính mến của chúng ta đã sống trọn vẹn khẩu hiệu đời linh mục của ngài: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian” bằng nhiều cách thế khác nhau. Chúng ta có thể mượn câu của Thánh Phaolô để nói về ngài: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ đợi vòng hoa dành cho người công chính”. Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu.

Cuối lễ, chị Têrêsa Đinh Thụy Miên, chủ tịch HĐMV, đã lên chúc mừng, tặng hoa và quà cho cha GB Võ Văn Ánh, cám ơn Đức cha Giám quản Giuse, cha TĐD Inhaxiô, cha sở Phaolô, quý cha đồng tế, quý nam nữ tu sĩ, các đoàn thể trong TGP, các ân nhân, thân nhân trong gia đình cha cố, ca đoàn Gloria và toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện.

Tiếp theo, cha Đa Minh Nguyễn Đình Tân, bạn của cha Ánh, đã tuyên đọc Phép Lành Tòa Thánh của Đức Thánh Cha Phanxicô ưu ái gởi đến mừng Thượng Thọ Bát Tuần cha Gioan Baotixita Võ Văn Ánh; sau đó Đức cha Giám quản đã trao Phép lành cho cha Ánh. Trong vài lời vắn tắt, cha GB Ánh đã cám ơn Đức cha, cha TĐD, cha sở Phaolô đã tổ chức chu đáo buổi lễ này và toàn thể giáo dân đến dự.

Trong một nghi thức long trọng, Đức cha Giám quản đã ban phép lành đặc biệt cho toàn thể tín hữu hiện diện. Khi bài hát “Xin dâng lời cảm tạ…” vừa kết thúc, quý cha đồng tế, quý cộng đoàn dân Chúa thay phiên nhau lên chụp hình kỷ niệm với Đức cha, cha TĐD và cha GB Võ Văn Ánh. Thánh lễ kết thúc vui tươi, thắm đậm tình cha con thương mến.

HỮU LỄ (BÀI VIẾT) & TRẦN VĂN(HÌNH ẢNH)

Không gian và thời gian thánh

Tôi vừa được diễm phúc trải nghiệm thêm một không gian và thời gian thánh trong khóa Tĩnh Tâm Cuối Tuần dành cho người trẻ bận rộn tại Đan Viện Thánh Mẫu Xitô Ngọc Đồng, Biên Hòa. Ấn tượng nhẹ nhàng, nhưng thật sâu lắng.


Xem ra, cuộc sống của xã hội hiện đại nói chung, và của các bạn trẻ nói riêng cứ lao đi như con thoi, chồng chéo những lắng lo, chằng chịt các tương quan phức tạp. Bước nhanh, lái xe nhanh, nói nhanh, quyết định nhanh … Phải nhanh như thế, bạn mới có thể thích ứng được với một xã hội công nghiệp. Rồi khen thưởng, tăng lương, thăng chức … tất cả làm cho cuộc sống có vẻ thành công và hạnh phúc.

Ấy vậy mà khi cuộc sống càng chạy nhanh, con người có vẻ lại phải đối diện với cái trống rỗng nội tâm ngày càng lớn. Vẫn đau đáu trong lòng một thao thức của con tim muốn tìm kiếm một khoảng lặng, ở đó mình được tự do tìm ý nghĩa của những việc mình đang làm, của cuộc sống mình đang đảm nhận, của những thứ được gọi là “thành công” và “hạnh phúc” mà cuộc sống thời công nghiệp tặng cho.


Và bạn đã tìm đến với Tĩnh tâm Cuối tuần!

Tĩnh tâm Cuối tuần có cái gì đó riêng biệt: một không gian hoàn toàn tách biệt; một thời gian được chia thành những giờ cầu nguyện trong thinh lặng hoặc với nhạc nhẹ và ánh nến; những cuộc trao đổi thiêng liêng với người đồng hành được thực hiện trong sự hiện diện thánh thiện của một NGƯỜI THỨ BA – Đức Giê-su. Mọi thứ được sắp xếp, chuẩn bị chu đáo để góp phần tạo nên một không gian và thời gian thánh, ở trong không gian và thời gian thánh sẵn có của Đan Viện.

Đón lấy sự tĩnh lặng, dù mới đầu bạn cảm thấy thật khó chịu, cô đơn, buồn chán, muốn bỏ về… nhưng nếu kiên trì, bạn sẽ òa vỡ vì bạn bắt đầu nghe được những chuyển động trong lòng mình; bạn tìm được cái chìa khóa mở lòng mình ra cho một hướng đi mới, với niềm vui và hy vọng.


Chắc hẳn hiện nay bạn đã quen với cụm từ “sống chậm”. Thế giới thúc bạn chạy nhanh, lòng bạn nói hãy chậm lại. Bạn không thể “sống chậm” 365 ngày, nhưng chắc chắn bạn có thể sống chậm trong những khoảng thời gian đặc biệt của kỳ Linh Thao năm, Tĩnh tâm Cuối tuần, một buổi tĩnh tâm, hay ít nhất là chậm lại để nhìn lại một ngày sống trong phút Hồi tâm cuối ngày.

Lần đầu tiên được đồng hành với các bạn trẻ trong chương trình, tôi tri ân tận đáy lòng mình về một cơ hội như thế. Cám ơn các bạn đã cho phép tôi được bước vào không gian và thời gian thánh của lòng bạn. Bạn đã đặt tôi vào vị trí của người bạn của Thầy Giêsu, để hiện diện với bạn, lắng nghe bạn, vui với bạn, đau với bạn, khích lệ bạn, chuẩn nhận một điều tốt nơi bạn, dìu bạn tiến sâu hơn vào trong cầu nguyện… để bạn có thêm lý do để tạ ơn Chúa, cám ơn mình, thêm hy vọng, thêm động lực, thêm kỉ niệm, nhất là thêm gắn bó với Đấng hiện diện cách vô hình trong đời bạn.

Hẹn lần sau, xin hẹn lần sau nhé…


Thùy Trang, DHM

Hai linh mục Phi châu bị sát hại trong vòng một tuần

Châu Phi - nơi nhiều nhà truyền giáo bị sát hại vì chiến tranh và tội phạm
Châu Phi - nơi nhiều nhà truyền giáo bị sát hại 
vì chiến tranh và tội phạm  (AFP or licensors)

Hôm 20.03, người ta đã tìm thấy thi hài của cha Clement Rapuluchukwu Ugwu, người Nigieria, bị bắt cóc một tuần trước đó. Cùng ngày này, Cha Toussaint Zoumaldé, cũng bị sát hại tại Camerun.

Cha Clement Rapuluchukwu Ugwu

Cha Clement Rapuluchukwu Ugwu là cha xứ giáo xứ thánh Marco ở Obinofia Ndiuno, bang Enuggu, Nigieria. Ngày 13.03. cha Ugwu đã bị những tên cướp bắn bị thương và đưa đi khỏi nhà xứ. Ngày 20.03, thi thể trong tình trạng phân hủy của cha đã được tìm thấy trong khu rừng không xa nơi cha bị bắt cóc.

Đức cha Callistus Onaga của giáo phân Enugu đã yêu cầu cảnh sát bắt giữ những kẻ giết vị linh mục và ngài tố cáo hàng loạt vụ giết người cách bạo lực trên khắp đất nước. Đức cha đã mời gọi các Kitô hữu tăng cường cầu nguyện cho đất nước.

Đức cha cũng tiếc là cảnh sát đã thất bại trong việc giải cứu cha Ugwu dù đảm bảo rằng họ đang theo dấu những kẻ bắt cóc, trong khi đó, những tên cướp này vẫn bình thản tiếp tục rút tiền từ tài khoản của linh mục thông qua thẻ ATM.

Cha Toussaint Zoumaldé

Cùng ngày 20.03, cha Toussaint Zoumaldé, người Trung phi, thuộc dòng Cappuchino, đã bị sát hại. Cha Zoumaldé sinh năm 1971, đã làm phóng viên trong thời gian dài tại Radio Siriri của giáo phận Bouar. Theo tin hãng Fides nhận được từ Bề trên của dòng Cappuchino ở Cộng hòa Chad và Cộng hòa Trung Phi, cha Zoumaldé đã đi đến giáo phận Bouar, ở phía đông của Trung Phi, để hướng dẫn một khóa đào tạo linh mục bản xứ. Trên đường trở về cộng đoàn ở Cộng hòa Chad, cha dừng lại nghỉ ở Camerun. Đêm ngày 19 rạng sáng 20.03 vừa qua, cha đã bị những người lạ mặt tấn công và bắn chết ở Ngaoundéré (Camerun), nơi cha dừng lại nghỉ đêm.

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Thánh Giuse có cánh tay dài


cath.ch, Christine Mo Costabella, 2019-03-18

Ngày 19 tháng 3, Giáo hội mừng lễ Thánh Giuse, khi gặp khó khăn vật chất hay khó khăn gia đình, giáo dân thường đến khấn với Thánh Giuse. Truyền thống này ở vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp rất mạnh. Còn Đức Phanxicô thì khi có chuyện lo lắng, ngài viết ra giấy để dưới tượng Thánh Giuse rồi đi ngủ. Các tín hữu công giáo Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp giao phó cho ngài các lo lắng của mình và nhiều khi họ nhận được kết quả thật lạ lùng. 

Một chiếc xe tải bất ngờ

Ở Epinassey, gần Saint-Maurice, cộng đoàn Eucharistein sống nhờ của từ thiện. Nữ tu quản lý Delphine kể: “Cách đây vài năm, có một lúc, cộng đoàn hụt thức ăn. Nhưng ngày 19 tháng 3 sau khi đi lễ về, tôi thấy chiếc xe tải của hội ‘Tables du Rhône’ ở trước cửa. Hiệp hội này phân phát lại những gì họ bán không được. Chúng tôi ngạc nhiên thấy họ ở đây ngày này, vì ngày 19 tháng 3 là ngày nghỉ lễ ở thị trấn Valais! Thật ra một cửa hàng ở Aigle đã gọi để cho những gì họ bán không được. Vì hội ‘Tables du Rhône’ không tìm một cơ quan nào mở cửa vào ngày này nên họ đem đến cho chúng tôi. Thế là phòng lạnh của chúng tôi đầy ắp rau, trái cây, phô-mai và thịt nguội!”

Nữ tu Delphine kể tiếp: “Một ngày nọ tôi biết có loại máy chân không để bảo quản thức ăn. Tôi không viết máy này vào danh sách ‘Thánh Giuse’ để đưa cho các bạn tôi biết những loại chúng tôi cần, vì tôi nghĩ không có máy này mình cũng sống được! Nhưng tôi nói với Thánh Giuse: ‘Nếu ngài thấy là tốt thì xin Thánh Giuse cho cộng đoàn con một cái’.

Vài ngày sau, một người trong thị trấn qua đời và chúng tôi đến dọn tủ sách của họ. Trong tủ sách có một cái máy nhỏ. Chúng tôi nghĩ đó là loại máy quét hình (scan) vì nó ở giữa các quyển sách. Nhưng cuối cùng khi vào mạng xem hiệu máy, thì đó là máy ép thực phẩm chân không!”

Phải hợp tác với Thánh Giuse, ngài không tự động phân phối

Nữ tu Delphine để ý: “Đôi khi Thánh Giuse cho, đôi khi không. Có một dạo, tôi xin ngài thức ăn nhưng hoàn toàn không có. Chúng tôi rất lo. Chỉ còn một ít rau trong phòng lạnh. Tôi không nấu vì nó không được tươi và cũng không đủ cho cộng đoàn ăn.

Cuối cùng tôi nghĩ, phải sắp lại trật tự phòng lạnh. Khi tôi đang làm thì một chiếc xe van nhỏ chở đầy thực phẩm đến! Thánh Giuse thật dễ thương, nhưng ngài chờ mình hợp tác với ngài! Mình đừng để mất cái gì ngài cho mình.” 

Học chia sẻ

Nữ tu Delphine xác nhận: “Tôi để ý khi mình nhận nhiều thì mình phải chia sẻ; nếu không lần sau mình sẽ không nhận gì. Thánh Giuse dạy chúng ta phải rộng lượng. Khi chúng tôi nhận nhiều, chúng tôi chia sẻ với những gia đình thiếu thốn hay với một cơ quan khác.”

Một mái nhà cho em bé

Cách đây vài năm cộng đoàn Epinassey đón nhận một phụ nữ mang thai. Các nam nữ tu sĩ ở đây tìm một nơi để cô ở sau khi sinh. Nữ tu Delphine kể: “Vì chúng tôi không tìm ra, chúng tôi viết thư cho Thánh Giuse, chúng tôi nói rõ ràng cho ngài biết những gì chúng tôi cần!”. Một mái nhà ở gần để cộng đoàn tiếp tục chăm lo cho người phụ nữ trẻ.

Vài tuần sau trước khi cô sinh, chúng tôi tìm một căn phòng ở một làng bên cạnh Epinassey. Thánh Giuse là chuyên gia lo cho các phụ nữ mang thai!”

Thánh Giuse đốn cây

Bà Claire ngoài 70 tuổi ở Lausanne kể: “Cách đây mười mấy năm, chúng tôi phải đốn một cây dương liễu trong vườn. Người hàng xóm của chúng tôi than phiền lá rụng qua nhà họ, vì thế mà giao tiếp giữa chúng tôi thành khó khăn. Chồng tôi muốn đốn cây một mình, anh nói anh có học đốn cây trong thời gian đi lính! Tôi không tin chắc. Tôi lên lầu hai, tôi để tượng Thánh Giuse trước cây dương liễu, không những cây được đốn thẳng thớm, mà người láng giềng còn qua phụ với chúng tôi một tay!”

Việc làm trong ngành kiến trúc

Bà Mariella Maguiđa, 58 tuổi kể: “Tháng 10 năm 2018, tôi mất việc làm trong ngành kiến trúc vì cơ quan tái cấu trúc. Phải nói là tôi bằng lòng, vì công việc của tôi chủ yếu dùng máy tính nên tay tôi bị đau!

Một cô bạn trong nhóm cầu nguyện của tôi ở Genève đề nghị tôi làm tuần cửu nhật với Thánh Giuse. Cô nói tôi phải ghi chính xác những gì tôi cần: tôi xin một công việc gần phương tiện chuyên chở công cộng vì tôi không thích lái xe, một công ty dùng chương trình vẽ mà tôi quen thuộc và các bạn đồng nghiệp dễ chịu.

Một vài ngày sau, tôi nạp đơn vào một cơ quan mà tôi nghĩ không chắc sẽ được nhận! Nhưng tôi lại được nhận! Tôi đi bộ mười phút đi làm, tôi có nhiều công việc và các bạn đồng nghiệp rất dễ thương. Để cám ơn ngài, tôi đọc kinh Thánh Giuse mỗi ngày!” 

Thoát được chai rượu

Linh mục Jean-Marie Cettou thuộc Cộng đoàn Phúc Thật giáo xứ Thánh Têrêxa ở Lausanne kể: “Năm 1996, chúng tôi đón nhận một người có vấn đề rượu ở Venthône, tôi nói với Thánh Giuse là ngài phải lo. Và ngài lo thật, trong vòng 2 tháng, ông Bernard không đụng đến chai rượu. Ông đã cai được 22 năm nay. Ông phụ với chúng tôi xây nhà nguyện dâng hiến Thánh Giuse; trước mặt nhà nguyện, ông khắc trên đá ‘Tạ ơn Thánh Giuse’!” 

Một bức tường hơi đặc biệt

Ông Bernard Dayer, 65 tuổi giải thích: “Tôi lo nhiều việc ở công trường của cộng đoàn ở Venthône, nơi tôi sống. Mỗi lần tôi cần gì cho công việc tôi đều cầu nguyện với Thánh Giuse; gần như phần lớn những việc tôi xin đều được miễn phí.

Một ngày nọ, tôi phải làm một bức tường hơi đặc biệt, tôi không biết làm như thế nào. Tôi cầu nguyện với Thánh Giuse và bỗng trên giường ngủ, tôi nảy ra sáng kiến. Thánh Giuse là người thầm lặng, ngài nói rất nhiều mà như không nói gì. Tôi thích lắng nghe ngài?” 

Bậc thầy của cuộc sống nội tâm

Linh mục Jean-Marie kể thêm: “Rất nhiều người xin Thánh Giuse những chuyện vật chất; nhưng trước hết ngài giúp chúng ta mở rộng tâm hồn. Theo tôi, ngài là bậc thầy của đời sống nội tâm; những gì Chúa Giêsu rao giảng, các dụ ngôn của Ngài là Ngài đã học ở Thánh Giuse.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch


Đừng đánh mất khoảnh khắc Chúa nói với bạn!


Đã 15 năm kể từ ngày ấy, mà khi nghe Cha kể chuyện, có cảm giác như vẫn sống động mới từ hôm qua. Đó là khoảnh khắc Cha “chợt bỏ lỡ”, khi Chúa muốn nói với Cha, trong lần gặp gỡ cậu bé thuộc gia đình người Việt tị nạn tại Châu Âu. Nhưng rồi, cũng chưa đến nỗi nuối tiếc. Khuôn mặt và nước mắt của cậu bé, đã in đậm dấu ấn trong tâm hồn Cha suốt thời gian qua. Đó là tiếng nói của con tim rung động rất tự nhiên và bất ngờ!

Câu chuyện là thế này. Hôm đó, Cha John Dardis SJ, người Ailen, làm việc tại Roma, cùng hai người bạn lái xe đi dạo một vòng, đến trung tâm thành phố nọ của Châu Âu. Vì là thành phố lớn, nên tấp nập khách du lịch. Xe lướt qua vùng trung tâm, ven theo con đường. Nhìn kìa, ngoài khách du lịch, đó đây tại các góc phố, tại các ngả đường, thấp thoáng những cô gái rất xinh đẹp đang đứng chờ khách tới. Cha nhìn mà cảm thấy thật đáng thương cho họ. Cũng là phận người, mà người ta thì đi chơi đi du lịch, còn các cô gái kia: xinh đẹp có, duyên dáng có, nhưng vì biết bao lý do, mà ngày ngày vẫn phải sống cái nghề bán thân ấy. Sự thương cảm rung lên từ trái tim con người, lại càng cảm thấy nhói đau hơn nữa, khi nhìn những con người ấy với tấm lòng người mục tử. Thân phận bọt bèo, ở đâu cũng có, phương trời nào cũng chẳng hề thiếu.

Chạnh lòng thương, nhưng biết làm sao được, cuộc sống vẫn cứ thế trôi. Các Cha lái xe tiếp tục băng qua những con phố. Để tạm biệt thành phố ấy, các Cha ghé vào một tiệm để gọi là mua chút quà lưu niệm cho chuyến đi. Cách tình cờ, tiệm ấy là của một gia đình tị nạn người Việt. Cũng chẳng định mua cái gì, nhưng thôi chọn đại một cái áo phông, vì lòng Cha còn đang vấn vương về cảnh những cô gái đứng đường, về cảnh khu ổ chuột của người dân nhập cư, người dân tị nạn, nằm ngay đằng sau các con phố hoành tráng của người dân địa phương.

Khi tính tiền, một cậu bé chừng 15 tuổi, là con của gia đình ấy, cầm chiếc áo tới và nói giá: Dạ, cái áo này giá 10 euro ạ! Theo thói quen, Cha John trả giá: 5 euro thôi. Cậu bé nói: Dạ, không được đâu ạ, nếu thế thì 9 euro. Cha lại trả giá tiếp: Thế thì 6 euro. Hai bên cứ thế trả giá giống như cảnh mua bán thường thấy ở các khu chợ của người tị nạn, hoặc khu chợ trời. Cha bạn của Cha John lúc này mới lên tiếng một cách thật bất ngờ: Này cậu bé, tôi muốn mua chiếc áo ấy với giá 15 euro. Cha John giật mình không hiểu. Nhưng ngay lúc ấy, cậu bé bật khóc, nước mắt rơi lã trã.

Trong giây lát, Cha John cảm thấy động lòng trắc ẩn đến khó tả. Con tim Cha mách bảo rằng: Tôi đã bỏ lỡ khoảnh khắc Chúa muốn trao cho tôi. Cha hiểu được rằng: Người bạn của Cha đã không bỏ lỡ khoảnh khắc ấy. Cha thấy được rằng: Có lẽ, đây là lần đầu tiên trong đời, cậu bé được đối xử một cách quảng đại tốt lành như thế. Có lẽ trong khu phố ổ chuột dành cho người tị nạn này, nơi mà biết bao cô gái phải bán thân để mưu sinh, nơi mà người ta phải chật vật với những nhu cầu căn bản nhất của cuộc sống, bao năm qua, cậu chưa bao giờ thấy người ta đối xử tốt với cậu như thế. Có lẽ chưa khi nào, cậu nhìn thấy một người bản xứ (người Châu Âu) lại tỏ lòng tôn trọng và quý mến với cậu như thế.

Dù là một linh mục Dòng Tên, nhưng đó lại là cái lần đầu tiên Cha ý thức được rằng, lâu nay Cha chỉ sống và đối xử với mọi người theo lý lẽ, theo luật pháp, chứ chưa cảm nhận được tiếng nói của con tim, chưa hiểu được cách sống quảng đại của Tình Yêu vô biên của Chúa. Thực lòng mà nói, Cha tự thú: ngay trong lúc ấy, Cha hiểu được rằng mình chưa thực sự sống lòng biết ơn.

Cha John Dardis SJ hiện là Tổng Cố Vấn cho Cha Bề Trên Cả trong lĩnh vực Nhận định và Hoạch định Chương trình Tông Đồ. Cha giúp tĩnh tâm một ngày cho chúng tôi tại Học Viện Quốc Tế Dòng Tên tại Roma hôm qua 16.03.2019. Cha đã chia sẻ câu chuyện rất cảm động với tất cả nhiệt huyết. Để kết thúc Thánh Lễ, Cha còn muốn nhấn mạnh một điều vô cùng quan trọng: Nếu thiếu Tình Yêu của Thiên Chúa, thì Nhà Dòng chỉ còn là một tổ chức phi chính phủ. Sau Thánh Lễ, tôi cám ơn Cha và còn đùa: Thưa Cha, con cám ơn Cha nhiều lắm, nhưng giờ con cũng muốn có 15 euro. Cha cười tươi rói: Cậu lại giỏi làm ăn!

Tứ Quyết SJ

HĐGM Ba Lan chống ”Hiến chương đồng tính luyến ái”

HĐGM Ba Lan

HĐGM Ba Lan mạnh mẽ chống lại cái gọi là Hiến chương cổ võ Đồng tính luyến ái, lưỡng giống và đổi giống, gọi tắt là LGBT, đang được tranh luận nhiều tại Ba Lan, với việc thăng tiến quyền của những người đồng tính luyến ái tại học đường và môi trường làm việc

Trong số những người ký tên ủng hộ hiến chương LGBT có thị trưởng thànnh Varsava, Ông Rafal Trzaskowski.

Trong tuyên ngôn chung gồm 11 điểm công bố ngày 13-3-2019, nhân Khóa họp toàn thể vừa qua, các GM Ba Lan tố giác rằng người ta đi từ cuộc chiến chống kỳ thị người Đồng tính luyến ái đến sự kỳ thị những người có lập trường khác về vấn đề này. Các GM tuyên bố ủng hộ công ích của toàn thể xã hội, đặc biệt là quyền của các cha mẹ và con cái.

HĐGM Ba Lan cũng chống lại việc dùng công quĩ đề tài trợ dự án gọi là bênh vực quyền của các nhóm LGBT. Điều này tạo cho người ta nghi ngờ về việc tôn trọng các nguyên tắc về công bằng xã hội.

Phê bình môn học đe dọa căn tính tính dục

Các GM Ba Lan đặc biệt phê bình việc du nhập trong môn học về giới tính những vấn đề liên quan đến căn tính tâm lý về tính dục, căn tính phái tính, như tổ chức Sức khỏe thế giới cổ võ. Tình trạng này sẽ dễ dàng tước bỏ ảnh hưởng trên việc giáo dục của các cha mẹ đối với việc giáo dục con cái về tính dục và căn tính tính dục. Nhân sinh quan khác mà người ta đề nghị không để ý đến chân lý về bản chất con người, nhưng dựa trên một quan điểm ý thức tưởng tượng về con người. Quan điểm ý thức hệ ấy là điều không những hoàn toàn xa lạ với nền văn minh Âu Châu, nhưng còn là một đe dọa cho tương lai đại lục chúng ta, khi nó đụng chạm đến những qui luật nền tảng của xã hội”.

Đảng bảo thủ hữu phái ở Ba Lan mạnh mẽ chống lại Hiến chương LGBT và đây là một đề tài nổi bật trong cuộc tranh cử nghị viện Âu Châu vào tháng 5 tới đây (KNA 15-3-2019)

Số người chuẩn bị gia nhập Giáo hội gia tăng tại các giáo phận ở Vương quốc Anh

Nhà thờ chính tòa Westminster
Nhà thờ chính tòa Westminster

Hơn 1000 người đã tham dự “Nghi thức Tuyển chọn” tại các nhà thờ chính tòa và các nhà thờ trên khắp nước Anh và xứ Wales hôm cuối tuần rồi – Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay.

“Nghi thức Tuyển chọn” thường được cử hành vào đầu Mùa Chay và là một trong những giai đoạn cuối cùng trong Nghi thức Gia nhập Kitô giáo dành cho người lớn. Qua nghi thức này, những người gia nhập đạo chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thêm sức hay hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội vào đêm Vọng Phục sinh.

Tại nhà thờ chính tòa Westminster ở thủ đô Luân đôn có hơn 400 người tham dự các Nghi thức Tuyển chọn vào thứ bảy và Chúa nhật, trong đó có 200 dự tòng – là những người không thuộc các Giáo hội Kitô khác và chưa được rửa tội trong các Giáo hội này - và 219 ứng viên - là những người đã được rửa tội trong các Giáo hội Kitô khác nhưng muốn được hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo.

Giáo hội đồng hành với dự tòng bằng cầu nguyện và đời sống gương mẫu

ĐHY Vincent Nichols đã chủ sự Thánh lễ cùng với một số GM khác. ĐHY nói với các dự tòng và ứng viên: “Chúng tôi cảm tạ Chúa về những cách thế mà qua đó các gia đình giáo xứ và giáo phận được phong phú nhờ anh chị em và chúng tôi hứa tiếp tục nâng đỡ anh chị em và gia đình của anh chị em bằng lời cầu nguyện và gương mẫu của đời sống Kitô hữu mà anh chị em sẽ trải nghiệm trong các cộng đoàn giáo xứ.”

Birmingham cũng có 181 người chuẩn bị gia nhập đạo, trong số này có 85 dự tòng, tham dự “Nghi thức Tuyển chọn” tại nhà thờ chính tòa thánh Chad. Giáo phận Nottingham có 151 người chuẩn bị gia nhập đạo, tăng 30 người so với năm ngoái.

Cử hành của niềm hy vọng và sự tín thác nơi Chúa Giêsu

Tại giáo phận East Anglia, Đức cha Alan Hopes đã chào đón 62 người gia nhập đạo. Ngài nói với cộng đoàn rằng họ được kêu gọi trở nên giống Chúa Giêsu. Đức cha nói: “Hôm nay là buổi cử hành niềm hy vọng và sự tín thác nơi Chúa Giêsu của anh chị em, Đấng mà anh chị em chạy đến để được cứu độ. Hôm nay anh chị em được tuyển chọn, được kêu gọi đển với ơn cứu độ. Giáo hội vui mừng với anh chị em khi kể anh chị em vào số tất cả những người được kêu gọi và tuyển chọn. Trong Mùa Chay, cùng với toàn thể Giáo hội, anh chị em đang được mời gọi quay về với Chúa. Anh chị em đang được kêu gọi đào sâu sự cam kết của anh chị em với Chúa và nhờ thế tăng trưởng trong sự thánh thiện. Anh chị em đang được kêu gọi trở thành các thánh của Thiên Chúa.”

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

CHÚC MỪNG LỄ THÁNH GIUSE - Bổn mạng Cha xứ và Thầy xứ

KÍNH MỪNG LỄ BỔN MẠNG
CHA GIUSE NGUYỄN TRÍ DŨNG
CHÁNH XỨ CẦU LỚN
THẤY GIUSE PHẠM VĂN NAM
GIÚP XỨ CẦU LỚN

Kết quả hình ảnh cho thánh giuse

Một số vị thánh giải thích tại sao nên sùng kính thánh Cả Giuse

Thánh nữ Têrêsa Avila nguyên là một nữ tu dòng Kín Cát minh. Ngài có lòng sùng kính thánh Giuse cách đặc biệt và ngài cho biết rằng thánh Giuse không bao giờ từ chối điều gì ngài cầu xin vào ngày lễ kính thánh nhân, ngày 19 tháng 3. Không lâu sau khi được tuyên khấn trở thành một nữ tu dòng Kín Cát minh, thánh Têrêsa bị mắc một chứng bệnh lạ. Khi bệnh trở nên nặng, thánh nữ rơi vào tình trạng hôn mê trong suốt 4 ngày. Mọi người đã nghĩ rằng thánh Têrêsa sẽ không qua khỏi. Sau khi tỉnh lại, thánh nữ bị liệt và phải nằm trên giường suốt 3 năm. Nhưng khi ngài cầu nguyện cùng thánh Giuse thì được chữa khỏi chứng bệnh mãn tính.

Thánh Têrêsa không bao giờ quên ơn huệ này, ngài đã luôn kêu gọi mọi người để ý đến quyền năng khẩn cầu đặc biệt của thánh Giuse. Theo thánh Têrêsa Avila, Chúa Giêsu đã vâng lời thánh Giuse khi còn ở dưới thế, trong mái nhà Nadarét và giờ đây, ở trên thiên quốc, Chúa vẫn lắng nghe những điều thánh Giuse yêu cầu. Giáo hội cũng mời gọi các tín hữu tôn kính thánh Giuse, đặc biệt là chạy đến cùng thánh Cả trong những cơn nguy nan khốn khó. Sau đây là 10 lý do các thánh giải thích sự cần thiết sùng kính thánh Cả Giuse.

1. Thánh Giuse là một vị thánh. Thánh Grêgôrio Nadariên nói: “Chúa đã làm cho thánh Giuse trở nên rạng ngời như được chiếu tỏa bởi ánh mặt trời, với tất cả ánh sáng và sự rực rỡ mà các thánh sở hữu.”

2. Thánh Giuse vâng theo kế hoạch của Thiên Chúa. Thánh Bernarđô thành Clairvaux nói: “Thánh Giuse được chọn giữa mọi người, để là người bảo vệ và canh giữ Đức Trinh nữ Mẹ Thiên Chúa; người bảo vệ và cha nuôi của Con Chúa, và là người cộng tác duy nhất trên trái đất và người tin tưởng vào sự bí mật của Chúa trong công trình cứu chuộc nhân loại.”

3. Thánh Giuse có thể giúp chúng ta mọi điều. Thánh Tôma Aquinô nói: “một số vị thánh được đặc ân gia tăng sự bảo trợ của các ngài đối với chúng ta khi ban cho chúng ta những ơn đặc biệt trong một số trường hơp khi chúng ta cần. Nhưng thánh Cả Giuse có quyền trợ giúp chúng ta trong mọi lúc, mọi sự cần thiết và mọi công việc.”

4. Thánh Giuse giúp đỡ chúng ta cách đặc biệt trong việc sống các nhân đức. Thánh Têrêsa Avila cũng nói: “Ước rằng tôi có thể thuyết phục mọi người sùng kính vị thánh vinh hiển này, vì tôi biết bởi kinh nghiệm lâu dài của mình những ân phúc nào ngài có thể xin Chúa cho chúng ta. Tôi chưa bao giờ biết bất cứ ai thật sự sùng kính ngài và vinh danh ngài cách đặc biệt mà không tiến triển trên đàng nhân đức: vì ngài giúp cách đặc biệt cho các linh hồn phó thác vào ngài.

5. Chúng ta đang chết… Thánh Anphongso nói: “Vì tất cả chúng ta phải chết, chúng ta nên trân trọng lòng tôn sùng đặc biệt với thánh Giuse để ngài xin cho chúng ta được chết lành. Vì nhiều lý do, mọi Kitô hữu xem thánh Giuse như đấng bầu cử cho người đang hấp hối. Trước hết vì Chúa Giêsu yêu thánh nhân không chỉ như người bạn nhưng như người cha và do đó thánh nhân là đấng trung gian hữu hiệu hơn mọi thánh khác. Sau là, thánh Giuse có quyền năng đặc biệt chống lại ma quỷ, những kẻ cám dỗ chúng ta gấp đôi khi chúng ta hấp hối. Và cuối cùng, sự trợ giúp mà Chúa Giêsu và Mẹ Maria dành cho thánh Giuse giúp thánh nhân có quyền bảo đảm cho các tôi tớ ngài chết cách thánh thiện và bình an. Do đó, nếu chúng ta cầu khẩn thánh nhân vào giờ hấp hối thì ngài sẽ không chỉ giúp chúng ta nhưng sẽ giúp chúng ta nhận được sự trợ giúp của Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

6. Thánh Giuse bảo vệ kẻ trong sạch và yếu đuối. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu nói: “Mỗi ngày tôi cầu nguyện với lời kinh bắt đầu như thế này: ‘Thánh Giuse, là Cha và Đấng bảo vệ các trinh nữ’ … vì vậy tôi cảm thấy tôi được bảo vệ và hoàn toàn an toàn trước các hiểm nguy.

7. Ngài dạy chúng ta sống như Kitô hữu. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Thánh Giuse kiên trì trong sứ mạng với lòng trung thành và tình yêu. Cho nên Giáo hội giới thiệu thánh nhân với chúng ta như gương mẫu tuyệt vời trong việc phục vụ Chúa Kitô và với kế hoạch cứu độ mầu nhiệm của Chúa. Và Giáo hội cầu khẩn ngài như quan thầy và đấng bảo trợ đặc biệt của toàn thể gia đình các tín hữu. Một cách đặc biệt, thánh Giuse được giới thiệu với chúng ta như vị thánh mà Chúa muốn trao phó cho sự bảo vệ quyền năng của ngài những người và sứ vụ của những ai được gọi là “cha” và “người bảo vệ” giữa các Kitô hữu.” (Aleteia 19/03/2016)

Hồng Thủy

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2019

Tin Mừng Chúa nhật 2 mùa Chay - Năm C

17-03-chua-nhat-ii-mua-chay-nam-c

Phúc Âm: Lc 9, 28b-36
"Ðang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

Xuất bản sách các bài Giáo lý về Thánh lễ của ĐGH Phanxicô

Sách giáo lý về Thánh lễ

Cuốn sách bằng tiếng Ý có tựa đề “Thánh lễ - Trọng tâm của Giáo hội”, tập hợp 15 bài giáo lý của Đức Giáo hoàng Phanxicô về ý nghĩa của các phần trongThánh lễ, đã được nhà xuất bản Paoline xuất bản vào ngày 07.03 vừa qua.

Trong khoảng thời gian từ ngày 08.11.2017 đến ngày 04.04.2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trình bày một loạt bài giáo lý về Thánh lễ, được cô đọng trong các buổi tiếp kiến chung truyền thống vào thứ tư hàng tuần. Những bài giáo lý này đã được cha Luigi Maria Epicoco, thần học gia và giáo sư tại Đại học Giáo hoàng Laterano ở Roma, thu thập và phê bình giải thích trong cuốn sách vừa được xuất bản tại Ý.

Thánh lễ không phải là một công việc phải làm trong ngày

Nhắc lại lời của ĐTC Phanxicô, cha Epicoco nói rằng Thánh lễ phải biến đổi cuộc sống của chúng ta thành ”Phục sinh nở hoa” bởi vì “Thánh lễ là một sự biến đổi lớn lao trong cuộc sống của người tín hữu”.Cha giải thích: “Đôi khi, chúng ta thiếu sự thinh lặng trong phụng vụ". Chúng ta đã biến Thánh lễ thành một công việc khác mà chúng ta phải làm trong ngày, trong thực tế, thánh lễ nhắc nhở cho chúng ta biết “chúng ta là ai”. Thánh lễ thuộc về bản chất của chúng ta chứ không thuộc về hoạt động của chúng ta.

Nhiều khi, phụng vụ trở thành một thói quen

Theo cha Epicoco, trong loạt bài giáo lý này, Đức Thánh Cha giúp nhận ra rằng quá nhiều khi, phụng vụ trở thành một thói quen, ngay cả đối với các Kitô hữu. Do đó, Đức Giáo Hoàng “làm chậm lại nhịp điệu của từng phần trong Thánh lễ” để giúp tín hữu tái khám phá những gì họ làm vào mọi giây phút trong phụng vụ. Do đó, cuốn sách này là một cẩm nang thực sự để hiểu ý nghĩa của Thánh lễ.

6 năm Giáo hoàng của ĐTC Phanxicô

2019.03.12 Papa Francesco e bambini

Ngày 13.03.2019 hôm nay là tròn 6 năm ĐTC Phanxicô được chọn làm Giáo hoàng, kế vị thánh Phêrô tông đồ để hướng dẫn con thuyền Hội Thánh.

ĐTC Phanxicô là vị GH thứ 265 của Giáo hội, nhưng là GH đầu tiên đến từ châu Mỹ, là GH đầu tiên thuộc dòng Tên, là GH đầu tiên chọn tên Phanxicô – người nghèo của Assisi.

Trong 2191 ngày kế vị thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã có 1000 bài giảng, trong đó có hơn 670 trong các Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta. Bên cạnh đó, ĐTC đã có 1200 diễn văn trình bày trước công chúng, 264 bài giáo lý trong các buổi tiếp kiến chung vào thứ tư hàng tuần tại Vatican, với các chủ đề: Năm Đức tin – đặc biệt là về Kinh Tin Kính, Giáo hội, Gia đình, Lòng Thương xót, Hy vọng Kitô giáo, Thánh lễ, bí tích Rửa tội, Bí tích Thêm sức, Mười điều răn, Kinh Lạy Cha. Thêm vào đó, ĐTC cũng đã trình bày 342 bài huấn dụ ngắn dựa trên Tin mừng trong các buổi đọc Kinh Truyền Tin và Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng.

Các văn kiện

ĐTC đã công bố 2 thông điêp: thứ nhất là Ánh sáng đức tin – hoàn thành văn kiện đã được ĐGH Biển đức khởi sự, và thông điệp Laudato si’; 3 Tông huấn: Evangelii gaudium (Niềm vui Phúc âm) – văn kiện như chương trình của triều Giáo hoàng của ngài và căn bản để hiểu nó trong toàn cảnh; và hai Tông huấn Amoris laetitia và Gaudete et exsultate. ĐTC đã ban hành 36 Tông hiến, trong đó có các Tông hiến Hiệp thông GM, Niềm vui Chân lý và Tìm Nhan Thiên Chúa; 27 Tự sắc; 1 Tông sắc Khai mạc Năm Thánh Lòng Thương xót.

Thượng Hội đồng

ĐTC đã chủ sự 3 Thượng Hội đồng: 2 Thượng HĐ về gia đình và 1 về Giới trẻ.

Viếng thăm

ĐTC đã thực hiện 27 chuyến tông du quốc tế và viếng thăm 41 quốc gia thuộc mọi châu lục, trừ châu Đại dương, và 24 chuyến viếng thăm trong nước Ý.

Phong thánh

Trong số nhiều lễ phong thánh do ĐTC cử hành, có các lễ phong thánh cho 3 GH: Gioan XXIII, Phaolô VI và Gioan Phaolô II; trong số các thánh nổi tiếng có Mẹ Têrêsa Calcutta, Đức cha Oscar Romero, 2 tiểu mục đồng làng Fatima, thân sinh của thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu.

Mạng xã hội

Về các mạng xã hội, ĐTC có tài khoản Twitter bằng 9 thứ tiếng, với 48 triệu follower, và tài khoản Instagram với gần 6 triệu follower.

Hồng Thủy - Vatican

Mệt


Mệt! Một cảm giác rã rời, chẳng còn tí sức lực. Cả con người như bị vắt khô. Sức sống như cạn kiệt. Chẳng muốn làm gì, chẳng thể cảm thấy vui. Cái khó chịu cứ trồi lên khắp cơ thể. Dốc từng hơi thở để cố tìm lại sự sống cho bản thân. Mệt là cái tình trạng kinh khủng chẳng ai muốn có.

Cuộc sống chất chứa rất nhiều cái mệt. Mệt óc, mệt lòng, mệt tâm trí. Cũng là một cảm giác bức bối khó chịu, một tình trạng sức sống trong thân xác như đang vơi dần. Mệt rồi tiều tuỵ, tiều tuỵ rồi chán chường, mất đi cả lý tưởng, chẳng buồn nghĩ đến tương lai.

Tôi mệt khi tôi phải sống trong sự giả dối. Tôi phải mang một mặt nạ, phải che đậy một sự thật. Vì sống trong giả dối nên tôi cứ phải luôn tìm cách để lèo lái câu chuyện, bịa ra lý do bao biện cho sự giả dối ấy. Con người tôi không thống nhất, nhưng bị phân mảnh bởi sự giả dối tôi tạo ra. Tôi cố gồng mình để trốn tránh thực tại, điều mà tôi không đủ sức để làm. Nó làm tôi mất tự do, vì lúc nào cũng phải nặn óc che đậy sự giả dối và theo đuổi nó bằng tất cả mọi năng lực của mình.

Tôi mệt khi phải sống cuộc sống của người khác chứ không phải của riêng tôi. Tôi phải cười khi lòng chẳng vui, phải khóc khi lòng phấn khởi. Tôi không được là chính mình, không được thực hiện sở thích của mình, không được làm điều tôi muốn. Tôi phải đeo chiếc mặt nạ của ai đó lên mình. Tôi phải nói năng và hành xử theo những gì người ta đã vạch ra cho tôi, theo cách người ta chỉ định, chứ không được tự mình tỏ lộ con người bản chân của mình. Tôi phải nỗ lực để đáp ứng những tiêu chuẩn và đòi hỏi của người khác. Khi đó, tôi chẳng còn sống nữa; mà đúng ra phải nói là: tôi đã bao giờ được sống đâu!

Tôi mệt khi phải cố gắng hết sức để bảo vệ một hình tượng mà tôi đã tạo ra cho mình hay người khác đã tạo ra cho tôi. Đó là một kiểu mẫu lý tưởng mà tôi đã xây đắp. Nó chỉ là ảo ảnh, là bóng mờ, vậy mà tôi cứ ngỡ là thật. Tôi sống mà luôn phải chạy theo tiếng đời, nên cứ suốt ngày bị những lời khen tiếng chê chi phối. Vì sợ hình mẫu của mình bị tan vỡ nên tôi cố gắng dựng xây hay bảo vệ nó bằng mọi giá phải trả. Tôi mệt vì chẳng được sống cho mình, lúc nào cũng lệ thuộc vào đánh giá dư luận. Tôi chẳng còn quyền quyết định trên cuộc sống của mình. Người khác xa lạ ngoài kia đang định đoạt nó cho tôi.

Tôi mệt khi lúc nào cũng mang một nỗi lo âu về sở hữu. Tôi cố tích góp thật nhiều rồi lại khổ công gìn giữ nó, vì tôi sợ mất nó. Tôi mang trong mình một lối sống thủ thế, chỉ biết đến mình mà chẳng nghĩ đến ai, cũng chẳng hiểu những vật chất mà tôi đang tích trữ là để làm gì. Tôi thấy mình lệ thuộc vào những điều ấy. Tưởng là nó mang đến hạnh phúc cho mình, ấy vậy mà chính mình lại khổ sở vì nó. Giờ chẳng còn biết ai là chủ của ai nữa: nó đâu sợ mất tôi, chỉ có tôi là mệt mỏi vì cứ cố giữ lấy nó.

Tôi mệt mỏi vì tôi không sống giây phút hiện tại. Thân xác ở đây mà tâm tư cứ ở đâu xa vời. Có thể vì tôi đang mong chờ ai đó hay cái gì đó. Cái cảm giác chờ đợi dài lâu khiến tôi cứ phóng con tim và khối óc về một nơi xa xăm nào đó. Tôi chẳng sống tinh thần “ở đây và bây giờ”, cứ cắm đầu vào một thứ tương lai vô định vô hồn. Chờ người, người chẳng thấy. Chờ một khoảnh khắc ta tưởng tượng trong đầu. Chờ đến lúc mỏi mệt, kiệt quệ cả linh hồn. Tôi lệ thuộc mình vào hoàn cảnh, tôi huỷ hoại cuộc sống hiện tại của mình và để cho con tim mình càng ngày càng héo úa.

Tôi mệt vì tôi không để cho con tim và khối óc của mình được nghỉ ngơi. Hạnh phúc nằm trong tay tôi, vậy là tôi lại trao nó cho người khác. Hiện tại đang ở với tôi, vậy mà tôi cứ trốn tránh nó hoài. Thôi, hãy trả tôi về với cuộc sống của mình. Tôi đã quá chán ngán sống cuộc sống của người ta, gánh trách nhiệm của ai đó. Tôi cần làm chủ chính mình, sống cuộc sống Tạo Hoá đã tặng ban, thụ hưởng sự tự do được phú bẩm cho mình. Tôi thành thật với chính mình, không cần phải đeo mặt nạ đóng giả người nào khác. Tôi sẽ không che đậy chân lý, nhưng cứ để nó được lớn lên trong mình. Tôi phải tập buông bỏ để không bị những vật chất làm mình bị lệ thuộc. Và hơn hết, tôi phải trở thành người quyết định hạnh phúc và bình an cho chính mình, chứ không đặt nó vào tay kẻ xa lạ. Tôi sẽ về với hiện tại vì nơi đó tôi được là mình cách trọn vẹn khôn cùng.

Tôi sẽ không mệt nữa khi tôi có thể được bồi bổ bằng sự sống của chính tôi, sự sống mà tôi đã được thừa hưởng từ Tạo Hoá. Tôi giải thoát mình khỏi mọi bận tâm về công danh lợi lộc, hay những toan tính tiền tài, những lo lắng để gìn giữ một hình ảnh mộng ảo người ta gán cho tôi. Đó là một cách nghỉ ngơi lấy lại sức tuyệt hảo nhất mà tôi tìm thấy cho chính mình.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ