Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Hiệp thông chầu lượt tại Giáo xứ Tân Thịnh, sáng 31.08.2014










Cà phê Chúa nhật


Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
Anh em được sống vui vầy bên nhau. 
(Tv 133,1)







Sau thánh lễ sớm mỗi sáng Chúa nhật
Cha xứ có nhã ý mời tất cả mọi người
vào nhà xứ uống càphê để hàn huyên tâm sự.
Hôm nay là buổi đầu tiên nên hơi ít người!
Ước mong tuần tới sẽ đông hơn.

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Tin Mừng Chúa nhật 22 thường niên - Năm A


TIN MỪNG: Mt 16,21-27
(21) Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng đế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. (22) Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !” (23) Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. (24) Rồi Đức Giê-su nói với môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. (25) Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. (26) Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi ích gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ? (27) Vì con người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm”.
Nguồn: http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=9045

Cảm giác sung sướng khi được gặp trực tiếp Đức Giáo Hoàng


Xuất bản 25-08-2014


Buổi Triều Yết Chung tuần này đã chuyển từ Quảng Trường Thánh Phêrô sang Sảnh Đường Đức Phaolô VI bởi vì trời mùa hè nóng nực ở Rome. Mặc dù số lượng khách hành hương ít hơn nhưng Sảnh Đường này cũng chật kín, những ai tham dự có cơ hội được chào hỏi Đức Giáo Hoàng. Một nhóm truyền giáo đã may mắn được gặp ngài.

Lợi Nguyễn S.J

Châu Á vẫn vang vọng về ảnh hưởng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Châu Á vẫn vang vọng về ảnh hưởng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô thumbnail
Một nhóm người Công giáo Indonesia tham dự Ngày Giới Trẻ Á Châu.
 Ảnh: EWTN

Người châu Á từ mọi lứa tuổi và tầng lớp hoan hô chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến thăm gần đây của ngài tới Hàn Quốc, họ nói rằng ngài đã thể hiện sự gần gũi tuyệt vời với người châu Á.
“Đó là một kinh nghiệm rất tuyệt vời. Ban đầu chúng tôi không đặt kỳ vọng cao như thế, nhưng khi ngài tới đây, cách cá nhân, bạn có một cảm giác tuyệt vời và cảm thấy rất vui vẻ. Đó là niềm vui mà bạn có, bạn không biết làm thế nào để giải thích nó”, Matthias Rider nói với kênh Tin tức EWTN.
“Ngài đưa ra một thông điệp về con người trong xã hội (và) trong thế giới ngày nay, đó là thông điệp hỗ trợ tuyệt vời cho tất cả chúng ta.
“Cùng đi trong nhóm 21 người từ Brunei, Rider năm nay 22 tuổi, có mặt với khoảng 2.000 thanh thiếu niên châu Á khác hiện diện trong cuộc gặp gỡ ngày 15 tháng 8 với Đức Giáo Hoàng và những người tham gia Ngày Giới Trẻ Châu Á lần thứ 6 ở Hàn Quốc, đó là một động lực quan trọng cho chuyến tông du từ ngày 14 đến 18 tháng 8 của ngài đến đất Hàn.
Rider nói rằng hiện diện với Đức Giáo Hoàng “làm cho bạn cảm thấy thoải mái,” bởi vì cảm giác “như bạn đang nói chuyện với bố mẹ, và khi bố mẹ an ủi bạn ‘mọi chuyện sẽ ổn thôi,’ đó là một cảm xúc rất đẹp. Đó là một kinh nghiệm tuyệt vời.”
Nghe cảm xúc của nhiều người bày tỏ niềm vui khi thấy Đức Giáo Hoàng trong chuyến thăm của ngài, lời của Rider là đại diện cụ thể cho giới trẻ, là những người không chỉ được đánh động bởi sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng, nhưng còn bởi những lời khuyến khích và những lời tràn đầy hy vọng.
Sarina Song, 32 tuổi người Seoul  nói với kênh Tin tức EWTN ngày 15 tháng 8 rằng, sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm bán đảo Triều Tiên kể từ khi Thánh Gioan Phaolô II viếng thăm vào năm 1989 cho thấy rằng “Hàn Quốc được chúc phúc bởi Thiên Chúa và Đức Trinh Nữ Maria,” và “Rôma xem Hàn Quốc như là một quốc gia Công giáo.”
Chị nói, thông điệp của Đức Giáo Hoàng, “là một trong những niềm hy vọng cho Hàn Quốc và giới trẻ, và cho tất cả mọi thứ, và rắc rối ở Hàn Quốc. Đó là một thông điệp hy vọng và đoàn tụ giữa hai miền Hàn Quốc, giới trẻ, người lớn tuổi.”
Cũng có mặt mặt hôm đó một phụ nữ tên là Ann đến từ Indonesia, là một trong số 70 người thực hiện một điệu nhảy truyền thống Indonesia trong sự kiện này. Chị nói, múa cho Đức Giáo Hoàng, là “điều tuyệt vời, thú vị, không nói nên lời.”
“Chúng tôi thực sự rất may mắn có mặt ở đây, và là một phần của Ngày Giới Trẻ Châu Á với những bạn trẻ Công giáo, và gặp Đức Thánh Cha. Khi trở lại Indonesia, chúng tôi chia sẻ niềm vui, kinh nghiệm và đức tin của chúng tôi trong Chúa cho người khác.”
Cảm nhận lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng đến với Ngày Giới Trẻ Châu Á, Para Deepak Raj, một giới trẻ thuộc tổng giáo phận Madras-Mylapore bang Chennai, Ấn Độ nói “thật là đặc biệt” khi Đức Thánh Cha hiện diện ở châu Á
Là một trong khoảng 41.000 bạn trẻ hiện diện trong ngày lễ bế mạc Đại Hội Giới Trẻ Á Châu, Raj nói rằng sự hiện diện của ngài “cho chúng tôi một cảm giác rất đặc biệt gần gũi với trái tim của Đức Giáo Hoàng.”
“Giáo hội nói giới trẻ là tương lai của Giáo hội, vì thế đây là biểu trưng cho sự hiện diện tương lai của Giáo hội.”
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã chạm vào trái tim của nhiều người Hàn Quốc qua lời nói và hành động của ngài với các thành viên gia đình nạn nhân thảm họa chìm phà đầu năm ở Sewol, cướp đi sinh mạng của khoảng 300 người, chủ yếu là học sinh trung học. Vào ngày thứ hai của chuyến đi Đức Giáo Hoàng rửa tội cho một người bố của nạn nhân trong vụ chìm phà và lấy tên thánh là Phanxicô.
“Đối với tất cả chúng ta là người châu Á” thì sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng là “điều khích lệ lớn lao giúp chúng ta mạnh mẽ hơn trong Đức Tin và tiếp tục làm chứng.” Giám mục Olivier Schmitthaeusler, tổng giáo phận thủ đô Phnom Penh, Campuchia, nói với EWTN hôm 14 tháng 8.
Cùng đi với nhóm giới trẻ 30 thành viên ngài đã diễn tả kinh nghiệm “Đây là một điều rất tốt để có kinh nghiệm gặp gỡ người trẻ châu Á và chứng kiến cũng như kinh nghiệm từ họ, giúp cho niềm tin các bạn trẻ này mạnh hơn khi họ trở về quê hương.”
Sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng cho thấy chúng ta là một phần của Giáo hội phổ quát và nhắc nhở chúng ta sống hiệp nhất và chúng ta cùng chung một Giáo hội.”
“Đó là một điều tuyệt đẹp và là dấu chỉ chúng ta cùng nhau xây dựng nước Thiên Chúa. Nghĩa là có gắng trở nên khí cụ của hòa bình”.
Giám mục Joel Baylon, đứng đầu về sứ vụ giới trẻ của liên đoàn giám mục Á châu thuộc tổng giám mục Legazpi ở Philippines cũng chia sẻ với EWTN hôm 14 tháng 8 rằng sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng ở Hàn Quốc đã “mang lại nhiều hy vọng.”
Ở đó có một logo “Giáo Hoàng của hy vọng”. Đó là một thông điệp đặc biệt cho mỗi người, ngài giải thích “Đức Thánh Cha là nhân vật quan trọng trong cuộc sống người Á châu, đặc biệt nơi người Philippines.”
“Chúng tôi luôn hướng về những thông điệp của Đức Thánh Cha, chúng tôi lắng nghe ngài cách chăm chú và sự hiện diện của ngài luôn mang lại ý nghĩa cho những gì chúng ta có hoặc không có”, Đức Giám Mục cũng quan tâm đến các vấn đề nghèo đói và chính trị xã hội hiện nay đang phải đối mặt.
Nói về chuyến thăm sắp tới của Giáo Hoàng đến Sri Lanka và Philippines nơi đang hồi phục sau cơn bão tàn phá đất nước vào tháng 11 năm ngoái, giám mục Baylon nói sự hiện diện của “Đức Thánh Cha một lần nữa làm tăng thêm sức mạnh cho họ.”
Nguồn: EWTN News
Elise Harris cho EWTN News 
Đăng lại từ: http://vietnam.ucanews.com/2014/08/30/chau-a-van-vang-vong-ve-anh-huong-cua-duc-giao-hoang-phanxico/

Tóm lược Thần Học Thân Xác theo Đức Gioan Phaolô II


LINH ĐẠO HÔN PHỐI THEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ

LTS- « LINH ĐẠO HÔN PHỐI THEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II » là tác phẩm thứ 32 mà Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris vừa soạn để « Kỷ niệm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được tuyên phong Hiển Thánh, 27.04.2014 » và để « Kỷ niệm 20 năm sinh hoạt của Ban Mục Vụ Gia Đình, 1995-2015 ». Chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tác phẩm này với quí độc giả. 

Xin Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban phúc lành cho những người góp phần thực hiện tác phẩm này, cũng như cho quí độc giả thân thương. Tất cả để vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa các gia đình. 

Bài được phổ biến :

1. LỜI MỞ, ngày 17.04.2014
2. Thần học Thân xác và Linh đạo Hôn phối của Lm Mai Đức Vinh, ngày 24.04.2014
3. Hôn nhân trong ánh sáng Hôn lễ của Đức Kytô và Giáo Hội, của Lm Mai Đức Vinh, ngày 01.05.2014 
4. Duyên lành và thánh thiện của cặp vợ chồng của Ptvv Phạm Bá Nha, ngày 08.05.2014. 
5. Để Hôn nhân trở nên một ơn gọi của C. Micheline Kim Chi, ngày 15.05.2014.
6. Hạnh phúc hôn nhân của AC Phạm Hòa Hiệp, ngày 22.05.2014
7. Làm sao để vợ chồng sống hạnh phúc của ÔB Phan Hữu Lộc, ngày 05.06.2014
8. Trưởng thành của tình yêu của AC Nguyễn Long Hằng, ngày 12.06.2014
9. Niềm vui trao ban của AC Đoàn Quốc Khánh, ngày 19.06.2014
10. Tình yêu vợ chồng : một bài phụng ca của Gs Trần Văn Cảnh, ngày 26.06.2014
11. Thánh giá và khổ cực của đời sống gia đình của Ls Lê Đình Thông, ngày 14.08.2014
12. Bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm hôn nhân của AC Vũ Khiêm-Đào, ngày 19.08.2014
13. Hôm nay, ngày 26.08.2014, xin giới thiệu bài 13 và cuối cùng «Tóm lược Thần học Thân xác theo Đức Gioan Phaolô II». của Lm Mai Đức Vinh

TÓM LƯỢC THẦN HỌC THÂN XÁC 
THEO ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II



‘Thần học về thân xác của Đức Gioan Phaolô II có thể được coi như một khúc quặt, không chỉ đối với thần học Công Giáo mà còn đối với cả tư tưởng hiện đại’ (lm George Weigel).

Trong những trang dưới đây, chúng tôi mạo muội tóm lược về thần học thân xác (Compendium de la théologie du corps) múc ra từ những ý tưởng của đức Gioan Phaolô II.

Đức Gioan Phaolô II đã dành hơn năm năm đầu triều đại giáo hoàng của ngài (.9.1979-28.11.1984) để trình bày giáo huấn về ‘thần học thân xác’, đặc biệt vào những buổi triều yết chung ngày thứ tư. Ít nhất đã có 129 bài gồm lại thành gần 800 trang viết. Đọc những trang này, đức Hồng Y Angelo Scola, lúc còn là viện trưởng đại học Latran đã nhận định: ‘Đây là huấn giáo tuyệt tác của đức Gioan Phaolô II’ (magistère génial de Jean-Paul II) (1) và cha George Weilgel, tác giả cuốn tiểu sử đức Gioan Phaolô II đầy đủ và uy tín nhất, không ngần ngại gọi ‘đây là quả bom nổ chậm của thần học’ (bombe à retardement théologique). Cha còn nói thêm: "Thần học về thân xác của đức Gioan Phaolô II có thể được coi như một khúc quặt, không chỉ đối với thần học Công Giáo mà còn đối với cả tư tưởng hiện đại" (2). Có điều mâu thuẫn, huấn giáo của đức Gioan Phaolô II không được phổ biến rộng rãi và sớm sủa vào đại chúng, mãi tới mấy năm gần đây người ta mới khám phá ra những chiều kích đáng giá về thần học của huấn giáo.

Ngay bây giờ chúng tôi cũng cảm thấy ‘nhột dạ’ khi dám tóm lược thần học thân xác của đức Gioan Phaolô II vào mấy trang sách (3) đang khi phải nhìn nhận tính cách phức tạp và khó nắm bắt tư tưởng của nền thần học này. Vì thế để dễ dàng nắm bắt, chúng tôi xin dựa trên những lời Thánh Kinh mà đức Gioan Phaolô II đã dùng, để trình bày bản tóm lược này. Quả vậy, đức Gioan Phaolô II đã dùng ba lời thánh kinh mà chính Chúa Giêsu đã công bố, để làm nền tảng xây dựng thần học thân xác (4). Ba lời này (trityque) được nêu bật nhờ cách chú giải hoàn toàn mới mẻ của đức Gioan Phalô II, và ngài luôn quy hướng hôn phối về viễn tượng ‘cứu chuộc’ và được đồng hình với hôn phối huyền nhiệm của Đức Kitô và Giáo Hội (x. Ep 5,22-23).

Việc đức Gioan Phaolô II diễn tả ba lời chính yếu này thật giàu ý nghĩa. Ba lời này làm thành ba bức tranh mà đề tài của mỗi bức tranh bổ túc cho nhau và soi sáng lẫn nhau. Có thể nói đây là bộ ba bức tranh thánh kinh về thần học thân xác, cũng là ba đoạn Tin Mừng của Thánh Matthêu:

• Mt 19,3-8: Chúa Giêsu trả lời cho người biệt phái về việc rẫy bỏ vợ, và giúp họ nhận ra rằng: theo câu chuyện sáng tạo trong sách Sáng Thế thì chương trình của Thiên Chúa là nguồn gốc về sự kết hợp của người đàn ông và người đàn bà.

• Mt 5,27-28: Trong đoạn về Bài Giảng trên núi, có câu ‘hễ ai nhìn xem người phụ nữ và ước ao phạm tội với người ấy, thì đã mắc tội tà dâm trong lòng rồi. Như vậy chúng ta được mời gọi nhận định rằng: Do tội nguyên tổ mà trái tim của người đàn ông bị tổn thương bởi dục vọng.

• Mt 22,23-30: Câu trả lời của Chúa Giêsu cho người Saducê về sự sống lại của thân xác, rồi từ đó, phải đề cập đến cùng đích thế mạt của hôn phối và ý nghĩa đích thực của sự đồng trinh.

1. Chương trình của Thiên Chúa ngay từ nguyên thuỷ về sự phối hợp của người nam và người nữ (Mt 19,3-8).

Lời thứ nhất của Tin Mừng: Có mấy người Biệt Phái đến gần Chúa Giêsu để thử Ngài. Họ nói : ‘Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do gì không?’. - Ngài đáp: ‘Các ông không đọc thấy điều này sao: Thuở ban đầu, Đấng tạo hóa đã dựng nên con người có nam có nữ và Người đã phán: ‘Vì thế người ta sẽ lìa bỏ cha mẹ, mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly’. - Họ thưa với Ngài: ‘Thế sao ông Maisen lại truyền cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?’ - Ngài bảo họ : ‘Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Maisen đã cho phép các ông rẫy vợ, chớ thuở ban đầu không có thế đâu’.

Hai lần, đức Gioan Phaolô II đã lưu ý: Đức Kitô nhắc đến những nguồn gốc. Nói cách khác, về vấn đề luật pháp người Biệt Phái đặt ra: Người ta có quyền không…? Trong trường hợp nào người ta có thể…? Đức Kitô không trả lời thẳng câu hỏi, nhưng Ngài dẫn họ về tận nguồn gốc. Vì người biệt phái không biết Thánh Kinh bao nhiêu, nên Chúa Giêsu muốn dẫn họ về tận nguồn gốc: nguồn gốc của hôn phối còn ghi lại trong các văn bản mạc khải và thánh thiêng của sách Sáng Thế, qua các trình thuật về việc sáng tạo và việc đoạn tuyệt do tội lỗi trong lịch sử loài người. Đức Gioan Phaolô II đã đi theo sự chỉ dẫn của chính Đức Kitô và nghiên cứu kỹ lưỡng bản văn sách Sáng Thế, Ngài soi chiếu bản văn bằng một ánh sáng hoàn toàn mới mẻ. 

Nhờ bản Tin Mừng của thánh Matthêu, chúng ta trở lại sách Sáng Thế, và tìm ra nguồn gốc của câu này: ‘Họ không còn phải là hai nhưng chỉ là một’. Đức Gioan Phaolô II đã chú giải câu này cách sâu sắc: chính lúc khám phá ra sự hiệp thông trong hai thân xác mà người nam và người nữ trở nên hình ảnh của Thiên Chúa cách toàn vẹn, họ trở nên như một kiệt tác và sự hoàn tất của việc sáng tạo. Hành động xác thịt, trao ban thân xác, là những việc làm vô tội tự nguồn gốc, chúng diễn tả toàn thể sự hiến thân của người này cho người khác. Ngài gọi đó là ơn gọi hay sứ mệnh. Ơn gọi này vẫn tồn tại cho dù đối với chúng ta, việc thể hiện này còn khó hơn đến độ, nếu không có ơn sủng, chúng ta không thể hoàn tất. ‘Là một nhân vị’, có nghĩa là con người hiện hữu như một thực thể trao ban, khi thấy ‘mình toàn mãn’ trong sự hiệp thông (5). Tự đầu trong chương trình của Thiên Chúa, người nam và người nữ có ơn gọi, nhờ sự hiệp thông với nhau trọn vẹn, trong đó có sự hiệp thông hai thân xác, trở nên hình ảnh sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa đã muốn đặt trong xác thịt hình ảnh của Ngài từ muôn thuở. Đó là sứ mệnh của thân xác nhân loại trong chương trình của Thiên Chúa ngay từ đầu cho chúng ta trở nên món quà trao ban của chính chúng ta. Được đóng ấn bởi hồng ân này, thân xác của loài người mạc khải Thiên Chúa cho trần gian: "Thân xác đã được dựng nên để chuyển thông vào thực tại hữu hình của thế giới mầu nhiệm dấu kín từ đời đời nơi Thiên Chúa và trở nên dấu chỉ hữu hình của mầu nhiệm ấy" (6).

Điều căn bản nhất mà người ta có thể giữ lại theo sự chú giải đoạn sách Sáng Thế của đức Gioan Phaolô II: Con người là hình ảnh của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, trước tiên nhờ sự hiệp thông giữa ‘con người - nhân vị’, hơn là nhờ sự kiện ‘con người - thụ tạo’ được phú bẩm thần linh tính (spiritualité). Thiên Chúa là một hữu thể thuần túy thiêng liêng. Chúng ta chỉ được phú bẩm một mức độ thần tính nào đó thôi. Các thiên thần được phú bẩm nhiều thần tính hơn con người. Các ngài là thần linh thuần thục. Vì thế, hình ảnh của Thiên Chúa nơi các thiên thần đậm nét hơn nơi chúng ta. Thế mà, sách Sáng Thế không nói đến các thiên thần là hình ảnh của Thiên Chúa, mà chỉ nói người nam và người nữ là hình ảnh của Thiên Chúa. Sự hiệp thông giữa người nam và người nữ được hoàn tất trong sự hiệp thông của thân xác. Từ đầu việc sáng tạo, dục tính (sexualité) được coi là một sự tốt lành căn bản. Chính nhờ vậy mà sự hiệp thông giữa người nam và người nữ ngay trong xác thịt, là hình tượng của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Gioan Phaolô II nói: "Con người đã trở nên tương giống và là hình ảnh của Thiên Chúa nhờ sự hiệp thông nhân vị mà người nam và người nữ tạo nên từ ban đầu (…). Lúc sống cô đơn, con người trở nên hình ảnh của Thiên Chúa, một cách đuối kém hơn lúc con người sống hiệp thông. Vậy, ngay từ đầu, xét theo yếu tính, con người là hình ảnh của một sự hiệp thông không thể dò thấu của Ba Ngôi Thiên Chúa" (7). Đức Giáo Hoàng còn nói thêm: "Thậm chí, điều này có thể thiết lập nên một khía cạnh thần học sâu xa nhất mà người ta có thể nói về con người" (8).

2. Trái tim con người đã bị thương từ tội nguyên tổ (Mt 5,27-28)

Lời thứ hai của Tin Mừng: "Anh em đã nghe luật dạy rằng: ‘chớ ngoại tình’. Còn Thày, Thày bảo anh em biết: ‘ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn họ, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi (a déjà commis l’adultère avec elle dans son cœur)" (Mt 5,27-28). Đức Gioan Phaolô II trưng dẫn một lời dịch khác cổ thời hơn và ngài cho là đúng hơn: "Còn Ta, Ta nói cho anh em : ‘Ai nhìn một người phụ nữ và thèm muốn họ, thì đã làm cho họ ngoại tình trong lòng của họ rồi’ (l’a rendue adultère dans son cœur)" (9). Chỉ hơn một năm mà ngài đã nhắc lại câu này quãng 40 lần trong các buổi triều yết (16.4.1980 -6.5.1981). Theo ngài, ‘Lặp lại như vậy vì ý nghĩa của những lời này là nồng cốt cho toàn bộ thần học về thân xác được chứa đựng trong giáo huấn của Chúa Kitô’ (10).

Như vậy, ngoại tình trong lòng là một hành động đã được định nghĩa rõ ràng cái nhìn thèm muốn, nghĩa là cái nhìn chăm chú trên một người khác để chiếm hữu họ, để xử dụng họ, để được thỏa mãn, để lợi dụng họ, để dụ bắt họ. Đức Gioan Phaolô II còn dùng một kiểu nói vừa rất chính xác vừa rất hoảng hồn: ‘Đó là cách cưỡng đoạn sự hiến thân của họ dành cho một hữu thể nhân loại khác (người nam dành cho người nữ hay ngược lại) và thu rút hồng ân ấy thành một đối vật thuần túy dành cho mình’ (11). Như vậy Ngài muốn chứng tỏ rằng: Những lời của Chúa Kitô trong bài giảng trên núi tố cáo tất cả những thái độ có ý từ chối phẩm tính nhân vị nơi một người khác xét theo họ là chủ thể hiến dâng (sujet de son don).

Chính đó là hậu quả của tội lỗi nơi chúng ta, hay rõ hơn, là nguồn gốc của ba dục vọng thánh Gioan nói đến trong thơ của ngài, đặc biệt về dục vọng xác thịt (12). Khác với điều chúng ta đọc được trong sách Sáng Thế ‘Bấy giờ cả hai người nam và người nữ đều trần truồng và họ không cảm thấy xấu hổ khi đứng trước mặt nhau’ (St 2,25). Lúc đó họ ở trong tình trạng vô tội, có cái nhìn trong sáng hoàn toàn. Họ nhận ra trong nam tính và nữ tính có những dấu chỉ về ơn gọi chung của họ là hiệp thông vào sự hiến thân của chính họ. Đức Gioan Phaolô II nói: "Nếu họ không cảm thấy xấu hổ, điều ấy có nghĩa là họ được kết hợp bởi sự ý thức về sự hiến thân, họ đã cùng nhau ý thức về ý nghĩa hôn phối của thân xác họ, ý nghĩa diễn tả sự tự do của việc hiến thân và bày tỏ tất cả sự giàu sang bên trong của con người xét theo là hữu thể hiến dâng" (13).

Trái lại, sau khi phạm tội thì theo sách Sáng Thế, hậu quả đầu tiên là: "Bấy giờ mắt hai ông bà mở ra, và họ thấy mình trần truồng, họ mới kết lá và làm khố che thân" (St 3,7). Như vậy, điều đầu tiên người ta nhận thấy chính là sự thối nát của tội nguyên tổ. Không phải là thái độ của Thiên Chúa, (chỉ sau khi phạm tội người nam và người nữ mới trốn tránh Thiên Chúa) (14), nhưng chính là thái độ mà hai người dành cho nhau, nhìn vào nhau. Cái nhìn của họ không còn trong suốt nữa, cũng không phải là cái nhìn chiêm ngưỡng về ơn gọi hiến thân, nhưng là cái nhìn đã đổi hướng và từ nay thấy người khác như là đối vật có tiềm năng hưởng thụ ích kỷ. Đó là cái nhìn thèm muốn, cái nhìn coi người khác như một đối vật (objet) chứ không phải như một chủ thể (sujet). Đi xa hơn đức Gioan Phaolô II còn khẳng định: "Cái nhìn đưa đến sự ngoại tình trong lòng, người nam cũng có thể phạm tội ngoại tình đó đối với chính người vợ của mình, vì lúc đó ông coi vợ ông như một đối tượng để thỏa mãn những đòi hỏi theo bản năng của ông mà thôi" (15).

Trong nhiều buổi triều yết, đức Gioan Phaolô II chú tâm đến những lời này trong bài giảng trên núi và ngài đã chứng minh cách tuyệt vời rằng: Chính trái tim con người mới bệnh hoạn vì hậu quả của tội chứ không phải thân xác bệnh hoạn. Thân xác vô tội. Chúng ta lạm dụng chính bản thân chúng ta khi chúng ta tố cáo thân xác chúng ta, trong khi chính trái tim mới cần phải khám nghiệm. Sự dơ bẩn dưới mọi dạng thức không phải là tội của thân xác nhưng là một tội chống lại thân xác. Đức Gioan Phaolô II khẳng định: "Đối với người có não trạng nhị nguyên thuyết (mentalité manichenne) thì thân xác và dục tính tạo nên cái người ta gọi là ‘phản giá trị’ (anti-valeur), trái lại đối với Kitô giáo thì giá trị của thân xác còn được trân trọng quá ít. Cách nhận thức và đánh giá trị về thân xác và dục tính của thuyết nhị nguyên thì chính yếu xa lạ với Tin Mừng. Nhiều người đã bắt được ý nghĩa đích thực của những lời này mà Chúa Giêsu đã công bố trong bài giảng trên núi" (16). Ít lâu sau, trong một vài buổi triều yết, đức Gioan Phaolô II còn nhấn mạnh: Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu mời gọi con người trở về với tình trạng nguyên thủy vô tội, tức là tìm lại những ý nghĩa căn bản trường tồn, dưới nhiều dạng thức bền vững, của cái được gọi là ‘nhân tính’ sống động của con người mới. Như vậy, sẽ có sự nối kết giữa ‘nguyên thủy’ (origine) và ‘viễn tượng của ơn cứu độ’ (17).

3. Hôn nhân là như sự công bố và chuẩn bị ơn phục sinh (Mt 22,23-30).

Lời thứ ba của Tin Mừng: là câu Chúa Giêsu trả lời cho người Sađuxê. Một phái người Do Thái mang tên là Sađuxê không tin vào sự sống lại của thân xác, đã đến gặp Chúa Giêsu và đặt với Ngài một câu hỏi liên hệ đến ‘luật anh em thế nhau’ (loi du lévirat). Trong luật Do Thái, khi một người nam chết, thì một trong các anh em trai của họ phải kết hôn với người nữ góa bụa hầu bảo đảm dòng giống cho người anh em quá cố. Những người Saduxê đặt vấn nạn với Chúa Giêsu như sau: "Thưa Thày, ông Maisen có nói: nếu ai chết mà không có con, thì anh hay em của người ấy phải cưới lấy người vợ góa, để sinh con nối dõi cho anh hay em mình. Mà trong chúng tôi có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, rồi chết, và vì không có con nối dòng, nên để vợ lại cho em. Người thứ hai, rồi thứ ba, cho đến hết bảy người, người nào cũng vậy. Sau hết, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy, trong ngày sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số bảy người, vì tất cả đều đã lấy bà?" - Đức Giêsu trả lời họ: "Các ông lầm, vì không biết Kinh Thánh, cũng chẳng biết quyền năng của Thiên Chúa. Quả thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ sống như các thiên thần trên trời" (Mt 22,23-30).

Chúa có ý nói rằng: một khi đã sống lại, không còn hôn nhân nữa, vì hai lý do: Lý do thứ nhất việc sống lại xảy ra lúc Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang, đánh dấu sự kết thúc của lịch sử. Lịch sử đã hoàn tất, không còn cần thiết việc sinh sản nữa, và vì thế không còn việc dựng vợ gả chồng nữa. Lý do thứ hai, chính chúng ta có một cái nhìn rất chật hẹp về sự sống lại, hay đúng hơn một cái nhìn của người theo tự nhiên thuyết (naturaliste): Chúng ta thường lẫn lộn sự sống lại với một hy vọng tự nhiên về sự bất tử (immortalité). Đó là một quan niệm sai lầm mà chúng ta phải gạt bỏ. Đức Gioan Phaolô II nói: "Phục sinh không chỉ có nghĩa là sự vãn hồi thân xác và tái lập sự sống của con người, hầu con người trở lại tình trạng nguyên vẹn nhờ sự kết hợp của linh hồn và thân xác, nhưng còn có nghĩa là sự vãn hồi một tình trạng tuyệt đối mới mẻ của chính sự sống con người" (18).

Căn cứ vào đâu để nói đến tình trạng tuyệt đối mới mẻ này? - Đức Gioan Phaolô II bảo: "Tình trạng này được khởi sắc nhờ ‘một hệ thống tuyệt hảo đầy sức mạnh trong những tương quan hỗ trợ giữa tinh thần và thể xác của con người" (19). Nghĩa là trong sự sống lại, có sự đối lập mà người ta trải nghiệm trong đời sống hiện nay, cụ thể là những hậu quả của tội nguyên tổ. Đó là sự đối lập giữa những khát vọng của tinh thần chúng ta và những nặng nề của thân xác chúng ta, sự đối lập này sẽ bị đẩy lui hoàn toàn bởi sự hiệp nhất và sự hòa hợp tuyệt hảo của thân xác và tinh thần. Đức Giáo Hoàng nói tiếp: "Nhờ sự sống lại mà thân xác sẽ tìm lại sự hiệp nhất và hòa điệu toàn hảo với tinh thần. Con người sẽ không còn bị khống chế bởi sự đối lập giữa những yếu tố tinh thần và những yếu tố thân xác nơi con người nữa. Việc tinh thần hóa không chỉ có nghĩa là tinh thần sẽ thống trị thân xác, nhưng tinh thần thâm nhập hoàn toàn thân xác và những sức mạnh của tinh thần sẽ thấm nhiễm vào các nghị lực của thân xác" (20). 

Sức mạnh của tinh thần sẽ thấm nhiễm và thống trị sức mạnh của thể xác chúng ta, rồi sẽ dẫn chúng ta vào trong một bậc sống cao trọng hơn bậc sống thực nghiệm tại thế. Nhờ ơn sủng, chúng ta sẽ đạt tới sự trọn lành tột độ của chương trình thần linh hóa. Đức Gioan Phaolô II viết: "Mức độ linh đạo hóa riêng của con người thời cánh chung nảy sinh và lớn lên theo mức độ thần linh hóa của con người. Mức độ thần linh hóa vô cùng trổi vượt sánh với mức độ người ta có thể đạt tới trong đời sống trần thế. Còn phải thêm rằng: ở đây không nói đến một mức độ khác biệt, nhưng theo một ý nghĩa nào đó, là nói về một loại thần linh hóa khác. Việc tham dự vào đời sống nội tâm của chính Thiên Chúa, việc yếu tố thực chất nhân bản được thấu triệt và thâm nhập bởi yếu tố thực chất là thần linh, sẽ đạt tới trọn đỉnh. Ngay đời sống tinh thần của con người cũng đạt tới độ cao mà trước đó tuyệt đối không thể nào vươn tới được (…). Sự thần linh hóa trong một thế giới khác mà những lời dạy của Chúa Giêsu ám chỉ đến, sẽ đem lại cho kinh nghiệm của con người một ‘âm giai’ kinh nghiệm về sự thật và về tình yêu vượt xa tất cả những cái mà con người có thể đạt được trong đời sống tại thế" (21).

Tuy nhiên sự sống lại sẽ không phải là ‘sự thoát xác’ (désincardination). Chúng ta sẽ không trở thành thuần tuý tinh thần, và điều đó là điều Chúa Giêsu muốn đề cao khi nói "Trong ngày sống lại, người ta như các thiên thần". Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh: "Dĩ nhiên ở đây không nói đến việc biến đổi bản tính nhân loại thành bản tính thiên thần, nghĩa là thành tinh thần thuần tuý. Văn mạch chỉ rõ rằng: trong thế giới khác, con người sẽ còn bảo toàn bản tính riêng của con người tâm lý nhục thể (psychosomatique). Nếu hiểu cách khác, thì việc nói về sự sống lại sẽ mất hết ý nghĩa" (22).

Thân xác chúng ta đã được phục sinh vẫn là thân xác con người. Chúng vẫn giữ nam tính hay nữ tính của chúng. Tuy nhiên, hôn phối sẽ ngừng hiện hữu trong thân phận sống lại. Tại sao? Bởi vì trong thân phận mới này của nhân loại, nghĩa là trong sự sống lại, sự hiệp thông của Thiên Chúa với con người sẽ tuyệt hảo đến nỗi sẽ làm thỏa mãn sự hiệp thông của chúng ta một cách toàn diện và chan chứa, dư đầy. Mục đích chúng ta được dựng nên, là để chúng ta trở nên những hữu thể hiệp thông. Lý tưởng chúng ta phải thực hiện trong hôn nhân tại thế là sống theo gương mẫu trọn hảo ‘việc Thiên Chúa hiến thân cho mỗi người’. Chúng ta sẽ không còn lấy vợ lấy chồng nữa, bởi vì việc hiến thân của chính chúng ta cho một người sẽ vô cùng thấp kém sánh với việc chúng ta được hưởng kiến hồng phúc nhan thánh Thiên Chúa. Đức Gioan Phaolô II cho biết: "Những người sẽ tham dự vào thế giới mới, nghĩa là vào sự hiệp thông tuyệt hảo với Thiên Chúa hằng sống, họ sẽ vui hưởng một chủ thể tính tuyệt hảo. Nếu trong chủ thể tính tuyệt hảo này không còn dựng vợ gả chồng nữa, và vẫn duy trì nam tính và nữ tính trong thân xác phục sinh của họ, nghĩa là thân xác vinh quang, thì điều đó được cắt nghĩa bởi sự kết thúc của lịch sử, nhưng cũng và đặc biệt bởi sự kiện của ngày cánh chung (…). Như vậy, sau ngày cánh chung người ta không còn dựng vợ gả chồng nữa, người ta sẽ bước vào đời sống miên trường, luôn hưởng kiến Thiên Chúa, diện đối diện. Lúc đó, sẽ nảy sinh một tình yêu thật sâu thẳm và thật mãnh liệt quy hướng về chính Thiên Chúa. Tình yêu ấy sẽ chiếm hữu hoàn toàn chủ thể tính tâm lý nhục thể (subjectivité psychosomatique)" (23).

Diễm phúc được hưởng kiến mầu nhiệm tình yêu Chúa Ba Ngôi giúp chúng ta đạt tới sự hiệp thông toàn hảo và phổ quát. Đức Gioan Phaolô II nói: "Quy hướng mọi hiểu biết và tình yêu thương vào Thiên Chúa, chính là tham dự trọn vẹn vào đời sống nội tâm của Thiên Chúa nghĩa là vào đời sống của chính Ba Ngôi cực thánh (…)" (24)

Nếu trong ngày sống lại không còn hôn phối nữa, không phải vì sự sống lại phủ nhận giá trị hôn phối, nhưng vì sự hiệp thông mà hôn phối loan báo đã được thực hiện toàn mãn. Hôn phối là như công trình hiệp thông, loan báo sự sống lại. Và sự sống lại loan báo sự hiệp thông toàn mãn của Thiên Chúa nơi chúng ta. Bởi đó, sự hiệp thông của chúng ta với mọi người theo khuôn mẫu tín điều ‘các thánh cùng thông công’, giúp chúng ta làm trong sáng bậc sống hôn nhân và nêu bật những ý nghĩa phong phú của hôn nhân.

Chúng ta có thể kết thúc chương sách này bằng lời của đức Hồng Y Barbarin, người đề tựa và giới thiệu cuốn sách ‘Linh đạo hôn phối theo đức Gioan Phaolô II’: "Tuy vắn gọn, những trang tóm lược (Compendium) về thần học thân xác theo đức Gioan Phaolô II thật hữu ích. Bản tóm lược hiến tặng chúng ta những nét trục chính, giúp chúng ta đào sâu những giáo huấn thần học của đức Gioan Phaolô II. Hy vọng nhiều đôi bạn sẽ múc lấy được những điều cần thiết để canh tân đời sống nội tâm của mình và thông truyền nguồn phong phú tiếp thu được đến các gia đình khác" (25).

Sau cùng là lời của chính đức Gioan Phaolô II, ngài nhấn mạnh: "Thần học thân xác này cần thiết để hiểu cho đúng lời dạy của quyền giáo huấn (magistère) của Giáo Hội đương thời" (26) (27).

--------------------- 

(1) x Carlo Caffara, ‘Identidad y diferencia. La relacionbombre y mujer’, Madrid, nxb. Encuentro, 1989 tr. 34.
(2) George Weigel, ‘Jean Paul II, témoin de l’Espérance’, JC Latès, tr.427.
(3) Có thể đọc tác phẩm đầy đủ và kỹ thuật về thần học thân xác của đức Gioan Phaolô II của ông Yves Semen ‘La sexualité selon Jean-Paul II’, Presses de la Renaissance, 2004.
(4) Triều yết chung ngày 11.11.1981, s.1
(5) x. Hiến Chế Mục Vụ ‘Gaudium et Spes’ s. 24.
(6) Triều yết chung ngày 20.02.1980, s.4
(7) Triều yết chung ngày 14. 11. 1979, s.31
(8) Triều yết chung ngày 14.11.1979, s.3
(9) Triều yết chung ngày 6.8.1980, s.5
(10) Triều yết chung ngày 22.10. 1980, s.1.
(11) Triều yết chung ngày 6.2.1980, s.3
(12) X. 1Ga 2,16
(13) Triều yết chung ngày 20.2.1980, s.1
(14) x. Ga 3,8
(15) Triều yết chung ngày 8.10.1980, s.3
(16) Triều yết chung ngày 22.10.1980 ss 3+5
(17) Triều yết chung ngày 3.12.1980, s.3
(18) Triều yết chung ngày 2.12.1981, s.3
(19) Triều yết chung ngày 9.12.1981, s.1
(20) Triều yết chung ngày 9.12.1981, s.1
(21) Nt, s.3+4.
(22) Buổi triều yết 2.12.1981, s.5
(23) Triều yết chung ngày 16.12.1981, s.2+3.
(24) Nt s.4
(25) Yves Semen, La spiritualité Conjugale selon Jean-Paul II, Paris, Presses de la Renaissance, 2010, tr.14
(26) Triều yết chung ngày 8.4.1981, s.5
(27) Bài viết trên đây dựa theo phần phụ lục ‘Annexe, Compendium (abrégé) de la théologie du corps’, của cuốn ‘La Spiritualité Conjugale selon Jean-Paul II’, … tr.217-236.


Lm. Mai Đức Vinh
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/129493.htm

Chuyến về thăm Bố

- “Có về thăm Bố, thì về khi Bố còn tỉnh táo, khỏe mạnh, chứ khi Bố đau nặng rồi thì làm sao bố con trò chuyện được!”
Lời nhắn gửi này của ông bố 84 tuổi đã khiến cô con gái xa quê đã lâu thu xếp công việc để về thăm bố vào tháng Tám năm nay, để trò chuyện với bố.
Cuối bữa cơm với bố và bằng hữu, cô tổng kết chuyến hồi hương đầy thú vị của mình: gặp lại các giáo lý viên đã cộng tác từ 40 năm, hội ngộ với các ca viên cùng ca đoàn, chuyến đi từ thiện ở Kontum với nhóm phụng sự viên khóa Giáo lý Hôn nhân do cha Th. Phụ trách và nhóm gia đình thân hữu do chồng cô qui tụ để giúp nhau sống đạo giữa đời hồi thập niên 80.
Chúng tôi – đại diện của 4 gia đình và một linh mục – chăm chú ngồi nghe với sự đồng cảm và niềm vui được lan truyền qua giọng chia sẻ đầy cảm xúc của cô.
- “Vui vì gặp lại bạn bè cũ, anh chị em trong gia đình, nhưng vẫn cảm thấy thiếu cái gì đó!”, cô tâm sự tiếp.
Chính những ngày tĩnh tâm tại dòng Biển Đức, được tham dự các giờ kinh nguyện thần vụ, Thánh lễ và chầu Thánh Thể với các đan sĩ tại đây, đã lắp đầy khoảng trống còn lại và giúp chuyến hồi hương của cô được trọn vẹn tình Chúa tình người.
*  *  *
Người nghe câu chuyện gia đình này cảm nhận niềm vui Tin Mừng như vừa khám phá một trang Kinh Thánh trong gia đình hôm nay và nghiệm ra chất Phúc âm thật đơn sơ và hiện sinh.
(1) Sống đạo làm con cần có những biểu hiện cụ thể khi bố mẹ còn sống tại thế. Hành động báo hiếu không nhất thiết phải vĩ đại hay cần làm gì đó to tát cho mẹ cha, đôi khi chỉ là dành thời gian để nghe bố mẹ thuật lại chuyện đời xưa, gợi nhớ những kỷ niệm gia đình. Đơn giản thế nhưng bậc cao niên lại rất vui khi được lắng nghe và sống lại hồi ức đẹp trong quá khứ! Đơn giản thế, nhưng không phải người con nào cũng làm được!
(2) Trong mùa hè, ai cũng muốn và cần được thư giản, giải trí qua những chuyến đi xa nhà. Có những chuyến đi làm cho người ta xa nhau và xa cả Thiên Chúa, khi không dự ngày hội Chúa nhật của gia đình Hội Thánh. Nhưng cũng có những chuyến đi giúp chúng ta xích lại gần nhau, sưởi ấm bầu khí gia đình, vun đắp tình bằng hữu và đưa ta đến gần Chúa hơn. Cho dù đi chung hay riêng, nếu thật sự muốn, tôi vẫn là người thiết kế và định hướng cho trái tim mình. 
Phúc âm hóa gia đình khởi đi từ cái tâm hiếu nghĩa, hướng thiện và huynh đệ của từng thành viên, sẽ làm tỏa hương Tin Mừng nơi đại gia đình Hội Thánh Chúa Kitô và sinh hoa trái cho các gia đình tại Việt Nam.
Tâm Duyên
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20140826/27392

Thánh Địa lại vui mừng đón tiếp khách hành hương


WHĐ (29.08.2014) – Sau khi thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza được Israel và Hamas ký kết lúc 18g hôm thứ Tư 26-08có hiệu lựccác vị Bản quyền Giáo hội tại Thánh Địa đã lại lên tiếng mời những người hành hương tới Thánh Địa:Chúng tôi luôn vui mừng chào đón các bạn.
Đức Giám mục William ShomaliGiám mục phụ tá Jerusalem, đã đưa ra lời phát biểu hoan nghênh việc chấm dứt chiến sựChúng tôi rất vui mừng thông báo rằng cuộc chiến khốc liệt tại Gaza đã được tuyên bố kết thúc”.
Đức cha Shomali nói: “Một lần nữa chúng tôi xin lặp lại với các bạn rằng hành hương đến Thánh Địa  an toàn”; và ngài còn thêm: Chúng tôi khuyến khích các bạn hãy đến thăm vùng đất thân yêu đang bị xâu xé nàyNgay lúc tình hình chiến sự đang căng thẳng nhất, chúng tôi cũng thấy nhiều người hành hương can đảm từ nơi xa đến đ đi theo bước chân Chúa Giêsu.
Ngài kết luận: “Chúng tôi luôn rất vui mừng chào đón các bạn  gặp các bạn nơi miền đất của Chúa Cứu chuộc chúng ta”.
Trang nhất của tờ LOsservatore Romano ra ngày 28-08 chạy dòng tít: Súng đã im tiếng - sau năm mươi ngày giao chiến, Israel và Hamas đã ký một thỏa thuận ngừng bắn vô thời hạn.
Tuy nhiên, nhật báo của Vatican cũng đưa ra bản tổng kết bi thảm” của cuộc xung đột: 2.138 người Palestine thiệt mạng và hơn 11.000 người bị thương. Phía Israel  69 người thiệt mạngtrong đó có năm thường dân. Các cuộc không kích của quân đội Israel đã phá hủy 17.000 ngôi nhà ở Gaza, làm cho 100.000 người phải đến ở nơi tạm cư”.
(Zenit)

Minh Đức
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/thanh-dia-lai-vui-mung-don-tiep-khach-hanh-huong/6282.57.7.aspx

Ca đoàn Nhà nguyện Sistina sẽ lưu diễn Á Châu nhưng không đến Bắc Kinh

Hồng Kông, 25/08/2014 - Ca đoàn Nhà nguyện Sistina là một trong những dàn hợp xướng tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới. Họ đang có kế hoạch hát phục vụ tại một số thành phố ở Á Châu, cụ thể là những nơi nói tiếng Trung, bao gồm: Macao (ngày 19 tháng 9), Hồng Kông (ngày 21 tháng 9), và Đài Bắc (ngày 23 tháng 9) nhưng không có thành phố nào tại Trung Quốc Đại Lục

Theo Eglises d'Asie, ban đầu, ca đoàn Sistina - đi kèm với tất cả các lễ nghi giáo hoàng - được dự định là sẽ đến Bắc Kinh và một số nơi khác ở Trung Quốc Đại Lục. Thậm chí, Tòa Thánh và chính phủ Trung Quốc đã liên hệ dọn dường để thực hiện kế hoạch này, nhằm mở ra một mối quan hệ ngoại giao về văn hóa.

"Ngoại giao văn hóa" giữa Vatican và Trung Quốc mới chỉ có một vai trò khiêm tốn từ hồi tháng 5 năm 2008, khi dàn nhạc giao hưởng Bắc Kinh và dàn hợp xướng opera Thượng Hải đến Vatican trình diễn trước sự thưởng thức của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Vào thời điểm đó, Trung Quốc muốn giới thiệu hình ảnh về sự cởi mở của họ với cộng đồng quốc tế, để quảng bá, thu hút du khách đến Thế vận hội Olympic Bắc Kinh.

Tour lưu diễn sắp tới của Ca đoàn nhà nguyện Sistina thực ra đã được công bố trước chuyến viếng thăm Nam Hàn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, như là cách để nhấn mạnh rằng hoạt động này mang khía cạnh văn hóa chứ không phải tôn giáo. Tuy nhiên, sự thận trọng của họ đã được chứng minh là không có kết quả tại Trung Quốc.

"Ngoại giao văn hóa" không chỉ là bước ngoại giao đột phá của Vatican. Năm ngoái đã có nỗ lực tổ chức một cuộc triển lãm về các tác phẩm đặc trưng từ Viện Bảo tàng Vatican tại Bắc Kinh và các thành phố khác của Trung Quốc, nhưng về sau đã bị hủy bỏ. Hiện nay, một số trường đại học của Trung Quốc cũng thỉnh cầu để có thể triển lãm các tài liệu lịch sử về mối quan hệ giữa các vị giáo hoàng và các vương triều Trung Quốc được lưu trong Văn Khố Vatican. (Asian News)

Tiền Hô
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/129500.htm

Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 22-28/08/2014: Khủng bố Hồi Giáo tiếp tục gây thêm thảm trạng nhân đạo tại Iraq


Xuất bản 28-08-2014
• Nhận định của Đức Thánh Cha về chuyến tông du Đại Hàn
• Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông Phương kêu cứu
• Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 cử hành thánh lễ bế mạc cuộc họp mặt thường niên các cựu sinh viên của ngài
• ĐHY Louis Sako: Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm lịch sử và luân lý với Kitô hữu Iraq
• Công bố chủ đề Ngày Hòa Bình Thế Giới 2015
• Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân gọi điện thoại cho gia đình anh James Foley, 40 tuổi, nhà báo người Mỹ vừa bị chặt đầu ở Iraq

Phỏng vấn LM Phêrô Nguyễn Văn Hiền đầu năm học Giáo Lý

Trong những ngày chuẩn bị khai giảng năm học Giáo Lý mới, Thông Tấn Xã Công Giáo Vietcatholic xin phỏng vấn Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, nguyên Trưởng ban Giáo lý toàn quốc về việc dạy và học Giáo Lý.

PV. Kính thưa Cha, trong Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc vừa qua tại tổng giáo phận Huế, Cha có đưa ra nhận định rằng “bối cảnh xã hội hiện nay đòi hỏi phải có phương pháp giảng dạy giáo lý cho phù hợp”. Xin Cha chia sẻ đôi nét về vấn đề này.

LmNVH. Trong Đại Hội, chúng tôi nói đến xu hướng thế tục hóa trong xã hội Việt Nam hiện nay. Tục hóa tại Việt Nam không nhất thiết đi đôi với việc phản lại tôn giáo, cách riêng Kitô giáo. Nó xuất phát từ chỗ Việt Nam đang phấn đấu thoát cảnh nghèo bằng mọi giá, bất kể phải sử dụng đến phương cách nào. Những chuyện lừa đảo bạc tỷ đủ minh chứng lối tư duy và hành động này. Thêm vào đó, người Việt hiện nay đang tìm cách khẳng định mình bằng cái hào nhoáng bên ngoài như hàng hiệu, xe hơi bóng loáng … Người trẻ tiếp thu mau lẹ lối sống tự do theo kiểu minh tinh Âu Mỹ, việc hưởng thụ giới tính nhờ vào những “trạm” internet theo chủ trương lợi nhuận, vào những nhà “nghỉ tạm”, vào các điện thoại thông minh, smartphones, cung cấp mọi hình thức thô tục cho thanh thiếu niên. Những biểu hiện này phản ánh sự bất ổn sâu kín nơi tâm hồn và khát vọng khôn nguôi về những giá trị trường cửu nơi người Việt hiện nay. Hòa giải, hiệp thông và đối thoại trở thành những giá trị thiết yếu nhưng người ta không biết phải tìm ở đâu. Liệu huấn giáo, xét như nỗ lực giới thiệu Đấng duy nhất có thể trả lời và làm thỏa mãn những khát vọng sâu kín nhất nơi tâm hồn con người, có là nơi đáng tin cậy để người ta được gặp gỡ Ngài hầu được biến đổi tận căn không? Câu hỏi này đòi hỏi chúng ta phải canh tân việc dạy giáo lý tại Việt Nam.
PV. Cha thường nhấn mạnh đến việc dạy giáo lý ở khía cạnh trình bày cho các em cảm nhận được tình yêu của Chúa Giêsu để các em yêu mến và sống theo Chúa Giêsu. Theo Cha Giáo Lý viên cần làm gì để đạt được mục tiêu này?

LmNVH. Thành quả của Đại Hội Giáo Lý được thâu tóm trong Bản Ghi Nhớ gồm những điểm mà các tham dự viên ước muốn thực hiện trong ba năm tới, hướng tới việc đổi mới nhiệt tình của giảng viên và học viên giáo lý, đổi mới phương pháp và ngôn ngữ sử dụng trong việc dạy giáo lý. Trong các bình diện cần đổi mới này, thì đổi mới con người là quan trọng hơn cả. Giảng viên giáo lý phải là người tuyệt đối tin vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, lắng nghe và nhận ra sự thúc đẩy của Ngài nhờ đời sống cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích, nhờ đó có được nhiệt tình loan báo Tin Mừng và trở thành chứng nhân sống động của Tin mừng. Kế đến, giảng viên giáo lý phải biết thoát ra khỏi khuôn khổ của một “lớp” học thường nghiêng chiều về việc cung cấp kiến thức hơn là thiết lập tương quan giữa học viên với Chúa cũng như với tha nhân. Cuối cùng, làm cho các buổi học giáo lý trở thành những buổi gặp gỡ, gặp gỡ nhau và cùng nhau gặp gỡ Chúa, nhờ cho các em tiếp cận chính bản văn Lời Chúa và nội tâm hóa sứ điệp của Tin Mừng.

PV. Xin Cha cho chúng con biết vai trò của Kinh Thánh trong Giáo Lý và có cách nào giúp các em tiếp cận Lời Chúa dễ dàng nhất, giúp các em yêu mến Lời Chúa hơn?

LmNVH. Chính từ “dạy giáo lý”, theo Hy ngữ, có nghĩa là “làm cho vang dội”, cụ thể là “làm cho Lời Chúa vang dội” nơi tâm hồn của học viên giáo lý, để họ có thể lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, nhờ đó, bản thân được biến đổi và góp phần biến đổi môi trường sống. Vì thế, Lời Chúa vừa là nguồn mạch, là nền tảng và linh hồn của việc dạy giáo lý. Trong tông huấn “Lời Chúa”, ĐTC Bênêđictô viết: “Tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt rằng khoa giáo lý phải thấm nhuần và nắm vững tư tưởng, tinh thần và thái độ Kinh Thánh và Tin Mừng nhờ việc chuyên cần tiếp xúc với chính bản văn […] cũng có thể là bổ ích nếu hiểu biết và học thuộc lòng một vài đoạn Kinh Thánh, đặc biệt những đoạn nói về các Mầu nhiệm Kitô giáo” (s.74). Như thế, giảng viên giáo lý nên giúp các em tiếp cận với chính bản văn Kinh Thánh, thay vì chỉ giải thích và áp dụng xuông; nhờ đó, học viên giáo lý có thể nếm được hương vị ngọt ngào của Lời Chúa, yêu mến và có thói quen quy chiếu vào Lời Chúa trong đời sống hàng ngày.

PV. Một số Giáo Lý Viên cho rằng học Giáo Lý chán thì cho sinh hoạt, hát, chơi trò chơi mà những sinh hoạt này có khi chẳng ăn nhập gì với nội dung Giáo Lý. Cha nhận định về trò chơi trong Giáo Lý thế nào ạ?

Lm.NVH. Nếu như các giảng viên có khả năng giúp cho các học viên tiếp cận với bản văn Lời Chúa và thưởng nếm được hương vị của Lời Chúa thì làm sao các học viên nhàm chán được. Để có được khả năng truyền đạt Lời Chúa, chắc hẳn bản thân giảng viên giáo lý phải dành chỗ ưu tiên cho việc đọc và suy niệm Lời Chúa, phải đắm mình trong Lời của Thiên Chúa, để được lôi cuốn vào cuộc sống thân tình với Ngài. Thêm vào đó, việc công bố và trình bày Lời Chúa sẽ trở nên sinh động hơn nếu các giảng viên giáo lý biết vận dụng hình ảnh, bài hát và trò chơi (games). Điều này đòi hỏi giảng viên giáo lý phải được huấn luyện để hiểu đúng đắn về các hoạt động (activities) trong việc dạy giáo lý. Chắc hẳn nó phải là hoạt động phục vụ cho việc giáo dục đức tin, chứ không phải bất kỳ hoạt động vui chơi nào nhằm giải trí hay mua vui, chưa kể có nhiều bài hát hay trò chơi còn có nội dung phản giáo dục nữa.

PV. Thưa Cha, Cha cũng thường nhắc đến vai trò của gia đình trong công cuộc huấn giáo. Xin Cha cho chia sẻ thêm về vấn đề quan trọng này.

Lm.NVH Trong các sách giáo lý hiện nay của Canada, Pháp, Mỹ, Phi …, tôi thường thấy cuối mỗi buổi gặp gỡ giáo lý, bao giờ cũng có một trang phần dành cho các bậc phụ huynh, thậm chí thỉnh thoảng còn mời họ đến dự giờ để thấy và nghe con cái họ diễn tả đức tin của chúng qua những tiểu phẩm, tranh vẽ hay hình tượng nặn bằng chất dẻo … nhằm phối hợp gia đình và giáo xứ trong việc dạy giáo lý. Như anh biết, cho đến thế kỷ thứ XVI, mới có việc dạy giáo lý và sách giáo lý cho trẻ em, trước đó, chỉ có việc dạy giáo lý cho người lớn, cụ thể là cha mẹ, để họ về dạy lại cho con cái của họ. Sau này, do “trường lớp hóa” hay “giáo xứ hóa” việc dạy giáo lý, cha mẹ dường như đánh mất vai trò của mình trong việc giáo dục đức tin cho con cái, đang khi họ chính là “giáo lý viên đầu tiên” của con cái trong gia đình. Thực tế cũng cho thấy trẻ em chỉ học giáo lý và tham dự thánh lễ một vài giờ trong tuần, còn phần lớn thời gian sống trong gia đình. Vì thế, huấn giáo hiện nay có xu hướng đẩy mạnh việc dạy giáo lý cho người trưởng thành và việc dạy giáo lý trong gia đình, bởi ý thức vai trò cần thiết và quan trọng của các bậc làm cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái.

PV. Xin chân thành cám ơn Cha và kính chúc Cha cùng tất cả các anh chị Giáo Lý Viên, các học viên Giáo Lý một năm học mới tràn đầy hồng ân Chúa.

Lm.NVH. Cũng xin cám ơn Vietcatholic đã cho tôi cơ hội trao đổi với các giảng viên giáo lý cũng như những anh chị đang tích cực dấn thân cho hoạt động giáo lý trong nước cũng như ở nước ngoài.

Gioan Lê Quang Vinh
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/129504.htm