Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Hai vị thánh bảo trợ cho Đại hội Gia đình Thế giới 2015

Trong Thánh lễ tối Chúa Nhật 20/07/2014 tại Nhà thờ Chánh tòa Thánh Phêrô và Phaolô, Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput đã công bố Thánh Gioan Phaolô II và Thánh Gianna là các vị thánh bảo trợ cho Đại hội Gia đình Thế giới năm 2015 ở Philadelphia. Ngài đã công bố tin này trong buổi trưng bày thánh tính của Thánh Gioan Phaolô Phaolô II vào cuối tuần qua tại Nhà thờ chính tòa của Philadelphia. 
Thánh Gioan Phaolô có liên hệ mật thiết với Philadelphia khi ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm thành phố này. Vào năm 1979, ngài cử hành Thánh Lễ ở Logan Circle cho gần 1 triệu người. Mười lăm năm sau đó, ngài tổ chức Đại hội Gia đình Thế giới lần đầu tiên với mục đích tăng cường mối gắn kết của gia đình trên toàn thế giới. Tại Lễ tuyên thánh hồi tháng Tư vừa qua tại Vatican, ngài nhận được danh xưng là "Đức Giáo hoàng của gia đình." 
Thánh Gianna Beretta Molla là một bác sĩ nhi khoa và là mẹ của bốn người con, bà đã hy sinh mạng sống vì sự ra đời của đứa con thứ tư vào năm 1962. Thánh nữ được Thánh Gioan Phaolô tuyên chân phước vào năm 1994, năm của Đại hội Gia đình Thế giới đầu tiên, và cũng chính Đức Gioan Phaolô tuyên thánh cho thánh nữ vào năm 2004. Thánh nữ là vị thánh bảo trợ cho các bà mẹ, các bác sĩ và thai nhi. 
Tổng giám mục Chaput  cho hay: "Thánh Gioan Phaolô II và Thánh Gianna đã được chọn là hai vị thánh bảo trợ đáng kính để hướng dẫn tất cả những người chuẩn bị và tham gia vào sự kiện quốc tế này khi họ hoàn toàn là hiện thân của lịch sử, sứ vụ và chủ đề của Đại hội Gia đình Thế giới 2015". Đại họi sắp tới mang chủ đề: "Tình yêu là sứ mạng của chúng ta: gia đình hoàn toàn sống động". 
Đức Tổng Giám Mục nói rằng hai vị thánh "đã dấn thân sâu sắc và lâu dài để củng cố và duy trì gia đình bằng tất cả tình yêu. Sự kiện lịch sử này sẽ làm cho hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới có cơ hội để chia sẻ những dấn thân tương tự hai vị thánh bảo trợ của chúng ta".
Để đánh dấu cho việc công bố này, Đức Tổng giám mục Chaput kết thúc Thánh lễ bằng phép lành của thánh tính Thánh Gioan Phaolô II, xin sự cầu bàu của ngài trên thiên quốc. Thánh tích là máu của ngài, vẫn còn ở trạng thái lỏng. 
Trong một diễn biến khác, cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh Vatican, cho biết hôm 25/7 rằng Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ "sẵn lòng tham dự Đại hội Gia đình Thế giới 2015" ở Philadelphia, và đã nhận được lời mời đến thăm các thành phố khác và ngài đang xem xét. Những nơi mời bao gồm New York, Liên Hiệp Quốc và Washington.
Tạ Ân Phúc
Nguồn: http://www.ubmvgiadinh.org/article/hai-v%E1%BB%8B-th%C3%A1nh-b%E1%BA%A3o-tr%E1%BB%A3-cho-%C4%91%E1%BA%A1i-h%E1%BB%99i-gia-%C4%91%C3%ACnh-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-2015

Thân Thể Của Bạn, Cái Tôi Của Bạn

Một bài học về Kế hoạch hóa Gia đình theo cách Tự nhiên (NFP) - khi bệnh tật cũng như lúc mạnh khỏe
Tháng 7 là tháng Kế hoạch hóa Gia đình theo cách Tự nhiên (NFP), đây cũng là thời gian này tôi và vợ tôi, Meg, mừng kỷ niệm ngày cưới. Mười một năm trước, lần đầu tiên chúng tôi cùng nhau học tập về NFP - Kế hoạch hóa Gia đình theo cách Tự nhiên -trong một cuộc hội thảo tiền hôn nhân mang tính bắt. Chúng tôi ngồi yên lặng giữa những cặp khác trong thời gian khoảng 45 phút, chăm chú lắng nghe người trình bày. 
Tôi nhớ rõ cách thức mà nàng dâu tương lai của tôi cùng với tôi đồng ý quan điểm rằng thực hành NFP sẽ củng cố những điều chúng tôi đã nghĩ đến trước đó: sự hiểu biết đầy đủ người bạn đời đến từ việc trao đổi thường xuyên và tận tâm. Khi tính đến chuyện tương lai, chúng tôi đã quyết định rất sớm trong mối quan hệ của chúng tôi – sau nhiều đêm khuya trò chuyện – đó là chúng tôi sẽ có con (chắc chắn sẽ là hai con, có thể có thêm tùy theo thu nhập của chúng tôi) và khi nào sẽ có con (sau khi tôi tốt nghiệp đại học và Meg có công việc ổn định). Cũng như những cặp đã đính hôn đang trong độ tuổi hai mươi thường làm ngày nay, chúng tôi có kế hoạch gia đình chắc chắn trước khi chúng tôi kết hôn.
Vâng, bạn biết điều gì sẽ xảy đến khi có kế hoạch tốt nhất. Hơn ba năm sau khi kết hôn, Meg đã reo lên với tin vui nàng có thai một bé gái, lúc đó tôi đang ngồi trong thư viện trường đại học làm việc nghiên cứu chuẩn bị cho các kỳ thi của tôi. Con trai của chúng tôi chào đời như một sự ‘ngạc nhiên’ khoảng một năm rưỡi sau đó.
Rồi cũng vào năm này, tôi đã ngồi bên cạnh Meg khi nàng phát hiện bị ung thư vú.
Chúng tôi đã thực hành NFP suốt thời gian đó. Đúng như những gì chúng tôi được dạy trong buổi hội thảo tiền hôn nhân, việc làm này giúp chúng tôi hiểu nhau và trao đổi với nhau tốt hơn. Mặc dù không được luôn thực hành tốt nhất, NFP thách thức chúng tôi rất sớm trong đời sống hôn nhân của chúng tôi, để lắng những nhu cầu của nhau nghe nhiều hơn, và để hành xử theo những ham muốn của thân xác ít hơn. Chúng tôi đã đặt việc lắng nghe nhau lên trên việc ham muốn nhau.
NFP cũng khích lệ chúng tôi tin tưởng vào Chúa hơn. Chúng tôi thấy thật quan trọng phải lắng nghe trong cầu nguyện trước khi đưa ra những quyết định lớn và sau khi trải nghiệm những thời khắc có ảnh hưởng lớn đến gia đình chúng tôi. Người ta có thể nghĩ rằng bệnh ung thư làm cho NFP trở thành điểm gây tranh luận đối với chúng tôi vì việc hóa trị tác động lớn đến chu kỳ kinh nguyệt của Meg, tuy nhiên đó lại là nhân tố chính trong việc phát hiện căn bệnh ung thư của cô ấy ngay khi mới xuất hiện. Lúc đầu ảnh chụp các khối u ở ngực qua tia X không cho thấy khối u. Meg phát hiện ra khối u vì cô ấy chú ý kỹ  lưỡng đến cơ thể khi chúng tôi đang cố gắng có con, và cô ấy nhận thấy có gì đó không ổn và cần đi khám bác sĩ. Vì nghi ngờ kết quả, cô ấy bảo tôi ở bên cạnh trong lúc chờ kết quả sinh thiết. Thú thật, đó là một thái độ mở lòng ra cách chăm chú được hình thành nên qua nhiều năm tháng, được tìm thấy nơi biến cố Truyền Tin như lời của Đức Trinh Nữ Maria Đầy Ơn Phúc "xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền" (Lc 1,38) – Chính thái độ đó đã làm cho việc hóa trị và phẫu thuật của cô ấy có thể chịu đựng được.
Thỉnh thoảng tôi nghe người ta tranh luận rằng NFP hủy bỏ sự tin tưởng phó thác vào kế hoạch của Thiên Chúa dành cho gia đình của bạn, NFP dẫn đến không hiệu quả hoặc hiệu quả thái quá. Chắc chắn gia đình chúng tôi không ở trong hoàn cảnh lý tưởng. Là những người vợ, người chồng và là cha mẹ, các phương pháp của chúng tôi cũng mang lại những kết quả khác nhau mà chúng tôi sẽ chẳng bao giờ tưởng tượng ra được khi còn là cặp vợ chồng mới cưới. Nhưng bài học NFP về việc hiểu nhau bằng cách trao tổi đã giúp chúng tôi vượt qua hai kỳ mang thai và những đau đớn của việc điều trị bệnh ung thư. Đó là một bài học vô giá lần đầu tiên được học cách đây gần như lâu bằng một đời người, và bài học này sẽ chỉ đạo và truyền cảm hứng cho chúng tôi mãi cho đến khi cái chết chia lìa chúng tôi.
Bài viết của Jason Godin, phó tổng biên tập của Fathers for Good
Lê Quang Tỵ biên dịch
Nguồn: http://www.ubmvgiadinh.org/article/th%C3%A2n-th%E1%BB%83-c%E1%BB%A7a-b%E1%BA%A1n-c%C3%A1i-t%C3%B4i-c%E1%BB%A7a-b%E1%BA%A1n

Nhà Trắng vinh danh một linh mục Dòng Tên là “Nhà vô địch về sự thay đổi”


Nhà Trắng vinh danh một linh mục Dòng Tên là “Nhà vô địch về sự thay đổi”


Cha Greg Boyle, một linh mục dòng Tên vừa được Nhà Trắng công nhận là một “Nhà vô địch về sự thay đổi” vì những nỗ lực của ngài qua chương trình giúp đỡ những người đã từng dính líu tới Băng đảng ở Los Angeles có tên gọi là Homeboy Industries. Ngày 30.06 vừa qua, tại thủ đô Washington, D.C., cha Boyle đã nhận được một giải thưởng vì công việc của ngài với Homeboy, một chương trình đã được thành lập cách đây 25 năm.

Thông cáo báo chí của Nhà Trắng cho hay, có 14 người khác cũng được vinh danh dịp này với cha Boyle vì những nỗ lực của họ trong việc “giúp đỡ những người phạm pháp tái hòa nhập xã hội với trọn vẹn phẩm giá và những cơ hội việc làm.”

Cha Boyle là người sáng lập và là giám đốc điều hành của Homeboy Industries (“HomeBoy” là từ mà những thành viên băng đảng thường dùng. Nó có nghĩa gì đó như là “bạn bè” hoặc “anh em”), chương trình tái hòa nhập và cải tạo giáo dục lớn nhất Hoa Kỳ dành cho những cựu thành viên của các băng đảng. 


Lần đầu tiên ngài nhận ra nhu cầu giúp đỡ những cựu thành viên của các băng đảng là khi ngài làm cha xứ của nhà thờ Dolores từ năm 1986 đến năm 1992. Homeboy Industries hiện nay đang tạo công ăn việc làm và đào tạo nghề cho hơn 300 cựu thành viên băng đảng mỗi năm trong các cơ sở gồm một nhà hàng, một tiệm bánh và một cơ sở may-thêu.

Ngoài ra, tổ chức còn cung cấp những dịch vụ giúp các cựu thành viên băng đảng cải tạo và tái hòa nhập xã hội như tẩy hình xăm, tư vấn cho 12,000 người mỗi năm.

“Chẳng có đứa trẻ nào tham gia một băng đảng để tìm điều gì đó. Đơn giản là nó luôn muốn chạy trốn điều gì đó mà thôi. Điều duy nhất phải làm để giải quyết vấn đề này là phải giúp chúng giải quyết những nỗi tuyệt vọng trong tâm hồn, những chấn thương tâm lý và cung ứng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho chúng,” cha Boyle khuyên.

Trong khuôn khổ chuyến thăm thủ đô Washington, D.C., cha Boyle đã nói chuyện về đề tài: “Hãy bảo vệ giới trẻ và chấm dứt vòng tù tội” tại Đồi Capitol. Cha Boyle đã thuật lại những câu chuyện cuộc đời của các cựu thành viên băng đảng và kể về những điều ngài đã làm và chưa làm được khi điều hành tổ chức phi lợi nhuận này.


Vị linh mục dòng Tên cũng cho biết thêm rằng Homeboy Industries có ảnh hưởng rất tốt đến các cựu thành viên băng đảng và tổ chức này là một cộng đồng luôn mở rộng chào đón những ai muốn làm lại cuộc đời.

Để biết thêm thông tin về Homeboy Industries, vui lòng truy cập www.homeboyindustries.org

Chỉnh Trần, S.J.
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/128127.htm

Năm mươi ngàn giúp lễ hành hương đến Roma


WHĐ (31.07.2014) – Từ ngày 04 đến 08 tháng Tám, hơn năm mươi ngàn giúp lễ (nam và nữ) từ ÁoThụy Sĩ, và chủ yếu từ Đức sẽ hành hương đến Roma; đây là cuộc hành hương truyền thống diễn ra vào tháng Tám hằng năm, do Hội đồng Giám mục Đức tổ chức. Sinh hoạt này nhằm bồi dưỡng về mặt thiêng liêng cho một thành phần quan trọng trong mục vụ phụng tự của Giáo hội. Tại Đức có hơn 430.000 trẻ em và thanh thiếu niên đang phục vụ bàn thờ.
Chương trình hành hương bao gồm các buổi lễ tại các giáo phậnviếng thăm các địa điểm liên quan đến lịch sử, văn hoávà tâm linhtrong đó có Assisi. Cao điểm của cuộc hành hương được tất cả những người tham gia háo hức chờ đợi là buổi gặp gỡ Đức Thánh Cha tại Vatican vào ngày 05 tháng Tám.
Cùng đi với đoàn hành hương còn có một số giám mục.

Minh Đức
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/nam-muoi-ngan-giup-le-hanh-huong-den-roma/6208.57.7.aspx

Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: Khai trương bữa cơm nhân ái

WGPSG -- Chiều hôm nay, ngày 30/7/2014, giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp khai trương bếp ăn nhân ái. Ngay từ sáng đã có nhiều ông bà, anh chị em trong giáo xứ đến để cùng chung tay trong bữa ăn đầu tiên của ngày khai trương.
Yêu thương và phục vụ những người bất hạnh, nghèo khó là nền tảng của Đạo Công Giáo. Trong những năm qua, hội Bác ái xã hội Caritas giáo xứ luôn thực hiện giới luật đó, và đang trở thành nhịp cầu nối kết giữa những người có hoàn cảnh kém may mắn trong và ngoài giáo xứ.
Mọi người đều sẵn sàng đóng góp công sức, vật chất lẫn tinh thần, hết mình vì cộng đồng; vận động tất cả khả năng có thể để bếp ăn mang thật nhiều sự sẻ chia đến với mọi người. “Còn nhiều khó khăn nhưng với tình yêu bác ái, các thành viên trong hội Bác ái xã hội Caritas cùng mọi người, lạc quan tin tưởng bếp ăn ngày càng hoàn thiện và phát triển trong tương lai”, ông Trưởng hội Bác ái xã hội Caritas Đaminh Phạm Văn Nghĩa đã nói.
Đúng 18g00, cha chánh xứ Phanxicô Xaviê Đậu Nguyễn Hoàng Linh đã dâng Thánh lễ, ngài nói: “Xin dâng lên Thiên Chúa bếp cơm nhân ái của giáo xứ để bếp cơm này được Người gìn giữ và luôn phát triển bền vững”. Đồng tế với ngài có cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Luyến, chánh xứ Lạng Sơn kiêm phó Hạt trưởng hạt Xóm Mới, thầy phó tế Gioan Baotixita Ngô Hữu Tiến phục vụ bàn thờ.
Sau Thánh lễ, hai cha và thầy đã xuống khai trương bếp ăn nhân ái. Cha chánh xứ đã ban phép lành và nói: “Chúng con nguyện xin dâng bếp ăn nhân ái này lên Cha nhân từ. Nguyện xin Người luôn đoái nhìn và nâng đỡ công việc bác ái này, luôn hướng dẫn để chúng con ngày càng phát triển bền vững. Xin Chúa chúc lành và trả công cho những tấm lòng quảng đại đã và đang cộng tác vào chương trình bác ái của Ban Caritas giáo xứ”.
Vâng! Trong khi nhiều người dẫn nhau mua sắm hàng hiệu, ăn uống nhậu nhẹt tại những nơi sang trọng, hàng quán, thì một bộ phận người lao động nghèo nàn, kém may mắn phải vật lộn để mưu sinh, kiếm sống từng ngày.
Vì thế, hôm nay, tôi nhận thấy lòng nhân ái tràn ngập trên các bàn ăn, lòng nhân ái đong đầy trong những hộp cơm còn nóng hổi. Anh Linh nhanh chóng mang những phần cơm nhân ái trao đến tay người lao động nghèo. Phần cơm trao đi, nụ cười của người phát và người nhận còn đọng mãi. Những cử chỉ, việc làm đầy trách nhiệm và tấm lòng nhân ái cao đẹp của tất cả mọi người, chính là sự động viên và thể hiện tinh thần "lá lành đùm lá rách" để đem đến cho những người có hoàn cảnh kém may mắn một bữa cơm ấm áp tình nhân ái.
Tôi nhớ một ai đó đã nói: “Cho đi một điều gì đó vì mục đích tốt đẹp, chắc chắn sẽ nhận lại niềm vui từ chính mục đích tốt đẹp ấy”. Nhìn nụ cười rạng rỡ trên nét mặt của những thiện nguyện viên sau khi hoàn thành công việc, tôi cảm nhận được niềm vui và sự ấm áp từ tình cảm yêu thương mà mọi người dành cho nhau sau những bộn bề của công việc.
Nơi đây đang rất cần thêm sự chung tay của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, để một tuần không chỉ có ngày thứ Tư, mà là nhiều ngày trong tuần. Ước mong ngày nào cũng có những phần cơm nhân ái đến với những phận đời kém may mắn. Công việc sẽ hoạt động lâu dài và hiệu quả nếu có nhiều nhà hảo tâm cùng chung tay góp sức.
Chắp tay lại là hay, nhưng mở rộng vòng tay ra lại còn hay hơn. Bạn hãy cho đi để rồi sẽ nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc còn quý hơn cả vật chất rất nhiều lần. “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).
Và như vậy, người nghèo giáo hạt Xóm Mới đã có các bữa cơm trưa các ngày trong tuần, nay lại có thêm bữa cơm vào tối thứ Tư hằng tuần. Mời xem bài “Cơm trưa Lazaro ngày nay”.
GX. ĐỨC MẸ HCG-XM & BỮA CƠM NHÂN ÁI

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Đức Phanxicô và mười bí quyết hạnh phúc

Theo tin Zenit ngày 28 tháng 7, trong một cuộc phỏng vấn của tờ Viva, Á Căn Đình, để đánh dấu 500 ngày lên ngôi giáo hoàng, Đức Phanxicô đã đề cập đến nhiều vấn đề từ tuổi trẻ của ngài tới di dân. Điều lý thú là nhân dịp này, ngài đưa ra mười bí quyết để hạnh phúc.

Bí quyết thứ nhất nói lên khiếu ngoại giao của vị giáo hoàng người Á Căn Đình này: với tờ báo mang tên Viva (chắc chắn có liên hệ tới sự sống), ngài nhấn mạnh tới câu phương ngôn của người Ý: “ ‘campa et lascia campà’: Hãy sống và hãy để (người ta) sống. Đó là bước đầu tiên tiến tới bình an và hạnh phúc”

Sau đó, ngài nói thêm chín bí quyết khác. Bí quyết tiếp theo là “hiến mình cho người khác”. Ngài bảo: “khi mệt mỏi, người ta có nguy cơ trở nên ích kỷ. Và nước đọng là nước đầu tiên bị ô nhiễm”.

Thứ ba, ngài đề nghị ta “nên chuyển động êm đềm’ và ngài trích dẫn cuốn tiểu thuyết Á Căn Đình tựa là "Don Segundo Sombra", do Ricardo Güiraldes viết. Ngài bảo: “trong ‘Don Segundo Sombra', có một điều rất đẹp: người đàn ông nhìn trở lui đời mình. Hồi còn trẻ, ông ta là dòng suối chẩy qua đá, bất chấp mọi sự, nhưng lúc có tuổi hơn, ông trở thành con sông lững lờ và 'êm đềm thanh thản' xuôi chẩy". Đức Giáo Hoàng nói rằng người cao niên có sự khôn ngoan để chuyển động một cách “hiền từ và khiêm nhường” và đời các ngài hết sức thanh thản. Ngài nhắc lại quan tâm của ngài đối với những người không chịu chăm sóc người cao niên của họ: “họ không có tương lai”.

Thứ tư, Đức Phanxicô cổ vũ việc vui chơi với trẻ em và tầm quan trọng của nền văn hóa nhàn tản, đọc sách và thưởng ngoạn nghệ thuật lành mạnh. Ngài nói: “chủ nghĩa tiêu thụ dẫn ta tới niềm lo sợ bị mất mát” nền văn hóa này.

Nhân tiện, ngài nhắc lại hồi còn ở Buenes Aires, ngài có thói quen hỏi các bà mẹ trẻ xem họ có năng vui chơi với con cái họ hay không. Ngài bảo: “đây là một câu hỏi bất ngờ. Khó trả lời. Cha mẹ thường phải đi làm và khi về nhà thì con cái đã ngủ”.

Thứ năm, Đức Phanxicô nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc chia sẻ ngày Chúa Nhật với gia đình. Ngài nhớ lại dịp thăm Campobasso, miền nam nước Ý, gần đây, các công nhân, ai nấy, đều không muốn làm việc vào các ngày Chúa Nhật.

Thứ sáu, ngài cho rằng giúp người trẻ tìm được việc làm là chìa khóa dẫn tới hạnh phúc. Ngài bảo: điều quan trọng là phải có tính thần sáng tạo vì nếu thiếu cơ hội, “họ sẽ rơi vào ma túy”. Theo ngài, tỷ lệ tự tử “rất cao nơi các người trẻ không có việc làm”.

Ngài nói thêm: “hôm nọ, tôi có đọc, nhưng tôi không cho đó là một sự kiện khoa học, là có tới 75 triệu người trẻ dưới 25 tuổi hiện đang thất nghiệp”. Ngài đề nghị nên dạy họ một tay nghề, giúp họ “phẩm giá đem cơm áo về gia đình”.

Các chìa khóa khác dẫn tới hạnh phúc được Đức Phanxicô đưa ra bao gồm: chăm sóc thiên nhiên, mau chóng quên những điều tiêu cực, tôn trọng những ai nghĩ khác với mình, và tích cực tìm kiếm hòa bình.

Dấn thân cho hòa bình và môi sinh

Quay qua tình hình thế giới, Đức Phanxicô lưu ý tới con số gia tăng các vụ tranh chấp và các cuộc chiến tranh hoàn cầu. Ngài nói: “chiến tranh phá hủy và chúng ta phải lớn tiếng kêu gọi hòa bình. Đôi khi hòa bình cho ta ý niệm yên tĩnh, nhưng thực ra không phải là yên tĩnh mà phải là một nền hòa bình tích cực”.

Ngài nói thêm: “theo tôi, mọi người phải dấn thân trong vấn đề hòa bình, phải làm mọi sự có thể làm, mọi sự tôi có thể làm từ chốn này. Hòa bình là ngôn từ ta cần phải nói”.

Đức Thánh Cha cũng đề cập tới những người đang trốn chạy các khủng khiếp của chiến tranh và nhiều tai ương khác, và các quốc gia đã không độ lượng ra sao trong việc giúp đỡ người tị nạn. Ngài bảo: Âu Châu sợ không dám nói tới di dân, nhưng ngài ca tụng Thụy Điển về các chính sách của họ, bằng cách nhận định rằng người Thụy Điển đã nhận vào 800,000 di dân trong khi dân số của họ chỉ có 25 triệu 3 trăm ngàn người.

Ngoài ra, ngài còn nói tới các vấn đề môi trường và việc nhân loại vẫn tiếp tục ra sao trong việc phí phạm sự hào phóng của Thiên Chúa. Hình như ngài tỏ ý chống lại “fracking”, tức phương pháp hút khí đốt đang gây tranh cãi, bị nhiều người cho là làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước (1).

Ngài nói rằng “khi qúy vị muốn sử dụng một phương pháp đào mỏ dầu có thể lấy được nhiều dầu hơn các phương pháp khác, nhưng nó ô nhiễm nguồn nước, bạn cũng bất cần chẳng hạn. Thì cứ như thế họ tiếp tục làm ô nhiễm thiên nhiên. Theo tôi, đây là vấn đề chúng ta chưa chịu đối diện: khi sử dụng bừa bãi và đối xử tàn bạo với thiên nhiên, nhân loại há không đang tự vẫn đó sao?”

Trong cuộc phỏng vấn lần này, Đức Phanxicô nhắc lại rằng Giáo Hội lớn mạnh nhờ lôi cuốn chứ không nhờ cải đạo (proselytizing). Ngài nói: “điều tệ nhất qúy vị có thể làm là cải đạo, nó làm tê liệt”.

Được người phỏng vấn hỏi về khả năng trúng giải Nobel về hòa bình, Đức Phanxicô nói rằng ngài không nghĩ tới điều đó và cho biết thêm: theo đuổi giải thưởng và các bằng tiến sĩ không phải là thành phần trong nghị trình hành động của ngài.

Người phỏng vấn tiết lộ rằng Đức Phanxicô sẽ trở về Á Căn Đình vào năm 2016 để mừng 200 năm độc lập của quốc gia.

________________________________________________________________________________________________________________________

(1) Việc sản xuất dầu hiện nay tại Hoa Kỳ thay đổi nhiều hơn cả là do việc lấy dầu từ đá gọi là shale oil. Dưới đáy của những mỏ dầu đã bơm ra gần cạn từ đầu thế kỷ 20 đến giờ, là những mỏ đá shale oil chứa dầu nằm lẫn trong đá. Dầu hỏa nằm trong đá này trước giờ không lấy ra được vì không chảy và không bơm lên được, gọi là dầu chặt, tight oils. Dung lượng của những mỏ dầu nằm trong shale oil còn nhiều hơn những mỏ dầu bơm lên dễ dàng trước kia, nhưng nay đã bơm cạn. Kỹ thuật mới hiện tại... là dùng cách đào ngang, horizontal drilling, để tiến sâu vào những mỏ đá shale oil. Sau đó hàng ngàn gallons nước được bơm thẳng vào những vết nứt của mỏ đá shale oil này với áp suất cực mạnh. Dầu và khí đốt nằm trong đá được hút ra sau khi được nước bơm vào giải tỏa và được bơm thẳng lên trên mặt đất. Kỹ thuật này gọi là hydraulic fracturing, thường gọi tắt là fracking và hiện đang được áp dụng tại ba vùng có mỏ dầu shale oil lớn nhất Hoa Kỳ. Đó là vùng Bakken tại tiểu bang North Dakota, vùng Permian Basin gần Midland, Texas và vùng Eagle Ford tại phía Nam Texas (Theo tài liệu của Nguyễn Đình Phùng: Chiến Lược Dầu Hỏa).

Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/128116.htm

Một quyển sách hữu ích - Mở cửa vào Đạo Công Giáo

(Cảm nhận khi đọc cuốn sách “Đạo Yêu Thương”
của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm
NXB Tôn Giáo 2014)
WGPSG -- Được tặng tập sách nhỏ do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm viết, tôi đọc rất nhanh, vì sự hấp dẫn của văn phong và nội dung trong sách.
Tác giả đã thành công trong ý định “làm mềm hóa” những kiến thức nhập môn về Đạo Công Giáo cho những ai còn chưa hiểu đạo. Tác giả cũng đã thành công trong việc phá tan suy nghĩ “Công giáo là một tôn giáo khó hiểu”. Một khối thông tin đáng kể bao gồm rất nhiều khái niệm về lịch sử Đạo Công Giáo, con đường rao giảng Tin Mừng, Đức Tin, cơ cấu tổ chức, vấn đề văn hóa cho sự gia nhập đời sống tâm linh mới, và một đề cập đúng mức về sự phát triển khá đặc thù của Đạo tại quê hương Việt Nam thân yêu.
Viết nhẹ nhàng, giản dị, dễ hiểu về một vấn đề rất nghiêm túc như thế quả thực không dễ dàng. Làm sao cho người bình dân nhất cũng hiểu, người ngoại đạo có nhiều ngộ nhận về đạo cũng ngộ ra, thấy gần gũi, thân thương, đầy thiện cảm về một tôn giáo lớn hàng đầu trên hành tinh này. Đức cha Phêrô đã làm được điều đó.
Đọc xong tập sách, như nghe xong lời tâm tình thủ thỉ mà hàm xúc, cô đọng của một bậc uyên bác về giáo lý, có thực tế trải nghiệm tâm linh sâu sắc, người đọc hiểu bước đầu một cách rõ rệt về Đạo Công Giáo, không còn cho đó là “niềm tin xa lạ” mà tự nhiên, gần gũi. Không lên lớp, rao giảng cao sâu, tác giả từng chút từng chút cung cấp cho người đọc những hiểu biết cần có để hiểu và đến gần Thiên Chúa.
Sách được in ấn rất đẹp, hình ảnh minh họa sắc nét.
Chân thành biết ơn Đức cha Phêrô.
Biết ơn người tặng sách.
Bạc Liêu, ngày 29 tháng 7 năm 2014
Nguyễn Thành Công
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20140730/27068

Bầu Ban điều hành Liên Tu sĩ TGP TPHCM nhiệm kỳ 2014 - 2017

Sáng nay 30/7/2014, tại phòng họp Toà Tổng Giám mục TPHCM, đến tham dự có 39 vị đại diện cho các dòng tu và tu hội.
Khai mạc lúc 8g30, các đại biểu hát kinh Chúa Thánh Thần xin ơn thánh hoá và Linh mục đặc trách tu sĩ TGP Tôma Vũ Quang Trung nói lên lý do của buổi họp. Tiếp theo, linh mục Chủ tịch Liên Tu sĩ Giuse Trần Hoà Hưng báo cáo về nhiệm kỳ 2011-2014, chủ yếu là việc đào tạo của 6 liên dòng trong Tổng giáo phận, cùng với những thuận lợi và những khó khăn.
Buổi họp tiếp tục với phần trao đổi về cơ chế và phương cách bầu chọn. Mọi người đồng thuận với việc tinh giảm cơ chế: chỉ bầu chọn 2 vị - chủ tịch (dòng nam) và phó chủ tịch kiêm thư ký (dòng nữ) - (thay vì chọn 4 vị như trước đây). Phương cách bầu chọn: chọn 2 dòng tu để 2 dòng tu này cử ra 2 vị (chủ tịch hoặc phó chủ tịch) từ dòng tu của mình.
Kết quả bầu chọn:
- Chủ tịch: sẽ được cử ra từ Dòng Đồng Công.
- Phó chủ tịch: sẽ được cử ra từ Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán.
Buổi họp kết thúc vào lúc 11g20 trong bầu khí hiệp thông. 
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20140730/27070

Sứ điệp kết thúc đại hội của Liên hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar


LILONGWE: Trong sứ điệp kết thúc Hội nghị nhóm tại Lilongwe bên Malawi, các Giám Mục Phi châu và Madagascar mời gọi tìn hữu toàn đại lục cộng tác vào việc rao giảng Tin Mừng qua chứng tá và các phương tiện truyền thông xã hội, củng cố các giá trị gia đình, tích cực tham gia các sinh hoạt trong cộng đoàn.

Các Giám Mục Phi châu và Magadascar cũng bầy tỏ đau buồn vì các xung khắc tại Sudan, Nam Sudan và Somalia, cũng như tại nhiều vùng khác trên thế giới gây chết chóc, tàn phá, thương đau cho các dân tộc liên hệ. Các vị mời gọi các dân tộc các nước lâm chiến kiếm tìm hòa bình, hòa giải và cùng nhau chung xây đất nước. Ngoài ra, các Giám Mục cũng khích lệ tín hữu toàn đại lục tỏ tình liên đới với các nạn nhân của chiến tranh đang cần được trợ giúp.

Liên quan tới gia đình các Giám Mục Phi châu ghi nhận cuộc khủng hoảng trầm trọng phát xuất bởi nạn cá nhân chủ nghĩa, luân lý suy đồi, nghèo túng và thất nghiệp. Giáo Hội cần củng cố mục vụ gia đình, thăng tiến sự tôn trọng và bảo vệ sự sống. Sứ điệp của các Giám Mục cũng thỉnh cầu các chính quyến toàn đại lục Phi châu tôn trọng các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm. Các Giám Muc cũng mạnh mẽ lên án mọi hình thức bạo lực của các phong trào tôn giáo cuồng tín, và xin các vị lãnh đạo tôn giáo theo đuổi con đường đối thoại và tôn trọng nhau. Các Giám Muc đặc biệt tỏ tình liên đới với các nạn nhân tai nạn máy bay hàng hàng không Malaysia bên Ucraina, các nạn nhân chiến tranh bên Palestina và Siria hay bên Irak và Siria.

Hội nghị Liên Hội Đồng Giám Mục Phi châu và Madagascar lần thứ 18 đã diễn ra tại Lilongwe bên Malawi trong các ngày 16-26 tháng 7 năm 2014 về đề tài: ”Tái truyền giảng Tin Mừng qua sự hoán cải và chứng tá cho đức tin kitô”. Tham dự hội nghị đã có các Giám Mục đến từ các nước Eritrea, Etiopia, Malawi, Kenya, Tanzania, Sudan, Nam Sudan, Uganda Zambia và Somalia (SD 27-7-2014)

Linh Tiến Khải

Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2014/07/29/s%E1%BB%A9_%C4%91i%E1%BB%87p_k%E1%BA%BFt_th%C3%BAc_%C4%91%E1%BA%A1i_h%E1%BB%99i_c%E1%BB%A7a_li%C3%AAn_h%E1%BB%99i_%C4%91%E1%BB%93ng_gi%C3%A1m_m%E1%BB%A5c_phi_ch%C3%A2u_v%C3%A0/vie-816382

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Đức Phanxicô và anh em Ngũ Tuần


Theo ký giả kỳ cựu Sandro Magister, khi tin tức loan ra, và được chính phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, xác nhận, rằng Đức Phanxicô có ý định thực hiện chuyến viếng thăm Caserta một cách tư riêng để gặp gỡ một người bạn, vốn là mục tử của một cộng đồng Tin Mừng địa phương, thì thiên hạ ai nấy đều ngỡ ngàng như bị sét đánh. Một số tín hữu còn đi đến chỗ quá trớn, đe dọa sẽ chống đối ra mặt. Phải mất cả tuần lễ người ta mới thuyết phục được Đức Phanxicô thay đổi lịch trình và phân chia chuyến viếng thăm thành hai giai đọan: giai đoạn đầu, có tính công cộng, để gặp gỡ tín hữu Caserta vào thứ Bẩy, 26 tháng Bẩy, và giai đoạn hai, có tính tư riêng, để hàn huyên với người bạn Tin Mừng vào thứ Hai tiếp theo đó.

Đức Giáo Hoàng đã có nhiều sắp xếp cả hàng tháng trước đây để có cuộc gặp gỡ tư riêng trên. Thực vậy, ngài từng nhắc tới cuộc gặp gỡ này với một nhóm tín hữu Caserta vào ngày 15 tháng Giêng năm nay, sau cuộc yết kiến chung tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Rồi ngài còn nói tới nó một lần nữa vào ngày 19 tháng Sáu, trong một cuộc gặp gỡ một số nhà lãnh đạo Tin Mừng tại Rôma, trong đó có cả người bạn ở Caserta này là mục sư Giovanni Traettino, người mà ngài từng gặp ở Buenos Aires năm 2006 khi còn là TGM của thủ đô Á Căn Đình.

ĐGH và Mục Sư Giovanni Traettino,
Mà thực ra, cuộc gặp gỡ với Mục Sư Traettino ở Caserta không hề là một gặp gỡ riêng rẽ, nhưng là một phần trong cố gắng bao quát hơn của Đức Phanxicô nhằm gây cảm tình với các nhà lãnh đạo khắp thế giới của các phong trào “Tin Mừng” (Evangelical) và Ngũ Tuần, là hai giáo phái đang cạnh tranh đáng sợ với Giáo Hội Công Giáo, nhất là tại Châu Mỹ La Tinh: họ đang lấy đi những khối lượng tín hữu to lớn của Công Giáo.

Các Kitô hữu "Tin Mừng" và Ngũ Tuần, từng thoát thai từ các giới Thệ Phản một thế kỷ nay, đã phát triển một cách đầy ngạc nhiên. Người ta ước lượng rằng hiện nay họ chiếm gần một phần ba của khoảng 2 tỷ Kitô hữu trên thế giới, và ba phần tư số người Thệ Phản. Và họ có mặt trong cả Giáo Hội Công Giáo nữa. Ngày 1 tháng Sáu vừa qua, tại vận động trường Thế Vận Hội Rôma, Đức Phanxicô đã gặp 50,000 hội viên của Phong Trào Canh Tân trong Chúa Thánh Thần, nhóm Đặc Sủng Công Giáo quan trọng nhất tại Ý.

Ba ngày sau, tức ngày 4 tháng Sáu, Đức GH có một cuộc gặp gỡ khá lâu tại trú sở của ngài là Santa Marta với một số nhà lãnh đạo “Tin Mừng” của Hoa Kỳ, trong đó, có nhà giảng tin mừng nổi tiếng trên truyền hình là Joel Osteen, Mục Sư Tim Timmons của California, và chủ tịch Học Viện Westmont của Tin Mừng, Gayle D. Beebe.

Ngày 24 tháng Sáu lại có một cuộc gặp gỡ nữa. Lần này với hai nhà truyền giảng tin mừng trên truyền hình là James Robinson và Kenneth Copeland, với GM Anthony Palmer (vừa tử nạn) của Hiệp Thông Các Giáo Hội Tin Mừng Giám Mục, với John và Carol Arnott của Toronto, và với nhiều nhà lãnh đạo nổi bật khác. Cũng có sự hiện diện của Geoff Tunnicliffe và Brian C. Stiller, người trước là tổng thư ký và người sau là “đại sứ” của Liên Minh Tin Mừng Thế Giới. Cuộc gặp gỡ này kéo dài 3 tiếng đồng hồ và tiếp tục qua cả bữa ăn trưa, tại phòng ăn của Nhà Santa Marta, trong đó, giữa tiếng cười rộ, Đức Phanxicô đã “high five” (áp cả bàn tay năm ngón xòe vào nhau) Mục Sư Robinson.

Copeland và Osteen là hai nhà chủ đạo của “thần học thịnh vượng” theo đó, đức tin càng lớn mạnh thì sự giầu có càng lên cao. Chính họ cũng là những người rất giầu và sống cuộc sống hết sức xa xỉ. Nhưng dịp trên, Đức Phanxicô “tha” không giảng cho họ nghe về nghèo khó.

Thay vào đó, theo lời tường trình của “đại sứ” Stiller, Đức Giáo Hoàng đã bảo đảm với họ rằng: “Tôi không quan tâm tới việc cải đạo anh em Tin Mừng qua Công Giáo. Hiện có quá nhiều học lý mà chúng ta không bao giờ sẽ nhất trí với nhau được. Nhưng ta hãy lưu tâm tới việc biểu lộ tình yêu của Chúa Giêsu”.

Tuy nhiên, ngài cũng nói với họ rằng ngài học được khá nhiều từ Mục Sư Traettino rằng Giáo Hội Công Giáo, với sự hiện diện áp đảo của nó, hiện hành động quá nhiều như một trở ngại đối với sự phát triển và việc làm chứng của các cộng đồng này. Và cũng chính vì lý do này, ngài đã tới thăm cộng đồng Tin Mừng tại Caserta: “để tỏ lời xin lỗi về sự khó khăn gây ra cho cộng đồng của họ”.

Trong các triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II và đặc biệt hơn của Đức Bênêđíctô XVI, các nhà Tin Mừng Hoa Kỳ, nói chung khá bảo thủ, đã không nhấn mạnh tới chủ nghĩa chống giáo hoàng theo truyền thống của họ và đã tìm được nhiều điểm gặp nhau với Giáo Hội Công Giáo trong cuộc chiến đấu chung để bảo vệ tự do tôn giáo, bảo vệ sự sống và gia đình.

Đức Phanxicô không dừng lại lâu ở các vấn đề vừa kể trong các cuộc gặp gỡ mấy tuần qua. Tuy nhiên, tháng Ba vừa qua, ngài đã có cuộc gặp gỡ ngắn ngủi tại Rôma với gia đình Green sùng đạo và rất “Tin Mừng”, chủ nhân của Hobby Lobby, mà Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vừa xử cho họ thắng vụ kiện chống chỉ thị chăm sóc y tế của chính Phủ Obama đòi các chủ nhân phải cung cấp ngừa thai và phá thai trong các kế hoạch chăm sóc y tế của họ.

Bữa trưa với Đức Giáo Hoàng

Như trên đã nói, “đại sứ” Stiller đã có bài tường thuật buổi ăn trưa với Đức Phanxicô tại Nhà Santa Marta. Stiller cho hay đây là lần thứ hai ông được diện kiến Đức Phanxicô. “Ngay từ đầu, sự duyên dáng của ngài đã làm mọi người chúng tôi thoải mái. Khi từ phòng chào đón bước vào phòng đàm luận, ngài dừng lại ở cửa để bật đèn. Tôi nhận thấy đôi hài giáo hoàng đã không còn, thay thế vào đó là đôi giầy với những chiếc dây tòng teng. Lúc ăn trưa, diễn ra tại phòng ăn, không phải các người bồi bàn rót đồ uống cho chúng tôi; chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô rót cho Geoff Tunnicliffe, Tổng Thư Ký Liên Minh Tin Mừng Thế Giới, và tôi. Sự hiện diện của ngài đã phá bỏ mọi phô bày và nghi thức long trọng. Người ta cần tự nhắc nhở mình rằng ngồi phía bên kia bàn ăn, với nụ cười luôn nở trong mọi khoảnh khắc hân hoan, chính là một trong những người gây ảnh hưởng nhiều nhất trên hế giới. Sự nổi tiếng của ngài đã bị nét bình thường hết sức từ nhân làm cho im lặng. Ảnh hưởng của ngài bị tình âu yếm người khác của ngài bao vây. Quyền lực của ngài nghiêng về người nghèo, những người bị chà đạp dưới chân”.

Theo “đại sứ” Stiller, hai ơn phúc hết sức nổi bật nơi ngài đã được biểu lộ. “Trước nhất các bản năng và ơn phúc của ngài rất hiển nhiên. Tôi hỏi ngài: ‘khi ra mắt trên bancông Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô sau khi được bầu, ngài có dự kiến sẽ yêu cầu mọi người hiện diện tại quảng trường cầu nguyện cho ngài và sau đó ngài cúi đầu trong thinh lặng không?’ Ngài cười trả lời: ‘không, lúc đó, tôi cảm thấy Chúa Thánh Thần hướng dẫn tôi làm điều đó’. Nên tôi hỏi: ‘khi làm thế, ngài cảm nhận ra sao?’ Ngài nhìn vào tôi rồi mỉm cười ‘tôi hết sức bình an’”.

Rồi các vị nói tới các Kitô hữu bị chà đạp, bị các chính phủ đàn áp hay các khối đa số thuộc các tín ngưỡng khác xử tệ. “Ngài lắng nghe rồi kể một câu truyện đáng lưu ý. Trong các năm lui tới Rôma trước đây, ngài trở thành bạn của một mục sư Ý. Dần dà, ngài biết được rằng Giáo Hội và vị mục sư này cảm thấy quyền lực và sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo, một sự hiện diện ‘nặng ký’, đang cản trở ý muốn lớn mạnh và làm nhân chứng của họ. Do đó, ngài quyết định đi viếng Giáo Hội này và đưa ra lời xin lỗi về sự khó khăn đã gây cho cộng đồng của họ”.

Nhưng, theo Stiller, song song với hồng ân đầy yêu thương và tận tụy mục vụ của ngài là đức tính tiên tri, ngôn sứ: không phải để báo trước việc tương lai mà là để nói thẳng lời Thiên Chúa. “Bữa ăn trưa với chúng tôi diễn ra chỉ vài ngày sau khi ngài công bố lời kết án nghiêm khắc tại Calabria, miền nam nước Ý, đối với bọn mafia vì cái tội 'thờ tội ác' của chúng; ngài long trọng cho hay mọi thứ kẻ cướp đều bị Giáo Hội Công Giáo thực tế kết vạ tuyệt thông. Với tầm cỡ động đất, lời tuyên bố này chắc chắn sẽ làm rúng động các cộng đồng nơi Giáo Hội Công Giáo và bọn cướp sống bên cạnh nhau cả hàng thế kỷ nay. Họ đang thấy rằng Đức Phanxicô không phải chỉ là một linh mục thân thiện, đầy tinh thần mục vụ đến từ Nam Mỹ”.

Stiller nhận định thêm rằng: “tôi biết nhiều người sẽ lấy làm ngạc nhiên không biết liệu chúng tôi có thiếu biện phân hay không khi đi ăn trưa với người đứng đầu một Giáo Hội bị họ coi là lạc giáo. Là một người Tin Mừng, tôi rất rõ tầm quan trọng của Cải Cách và vai trò được cộng đồng chúng tôi thủ diễn trong việc loan báo Tin Mừng. Chúng tôi tán dương cái hiểu của mình về Thánh Kinh, coi nó như thẩm quyền duy nhất và tối hậu, về chức linh mục của mọi tín hữu, về giây phút ban sự sống của việc tái sinh và sự tự do của các Giáo Hội và thừa tác vụ là phát sinh dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Không ai lưu ý tới việc vặn lại đồng hồ. Cũng thế, xây dựng một Giáo Hội hợp nhất không phải là việc có thể làm được và cũng chẳng phải là việc có lợi cho chúng tôi. Những kế sách như thế không dẫn chúng tôi tới việc chu toàn lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Gioan 17 rằng: chúng tôi nên một trong Chúa Kitô.

“Phản chứng của tôi đối với những ai muốn bác bỏ tình bằng hữu với Đức Giáo Hoàng là như sau. Đối với những người Tin Mừng và Thệ Phản, thuộc mọi hình thức và tầm cỡ, tư cách và địa vị của Giáo Hội Công Giáo là điều quan trọng. Trong số hơn hai tỷ Kitô hữu, phân nửa có liên hệ với Vatican. Khoảng 600 triệu người là Tin Mừng và 550 triệu người khác là thành viên của Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới (bao gồm Chính Thống Giáo). Như một cơ chế hoàn cầu, ơn gọi của chúng tôi là có những tiếp xúc với các cộng đồng Kitô Giáo và các tín ngưỡng lớn khác. Thảo luận với Rôma không làm thiệt hại gì các cam kết tín lý của chúng tôi hơn là gặp gỡ các vị đứng đầu các tôn giáo khác. Chúng tôi làm việc này như một vai trò tự nhiên và quan trọng của ơn gọi của mình. Tại những nơi người Tin Mừng bị kỳ thị, có được sự liên kết chính thức này sẽ giúp chúng tôi đặt vấn đề và yêu cầu được trả lời mà nếu khác đi, chúng tôi không bao giờ có được.

“Trong cộng đồng đức tin thế giới, công việc và vai trò của mỗi cộng đồng Kitô Giáo đều quan trọng. Vì 50 phần trăm những người tự gọi mình là Kitô hữu có liên hệ với Rôma, nên khi thẩm quyền thiêng liêng và đạo đức của họ bị suy giảm thì việc này hiển nhiên có ảnh hưởng tới toàn thế giới. Khi Rôma mất hướng, khi thối nát trở thành đặc điểm cho các hoạt động tài chánh của họ, khi các tai tiếng tình dục lấy mất ảnh hưởng tinh thần của họ, khi họ lu mờ trong việc mạnh mẽ tuyên dương bản chất đức tin, tất cả chúng ta đều mất mát.

“Bạn có lý khi hỏi chúng tôi, trong tư cách những người Tin Mừng, chúng tôi muốn thấy thứ Giáo Hội Công Giáo nào. Tại bữa ăn trưa hôm nay, tôi có hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem ngài dành cho phong trào Tin mừng một tâm tình như thế nào. Ngài mỉm cười, biết rõ hậu ý của câu tôi hỏi, nên đã nhận định: “Tôi không quan tâm tới việc cải đạo anh em Tin Mừng qua Công Giáo. Tôi muốn người ta tìm được Chúa Giêsu ngay trong cộng đồng của họ. Hiện có quá nhiều học lý mà chúng ta không bao giờ sẽ nhất trí với nhau được. Nhưng ta hãy lưu tâm tới việc biểu lộ tình yêu của Chúa Giêsu”.

Các vị cũng thảo luận việc làm thế nào, trong sự dị biệt, vẫn tìm được sự hợp nhất và sức mạnh. Dùng kiểu nói của thần học gia Thệ Phản người Thụy Sĩ là Oscar Cullman, các vị đã suy tư việc làm thế nào “‘tính đa diện sau khi được hòa giải’ (reconciled diverstiy) có thể giúp chúng ta duy trì được cách hiểu riêng của mình về việc Chúa Kitô đã thực hiện ơn cứu rỗi ra sao”.

Stiller không cho biết gì về quan điểm của đôi bên, chỉ cho biết: sau đó, các vị đã chuyển qua các vấn đề có tính hoàn cầu khác như tự do tôn giáo, công lý và nhiều vấn đề khác có liên hệ tới phúc lợi của mọi người.

Cuối cùng, Stiller cho hay: “chúng ta đang ở giữa một đại biến động tôn giáo khắp thế giới. Trung Đông đang trên bờ của một điều gì không rõ. Hồi Giáo đang trên đà gia tăng. Chứng tá Tin Mừng đang thẩm thấu khắp nam bán cầu. Vậy tương lai sẽ ra sao?

“Một vị giáo hoàng sinh động, có tính sinh tử về thiêng liêng, cứng rắn trong việc lãnh đạo đạo đức và có khả năng giám sát thế giới hiệp thông của ngài quả là một điều chủ yếu. Những điều ngài nói và làm đều có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tất cả chúng ta.

“Người Tin Mừng không cần ẩn núp phía sau sợ hãi, không dám dấn thân. Làm việc chung trong lãnh vực đau khổ và trong các vấn đề của con người với các Kitô hữu có truyền thống khác và đọc bản văn Thánh Kinh cách khác không hề vi phạm bản sắc và các điều chúng ta tin tưởng”.


Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/128108.htm

Giáo chủ Anh Giáo phân trần với ĐGH về việc phong chức Giám Mục cho phụ nữ



LONDON 27/07/2014.-Đức Tổng Giám Mục Canterbury, vị đứng đầu của Anh Giáo, đã viết thư cho ĐGH Phanxicô để xin Ngài đừng vì việc Giáo Hội Anh Giáo chấp thuận tấn phong Giám Mục cho phụ nữ mà tiến trình hiệp nhất giữa Công Giáo và Anh Giáo bị trệch ra khỏi chương trình hiệp nhất. 

Đức Tổng Giám Mục Justin Welby thừa nhận rằng việc Giáo Hội Anh Giáo bỏ phiếu chấp thuận cho phụ nữ làm Giám Mục trong tháng này đã gây thêm trở ngại cho con đường hiệp nhất vốn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.

Trong thư gửi cho Đức Giáo Hoàng và các vị đứng đầu các Giáo Hội khác như các Thượng Phụ Chính Thống Giáo, Đức TGM Anh Giáo xin các vị ấy cầu nguyện cho Giáo Hội Anh Giáo. Ngài nói “Chúng ta cần nhau”

Đức Tổng Giám Mục Justin Welby cũng lập luận rằng giữa Công Giáo và Anh Giáo vẫn có nhiều điểm tương đồng hơn là dị biệt. Do vậy, xin đừng để những dị biệt về việc để phụ nữ làm Giám Mục mà tất cả chúng ta không thể đứng chung với nhau trước các vấn đề trọng đại toàn cầu.

Lý do vị đứng đầu Giáo Hội Anh Giáo phải lên tiếng vị các vị có khuynh hướng truyền thống cảnh báo rằng việc chấp nhận phụ nữ làm Giám Mục sẽ làm tan vỡ hy vọng hiệp nhất giữa Anh Giáo và Công Giáo.


Nguyễn Long Thao
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/128107.htm

Phái đoàn Giáo phận Mỹ Tho đến chào Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Tân Giám mục Mỹ Tho


WGPSG -- Phái đoàn Giáo phận Mỹ Tho đã đến chào vị Tân Giám mục của mình - Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - vào lúc 10g sáng nay 29/7/2014 tại phòng khách Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo Phận TP.HCM (TTMV). 

Linh mục Tổng Đại diện Phaolô Trần Kỳ Minh - thay mặt cho Giáo phận - nói lên niềm vui khi được tin Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức Cha Phêrô trong nhiệm vụ mới. ĐGM Phêrô đã ân cần chào thăm từng người trong phái đoàn. Mọi người vui vẻ hàn huyên, và trao đổi với nhau về việc tổ chức ngày đón chào vị mục tử mới tại Giáo phận Mỹ Tho. 



Sau đó Đức Cha Phêrô đã hướng dẫn phái đoàn đến chào thăm Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, người đã từng là Giám mục Giáo phận Mỹ Tho trong năm năm (1993-1998).


Trong bữa cơm trưa tại TTMV, phái đoàn cũng đã được gặp Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, nguyên Giám mục Mỹ Tho từ 1999 đến 2013.

Được biết Đức Giám mục Phêrô sẽ về nhận Giáo phận Mỹ Tho vào khoảng cuối tháng 8/2014.



Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20140729/27059

Nhà Nguyện Đắc Lộ: Mừng lễ Thánh Y Nhã

WGPSG -- Chúa nhật 27/7/2014, từ sáng sớm, từng đoàn người lũ lượt kéo về Nhà Nguyện Đắc Lộ để mừng lễ Thánh Y Nhã, bổn mạng Nhà Nguyện. Hôm nay cũng là một trong những ngày được hưởng ơn Toàn xá trong Năm Thánh kỷ niệm 400 năm Dòng Tên đến Việt Nam.
Khoảng 7g30, hơn 300 người đã tràn ngập sân Nhà Nguyện chuẩn bị dự Thánh lễ ngoài trời. Mọi người chào hỏi nhau vui vẻ. Ngoài những giáo dân thân quen còn có các thành viên của 16 nhóm đang sinh hoạt tại Đắc Lộ như: nhóm Linh Thao, gia đình Y Nhã, nhóm Xa Quê, ca đoàn Đắc Lộ, sinh viên Hiệp Thông v.v..
Đúng 8g00, Thánh lễ bắt đầu với lời chào mừng của cha Bề trên Antôn Nguyễn Cao Siêu, chủ tế. Đồng tế với ngài có các cha Julian Elizalde, Vinhsơn Đinh Trung Nghĩa, Giuse Hoàng Văn Quảng, Gioan Baotixita Nguyễn Ngọc Tiến, Giuse Bùi Ngọc Thắng, Phêrô Lê Trọng Hải và Gioan Baotixita Trần Văn Nhủ.
Trong bài giảng, cha Giuse Hoàng Văn Quảng, lấy thần hứng từ câu Phúc Âm thánh Luca 12,49: “Thầy đã đem lửa đến trần gian, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên.” Cha đã quảng diễn nghĩa của 480 từ “Lửa” qua từng thời kỳ trong Kinh Thánh. Trong Cựu Ước, lửa là Thiên Chúa (bụi gai lửa, cột lửa dẫn đường…). Qua Tân Ước, lửa là sức mạnh của Chúa Thánh Thần (lưỡi lửa). Lửa còn tượng trưng cho sự thanh luyện, thiêu hủy (quăng vào lửa) và phán xét (mưa lửa). Nhưng trên hết, lửa chính là tình yêu nồng cháy của Chúa Giêsu thiêu đốt các Tông đồ, làm nóng lòng 2 môn đệ Emmau. Nói cách khác, lửa ấy chính là Chân lý, là Thần khí, là Tình yêu, là Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã ném vào thế gian và ước mong sao cho ngọn lửa ấy bùng lên.
Lửa ấy đã cháy xém vào Y Nhã, một thanh niên ham mê danh vọng trần thế, say sưa với những chiến công oanh liệt để làm hài lòng vua chúa và làm “lé mắt” các mỹ nhân; lửa ấy đã biến Y Nhã trở thành một chiến sĩ chiến đấu dưới lá cờ của Chúa Kitô, từ bỏ hết danh vọng, địa vị. Lửa ấy cũng cháy lan đến 6 người bạn đầu tiên (hình thành Dòng Tên) và trải qua dòng lịch sử, đến ngày 18/1/1615, 3 nhà truyền giáo Dòng Tên đã bước chân lên Hội An, đem ngọn lửa Tin Mừng đó vào Việt Nam.
Đến nay, trải qua 400 năm, ngọn lửa ấy đã thiêu đốt trong lòng biết bao nhiêu giáo dân Việt Nam, trong đó có hàng trăm nghìn vị Thánh Tử Đạo, can đảm theo Chúa đến cùng. Ngày hôm nay, chúng ta, những vận động viên chạy tiếp sức, cũng được mời gọi chuyền ngọn lửa ấy đến cho thế gian, thực hiện điều Chúa Giêsu mong muốn: “Làm cho ngọn lửa ấy cháy bùng lên”. Nhất là trong năm nay, giáo hội Việt Nam đã tập trung vào việc tái Phúc Âm hóa các gia đình; lửa tình yêu của Chúa Giêsu phải được lan tỏa cho từng thành viên trong gia đình chúng ta, phải được tỏa sáng bằng cuộc sống tình yêu, bác ái. Ngày xưa, người ta gọi những người theo đạo Công giáo là “những người theo đạo yêu nhau” thì ngày nay, chúng ta càng cần phải củng cố niềm tin ấy: “Cứ theo dấu này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con hãy yêu thương nhau”. Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con, là linh mục, là tu sĩ, là giáo dân, biết đốt lên ngọn lửa tình yêu ấy trong gia đình, trong xã hội, trong môi trường sống của mổi người chúng con.
Cuối lễ, trước khi ban ơn Toàn xá, cha chủ tế kêu gọi mọi người hãy hồi tâm lắng đọng lòng mình, trở về với Chúa Giêsu đang ngự trong tâm hồn và hứa với Ngài quyết tâm không phạm lại những tội hay phạm. Khi tâm hồn mọi người vừa quyết cũng là lúc phép lành Toàn xá được trao ban trong niềm vui, xúc động và cháy lửa yêu mến.
Sau lễ, mọi người dùng bữa tiệc thân hữu và tham gia các tiết mục văn nghệ. Lúc nắng lên chói chang cũng là lúc mọi người bắt đầu thưởng thức những đóa hoa rực rỡ được tung lên bởi quý bà cao niên trong điệu múa “Mẹ là bến đợi”, vũ điệu uốn người của sinh viên Hiệp Thông, điệu nhảy rộn ràng của ca đoàn Emmanuel, tiếng hợp ca nhẹ nhàng của Đắc Lộ, sự khuấy động của nhóm Xa Quê…
Buổi văn nghệ kết thúc lúc 11g30. Mọi người ra về trong niềm vui, ôm ấp ngọn lửa yêu mến trong tim, sẵn sàng làm bùng cháy lên ở bất cứ nơi nào họ đến.
NHÀ NGUYỆN ĐẮC LỘ: MỪNG LỄ THÁNH Y NHÃ