Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

CHÚC MỪNG LỄ THÁNH MARIA, MẸ THIÊN CHÚA - Bổn mạng Giáo khu 4

Image result for hình mẹ thiên chúa

TÍN ĐIỀU “ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA”

Dẫn nhập

Hình ảnh Đức Maria Mẹ Thiên Chúa đã có chỗ đứng trong Giáo Hội, trong lòng người tín hữu trải qua dòng lịch sử. Vấn đề cần đặt ra ở đây: niềm tin của mỗi tín hữu được xây dựng trên định hướng nào? Từ niềm tin bình dân đến định tín của Giáo Hội là một tiến trình dài của suy tư và sống, với trăm chiều thuận nghịch. Vậy, để hiểu rõ hơn tín điều Mẹ Thiên Chúa, trong giới hạn của đề tài, người viết tìm hiểu nền tảng Kinh Thánh, tiến trình hình thành tín điều, và tầm quan trọng của tín điều này trong đời sống người Kitô hữu.

1. Nền Tảng Kinh Thánh

Tín điều Mẹ Thiên Chúa được xây dựng trên nền tảng Thánh Kinh.
Tiên tri Isaia loan báo: “một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ đặt tên con trẻ là Emmanuel” (Is 7,14). Giáo hội hiểu đây là lời tiên báo về Đức Maria. Đức Maria sinh ra Đấng Emmanuel, nên Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Lời tiên tri được thực hiện khi sứ thần Gabriel báo tin cho Mẹ Maria: “Bà sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ đặt tên con trẻ ấy là Giêsu… Vì thế Con Trẻ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,31-35).
Thánh Phaolô viết: “Thiên Chúa đã sai con mình đến sinh bởi người nữ và sinh dưới chế độ lề luật” (Gl 4,14). Trong Tin Mừng Gioan, Mẹ Maria được gọi là Mẹ Chúa Giêsu (2,1; 19,26), và trong Tin Mừng Luca, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa đến thăm bà Elizabeth (1,43).
Các Kitô hữu thời sơ khai được các Tông Đồ hướng dẫn, luôn có một niềm tin vững chắc vào thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Điều này được chứng tỏ bằng những việc tôn kính phổ quát như Kinh Tin Kính của các Tông Đồ[1].

2. Tiến Trình Tín Điều Mẹ Thiên Chúa

Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Con của Mẹ là Thiên Chúa. Mẹ chỉ là Mẹ trong trật tự sản sinh nhân loại, nhưng Con mà Mẹ thụ thai và hạ sinh là Thiên Chúa, nên Mẹ phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Tín lý này đã được Phúc âm thánh Luca minh hoạ rõ ràng, và từ thế kỷ II đã được các thánh Giáo phụ Inhaxiô Antiokia, Irênêô, Cyrillô Alexandria, Augustinô, Epiphanô diễn giải sâu rộng để đối phó với lạc thuyết của các bè rối Gnosticism, Docetism. Các giáo phụ dựa trên tín lý phẩm chức Thiên Mẫu của Mẹ Maria để phá tan lạc thuyết này. Giáo phụ Tertulianô bác bỏ Marcion lạc giáo: "Mục đích phủ nhận thân xác Chúa Kitô, ông chối bỏ việc Người sinh ra. Hay là để chối bỏ việc Người sinh ra, ông phủ nhận thân xác Chúa. Thân xác và sự đản sinh làm chứng lẫn nhau: Không có sự đản sinh thì cũng không có thân xác. Hoặc là không có thân xác thì không có sự đản sinh”.

Sang thế kỷ III và thế kỷ IV, các thánh Giáo phụ đều đồng thanh chúc tụng Mẹ Thiên Chúa. Năm 325, Công Đồng Nicea I lên án lạc giáo Ariô, đồng thời định tín Ngôi Lời đồng bản thể với Đức Chúa Cha, và đặt Kinh Tin Kính. Tín điều này chứng minh Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, cùng với tín lý Mẹ Thiên Chúa của các thánh Giáo phụ sẽ mở đường cho tín điều Mẹ Thiên Chúa của Công Đồng Ephêsô sau này.

Đến thế kỷ V, trong khi tín lý Mẹ Thiên Chúa đang được các Giáo phụ rao giảng rất minh bạch và phấn khởi, thì Nestoriô, thượng phụ giáo chủ thành Constantinopôli lên tiếng trong các bài giảng phản đối, vì ông chủ trương rằng: Chúa Giêsu có hai bản tính nên có hai ngôi vị. Đức Maria chỉ là Mẹ ngôi vị nhân tính của Chúa Giêsu, nên không phải là Mẹ Thiên Chúa. Năm 430, một hội đồng tại Rôma lên án lạc giáo Nestôriô, và Đức Celestinô I viết một bức thư khuyến cáo Nestôriô. Nestôriô tâu xin hoàng đế Thêôdôsiô I triệu tập Công Đồng Êphêsô năm 431. Nhưng Thánh Cyrillô, Thượng phụ giáo chủ thành Alexandria, được Đức Celestinô uỷ nhiệm chủ toạ Công Đồng gồm khoảng 250 giám mục Đông phương, một giám mục Tây phương và một phó tế thành Carthage cùng với ba đặc sứ của Đức Celestinô. Mặc dù sự phản kháng của 68 giám mục tán đồng lạc giáo Nestôriô và sự cản ngăn của Candidianô, sứ giả của hoàng đế Thêôdôsiô, Công Đồng vẫn khai mạc ngày 22 tháng 6 tại đền thờ Đức Mẹ ở Êphêsô. Công Đồng minh định Chúa Giêsu có hai bản tính nhưng chỉ có một ngôi vị duy nhất là Thiên Chúa. Mẹ Maria là Mẹ thật của Chúa Giêsu nên Mẹ thật là Mẹ Thiên Chúa. Rồi Công Đồng long trọng tuyên tín: "Nếu ai không tuyên xưng Emmanuel là Thiên Chúa thật, và do đó Rất Thánh Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ sinh ra xác phàm của Ngôi Lời nhập thể, thì mắc vạ tuyệt thông". Đồng thời, các Nghị phụ ký giấy ra vạ cho Nestôriô: "Vì Chúa Giêsu Kitô bị Nestôriô xỉ nhục, Thánh Công Đồng đã tuyên bố Nestôriô bị loại trừ khỏi chức phẩm giám mục và khỏi mọi hiệp thông linh mục".

Tại Công Đồng, thánh Proclô thẳng thắn chống lạc giáo Nestôriô. Giám mục Thêôdôtê Ancyre (446) triệt để ủng hộ thánh Cyrillô và tố cáo buộc tội Nestôriô rối đạo. Trong khi Công Đồng đang diễn tiến, thánh Cyrillô viết cho giám mục Acaciô Beroea nói đến năm giáo phụ cũng lên án Nestôriô: Đó là hai Thượng phụ Alexandria: Athanasiô và Thêôphilê, hai Thượng phụ Constantinopôli: Grêgôriô và Atticô. Vị thứ năm là thánh Basiliô.

Ngay chiều hôm đó, toàn dân thành Êphêsô phấn khởi nô nức thắp đuốc tưng bừng, rực sáng, tổ chức một cuộc rước đuốc vĩ đại reo mừng sự vinh thắng của Mẹ Thiên Chúa, và hoan hô các nghị phụ Công Đồng Êphêsô. Họ cũng đem đuốc hộ tống các ngài về đến tận nhà.

Tín điều Mẹ Thiên Chúa do Công Đồng Êphêsô long trọng tuyên tín, như một luồng gió xuân tươi mát dịu dàng trào thổi từ Êphêsô sang khắp các miền Alexandria, Constantinopôli, Antiôkia, sang Rôma, khắp Âu Châu rồi dần dần ra khắp hoàn cầu. Lòng sùng kính mến yêu Mẹ Maria dưới tước hiệu Mẹ Thiên Chúa trở nên phổ quát: Nhà thờ Đức Mẹ nơi diễn tiến Công Đồng Êphêsô đã trở thành Vương cung thánh đường Mẹ Thiên Chúa.

Năm 432, Đức Sixtô III xây cất lại và cung hiến Đền thờ Đức Bà Cả trên đồi Esquilinô tại Rôma mà Đức Liberiô xây cất năm 352 cho Mẹ Thiên Chúa, và nâng lên bậc Vương cung thánh đường.

Năm 451, Công Đồng Chalceđônia cũng tuyên xưng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Thánh Pulcheria nữ hoàng Byzantin, kiến thiết hai đền thờ Mẹ Thiên Chúa tại Constantinopôli. Năm 534, Đức Gioan II tuyên nhận Mẹ Maria là Mẹ thật của Thiên Chúa. Năm 553, Công Đồng Constantinopôli II tái tuyên nhận tín lý chức phẩm Thiên Mẫu. Từ đó nhiều nhà thờ dâng kính Mẹ Thiên Chúa được xây cất tại Thụy Sĩ, Hà Lan, Đức, Anh, và Pháp. Riêng Pháp có năm đền thờ Mẹ Thiên Chúa ở Reims, Coutances, Tours, Poitiers, và Toulouse. Ảnh tượng Mẹ Thiên Chúa cũng được phổ biến khắp nơi, đặc biệt là ảnh Mẹ Thiên Chúa do thánh Luca minh hoạ.

Năm 1215, Công Đồng Lateranô IV tuyên nhận chức phẩm trinh trong Mẹ Thiên Chúa. Năm 1427 trong một bài giảng, thánh Bênađinô đọc lời cầu nguyện: "Ave Maria Jesus, Sancta Maria, Mater Dei, ora pro nobis". Câu "Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử" được đưa vào kinh do các nữ tu Dòng Đức Bà Tình Thương (Our Lady of Mercy) năm 1514, các đan sĩ Dòng Camaldolesia năm 1515 và Dòng Phanxicô năm 1525. Năm 1568, Đức Piô V chính thức xác định như chúng ta thường đọc ngày nay[2].

Công Đồng Vatican II (1962-1965) dạy: "Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa... Đức Trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được hợp nhất với Con Mẹ là Đấng Cứu Chuộc và hiệp nhất với Giáo Hội.. Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hoàn toàn hiệp nhất với Chúa Kitô"[3].

3. Tầm Quan Trọng Của Tín Điều Mẹ Thiên Chúa Trong Đời Sống Kitô Hữu

a. Trên bình diện Giáo Hội

Công Đồng Vatican II trong hiến chế Lumen Gentium xác định chỗ đứng của Mẹ Thiên Chúa trong đời sống của Giáo Hội như sau:Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô…Như một Evà mới, Ngài đã đặt niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, chứ không đặt vào con rắn xưa, một niềm tin không bị một nghi ngờ nào làm phai nhạt. Nhưng Người Con mà Ngài đã sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm Trưởng Tử trong nhiều anh em (x. Rm 8,29), nghĩa là các tín hữu, mà Ngài cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục với tình thương của một người mẹ”[4].

Giáo Hội khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện và noi gương đức ái của Ðức Maria, và khi trung thành chu toàn thánh ý Chúa Cha, Giáo Hội cũng được làm mẹ nhờ lời Thiên Chúa mà Giáo Hội trung thành lãnh nhận: Thực vậy, nhờ việc rao giảng và ban phép Thánh Tẩy, Giáo Hội sinh hạ những người con được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và sinh ra do Thiên Chúa để họ lãnh nhận một đời sống mới và bất diệt. Giáo Hội cũng là trinh nữ đã giữ gìn toàn vẹn và tinh tuyền lòng trung nghĩa đã hiến cho Phu Quân; và noi gương Mẹ Chúa mình, nhờ thần lực của Thánh Thần, Giáo Hội bảo tồn cho tinh tuyền một đức tin toàn vẹn, một đức cậy bền vững và một đức mến chân thành. Tính cách làm Mẹ đồng trinh của Ðức Maria chính là bí tích, dấu hiệu hoặc hình ảnh của Giáo Hội đồng trinh, cũng thụ thai và sinh dưỡng các con cái mình. Tính cách làm mẹ của Giáo Hội, noi theo Ðức Maria, là việc đón nhận Lời Chúa trong tâm hồn. Ðón nhận có nghĩa là thực hành. Như thế Giáo Hội trở thành mẹ của một cuộc sống bất tử, nhờ Thần Khí của việc sáng tạo mới. Sự đồng trinh của Giáo Hội - là điều kiện để sinh nhiều con cái - hệ tại việc trung thành thực thi các nhân đức đối thần, theo gương Mẹ Thiên Chúa và nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần[5].

Công Đồng tiếp tục nhấn mạnh vai trò của đức Maria như một chuẩn mực cho các Kitô hữu bắt chước:Giáo Hội, qua con người của Ðức Nữ Trinh, đã đạt tới sự toàn thiện làm cho mình nên thanh sạch và vẹn tuyền (x. Eph 5,27), nhưng Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng chiến thắng tội lỗi để tiến trên đường thánh thiện. Vì thế, họ ngước mắt nhìn lên Ðức Maria là một mẫu gương nhân đức sáng ngời cho toàn thể cộng đoàn những người được chọn…Do đó, trong công cuộc tông đồ, Giáo Hội có lý để nhìn lên Ðấng đã sinh Chúa Kitô là người được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và được Ðức Nữ Trinh sinh ra để, nhờ Giáo Hội, cũng sinh ra và lớn lên trong lòng các tín hữu. Ðời sống của Ðức Nữ Trinh là một gương sáng của tình mẫu tử thắm thiết. Tình mẫu tử ấy phải là động lực của tất cả những ai cộng tác vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội để tái sinh nhân loại”[6].

Vì thế trong khi chúng ta cảm tạ Chúa vì dấu chỉ tuyệt vời lòng từ nhân của Ngài, chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Thiên Chúa mỗi người chúng ta, gia đình, cộng đoàn, toàn thể Giáo Hội và thế giới[7].

b. Trên bình diện cá nhân

Từ những thời rất xa xưa, Ðức Nữ Trinh đã được tôn kính dưới tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa", và các tín hữu đã khẩn cầu và ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó. Nhất là từ Công Đồng Ephêsô, Dân Thiên Chúa đã gia tăng lòng tôn kính Ðức Maria cách lạ lùng: họ sùng kính mến yêu, cầu khẩn và noi gương như lời kinh Magnificat: "Muôn đời sẽ khen tôi có phúc, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những việc trọng đại" (Lc 1,48-49)[8].

Mẹ là dấu hiệu cậy trông. Bởi Mẹ cũng đã phải chịu thử thách nên do kinh nghiệm riêng mà biết được gánh nặng của chúng ta. Tình thương Mẹ dành cho chúng ta sẽ khuyến khích chúng ta cố gắng không ngừng[9].

Trong tình nghĩa mẫu tử, người Kitô hữu được mời gọi khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như Ngài đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày nay được tôn vinh vượt trên các thần thánh trên trời, Ngài cũng cầu bầu cùng Con Ngài trong sự hiệp thông toàn thể các thánh cho tới khi mọi gia đình dân tộc hoặc đã mang danh hiệu Kitô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa[10].

Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI kêu gọi các tín hữu tín thác nơi Mẹ Thiên Chúa giữa những thử thách trong cuộc sống: "Mỗi khi chúng ta cảm nghiệm sự yếu đuối của mình và cám dỗ, chúng ta có thể hướng về Mẹ và tâm hồn chúng ta nhận được ánh sáng và an ủi. Cả trong những thử thách của đời sống, trong những bão tố làm lung lay niềm tin cậy, chúng ta hãy nghĩ mình là con của Ðức Mẹ và căn cội cuộc sống của chúng ta ăn rễ sâu trong ơn thánh vô biên của Thiên Chúa. Cả Giáo Hội, dù bị những ảnh hưởng tiêu cực của thế giới, luôn tìm được nơi Mẹ ngôi sao hướng dẫn và bước theo con đường Chúa Kitô đã chỉ"[11].

Kết

Chung quy, tín điều Mẹ Thiên Chúa được rút ra từ kho tàng Kinh Thánh, đã đi sâu vào niềm tin của người tín hữu từ buổi bình minh Kitô Giáo. Trải qua tiến trình dài trở thành niềm xác tín chung của Giáo Hội dựa trên nền tảng Kinh Thánh, Thánh Truyền và Huấn Quyền của Giáo Hội. Tín điều Mẹ Thiên Chúa được mở ra trong suy tư thần học và chiêm ngưỡng của đức tin của muôn thế hệ. Vấn đề được đặt ra cho người tín hữu nói chung và những người làm thần học nói riêng, một sự kết hợp giữa suy tư và sống với Mẹ Thiên Chúa trong bối cảnh văn hóa riêng. Là một người tín hữu, tu sĩ, chúng ta ôm ấp giáo huấn của Giáo Hội về Mẹ Thiên Chúa, diễn tả bằng văn hóa Việt Nam trong suy tư cá nhân làm nền tảng khả dĩ cho đời sống tu trì và đời sống đức tin của người tín hữu Việt Nam. Trong bối cảnh sùng kính mến yêu Mẹ Maria của người giáo dân Việt Nam, thì chuẩn mực về đạo lý Mẹ Thiên Chúa luôn là vấn đề cấp thiết đặt ra cho những người làm thần học ở Việt Nam. 

Túy Văn

Tài Liệu Tham Khảo
Kinh Thánh Tân Ước. Bản dịch và chú thích có hiệu đính do Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Hà Nội: Tôn Giáo, 2008.
Công Đồng Vaticanô II. Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.
Phan Tấn Thành. Magnificat. Học Viện Đa Minh, 2010.
Tài Liệu Internet:
1. Giuse Nguyễn Hữu An. Thời Gian Là Hồng Ân. Truy cập ngày 15-12-2013; http://lamhong.org/2012/12/30/thoi-gian-la-hong-an-le-me-thien-chua-2013.
2. G. Trần Ðức Anh. Tín Thác Nơi Mẹ Thiên ChúaTruy cập ngày 20-12-2013; http://daminhvn.net/tin-giao-hoi/tin-giao-hoi-hoan-vu/601-etc-moi-goi-ca....
3. L.m. Phêrô. Lễ Mẹ Thiên Chúa. Truy cập ngày 15-12-2013; http://www.xuanha.net/MEMARIA/1-1methienchua.htm.


Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Tin Mừng Chúa nhật lễ Thánh Gia

suy-niem-chu-giai-loi-chua-le-thanh-gia-lm-inhaxio-ho-thong

PHÚC ÂM: Lc 2, 22-40
"Con trẻ lớn lên, đầy khôn ngoan".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa". Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con. Và đây ở Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: "Lạy Chúa, bây giờ, Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an theo như lời Chúa, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa". Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: "Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!" Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi bốn tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

Đức Thánh Cha khích lệ các bạn trẻ Taizé Âu châu





WHĐ (29.12.2017) – Đại hội Giới trẻ châu Âu hằng năm do Cộng đoàn đại kết Taizé tổ chức đang diễn ra tại Basel, Thuỵ Sĩ từ ngày 28-12-2017 đến 1-1-2018. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp để khích lệ những người trẻ Công giáo, Chính Thống giáo và Tin Lành đang họp nhau “tại giao điểm của Thụy Sĩ, Pháp và Đức”.

Sứ điệp viết bằng tiếng Pháp của Đức Thánh Cha Phanxicô do Đức hồng y Quốc vụ khanh Toà thánh ký tên, mở đầu: “Các bạn từ khắp Châu Âu đã đến Basel – thành phố ở giao điểm của Thụy Sĩ, Pháp và Đức, để tham dự Đại hội Giới trẻ châu Âu hằng năm lần thứ 40 do Cộng đoàn đại kết Taizé tổ chức. Các bạn đang được thúc đẩy bởi mong muốn cùng nhau khơi sâu những nguồn vui đích thực. Và ‘niềm vui’ là chủ đề sẽ hướng dẫn những suy tư và soi sáng lời cầu nguyện của các bạn. Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn đoan chắc với các bạn rằng ngài gần gũi các bạn về mặt thiêng liêng. Thật vậy, như ngài viết trong Tông huấn Evangelii Gaudium, Niềm vui Tin Mừng đong đầy cõi lòng và cuộc sống của những người gặp Chúa Giêsu. Những ai để cho Người cứu vớt sẽ thoát khỏi vòng tội lỗi, u buồn, sự trống rỗng trong tâm hồn và nỗi cô đơn. Có Chúa Giêsu Kitô, niềm vui sẽ sinh ra và tái sinh luôn mãi”.


Sứ điệp viết tiếp: “Đức Thánh Cha rất vui mừng biết rằng các bạn đã chọn tham dự cuộc gặp gỡ này để đón nhận và đào sâu thêm sứ điệp của Chúa Giêsu – là nguồn vui cho tất cả những ai mở lòng ra với Người. Và ngài cảm ơn các bạn đã đáp lại lời Chúa kêu mời, Đấng đã đưa các bạn đến với nhau trong niềm vui tình yêu của Ngài. Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn sống trong niềm vui này – là niềm vui đến từ tình bạn của các bạn với Chúa Giêsu, niềm vui chẳng bao giờ đóng cửa lòng chúng ta trước người khác hay những đau khổ của thế giới này. Và ngài mời gọi các bạn gắn bó với Chúa, qua việc cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa, để Chúa giúp các bạn phát triển tài năng hầu thăng tiến nền văn hoá thương xót dựa trên việc khám phá lại cuộc gặp gỡ với người khác, nền văn hoá trong đó không ai nhìn người khác cách dửng dưng hay quay lưng trước những đau khổ của anh chị em mình”.

Đức hồng y Parolin tiếp tục trích dẫn Tông thư Misericordia et misera của Đức giáo hoàng Phanxicô nhân dịp bế mạc Năm Thánh Lòng Thương xót.

Cuối cùng, Đức hồng y Parolin nhắc lại rằng: “Kỷ niệm 500 năm Cải cách được ghi dấu trong suốt một năm sắp kết thúc, và Đức Thánh Cha cầu xin Chúa Thánh Thần giúp các bạn –các bạn trẻ Tin Lành, Công Giáo và Chính Thống giáo–, hân hoan và làm phong phú lẫn nhau bằng những ân huệ đa dạng được ban cho tất cả các môn đệ của Chúa Kitô, và chứng tỏ rằng niềm vui nối kết chúng ta vượt lên những thương đau của chia rẽ. Ngài cũng khuyến khích các bạn đừng sợ đi theo con đường của tình huynh đệ để cuộc gặp gỡ tại Basel của các bạn sẽ làm cho sự hiệp thông đầy vui mừng tuôn trào từ nguồn mạch trái tim Chúa trở nên hữu hình”. 


Sứ điệp kết thúc: “Đức Thánh Cha phó thác các bạn cho Chúa, để các bạn có thể cùng với Đức Trinh Nữ Maria hát lên lời ngợi ca những điều kỳ diệu của tình yêu của Chúa, là nguồn mạch của niềm vui, và ngài thành tâm chúc lành cho các bạn, là những người trẻ đang tham gia cuộc gặp gỡ này, cho các sư huynh Taizé cũng như cho những người ở Thụy Sĩ, Pháp và Đức đón tiếp các bạn”. 

Minh Đức

Trong 5 năm qua, Đức Phanxicô đã đề cập đến Satan nhiều hơn tất cả các vị Giáo Hoàng trong nửa thế kỷ qua


Trong bài “The Pope’s fight against Satan” – “Cuộc chiến chống Satan của Đức Giáo Hoàng”, ký giả Andrea Tornielli của tờ Vatican Insider đưa ra một tổng kết theo đó trong 5 năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những lời cảnh cáo về Satan nhiều lần hơn tổng số những lần tất cả các vị tiền nhiệm của ngài đã làm như vậy trong nửa thế kỷ qua.

Đối với Đức Giáo Hoàng Bergoglio, ma quỷ và khả năng chia rẽ của nó là những chủ đề phổ biến trong bài giảng hàng ngày của ngài. Đây là những lời rao giảng “ngược dòng”, bởi vì từ lâu ma quỷ xem ra đã vắng bóng một cách lạ lùng trong bài giảng của nhiều giáo sĩ tại Ý và trên thế giới. 

Lần cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxicô nói về ma quỷ là với một nhóm các linh mục dòng Tên trong chuyến đi gần đây của ngài đến Miến Điện. Trong khi đề cập đến những người Hồi Giáo Rohingya và nói chung về những người tị nạn, ngài nói, “Hôm nay có rất nhiều cuộc thảo luận về cách cứu các ngân hàng.... Nhưng hôm nay có ai màng tới việc cứu lấy nhân phẩm của những người nam nữ trong thế giới này không? Không còn ai quan tâm đến những người bất hạnh nữa. Ma quỷ đã rất thành công về khía cạnh này trong thế giới ngày nay”.

Trong bài giảng đầu tiên của ngài trong thánh lễ đồng tế với các Hồng Y tại nhà nguyện Sistina sau cuộc bầu cử, vào ngày 14 tháng 3 năm 2013, Đức Bergoglio, sau khi trích dẫn một cụm từ của Léon Bloy, đã khẳng định: “Khi một người không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, thì người ấy tuyên xưng tinh thần thế gian của ma quỷ”. Ngày hôm sau, trong một cuộc gặp gỡ với các Hồng Y tại điện Clementê, vị tân Giáo Hoàng, không đọc bài phát biểu dọn sẵn, nhưng ứng khẩu nói: “Chúng ta đừng bao giờ để mình rơi vào tình trạng bi quan, hay cay đắng là những điều ma quỷ đưa đến cho chúng ta hàng ngày”.

Phát biểu với các Hiến Binh Vatican vào ngày 28 tháng 9 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ rằng “ma quỷ tìm cách tạo ra một cuộc nội chiến, một loại nội chiến tâm linh”. 

Trong bài giảng thánh lễ sáng 14 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Giáo Hoàng Á Căn Đình đã mời gọi chúng ta đừng nhầm lẫn sự hiện diện của ma quỷ với bệnh tâm thần. Ngài nói: “Đừng coi thường! Sự hiện diện của ma quỷ đã được nhắc đến ngay trên trang đầu tiên của Kinh Thánh”

Vào ngày 29 tháng 9 năm 2014, trong một bài giảng khác tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Bergoglio giải thích rằng “Satan là kẻ thù của loài người. Nó rất tinh ranh quỷ quyệt: trang đầu tiên của Sách Sáng Thế nói với chúng ta như vậy, nó là kẻ đa mưu túc kế. Nó trình bày mọi thứ như thể rất là tốt. Nhưng ý định của nó là phá hủy, có lẽ với ‘những lời giải thích rất là nhân bản’”.

Ngày 3 tháng 10 năm 2015, khi nói chuyện với các Hiến Binh Vatican, Đức Phanxicô đã nhắc nhớ rằng “Satan là một kẻ dụ dỗ, nó gieo những nguy hiểm tiềm ẩn và dụ dỗ với đầy sự quyến rũ, và sự quyến rũ ma quỷ này khiến anh em tin mọi thứ. Nó biết cách làm thế nào để rao bán thật quyến rũ, nó bán rất chạy, và cuối cùng người ta phải trả giá rất cao!”

Ngày 12 tháng 9 năm 2016, trong thánh lễ buổi sáng, Đức Thánh Cha đã giải thích rằng “ma quỷ có hai vũ khí rất mạnh để tiêu diệt Giáo hội: đó là chia rẽ và tiền bạc... ma quỷ gieo trong lòng người sự ghen tương, tham vọng, và các ý tưởng chia rẽ hay tham lam. Nó gieo vào lòng người một cuộc chiến bẩn thỉu, gây ra chia rẽ như chủ nghĩa khủng bố”.

Ngày 13 tháng 10 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả “Ma quỷ từ từ thay đổi các tiêu chí của chúng ta để dẫn chúng ta đến tinh thần thế gian. Nó ngụy trang cách hành động của chúng ta mà chúng ta rất khó nhận thấy.”

Và chúng ta không thể không nhớ những lời mà Đức Giáo Hoàng đã nói trong cuộc phỏng vấn với Don Marco Pozza của đài TV2000 về Kinh Lạy Cha. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng ma quỷ là “một hữu thể” và chúng ta “đừng bao giờ nói chuyện với Satan” bởi vì “nó thông minh hơn chúng ta”.

Đặng Tự Do

Người đã từng khinh khi phỉ báng những tín hữu đi lễ - nay đã trở thành là một linh mục


Madrid, Tây Ban Nha, ngày 27 tháng 12 năm 2017 theo Thông tấn xã EWTN và CAN thì sau một thời trai trẻ, đầy hận thù với Giáo Hội, Juan José Martínez tự thú ngài đã khám phá ra chân lý "Thiên Chúa hiện hữu và muốn ngài làm linh mục."

Ngài kể ngày xưa "Mỗi sáng Chúa Nhật đứng trên ban công nhà nhìn những ai đi tới nhà thờ tham dự thánh Lễ, tôi thường phỉ báng và khạc nhổ lên họ. Tôi nói với họ rằng Giáo Hội là một tổ chức làm tiền, móc túi họ!” Nay ngài trở thành một linh mục thuộc Giáo phận Almeria, Tây Ban Nha.

Cha mẹ của Juan José không phải là người Công Giáo sốt sắng. Chính ngài cũng chẳng nhận được một sự giáo dục tôn giáo nào! Ngược lại khi còn tại ghế nhà trường, tôi luôn phản bác chống lại các giờ về đạo đức tôn giáo! Ngài cũng không tưởng nổi, khi kết thúc cuộc hành trình như hiện nay ngài trở thành kẻ lôi cuốn bạn bè và tha nhân vào Giáo hội. Cha Juan José còn nhớ rất rõ lần đầu tiên ngài bước vào nhà thờ Công Giáo, "ngài đã vào để vui lòng những người đã mời ngài mà thôi". Đó là vào tháng giêng năm 1995, một số bạn bè trong lớp mời tôi tham dự buổi cầu nguyện đại kết giữa Hồi giáo và Công Giáo tại giáo xứ. Tôi nhớ tôi đã nói với họ rằng tôi không muốn họ tẩy não tôi. Và trong cả tháng, họ vẫn kiên trì. Cuối cùng vào một ngày thứ năm tháng hai năm 1995, lần đầu tiên tôi bước vào nhà thờ Công Giáo. "

Một hộp vàng

Rất nhiều bạn bè của tôi đang hiện diện và tôi rất ngạc nhiên bởi vì "tất cả đều tập trung hướng về một cái hộp bằng vàng ở trên gian cung thánh nhà thờ. Tôi không biết đó là cái gì, và tôi nghĩ có lẽ đó là nơi mà linh mục giáo xứ cất giữ tiền bạc!"

Hộp vàng đó là Nhà tạm.

Cha Juan José nói rằng ngài đã vào nhà thờ để làm cho bạn bè vui, nhưng tôi nghĩ "các bạn của tôi điên hết rối! Trong lòng tôi cười chế nhạo, nhưng vì lịch sự mà tôi cố che giấu nó. Tôi quyết định thứ Năm tuần sau tôi sẽ trở lại với họ để cười nhạo thêm."

Nhưng lạ lùng thay vào thứ năm đó chàng Juan José đã bị thuần hóa và buông bỏ những định kiến chống lại Giáo hội và tôn giáo.

Ngài chia sẻ Ngài đã nhìn ra "Linh mục là một người thông minh, sẵn sàng giúp đỡ tha nhân". Và rồi ý niệm ấy thấm nhập vào tâm hồn ngài. "Lúc ngài lên 15 tuổi, ngài bắt đầu đi hát Lễ vào các ngày Thứ Bảy. Và ở trước nhà tạm dần dần tôi nhận ra rằng Thiên Chúa hiện diện và yêu thương tôi. Tôi cảm được tình yêu của Chúa. Nhóm Canh Tân mà trước đây tôi tham gia vì vui, đã giúp tôi rất nhiều".

'Tôi là người của tha nhân bất luận lúc nào họ cần'

Cha Juan José đã chịu phép rửa tội và rước lễ lần đầu theo mong ước của cha mẹ nhưng tôi không có một mối quan hệ nào với Thiên Chúa. Cha tôi không bao giờ đi lễ, chỉ có mẹ tôi thực hành niềm tin… nhưng dầu sao một lúc nào đó chính là khoảnh khắc độc nhất vô nhị trong cuộc đời tôi đã nhận được ơn Chúa Thánh Thần và niềm tin vào Chúa. "

Trong nhiều năm tháng, chàng trẻ tuổi Juan José đã cố cự tuyệt lại tiếng gọi làm linh mục. "Tôi nói với Chúa rằng tôi không muốn những phiền hà xảy ra… Nhưng tư tưởng đó lúc nào cũng đeo đuổi tôi cho đến lúc tôi quyết định sẽ trở thành một linh mục."

Vào một chiều Thứ Bảy lúc chàng vừa tròn 17, Juan José mạnh dạn thưa với cha mình rằng con muốn gia nhập chủng viện. Bố của ngài đã đánh cá "chuyện đó chỉ xảy ra khi Jose bước qua xác chết của ông!"

"Cha tôi không hiểu nổi vì sao tôi muốn làm linh mục. Nên cha tôi đề nghị ông sẽ trả học phí cho tôi sang Hoa Kỳ du học, và ông cương quyết không bao giờ trả một đồng xu cho chủng viện. "

Trong một thời điểm khó khăn như vậy, Cha Juan José nhớ lại ngài chỉ biết cầu nguyện với tâm tình của Thánh nữ Têrêsa Avila: "Đừng sợ hãi... Điều mà con cần là Thiên Chúa mà thôi" và lúc cha cậu cản ngăn, ngài chỉ biết ôm lấy cha và nói: "Con mong một ngày ba sẽ hiểu..."

'Mừng vui'

Trên thực tế, cha ngài đã đi hơi xa là đe dọa bất cứ một linh mục nào giúp con ông đeo đuổi ơn gọi của ngài. "Cha tôi đã dùng mọi thủ đoạn để ngăn cản, nhưng Thánh ý của Chúa còn mạnh hơn".

Để làm vui lòng cha đẻ của mình, cha Juan José đã không vào chủng viện ngay, ngài bắt học và làm nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Almeria. Trong nhiều năm, ông kiên nhẫn, và tiếp tục trung thành với ơn gọi của ông là trở nên linh mục Chúa. Cho đến một ngày tháng 5 năm 1999, Ngài nhớ mẹ ngài tâm sự với ngài rằng bà đã nói chuyện với ba ngài, thuyết phục ông để ông cho phép ngài gia nhập chủng viện. "Tôi đã òa khóc và khóc dòng. Tôi nhớ khi tôi nói với cha linh hướng của tôi về biến cố này, Cha linh hướng cũng ôm chặt lấy tôi..."

Tháng 9 năm 2000, Juan Jose vào chủng viện.

Chàng Juan Jose đã gia nhập chủng viện vào tháng 9/2000 và sau những năm học thần học, năm 2006, cha José được chịu chức tại nhà thờ Almeria. Người cha của ngài cũng tham dự buổi lễ. "Dù không chấp nhận cho tôi trở thành linh mục, nhưng ba thấy tôi hạnh phúc nên ông đành chấp nhận."

Và trên thực tế, cha nhớ lại rằng cách đây hai năm, "trước khi ba của ngài qua đời, chính cha đã Xức dầu cho ba và lo liệu hậu sự cho ba của ngài."

Cha Jose nói: "Khi có ai đó nói với cha rằng anh hay chị ta không tin vào Thiên Chúa, thì ngài luôn luôn trả lời rằng chính ngài cũng đã không tin vào Chúa, và ngài đã lầm, vì ngài chỉ khám phá ra niềm hạnh phúc đích thực nơi Chúa Giêsu mà thôi. Nếu bạn không có hạnh phúc tròn đầy bạn hãy cầu xin Chúa ban cho bạn, vì chỉ mình Chúa mới có thể ban cho bạn thứ hạnh phúc mà trái tim bạn đang khát mong."

Thanh Quảng sdb

Fides: Con số các nhà truyền giáo bị giết trong năm 2017 rất đáng quan ngại


Oái oăm thay, trong 8 năm liên tiếp, các nhà truyền giáo bị giết nhiều nhất không phải là ở các nước Hồi Giáo nhưng chính là ở các quốc gia có đa số dân theo Công Giáo

Trong những năm vừa qua, thế giới chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo. Tuy nhiên, oái oăm thay, số các nhà truyền giáo bị giết nhiều nhất không phải là ở các quốc gia có đa số dân theo Hồi Giáo hoặc ở các quốc gia Châu Á, nhưng chính là tại Mỹ châu Latinh nơi có một đa số rõ rệt dân chúng là người Công Giáo. Điều này không chỉ xảy ra trong năm nay 2017, nhưng là một thực tại liên tục trong suốt 8 năm vừa qua. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã đưa ra nhận xét cay đắng như trên trong bản phúc trình về con số các nhân viên mục vụ của Giáo Hội Công Giáo bị thảm sát trong năm 2017 sắp kết thúc.

Trong năm 2017, 23 nhân viên mục vụ của Giáo Hội Công Giáo đã bị giết trên toàn thế giới, trong đó có 13 linh mục, 1 sư huynh, 1 nữ tu, và 8 giáo dân truyền giáo. 

Theo phân bố lãnh thổ, đây là năm thứ 8 liên tiếp Mỹ Châu Latinh (Mễ Tây Cơ, Trung Mỹ và Nam Mỹ) là nơi có số lượng lớn các nhân viên chăm sóc mục vụ bị giết chết với con số lên đến 11 vị trong đó có 8 linh mục, 1 sư huynh và 2 giáo dân truyền giáo. Kế đến là Phi Châu, nơi có 10 nhân viên chăm sóc mục vụ bị giết gồm 4 linh mục, 1 nữ tu, và 5 giáo dân truyền giáo. Tại Á châu, 1 linh mục, và 1 giáo dân truyền giáo đã bị giết. Cả hai đều bị giết tại Phi Luật Tân, là quốc gia duy nhất tại châu Á nơi đa số dân theo Công Giáo

Nếu chúng ta xét riêng từng quốc gia, thì trong năm 2017, Nigeria dẫn đầu với 5 nhân viên chăm sóc mục vụ bị giết, tiếp đến là Mễ Tây Cơ có 4 vị, Colombia và Phi Luật Tân mỗi nước có hai vị. 

Với 4 linh mục bị giết, Mễ Tây Cơ tiếp tục là quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các linh mục. Theo nhận định của của Cha Omar Sotelo, là Giám đốc Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện Mễ Tây Cơ, “Bạo lực chống lại hàng giáo phẩm đã tăng lên trong những năm gần đây mà không thấy có những hành động cụ thể nào để ngăn chặn nó. Dân chúng luôn phải đối mặt với những tội ác, chúng ta biết rõ điều đó, nhưng bây giờ trên hết, chức tư tế đã trở thành một chức vụ nguy hiểm; trong chín năm qua, Mễ Tây Cơ là nước có nhiều linh mục bị giết nhất trên thế giới.”

Báo cáo của Fides cũng đề cập đến một giám mục bị giết tại giáo phận Bafia của Cameroon. Xác Đức Cha Jean-Marie Benoit Bala được tìm thấy trong dòng sông Sanaga vào ngày 2 tháng Sáu. Cơ quan tư pháp của Cameroon quyết liệt cho rằng Đức Cha tự tử, trong khi Hội Đồng Giám Mục kiên trì lặp lại rằng Đức Cha không tự sát, nhưng “đã bị sát hại tàn bạo” trước khi bị ném xuống giòng sông đang chảy xiết.

Đặng Tự Do

Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Đón nhận Chúa Giêsu là món quà vĩ đại của Thiên Chúa để trở thành quà cho tha nhân

Đoàn xiệc Golden Circus Liana Orfei trình diẽn giúp vui 
trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tử 27-12-2017 - AP

** Chúa Giêsu giáng sinh là món quà vĩ đại nhất Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta, để tới lượt mình chúng ta cũng trở thành món quà cho người khác, trước hết là cho những người đã không bao giờ sống kinh nghiệm của một sự chú ý, dịu hiền, một cái vuốt ve trìu mến. Giáng Sinh thôi thúc chúng ta làm điều đó.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến cuối cùng trong năm 2017 tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 27-12-2017.

Vì đang trong mùa Giáng Sinh nên trong bài huấn dụ ĐTC đã nói về ý nghĩa đích thực của lễ Giáng Sinh. Ngài nói: Việc làm hang đá máng cỏ và nhất là phụng vụ với các bài đọc kinh thánh và các thánh ca truyền thống làm cho chúng ta sống “ngày hôm nay”, trong đó “Chúa Kitô Đấng Cứu Thế đã được sinh ra cho chúng ta” (Lc 2,11).

Đề cập tới khuynh hướng làm sai lạc bản chất của lễ Giáng Sinh ĐTC nói:

Trong thời nay của chúng ta, nhất là tại Âu châu, chúng ta đáng chứng kiến một loại “làm sai lạc bản chất” của lễ Giáng Sinh: nhân danh một sự tôn trọng sai lầm đối với người không kitô, thường che dấu ý muốn gạt bỏ niềm tin, người ta loại trừ khỏi ngày lễ mọi quy chiếu việc Chúa Giêsu sinh ra. Nhưng trên thực tế biến cố này là lễ Giáng Sinh đích thực duy nhất! Không có Chúa Giêsu, thì không có lễ Giáng Sinh; có một lễ khác, nhưng không phải là lễ Giáng Sinh. Và nếu ỏ trung tâm không có Chúa Giêsu, thì khi đó tất cả những gì chung quanh, các ánh sáng, tiếng động, các truyền thống địa phương khác nhau, cũng như các thực phẩm đặc biệt, tất cả quy về việc tạo ra bầu khí của ngày lễ, nhưng với Chúa Giêsu ở trung tâm. Nhưng nếu chúng ta lấy Ngài đi, thì ánh sáng tắt ngấm, và tất cả trở thành giả tạo, bề ngoài.

** Qua việc loan báo của Giáo Hội cũng như các mục đồng trong Phúc Âm (Lc 2,9) chúng ta được hướng dẫn kiếm và tìm ra ánh áng thật, ánh sáng của Chúa Giêsu. Khi làm người như chúng ta, Ngài tự tỏ ra một cách gây kinh ngạc: sinh ra từ một thiếu nữ nghèo vô danh, cho Ngài chào đời trong một hang bò lừa, chỉ với sự trợ giúp của chồng… Thế giới không nhận thấy gì cả, nhưng trên trời các thiên thần biết sự kiện thì vui mừng! Và cả ngày nay nữa Con Thiên Chúa tự tỏ hiện cho chúng ta như thế: như là món quà Thiên Chúa ban cho nhân loại đắm chìm trong bóng tối và trong giấc ngủ say (Is 9,1). Và cả ngày nay nữa chúng ta cũng chứng kiến sự kiện nhân loại thường ưa thích bóng tối, bởi vì nó biết rằng ánh sáng sẽ vén mở tất cả các hành động và tư tưởng khiến cho lương tâm phải đỏ mặt hay cắn rứt. Như thế, nó ưa thích ở lại trong bóng tối để không làm xáo trộn các thói quen sai lạc của mình.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Như vậy, chúng ta có thể tự hỏi: tiếp nhận Chúa Giêsu là ơn của Thiên Chúa có nghĩa là gì? Như chính Ngài đã dậy chúng ta với cuộc sống của Ngài, nó có nghĩa là mỗi ngày trở thành món quà nhưng không cho những người mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời. Đó là lý do tại sao trong dịp lễ Giáng Sinh người ta trao đổi quà tặng. Quà tặng đích thực cho chúng ta là Chúa Giêsu, và như Ngài chúng ta muốn là quà tặng cho tha nhân. Và như chúng ta muốn là quà tặng cho người khác, chúng ta trao đổi quà tặng, như dấu chỉ, như dấu hiệu của thái độ mà Chúa Giêsu dậy chúng ta: Ngài đã được Thiên Chúa Cha gửi tới, đã là quà tặng cho chúng ta, và chúng ta là quà tặng cho tha nhân.

Thánh Phaolô cống hiến cho chúng ta một chìa khoá đọc hiểu tổng hợp, khi ngài viết cho Titô – đoạn này của thánh Phaolô rất hay – “Ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện, đem ơn cứu độ đến cho tất cả mọi người và dậy chúng ta sống trong thế giới này với sự thanh đạm, công chính và đạo hạnh” (Tt 2,11-12). Ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện nơi Đức Giêsu, là gương mặt của Thiên Chúa, mà Trinh Nữ Maria đã cho chào đời như mọi trẻ em của thế giới này, nhưng Ngài không đến từ “trái đất”, mà đến “từ Trời”, từ Thiên Chúa. ĐTC giải thích điểm này như sau:

** Trong cách thế này, với biến cố nhập thể của Người Con, Thiên Chúa đã mở ra cho chúng ta con đường của cuộc sống mới, không dựa trên ích kỷ nhưng trên tình yêu. Biến cố Chúa Giêsu sinh ra là cử chỉ tình yêu lớn lao nhất của Thiên Chúa Cha trên Trời của chúng ta.

Và có một khiá cạnh quan trọng sau cùng nữa: trong lễ Giáng Sinh chúng ta có thể trông thấy lịch sử nhân loại, lịch sử được các kẻ quyền thế của thế giới này chuyển động, được lịch sử của Thiên Chúa viếng thăm như thế nào. Và Thiên Chúa lôi cuốn những kẻ bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, họ là những người đầu tiên nhận được món quà của Ngài, nghĩa là - món quà – ơn cứu rỗi Chúa Giêsu đem đến. Với những người bé mọn và bị khinh miệt Chúa Giêsu thiết lập một tình bạn tiếp tục trong thời gian, và nuôi dưỡng niềm hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn. “Một ánh sáng lớn xuất hiện” (Lc 2,9-12) cho những người này được đại diện bởi các mục đồng Bếtlêhem: họ bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, bị nghi ngờ, khinh bỉ, nhưng tin vui lớn lao xuất hiện cho họ trước tiên. Với những người đó, với những kẻ bé mọn và bị khinh rẻ Chúa Giêsu thiết lập một tình bạn tiếp tục trong thời gian và nuôi hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Cho những người này, được đại diện bởi các mục đồng Bếtlêhem một ánh sáng lớn xuất hiện, dẫn đưa họ thẳng tới Chúa Giêsu. Với họ, trong mọi thời đại Thiên Chúa muốn xây dựng một thế giới mới, một thế giới trong đó không có những người bị khước từ, đối xử tàn tệ và nghèo túng.

Anh chị em thân mến trong các ngày này chúng ta hãy mở rộng tâm trí đón nhận ân sủng này. Chúa Giêsu là món quà Thiên Chúa ban cho chúng ta và nếu chúng ta tiếp nhận Ngài, chúng ta cũng có thể trở thành món quà cho tha nhân – là món quà của Thiên Chúa cho người khác – trước hết cho những người đã không bao giờ sống kinh nghiệm của sự chú ý và lòng hiền dịu- Trong cuộc sống của họ những người này đã không bao giờ sống kinh nghiệm một cái vuốt ve, một sự chú ý của tình yêu thương, một cử chỉ hiền dịu. Lễ Giáng Sinh thúc đẩy chúng ta làm điều đó. Như thế, Chúa Giêsu còn đến sinh ra trong cuộc sống của từng người trong chúng ta, và qua chúng ta Ngài tiếp tục là món quà cứu độ cho những người bé nhỏ và bị loại trừ.

** ĐTC đã chào tín hữu đến từ các nước nói tiếng Pháp, trong đó có nhóm tín hữu giáo phận Séez, do ĐC Jacques Habert hướng dẫn, cũng như nhóm các gia đình giáo phận Cambrai. Ngài cũng chào tín hữu đến từ các nước nói tiếng Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. ĐTC xin mọi người để cho Chúa Giêsu bước vào cuộc sống của họ và trở thành món quà cho tha nhân, cũng như duy trì niềm vui của lễ Giáng Sinh, bằng cách gặp gỡ Chúa là Hoàng Tử hoà bình trong lời cầu nguyện và nơi tha nhân, nhất là những người bị hất hủi và bị lãng quên nhất. Với các nhóm nói tiếng Đức ĐTC trích lại lời văn sĩ Pellegrino Cherubico nói: “A, nếu con tim bạn có thể trở thành máng cỏ, thì Thiên Chúa sẽ lại trở thành trẻ thơ trên trần gian này!” và Ngài xin Chúa đồng hành với chúng ta để đem hoà bình và tình yêu của Ngài tới cho con người ngày nay.

Chào các tín hữu đến từ Siria, Iraq, Thánh Địa và vùng Trung Đông ngài nói Thiên Chúa yêu chúng ta một cách cụ thể, vì Ngài đến sống giữa và sống với chúng ta để tái trao ban cho chúng ta chức là con, và khiến cho chúng ta biết yêu thương như Ngài.

Chào các nhóm Ba Lan ĐTC cám ơn các lời chúc mừng lễ đến từ Ba Lan và từ khắp nơi trên thế giới, cũng như lời cầu nguyện của mọi người theo các ý chỉ của ngài và lời cầu nguyện cho ngài. ĐTC khích lệ tất cả mọi người đón nhận Chúa Giêsu, là món quà cao quý Thiên Chúa Cha ban cho để rồi cũng trở thành món quà cho tha nhân.

Trong các nhóm Ý ĐTC đặc biệt chào và cám ơn các nam nữ nghệ sĩ đoàn xiệc Golden Circus của bà Liana Orfei đã trình diễn giúp vui mọi người. Nghệ thuật diễn tả vẻ đẹp và luôn luôn đưa con người tới gần Thiên Chúa. Ngài cũng chào huynh đoàn Rất Thánh Đức Bà Truyền Tin Panza đảo Ischia mừng 400 năm thành lập, các bác sĩ nhà thương nhi đồng Padova và nhiều đoàn hành hương của nhiều tỉnh khác nhau tại Italia. ĐTC nhắc cho mọi người nhớ: Không có Chúa Giêsu, thì không phải là lễ Giáng Sinh đích thực.

Chào các bạn trẻ ngài mời gọi họ hãy chiêm ngắm Chúa Hài Đồng và sống đức tin mạnh mẽ. ĐTC xin các anh chị em đau yếu, qua ánh sáng rạng ngời của Bếtlêhem, biết trông thấy ý nghĩa sự khổ đau của họ. Và ngài chúc các đôi tân hôn luôn biết xây dựng cuộc sống gia đình trên tình yêu và sự tận tuy vượt mọi hy sinh.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Lễ Giáng sinh tại Bêlem: “Niềm vui của Chúa là sức mạnh của chúng ta”




WHĐ (27.12.2017) – Lễ Giáng sinh năm nay là một lễ Giáng sinh đặc biệt đối với các Kitô hữu ở Thánh Địa, sau khi Hoa Kỳ tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Liên tiếp đã có những cuộc biểu tình phản đối trong khu vực; và ngày 21-12 Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố trên.

Trong bối cảnh này, qua bài giảng Thánh lễ đêm Giáng sinh cử hành tại Vương cung thánh đường Giáng sinh ở Bêlem, Đức Tổng giám mục Pierbattista Pizzaballa, Giám quản tông toà Toà Thượng phụ Latinh Jerusalem, khích lệ các tín hữu hãy can đảm: “Chúng ta có thể tiếp tục sống và ở lại đây, trong yếu đuối và nghèo khó, bởi vì đây là con đường của Chúa khi Ngài muốn đi vào thế giới và chúc phúc cho nhân loại. Chúng ta đừng buồn, vì niềm vui của Chúa là sức mạnh của chúng ta!”

“Bêlem, Thánh Địa và các Giáo hội đang sống, cầu nguyện và chịu đau khổ ở đây, phải là và có thể là một lời nhắc nhở sống động cho toàn Giáo hội và cho thế giới về mầu nhiệm hạt lúa mì chết đi để sinh nhiều hạt khác. Sự hiện diện của Giáo hội, chứng từ của các Kitô hữu khắp nơi trên thế giới, nhưng trên hết là ở đây, phải là sự hiện diện “Giáng sinh”(và “Phục sinh”): cuộc sống và hành động của chúng ta phải phù hợp với cuộc sống và hành động của Chúa Kitô, Đấng được sinh ra nhỏ bé và nghèo nàn để trở nên bánh và sự sống cho con người”.

Đức Tổng giám mục Pizzaballa cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới: “Quý vị cũng hãy can đảm lên; ước chi quý vị dám mạo hiểm xây dựng hòa bình và tình huynh đệ, bằng cách từ bỏ tìm kiếm vinh quang và quyền lực, bằng cách cúi xuống phục vụ hạnh phúc của con người”, bởi vì: “Cánh cửa thấp dẫn vào Vương cung thánh đường Chúa giáng sinh cũng là lối vào sự vĩ đại thật sự. Và lát nữa đây, khi chúng ta đứng vòng quanh để chạm vào và hôn kính Hài nhi Bêlem, chúng ta hãy đặt trái tim và cuộc sống của chúng ta vào cử chỉ đó, bằng cách đón nhận đường lối nhỏ bé và khiêm hạ của Giáng sinh, là phương thế duy nhất để được cứu độ và bình an”.

Trong số những người tham dự Thánh lễ đêm Giáng sinh tại Bêlem, đặc biệt có Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. 

Minh Đức