Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Thứ Tư Lễ Tro: Lịch sử và ý nghĩa thần học phụng vụ

WGPSG -- Ngày Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta nghe văng vẳng lời thánh ca từ Sách Sáng thế: Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro.
Lời Kinh thánh này nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người qua biểu hiệu "bụi tro" được dùng trong Kinh thánh và trong nghi lễ ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay. Trong bài viết này tôi sẽ nói qua về lịch sử và ý nghĩa thần học phụng vụ của Ngày Thứ Tư Lễ Tro.
1. Lịch sử Thứ Tư Lễ Tro
Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: "Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay" (số 28 và 29). Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay. Ngoài ra trong cơ cấu phụng vụ của ngày này, Giáo hội cử hành lễ nghi làm phép tro và xức tro.
Trong truyền thống phụng vụ từ thế kỷ thứ 7, ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thể vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là "Ðầu Mùa Chay" (Caput ieiunii), hay "Ðầu Mùa ăn chay 40 ngày" (Caput Quadragesimalis). Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả (590-604).
Về nghi thức làm phép tro và xức tro, qua thời gian lễ nghi này đã có sự biến đổi từ một nghi thức thống hối trong định chế về tập tục thống hối công cộng thời xưa. Lịch sử phụng vụ về việc thành hình Nghi thức cử hành bí tích thống hối và hòa giải, cũng như định chế Giáo hội về một số sinh hoạt đặc biệt, đã có tục lệ bỏ tro cho hối nhân công cộng đã phạm một số tội nặng cách công khai, mà mọi nguời đều biết, như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình . . . Những người này bị loại ra khỏi cộng đoàn tín hữu. Ðể được nhận lại trong cộng đoàn, họ phải làm việc thống hối công cộng theo định chế Giáo hội đưa ra. Vào ngày thứ Tư trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, những hối nhân công cộng này sẽ tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, và sau khi xưng thú tội của mình, họ sẽ được Ðức Giám mục trao cho chiếc áo nhậm mang trên mình, rồi lãnh nhận tro trên đầu và trên mình. Sau đó họ bị đuổi ra khỏi nhà thờ và được chỉ định đi tới một tu viện để ở đó và thi hành một số việc thống hối đã ra cho họ. Vào sáng thứ năm Tuần thánh, các hối nhân này tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, được Ðức Giám mục xem xét việc thực hành thống hối của họ trong Mùa Chay, sau đó ngài đọc lời xá giải tội lỗi của họ để giao hòa với cộng đoàn. Từ đây họ được quyền tham dự các buổi cử hành bí tích. Tại Rôma, vào thế kỷ thứ 7, các hối nhân công cộng tập họp tại một số nhà thờ tước hiệu (tituli) của thành phố, cũng như tại 4 Ðại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Thánh Phaolô ngoại thành, Thánh Gioan Lateranô và Ðức Bà Cả, để cử hành nghi lễ như vừa nói trên đây.
Về sau định chế thống hối công cộng không còn nữa, tuy nhiên lễ nghi bỏ tro vẫn còn giữ lại trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Ðầu tiên chỉ có các tín hữu lãnh nhận tro trên mình. Về sau các Ðức Giáo Hoàng và tín hữu đều lãnh tro, để tỏ lòng thống hối. Sang thế kỷ thứ 10, thì có việc làm phép tro và một lời nguyện kèm theo bắt chước cơ cấu thánh lễ, nghĩa là có lời nguyện giống như Kinh nguyện thánh thể, và việc lãnh nhận tro như khi cử hành việc rước lễ.
Vào thế kỷ thứ 11, cũng tại Rôma, Ðức Giáo Hoàng tập họp các giáo sỹ, giáo dân tại nhà thờ thánh Anastasia. Ngài làm phép tro, bỏ tro cho mọi người, sau đó tất cả đi kiệu về nhà thờ thánh nữ Sabina ở đồi Aventino. Trong khi đi kiệu, Ðức Giáo hoàng và cộng đoàn hát kinh cầu các thánh. Tất cả đều mặc áo nhậm, đi chân không, để tỏ lòng thống hối ăn năn. Khi đoàn kiệu đến nhà thờ thánh Sabina, Ðức Giáo hoàng đọc lời xá giải và cộng đoàn cùng hát bài "Chúng ta hãy thay đổi đời sống, xức tro và ăn chay hãm mình, khóc than vì lỗi lầm đã phạm. Hãy khẩn cầu Thiên Chúa chúng ta. Vì Người rất từ bi nhân hậu sẵn sàng tha thứ mọi tội khiên" (Immutemur, xc. Ge 2, 13). Sau đó ngài cử hành Thánh lễ. Ðó là trạm đầu tiên (statio) của Mùa Chay. Ngày nay vào Thứ Tư Lễ Tro, Ðức Giáo hoàng cũng đến làm phép tro và bỏ tro tại nhà thờ Thánh nữ Sabina theo truyền thống xưa. Trước đó có cuộc rước kiệu từ nhà thờ thánh Anselmô cũng trên dồi Aventino. Tại nhà thờ thánh nữ Sabina, ngài công bố sứ điệp Mùa Chay cho toàn thể Giáo hội.
Vào năm 1091, Công đồng Benevento (Nam Italia) đã truyền cử hành nghi lễ bỏ tro cho tất cả các nơi trong Giáo hội. Trong khi bỏ tro, vị linh mục đọc lời: "Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi" (St 3, 19). Tro này lấy từ những cành lá đã được làm phép trong ngày Chúa nhật Lễ Lá năm trước để lại. Trước công cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng chung Vaticanô II, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro được cử hành trước Thánh lễ. Vào năm 1970, khi công bố Sách Lễ Rôma được tu chính, thì lễ nghi này được cử hành sau phần phụng vụ Lời Chúa. Ngoài câu trích từ Sách Sáng Thế, còn có thêm một công thức dùng khi bỏ tro, lấy từ Phúc Âm: "Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng" (Mc 1,15). Với công thức mới này được thêm vào, thì biểu hiệu "tro" đã mang thêm một ý nghĩa mới nữa đó là việc canh tân đời sống trong suốt Mùa Chay thánh. Sau đây là một trong hai lời nguyện làm phép tro: "Lạy Chúa, Chúa nhân từ đối với ai khiêm tốn, và tha thứ cho kẻ biết ăn năn. Xin nghe lời chúng con khẩn nguyện và rộng tay giáng phúc cho hết thảy chúng con sắp nhận lấy tro này, để chúng con kiên trì giữ bốn mươi ngày chay thánh, và nhờ đó được nên tinh tuyền, xứng đáng cử hành mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Kitô, Con Một Chúa, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời" (còn có một lời kinh khác trong Sách Lễ Rôma).
2. Ý nghĩa việc bỏ tro và ngày Thứ Tư Lễ Tro
Trong Cựu Ước, việc xức tro và mặc áo nhậm được dùng để thực hành và biểu lộ lòng thống hối cá nhân hay toàn thể cộng đoàn dân Israel. Tro chỉ thân xác chúng ta là bụi tro, sẽ phải chết (xc. St 3,18.27; Giob 34, 17; Gr 6, 26; 25, 34; Est 4,13; Is 58, 5; Dn 9,3; Giona 3,6; Giudith 4,16; 9,1).
Trong truyền thống các đan sĩ và tu viện, tro được dùng để nói lên mối liên hệ với sự chết và sự khiêm nhường thống hối trước mặt Chúa. Vì thế, các tu sĩ, các đan sĩ có tục lệ tại một số nơi, muốn nằm trên đống tro với chiếc áo nhậm để chết. Thánh Martino thành Tours bên Pháp đã nói: "Không gì xứng hợp hơn cho một tu sĩ là việc nằm chết trên đống tro bụi". Các vị này lấy tro đã được làm phép trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, rồi vẽ hình thánh giá trên đất, trên đó còn trải thêm áo nhậm và rồi các vị nằm trên đó khi hấp hối và khi chết. Các tu sĩ cũng có thói quen trộn tro vào bánh như của ăn. Ðó là một hình thức hãm mình nhiệm nhặt mà các tu sĩ phải giữ.
Từ đây chúng ta nhận ra, trước tiên Giáo hội đã đặt nền tảng cho việc thống hối, đó là nhìn nhận lại tình trạng nguyên tuyền của ơn thánh đã bị mất do tội nguyên tổ, và hậu quả là con người xa Thiên Chúa, trốn tránh Thiên Chúa. Con người sẽ phải chết như là một hậu quả của tội lỗi. Vì thế cần phải "quay trở lại" một cách tận căn, như ý nghĩa diễn tả qua từ "canh tân" trong ngôn ngữ Do Thái, là quay ngược lại với 360 độ. Ðàng khác suy tư về bụi tro, để cho thấy sự yếu hèn của mình và tính cách tùy thuộc vào Thiên Chúa vì con người được Ngài tạo dựng, nhưng Thiên Chúa đoái thương và ban ơn cứu rỗi. Phụng vụ đã diễn tả nền tảng này qua các biểu hiệu và các lời kinh của ngày Thứ Tư Lễ Tro.
Cùng với một số biểu hiệu khác được Giáo hội dùng trong Mùa Chay, như màu áo lễ tím, không đọc Kinh Vinh Danh, không trưng bông hoa trên bàn thờ, không dùng đàn trong thánh lễ, bụi tro cũng được dùng để cho thấy tính cách thống hối của Mùa Chay và thân phận của con người hay chết.
Nói tóm lại, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro trong ngày Thứ Tư Lễ Tro gợi ra cho tín hữu về một thời điểm quan trọng đang bắt đầu liên hệ tới ơn cứu rỗi của họ, đó là Mùa Chay. Ðồng thời, lễ nghi khởi đầu này cũng đề ra cho tín hữu một hành trình phải đi theo trong thời gian suốt Mùa Chay.
Hành trình đó là thực hành các việc làm biểu lộ sự thống hối, sống bác ái; đàng khác, tín hữu cũng phải đi sâu vào tâm tình thống hối, khi suy tư về thân phận con người, về lỗi lầm của mình và nhu cầu khẩn thiết phải trở về, phải canh tân cuộc sống. Tuy nhiên, tín hữu không làm những việc này trong ý thức khổ hạnh cá nhân, nhưng là để hướng về ơn cứu rỗi Chúa Kitô đã thực hiện và Giáo hội đang chuẩn bị mừng trong đại lễ Phục sinh. Ngày nay các biểu hiệu bên ngoài, như thống hối công cộng, như mặc áo nhậm, như đi chân không trong cuộc hành hương, vv. không còn được thực hiện như xưa, vì hoàn cảnh xã hội đổi thay, nhưng thái độ và ý chí thống hối, canh tân trở về vẫn phải in khắc sâu đậm trong thâm tâm mỗi người. Mỗi người sẽ tự đưa ra cho mình một số những thực hành thống hối trong cuộc sống cụ thể để biểu lộ ý nghĩa và tinh thần của lễ nghi xức tro.
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20170228/9189

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Chương trình Mục vụ MÙA CHAY & PHỤC SINH 2017 tại Giáo xứ CẦU LỚN


Thư Mục Vụ Mùa Chay - Phục Sinh 2017

Ngày 20 tháng 02 năm 2017 
THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY  - PHỤC SINH 2017
***
Kính gửi quý linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh
cùng toàn thể anh chị em giáo dân trong Tổng giáo phận Sàigòn
1. Anh chị em rất thân mến, tất cả chúng ta đều là kẻ có tội trước mặt Thiên Chúa. Nếu Chúa chấp tội thì nào ai đứng vững được chăng, nhưng vì lòng từ bi thương xót mà Chúa rộng tình thứ tha. Điều kiện cần thiết là chúng ta phải biết ăn năn thống hối, biết hoán cải và tin tưởng vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Mùa Chay mở ra cho chúng ta một thời kỳ thống hối ăn năn, một mùa chiến đấu thiêng liêng với những cám dỗ của thần dữ và với bao cạm bẫy của thế gian, để vững bước trên hành trình thiêng liêng và tiến gần đến ơn cứu độ.
2. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Qua sứ điệp mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy lại hình ảnh Lazarô nằm trước cổng ông nhà giàu để mời gọi chúng ta mở cửa lòng mình cho lời Chúa và tha nhân, vì "lời Chúa là một hồng ân, và tha nhân cũng là một hồng ân". Gốc rễ mọi bất hạnh của ông nhà giàu là không chịu nghe lời Chúa qua "Môsê và các tiên tri". Mùa Chay cảnh giác chúng ta : đừng bao giờ để mình trở nên giống như ông phú hộ keo kiệt, vô cảm trước nhu cầu của người lân cận. "Mối tương quan thích đáng với mọi người là nhìn nhận giá trị của họ với lòng biết ơn". Văn hoá Việt Nam của chúng ta có câu ngạn ngữ "thương người như thể thương thân" thật phù hợp với Tin Mừng. Nguyện xin Chúa Giêsu giúp chúng ta biết đón nhận giới răn yêu thương của Ngài và nỗ lực đem ra thực hành.
3. Năm nay là năm dành cho mục vụ gia đình với chủ đề gợi ý của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam : "chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân gia đình". Chúng tôi mong muốn tất cả chúng ta cùng học tập và thực hành thật tốt chủ đề này trong thời gian mùa Chay và Phục Sinh. Gia đình cũng là một hồng ân Chúa ban, nhưng đôi khi chúng ta chưa biết trân trọng hay thậm chí còn đối xử với người thân trong gia đình như những "Lazarô" nằm trước cổng. Chúng ta hãy giúp cho các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân một cách hết sức chu đáo, kỹ càng, để tránh những đổ vỡ sau này. Các trường hợp ly dị và tái hôn ngày hôm nay khá phổ biến. Đây là điều khiến Giáo Hội rất đau lòng. Trong công tác mục vụ, các mục tử cần quan tâm giúp đỡ những người trong hoàn cảnh này : khuyến khích họ, mặc dù không được xưng tội rước lễ, vẫn có thể tham gia tích cực trong các hoạt động đạo đức và mục vụ, trừ việc trao Mình Thánh Chúa. Trường hợp những người sống với nhau như vợ chồng mà chưa có bí tích hôn phối, cần phải thúc giục họ tiến tới bí tích hôn phối và giúp họ sống đời sống hôn nhân gia đình theo ý Chúa muốn.
4. Mùa Chay là thời gian cho những người con hoang đàng trở về cùng Thiên Chúa, Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Giống như đứa con thứ trong Tin Mừng quyết chí trở về với người cha nhân ái, sau khi đã tiêu sạch gia tài mà cha chia cho mình và lâm cảnh đói khát, không còn nơi nương tựa. Thời gian đã mãn, Thiên Chúa muốn chúng ta quên đi quá khứ làm nô lệ tội lỗi và thần dữ, để hướng về tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy ra khỏi mồ với Chúa Giêsu để sống cho Thiên Chúa và chết cho Thiên Chúa. Đừng đào những cái giếng khô cạn không có nước, nhưng hãy tìm đến nguồn nước trong lành nơi Thiên Chúa là Nguồn Sự Sống đời đời cho con người. Ngọn lửa Tình Yêu của Thiên Chúa sẽ thiêu rụi mọi gai góc trong cuộc đời chúng ta, để cho mầm mống của Lời Chúa đâm chồi nảy lộc.
5. Mùa Chay mời gọi chúng ta hãy vững mạnh, hãy trung thành với Thiên Chúa đến cùng, hãy để cho Thiên Chúa dẫn dắt qua sa mạc của cuộc đời. Người là Đấng có cánh tay hùng mạnh. Người mở cho chúng ta con đường vượt qua biển đời đầy những sóng gió và bão táp. Chỉ một mình Thiên Chúa là nơi nương tựa, ngoài ra không còn nơi nương tựa nào khác, dù là nơi vua chúa quan quyền hay là nơi tiền tài danh vọng. Thiên Chúa sẽ dẫn dắt chúng ta đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đừng lo lắng, nhưng hãy hoàn toàn phó thác vào sự quan phòng của Chúa, vì Thiên Chúa không để cho chúng ta phải xa cách Người mãi mãi.
6. Mùa Chay cũng là mùa để chuẩn bị sống mầu nhiệm "Khổ Nạn Phục Sinh" của Chúa Giêsu. Vậy chúng tôi xin các mục tử hãy siêng năng chuẩn bị cho giáo dân biết suy niệm về mầu nhiệm "Khổ Nạn và Phục Sinh" của Chúa. Làm sao giúp cho giáo dân thấu hiểu được mầu nhiệm cao cả này. Làm sao dẫn đưa họ vào trong tình yêu của Chúa Giêsu, như Chúa đã mời gọi các môn đệ : "Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình yêu của Người" (Ga 15,9-10). Cần phải làm cho giáo dân hiểu được mầu nhiệm "Sự Chết và Sự Sống Lại" của Chúa Giêsu, để họ được thông phần vào và đón nhận ơn cứu rỗi, nhận lãnh "Thánh Thần để tha tội", nhất là hiểu biết và sống "Sự Sống Mới" trong Đấng Phục Sinh.
7. Ước gì mọi người tín hữu kitô trong đó có chúng ta, sau khi đã được dẫn đưa sâu vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu, sẵn sàng dấn thân loan báo Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trong cái chết và sự sống lại của Ngài. Giống như thánh Maria Mađalêna, như các thánh tông đồ, đặc biệt là hai thánh Phêrô và Phaolô ; chúng ta hãy đi ra các vùng ven theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, để gieo vãi hạt giống Tin Mừng. Hãy đưa Ánh Sáng Tin Mừng đến những nơi còn u tối, những nơi thực sự cần Ánh Sáng của Thiên Chúa, là chính Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Lúa chín đầy đồng trước mắt chúng ta, chúng ta hãy nhiệt tình phục vụ mùa màng của Thiên Chúa. Hãy tích cực truyền giáo và mạnh dạn thiết lập các giáo điểm tin mừng tại những vùng sâu vùng xa. Hãy để cho Chúa Thánh Thần đốt lên ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa và yêu mến các linh hồn trong lòng chúng ta.
Còn một điều nữa mà chúng tôi muốn nhắn nhủ riêng với anh em linh mục là hãy siêng năng ngồi toà giải tội, để các kitô hữu có nhiều cơ hội lãnh nhận ơn tha thứ và được chữa lành. Hãy tận tâm thi hành sứ vụ làm chứng cho "Lòng Thương Xót bao la vô bờ bến" của Thiên Chúa, biểu lộ nơi "Sự Chết và Sự Sống Lại" của Chúa Giêsu.
8. Để kết thúc lá thư mục vụ của người tôi tớ bất xứng của Thiên Chúa, với trách nhiệm mục tử Tổng Giáo Phận Sàigòn, một giáo phận rộng lớn có nhiều giáo dân và rất nhiều thách thức của xã hội hiện đại ngày nay, chúng tôi kêu gọi tất cả anh chị em, kẻ góp công người góp của, người khác nữa góp lời cầu nguyện cho việc trùng tu NHÀ THỜ CHÁNH TOÀ được thành công tốt đẹp. Chúng tôi cũng cầu chúc mọi thành phần Dân Chúa một Mùa Chay thật sốt sắng và một Lễ Phục Sinh thánh thiện vui tươi.
Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Allêluia ! Allêluia !
Xin Thiên Chúa chúc phúc cho mọi người, nhờ máu châu báu mà Chúa Giêsu đã đổ ra trên thập giá, và nhờ Thần Khí mà Chúa Phục Sinh ban cho tất cả mọi người chúng ta.
Mục tử của anh chị em,
 + Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám Mục
+ Giuse ĐỖ MẠNH HÙNG
Giám Mục Phụ Tá
(Đã ký và đóng dấu)
File gửi kèm: 

Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20170227/37873

Thông báo tuyển sinh của Học Viện Công Giáo Việt Nam cho năm học 2017–2018



HỌC VIỆN CÔNG GIÁO VIỆT NAM
––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
Email: hocvienconggiao@gmail.com - Tel.: 093 890 5015 - 096 725 7483
THÔNG BÁO TUYỂN SINH
VÀO CHƯƠNG TRÌNH CỬ NHÂN THẦN HỌC (S.T.B.) VÀ
CAO HỌC THẦN HỌC (S.T.L.)
2017–2018
Để chuẩn bị cho năm học 2017–2018, Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) sẽ mở cuộc thi tuyển sinh viên cho hai lớp:
– Năm I “Chương trình Cử Nhân Thần Học” (S.T.B.). Chương trình Cử Nhân Thần Học kéo dài năm năm, gồm hai năm triết học và ba năm thần học.
– Năm Chuẩn Bị “Chương trình Cao Học Thần Học” (S.T.L.). Chương trình Cao Học Thần Học có chuyên ngành thần học tín lý và thần học Thánh kinh, kéo dài hai năm, không kể Năm Chuẩn Bị.
Mọi thành phần Dân Chúa (linh mục, tu sĩ, giáo dân) đều có thể ghi danh tham dự cuộc thi tuyển.
1. Điều kiện ghi danh
a) Năm I “Chương trình Cử Nhân Thần Học”: Ứng sinh phải có Văn bằng Tú Tài (tốt nghiệp Chương trình Trung Học Phổ Thông, hoặc tương đương), Văn bằng Cử Nhân Đại Học (hoặc một văn bằng tương đương, được đấng bề trên bản quyền chứng thực).
b) Năm Chuẩn Bị “Chương trình Cao Học Thần Học”: Ứng sinh phải có Văn bằng Cử Nhân Thần Học (hoặc đã học hết Chương trình Triết Học và Thần Học tại một đại chủng viện hay học viện có chương trình tương đương).
2. Hồ sơ ghi danh
a) Giấy giới thiệu của đức giám mục giáo phận (linh mục, chủng sinh giáo phận, giáo dân) hay của vị bề trên dòng (tu sĩ), xác nhận đời sống nhân bản và Đức Tin xứng hợp theo ơn gọi và bậc sống. Nếu là hồ sơ của ứng sinh Năm Chuẩn Bị “Chương trình Cao Học Thần Học”, giấy giới thiệu cần cho biết chuyên ngành thần học ứng sinh sẽ theo học.
b) Thông tin cá nhân
– Ngày, tháng, năm sinh
– Nơi sinh
– Thuộc giáo phận hay dòng tu, giáo xứ
– Giấy chứng nhận Rửa Tội, Thêm Sức, Linh Mục, Tu Sĩ...
– Địa chỉ cư trú, địa chỉ liên lạc, địa chỉ điện thư (e-mail), số điện thoại.
c) Ứng sinh Năm I “Chương trình Cử Nhân Thần Học”: Văn bằng Tú Tài (tốt nghiệp Chương trình Trung Học Phổ Thông, hoặc tương đương), Văn bằng Cử Nhân Đại Học (hoặc một văn bằng tương đương, được đấng bề trên bản quyền chứng thực);
d) Ứng sinh Năm Chuẩn Bị “Chương trình Cao Học Thần Học”: Bảng điểm các môn học của chương trình học tại đại chủng viện hay học viện thần học. Văn bằng Cử Nhân Thần Học (S.T.B.), nếu có.
Toàn bộ hồ sơ có thể:
– Nộp tại văn phòng HVCGVN (lầu 5, số 72/12 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) từ Thứ Hai đến Thứ Sáu trong tuần lúc 7g30 - 10g.
– Hoặc gửi dưới dạng pdf qua địa chỉ điện thư của học viện: hocvienconggiao@gmail.com. Bản gốc các văn bằng, giấy chứng nhận sẽ trình Văn phòng Học Viện khi nhập học.
3. Thời gian nhận hồ sơ ghi danh
Từ ngày ra Thông báo (25-02-2017) đến hết ngày 12-5-2017. Sau khi xét duyệt hồ sơ, học viện sẽ gửi thư tới các ứng sinh đã ghi danh, cho biết có đủ điều kiện hay không để tham gia kỳ thi tuyển. Đồng thời, học viện cũng cho biết thời giờ và nơi chốn của cuộc thi.
4. Ngày tổ chức cuộc thi
Thứ Tư – Thứ Năm (07 & 08-6-2017)
5. Nội dung bài thi
a) Năm I “Chương trình Cử Nhân Thần Học”
– Khả năng Việt văn
– Kiến thức căn bản về Đức tin Công Giáo
– Khả năng Anh ngữ – trình độ IELTS 3.0 (cần đạt điểm chuẩn IELTS 3.0 trước khi bắt đầu Chương trình Cử Nhân Thần Học).
b) Năm Chuẩn Bị “Chương trình Cao Học Thần Học”
– Kiến thức tổng quát các môn triết học và thần học
– Kiến thức chuyên ngành tín lý hay Thánh kinh (tùy theo chuyên ngành dự kiến sẽ học)
– Khả năng Anh ngữ IELTS 5.5 (cần đạt điểm chuẩn IELTS 5.5 trước khi bắt đầu Chương trình Cao Học Thần Học; HVCGVN sẽ tạo thêm điều kiện rèn luyện cho các ứng sinh chưa đạt mức độ Anh ngữ nói trên).
Học viện sẽ gửi đến các ứng sinh ghi danh những chỉ dẫn chi tiết hơn về việc chuẩn bị cho Kỳ thi Tuyển Sinh Năm Học 2017–2018.
Ngày 25 tháng 02 năm 2017
Lm. Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng
Tổng Thư ký HVCGVN
 
Học Viện Công Giáo Việt Nam
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/thong-bao-tuyen-sinh-cua-hoc-vien-cong-giao-viet-nam-cho-nam-hoc-2017%E2%80%932018/8633.55.4.aspx

Chứng tá của cha Lee Tae-seok (Lý Thái Thạc) tại Nam Sudan


Seoul – Cuộc đời và chứng tá truyền giáo của cha Gioan Lee Tae-seok (Lý Thái Thạc), một Linh mục Công giáo gốc Nam hàn, sẽ được đưa vào sách giáo khoa của Nam Sudan và sẽ được xuất bản từ tháng 2 năm tới.



Cha Lee Tae-seok (Lý Thái Thạc) là nhà truyền giáo thuộc dòng Salêdiêng Don Bosco, đã phục vụ trợ giúp y khoa cho Nam Sudan cả thập niêm, cho đến khi cha qua đời vì ung thư vào năm 2010.


Deng Deng Hoc Yai, bộ trưởng Giáo dục của Nam Sudan, cho biết rằng cuộc đời của cha Lee Tae-seok sẽ được thuật lại trọn một trang trong sách về môn xã hội cho các trường tiểu học và hai trang trong sách giáo dục công dân cho các trường trung học. Đây là lần đầu tiên các sách giáo khoa của Nam Sudan có bài về lịch sử của một người ngoại quốc đã phục vụ tình nguyện tại nước này.

Trong cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng 1, bộ trưởng giáo dục của Nam Sudan khẳng định: “Chúng tôi hy vọng rằng, nhờ các sách giáo khoa mới này, các thế hệ mới sẽ nhận ra cuộc đời của cha Lee và hoạt động của cha. Tôi hy vọng rằng các học sinh của chúng tôi có thể học hỏi sự cống hiến và hy sinh của cha dành cho người nghèo và bệnh nhân.

Khi còn là một học sinh tiểu học, cha Lee Tae-seok đã giúp cho giáo xứ trong việc chiếu cuốn phim về cuộc đời cha Damiano, nhà truyền giáo người Bỉ và tông đồ của người cùi ở đảo Molokai. Vào lúc đó, cha cảm thấy ơn gọi của mình cách mãnh liệt và quyết định theo gương của cha Damiano.

Khi đã tốt nghiệp đại học y khoa tại Inge, Hàn quốc, cha Lee theo học thần học tại đại học Gwangjoo và đại học của dòng Salêdiêng ở Roma. Cha được thụ phong Linh mục năm 2001, và trong cùng năm này, khi nghe các anh em cùng dòng kể về châu Phi, cha đã quyết định đi đến châu lục này. Cha đã thi hành sứ vụ truyền giáo của mình với công việc của một nhà giáo dục và bác sĩ ở làng Tonj, tỉnh Warap, Nam Sudan. Là bác sĩ duy nhất trong vùng, cha Lee đã xây dựng một bệnh viện, nơi cha chữa trị tới 300 bệnh nhân mỗi ngày. Cha cung cấp thuốc men cho 80 làng lân cận làng Tonj và thành lập một học viện nơi cha dạy toán và âm nhạc cho các sinh viên.

Dù cho các cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo đã gây đổ máu ở Sudan và làm cho khoảng hai triệu người chết, cha Lee giúp xoa dịu đau khổ cho những ai cần sự giúp đỡ của cha. 

Hồng Thủy
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2017/02/24/ch%E1%BB%A9ng_t%C3%A1_c%E1%BB%A7a_cha_lee_tae-seok_(l%C3%BD_th%C3%A1i__th%E1%BA%A1c)_t%E1%BA%A1i_nam_sudan/1294725

***

XIN ĐỪNG KHÓC THƯƠNG TÔI SUDAN 

(DON'T CRY FOR ME SUDAN)
Phim tài liệu về linh mục Gioan Lee Tae Suk
do Hội truyền giáo Phanxicô Xaviê thực hiện


Trong năm Đức Tin, Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta hãy tham gia vào công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu cho mọi người qua chính đời sống chứng nhân của mình. Đó là một lời mời gọi đầy ý nghĩa và thiết thực nhất đểLời Chúa được rao truyền đến cho tất cả mọi người trên tòan thế giới. Trong tâm tình đó, chúng tôi muốn chia sẻ về đời sống chứng nhân Tin Mừng qua công việc truyền giáo của linh mục Gioan Lee Tae Suk tại Nam Sudan - Phi Châu (1962-2010). Tìm hiểu về cuộc đời truyền giáo của cha và những việc làm nhỏ bé nhưng chứa đựng tình yêu phi thường của cha để hiểu rõ hơn rằng: Chính Thiên Chúa- Nguồn sức mạnh của Đức Tin và Tình Yêu đã giúp cha sống trọn vẹn một cuộcđời chan chứa thương yêu, chia sẻ cho đến tận cùng và sẵn sàng từ bỏ tất cả để theo Chúa. Và cũng chính Đức Tin đã ban nguồn sức mạnh phi thường cho cha để cha đến và sống giữa những người dân nghèo, đau khổ tại Nam Sudan và trở thành một nguồn hy vọng, một ngọn lửa bừng sáng trong lòng những người dân tại Nam Sudan- Phi Châu. Cuộc đời của cha đẹp như những lòai hoa biết nói để tỏa hương sắc của Tình yêu đến cho tất cả mọi người chung quanh.

Cha Gioan Lee là linh mục dòng Salêriêng Don Bosco. Tốt nghiệp bác sĩ y khoa nhưng cha đã bỏ tất cả công danh sự nghiệp sau lưng, và cha đã đáp lại tiếng gọi mãnh liệt của Thiên Chúa để trở thành một linh mục truyền giáo trong dòng Salêriêng Don Bosco. Ngay sau khi được truyền chức linh mục tại Roma, cha đã tình nguyện đến truyền giáo tại miền Nam Sudan thuộc Phi Châu. Cha đã từ bỏ tất cả công danh, sự nghiệp của người bác sĩ để trở thành linh mục. Và hơn thế nữa, cha còn muốn trở thành người mục tử nhân lành sống giữa đoàn chiên nghèo khổ để chăn dắt họ. Vì thế nên cha đã tình nguyện đến sống tại một xứ sở nghèo đói nhất thế giới, giữa những người đói khổ và bệnh tật trong làng Tonj thuộc miền Nam Sudan- Phi Châu trong suốt 8 năm trước khi cha qua đời vị căn bệnh ung thư đại tràng. 

Cuốn phim tài liệu: "Don't Cry for Me Sudan" năm 2010 ("Đừng Khóc Thương Tôi - Sudan") đã chia sẻ về cuộc đời truyền giáo của linh mục Gioan Lee Tae Suk.

Cha Bề Trên Cả Dòng Don Bosco: Gặp gỡ gia đình Salêdiêng

WGPSG – “Sự tụ họp đông đảo mọi thành phần trong gia đình Salêdiêng đã nói lên sự hiệp nhất, vì chúng ta là một đại gia đình trong Giáo hội”.
Cha Bề Trên Cả dòng Don Bosco - linh mục Angel Fernandez Artime - đã nói như trên trong buổi gặp gỡ các nhóm thuộc gia đình Salêdiêng Don Bosco Việt Nam, diễn ra lúc 15g00 ngày 23.02.2017 tại trụ sở Tỉnh Dòng Don Bosco ở Xuân Hiệp, Thủ Đức.
Hiện diện trong buổi gặp gỡ, ngoài cha Bề Trẻ Cả, còn có cha Thư ký Horacio Adrian, cha Cố vấn vùng Đông Á Úc (EAO), cha Giám tỉnh Giuse Nguyễn Văn Quang, Ban Cố vấn Tỉnh dòng, các cha, các thầy trong cộng thể Thần học Philip Rinaldi Xuân Hiệp và trên 700 người thuộc các nhóm: Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ (FMA), Chí nguyện viên (VDB), Cựu học viên, Cộng tác viên, quý ông bà cố, quý ông bà các linh mục đang đi truyền giáo, quý ân nhân và đại diện các giáo xứ do Salêdiêng phụ trách...
Sau nghi thức chào đón thật sinh động, thay mặt các nhóm, hai vị đại diện đã trình bày với cha Bề Trên Cả đôi nét số lượng thành viên, tình hình sinh hoạt, sự liên đới với nhau trong đại gia đình Salêdiêng Don Bosco Việt Nam...
Đáp từ, ngài bày tỏ niềm vui khi thấy sự sống động của các nhóm, các cộng thể Salêdiêng Don Bosco tại Việt Nam. Theo ngài, đây là hồng ân Thiên Chúa ban cho gia đình Salêdiêng.
Gặp gỡ
Trong gần hai giờ, sau khi ghi nhận những thành quả, sự đóng góp nhiệt thành của các thành phần, các nhóm hiện diện, ngài đã chia sẻ với mọi người 3 yếu tố sau:
- Việc qui tụ đông đảo mọi thành phần trong gia đình Salêdiêng đã nói lên sự hiệp nhất, vì chúng ta là một đại gia đình trong Giáo hội để phục vụ Giáo hội và tha nhân, đặc biệt là giới trẻ. Chúng ta cần sự gặp gỡ, đối thoại và trao đổi với nhau không chỉ vì để gặp mặt cha Bề trên Cả, nhưng là tìm gặp sự hiện diện của Thánh Don Bosco, hầu đem tinh thần Salêdiêng đến với mọi người nơi mình đang sống và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Giêsu nơi thế giới hôm nay.
- Mỗi cộng thể, mỗi nhóm và mỗi thành viên hãy mạnh dạn “Ra đi”, hãy thoát ra khỏi chính mình để gặp gỡ người khác. Mỗi thành viên phải là nhà truyền thông liên đới mọi người và mọi nhà với nhau, thể hiện lòng thiện tâm, trao ban niềm tin cho người khác, sống đời sống chứng tá nơi đồng bào của anh chị em.
- Muốn vậy, anh chị em hãy lớn mạnh và củng cố căn tính Salêdiêng của nhóm của cộng thể và chính bản thân, để đủ sức mạnh mở rộng cánh cửa đón nhận mọi người, mọi thành phần Chúa gửi đến chúng ta.
Sau khi trả lời ngắn gọn và thỏa đáng các câu hỏi của tham dự viên, các nhóm đã chụp hình lưu niệm với cha Bề Trên Cả, nghỉ giải lao và chuẩn bị tham dự Thánh lễ lúc 17g00 cùng ngày.
DÒNG DON BOSCO VN: NGÀY GIA ĐÌNH SALÊDIÊNG
Thánh lễ
Thánh lễ trọng thể do cha Giám tỉnh Giuse chủ tế. Đồng tế với ngài có cha Bề Trên Cả, cha Thư ký Trung Ương Razio và hơn 50 linh mục.
Trong bài giảng, Cha Bề Trên Cả nhắn nhủ cộng đoàn phụng vụ: “Chúng ta hãy sống và thể hiện niềm vui khi là người Kitô hữu... đem niềm tin vào cuộc sống và sống chứng nhân tinh thần Salêdiêng, hầu làm chứng cho đời sống đức tin trên quê hương Việt Nam”.
Sau lời nguyện hiệp lễ, thay mặt gia đình Salêdiêng miền Nam, cha Giám tỉnh Giuse ngỏ lời cảm ơn Cha Bề Cả đã đến thăm gia đình Salêdiêng Việt Nam và ban những huấn giáo thật cụ thể.
Nối tiếp, vị đại diện các nhóm đã bày tỏ tâm tình tri ân đến cha Bề Trên Cả, cha Thư ký đã có những sự động viên và định hướng sinh hoạt cho các thành phần, các nhóm trong đại gia đình Salêdiêng Don Bosco Việt Nam.
Đáp từ, cha Bề Trên Cả nhắc nhở: “Đời sống đức tin Việt Nam trong tương lai phụ thuộc vào đời sống của anh chị em hôm nay. Vì thế, rất mong anh chị em hãy noi gương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, sống và làm chứng nhân Tin Mừng của Chúa giữa mọi người chúng ta gặp gỡ”.
Thánh lễ kết thúc lúc 18g30. Quý cha và các thành viên cùng hàn huyên tâm sự trong bữa cơm gia đình tại hội trường giáo xứ Xuân Hiệp.
Bài: Hoa Tâm & Ảnh: Văn Chiến
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20170224/37912

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Tin Mừng Chúa nhật VIII thường niên - Năm A


PHÚC ÂM: Mt 6, 24-34
"Các con chớ áy náy về ngày mai".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được. Vì thế Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin. Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy".

Nguồn: http://www.kinhthanhvn.net/26-02-chua-nhat-8-thuong-nien-a/

Giáo sư Mathijs Laberights, Trưởng khoa Thần Học và Nghiên Cứu Tôn Giáo thuộc Đại học KU Leuven - Vương quốc Bỉ, thăm Học viện Công Giáo Việt Nam




HỌC VIỆN CÔNG GIÁO VIỆT NAM – Sáng ngày 21/2/2017, Giáo sư Mathijs Laberights, Trưởng khoa Thần học và Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Đại học Công giáo Leuven - Katholieke Universiteit Leuven (KU Leuven), Vương Quốc Bỉ, đã đến thăm Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN). Tiếp đón ngài có Đức cha Viện trưởng Giuse Đinh Đức Đạo, Linh mục Louis Nguyễn Anh Tuấn, Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, thành viên Hội đồng Điều hành HVCGVN; Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng, Tổng Thư ký HVCGVN; Linh mục Phaolô Vũ Chí Hỷ, Giáo sư Tín lý; Soeur Maria Nguyễn Thị Tường Oanh, Giáo sư Tín Lý; Soeur Valerie Patricia, Giáo sư Anh ngữ; Ban Thư ký gồm Soeur Maria Trịnh Thị Hồng Sáng và Soeur Maria Hoàng Thị Minh Trí.

Giáo sư Mathijs Laberights có buổi gặp gỡ với các sinh viên Cao học Thần học của Học viện. Vị trưởng khoa hy vọng trong tương lai HVCGVN sẽ đạt tới tầm vóc quốc tế trong việc trao đổi chuyên môn cũng như chia sẻ những tư tưởng thần học với các nước khác. Ông tin rằng trong tương lai, nền Thần học Việt nam sẽ phát triển, đóng góp những tư tưởng và nghiên cứu về Thần học cho thế giới. Giáo sư nhấn mạnh đến việc làm sao để các tư tưởng Thần học Việt Nam có thể đến với nhiều độc giả quốc tế. Điều nên quan tâm là việc chuyển dịch các nghiên cứu Thần học tại Việt Nam sang ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Giáo sư Trưởng khoa khuyến khích các sinh viên nên đào sâu chuyên môn và trau dồi ngoại ngữ, cụ thể là Anh ngữ.

Đại học KU Leuven được thành lập từ năm 1425 và Khoa Thần học và Nghiên cứu Tôn giáo được xem là một trong những Phân khoa Thần học lâu đời nhất trên thế giới. Đại học KU Leuven hiện đang hỗ trợ cho HVCGVN nguồn tài liệu, nhất là sách thần học, để sinh viên tham khảo và nghiên cứu.



Sr. Hồng Sáng
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/giao-su-mathijs-laberights-truong-khoa-than-hoc-va-nghien-cuu-ton-giao-thuoc-dai-hoc-ku-leuven-vuong-quoc-bi-tham-hoc-vien-cong-giao-viet-nam/8623.63.8.aspx