Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

Họp báo công bố sứ điệp Mùa Chay 2019

Mùa Chay

Sáng 26/2, phòng báo chí Toà Thánh đã có cuộc họp báo để công bố sứ điệp Mùa Chay 2019 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Chủ đề của sứ điệp năm nay lấy từ thư của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Roma: “Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.” (Rm 8,19).

Hiện diện trong buổi họp báo có Đức Hồng y Peter Turkson, Bộ trưởng bộ Phát triển Con người Toàn diện, và các phụ tá.


Phát biểu trong buổi họp báo, Đức hồng y Turkson nói: con người không phải là trung tâm tự quy chiếu của thụ tạo. Với đặc tính của mình là hình ảnh của Thiên Chúa và trong thần khí của Thiên Chúa, con người là một phần tương liên và tương thuộc trong thế giới được tạo dựng. Đây là ý nghĩa của sứ điệp Mùa Chay năm nay. Công trình cứu độ và giải phóng nhân loại khỏi sự dữ và tội lỗi diễn tả công trình cứu độ của tất cả tạo vật khỏi sự dữ do tội lỗi con người gây ra.

Nội dung sứ điệp Mùa Chay năm nay gồm 3 điểm: trước tiên là mầu nhiệm cứu độ đã hoạt động trong đời sống dương thế của chúng ta, và mầu nhiệm này cũng chính là sự năng động chi phối lịch sử và toàn thể tạo thành. Như là những người con của Chúa, chúng ta cộng tác với mọi thụ tạo trong công trình cứu độ. Vì muôn loài ngóng trông ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.

Điểm thứ hai là sức mạnh phá huỷ của tội. Tội là cho chúng ta cắt đứt tương quan với Thiên Chúa, với người khác và với mọi thụ tạo. Tội làm cho người ta xem chính mình là chúa của muôn loài, là chủ của vạn vật. Do đó dẫn đến việc khai thác kiệt quệ mọi thụ tạo, bao gồm cả con người lẫn môi trường.

Điểm thứ ba là sức mạnh chữa lành của sự thống hối và tha thứ. Con đường đi đến Phục Sinh đòi chúng ta phải đổi mới khuôn mặt và trái tim ngang qua sự ăn năn, hoán cải và ơn tha thứ. Và điều này được diễn tả cụ thể qua ba thực hành truyền thống trong Mùa Chay: ăn chay, cầu nguyện và bố thí.

Diễn văn của ĐTC kết thúc cuộc gặp gỡ bảo vệ trẻ em

ĐTC đọc diễn văn kết thúc khóa họp bảo vệ trẻ em trong Giáo hội

Trong diễn văn kết thúc cuộc gặp gỡ các vị Chủ tịch HĐGM thế giới về việc bảo vệ trẻ em, ĐTC đã đề ra một loạt các biện pháp cụ thể cần thực hiện để bài trừ nạn lạm dụng tính dục và tiến tới một Giáo Hội được thanh tẩy.

Sáng chúa nhật 24-2-2019, ĐTC đã chủ sự thánh lễ đồng tế bế mạc cuộc gặp gỡ tại Hội trường Regia rồi ngài cũng với các tham dự viên trở lại Hội trường Thượng HĐGM nơi diễn ra khóa họp và tại đây ĐTC đã đọc diễn văn bế mạc.

Lạm dụng, hiện tượng lan tràn trong xã hội

Mở đầu, ĐTC ghi nhận nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên là một hiện tượng từ lâu trong lịch sử xã hội lan tràn trong tất cả các nền văn hóa và xã hội. Nhưng chỉ trong thời gian tương đối gần đây, nó mới trở thành đối tượng nghiên cứu có hệ thống nhờ có thay đổi trong sự nhạy cảm của dư luận quần chúng về một vấn đề, trong quá khứ, vốn bị coi như một điều cấm kỵ, nghĩa là tất cả đều biết về sự hiện diện của nó nhưng không ai nói tới...

ĐTC nhận xét rằng ngày nay các con số thống kê về những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên do các tổ chức và cơ quan quốc gia và quốc tế công bố, trong đó có Tổ chức Sức khỏe thế giới OMS, tổ chức Nhi đồng quốc tế Unicef, Cảnh sát quốc tế Interpol, cảnh sát Âu Châu Europol, không trình bày thực trạng của hiện tượng, và thường thường những con số được trình bày tương đối thấp hơn so với thực tại, lý do chính yếu vì nhiều vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên không được tố cáo, đặc biệt là rất nhiều vụ lạm dụng xảy ra trong môi trường gia đình.

Thực vậy ít khi các nạn nhân thổ lộ và tìm kiếm sự giúp đỡ. Đàng sau thái độ do dự không tố giác như thế, có sự xấu hổ, hoang mang, sợ bị trả thù, mặc cảm tội lỗi, không tín nhiệm nơi các tổ chức cơ chế, bị ảnh hưởng vì văn hóa xã hội và cả sự phản thông tin về những dịch vụ và những cơ cấu có thể giúp đỡ.. Điều chắc chắn duy nhất là hàng triệu trẻ em trên thế giới là những nạn nhân bị bóc lột và lạm dụng tính dục.

Con số của tổ chức Sức Khỏe Thế giới và Unicef

Theo ước lượng của tổ chức Sức khỏe thế giới công bố hồi năm 2017, có tới 1 tỷ trẻ vị thành niên từ 2 đến 17 tuổi đã bị bạo hành hoặc không được săn sóc về thể lý, cảm xúc và tính dục. Theo tổ chức nhi đồng thế giới hồi năm 2014, những vụ lạm dụng tính dục, từ những vụ sờ mó cho đến những vụ hãm hiếp, xảy ra cho hơn 120 triệu trẻ nữ. Năm 2017, Tổ chức này cho biết tại 38 nước trên thế giới có lợi tức thấp và trung bình, gần 17 triệu đàn bà đã nhìn nhận là đã bị cưỡng bách có quan hệ tính dục trong thời thơ ấu.

ĐTC nhận xét rằng sự thật đầu tiên từ những dữ kiện nói trên là những người phạm những hành động lạm dụng, tức là những hành vi bạo hành về thể lý, tính dục hoặc cảm xúc, phần lớn là các cha mẹ, thân nhân, chồng của những người vợ trẻ em, những nhà huấn luyện và giáo chức. Ngoài ra, theo các con số của tổ chức Nhi đồng quốc tế hồi năm 2017 về tình trạng tại 28 nước trên thế giới, cứ 10 trẻ nữ bị bó buộc phải có quan hệ tình dục, thì 9 em là nạn nhân của một người quen thuộc hoặc thân cận với gia đình em.

Thống kê tại Âu Mỹ

Theo thống kê chính thức của chính phủ Mỹ, tại Hoa Kỳ mỗi năm có hơn 700 ngàn trẻ em bị bạo hành và ngược đãi, 1 phần 10 các em bị lạm dụng tính dục. Tại Âu Châu có 18 triệu trẻ em nạn nhân các vụ lạm dụng tính dục. Tại Italia, theo phúc trình của tổ chức ”Điện thoại xanh” - Telefono Azzuro - hồi năm 2016, 68,9% những vụ lạm dụng trẻ vị thành niên xảy ra trong 4 bức tường gia đình.

Ảnh hưởng của Internet

Từ những nghiên cứu được thực hiện trong những năm gần đây về hiện tượng lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, người ta cũng thấy rằng sự phát triển các mạng Internet và các phương tiện truyền thông đã góp phần làm gia tăng đáng kể những vụ lạm dụng và bạo hành trực tuyến. Sự phổ biến dâm ô đang lan tràn mau lẹ trên thế giới qua mạng...

Du lịch tình dục

Một tệ nạn khác là nạn du lịch tình dục. Theo con số của tổ chức thế giới về du lịch, mỗi năm trên thế giới có 3 triệu người du hành để có những quan hệ tính dục với các trẻ vị thành niên. Một điều đáng để ý là tác giả các tội ác ấy, trong phần lớn các trường hợp, không biết rằng điều họ làm là một tội ác.

Nạn lạm dụng trẻ em trong Giáo Hội

Từ hiện tượng lạm dụng chung trong xã hội, ĐTC đề cập đến nạn lạm dụng tính dục trẻ em trong Giáo Hội và ngài khẳng định rằng:

Sự kiện tai ương lạm dụng lan tràn các nơi trên thế giới chứng tỏ tính chất trầm trọng của chúng trong các xã hội chúng ta, nhưng không giảm bớt sự kinh khủng của chúng giữa lòng Giáo Hội.

Sự vô nhân đạo của hiện tượng này trên bình diện thế giới càng trở nên trầm trọng và gây gương mù gương xấu nhiều hơn trong Giáo Hội, vì nó đi ngược với uy tín luân lý và sự đáng tín nhiệm của Giáo Hội về mặt luân lý đạo đức. Người thánh hiến, được Thiên Chúa chọn để hướng dẫn các linh hồn đến ơn cứu độ, lại để cho mình bị đè bẹp vì tính yếu đuối xác thịt và vì bệnh tật của mình, trở thành dụng cụ của ma quỉ. Trong những vụ lạm dụng, chúng ta thấy có bàn tay của sự ác, không buông tha cả sự ngây thơ trong trắng của các trẻ em. Không có những giải thích đủ về những lạm dụng ấy đối với các trẻ em. Chúng ta phải cùng nhau can đảm nhìn nhận rằng chúng ta đứng trước mầu nhiệm sự ác, nó quyết liệt chống lại những người yếu thế nhất vì họ là hình ảnh của Chúa Giêsu. Chính vì thế trong Giáo Hội hiện có sự gia tăng ý thức về nghĩa vụ không những phải ngăn chặn những lạm dụng rất trầm trọng bằng những biện pháp kỷ luật, và những vụ xét xử theo luật dân sự và giáo luật, nhưng còn phải quyết liệt đương đầu với hiện tượng ấy trong và ngoài Giáo Hội. Giáo Hội cảm thấy được kêu gọi bài trừ sự ác này, nó có liên hệ tới trọng tâm sứ mạng của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng cho những người bé nhỏ và bảo vệ họ chống lại những con chó sói háu ăn.

Một vụ mà thôi thì cũng là quá nhiều!

ĐTC nhấn mạnh rằng ”Ở đây tôi muốn tái khẳng định rõ ràng: Trong Giáo Hội nếu chỉ có một vụ lạm dụng mà thôi, thì tự nó đã là một điều khủng khiếp rồi, và trường hợp này phải được đối phó với tất cả sự nghiêm túc”. Thực vậy, trong sự phẫn nộ hữu lý của dân chúng về những vụ này, Giáo Hội thấy đó là phản ánh sự thịnh nộ của Thiên Chúa, Chúa bị phản bội và lăng mạ vì những người thánh hiến bất lương ấy.” [...]

Bàn tay của ác thần

ĐTC xác tín tất cả những vụ lạm dụng trẻ em, dưới nhiều hình thức khác nhau, là một sự biểu lộ hiện nay của ác thần. Ngài nói:

”Anh chị em thân mến, ngày hôm nay chúng ta đang đứng trước một sự biểu lộ của sự ác, vô liêm xỉ, gây hấn và tàn phá. Đằng sau và bên trong hiện tượng này có ác thần, trong sự tự kiêu và cao ngạo, hắn cảm thấy mình là chủ tể của trần thế và nghĩ là đã chiến thắng. Tôi muốn nói với anh chị em điều này với uy tín của một người anh, một người cha, chắc hẳn là bé nhỏ, nhưng cũng là mục tử của Giáo Hội chủ trì trong tình bác ái: trong những trường hợp đau thương này tôi thấy bàn tay của ác thần, hắn không dung tha cả sự thây ngơ của các trẻ em. Và điều này làm cho tôi nghĩ đến Hêrôđê, kẻ sợ bị mất quyền bính, nên đã truyền tàn sát tất cả các trẻ em ở Bethlehem.

Và như thế, chúng ta phải dùng tất cả các biện pháp thực hành mà lương tri, các khoa học và xã hội cung cấp cho chúng ta, chúng ta không được bỏ qua không nhìn thực tại này và dùng những phương thế tinh thần mà chính Chúa đã dạy chúng ta: đó là hạ mình, thú tội, cầu nguyện và thống hối. Đó là cách thức duy nhất để chiến thắng ác thần, như Chúa Giêsu đã chiến thắng hắn.

Đối tượng Giáo Hội nhắm tới

Vì thế, đối tượng của Giáo Hội là lắng nghe, gìn giữ, bảo vệ, và chăm sóc các trẻ em bị lạm dụng, khai thác, và lãng quên, dù các em ở đâu. Để đạt tới mục tiêu ấy, Giáo Hội phải vượt lên trên tất cả những tranh luận về ý thức hệ và chính sách báo chí thường lạm dụng các thảm trạng của các trẻ em để mưu những lợi lộc khác nhau.

Bởi vậy, nay đã đến lúc cùng nhau cộng tác để nhổ bỏ sự tàn bạo ấy ra khỏi thân mình nhân loại chúng ta, chấp nhận tất cả những biện pháp cần thiết hiện hành trên bình diện quốc tế và trên bình diện Giáo Hội. Đã đến lúc tìm ra một sự quân bình đúng đắn của tất cả các giá trị liên hệ và đề ra những chỉ thị đồng nhất cho Giáo Hội, tránh hai thái cực: một là thái độ duy công lý (giustizialismo) do mặc cảm tội lỗi vì những sai lầm quá khứ và vì sức ép của giới truyền thông, và hai là thái độ tự vệ, không giải quyết tận căn và những hậu quả của những tội ác trầm trọng này.

Các biện pháp thực hành ĐTC đề nghị

Tiếp tục bài diễn văn dài để kết thúc cuộc gặp gỡ các vị Chủ tịch HĐGM trên thế giới về việc bảo vệ trẻ em trong Giáo Hội, ĐTC trình bày những biện pháp thực hành và khẳng định rằng:

”Trong bối cảnh đó, tôi muốn nói đến những phương thức thực hành tốt nhất (Best Practices), do một nhóm 10 cơ quan quốc tế đề ra dưới sự hướng dẫn của tổ chức Sức khoẻ thế giới và họ đã phê chuẩn một loạt các biện pháp gọi là INSPIRE, nghĩa là 7 chiến lược để chấm dứt nạn bạo hành chống các trẻ em.

Khi dùng các đường hướng chỉ đạo này, trong hành trình lập pháp, và cũng như hoạt động trong những năm qua của Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên, và sự đóng góp của cuộc gặp gỡ này, Giáo Hội sẽ tập trung vào những chiều kích sau đây:

Thứ 1. Bảo vệ trẻ em:

Mục tiêu thứ nhất của bất kỳ biện pháp nào là bảo vệ các trẻ nhỏ và ngăn cản để các em không trở thành nạn nhân của bất kỳ sự lạm dụng nào về tâm lý và thể lý. Vì thế cần thay đổi não trạng để bài trừ thái độ tự vệ phản ứng bảo tồn cơ chế, và thay vào đó là một sự chân thành quyết liệt tìm kiếm thiện ích của cộng đoàn, dành ưu tiên cho các nạn nhân bị lạm dụng theo mọi nghĩa. Trước mắt chúng ta phải là những khuôn mặt vô tội của các trẻ em, nhắc nhớ lời Chúa dạy: ”Ai gây gương mù cho một trong những trẻ nhỏ này tin tưởng nơi Thầy, thì chẳng thà cột cối đá vào cổ hắn mà quăng xuống biển thì hơn. Khốn cho thế gian vì những gương xấu! Không thể tránh có gương xấu, nhưng khốn cho kẻ vì hắn mà gương xấu xảy ra!” (Mt 18,6-7)

Thứ 2. Hoàn toàn nghiêm túc:

Ở đây tôi muốn lập lại rằng ”Giáo Hội sẽ không nề quản điều gì mà không thi hành những điều cần thiết để giao nộp cho công lý bất kỳ kẻ nào đã phạm những tội ác ấy. Giáo Hội sẽ không bao giờ tìm cách ém nhẹm hoặc coi nhẹ một vụ nào” (Dv với giáo triều 21-12-2018). Theo xác tín của Giáo Hội, ”những tội lỗi (peccati) và tội ác (crimini) của những người thánh hiến có thêm màu đen tối bất trung, tủi hổ và làm biến dạng khuôn mặt của Giáo Hội, làm thương tổn uy tín của Hội Thánh. Thực vậy, cùng với các tín hữu của mình, Giáo Hội cũng là nạn nhân sự sự bất trung và của những tội phạm thực sự ấy” (ibid.

Thứ 3. Một sự thanh tẩy thực sự.

Mặc dù có những biện pháp đã được đề ra và có những tiến bộ trong việc phòng ngừa những vụ lạm dụng, cần nhấn mạnh một quyết tâm mới mẻ và trường kỳ của các mục tử nỗ lực sống thánh thiện, dân Chúa có quyền đòi các vị phải trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành. Vì thế, cần tái khẳng định ”ý chí cương quyết hết sức theo đuổi con đường thanh tẩy, tự hỏi làm cách nào để bảo vệ các trẻ em; làm thế nào tránh những thảm họa như thế, làm sao chăm sóc chữa trị và phục hồi các nạn nhân, và làm thế nào cũng cố việc đào tạo trong các chủng viện [...].

Cần tìm cách biến đổi những sai lầm đã phạm thành cơ hội để loại trừ tai ương này không những khỏi thân mình của Giáo Hội nhưng còn ra khỏi thân mình của xã hội nữa” (ibid). Sự kính sợ Chúa đưa chúng ta đến chỗ tự cáo mình - trong tư cách là cá nhân và như tổ chức - và sửa chữa những thiếu sót của chúng ta. Tự cáo: đó là một sự khởi đầu khôn ngoan, gắn liền với sự kính sợ Chúa. Học tự cáo, trong tư cách là cá nhân, như tổ chức và như xã hội. Trong thực tế, chúng ta không được rơi vào cạm bẫy cáo buộc người khác, vì đó là một bước tiến tới chứng cớ ngoại phạm (alibi) tách biệt chúng ta với thực tại.

Thứ 4. Huấn luyện: hay những đòi hỏi trong việc tuyển chọn và huấn luyện các ứng sinh lên chức linh mục với các tiêu chuẩn không những có tính chất tiêu cực, chỉ lo loại bỏ những người có vấn đề, nhưng cả những tiêu chuẩn tích cực bằng cách cống hiến một hành trình huấn luyện quân bình cho các ứng sinh thích hợp, hướng tới sự thánh thiện và bao gồm cả nhân đức khiết tịnh.

Thánh Phaolô 6 đã viết trong Thông điệp ”Độc thân linh mục” (Sacerdotalis caelibatus) rằng: ”Một cuộc sống hoàn toàn và tận tụy dấn thân trong nội tâm và bên ngoài như thế, như cuộc sống của linh mục độc thân, loại bỏ những người thiếu quân bình về tâm lý, vật lý và luân lý, và không thể chủ trương rằng ơn thánh bù đắp thiên nhiên về vấn đề này” (n.64)

Thứ 5. Củng cố và kiểm chứng những đường hướng chỉ đạo của các HĐGM:

Nghĩa là tái khẳng định cần có sự hiệp nhất của các GM trong việc áp dụng những khuôn mẫu có giá trị qui luật chứ không phải chỉ là hướng dẫn mà thôi. Không được che đậy một vụ lạm dụng nào (như thói quen trong quá khứ) và hoặc coi nhẹ nó, xét vì sự che đậy các lạm dụng làm cho sự ác này lan rộng và gia tăng thêm mức độ gương xấu. Đặc biệt khai triển một lối tiếp cận mới hữu hiệu để phòng ngừa trong tất cả các tổ chức và các môi trường hoạt động của Giáo Hội.

Thứ 6. Đồng hành với những người bị lạm dụng:

Bất hạnh mà họ đã trải qua để lại nơi họ những vết thương không thể xóa bỏ, chúng biểu lộ cả trong những oán hận và xu hướng tự hủy diệt. Vì thế Giáo Hội có nghĩa vụ phải cống hiến cho họ tất cả sự nâng đỡ cần thiết, dùng các chuyên gia trong lãnh vực này. Lắng nghe - xin cho tôi dùng từ này: ”mất thời giờ” trong việc lắng nghe. Lắng nghe chữa lành người bị thương, và chữa lành cả bản thân chúng ta khỏi sự ích kỷ, thái độ xa cách, tránh thái độ nói rằng ”điều ấy chẳng liên hệ đến tôi”, thái độ của tư tế và thày Lêvi trong dụ ngôn Người Samaritano nhân lành.

Thứ 7. Thế giới kỹ thuật số:

Việc bảo vệ trẻ vị thành niên phải để ý đến những hình thức mới lạm dụng tính dục và những lạm dụng thuộc mọi loại đe dọa các em trong các môi trường các em sinh sống và qua những phương tiện mới các em sử dụng. Các chủng sinh, linh mục, tu sĩ nam nữ, các nhân viên mục vụ và tất cả mọi người phải ý thức rằng thế giới kỹ thuật số và việc sử dụng các phương tiện này thường ảnh hưởng sâu đậm hơn mức độ chúng ta tưởng. Ở đây cần khuyến khích các nước và các nhà cầm quyền áp dụng tất cả những biện pháp cần thiết để giới hạn những trang mạng (web) đe dọa phẩm giá người nam, người nữ, và đặc biệt là các trẻ vị thành niên: tội ác không được hưởng tự do.

Tuyệt đối cần hết sức quyết liệt chống lại những tội ác kinh tởm ấy, canh chừng và chiến đấu để sự phát triển các trẻ em không bị xáo trộn hoặc đảo lộn vì tự do đi vào những trang mạng dâm ô, chúng để lại những dấu hiệu tiêu cực sâu đậm trong tâm trí các em. Cần dấn thân để người trẻ nam nữ, đặc biệt các chủng sinh và giáo sĩ, không trở thành nô lệ những nghiện ngập dựa trên sự bóc lột và tội lạm dụng những trẻ vô tội và các hình ảnh các em, sự coi rẻ phẩm giá phụ nữ và nhân vị. Ở đây cần nêu rõ những qui luật mới ”về những tội ác nặng nhất” do ĐGH Biển Đức 16 ban hành hồi năm 2010, trong đó có thêm thứ tội ác mới là ”thủ đắc, lưu giữ hoặc phổ biến” do một thành phần giáo sĩ, ”bằng bất cứ cách nào và bằng bất kỳ phương thế nào, những hình ảnh dâm ô trẻ em”. Hồi đó, có nói về ”những trẻ vị thành niên 14 tuổi”, giờ đây chúng tôi nghĩ phải nâng giới hạn tuổi này để mở rộng việc bảo vệ các trẻ vị thành niên và nhấn mạnh tính chất trầm trọng của những sự kiện này.

Thứ 8. Du lịch tình dục:

Thái độ, cái nhìn, tâm hồn các môn đệ và những người phụng sự Chúa Giêsu phải biết nhận ra hình ảnh Thiên Chúa trong một con người thụ tạo, bắt đầu từ những người vô tội nhất. Chỉ khi kín múc từ sự quyết liệt tôn trọng phẩm giá người khác chúng ta mới có thể bảo vệ họ chống lại sự xâm nhập mạnh mẽ của bạo lực, bóc lột, lạm dụng, hư hỏng, và phục vụ họ một cách đáng tín nhiệm trong sự tăng trưởng toàn diện về mặt nhân bản và tinh thần, trong cuộc gặp gỡ với tha nhân và với Thiên Chúa.

Để bài trừ nạn du lịch tình dục, cần có sự trừng phạt về tư pháp, nhưng cũng cần sự nâng đỡ và những dự án hội nhập các nạn nhân của hiện tượng tội ác này. Các cộng đồng Giáo Hội được kêu gọi tăng cường việc mục vụ cho những người bị khai thác bóc lột trong ngành du lịch tình dục. Trong số những người ấy, dễ bị tổn thương và cần được trợ giúp hơn cả chắc chắn là các phụ nữ, các trẻ vị thành niên và trẻ em; nhưng những người này cần được bảo vệ và quan tâm đặc biệt. Các chính quyền hãy dành ưu tiên và cấp thiết hành động để bài trừ nạn buôn bán và khai thác các trẻ em về mặt kinh tế. Trong mục đích ấy, cần có sự phối hợp các cố gắng trên mọi cấp độ của xã hội và cộng tác chặt chẽ với cả những tổ chức quốc tế để thực hiện một khuôn khổ pháp lý bảo vệ các trẻ em chống nạn khai thác tình dục trong ngành du lịch và giúp truy tố về pháp lý những kẻ phạm pháp.

Cám ơn các linh mục tu sĩ trung thành

Và ĐTC nói thêm rằng: Xin cho phép tôi nồng nhiệt cám ơn tất cả các linh mục và tu sĩ đang trung thành và tận tụy phụng sự Chúa và họ cảm thấy bị mất danh dự, bị mất uy tín vì những lối cư xử ô nhục của một vài anh chị em đồng nghiệp của họ. Tất cả mọi người - Giáo Hội, những người thánh hiến, Dân Chúa và thậm chí cả chính Thiên Chúa - cũng chịu hậu quả do sự bất trung của những người ấy. Nhân danh toàn thể Giáo Hội, tôi cám ơn đại đa số các linh mục không những trung thành với bậc độc thân của mình, nhưng còn xả thân trong một sứ vụ ngày nay càng trở nên khó khăn vì gương xấu của một thiểu số (nhưng vẫn luôn là quá nhiều) do những anh em đồng hàng của họ. Và tôi cũng cám ơn cả các tín hữu biết rõ các mục tử tốt lành của mình và tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ các vị.

Tận dụng cơ hội để thanh tẩy

Sau cùng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của nghĩa vụ phải biến sự ác này thành cơ hội thanh tẩy. Chúng ta hãy nhìn thánh nữ Edith Stein - Thánh Têrêsa Benedetta Thánh Giá, với xác tín chắc chắn rằng ”trong đêm đen tối nhất sẽ nảy sinh những ngôn sứ và thánh nhân lớn nhất. Nhưng nguồn sinh lực của cuộc sống huyền nhiệm vẫn vô hình. Chắc chắn những biến cố quyết liệt của lịch sử thế giới đã chịu ảnh hưởng thiết yếu của những tâm hồn không được nói đến trong các sách sử. Và đó là những linh hồn mà chúng ta phải cám ơn vì những biến cố quyết định trong đời sống bản thân chúng ta, và đó là điều mà chúng ta chỉ biết trong ngày mà tất cả những gì kín đáo sẽ được tỏ lộ”.

Dân Thánh trung thành của Thiên Chúa, trong âm thầm thường nhật, trong nhiều hình thức và cách thế tiếp tục làm cho trở nên hữu hình và làm chứng qua niềm hy vọng kiên trì rằng Chúa không bỏ rơi, Ngài nâng đỡ sự tận tụy kiên trì, và trong bao nhiêu hoàn cảnh, Chúa chịu đau khổ vì các con cái của Ngài. Dân trung thành, thánh thiện và kiên nhẫn của Thiên Chúa, được Thánh Linh nâng đỡ và làm cho sinh động, chính là khuôn mặt đẹp nhất của Giáo Hội ngôn sứ biết đặt Chúa ở trung tâm qua sự hiến thân hằng ngày. Chính dân thánh này của Thiên Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi tai ương giáo sĩ trị, là thửa đất màu mỡ cho tất cả những tội ác nói trên đây.

Kết quả tốt nhất và quyết tâm hữu hiệu nhất mà chúng ta có thể mang lại cho các nạn nhân, cho dân của Mẹ Giáo Hội Thánh Thiện và cho toàn thế giới chính là quyết tâm hoán cải bản thân và cộng đồng, khiêm tốn học hỏi, lắng nghe, trợ giúp và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.

Kêu gọi chính quyền và mọi người

”Tôi tha thiết kêu gọi tất cả các chính quyền và mỗi người hãy chiến đấu toàn diện chống lại nạn lạm dụng trẻ vị thành niên, trong lãnh vực tính dục cũng như trong các lãnh vực khác, vì đây là những tội ác kinh tởm cần phải xóa bỏ khỏi mặt đất: đó là điều mà bao nhiêu nạn nhân thầm kín trong các gia đình và trong các lãnh vực khác của các xã hội chúng ta đang yêu cầu.”

Phương cách tốt nhất để một em bé biết lo công việc của mình


fr.aleteia.org, 2019-02-24

Lòng biết ơn, tinh thần trách nhiệm và đức bác ái là ba lý do tốt để dạy cho một em bé biết lo công việc của mình. Thách thức: khơi dậy cho đứa bé thích được tôn trọng thay vì ham chiếm giữ.

Một buổi sáng, bé Kerem vội vã chạy đến khoe với tôi chiếc cặp mới. Trên chiếc cặp là hình hai chiếc xe, bé Kerem cho biết đây là giấc mơ từ nhiều tháng nay của em và là “món quà đẹp nhất đời của em!” Tôi đồng ý với em. Buổi chiều, bé Carmen xin tôi cho biết khi nào em được mặc bộ đồng phục mới. Em nói em đã chờ quá lâu rồi. Mấy tuần trôi qua, Kerem với chiếc cặp mới, Carmen với bộ đồ mới, cả hai tự hào ở trong nhóm trẻ em hứa sẽ làm việc tốt hơn.

Mọi của cải vật chất trong tay chúng ta có ba giá trị

Một buổi chiều nọ khi các học sinh đã ra về, tôi để ý thấy ngoài sân dưới cơn mưa chiếc áo màu đỏ thẩm, chiếc cặp trống mở toang. Chắc quý vị cũng đoán biết các vật dụng này của ai!

Ngày hôm sau tôi nói với các học sinh trong trường: “Mọi của cải vật chất trong tay chúng ta có ba giá trị. Giá trị đầu tiên dựa trên cái chúng ta gọi là cảm tính: chúng ta đừng quên khi chúng ta mong có được món đồ này, niềm vui khi nhận, sự ân cần và dễ thương của người khác khi họ cho mình, khi mình tiết kiệm để mua hay khi mình kiên nhẫn để có được. Giá trị thứ nhất này rất quý, đó là lòng biết ơn. Chúng ta hãy giữ gìn lòng biết ơn và niềm vui khi nhận chiếc cặp hay chiếc áo đồng phục. Một tâm hồn quên những gì mình được cho do tình thương là một tâm hồn quên yêu thương. Cha mẹ, bạn bè của mình không phải là máy phân phát tự động.

Giá trị thứ nhì có thể là số lượng hay chất lượng. Giá trị này thực tế, nó đáp ứng một nhu cầu vật chất thiết thực. Chiếc cặp để đi học, chiếc áo để mặc. Nhưng nghĩ như thế thôi thì chưa đủ để cải thiện thái độ của mình đối với các vật dụng cá nhân. Văn hóa Phương Tây của chúng ta thường hướng về tiêu thụ nên có thể chúng ta không còn ý thức về tầm quan trọng và giá trị của các vật đã có. Giá trị thứ nhì này là giá trị của tinh thần trách nhiệm của tâm hồn chúng ta đối với các vật dụng chúng ta có. Đó là giá trị tinh thần.

Giá trị thứ ba là lòng quảng đại: nghĩ đến việc tặng của cải chúng ta nhận được cho một người khác trong tương lai. Đó là giá trị của lòng bác ái. Chúng ta nhận của cái vật chất như một di sản. Chúng ta là người trao truyền. Đây là một cố gắng đẹp của tình đoàn kết và môi sinh. Chúng ta có thể tặng chiếc cặp, chiếc áo lại cho người em. Khi không bám dính của cải vật chất thì chúng ta chuẩn bị cho tâm hồn một chỗ để đón nhận tình yêu. Chính vì vậy mà có câu châm ngôn: của cải con đâu lòng con đó. Tâm hồn của chúng ta có thể cho gì? Ham muốn chiếm giữ hay mong muốn được tôn trọng?” Kerem đã giữ chiếc cặp của mình hơn hai năm và Carmen tặng chiếc áo đồng phục lại cho nhà trường khi mặc đã chật.

Marta An Nguyễn dịch

ĐTC tiếp kiến Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về sự sống

  ĐTC tiếp kiến Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về sự sống

Trong buổi tiếp kiến sáng 25-2-2019, dành cho 300 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống, ĐTC luôn đặt trí thông minh nhân tạo phục vụ nhân loại và bảo vệ căn nhà chung.

Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống nhóm tại Vatican trong hai ngày 25 và 26-2-2019 về chủ đề: ”Luân lý đạo đức người máy (Robot). Con người, máy móc và sức khỏe”.

Con người có thể bị lu mờ

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận rằng ”một đàng sự phát triển kỹ thuật giúp chúng ta giải quyết được những vấn đề không thể vượt qua được cho đến ít năm gần đây và chúng ta biết ơn các nhà nghiên cứu đã đạt được những kết quả ấy; nhưng đàng khác, lại nảy sinh những khó khăn và đe dọa nhiều khi nguy hiểm hơn những đe dọa trước kia. Khả năng làm được có nguy cơ làm lu mờ người làm và vấn đề làm cho ai”. Trong chiều hướng đó, ĐTC cảnh giác rằng ”máy móc không phải chỉ giới hạn vào việc tự lái, nhưng rốt cuộc nó lái người”.

Con người có nguy cơ phục vụ cho máy móc

”Sự biến chuyển ngày nay của khả năng kỹ thuật tạo nên một sự mê hoặc nguy hiểm: thay vì giao cho cuộc sống con người những dụng cụ cải tiến sự chăm sóc con người, thì người ta lại gặp nguy cơ giao nạp sự sống cho lý lẽ của các máy móc quyết định về giá trị của sự sống”.

Và ĐTC tái nhắc nhở rằng: ”Trí khôn nhân tạo, kỹ thuật người máy, và những canh tân khác về kỹ thuật phải được sử dụng để góp phần vào việc phục vụ nhân loại và bảo vệ căn nhà chung của chúng ta, thay vì ngược lại, như một số thẩm định đã báo trước”.

Máy móc không thể thay cho tương quan giữa con người với nhau

Tuyên bố với giới báo ”Corriere della sera” số ra ngày 25-2-2019, Đức TGM Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống, cũng khẳng định rằng ”Không có máy móc nào có thể thay thế cho các quan hệ giữa con người với nhau, như giữa bác sĩ và bệnh nhân. Ngày nay chúng ta cần một khế ước mới giữa con người và kỹ thuật” (Rei 25-2-2019)

Quà tặng của sự khôn ngoan

Tác giả: Robin Seelan, S.J.
Thiên Chúa, Đấng trao ban món quà là khôn ngoan,
Và tôi là kẻ kiếm tìm.
Ai là kẻ kiếm tìm? Đó là kẻ thành tâm khao khát được biết, được triển nở, và được dư đầy. Và tôi, tôi đang tìm kiếm điều gì? Điều cao quí nhất tôi đang tìm là sự KHÔN NGOAN. Khôn ngoan là dạng thức cao nhất của tri thức, vốn được nảy sinh không chỉ từ trí năng, nhưng còn từ kinh nghiệm sâu xa của con người. Mẫu thức cao nhất của tri thức là chính THIÊN CHÚA.
Vua Salômôn yêu mến sự khôn ngoan. Ông diễn tả sự khôn ngoan như sau:
Từ thời trai trẻ, tôi đã yêu quí và kiếm tìm Đức Khôn Ngoan làm bạn đời; và vẻ đẹp của Đức Khôn Ngoan làm tôi say đắm… Đức Khôn Ngoan đã được truyền thụ những hiểu biết về Thiên Chúa, và chính Đức Khôn Ngoan quyết định về những công trình của Người. (Kn 8: 2-4)
Ngay lúc này, tôi có đang kiếm tìm THIÊN CHÚA trong đời sống của tôi chăng? Nếu tôi tìm kiếm Thiên Chúa, Ngài sẽ tìm thấy tôi (không phải tôi tìm được Ngài). Và đó là một huyền nhiệm. Ngài đã ban cho tôi sự khôn ngoan. Và sự khôn ngoan, một món quà đặc biệt, được thông ban qua những cơ hội, những kinh nghiệm, và thậm chí qua cả những lỗi lầm, thiếu sót. Món quà khôn ngoan đặc trưng ở chỗ nó chỉ xuất hiện khi tôi nhận ra bài học từ những lỗi lầm, thất bại, hay khi nhận ra một cơ hội nào đó đang được trao cho tôi, hay khi tôi nhận ra một biến cố trong đời vốn tôi phải tiến tới thái độ phản tỉnh sâu sắc hơn.
Chúng ta đang sống trong thời đại ‘bùng nổ thông tin’ – có quá nhiều thông tin đến nỗi chúng ta không biết phải chọn cái nào cho hợp lẽ. Cùng với chuyện mạng Internet trở nên thứ nằm trong tầm tay mỗi người, thì một cuộc cách mạng công nghệ thông tin gần đây đã làm đổi thay cả địa cầu. Nhiều người thừa nhận rằng trẻ em trong thời đại của chúng ta ‘am hiểu’ nhiều hơn cả người lớn. Thế nhưng, có thể nói được rằng sự KHÔN NGOAN đang dần biến mất trong một viễn ảnh như thế – cũng chẳng khác gì việc nhiều loại ngôn ngữ và chữ viết đang dần biến mất trên đất nước này (tác giả đang muốn nói về đất nước Ấn Độ)! Phàm ai là cha mẹ, người ấy hiển nhiên cần sự khôn ngoan. Điều mà bằng bất cứ giá nào cha mẹ cần hướng đến chính à một tương lai rạng ngời cho con cái.
Chúng ta đang hướng con cái đến một tương lai tốt đẹp trong khi chúng ta (những người lớn) lại hành động cách vô trách nghiệm đối với những nguồn tài nguyên mà những người trưởng thành của tương lai cần đến!!! Người ta bận tâm, lo lắng nhiều cho hiện tại, nhưng hầu như chẳng làm gì để đảm bảo một tương lai tốt đẹp. Những giá trị đạo đức và cảm thức nhân loại dường như bị hạ thấp và nhấn chìm trong một thế giới cạnh tranh ‘khốc liệt.’ Những ai được xem là khôn ngoan thì đã quyết không tham gia vào cuộc chạy đua điên khùng này.
Có một sự giảm trừ đáng kể về mối quan tâm đến sự khôn ngoan. Chúng ta cần trở nên những KẺ KIẾM TÌM và chỉ qua đó, chúng ta mới có thể trở nên tương hợp với sự khôn ngoan. Kẻ kiếm tìm không thuộc loại người chỉ biết vun vén cho mình. Kẻ ấy nỗ lực không ngừng hầu đặt mình trong tâm thế TÌM KIẾM THIÊN CHÚA, ĐẤNG BAN PHÁT SỰ KHÔN NGOAN.
Có hai vấn đề ngày nay chúng ta phải đối diện trong việc tìm kiếm Thiên Chúa:
  • Những sao nhãng
Khi tâm trí trở nên yếu đuối, chúng ta dễ dàng bị sao nhãng. Thế giới bên ngoài thực là quyến rũ và thu hút, chính vì vậy chúng ta đôi khi trở nên gắn bó với thế giới ấy, mà chẳng có một nỗ lực gì để nhận ra. Tâm trí chúng ta xem đó là điều tốt và vì vậy cứ bám chặt lấy nó. Ngay cả những lo âu cũng là một sự gắn bó hay một sự quyến luyến tồn tại trong ta! Đó là một sự gắn bó với điều vốn bao trùm lên cả cái người ta chỉ có thể làm chủ một phần, và cả cái mà người ta không điều khiển được chút nào.
  • Tình trạng bão hòa
“Tôi biết đủ rồi,” “tôi đã học đủ rồi,” hay “Thiên Chúa đã nghe lời tôi cầu xin rồi,” hay “tôi và Chúa đã có một tương quan gần gũi vừa đủ rồi!” – tất cả những thái độ như thế chỉ cho thấy rằng đang có tình trạng bão hòa nào đó khởi đi từ sự nhàm chán hay một cảm giác dư thừa. Tình trạng bão hòa như thế cũng có thể đến từ lý do tuổi tác. Khá thường xuyên, chúng ta nghĩ rằng bởi vì đến độ tuổi nào đó, chúng ta biết được về nhiều thứ rồi, hoặc đã đạt được một vị trí nào đó rồi, nên chúng ta có thể khẳng quyết những am hiểu và cả sự khôn ngoan, ngay cả đối với những chủ đề chúng ta không biết rõ. Với cả cái bão hòa đến từ sự nhàm chán và lý do tuổi tác, chúng ta sẽ ngừng lại trên hành trình tìm kiếm Thiên Chúa.
Tôi có đang tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng ban cho tôi quà tặng sự khôn ngoan, hay chẳng còn ham hở kiếm tìm Ngài nữa rồi?
Kinh Thánh nói
  • Thánh Vịnh 111:10
Kẻ kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan. Sáng suốt thay kẻ thực hành như vậy. Mãi đến thiên thu còn vang tiếng ngợi khen Ngài.
  • Gia-cô-bê 1:5
Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách.
  • Châm Ngôn 16:16
Được khôn ngoan tốt hơn được vàng, được hiểu biết tốt hơn được bạc.
  • Đa-ni-en 2:23
Lạy Ngài là Chúa của tổ tiên chúng con, con cảm tạ và ngợi khen Ngài, vì Ngài đã cho con sự khôn ngoan và sức mạnh. Và giờ đây, Ngài đã cho con biết chuyện của nhà vua.
Người ta nói
  • “Đời sống là quà tặng của tự nhiên, nhưng sống đẹp là quà tặng của sự khôn ngoan.” – Greek Adage
  • “Khôn ngoan là hồng ân đặc biệt vốn cho phép con người có khả năng nhìn mọi sự với cặp mắt yêu thương của Thiên Chúa. Một cách mộc mạc và đơn sơ, khôn ngoan là chiêm ngắm những cảnh huống, những những tình thế, những vấn nạn, và mọi sự thuộc về thế giới dưới ánh nhìn của Thiên Chúa. Khôn ngoan là thế đó. Chúng ta thường nhìn điều này điều nọ theo cách chúng ta muốn hay theo con tim nhân loại vốn gắn liền với cả những thiện cảm và ác cảm, với cả những đố kỵ, ghen tương. Không! Đó không phải là ánh mắt của Thiên Chúa. Khôn ngoan là chính hoạt động của Chúa Thánh Thần trong ta, và nhờ đó mỗi người có thể nhìn mọi sự dưới ánh nhìn của Thiên Chúa. Và đó chính là món quà sự khôn ngoan.” – Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
  • “Biết mình là căn nguyên của mọi lẽ khôn ngoan.” – Aristotle
  • “Ta khả dĩ học được điều khôn trong ba cách này: Thứ nhất là qua việc suy tư phản tỉnh, vốn được xem là cao quí nhất; Thứ hai là noi gương bắt chước, cách này xem ra là dễ nhất. Và thứ ba là qua kinh nghiệm, ở cách này, người ta sẽ phải nếm vị đắng cay nhất.” – Khổng Tử
 [Mời quí độc giả đón đọc những nội dung tiếp theo của cuốn sách qua các số sau]
Chuyển ngữ: Đaminh Phan Quỳnh, S.J.
Nguồn: Robin Seelan, S.J., The Gifts, (Banglore, India: Asian Trading Corporation, 2016), 26-31.

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Giáo phận Long Xuyên: Đức cha Giuse Trần Văn Toản kế nhiệm Giám mục chính toà Long Xuyên

Giáo phận Long Xuyên: Đức cha Giuse Trần Văn Toản kế nhiệm Giám mục chính toà Long Xuyên
WHĐ (23.02.2019) – Hôm nay, vào lúc 12g00 thứ Bảy 23-02-2019 tại Roma, tức 18g00 giờ Việt Nam, Phòng Báo chí Toà Thánh công bố:
“Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận cho Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu được từ nhiệm nhiệm vụ quản trị mục vụ giáo phận Long Xuyên.
Kế nhiệm Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu là Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục phó của giáo phận này”.
(Nguồn: press.vatican.va)
Đức cha Giuse Trần Văn Toản là Giám mục chính tòa thứ tư của giáo phận Long Xuyên kể từ khi giáo phận này được thành lập vào năm 1960.
***
 
Tiểu sử Đức cha Giuse TRẦN XUÂN TIẾU
20/08/1944: Sinh tại Phú Ốc, Nam Định
1957: Học Tiểu chủng viện Pio XII Hà Nội, Chợ Lớn
1965 1973: Học triết học và thần học tại Ðại học Giáo hoàng Urbaniana, Roma
10/08/1974: Thụ phong linh mục tại Sài Gòn, cho giáo phận Long Xuyên
1974:  Thư ký cho Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, giám mục giáo phận Long Xuyên
1995 – 1999: Chính xứ giáo xứ Chính tòa Long Xuyên
1998:  Giáo sư Thần học luân lý tại Ðại chủng viện Thánh Quý, Cần Thơ
1998 - 1999: Tổng Ðại diện giáo phận Long Xuyên
03/06/1999: Được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục Phó giáo phận Long Xuyên
29/06/1999: Lễ truyền chức Giám mục tại Long Xuyên.
Chủ phong: Đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần, giám mục chính tòa giáo phận Long Xuyên;
Phụ phong: Đức cha Emmanuel Lê Phong Thuận, giám mục chính tòa giáo phận Cần Thơ
và Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, giám mục chính tòa giáo phận Thái Bình.
Châm ngôn giám mục: “Để tất cả nên một”.
02/10/2003: Kế nhiệm Đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần trong chức vụ giám mục chính toà giáo phận Long Xuyên.
Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu đảm nhận chức vụ Chủ tịch Ủy ban Giáo Dân hai nhiệm kỳ liên tiếp (từ năm 2010 đến năm 2016).
***
Tiểu sử Đức cha Giuse TRẦN VĂN TOẢN
07/04/1955: Sinh tại Tam Kỳ, Quảng Nam
1966: Học tại Tiểu chủng viện Á Thánh Phụng (Châu Đốc)
1970: Học tại Tiểu chủng viện Têrêxa (Long Xuyên)
1974  1976: Học triết học tại Ðại chủng viện Tôma Long Xuyên và tại Ðài Ðức Mẹ Tân Hiệp,
1976  1980: Học thần học tại Tòa giám mục Long Xuyên
16/01/1992: Thụ phong linh mục cho giáo phận Long Xuyên tại Nhà thờ Chính tòa Long Xuyên, do Đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần
1999: Học tại Học viện Mục vụ Đông Á thuộc Dòng Tên ở Manila, Philippines
2000 – 2005: Học tại Đại học De La Salle (Manila); tốt nghiệp Tiến sĩ giáo dục
2006 – 2014: Giám đốc Trung tâm Mục vụ giáo phận Long Xuyên
2009: Giáo sư Đại chủng viện Thánh Quý Cần Thơ
05/04/2014: Được Đức giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm Giám mục Phụ tá giáo phận Long Xuyên, hiệu toà Acalissus
29/05/2014: Lễ truyền chức Giám mục tại Đài Đức Mẹ Tân Hiệp.
Chủ phong: Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, Giám mục chính tòa giáo phận Long Xuyên;
Phụ phong: Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục chính tòa giáo phận Cần Thơ
và Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục chính tòa giáo phận Phan Thiết.
Châm ngôn giám mục: “Vinh dự của tôi là thập giá Đức Kitô”.
25/08/2017: Được Đức giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phó giáo phận Long Xuyên
Tại Đại hội lần thứ XIII của Hội đồng Giám mục Việt Nam (tháng 10/2016),
Đức cha Giuse Trần Văn Toản được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Giáo dân nhiệm kỳ 2016-2019.
WHĐ

Đức cha Coleridge: Giáo hội làm tất cả để trở thành nơi an toàn cho tất cả




Chia sẻ sau bài Tin mừng trong Thánh lễ bế mạc khóa họp “Bảo vệ trẻ vị thành niên”, Đức cha Mark Benedict Coleridge, Tổng Giám mục giáo phận Brisbane, Chủ tịch HĐGM Australia, mời gọi mọi người hành động trong năng quyền của mình để bảo đảm rằng những điều kinh khủng trong quá khứ sẽ không tái diễn và Giáo hội là nơi an toàn cho tất cả mọi người.

Lúc 9.30 sáng Chúa nhật 24.02, tại Sala Regia ở Dinh Tông tòa, ĐTC Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ bế mạc khóa họp “Bảo vệ trẻ vị thành niên”. Sau những ngày cùng chia sẻ, lắng nghe nhau, Đức cha Colderidge mời gọi mọi người cùng thinh lặng và suy tư về Lời duy nhất, đó là lời của Chúa Giêsu.

Quyền lực sẽ hủy diệt nếu bị tách ra khỏi phục vụ

Một trong những hình ảnh trên các bức họa trong Sala Regia là hình ảnh Đavít đứng trước vua Saolô đang ngủ say, như được tường thuật trong bài đọc một trích từ sách Samuel quyển thứ nhất. Không nghe theo lời xúi giục của Abishai, Đavít đã không dùng cơ hội quyền lực của mình để sát hại vua Saolô. Đức cha Coleridge nhắc rằng các mục tử trong Giáo hội, được lãnh nhận quà tặng năng quyền – “tuy vậy, đó là quyền lực để phục vụ, để kiến tạo; một năng quyền với và vì, chứ không phải là có quyền trên người khác; một quyền, như thánh Phaolô nói, ‘quyền Chúa đã ban để xây dựng anh em, chứ không để hủy diệt anh em’ (2Cr 10,8).” Đức cha Colderidge khẳng định rằng “quyền lực sẽ trở nên hủy diệt nếu nó bị tách rời khỏi phục vụ, khi nó không phải là cách thế của tình yêu, khi nó trở thành quyền hành trên người khác.”

Giáo hội là nơi an toàn cho tất cả

Trong Tin mừng, Chúa Giêsu mời gọi yêu thương kẻ thù, thương xót như Cha trên trời là Đấng thương xót. Đức cha Coleridge nhìn nhận rằng, đã có những lần Giáo hội không yêu thương các nạn nhân của nạn lạm dụng tính dục trong Giáo hội, chỉ vì sự an toàn của mình; Giáo hội đã chọn sự dửng dưng trước tội ác để bảo vệ thanh danh của mình. Khi lạm dụng và che đậy, những người có quyền không hành động như những người thuộc về nước trời nhưng là con người thuộc về thế gian. Ngài khẳng định mong muốn về một Giáo hội “thật sự an toàn”, nơi không có chỗ cho sự dửng dưng và những ước muốn bảo vệ danh tiếng trước tệ nạn lạm dụng.

Hoán cải thật sự

Đức cha Coleridge mời gọi hoán cải thật sự, “con người thuộc về thế gian phải chết để con người thuộc về nước trời có thể được sinh ra”, để Giáo hội có thể động chạm đến tâm điểm của cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục. “Chúng ta cần thấy các vết thương của các nạn nhân là của chính chúng ta, số phận của họ là số phận của chúng ta.”

Mùa sứ vụ mới

Giáo hội cần ý thức rằng mình không phải là tâm điểm mà những người bị lạm dụng “xoay quanh”, nhưng Giáo hội xoay quanh họ. Đây là một cuộc cách mạng, trong đó Giáo hội có thể nhìn sự việc với đôi mắt của những người bị lạm dụng, nghe bằng đôi tai của họ và chỉ như thế, Giáo hội có thể nhìn thấy nơi họ gương mặt của Chúa Kitô bị đóng đinh. Khi làm như thế, Giáo hội sẽ có một diện mạo khác. Đây là cuộc hoán cải cần thiết, cuộc cách mạng thật sự và ân sủng lớn lao, có thể mở ra cho Giáo hội một mùa sứ vụ mới.”

Hành động cụ thể

Đức cha Coleridge mời gọi Giáo hội có những hành động cụ thể. Ngài nói: “Những ngày này chúng ta đang ở trên đồi Canvê, chúng ta ở trên ngọn núi của bóng tối… Nhưng ở đây, từ các vết thương của Chúa Kitô, hy vọng sống lại, hy vọng trở thành lời cầu nguyện,… hy vọng bóng tối của đồi Canvê đưa Giáo hội đi qua thế giới, đến ánh sáng Phục sinh, đến với Con Chiên, là mặt trời của chúng ta (Kh 21,23). Đến cuối cùng chỉ còn tiếng nói của Chúa Phục sinh, mời gọi chúng ta đừng chỉ ngắm nhìn ngôi mộ trống khi bối rối tự hỏi mình sẽ phải làm gì. Chúa Giêsu mở cánh cửa con tim chúng ta. Từ sự sợ hãi nảy sinh sự kiên quyết tông đồ, từ sự mất can đảm nặng nề trổ sinh niềm vui Tin mừng.

Công bằng và chữa lành; những điều kinh hoàng của quá khứ không tái diễn

Một sứ vụ mới đòi chúng ta có những hành động cụ thể. Giáo hội sẽ mang lại sự công bình và chữa lành cho các nạn nhân, sẽ lắng nghe, tin và đồng hànhv ới họ; sẽ bảo đảm những kẻ lạm dụng không bao giờ còn có thể tấn kích người khác; những người che đậy sẽ chịu trách nhiệm, vv. Giáo hội sẽ làm tất cả để bảo đảm những kinh hoàng của quá khứ sẽ không tái lập và Giáo hội là nơi an toàn cho tất cả, là một người mẹ yêu thương, đặc biệt đối với người trẻ và những người dễ bị tổn thương.

Đan viện nữ Biển Đức đồi Hiển Linh: Hồng ân Thánh hiến Đan tu

WGPSG – “Mai sau, khi tuổi đời càng cao, các chị hãy cố gắng duy trì lòng mến để trung thành với Chúa và với lời khấn Đan tu của mình”Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh -Giám mục phó giáo phận Đà Lạt- (ĐGM) đã nhắn nhủ 3 nữ tu thuộc Đan viện nữ Biển Đức, đồi Hiển Linh, Lộc Nam -Tuyên khấn trọn đời- như thế, khi ngài chủ sự Thánh lễ tuyên khấn lúc 09g30, ngày 22.02.2019 tại nhà nguyện Đan viện. Đồng tế với ngài có cha Giuse Phạm Văn Thống -chánh xứ Đại Lộc, giáo hạt Bảo Lộc- cùng trên 20 linh mục triều và dòng, trong và ngoài giáo phận Đà lạt.
Đến hiệp dâng Thánh lễ, ngoài quý nữ tu thuộc Đan viện Biển Đức và thân nhân của 3 nữ tu tuyên khấn, còn có quý tu sĩ nam nữ thuộc các dòng lân cận, quý khách mời và cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Đại Lộc và giáo họ Lộc Nam.
Chia sẻ Tin Mừng, nhân ngày lễ lập Tông tòa Thánh Phêrô, ĐGM nhắc lại chặng đường theo Chúa của Thánh Phêrô với nhiều lần hoán cải, chấp nhận từ bỏ nhưng lại sa ngã và tiếp tục hoán cải. Ngài diễn giảng: “Từ hồ Galilê, sau khi Chúa Giêsu cho ông Phêrô bắt được mẻ cá đầy, ông vội vàng từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa. Nhưng rồi ông đã chối Thầy 3 lần ngay trong đêm Chúa Giêsu bị bắt! Ông đã hoán cải, đứng dậy và tiếp tục loan báo Tin Mừng Phục sinh của Chúa Giêsu. Thế nhưng, khi đạo Chúa bị bách hại, ông đang định bỏ trốn khỏi thành Giêrusalem, thì Chúa lại hiện ra nhắc nhở ông hãy trở lại thành và chịu chết, hầu làm chứng cho Tin Mừng cứu độ của Chúa”.
Kết luận, ĐGM nhắn nhủ các tân khấn sinh: “Hôm nay, các chị với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, sẽ long trọng Tuyên khấn trọn đời để một lòng theo Chúa và phục vụ mọi người. Thế nhưng, khi tuổi đời càng cao, cùng với bao thành công và thất bại, niềm vui và nỗi buồn trong đời sống đan tu, các chị hãy noi gương Thánh Phêrô hầu cố gắng duy trì lòng mến, để trung thành với Chúa và với lời khấn Đan tu của mình”.
Sau bài giảng, cha chánh xứ Đại Lộc đã giới thiệu các khấn sinh với ĐGM. Sau khi phỏng vấn cùng với sự cam kết dâng mình cho Chúa và phục vụ tha nhân, các khấn sinh đã Tuyên khấn: An định - Hoán cải - Tuân phục; Hai lời khấn Khó nghèo và Khiết tịnh được lồng trong lời khấn Hoán cải. Đặc biệt, trong nghi thức tuyên khấn có những nội dung khiến người tham dự xúc động, như: Cha mẹ đặt tay trên vai con gái và dâng con cho Thiên Chúa; ĐGM cùng với các nữ tu vĩnh khấn đặt cầu nguyện cho các tân khấn sinh.
Cuối lễ, nữ tu Đan trưởng Agnès Lê Thị Tố Hương, OSB -thay mặt Đan viện- có lời cảm ơn ĐGM, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ông bà cố, cha xứ cùng cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Đại Lộc và toàn thể quý thân nhân, quý khách.
Nối tiếp, thay mặt gia đình các khấn sinh, vị đại diện phụ huynh cũng có lời cảm ơn ĐGM, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, cha xứ cùng cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Đại Lộc, đặc biệt là hội dòng nữ Biển Đức - Thánh Nathilde.
Đáp từ, ĐGM bày tỏ niềm vui khi thấy hội dòng đã có sự gắn bó mật thiết với Giáo hội địa phương trong các sinh hoạt tôn giáo, góp phần xây dựng giáo xứ Đại Lộc ngày càng phát triển.
Thánh lễ kết thúc lúc 11g30 cùng ngày. Sau khi chụp hình lưu niệm với ĐGM và quý cha, mọi người cùng sum họp trong bữa cơm thân mật tại khuôn viên Đan viện.
ĐAN VIỆN NỮ BIỂN ĐỨC: HỒNG ÂN THÁNH HIẾN
Danh sách các nữ tu Tuyên khấn trọn đời
1/ Nữ tu Rosa Pascal Trần Thị Tuyết Mai
2/ Nữ tu Maria Têrêsa Nguyễn Thị Nhi
3/ Nữ  tu Maria Catarina Nguyễn Thị Kim Anh

Bài & Ảnh: Văn Chiến