Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Laudato Sí của ĐTC Phanxicô truyền cảm hứng cho Đại Hội Caritas

Laudato Sí của ĐTC Phanxicô truyền cảm hứng cho Đại Hội Caritas

Hơn 400 đại biểu từ 146 tổ chức Caritas các nước đã tụ họp nhau ở Rôma cho Đại hội Caritas lần thứ 21 (từ ngày 23 đến 28-05-2019), một sự kiện được dành cho các đại biểu tụ họp nhau trong tình liên đới và để đưa ra những đướng hướng mới cho việc phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Chủ đề của Đại hội là “Một Gia Đình, Một Ngôi Nhà Chung,” được ĐTC Phanxicô mời gọi trong Laudato Si để nghe được “tiếng kêu cứu của trái đất và tiếng kêu cứu của người nghèo.”

Vào giờ khai mạc Đại hội, ĐHY Luis Antonio Tagle, Chủ tịch Caritas Quốc tế, đã bắt đầu bằng lời cầu nguyện. “Lạy Chúa yêu thương, là Chúa của tình yêu, ngày hôm nay, Ngài đã qui tụ chúng con thành một gia đình, một cộng đoàn. Chúng con là một cộng đoàn mang danh Ngài. Ngài là tình yêu. Chúng con là Caritas.”

Trong quá trình diễn ra Đại hội bốn ngày, các đại biểu sẽ xem xét những chiến lược mới để cung cấp cho việc chăm sóc cứu lấy sự sống trên thế giới đồng thời cũng chăm sóc cho môi trường. Những chiến lược đó bao gồm làm cho tiếng nói của người nghèo được vang lên, thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện, và xây dựng một sự liên kết Caritas mạnh hơn. 


Một cách để làm cho Caritas mạnh hơn là để cho nhiều phụ nữ và giới trẻ tham gia vào tiến trình đưa ra quyết định trong Caritas. Rebecca Rathbone, điều phối viên các Chương trình Giới trẻ đã khuyến khích các đại biểu không nên nghĩ giới trẻ là dành cho tương lai. 

“Giới trẻ là ngay lúc này,” Rathbone phát biểu. “Giới trẻ là hiện tại. Chúng tôi ở giữa các bạn ngay lúc này và chúng tôi có những ý kiến vĩ đại cho ngay bây giờ và chúng tôi có những ý tưởng và kiến thức quan trọng để chia sẻ ngay lúc này, và chúng tôi có rất nhiều năng lượng và nhiệt huyết ngay bây giờ.”

Đại hội diễn ra trong thời điểm chiến dịch Chia Sẻ Hành Trình của ĐTC Phanxicô, một chiến dịch khuyến khích các tín hữu Công giáo trên thế giới gặp gỡ những người di dân và tị nạn và tranh đấu cho họ. Trước khi bắt đầu Đại hội chính thức, các thành viên Caritas đến Quảng trường thánh Phêrô để hoàn thành bức tranh cắt dán từ những khuôn mặt của những người di dân và tị nạn trong quá khứ, hiện tại, các vị lãnh đạo và các CEO của những công ty lớn nhất, các nhân viên Caritas khắp nơi trên thế giới và những người tham gia trong hành trình di dân. 


Hai vị đến từ mỗi Caritas đã nói về một người di dân khi họ đặt bức ảnh lên tấm ảnh ghép. Một trong những bức ảnh đó là Behrouz Boochani, là một nhà văn và nhà báo người Iran gốc Kurd đã bị giam giữ sáu năm trên đảo Manus ở Papua New Guinea. Đầu năm nay, ông đã dành được một trong những giả thưởng văn học danh giá của Úc về một cuốn hồi ký mà ông đã viết trên điện thoại di động của mình khi bị giam giữ. 

“Văn học có sức mạnh để đem lại cho chúng ta tự do,” Behrouz đã viết tại trung tâm giam giữ. “Tôi thực sự tin rằng lời lẽ có sức mạnh hơn những song sắt của nơi này, trong nhà tù này.” ĐTC Phanxicô đã có những lời mạnh mẽ trong bài giảng của ngài ở thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, sau đó là Chia Sẻ Hành Trình. Ngài đã cảnh báo chống lại “cám dỗ về siêu hiệu năng khi nghĩ rằng Giáo hội vẫn ổn nếu Giáo hội kiểm soát được mọi thứ.” Thay vào đó, ĐTC Phanxicô nói rằng hãy dùng Tin mừng như “hoạch định của cuộc sống.”
Chương trình đó dạy chúng ta rằng các câu hỏi không được đưa ra với công thức có sẵn và đức tin không phải là lịch trình nhưng là một ‘con đường,’ mà không sợ những cú đẩy của cuộc sống,” ĐTC Phanxicô đã phát biểu.

ĐTC đã kết bằng cách thúc giục mọi người gần gũi với Bí Tích Thánh Thể và người nghèo.
“Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta rằng chúng ta được kết hợp trong Ngài không phải bằng tư tưởng, thể hiện bằng sự kiêu căng trong kiểm soát và điều hành. Ngài kêu gọi chúng ta tin tưởng người khác và trao ban chính mình cho người khác.”



Megan Gilbert - Chuyển ngữ: BTT- Caritas Việt Nam

Quốc hội Mêhicô bác bỏ dự luật hợp pháp phá thai và hôn nhân đồng tính

life

Một phần trong sáng kiến cải cách hiến pháp, đang tìm cách hợp pháp hóa phá thai và hôn nhân đồng tính ở Mêhicô, đã không được cơ quan lập pháp của quốc gia thông qua.

Thông qua dự luật bình đẳng giới tính

Dự luật bình đẳng giới tính đã được tranh luận và phê duyệt ở cả hai viện của Quốc hội Mêhicô ngày 23.05. Dự luật đó yêu cầu một nửa nhân sự làm việc trong các dịch vụ xã hội là phụ nữ.

Bác bỏ quyền phá thai và hôn nhân đồng tính

Porfirio Muñoz Ledo, chủ tịch Hạ viện và là thành viên của Phong trào Tái sinh Quốc gia, đã đề xuất rằng dự luật thiết lập quyền phá thai và hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên, những đề xuất này không được đưa vào phiên bản cuối cùng của dự luật vì không được ủng hộ rộng rãi.

Dự luật cần ít nhất 17 bang phê chuẩn để có hiệu lực.

Mêhicô cần một nền văn hóa sự sống và gia đình

Rodrigo Iván Cortés, chủ tịch của phong trào Mặt trận Quốc gia vì Gia đình, nhận xét rằng “sáng kiến của Porfirio Muñoz Ledo là Hộp Pandora, vì dưới bề tiền của sự bình đẳng giới tính, những gì nó đưa ra là những yếu tố của một tâm thức ngừa thai và lý thuyết về giống thậm chí mạnh mẽ hơn”. Ông cũng cho biết: “Đối với Mặt trận Quốc gia vì Gia đình, chúng tôi đang có một chiến dịch để nói với Muñoz Ledo rằng Mêhicô không cần thêm văn hóa của cái chết. Mêhicô không cần các ý thức hệ thực dân, được áp đặt lên nó, ví dụ như giới tính. Những gì Mêhicô cần là một nền văn hóa sự sống và gia đình”.

Hồng Thủy - Vatican

UBMV Giới trẻ và Thiếu nhi: Bản tin Online Tháng 06 - Người trẻ là hiện tại của Chúa



Lắng nghe thực tại cuộc sống trong một xã hội hiện đại hôm nay, bạn trẻ thường gặp phải những thách đố ngăn cản mình sống khỏe, sống vui, sống đúng, sống tốt và có ý nghĩa. Trong đó, có những thách đố rất khó đón nhận và vượt qua, một số bạn sẽ buông xuôi, một số khác chạy theo guồng quay của cuộc sống, một số bạn tích cực đón nhận với sự sẵn sàng, tâm tình biết ơn và tinh thần trẻ trung, tươi mới

***Kính mời quý vị xem Bản tin online tháng 6.2019

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

ĐTC tái kêu gọi cấp thiết cứu trái đất

or270519_21aem.jpg

ĐTC tái kêu gọi các chính quyền thế giới quyết liệt dấn thân cứu vãn trái đất trước hiểm họa tàn phá, đồng thời đặt sinh mạng con người lên trên các lợi lộc kinh tế.

Ngài đưa ra lời kêu gọi tha thiết trên đây chiều ngày 27-5-2019 vừa qua trong cuộc gặp gỡ bà Chủ tịch Đại Hội đồng năm nay của LHQ, nhóm họp với các vị Bộ trưởng tài chánh của nhiều quốc gia tại trụ sở Hàn lâm viện khoa học của Tòa Thánh ở nội thành Vatican về đề tài ”Sự thay đổi khí hậu và những bằng chứng mới từ khoa học, ngành kỹ sư và chính sách”.

Những dấu hiệu tiêu cực

Lên tiếng trong cuộc gặp gỡ, ĐTC báo động vì những dấu hiệu chẳng lành: ”những cuộc đầu tư vào nhiên liệu phiến thạch - như dầu hỏa và khí đốt - tiếp tục gia tăng, mặc dù các nhà khoa học nói với chúng ta rằng các nhiên liệu phiến thạch phải ở lại dưới lòng đất. Cơ quan quốc tế về năng lượng mới đây cho biết những cuộc đầu tư vào năng lượng sạch lại giảm bớt trong 2 năm liền, mặc dù các chuyên gia nhiều lần đề cao những lợi ích trên môi trường con người đến từ năng lượng sạch do gió, mặt trời và nước”.

Nguyên do

ĐTC nhận xét rằng ”Chúng ta tiếp tục đi theo những con đường cũ vì chúng ta bị mắc kẹt do lối tính toán xấu và ham hố lợi lộc đạt được. Chúng ta tiếp tục coi trọng những lợi lộc đe dọa chính sự sống còn của chúng ta”.

Số lượng thán khí quá cao

ĐTC nói đến sự kiện cách đây 2 tuần, một số trung tâm nghiên cứu khoa học đã ghi nhận sự tập trung thán khí trong khí quyển lên tới mức cao nhất chưa từng có, 415 phân tử trên một triệu (415 parti per milione). Đây là một trong những nguyên chính tạo nên hiện tượng hâm nóng trái đất”. Ngài nói: ”Chúng ta phải hành động quyết liệt để chấm dứt sự thải ra các khí gây ra hiện tượng lồng kính, trễ nhất là trước giữa thế kỷ này”.

Kêu gọi các biện pháp cụ thể

Cũng trong bài tham luận, ĐTC kêu gọi các vị bộ trưởng tài chánh điều chỉnh các hoạt động kinh tế làm sao để không theo đuổi những hoạt động đang phá hủy trái đất chúng ta;
- chấm dứt sự lệ thuộc các nhiên liệu phiến thạch trên trái đất;
- mở ra một chương mới về năng lượng sạch và an toàn, ví dụ dùng những nguồn sinh năng lượng có thể tái diễn như gió, mặt trời và nước;
- nhất là chúng ta hành động trong tinh thần khôn ngoan và trách nhiệm trong các nền kinh tế chúng ta để thực sự đáp ứng những nhu cầu cần thiết của con người, thăng tiến nhân phẩm, để giúp đỡ những người nghèo, để giải thoát chúng ta khỏi sự tôn thờ tiền bạc gây ra bao nhiêu đau khổ.

Vatican News phỏng vấn cha Giuse Nguyễn Văn Uy

Trường cao đẳng Hoà Bình Xuân Lộc

Trên thế giới, Giáo dục Công giáo đóng một vai trò quan trọng trong nền giáo dục quốc gia. Tuy nhiên tại Việt Nam sau khi đất nước thống nhất, giáo dục Công giáo chưa có nhiều cơ hội đóng góp, đặc biệt ở cấp trung học và đại học. Chúng tôi xin gởi đến quý vị cuộc phỏng vấn với cha Giuse Nguyễn Văn Uy, hiệu trưởng trường cao đẳng Hoà Bình Xuân Lộc, trường cao đẳng Công giáo duy nhất của Việt Nam hiện tại.

Thực hiện: Văn Yên, SJ

Link audio trả lời phỏng vấn: https://youtu.be/YJN8vU88SFM


1. Thưa cha, trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc có phương châm là: “thăng tiến con người toàn diện”, xin cha cho biết điều này được cụ thể hoá như thế nào trong chương trình giáo dục?

Trước hết, con xin kính chào Cha. Con cũng xin kính chào tất cả các quý vị nghe đài và xin cầu chúc nhiều hồng ân Chúa trên tất cả mọi người.

Vâng thưa Cha, đúng như vậy, nhà trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc chúng con đã chọn phương châm đào tạo là “Thăng tiến con người toàn diện”. Nhắm đến 03 giá trị cốt lõi: Đạo Đức – Kiến Thức – Công Nghệ.

Để đạt được những giá trị này, chúng con có những hoạt động cụ thể như sau:

- Xây dựng môi trường sống tại học đường như một gia đình với tinh thần chỉ biết phục vụ và yêu thương của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô.

- Xây dựng một chương trình đào tạo tích cực: ngoài chương trình quy định từng ngành nghề, hệ đào tạo của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo, Bộ Lao Động Thương Binh & Xã Hội. Nhà trường: Tổ chức những buổi hội thảo khoa học và nghề nghiệp, những buổi giao lưu kiến tập tại các công ty, doanh nghiệp để các em được trau dồi kiến thức và tiếp cận với thực tế nghề nghiệp. Nhà trường không ngừng cải tiến trang thiết bị thực tập ngay tại trường, mỗi năm một dồi dào và phong phú hơn.

- Đặt giá trị cốt lõi đạo đức lên hàng đầu, nhà trường có chương trình đào tạo kỹ năng sống cho hệ trung cấp và cao đẳng. Trau dồi cho các em một khả năng sống và làm việc với tinh thần trách nhiệm và bằng một lương tâm ngay thẳng, tôn trọng công bằng và thực thi lòng nhân ái với mọi người.

- Với tính đặc thù là trường Công Giáo, hai ngày cuối tuần thứ bảy và Chúa Nhật có giảng dạy giáo lý theo từng lớp tuổi, tùy ý các em đăng ký để theo học. Những lớp giáo lý này do các Linh mục, Tu Sĩ Nam Nữ hướng dẫn; Đồng thời, các ngài cũng là người đồng hành, để tư vấn cho các em trước những trăn trở của cuộc sống, phân định được những điều hay, điều đúng, để các em quyết định cho hướng đi đời mình.

- Trong khuôn viên nhà trường, với diện tích 5ha, có hai khu ký túc xá dành cho nam và nữ. Mỗi khu ký túc xá có Nhà Nguyện và Nhà Chầu Thánh Thể. Các em học sinh – sinh viên Công Giáo hàng ngày đến viếng Chúa. Cả những em ngoài Công Giáo cũng đến để tìm sự trầm lắng để suy tư, tìm hướng cho đời sống mình ngày một tốt hơn.

- Vào những dịp lễ tết, đạo cũng như đời, nhà trường có những sinh hoạt ngoại khóa có các thầy cô hướng dẫn từng nhóm sinh viên – học sinh đi làm công tác từ thiện bác ái tại những cơ sở bác ái. Thăm viếng và chia sẻ với đồng bào di dân, đến lao động và làm ăn tại các khu công nghiệp.

2. Về nhân sự, xin cha cho biết trường tuyển giáo viên dựa trên những tiêu chuẩn nào? Và việc đánh giá chất lượng giáo viên ra sao?

Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc hiện có 10 khoa nghề với 20 nghề đào tạo trong hai hệ Trung cấp và Cao đẳng. Đội ngũ nhà giáo là 252 người, đều có trình độ Thạc Sĩ, Tiến Sĩ đạt chuẩn quốc gia.

Việc tuyển dụng nhà giáo căn cứ theo thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH. Cơ bản gồm: 3 tiêu chí, 15 tiêu chuẩn, 44 chỉ số được Bộ Lao động TB&XH hướng dẫn liên quan đến các nội dung chủ yếu sau: Năng lực chuyên môn. Năng lực sư phạm. Năng lực phát triển nghề và nghiên cứu khoa học.

Trong thực tế, câu nói trên đầu môi chóp lưỡi là: tìm các “thầy cô có tâm và có tầm”: Tâm là lương tâm nhà giáo, nhiệt thành và tận tụy trong nghề nghiệp. Tầm là trình độ, kiến thức và kinh nghiệm.

Tuy là trường Công Giáo, nhưng luôn mở rộng đón tiếp các thầy cô không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng. Chỉ mong mời được những thầy cô, có tâm hồn nhà giáo: đạo đức, sống tốt, lương tâm ngay thẳng, và có nhiều kinh nghiệm trên bục giảng.

Tất cả các thầy cô giáo đang giảng dạy tại trường đều được đánh giá chất lượng là giáo viên giảng dạy tốt, đúng là những người có tâm có tầm.

3. So với mặt bằng chung của các trường trên cả nước thì học phí của trường Hòa Bình Xuân Lộc thấp, liệu lương giáo viên và cơ sở hạ tầng của trường có được đảm bảo với khoảng học phí thấp như vậy, thưa cha?

Trường CĐ Hòa Bình Xuân Lộc, trực thuộc Tòa Giám Mục Xuân Lộc. Việc điều hành và quản lý được trao cho Ban Bác Ái Xã Hội – Caritas giáo phận.

Riêng cá nhân con, đã được các Đức Giám Mục trao cho phụ trách công tác Caritas từ năm 2002. Con luôn mang ưu tư làm sao phục vụ cho người nghèo một cách cao nhất và có hiệu quả nhất. Ngoài sự thăm viếng, an ủi, chữa bệnh, cứu trợ khi thiên tai và cả đến xây dựng những cơ sở cô nhi, trường khuyết tật, nhà dưỡng lão… con vẫn thấy cần phải có một ngôi trường để đào tạo những bạn trẻ không có điều kiện được học hành đến nơi đến chốn, không có công ăn việc làm… Năm 2008, ước mơ này đã được thành tựu, khi ngôi trường Trung cấp nghề Hòa Bình, tiền thân của trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc hiện nay, đã được giấy phép thành lập. Con nghĩ ngay đến việc học phí thật thấp bao nhiêu có thể, để học sinh nghèo có cơ hội đi học, để có kiến thức, có nghề mưu sinh.

Đúng như câu hỏi của Cha đặt ra! Nguồn thu chính của trường là học phí, khéo léo lắm thì chỉ tạm đủ cho việc chi trả lương giảng dạy của thầy cô và nhân viên!

Nhưng rồi ơn Chúa quan phòng một cách kỳ diệu: Tòa Giám Mục Xuân Lộc, các Đức Cha luôn lo lắng đầu tư nhân lực và tài lực. Ngoài ra, trường còn đón nhận được nhiều sự trợ giúp của các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cho đất để mở rộng mặt bằng xây dựng trường. Cho máy móc và trang thiết bị giảng dạy. Cho học bổng hàng năm giúp học sinh – sinh viên nghèo vượt khó. Hỗ trợ lương thực cho bếp ăn nội trú.v.v

Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc, rất trân trọng những cống hiến của quý Cha, quý Thầy, quý Dì, quý thầy cô giáo và các anh chị em nhân viên. Các ngài không hề đòi hỏi một ưu đãi nào và luôn hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Đây là một điểm son của đội ngũ giảng viên, giáo viên và nhân viên trường Công giáo đầu tiên trong cả nước. Xin tri ân quý Cha, quý thầy, quý dì, quý thầy cô và các nhân viên!

Dầu vậy, Ban Giám Hiệu và Hội Đồng Quản Trị của nhà trường, ngay từ khóa học đầu tiên, đã lo việc trả lương và các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phụ cấp tàu xe, đãi ngộ, sinh hoạt hè… một cách xứng đáng: bằng hoặc hơn các trường khác! để quý thầy cô và nhân viên an tâm cộng tác lâu dài với trường.

Như vậy, sự hình thành và phát triển của trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc tất cả là nhờ bởi ơn Chúa. Xin tạ ơn Chúa và cám ơn tất cả mọi người.

4. Về chất lượng giáo dục, xin cha cho biết trường được đánh giá ra sao?

Để đánh giá chất lượng giáo dục của trường. Bộ Lao động TB & XH qua thông tư 15/2017/TT-BLĐTBXH đã đưa ra bộ tiêu chí: đánh giá các trường Cao đẳng gồm 09 tiêu chí như sau:

- Tiêu chí 1 - Mục tiêu, sứ mạng, tổ chức và quản lý;

- Tiêu chí 2 - Hoạt động đào tạo;

- Tiêu chí 3 - Nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động;

- Tiêu chí 4 - Chương trình, giáo trình;

- Tiêu chí 5 - Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và thư viện;

- Tiêu chí 6 - Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế;

- Tiêu chí 7 - Quản lý tài chính;

- Tiêu chí 8 - Dịch vụ người học;

- Tiêu chí 9 - Giám sát, đánh giá chất lượng.

Với 09 tiêu chí đánh giá chất lượng nêu trên. Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc chỉ còn điểm yếu ở tiêu chí thứ 06 về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Nhưng mặt hợp tác quốc tế, trường đã thực hiện tốt trong 05 năm qua, đưa hàng trăm học sinh – sinh viên đi du học Nhật Bản, hợp tác lao động và mỗi năm mỗi phát triển hơn nữa. Sắp tới, còn có những hợp tác với Cộng Hòa Liên Bang Đức và Hàn Quốc.

5. Học sinh, sinh viên đang theo học ở trường đang ở độ tuổi bước vào đời, ngoài chương trình chính thức, trường chuẩn bị hành trang cho các em bước vào đời như thế nào? Với tư cách là trường Công Giáo, trường đã vận dụng những giá trị và phương pháp Kitô giáo như thế nào trong việc chuẩn bị đó?

Để trả lời câu hỏi rất sâu sắc này của Cha, con xin chia ra hai vấn đề:

a. Thứ nhất, chuẩn bị hành trang cho các học sinh – sinh viên vào đời.

Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc của chúng con hiện có 3.000 học sinh – sinh viên, tất cả đều nằm trong độ tuổi bước vào đời. Con xin đan cử một vài con số: Các em vào năm thứ nhất Trung cấp cũng là lớp 10 văn hóa năm học 2018 - 2019 là 1250 học sinh với độ tuổi 14 - 15 và các sinh viên sẽ tốt nghiệp cao đẳng là 20 - 21 tuổi.

Ý thức trách nhiệm này, chúng con đã có một chương trình dài hơi, cho học sinh trung cấp và sinh viên cao đẳng về mặt trưởng thành trong nhân cách và trưởng thành trong đạo đức Kitô Giáo, bằng chương trình kỹ năng sống và giáo dục đức tin như đã nói ở câu hỏi mở đầu.

b. Thứ hai, trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc xin nêu hai vận dụng cụ thể như sau:

(1). Ngoài các lớp Giáo Lý Hồng Ân theo chương trình giáo lý của giáo phận Xuân Lộc. Trường chúng con có một lớp giáo lý “tìm hiểu ơn gọi”, hàng năm cũng được 40 – 50 em tham gia. Lớp này được quý Cha, phụ trách hằng tuần vào các ngày Chúa Nhật, để giúp các em phân định ơn gọi: Tình Yêu, Gia Đình và Công Việc. Đặc biệt với ơn gọi Dâng Hiến, đã có hàng chục em nam cũng như nữ, sau khi tốt nghiệp đã đăng ký vào các dòng tu và chủng viện. Về ơn gọi Kitô hữu, nhà trường chúng con đã tổ chức lễ lãnh nhận các Bí Tích gia nhập đạo cho 05 sinh viên. Những em này hiện nay đang sống là những người Công Giáo rất tốt.

(2). Vận dụng thứ hai, trong khoa nghề Du Lịch. Các học sinh – sinh viên tại khoa nghề này được đào tạo để trở thành những hướng dẫn viên du lịch, những nhà quản trị tour du lịch trong và ngoài nước. Các em được học hỏi những điểm quan trọng của Tông Huấn Laudato Sí về “sáng tạo là một món quà thiêng liêng và quý giá của Thiên Chúa được mọi người nam nữ quý trọng”. Được học hỏi về sự “chăm sóc thiên nhiên”. Để khi các em thực hành nghề hướng dẫn du lịch của mình. Chính các em cảm nhận được món quà thiêng liêng một cách sâu sắc nhất, và sẻ chia cho mọi người xác tín của mình. Đồng thời biết quảng bá tinh thần “chăm sóc thiên nhiên” mà Đức Thánh Cha Phanxico đã dạy.

Con xin đưa một thông tin: Trong ngày Chúa Nhật 05/05/2019 vừa qua, trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc được vinh dự đón tiếp Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski là Sứ Thần Tòa Thánh tại Singapore kiêm đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam đã đến thăm trường. Các em sinh viên của trường đã đặt câu hỏi về tông huấn mới nhất Christus Vivit của Đức Thánh Cha. Đức Tổng Giám Mục đã trình bày cách tóm tắt và cụ thể để các em biết “sống giây phút hiện tại” và tận hưởng món quà nhỏ của cuộc sống với lòng biết ơn như “Đức Kitô sống”.

Website trường cao đẳng Hoà Bình Xuân Lộc: https://caodanghoabinhxuanloc.edu.vn/

Mái ấm của tình yêu, mái nhà đầy ân phúc


Luật xưa dạy rằng chớ ngoại tình,
và hình phạt dành cho người đàn bà ngoại tình là bị đem ra ném đá,
“cho chừa cái thứ đàn bà lẳng lơ”.
Trong khi cái gã đàn ông thì vẫn nhởn nhơ,
luật pháp là vậy, kết án hành động,
chứ nếu chỉ nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì có sao đâu.

Cho dù thực tế trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi
cái kẽ hở của luật là dung túng cho những kẻ ăn vụng khéo chùi mép
cho cái thời trọng nam khinh nữ.

Trong dân Chúa mà cũng tồn tại thứ luật lệ lạ đời.
Người đàn ông hễ muốn là có thể rẫy vợ,
Ai rãy vợ chỉ cần cho vợ chứng thư ly dị,
Và nàng có thể lấy chồng tiếp…
Vì thế mới có chuyện người phụ nữ Samaria qua tay tới năm đời chồng.

Đấy là chuyện đời xưa,
chỉ vì các ông lòng chai dạ đá mà Môi-sê phải cho phép các ông rẫy vợ,
chứ thuở ban đầu không có thế đâu (Mt 19,8).
“Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán :
“vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,
và cả hai sẽ thành một xương một thịt…
vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly. (Mt 19,5-6).


Như thế,
Theo ý định và trong quyền năng của Thiên Chúa tạo hóa,
Đời sống vợ chồng an vui hạnh phúc đến lạ thường.
Bởi lẽ nếu Thiên Chúa đã kết hợp,
thì chính Người cũng nâng niu và chăm sóc 2 anh chị trong tình yêu của Người.
Điều kiện để gia đình hạnh phúc cuối cùng là buông mình trong Thiên Chúa thôi.

Mấy ngày qua, được cha xứ Bạch Xa, người tự nhận là cha xứ chân đất,
Dẫn tôi làm quen với một mái nhà lương dân, trong phạm vi thuộc giáo xứ của Ngài.

Giữa vùng sơn cước xa xôi:
Gia đình này có mặt không xa mọi người là mấy mà cứ như thuở hồng hoang :
người chồng mang hai dòng máu Kinh-Tày, dở người;
chị vợ thuộc tộc Mán, cách Bạch Xa cả hơn trăm cây số, có vẻ dở hơi,
chàng dở người gặp nàng dở hơi, trong một bữa tiệc, cũng có chút mai mối,
khi đôi trai gái đã bén duyên rồi thì chỉ cần 2 mâm ra mắt họ hàng đàng trai,
và họ đã nên vợ nên chồng.

Ai cũng tưởng cuộc sống của anh chồng dở người với cô vợ dở hơi sẽ chẳng êm thắm.
Ngược lại, cho mãi đến hôm nay,
anh rất thương vợ và các con.
Vợ cũng tươi vui với chồng, dịu dàng với con cái.
Con cái, 3 chú bé, cứ như 3 con trâu đất, khỏe mạnh, hồn nhiên, quấn quít bên cha mẹ.


Một mái nhà nồng ấm làm cho khách lạ phải ngỡ ngàng.
Chị nói không sõi tiếng Việt, nói rằng chồng mình ác lắm.
Nhưng khi hỏi ác là sao? Có chửi vợ đánh con không- thì chị trả lời là không!
Lâu lâu cũng uống vài bữa rượu với bạn bè, mặt nhìn có vẻ dữ nhưng bụng vẫn hiền hòa.
Chị nói mình cũng ác lắm – ác là sao, có cãi nhau hay đánh đập con cái không – cũng không!
Chỉ khi nào mấy đứa con nít tới nghịch phá quá thì chị đuổi đi thôi.

Ôi cái ác của một con tim hiền lành dịu dàng là vậy.
Nhìn ngôi nhà rách nát, trống trước trống sau,
Giường ngủ với bếp núc sát sườn.
Khi hỏi gia đình làm gì để sống,
Anh chỉ tay lên núi, còn chị chỉ mấy gốc cam chanh trước mặt.

Thực ra lên núi cũng không dễ, làm mướn với một anh dở người chả được là bao,
Có tiền anh mua gạo, lâu lâu dư chút đỉnh đưa chị dằn túi mua bánh trái cho các con.
Bữa ăn hằng ngày, đơn giản thôi, chị nấu nồi cơm để đó, hễ ai đói thì cứ việc thò tay bốc ăn,

Ba bé trai cũng vậy, tự mở nồi cơm và bốc ăn tùy thích.
Chậu chén đũa coi như dư thừa, để trẻ lấy đùa nghịch.
Mái nhà bề ngoài rách nát, lạnh lẽo, nhưng trong tim mỗi người là ngọn lửa hồng,
chẳng có gì để hờn trách, không có chỗ cho những câu nói nặng nhẹ.

Đúng theo ý định của Thiên Chúa :


Từ ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ…
Và cho mãi tới hôm nay, người nam lìa cha mẹ mà quyến luyến vợ mình
Mối tình này, Vợ chồng con cái sớm hôm vui vầy,
Dưới xuôi dễ gì gặp được.
Một mối tình được Thiên Chúa kết hợp, nâng niu và nuôi dưỡng từng ngày.
Do đó, dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu thì cũng chẳng gì có thể phân ly.

Để góp cho mái nhà thêm ấm, Caritas giáo phận cũng có phần gạo hàng tháng;
Rồi một cha già đang ở nhà hưu,
sẽ cùng với giáo xứ và giáo dân Bạch Xa, dựng lại ngôi nhà cho tươm tất,
để giữa đất trời và ngay trong mái nhà này,
tràn ngập tiếng reo vui của Thiên Chúa giầu lòng thương xót.

MM Tân, SJ.

Cuộc sống chứng nhân của một gia đình ở Rumani với 10 người con

IMG-20190516-WA0005aemOK.jpg

Một cặp vợ chồng người Ý, có mười con, sống tại Rumani trong 10 năm; làm chứng cho sức mạnh của tha thứ và niềm hy vọng.

Từ đổ vỡ trong hôn nhân đến chứng nhân niềm hy vọng và tha thứ

Từ cuộc chia ly đến việc gặp gỡ với Chúa Giêsu và cuối cùng là sứ vụ ở Rumani. Người ta có thể tóm tắt cuộc sống hôn nhân của Sandro và Rita Nori như thế. Họ là một cặp vợ chồng đến từ Ascoli Piceno với 10 người con, và hiện này là những nhà truyền giáo ở Rumani trong vùng Transulvania.

Ông Sandro chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi đã ở đây gần 10 năm, chúng tôi luôn cảm thấy trong tâm hồn lời tạ ơn Thiên Chúa về nhiều lý do. Trước hết, một điều đặc biệt đó là việc Chúa đã xây dựng lại cuộc hôn nhân của chúng tôi, bởi vì vợ tôi và tôi đã từng chia tay nhau. Đó là khoảng thời gian hai năm đầy khó khăn. Nhưng rồi qua việc lắng nghe giáo lý và kinh nghiệm của Con đường Tân dự tòng, cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, từng bước dẫn chúng tôi xích lại gần nhau”.

Sandro nói tiếp: “Giai đoạn đó chúng tôi vẫn chưa có con, thực sự chúng tôi cũng không muốn, chúng tôi đóng mình với cuộc sống. Chúng tôi có nhiều kế hoạch, chúng tôi có nhiều ý tưởng cho việc du lịch. Nhưng Chúa đã thay đổi cuộc sống chúng tôi, Ngài cũng thay đổi lối suy nghĩ, mối tương quan, lối sống của chúng tôi. Một cuộc sống hoàn toàn khác với cuộc sống trước đây”.

Kinh nghiệm lòng biết ơn dẫn đến dấn thân truyền giáo

Bà Rita tiếp lời chồng: “Chính từ kinh nghiệm của lòng biết ơn mà nảy sinh kinh nghiệm ra đi truyền giáo. Chúa đã kêu gọi chúng tôi trong lúc chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Khi chúng tôi chia tay, tôi cảm thấy bị đổ vỡ thực sự trong tâm hồn. Tôi nhớ lại lúc đó tôi chỉ muốn “loại” chồng tôi, từ bỏ cuộc hôn nhân của chúng tôi ra khỏi cuộc sống. Và chính trong lúc đó tôi đã gặp được Chúa Giêsu Kitô. Chúa đã chạm vào tâm hồn tôi. Chúa đã cho tôi ân sủng tha thứ và cảm nhận được yêu thương. Tuyệt đối tôi không muốn có con, đối với tôi một đứa là quá rồi. Chúng tôi có một cửa hàng quần áo trong thành phố và tôi làm việc ở đó suốt ngày, và như thế con cái là một sự cản trở lớn cho công việc của tôi. Tôi đã thấy Chúa cùng với sức mạnh của Ngài bước vào cuộc sống của chúng tôi và Ngài đã làm đảo lộn mọi sự”.

Tại Rumani hai vợ chồng chứng kiến nhiều trẻ em bị bỏ rơi. Có nhiều tổ chức đã ra tay đón tiếp các em. Từ từ Chúa đã làm lớn lên trong tâm hồn họ ý muốn chung tay thực hiện việc bác ái này. Họ đã nhận con nuôi đầu tiên. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng ông Sandro và bà Rita luôn sống chứng nhân một cách cụ thể qua cuộc sống hy vọng. Hy vọng đó là khả năng tiến bước khi có thể và chính Chúa tiếp sức. Cả hai không phải là những “siêu nhân”; họ sống đơn giản như những cặp vợ chồng khác, nhưng một cuộc sống chứng nhân của tình yêu và hy vọng.

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

ĐTC Phanxicô giới thiệu sách “YOUCAT for Kids. Giáo lý Công giáo cho Trẻ em và cha mẹ”

YOUCAT for Kids. Giáo lý Công giáo cho Trẻ em và cha mẹ

YOUCAT for Kids là sách Giáo lý mới dành cho trẻ em tuổi từ 8 đến 12, mục đích chuẩn bị cho các em Rước lễ Lần đầu và lãnh nhận Bí tích Thêm sức.

Sách do Hội đồng Giáo mục Áo thực hiện và được Hội đồng Toà thánh Tái Truyền giảng Tin Mừng phê duyệt; Hội đồng Tòa thánh Tái Truyền giảng Tin Mừng là cơ quan được ĐTC ủy thác thẩm quyền về giáo lý. Nội dung của sách Giáo lý mới dành cho trẻ em bao gồm giáo lý căn bản đức tin Giáo lý của Giáo hội Công giáo, nhưng được trình bày với một ngôn ngữ phù hợp cho trẻ em cùng với hình ảnh đầy màu sắc và hấp dẫn.

Công trình được thực hiện dưới dạng câu hỏi và câu trả lời; thỉnh thoảng có phần in đậm trình bày nội dung đức tin phù hợp với khả năng hiểu biết của trẻ em, đồng thời được Giáo hội cho phép.

Phần dưới mỗi trang có những thông tin dành cho cha mẹ, giáo lý viên và nhà giáo dục, khuyến khích họ suy nghĩ tạo thuận lợi cho việc đối thoại về các đề tài đức tin giữa người lớn và trẻ em. Ngoài ra YOUCAT for Kids còn là một cuốn sách chỉ dẫn về các chủ đề và phân tích, nhờ đó những ai quan tâm có thể dễ dàng tìm thấy các tài liệu cho những điểm cụ thể.

Tại Rôma, thứ sáu 24/5 sách có thể tìm thấy ở các hiệu sách San Paolo với giá khởi điềm là 12,90 euro.

Hội nghị các Hội Truyền giáo Giáo hoàng bắt đầu từ 27/5

Hội nghị các Hội Truyền giáo Giáo hoàng năm 2018 tại Zambia
Hội nghị các Hội Truyền giáo Giáo hoàng năm 2018 tại Zambia 

Các giám đốc của Hội Truyền giáo Giáo hoàng từ các châu lục cùng với chủ tịch và tổng thư ký của Bốn Hội Truyền giáo Giáo hoàng sẽ họp đại hội thường niên tại Roma từ thứ Hai 27/5 – thứ Bảy 1/6 tới đây.

Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo là một mạng lưới toàn cầu để hỗ trợ việc phục vụ của Đức Thánh Cha cho các Giáo hội trẻ và các xứ truyền giáo bằng lời cầu nguyện và việc bác ái.

Trong chương trình làm việc 6 ngày có những buổi thảo, thuyết trình, luận nhóm về các đề tài truyền giáo cũng như nghe báo cáo từ ĐHY Fernando Filoni, Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc. Hội nghị cũng sẽ được Đức Thánh Cha tiếp kiến. Ngày 30/5, Hội nghị sẽ bàn đặc biệt về báo cáo và dự toán liên quan đến vấn đề tài chính trong việc hỗ trợ các dự án gởi về cho Các Hội Truyền giáo Giáo hoàng. Vấn đề “bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội” cũng sẽ được trình bày và thảo luận tại Đại hội. (Agenzia Fides, 24/5/2019).

Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn: Bế giảng năm học 2018-2019


WGPSG -- “Tác viên Tin Mừng cần hiệp nhất trong vấn đề cốt yếu, linh động trong vấn đề phụ thuộc và bác ái trong tất cả"

Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng (Đức Giám quản) đã nhắn nhủ các học viên Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn như thế, khi ngài chia sẻ Tin Mừng trong Thánh lễ Bế giảng năm học 2018-2019 của Học viện.

Thánh lễ được cử hành vào lúc 18g30 thứ Sáu 24.5.2019 tại nhà nguyện cổ trong Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn (TTMV SG) - do Đức Giám quản chủ tế . Đồng tế với ngài có các linh mục giảng huấn thuộc TTMV SG. Đến hiệp dâng Thánh lễ có các giảng viên và học viên của Học viện. 

Trong bài giảng lễ, Đức Giám quản nhắn nhủ các học viên, đặc biệt là những người của các lớp Tác viên Tin Mừng: “Trước hết, Tác viên Tin Mừng phải là người biết Giáo hội, yêu mến Giáo hội và phải làm cho người khác cũng biết và yêu mến Giáo hội. Khi loan báo Tin Mừng, các tác viên Tin Mừng cần hiệp nhất trong vấn đề cốt yếu, linh động trong vấn đề phụ thuộc và quan trọng nhất là bác ái trong tất cả.”

Nối tiếp, ngài hướng dẫn các học viên cách phân định vấn đề bằng 3 giai đoạn. Đây cũng là nguyên tắc phân định vấn đề của Giáo hội, dựa theo lời Chúa trong câu chuyện 2 môn đệ trên đường Emmau; đó là: Nhận biết vấn đề, Làm sáng tỏ dưới ánh sáng Lời Chúa, và Chọn lựa.

"Đầu tiên, hãy nhận biết vấn đề bằng cách lắng nghe, như Chúa Giêsu đã hỏi và lắng nghe 2 môn đệ trong suốt hành trình.

Thứ hai, làm sáng tỏ vấn đề dưới ánh sáng Lời Chúa. Chúa Giêsu đã dùng Lời Chúa đã được ghi chép, để giảng giải cho các ông hiểu Ngài phải chịu chết và đã phục sinh như thế nào.

Cuối cùng là chọn lựa. Sau khi hiểu ra sự việc, lập tức các ông quyết định trở về Giêrusalem. Đó cũng là quyết định các học viên cần đưa ra, sau khi đã phân định vấn đề qua hai giai đoạn trên."

Cuối Thánh lễ, Đức Giám quản đã trao chứng chứng chỉ hoàn thành khóa học cho các học viên của các lớp Ký xướng âm 3, Thanh nhạc 3, Đệm đàn 4, Thánh Kinh 100 tuần trọn khóa, Tác viên Tin Mừng 1A & B. Đặc biệt, Học viện Mục vụ còn tuyên dương 2 đôi vợ chồng và 1 cặp mẹ con đã cùng nhau tham dự các khóa học dưới ánh sáng Lời Chúa.


Thánh lễ kết thúc lúc 19g30. Sau đó, mọi người tham dự đã có buổi tiệc nhẹ và giao lưu văn nghệ thân tình tại căn-tin của Trung tâm Mục vụ

Bửu Nguyên -  Paul Minh Thể - Nhóm Media TGP.SG

Đức Maria trong văn hóa Việt nam

Cộng đoàn giáo xứ Yên Kiện hân hoan đón mừng Mẹ thánh du
 về với giáo xứ, Chiều thứ Năm ngày 23/5/2019
Ảnh: WTGP.Hà Nội

Nét đặc trưng của loại hình văn hóa Việt Nam gốc nông nghiệp (lúa nước), sống phụ thuộc vào thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên, hòa mình với thiên nhiên và đề cao Mẫu tính (tình cảm). Dù muốn hay không, trong “vô thức” của Người Việt luôn thao thức có một người mẹ, người mẹ đó có quyền có phép, gần gũi, có thể lắng nghe những khát vọng và đáp ứng được các nhu cầu tâm linh của họ. Nên tại Việt nam, chúng ta không lạ gì đã thấy xuất hiện rất sớm một loại tín ngưỡng thờ “Mẫu”.

Dọc theo suốt chiều dài của đất nước, đâu đâu cũng thấy xuất hiện những Đền, những Phủ thờ Mẫu: Mẫu Liễu Hạnh, Đền Bà Chúa Kho, Chùa Thiên Mụ, Đền Bà Chúa Xứ, Núi Bà Đen… thậm chí Bồ Tát Quán Thế Âm ở bên Ấn Độ vốn là một “Nam Thần”, nhưng sau khi sang đến Việt nam đã bị “Mẫu hóa” để trở thành Quan Âm Thánh Mẫu; Những nhân vật đó đôi khi chỉ là biểu tượng (huyền thoại) mà thôi.

Trong bối cảnh đó, rất may mắn cho người Kitô hữu Việt Nam chúng ta có một người mẹ, người mẹ đó không phải là huyền thoại, thần tiên hay tưởng tượng, mà là người mẹ lịch sử: “Mẹ Maria”. Mẹ là một con người trọn vẹn, Mẹ cũng có gia đình, sống đời hôn nhân; Mẹ cũng trải qua biết bao nhiêu khó khăn thử thách trong gia đình, đời sống đức tin… Từ ngày thiên thần Gabrien truyền tin (bị hiểu lầm), sinh con trong hang đá (khó khăn thiếu thốn), dâng con trong đền thờ (tiên báo về sứ mạng hiệp công với Chúa), trốn sang ai cập, lạc mất con ba ngày, … theo Con trên đường Thánh Giá, cuối cùng Mẹ vẫn hiên ngang đứng dưới chân Con chịu Tử hình. Đó là thử thách lớn nhất, tột cùng nhất, mà chắc chắn chưa có một bà mẹ trần gian nào có thể sánh bằng, Mẹ xứng đáng là Nữ Vương các thánh Tử Đạo.

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Mẹ vẫn luôn sống “Đức tin”, nhận ra và thi thành thánh ý Chúa. Vì thế, Thiên Chúa đã ban cho Mẹ những đặc ân: Vô Nhiễm Nguyên Tội, Trọn Đời Đồng Trinh, Thánh Mẫu Của Thiên Chúa, Hồn Xác Lên Trời… và Mẹ còn là Đấng trung gian ban phát mọi ân sủng.

Người Kitô hữu Việt Nam chúng ta có lòng tôn kính Mẹ Maria rất đặc biệt, sốt sắng cách riêng trong mỗi tháng Hoa về và các ngày lễ của Mẹ. Các Xứ Đạo đâu đâu cũng nô nức các sinh hoạt: tập hoa, dâng hoa, rước kiệu sầm uốt, thu hút hàng mấy chục ngàn người (như ở La Vang). Nhiều hội đoàn mang tên Đức mẹ: hội Legio, hội Mân côi, hội tận hiến cho Đức mẹ… với nhiều hoạt động bổ ích nhằm nuôi dưỡng đức tin cho con cái Chúa.

Một điều lạ so với các giáo phận khác, tại Bắc Ninh nhiều nơi vẫn thường xuyên dâng hoa kính Đức Mẹ khi không phải là tháng hoa. Không một nhà thờ nào mà không có tượng Đức Mẹ, Đài Đức Mẹ để tôn kính và rất nhiều Nhà thờ được dâng kính cho Đức Mẹ nữa.

Khác với tín ngưỡng thờ Mẫu, đến với Mẹ Maria không phải là đích điểm, mà Mẹ Maria là một con đường gần và ngắn dẫn mọi người đến với Chúa. Thiên Chúa thì quyền năng, khôn ngoan, nhưng khi đến với nhân loại, Ngài cũng đã chọn con đường Maria, chắc chắn con đường đó không phải là ngẫu nhiên.

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều nơi Đức Mẹ đã hiện ra và với biết bao phép lạ cả thể, thu hút hàng triệu khác hành hương mỗi năm: Lỗ Đức, Fatima … tại Việt Nam: Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Trà Kiệu, Đức Mẹ Fatima Bình Triệu…

Tại Fatima năm 1917, Đức Mẹ đã mời gọi chúng ta: để thế giới có hòa bình, chiến tranh chóng chấm dứt, nhiều linh hồn được cứu rỗi, hãy thực hiện ba mệnh lệnh: ăn năn đền tội, tôn sùng Mẫu Tâm, siêng năng lần hạt Mân Côi. Cách đây hơn một trăm năm rồi mà lời mời gọi ấy vẫn đang mang tính thời sự: chiến tranh vẫn đang đe dọa sự sống của con người bằng những phương tiện vũ khí thật khủng khiếp, nhất là ngày nay người ta đang bỏ Chúa rất nhiều và bán linh hồn cho ma quỉ… Từ khi ba trẻ được thị kiến hỏa ngục, cuộc đời ba trẻ thay đổi hoàn toàn, thương các linh hồn, suốt ngày tìm cách ăn chay cầu nguyện cho họ khỏi bị hư mất đời đời.

Lần hạt Mân Côi là một phương thế cầu nguyện dễ dàng, hiệu quả, gần gũi và quen thuộc với tất cả mọi người, dù trí thức hay bình dân. Nhờ đó đã nuôi dưỡng đức tin cho con cái Chúa từ ngàn xưa đến ngày nay, nhất là trong những thời kỳ bách hại.

Nếu chúng ta để ý, bất cứ nơi nào, xứ nào, gia đình nào, người nào có lòng tôn kính Đức Mẹ đặc biệt thì nơi đó rất sầm uất và đạo đức. Hình ảnh của người mẹ luôn là biểu tượng cho sự phong nhiêu, phú túc. Trong Kinh Dịch: quẻ Càn (vi Thiên), quẻ Khôn (vi Địa); quẻ Khôn luôn ứng với người Mẹ, lòng của người mẹ như mặt đất, luôn gần gũi, mở ra ôm ấp tất cả, ngay cả những cái tầm thường hay cái nhơ bẩn nhất trong cuộc đời; Nhưng tất cả sự sống đều phát sinh trên mặt đất: “Vô danh thiên địa chi thủy, hữu danh vạt vật chi mẫu” (Đạo Đức Kinh-Lão Tử). Trên mặt đất này thử hỏi có một ngày nào không có người mẹ, vắng bóng người mẹ, thì thế giới này thì sẽ ra sao?

Nhân loại chúng ta đón nhận ơn cứu độ từ mầu nhiệm thập giá, nhưng không thể quên người kết hợp với mầu nhiệm ấy, cộng tác với mầu nhiệm ấy là Mẹ Maria. Không một nỗi cô đơn nào của con người lớn bằng khi đứng trước cái chết, giây phút đó rất cần có một người thân hiện diện ở bên, càng thân bao nhiêu sự yêu ủi càng lớn bấy nhiêu; và còn gì hạnh phúc hơn khi Chúa Giêsu hấp hối có Mẹ mình ở cùng.

Chúng ta thường thấy, tại sao những người đau khổ luôn chạy đến với Mẹ, và được an ủi rất nhiều. Vì đã Mẹ từng trải qua biết bao đau khổ, có kinh nghiệm sống đức tin trong những đêm đen và Mẹ đã vượt qua được những thử thách đó, nên Mẹ dễ dàng thấu hiểu và cảm thông.

Cám ơn Chúa, người Kitô hữu chúng ta đến với Chúa luôn có Mẹ đồng hành, vì trẻ nhỏ nên Mẹ trang điểm cho ta bằng các nhân đức, chẳng một người con nào khi thấy người ta yêu mến mẹ mình là lại nghen tức, yêu mến mẹ chắc chắn sẽ làm đẹp lòng Chúa hơn ai hết.

Barnaba M.Nguyễn Văn Phú, CRM

Giáo hội Philippines nói "KHÔNG" với việc áp dụng lại án tử hình

Án tử hình

Án tử hình chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là giải pháp hoặc có tác dụng răn đe tội phạm.

MANILA. Giáo hội Công giáo ở Philippines phản đối việc khôi phục lại hình phạt tử hình trong hệ thống pháp luật của đất nước. Điều này đã được phát biểu trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo. Lãnh đạo giáo dân Công giáo Rodolfo Diamante, thành viên của Ủy ban Giám mục về chăm sóc mục vụ nhà tù, lưu ý rằng “các nhà lập pháp không nên phê chuẩn luật chỉ để làm hài lòng tổng thống Rodrigo Duterte”. Cuộc tranh luận về việc áp dụng lại án tử hình có thể nổi lên lại sau khi Tổng thống Duterte giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ gần đây: các ứng viên ủng hộ tổng thống đương nhiệm đã giành được 9 trong số 12 ghế, ba ghế khác thuộc về các ứng viên độc lập.

Chủ tịch Thượng viện Philippines, Vicente Sotto III, nói rằng: “việc áp dụng lại án tử hình đối với một số tội nghiêm trọng là một khả thể thực sự, vì một số người ủng hộ ông Duterte đang chuẩn bị vào Thượng viện”. Với việc có thêm 9 thượng nghị sĩ ủng hộ tổng thổng Duterte, quốc hội sẽ có 24 thượng nghị sĩ nằm dưới sự kiểm soát của ông.

Một trong những đề xuất gây tranh cãi nhất của tổng thống Duterte là giới thiệu lại án tử hình. Philippines tuyên bố án tử hình là bất hợp pháp vào năm 1987, rồi được áp dụng lại sáu năm sau đó và vào năm 2006 đã bãi bỏ một lần nữa. Hai thành viên mới được Thượng viện bầu chọn đã công khai bày tỏ ủng hộ án tử hình.

Theo ông Diamante “án tử hình chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là giải pháp hoặc có tác dụng răn đe tội phạm. Hơn nữa, nó là một biện pháp chống lại sự sống, chống lại người nghèo, những người không có đủ phương tiện để tự bảo vệ mình trước tòa, và không gì khác hơn ngoài việc mài giũa cho văn hóa bạo lực đang thịnh hành trong đất nước”. Ông Diamante kết luận: “Người dân Philippines xứng đáng với điều gì đó tốt hơn”. (Agenzia Fides, 23/5/2019)

Văn Yên, SJ

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

Tin Mừng Chúa nhật 6 Phục Sinh - Năm C

26-05-–-chua-nhat-vi-phuc-sinh-c

Phúc Âm: Ga 14, 23-29
"Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin".

Giáo xứ Cầu Lớn: Thánh lễ Thêm Sức



ĐGM Louis Nguyễn Anh Tuấn - Giám mục phụ tá TGP Sài gòn - đã ban phép Thêm Sức cho 32 em thiếu nhi giáo xứ Cầu Lớn, hạt Hóc Môn. Đồng tế với ĐGM Louis có Lm Chánh xứ Giuse Nguyễn Trí Dũng, Lm Anrê Trần Minh Thông, Lm Đaminh Đỗ Văn Bình và Lm Phêrô Phạm Văn Bộ.

Thánh lễ Thêm Sức và bổn mạng của giáo xứ được diễn ra lúc 16g30 ngày 24/05/2019. Khi bài ca nhập lễ được vang lên, các em rước đoàn đồng tế từ nhà xứ tiến vào nhà thờ. Đầu thánh lễ, đại diện Hội Đồng Mục Vụ và giáo xứ - ông phó trương - nói lời chào đến ĐGM Louis và nói về sự hình thành của giáo xứ với sự giúp đỡ của Đức Mẹ và mọi người trong giáo xứ. ĐGM Louis chào cộng đoàn, Ngài mời gọi cộng đoàn hiệp ý tạ ơn và chúc mừng các em sắp nhận lãnh Bí tích Thêm Sức.

Trong bài giảng, ĐGM Louis mở đầu bằng câu hỏi về Chúa Thánh Thần (chương 5, thánh Phêrô tông đồ gửi tính hữu Galat): ”Còn hoa quả của Thần khí là: mến yêu, vui mừng, bình an, rộng rãi, tốt lành, lương thiện, tín trực, hiền từ, tiết độ. Không có luật nào chống lại các điều ấy.” ĐC Louis giải thích cho các em về hoa trái của Thánh Thần, và nhiều điều giúp các em cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

Sau bài giảng, các em đã xếp thành hai hàng ở lối giữa nhà thờ để bắt đầu nghi thức Thêm Sức. ĐGM Louis đọc tuyên xưng lời hứa khi chịu phép Rửa Tội và đặt tay cầu nguyện cho các em sắp Thêm Sức. Sau đó, lần lượt từng em tiến lên để được ĐGM Louis xức Dầu Thánh lên trán.

Trước khi ĐGM Louis ban phép lành trọng thể cuối lễ, năm em đại diện cho các em vừa được Thêm Sức, đã dâng lời cảm ơn ĐGM Louis, các linh mục đồng tế, linh mục chánh xứ, cảm ơn Ban Giáo lý và phụ huynh.

Để tỏ lòng biết ơn, các em đã dâng lên ĐGM Louis và các linh mục bó hoa tươi thắm. Đáp lại lòng biết ơn đó, ĐGM Louis có chia sẻ với cộng đoàn về sự quan trọng hạnh phúc trong gia đình: “Bữa cơm nói với ba không là: không tivi và điện thoại, không thức ăn nhanh, không la mắng nhau. Các gia đình nên đọc kinh tối cùng nhau, ly hôn trong các gia đình công giáo ngày càng nhiều”, và ĐGM Louis còn kêu gọi mọi người cầu nguyện cho anh em Công giáo ở Trung Quốc đang bị bách hại.

Thánh lễ kết thúc lúc 18g00, sau đó là phần chụp hình lưu niệm chung với các em Thêm Sức.

Dũng Đỗ

Thánh lễ kính Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu và ban bí tích Thêm Sức tại Giáo xứ Cầu Lớn, 24.05.2019 - (Tập ảnh 3)