Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

CHÚC MỪNG LỄ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU - Bổn mạng Giáo khu 3 và Ca đoàn Têrêsa


Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
(1873 – 1897)
Ngày 19 tháng 10 năm 1997, thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu được ĐGH Gioan Phalô II trao tặng danh hiệu Tiến sĩ Hội thánh. Ngài là người trẻ nhất (24 tuổi) trong 3 vị nữ thánh được trao tặng danh hiệu này.[1]
Nhìn vào cuộc đời của chị Têrêsa chúng ta chắc không khỏi ngạc nhiên thắc mắc: “Đâu là điều khiến chị có được danh hiệu ấy?”; bởi cuộc đời chị quá đơn giản và bình thường, chẳng có chi là nổi trội. Thậm chí có người còn nhận xét: “Có lẽ với cuộc đời ấy chị đã chìm vào quên lãng, nếu không để lại cuốn tự thuật ‘Truyện một tâm hồn’ mà chị viết vì vâng phục.”[2]
http://catholicparentnetwork.files.wordpress.com/2012/10/sttheresa.jpgThật vậy, Têrêsa được sinh ra (1873) và được nuôi dưỡng trong một bầu khí đầy mộ đạo của một gia đình truyền thống nước Pháp. Nét mộ đạo truyền thống ấy được biểu hiện qua việc cả 5 chị em gái trong gia đình đều là nữ tu cả. Được hít thở trong bầu khí đạo đức kia, năm 15 tuổi (1888), Têrêsa gia nhập Dòng kín Carmel ở Lisieux. Ở đây, với bầu khí êm ả, lành thánh của tu viện kín, chị sống tiếp 9 năm còn lại của cuộc đời vắn vỏi. Có lẽ biến cố đáng kể nhất trong 24 năm sống mà chúng ta nhìn thấy được nơi chị là 18 tháng cuối đời chị phải chiến đấu với bệnh lao phổi nặng.[3]  
Thế nhưng, sự vĩ đại của một vị thánh đâu hệ ở những biến cố hay những công trạng vang dội, song cốt ở việc họ thuộc về Chúa[4] đến mức nào mà thôi. Chị Têrêsa Nhỏ đã minh chứng cho chân lý ấy cách mạnh mẽ và đầy hồn nhiên bằng những dòng nhật ký của mình. Chị viết xuống ước mơ của chị:
“Phần con, con vẫn một lòng quả cảm muốn làm đại thánh. Con không cậy công con, có đâu mà cậy; con hoàn toàn cậy trông ở Chúa là sức mạnh, là chính sự thánh thiện. Những cố gắng nhỏ nhặt của con cũng làm Chúa vui lòng. Người sẽ nâng đỡ con lên tới Người, Người sẽ lấy công nghiệp cực trọng Người mà bù đắp cho con. Người sẽ làm con nên thánh.”[5]
Không chỉ mơ mộng suôn, Têrêsa còn sống lý tưởng kia trong đời thực bằng những hy sinh, tập rèn nhân đức. Có bận, khi đang giặt đồ, một Soeur cứ làm bắn nước bẩn vào mặt Têrêsa. Têrêsa vô cùng khó chịu. Chị muốn lùi ngay ra, lau mặt như để “giằng mặt” Soeur ấy. Nhưng rồi chị cố nén mình, không tỏ vẻ khó chịu gì hết, và cứ để nước bẩn ấy bắn lên mặt. Chị giải thích nguyên do như sau: “Con là một linh hồn rất nhỏ mọn, chỉ biết dâng lên Chúa những việc rất nhỏ mọn thế thôi. Thật là việc hèn mọn chẳng đáng gì, song đã mang lại cho con được bình an vui vẻ trong lòng.”[6] Một lần khác, khi đang là phụ tá giáo tập, Têrêsa đã “được” các chị em nhà Tập “góp ý” cách thẳng thắn về những khuyết điểm cũng như những điều các chị em ấy không ưa không thích nơi Têrêsa. Têrêsa đã đau khổ gọi nó là“một đĩa rau trộn, trộn rất nhiều giấm và thêm thắt nhiều vị đắng chát… đĩa rau trộn chẳng thiếu gì, chỉ thiếu chất dầu, một chất không có không thành rau trộn, chỉ thành một món chưa có tên gọi.”[7] Đối mặt với “đĩa rau trộn” này, chị Têrêsa lại coi đó như là “cách thức Chúa chăm sóc gìn giữ chị. Chúa chỉ muốn chị phải nén lòng bên trong, phải khiêm nhượng thật trong linh hồn.”
Với những tập rèn nho nhỏ ấy suốt 8 năm ròng trong tu viện, Têrêsa đã có thói quen “mỉm cười trước và trong đau khổ”. Thế nên, trong những ngày tháng cuối đời trên giường bệnh, dù liên tục ho ra máu, dù đau đầu như thể không làm chủ được mình, chị thánh vẫn hằng giữ được nụ cười trên môi. Bởi tận sâu trong thâm tâm mình, chị xác tín một điều rằng: “Một trinh nữ muốn hy sinh cho Tình Ái mà còn ghê sợ chút quà Bạn Thánh gởi cho sao? Lúc nào chịu nổi ngần nào, Bạn Thánh gởi cho ngần ấy, không bao giờ phải lo quá, giả như chốc nữa Người gởi thêm đau đớn, Người cũng sẽ gởi thêm sức chịu đựng. Tuy nhiên, chẳng khi nào con dám xin Chúa gởi cho đau khổ cả thể, vì sức con hèn yếu lắm. Con mà xin như thế, những đau khổ ấy sẽ thuộc về con và riêng sức con phải gánh lấy; nhưng sức riêng con có làm nên trò trống gì bao giờ?”[8]
Như thế đấy, nếu ví cuộc đời chị thánh với một bản nhạc, thì chắc bản nhạc ấy đều đều, buồn buồn, trầm trầm. Song, dường như trong từng nốt nhạc lại chuyên chở rất nhiều tâm ý của người nữ nhạc sĩ Têrêsa. Hay nói khác đi, chị đã thổi được hồn vào trong những chuỗi âm thanh đơn điệu kia. Cái hồn ấy là ao ước nên thánh, là mối tình của chị với Thiên Chúa là Đấng Thánh duy nhất.
Cuộc sống là thế, luôn cần những tâm hồn, luôn cần những tấm lòng. Và sự rung động của tâm hồn này sẽ gợi hứng và làm cho những tấm lòng khác cũng vỗ nhịp theo. Có phải vì thế mà Trịnh Công Sơn đã hát lên đầy xúc cảm rằng: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình, chỉ lặng nhìn không nói năng.”[9] ?

[1] Hai vị khác là: thánh Têrêsa thành Avila (1515-82), và thánh Catarina thành Siêna (1347-80).
[2] David Hugh Farmer, The Oxford Dictionary of Saints, 2nd edition, (Oxford: Oxford University Express, 1987), p. 405.
[4] “Thánh” có nghĩa là: thuộc về Chúa, dành riêng cho Chúa.
[5] Truyện Một Tâm Hồn, quyển 1, chương 4.
[6] Truyện Một Tâm Hồn, quyển 2, chương 10.
[7] Như trên.
[8] Truyện Một Tâm Hồn, quyển 2, chương 12.
[9] Lời ca khúc “Để Gió Cuốn Đi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Bảo Ân, SJ.

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

CHÚC MỪNG LỄ TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICHAEL - Bổn mạng Ban Trật Tự tại Giáo xứ Cầu Lớn

Hình ảnh có liên quan

Trưa Chúa Nhật 24-4-1994, trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005) nhắc lại Kinh cầu cùng Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, do Đức Thánh Cha Lêô XIII phổ biến trong toàn Giáo Hội Công Giáo hồi cuối thế kỷ XIX. Đức Thánh Cha nói:

- Mặc dù ngày nay, Kinh này không còn đọc vào cuối mỗi Thánh Lễ nữa, nhưng tôi mời gọi tất cả anh chị em đừng quên Kinh này, nhưng hãy đọc để được ơn phù trợ trong cuộc chiến đấu chống lại những lực lượng của tối tăm và chống lại thần dữ của thế gian này.

Đức Thánh Cha Lêô XIII làm Chủ Chăn Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ trong vòng 15 năm từ 1878 đến 1903. Nguồn gốc lời Kinh cầu cùng thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae do Đức Lêô XIII soạn, được Cha Domenico Pechenino, thuật lại trong tờ ”Ephemerides Liturgicae” xuất bản năm 1955.

Vào một buổi sáng (13-10-1884) sau khi dâng Thánh Lễ nơi nhà nguyện riêng, Đức Thánh Cha Lêô XIII còn quỳ lại vừa tham dự Thánh Lễ do một Linh Mục cử hành tiếp theo đó vừa đọc kinh tạ ơn theo thói quen ngài vẫn làm. Bỗng chốc, người ta trông thấy Đức Thánh Cha ngẩng hẳn đầu lên nhìn đăm đăm một vật gì đó bên trên đầu của vị Linh Mục đang dâng Thánh Lễ. Đức Thánh Cha chăm chú nhìn không chớp mắt. Diện mạo ngài thay đổi khác thường, lúc thì tỏ lộ nỗi kinh hoàng khủng khiếp, lúc lại diễn tả niềm vui mừng thán phục. Một điều gì đó vừa lạ kỳ vừa cao cả đang diễn ra trước mắt vị Giáo Hoàng.

Cuối cùng, như sực tỉnh trở về với chính mình, Đức Lêô XIII vừa nhẹ nhàng vừa cương quyết, chống tay và đứng thẳng người lên. Ngài bái gối rồi bước ra khỏi nhà nguyện đi thẳng về phòng làm việc. Mọi người trong phủ giáo hoàng có mặt sáng hôm đó, lo lắng đi theo Đức Thánh Cha và hỏi:

- Thưa Đức Thánh Cha, có phải là Đức Thánh Cha cảm thấy mệt không? Đức Thánh Cha có cần gì không?

Đức Lêô XIII trả lời nhanh:

- Không! Không cần gì hết!

Nửa giờ sau, Đức Giáo Hoàng truyền gọi vị thư ký của Bộ các Nghi Lễ đến, trao cho một tờ giấy, truyền phải in ra và gửi cho tất cả các Giám Mục trong Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới. Tờ giấy này chứa đựng điều gì? Thưa đó là 2 Kinh, vị Linh Mục phải đọc cùng với toàn cộng đoàn dân Chúa, sau Thánh Lễ. Đức Thánh Cha Lêô XIII muốn rằng, sau Thánh Lễ, vị Linh Mục quỳ dưới chân bàn thờ, bắt đầu đọc 3 kinh Kính Mừng, 1 kinh Lạy Nữ Vương, rồi đọc ”Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con. Đáng chịu lấy những sự Đức Chúa GIÊSU KITÔ đã hứa”.. Rồi đọc kinh thứ nhất:

- Lạy Chúa là Đấng Bàu Chữa cùng là Thần Lực chúng con, xin Chúa ái tuất đoái thương, mà nhậm lời dân Chúa đang kêu thấu Chúa; và cậy vì Đức Nữ Đồng Trinh MARIA hiển vang và khiết tịnh, Đức Mẹ Chúa Trời, cùng vì Thánh Cả GIUSE, Bạn Thánh Người, và hai thánh Tông Đồ Chúa Phêrô và Phaolô, cùng các thánh nguyện giúp cầu thay, thì chúng con mới dám xin Chúa lân mẫn nhân từ khấng nhậm lấy những lời chúng con cầu khẩn nguyện xin, cho kẻ có tội được biết đàng ăn năn trở lại, cho Hội Thánh là Mẹ chúng con được tự do an bình thịnh trị. Vì công nghiệp Đức Chúa GIÊSU KITÔ là Chúa chúng con. Amen.

Lời Kinh thứ hai cầu cùng Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae:

- A Thánh Micae Tổng Lãnh Thiên Thần, xin tiếp giúp chúng con trong cơn hiểm chiến; lại xin hộ vực cho chúng con lướt thắng mưu sâu chước hiểm của ác quỉ tà ma. Chúng con sấp mình cúi nguyện xin Đức Chúa Trời giam cầm chế trị nó, cùng xin Tổng Lãnh Đạo Binh Thiên Quốc, thừa chưng thần oai thánh lực Chúa Trời, mà hạ ngục cấm cố Satan cùng các quỉ dữ đang rảo quanh thế giới mà nhiễu hại linh hồn thiên hạ. Amen.

Đến thời Đức thánh Giáo Hoàng Pio X (1903-1914), ngài truyền đọc thêm ba lần:

- Chúng con kính lạy Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa GIÊSU. Xin hãy thương xót chúng con.

... Có điềm lớn xuất hiện trên trời: một Người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên 12 ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con. Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một con rồng lớn, đỏ như lửa, có 7 đầu và 10 sừng, trên 7 đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi con rồng đứng chực sẵn trước mặt Người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi Bà sinh xong là nó nuốt ngay Con Bà. Bà đã sinh được một Người Con, một Người Con Trai, Người Con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con Bà được đưa ngay lên THIÊN CHÚA, lên tận ngai của Người. Còn Người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó THIÊN CHÚA đã dọn sẵn cho Bà một chỗ ở, để Bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày.

Bấy giờ có giao chiến trên Trời: Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và các Thiên Thần của Người giao chiến với con Mãng-Xà. Con Mãng-Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên Trời nữa. Con Mãng-Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ. Nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó. Và tôi nghe có tiếng hô to trên Trời:

”THIÊN CHÚA chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức KITÔ của Người, giờ đây cũng biểu dương quyền bính” (Khải Huyền 12, 1-10).

(Gabriele Amorth, ”Un esorcista raconta”, E. Dehoniane, 1991, trang 35-38)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Tin Mừng Chúa nhật 26 thường niên - Năm B

-3009-cha-nht-26-thng-nin-b

PHÚC ÂM: Mc 9, 37-42. 44. 46-47
"Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y". Nhưng Chúa Giêsu phán: "Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn. "Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt".

Thư Mục vụ của HĐGMVN sau Hội nghị thường niên kỳ II/2018

Thư Mục vụ của HĐGMVN sau Hội nghị thường niên kỳ II/2018
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
THƯ MỤC VỤ 2018
Anh chị em thân mến,
Chúng tôi, các Giám mục thuộc 26 Giáo phận, tham dự Hội nghị thường niên kỳ II-2018 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho, xin gửi đến anh chị em lời chào thân ái trong Chúa Giêsu Kitô. Qua thư này, chúng tôi xin gửi tới anh chị em một vài thông tin và định hướng mục vụ.
1. Ngày 21 tháng 5 năm 2018, Phòng báo chí Tòa Thánh loan tin Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng giám mục Marek Zalewski làm Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, kiêm Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Đức Tổng giám mục Marek Zalewski gia nhập ngành ngoại giao của Tòa Thánh từ năm 1995 và đã phục vụ tại nhiều nhiệm sở khác nhau trên thế giới, trước khi nhận nhiệm vụ tại Singapore và tại Việt Nam.
Nhân dịp Hội nghị thường niên kỳ II-2018 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, ngày 24-9-2018, chúng tôi vui mừng đón tiếp vị tân Đại diện Tòa Thánh. Thay mặt Dân Chúa tại Việt Nam, chúng tôi đã bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô đã luôn quan tâm đến đoàn chiên nhỏ bé tại Việt Nam và gửi đại diện của ngài đến đồng hành. Chúng tôi hy vọng sự hiện diện của vị Đại diện Tòa Thánh sẽ góp phần gia tăng sự hiểu biết giữa Chính phủ Việt Nam và Tòa Thánh, củng cố mối hiệp thông của Hội Thánh Việt Nam với Hội Thánh phổ quát, cũng như thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu trên quê hương đất nước chúng ta.
2. Như đã trình bày trong Thư Chung 2016, Hội Thánh Việt Nam tập trung vào chủ đề Mục vụ gia đình trong ba năm (2016-2019) với những điểm nhấn cho từng năm. Trong năm 2018-2019, chúng ta được mời gọi đồng hành với các gia đình gặp khó khăn. Chúng tôi muốn nhắc lại ở đây những nét căn bản trong Thư gửi các gia đình Công giáo năm 2016:
Chúa Giêsu một đàng đưa ra lí tưởng rất cao cả về đời sống hôn nhân và gia đình; đàng khác, Người chạnh lòng thương những người đau khổ trong đời sống hôn nhân, như trường hợp người phụ nữ xứ Samaria hoặc người nữ phạm tội ngoại tình. Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chăm sóc mục vụ cho các gia đình, nhất là những gia đình gặp khó khăn. Trong tình hình hiện nay, chúng tôi xin anh chị em lưu tâm đến những hoàn cảnh sau:
Trước hết là các gia đình di dân: ngày nay vì hoàn cảnh kinh tế, rất nhiều gia đình phải rời bỏ làng quê để tìm kế sinh nhai trong những thành phố lớn. Chỉ một số ít thành công, còn đa số gặp nhiều khó khăn trong việc làm ăn, sinh hoạt gia đình, giáo dục con cái. Về mặt đức tin, họ cũng gặp khó khăn trong việc hội nhập cộng đoàn giáo xứ mới. Vì thế, chúng ta phải mở rộng vòng tay đón tiếp, để các gia đình di dân cảm nhận cộng đoàn giáo xứ là nhà của họ, nơi đó đức tin được nuôi dưỡng, lòng mến được vun trồng, và hy vọng được triển nở giữa những khó khăn thử thách.
Kế đến là những cặp hôn nhân khác đạo: trong những gia đình này, có những khó khăn riêng do việc vợ chồng không cùng niềm tin tôn giáo, ảnh hưởng đến việc giữ đạo của người Công giáo cũng như việc giáo dục con cái trong gia đình. Vì thế, chúng ta cần đồng hành và nâng đỡ họ, nhất là giúp người phối ngẫu Công giáo trong đời sống đức tin, để họ có thể làm chứng cho Tin Mừng và giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người trong gia đình, gia tộc và lối xóm.
Cuối cùng là những gia đình bị đổ vỡ: dựa vào giáo huấn của Chúa, Hội Thánh luôn mong muốn các đôi vợ chồng chung thủy với nhau đến trọn đời. Tuy vậy, trong thực tế, nhiều cặp hôn nhân rơi vào tình trạng mâu thuẫn không thể hòa giải và dẫn tới đổ vỡ. Một số người Công giáo rơi vào tình trạng này vì hoàn cảnh chứ không hoàn toàn do lỗi riêng của họ. Vì thế, thay vì lên án và loại trừ, chúng ta cần cảm thông và giúp đỡ họ nơi cộng đoàn đức tin cũng như trong đời sống hằng ngày. Đối với những người đã li dị và tái hôn, họ vẫn được Hội Thánh yêu thương và quan tâm chăm sóc với tình mẫu tử.
3. Hội nghị thường niên kỳ II-2018 diễn ra trong Năm Thánh kỷ niệm 30 năm tuyên phong các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Để sống tinh thần của Năm Thánh, chúng tôi đã hành hương về giáo xứ Ba Giồng, nơi tôn kính Cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu và 27 giáo dân tử đạo. Cha thánh Phêrô Lựu đã dõng dạc trả lời quan án trước công đường: “Đạo thánh đã thấm vào xương tủy tôi rồi, làm sao tôi bỏ Đạo được”. Ước gì Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cũng thấm vào xương tủy chúng ta, nhờ đó có thể làm chứng cho Tin Mừng bằng chính đời sống của mình. Các Thánh Tử Đạo là những người yêu mến Quê hương và Dân tộc Việt Nam. Trong cuộc hành hương này, chúng tôi cầu nguyện cho Quê hương được bình an, lãnh thổ, lãnh hải được toàn vẹn, nhân phẩm được tôn trọng và đồng bào được hạnh phúc. Xin anh chị em hãy tiếp tục cùng với chúng tôi thân thưa với các ngài:
“Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các ngài đã yêu mến Quê hương, xin cầu cho Đất nước được an vui hạnh phúc và mọi người chung tay xây dựng một thế giới hòa bình. Các ngài đã cam lòng chịu chết mà không oán hận, xin cầu cho đồng bào mọi giới biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Các ngài đã hi sinh tất cả vì đức tin, xin cầu cho chúng con là con cháu, biết sống và chia sẻ niềm tin của mình, để một ngày kia trên thiên quốc, chúng con được hợp tiếng với các ngài, ca tụng Chúa muôn đời vinh hiển. Amen.”
                                                     Làm tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho
      Ngày 27 tháng 9 năm 2018
Hội đồng Giám mục Việt Nam
Tổng thư ký                                                       Chủ tịch
    (đã ký)                                                         (ấn ký)
+Phêrô Nguyễn Văn Khảm                                    +Giuse Nguyễn Chí Linh
   Giám mục GP. Mỹ Tho                                        Tổng giám mục TGP. Huế

          

Biên bản của Hội nghị thường niên kỳ II/2018

Biên bản của Hội nghị thường niên kỳ II/2018

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Hội Nghị Thường Niên Kỳ II/2018

(24 - 28/9/2018)

BIÊN BẢN

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã họp Hội nghị thường niên kỳ II/2018 tại Trung Tâm Mục Vụ giáo phận Mỹ Tho, từ chiều thứ Hai ngày 24/9/2018 đến sáng thứ Sáu ngày 28/9/2018, với sự tham dự đầy đủ của các thành viên thuộc Hội Đồng Giám Mục.

Hội Đồng Giám Mục hân hoan chào đón và chúc mừng Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa thánh tại Singapore, kiêm đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam; đồng thời lắng nghe những chia sẻ suy tư của ngài về Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội tại Việt Nam.

Hội nghị vui mừng chào đón thành viên mới của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường, giám mục chính tòa giáo phận Thanh Hóa.

Trong Hội nghị lần này, Hội Đồng Giám Mục:

1. Soạn thảo Thư Mục Vụ gửi cộng đồng dân Chúa, theo đường hướng Thư Chung năm 2016, tập trung vào chủ đề của năm 2019: “Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn.”

2. Lắng nghe Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng và Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên trình bày công việc chuẩn bị đi tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Về Giới Trẻ, được tổ chức tại Rôma, từ ngày 03 đến ngày 28/10/2018.

3. Chấp thuận để Ban Thường vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam giới thiệu nhân sự cho việc bầu Chủ tịch của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC).

4. Giao cho Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, giám quản Tông tòa Tổng Giáo phận Sài Gòn (Tp. HCM) và Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Ủy ban Tu sĩ, xem xét và giải quyết những vấn đề liên quan tới Hội dòng thánh Victor và tu đoàn truyền giáo thánh Têrêsa. 

5. Lắng nghe:

- Ủy ban Phụng tự trình bày về Bản dịch Sách Lễ Rôma và Sách Các Bài Đọc;

- Ủy ban Giáo dân xin góp ý về dự thảo bản Nội Quy;

- Ủy ban Giáo dục Công giáo chia sẻ sinh hoạt và cơ sở của Học Viện Công giáo;

- Ủy ban Kinh Thánh trình bày về công việc nghiên cứu, dịch thuật và mục vụ Kinh Thánh;

- Ủy ban Giáo lý Đức tin chia sẻ việc chuyển dịch các giáo huấn của Giáo hội;

- Ủy ban Văn hóa trình bày Văn bản Hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên;

- Ủy ban Loan báo Tin Mừng trình bày kết quả cuộc Hội thảo vừa qua và việc phổ biến các tài liệu liên quan tới việc Loan báo Tin Mừng;

- Ủy ban Tu sĩ chia sẻ các sinh hoạt phong phú của đời sống thánh hiến;

- Một số vấn đề khác như: Việc xây dựng Vương Cung Thánh Đường tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang, Quỹ tương trợ linh mục, Hội thừa sai Việt Nam.

Hội Đồng Giám Mục ấn định Hội nghị thường niên kỳ I/2019 sẽ được tổ chức tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Bãi Dâu, từ ngày 22/4/2019 đến ngày 26/4 /2019.


Trung Tâm Mục Vụ giáo phận Mỹ Tho, ngày 28/9/2018


Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Tổng thư ký
(Ấn ký)
+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục giáo phận Mỹ Tho

Đức TGM Zalewski -Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam- thăm Tòa TGM Sài Gòn

WGPSG -- Vào lúc 16 giờ 40, chiều thứ Sáu 28.9.2018, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski -Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam- (Đức Tổng) đã đến thăm Tòa Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn. Đức cha Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng đã mời ngài vào phòng khách để giới thiệu 11 vị trong ban Tư vấn và quý linh mục quản hạt. Đức Tổng cho biết trước khi ngài lên đường, Đức Thánh Cha đã dặn dò ngài rất nhiều điều, chứng tỏ ĐTC rất quan tâm đến Việt Nam.
Đón tiếp
Đúng 17g00, Đức Tổng đã vào hội trường để gặp các vị đại diện linh mục, tu sĩ, đoàn thể giáo dân. Đức cha Giám quản mở đầu buổi gặp gỡ bằng lời chúc sức khỏe Đức Tổng và giới thiệu sơ lược về ngài với cộng đoàn. Đức Tổng xuất thân từ Ba Lan, tu học tại Rôma. Ngài đã làm việc ở khắp năm châu. Cầu nguyện cho nhiệm kỳ mới của Đức Tổng tại VN. Xin gởi lời tri ân chân thành đến ĐTC và giáo triều. Hai vị đại diện đã tặng quà cho Đức Tổng khi Đức cha Giám quản dứt lời.
Kế tiếp, các em thiếu nhi đã chào mừng Đức Tổng bằng bài hát "Những bước đường thiếu nhi" với những cử điệu sinh động.
Báo cáo sinh hoạt của TGP Sài Gòn
Sau bài múa của các thiếu nhi, linh mục Phaolô Vũ Đỗ Anh Khoa đã trình bày tổng quát về TGP Sài Gòn qua năm phần:
1. Lược sử TGPSG từ 1953 cho đến nay. Các vị Giám mục đã phụ trách TGP.
2. Thống kê: Dân số VN trên 96 triệu, trong đó có 7,1% là Công giáo, riêng TGPSG có 7,7%.
3. Cơ cấu: TGPSG hiện có 576 linh mục; 1780 nam tu sĩ; 7012 nữ tu. Có 147 chủng sinh được đào tạo qua ba giai đoạn tìm hiểu, tập trung và sau chủng viện. Số Dòng tu của TGPSG là 259/283, chiếm 89% trên cả nước. 
4. Hoạt động truyền giáo:
- Cầu nguyện
- Mua đất làm giáo điểm, đã thực hiện được 22 trên 50 giáo điểm.
- Huấn luyện: Chương trình đào tạo về truyền giáo 2 năm dành cho 8 Lm. và 8 nữ tu.
5. Nhìn về tương lai: Theo đường hướng của Đức TGM Bùi Văn Đọc
- Cầu nguyện: giờ kinh tối trong gia đình
- Mục vụ gia đình
- Hướng về giới trẻ
Đức TGM Zalewski phát biểu
Sau bài thuyết trình của Lm Phaolô là phần nói chuyện của Đức Tổng với sự phiên dịch của cha Giuse Đào Nguyên Vũ: "Xin cảm ơn anh chị em đã mời tôi đến đây. Đầu tiên tôi chuyển lời của Đức Thánh Cha cho anh chị em, cho VN. Trong cuộc hội nghị trước khi nhận sứ vụ ở Singapore và VN, Đức Thánh Cha đã dành 5 phút nói về Singapore và đến 15 phút để nói về VN. Cảm ơn các thiếu nhi về phần trình diễn ấn tượng, các em đã lầm khi gọi tôi là Khâm sứ Tòa Thánh. Cấp bậc Sứ thần, Khâm sứ rồi mới đến Đại diện không thường trú là cấp thấp nhất. Nếu là Sứ thần thì không phải xin visa, và có nhiều đặc quyền.
Tôi chia sẻ và lắng nghe những thao thức, hy vọng và nhịp sống Đức tin của TGP. Giáo Hội VN trẻ trung, năng động và rất nhiệt thành. Chúng ta hướng đến tương lai nhưng đừng quên gắn bó với người khác. Theo phần trình bày, VN có rất nhiều vị thừa sai đã hy sinh cuộc đời cho chúng ta. Tương lai Hội Thánh tùy thuộc vào các chủng viện và dòng tu. Làm sao đào tạo được những người đứng vững trước các trào lưu khác nhau và những thách đố của xã hội. Đào tạo giáo dân rất quan trọng để họ có thể đương đầu với xã hội, đảm bảo tương lai cho chúng ta. Đó là những khía cạnh của con người. Nhưng chúng ta đừng quên có Thiên Chúa, khi biết cầu nguyện là được sức mạnh sống giá trị Tin Mừng.
Xin cảm ơn anh chị em đã lắng nghe. Mời anh chị em đặt câu hỏi.
ĐỨC TGM ZALEWSKI THĂM TÒA TGM SÀI GÒN
Trao đổi và kết thúc
Đức Tổng đã lần lượt trả lời các câu hỏi của ba vị đại diện cho quý linh mục, nữ tu và giới trẻ:
- Ấn tượng đầu tiên là lòng nhiệt thành hăng say của giáo dân. Hai là có nhiều xe hơi quá.
- Ơn gọi là từ Thiên Chúa. Vấn đề huấn luyện tốt hết nên hỏi vị Bề trên. Ta nên theo đường lối huấn luyện của Giáo hội. Đừng sợ, cứ làm đúng theo tinh thần đã có. Làm sao đào tạo được những người thân thiện với người khác, sống giữa đời, sống đức tin vững vàng, can đảm làm Kitô hữu, rộng lượng với các tôn giáo khác. Cuối cùng, ta đừng quên bản chất của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng.
- Giáo hội không chỉ có giáo sĩ mà có nhiều thành phần, nhiều chi thể trong một thân thể. Người trẻ là tương lai của Giáo hội và xã hội.
Kết thúc phần gặp gỡ, cha Tổng đại diện Ignaxiô đã ngỏ lời cảm ơn Đức Tổng: "Chúng con rất hân hạnh được tiếp đón Đức Tổng nơi tòa TGM 118 tuổi. Đoàn con côi cút vẫn còn đau buồn vì sự ra đi của Đức Tổng Đọc dù chúng con biết việc Chúa làm là điều tốt. Sự hiện diện của Đức Tổng cho thấy sự quan tâm của Đức Thánh Cha mà Hội Thánh là mẹ dành cho chúng con. Để hoàn thành sứ mạng của Tòa Thánh, Đức Tổng chắc phải gặp nhiều trở ngại, chúng con xin cầu nguyện cho Đức Tổng hằng ngày. Nguyện vọng của chúng con là mong có một Đức Tổng Giám mục để lèo lái con thuyền giáo phận nhờ sự giúp đỡ của Đức Tổng.
Chúng con cầu chúc sức khỏe Đức Tổng. Xin Đức Tổng nhận bó hoa tươi thắm gói trọn tâm tình yêu mến của chúng con.
Sau ít phút giải lao, Đức Tổng đã dùng bữa cơm thân mật với quý Đức cha và quý vị đại diện tại hội trường Tòa TGM.
Bài: tocngan & Ảnh: Vũ Quang
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20180929/44104

Sứ điệp ĐTC gửi Công Giáo Trung Hoa và Giáo Hội hoàn vũ

Tòa Thánh  đối thoại với Chính phủ Trung Quốc

ĐTC bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gồm 10 điểm công bố sáng ngày 26-9-2018 tín hữu Công Giáo Trung Hoa và các tín hữu Công Giáo hoàn vũ, sau cuộc ký kết hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc ngày 22-9 trước đó về việc bổ nhiệm GM.

Nhiều tin gây hoang mang

ĐTC nhận xét rằng nhiều tin tức và bình luận trước và sau hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc gây hoang mang không ít và tạo nên nơi nhiều tâm hồn những tâm tình đối nghịch. Vì thế, ngài viết: ”Trong thời điểm rất ý nghĩa đối với đời sống Giáo Hội, qua việc ký hiệp định vừa nói,.. tôi muốn gửi sứ điệp ngắn này, để trấn an các tín hữu rằng hằng ngày tôi cầu nguyện cho họ và trong sứ điệp tôi muốn chia sẻ với họ những tâm tình của tôi”.

ĐTC bày tỏ tâm tình cảm tạ Chúa và ngưỡng mộ chân thành của toàn thể Giáo Hội Công Giáo đối với hồng ân trung thành của các tín hữu Công Giáo Trung Hoa, lòng kiên trì trong thử thách, được ăn rễ sâu nơi sự Quan phòng của Chúa, cả khi có những biến cố đặc biệt khó khăn cản trở.

Những kinh nghiệm đau thương ấy thuộc về kho tàng tinh thần của Giáo Hội tại Trung Quốc và của toàn thể dân Thiên Chúa đang lữ hành trên mặt đất này” (n.1).

Mục đích hiệp định ký với Trung Quốc

ĐTC cho biết ”Với mục đích hỗ trợ và thăng tiến việc loan báo Tin Mừng tại Trung Quốc và tái lập sự hiệp thông hữu hình trong Giáo Hội, trước tiên phải giải quyết vấn đề bổ nhiệm các GM.... Trong quá khứ, người ta đã chủ trương ấn định cả đời sống nội bộ của các cộng đoàn Công Giáo, bằng cách áp đặt sự kiểm soát trực tiếp vượt quá thẩm quyền hợp pháp của Nhà Nước, vì thế trong Giáo Hội tại Trung Quốc đã xuất hiện hiện tượng hầm trú, bí mật. Cần phải nhấn mạnh rằng kinh nghiệm ấy không thuộc đời sống bình thường của Giáo Hội, và ”lịch sử chứng tỏ rằng sở dĩ các vị mục tử và các tín hữu sống tình trạng hầm trú, lén lút như thế, chỉ vì họ muốn bảo tồn trọn vẹn đức tin của mình”.

”Tôi muốn tỏ cho anh chị em biết, từ khi tôi được ủy thác sứ vụ của Thánh Phêrô, tôi đã cảm thấy rất được an ủi khi nhận thấy ước muốn chân thành của các tín hữu Công Giáo Trung Quốc được sống đức tin trong sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội hoàn vũ và với Người Kế Vị Thánh Phêrô, vốn là nguyên lý trường tồn và hữu hình và là nền tảng sự hiệp nhất của các GM cũng như của đông đảo các tín hữu (LG 23).

Giải vạ và nhận cho các GM bất hợp pháp được hiệp thông

ĐTC cho biết: ”Sau khi cứu xét kỹ lưỡng tình trạng riêng và lắng nghe các ý kiến khác nhau, tôi đã suy nghĩ và cầu nguyện nhiều, tìm kiếm thiện ích đích thực của Giáo Hội tại Trung Quốc, trước mặt Chúa và với phán đoán thanh thản, tiếp tục hướng đi của các vị tiền nhiệm của tôi, tôi đã quyết định ban sự hòa giải cho 7 GM bất hợp pháp còn lại, thụ phong mà không có sự ủy nhiệm của Tòa Thánh, và sau khi loại bỏ mọi hình phạt liên hệ theo giáo luật, tôi đã tái nhận các GM ấy trong niềm hiệp thông trọn vẹn của Giáo Hội. Đồng thời tôi cũng xin các GM ấy bày tỏ, qua những cử chỉ cụ thể và hữu hình, sự hiệp nhất được phục hồi với Tòa Thánh và với các Giáo Hội rải rác trên thế giới, duy trì sự hiệp nhất, mặc dù có những khó khăn”. (n.3)

Nhắn nhủ các tín hữu Công Giáo Trung Quốc hòa giải

Trong phần kế tiếp của sứ điệp, ĐTC mời gọi tất cả các tín hữu Công Giáo Trung Hoa hãy trở thành những người xây dựng hòa giải.

Về mặt mục vụ, Cộng đoàn Công Giáo tại Trung Quốc được kêu gọi hiệp nhất, để vượt thắng những chia rẽ quá khứ đã và đang gây nên bao nhiêu đau khổ cho tâm hồn của nhiều mục tử và các tín hữu. Tất cả các tín hữu Kitô, không phân biệt ai, giờ đây hãy có những cử chỉ hòa giải và hiệp thông.

Về phương diện dân sự và chính trị, các tín hữu Công Giáo Trung Quốc hãy trở thành những công dân tốt, hoàn toàn yêu mến tổ quốc và phục vụ ích lợi của đất nước mình với lòng quyết tâm và lương thiện, theo khả năng của mình. Về phương diện luân lý đạo đức, họ hãy ý thức rằng nhiều đồng bào của họ đang chờ đợi nơi họ một mức độ cao trong việc phục vụ công ích và phát triển hòa hợp trong toàn thể xã hội.

Việc bổ nhiệm chung kết GM thuộc quyền Tòa Thánh

Trong bối cảnh đó, Tòa Thánh muốn thi hành đến cùng phần thuộc quyền mình, và cả anh chị em, các GM, LM, những người thánh hiến và giáo dân, cũng có một vai trò quan trọng, đó là cũng nhau tìm kiếm các ứng viên tốt có khả năng đảm nhận trong Giáo Hội sứ vụ GM tế nhị và quan trọng. Thực vậy, đây không phải là bổ nhiệm các công chức để quản lý các vấn đề tôn giáo, nhưng là có được những mục tử chân chính, theo tâm hồn Chúa Giêsu, dấn thân hoạt động quảng đại phục vụ Dân Chúa, nhất là những người nghèo và người yếu thế nhất.

Ngỏ lời với chính quyền Trung Quốc

”Với lòng trân trọng, tôi ngỏ lời với các vị đang hướng dẫn Cộng hòa nhân dân Trung Quốc và lập lại lời mời gọi: Hãy tiếp tục cuộc đối thoại đã khởi sự từ lâu, với lòng tín nhiệm, can đảm và sáng suốt. Tôi muốn cam đoan rằng Tòa Thánh sẽ tiếp tục hoạt động chân thành để làm gia tăng tình bạn chân thực với Nhân Dân Trung Quốc.

”Những tiếp xúc hiện nay giữa Tòa Thánh và Chính phủ Trung Quốc đang chứng tỏ là hữu ích để vượt thắng những đối nghịch quá khứ, và cả gần đây, và để viết lên một trang thanh quang hơn, và cộng tác cụ thể trong xác tín chung, theo đó ”sự hiểu lầm không có lợi cho chính quyền Trung Quốc cũng như cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc”.

G. Trần Đức Anh OP - Vatican

Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung bày tỏ sự lạc quan về tiến trình hòa bình tại Triều Tiên


Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung, Tổng Giám Mục Hán Thành đã bày tỏ sự lạc quan của ngài đối với tiến trình hòa giải giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên.

“Đức Mẹ sẽ nhận lời chúng ta,” vị Hồng Y 75 tuổi cả quyết.

Ngài đã đưa ra nhận xét trên trong thánh lễ hôm thứ Ba tại Nhà thờ Chính Tòa Mân Đông của Hán Thành để cầu xin ân sủng thống nhất.

Một ngày sau đó, tại Bình Nhưỡng, nơi tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in đang có cuộc họp thượng đỉnh với Kim Chính Ân, Bắc Hàn đã đồng ý đóng cửa vĩnh viễn căn cứ thử nghiệm hỏa tiễn Tongchang-ri. Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in đã đưa ra lời loan báo về diễn biến này hôm thứ Tư.

Thêm vào đó, Kim Chính Ân cho biết sẽ thực hiện một chuyến viếng thăm lịch sử đến Hán Thành. Đó sẽ là cuộc viếng thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo miền Bắc sau việc chia đôi bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Moon Jae-in cho biết thêm chuyến viếng thăm của Kim Chính Ân có thể sẽ được thực hiện trong năm nay trừ ra có “những tình huống đặc biệt”.

Trong suốt 23 năm qua, Giáo Hội Công Giáo ở Hàn Quốc đã tập trung vào mỗi thứ Ba dưới chân Đức Trinh Nữ Maria tại Nhà thờ Chính Tòa Mân Đông của Hán Thành để cầu xin ân sủng hòa bình và thống nhất.

Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Triều Tiên và Mông Cổ cũng bày tỏ sự lạc quan của ngài. 

“Tôi chắc chắn rằng từ thiên đàng Đức Mẹ đã và đang nhìn với một ánh mắt từ ái đối với con cái mình ở Hàn Quốc,” Đức Sứ Thần Tòa Thánh Alfred Xuereb nói với Vatican News hồi cuối tháng 5 vừa qua.

Đặng Tự Do

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

ĐTC Phanxicô cầu nguyện đại kết tại Riga, Lettoni


Khi đến nhà thờ Santa Maria, ĐTC đã được Đức TGM tin lành Luther đón tiếp và ngài chào thăm 10 vị thủ lãnh các hệ phái Kitô khác, trước khi bắt đầu buổi cầu nguyện. 1.600 chỗ trong nhà thờ đều chật hết, và trong số những người hiện diện cũng có ông bà tổng thống. Một ca đoàn nữ gồm 100 trẻ em và thiếu nữ đã đảm nhận phần thánh ca trong buổi cầu nguyện:

Khi đi rước vào thánh đường, ĐTC đã viếng mộ thánh Meinardo, vị giám mục đầu tiên của miền Livonia, qua đời năm 1196 và được an táng tại đây.

Sau lời chào mừng của Đức TGM Janis Vanags của Luther ở Riga, và sau hai bài đọc sách thánh, ĐTC đã giảng và ngài đi từ sự kiện sự nổi tiếng của đàn phong cầm trong thánh đường này. ĐTC nói:

Đừng biến truyền thống Kitô giáo thành một đồ vật của quá khứ

”Trong nhà thờ chính tòa này có một trong những đàn phong cầm cổ kính nhất tại Âu Châu và là đàn lớn nhất thế giới khi được khánh thành. Chúng ta có thể tưởng tượng được đàn này đã đồng hành với cuộc sống, với tinh thần sáng tạo, trí tưởng tượng và lòng đạo đức của tất cả những người đã để cho mình được âm điệu của đàn dẫn đưa. Đàn này là một dụng cụ của Thiên Chúa và của con người giúp nâng cao cái nhìn và tâm hồn. Ngày nay, đàn phong cầm tại đây là biểu tượng của thành phố Riga và nhà thờ chính tòa này.

Đối với dân cư tại đây, đàn này là thành phần đời sống, truyền thống và căn tính của họ hơn là một đàn phong cầm vĩ đại. Trái lại đối với du khách, hiển nhiên nó là một tác phẩm nghệ thuật cần biết đến và chụp hình. Và đây chính là một nguy cơ mà người ta luôn gặp phải: nghĩa là từ người ngụ cư trở thành du khách. Biến điều mang lại căn tính cho chúng ta thành một đồ vật của quá khứ, một vật thu hút du khách và là một đồ bảo tàng viện gợi lại những cử chỉ quá khứ, có giá trị cao về lịch sử, nhưng không còn làm rung động con tim của những người nghe nó nữa.

Cùng một điều như thế cũng có thể xảy ra cho đức tin. Chúng ta có thể không còn cảm thấy mình là những tín hữu Kitô cư ngụ tại đây để rồi trở thành du khách. Hơn nữa chúng ta có thể khẳng định rằng toàn thể truyền thống Kitô có thể chịu chung một số phận: rốt cuộc truyền thống ấy trở thành một đồ vật quá khứ, đóng khung trong các bức tường các nhà thờ của chúng ta, không còn vang lên một âm điệu có khả năng đánh động và gợi hứng cho cuộc sống và tâm hồn những người nghe. Tuy nhiên, như bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, đức tin của chúng ta không còn giữ kín nữa, nhưng làm cho người khác nhận biết và đức tin ấy âm vang trong các môi trường khác nhau của xã hội, để tất cả có thể chiêm ngắm vẻ đẹp của đức tin và được ánh sáng đức tin ấy soi sáng (Xc Lc 11.33)

ĐTC cảnh giác rằng:

Tranh đấu vì phẩm giá của mỗi con người

”Nếu nhạc Tin Mừng không còn được diễn tả trong cuộc sống chúng ta và bị biến thành một vẻ đẹp của quá khứ, thì nó sẽ không còn biết phá vỡ cái nhịp đều đều làm nghẹt thở, nó ngăn cản không cho niềm hy vọng được sinh động và như thế nó làm cho tất cả những cố gắng của chúng ta trở nên vô ích.

”Nếu nhạc Phúc Âm không còn rung động trong lòng chúng ta thì chúng ta sẽ mất niềm vui nảy sinh từ lòng cảm thông, sự dịu dàng phát sinh từ lòng tín thác, khả năng hòa giải bắt nguồn từ ý thức mình luôn được tha thứ và được sai đi.

”Nếu nhạc Tin Mừng không được được chơi trong các nhà chúng ta, các quảng trường, những nơi làm việc, trong chính trị và kinh tế, thì chúng ta sẽ dập tắt âm điệu khích động chúng ta chiến đấu cho phẩm giá mỗi người nam nữ, thuộc bất kỳ nguồn gốc nào, khép kín chúng ta trong cái tôi của mình mà quên đi tập thể, căn nhà chung có liên quan đến tất cả mọi người...

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nhắc đến lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: ”Xin Cha cho tất cả chúng được nên một để thế gian tin” (Ga 17,21). Ngài nói:

Cô đơn và đơn độc là những sự dữ tệ nhất ngày nay

”Nhờ ơn Chúa, những lời này còn tiếp tục âm vang mạnh mẽ giữa chúng ta. Chính Chúa Giêsu trước khi chịu hy sinh đã cầu xin Chúa Cha. Chính Chúa Giêsu Kitô, khi nhìn thẳng vào thánh giá của Ngài và của bao nhiêu anh chị em chúng ta, không ngừng cầu khẩn Chúa Cha. Đó là tiếng thì thầm liên lỷ cầu nguyện vạch ra con đường chúng ta phải theo. Đắm chìm trong kinh nguyện, trong tư cách là tín hữu tin nơi Chúa và Giáo Hội của Ngài, chúng ta mong ước sự hiệp thông ân phúc của Chúa Cha vốn có từ đời đời (Ut unum sint 9), chúng ta tìm được con đường hiệp nhất có thể thể hiện cho mọi phong trào đại kết: trong thập giá đau khổ của bao nhiêu người trẻ, người già và trẻ em thường bị bóc lột, những người thiếu ý nghĩa, thiếu cơ may và cô đơn. Trong khi nhìn Chúa Cha và anh chị em mình, Chúa Giêsu không ngừng cầu khẩn: 'xin cho tất cả chúng được hiệp nhất.'

ĐTC cũng nhận xét rằng:

Đại kết trong máu

”Sứ mạng truyền giáo ngày nay tiếp tục đòi chúng ta phải hiệp nhất với nhau; chính sứ mạng truyền giáo đòi chúng ta hãy ngưng nhìn những vết thương quá khứ và mọi thái độ tự tham chiếu để tập trung vào kinh nguyện của Thầy Chí Thánh. Chính sứ mạng ấy đòi phải có ”một âm nhạc Tin Mừng” không ngừng vang dội nơi các quảng trường của chúng ta.

Có thể một số người nêu vấn nạn: Thời đại chúng ta đang sống thật là khó khăn và phức tạp! Một số người khác có thể nghĩ rằng trong các xã hội chúng ta, các tín hữu Kitô ngày càng ít môi trường hoạt động và bị giảm ảnh hưởng vì vô số các yếu tố như trào lưu tục hóa, hoặc những chủ trương cá nhân chủ nghĩa. Nhưng điều này không thể làm chúng ta có thái độ khép kín, tự vệ và càng không thể cam chịu. Chúng ta không thể không nhìn nhận rằng chắc chắn thời nay không dễ dàng, nhất là những anh chị em đang cảm nghiệm sự lưu đày hoặc tử đạo vì đức tin. Nhưng chứng tá của họ giúp chúng ta khám phá rằng Chúa tiếp tục kêu mời chúng ta sống Tin Mừng trong vui tươi, với lòng biết ơn và quyết tâm. Nếu Chúa Kitô coi chúng ta xứng đáng sống thời nay, trong giờ này, thì chúng ta không thể để cho sự hãi đè bẹp chúng ta và không thể để giờ này trôi qua mà không đón nhận nó với niềm vui trung thành. Chúa sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để biến mỗi thời, mỗi lúc, mọi hoàn cảnh, thành cơ hội hiệp thông và hòa giải với Chúa Cha và với anh chị em, nhất là những người ngày nay bị coi là thấp kém hoặc là đồ loại bỏ.

"Đi ra" đến với nền văn hóa, xã hội hậu tân tiến

Và ĐTC kết luận rằng ”sự hiệp nhất mà Chúa kêu gọi chúng ta luôn luôn một sự hiệp nhất để thi hành sứ mạng truyền giáo, sự hiệp nhất ấy đòi chúng ta đi ra ngoài, đến với tâm hồn dân chúng và các nền văn hóa, xã hội hậu tân tiến chúng ta đang sống. Chúng ta sẽ thành công trong sứ mạng đại kết này nếu chúng ta để cho được thấm nhuần Thánh Linh, Đấng có thể phá vỡ những khuôn khổ nhàm chán đang cầm giữ chúng ta và làm cho chúng ta ngạc nhiên trước sự sáng tạo liên tục của ngài. Mỗi khi chúng ta tìm cách trở về nguồn mạch và phục hồi sự tươi mát nguyên thủy của Tin Mừng thì sẽ nảy sinh những con đường mới, những phương pháp sáng tạo mới, nhbững hình thức diễn tả mời, những dấu chỉ hùng hồn hơn, những lời đầy ý nghĩa mới mở cho thế giới ngày nay” EG 11)

Sau bài giảng của ĐTC, buổi cầu nguyện đại kết được tiếp nối với cuộc rước nến sáng của các trẻ em, tiến đến trước giếng rửa tội và cộng đoàn xướng lên và cầu cho các ý nguyện hiệp nhất và sứ mạng của Giáo Hội. Tiếp đến là kinh Lạy Cha và nghi thức trao ban bình an..

Giã từ nhà thờ chính tòa Tin Lành Luther, ĐTC đã đến viếng nhà thờ chính tòa Thánh Giacôbê Tông Đồ của Công Giáo chỉ cách đó 350 mét.

Giuse Trần Đức Anh O.P - Vatican