Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

CHÚC MỪNG LỄ THÁNH GIOAN BOSCO - Bổn mạng Giáo khu 1

Thánh GIOAN BOSCÔ, Linh mục (1815-1888)

Ngày 16-8-1815, Gioan chào đời trong một túp lều tranh thuộc tỉnh Turinô. Cha ngài qua đời lúc ngài được 2 tuổi. Mẹ ngài là bà Magarita một mình nuôi nấng 3 người con trai. Bà tập cho con quen với công việc nặng nhọc, với đời cầu nguyện. Bà thường lập lại với các con bà: Chúa thấy hết, Chúa thấy hết.

Và con cái bà biết rằng chính nhờ tình yêu mà Người ta làm đẹp lòng Chúa, Gioan sau này sẽ nói: Nếu tôi trở thành linh mục đó là nhờ mẹ tôi.

Cậu bé đã tỏ ra có ơn gọi làm tông đồ. Ngoài đồng cỏ, ngài đã đổi phần bánh ngon miệng của mình lấy mẩu bánh đen của một mục đồng nghèo. Mẹ ngài trách cứ ngài vì đã làm bạn với những người xấu. Gioan đáp lại: Khi con chơi với chúng nó, chúng nó bớt khùng hơn.

Lúc 9 tuổi, Gioan đã có một giấc mơ lạ lùng: một đám đông trẻ con tinh nghịch vây quanh Ngài, chúng nó nói phạm thượng. Bất chợt chúng hiện hình thành bọn lang sói. Nhưng Đức Trinh Nữ đã nói với Gioan: Đừng dùng bạo lực, nhưng hãy ngọt ngào nếu con muốn chiếm được tình nghĩa với chúng.

Ngài còn nói: Đó là môi trường làm việc cùng con. Sau này con sẽ làm cho con cái mẹ, điều Mẹ sắp làm cho những con thú này.

Và rồi những con vật dữ tợn trên biến thành chiên ngoan Gioan đã kẻ lại giấc mơ trên. Một người anh đã nói với Ngài: Mày sẽ là thằng chăn chiên. Và người anh khác nói tiếp: Hay là tướng cướp.

Vì tình yêu Chúa, cậu bé tưởng tượng ra mình là một thằng múa rối. Ngày Chúa Nhật, bọn trẻ xếp vòng tán thưởng nhà nhào lộn và leo giây đại tài, cha mẹ chúng, cũng tới nữa, những lúc đổi trò, mọi người phải lần chuỗi. Nhà nhào lộn trở thành nhà giảng thuyết, lập lại bài giảng của cha sở.

Một linh mục già cho Gioan cuốn sách văn phạm Latinh và dạy Gioan học. Một trong các anh ghen tị. Gioan ôm sách đi tìm việc làm trong một nông rại. Hai năm sau trở về nhà, Gioan phải chân không cuốc bộ 20 cây số để tới trường học mỗi ngày. Sau này ở trường Chieri, ngài làm gia nhân khi có giờ rảnh để khỏi tốn tiền mẹ. Ngài thành lập một hội vui để lôi kéo bạn bè vào đường thiện hảo, lành mạnh.

Gioan được thụ phong linh mục. Theo phong tục Italia, người ta gọi ngài là Don Boscô. Mẹ ngài đã nhắn nhủ: Đừng lo nghĩ tới mẹ nữa mà chỉ cầu nguyện cho mẹ thôi. Lo lắng duy nhất của con là phần rỗi các linh hồn.

Ngài theo học ở Turinô, viếng thăm các tù nhân và đã kinh ngạc khi thấy bao nhiêu là thanh thiếu niên ở đó, thấy trong các đường phố những đứa trẻ này bị bỏ mặc cho sự cùng khổ và tật xấu của chúng. Phương pháp cứu vớt tuổi trẻ này. Trong thánh đường, một ông quản xua đuổi đứa trẻ lêu lổng. Gioan nhắc nhở ông ta rằng: Nó lại không muốn nhận biết Thiên Chúa tốt lành sao?

Chính Don Boscô sẽ dạy nó đọc chữ và giải thích giáo lý cho nó. Hôm sau đứa trẻ trở lại với bạn bè của mình. Hội bảo trợ đầu tiên được thành lập. Trong hai tháng số trẻ lên tới cả trăm. Nhưng tụ họp chúng ở đâu? Khắp nơi người ta đều xua đuổi chúng, và người ta lại không cho rằng Don Boscô điên rồi sao? Ngài thuê một căn nhà trong khu phố nghèo đói nhất và phải trả tiển nửa tháng một lần, Mẹ Ngài lo lắng: Con không có lấy một xu.

Thánh nhân trả lời: Nếu mẹ có tiền lại chẳng cho con sao? Mẹ có tin là Chúa quan phòng giầu có vô cùng lại không tốt bằng mẹ sao?

Ngài tập họp những trẻ xấu nết lại và dọn cho chúng ruớc lễ vỡ lòng, khu vực đốn mạt sắp trở thành nơi có tinh thần Kitô giáo nhất thành phố. Ngài không hề mất tin tưởng. Không có gì làm Ngài nản chí được. Ngài dẫn về cho mẹ mình những đứa vô lại chiêu tập trong một hàng quán. Đêm về những đứa vô lại này biến mất, mang theo cả chăn nệm, Ngài đưa về một thàng nhãi bị trui đến tận xương tuỷ. Chẳng mấy chốc căn phòng đã có tới bảy đứa như vậy.

Don Boscô mua một căn nhà. Trẻ nội trú đông nhung nhúc. Một ngày sống bắt đầu với thánh lễ, sau đó là đi học hay tập nghề. Chính lúc này mà thánh nhân muốn giúp đỡ từ những người nghèo tới các công tử. Các nhà sắp được xây dựng khắp nơi, cả đến Mỹ Châu.

Đối với các trẻ em nam, Gioan đã thiết lập một dòng gồm các linh mục mang danh là Salésien, để kính thánh Phanxicô Salê mà Ngài đã lấy châm ngôn của thánh nhân làm của mình.

- Lạy Chúa xin cho các linh hồn vì phần còn lại có đang giá gì cho con đâu?

Và thánh nhân khuyên nhủ hãy làm điều đó: Trong vui tươi hoan hỉ không ngừng.

Cùng với chị thánh Maria Mazzarello, ngài cũng thiết lập một dòng tu mang danh hiệu các nữ tu Đức Mẹ phù hộ. Công cuộc các chị cũng sẽ lan rộng trên khắp thế giới. Mệnh lệnh của ngài là: Hãy tin tưởng cầu nguyện và can đảm tiến tới không ngừng.

Don Boscô đi thực hiện các công trình tại Pháp. Các sự lạ xảy ra vô số trên đường ngài đi qua. Ơ Marseille ngài gặp một đứa trẻ bệnh hoạn, ngài bảo nó đọc một kinh kính Mừng và chữa lành cho nó. Cả đứa trẻ lẫn mẹ nó khóc nức nở vì biết ơn. Dọc đường xe ngài bị vây chặt đến độ người đánh xe đã phải kêu lên: Kéo theo một con quỉ, còn hơn chở một vị thánh.

Ở Paris, ngài được tiếp đón tưng bừng. Đức Hồng Y xin ngài chúc lành. Thi sĩ Victor Hugô 2 lần muốn gặp ngài. Người ta ngạc nhiên khi thấy ngài rất đơn sơ vui vẻ và hiền hậu. Ngài giảng dạy nhiều. Các viện mồ côi, trường huấn nghệ, hội bảo trợ mọc lên khắp nước Pháp. Người ta nói ngài dừng lại một chút, ngài trả lời rằng: Lên thiên đàng ta sẽ ngừng, hoặc, ma quỷ không có ngừng. Don Boscô muốn đưa cả thế giới về với Chúa Kitô. Các giấc mơ cho ngài biết rằng: ước muốn của ngài sẽ được thực hiện. Trong một giấc mơ, ngài thấy những người hoang dại quỳ gối trước mặt các tu sĩ Salésiens. Suốt đời ngài không dứt các giấc mơ, các lời tiê đoán và các thị kiến.

Gioan phải trả cho định mệnh siêu nhiên của ngài bằng những dằn vặt mà chỉ mình ngài biết được. Một vị Hồng y đã phải lo lắng thấy mặt ngài xanh mét kiệt sức. Thánh nhân cho ngài biết là ma quỷ quấy phá mình cả đêm. Nhưng những người thân cận không hề biết gì những đau khổ của ngài. Ngài nói: Vì hồn tôi đã uống những chén đắng, tôi có quyền thêm vào những lo âu của con cái tôi bằng một gợn sóng đau khổ không?

Bọn ác nhân giận dữ vì việc lành ngài đã làm, đã tìm cách sát hại ngài. Nhưng sức mạnh của sự dữ không nghĩa lý gì. Vượt qua mọi trở ngại tưởng như không thể lướt thắng nổi, Don Boscô còn hoạt động nhiều hơn nữa. Y sĩ tuyên bố rằng: phép lạ lớn lao nhất là Don Boscô còn sống được.

Cuối cùng Gioan cảm thấy rằng: thân xác ngài không còn chiến đấu nổi nữa. Ngài sắp qua đời. Ngài nói với các linh mục của mình khi họ tới thăm: Hãy nói với các con cái của tôi rằng: tôi đợi chúng tất cả trên thiên đàng.

Ngài còn nói như lời dặn dò thân thiết nhất: Hãy cổ vũ việc siêng năng rước lễ và lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ:

Người ta còn nghe thấy Ngài nói trong cơn mê sảng: Mẹ, mẹ ơi, ngày mai... Mẹ hãy mở cửa thiên đàng cho con.

Ngày 30-1-1888, Thánh Don Boscô qua đời, đoàn con cái xếp hàng hôn bàn tay đã tận tình cứu giúp họ.

Trích trong Theo Vết Chân Người (Chân dung các thánh nhân)

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

Dự án ĐTC thăm Nhật đang được nghiên cứu



Quyền Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Alessandro Gisotti, cho biết ”cuộc viếng thăm của ĐTC tại Nhật đang ở trong giai đoạn nghiên cứu. Như ĐTC đã nói trong những dịp khác, ngài rất mong ước đến viếng thăm nước Nhật”.

Ông Gisotti cho biết như trên sau khi ĐTC trả lời ứng khẩu câu hỏi của một ký giả người Nhật cùng đi trong chuyến bay từ Roma đến Panama hôm 23-1 vừa qua. Ngài nói: ”Tôi sẽ đi Nhật vào tháng 11 năm nay, anh hãy chuẩn bị đi!”

Dự án ĐTC viếng thăm Nhật Bản đã được nói tới trước đây

Dự án ĐTC viếng thăm Nhật Bản đã được nói tới từ ít lâu nay. Ngày 24-11-2018, Ngoại trưởng Nhật Bản, Ông Taro Kono, xác nhận là đang làm việc với Tòa Thánh để tổ chức cuộc viếng thăm của ĐGH tại Nhật trong năm 2019.

Tuyên bố với Đài truyền hình NHK ở Toki, ngoại trưởng Kono nói: ”Chúng tôi không từ bỏ cố gắng nào để cuộc viếng thăm của ĐGH được tiến hành”.

Hôm trước đó, 23-11-2018, Ngoại trưởng Nhật đã gặp ngoại trưởng Tòa Thánh tại Vatican sau khi dự một hội nghị quốc tế ở Roma. Đây là lần đầu tiên ông thăm Tòa Thánh kể từ khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng hồi tháng 8 năm 2017. Ông cho biết Nhật Bản và Tòa Thánh đang cộng tác với nhau qua đường ngoại giao thích hợp và từ bây giờ sẽ trao đổi với nhau để xác định thời điểm cho cuộc viếng thăm của ĐGH và các vấn đề khác nữa”.

ĐGH Phanxicô sẽ là vị Giáo Hoàng đầu tiên viếng thăm Nhật Bản kể từ cuộc viếng thăm của Đức Gioan Phaolô 2 hồi năm 1981. (Tổng hợp 24-1-2019) 

(Vatican News)

G. Trần Đức Anh OP

Các giám mục Philippines tuyên bố về cuộc bầu cử ngày 13/5 tới

TGM. Romulo Valles, TGP Davao (Philippines)

Trước cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới của đất nước vào ngày 13/5, các giám mục Philippines, qua tuyên bố được ký bởi Đức TGM GP Davao, Romulo Valles, chủ tịch HĐGM Philippines, muốn gởi thông điệp đến người dân về việc “tìm kiếm lợi ích chung”.

Tuyên bố viết: “Năm 2019 không chỉ là năm bầu cử thường kỳ. Việc bầu cử giữa kỳ vào 13/5 tự nó đã rất quan trọng rồi. Đất nước chúng ta hôm nay việc kiểm tra và cân bằng trong chính phủ đang bị suy yếu… Điều rất quan trọng là chúng ta bầu ra các đại biểu là những người có nguyên tắc, can đảm và quan tâm đến lợi ích chung chứ không phải lợi ích chính trị của riêng họ. Chúng tôi khuyến khích cử tri cần sáng suốt trong phiếu bầu.

“Các nhóm giáo dân hãy tham gia vào các vòng phân định để giúp nhau biết rõ về các ứng cử viên và chọn ra các ứng cử viên quan tâm đến lợi ích chung của đất nước, chứ không theo những gì các ứng cử viên hứa…. Việc giáo dân tham gia chính trị không chỉ giới hạn ở sự tham gia phi đảng phái. Kitô hữu cũng được khuyến khích tham gia đảng phái chính trị hợp thức. Điều này cũng có nghĩa là họ có thể vận động cho các ứng cử viên tốt như một thực hành đức tin của mình."

Tuyên bố viết tiếp: “Chúng ta đang ở trong một thời khắc lịch sử quan trọng. Hướng đi của đất nước đang nằm trong tay chúng ta.… Chúng ta không chỉ là những người đứng nhìn mà hãy tham gia. ĐTC Benedictô khi gặp các giám mục Paraguay năm 2008 đã nói: Một phần quan trọng trong ơn gọi giáo dân là tham gia vào chính trị để mang lại công lý, trung thực và bảo vệ các giá trị đúng đắn và đích thực, đóng góp cho những lợi ích nhân bản và tinh thần thực sự của xã hội. Vai trò của giáo dân trong diễn biến thời gian, và đặc biệt là trong chính trị, là chìa khóa của việc loan báo Tin Mừng cho xã hội.

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã dạy: ‘Một giáo dân tốt thì không can thiệp vào chính trị’. Điều đó không đúng. Đó không phải là một lối tốt. Một người Công giáo tốt nên dấn thân vào chính trị, cống hiến chính mình trong khả năng tốt nhất, để nếu ai lãnh đạo thì có thể lãnh đạo… Không ai trong chúng ta có thể nói, 'Tôi chẳng quan tâm đến điều này, chuyện lãnh đạo là của người ta'. Không, tôi phải chịu trách nhiệm về việc lãnh đạo của họ, và tôi phải cố gắng hết sức để giúp họ lãnh đạo tốt, và tôi phải làm tốt nhất bằng cách tham gia vào chính trị theo khả năng của mình. (Đức Giáo hoàng Phanxicô ngày 16 tháng 9 năm 2013).

"Và cuối cùng bản tuyên bố kêu gọi: “Chúng tôi đặc biệt khuyến khích người trẻ hãy tham gia vào quá trình bầu cử một cách tích cực ngang qua việc sử dụng các kỹ năng và kiến ​​thức truyền thông xã hội để thúc đẩy điều gì là đúng, là chính nghĩa và vì lợi ích chung.” (CSR_572_2019)

Văn Yên SJ

Một giáo xứ nhà quê được hồi sinh nhờ Bí tích Thánh Thể

Một nhà thờ giáo xứ miền quê
Một nhà thờ giáo xứ miền quê  (AFP or licensors)

Làm thế nào để đưa đời sống tâm linh trở lại những vùng quê, nơi mà Thiên Chúa dường như đã bỏ đi?

"Bằng cách mở lại các nhà thờ của chúng ta"; đó là câu trả lời của bà Catherine de Maistre, đang sống cùng với ông Alain, chồng của bà, tại một ngôi làng nhỏ ở trung tâm Somme. Cặp vợ chồng này, với một đức tin mạnh mẽ, đã cố gắng để đưa Chúa Giêsu trở lại trung tâm của ngôi làng. Kể từ năm 2016, Bí tích Thánh Thể được đặt hàng ngày trong nhà nguyện nhỏ của họ. Đó là câu chuyện về một cuộc phiêu lưu tâm linh.

Nằm dọc theo con đường băng qua ngôi làng nhỏ có ba mươi người, ngôi nhà nguyện nhỏ của Longuet (Somme), được xây dựng vào thế kỷ thứ mười tám, không có gì đặc biệt về dáng vẻ bên ngoài. Tuy nhiên, bên trong, một ngọn đèn màu đỏ nhỏ cho biết là Thánh Thể được đặt hàng ngày. Một sự hiện diện hiếm hoi trong khu vực mà có nhiều nhà thờ và nhà nguyện đóng cửa, vì thiếu linh mục và tín hữu thường xuyên đi tham dự Thánh lễ.

Một nhà nguyện đóng cửa từ nhiều thập kỷ

Bà Catherine de Maistre và chồng có một ngôi nhà đối diện với nhà thờ, ở phía bên kia đường. Là người gốc Paris, khi nghỉ hưu, họ đã quyết định đến Longuet thường xuyên hơn. Là những người thực hành đạo và rất tích cực trong giáo xứ ở Paris, đôi vợ chồng vẫn ngần ngại định cư ở ngôi làng này lâu hơn vì thiếu sự trợ giúp thiêng liêng. Trong nhiều thập kỷ, ngôi nhà thờ được đặt dưới sự bảo trợ của thánh Giuliano đã bị đóng cửa và chỉ mở cửa mỗi năm một lần, vào thứ hai Phục Sinh, ngày lễ thánh bổn mạng. Truyền thống mở cửa vào ngày lễ thánh bổn mạng đã tồn tại từ lâu dù gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một linh mục để cử hành Thánh lễ.

Nhưng ý tưởng định cư ở Longuet luôn luẩn quẩn trong đầu óc họ. Bà Catherine kể lại với cung giọng đầy nhiệt tình: “Một ngày nọ, vợ chồng chúng tôi đang đi dạo và đột nhiên tôi có một trực giác. Tôi nghe thấy tiếng chuông ngân vang từ xa và tôi tự nhủ: ‘Cần phải đặt Chúa Giêsu lại vào vùng đất của chúng ta; chúng ta phải mở các nhà thờ và nhà nguyện, không có giải pháp nào khác!’ Ý tưởng đó chưa biến khỏi tâm trí bà. Vài tuần sau, bà xin một cuộc hẹn với tổng đại diện của giáo phận Amiens. Bà kể tiếp: "Tôi nói với ngài tất cả những gì tôi nghĩ, tôi nói rằng chúng tôi phải mở lại các nhà thờ để đưa Chúa Giêsu trở lại miền quê của chúng tôi." Đầy tham vọng, bà Catherine còn đi xa hơn nữa và yêu cầu đặt Mình Thánh Chúa trong nhà nguyện nhỏ của Longuet để tổ chức chầu Thánh Thể hàng ngày. Một cánh cổng sắt lớn được rèn, dựng trước ca đoàn, để bảo vệ Thánh Thể; với điều này bà Catherine hy vọng rằng vị tổng đại diện sẽ chấp nhận. Nhưng vị tổng đại diện đã thận trọng, không trả lời được ngay lập tức nhưng yêu cầu bà cùng với những người khác cầu nguyện cho ý định này.

Khi Thánh Thể quy tụ các tín hữu

Không bị nản lòng, được hỗ trợ bởi vị linh mục mới của giáo xứ, bà Catherine mời một số người cùng bà cầu nguyện trong nhà nguyện. Một ngày kia ngạc nhiên xảy đến. Bà Catherine kể: "Đó là một buổi sáng tháng mười hai, trời lạnh, nhà thờ đóng băng và chúng tôi có mười lăm người! Mười lăm người đã đến cầu nguyện với hy vọng nhìn thấy Chúa Giêsu trở lại miền quê nhỏ bé của chúng tôi. Chúng tôi đã được mãn nguyện.” Thế rồi từ điều này sang điều khác, cuộc phiêu lưu tâm linh tiếp tục và nhóm nhỏ quyết định gặp nhau mỗi tháng một lần để cầu nguyện và tham dự Thánh lễ theo thỏa thuận với linh mục. Sau năm tháng, phép lạ xảy ra. Linh mục đó đã nói với vị tổng đại diện về nhóm nhỏ này. Một ngày nọ, cha tổng đại diện gọi cho họ và nói: “Ngày mai, tôi sẽ trao cho anh chị em Mình Thánh Chúa”. Mọi người tràn ngập cảm xúc vui mừng. May mắn thay, mọi thứ đã sẵn sàng để nhận Mình Thánh Chúa. Bà Catherine tâm sự cách cảm động: "Chồng tôi đã chuẩn bị mọi thứ mà không biết liệu chúng tôi có bao giờ có Mình Thánh Chúa không. Nhưng chúng tôi có niềm tin! Do đó, ông ấy đã sửa chữa nhà tạm, lắp đặt điện, đặt đèn đỏ ...”.

Đến hôm nay, đã hai năm rưỡi, Thánh Thể hiện diện ngày đêm trong nhà nguyện và một Thánh lễ được cử hành ở đó mỗi tháng một lần, với giờ chầu Thánh Thể. Mỗi ngày, ông Alain đến mở và đóng cửa nhà nguyện. Một cuộc phiêu lưu đã sinh hoa trái khi ngày càng nhiều người bước vào nhà nguyện thường bị đóng cửa này. Bà Catherine không ngần ngại nói về một phép lạ: "Khi chúng tôi đi vắng, thì một trong những người hàng xóm sống gần nhà thờ đến mở và đóng cửa. Tuy nhiên, đó là một người chống giáo sĩ. Ông ấy không bao giờ đi lễ và không bao giờ muốn đến nhà thờ. Nhưng xúc động khi thấy di sản của làng quê mình hồi sinh, ông đồng ý giúp đỡ. Hiện nay, ông ta mở và đóng cửa khi cần thiết và thậm chí đã đồng ý làm một chân nến. Một ngày nọ, không nói lời nào, ông ấy đã đặt chân nến trong nhà nguyện. Một buổi chiều chúng tôi đã nhìn thấy nó, được chiếu sáng bởi hai ngọn nến. Thật cảm động vô cùng.”

Một dấu hiệu hy vọng thực sự cho miền quê

Catherine có rất nhiều chứng từ. Chỉ cần mở cuốn sổ ghi chép các ý cầu nguyện và xem những ngọn nến đã được đốt đủ hiểu rằng có sự quan tâm thực sự từ các tín hữu cũng như của các cư dân làng quê này. Dù là tín đồ hay không, nhiều người được đánh động trước ý tưởng nhìn thấy nhà thờ nhỏ bé của họ, ký ức dịu dàng về thời thơ ấu, giờ đây được mở cửa hàng ngày. Những người khác hòa giải với đức tin hoặc khám phá việc chầu Thánh Thể lần đầu tiên. Bà Catherine chia sẻ: "Một ngày nọ, một phụ nữ trẻ bước ra khỏi nhà thờ và nói với tôi: ‘Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra nhưng tôi hoàn toàn bị thay đổi." Ngày nay, những nhóm nhỏ khác được thành lập, ví dụ như những người phụ nữ cầu nguyện cho với Đức Mẹ của các trẻ em, như được minh họa trong một khung kiếng màu, để xin Mẹ gìn giữ con cháu của họ.

Với sự thành công mà đã mang đến một dấu hiệu hy vọng thực sự, bà Catherine hy vọng rằng sáng kiến này sẽ được các giáo xứ khác thực hiện theo. Với nhóm nhỏ của mình vào thứ sáu, bà cầu nguyện với ý chỉ này và thích lặp lại câu nói rất hay của vị linh mục của mình: "Chúng ta cầu nguyện cho người dân của giáo xứ. Chúng ta cầu nguyện rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại làng quê của chúng ta.” Đây là một thông điệp đẹp về hy vọng, nó chứng minh rằng việc đóng cửa các nhà thờ không phải là không thể tránh được!

Phim ngắn “Về”

Cách đây dăm năm, mang trong mình những hoài bão của tuổi trẻ, tôi quyết tâm bỏ học đại học để bắt đầu sự nghiệp của mình. Lúc ấy, mọi thứ đối với tôi đều rất mới. Chân ướt, chân ráo, tôi bước vào chốn Sài Gòn phồn hoa, bước vào cuộc sống đầy những khó khăn. Cảm giác lúc đó khiến tôi thích thú, tôi bước ra thế giới đó với niềm hăng say và đầy sự tự tin. Tôi chẳng mấy quan tâm đến những thứ xung quanh mình ngoại trừ sự nghiệp, nên tôi cũng không có quá nhiều mối quan hệ tình cảm. Có vẻ đó cũng là một phần tôi cảm thấy tiếc nuối vào lúc này. Nhưng điều tôi cảm thấy tiếc nuối nhất là chưa năm nào tôi trở về nhà; nơi mà có bố có mẹ, có tình yêu thương, có sự chăm sóc, có những ước mơ hoài bão được ấp ủ và có cả những cuộc cãi vã giữa một tôi rất tự ái và một người bố rất nghiêm khắc nữa. Những điều đó không thể diễn tả hết được sự thiêng liêng của nơi mà tôi gọi là “Nhà”. Bây giờ cuộc sống của tôi cũng đã rất ổn định với nhiều năm bươn chải giữa cuộc đời. Tôi đã tự lo cho bản thân mình được và có được một công việc mà tôi rất yêu thích. Nhưng có gì đó khiến tôi cảm thấy vẫn chưa đủ, có vẻ đó là sự ấm áp của gia đình, của những buổi tối ăn cơm cùng nhau, những buổi chia sẻ hay cầu nguyện.

Đúng thật, chỉ có lúc bạn đi thật xa thì bạn mới có cảm giác muốn quay trở về. Thật hay, khi Tết chính là thời gian đẹp nhất để thực hiện chuyện đó. Tôi đã bỏ lỡ nhiều năm khi không có mặt ở nhà vào những dịp đặc biệt như thế này. Mỗi cuộc hành trình đối với tôi cũng cần những lúc phải nghỉ ngơi, trở về là cách nghỉ ngơi tuyệt vời nhất.

Mời bạn cùng đón xem bộ phim ngắn do Truyền thông Dòng Tên Việt Nam (JesCom) thực hiện. Bộ phim được mang tên “Về”. Với thông điệp chúng tôi muốn mang lại cho các bạn về nơi các bạn gọi là “nhà” để các bạn có thể quay trở về mỗi lúc mệt mỏi. Đặc biệt chúng tôi cũng chúc cho các bạn một Năm Mới đầy Bình an, Ấm áp và Hạnh phúc.

Joseph Vu

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

Thánh lễ bế mạc Ngày Quốc Tế giới trẻ tại Panama

2019-01-23-viaggio-apostolico-a-panama-1548598756762.JPG

700 ngàn người đã tham dự thánh lễ bế mạc Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 34 do ĐTC Phanxicô cử hành tại Panama, sáng chúa nhật 27-1-2019. Ngài mời gọi các bạn trẻ xác tín về sự gần gũi, cụ thể, hiện tại của lời Thiên Chúa hứa trong cuộc sống và hoạt động của các tín hữu.

Trong số 600 ngàn người đã tham dự buổi canh thức tối thứ bẩy, 26-1, tại Công viên thánh Gioan Phaolô 2 ở Metro Park, Panama, có hàng trăm ngàn bạn trẻ ngủ lại tại chỗ để có thể sẵn sàng tham dự thánh lễ bế mạc sáng chúa nhật hôm sau với ĐTC.

ĐTC đã trở lại đây đây từ lúc 7 giờ rưỡi để đi xe Papamobile tiến qua các lối đi chào thăm mọi người dưới bầu trời mùa hè ở Panama. Hàng ngàn lá cờ các quốc gia phất phới, trong khi ca đoàn hàng trăm ca viên trẻ hăng hái ca hát. Số người tham dự càng đông thêm so với 600 ngàn người đã dự buổi canh thức tối thứ bẩy vừa qua, vì có thêm nhiều giáo dân từ các nơi ở Panama và các nước láng giềng.

Đồng tế với ĐTC có 480 HY và GM thuộc các đại lục, và hàng ngàn linh mục ngồi trước lễ đài.

Trong số các tín hữu hiện diện, có Tổng thống Panama và phu nhân, cùng với các tổng thống của 5 nước Trung Mỹ khác, trừ Nicaragua, cùng với Tổng thống Bồ đào nha, các quan chức chính quyền Panama.

Lời chào của Đức TGM Ulloa, Panama

Đầu thánh lễ, Đức TGM José Domingo Ulloa của Tổng giáo phận Panama sở tại đã ngỏ lời nồng nhiệt cám ơn ĐTC và xác tín rằng: ”kinh nghiệm hiệp thông Giáo Hội và sự canh tân tinh thần và mục vụ mà chúng con đã trải qua cùng với vị Đại Diện Chúa Kitô sẽ ghi đậm cuộc sống của mỗi người chúng con. Sự phong phú của đức tin được sống trong vui tươi và hy vọng qua bao nhiêu bạn trẻ, nói với chúng con rằng có hy vọng, có thể thực hiện được những giấc mơ và khát vọng của chúng con.. Một giai đoạn mới trong công cuộc loan báo Tin Mừng tại đại lục này, trong đó giới trẻ thúc đẩy chúng ta trở thành một Giáo Hội đi ra bên ngoài, với khuôn mặt trẻ trung và được đổi mới, không sợ gặp gỡ thế giới, để loan báo Tin Mừng, với lòng hăng say của các môn đệ và thừa sai của Chúa Kitô”.

Các bài đọc được lấy từ Chúa nhật thứ 3 thường niên, trong đó có bài Tin Mừng theo thánh Luca (1,1-14; 4,14-21) thuật lại việc Chúa Giêsu vào Hội đường, đọc sách thánh và giải thích rồi kết luận ”Hôm nay, đoạn Kinh Thánh mà anh chị em vừa nghe được ứng nghiệm” (Lc 4,20-21).

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, dựa vào câu nói của Chúa Giêsu, ĐTC đặc biệt nhấn mạnh đến đặc tính cụ thể, ngày hôm nay, tính chất hiện tại của sứ điệp Tin Mừng, của lời Chúa hứa và cảnh giác trước quan niệm cho rằng lời hứa ấy chỉ có giá trị đối với tương lai và không liên hệ gì với hiện tại. Ngài áp dụng vào các bạn trẻ và nói:

Sứ mạng hiện tại

”Các bạn trẻ thân mến, cũng có thể xảy ra cho các bạn như vậy mỗi khi các bạn nghĩ rằng sứ mạng của các bạn, ơn gọi của các bạn, thậm chí cả cuộc sống của các bạn là một lời Chúa hứa chỉ có giá trị đối với tương lai chứ không liên hệ gì với hiện tại, như thể làm người trẻ đồng nghĩa với một thứ ”phòng đợi”, trong đó người ta chờ đợi đến lượt của mình...

Gặp gỡ và lắng nghe

ĐTC cũng nhắc lại rằng ”Một trong những thành quả Thượng HĐGM mới đây là sự phong phú nhờ có thể gặp gỡ và nhất là lắng nghe, lắng nghe giữa các thế hệ, phong phú nhờ trao đổi và nhận thức rằng chúng ta cần nhau, chúng ta cần cố gắng tạo những phương thế và không gian để dấn thân mơ ước và kiến tạo ngày mai ngay từ hôm nay. Nhưng chúng ta cần làm điều đó không phải một cách đơn độc, trái lại cùng với nhau, liên kết, kiến tạo một không gian chung.

”Các bạn trẻ thân mến, vì các bạn không phải là tương lai, nhưng là hiện tại của Thiên Chúa. Chính Chúa triệu tập và gọi các bạn vào các cộng đoàn và thành thị của các bạn, để ra đi tìm kiếm các ông bà ngoại, những người lớn; mời gọi các bạn đứng lên và cùng với những người lớn thực hiện giấc mơ mà Chúa đã mơ ước cho các bạn.

Không phải ngày mai, nhưng là lúc này, vì nơi nào có kho tàng của các bạn, ở đó có con tim của các bạn (Xc Mt 6,21)..

”Xin vâng theo gương Mẹ Maria”

Và ĐTC kết luận bài giảng với lời nhắc nhớ tấm gương xin vâng của Mẹ Maria. Ngài nói: ”Trong tất cả những ngày này, lời thưa ”xin vâng” của Mẹ Maria đặc biệt đồng hành với chúng ta như một nhạc đệm. Mẹ không những đã tin nơi Thiên Chúa và Lời Chúa hứa như một điều có thể thực hiện được, Mẹ đã tin vào Chúa và can đảm thưa ”xin vâng, để tham dự vào hiện tại của Chúa. Mẹ cảm thấy có một sứ mạng và Mẹ yêu mến, và điều này đã quyết định tất cả.”

Lời cám ơn của ĐHY Kevin Farrell

Cuối thánh lễ, ĐHY Farrell, người Mỹ, Bộ trưởng Bộ giáo dân, gia đình, sự sống, đã cám ơn ĐTC và nhắc đến tầm quan trọng của những Ngày Quốc Tế giới trẻ. ĐHY nói:

”Theo Văn kiện chung kết của Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ (nn.16,142), Ngày Quốc Tế giới trẻ cũng là cơ hội giúp các bạn trẻ sống kinh nghiệm hiệp thông và đức tin, chắc chắn giúp họ đảm nhận, trong tinh thần trách nhiệm, chỗ đứng và sứ mạng của họ trong xã hội và cộng đồng Giáo Hội. Kính thưa ĐTC, đối với bao nhiêu người trẻ đang đứng trước ngài hôm nay, và bao nhiêu người trẻ khác, đông đảo hơn, đồng hành với chúng ta trong những ngày này, qua các phương tiện truyền thông, Ngày Quốc Tế giới trẻ là một kinh nghiệm hiển dung, trong đó họ cảm nghiệm vẻ đẹp của tôn nhan Chúa, và đã đưa ra những chọn lựa quan trọng trong cuộc sống của họ. Những thành quả quan trọng hơn của những kinh nghiệm này sẽ được thấy rõ hơn trong cuộc sống thường nhật. Xin cám ơn ĐTC vì đã hướng dẫn chúng con trong cuộc lữ hành quốc tế này!”

Lời cám ơn và nhắn nhủ kết thúc của ĐTC

Tiếp lời ĐHY Farrell, ĐTC đã dâng lời cảm tạ Chúa vì đã ban cho mọi người được chia sẻ những ngày Quốc Tế giới trẻ này. Và ngài đặc biệt cám ơn sự hiện diện của Tổng thống Panamá Juan Carlos Varela Rodríguez, cũng như các vị Tổng thống các nước khác và chính quyền. Ngài cám ơn Đức TGM giáo phận Panamá, José Domingo Ulloa và các GM khác cũng như tất cả những người đã cộng tác để giấc mơ Ngày Quốc Tế giới trẻ tại nước này trở thành thực tại.

ĐTC cũng nồng nhiệt cám ơn các bạn trẻ và nói: ”Tôi xin các bạn đừng để những gì các bạn đã sống trong những ngày này bị nguội đi. Các bạn hãy trở về giáo xứ, cộng đoàn, gia đình, nơi các bạn hữu của mình và thông truyền kinh nghiệm này, để những người khác cũng có thể được rung động vì sức mạnh và niềm vui của các bạn. Cùng với Mẹ Maria, các bạn hãy tiếp tục thưa ”xin vâng” đối với giấc mơ mà Chúa đã gieo vãi nơi các bạn”.

Ngày Quốc Tế giới trẻ lần tới tại Fatima năm 2022

Cuối cùng ĐHY Farrell đã chính thức loan báo Ngày Quốc Tế giới trẻ cấp hoàn vũ lần tới sẽ được tổ chức tại Bồ đào nha, vào năm 2022.

Đoàn trẻ người Bồ đào nha có mặt tại buổi lễ đã reo hò vui mừng và vẫy cờ quốc gia của họ..

Thánh lễ kết thúc lúc 9.45 sáng giờ địa phương. Trước khi rời địa điểm hành lễ, ĐTC còn chào thăm và cám ơn 40 vị ân nhân người Panama đã hỗ trợ tài chánh cho việc tổ chức Ngày Quốc tế giới trẻ tại đây.

600 ngàn người canh thức với ĐTC Phanxicô tại Panama

pope-francis-attends-a-vigil-at-saint-paul-ii-1548548643960.JPG

Chiều tối thứ bẩy 26-1-2019, 600 ngàn người đã canh thức với ĐTC tại Metro Park ở Panama. ĐTC mời gọi mọi người hãy đón nhận cuộc sống với tất cả những mong manh và mâu thuẫn, tin tưởng nơi sức mạnh của tình yêu Chúa và nói như Mẹ Maria: ”Xin xảy đến cho con như lời Ngài!”


Buổi canh thức diễn ra tại Công viên thánh Gioan Phaolô 2, quen gọi là Metro Park, Công viên Metro, cách tòa Sứ thần Tòa Thánh gần 25 cây số và cách bờ Thái Bình Dương gần 1 cây số rưỡi, có thể đón tiếp 700 ngàn người. Khu vực này đang tiếp tục phát triển mạnh về mặt công nghệ và thương mại.

Khi đến đây, ĐTC đã dùng xe Papamobile để cùng với Đức TGM sở tại José Domingo Ulloa tiến qua các lối đi để chào thăm 600 ngàn bạn trẻ và các tín hữu địa phương trong bầu không khí rất tưng bừng và nồng nhiệt. Các bạn trẻ vẫy cờ quốc gia của họ và reo hò khi xe ĐTC đi qua. Trong khi đó ca đoàn và ban nhạc hùng hậu trình diễn các bài ca của những Ngày Quốc Tế giới trẻ từ trước đến nay, để nói lên sự liên kết giữa các biến cố quan trọng này, sau cùng là Bài Ca Ngày Quốc Tế giới trẻ lần này..

Như thường lệ, buổi canh thức là một sự nối kết giữa các phần trình diễn, chứng từ, huấn dụ của ĐTC, chầu Mình Thánh Chúa, và kinh nguyện kính Đức Mẹ.

ĐTC đã cùng với 5 bạn trẻ đại diện 5 châu tiến lên lễ đài và mọi người đã xem trình diễn hoạt cảnh Cây Sự Sống kể lại cuộc đời của một thanh niên từ lúc sinh ra trong một gia đình cho đến khi bị sự ác cám dỗ, rồi anh trở về với sự thiện, với sâu chuỗi Mân Côi và Thánh Giá trong tay, và lời giúp đỡ gửi đến những người khác.

Mọi người cũng lần lượt nghe 3 chứng từ: trước tiên của một gia đình, rồi đến một bạn trẻ đã từng nghiện ngập ma túy, một thanh nữ người Palestine.

Chứng từ của một gia đình

- Ông Bà Rogelio và Erika de Bucktron kết hôn từ 22 năm nay và có 4 người con 2 trai 2 gái, trong đó Ines là bé gái út mới được 2 tuổi 8 tháng. Bà Erika kể:

”Khi được 42 tuổi, con lại có thai mà không ngờ, nhưng Chúa đã có những chương trình khác cho gia đình con. Đó là một cuộc mang thai có nhiều rủi ro. Đến tuần thứ 17, bác sĩ xác nhận với con là bào thai bị hiệu chứng Down. Khi có thai trong quý (trimestre) thứ 2, thì con bị ngã. Có lẽ cú ngã ấy là điều báo trước những gì mà con phải sống làm sao đó để nâng đỡ con gái của chúng con trong tiến trình phát triển của bé, bé là một người bị lệ thuộc và được hội nhập vào xã hội.

”Suốt trong thời kỳ mang thai ấy, chúng con phó thác trong tay Chúa và xin vâng theo Ý Chúa. Trong thâm tâm, chúng con vẫn hy vọng bé sẽ sinh ra bình thường, nhưng chúng con đã đón nhận ý Chúa trong tình thương yêu. Đối với các cha mẹ như chúng con, vì nhiều lý do, thật là một hy sinh lớn khi chấp nhận một đứa con bị bệnh hoặc bị một khuyết tật nào đó. Khi Ines sinh ra, chúng con đã quyết định yêu thương con hết lòng và không phân biệt với những đứa con đã sinh trước. Những người con khác của chúng con cũng đã đón nhận em gái út bị tật nguyền với trọn tình thương.

Và bà Erika kết luận rằng: ”Chúng con cảm tạ Chúa vì Ines sinh ra, chúng con chọn tên này cho bé để tôn kính thánh Agnès, khi còn trẻ tuổi, đã trở thành vị tử đạo vì yêu mến Chúa Kitô và thánh nữ là bổn mạng của những người trẻ, những người đính hôn và cũng là một dấu chỉ sự thanh khiết”.

Chứng từ của một thanh niên từng bị nghiện ngập

Chứng từ thứ hai của anh Alfredo Martínez Andrión, một thanh niên cựu nghiện ngập, được phục hồi.

Alfredo sinh tại thành Colón, năm nay 20 tuổi và là con cả trong 7 anh em. Năm 16 tuổi vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn của gia đình, nhiều khi chẳng có gì để ăn, nên Alfredo phải bỏ học ra đi làm đường xá cùng với cha, nhưng rồi dự án này cũng bị thất bại. Vậy là anh lâm vào tình trạng chẳng được học hành và cũng chẳng có công ăn việc làm, vì thế anh bắt đầu dùng ma túy. Alfredo chẳng đi nhà thờ và rồi thế giới ma túy đưa anh vào tù. Một năm sau, anh được trả tự do, và cố gắng cải tiến, nhưng không có người giúp đỡ, nên Alfredo lại rơi vào nạn nghiện marijuana, và vấn đề tiếp tục kéo dài. Anh bị một phần gia đình từ khước.

Alfredo đi tìm một lối thoát với thánh giá trong tay. Anh tìm đến Trung tâm Thánh Gioan Phaolô 2 và tại đây anh tìm được nơi cư ngụ, được nâng đỡ và được một điều rất quan trọng là các anh em khác khích lệ anh trên con đường hồi phục. Alfredo kể:

”Họ dạy con tín thác nơi Chúa và qua đó, tín nhiệm nơi tha nhân. Niềm tin này ngày nay còn tiếp tục giúp con trên hành trình và không đánh mất hy vọng. Và bây giờ, con ở đây, chiến đấu cho gia đình con, vì con là sự nâng đỡ kinh tế duy nhất cho gia đình.

”Con muốn nói với các bạn trẻ thế giới rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chúng ta là chủ những hành động của mình, nhưng nếu chúng ta ở với Chúa thì mọi sự sẽ trôi chảy”.

Chứng từ của một thanh nữ Palestine

Chứng từ thứ ba của cô Nirmeen Odeh, người Palestine đến từ một vùng xung đột. Cô cho biết mình là một người nhút nhát, nhưng cũng là ”một con chuột trong thư viện vì có tính tò mò”. Cô hoàn tất việc học với ý nghĩ rằng điều quan trọng nhất trên đời là làm sao đạt được các kiến thức. Cho dù cô là một tín hữu Kitô tại miền Palestine, nhưng trong thực tế cô chẳng quan tâm gì đến tôn giáo cũng như các nơi thánh quanh vùng của cô. Cô đến từ một vùng có nhiều vụ chà đạp các nhân quyền sơ đẳng nhất. Vì thế, cô nghĩ tốt hơn nên xa tránh Kitô giáo để khỏi bị phiền phức. Nirmeen chẳng hề quan tâm tới đức tin trong đời sống thường nhật, nhưng dầu vậy cô vẫn tò mò muốn biết về ý tưởng Thiên Chúa và ý tưởng này thu hút cô. Cô kể lại:

”Năm 2016, con tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Cracovia. Trong cuộc du hành con đã quyết định và đã thực hành một hành vi đức tin. Ngày 23-7 năm 2016, con xưng tội và rước lễ lần đầu tiên, với tâm hồn tràn đầy niềm tin. Con cũng gặp những người được Chúa gửi đến và 3 người trong số họ đã trở thành linh mục.

”Trong chuyến bay trở về nhà, con đã được giới thiệu cuốn sách Kitô đầu tiên mà con đọc. Đó lá cuốn ”Tự Thú” (Le Confessioni) của thánh Augustino. Sau cuốn đó, con đọc nhiều cuốn khác nói về lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa và về ý nghĩa của đời sống Kitô. Cùng năm 2016, con đã đăng ký theo một lớp thần học.

”Đối với con, Ngày Quốc Tế giới trẻ chỉ là khởi đầu. Khúc quanh thực sự là khi con hiểu rằng Chúa Giêsu yêu thương con như thực trạng của con, với tất cả những khuyết điểm của con. Con cảm thấy Chúa đã tìm thấy con trong một điều duy nhất trong đó con đang ẩn nấp: đó là các cuốn sách! Và giờ đây 3 năm sau, con ở Panama này, sốt sắng cầu nguyện để xin Chúa hướng dẫn con trong cuộc hành trình sắp tới”

Và cô Nirmeen nói: ”Hỡi các bạn trẻ trên thế giới: biến cố Ngày Quốc Tế giới trẻ này có thể là một khúc quanh trong cuộc đời của các bạn. Ngày hôm nay các bạn đừng ra đi mà không để Chúa Giêsu thay đổi điều gì đó nơi các bạn. Hãy tín thác nơi Chúa và để Chúa đi vào cuộc đời các bạn, các bạn sẽ không bị thất vọng”.

Huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ tiếp đó, diễn giải ý nghĩa chủ đề Ngày Quốc Tế giới trẻ lần này, ĐTC đã mời gọi các bạn trẻ hãy noi gương Mẹ Maria qua lời thưa xin vâng: ”Xin xảy đến cho tôi như lời Sứ Thần”: đây không phải là một thái độ chấp nhận thụ động hoặc cam chịu, nhưng là lời chấp nhận của người muốn can dự, dấn thân, chấp nhận rủi ro, với xác tín mình là người mang một lời hứa... Sự chấp nhận và ước muốn phục vụ mạnh mẽ hơn những nghi ngờ và khó khăn.

ĐTC dùng nhiều kiểu nói thích ứng với giới trẻ là những người dấn thân nhiều trong việc sử dụng các mạng xã hội. Ngài đề cao Mẹ Maria là Influencer của Thiên Chúa, Người của Thiên Chúa có ảnh hưởng lên trên nhân loại, và từ đó ĐTC mới gọi các bạn trẻ đón nhận cuộc sống như nó xảy ra trong niềm tín thác nơi tình thương của Thiên Chúa. ĐTC nói:

Noi gương ”xin vâng” của Mẹ Maria

”Tối hôm nay, chúng ta cũng nghe lời ”Xin vâng” của Mẹ Maria âm vang và gia tăng mạnh từ thế hệ này qua các thế hệ khác. Noi gương Mẹ Maria, nhiều bạn trẻ đã liều và dấn thân, được sự hướng dẫn của lời Chúa hứa. Cám ơn anh chị Erika và Rogeglio vì chứng tá của anh chị. Anh chị đã chia sẻ những lo sợ, những khó khăn và tất cả sự rủi ro trải qua trong khi chờ đợi Ines người con của anh chị... Điều gây ngạc nhiên là anh chị nói rằng: ”Khi con chúng con sinh ra, chúng con đã quyết định hết lòng yêu thương con”. Trước khi bé sinh ra, đứng trước tất cả những thông tin và khó khăn, anh chị đã đi đến quyết định và đã nói như Mẹ Maria: ”Xin xảy ra cho chúng con”, anh chị đã quyết định yêu thương con. Đứng trước một cuộc sống của người con cái anh chị, mong manh, yếu ớt, và cần được giúp đỡ, câu trả lời của anh chị là ”xin vâng”. Anh chị đã tin rằng thế giới không phải chỉ được dành cho những người mạnh!

ĐTC giải thích rằng: ”Thưa 'xin vâng' với Chúa có nghĩa là can đảm đón nhận cuộc sống như nó xảy ra, với tất cả sự yếu đuối và nhỏ bé, và nhiều khi với tất cả những mâu thuẫn và thiếu ý nghĩa, với cùng tình yêu như Erika và Egeglio đã nói. Có nghĩa là đón nhận tổ quốc, gia đình, các bạn hữu của chúng ta như thực trạng của họ, cả những yếu đuối và bé nhỏ của họ. Đón nhận cuộc sống được biểu lộ cả khi chúng ta chào đón tất cả những gì không hoàn hảo, tinh tuyền, nhưng không vì thế mà không đáng yêu.

Giúp ”những cội rễ” chắc chắn cho người trẻ

ĐTC cũng cám ơn anh Alfredo vì chứng từ mà anh đã can đảm chia sẻ với mọi người. Ngài đặc biệt chú ý đến sự kiện Alfredo không còn được lui tới trường học, không nghề nghiệp và cũng chẳng có công ăn việc làm.

ĐTC nói: 'Cuộc sống chúng ta sẽ không có cội rễ, nếu bị 4 cái không: không có việc làm, không có học vấn, không có cộng đoàn, không có gia đình.. Không thể tăng trưởng nếu không có những gốc rễ vững mạnh giúp đứng vững và bám vào đất..

Từ nhận xét đó, ĐTC khẳng định rằng:

“Những người lớn phải tự hỏi: đâu là những gốc rễ chúng ta đang mang lại cho người trẻ? Thật là dễ phê bình người trẻ và than trách họ, trong khi chúng ta không cho họ cơ hội được làm việc, được giáo dục và được cộng đoàn nâng đỡ để họ bám vào đó và mơ ước tương lai! Nếu không có học vấn thì khó lòng ước mơ tương lai, cũng vậy nếu không có công việc, gia đình và cộng đoàn.

ĐTC cũng cảnh giác rằng: ”Chúng ta biết rõ: không phải cứ nối mạng suốt ngày là chúng ta cảm thấy mình được nhìn nhận và yêu thương. Cảm thấy mình được coi trọng và được mời đến một cái gì đó, là điều lớn hơn là ở trên mạng. Có nghĩa là tìm được những không gian trong đó, với đôi tay, với con tim và với đầu óc các bạn có thể cảm thấy là thành phần của một cộng đoàn rộng lớn hơn đang cần các bạn và cả các bạn cũng cần cộng đoàn ấy.”

Đừng kêu trách người trẻ, nhưng giúp đỡ họ

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến những người kêu trách, ”lẩm bẩm” đối với tha nhân, đặc biệt là những người trẻ, và ngài nhắc đến tấm gương của thánh Gioan Bosco, người không đi tìm kiếm những người trẻ ở nơi xa xăm, hoặc đặc biệt nhưng đã học cách nhìn tất cả những gì xảy ra trong thành phố với đôi mắt của Thiên Chúa, và do đó thánh nhân cảm thấy bị xúc động trước hàng trăm trẻ em và người trẻ bị bỏ rơi, không được học hành, không có việc làm và cũng chẳng có bàn tay thân hữu của một cộng đoàn nâng đỡ. Nhiều người sống trong cùng thành phố, và nhiều người phê bình những người trẻ ấy, nhưng họ không biết nhìn chúng với đôi mắt của Thiên Chúa. Trái lại thánh Bosco đã làm và biết đi bước đầu tiên: nghĩa là đón nhận cuộc sống như nó đang diễn ra, và từ đó ngài không sợ đi bước thứ hai là kiến tạo cho các em một cộng đoàn, một gia đình trong đó với công việc và học hành các em cảm thấy được yêu mến. Đó là cung cấp cho các em những cội rễ để bám vào để có thể lên trời.

ĐTC nhắc đến và đề cao bao nhiệu tổ chức và trung tâm như Trung tâm thánh Gioan Phaolô 2 mà anh Alfredo đã nói, họ đang tìm cách đón nhận sự sống đang xảy đến với tất cả khía cạnh và phức tạp vì họ biết rằng đối với cây, có hy vọng, nếu nó bị cắt tỉa đi vì vẫn mọc tiếp và những mầm của nó không ngừng tăng trưởng. (Gb 14,7).

Bài huấn dụ của ĐTC nhiều lần bị ngắt quãng vì những tiếng vỗ tay hưởng ứng của các bạn trẻ.

Phần kế tiếp của buổi canh thức là thờ lạy Mình Thánh Chúa và phép lành của ĐTC.

G. Trần Đức Anh OP - Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận đơn từ nhiệm của Đức cha Laurensô Chu Văn Minh

Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận đơn từ nhiệm của Đức cha Laurensô Chu Văn Minh

Vào lúc 12g00 trưa nay (giờ Roma) thứ Bảy 26 tháng 01 năm 2019, tức 18g00 cùng ngày tại Việt Nam, Phòng Báo chí Toà Thánh công bố:
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận đơn từ nhiệm Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội của Đức cha Laurensô Chu văn Minh, giám mục hiệu toà Thinisa in Numidia.
***
Tiểu sử Đức cha Laurensô Chu Văn Minh
27/12/1943:    Sinh tại Nam Định
1956 – 1960:   Học tại Tiểu chủng viện Gioan Hà Nội 
1960 – 1992:   Sống tại gia đình và phục vụ tại giáo xứ Nam Định
1992 – 1994:   Học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội
10/06/1994:    Thụ phong linh mục cho Tổng giáo phận Hà Nội tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, do Đức Tổng giám mục Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng 
1994 – 1995:   Phục vụ tại giáo xứ Nam Định
1995 – 2000:   Du học tại Đại học Urbaniana, Rôma
02/09/2001:    Giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội
26/02/2002:    Thành viên Hội đồng Tư vấn Tổng giáo phận Hà Nội
15/10/2002:    Giám học Đại chủng viện Thánh Giuse 
04/08/2003:    Phó Giám đốc thường trực Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội 
01/08/2005:    Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội 
15/10/2008:    Được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội, hiệu toà Thinisa in Numidia
05/12/2008:    Lễ truyền chức Giám mục tại Nhà thờ Nam Định; chủ phong: Đức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, phụ phong: Đức Tổng giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể và Đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng - nguyên Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội.
                        Châm ngôn giám mục: “Phục vụ trong Đức ái”.
***
Như vậy, hiện nay, Giáo hội Việt Nam có:
– 31 giám mục đang coi sóc các giáo phận, trong đó có 24 Giám mục Chính toà, 2 Giám mục Giám quản Tông toà, 2 Giám mục Phó, 3 Giám mục Phụ tá.
– 16 giám mục nghỉ hưu, trong đó có Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm được bổ nhiệm làm Giám quản Tông toà giáo phận Phan Thiết.
– Ngoài ra còn có 5 giám mục khác đang phục vụ tại các giáo phận ở nước ngoài, trong đó có Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt là Sứ thần Toà Thánh tại Sri Lanka.
– 3 giáo phận trống toà:
  • Giáo phận Phan Thiết: từ 1/3/2017
  • Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh: từ 6/3/2018
  • Giáo phận Hải Phòng: từ 17/11/2018

Sứ Mạng Dấn Thân Xã Hội



Xã hội sẽ lụi tàn nếu thiếu những người hết lòng dấn thân. Hội Thánh cũng sẽ thiếu sức sống nếu thiếu các Kitô hữu nhiệt thành phụng sự Chúa và phục vụ con người. Vì thế, dấn thân là yếu tố quan trọng trong ơn gọi của con người làm thăng tiến xã hội và là dấu chỉ sự hiện diện sống động của Hội Thánh giữa lòng thế giới vì thiện ích của nhân loại. Ý thức được tầm quan trọng của việc dấn thân xã hội, ngày 26.01.2019, cha Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, S.J, Viện trưởng Học viện Dòng Tên, đã kết hợp cùng ban tông đồ trí thức của Tỉnh Dòng Tên Việt Nam tổ chức chuyên đề Sứ Mạng Dấn Thân Xã Hội.
Chuyên đề này gồm hai đề tài. Đề tài đầu tiên: Giáo Hội Dấn Thân Vào Đời Sống Xã Hội – Nền Tảng Thần Học Theo H.U.Balthasar và Hệ Luận Mục Vụ do Tiến sỹ Thần học Tín lý, cha Fx. Nguyễn Hai Tính S.J trình bày và Tiến sỹ Thần học Linh đạo, cha Antôn Phạm Trung Hưng S.J, Giáo sư đại học Santa Clara, Hoa Kỳ, phản biện. Đề tài thứ hai: Dấn Thân Xã Hội, Chiều Kích Đặc Trưng Của Ngôn Sứ do Thạc sỹ, ứng viên Tiến sỹ Chú giải Thánh Kinh tại Học viện Thánh Kinh Giáo Hoàng (Biblicum), cha Giuse Cao Gia An S.J trình bày. Phản biện đề tài thứ hai là Tiến sỹ Thần học Thánh Kinh, soeur Agnes Nguyễn Thị Cảnh Tuyết – Dòng nữ Đaminh Tam Hiệp. Buổi chuyên đề đã quy tụ khoảng hơn 200 nam nữ tu sỹ, quý bề trên từ các Học viện và các Hội Dòng khác nhau.
Trong đề tài đầu tiên, cha Hai Tính đã trình bày về vấn nạn liệu Giáo Hội có nên dấn thân vào các vấn đề chính trị-xã hội, nền tảng thần học của việc dấn thân, và định hướng mục vụ trong dấn thân xã hội. Theo cha, Giáo Hội noi gương Đức Giêsu, nhất thiết cần phải dấn thân vào trong đời sống và các hoạt động của xã hội, để thực hiện và tiếp nối công trình cứu độ của Thiên Chúa, làm cho phúc lộc của Ngài được trổ sinh hoa trái. Việc dấn thân này không biến Giáo Hội thành những cơ quan hay những thế lực xã hội thuần tuý, hoặc không chỉ để gia tăng của cải cho thế giới nhằm giúp đời sống con người tốt hơn, nhưng là để giúp con người có sự tiến bộ đích thực, trở về với Thiên Chúa và có tương quan cá vị với Ngài – Đấng là cùng đích của loài người. Như vậy, khi dấn thân xã hội, Giáo Hội vừa cần sống tinh thần cầu nguyện, phụng tự, luyện tập nhân đức để nhạy bén với Thánh Ý Chúa, vừa nỗ lực, “tự lập” sinh hoa trái giúp xã hội tiến bộ đích thực.[1]
Trong phần thuyết trình, cha Gia An đã nhấn mạnh đến chiều kích sứ mạng dấn thân xã hội của ngôn sứ. Theo cha: “Dấn thân xã hội của Giáo Hội không phải là một tùy chọn nhưng là căn tính của Giáo Hội, một sứ mạng được trao từ chính Thiên Chúa. Mỗi Kitô hữu khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội không chỉ trở nên những tư tế, những vương đế nhưng còn là những ngôn sứ của Thiên Chúa.”
Đâu là những mẫu gương các ngôn sứ để lại cho mỗi Kitô hữu? Các ngôn sứ đã sống, đã hòa đồng với cả xã hội, cả đất nước của mình. Các ngài đã sống chung với vận mệnh của đất nước, chia sẻ với những nỗi thống khổ của dân. Từ đó, các ngôn sứ không chỉ phê bình, lên án những bất công xã hội nhưng các ngài còn là những tác nhân từ bên trong để xây dựng tình liên đới, tình hiệp nhất, tình người trong dân tộc. Không những thế, các ngôn sứ còn an ủi và khơi dậy niềm hy vọng cho dân trong những hoàn cảnh bế tắc, khó khăn. Cuối cùng, sự hiện diện, tiếng nói, sự giáo dục của họ nói lên sự quan phòng của Thiên Chúa trong dân. Như thế, ngôn sứ không chỉ là trung gian nói thay Chúa, nhưng còn là trung gian nói thay cho con người.
Có thể nói, mọi người trong mọi thời dù thời bình hay thời chiến, thời hưng thịnh hay khó khăn… đều cần dấn thân xã hội, cần sống sứ mạng của ngôn sứ. Nhưng dù dấn thân xã hội, Giáo Hội và “mỗi ngôn sứ” sẽ không gắn liền với thể chế chính trị, hay đảng phái nào. Các tổ chức xã hội là những phương tiện tạm thời để ngôn sứ, Giáo Hội loan báo sứ điệp của Thiên Chúa và Lời Chúa đến toàn dân.
Cuối buổi hội thảo, quý thầy Học viện Dòng Tên đã trình bày tiết mục Mùa Xuân Đầu Tiên của nhạc sỹ Văn Cao với thông điệp “Vui đón Mùa Xuân hạnh phúc với Đất Trời và với tình người.”

[1] Tiến bộ là hiện tượng của tinh thần, không hoàn toàn đồng nghĩa với vật chất. Tinh thần luôn muốn vươn lên mãi theo chiều dọc tới Đấng siêu việt; còn phát triển là hiện tượng thuộc vật chất, chỉ lặp lại, sao chép nhờ sự khai thác. Tiến bộ đi đôi với phát triển, nhưng phát triển chưa chắc là dấu hiệu của tiến bộ.
Pr. Nguyễn Văn Đương, S.J

Hiệp hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại: Mừng bổn mạng

WGPSG -- "Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng kính Thánh Phaolô Tông Đồ trở lại, bổn mạng của Hiệp hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại, kỷ niệm 10 năm khai sinh nhóm anh em Phaolô. Chúng ta nguyện xin Chúa quan phòng quy tụ nơi đây để tạ ơn Chúa những ơn lành Chúa đã ban cho chúng ta. Và cầu xin Chúa trong tương lai của Hiệp Hội cho mỗi người chúng ta và tất cả toàn Hội Thánh".
 Đó là lời của cha Gioan Baotixita Nguyễn Quốc Thư CM - Giám tập, chủ tế Thánh lễ mừng kỷ niệm 10 năm bổn mạng Hiệp hội Thánh Phaolô Tông Đồ trở lại, được cử hành lúc 9g30 thứ Sáu, ngày 25-1-2019 tại nhà thờ Tân Sa Châu, hạt Chí hòa.
      Đồng tế với cha Gioan Baotixita có cha Cố Louis Betrand Cao Đức Thuận - Tổng Phụ Trách Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại, cha Giuse Nguyễn Hữu Triết - chánh xứ giáo xứ Tân sa Châu, cha Giuse Đinh Châu Trân OP - Giám đốc học viện Dòng Nam đặc trách tu sĩ (TGPSG), cha Giuse Phạm Thế Hiển - Bề trên sáng lập Hội Chứng nhân Lòng Thương Xót, cha Giuse Trần thanh Công - chánh xứ Vườn Xoài, cha Đa Minh Đinh Văn Vãng - Tổng Giám huấn Hiệp Hội Thánh Mẫu, cha Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng - Tổng thư ký Đại học Công Giáo trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, cha Giuse Nguyễn Văn Lưu, quý cha cố và gần 30 cha khác. Tham dự thánh lễ còn có quý tu sĩ, quý ân nhân và quý khách.
    Trong bài giảng, cha Giuse chia sẻ: Một linh mục hơn bốn mươi năm đã cống hiến trong lần chia sẻ với anh em linh mục trẻ, là một linh mục khi theo Đức Giêssu phải có cái đầu to để phán đoán, phải có một trái tim, phải có tính mạo hiểm liều lĩnh, vì không phải tất cả Tin Mừng được rao giảng thì mọi người đón nhận một cách dễ dàng. Có khi còn bị chống đối vì lúc đấy một người thiếu liều lĩnh, thiếu trái tim thì không thể dấn thân theo Đức Giêsu. Cứ nhìn ngắm Đức Giêsu mà xem, Người đã đi trước và trải nghiệm tất cả, kẻ yêu nhiều, mà người ghét cũng không thiếu. Dưới một xã hội dối trá, mọi sự đều che đậy có dám nói chân lý và sự thật không? Một xã hội đề cao hưởng thụ có dám hiến thân, có dám tự hào, có dám nói tự hiến để cho người khác được sống và sống dồi dào không?
     Nhìn vào Thánh Phaolô không phải là một vị Thánh Tông Đồ do Chúa Giêsu chọn nằm trong nhóm mười hai. Phaolô vị tông đồ trở lại hôm nay tham gia tích cực sau khi gặp biến cố ở Đa mát, việc đầu tiên ngài chất vấn: “Ngài là ai?” - "Ta là Đấng ngươi đang tìm kiếm".
      Thánh Phaolô đã đi tìm chân lý, Ngài vứt bỏ những tội lỗi ra đằng sau để mặc lấy con người mới, một con người được Đức Kitô đụng chạm, một con người dám dấn thân, một con người đã chết đi cho con người cũ và mặc lấy con người mới. Tất cả những điều đó được khơi đi từ tâm tình của Thánh Phaolô. Xin lời Chúa hôm nay khơi đến cộng đoàn, để chúng ta được chiêm ngắm Thánh Tông Đồ Dân Ngoại, chúng ta cũng xin Chúa giúp đỡ mỗi người chúng ta trong xã hội hôm nay có một trái tim yêu, một chút liều lĩnh để chúng ta có thể làm gì đó cho Giáo Hội, xã hội và mọi người.
     Tiếp theo, các thầy dâng lên Chúa lời nguyện và phụng vụ Thánh Thể.
     Trước khi cha Gioan Baotixita ban phép lành, cha Cố Louis có đôi lời cảm ơn đến quý cha, đã đến cùng hiệp dâng Thánh lễ hôm nay, đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho Dòng Phaolô Dân Ngoại.
      Thánh lễ kết thúc lúc 11g30, quý cha cùng quý tu sĩ chụp hình lưu niệm. Các thầy cũng như mọi người ra về với đời sống dấn thân: “Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”.
BM HIỆP HỘI THÁNH PHAOLÔ TĐ DÂN NGOẠI