Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Thánh lễ bế mạc Thượng HĐGM thứ 15 về giới trẻ

Thánh lễ bế mạc Thượng HĐGM thứ 15 về giới trẻ

Lúc 10 giờ sáng chúa nhật 28-10, ĐTC đã chủ sự thánh lễ tạ ơn bế mạc Thượng HĐGM. Vì trời mưa gió, nên lễ được cử hành bên trong Đền thờ thánh Phêrô, đông chật 9 ngàn tín hữu và hàng ngàn người khác dự lễ qua màn hình ở quảng trường bên ngoài.

Đồng tế với ĐTC có các nghị phụ, trong đó có 50 Hồng Y, 6 vị Thượng Phụ, phần lớn còn lại là các GM đại biểu của các HĐGM cùng với một số LM, trong đó có 10 vị do Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam bầu lên và 10 vị do ĐTC bổ nhiệm. Hơn 40 dự thính viên ngồi tại những hàng ghế gần bàn thờ.

Bài đọc thứ I bằng tiếng Anh trích từ sách Ngôn Sứ Giêrêmia (31,7-9) do anh Cao Hữu Minh Trí, dự thính viên thuộc giáo phận Sàigòn, tuyên đọc.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, dựa vào trình thuật Tin Mừng theo thánh Marco về việc Chúa Giêsu chữa lành anh Bartimeo bị mù bẩm sinh, ĐTC đã rút ra 3 bài học từ thái độ của Chúa Giêsu, đó là lắng nghe, trở nên gần gũi và làm chứng, để áp dụng vào hành trình Thượng HĐGM vừa chấm dứt và hành trình tiếp sau đó.

Lắng nghe

Trước hết Chúa Giêsu đã lắng nghe tiếng kêu của anh mù Bartimeo nằm một mình bên vệ đường, không được yêu thương, bị bỏ rơi. Anh ta mù và không có ai nghe anh. Chúa Giêsu lắng nghe tiếng kêu của anh. Và khi gặp anh, Ngài để anh ta nói và anh đã xin cho mình được thấy. ĐTC nói:

Đó bước đầu tiên để giúp hành trình đức tin là lắng nghe. Đó là tông đồ bằng tai: lắng nghe trước khi nói.

Trái lại, nhiều người ở với Chúa Giêsu đã khiển tránh anh Bartimeo để anh im đi (Xc v.48). Đối với các môn đệ này, kẻ túng quẫn là người gây xáo trộn trên đường, một sự bất ngờ xảy trong chương trình định trước. Họ thích thời kỳ của họ hơn là thời kỳ của Thầy, thích lời nói của họ hơn là nghe người khác.. Trái lại, đối với Chúa Giêsu, tiếng kêu của người cầu cứu không phải là điều làm phiền, cản trở bước đường, nhưng là một yêu cầu sinh tử. Đối với chúng ta, thật là quan trọng dường nào khi lắng nghe cuộc sống! Các con của Cha trên trời lắng nghe anh em mình: không nghe những chuyện tầm phào vô ích, nhưng nghe những nhu cầu của tha nhân...

Trong chiều hướng trên đây, ĐTC đã nhân danh tất cả những người lớn xin lỗi những người trẻ vì - ngài nói - nhiều khi ”chúng tôi đã không lắng nghe các bạn.. Trong tư cách là Giáo Hội của Chúa Giêsu, chúng tôi muốn lắng nghe các bạn với tình yêu thương, xác tín chắc chắn về hai điều: thứ I, cuộc sống của các bạn là quí giá đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa trẻ trung và yêu thương người trẻ; thứ hai cuộc sống của các bạn là quí giá đối với chúng tôi, cần thiết để tiến bước”.

Đồng hành trong đức tin

Sau khi lắng nghe, bước thứ hai là để đồng hành trong đức tin là trở nên gần gũi. Chúa Giêsu hỏi anh mù: Anh muốn gì? Anh muốn tôi làm gì cho anh? Làm chứ không phải chỉ nói mà thôi. Chúa đặt mình trong tư thế của Bartimeo, không xa cách những mong đợi của anh. Đó là cách thức hành động của Thiên Chúa; đích thân can dự trong tình yêu thương đặc biệt đối với mỗi người. Trong cách hành động của Ngài, Ngài thông truyền sứ điệp, và nhờ đó đức tin nảy mầm trong cuộc sống... đức tin là sự sống. Chúng ta không thể là những người duy đạo lý hoặc duy hành động; chúng ta được kêu gọi thi hành công việc của Chúa cho thế giới của Thiên Chúa, trong sự gần gũi, gắn bó với Chúa, hiệp thông giữa chúng ta, gần gũi các anh chị em..

Làm chứng

”Bước thứ ba là làm chứng. Chúng ta hãy nhìn các môn đệ gọi anh mù Bartimeo: họ không đến gặp anh đang ăn xin, với một đồng tiền nhỏ hoặc ban cho anh những lời khuyên; họ đến nhân danh Chúa Giêsu, nói với anh ba lời của Chúa: ”Can đảm lên, hãy đứng lên, Người gọi anh kìa!” (v.49).

ĐTC giải thích: ”Chờ đợi những người anh em đang tìm kiếm đến gõ cửa của chúng ta, đó không phải là điều hợp với tinh thần Kitô; chúng ta phải đi đến gặp họ, không mang bản thân chúng ta, nhưng mang Chúa Giêsu. Chúa sai chúng ta, như những môn đệ ấy, nhân danh Chúa khích lệ và nâng đỡ dậy. Chúa sai chúng ta nói với mỗi người: ”Thiên Chúa yêu cầu bạn hãy để cho Ngài yêu thương bạn”. Bao nhiêu lần thay vì mang sứ điệp giải thoát ấy, chúng ta đã mang chính mình, mang những công thức, những nhãn hiệu trong Giáo Hội! Bao nhiêu lần thay vì đón nhận lời Chúa, chúng ta coi những ý tưởng của chúng ta là Lời Chúa! Bao nhiêu lần dân chúng cảm thấy gánh nặng của các cơ cấu tổ chức của chúng ta hơn là sự hiện diện thân hữu của Chúa Giêsu! Thế là chúng ta trở thành một tổ chức phi chính phủ, không phải là cộng đoàn những người được cứu độ sống niềm vui của Chúa”.

Lời cám ơn của ĐTC

Trong phần kết của bài giảng, ĐTC cám ơn tất cả những người đã tham dự vào cuộc đồng hành với nhau, cám ơn vì chứng tá của mọi người. Ngài nói: ”Chúng ta đã làm việc trong tình hiệp thông và thẳng thắn, với ước muốn phụng sự Thiên Chúa và dân của Ngài. Xin Chúa chúc lành cho những bước đường của chúng ta để chúng ta có thể lắng nghe những người trẻ, trở nên gần gũi và làm chứng cho họ niềm vui cuộc sống của chúng ta là Chúa Giêsu. (Rei 28-10-2018)

G. Trần Đức Anh OP - Vatican

Bế mạc Thượng HĐGM: Thư gửi giới trẻ

Bế mạc Thượng HĐGM: Thư gửi giới trẻ
VATICAN – Thượng Hội đồng Giám mục Khoá Thường lệ thứ 15 với chủ đề“Người trẻ, Đức tin và sự Phân định ơn gọi”, khai mạc từ ngày 3/10/2018 tại Roma, đã bế mạc vào sáng Chúa nhật 28/10. Sau Thánh lễ bế mạc tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, một bức thư ngắn của các nghị phụ gửi cho giới trẻ trên toàn thế giới đã được công bố.
Sau đây là toàn văn bức thư:
“Giờ đây các nghị phụ chúng tôi ngỏ lời với các bạn trẻ trên toàn thế giới, những lời hy vọng, tin tưởng và an ủi. Trong những ngày này, chúng tôi đã họp nhau để lắng nghe tiếng Chúa Giêsu, “Đức Kitô muôn đời trẻ trung” và để nhận ra nơi ngài nhiều tiếng nói của các bạn, những tiếng reo vui, những lời than trách và cả sự thinh lặng của các bạn nữa.
Chúng tôi biết những tìm kiếm trong tâm hồn các bạn, những niềm vui và hy vọng, nỗi đau và lo lắng khiến cho các bạn bất an. Giờ đây chúng tôi mong các bạn nghe chúng tôi nói: chúng tôi muốn chia sẻ niềm vui của các bạn, để những mong đợi của các bạn trở thành lý tưởng. Chúng tôi tin chắc rằng với niềm hăng say vui sống, các bạn sẽ sẵn sàng dấn thân để những mơ ước của các bạn trở thành hiện thực nơi cuộc đời các bạn và trong lịch sử nhân loại.
Ước gì những yếu đuối của chúng tôi không làm cho các bạn nản lòng, những mong manh và tội lỗi của chúng tôi không trở thành rào cản cho lòng tin của các bạn. Giáo hội là Mẹ của các bạn, Giáo hội không bỏ rơi các bạn, mà sẵn sàng đồng hành với các bạn trên những con đường mới, trên những tầm cao mà ở đó ngọn gió của Chúa Thánh Thần thổi mạnh hơn, quét sạch những đám mây đen của dửng dưng, hời hợt và chán nản.
Khi thế giới mà Thiên Chúa đã yêu thương, đến nỗi ban cho chúng ta Người Con duy nhất của Ngài là Đức Giêsu, đang nhắm đến vật chất, đến những thành công tức thời và những khoái lạc, và khi thế giới đè bẹp những người yếu thế nhất, thì các bạn phải giúp thế giới đứng lên và hướng nhìn về tình yêu, vẻ đẹp, sự thật và công lý.
Trong suốt một tháng, chúng tôi đã đồng hành với nhau, với một số bạn trẻ và với rất nhiều người khác hiệp thông với chúng tôi bằng kinh nguyện và tâm tình yêu mến. Giờ đây chúng tôi muốn tiếp tục cuộc hành trình ấy ở mọi mơi trên thế giới, những nơi mà Chúa Giêsu Kitô sai chúng tôi đến như các môn đệ thừa sai.
Giáo hội và thế giới đang rất cần đến niềm hăng say của các bạn. Các bạn hãy đồng hành với những người yếu đuối nhất, những người nghèo và những cuộc đời mang thương tích.
Các bạn là hiện tại, giờ đây các bạn hãy thắp sáng tương lai của chúng ta”.
(Vatican News, 28/10/2018)
Minh Đức

Thượng HĐGM: Tham luận của ĐGM Giuse Đỗ Mạnh Hùng

Thượng HĐGM: Tham luận của ĐGM Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Trong phiên họp khoáng đại VIII diễn ra vào chiều ngày 10 tháng 10 vừa qua, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng đã trình bày bài tham luận (3 phút 28 giây) trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô, 266 Nghị phụ và 49 dự thính viên.
THAM LUẬN
DỰA TRÊN TÀI LIỆU LÀM VIỆC, PHẦN II - SỐ 106
Trọng kính Đức Thánh Cha,
Kính thưa các Nghị phụ và anh chị em thân mến.
Giới trẻ Công giáo Việt Nam có 3 nhu cầu cần trình bày với Thượng Hội đồng Giám mục lần này:
1. Trước hết, các bạn trẻ cần người đồng hành để lắng nghe họ, để khuyến khích và nâng đỡ họ. Nhưng cha mẹ ở nhà, các giáo viên ở trường, và các linh mục không có thời gian dành cho họ, để lắng nghe họ và quan tâm đến những vấn đề cá nhân của họ.
Chỉ có một người luôn sẵn sàng giúp các bạn trẻ mọi lúc mọi nơi, đó là “Bác Google” trên mạng internet.
“Bác Google” có thể cung cấp cho các bạn trẻ những thông tin hữu ích về các lãnh vực công nghệ, văn hoá, khoa học, và lượng chương trình giải trí khổng lồ... Và “Bác Google” không bao giờ cằn nhằn họ. Các bạn trẻ có thể nói và viết bất cứ điều gì mình muốn. Nhưng “Bác Google” không thể mang lại cho các bạn tình yêu, sự thấu hiểu, sự đồng cảm và nhất là sự hướng dẫn thiêng liêng. Và thông thường, những thông tin của “Bác Google” về lãnh vực luân lý và thiêng liêng rất khác với giáo huấn của Hội Thánh và các giá trị của Tin Mừng.
2. Nhu cầu thứ hai đó là những chuẩn mực mà các bạn trẻ sẽ dựa vào đó để giải thích và làm sáng tỏ những vấn đề trong cuộc sống của họ.
Trong những năm vừa qua, đang khi chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục này, các bạn trẻ Công giáo Việt Nam đã khám phá ra Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh Công giáo trong DOCAT, với bốn nguyên tắc: Nhân phẩm - Công ích - Liên đới - Bổ trợ (DOCAT, số 84), và bốn giá trị: Sự thật - Công bằng - Tự do - Tình yêu (DOCAT, số 104-109).
Dựa trên những nguyên tắc và những giá trị của DOCAT, các bạn trẻ Việt Nam cố gắng giải thích và làm sáng tỏ 6 vấn đề mà họ nhận biết trong bước thứ nhất của tiến trình phân định:
1. Làm thế nào để thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.
2. Làm thế nào để sống trong “thế giới ảo” mà đó lại là một thực trạng rất hấp dẫn ngày nay.
3. Tình dục dễ dàng.
4. Đồng tính luyến ái.
5. Phá thai.
6. Ly dị.
3. Nhu cầu thứ ba của giới trẻ đó là sự trợ giúp đến từ Thiên Chúa và từ Giáo hội để thực thi những gì mà họ đã chọn lựa.
Trước tiên, nếu không có ân sủng của Thiên Chúa thì các bạn trẻ không thể làm được gì, như Thánh Phaolô đã trải nghiệm: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).
Thứ hai, các bạn trẻ cần sự trợ giúp của Giáo hội: cần có thêm những sân chơi để quy tụ giới trẻ (như những kỳ Đại hội Giới trẻ, những buổi gặp gỡ, những khoá tĩnh tâm, hay trại giới trẻ...), hoặc những khoá đào tạo, vừa giúp đào sâu thêm đời sống đức tin, vừa cung cấp những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống đời thường. Với sự trợ giúp từ Giáo hội, các bạn trẻ có thể trở thành những người đồng hành tốt với nhau.
Xin chân thành cảm ơn.
+ Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Giám Quản Tông Toà
Tổng Giáo phận Saigon-TP.HCM

Ghi chú: Bài tham luận được trình bày bằng Anh ngữ. Bản Việt ngữ do linh mục Micae Nguyễn Tiến Bình chuyển ngữ. 

Lễ hội thánh nhân và lễ hội ma quỷ


Theo báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật (số 30-10-2011), từ khoảng mươi năm nay, lễ hội Halloween được du nhập vào Việt Nam. Đây là lễ hội ở các nước phương Tây, được tổ chức hằng năm vào ngày 31-10. Sau đó, nhà báo giới thiệu những hình thức lễ hội Halloween ở một số địa điểm tại Sàigòn.

Nhắc đến ngày 31-10 là ngày hội Halloween, nhưng không nói gì đến ngày 1-11 vì không biết mối liên hệ giữa hai ngày này. Ở nguồn gốc, ngày này được gọi là All Hallows’ Eve, nghĩa là buổi chiều áp lễ Các Thánh. Kể từ thời Đức Grêgôriô III (năm 741), Lễ Các Thánh được cử hành vào ngày 1-11 hằng năm, là ngày ngài thánh hiến một nhà nguyện trong Đền Thánh Phêrô để tôn vinh toàn thể Các Thánh. Rồi sau đó, Đức Grêgôriô IV (năm 835) truyền lệnh cử hành lễ này trong toàn thể Giáo Hội. Nhưng thuở xa xưa, lễ này được cử hành vào Thứ Sáu sau lễ Phục sinh để làm nổi bật sự chiến thắng của Chúa Kitô trên tâm hồn của biết bao người, cụ thể là các thánh. Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết và Người cũng chiến thắng ma quỷ qua việc chinh phục các tâm hồn. Dù sau này, ngày cử hành lễ đã được thay đổi nhưng ý nghĩa chính yếu trên vẫn được giữ lại.

Các tín hữu thời xưa tin rằng vào ngày áp lễ Các Thánh 1-11, trái đất rung chuyển, đất đai nứt nẻ và ma quỷ từ địa ngục chui lên với nỗ lực cuối cùng nhằm lôi kéo các linh hồn về với nó. Thế nên vào buổi chiều áp lễ Các Thánh, họ túa ra ngoài đường, mặc những trang phục kinh dị như ma quỷ, đồng thời miệng hô vang Danh Chúa Giêsu và khua chiêng gõ mõ để xua đuổi ma quỷ, đuổi chúng về địa ngục. All Hallows’ Eve là thế.

Rất tiếc là ngày nay, ý nghĩa tôn giáo đó đã phai mờ, nếu không nói là biến mất, để chỉ còn là lễ hội Halloween mang tính giải trí thuần túy, tệ hơn nữa còn thành dịp ăn chơi đàng điếm. Thay vì xua đuổi ma quỷ đi thì lại rước nó vào nhà mình, vào linh hồn mình. Thế nên đã có những Giáo Hội phản ứng mạnh mẽ trước tình trạng này, cụ thể là Hội Đồng Giám Mục Philippines mới đây lên tiếng cảnh giác các tín hữu và gọi lễ hội Halloween là lễ hội phản Kitô.

Nhắc lại nguồn gốc ngày lễ như thế để thấy rõ hơn xu hướng tục hóa trong thời hiện đại, tước đoạt nội dung tôn giáo và thay vào đó bằng nội dung phản tôn giáo. Đừng tưởng rằng xu hướng tục hóa chỉ diễn ra ở phương Tây! Tiến trình tục hóa cũng đang diễn ra ngay tại Việt Nam, nhất là khi cái hay thì ít học mà cái dở lại tiếp thu rất nhanh. Người ngoài công giáo không biết đã đành, nhưng đáng tiếc là cả người công giáo cũng không biết và cứ thế mà làm, người ta làm sao thì mình làm vậy, thay vì giúp người khác thấy được vẻ đẹp của Tin Mừng thì lại thành kẻ tiếp tay để giết chết Tin Mừng!

Nhắc lại nguồn gốc của ngày lễ như thế còn để nhắc nhở nhau sống tinh thần lễ Các Thánh, tinh thần có thể tóm gọn trong lời kêu gọi nổi tiếng của Đức Chân phước Gioan Phaolô II: “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa đón Chúa Kitô”. Cách cụ thể, hãy mang trong lòng mình những tâm tư của Đức Kitô Giêsu: tâm tư hiền lành và khiêm nhường, thương xót và tha thứ, dấn thân và phục vụ. Chính vì thế, bài Tin Mừng được công bố trong ngày lễ Các Thánh là Tin Mừng về Tám Mối Phúc Thật :

“Phúc thay những ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Phúc thay ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì lẽ công chính vì Nước Trời là của họ” (5,3-11).

Mang lấy tâm tư của Đức Kitô Giêsu giữa lòng thời đại hôm nay quả là không dễ, vì thời đại này cổ võ lối nghĩ và lối sống hầu như hoàn toàn ngược lại Tin Mừng. Sách Khải Huyền (bài đọc II) diễn tả thực tế này bằng hình ảnh vừa bi hùng vừa sống động: “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu đến? Tôi trả lời: Thưa Ngài, Ngài biết đó. Vị ấy bảo tôi: Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,13-14).

Áo chỉ được trắng sạch khi được giặt bằng máu! Thật lạ thường. Nhưng sự thật là thế. Phải chấp nhận cộng tác với tác động thánh hóa của Chúa Thánh Thần, giặt tấm áo cuộc đời bằng máu của hi sinh từ bỏ, chiến đấu chống trả cám dỗ, gian nan tập luyện các nhân đức. Đó là tín thư mà lễ Các Thánh gửi đến tất cả chúng ta, những người cũng được gọi là “thánh” vì đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, nhưng còn phải thể hiện tiềm năng thánh thiện ấy bằng chính cuộc sống của mình. Để có thể hòa chung với Các Thánh trong lời chúc tụng:

“AMEN! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta
Lời chúc tụng và vinh quang,
Sự khôn ngoan và lời tạ ơn,
Danh dự, uy quyền và sức mạnh,
Đến muôn thuở muôn đời. AMEN!” (Kh 7,12)

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Tin Mừng Chúa nhật 30 thường niên - Năm B

2810-cha-nht-30-thng-nin-b

PHÚC ÂM: Mc 10, 46-52
"Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: "Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi". Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: "Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi". Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: "Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh". Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: "Anh muốn Ta làm gì cho anh?" Người mù thưa: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy". Chúa Giêsu đáp: "Ðược, đức tin của anh đã chữa anh". Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.

Nguồn: http://www.kinhthanhvn.net/2810-cha-nht-30-thng-nin-b

Thông điệp hòa bình tại Lễ hội thánh nhạc ở Indonesia

Âm nhạc nâng tâm hồn hướng về Thiên Chúa
Âm nhạc nâng tâm hồn hướng về Thiên Chúa

Đây là một sứ điệp hòa giải và hòa bình: với tinh thần và mục đích này từ ngày 27 tháng 10 đến mồng 2 tháng 11, tại thành phố Ambon của Indonesia sẽ đón tiếp 8.000 các tín hữu Công giáo đến từ 34 tỉnh thành trên khắp đất nước tham gia Liên hoan thánh nhạc quốc gia lần đầu tiên. Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo và một số các Giám mục sẽ tham dự lễ khai mạc, và sau đó phó tổng thống Jusuf Jalla sẽ có mặt tại lễ bế mạc.

Lễ hội thánh nhạc này mang lại một ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì thành phố Ambon trong giai đoạn 1999-2001 là tâm điểm của một cuộc xung đột xã hội và tôn giáo. Một làn sóng bạo lực đã nổ ra, hậu quả là có 4.000 nạn nhân, bao gồm tìn đồ Hồi giáo, Kitô hữu, Tin lành. Hậu quả của cuộc xung đột cũng đã làm cho hơn nửa triệu người phải di tản. Bạo lực chỉ kết thúc khi hiệp ước hòa bình Malino được ký kết vào ngày 13/02/2002.

“Chọn Ambon là nơi tổ chức Lễ hội thánh nhạc quốc gia đầu tiên nhằm tạo ấn tượng rằng bạo lực gây ra từ chủ nghĩa tôn giáo không tồn tại ở Indonesia”. Đây là điều mà Trưởng ban tôn giáo Lukman Hakim Saifuddin đã giải thích trong buổi hội thảo chuẩn bị Lễ hội. Lễ hội có chủ đề “Xây dựng hòa hợp dân tộc và bảo vệ Cộng hòa Indonesia qua nghệ thuật biểu diễn: từ Jakarta đến Ambon”.

Giáo sư Adrianus Meliala, một trong các nhà tổ chức sự kiện nói rằng Lễ hội ở Ambon nhằm thúc đẩy sự đa nguyên trong toàn bộ xã hội Indonesia. Và Putut Prabantoro, một người Công giáo và là thành viên của ban tổ chức cũng nhắc lại lời của thánh Augustinô “Hát là cầu nguyện hai lần”.

Trong dịp này sẽ có một số buổi hòa tấu thánh ca do các ca đoàn của người lớn, thanh niên, trẻ em Gandung Suhardono của Giáo phận Bogor đảm trách. Sự kiện này được mọi người đánh giá cao và được cho rằng đây là cơ hội để thúc đẩy lòng khoan dung xã hội và ý nghĩa tình huynh đệ giữa người dân Indonesia.

Ngọc Yến - Vatican

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

ĐTC Phanxicô: Tình yêu hôn nhân không chỉ kéo dài bao lâu đôi bạn còn xuôi thuận

2018-10-24-udienza-generale-1540372281648.JPG

Sau khi đã dành 2 buổi yết kiến chung liên tiếp để khai triển giáo lý về giới răn thứ 5 - “chớ giết người” - trong mười điều răn, trong bài huấn dụ trước 25 ngàn tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 24.10 hôm qua, trong đó có khoảng 150 tín hữu VN đến từ Mỹ, ĐTC bắt đầu giải thích về giới răn thứ 6: chớ ngoại tình. ĐTC nhận xét rằng đây là giới răn liên quan đến cảm xúc và tính dục và ngài nhấn mạnh rằng giới răn này nhắc trực tiếp đến sự trung thành chung thủy và thực tế là không có mối tương quan đích thực nào của con người lại không có sự trung thành và tin tưởng. ĐTC giải thích điều này như sau:

Người ta không thể chỉ yêu thương bao lâu tình yêu còn “xuôi xắn dễ dàng”

Tình yêu được bày tỏ vượt trên lợi ích của cá nhân khi người ta trao tặng tất cả mà không giữ lại gì cho mình. Như Giáo lý Hội thánh khẳng định: “Tình yêu đòi hoỉ phải dứt khoát, không được tạm bợ.” (số 1646). Trung thành là đặc tính của một mối quan hệ tự do, trưởng thành và có trách nhiệm. Một người bạn cũng chứng tỏ mình chân thực bởi vì anh ta vẫn như vậy trong mọi hoàn cảnh, nếu không anh ta không phải là một người bạn.

Chúa Kitô là người bạn trung thành

Chúa Kitô bày tỏ tình yêu đích thực, Người sống trong tình yêu vô biên của Chúa Cha, và bởi điều này, Người là Người Bạn trung tín, là Đấng đón nhận chúng ta ngay cả khi chúng ta phạm sai lầm và luôn luôn muốn điều tốt lành cho chúng ta, ngay cả khi chúng ta không xứng đáng.

Con người cần được yêu thương không điều kiện và ai không nhận sự tiếp đón này thì mang trong mình một sự bất toàn nào đó, mà thường họ không nhận biết. Trái tim con người tìm cách lấp đầy sự trống vắng này bằng những thứ thay thế, bằng cách chấp nhận sự thỏa hiệp và tầm thường, là những thứ xem tình yêu chỉ là hương vị hão huyền.

Ở đây có sự nguy hiểm là gọi tên là tình yêu những mối quan hệ chưa chín chắn và chưa trưởng thành, với ảo tưởng về việc tìm kiếm ánh sáng của cuộc sống trong một điều gì đó, mà trong trường hợp tốt nhất, nó cũng chỉ là sự phản chiếu.

Dáng vẻ bên ngoài không đủ cho một tình yêu đích thực

ĐTC nhận xét rằng khi không nhận định đúng về giá trị và đặc tính đích thực của tình yêu, thì người ta đánh giá quá cao sự hấp dẫn thể lý, điều mà tự nó là một món quà của Thiên Chúa nhưng có mục đích là chuẩn bị con đường đi đến một mối tương quan đích thực và trung thành với con người. Như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói, con người “được kêu gọi đến với sự chân thành hoàn toàn và trưởng thành trong các mối quan hệ", điều "là thành quả dần dần của sự phân định các xung động trong trái tim của một người". Nó là thứ người ta chinh phục, vì mỗi người "phải kiên trì và tập trung học hỏi ý nghĩa của cơ thể là gì". (x. Giáo lý, 12.11.1980).

Cần thời gian chuẩn bị cho hôn nhân

Do đó, lời mời gọi sống đời hôn nhân đòi hỏi một sự phân định chính xác về phẩm chất của mối tương quan và một thời gian đính hôn để kiểm chứng nó. Để đi đến bí tích hôn nhân, những người đính hôn phải hoàn toàn chắc chắn rằng trong mối liên kết của họ có bàn tay của Thiên Chúa, Đấng đi trước họ và đồng hành với họ, và sẽ cho phép họ nói: "Nhờ ơn Chúa Kitô, tôi hứa sẽ luôn trung thành với bạn". Họ không thể hứa hẹn lòng trung thành "trong khi vui cũng như lúc đau buồn, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau ốm", và yêu thương và kính trọng nhau mọi ngày trong cuộc sống của họ, chỉ dựa trên căn bản ý muốn tốt lành hay hy vọng rằng "sự việc sẽ diễn tiến tốt". Họ cần phải xây dựng trên nền tảng vững chắc của Tình Yêu trung thành của Thiên Chúa.

Cần chuẩn bị hôn nhân thật sự

ĐTC nhắc rằng hôn nhân cần phải được chuẩn bị thật sự chứ không chỉ là việc làm qua loa. Nó phải là một hành trình, như một người tân tòng chuẩn bị lãnh nhận bí tích rửa tôi. ĐTC nói: Vì thế, trước khi cử hành bí tích hôn phối, chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ càng, tôi muốn nói đến một chương trình giáo lý, bởi vì người ta sống toàn bộ cuộc đời trong tình yêu, và với tình yêu người ta không thể đùa giỡn.

Không thể định nghĩa “chuẩn bị hôn nhân” là 3 hay 4 buổi gặp gỡ học giáo lý tại giáo xứ; không, nó không đúng là chuẩn bị, đây là chuẩn bị giả tạo. Và trách nhiệm của người để cho việc này xảy ra là cha sở, là giám mục, là người để cho việc này xảy ra. Việc chuẩn bị phải kỹ càng cẩn thận và đòi hỏi chúng ta thời gian. Nó không phải là một việc làm hình thức: nó là một bí tích. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị bằng một giáo lý thật sự.

Trung thành có giá trị trong mọi chiều kích của cuộc sống

Trung thành thực chất là một cách hiện hữu, một cách sống. Người ta làm việc với lòng trung thành, người ta nói với sự chân thành, người ta vẫn trung thành với chân lý trong suy nghĩ và hành động của chính mình. Một cuộc sống được đan dệt bởi sự trung thành được thể hiện trong mọi chiều kích và giúp trở thành những người nam và nữ trung thành và đáng tin cậy trong mọi hoàn cảnh.

Sự trung thành của Thiên Chúa giúp chúng ta sống trung thành

ĐTC nhắc nhở rằng để đạt đến một cuộc sống tốt đẹp như thế thì bản tính con người của chúng ta thôi chưa đủ, mà cần có sự trung thành của Thiên Chúa đi vào trong sự hiện hữu của chúng ta. Giới răn thứ 6 nhắc chúng ta biết hướng ánh nhìn về Chúa Kitô, Đấng với sự trung thành của Người có thể lấy đi khỏi chúng ta trái tim ngoại tình và ban cho chúng ta con tim trung thành. Trong Người và chỉ trong Người, có tình yêu không giữ lại và xét lại, có sự trao tặng hoàn toàn mà không có lưu ý hay điều kiện và có sự kiên trì chấp nhận cho đến cùng.

Sự trung thành của chúng ta phát xuất từ sự chết và sống lại của Chúa, từ tình yêu không điều kiện của Người nảy sinh sự bền vững của các mối tương quan. Từ sự hiệp thông với Người, với Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần nảy sinh sự hiệp thông giữa chúng ta và biết cách sống trung thành các mối quan hệ của chúng ta.

Hồng Thủy - Vatican

Lễ Bổn mạng Học viện Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn

WGPSG -- “Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta hoàn cảnh tương đối thuận lợi, có những vị mục tử nhiệt tình, các giảng viên tận tụy, các học viên hy sinh rất nhiều thời giờ để tham dự các khóa học”; Cha Inhaxiô Hồ Văn Xuân - Tổng Đại diện (TĐD) Tổng Giáo phận Sài Gòn (TGP) - đã gợi ý cầu nguyện như thế khi ngài chủ tế Thánh lễ tại nhà nguyện cổ ở Trung tâm Mục vụ TGP (TTMV) lúc 18g30 ngày 22-10-2018. Đây là ngày lễ kính Thánh Gioan Phaolô II - Bổn mạng Học viện Mục vụ (HVMV) - cũng là ngày khai mạc Năm kỷ niệm 15 năm thành lập TTMV.
Đồng tế với ngài có cha Giám đốc TTMV Phêrô Nguyễn Văn Hiền, cha Giám học HVMV Phanxicô Xaviê Bảo Lộc và 9 linh mục giảng viên. Tham dự Thánh lễ có các giảng viên, học viên và các nhân viên phục vụ trong TTMV.
Trước Thánh lễ, cha giám đốc TTMV chia sẻ với cộng đoàn phụng vụ về định hướng của HVMV trong thời gian tới, đó là:
- Tìm hiểu, học hỏi với Thánh Bổn mạng Gioan Phaolô II về mối tương quan của ngài với giới trẻ, giáo dân, gia đình và đời sống cầu nguyện. Nhờ học biết để yêu mến và noi gương Thánh Bổn mạng, mọi người sẽ lớn lên trong đức tin, trong khả năng loan báo Tin Mừng.
- Kết hợp việc đào tạo giáo dân với sinh hoạt tại giáo xứ và chương trình của giáo phận, HVMV đã tổ chức 2 lớp Tác viên Tin Mừng nhằm đào tạo nhân sự cho chương trình xây dựng giáo xứ dựa trên những cộng đoàn nhỏ trong tương lai.
Sau phần trình bày của cha giám đốc TTMV, đoàn đồng tế từ phòng thánh tiến vào lòng nhà thờ rồi bước lên cung thánh. Cha chủ tế, cha giám đốc và cha giám học cùng niệm hương trước bàn thờ của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Trong bài giảng lễ, cha Tổng đại diện nói về cuộc đời đau khổ, cô đơn và nhiều khó khăn của vị thánh Giáo hoàng vĩ đại Gioan Phaolô II, về sự tín thác của ngài vào Đức Maria, về 3 lần Đức Mẹ cứu ngài khỏi tai họa do con người gây nên, về những thành tựu nổi bật trong triều giáo hoàng của ngài cùng tình yêu mến đặc biệt ngài dành cho dân tộc Việt Nam. Cha kết thúc bài giảng bằng lời gợi ý cầu nguyện: “Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta hoàn cảnh tương đối thuận lợi, có những vị mục tử nhiệt tình, các giảng viên tận tụy, các học viên hy sinh rất nhiều thời giờ để tham dự các khóa học.”
Trước khi Thánh lễ kết thúc, cha Giám học đã cảm ơn cha TĐD. Đáp từ, cha TĐD nói lên sự quan tâm đặc biệt của ngài đối với TTMV, và xin mọi người cầu nguyện cho ngài.
Sau Thánh lễ là bữa tiệc nhẹ cùng những tiết mục văn nghệ đơn sơ nhưng ấm cúng, diễn tả niềm vui của HVMV trong ngày mừng Thánh Bổn mạng của mình.
LỄ BỔN MẠNG HỌC VIỆN MỤC VỤ TGPSG

Jean-Pascal Bobst, đầu tàu kỹ nghệ và nhà truyền giáo


Đứng đầu tàu một công ty đa quốc gia Thụy Sĩ, ông Jean-Pascal Bobst tự cho mình có hai sứ mạng: bảo đảm sự phát triển của công ty gia đình mà ông điều khiển và “đưa Tin Mừng vào môi trường làm việc của mình”.

Nụ cười thẳng thắn và ánh nhìn trong sáng, ông Jean-Pascal Bobst là mẫu người thiện cảm. Ở đây không có chuyện lôi cuốn hấp dẫn. Đúng hơn là có chiều sâu. Một sức mạnh thầm lặng. Ông Jean-Pascal Bobst, 53 tuổi là thế hệ thứ tư của công ty Bobst, đứng đầu kỹ nghệ gia đình có cùng tên. Với số doanh thương 1,53 tỷ quan Thụy Sĩ và có gần 5.400 người hợp tác ở trên năm mươi nước, ông là một trong các nhà cung cấp hàng đầu trang thiết bị và dịch vụ chế tạo bao bì và nhãn hiệu. Có thể có người sợ môi trường kỹ nghệ nhưng ông Jean-Pascal Bobst không sợ, ông lớn lên trong môi trường này. Ông không nhìn môi trường này như môi trường mà con người phục vụ cho máy móc, ngược lại là đàng khác, ông xem đây là môi trường của một tiến trình phát triển nhân bản… và là đất truyền giáo, đất của phúc âm hóa.

Ông tâm sự: “Tôi lớn lên trong một hoàn cảnh thuận lợi. Tôi nghĩ tôi giống như ‘Thánh Bernard’ của gia đình, tôi luôn tìm cách để mình là yếu tố hợp nhất. Nhận một giáo dục công giáo, tôi cũng nhận đức tin do cha mẹ tôi truyền lại.” Giữa tuổi 11 và 13, trong kỳ hè, ông là người đi khiêng cáng ở Lộ Đức. Ông nhớ lại: “Chính ở đó tôi được mạc khải sự hiện diện của Chúa. Là người khiêng cáng, chúng tôi phải lo cho người bệnh. Chính khi tôi nhìn một người đàn ông bị biến dạng, chỉ nhìn hình hài bầm tím của ông làm tôi nản lòng. Tình cờ đưa đẩy, tôi là người đưa ông lên xe cứu thương. Trong chuyến đi khoảng mười mấy phút, người bệnh hỏi tôi làm gì, tôi trả lời. Khi đó ông nói với tôi ‘tôi đến đây để gặp Chúa nhưng tôi tặng anh tuần lễ của tôi’”. Đó là một mạc khải, tôi tan ra như nước đá! Hình dáng của ông vẫn còn làm tôi sợ, nhưng bây giờ tôi thấy sự hiện diện sống động của Chúa Kitô”. Khi về nhà, ông nói chuyện này cho gia đình nhưng ông như nghe câu trả lời: “Tốt cho sáng chúa nhật nhưng không phải cả tuần!”

Lúc đó là thời gian bắt đầu của một tiến trình hoán cải lâu dài. Trong thời gian học kỹ sư cơ khí, rồi lúc thân sinh ông qua đời lúc ông mới 22 tuổi và khi ở bên cạnh người mà sau này là vợ ông, ông không ngừng tự hỏi: làm sao để sống tình yêu Chúa Kitô trong đời sống hàng ngày? Câu hỏi này, ông quay đủ mọi phía, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng kia. Về mặt nghề nghiệp, sau khi học xong ông làm việc trong công ty của gia đình, ông bắt đầu từ bậc thang thấp nhất. Cứ mỗi ba năm ông thay đổi chức vụ, cho đến năm 2007 thì ông đứng đầu công ty.

Sống Nước Chúa mỗi ngày

Ông công nhận: “Điều này không đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Giữa những năm 2000 và 2007, tôi phải cấu trúc lại công ty, bằng cách thành lập một công ty gia đình để tránh sự va chạm của các thành viên trong gia đình và cũng để bảo tồn và phát triển di sản của chúng tôi”. Và rồi cơn khủng hoảng kinh tế năm 2007. “Với cơn khủng hoảng, vấn đề cấu trúc lại công ty phải được đặt ra. Năm trước, 2006, tôi cho thấy ước muốn có sự hợp nhất. Vì thế tôi quyết định điều khiển công ty Bobst”. Kể từ năm 2007, công ty phát triển, kinh tế Thụy Sĩ phải đối diện với sự giảm 1,9% chỉ số Tổng sản phẩm nội địa (PIB): “Trong một năm chúng tôi mất hơn 30% chỉ số tài chánh. Từ 2,600 người hợp tác chúng tôi còn 1.600 người. Không sa thải nhân viên nhưng đóng cửa dần dần các hoạt động và các địa điểm”. Ông vẫn còn nhớ các cú sốc của vụ này… và các lời chỉ trích sau đó. “Người ta nhìn tôi như người thừa kế sa thải nhân viên; thậm chí tôi còn bị tấn công về các giá trị kitô của tôi! Dù vậy, suốt quá trình này, tuy tôi không nhất thiết phải ngủ ngon, nhưng tôi rất thanh thản vì tôi luôn đi tìm khuôn mặt của Ngài. Tôi luôn dành thì giờ để lắng nghe Ngài và tự vấn làm sao để sống nước Chúa mỗi ngày, từ 8 giờ sáng đến khuya”.

Chỉ trong vài giây, thời gian ngừng lại. Sống Nước Chúa. Bất hoặc người trước mặt là ai, khách hàng, nhân viên hay giám đốc, ông Jean-Pascal Bobst đều nhấn mạnh về nhận thức cấp thiết rằng Chúa xứng đáng trong lời của Ngài để thấy Chúa trong mọi sự. “Trong tận sâu thẳm lòng tôi, tôi luôn cảm thấy bình an, thanh thản, một lòng tin tưởng với một hạnh phúc dù tôi không buộc phải biết chuyến xe điện hay chiến lược phải có trong ngày. Ngài cưng chiều tôi đủ, nhưng không bao giờ quá để tôi vẫn khiêm tốn phục vụ Ngài. Tôi phải giữ lòng khiêm nhường và quỳ gối xuống trước trách vụ khổng lồ, đưa Tin Mừng vào môi trường làm việc của tôi”. 

“Con người, hiểu biết và các giá trị”

Qua cố gắng, qua mô phạm, qua tái triển khai, công ty Bobst lên dốc. Năm 2015, công ty kỷ niệm 125 năm thành lập, ông Jean-Pascal Bobst lại tự hỏi. Làm thế nào để mừng kỷ niệm này với cái nhìn hướng về tương lai? Trong một năm, ông làm việc với ban giám đốc của mình để suy nghĩ cách định hướng cho công ty. Thành quả của công việc này được tóm trong câu: “Con người, hiểu biết và các giá trị”. Và trong dịp kỷ niệm sinh nhật này, khi khánh thành các trụ sở mới, ông Jean-Pascal Bobst quyết định “chính thức” loan báo làm truyền giáo. Ông nhớ lại: “Vào cuối buổi khánh thành chính thức, tôi để ra mười lăm phút để nói, công ty này không thuộc về chúng tôi, nhờ cha mẹ chúng tôi mà chúng tôi có mặt ở đây, nhưng nhất là nhờ Chúa Kitô! Thật là một cú sốc, mọi người không chờ để nghe như vậy. Sau đó một linh mục, một mục sư tin lành và một mục sư giáo phái phúc âm lên tiếng và ban phép lành cho cơ sở”.

Bobst

“Đi song song với Chúa Giêsu là tuyệt vời”

Xúc động khi sống lại giây phút này, ông Jean-Pascal Bobst nhớ lúc đó ông cảm thấy rất hạnh phúc, ông cười nói: “Đó là giây phút rất mạnh, như thử bạn chia sẻ một cái gì rất mật thiết với mọi người. Dĩ nhiên nó có hậu quả nặng nề, nhưng nó đã cho tôi được tự do diễn tả. Bây giờ, mỗi lần đến các kỳ hạn quan trọng, tôi ở trong niềm vui vì cùng đi song song với Chúa Giêsu thì thật tuyệt vời”.

Sứ mạng của ông, ông thấy trong môi trường kinh tế, trong môi trường doanh thương. Ông giải thích: “Vai trò của tôi là sống, là làm chứng, là nói lên tình yêu của Chúa Cha chung quanh tôi. Cuối cùng tôi quản lý việc kinh doanh Nước Chúa. Chúng tôi phải đạt được mục đích tuyệt vời này… và đạt được xuất sắc trong điều hành, trong quan hệ”. Ông nhấn mạnh: “Đòi hỏi thì cao! Không có chỗ cho quyền lực, cho bất hòa, cho ít ỏi”. “Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm kiếm sự xuất sắc mà vẫn yêu thương. Cẩn thận, yêu thương không có nghĩa là lấy những quyết định khó khăn như cho nghỉ việc. Nhưng có nghĩa là phải làm việc này trong thiện cảm, giúp đương sự bằng cách đề nghị một năm đào tạo chẳng hạn. Việc sa thải không nên là nỗi đau mà cơ hội để người đó làm chủ đời mình và trao cho họ tất cả chìa khóa để họ đạt được.

Còn ngày mai? “Nhiệm vụ của người chủ là có một tầm nhìn rõ ràng, nâng tinh thần đội ngũ mình, tạo tin tưởng. Đó là vòng tròn đạo đức. Trong công ty, các giá trị là khí cụ cạnh tranh nhất mà chúng ta có cho ngày mai. Một khi bạn bám neo, bạn biết bạn là ai, vì thế dễ dàng hơn để tiến hóa và để dự phóng”. Ông Jean-Pascal Bobst nhắc lại: “Đức tin của tôi đòi hỏi tôi phải quảng đại và cho không đo đếm. Nhưng đồng thời, bổn phận chúng tôi là phải phát triển những gì mình đã nhận, đó là dụ ngôn các nén bạc. Cuối cùng, nó có giá trị trong tất cả các lãnh vực của cuộc sống, tôi nghĩ, chúng ta không nên làm những gì chúng ta không thể làm được, nó đã được giải quyết trên Thập giá. Mặt khác, những gì chúng ta có thể làm là để làm chứng, để mang đến sứ điệp của Chúa Kitô”.

fr.aleteia.org, Agnès Pinard Legry, 2018-10-04
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Gặp gỡ quốc tế đầu tiên giữa các nữ tu Kitô giáo và Phật giáo

Ngọn lửa của cuộc đối thoại liên tôn

Nguồn gốc, quá trình phát triển và hoàn cảnh hiện tại đời sống của các nữ tu Phật giáo và Kitô giáo là một trong những chủ đề trung tâm của cuộc đối thoại quốc tế Phật giáo-Kitô giáo, được Hội đồng Giáo Hoàng về Đối thoại Liên tôn tổ chức cùng với sự cộng tác của tu viện Phật giáo Fo Guang Shan, Hiệp hội các Bề trên thượng cấp các nữ tu Đài Loan và Đối thoại liên tôn đan viện.

Cuộc gặp gỡ được tổ chức tại Đài Loan từ ngày 14 đến 18 tháng 10 tại tu viện Fu Guang Shan ở Kaohsiung có chủ đề: “Hành động chiêm niệm và chiêm niệm tích cực: các nữ tu Phật giáo và Kitô giáo trong đối thoại”. Tại hội nghi, theo thông tin từ Hội đồng Giáo Hoàng về Đối thoại Liên tôn có 70 nữ tu đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Campuchia, Philippines, Brazil, Italia, Đức, Na uy, và Hoa Kỳ. Cũng có một đại diện của Hội đồng Thế giới các Giáo hội.

Trong một tuyên bố được công bố vào cuối hội nghị, các tham dự viên đã xác định cuộc đối thoại quốc tế lần đầu tiên này dành cho các nữ tu Phật giáo và Kitô giáo như một điểm quy chiếu để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và một tình bạn giữa các nữ tu và để xây dựng những chiếc cầu nối kết những điểm khác biệt tâm linh. Các nữ tu nhận ra rằng, trong khi vẫn giữ vững niềm tin của mình chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau, ví dụ như sự phong phú tinh thần, văn hóa và xã hội, như thế chúng ta trở nên khiêm nhường và tin cậy anh chị em mình.

Trong Tuyên ngôn có đoạn: “Chúng tôi tin rằng chứng từ của chúng tôi về một lối sống có thể có ý nghĩa và mang lại niềm vui qua việc xa rời chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân, khuyến khích người khác tiến bước tốt trên hành trình cuộc sống”

Ngoài ra, các nữ chiêm niệm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể hiện sự dịu dàng và mang lại hy vọng cho những người có nhu cầu. Các nữ tu tái khẳng định niềm tin về việc đối thoại liên tôn là một hành trình mà những người nam và các người nữ phải thực hiện cùng nhau. Do đó họ khuyến khích ngày càng nhiều các nữ tu, đóng góp với "thiên tài nữ tính" của mình để thực hiện các cách thức đối thoại mới và sáng tạo giữa các tôn giáo và mở cửa chính cộng đoàn để có thể mang lại sự đóng góp này.

Ngọc Yến - Vatican

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

Caritas Việt Nam: Hội nghị thường niên 2018


CARITAS VIỆT NAM: HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN 2018
KỶ NIỆM 10 NĂM HOẠT ĐỘNG CARITAS VIỆT NAM

Ngày 23 - 25/10/2018, Caritas Việt Nam tổ chức Hội Nghị Thường Niên 2018 - Kỷ Niệm 10 năm hoạt động của Caritas Việt Nam được tổ chức tại TGM Xuân Lộc, với chủ đề: “LIÊN ĐỚI ĐỂ THĂNG TIẾN”.

Trong dịp tổ chức Hội Nghị Thường Niên (HNTN) năm nay cũng là dịp kỷ niệm 10 năm Caritas Việt Nam hoạt động trở lại. Chính vì vậy, Caritas Việt Nam long trọng được đón tiếp những thành phần khách quý gồm các Đức Cha, các cha nguyên Giám đốc và Giám đốc của 26 Giáo phận, các Ân nhân, các Bề trên các Dòng tu, các Vị khách quốc tế, đặc biệt có sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục, Marek Zalewski, đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, TGP Huế, chủ tịch HĐGMVN và các đại biểu của 26 Giáo phận.

Ngày thứ nhất: Hội thảo chủ đề hội nghị: LIÊN ĐỚI ĐỂ THĂNG TIẾN

Lúc 8g00, sau ít phút cầu nguyện thánh hoá đầu ngày và chào đón các đại biểu, Cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, Giám đốc Caritas Việt Nam, đã phổ biến chủ đề Hội nghị với đề tài “Liên đới theo Giáo huấn của Giáo hội”. Trước hết, liên đới nằm trong nguyên tắc trường tồn của Học thuyết xã hội Công giáo, và cũng là trọng tâm của Giáo huấn của xã hội Công giáo. Tiếp đến, Cha chia sẻ về ý nghĩa và giá trị của liên đới. Liên đới là sự tương trợ, và lệ thuộc của con người với nhau trong một tổ chức, một xã hội. Liên đới không làm mất đi tính riêng biệt của mỗi người nhưng nó càng làm tăng giá trị tự do cho sự phát triển chung. Hơn nữa, liên đới còn là một đức tính luân lý. Đó không phải là cảm giác thông cảm mơ hồ hay hời hợt trước những bất hạnh của người khác nhưng phải là sự dấn thân lo cho công ích, tức là lo cho ích lợi của mọi người. Đây là đức tính nằm trong phạm vi của công bằng, của giá trị Tin mừng.

Cha cũng nhấn mạnh về sự liên đới và phát triển chung của nhân loại. Trong thông điệp Học thuyết Xã hội Công giáo về sự liên đới đã cho thấy rõ có một mối tương quan mật thiết giữa liên đới và công ích, liên đới bình đẳng giữa con người và giữa các dân tộc, liên đới và hoà bình trên thế giới. Nguyên tắc liên đới đòi hỏi con người hôm nay phải ngày càng nhận thức rõ hơn rằng: mỗi người đều có bổn phận đối với xã hội và cũng là người mắc nợ xã hội.

Sau cùng, Cha Vinh Sơn làm nổi bật mẫu gương của Đức Giêsu Kitô về sự liên đới. Đức Giêsu Nazareth là Con Người Mới, Đấng đã kết hợp với nhân loại sâu xa tới mức “chết trên thập giá.”

Buổi chiều, Thạc sĩ Hoàng Thanh Linh đã trình bày về “Kỹ Năng Lãnh Đạo”. Đối với bất kỳ một tổ chức, hay một nhóm nào đó, đều cần có người lãnh đạo. Bắt đầu bằng một vài khái niệm về lãnh đạo. Lãnh đạo là người dẫn đường, dẫn dắt, và hướng dẫn người khác hay một tổ chức nào đó. Lãnh đạo là kỹ năng thúc đẩy người khác hành động theo hướng đạt được những mục tiêu chung đề ra. Lãnh đạo là một nghệ thuật kích thích con tim và khối óc của cấp dưới để đạt được những kết quả mong đợi. Lãnh đạo là truyền cảm hứng và định hướng cho hành động của cấp dưới. Vai trò của lãnh đạo là khơi dậy tiềm năng của nhân viên, tạo sự kết nối giữa những người có liên quan, thúc đẩy sự thay đổi cá nhân và tổ chức, xác định được tầm nhìn… Sau đó, với câu hỏi lãnh đạo làm nên tầm nhìn hay tầm nhìn làm nên lãnh đạo? Câu trả lời không phải lãnh đạo tạo nên tầm nhìn mà chính “tầm nhìn” của người đứng đầu tổ chức tạo nên sự lãnh đạo, đã cho thấy tầm quan trọng của người lãnh đạo là cần có tầm nhìn. Việc áp dụng cửa sổ JOHARI cho người lãnh đạo là rất cần thiết. Người lãnh đạo là người biết cởi mở chính mình, người thấu hiểu về mình và người khác, người biết đón nhận những phản hồi, và biết lắng nghe sẽ tạo được niềm tin và xây dựng được mối tương quan tốt. Như thế lãnh đạo mới hiệu quả.

Thái độ và phong cách của người lãnh đạo cũng là yếu tố thiết yếu trong việc điều hành. Một người lãnh đạo cần phải có sự chân thành, hiểu và thông cảm với cấp dưới của mình. Người lãnh đạo cần xây dựng được mối tương quan tốt với cấp dưới và không nên có thái độ “cấp trên.” Chất lượng lãnh đạo phần lớn phụ thuộc vào Trí tuệ cảm xú (EQ) của người lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo nhận biết được cảm xúc của mình và người khác, hiểu được cảm xúc của mình cũng như của người khác, biết tạo ra cảm xúc, và quản lý cảm xúc của mình và của người khác, thì tạo được sự tthành công trong việc lãnh đạo. Sau cùng là phần trình bày về bốn phong cách lãnh đạo: phong cách lãnh đạo độc đoán, tự do, dân chủ và lãnh đạo theo tình huống. Trong lãnh đạo theo tình huống có bốn kiểu: (1) Hướng dẫn/chỉ đạo (2) Tư vấn/huấn luyện, (3) Động viên, (4) uỷ quyền (hoàn toàn tin tưởng trao quyền). Tuỳ theo khả năng cấp dưới, tuỳ nhân viên mới hay cũ, tuỳ tính cách của mỗi nhân viên mà người lãnh đạo áp dụng phong cách nào cho phù hợp. Ngoài ra người lãnh đạo luôn cần có sự lắng nghe, sẵn sàng nhận phản hồi để có thể điều chỉnh con người của mình và cho việc lãnh đạo tốt hơn.

Tiếp đến là phần trình bày của Ban Phòng Chống Buôn Bán Người (PCBBN) do Nữ tu Jacinta Dương Hoàng Anh Thư. Bắt đầu bằng đoạn video-clip trích đoạn trong phim “Quỳnh Búp Bê”, cho thấy rằng nhạn nhân bị lừa đảo, bị ép làm nô lệ tình dục, bị đánh đập dã man như thế nào. 

Trong những năm gần đây, nạn buôn bán người diễn ra rất tinh vi và độc ác. Rất nhiều phụ nữ, trẻ em gái bị lừa đảo ép làm nô lệ tình dục. Các bé trai bị ép làm những công việc nặng nhọc hay bị bán cho các chủ tàu đánh cá… Không ít số người bị bắt cóc để lấy nội tạng. Họ có thể bị chết hay bị di chứng nghiêm trọng vì không được chăm sóc y tế.

Chính phủ Việt nam cũng báo động về tình trạng buôn bán người, theo báo chí ghi nhận, hiện nay nạn buôn người xảy ra khắp 64 tỉnh thành của Việt Nam. Vì đây là hình thức mang lại lợi nhuận rất lớn cho bọn buôn người. Phần lớn nạn nhân người Việt Nam ban đầu được giới thiệu việc làm ở nước ngoài, hoặc được môi giới hôn nhân, và sau cùng bị lừa đảo sang nước ngoài. Phần lớn nạn nhân bị buôn bán sang Trung Quốc, Campuchia, Lào và các nước khác. Họ bị ép làm nô lệ tình dục, bị cưỡng bức lao động. Đa phần nạn nhân ban đầu do muốn thay đổi số phận, do thiếu thông tin,và cả tin vào các nhà môi giới. Vì vậy mà họ đã bị sa vào tay bọn buôn người. Trước tình trạng báo động như vậy, Caritas Việt Nam kết hợp với Caritas các Giáo phận nỗ lực truyền thông cho các bạn trẻ tinh thần cảnh giác cao độ, để bảo vệ chính mình cũng như những người thân, tránh rơi vào những cạm bẫy của bọn buôn người. Từng bước thành lập nhóm Tình Nguyện Viên để họ cùng chung tay tuyên truyền, gặp gỡ những bạn trẻ, phụ huynh, để giúp họ hiểu biết thêm và tránh rơi vào nạn buôn người.

Sau cùng là phần trình bày của Nữ tu Anna Vũ Thị Kim Hồng, phụ trách Ban Di Dân của Caritas Việt Nam.

Góp phần chia sẻ với những người di dân nghèo tại Việt nam, rất nhiều con em di dân không đủ điều kiện vào các trường công lập, hay hoàn cảnh khó khăn không được đến trường. Vì vậy, Caritas Việt Nam đã giúp đỡ và hỗ trợ cho các em được tiếp cận giáo dục, tạo sân chơi bổ ích, bình đẳng với các trẻ em khác. Việc cộng tác với các trường tư để mở lớp phổ cập, hỗ trợ bữa ăn sáng, thành lập thư viện, dự án giáo dục hè, tập huấn cho các giáo viên… là những hoạt động của Caritas Việt Nam. Trong tương lai, Ban Bác Ái Di Dân – Caritas Việt Nam nhắm tới việc: Mở rộng mô hình thư viện, tiếp tục giúp đỡ trẻ di dân có hoàn cảnh khó khăn. Trẻ di dân không những được tiếp cận giáo dục mà còn được tiếp cận về mặt đạo đức, nhân bản, tâm linh, kết nối và mở rộng mạng lưới tại các Giáo phận.

Ngoài ra Caritas Việt Nam còn đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho các bạn trẻ có công ăn việclàm ở Nhật. Đây là nỗ lực của Caritas Việt Nam đang dấn thân cho những người di dân nghèo, sánh như giọt nước trong đại dương. Hơn bao giờ hết, người di dân đặc biệt là các con em di dân, những thanh niên đang độ tuổi cống hiến cho gia đình và xã hội rất cần đến sự nâng đỡ, hỗ trợ về mọi mặt để họ được sống đúng với giá trị nhân phẩm của con người.

Phần trình bày của ban di dân đã khép lại ngày Hội thảo chủ đề Hội Nghị vào lúc 17g00.

BTT Caritas Việt Nam