Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

CHÚC MỪNG LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA - Bổn mạng Giáo khu 4




KÍNH CHÚC TOÀN THỂ BÀ CON GIÁO KHU 4
LUÔN AN VUI ĐẦM ẤM TÌNH HUYNH ĐỆ
TRONG SỰ PHÙ HỘ CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA MẸ THIÊN CHÚA

BBT.Blog GXCL kính chúc

Hang Đá Bê Lem - Nhà Thờ Giáng Sinh


Kính mời quý độc giả đi thăm Hang Đá Bê Lem - Nhà Thờ Giáng Sinh (Grotto of Bethlehem - The Church of Nativity).

Hang Đá Bê Lem - Nhà Thờ Giáng Sinh
Grotto of Bethlehem - The Church of Nativity


Tọa lạc cách thành phố Jerusalem 8 km về hướng Nam, nhà thờ Giáng Sinh ở Bêlem là một trong những nhà thờ cổ nhất trên thế giới có sinh hoạt liên tục từ lúc xây dựng vào thế kỷ thứ tư đến nay.

   


Nhà thờ được xây cất ngay trên hang đá Bê lem. Chứng cứ đầu tiên về hang Bê lem được tìm thấy trong quyển sách của ông Justin Martyr viết vào khoảng năm 160. 

Năm 327 thánh nữ Helène, mẹ của hoàng đế Constantin I cho xây cất nhà thờ Giáng Sinh. 

Năm 529 nhà thờ bị đốt cháy trong cuộc nổi dậy của người Samaritan. 

Năm 565 hoàng đế Justinian I cho xây dựng lại và tồn tại đến nay. 

Khi Bê lem bị người Ba Tư xâm chiếm vào năm 614, viên chỉ huy Shahrbaraz đã không ra lệnh tiêu hủy nhà thờ này vì nhìn thấy hình ba vị Vua phương Đông với trang phục của dân Ba Tư. 

Trong các lần chiến tranh với Hồi giáo, nhà thờ đã ngụy trang bằng cách làm cổng vào nhỏ lại và mặt tiền không có vẽ là nhà thờ. Đó là lý do tại sao ngày nay nhà thờ Giáng Sinh không có chút gì uy nghi cao cả. 

Có lẽ nhờ thế, nhà thờ Giáng Sinh đã giữ được tinh thần đơn sơ khó nghèo như lúc Chúa sinh ra cách nay 2000 năm! 


Khu nhà thờ Giáng Sinh nhìn từ quảng trường Máng Cỏ (Manger Square)

Phải lại gần hơn mới thấy cổng vào nhà thờ

Và phải cúi mình xuống mới vào được

Chánh điện bên trong nhà thờ - Trên nền nhà là nơi khai quật...

các nhà khảo cổ đã tìm được nền nhà thờ cũ từ năm 327

Tới gần bàn thờ - chú ý phía bên phải nơi có người đứng là cổng xuống hang đá Bê Lem

Bên trái bàn thờ có hình Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng với nến cháy lung linh

Và khi tắt nến

Cổng bước vào hang đá Bê Lem

Hành lang nhỏ dẫn tới hang đá Bê Lem


Bước xuống các bậc thang là nơi Con Chúa Ra Đời
Bên phải: nơi Chúa sinh ra – Bên trái: máng cỏ

Máng cỏ nơi Chúa nằm sau khi sinh ra



Nơi Chúa Giêsu sinh ra được đánh dấu với ngôi sao 14 cánh

Các chữ vòng quanh bên trong ngôi sao: Hicde Virgine Maria Jesus Christus Natus Est
Có nghĩa là: Nơi đây Trinh Nữ Maria đã hạ sinh Đức Giêsu Kitô

Chính diện hang đá Bê Lem

Các hàng cột bên trong nhà thờ

Xen kẻ các bình đèn 

Theo kiểu Chính Thống Giáo

Tạm biệt hang đá Bê Lem

Tạm biệt nhà thờ Giáng Sinh

Phía trước Nhà Thờ Giáng Sinh là Quảng Trường Máng Cỏ với đền thờ Hồi giáo.

Tác Giả: Hien Quang 

Nguồn gốc dòng dõi Chúa Giêsu Kitô



Trong dân gian khi tìm hiểu về lịch sử thân thế người nào, người ta tra cứu nguồn gốc tổ tiên nơi cuốn gia phả của dòng họ người đó.

Cuốn gia phả dòng dõi của dòng tộc được viết xây dựng như một cây có gốc rễ rồi vươn lên cao thành thân cây tủa nảy sinh các nhánh cành. Bắt đầu từ gồc rễ tổ tiên nảy sinh ra ra các thế hệ dòng dõi kế tiếp theo nhau vươn lên cao.


Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, sinh xuống trần gian làm người, cũng thuộc về một dòng dõi tổ tiên như bao người khác trên trần gian. 


Nguồn gốc dòng dõi của Chúa Giêsu được ghi viết lại thành gia phả trong Kinh Thánh nơi Tin mừng Chúa Giêsu Kito theo Thánh Matheo Mt 1, 1-17.


„ Gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít, con của Abraham. Abraham sinh Isaac; Isaac sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em người. Giuđa sinh Phares và Zara ?bởi bà Thamar; Phares sinh Esrom; Esrom sinh Aram; Aram sinh Aminadab; Aminadab sinh Naasson; Naasson sinh Salmon; Salmon sinh Booz do bà Rahab; Booz sinh Giobed do bà Rút. Giobed sinh Giêsê; Giêsê sinh vua Đavít.


Đavít sinh Salomon do bà vợ của Uria; Salomon sinh Robo-am; Roboam sinh Abia; Abia sinh Asa; Asa sinh Giosaphát; Giosaphát sinh Gioram; Gioram sinh Ozia; Ozia sinh Gioatham; Gioatham sinh Achaz; Achaz sinh Ezekia; Ezekia sinh Manas-se; Manasse sinh Amos; Amos sinh Giosia; Giosia sinh Giêconia và các em trong thời lưu đày ở Babylon.


Sau thời lưu đày ở Babylon, Giêconia sinh Salathiel; Sala-thiel sinh Zorababel; Zorababel sinh Abiud; Abiud sinh Eliakim; Eliakim sinh Azor; Azor sinh Sađoc; Sađoc sinh Akim; Akim sinh Eliud; Eliud sinh Eleazar; Eleazar sinh Mathan; Mathan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Đức Kitô.


Vậy, từ Abraham đến Đavít có tất cả mười bốn đời, từ Đavít đến cuộc lưu đày ở Babylon có mười bốn đời, và từ cuộc lưu đày ở Babylon cho đến Chúa Kitô có mười bốn đời.“


1. Tổ phụ Abraham


Trong cuốn gia phả Chúa Giêsu Kito theo Thánh sử Matheo ghi lại, hai nhân vật chính được đề cập đến thủy tổ nguồn gốc của Chúa Giêsu: Tổ phụ Abraham và Vua Davít.


Sau khi con người bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, và sự rối loạn do hậu qủa xây tháp Babel, lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người được khởi sự. 


Ông Abraham được tuyển chọn là dòng dõi gốc rễ. Ông là người lữ hành sống nếp sống du mục di chuyển. Có thể nói được, đó là lối sống lữ hành di chuyển từ hiện tại tiến về tương lai. Lối sống lữ hành du mục của Ông nói lên chiều kích năng động tiến về đàng trước, đi vào con đường tương lai đang xuất hiện. Trong thư gửi tín hữu Do Thái đã có lời viết về Abraham: „ Ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng.“ (Dt 11,10)


Lời đoan hứa ơn cứu độ của Thiên Chúa không chỉ dành cho riêng Abraham, nhưng còn vươn trải rộng đến mọi thế hệ dòng dõi kế tiếp của Ông nữa: “Ông sẽ trở thành một dân tộc lớn mạnh và mọi dân tộc sẽ được chúc phúc.“ (ST 18,18.)


Và như thế toàn thể lịch sử khởi đầu từ Abraham dẫn trải tới Chúa Giêsu. Gia phả Chúa Giêsu Kito theo Thánh Matheo với tổ phụ Abraham khởi đầu lời hứa ơn cứu độ hướng tới đoạn chót của Tin mừng với lời của Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ: „Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy.“ (Mt 28,19). Đoạn ghi gia phả Chúa Giêsu bắt đầu căng trải toàn thể hướng về thời hiện tại, tính cách toàn cầu hóa với lời sai đi của Chúa Giêsu loan báo về nguồn gốc của Ngài.


Nhân vật thứ hai trong giả phả Chúa Giêu Kito được Thánh sử Matheo viết đến như nguồn gốc của lịch sử lời hứa ơn cứu độ là Vua Thánh David. 


2. Chi nhánh dòng dõi vua David


Gia phả được chia ra ba thời kỳ,Thời kỳ thứ nhất từ Tổ Abraham đến Vua David có 14 đời, thời kỳ thứ hai từ Vua Salomon đến thời bị lưu đày sang Babylon với 14 đời, và thời kỳ thứ ba từ sau thời lưu đầy đến Chúa Giêsu Kito sinh ra, lời hứa ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện, cũng có 14 đời.


Tại sao lại có con số 14? Con số 14 là một con số tượng trưng suy ra từ tên Vua David theo nguyên ngữ Do Thái - theo nguyên ngữ tiếng Do Thái những vần chữ tên David hợp chung lại thành con số 14: D=4, W = 6 và D= 4. Và dựa theo tên Vua Davit, tổ tiên của Chúa Giêsu, nên gia phả cũng chia làm ba giai đoạn. Ba giai đoạn với ba lần 14 thế hệ trong lịch sử từ gốc rễ Abraham và Vua David đến Chúa Giêsu là cung ngai vĩnnh cửu.


3. Sứ mạng của Chúa Giêsu 


Gia phả Chúa Giêsu theo Thánh sử Matheo hầu hết nói đến tên những người đàn ông. Có thể nói đó là gia phả theo chế độ phụ hệ. Nhưng trước đức mẹ Maria, người được nói đến sau cùng trong gia phả, cũng đã có 4 tên người phụ nữ khác được nói đến: Tamar, Rahab, Ruth và vợ của Urija.


Tại sao lại có bốn tên người phụ nữ ở trong gia phả, và với ý nghĩa gì?


Người ta kể bốn người phụ nữa đây đã là những người tội lỗi. Họ được nói đến trong gia phả Chúa Giêsu, Đấng cứu Thế, nói lên Chúa Giêsu đến trần gian để tẩy xóa tội lỗi cùng ban ơn tha thứ cho người phạm tội. 


Bốn người phụ nữ này không phải là người Do Thái. Và như thế họ đại diện cho mọi dân tộc trên hoàn vũ có chỗ đứng trong gian phả Chúa Giêsu. Và qua đó sứ mạng của Chúa Giêsu đến với người Do Thái cùng với người ngoại các dân tộc được hiển thị rõ ràng thêm ra. 


4. Cha mẹ Chúa Giêsu


Gia phả Chúa Giêsu kết thúc với tên một người phụ nữ: mẹ Maria, là một khởi đầu mới và làm cho toàn thể gia phả trở nên nhẹ nhàng. Gia phả viết theo một thứ tự „ Abraham sinh Isaak...“ nhưng ở đoạn kết thúc nói về Chúa Giêsu sinh ra lại khác: Giacop sinh Giuse là bạn đường của đức mẹ Maria, người sinh hạ Chúa Giêsu Kitô.


Liền tiếp theo gia phả Chúa Giêsu, Thánh sử Matheo viết về Thánh Giuse không phải cha Chúa Giêsu. Thiên Thần Chúa hiện ra nói với Giuse: hãy nhận Maria làm vợ. Thai nhi trong cung lòng Maria là do quyền năng Chúa Thánh Thần Mt 1, 18-20.


Đức mẹ Maria, mẹ Chúa Giêsu, đóng vai trò moột khởi đầu mới trong chương trìng lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa.


Thai nhi Giêsu là công trình sáng tạo mới do đức Chúa Thánh Thần tác động.


Thánh Giuse theo phương diện pháp lý là cha Chúa Giêsu, nhưng cha thật của Giêsu là Thiên Chúa. Nguồn gốc Chúa Giêsu theo dòng dõi người trần thế được viết lại trong gia phả, nhưng vẫn còn là mầu nhiệm bí ẩn cho tâm trí con người về nguồn gốc thật sự thiên tính của Người.


Gia phả của Chúa Giêsu là gia phả theo chế độ phụ hệ, nhưng phần cuối gia phả đức mẹ Maria có chỗ đứng quan trọng trong chương trình lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa. Maria là một phụ nữ sống khiêm nhường ở làng quê Nazareth. Nơi người phụ nữ này đã diễn ra một khởi đầu mới của chương trình Thiên Chúa cho con người.


Đức Thánh Cha Phanxico hôm 17.12.2013 trong phần suy niệm phúc âm vể gia phả Chúa Giêsu theo Thánh sử Matheo đã nêu lên ý nghĩa ẩn chứa trong phần này: „ Đã có lần tôi nghe người ta nói, đoạn phúc âm nói về gia phả Chúa Giêsu giống như liệt kê tên trong cuốn sổ điện thoại. Nhưng không phải như vậy đâu, nó khác biệt hơn thế nhiều. Chương đoạn viết gia phả Chúa Giêsu trong phúc âm là một tường thuật lịch sử liên quan đến những điều quan trọng. Là lịch sử như Thánh giáo hoàng Leo cả đã nói, vì Thiên Chúa đã sai con của Ngài đến. Và Chúa Giêsu đồng bản tính với Thiên Chúa là Cha, đồng thời cũng đồng bản tính với mẹ mình, một người phụ nữ. Thiên Chúa đã trở thành lịch sử. Ngài muốn đi vào lịch sử với chúng ta, cùng đồng hành đi với chúng ta.“ 


Thánh Matheo viết phúc âm Chúa Giêsu đặt trọng tâm đến nguồn gốc dòng dõi con người của Chúa Giêsu. Nên ngay chương đầu tiên Thánh nhân đã viết gia phả Chúa Giêsu ngay phần mở đầu. Vì thế phúc âm theo Thánh Matheo có biểu tượng hình người có đôi cánh và tay cầm chiếc bút viết. 


Lễ Chúa giáng sinh 25.12. 2013

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long


Lấy hứng từ:


- Joseph Ratzinger, Benedickt XVI., JESUS von Nazareth, Prolog die Kindheitsgeschichten, 1. Kapitel Woher bist Du? Seite 16- 19, Herder Freiburg i.Breisgau 2012

- R. Schnackenburg, Matthaeusevangelium 1,1₫- 16,20, Die neueechter Bibel, Echter Verlag 2. Aufl. 1991, Seite 17 ff.

- Joachim Gnilka, Das Mathaeusevangelum 1,1- 132,58, 1. Teil, Herder Freiburg i. Breisgau 2000, Sonderausgabe, Seite 2 - 6.

- Alexander Sand, Das Evangelium nach Nathaeus, St. Benno Verlag 1989, Seite 41- 46.



Tầm nhìn

Tùy bút
Tâm sự một người cha.

Ông đứng đó, một mình trước cửa nhà, nhìn đám rước đang rộn rã lên xe hoa. Vợ ông ngoảnh lại nhìn ông. Chỉ mỗi mình bà nhìn lại. Trong cuộc đời âu cũng chỉ có mình bà đã nhìn lại, đã lưu tâm đến ông. Bà có đang hiểu thấu tâm trạng ông lúc nầy??

Hôm nay, bé Thủy Tiên gái út của ông lên xe hoa. Và ngay cả chính nó, đứa con gái thương yêu nhất của ông, nhưng đã vô tình, đã không hề nhìn lại ông, hay ít ra nó cũng phải nhìn lại một lần nơi bao tháng năm nó đã sống trong tình yêu vô ngần của ba nó!

Xe khởi động; xe lăn bánh, mang theo những chuỗi cười, những tiếng nói huyên thuyên thỏa thuê của một ngày hoa đăng áo quần lộng lẫy, tiền của xa hoa… để lại đây, trong lòng ông, một cái gì đó lao xao quá! Cái mùi vị nầy không còn là lần đầu tiên ông cảm nhận: nó đã len lỏi đến trong hồn ông ba lần trước đây rồi.

Thằng Tuấn, đứa con đầu – niềm hy vọng của những ngày đầu hai vợ chồng còn son trẻ; Dạ Lý, đứa gái nhì kháu khỉnh nhất; và Hải, cậu sinh viên trường luật đã một thời từng là niềm kiêu hãnh của ông… Tất cả đã xa rời, đã bước vào cuộc sống riêng tư. Từng đứa, từng đứa đã khuấy lên trong lòng ông cái mùi vị không tên mà nhức buốt nầy!

Ôi! Không đứa nào đã “nhìn” lại ông một lần khả dĩ cho lòng người cha nóng ấm; khả dĩ đem lại ít nhiều an ủi, phấn khích cho tuổi già đang khó nhọc chiến đấu với bao ưu sầu, mỏi mệt trong chặng cuối cuộc đường còn lại!

May mắn một chút là đứa nào cũng còn một chút khắng khít với mẹ. Vợ ông như thế cũng tạm được đền bù chút nào để an ủi tuổi già cô quạnh. Phần còn lại Chúa sẽ trả cho bà sau.

Còn phần ông? Hẳn Thiên Chúa công bằng sẽ bù đắp trọn đủ thôi – ông cảm nhận một cách mãnh liệt điều đó. Nhưng ông chưa bao giờ, cũng sẽ không bao giờ đòi hỏi gì từ bất cứ phía nào: phía Cha trên trời hay phía các con cái mình. Ông cũng suy nghĩ, phấn đấu để không phân bì ganh tị với vợ ông, bởi chính bà cũng đâu đã được đền bù đủ từ phía các con cái mà bà đã cưu mang, sinh đẻ, nuôi dạy với bao nhiêu tâm huyết, khổ nhục, gian lao và cay đắng!...

Vai trò – vâng, vai trò, rốt hết ông đã nghĩ tới điều đó. Vai trò của một người cha khác với vai trò của một người mẹ mặc dù cùng thiên chức và trách nhiệm. Và vai trò của người cha không thuận lợi lắm so với vai trò của một người mẹ đối với bất cứ ai đảm nhận.

Một người mẹ sẽ ôm chầm đứa con vào lòng để âu yếm bất cứ lúc nào bà muốn mà không cần quan tâm đến điều gì khác. Nhưng, người cha lắm lúc phải kìm nén lại từ ngay trong ý muốn những cảm tình tương tự…

Ông vẫn còn đứng đó cho tới khi vợ ông trở về. Có lẽ ông đã không biết rằng bà trở về một mình, cho đến khi hơi thở của bà phả vào mặt ông, và tiếng nói sảng khoái của bà sau cái thở dài:

 Thế là hết gánh nặng!

Ông chợt nhìn vợ, thầm cảm nhận những vui sướng đang tràn ngập tâm hồn một người mẹ. Phải, đó là một người mẹ! Nhưng còn một người cha???

Ông cầm tay vợ, ân cần dẫn vào ngôi nhà đã trở nên hoang lạnh hơn xưa, vừa đi vừa chầm chậm nói:

 Chưa hết em ạ. Mới bắt đầu thôi, bắt đầu những gánh hặng hơn… Hãy cầu nguyện nhiều hơn!...

Nguyễn Đăng Phán
Cầu Lớn 1992

Lòng hiếu nghĩa

Nếu ai hiểu biết đậm đà
Ơn cha nghĩa mẹ bao la như trời.
Nếu ai hiểu biết sâu xa
Một lòng thảo hiếu mới là đạo con.
Nếu ai còn nhớ ngày qua
Tay mẹ bồng ẳm nuôi ta nên người.
Bây giờ ta đã lớn khôn
Một lòng hiếu thảo kính thờ mẹ cha.
Bao ơn nghĩa nặng thiết tha,
Tình yêu thương đó mặn mà vẫn ghi.

Người Bé Nhỏ (Ca đoàn Thánh Linh)
1992

Lớp máy tính phổ cập miễn phí


Giáo xứ CẦU LỚN
Ban Mục vụ Truyền thông

THÔNG BÁO

Ban Mục vụ Truyền thông Giáo xứ sẽ mở lớp “Máy tính phổ cập” miễn phí cho mọi người, nhằm mục đích hướng dẫn bà con những kiến thức cơ bản trong cách sử dụng máy tính thường ngày.

Khóa học sẽ gồm 12 buổi, bắt đầu từ ngày thứ hai 06.01.2014 và dự kiến kết thúc vào ngày thứ hai 31.03.2014.

Lớp sẽ học vào mỗi tối thứ hai hàng tuần, từ 19g30 – 21g00, tại phòng học lớn của Giáo xứ.

Những ai tham gia khóa học xin vui lòng mang theo giấy bút để ghi chép và nếu có máy tính xách tay xin cũng vui lòng mang theo để thực hành tại lớp.


Ban MVTT kính báo



Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Biết xin phép, cám ơn và xin lỗi là các thái độ sống đem lại an bình và niềm vui trong cuộc sống gia đình



Muốn có an bình và niềm vui trong gia đình, chúng ta hãy biết sống ba từ chìa khóa sau đây: xin phép, cám ơn và xin lỗi. Khi trong một gia đình người ta không xâm lần nhau, nhưng biết xin phép. Khi trong một gia đình người ta không ích kỷ, nhưng tập nói tiếng cám ơn. Khi trong một gia đình một người nhận ra mình đã làm điều xấu và biết xin lỗi, thì trong gia đình ấy có an bình và niềm vui.


Kính thưa qúy vị thưa các bạn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 100.000 tín hữu và du khàch hành hương trong buổi đọc kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật hôm qua tại quảng trường Thánh Phêrô.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói phụng vụ Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Giáng Sinh mời gọi chúng ta cử hành lễ Thánh Gia Nagiarét. Thật thế, mọi hang đá đều cho chúng ta thấy Chúa Giêsu Đức Mẹ và Thánh Giuse trong hang đá Bếtlêhem. Thiên Chúa đã muốn sinh ra trong một gia đình nhân loại, đã muốn có một người mẹ và một người cha. Phúc Âm hôm nay giới thiệu với chúng ta Thánh Gia trên đường đầy ải đau đớn kiếm tìm nơi trú ẩn bên Ai Cập. Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu đã sống kinh nghiệm điều kiện thê thảm của những người tị nạn, ghi dấu bởi sự sơ hãi, bất an và các khó khăn (x. Mt 2,13-15.19-23). Áp dụng vào thảm cảnh của người di cư tị nạn ngày nay Đức Thánh Cha nói:

Rất tiếc ngày nay có hàng triệu gia đình có thể nhận ra mình trong thực tại buồn thương này. Hầu như mỗi ngày đài truyền hình và báo chí đưa tin các người di cư trốn chay đói khát, chiến tranh, và các hiểm nguy trầm trọng khác để tìm an ninh và một cuộc sống xứng đáng hơn cho mình và cho gia đình mình.

Trong các vùng đất xa xôi, cả khi tìm thấy công ăn việc làm, các người tị nạn và di cư không luôn luôn gặp được sự tiếp đón đích thật, lòng tôn trong và việc đánh gia cao các giá trị họ đem theo. Các chờ mong hợp pháp của họ thường gặp các tình trạng phức tạp và các khó khăn xem ra không thể vượt thắng được. Tuy nhiên, trong khi gắn chặt cái nhìn vào Thánh Gia Nagiarét phải bó buộc tị nạn, chúng ta nghĩ tới thảm cảnh của các người di cư ti nạn, nạn nhân của khước từ và khai thác bóc lột. Nhưng chúng ta cũng nghĩ tới ”những người bị đầy ải” trong chính các gia đình: chẳng hạn các người già cả, đôi khi bị đối xử như là những sự hiện diện kềnh càng ngăn cản. Rất nhiều lần tôi nghĩ rằng có một dấu chỉ giúp nhận biết một gia đính ra sao, đó là nhìn xem trong đó các trẻ em và người già được đối xử như thế nào.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói Chúa Giêsu đã muốn thuộc về một gia đình đã sống kinh nghiệm càc khó khằn này, để không ai cảm thấy bị loại bỏ khỏi sự gần gũi yêu thương của Thiên Chúa. Rồi Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa cuộc trốn chạy sang Ai Cập của Thánh Gia như sau:

Việc chay trốn sang Ai Cập vì các đe dọa của vua Hếrốt cho thấy Thiên Chúa ở nơi đâu con người gặp nguy hiểm, ở nơi đâu con người khổ đau, ở nơi đâu con người trốn chạy, ở nơi đâu nó sống kinh nghiệm sự khước từ và bỏ rơi. Nhưng Thiên Chúa cũng hiện diện ở nơi đâu con người mơ ước, hy vọng trở về quệ hương trong tự do, dự phóng và lựa chọn cho sự sống và phẩm giá của mình và của nhưng người trong gia đình mình.

Hôm nay cái nhìn của chúng ta trên Thánh Gia cũng được lôi kéo bởi sự đơn sơ của cuộc sống tại Nagiarét. Đó là một thí dụ ích lợi cho các gia đình của chúng ta, giúp chúng luôn ngày càng trở thành cộng đoàn hiệp thông của tình yêu và sự hòa giải, trong đó người ta sống kinh nghiệm sự hiền dịu, tương trợ lẫn nhau, tha thứ cho nhau.

Muốn có an bình và niềm vui trong gia đình, chúng ta hãy biết sống ba từ chìa khóa sau đây: xin phép, cám ơn và xin lỗi. Khi trong một gia đình người ta không xâm lần nhau, nhưng biết xin phép. Khi trong một gia đình người ta khô sống ng ích kỷ, nhưng tập nói tiếng cám ơn. Khi trong một gia đình một người nhận ra mình đã làm điều xấu và biết xin lỗi, thì trong gia đình ấy có an bình và niềm vui.

Tôi cũng muốn khích lệ các gia đình ý thức được tầm quan trọng của mình trong Giáo Hội và trong xã hội. Thật thế, lời loan báo Tin Mừng trước hết đi qua các gia đình, rồi tới với các môi trường khác nhau của cuộc sống thường ngày.



Chúng ta hãy sốt sắng khẩn nài Mẹ Maria Rất Thánh, Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng ta, hướng dẫn từng gia đình trên thế giới, để nó có thể chu toàn sứ mệnh mà Thiên Chúa đã giao phó với phẩm giá và sự thanh thản.


Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã nhắc cho mọi người biết Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới sắp tới sẽ thảo luận về đề tài Gia đình, và giai đoạn chuẩn bị đã bắt đầu rồi. Vì thế Đức Thánh Cha nói: hôm nay lễ Thánh Gia tôi muốn phó thác cho Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục này, bằng cách cầu xin cho các gia đình trên toàn thế giới. Tôi xin mời anh chị em hiệp nhất với tôi trong tinh thần trong lời cầu mà tôi đọc bây giờ:

”Lậy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse, Nơi các Ngài chúng con chiêm ngưỡng ánh quang của tình yêu đích thật, chúng con hướng lên các Ngài với lòng tin tưởng.

Hỡi Thánh Gia Nagiarét, xin cũng hãy làm cho các gia đình chúng con trở thành nơi hiệp thông và nhà tiệc ly cầu nguyện, các trường đích thật của Phúc Âm và các Giáo Hội tại gia nhỏ.

Lậy Thánh Gia Nagiarét, xin đừng bao giờ để xảy ra kinh nghiệm bạo lực, khép kín và chia rẽ trong các gia đình nữa: xin cho bất cứ ai đã bị thương tích hay gương mù gương xấu mau biết đến hòa giải và chữa lành.

Lậy Thánh Gia Nagiarét, ước chi Thượng Hội Đồng tới đây của các Giám có thể tái lập nơi tất cả mọi người ý thức về tính cách thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình và vẻ đẹp của nó trong chương trình của Thiên Chúa.

Lậy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse, xin hãy lắng nghe và nhận lời khẩn nài của chúng con. Amen.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đặc biệt gửi lời chào tới các tín hữu theo dõi buổi đọc Kinh Truyền Tin trên kênh truyền hình nối với Nagiarét, trong Vương cung thánh đường Truyền Tin, nơi có sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục; với vương cung thánh đường Thánh Gia bên Barcelona Tây Ban Nha, nơi có sự hiện diện của Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về gia đình; với Vương cung thánh đường Nhà Thánh của Đức Mẹ tại Loreto. Ngài cũng gửi lời chào tín hữu các nơi cử hành lễ các Gia đình như bên Madrid, thủ đô Tây Ban Nha. Ngoài ra ngài cũng chào các bạn trẻ thuộc nhiều giáo phận Italia, cách riêng các thành viên phong trào Tổ Ấm từ nhều nước trên thế giới hành hương Roma.


Linh Tiến Khải

Sứ điệp cứu rỗi từ Bêlem


Sứ điệp cứu rỗi từ Bêlem

Bài giảng của Đức Thượng phụ Latinh Giêrusalem Fouad Twal
trong Thánh lễ Đêm Giáng sinh 24-12-2013
tại Nhà thờ Chính toà Chúa Giáng sinh, Bêlem


“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,14)

Kính thưa ngài M. Mahmoud Abbas, Tổng thống Palestine,

Thưa Thủ tướng Rami Al Hamadallah,
Thưa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Jordan Nasser Judeh
Thưa quý ông bà Đại sứ, lãnh sự, và các vị đại diện khác của các Giáo hội,

Quý khách hành hương và các tín hữu thân mến,


Từ hang Bêlem, tôi xin chúc quý vị những lời chúc niềm vui và bình an tốt đẹp nhất.

Thưa ngài Tổng thống, xin cảm ơn ngài đã đến đây hôm nay để mừng lễ Giáng sinh với chúng tôi. Chúng tôi cầu nguyện cho ngài và cho sứ mạng của ngài để tìm được giải pháp công bằng và bình đẳng cho cuộc xung đột hiện nay, cho sự đoàn kết giữa những người Palestine vì hòa bình và thịnh vượng của đất nước của ngài.

Chúng tôi cầu xin Chúa ban cho ngài khôn ngoan và can đảm. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho tất cả các nhà lãnh đạo ởTrung Đông, đặc biệt là cho Quốc vương Abdullah II Bin Al-Hussein, là người canh giữ những Nơi Thánh ở Palestine.

Anh em thân mến,

Đêm Giáng sinh là đêm bi kịch cho Thánh Gia, vì các ngài không tìm được chỗ trọ (Lc 2,7). Đêm lịch sử này nhắc nhở chúng ta rằng thế giới của chúng ta và Trung Đông của chúng ta đang chìm đắm trong đêm dài.

Thế giới đang trải qua một đêm dài của những xung đột, chiến tranh, hủy diệt, sợ hãi, hận thù, phân biệt chủng tộc, và trong những ngày này còn là cái lạnh và tuyết nữa. Từ Nơi thánh này, chúng ta nhớ đến những bi kịch của nhân loại trên khắp năm châu: từ những cuộc nội chiến ở châu Phi đến trận bão ở Philippines, qua đến tình hình khó khăn ở Ai Cập và Iraq và thảm kịch ở Syria, đồng thời không quên các vấn đề của địa phương chúng ta: các tù nhân, gia đình họ vẫn nuôi hy vọng họ sẽ được trả tự do, những người nghèo mất hết đất đai và nhà cửa của họ bị phá hủy, những gia đình đang chờ được đoàn tụ, những người thất nghiệp và tất cả những ai đang lao đao vì khủng hoảng kinh tế.

Lạy Hài nhi Bêlem, chúng con đã mệt mỏi rồi. Đối mặt với thực tế đau thương này, chúng con cầu xin bằng bài hát này của Mùa Vọng: “Vide Domine afflictionem populi tui ... Lạy Chúa xin hãy đoái nhìn nỗi thống khổ của dân Chúa. Xin gửi Đấng mà Chúa sẽ gửi đến, xin gửi Chiên Con (...), để người giải thoát chúng con khỏi ách bị giam cầm”.

Nhưng, chúng ta đừng bao giờ tuyệt vọng, bởi vì Chúa Giêsu Cứu Thế đã loan báo cho chúng ta biết rằng hòa bình làđiều có thể, rằng ngọn lửa hy vọng vẫn còn cháy sáng, công lý, hòa bình và hòa giải sẽ đến. Sứ điệp cứu rỗi đến từ Bêlem, và chúng ta phải nhìn về Bêlem. Vì trong đêm này, lời hứa của Thiên Chúa lại được thực hiện, qua tiếng hát của các thiên thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Đến lượt mình, chúng ta được mời gọi hãy lạc quan và canh tân đức tin của mình hầu cho Miền Đất này, quê hương của ba tôn giáo độc thần, một ngày kia sẽ trở nên bến bình an cho mọi dân tộc.

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,14)

Bình an của Chúa Kitô là chung cho mọi người và đặt nền tảng trên công lý. Bình an ấy giúp chúng ta nhìn thấy nơi mỗi người là một thụ tạo của Thiên Chúa. Đó là bình an đem lại sự sống. Không ai được lấy mất bình an ấy của chúng ta nhân danh một Thiên Chúa giết chết và báo thù. Vì vậy, dùng lời của Đức giáo hoàng Phanxicô, “tôi muốn mạnh mẽ kêu gọi tất cả những ai đang dùng vũ khí gieo rắc bạo lực và chết chóc: hãy tái khám phá nơi người mà hôm nay mình chỉ xem như kẻ thù phải triệt hạ chính là người anh em của mình, và hãy dừng tay lại! Hãy từ bỏ con đường vũ khí và đến gặp người khác bằng đối thoại, tha thứ, và hòa giải để xây dựng lại công lý, tin tưởng và hy vọng chung quanh mình!” “Theo nhãn quan này, rõ ràng là, đối với các dân tộc trên thế giới, xung đột vũ trang luôn là cố ý phủ nhận mọi hòa hợp quốc tế có thể có, gây ra những chia rẽ sâu sắc và vết thương nặng nề đòi hỏi nhiều năm mới chữa lành được”(Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 47).

Nơi Thánh Địa, chúng ta đang phải chịu một cuộc xung đột mà dường như sẽ không sớm có được một giải pháp. Cuộc xung đột ấy đè nặng trên các cư dân của Thánh Địa, gồm cả các Kitô hữu. Thực tế đau thương này đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến tương lai của chúng ta ở đất nước này, khiến chúng ta lo lắng. Chúng ta cần có câu trả lời của đức tin. Câu trả lời là không di cư nhưng cũng không khép mình lại. Câu trả lời là ở lại đây và sống chết tại đây. Miền đất của chúng ta là Thánh và đáng để chúng ta gắn bó với nó vì việc chúng ta cư ngụ liên tục trên miền đất này là một ơn gọi của Thiên Chúa, một phúc lành, hơn nữa còn là một đặc ân. Ngọn lửa đức tin sẽ vẫn mạnh mẽ như ngôi sao của các nhà đạo sĩ để chỉ đường cho chúng ta. Chúng ta cần vững tâm nhờ niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa quan phòng: “Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng tacũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khổ” (2 Cr 1, 4-5).

Ánh sáng đức tin có thể soi chiếu mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta, hiện tại và tương lai của chúng ta. Nhờ đức tin, cái nhìn của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn, cao cả hơn và bao quát hơn mà mắt con người không thể nhìn thấu được. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta cũng nhìn thấy một chút, như chính Thiên Chúa nhìn thấy! Vì vậy, đức tin là sự khôn ngoan làm cho chúng ta có những quyết định đúng đắn và đúng lúc. Nhưng nếu không có ánh sángnày, “mọi thứ trở nên mơ hồ, không phân biệt được tốt xấu, không phân biệt được đường nào dẫn tới đích với đường nào dẫn chúng ta đi lòng vòng không định hướng” (Lumen Fidei, 3). Điều củng cố niềm tin của chúng ta là: Thiên Chúalà Đấng toàn năng, toàn trí, trung tín và yêu thương chúng ta. Đó là lý do tại sao không có gì làm chúng ta sợ hãi, dù là hiện tại hay tương lai, hay những xáo trộn đang ảnh hưởng đến miền đất Trung Đông của chúng ta.

Lạy Hài Nhi thánh thiện, Người đã phải trốn sang Ai Cập, khi Herôđê đe dọa và đã giết các hài nhi Bêlem 2000 nămtrước, xin thương xót các con trẻ của chúng con và tất cả các trẻ em trên thế giới. Xin thương đến các tù nhân, người nghèo, người thiệt thòi và những người dễ bị tổn thương nhất. Đêm nay, chúng con cầu nguyện cho các giám mục và các nữ tu của Syria đã bị bắt cóc. Chúng con cầu nguyện cho họ được trở về và được phục hồi phẩm giá. Xin Chúa nhớ đến họ cũng như những người tị nạn. Xin ban cho họ dấu chỉ hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn để họ có thể trở vềđất nước mình và tìm lại được nhà cửa.

Lạy Hài Nhi thánh thiện, là Thiên Chúa tốt lành và đầy lòng thương xót, xin nhìn đến Thánh Địa và các dân tộc sống ở Palestine, Israel và Jordan và tất cả các dân tộc ở Trung Đông. Xin ban cho họ ơn hòa giải để họ trở thành anh em với nhau, là con cùng một Cha.

Lạy Hài Nhi thánh thiện, xin ban bình an cho chúng con, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Thánh Người là Đức Trinh nữMaria, người con của miền đất của chúng con.

Xin chúc mọi người lễ Giáng sinh vui vẻ và tràn đầy phúc lành của Hài Nhi Bêlem.

(Nguồn: LPJ - Huy Hoàng chuyển ngữ)

Đức Thượng phụ Fouad Twal

Đêm Giáng Sinh 2013: Liên hoan mừng Chúa Giáng Sinh












Từ Tháng Giêng 2014, giáo dân Rôma sẽ được tham dự Thánh Lễ hàng ngày với Đức Giáo Hoàng

Hôm 27 tháng 12, Cha Federico Lombardi, Giám đốc phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết anh chị em giáo dân các giáo xứ tại Rôma sẽ được tham dự Thánh Lễ hàng ngày với Đức Giáo Hoàng Phanxicô ở nhà nguyện Santa Marta kể từ đầu tháng Giêng.



Từ Tháng Giêng 2014, giáo dân Rôma sẽ được tham dự Thánh Lễ hàng ngày với Đức Giáo Hoàng


Hôm 27 tháng 12, Cha Federico Lombardi, Giám đốc phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết anh chị em giáo dân các giáo xứ tại Rôma sẽ được tham dự Thánh Lễ hàng ngày với Đức Giáo Hoàng Phanxicô ở nhà nguyện Santa Marta kể từ đầu tháng Giêng.

Đức Hồng Y Agostino Vallini, là Đức Hồng Y đại diện cho Đức Thánh Cha tại Rôma đã gởi thông báo cho các linh mục cách thức ghi danh tham dự Thánh Lễ hàng ngày của Đức Giáo Hoàng với một nhóm từ giáo xứ của họ - có lẽ là khoảng 25 người. 

Trong năm 2013, những người tham dự thánh lễ hàng ngày với Đức Thánh Cha thường là những nhân viên đang làm việc tại Vatican. Theo cha Lombardi, Đức Thánh Cha nói rằng sáng kiến này sẽ cho phép người dân Rôma gặp gỡ với giám mục của mình, vì Đức Giáo Hoàng không thể thăm tất cả các giáo xứ trong giáo phận. Đức Giáo Hoàng cũng đồng thời là Giám Mục Rôma.

Đặng Tự Do

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Tin Mừng lễ Thánh Gia - Năm A


TIN MỪNG: Mt 2,13-15.19-23

(13) Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì kìa sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy !”. (14) Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi va mẹ Người trốn sang Ai-cập. (15) Ông ở đó cho đến khi Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”.(19) Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, (20) báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì chưng kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi. (21) Ông liền chỗi dậy, đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, (23) và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: “Người sẽ được gọi là người Na-da-rét”.

Ba ngọn nến lung linh


WGPSG -- Hôm nay, chúng ta trở về với gia đình nhỏ bé ngày xưa ở làng quê Nadaret.
Thánh Matthêu đã ghi lại những sự kiện thật không thể thật hơn của gia đình nhỏ bé Nadaret. Nhìn vào bức tranh của gia đình này, ta thấy sao mà vất vả quá, sao mà khổ quá.
Ngay từ ngày mới cất tiếng khóc chào đời thôi, hai ông bà chạy vạy hết chỗ này đến chỗ kia để tìm một nơi sinh con cho gọi là đàng hoàng một chút nhưng không được. Tất cả những quán trọ đã khước từ lời khẩn cầu của hai ông bà. Cuối cùng, phải sinh con ở nơi hang đá máng cỏ.
Khổ đau không ai bằng vì con của mình sinh ra là người nhưng cái tiện nghi tối thiểu của con người cũng không có mà phải đồng phận với con bò. Ta nghe kể lại nhưng ta cũng chẳng thể nào cảm thấu cái giá rét đêm Đông mà hai ông bà và đặc biệt Hài Nhi Giêsu phải gánh chịu.
Và, trang Tin Mừng cho ta thấy cảnh bi đát khốn cùng ập đến gia đình nhỏ bé Nadaret. Nghe thấy mà kinh khiếp: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” Con mới sinh chưa biết đi, chưa biết nói lại phải dắt díu nhau sang Ai Cập để trốn lưỡi gươm của vua Hêrôđê.
Không dừng lại ở chuyện phải sang Ai Cập, tiếp dõi theo cuộc đời của gia đình Nadaret, ta sẽ thấy biết bao nhiêu đau khổ cứ đến và cứ đến với gia đình này. Nhưng, có chuyện lạ là dù biến cố xảy đến như thế nào đi chăng nữa và bi đát đến mức nào đi nữa thì gia đình vẫn bình an, hạnh phúc. Bình an, hạnh phúc bởi vì Thánh Giuse và Đức Mẹ chỉ có một chuyện là lắng nghe tiếng Chúa nói với mình và thi hành Thánh ý Chúa trong cuộc đời của các ngài mà thôi.
Chúng ta còn nhớ hình ảnh, lời thưa “xin vâng” của Đức Mẹ cũng như “Maria hằng ghi nhớ những lời ấy và suy đi nghĩ lại trong long”. Thánh Giuse cũng lặng lẽ và lắng nghe rồi thi hành Thánh Ý Chúa.
Nếu không kể đến Hài Nhi Giêsu là điều thiết sót trong gia đình nhỏ này. Hài Nhi Giêsu sau khi được tìm thấy trên Đền Giêrusalem trong lần hành hương trở về quê nhà thì Hài Nhi Giêsu “ngày càng thêm tuổi, thêm nhân đức và vâng lời hai ông bà”.
Cả gia đình, khi nhìn vào, ta có thể nói và thấy rằng cả gia đình nghe lời nhau, đón nhận nhau và nhất là, đón nhận Thánh Ý Chúa trong cuộc đời.
Như thế, bí quyết để sống thánh giữa cuộc đời này không có con đường nào khác hơn là lắng nghe tiếng Chúa và thi hành Thánh Ý Chúa trong cuộc đời mà thôi. Và, kèm theo đó, chính là sự nhẫn nhịn, chịu đựng và tha thứ cho nhau.
Để có một gia đình thánh, Thánh Phaolô đã khuyên nhủ giáo đoàn Côlôsê của Ngài qua đoạn thư quá quen thuộc mà chúng ta vẫn thường nghe trong các Thánh lễ hôn phối: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân”.
Chuyện căn cốt cũng là ước ao của Thánh Phaolô đó là: Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú.
Và, hết sức thực tiễn khi Ngài khuyên vợ và chồng: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng”.
Sống trong gia đình là như thế, có thứ có bậc và mỗi người phải có bổn phận và trách nhiệm trong gia đình của mình. Người làm cha phải sống cho ra cha, người làm mẹ phải sống cho ra mẹ, người làm con hãy sống cho ra làm con.
Sách Huấn Ca khuyên nhủ bổn phận của mỗi thành viên trong gia đình hết sức rõ ràng, cách riêng, ngày hôm nay chúng ta nghe lại lời khuyên dành cho những bậc làm con:
“Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái,
cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con.
Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,
ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.
Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái,
khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.
Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ,
ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.
Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già;
bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi.
Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông,
chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.
Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng,
và sẽ đền bù tội lỗi cho con”.
Nếu mỗi người trong thân phận, trong vai trò của mình sống đúng như lời chỉ dẫn của Thánh Phaolô, của sách Huấn Ca và của các bậc tiền nhân thì gia đình sẽ bình an và hạnh phúc. Và, có một mẫu gương sống gia đình Thánh đó là gia đình Nadaret để cho ta soi chiếu đời ta.
Hình ảnh gia đình lung linh lấp lánh lắm! Hình ảnh gia đình đó được nhạc sĩ Ngọc Lễ và gia đình của anh thể hiện hết sức cảm động:
Ba là cây nến vàng 
Mẹ là cây nến xanh 
Con là cây nến hồng 
Ba ngọn nến lung linh 
Thắp sáng một gia đình 
           ....
Lung linh, lung linh tình mẹ, tình cha 
Lung linh, lung linh cùng một mái nhà 
Lung linh, lung linh cùng buồn cùng vui 
Lung linh, lung linh hai tiếng gia đình
Gia đình lung linh tỏa sáng khi cả ba ngọn nến, khi các thành viên trong gia đình tỏa sáng.
Để chiếu sáng cho gia đình của mình bằng ngọn nến lung linh, mỗi người trong bậc sống của mình phải tỏa sáng.
Ngày hôm nay, không phải bi quan hay chán nản hay bế tắc khi nhìn vào đời sống gia đình nhưng thấy thực trạng đời sống gia đình quả là đang báo động. Ngày hôm nay, xã hội như đang vỡ ra, bởi lẽ đã đánh mất đi những giá trị sống của con người, nhân bản, nhân nghĩa, tình người dần dần cứ nhạt phai theo năm tháng. Tất cả đã chạy theo cá nhân chủ nghĩa, tất cả đã chạy theo tiền bạc và danh lợi để không còn có một mái ấm như xưa nữa.
Những người lớn tuổi chắc có lẽ có kinh nghiệm rõ nhất trong chuyện gia đình. Ngày xưa, có thể nghèo đó, ngày xưa có thể thiếu thốn đó, ngày xưa có thể vất vả đó nhưng trong gia đình ai ai cũng yêu thương hòa thuận và hiệp nhất với nhau. Ngày nay thì vỡ ra, bởi vì bối cảnh của xã hội, của đời sống kiếm tìm. Cũng chỉ vì tìm tư lợi, cũng chỉ vì tìm lợi nhuận cho cá nhân mình để rồi các thành viên chỉ đi tìm mình.
Nói như thế, nhìn như thế không phải để lên án, để chỉ trích... nhưng để mỗi thành viên trong gia đình, trong mái ấm, trong cộng đoàn của mình nhìn lại đời sống của mình để cân chỉnh sao cho ngọn nến của chính bản thân mình lung linh. Khi mỗi thành viên trong gia đình lung linh ngọn nến của mình thì khi đó cả gia đình mới lung linh và tỏa sáng được.
Xin gia đình Thánh Gia thương ban thêm ơn cho mỗi người, mỗi thành viên trong gia đình biết góp sức, góp công, góp tất cả khả năng của mình để cho gia đình của mình được luôn tỏa sáng như Thánh Ý Chúa muốn.
Lm. Anmai - CSsR