Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Hai Giám Mục Việt Nam dự Đại hội thứ 19 của Bộ Truyền giáo


VATICAN. Bộ truyền giáo sẽ nhóm đại hội lần thứ 19 từ ngày 30-11 đến 3-12 tới đây, và trong số các tham dự viên có ĐHY TGM Hà Nội và Đức TGM giáo phận Sàigòn.

Đại Hội của Bộ truyền giáo tiến hành 3 năm một lần và lần này có chủ đề là: ”Ý thức Giáo Hội và Sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại. Việc phục vụ của Bộ truyền giáo dành cho các Giáo Hội trẻ 50 năm từ sau Sắc lệnh ”Ad Gentes” của Công đồng chung Vatican 2”.

Tham dự Đại hội với quyền bỏ phiếu có các thành viên của Bộ gồm 30 Hồng Y, 8 GM, và 2 LM, trong đó có Cha Adolfo Nicolás Pachón, Bề trên Tổng quyền dòng Tên. Ngoài ra có các vị Tổng thư ký của Bộ và một số chuyên gia cố vấn. 

ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc tham dự với tư cách thành viên của Bộ. 

Đảm trách các bài thuyết trình gợi ý cho 4 ngày Đại hội có: ĐHY Tarcisio Bertone, nguyên Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nói về ”Ý thức Giáo Hội và khả năng truyền giảng Tin Mừng trong các Giáo Hội trẻ”; ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình, nói về ”Hoạt động truyền giáo cho dân ngoại trong các Giáo Hội trẻ”; sau cùng Đức TGM Giampiero Gloder, Giám đốc trường ngoại giao Tòa Thánh, nói về: ”Mong đợi của các Giáo Hội trẻ nơi các việc phục vụ của Bộ truyền giáo và các Hội Giáo Hoàng truyền giáo”. 

Sau các bài thuyết trình trên đây, các tham dự viên sẽ thảo luận trong các nhóm nhỏ để đưa ra những đề nghị cụ thể. 

Trong ngày họp cuối cùng, 4-12-2016, các tham dự viên sẽ được ĐTC tiếp kiến. 

Theo thông cáo của Liên tu sĩ Roma, nhân dịp đến Roma, lúc 11 giờ sáng Chúa Nhật 6-12-2015, ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn sẽ nhận nhà thờ hiệu tòa của ngài do ĐTC chỉ định trong buổi lễ phong Hồng Y ngày 14-2-2015 tại Vatican. Đó là nhà thờ Thánh Tôma Tông Đồ, một giáo xứ tân lập ở ngoại ô Roma (Via L. Liviabella 70, 00124 Roma). Ngoài cha sở Stefano Bianchini, Giáo xứ còn có 4 linh mục phụ giúp. Đây là lần đầu tiên thánh đường này được một vị Hồng Y hiệu tòa. Đức TGM Bùi Văn Đọc và Liên tu sĩ Roma cũng sẽ hiện diện trong thánh lễ này. (Fides 26-11-2015) 

Lm. Trần Đức Anh OP
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/166062.htm

Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Văn phòng Liên hiệp quốc ở Nairobi (U.N.O.N.)

Đức Thánh Cha Phanxicô tông du châu Phi
(25-30 tháng Mười Một 2015)


Diễn văn tại Văn phòng Liên hiệp quốc ở Nairobi (U.N.O.N.)
Thứ Năm 26 tháng Mười Một 2015


Tôi muốn cảm ơn bà Sahle-Work Zewde, Tổng giám đốc Văn phòng Liên hiệp quốc tại Nairobi, đã mời tôi đến thăm Văn phòng này và đã có lời chào đón tôi, cũng như ông Achim Steiner, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, và ông Joan Clos, Giám đốc điều hành của Tổ chức UN-Habitat. Tôi cũng nhân cơ hội này xin chào các nhân viên và tất cả những ai làm việc trong các tổ chức này và đang hiện diện nơi đây.

Trên đường đến hội trường này, tôi đã được yêu cầu trồng một cây trong công viên của Trung tâm Liên hiệp quốc. Tôi rất vui khi thực hiện cử chỉ tượng trưng đơn giản này, là điều rất có ý nghĩa trong nhiều nền văn hóa.

Trồng cây trước hết và trên hết là lời mời gọi tiếp tục cuộc chiến chống lại các hiện tượng như phá rừng và sa mạc hóa. Nó nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo vệ và trách nhiệm quản lý “những lá phổi rất đa dạng về sinh học của hành tinh chúng ta”; trên lục địa này, những lá phổi ấy là “lưu vực Congo”, một nơi rất cần thiết “cho toàn bộ trái đất và cho tương lai của nhân loại”. Nó cũng chỉ ra rằng cần phải ca ngợi và khuyến khích “sự dấn thân của các cơ quan quốc tế và các tổ chức xã hội dân sự đã cuốn hút sự chú ý của công chúng vào những vấn đề này và có những hợp tác rất quan trọng, áp dụng các phương tiện gây áp lực hợp pháp, để bảo đảm rằng mỗi chính phủ cần thực thi trách nhiệm đúng đắn và bất khả xâm phạm của mình để bảo tồn môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước mình, mà không đầu hàng trước những lợi ích địa phương hoặc quốc tế nguỵ tạo” (Laudato Si’, 38).

Trồng một cây cũng là điều khích lệ để tiếp tục tin tưởng, hy vọng, và trên hết là tập luyện để đảo ngược tất cả những tình trạng bất công và thiệt hại ấy mà chúng ta đang nếm trải.

Trong ít ngày nữa một cuộc họp quan trọng về biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức tại Paris, nơi mà cộng đồng quốc tế sẽ lại một lần nữa đối mặt với những vấn đề này. Thật đáng buồn, và tôi dám nói rằng sẽ là một thảm hoạ, nếu những lợi ích riêng lấn át công ích và đưa đến việc thao túng thông tin để bảo vệ các kế hoạch và các dự án của riêng mình.

Trong bối cảnh quốc tế này, chúng ta đang phải đối mặt với một sự lựa chọn mà chúng ta không thể làm ngơ: hoặc cải thiện hoặc phá huỷ môi trường. Mỗi bước ta đi, dù lớn hay nhỏ, cá nhân hay tập thể trong việc chăm sóc thiên nhiên, sẽ mở ra một con đường chắc chắn cho “sự sáng tạo quảng đại và xứng đáng vốn sẽ mang lại điều tốt nhất cho con người”(Laudato Si’, 211).

“Khí hậu là tài sản chung, thuộc về mọi người và dành cho mọi người”; “sự biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu với những hệ lụy nghiêm trọng liên quan đến môi trường, xã hội, kinh tế, chính trị và đối với việc phân phối tài nguyên; đây là một trong những thách đố chủ yếu đang đặt ra cho nhân loại ngày nay” (Laudato Si’, 23 và 25). Đối phó với những thách đố này, chúng ta “cần phải có tầm nhìn hướng đến những quyền căn bản của người nghèo và những người chịu thiệt thòi” (Laudato Si’, 93), bởi vì “việc lạm dụng và phá hoại môi trường còn kèm theo quá trình không ngừng loại bỏ môi trường” (Diễn văn tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc, 25-09-2015).

COP21 (Hội nghị Paris về Biến đổi khí hậu) là một chặng quan trọng trong tiến trình phát triển hệ thống năng lượng mới, hệ thống này nhằm giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhắm đến mục tiêu tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng rất ít hoặc không có carbon. Chúng ta đứng trước trọng trách chính trị và kinh tế buộc phải nhận thức lại và điều chỉnh mô hình phát triển hiện nay đang có những rối loạn và biến dạng.

Thỏa ước Paris có thể mang lại tín hiệu sáng sủa theo chiều hướng này, với điều kiện, như tôi đã nói trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc, chúng ta tránh “mọi cám dỗ sa vào thứ khoa trương duy danh chủ nghĩa mơn trớn lương tri của chúng ta. Chúng ta cần bảo đảm rằng các định chế của mình đều thực sự mang lại hiệu quả” (Dvđd.). Vì lẽ đó, tôi bày tỏ hy vọng COP21 sẽ đạt được thỏa thuận mang tính toàn cầu và có ý nghĩa “biến đổi” dựa trên những nguyên tắc về sự liên đới, công lý, bình đẳng và tham gia; một thỏa ước nhắm đến ba mục tiêu phức hợp và phụ thuộc vào nhau: hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, khắc phục tình trạng nghèo đói và bảo đảm quyền con người được tôn trọng.

Trước những khó khăn đang gặp phải, cần gia tăng “nhận thức hành tinh của chúng ta là quê hương và nhân loại là một dân sống dưới mái nhà chung” (Laudato Si’, 164). Không quốc gia nào “có thể hành động độc lập tách khỏi trách nhiệm chung. Nếu thực sự mong muốn sự thay đổi tích cực, chúng ta phải khiêm tốn chấp nhận mình phụ thuộc vào nhau” (Diễn văn tại buổi tiếp kiến Các Phong trào Bình dân, 09-07-2015). Sẽ phát sinh vấn đề nếu chúng ta coi việc phụ thuộc vào nhau đồng nghĩa với áp chế, khuất phục để đoạt lợi của người khác, của người thấp cổ bé miệng.

Tất cả các bên cần phải đối thoại chân thành và cởi mở với sự hợp tác trong tinh thần trách nhiệm: chính quyền, cộng đồng khoa học, giới doanh nghiệp và xã hội dân sự. Không thiếu những bằng chứng tích cực; những bằng chứng này cho thấy sự hợp tác thực sự giữa chính trị, khoa học và thương mại đều có thể đạt được những kết quả đáng kể.

Đồng thời chúng ta tin rằng “con người, dù có khả năng làm những điều tồi tệ nhất, cũng vẫn có khả năng vượt lên chính mình, để chọn điều tốt đẹp và làm lại từ đầu” (Laudato Si’, 205). Xác tín này khiến chúng ta hy vọng, trong khi thời kì hậu-công nghiệp có lẽ sẽ được nhớ tới như một trong những giai đoạn vô trách nhiệm nhất trong lịch sử thì “nhân loại trong giai đoạn bình minh của thế kỷ XXI sẽ được ghi nhớ bởi đã quảng đại gánh vác trách nhiệm nặng nề của mình” (Laudato Si’, 165). Nếu điều đó xảy ra, thì các nền chính trị và kinh tế cần được đặt vào vị trí phục vụ các dân tộc, để “con người, hài hòa với thiên nhiên, cấu trúc toàn bộ hệ thống sản xuất và phân phối của mình sao cho từng cá nhân con người thấy những khả năng và nhu cầu của mình đều được thể hiện trong đời sống xã hội. Hoàn toàn không ảo tưởng duy tâm chủ nghĩa, mà là một viễn cảnh hiện thực mang lại cho con người và phẩm giá làm người một khởi điểm và cùng đích mọi sự (Dvđd).

Sự thay đổi thật cần thiết này, tất nhiên, không thể diễn ra nếu không có sự cam kết có thực chất đối với giáo dục và huấn luyện. Sẽ chẳng có gì thay đổi nếu chưa có những giải pháp về chính trị và kỹ thuật song hành với tiến trình giáo dục mang lại những cách sống mới. Đó là một nền văn hóa mới. Điều này đòi hỏi một tiến trình giáo dục vun trồng nơi các trẻ em nam nữ, phụ nữ và nam giới, người trẻ và người lớn, biết tiếp nhận nền văn hóa chăm sóc – chăm sóc bản thân, chăm sóc mọi người, chăm sóc môi trường – thay cho thứ văn hóa rác thải, loại “văn hóa dùng-xong-quăng-bỏ”, dùng xong rồi quăng bỏ cả mình, cả người khác và cả môi trường. Qua việc cổ võ nhận thức “chúng ta có nguồn gốc chung, chúng ta phụ thuộc nhau và tương lai được chia sẻ cho mọi người”, chúng ta sẽ ủng hộ sự phát triển những xác tín, thái độ và lối sống mới”. “Thách đố lớn về văn hóa, tinh thần và giáo dục đặt ra trước chúng ta, và đòi chúng ta phải giải quyết trên con đường dài đổi mới” (Laudato Si’, 202). Chúng ta vẫn còn thời gian.

Có nhiều gương mặt, câu chuyện và hậu quả rõ rệt trong cuộc sống của hàng ngàn con người đã bị loại văn hóa xuống cấp và rác thải cúng cho các ngẫu tượng lợi nhuận và tiêu thụ. Chúng ta cần phải được báo động trước dấu chỉ đáng buồn của thứ “toàn cầu hóa sự dửng dưng”, đó là tình trạng chúng ta đang quen dần những đau khổ của tha nhân, coi đó là điều bình thường (x. Thông điệp Ngày Lương thực Thế giới 16-10-2013, 2), kể cả còn tệ hơn nữa, là trở nên thụ động trước kiểu “dùng xong quăng bỏ” thật đáng sợ và những hình thức loại trừ trong xã hội, chẳng hạn các hình thức nô lệ mới, buôn bán người, lao động cưỡng bức, mại dâm và buôn bán nội tạng. “Sự gia tăng đáng buồn con số di dân tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo đói do môi trường bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng hơn. Họ không được các quy ước quốc tế công nhận là người tị nạn; họ mất cả cuộc đời để lại đằng sau mà chẳng nhận được bất cứ sự che chở nào về luật pháp” (Laudato Si’, 25). Nhiều cuộc đời, nhiều câu chuyện, nhiều ước mơ đã bị đánh chìm trong thời đại ngày nay. Chúng ta không thể cứ giữ thái độ dửng dưng trước tình trạng này được nữa. Chúng ta không được quyền.

Cùng với sự thờ ơ đối với môi trường, giờ đây có những lúc chúng ta còn chứng kiến tiến trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, và trong nhiều trường hợp, đáng buồn thay tiến trình này đưa đến “sự phát triển mất cân đối và hỗn loạn của nhiều thành phố, sống ở những thành phố này không có lợi cho sức khỏe và cũng chẳng có hiệu quả gì” (Laudato Si’, 44). Chúng ta ngày càng thấy những triệu chứng đáng quan ngại về một xã hội xuống dốc, xã hội đó đang sản sinh “bạo lực ngày càng nhiều và xuất hiện những hình thức xâm hại mới trong xã hội, nạn buôn bán ma túy, tình trạng sử dụng ma túy trong giới trẻ đang tăng lên, mất căn tính (Laudato Si’, 46), mất gốc và vô danh giữa xã hội (x. Laudato Si’, 149).

Đến đây tôi muốn đưa ra lời khích lệ tất cả những ai đang làm việc ở cấp địa phương cũng như quốc tế: tiến trình đô thị hóa sẽ trở thành phương tiện hiệu quả của phát triển và hội nhập. Nghĩa là sẽ bảo đảm cho mọi người, nhất là những ai đang sống tại những khu xóm xa xôi, về những quyền căn bản là có được những điều kiện sống đàng hoàng, có được đất đai, nhà ở và việc làm. Cần cổ võ những chương trình quy hoạch thành phố và bảo trì những khu vực công cộng theo hướng này đồng thời xem xét các quan điểm của người dân địa phương; như vậy sẽ giúp hạn chế nhiều trường hợp bất bình đẳng và tình trạng nghèo đói ở thành phố từng rơi vào bế tắc không chỉ về kinh tế, mà trước hết còn về xã hội và môi trường. Hội nghị Habitat-III (Hội nghị Liên hiệp quốc về nhà ở và phát triển đô thị bền vững - Chú thích của ND) sắp tới, được tổ chức tại Quito vào tháng Mười 2016, sẽ là một cơ hội quan trọng nhằm xác định những phương cách giải quyết các vấn đề này.

Trong vài ngày tới, tại Nairobi sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới lần thứ 10. Năm 1967, vị tiền nhiệm của tôi là Đức giáo hoàng Phaolô VI, khi nhìn thấy một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau và thấy trước thực tế toàn cầu hóa hiện nay, đã suy tư về việc làm sao các mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia có thể chứng tỏ là một yếu tố cơ bản cho sự phát triển của các dân tộc hay, trái lại, là một nguyên nhân của sự nghèo đói cùng cực và sựloại trừ (Populorum Progressio, 56-62). Trong khi nhìn nhận rằng đã có nhiều việc được thực hiện trong lĩnh vực này,dường như chúng ta vẫn chưa đạt được một hệ thống thương mại quốc tế công bằng và hoàn toàn phục vụ cuộc chiến chống lại nghèo đói và sự loại trừ. Các mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia, như là một phần không thể thiếu trong mối quan hệ giữa các dân tộc, có thể gây thiệt hại cho môi trường cũng nhiều như đổi mới môi trường và giữ gìn nó cho các thế hệ tương lai.

Tôi hy vọng rằng các cuộc thảo luận tại Hội nghị Nairobi sắp tới sẽ không chỉ đơn giản là việc cân đối các lợi ích đang xung đột, nhưng thực sự là một việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và sự phát triển toàn diện của con người,nhất là những người túng thiếu nhất. Đặc biệt tôi muốn liên đới với mối quan tâm của tất cả các nhóm đang tham gia các dự án phát triển và chăm sóc sức khỏe - bao gồm cả những dòng tu phục vụ người nghèo và những người bị bỏ rơi -liên quan đến những thoả ước về tài sản trí tuệ và tiếp cận thuốc men và dịch vụ y tế thiết yếu. Các thoả ước thương mại tự do trong khu vực về việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực dược phẩm và công nghệ sinh học, không nên chỉ duy trì nguyên vẹn các quyền hạn đã được cấp cho các quốc gia bởi các thỏa thuận đa phương, mà còn phải là một phương tiện để bảo đảm mức tối thiểu về chăm sóc sức khỏe và tiếp cận điều trị cơ bản cho mọi người. Còn các cuộc thảo luận đa phương nên để cho các nước nghèo hơn có thời gian, sự linh hoạt và các ngoại lệ cần thiết để họ tuân thủ các quy định thương mại một cách có trật tự và tương đối suôn sẻ. Tính tương thuộc và sự hội nhập của nền kinh tế không được gây thiệt hại tối thiểu cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội hiện có; nhưng phải thúc đẩy sự sáng tạo của các hệ thống ấy và vận hành tốt. Một số vấn đề về sức khỏe, như việc loại bỏ bệnh sốt rét và bệnh lao, việc điều trị các chứng bệnh được gọi là “bệnh mồ côi”, và các lĩnh vực bị lãng quên của y học nhiệt đới, đòi hỏi sự quan tâm cấp bách về mặt chính trị, vượt trên mọi lợi ích thương mại hay chính trị nào khác.

Châu Phi đem lại cho thế giới một vẻ đẹp và sự phong phú tự nhiên đã tạo niềm hứng khởi để ngợi ca Đấng Tạo Hóa. Gia sản này của châu Phi và của tất cả nhân loại không ngừng đứng trước nguy cơ bị hủy hoại do tính ích kỷ đủ loạicủa con người và do sự lạm dụng những tình trạng nghèo đói và loại trừ. Trong bối cảnh các mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia và giữa các dân tộc, chúng ta không thể im lặng trước các hình thức buôn lậu nảy sinh trong các tình huống đói nghèo rồi lại dẫn đến đói nghèo hơn và bị loại trừ. Nạn buôn bán bất hợp pháp kim cương và đá quý, kim loại quý hiếm hoặc có giá trị chiến lược lớn, gỗ, vật liệu sinh học và sản phẩm từ động vật, chẳng hạn như buôn bán ngà voi và do đó giết hại loài voi, đã gây ra tình trạng bất ổn chính trị, tội phạm có tổ chức và khủng bố. Tình trạng này cũng là một tiếng kêu than của con người và của chính trái đất, cần được cộng đồng quốc tế lắng nghe.

Trong chuyến viếng thăm mới đây của tôi đến trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, tôi đã bày tỏ mong muốn và hy vọng rằng công trình của Liên hiệp quốc và tất cả các hoạt động đa phương của Liên hiệp quốc có thể “bảo đảm được một tương lai an toàn và hạnh phúc cho các thế hệ tương lai. Và nó sẽ làm được như thế, nếu các đại diện của các quốc gia biết bỏ qua một bên những lợi ích của đảng phái và ý thức hệ để thành tâm nỗ lực phục vụ công ích”. (Diễn văn tại Liên hiệp quốc, 25-09-2015).

Một lần nữa tôi xin bày tỏ sự ủng hộ của cộng đồng Công giáo, và của riêng tôi; chúng tôi tiếp tục cầu nguyện và nỗ lực để những thành quả của sự hợp tác khu vực –thể hiện trong Liên minh châu Phi và nhiều hiệp định châu Phi ngày nay về thương mại, hợp tác và phát triển–, sẽ được quyết tâm theo đuổi và luôn lưu tâm đến lợi ích chung của những người con của vùng đất này.

Nguyện xin phúc lành của Đấng Tối Cao ở với từng người trong quý vị và các dân tộc của quý vị. Xin cảm ơn. 


Đức Thành chuyển ngữ
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/dien-van-cua-duc-thanh-cha-phanxico-tai-van-phong-lien-hiep-quoc-o-nairobi-u-n-o-n/7479.57.7.aspx

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Tin Mừng Chúa nhật I mùa Vọng - Năm C

PHÚC ÂM: Lc 21, 25-28, 34-36
"Giờ cứu rỗi các con đã gần đến".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"
Nguồn: http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=10693

Video: Đức Thánh Cha thăm xóm nghèo Kangemi tố giác tình trạng kẻ ăn không hết,...

Đức Thánh Cha bổ nhiệm Tân Giám mục phó giáo phận Bà Rịa


WHĐ (27.11.2015) – Hôm nay 27-11-2015, Phòng Báo chí Toà Thánh công bố: Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm linh mục Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Tổng đại diện giáo phận Bà Rịa, làm Giám mục phó giáo phận Bà Rịa.



Tiểu sử Đức Tân giám mục Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn:

– sinh ngày 2 tháng 1 năm 1952 tại Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai

– 1963–1971: học tại Tiểu chủng viện Thánh Giuse, Sài Gòn

– 1971–1977: học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X, Đà Lạt

– 31-12-1980: thụ phong linh mục cho giáo phận Xuân Lộc

Sau khi chịu chức linh mục, cha đảm nhiệm các chức vụ:

– 1981–1991: chánh xứ tiên khởi giáo xứ Bình Sơn và quản nhiệm các giáo điểm: Suối Trầu, Chốt Thái, Cẩm Đường và Suối Quýt.

– 1991–2001: chánh xứ giáo xứ Phước Lễ

– 2001–2006: học tại Học viện Công giáo Paris và tốt nghiệp Cao học thần học tín lý

Ngày 22-11-2005, giáo phận Bà Rịa được thành lập, tách ra từ giáo phận Xuân Lộc với Đức giám mục tiên khởi là Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm. Cha Nguyễn Hồng Sơn trở thành linh mục của giáo phận Bà Rịa.

– Từ năm 2006: phụ trách thường huấn linh mục, giám đốc chủng sinh, Tổng thư ký Hội đồng linh mục giáo phận, phụ trách Tiểu chủng viện Thánh Tôma tại Hải Sơn.

– Từ 2011: Tổng đại diện giáo phận Bà Rịa.

(Nguồn tin: http://press.vatican.va)

WHĐ
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/duc-thanh-cha-bo-nhiem-tan-giam-muc-pho-giao-phan-ba-ria/7478.63.8.aspx

Tin phép lạ Thánh Thể đang chảy máu tại Salt Lake City, Hoa Kỳ



Tin tức cuả các đài TV điạ phương và từ Giáo Phận Salt Lake City cho biết một ủy ban đã được thành lập để điều tra sự việc 'Mình Thánh đang chẩy máu' tại nhà thờ thánh Xavier ở vùng ngoại ô Kearns cuả thành phố Salt Lake City, Tiểu Bang Utah.

Bản thông cáo cuả Giáo Phận có nội dung như sau:

"Sau những báo cáo gần đây về những loan truyền cuả việc một 'Mình Thánh đang chảy máu' tại nhà thờ thánh Phanxicô Xavier ở Kearns. Đức ông Colin F. Bircumshaw, Giám Quản Giáo Phận, đã bổ nhiệm một ủy ban đặc nhiệm gồm nhiều thành phần chuyên môn khác nhau để điều tra sự việc. Công việc của ủy ban đang tiến hành. Kết quả sẽ được tuyên bố công khai.

'Mình Thánh' hiện đang được Giáo Phận canh giữ. Trái ngược với những tin đồn, Giáo Phận không có kế hoạch trưng bày và tổ chức tôn kính 'Mình Thánh' ấy.

Dù kết quả của cuộc điều tra có là thế nào, chúng ta hãy sử dụng thời gian này để canh tân niềm tin và ý thức rằng phép lạ vĩ đại là sự hiện diện thật của Chúa Giêsu Kitô vẫn diễn ra ở mỗi Thánh Lễ.

Đức Ông. M. Francis Mannion

Chủ tịch Uỷ ban "

Được biết ủy ban, ngoài thành phần giáo sỹ, còn bao gồm một giáo sư tiến sỹ dạy môn neurobiology (sinh học thần kinh).

Những 'phép lạ Thánh Thể' đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử, và thông thường thì các cuộc điều tra cuả Giáo Hội sẽ kéo dài hằng chục năm trời trước khi được công nhận là một phép lạ. Người ta chưa biết Toà Thánh Vatican đã được thông báo về sự việc này chưa.

Dù thế đã có đông đảo giáo dân tụ tập hằng ngày tại nhà thờ thánh Phanxicô Xavier để đọc kinh lần chuỗi.

Sự việc xảy ra từ tuần trước, một bé trai đã đi theo đoàn người lên rước lễ và đã được trao cho Mình Thánh. Người nhà cuả em sau khi nhìn thấy sự việc thì vội báo cho vị linh mục là em chưa được xưng tôi lần đầu, và do đó vị linh mục đã lấy lại 'Mình Thánh' và, theo thể lệ áp dụng trong muà lạnh thường xảy ra những bệnh truyền nhiễm, 'Mình Thánh' đó đã được bỏ vào một ly nước.

Thông thường thì khi một 'chiếc bánh miến' bỏ vào nước thì chỉ trong vài phút là rữa ra, nhưng 'Mình Thánh' không những đã không rữa mà còn bắt đầu rỉ máu.

Ba ngày sau, người ta vẫn thấy 'Mình Thánh' nổi trên nước và máu vẩn còn tươi. Tin đồn lan ra, nhà thờ tràn ngập tín hữu củng như người hiếu kỳ. Cha xứ đã có lần đem 'Mình Thánh' ra trưng bày cho công chúng, nhưng sau đó đã đem về Giáo Phận để điều tra. 

Trong ngày Lễ Tạ ơn này, người ta vẫn còn kéo nhau tới nhà thờ thánh Phanxicô Xavier để được tham dự vào một biến cố linh thiêng nhiệm màu.


Trần Mạnh Trác
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/165002.htm

Đức Thánh Cha Phanxicô tông du châu Phi – Thánh lễ tại Nairobi, Kenya: “Hãy vững tin. Đừng sợ. Chúng ta thuộc về Chúa”




WHĐ (27.11.2015) – Trong khuôn khổ chuyến tông du 3 quốc gia châu Phi (Kenya, Uganda và Cộng hoà Trung Phi), từ ngày 25 đến 30-11-2015, sáng thứ Năm 26-11, tại khuôn viên trường Đại học Nairobi, Kenya, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng Thánh lễ đồng tế với các giám mục và linh mục Kenya, với sự tham dự của hàng vạn giáo dân tại Nairobi và nhiều nơi khác đến. Thánh lễ được cử hành bằng hai ngôn ngữ Swahili và tiếng Anh.

Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh lễ.

* * *

“Chúa nói với chúng ta nơi tận sâu thẳm trái tim mình. Lời Chúa hôm nay nói chúng ta thuộc về Người. Chúa dựng nên chúng ta, chúng ta là gia đình của Người, và vì chúng ta, Người luôn ở cùng chúng ta trong gia đình này. “Đừng sợ”, Chúa nói với chúng ta, “Ta đã chọn và hứa chúc phúc cho các ngươi” (x. Is 44, 2).

Chúng ta đã nghe lại lời hứa này trong bài đọc thứ nhất. Chúa nói với chúng ta trong sa mạc Người sẽ cho nước tuôn đổ trên mảnh đất khô cằn; Người sẽ cho con cái dân Người lớn mạnh như cỏ và như dương liễu um tùm. Chúng ta biết lời tiên tri này đã được ứng nghiệm khi Chúa tuôn đổ Thánh Thần vào lễ Ngũ Tuần. Chúng ta còn thấy lời tiên tri này được ứng nghiệm ở nơi nào Tin Mừng được rao giảng và những dân tộc mới được gia nhập Giáo Hội, gia đình của Chúa. Hôm nay chúng ta vui mừng vì lời tiên tri đó đã được ứng nghiệm tại đất nước này. Nhờ rao giảng Tin Mừng, tất cả chúng ta trở nên những người trong đại gia đình Kitô giáo.

Lời loan báo của tiên tri Isaia mời gọi chúng ta hãy nhìn vào gia đình mình để nhận ra mọi người trong gia đình có vị trí quan trọng biết bao trong kế hoạch của Thiên Chúa. Xã hội Kenya từ lâu đã được Chúa ban cho đời sống gia đình được vững mạnh, rất quý trọng sự khôn ngoan của bậc cao niên và yêu thương trẻ nhỏ. Bất cứ xã hội nào được lành mạnh cũng đều nhờ gia đình được lành mạnh. Vì lợi ích của gia đình và nhằm xã hội được tốt đẹp, niềm tin của chúng ta vào lời Chúa kêu gọi chúng ta hãy nâng đỡ các gia đình, đón nhận con cái như phúc lành ban cho thế giới chúng ta, và hãy bảo vệ phẩm giá của từng người nam nữ, vì tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau trong cùng một gia đình nhân loại.

Vâng lời Chúa dạy, chúng ta còn được mời gọi hãy chống lại lối sống nuôi dưỡng thói ngạo mạn nơi đàn ông, xúc phạm hoặc khinh thường phụ nữ, không chăm sóc người già và đe dọa mạng sống các thai nhi vô tội. Chúng ta được mời gọi hãy tôn trọng và khích lệ nhau, hãy đến với những ai đang gặp khó khăn. Các gia đình Kitô hữu có sứ mạng đặc biệt là chiếu tỏa tình yêu Thiên Chúa, tuôn tràn dòng nước ban sự sống của Thần Khí Thiên Chúa. Đó là điều đặc biệt quan trọng ngày nay, vì chúng ta đang nhìn thấy sự bành trướng các vùng sa mạc mới phát sinh từ nền văn hoá vị kỷ duy vật chủ nghĩa và thờ ơ với tha nhân.

Tại nơi đây, trung tâm của trường Đại học này, nơi tinh thần và trái tim của những thế hệ mới đang được hình thành, tôi đặc biệt gửi lời kêu gọi đến những người trẻ của đất nước này. Hãy để cho những giá trị lớn lao của các truyền thống châu Phi, sự khôn ngoan và những sự thật của Lời Chúa, và lý tưởng sống quảng đại của tuổi trẻ dẫn dắt các con thực hiện công việc hình thành một xã hội ngày càng công bằng hơn, phát triển toàn diện và biết tôn trọng phẩm giá con người hơn. Mong sao các con luôn biết quan tâm đến người nghèo, khước từ những gì dẫn đến định kiến và kỳ thị, vì chúng ta biết, những điều này không thuộc về Chúa.

Tất cả chúng ta đều biết dụ ngôn Chúa Giêsu nói về người xây nhà trên cát, không phải trên đá. Khi gió thổi đến, nhà đổ và hư hại nặng (x. Mt 7, 24-27). Thiên Chúa là đá tảng, chúng ta được mời gọi hãy xây nhà trên đá ấy. Chúa nói với chúng ta điều đó trong bài đọc thứ nhất, và hỏi chúng ta: “Ngoài ta, còn thần nào khác nữa?” (Is 44, 8).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu Phục Sinh nói: “Mọi quyền trên trời và dưới đất đã được ban cho Thầy” (Mt 28, 18), là Người nói với chúng ta: chính Người, Con Thiên Chúa, là đá tảng. Không có chúa nào khác ngoài Người. Là Vị Cứu tinh duy nhất của nhân loại, Chúa Giêsu muốn kéo mọi người nam nữ của mọi thời đại đến với Người, để Người mang họ về cho Chúa Cha. Chúa muốn tất cả chúng ta hãy xây đời mình trên nền vững chãi là lời của Người.

Và đó chính là nhiệm vụ Chúa trao cho mỗi người chúng ta. Người yêu cầu chúng ta hãy làm môn đệ ra đi truyền giáo, trở nên những người chiếu tỏa sự thật, vẻ đẹp và sức mạnh làm thay đổi cuộc sống của Tin Mừng. Tất cả mọi người nam nữ đều là những kênh thông truyền hồng ân, thực thi lòng thương xót, nhân từ và sự thật của Chúa, trở nên những viên gạch xây nên toà nhà vững bền. Ngôi nhà là nơi anh chị em sống hoà thuận và tôn trọng nhau, vâng phục ý muốn của Thiên Chúa đích thực, Đấng đã cho chúng ta biết Chúa Giêsu là đường đưa đến tự do và bình an đối với mọi tâm hồn đang khao khát.

Xin Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành, phiến đá tảng chúng ta xây lên cuộc đời của mình, dẫn dắt anh chị em và gia đình trọn đời đi trên đường nhân từ và thương xót. Xin Chúa ban bình an của Chúa cho tất cả anh chị em Kenya.

“Hãy vững vàng trong đức Tin! Đừng sợ!” Vì anh chị em thuộc về Chúa.

Mungu awabariki! [Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!]

Mungu abariki Kenya! [Xin Chúa chúc lành cho Kenya!]

(Nguồn: vatican.va)

Thành Thi chuyển ngữ
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/duc-thanh-cha-phanxico-tong-du-chau-phi-%E2%80%93-thanh-le-tai-nairobi-kenya/7475.57.7.aspx

Bàn về bản dịch kinh “Xin Chúa Thương Xót”


Như chúng ta đã biết, sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II (1962-1965), Giáo Hội đã tiến hành việc canh tân phụng vụ, trong đó có Sách lễ Rôma. Ấn bản mẫu thứ nhất (tiếng La-tinh) xuất bản năm 1970, được chuyển ngữ sang tiếng Việt và được Tòa Thánh chuẩn y vào năm 1971. Năm năm sau, ấn bản mẫu thứ hai ra đời (có thêm và sửa đổi đôi chút), bản này được dịch ra tiếng Việt và đưa vào sử dụng vào năm 1992. Và ấn bản mới nhất, lần thứ ba, được công bố từ năm 2000, và được xuất bản vào năm 2002.

Tại Việt Nam, trong khi chờ đợi bản dịch mới của Sách Lễ Rôma, Uỷ Ban Phụng Tự, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã xuất bản cuốn “Nghi thức Thánh lễ” vào tháng 9 năm 2005, tuy chỉ là một phần nhỏ, nhưng quan trọng nhất của Sách lễ Rôma, được sử dụng từ lễ Phục Sinh năm 2006. Để dùng vào việc tham khảo, Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần đã dịch Quy Chế Tổng Quát (QCTQ) (Institutio generalis Missalis Romani) (đây là bản dịch của QCTQ 2000; QCTQ 2002 mới đầy đủ nhất). 

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin bàn về bản dịch của kinh “Xin Chúa Thương Xót”. 

Trong cả ba ấn bản mẫu của Sách Lễ Rôma, đều có câu bằng tiếng Hy-lạp: Kyrie, eleison - Christe, eleison - Kyrie, eleison. 

Ta cùng xem bản dịch của một số ngôn ngữ: 

- Tiếng Anh: Lord, have mercy - Christ, have mercy - Lord, have mercy. 
- Tiếng Pháp: Seigneur, prends pitié - O Christ, prends pitié - Seigneur, prends pitié. 
- Tiếng Đức: Herr, erbarme dich - Christus, erbarme dich - Herr, erbarme dich. 
- Tiếng Ý: Signore, pietà - Cristo, pietà - Signore, pietà. 
- Tiếng Tây Ban Nha: Señor, ten piedad - Cristo, ten piedad - Señor, ten piedad. 
- Tiếng Việt : Xin Chúa thương xót chúng con - Xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con - Xin Chúa thương xót chúng con. 

Như vậy, ta nhận thấy bản dịch tiếng Việt chưa chính xác, đáng lẽ phải được dịch như sau: Lạy Chúa, xin thương xót - Lạy Chúa Ki-tô, xin thương xót - Lạy Chúa, xin thương xót. 

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, ta phải tìm hiểu nguồn gốc của kinh “Xin Chúa Thương Xót”. 

Vào thời văn minh Hy-lạp cổ đại, từ Kyrios trong tiếng Hy-lạp được coi như một lời chúc tụng dành cho một thần minh hay một vị chúa tể mà người ta tôn kính như vị thần. Giáo Hội đã chấp nhận từ này theo nghĩa của các bản văn thánh Phaolô về Chúa Ki-tô Phục Sinh, Đấng được coi như là Thiên Chúa của Phao-lô: 

- Trong sách Công Vụ Tông đồ (2, 36), thánh Phêrô nói với đám đông sau khi Chúa Thánh Thần ngự đến, “Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa (Kyrios) và làm Đấng Ki-tô”. 

- Thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-phê (2, 11): “và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Kyrios). 

Thời Giáo Hội sơ khai, ba lời cầu khẩn: Lạy Chúa, Lạy Chúa Ki-tô, Lạy Chúa đều thưa lên với Chúa Ki-tô. Nhưng từ thế kỷ thứ IV, thời mà Giáo Hội phải chiến đấu chống lại những lạc giáo từ chối thần tính của Chúa Ki-tô và Chúa Thánh Thần, thì những lời cầu khẩn này được qui hướng về Chúa Ba Ngôi: lời Lạy Chúa đầu tiên được xem như thưa lên với Chúa Cha, lời Lạy Chúa Ki-tô đương nhiên là thưa lên với Chúa Ki-tô, và lời Lạy Chúa cuối cùng để thưa lên với Chúa Thánh Thần. Chính cuộc canh tân phụng vụ của Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã trả lại chiều kích qui Ki-tô cho lời Kinh Thương Xót, tức là lấy Chúa Ki-tô làm trung tâm. Như thế, mỗi khi chúng ta đọc hay hát “Lạy Chúa, xin thương xót”, chính là ta thưa lên với Chúa Ki-tô. 

Một số người đã đặt câu hỏi này: tại sao lại không có những từ tương đương với Kyrie, eleison bằng tiếng La-tinh ? Câu trả lời là tiếng Hy-lạp vốn là ngôn ngữ phổ biến của các Giáo Hội tiên khởi cho tới thế kỷ thứ III, trong đó có cả giáo phận Rôma; và lời cầu nguyện Kyrie, eleison quen thuộc đến mức lời này vẫn được sử dụng khi tiếng La-tinh trở thành thông dụng ở thành Rô-ma. 

QCTQ 1975, số 30 nói về Kinh Thương Xót như sau: 

“Sau nghi thức sám hối, bắt đầu kinh “Lạy Chúa, xin thương xót” trừ khi đã dùng kinh này trong ghi thức sám hối. Vì là bài hát giáo dân dùng để tung hô Chúa và kêu cầu lòng thương xót của Người, bài này thường được mọi người hát, nghĩa là cộng đoàn, ca đoàn hay xướng ca viên, đều góp phần vào đó”. 

Trong QCTQ 2000 (bản dịch của Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần), số 52: “Sau nghi thức sám hối, là luôn luôn đến kinh “Lạy Chúa, xin thương xót”, trừ khi đã dùng kinh này trong nghi thức sám hối. Vì là bài hát giáo dân dùng để tung hô Chúa và kêu cầu lòng thương xót của Người, bài này thường được mọi người hát, nghĩa là dân chúng, ca đoàn hay xướng ca viên, đều góp phần vào đó.” 

Theo cả hai đoạn văn này thì mẫu tiếng Hy-lạp “Kyrie, eleison” và các mẫu ngôn ngữ khác đều có hai khía cạnh: tung hô và kêu cầu. Hình như bản dịch tiếng Việt không thể hiện được khía cạnh tung hô của kinh này. 

Điều đáng nói là cả hai QCTQ 1975 (số 30) và 2000 (số 52) đều nói đến kinh “Lạy Chúa, xin thương xót”, và tựa đề của hai số trên cũng đều là “Lạy Chúa, xin thương xót”; Thế mà trong Sách lễ Rô-ma 1992 và trong sách “Nghi thức Thánh lễ” (2005), bản dịch chính thức vẫn là “Xin Chúa thương xót chúng con” ! Tại sao kinh này tới bây giờ vẫn chưa được sửa ? Lý do nào kinh này không được sửa ? Hơn nữa với ấn bản mẫu thứ ba này, Thánh Bộ Phụng Tự yêu cầu các Hội Đồng Giám Mục phải trung thành hết mức với bản mẫu. 

Rất mong Uỷ Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cứu xét lại về bản dịch của kinh “Lạy Chúa, xin thương xót”. 

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa 
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/165015.htm

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Tường thuật ngày đầu tiên ĐTC Phanxicô công du Kenya 1/3


Hoạt động với sự toàn vẹn và trong sáng cho công ích, thăng tiến một tinh thần liên đới trên mọi bình diện xã hội, ân cần lo lắng cho các nhu cầu của người nghèo, cho các khát vọng của giới trẻ và cho một việc phân chia công bằng các tài nguyên nhân lực và thiên nhiên, giúp chung xây một đất nước công bằng huynh đệ và phồn thịnh hơn.

ĐTC Phanxicô đã khích lệ các vị lãnh đạo chính trị, dân sự, kinh tế và văn hóa Kenya như trên trong cuộc gặp gỡ tại Dinh quốc gia trong thủ đô Nairobi chiều 25 tháng 11 vừa qua.

Bắt đầu từ ngày 25-11 ĐTC đã lên đường viếng thăm ba nước Phi châu, là Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi. Chặng đầu tiên là Kenya.

Lúc 7 giờ 15 phút sáng ĐTC đã đi xe đến phi trường quốc tế Fiumicino, cách Vaticăng 29 cây số, để lấy máy bay đi Kenya. Tại nhà trọ Santa Marta có một nhóm gồm 11 phụ nữ và 6 trẻ em thuộc một nhà trú ẩn dành cho các nạn nhân của bạo lực gia đình và nạn buôn phụ nữ mại dâm do một cộng đoàn dòng tu trông coi trong vùng Lazio, đã đến chào ĐTC. Họ thuộc các nước Italia, Nigeria và Rumania.

Chào đón và tiễn chân ĐTC tại phi trường có ĐC Gino Reali, Giám Mục giáo phận Porto-Santa Rufina, bao gồm phi trường Fiumicino. Chiếc A330 của hãng hàng không Alitalia đã cất cánh lúc 7 giờ 45 và phải bay mất 7 tiếng vượt đoạn đường dài 5.389 cây số để đến phi trường quốc tế Jomo Kenyatta của thủ đô Nairobi.

Kenya rộng hơn 580 ngàn cây số vuông nằm ở mạn Đông Phi châu quay ra Ấn Độ dương và giáp giới với các nước: Nam Sudan, Ethiopia, Somalia, Tanzania và Uganda. Kenya có 43 triệu dân, 32,4% theo Công Giáo, 47,7% theo Tin Lành và 20% theo các tôn giáo khác. Giáo Hội Công giáo có 38 Giám Mục cai quản 28 giáo phận, với 925 giáo xứ và 6.542 trung tâm mục vụ. Nhân lực của Giáo Hội gồm 2.744 linh mục trong đó có 1.830 linh mục giáo phận, 914 linh mục dòng, 794 tu huynh, 5.505 nữ tu, 1.463 đại chủng sinh và 11.343 giáo lý viên. Giáo Hội điểu khiển 12.195 cơ sở giáo dục và 2.748 trung tâm bác ái xã hội.

Lịch sử Giáo Hội Công giáo Kenya đã bắt đầu hồi thế kỷ XV, chính xác là vào năm 1498, khi người Bồ Đào Nha ghé Kenya trên đường đến Ấn Độ để mua bán hàng hoá, đặc biệt là các thứ gia vị. Tuy nhiên, sự hiện diện của Kitô giáo đã không đâm rễ sâu. Chứng tích của biến cố này là cây Thánh Giá bằng đá trồng trên một cây cột do nhà thám hiểm Vasco de Gama cho dựng trên núi Malindi vẫn còn tồn tại cho tới nay. Vào cuối thế kỷ XVI các thừa sai dòng thánh Agostino đến rao giảng Tin Mừng cho dân chúng sống dọc vùng duyên hải. Năm 1631 Sultan Mombasa theo Kitô giáo tên là Jeronimo Chingulia bắt đầu bách hại các cộng đoàn kitô. Ngày 21 tháng 8 năm đó có 150 kitô hữu bị giết vì đạo: đó là các vị tử đạo Mombasa, hiện đang có án phong chân phước cho các vị. Việc loan truyền Tin Mừng lan rộng vào hậu bán thế kỷ XIX với các cha dòng Chúa Thánh Thần, cùng một Giám Mục của dòng đến sống trên đảo Zanzibar bên Tanzania.

Năm 1860 Giáo quận tông toà Zanzibar được thành lập bao gồm Kenya, và năm 1863 được giao cho các tu sĩ dòng Chúa Thánh Thần trông coi. Giữa các năm 1889-1892 các cha dòng Chúa Thánh Thần mở các cứ điểm truyền giáo tại Bura và Mombasa trên sông Tana. Năm 1899 các thừa sai dòng thánh Agostino và dòng Thánh Gia mở các cứ điểm truyền giáo tại Nairobi. Năm 1902 các cha dòng Đức Bà An Ủi mở một cứ điểm truyền giáo tại Tuthu và Muran’a trong vùng Kikuyu. Năm 1903 các cha dòng Mill Hill mở một cứ điểm truyền giáo tại Kisumu trong vùng Luo.

Năm 1929 Tòa Thánh cho thành lập các Giám quản tông toà Nyeri, Kisumu, Zanzibar và giáo quận tông toà Meru. Năm 1927 hai linh mục bản xứ Kenya đầu tiên được thụ phong. Năm 1953 Toà Thánh cho thành lập Hàng Giáo Phẩm công giáo Kenya với các giáo phận đầu tiên là Nairobi, Nyeri, Kisumu và Meru. Năm 1957 Giám Mục tiên khởi người Kenya được tấn phong là ĐC Maurice Otunga, sau này cũng là Hồng Y tiên khởi người Kenya năm 1973. Kenya đã được Đức Gioan Phaolô II viếng thăm ba lần: lần đầu tiên năm 1980, lần thứ hai năm 1985 nhân Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 50, và lần thứ ba năm 1995 nhân dịp công bố Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục “Giáo Hội tại Phi châu”.

Năm 1989 Giáo Hội Kenya đã mừng kỷ niệm 100 năm đón nhận hạt giống Tin Mừng. Năm 1990 Tòa Thánh nâng các giáo phận Kisumu, Mombasa và Nyeri lên hàng Tổng Giáo Phận.

Tên gọi của cộng hòa Kenya bắt nguồn từ tên ngọn núi Kenya. Trong cả ba thứ tiếng Kikuyu, Embu và Kamba núi này được gọi là Kirinyaga, Kirenyaa và Kiinyaa có nghĩa là “Chỗ nghỉ ngơi của Thiên Chúa”. Người Anh đọc là Keenya. Vào thế kỷ XIX nhà thám hiểm người Đức là Johann Ludwig Krapf sống với người Bantu Kamba cho biết khi hỏi tên núi dân chúng trả lời là “ Ki-Nyaa” hay “Kiima-Kiinyaa”, có lẽ vì mầu đen của đá và mầu trắng của tuyết phủ trên đỉnh núi nhắc cho họ nhớ tới con đà điểu.

Kenya là vùng đất đã có người sinh sống từ hàng triệu năm trước công nguyên. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy gần hồ Turkana các bộ xuơng người “Homo habilis” Người khéo léo sống trong khoảng thời gian giữa 1,8 tới 2,5 triệu năm, và “Homo erectus” Người đứng thẳng sống giữa 1,8 triệu tới 350.000 năm trước công nguyên. Có thể họ đã là tổ tiên của “Homo sapiens” người khôn ngoan. Đặc biệt các cuộc đào bới năm 1984 đã đưa ra ánh sáng bộ xương của một chú bé sống vào khoảng thời gian 1,6 triệu năm trước công nguyên thuộc nhóm “Homo erectus”.

Các người đầu tiên sống tại Kenya là các nhóm chuyên về nghề săn bắn, bà con với chủng tộc Khoisan. Sau đó họ được thay thế bởi các nhóm Cush. Vào khoảng năm 500 trước công nguyên có các nhóm du mục gốc sông Nilo di cư từ miền Nam Sudan sang Kenya, trong đó có các nhóm Samburu, Luo, Turkana và Maasai. Vào ngàn năm thứ nhất có các nhóm nông dân Bantu đến từ mạn Tây Phi châu, tức Đông Nigeria và Tây Camerun ngày nay. Nhóm này bao gồm các chủng tộc Kikuyu, Lyhya, Kamba, Kisii, Meru, Aembu, Ambeere, Wadawida-Watuweta, Wapokomo và Mijikenda.

Vùng duyên hải có các cộng đoàn chuyên nghề thợ rẻn, và các nhóm Bantu sống về nghề nông, săn bắn và đánh cá. Nhiều thành phố vùng duyên hải đã do người A rập thành lập bao gồm Mombasa, Malindi và Zanzibar. Và từ thế kỷ XII người Arập buôn bán với các nhóm thổ dân. Từ sự gặp gỡ này nảy sinh ra nền văn hóa Swahili, bao gồm hai yếu tố hiệp nhất: đó là tiếng Kiswahili và Hồi giáo. Người dân sống tại đây là các nông dân Kikuyu thuộc chủng tộc Bantu và người Masai là dân tộc gốc vùng sông Nilo di cư sang Kenya vào thế kỷ XVII. Hồi đó người Bồ Đào Nha chiếm đóng vài vùng trên bờ duyên hải, nhưng họ bị lấn át bởi các Sultan hồi Oman vùng Zanzibar. Sự hiện diện của các người âu châu khác đã chỉ bắt đầu gia tăng vào cuối thế kỷ XIX, khi Kenya trở thành thuộc địa của Anh quốc.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến người Kikuyu bắt đầu cuộc chiến dành độc lập, và ngày 12 tháng 12 năm 1963 Kenya thoát ách thống trị của Anh quốc. Các cuộc bầu cử đưa ông Jomo Kenyatta, một trong các lãnh tụ phong trào độc lập, lên làm tổng thống đầu tiên của Kenya. Ông Kenyatta thăng tiến một đường lối chính trị tân tiến và theo Âu châu, bằng cách thực hiện các cuộc cải cách kinh tế chính trị hiện đại và kỹ nghệ hóa đất nước, duy trì các bang giáo tốt với Anh quốc và các nước láng giềng.

Kenya 1/3

Linh Tiến Khải
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2015/11/25/t%C6%B0%E1%BB%9Dng_thu%E1%BA%ADt_ng%C3%A0y_%C4%91%E1%BA%A7u_ti%C3%AAn_%C4%91tc_phanxic%C3%B4_vi%C3%A9ng_th%C3%A1m_kenya_1_3/1189565

Đức Thánh Cha trả lời thư của các trẻ em


VATICAN. ĐTC trả lời thư của các trẻ em viết cho ngài, và thư được gộp thành một cuốn sách sẽ được xuất bản.

31 lá thư viết tay có kèm theo hình vẽ do các trẻ em, từ 6 đến 13 tuổi, từ nhiều nước, gửi đến ĐTC và được ngài trả lời. Thư của các em và các thư trả lời của ĐTC được Cha Antonio Spadaaro dòng Tên và Ông Tom Grath thuộc nhà xuất bản Loyola Press ở Mỹ gộp thành một cuốn sách duy nhất với tựa đề ”Đức Giáo Hoàng Phanxicô thân mến, con muốn được một bữa ăn nhẹ với ngài” (Caro Papa Francesco, vorrei fare merenda con te), sẽ được Nhà xuất bản Loyola ấn hành vào tháng 3 năm tới, 2016, tại Mỹ bằng tiếng Anh và Tây ban nha.

Sách được ấn hành đồng thời tại Italia, Tây Ban Nha, Mêhicô, Ba Lan, Philippines và Ấn độ.

Sách này có nội dung đại diện cho 6 đại lục và 26 quốc gia, kể cả Albani, Siria, Trung Quốc, Kenya và Hoa Kỳ, mỗi miền có sự nhạy cảm khác nhau; cuốn sách nói lên nhiều đề tài và quan tâm chung, như lòng yêu mến sâu đậm đối với ĐGH Phanxicô, sự tò mò về đời sống của ngài, lo lắng về đời sau, một cảm thức mạnh mẽ về mặt xã hội cũng như dưới khía cạnh thân học, tầm quan trọng của gia đình, ước muốn được thấy và lắng nghe.

Các thư trả lời của ĐTC cho thấy xác tín của ngài theo đó các trẻ em chính là tương lai và cần lắng nghe tiếng nói của các em (SD 24-11-2015)

G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2015/11/24/%C4%91%E1%BB%A9c_th%C3%A1nh_cha_tr%E1%BA%A3_l%E1%BB%9Di_th%C6%B0_c%E1%BB%A7a_c%C3%A1c_tr%E1%BA%BB_em/1189181

Giáo xứ Bùi Môn: Mừng lễ Chúa Kitô Vua

WGPSG -- “Là thần dân của Vua Kitô, chúng ta phải ý thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, phải nhìn lại cuộc sống và xét lại xem mình có phải là thần dân đích thực của Vua Kitô hay không?”.
Từ vấn nạn trên, cha chánh xứ Bùi Môn đã mời gọi cộng đoàn giáo xứ Bùi Môn sốt sắng tham dự Thánh lễ trọng thể mừng kính Chúa Kitô Vua vũ trụ - bổn mạng giáo xứ - vào lúc 18g00 Chúa nhật, 22/11/2015.  
Trước đó, trong tâm tình hân hoan, mọi người đã tham dự cuộc cung nghinh tượng Chúa Kitô Vua, Đức Mẹ La Vang và các thánh quan thầy 7 giáo họ với lộ trình khoảng 400m chung quanh giáo xứ. Kết thúc cuộc rước, trong trang phục riêng, quý chức đã đón đoàn đồng tế tiến vào thánh đường.
Thánh lễ đồng tế do Đức ông Antôn Maria Cassee, giáo phận Amterdam, Hà Lan chủ tế. Đồng tế với ngài có cha Giuse Nguyễn Xuân Quế, giáo phận Thanh Hóa; Cha chánh xứ kiêm hạt trưởng Hóc Môn, cha chánh xứ kiêm Hạt trưởng Bình An; hai cha phó và quý cha khách. Đến hiệp dâng Thánh lễ có quý soeur Dòng Trinh Vương cùng quý chức, quý ân nhân, các đoàn thể và giáo dân trong giáo xứ.
Dẫn vào Thánh lễ, cha chánh xứ Phêrô ngỏ lời chào mừng nồng nhiệt đến tất cả mọi người trong niềm vui trọng đại của giáo xứ, và hân hạnh giới thiệu Đức ông Antôn, là người bạn thân quen của giáo xứ đến chung vui với cộng đoàn trong ngày mừng bổn mạng.
Trong bài giảng, cha Phêrô đã trình bày về ý nghĩa lễ Kitô Vua: “Chúa Giêsu là Vua khác hẳn những vị vua ở trần gian này. Vua trần gian phục vụ thì ít mà trục lợi thì nhiều, chỉ riêng Vua Giêsu là đỉnh cao của tình yêu thương. Chính vì yêu thương mà Ngài đã đến trần gian để phục vụ, để hy sinh và hiến thân mình vì tội lỗi của trần gian. Là thần dân của Vua Kitô, chúng ta phải ý thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, phải nhìn lại cuộc sống và xét lại xem mình có phải là thần dân đích thực của Vua Kitô hay không? Bởi vì thế gian này có những vị vua của tiền bạc, danh vọng, quyền lực đang sóng đôi mời gọi chúng ta sa vào. Chính những lúc ấy, chúng ta càng cần phải nhìn lại chính mình nhiều hơn, chạy đến với vị Vua Tình Yêu nhiều hơn để được soi sáng. Nhờ đó mà chúng ta sẽ được xích lại gần với Vua Giêsu hơn, gần gũi với Người hơn trong tương quan phục vụ Người, phục vụ Giáo hội, phục vụ giáo xứ. Muốn được như vậy, chúng ta hã noi gương yêu thương của Người, biết khiêm tốn cúi mình xuống trước những anh chị em đang đau khổ và nghèo khó. Chính những mối tương quan mật thiết đó sẽ lột tả được hình ảnh của Chúa Kitô tận nơi con người của chính mình, lúc đó chúng ta mới đích thực là thần dân của Chúa Kitô. Chúng ta hãy dám sống và chọn là kho tàng hình ảnh sống động về chứng tá Đức tin trong cuộc sống hiện tại mà chúng ta phải thực hành mỗi ngày, đặc biệt là chọn Người - Vua Vĩnh Cửu - không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Thánh lễ sốt sắng hơn với những lời nguyện cầu và hy lễ dâng lên qua tấm lòng thành kính của các quý chức đại diện Ban Thường vụ và các giáo họ.
Sau lời nguyện hiệp lễ, thay mặt cộng đoàn, ông chủ tịch HĐMVGX có lời cảm ơn đến Đức ông Antôn, quý cha quản xứ, quý cha khách cùng quý ân nhân và quý khách. Những bó hoa tươi tượng trưng tâm tình quý mến của giáo xứ đã được dâng lên Đức ông và cha chánh xứ.
Đáp từ, chia sẻ cảm nghĩ với cộng đoàn, Đức ông đã diễn tả niềm vui, niềm vinh dự được đến thăm giáo xứ và được chào đón cách nồng nhiệt.
Thánh lễ kết thúc trong tâm tình tôn vinh và cảm tạ Vua Giêsu, bổn mạng giáo xứ
Sau thánh lễ, tại hội trường Hồng Ân, Đức ông, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và quý khách đã chia sẻ niềm vui với giáo xứ trong bữa cơm huynh đệ.
GX. BÙI MÔN: MỪNG LỄ CHÚA KITÔ VUA

Các Đại diện tư pháp Giáo tỉnh Sài Gòn học tập Tự sắc Mitis Iudex Dominus Iesus


WHĐ (24.11.2015) – Từ chiều ngày 23 đến trưa ngày 24-11-2015, các linh mục Đại diện tư pháp và các linh mục làm việc cho Toà án Hôn phối Giáo hội trong Giáo tỉnh Sài Gòn đã quy tụ tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Tp. HCM để học tập Tự sắc Mitis Iudex Dominus Iesus của Đức Thánh Cha Phanxicô do Đức cha Tôma, Giám mục giáo phận Bà Rịa, chủ trì.

Có 32 vị đến từ 9 giáo phận (Vĩnh Long vắng mặt vì đang tĩnh tâm). Đức Tổng giám mục Phaolô, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đến khai mạc và ban huấn từ.

Trong 2 buổi làm việc, căn cứ theo nhu cầu do Tự sắc đề ra, cha Gioan Bùi Thái Sơn đã hướng dẫn các tham dự viên thảo luận 5 nội dung sau đây:

1/ Xem lại bản dịch Tự sắc để trình cho Hội đồng Giám mục;

2/ Nội dung và lược đồ một bản Cẩm nang (Vademecum) dành cho những người làm công tác tư vấn cho những người đã ly thân hay ly dị, cấp giáo phận hay toàn quốc, theo tinh thần Khoản 3 của “Những quy định về thủ tục tiến hành các vụ án tuyên bố hôn nhân bất thành” (Regole procedurali…);

3/ Cách phối hợp làm việc mới giữa Toà án cấp I và Toà án cấp II trong Giáo tỉnh;

4/ Những gợi ý chi tiết cho “Thủ tục vắn tắt trước vị Giám mục” để tiến hành một vụ án;

5/ Những trường hợp cụ thể, cũ và mới, để áp dụng “Thủ tục xét xử theo tài liệu”, theo tinh thần Điều 1688 (đã được sửa đổi, của Bộ Giáo luật) và Khoản 21 của “Những quy định…”

Với nhiều góp ý của các tham dự viên qua từng nội dung, quý cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Luy Nguyễn Anh Tuấn, Gioan B. Nguyễn Đức Tuệ, Luy Gonzaga Huỳnh Phước Lâm và Gioan Bùi Thái Sơn nhận trách nhiệm viết lại các nội dung trên để trình bày trong cuộc họp lần sau tại Bãi Dâu, Bà Rịa.



Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/cac-dai-dien-tu-phap-giao-tinh-sai-gon-hoc-tap-tu-sac-mitis-iudex-dominus-iesus/7468.63.8.aspx

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Thư Mục vụ Mùa Vọng - Mùa Giáng Sinh 2015

THƯ MỤC VỤ
MÙA VỌNG, MÙA GIÁNG SINH 2015
“Thiên Chúa đã yêu thương thế gian
đến nỗi ban
Con Một của Ngài” (Ga 3,16)
---------
Kính gửi quý linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh
và anh chị em giáo dân rất thân mến,
1. Thư mục vụ Mùa Vọng và Mùa Giáng sinh năm nay gửi đến anh chị em vào lúc thế giới đang chịu quá nhiều đau khổ vì các hành vi khủng bố, nhưng thế giới vẫn đang tràn đầy sức sống, tràn trề hy vọng. Tôi viết cho anh chị em trong tâm trạng hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào “Lòng Nhân Từ Thương Xót” của Thiên Chúa,“Đấng đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16).
Mùa Vọng là Mùa của lòng khao khát đón Chúa, yêu mến Chúa, yêu mến Chúa thật nhiều, yêu mến Chúa mỗi ngày một nhiều hơn. Khao khát yêu mến, nên chủ động làm thoả mãn cơn khát của mình và của tha nhân. Chủ động bằng cách tích cực lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành trong sự tín thác hoàn toàn vào Chúa.
2. Mùa Vọng năm nay có nhiều điều cần phải chú trọng. Thứ nhất là đời sống gia đình Kitô giáo: thúc giục các gia đình trẻ tham gia làm mục vụ gia đình. Làm sao cho các gia đình công giáo được bền vững và tràn đầy Tình Thương.
Phổ biến Lòng Chúa Thương Xót cho mọi người và đưa ra những ứng dụng thực tế, như giúp đỡ cơm ăn áo mặc, nhưng quan trọng hơn phải là giúp đỡ về mặt tinh thần: làm thế nào để mọi người được hưởng nhờ Lòng Chúa Thương Xót.
Phổ biến thông điệp “Laudato Si” về mục vụ môi trường. Cùng nhau xây dựng Ngôi Nhà Chung của chúng ta là Trái Đất thật sạch đẹp. Cần phải góp phần với xã hội và thế giới giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu tại địa phương của mình.
3. Một điều quan trọng khác là “ước vọng canh tân đổi mới đời sống Giáo Hội, đời sống đạo của mỗi người công giáo”. Như Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh dạn canh tân giáo triều Rôma, chúng ta hãy mạnh dạn canh tân các đoàn thể trong giáo phận, mạnh dạn canh tân đường lối mục vụ. Tôi cũng sẵn sàng canh tân cách làm việc và tiếp xúc của Toà Tổng Giám mục, xin anh chị em góp ý cho chúng tôi.
4. Mặc dù có một số anh em linh mục trong Tổng giáo phận và một số Dòng tu, đã tỏ ra quyết liệt và hăng say trong công việc truyền giáo, tôi vẫn cảm thấy chưa hài lòng với chính mình. Mục vụ truyền giáo vẫn còn nằm trong phạm vi lý thuyết và trong trí tưởng tượng nhiều hơn. Có những đêm tôi nằm mơ thấy mình đi truyền giáo khắp nơi và lấy làm vui sướng, nhưng sáng hôm sau mới nhận ra mình chưa làm được điều gì cả!
Trước khi về Việt Nam sau lần họp Thượng Hội Đồng vừa rồi, nửa đêm tôi phải thức dậy vì nhận ra mình chưa làm tròn trách nhiệm truyền giáo. Và rồi tôi có dự định lá thư mục vụ Mùa Vọng Năm nay, chỉ đề cập đến việc truyền giáo thôi. Nhưng hôm nay tôi quyết định nói đến nhiều điều khác cũng rất quan trong như Mục vụ gia đình, Mục vụ Lòng Chúa Thương Xót, Mục vụ môi trường.
5. Thư mục vụ năm nay không chỉ hướng anh chị em đến ngày Chúa Kitô trở lại, mà còn hướng đến ngày Chúa Giáng Sinh. Tôi muốn cùng với anh chị em suy niệm về Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, Con Thiên Chúa.
Niềm vui và bình an là những hồng ân của thời cứu thế, trong đó Thiên Chúa “nhân từ và giàu lòng thương xót” đã sai Con Một của Ngài mang tình thương cứu độ đến cho nhân loại, đặc biệt cho những người nghèo khổ. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã không chỉ xoa dịu những vết thương, những đau khổ của con người, nhưng Ngài còn là sức mạnh của những người yếu đuối, của những nghèo khổ; sức mạnh giúp họ đi trên đường đời còn nhiều bất công, áp bức, khổ đau.
6. Với lễ Giáng Sinh, chúng ta chiêm ngưỡng Con Thiên Chúa đã hạ mình, đã chia sẻ thân phận con người, đã sinh ra trong một gia đình nghèo “không có chỗ trọ” (x. Lc 2,7); qua đó, chúng ta chiêm ngưỡng Tình yêu và Lòng Thương xót của Thiên Chúa được trình bày cách sống động nơi Đấng Emmanuel “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1,23).
Đức Giêsu, Chúa chúng ta đã Nhập Thể và Nhập Thế, đã làm người, đã vào đời; chúng ta cũng được mời gọi sẵn sàng nhập cuộc như Ngài. Chúng ta hãy đến với những người khác, hãy sẵn sàng giao lưu, đối thoại với họ. Hãy tạo nên những nhịp cầu rất cần thiết cho thế giới chúng ta hôm nay. Để mọi người có thể đến với nhau, trao đổi với nhau trong tình huynh đệ, vì tất cả đều là con của một Cha ở trên Trời. Hãy nối kết với nhau, hãy hợp nhất với nhau, làm thành một Gia Đình Nhân Loại Duy Nhất.
7. Cuối lá thư mục vụ này, tôi xin viết thêm ít dòng, để thông báo cho anh chị em đôi điều hết sức quan trọng. Thứ nhất là vào ngày 13 tháng 12 năm 2015, chúng ta khai mạc Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót tại Nhà Thờ Chính Toà của Tổng Giáo Phận. Xin anh chị em tích cực tham gia, chắc chắn Thiên Chúa sẽ chúc lành cho anh chị em. Thứ hai là Tổng Giáo Phận Sài Gòn dự định đại trùng tu ngôi nhà thờ đã xây dựng cách đây hơn 135 năm. Cùng với lời cầu nguyện, xin anh chị em quảng đại đóng góp tích cực về mọi mặt, vật chất cũng như tinh thần cho công trình trùng tu này.
Cầu chúc tất cả anh chị em một Mùa Vọng sốt sắng và một lễ Giáng Sinh tràn đầy niềm vui, bình an của Con Thiên Chúa làm người.
Tòa Tổng Giám Mục Tp. HCM, ngày 23-11-2015
(đã ký và đóng dấu)
+ Phaolô Bùi Văn Đọc
Tổng Giám Mục

File gửi kèm: 

Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20151124/32872

Liên Hội đồng Giám mục Á châu: Hội nghị Giám mục về Liên tôn lần thứ sáu (BIRA VI)



WHĐ (23.11.2015) – Để kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nostra Aetate tại châu Á, Văn phòng Đại kết và Liên tôn (OEIA) của Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã tổ chức Hội nghị Giám mục về Liên tôn lần thứ sáu (BIRA VI) tại Trung tâm Dòng Chúa Cứu Thế, Pattaya, Thái Lan từ ngày 16 đến ngày 20 tháng Mười Một năm 2015.

Tham dự Hội nghị này có 87 tham dự viên thuộc 17 quốc gia. Giáo hội Việt Nam có 4 tham dự viên gồm 3 linh mục và Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, giám mục giáo phận Cần Thơ, phụ trách Đối thoại liên tôn và Đại kết của Hội đồng Giám mục Việt Nam.



Sau đây là toàn văn Tuyên bố chung kết của Hội nghị.
***
Tuyên bố chung kết
BIRA VI
KỶ NIỆM 50 NĂM NOSTRA AETATE TẠI CHÂU Á
Văn phòng Đại kết và Liên tôn (OEIA) của FABC
Trung tâm Dòng Chúa Cứu Thế, Pattaya, Thái Lan
(1620 tháng 11 năm 2015)
1. Nhờ ơn Chúa và sự quan phòng của Ngài mà 87 người chúng tôi từ 17 quốc gia, đã tham dự Hội nghị Giám mục về Liên tôn lần thứ sáu (BIRA VI), mừng kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nostra Aetate trong bối cảnh châu Á và trong thời đại của chúng ta. Chúng tôi cảm ơn Missio Aachen đã tài trợ để giúp cho Hội nghị này được tổ chức.
2. Trong Hội nghị đầy ân sủng này, chúng tôi đã cùng nhau làm việc như là Giáo hội tại Châu Á dõi lại các bước đi của mình trên con đường đối thoại; cầu nguyện, suy tư và chia sẻ kinh nghiệm và suy nghĩ của chúng tôi về những điều chúng tôi đã thực hiện cho đến nay và những gì còphải tiếp tục làm trong lĩnh vực đối thoại liên tôn ở châu Á.
3. Chúng tôi nhìn nhận rằng Nostra Aetate vẫn còn tạo cảm hứng và thách đố chúng ta hiện thực quan điểm về Giáo hội như là dân Thiên Chúa trong cuộc đối thoại vào thời đại của chúng tatrước thực tại tương thuộc của những ảnh hưởng phức tạp và đa dạng của các cấu trúc xã hội-kinh tế-văn hoá-chính trị toàn cầu hoá, chúng tôi tái khẳng định nhu cầu khẩn thiết của cuộc “đối thoại ba chiều”: với người nghèo, với các nền văn hoá và với các tôn giáo, trong hành trìnhtiến về Vương quốc của công lý, hoà bình và hoà hợp về sinh thái.
4Với kinh nghiệm đối thoại và hành động trong năm thập kỷ vừa qua, chúng ta đã học biết rằng đối thoại liên tôn không chỉ là một chiến lược mục vụ cụ thể của Giáo Hội, nhưng còn là một cái nhìn của châu Á về Giáo Hội. Đó là một Giáo Hội tuyên xưng các giá trị của Vương quốc mà không sợ hãi, trong sự hợp tác mang tính đối thoại với những người thuộc các tôn giáo khác.
5. Đấu tranh chống lại mọi thứ chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố và chiêu dụ tín đồ, Giáo Hội tại châu Á được kêu gọi làm việc chung với những người khác như những người cùng hành hương. Trong việc bảo vệ người nghèo và môi trường thông qua mạng lưới liên tôn của chúng takhông phải chúng ta cùng nhau làm công tác xã hội, nhưng là xây dựng một Vương Quốc Thiên Chúa nhiệm hiệp như những hữu thể tương thuộc nhau (trong sự hài hoà của mối tương quan giữa chúng ta với nhau và với toàn thể tạo thành).
6. Giáo Hội tại Châu Á khẳng định rằng chúng ta không thể thực sự đối thoại với người khác nếu không có căn tính rõ ràng - biết mình là ai và không ngừng lớn lên trong đức tin của mình. Trong bối cảnh đa nguyên của châu Á, Giáo Hội, như một “đoàn nhỏ, được kêu gọi học lấy tinh thần yêu thương và phục vụ theo cung cách kenosis (hủy mình ra khôngcủa Chúa Giêsu Kitô. Chính qua cách tiếp xúc khiêm tốn và cởi mở mới có thể tạo được với những người khác niềm tin tưởng thực sự và hiểu biết lẫn nhau. Chúng tôi nhận thức rằng đối thoại liên tôn nơi những người thường dân là quan trọng, cuộc đối thoại này thường bắt đầu từ tình bạn giữa các cá nhân rồi phát triển đến chỗ hành động chung vì công lý và hoà bình.
7. Giáo Hội tại châu Á nhìn nhận những thách đố ngày hôm nay đối với tất cả các tôn giáo là rất nghiêm trọng: nhiều thứ xung đột và bạo lực, rất nhiều người nghèo đói và nạn bất bình đẳng toàn cầu, số người t nạn và di cư ngày càng gia tăng, ô nhiễm và khủng hoảng môi trường, tham nhũng và suy thoái đạo đức, nạn buôn bán người và xã hội trở nên lỏng lẻo, chủ nghĩa khủng bố và tất cả các hình thức của chủ nghĩa cực đoan.
8. Một trong những thách thức cấp bách nhất ở châu Á là rao giảng Chúa Giêsu Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, đồng thời vẫn nhìn nhận và tôn trọng những gì là “chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo khác (Nostra Aetate, số 2). Là cộng đoàn các môn đệ, chúng ta làm chứng cho Chúa Giêsu qua lối sống yêu thương về phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn theo ba cách liên kết với nhau: âm thầm, hiện diện, và kể chuyện. Bằng cách sống âm thầm, chúng ta dốc cạn chính mình và lắng nghe tiếng nói của người khác mà không phán xét, với quả tim yêu thương. Trong thẳm sâu cõi lặng của lòng mình, chúng ta ý thức Chúa Giêsu đang hiện diện giữa chúng ta, điều đó cho chúng ta hứng khởi lên đường hành động và đối thoại liên tôn để biến đổi thế giới. Chính khi kể câu chuyện của chúng ta về sự biến đổi nhờ Chúa Giêsu, như những cá nhân và như những cộng đoàn, mà nền văn hoá toàn cầu của sự thờ ơ và chủ nghĩa tiêu thụ vô độ được biến đổi thành nền văn hoá liên đới và chia sẻ của Tin Mừng.
9. Trong cuộc hành trình chung với những người khác, người Kitô hữu chúng ta ở châu Á nhận ra tầm quan trọng của các cộng đoàn cơ bản nơi những người dân thườnglà nơi diễn ra sự đối thoại bằng cuộc sống và hành động, đặc biệt là cùng với người dân bản địa. Chính qua các cộng đoàn cơ bản này mà Giáo Hội tại châu Á học biết thế giới quan toàn diện và nền linh đạo thánh thiêng về vũ trụ vốn sẽ thức tỉnh chúng ta trong việc chăm sóc “ngôi nhà chung của chúng ta. Chúng ta được kêu gọi ra khỏi vùng tiện nghi của mình để khai triển một câu chuyện đối thoại mớixuất phát từ kinh nghiệm chung của chúng ta, với hy vọng tái khám phá những mối tương quan hài hoà giữa con người, vũ trụ và Thiên Chúa cho thế hệ tương lai.
10. Chúng tôi cam kết hăng say dấn thân đối thoại liên tôn tại châu Á hơn nữa bằng nhiều cách, chẳng hạn:
– Phát triển đối thoại và hoạt động liên tôn tại địa phương trong các cộng đoàn cơ sở.
 Tổ chức các chương trình đào tạo đối thoại liên tôn trong cộng đoàn Công giáo (ví dụ như chủng viện, tu viện và đào tạo giáo dân).
– Thúc đẩy đối thoại giữa các giáo hội Kitô giáo và trong các tổ chức Công giáo.
 Trợ giúp các hoạt động và các diễn đàn đối thoại (ví dụ Tuần lễ hoà hợp các tín ngưỡng của Liên hiệp quốc).
– Ủng hộ đối thoại và hoạt động liên tôn trong lĩnh vực công cộng và không gian mạng.
– Cung cấp sự chuẩn bị đầy đủ và chăm sóc mục vụ cho gia đình liên tôn.
11. Sau những ngày suy tư và chia sẻ kinh nghiệm cùng những hiểu biết về đối thoại liên tôn trong ánh sáng của Nostra Aetatedưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, một lần nữa chúng tôi lại nhận ra được tầm quan trọng của việc mởra với mọi người thuộc các tôn giáo khác và vai trò thiết yếu của việc làm chứng cho Nước Thiên Chúa ngày càng phát triển trong tâm hồn của người châu Á. Qua việc chân thành dấn thân đối thoại của chúng ta, Chúa Giêsu Kitô sẽ được biết đến, được công nhận và yêu mến nhiều hơn”. (PCID, Đối thoại trong Chân lý và Bác ái, số 39).

Huy Hoàng chuyển ngữ
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/lien-hoi-dong-giam-muc-a-chau-hoi-nghi-giam-muc-ve-lien-ton-lan-thu-sau-bira-vi/7466.57.7.aspx