Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến các thành viên Bộ Giáo lý Đức tin


Bộ Giáo lý Đức tin có chiều kích mục vụ hết sức nổi bật

WHĐ (30.01.2018) – Hôm thứ Sáu 26-01-2018, tại Hội trường Clêmentê trong Dinh Tông Toà, các thành viên của Bộ Giáo lý Đức tin đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến khi họ kết thúc Khoá họp toàn thể. Đức Thánh Cha đã cảm ơn họ về “công việc phục vụ tế nhị” đối với Giáo hội, và nhấn mạnh đến “mối liên kết đặc thù” giữa Bộ và “người kế vị Thánh Phêrô, là người được mời gọi củng cố anh em mình trong đức Tin, và củng cố sự hiệp nhất của Giáo hội”.

Sau đây là toàn văn bài huấn dụ của Đức Thánh Cha:
***
Kính thưa quý Đức hồng y,

Thưa quý anh em giám mục và linh mục,

Anh Chị Em thân mến,
Tôi vui mừng được gặp Anh Chị Em khi Bộ Giáo lý Đức tin vừa kết thúc Khoá họp toàn thể. Tôi cảm ơn Đức hồng y Bộ trưởng đã giới thiệu tóm tắt những nét chính công việc Anh Chị Em đã làm trong hai năm qua.
Tôi rất hài lòng về công việc phục vụ tế nhị của Anh Chị Em nhằm đáp ứng mối liên kết đặc t của Bộ với thừa tác vụcủa người kế vị Thánh Phêrô, được kêu gọi để củng cố anh em mình trong đức tin và củng cố sự hiệp nhất của Giáo hội.
Tôi cảm ơn Anh Chị Em v những dấn thân hằng ngày của Anh Chị Em để trợ giúp huấn quyền của các giám mục, trong việc bảo vệ đức tin đúng đắn và sự thánh thiêng của các bí tích, trong nhiều vấn đề đa dạng của ngày nay vốn đòi hỏi phải có sự phân định mục vụ quan trọng, như trong việc xem xét các vụ việc liên quan đến graviora delicta (các tội ác nghiêm trọng hơn) và các vấn đề tiêu hôn favorem fidei (vì lợi ích đức tin).
Tất cả những nhiệm vụ này càng mang tính thời sự hơn, trước hoàn cảnh ngày càng trở nên lỏng lẻo và thay đổi - vốn đặc trưng cho sự hiểu biết của con người ngày nay về chính mình và có ảnh hưởng mạnh đến các lựa chọn hiện sinh và đạo đức của con người. Con người ngày nay không còn biết mình là ai và vì thế, họ khó biết được làm thế nào để hành động cho đúng.
Theo nghĩa này, nhiệm vụ của Bộ mang tính quyết định, khi Bộ nhắc nhớ lại ơn gọi siêu việt của con người và mối liên hệ không thể tách rời của lý trí con người với chân lý và sự thiện mà đức Tin vào Chúa Giêsu Kitô khơi lên. Điều này hoàn toàn không giống như việc lý trí mở ra để đón nhận ánh sáng đến từ Thiên Chúa, ánh sáng giúp cho con người nhận biết chính mình và kế hoạch của Thiên Chúa về thế giới.
Thế nên tôi đánh giá cao nghiên cứu của Anh Chị Em về một số khía cạnh của ơn cứu rỗi Kitô giáo, nhằm tái khẳng định ý nghĩa của việc cứu chuộc, khi đề cập đến các khuynh hướng tân-Pelagiô và tân-Gnosis hiện tại. Những khuynh hướng này là biểu hiện của một chủ nghĩa cá nhân tin tưởng rằng mình có thể tự cứu rỗi bằng sức riêng của mình. Trái lại, chúng ta tin rằng ơn cứu rỗi hệ tại sự hiệp thông với Chúa Kitô phục sinh, là Đấng nhờ ơn Thánh Thần của Ngườidẫn đưa chúng ta vào một trật tự mới của mối tương quan với Chúa Cha và giữa con người với nhau. Như thế, chúng ta được hiệp nhất với Chúa Cha như những người con trong Chúa Con và trở nên một thân thể trong Đấng “là trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29).

Vậy, làm sao lại không đề cập đến những gì mà Anh Chị Em đã nghiên cứu về các hệ quả đạo đức của một nền nhân học thích đáng cả trong lĩnh vực kinh tế và tài chính. Chỉ có cái nhìn về con người như một nhân vịnghĩa là như một chủ thể chủ yếu mang tính tương quan cùng với một lý trí đặc thù và phong phúmới có thể hành động phù hợp với trật tự khách quan của luân lý. Về vấn đề này, huấn quyền của Giáo hội luôn lặp lại cách rõ ràng rằng “hoạt động kinh tế, mặc dù theo phương pháp và luật lệ riêng, nhưng vẫn phải nằm trong giới hạn của trật tự luân lý” (Gaudium et Spes, 64).
Trong Khoá họp toàn thể này, Anh Chị Em cũng đã đào sâu một số vấn đề tế nhị về việc đồng hành với các bệnh nhânở giai đoạn cuối. Về vấn đề này, tiến trình tục hoá, bằng cách tuyệt đối hoá các khái niệm tự quyết và tự chủ, đã làm cho tại nhiều quốc gia có sự gia tăng nhu cầu an tử như một khẳng định mang tính ý thức hệ về ý chí của con người muốn làm chủ sự sống. Điều này cũng dẫn đến chủ trương coi việc cố ý chấm dứt sự sống của con người như là một lựa chọn của nền văn minh. Rõ ràng là khi mà sự sống được coi trọng không phải vì phẩm giá của nó mà vì tính hiệu quả và năng lực sản xuất, thì tất cả những điều ấy đều có thể xảy ra. Trong bối cảnh này, cần phải tái khẳng định rằng sự sống con người, từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, có một phẩm giá bất khả xâm phạm.
Đau đớn, thống khổ, ý nghĩa sự sống và sự chết là những thực tại mà não trạng ngày nay khó chấp nhận được với một cái nhìn đầy hy vọng. Nhưng nếu không có niềm hy vọng vững vàng giúp họ đương đầu với đau khổ và cái chết, con người không thể sống tốt đẹp và giữ được cái nhìn tin tưởng cho tương lai của mình. Đây là một trong những công việc mà Giáo hội được kêu gọi phục vụ con người ngày nay.
Theo nghĩa này, sứ mạng của Anh Chị Em mang một chiều kích mục vụ hết sức nổi bật. Các mục tử đích thực là những người không bỏ mặc con người và không để họ rơi vào tình trạng mất phương hướng và lầm lạc, nhưng dùng chân lý và lóng thương xót để đưa họ về với khuôn mặt đích thực của họ trong sự thiệnMọi hành động nắm lấy tay con người khi họ đánh mất ý thức về phẩm giá và định mệnh của mình; để giúp họ nhờ tin tưởng, tái khám phá tình phụ tử yêu thương của Thiên Chúa, định mệnh tốt đẹp của mình và những con đường xây dựng một thế giới nhân bản hơn, đều là những hành động mục vụ đích thực. Đây là nhiệm vụ lớn lao đang chờ đợi Bộ Giáo lý Đức tin của Anh Chị Em và tất cả các tổ chức mục vụ khác trong Giáo hội.

Tôi tin chắc Anh Chị Em luôn hết lòng với công việc quan trọng này, vốn dĩ vẫn là đường lối chính của Giáo hội. Một lần nữa tôi xin cảm ơn Anh Chị Em và cùng với tâm tình gần gũi, tôi thành tâm ban Phép lành Toà thánh cho tất cả Anh Chị Em.

(Nguồn: Zenit, tiếng Pháp)

Con sống khiêm tốn, vâng, nhưng chịu bị sỉ nhục à, không đời nào!



Không thể sống khiêm tốn mà không chịu cảnh bị sỉ nhục. Chúng ta thấy điều ấy nổi bật qua cuộc đời vua Đavit và Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Đavit là vua vĩ đại nhưng cũng là một tội nhân

Đavit là con người vĩ đại vì ông đã đánh thắng quân Philitinh. Đavit cũng được ca ngợi là có tâm hồn cao quý, vì hai lần ông đã có thể giết vua Saun, nhưng ông không làm điều ấy. Tuy nhiên, Đavit cũng là một tội nhân tầm cỡ, vì ông ngoại tình với bà Betsabea là vợ quan tể tướng Uria. Sau đó, Đavit còn chủ mưu giết Uria bằng cách lấy quyền làm vua mà đẩy ông ấy vào chiến tuyến nguy hiểm nhất. Sau tất cả những điều ấy, Đavit được tôn kính như một vị thánh, bởi vì ông đã ăn năn sám hối về tội lỗi của mình. Bởi vì ông nhìn nhận tội lỗi của mình, và cầu xin Thiên Chúa thứ tha. Ông thừa nhận: tôi là kẻ tội lỗi.

Đavit bị hạ gục và bị nhục mạ

Trong bài đọc hôm nay, người con của Đavit là Absalon đã tạo cuộc cách mạng làm phản Đavit. Dân chúng chạy theo Absalon. Trong hoàn cảnh ấy, Đavit không nghĩ đến thể diện của mình, ông không giao chiến, ông nghĩ tới người dân, tới Đền Thờ, tới Hòm Bia Giao Ước. Vì thế, ông quyết định chạy trốn: một cử chỉ có vẻ hèn nhát nhưng kỳ thực là can đảm. Ông Đavit khóc lóc ăn năn bước đi.

Đavit vĩ đại không chỉ bị hạ gục, nhưng còn bị sỉ nhục. Khi đang chạy trốn, một người đàn ông tên là Simei ra sức sỉ nhục vua mà rằng: “Chúa đã đổ trên đầu ngươi tất cả máu của nhà Saun, người mà ngươi tiếm vị. Thiên Chúa đã trao vương quốc vào tay Absalon, con ngươi. Này là tai họa hành hạ người, vì ngươi là tên khát máu”. Trước tình huống đó, cận vệ của Đavit muốn giết kẻ đang ra sức sỉ nhục vua Đavit, nhưng Đavit cho phép anh ta tiếp tục sỉ nhục mình. Đavit đáp lại rằng: “Hãy để nó nguyền rủa ta theo lệnh Chúa. Biết đâu Chúa sẽ nhìn thấy nỗi khổ tâm của ta, và biết đâu Ngài sẽ đổi lời chúc dữ thành lời chúc phúc cho ta”.

Khiêm tốn là cho đi tất cả

Đavit trèo lên cây ôliu, là hình ảnh tiên trưng cho việc Chúa Giêsu leo lên đồi Calvario để hiến dâng mạng sống, để chịu sự xúc phạm, để bị gạt bỏ. Trong bối cảnh này, cách hành xử của Đavit là hình ảnh tiên trưng về sự khiêm tốn của Chúa Giêsu.

Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng, khiêm tốn là ra đi trong lặng lẽ, có lẽ là đi cúi xuống và mắt nhìn xuống sàn nhà… nhưng những con heo cũng đi như thế. Như thế không phải là khiêm tốn. Bởi vì, làm như thế là khiêm tốn giả tạo. Thật là tốt để chúng ta nghĩ về điều này: chẳng có sự khiêm tốn chân thực nếu không chịu đựng bị sỉ nhục. Khiêm tốn chân thực thì cho đi tất cả và không ra sức bao biện này nọ. Nếu không thể chịu đựng bị sỉ nhục, thì có chăng, bạn chỉ giả vờ khiêm tốn mà thôi.

Con đường chịu sỉ nhục

Đavit trở thành thánh nhân, vì biết sám hối tội lỗi của mình. Và khi sám hối, ông sẵn sàng chịu đựng bị sỉ nhục. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng Thánh, Người mang lấy tội lỗi chúng ta. Và khi ấy, Người cũng phải chịu bị sỉ nhục.

Luôn có cám dỗ chống lại những gì vu khống chúng ta, chống lại những kẻ nhục mạ chúng ta, chống lại những gì làm cho chúng ta nhục nhã xấu hổ. Trong thực tế, Đavit đã nói không với cám dỗ ấy, Chúa Giêsu đã nói không với cám dỗ ấy. Các ngài đón lấy con đường bị sỉ nhục. Từ chỗ bị sỉ nhục, Đavit đã nhìn ra hy vọng mà rằng: Có lẽ Chúa sẽ thấy nỗi khổ tâm của tôi, mà chuyển lời chúc dữ thành chúc phúc.

Quy tắc vàng để có đức khiêm tốn

Không hề có sự khiêm tốn bằng cách cố gắng bao biện làm ra vẻ mình tốt. Nếu bạn không thể chịu đựng bị sỉ nhục, thì bạn không thể sống khiêm tốn. Đây là quy tắc vàng.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho ta ơn khiêm tốn, cùng với ơn chịu đựng bị sỉ nhục. Có người nữ tu nói: “Con sống khiêm tốn, vâng, nhưng chịu bị sỉ nhục à, không đời nào!” Không, không! Không thể có sự khiêm tốn nếu không biết chịu đựng bị sỉ nhục. Chúng ta hãy can đảm xin ơn chịu bị sỉ nhục. Chúng ta hãy can đảm theo gương thánh Inhaxio, để xin ơn chịu đựng bị sỉ nhục cùng với Chúa Giêsu bị sỉ nhục, để ngày càng nên giống Chúa hơn.

Tứ Quyết SJ

Đại hội sinh viên công giáo toàn quốc Indonesia lần thứ 30


Trong các ngày từ 22 tới 27 tháng giêng vừa qua, 3.800 sinh viên công giáo đại biểu của 69 vùng toàn nước Indonesia đã tham dự đại hội sinh viên công giáo toàn quốc lần thứ 30 tại Palembang trên đảo Sumatra.

Hiệp hội sinh viên công giáo Indonesia hiện có 105.000 thành viên. Đại hội lần này có đề tài là “Bảo vệ Pancasila và thực hiện các giá trị của nó trong cuộc sống thưòng ngày của các công dân Indonesia”.

Pancasila là hệ thống tư tưởng triết lý chính trị do ông Sukarno là vị tổng thống đầu tiên của Indonesia đề xướng. Từ Pancasila bắt nguồn từ tiếng Phạn Panca có nghĩa là 5 sila có nghĩa là nguyên tắc, hay năm cột trụ hướng dẫn cuộc sống của dân nước Indonesia: Thứ nhất là niềm tin vào một Thiên Chúa hay Thượng Đế duy nhất; thứ hai công bằng và văn minh nhân loại; thứ ba là sự hiệp nhất của nước Indonesia; thứ bốn là nền dân chủ được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan nội tâm của sự đồng nhất phát xuất từ các quyết định của các vị đại diện và việc xây dựng sự đồng thuận đại diện; và thứ năm là công bằng xã hội cho toàn dân Indonesia.

Cộng hoà Indonesia rộng hơn 1 triệu 904 ngàn cây số vuông và được mệnh danh là “vạn quốc đảo”, vì gồm 13.487 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau. Indonesia có hơn 161 triệu dân, trong đó có 87,2% theo Hồi giáo, 9,9% theo Kitô giáo (trong số này có 7% theo Tin Lành, 2,9% theo Công giáo), 1,7% theo Ấn giáo, 0,7% theo Phật giáo, 0,2% theo Khổng giáo số còn lại theo các tôn giáo khác. Người dân Indonesia thuộc nhiều chủng tộc khác nhau gồm 40,2% là người Java, 15,5% là người Sunda, 3,5% là người Batak, 2,6% là người Bugis, 1,6% là người Bali, 1,2% là người Hoa, 1,2% là người Dayak, 1,1% là người Papua và 38% thuộc các sắc tộc khác.

Đại hội đã khai mạc với thánh lễ do ĐC Adrianus Sunarko, dòng Phanxicô, Giám Mục giáo phận Pangkal Pinang chủ sự. Giảng trong thánh lễ ĐC đã khuyến khích các sinh viên công giáo dám liều lĩnh, bỏ qua một bên các điều tạm bợ và kiên trì tập tành các nhân đức bất biến. ĐC nói: Các bạn hãy có can đảm hành động và góp phần xây dựng quốc gia. Các bạn hãy sống cuộc đời mình cho có ý nghĩa, bằng cách làm những điều quan trọng và hiến trọn cuộc đời cho sự thật.

** Trong diễn văn khai mạc đại hội tân tổng thống Indonesia ông Joko Widodo đã khích lệ các sinh viên công giáo hiệp lực với toàn dân hoạt động cho hoà bình, góp phần duy trì sự hiệp nhất quốc gia, cùng với mọi công dân khác làm việc cho sự phát triển quốc gia và cho công ích. Tổng thống nói: “Chúng ta sống trong một quốc gia đa tôn giáo và đa chủng tộc. Nếu có một cuộc xung đột vì lý do tôn giáo hay chủng tộc, thì các bạn phải nhanh chóng dập tắt nó. Làm hoà với tất cả mọi người khác và sống trong hài hoà là con đường chính đáng phải theo. Tổng thống cũng minh nhiên sự phát triển và các bước tiến mà chính quyền của ông sẽ cố gắng thực hiện để bảo vệ chế độ đa nguyên và sự hài hoà giữa mọi thành phần xã hội Indonesia. Ông kêu gọi giới sinh viên công giáo tích cực tham gia các cuộc bầu cử hành chánh sẽ diễn ra trong năm 2018 này, và củng cố tinh thần bầu cử trong sáng. Tổng thống nói: “Chúng ta phải yểm trợ lẫn nhau một cách hoàn toàn độc lập với các yếu tố tôn giáo, bộ tộc, tín ngưỡng hay các yếu tố khác. Chúng ta đừng quên rằng chúng ta là anh chị em với nhau, hiệp nhất trong sự khác biệt của đất nước Indonesia được hướng dẫn bởi 5 nguyên tắc nòng cốt là Pancasila.”

Anh Angelo Wake Kako, chủ tịch Liên hiệp sinh viên công giáo Indonesia, cho biết các sinh viên đã đánh giá rất cao các lời nhắn nhủ của tổng thống. Sự hiện diện của tổng thống cũng rất là ý nghĩa, bởi vì đây là lần đầu tiên một tổng thống Indonesia đến khai mạc đại hội toàn quốc của sinh viên công giáo. Pancasila không chỉ là một suối nguồn hay một đề tài dành riêng cho các nhà chính trị. Thực hiện các giá trị của nó trong cuộc sống thường ngày của dân chúng là chià khoá giúp cho Indonesia trở thành một trong các quốc gia chính của thế giới.

Anh Ferinsky Kusumawwardanti, sinh viên tham dự đại hội, cho biết tổng thống đã đề cập đến tinh thần khoan nhượng, sự khác biệt và đa nguyên, là các yếu tố quan trọng đối với chúng tôi, đặc biệt là tại Palembang này. Tôi cảm thấy rằng như là tín hữu công giáo các đóng góp tích cực của chúng tôi được tổng thống đánh giá cao.

Ông Nat Widiasari, giáo sư khoa truyền thông tại đại học công giáo Atma Jaya trong thủ đô Jakarta, cho biết cộng đoàn công giáo Indonesia nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc thăng tiến hoà bình và hoà hợp, và chống lại mọi lèo lái chính trị đối với tôn giáo. Trong một vài vùng của đất nước sự hoà hợp tôn giáo không gặp vấn đề. Nhưng trong vài vùng khác có các căng thẳng ngấm ngầm, vì sự hiện diện của các lãnh tụ hồi cực đoan vẫn nuôi mộng hồi giáo hoá toàn xã hội vì các lý do chính trị hay lợi lộc riêng tư khác. Và họ không ngần ngại lèo lái tôn giáo theo các hướng đó.

** Nhưng giáo sư cũng cho biết chính quyền cộng tác với mọi nhóm xã hội dân sự để cố gắng dẹp bỏ các khuynh hướng không lành mạnh này, và nhấn mạnh sự hoà hợp như tiền đề cho việc cùng nhau cộng tác hoạt động cho công ích và phát triển đất nước.

Giáo sư Widiasari cũng cho biết thêm tuy là một nước có đa số dân theo Hồi giáo, và Giáo Hội công giáo chỉ là một thiểu số, nhưng phần đóng góp của Giáo Hội công giáo trong việc dấn thân thăng tiến hòa bình, công bằng xã hội và đối thoại liên tôn rất quan trọng, vì nó giúp củng cố các tương quan hài hoà giữa mọi người dân Indonesia.

Chính các khuynh hướng quá khích không lành mạnh này của một số các nhóm hồi giáo khiến cho cuộc sống của các kitô hũu gặp khó khăn vì họ bị kỳ thị phân biệt đối xử. Điển hình như trong giáo phận Denpasar, trên đảo Bali. ĐC Silvester Tung Kiem San, Giám Mục giáo phận, cho biết cộng đoàn công giáo chỉ là một đàn chiên bé nhỏ gồm 42.000 giáo dân sống trong 24 giáo xứ, được cai quản bởi 31 linh mục triều và 15 linh mục dòng. Giáo phận gồm hai tỉnh: tỉnh Bali có đa số dân theo Ấn giáo và tình West Nusa Tengara có đa số dân theo Hồi giáo. Chính sự trộn lẫn văn hoá là nét đẹp của vùng này. Nhưng rất tiếc các kitô hữu bị kỳ thị trong xã hội. Họ khó mà kiếm được việc làm trong các lãnh vực công cộng và doanh nghiệp. Cả khi không có luật lệ kỳ thị tôn giáo, nhưng đây là thói quen xã hội tiêu cực vẫn tồn tại. Giáo Hội địa phương phải đương đầu với hai thách đố lớn đối với việc rao truyền Tin Mừng. Thứ nhất là sự kiện khó khăn trong việc xây dựng các nhà thờ. Chính quyền địa phương làm khó dễ không cho phép Giáo Hội xây dựng các nơi thờ tự. Trong các vùng không có nhà thờ tín hữu tham dự thánh lễ và tụ tập nhau cầu nguyện tại các tư gia như thời giáo hội khai sinh. Sau đó họ chia sẻ bữa ăn huynh đệ với nhau. Thành ra dịp gặp gỡ trở thành việc cử hành đức tin, cuộc sống và cộng đoàn. Thách đố thứ hai là các vụ hôn nhân hỗn hợp tôn giáo. Điều này có thể là một đe dọa cho đức tin công giáo, và trong các năm qua số gia đình liên tôn giáo đã gia tăng. Để củng cố cộng đoàn hồi tháng 11 năm vừa qua Giáo Hội đã triệu tập công nghị giáo phận và đề ra chương trình mục vụ cho các năm 2018-2022 nhắm việc đào tạo hàng lãnh đạo giáo dân.

** Các tình hình căng thẳng đó đây trong nước cũng đã khiến cho các vị lãnh đạo kitô âu lo. Trong sứ điệp chung gửi kitô hữu toàn nước nhân dịp lễ Giáng Sinh năm 2017 vừa qua các Giám Mục công giáo và các Giám Mục tin lành đã kêu gọi các kitô hữu góp phần xây dựng sự hiệp nhất, tình huynh đệ, sự thật, công bằng và hoà bình trong xã hội Indonesia, bằng các hoạt động giúp giảm khoảng cách giữa người giầu và người nghèo, dẹp bỏ nạn gian tham hối lộ, đạp đổ các bức tuờng ngăn cách nhân danh chủng tộc hay tôn giáo. Đây là sứ mệnh tin mừng mà mọi kitô hữu được mời gọi chu toàn trên đất Indonesia.

Sứ điệp mang chữ ký của ĐTGM Jakarta Ignatius Suharyo và ĐC Antonius Subianto Bunjamin GM Bandung, chủ tịch và phó chủ tịch HĐGM Indonesia, cũng như của Bà Giám Mục Henriette Lebang và ĐC Gomar Gulton, chủ tịch và tổng thư ký Ban cố vấn các Giám Mục tin lành.

Sau khi ghi nhận một số sự kiện tiêu cực như sự cạnh tranh chính trị bằng mọi giá không lành mạnh, khuynh hướng cuồng tín khai thác tôn giáo cho các ý đồ riêng tư ngày càng gia tăng, các vị lãnh đạo Kitô tái khẳng định quyết tâm thực thi các lý tưởng như đã được nêu lên trong Hiến pháp Indonesia năm 1945. Ngoài ra cần phải thăng tiến sự hiệp nhất, công bằng và hoà bình xã hội không chỉ giữa mọi thành phần công dân Indonesia, nhưng còn trên toàn thế giới nữa. Các vị lãnh đạo kitô khẳng định cần tổ chức và liên tục điều chỉnh hệ thống và guồng máy dân chủ để thực hiện các lý tưởng chung. Đây không phải là điều dễ dàng vì kitô giáo chỉ là một thiểu số. Chúng ta không thể giải quyết mọi vấn đề phải đương đầu dựa trên các sức lực riêng. Đã đến lúc chúng ta phải để cho hoà bình của Chúa Kitô ngự trị trong con tim chúng ta. Hoà bình của Chúa Kitô ngự trị trong con tim chúng ta là một sức mạnh hiệp nhất và đánh đổ bức tường chia rẽ. Chỉ với hoà bình của Chúa Kitô trong tim chúng ta mới có thể rộng mở và giang vòng tay yêu thương tiếp đón các anh chị em đồng hương Indonesia khác, và nắm tay nhau xây dựng hiệp nhất quốc gia và tiến tới một tương lai tươi sáng hơn. Kết thúc sứ điệp các vị lãnh đạo kitô cầu mong lễ Giáng Sinh là dịp giúp mọi người phát triển khà năng tiếp đón các khác biệt của xã hội đa chủng tộc và đa tôn giáo như Indonesia với tinh thần Pancasila đã hướng dẫn cuộc sống quốc gia trong suốt 73 năm qua.

Linh Tiến Khải

HĐGM Philippines: Thay đổi hiến pháp phải bảo vệ và cổ võ giá trị luân lý


Trong tuyên ngôn được đưa ra ngày 29/01 vừa qua, sau sau khóa họp thường kỳ vào tháng 1 tại Cebu City, các Giám mục Philippines đã đưa ra những chỉ dẫn mục vụ cho các tín hữu Công giáo trong khi chính quyền đang tiến hành những thay đổi về hiến pháp.

Hiến pháp hiện tại của Philippines đã có từ năm 1987. Trong quá khứ, các Giám mục tuyên bố rằng dù hiến pháp này chưa hoàn hảo nhưng nó phù hợp với Tin mừng.

Trong tuyên ngôn, Giám mục Philippines yêu cầu rằng nếu có thay đổi nào trong Hiến pháp mới thì nó phải hướng đến việc bảo vệ và cổ võ hơn các giá trị luân lý. Các ngài khẳng định ý muốn làm cho khuynh hướng luân lý trở nên rõ ràng và thẳng thắn. Theo các vị lãnh đạo Giáo hội, dựa trên nền tảng giáo huấn của Giáo hội, 4 nguyên tắc – về nhân phẩm và nhân quyền, ngay chính và sự thật, tham gia và hỗ tương, ích chung – là căn bản cho việc đánh giá luân lý.”

Các ngài cảnh giác chống lại việc làm giảm nhẹ đi bất kỳ nguyên tắc ủng hộ sự sống nào đã được ghi trong hiến chương hiện tại, bao gồm “bản chất cơ bản của hôn nhân và gia đình” và chống lại việc gia hạn nhiệm kỳ của các quan chức đương nhiệm để tránh việc đi tới một chế độ độc tài như kinh nghiệm trong quá khứ.

Tuyên ngôn của các Giám mục Philippines lưu ý rằng việc thay đổi hiến pháp này nhắm tạo điều kiện cho sự chuyển đổi từ một thể chế nhất thể sang hình thức nghị viện của chính phủ. Các Giám mục hy vọng với ý hướng này, những người có trách nhiệm sửa đổi hiến pháp thực thi công việc được giao cho họ.

Bênh vực sự thật dù cho gặp nguy hiểm

Vào đầu khóa họp hôm 27/01, Đức Tổng Giám mục Gabriele Giordano Caccia, Sứ thần Tòa thánh tại Philippines, đã mời gọi các Giám mục Phi luôn bênh vực sự thật. Ngài nói: “Chúng ta có can đảm loan truyền sự thật ngay cả gặp nguy hiểm không? Như các nhà lãnh đạo và các tông đồ, chúng ta phải rao truyền sự thật. Mục đích của chúng ta không phải là đương đầu với quyền lực nhưng là hoán cải.”

Trong bài giảng, Đức Sứ thần nói: “các Giám mục chúng ta được mời gọi hướng dẫn, chăn dắt và thánh hiến dân của chúng ta. Ngài nói thêm: “Khi người dân đến với chúng ta, chúng ta biết câu trả lời đúng là gì. Chúng ta biết điều gì đúng và điều gì sai, điều gì nên làm và điều gì nên tránh…. Chúng ta hãy giúp người khác trở thành các môn đệ tốt hơn và các tôi tớ tốt hơn của dân chúng. Điều quan trọng là trở thành các nhà lãnh đạo có thể hướng dẫn, không chỉ người khác, nhưng cả chính chúng ta.

Trong phát biểu khai mạc đại hội, Đức Tổng Giám mục Romulo Valles của Davao, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippines nói rằng tình cảnh chính trị của đất nước, đặc biệt là cuộc chiến chống ma túy của chính quyền là cơ hội lớn cho các Giáo hội địa phương. Đức cha Valles nói: “Nó là cơ hội lớn để một lần nữa chúng ta truyền giảng rằng mỗi và mọi sự sống đều là thánh thiêng. Mỗi và mọi sự sống đều được yêu thương và giữ gìn. Chúng ta không muốn bất cứ ai bị giết.”

Các Giám mục Công giáo Philippines họp toàn thể hai năm một lần, vào tháng 1 và tháng 7, để thảo luận về các vấn đề có liên quan đến các tín hữu Công giáo tại nước này. (Ucan 30/01/2018)

Hồng Thủy

Thiên Kỷ Mới, Giáo Hội Hòa Giải Và Định Hướng


Ðể chuẩn bị bước vào một thiên kỷ mới, Giáo Hội Công Giáo, dưới sự lãnh đạo của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã có những chuyển mình quan trọng. Những chuyển mình này đã trở nên tỏ tường hơn vào những năm cuối của thập niên 1990s, nhưng thực sự đã bắt nguồn từ đầu Thế Kỷ Hai Mươi.

I. ÐẦU THẾ KỶ XX, GIÁO HỘI CHUYỂN MÌNH

Quan niệm về giáo hội

Bước vào tiền bán thế kỷ XX, quan niệm về giáo hội đã có phần dung hòa hơn giữa một thực thể trên trần gian và một mầu nhiệm của Ơn Cứu Chuộc. Trong quyển “Nghịch Lý và Mầu Nhiệm” (Paradox and Mystery), Ðức Cố Hồng Y Henri de LuBac đã cho rằng giáo hội hôm nay đang đòi hỏi một nỗ lực toàn diện trong tất cả chúng ta, để chuẩn bị cho những biến chuyển của thời đại. Nếu chúng ta tận tâm đáp ứng thì hậu qủa của những biến chuyển này sẽ là “Mùa Xuân của Giáo Hội.” Ðể hoàn thành trọng trách này, chúng ta phải hiểu những điều kiện tất yếu, đó là cởi mở và canh tân. Ðây là hai chiếc chìa khóa cho toàn bộ chương trình.

Quan niệm về Thiên Chúa

Quan niệm về Ðấng Tạo Hóa trong thế kỷ này cũng đã triển nở dưới ánh sáng mạc khải, qua tư tưởng của những nhà thần học và triết học thời danh. Ông Gabriel Marcel đã đứng vững trong truyền thống của thần học tự nhiên khi ông cho rằng: “Ðằng sau mỗi sự kiện đều có sự hiện diện của Thiên Chúa ẩn mình trong đó.” Thần học gia Công Giáo Hans von Balthasar thì cho rằng: “Chúa đã biến mất trong cõi siêu việt của Ngài, và con người đã bước ra từ cái vỏ tự nhiên để một mình lãnh lấy trách nhiệm phải đối phó với thiên nhiên. Vì vậy, triết học thời đại đã biến thành nhân chủng học, trong đó con người cố gắng để tìm hiểu chính mình.”

Nhà thần học thời danh của Dòng Tên, LM Karl Rahner đã nhìn thấy cái sai lầm của con người hiện tại, trong việc tìm kiếm Thiên Chúa. Cha viết: “Thế gian đã bị tục hóa và nhiều người cho rằng thế giới đã trở nên vô thần. Nhưng kết luận này đã do hậu qủa của sự tìm kiếm Thiên Chúa không đúng cách và không đúng chỗ. Sự trần tục của khoa học đã thách đố Kitô hữu tái xét niềm tin cố hữu của họ, rằng Thiên Chúa ở trên tất cả những gì chúng ta có thể nhận thức. Ngài không phải là một đối tượng như những đối tượng khác, cũng không là một gỉa thuyết cuối cùng, không là một lực lượng đơn thuần hoạt động cho những mục đích chắc chắn, có thể nhận thấy được. Nhưng Chúa là tiền định của thế gian mà toàn thể thế giới đang tiến về Ngài.”

Một nhà thần học và khoa học thời danh khác của dòng Tên mà các tư tưởng của ngài cũng đã góp phần không nhỏ vào những hình thành của các văn kiện Công Ðồng. Ðó là cố linh mục Teilhard de Chardin, ngài cho rằng: “Ðức Kitô là trọng tâm của diễn trình tiến hóa. Ngài là phản ảnh ở trọng tâm của diễn trình tại điểm Omega, điểm cứu cánh (một nối kết siêu phàm giữa mọi sự với Chúa). Ðức Kitô đã nối kết tiến hóa với chúng ta về sự thực hữu của nó bằng thực tại hóa nó giữa chúng ta và trong xã hội tiên nghiệm của Kitô hữu, Cứu Cánh đã được nhận thấy.”

Quan niệm về cộng đoàn

Từ những biến đổi trong quan niệm về Thiên Chúa, quan niệm về cộng đoàn cũng được nhắc tới như một tất yếu trong những chuyển động dây chuyền của hệ thống tư tưởng trong thế kỷ này. Jacques Maritain, một triết gia Công Giáo đã nêu câu hỏi: “Xã hội hiện hữu cho con người hay con người hiện hữu cho xã hội? Giáo xứ hiện hữu cho giáo dân hay giáo dân hiện hữu cho giáo xứ? Rồi ông giải thích: “Qui luật của tiên nghiệm còn giữ một cách quí trọng cộng đồng của những tư tưởng cũng như với từng cộng đoàn của nhân chủng. Nhưng con người vẫn vươn lên trên cộng đồng tư tưởng và đòi hỏi nhiều hơn, ít nhất là khi cộng đồng đó không phải là xã hội siêu nhiên… Trong cộng đoàn của các thánh, cá nhân không còn muốn vươn lên trên cộng đoàn để tiến tới một tập thể tốt đẹp hơn vì chính giáo hội đã hoàn thành việc giáo hóa với đời sống thánh thiện rồi.”

Nhưng ở đây có nhiều phương diện khác nhau về con người cho cộng đoàn hay cộng đoàn cho con người. “Giáo hội đã có một công tác chung là tiếp tục công trình cứu rỗi, trong đó mọi người được mời gọi thi hành một công tác cho ích chung. Nhưng công tác chung đó sẽ đem lại sự thánh thiện cho mỗi cá nhân, kết hợp mọi cá nhân với Chúa và đem máu cứu chuộc đến cho từng người. Mặt khác, sự thánh thiện riêng của mỗi cá nhân tạo được bởi kết hợp với ân sủng và bác ái với Chúa sẽ chính là sự thánh thiện chung của giáo hội, vượt lên trên tất cả những thánh thiện cá nhân và tất cả các thông truyền của những sự thánh thiện tìm thấy trong giáo hội.”

II. GIÁO HỘI HÀNH ÐỘNG

Từ những nguồn tư tưởng trên, và nhiều nguồn tư tưởng khác trong lịch sử, các nghị phụ đã tổng hợp, điều hòa, và thực dụng hóa chúng trong các giáo huấn của Công Ðồng Vatican II, đặc biệt trong Hiến Chế Tín Lý “Lumen Gentium” (Ánh Sáng Muôn Dân) và Hiến Chế Mục Vụ “Gaudium et Spes” (Vui Mừng và Hy vọng).

Công Ðồng Vatican II

Ở phương diện hòa giải với những anh em Kitô hữu ngoài Công Giáo và các anh em ngoài Kitô giáo, các nghị phụ của Công Ðồng thực sự đã thổi một luồng gió mới, chuẩn bị cho các tín hữu bước vào kỷ nguyên hòa giải.

“Vì giáo hội ở trong Ðức Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ, và là khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Chúa và của sự hợp nhất toàn thể nhân loại; nên đựa trên giáo huấn của các công đồng trước, giáo hội muốn làm sáng tỏ bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình cho các tín hữu và toàn thế giới. Nhưng hoàn cảnh của thế giới hiện tại đã làm cho nhiệm vụ này của giáo hội thêm khẩn thiết hơn, để tất cả mọi người ràng buộc mật thiết bởi xã hội, kỹ thuật, văn hóa, cũng được hợp nhất trong Chúa Kitô.” Ở một hiến chế khác, các nghị phụ đã mạnh dạn nhìn nhận: “Sự chia rẽ đó (giữa những anh em Kitô hữu) rõ ràng đi ngược lại ý muốn của Ðức Kitô, gây gương mù cho thế giới và làm tổn hại nguyên nhân chính đáng cho việc rao giảng Tin Mừng cho nhân thế.”

Hòa giải với anh em Kitô hữu

Sau khi tuyên bố bế mạc đại công đồng Vatican II, ÐGH Phaolô VI đã loan tin thêm: “Chúng tôi sẽ trở lại đây (Ðất Thánh) trong một thời gian ngắn. Như một lời nguyện khiêm cung, đền tội và đổi mới tâm hồn, để dâng lên Chúa Kitô trong giáo hội lời mời gọi anh em Kitô hữu (ngoài Công Giáo) đến với giáo hội duy nhất này, để khẩn nài lòng thương xót của Chúa, nhân danh hòa bình giữa thế nhân mà trong hiện tại đang qúa bấp bênh, và cuối cùng để thỉnh cầu Ðức Kitô, Chúa chúng ta ban ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.” Trong dịp này, ÐTC và Ðức Thượng Phụ giáo chủ Chính Thống Ðông Phương đã cùng hủy bỏ án “truất phép thông công” mà hai giáo hội đã giáng lên nhau từ nhiều thế kỷ trước.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tiếp tục thực thi tinh thần đó. Không lâu sau khi đăng quang, Ngài đã tuyên bố trước tiền đình đền thánh Phêrô rằng: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng Giáo Hội Công Giáo và các giáo hội Chính Thống Byzantine sẽ mở những cuộc thương thảo thần học, nhằm hủy bỏ những khó khăn còn đang cản trở việc phụng tự chung và hợp nhất trọn vẹn. Chúng ta cũng đang có những cuộc thảo luận với anh em phương Tây: Anh Giáo, các giáo hội Lutherans, Methodist, và các giáo hội Cải Cách khác. Trong những vấn đề đã có quá nhiều dị biệt trong qúa khứ, nhưng nay chúng ta đã đạt được những cải tiến đáng khích lệ. Dù sao, cuộc hành trình vẫn chưa kết thúc, chúng ta vẫn phải gia tăng tốc độ để chúng ta đạt tới mục đích.”

Hòa giải với anh em ngoài Kitô giáo

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vẫn tiếp tục những bước đi của các nghị phụ công đồng. Ðới với những anh em thuộc các giáo hội ngoài Kitô giáo, ngài nói: “Tài liệu công đồng đặc biệt về các giáo hội ngoài Kitô (Notra Aetate) chứa đầy những lượng gía sâu xa về các gía trị tinh thần to lớn tìm thấy trong đời sống con người, diễn đạt qua tôn giáo và luân lý, với những hậu quả trực tiếp cho toàn thể nền văn hóa. Các Thánh Phụ khi xưa (thánh Justin và thánh Clement of Alexandria) đã thực sự tìm thấy trong tôn giáo biết bao hình ảnh của sự thật, những ‘hạt giống của Lời.’ Nhận thức rằng các đường hướng có thể khác biệt, nhưng có một mục đích duy nhất là hướng dẫn nguyện vọng sâu xa của tinh thần con người, bộc lộ qua sự tìm kiếm một Ðấng Tối Cao, và cũng trong sự tìm kiếm đó, hướng về Chúa, đến chiều kích trọn vẹn nhất của loài người. Nói cách khác, đến ý nghĩa cao đẹp nhất của đời người.” Tuy nhiên, Thánh Gioan Phaolô II đã nhắc nhở mọi người không vì tinh thần hòa giải đang lên cao, mà quên đi những gía trị bất biến trong giáo hội: “Hành động hòa giải thật, mang ý nghĩa cởi mở, tiến lại gần nhau, sẵn sàng đàm thoại và chia sẻ những sự thật tìm thấy trong một ý nghĩa tông đồ và Kitô giáo. Nhưng nó không thể nào hủy bỏ hay phá hoại những kho tàng của chân lý thánh thiện, mà giáo hội đã hằng tuyên xưng và giảng dạy.”

III. CÁC Đức Giáo Hoàng HIỆN TẠI

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI

Bước qua những năm đầu của Đệ Tam Thiên Kỷ, (những năm 2000s), các vị chủ chăn của Giáo Hội Hoàn Vũ đã chú tâm đến GIA ĐÌNH, đơn vị nền tảng của xã hội cũng như giáo hội.

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã nhắc đến hai chữ “Phẩm giá của hôn nhân” (Dignity of Marriage). Trong một cuộc nói chuyện với giới trẻ vào năm 2010, ở gần Roma, nhân dịp họ có một diễn đàn quốc tế, Đức Thánh Cha (ĐTC) đã chia sẻ: “Tương quan giữa người nam và người nữ phản ánh tình yêu thánh thiêng trong một cách đặc biệt, nên mối liên kết vợ chồng tiếp nhận một phẩm giá khôn lường.” Bởi vì: “Nhân loại được tạo dựng cho tình yêu. Cuộc đời của họ chỉ được hoàn tất trọn vẹn nếu họ sống trong yêu thương.” ĐTC giải thích thêm: “Ơn gọi yêu thương nhận lãnh những hình thái khác biệt tuy theo tình trạng của cuộc sống (trong bậc hôn nhân).”

Trải dài theo những năm trong triều đại của ngài, vào những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, Đức Benedict XVI đã nhấn mạnh cách đặc biệt về “sự vĩ đại và vẻ đẹp” của hôn nhân và vai trò thiết yếu của đời sống gia đình.

Ngài nói: “Hôn nhân tự nó là một Phúc Âm, một tin mừng cho thế giới hôm nay, đặc biệt trong thế giới “phản Phúc Âm hóa” (the de-Christianized world)” (Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm hóa, năm 2012).

“Các gia đình Kitô hữu được mời gọi sống yêu thương như Đức Kitô mỗi ngày, đây là một biểu hiện đặc quyền của sự hiện hữu và sứ mệnh của giáo hội trên thế giới.” và: “Tình yêu vợ chồng không phải là một sự kiện thoáng qua nhưng là một kế hoạch kiên nhẫn của cả đời” (Tông huấn - Apostolic Exhortation - về giáo hội ở Trung Đông, năm 2012).

“Ơn gọi của anh chị em không dễ thực hiện, đặc biệt ngày nay, nhưng ơn gọi để yêu là một điều tuyệt vời, là sức mạnh duy nhất có thể thực sự làm biến đổi vũ trụ, biến đổi thế giới.” (Phát biểu trong đại hội thế giới về hôn nhân và gia đình, tháng 6, 2012)

Với cuộc gặp gỡ quốc tế của các đôi hôn phối ở Brazil, ngài viết: “Thành thật và luôn luôn đối thoại giữa vợ chồng thật cần thiết để tránh những hiểu lầm có thể xảy ra, trở nên tồi tệ và ngày càng khó khăn hơn.”

Gia đình là trường đào tạo các nhân đức

Tháng 5, 2009, trong bài giảng ở Nazareth, quê hương của thánh gia, ĐTC Benedict XVI đã nói rằng gia đình là trường đào tạo các nhân đức, đặc biệt cho trẻ em. Họ là những người cần được hưởng “hệ sinh thái nhân bản” (human ecology), trong một “môi trường” (milieu) mà họ có thể học: Yêu thương và trìu mến người khác, thành thật và tôn trọng tất cả, thực hành những nhân đức xót thương và tha thứ.

Trong ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2013, ĐTC đã chia sẻ niềm xác tín rằng thế giới tùy thuộc vào các gia đình để có những người kiến tạo hòa bình. “Chính trong gia đình mà những người kiến tạo hòa bình, những người quảng bá một nền văn hóa của sự sống và yêu thương, được sinh ra và nuôi dưỡng.”

Làm thế nào để các gia đình thăng tiến trong yêu thương? Đặc biệt, các gia đình được xây dựng như thế nào? ĐTC đã chỉ ra những bước tiến: Một sự kết hợp liên lỉ với Chúa, tham gia vào đời sống của giáo hội (của xứ đạo) và nỗ lực biến tổ ấm thực sự trở thành một “giáo hội gia đình” (domestic church).

Ngài tiếp, gia đình được xây dựng khi mọi người trau dồi việc đối thoại và tôn trọng ý kiến của nhau. Họ cần sẵn sàng phục vụ, kiên nhẫn với thất bại của người khác, có khả năng tha thứ và tìm sự thứ tha, ước muốn cố gắng - cách thông minh và khiêm nhường - vượt qua những mâu thuẫn có thể xảy ra.

Cuối cùng ĐTC tin rằng một gia đình được tăng sức mạnh khi cha mẹ cùng đồng ý về: Các nguyên tắc giáo dục con cái, cởi mở với những gia đình khác và quan tâm đến những người nghèo khổ, tất cả được thực hiện trong một xã hội văn minh.

Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô (Francis)

Tháng 11 năm ngoái, ĐTC Phan-xi-cô đã gửi một thông điệp truyền hình (video message) đến các tham dự viên của hội nghị chuyên đề (symposium) quốc tế lần thứ ba về tông huấn Amoris laetitia (Niềm Vui Yêu Thương) của ngài. Hội nghị này đã được Hội Đồng Giám Mục Ý tổ chức ở Roma.

Nhắc lại tông huấn của mình, ĐTC đã nhắn nhủ: “Tương lai của giáo hội và của thế giới lệ thuộc vào sự thiện hảo của gia đình.” Và: “Tình yêu giữa người nam và người nữ là một trong những kinh nghiệm truyền sinh cao cả nhất của con người, nó làm dậy lên văn hóa gặp gỡ và đem đến cho thế giới hiện tại một kích thích của xã hội tính.”

“Gia đình nảy sinh từ hôn ước tạo nên những liên kết đầy hoa trái, tự trở thành một liều thuốc giải chống lại chủ nghĩa cá nhân đang tràn lan khắp chốn.”

Hình thành lương tâm cách chính đáng

Chủ đề của hội nghị chuyên đề nói trên này là “The Gospel of love between conscience and norm.” (Phúc Âm của yêu thương giữa lương tâm và qui tắc), nên ĐTC đã cảnh báo về vai trò của việc “hình thành lương tâm cách chính đáng” chống lại cá nhân chủ nghĩa (egoism) hay “cult of self” (tôn giáo tự tôn thờ chính mình).

“Thế giới đương thời đang khiến con người bị lầm lẫn về sự tối thượng của lương tâm, điều luôn luôn phải được tôn trọng, với sự độc tôn “quái gở” của cá nhân trong tương quan với những quan hệ mà họ sống.”

Đó là điều, ĐTC nói, khiến chúng ta nhận ra sự cần thiết phải hình thành lương tâm – không phải chỉ là thế chỗ nó – và đồng hành với người phối ngẫu và phụ huynh trong việc học cách “áp dụng Phúc Âm cho sự vững bền của cuộc sống.”

Trong thực tế của đời sống gia đình và của tình yêu đôi lứa, có thể có những khó khăn đòi hỏi những “chọn lựa gian nan” (arduous choices), ĐTC tiếp, và những chọn lựa này nên được thực hiện “với sự công chính” (with righteousness). Vì vậy, ơn thiêng, “làm sáng tỏ và tăng sức mạnh cho tình yêu hôn nhân và sứ vụ của phụ huynh” là tuyệt đối cần thiết cho vợ chồng và gia đình.

Trong thông điệp truyền hình nói trên, ĐTC Phan-xi-cô cũng nhắc lại điều ngài đã nói ở hội nghị quan trọng về tương lai của Liên Hiệp Châu Âu, theo đó, ngài lên án tệ nạn phá thai và rằng sự am hiểu về gia đình của các Kitô hữu có thể dùng như mẫu mực mà lục địa Châu Âu cần để làm nền tảng khi phải đương đầu với sự thay đổi và tương lai bất định. 

Trong gia đình, ĐTC tiếp: “Sự đa dạng được đánh giá cao và cùng một lúc đưa đến hiệp nhất”, và ngài nói thêm rằng gia đình: “Là mối liên kết hài hòa của những khác biệt giữa người nam và người nữ, trở nên mạnh mẽ hơn và xác thực hơn đến độ nảy sinh hoa trái, có khả năng tự thăng hoa cuộc sống cho chính gia đình và cho những người khác.”

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng

Các vị tử đạo ở Algeria là “dấu chỉ của tha thứ và bình an cho mọi người”

Tôi tớ Chúa - Đức Giám mục Pierre Claverie

WHĐ (29.01.2018) / Agenzia Fides – Thứ Sáu 26-01-2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Đức hồng y Angelo Amato, S.D.B., Bộ trưởng Bộ Tuyên thánh. Trong buổi tiếp, Đức Thánh Cha đã cho phép Bộ Tuyên thánh ban hành 4 Sắc lệnh liên quan đến việc công nhận các phép lạ của 1 vị Chân phước, 3 vị Tôi tớ Chúa, 2 Sắc lệnh nhìn nhận sự tử đạo của 19 vị Tôi tớ Chúa, và 2 Sắc lệnh công nhận các nhân đức anh hùng của 2 vị Tôi tớ Chúa.

19 vị Tôi tớ Chúa được nhìn nhận là tử đạo là Tôi tớ Chúa Pierre Claverie, Dòng Anh em Giảng thuyết, Giám mục Oran (Algeria); cùng với 18 người bạn là các nam nữ tu sĩ; tất cả đều bị giết vì lòng thù ghét Đức tin tại Algeria, từ năm 1994 đến năm 1996.

Trong số các vị tử đạo này, có 7 đan sĩ dòng Xitô (Trappist) thuộc đan viện Tibhirine bị các nhóm Hồi giáo cực đoan bắt làm con tin và sau đó bị chặt đầu, vào năm 1996. Mặc dù được khuyến cáo nên trở về Pháp nhưng cả nhóm đã từ chối và chọn ở lại vùng núi Algeria - nơi đang xảy ra xung đột ác liệt - dù biết có thể bị sát hại.

Đức Tổng giám mục Paul Desfarges, Tổng giám mục Alger, đã bày tỏ vui mừng về quyết định nói trên của Đức Thánh Cha. Trong bản tuyên bố gửi đến Fides, Đức cha Desfarges cho biết: “Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi không thể nghĩ về các vị tử đạo của chúng tôi mà không nhớ đến hàng trăm ngàn người Algeria, nam cũng như nữ, đã chết vì muốn trung thành với đức tin vào Thiên Chúa và vào lương tâm của mình. Đặc biệt, tôi nhớ đến 99 vị Imam đã bị giết vì từ chối biện minh cho bạo lực và nhiều phóng viên, giáo viên, nhà khoa học, đã phản đối các nhóm thánh chiến; đó là chưa kể đến những bậc cha mẹ không chịu khuất phục sự áp đặt của các nhóm này không cho con cái của họ đi học. Cũng không quên rằng cả một dân tộc đã bị cuốn vào vòng xoáy của bạo lực được nuôi dưỡng bởi một ý thức hệ chết chóc làm méo mó Hồi giáo. Chúng tôi mong muốn việc tuyên phong Chân phước này là một dấu chỉ của tha thứ và bình an cho tất cả mọi người, bởi vì đó là những người nam người nữ của hoà bình và tha thứ, họ đã dâng hiến đời mình cho mọi người”.

Đức Tổng giám mục Desfarges viết tiếp: “Đức cha Claverie và tất cả các vị tử đạo khác đã chỉ cho chúng ta con đường chung sống hoà bình giữa người Kitô hữu và người Hồi giáo, bằng cách đối thoại trong đời sống hằng ngày với những người láng giềng Hồi giáo và gia đình của họ, một cuộc đối thoại của phục vụ, tình bằng hữu và cởi mở với người khác”. Và ngài kết luận: “Đây là ý nghĩa của việc tuyên phong Chân phước: làm nổi bật thực tế rằng chung sống và đối thoại giữa người Kitô hữu và người Hồi giáo chính là làm phong phú lẫn nhau để lớn lên trong tình người và tình huynh đệ, vì nền hoà bình mà thế giới đang rất cần đến”.

Trong Di chúc viết vào năm 1993, cho một người nào đó sẽ giết mình, cha Christian de Chergé, đan viện trưởng đan viện Tibhirine – một trong bảy đan sĩ chịu tử đạo–, đã nhắn nhủ: “Tôi viết cho anh, người bạn vào giây phút cuối của đời tôi… Vâng, tôi cũng xin nói với bạn tiếng Cám ơn và lời Vĩnh biệt này… Ước gì chúng ta, những người trộm lành hạnh phúc, được thấy nhau trên Thiên đàng, nếu Thiên Chúa muốn, Người là Cha của hai chúng ta”.

Minh Đức

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

CHÚC MỪNG LỄ THÁNH GIOAN BOSCO - Bổn mạng Giáo khu 1

Là cha, thầy và bạn của
Thanh Thiếu Niên


Thánh Gioan Don Bosco (Ý, 1815-1888)

 Cuộc đời thánh Gioan Don Bosco, như chính ngài viết trong nhật ký theo lệnh ÐGH Pio IX, ghi lại dòng Salésiens, gồm 3 phần : sống nghèo với cảnh mẹ góa con côi. Ơn gọi làm linh mục mở trường giáo dục con em và lập Dòng Salésiens. Cha Thánh suốt đời sống và phục vụ người trẻ. Trước khi qua đời, (31.01.1888), cha nói : Hãy nói với các bạn trẻ, ta chờ chúng ở trên Thiên Ðàng. Thánh nhân được phong Chân Phước 02.06.1926, và Hiển Thánh 1.4.1934, do ÐGH Pio XI. Lễ kính 31.1. hàng năm. Khi phong thánh, ÐHG tôn vinh Don Bosco là cha và thầy của thanh thiếu niên

Năm nay 2015, kỷ niệm 200 sinh nhật Thánh Don Bosco, ÐGH Phanxico nói: Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thánh nhân, xin hoán cải giới trẻ trong tinh thần tươi trẻ huynh đệ như xưa, ngài đã đào luyện.

 I. Nghèo cảnh Mẹ Góa con côi

 Thánh Gioan Don Bosco sinh 15.08.1815, lễ Ðức Mẹ Lên Trời, tại làng Becchi, Marialdo, thị trấn Castelnuovo d’Asti, bắc Ý, xa Torino 17 cây số. Ngày 17, Gioan được rửa tội do cha Giuse Festa. Trong sổ rửa tội ghi tên em nhỏ : Bosco Joannes Melchior. Melchior là tên ông nội. Chữ Don thêm vào để ‘‘tôn kính’’ hay ‘‘cha’’.

 Mẹ Gioan là Magarita Occhiena di Capriglio (+1865). Ông bà thành hôn năm ông 28 tuổi bà 24 tuổi. Cha của Gioan là Phanxico Aloysii, dân quê. Ông qua đời 12.5.1817, 34 tuổi. Năm đó, Bosco mới 22 tháng, mẹ kéo Gioan vào buồng khóc, nói : Bố không còn nữa. Trên mộ ông,  ghi : Orphanorum patercha trẻ mồ côi. Gia đình có ba anh em : Antôn con mẹ trước, Têrêxa mất khi mới hai ngày. Giuse và Gioan. Trong nhà còn bà nội, 70  tuổi.

 Gia đình sống trong thời đói kém. Dân làng ăn cháo bột bắp hay mì. Người chết đói la liệt ngoài đường, miệng còn ngậm cỏ. Có tiền cũng không mua được thức ăn. Có lần bà mẹ nhờ người hàng xóm đi mua thức ăn. Họ mang tiền về. Cả nhà bàng hoàng lo sợ. Giữa lúc túng bấn ngặt nghèo, bà qua nhà bên cạnh vay mượn chút ít. Nhưng không ai có. Bà nói với các con : Khi bố chết, có dặn : phải có lòng tin. Nghe lời bố cả nhà qùi xuống cầu kinh. Rồi bà xuống bắt con bê, nấu một phần cho con ăn, qua cơn đói.

 Ngay trong những ngày đói kém, có người ngỏ ý muốn kết hôn. Bà từ chối : Thiên Chúa cho tôi một người chồng. Nay Chúa cất đi. Anh trao lại cho tôi ba đứa con. Tôi sẽ là người mẹ độc ác, nếu bỏ rơi chúng. Ðang khi chúng cần tôi. Người ta nói với bà tìm cho mỗi đứa một người giám hộ tốt. Bà trả lời : giám hộ chỉ là bạn. Tôi là mẹ, không bao giờ bỏ con. Dù cho tôi vàng bạc.  

 Chính bà để tâm dạy các con đọc kinh chung, lần chuỗi và cầu nguyện. Năm con Bosco lên sáu, xưng tội lần đầu mẹ dẫn con đến nhà thờ, tham dự Lễ, bà xưng tội trước, sau đến con. Ðức Pio XII nói về gia đình bà : hãy xem người phụ nữ góa, cùng ba đứa con cầu nguyện. Chúng như thiên thần nhỏ. Người mẹ mở tủ, lấy quần áo cho con mặc. Ðem con đi nhà thờ làng bên cạnh. Sau cơm tối, con cái vây quanh, bà nhắc các con 10 giới răn. Kể cho con cuộc tử nạn Chúa Giêsu.  Sau này, Bosco kể lại, nhờ mẹ, mà mình có lòng tôn kính Phép Thánh Thể.

 Mẹ con không có nghề trong tay, nên Bosco làm nhiều việc, phụ giúp nuôi gia đình, như : chăn bò, bửa củi, bồi bàn càfê, may quần áo... Năm 11 tuổi, Gioan mới cắp sách, đi bộ 4 cây số, mới đến trường. Do các linh mục điểu hành, kỷ luật.

 Nghèo, lại lận đận học hành, Bosco mất học nhiều năm. Từ nhỏ nuôi mộng thành linh mục. Nhưng sợ mẹ vất vả tốn kém. Bà đã nói với con :đừng băn khoăn. Mẹ nghèo, sống và chết nghèo. Năm 16 tuổi, Bosco nhập tu. Giờ rảnh Bosco xin tập họp trẻ mồ côi, vui chơi và dạy giáo lý. Sau khi làm linh mục, cha bắt tay gầy dựng theo ước mơ. Lần đầu 1 trẻ đến. Ba hôm sau có 9 em. 3 tháng có 25 em. Chẳng bao lâu, toàn trẻ mồ côi đến. Sáng lễ, xưng tội. Chiều giáo lý, hát vui chơi. Cha lập các ‘‘nguyện xá’’ qui tụ thanh thiếu niên, vui chơi. Cha có thiên tài viết nhạc thuyết phục trẻ và chủ trương : Nhà Salésiens thiếu âm nhạc, chỉ là xác không hồn. Bosco yêu giới trẻ.

 Có mẹ Margarita, Thánh Gioan Don Bosco trở thành nhà giáo dục thanh thiếu niên tài giỏi. Anh của Bosco nóng tính hay hành hạ em. Bà buồn. Cha sở thấy Gioan thông minh chọn vào nhà xứ học latinh, chuẩn bị đi tu. Anh ghét, bắt Gioan làm việc tối ngày lại đánh đập, có khi Gioan ngất xỉu. Nhìn xa, biết con sẽ đau khổ, bà gửi con tới nhà cậu em, xa 20 cây số. ở nhà cậu, em làm bánh mì, nặng nhọc thức khuya dạy sớm. Dưới ánh lửa tối, Gioan lấy sách ra học. Ðôi khi bà gửi con đến nhà những người quen.    

 Ðến hôm người anh lập gia đình, ở riêng.  Bà mẹ đem con về nhà và gửi vào cha xứ tiếp tục tu luyện. Ngày con nhập tu viện Torino, nghèo bà phải bán áo cưới may cho con áo chùng thâm. Ngày con thụ phong linh mục, bà qùi nhận phép lành, bà nói : mẹ sung sướng thấy con thành linh mục. Con thành tâm phụng sự Chúa và các linh hồn.

 Có lần thấy mẹ lạnh, ăn mặc lôi thôi, cha mua cho mẹ áo mới. Lâu không thấy mẹ mặc, cha hỏi. Mẹ trả lời đã bán phụ tiền nuôi trẻ. Sau nhiều năm phụ con, cạn tiền, lại già, kiệt sức, vì lũ trẻ tinh nghịch, phá phách bà xin nghỉ. Cha nói với mẹ: vắng mẹ, còn ai giúp con. Bà mẹ mắt mờ, lưng còng, hai mẹ con nhìn nhau, nước mắt lưng tròng, nói : Gioan con, mẹ hiểu và ở lại với con....cho đến chếtTụi nó là con mẹ. Sau 20 năm phụ con, bà qua đời ai cũng mộ mến và gọi là má Magarita. Hiện có tượng má lớn ngay cổng vào làng cũ xưa. Tay mang giỏ hoa. Bàqua đời năm 1865, sau 20 năm phụ con giáo dục, giúp trẻ em. Ai cũng mộ mến gọi bà : Má Margarita. (Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng. ttr.193-197).

 II. Linh Mục trẻ ở Torino

 Mẹ thánh nhân nói với con lúc 14 tuổi khi vào chủng viện Chierin ở Turino : Mẹ tràn đầy niềm vui, khi thấy con mặc áo chùng thâm, nhưng con nên nhớ ‘‘chiếc áo không làm nên thầy tu’’. Nếu ngày nào con nghi ngờ ơn gọi, thì mẹ van xin con, hãy cọn con đường khác. Mẹ thích đứa con nông dân nghèo hơn linh mục sao lãng bổn phận. Lúc con chào đời, mẹ đã dâng con cho Đức Mẹ. khi con đi học, mẹ đã dặn con tôn kính Người trong khó khăn. Giờ đây con hãy chọn Đức Mẹ là nữ vương của con.

 Năm 1848, Don Bosco thụ phong linh mục, lúc đầu làm tuyên úy nhà tù, sau có mẹ phụ giúp, phục vụ giới trẻ trong xóm lao động. Và 1844, làm tuyên úy lưu xá sinh viên. Từ 1856, hai mẹ con trực tiếp nuôi khoảng 150 đến 200 trẻ em.

 Từ nhỏ Gioan cảm thấy ao ước làm linh mục. Cậu kể lại giấc mơ, năm lên 10. Một đêm trong giấc mơ, Gioan Don Bosco thấy mình đứng giữa bọn trẻ đang đánh nhau và chửi tục. Cậu khuyên can, chúng không nghe. Bỗng, người áo trắng đến mỉm cười, nói :
- Bằng tình yêu, em sẽ biến chúng thành ngoan ngoãn đạo hạnh.
- Nhưng thưa ông, cháu nghèo và dốt.
- Vâng lời, chịu khó học, em sẽ làm được.
- Thưa, ông là ai ? 
- Ta là con Trinh Nữ mà mẹ em đã dạy phải cầu nguyện, em hãy xin Mẹ Ta giúp.

 Rồi kìa, Ðức Mẹ xuất hiện, mặt dịu hiền, nói với Don Bosco :
- Con nhìn xem...
Theo tay Mẹ chỉ, Bosco nhìn thấy đoàn chó dữ. Ðức Mẹ tiếp :
- Như Mẹ xử với đoàn chó dữ thế nào, con hãy xử với các trẻ như vậy.

 Từ giấc chiêm bao đó, Don Bosco hiểu được sứ vụ giáo dục phục vụ thanh thiếu niên.   

 Ngày kia, mẹ dẫn Bosco đi coi xiệc. Về nhà, Bosco nảy ra, bắt chước trong xiệc ‘'tự tập leo giây’’. Mỗi lần té, Bosco lại đọc Kinh Kính Mừng. Sau nhiều lần. Bosco thành công. Tập hết màn này, sang màn khác. Cuối cùng, Don Bosco trình diễn một buổi xiệc. Thành công.

 Nguyện xá ở Valdosco

 Năm 1848, chuyện xảy ra khiến cha nghĩ phải lập nhà riêng cho giới trẻ nghèo. Là hôm  đó, cha vào phòng áo chuẩn bị lễ, thì nhìn thấy người coi phòng áo đánh đập cậu bé. Cha đuổi ông. Tên cậu Garetti Bartholomew, 16 tuổi, làm gạch. Ba hôm sau cậu rủ thêm 8 người khác, đến gặp cha. Rồi được Thiên Chúa và Ðức Mẹ thúc đẩy, Cha nghĩ ra nơi tập trung cho thanh thiếu niên đến ngày một đông. Cha đặt tên cho trung tâm này Nguyện xá. Các linh mục, dân chúng, trong vùng không tán thành vì cho rằng cha đã lôi kéo bọn trẻ, chúng không đến nhà thờ được. Trong khi đó, chính quyền làm khó dễ, cho là ồn ào, mất an ninh. Nên bước đầu cha tập trung thanh thiếu niên ngoài cánh đồng. Ngủ lều, lưu động, mưa gió, nhất là thực phẩm vô cùng khó khăn. Có những ngày, cha dẫn đàm em xin ăn. Bên ngoài nhìn vào, người ta cho cha điên. Nhưng kiên tâm, kết quả tốt, nhờ giúp đỡ người thiện nguyện. Chính trong các Nguyện Xá có thánh lễ, ca hát, lớp học chữ và nghề.

 Ngày nay, trung tâm Valdocco còn lại : lớp học, phòng ăn, phòng ngủ, sân chơi, vòi nước... xưa, rộng rãi, một lúc cho cả mấy ngàn em... Nguyện xá lần lượt xây cất, dựng lên, với bao tiếng hoan hô và khâm mộ. Các em đến ngày một đông. Nổi tiếng. 

 Ii. Lập Dòng Phanxico Salésiens.

 Một mình không thể làm xuể. Có lần Cha mệt, té, tưởng chết. Từ đó, năm 1859, cha và các cộng sự viên có ý tưởng lập Dòng Don Bosco, chuyên giáo dục thanh niên. Có dòng nam và nữ Salésiens. Người ta thường gọi Don Bosco là Vincent de Paul mới. Theo tinh thần của Thánh Phanxico. Ðược Tòa Thánh công bố, 22.07.1864, mang tên Hội Ðạo Ðức thánh Phanxico đệ Salê, với sắc lệnh Decretum Laudis. Ðức Pio IX, phê chuẩn hiến luật, 1873.

 - 1859, đầu tiên có dòng Nam, tên là ‘‘Phanxico Salésiens’’ (SDB). Dòng lo giáo dục, dạy nghề cho thanh thiếu niên. Dòng còn lo truyền giáo.Triết lý giáo dục là hiểu biết và yêu thương giới trẻ. Chân phước linh mục Michel Rua là 1 trong 8 tu sỹ khấn dòng đầu tiên. Sau làm Bề trên kế nghiệp Cha Bosco. Họ được chọn trong những em được cha Bosco nuôi.

 Khẩu hiệu Dòng : Da mihi animas, coetera tolle, Xin cho tôi các linh hồn. Các sự khác cứ lấy đi (x.St. 24, 21-23)                                                                                                                 
 (Huy hiệu) Logo Dòng cũ do Giáo sư Boas thiết kế (1885) : Ngôi sao rạng rỡ (niềm tin), mỏ neo (hy vọng), và một trái tim (tổ chức). Ðặt trên nền khu rừng nhỏ (hình đấng sáng lập) với ngọn núi cao (thành viên Salésiens vươn cao). Vòng quanh, là cành nguyệt tuế đan quanh xen nhau. Phía dưới câu khẩu hiệu Dòng.

 Huy hiệu mới : Thánh Bosco với vòng tay mở rộng, cô đọng trong ba từ : Lý trí, tôn giáo và lòng thương yêu. Các trung tâm (nhà dòng trên thế giới được che dưới đường chữ ‘‘S’’ (Salésiens)  Ba mũi có vòng đỏ trên đầu, chỉ ba người, người giữa cao hơn. Che bởi mái nhà.

 - 1872, Cha cùng thánh Marie Mazzarello lập Dòng Nữ mang tên ‘‘Dòng con Ðức Mẹ Phù Hộ Giáo Hữu’’ (FMA)

 - 1876, Cha bề trên cả Phillip Rinaldi (sau là chân phước) thành lập ‘‘Chí nguyện Don Bosco (VDB) nhiệt tâm với giới trẻ. Họ là những người độc thân, có nam, có nữ được thánh hiến. Dưới sự hướng dẫn của linh mục Salésiens.

 Sau khi Thánh Don Bosco qua đời, những người tình nguyện và cựu học sinh mộ mến Dòng, lập ra ba tổ chức sau, yểm trợ cho Dòng tiếp tục đào tạo thế hệ trẻ.

 - ‘‘Hội Cựu học viên Don Bosco’’ (FMA) gồm những học sinh đã chịu ơn Salésiens, rải  rác khắp nơi, đóng góp tài sức cho dòng Salésiens. 

 - ‘‘Hội Cộng tác viên Salésiens’’ gồm giáo dân sống trong gia đình và cả linh mục trong xứ đạo, sống Tin Mừng theo tinh thần Don Bosco, trên thế giới, phục vụ giới trẻ địa phương.

 - ''Hội Truyền giáo giáo dân Salésiens’’ gồm nam nữ độc thân hay có gia đình, làm việc tự nguyện, ít ngày, bên cạnh SDB, FMA, tại các nước truyền giáo, có người Salésiens.  

 Nay Salésiens có mặt tại 130 nước, gần 20.000 tu sỹ. VN có 11 cộng đoàn. Sau Ý, Salésiens mở  sang Nice, 1875 (Pháp) rồi Argentina... từ 1911, phát triển qua Colombia, Trung Quốc, ấn  Ðộ, Nam Phi.. Năm 1877, ‘‘Tập san Salésiens’’ đầu tiên phát hành.

 III. Trung tâm Valdosco Torino

 Trung tâm phát sinh Salésiens, nay còn ba nơi hành hương kính viếng, vết tích công trình thời thánh Don Bosco để lại.                                                                                                                                                                                       
 1. Vương cung thánh đường Ðức Mẹ Phù Hộ các Giáo Hữu, ở trên, có hầm. Dưới hầm đặt hơn 3.000 xương các Tử  Ðạo. Bên phải có xác Thánh Don Bosco. Vương Cung Thánh Ðường chứa khoảng 5.000... Ngày 09.06.1868, thánh lễ thánh hiến đầu tiên, có tới 1.200 em trường Don Bosco tham dự. Vòm nhà thờ có hàng chữ : Hic Domus Mea, inde Gloria mea (Ðây là nhà của Mẹ. Từ đây giải tỏa vinh quang của Mẹ). Báo Unita Catonca viết : Ngôi thánh đường do người ngheo xây cất, để phục vụ người nghèo. Sau đó trong vùng ngôi trường thứ ba xây cất.  

 Gioan Don Bosco qua đời ngày 31.01. 1888. 72 tuổi. Don Bosco muốn ở với đàn con, trong khu trường, thành phố Torino. Nhưng vì vệ sinh, thi thể ngài an táng bên cạnh, ở Valsalice, chiều 06.02.1888, xa Torino 400 mét.

 Ngày 16.05.1929, dịp phong chân phước cho cha Don Bosco, Thi thể Thánh nhân được bốc lên. Xác còn nguyên vẹn, đầy đủ. ÐGH Pio XI phong chân phước cho ngài, ngày 02.06.1929 và hiển Thánh 01.04.1934.

 Hòm kiếng đựng Thánh Quan, bàn tay phải, ban phép lành, được đặt trên ngực, Hai bên hông có hàng chữ khẩu hiệu Dòng Da Mihi Animas. Cetera Tolle. Ðầu và cuối Thánh Quan có hình đông trẻ em và bản đồ thế giới Salésiens. Thánh quan nặng 820 kg, dài 2m53, rộng 1m08, cao 1m32.

 Ngày 09.06.1929, Thánh Quan Don Bosco long trọng đặt  trong hòm kiếng nghinh về đặt bên phải Ðền Thánh Ðức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu.

 Ðể đón chào kỷ niệm 150 năm thành lập Dòng, hòm kiếng thánh quan Don Bosco di chuyển đi 130 nước, có Salésiens. VN đón mừng từ 21.01.2011 đến 01.02.2011. Tháng quan trở về kịp năm 2015, 200 năm sinh nhật của thánh sáng lập Salésiens.

 2. Tấm Khăn Liệm Chúa Giêsu.

 Nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật thánh Gioan Don Bosco (1815-2015). Khăn Liệm được trưng bày từ 19.04 đến 24.06.2015. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đến kính viếng vào 21.06.2015.

 Muốn kính viếng Khăn Liệm. Vì an ninh, người hành hương được kiểm soát hành lý như đi máy bay. Ði bộ, leo giốc, khoảng hơn 10.000 bước.Mục đích vừa đi vừa suy gẫm sự Thương Khó Chúa Giêsu. Tập hành hương GXVN Paris soạn ‘‘Suy niệm 14 chặng Ðàng Thánh Giá’’ do ÐHY Joseph Ratzinger soạn (Ðức Benedico XVI) (tr 41-66).     

 Theo Thánh sử Gioan, Chúa Giêsu đã sống lại, nhưng Khăn Liệm còn đặt gọn ở mộ. Khăn này lọt vào tay vợ Philatô, muốn tha Chúa Giêsu. Từ 325, khăn được đem qua Thổ Nhĩ Kỳ. Khăn được cất dấu, vì chính trị và tôn giáo. Lúc thấy tôn kính ở Palestin (670), ở Hy Lạp (1203).

 Ðến năm 1418, thấy ở Lyon, Chambery, Pháp. Năm 1506, ÐGH Julius ban hành sắc lệnh công nhận Thánh Tích của Chúa Giêsu, lễ kính vào 4.5 hàng năm. Ngày 17.9.1578, từ Pháp chuyển về Torino, Ý. Một thời gian khăn lưu vong qua Bồ Ðào Nha. Từ 1690, khăn trở lại Torino đặt trong nhà thờ Thánh Gioan Baotixita cho tới nay.

 Khăn dài 441cm và rộng 113cm. Qua nhiều lần xét nghiệm  (1978, 1988, 1997) và tiếp tục tranh cãi về tính xác thực của thánh tích... Ðền thánh Torino là nơi đông người đến tôn kính Khăn Liệm. Khăn được trưng bày công khai cho dân chúng kính viếng, qua các năm 1898, 1933, 1973, 1978, 1984, và 2015

 Các ÐGH đến viếng : Ðức Hồng Y Karol Wojtila(1978), và khi làm Giáo Hoàng Gioan Phaolo II (năm Thánh 2000) Ðức Benedicto XVI (02.05.2005), và năm nay Ðức Phanxico đến vào 21.06.2015.

 Ðứng trước khăn, mỗi người trong thinh nguyện, được nhìn Năm Dấu Thánh Chúa trên khăn, để lại. Những giọt nước mắt ăn năn từ từ lăn trên má. Chưa bao giờ có trong đời.

 Ðức Phanxicô loan báo sẽ kính viếng Khăn Liệm và xác định : Con người trên Khăn Liệm mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Nazareth. Hình ảnh này nói với trái tim của chúng ta và đưa chúng ta trèo lên ngọn đồi Calvaire. Nhìn đến Thánh Giá và hóa mình trong im lặng hùng hồn tình yêu. Ngài còn soạn kinh khi viếng, với lời kết :

 Lạy Thiên Chúa tối cao và vinh hiển,
 xin chiếu sáng cõi lòng tăm tối của con.
 Xin ban cho con đức tin ngay thẳng,
 đức cậy vững vàng, đức mến hoàn hảo,
 cảm thức và hiểu biết, để con thi hành huấn lệnh thánh
 Trước vết thương Chúa còn in trên khăn, ai mà không cảm mến, như ‘'Bên Khăn Liệm’’
Con đứng đây lặng ngắm bóng hình
Trải dài trên khăn liệm năm xưa
Tấm khăn gởi trọn tình Thiên Chúa
Vì yêu con đến phải lụy mình
Bao vết đòn roi, bao giọt máu
Ðã nhỏ ra từ những vết thương đau
Còn in dấu mãi đến ngàn sau
Làm chứng tá một tình yêu cao cả
Xin cho con dâng lời cảm tạ
Trong tim con xin khắc mãi bóng hình Cha    
(Minh Thanh. Hành hương GXVN. 04.2015)

 3. ‘‘Cái Nôi’’, làng cũ của Don Bosco

 Ðây, quảng trường rộng lớn. Công trình lớn nhất là đại thánh đường, có tầng và hầm. Kiến trúc tối tân. Bên ngoài là beton, nhưng trong là gỗ. Sau bàn thờ trên cao là tượng gỗ Chúa Phục Sinh giang tay, cao 16 thước. Theo thánh Don Bosco, thì Chúa Phục Sinh dễ khuất phục người trẻ hơn Chúa Chịu nạn.

 Bên cánh phải bàn thờ chính có bàn thờ cạnh, đặt tượng thánh Dominico Savio, trên tường gắn đầy thư, kỷ vật của những cặp vợ chồng trẻ, tạ ơn, vì hiếm muộn, được ơn có con, hay nuôi con khó mà nuôi con khỏe mạnh.

 Tháng 4. 2015, phái đoàn hành hương Giáo Xứ VN Paris ghé kính viếng và dâng lễ tại đây. 

 Làng quê thánh Don Bosco, mang tên Colle Don Bosco, có phần đất nhỏ dưới thung lũng cây cỏ um tùm, để hoang. Trong căn nhà mô hình nông trại xưa, còn nhiều dụng cụ nhà nông thô sơ. Cày, cuốc, xẻng, cào... Bên cạnh nhà ở gia đình Thánh Don Bosco, phòng ngủ, phòng nguyện gia đình dành cho Cha khi mới chịu chức. Bàn thờ phủ khăn, còn nguyên.

 Cũng trong khu có Bảo Tàng Truyền Giáo, nhiều kỷ vật của các vị truyền giáo Salésiens, từ 5 châu gửi về. Khu Việt Nam chưa có gì. Các cha Salésiens VN có gửi tại đây tượng Ðức Mẹ La Vang, mà chưa trưng ra. Một nhà nguyện nhỏ, trên tường đầy những bao thư viết cám ơn thánh Trẻ Dominico Savio đã ban cho những cặp trẻ hiếm muộn hay khó nuôi con. 

 Bên ngoài, đầu nhà nguyện, dưới gốc cây, có mộ trống thánh trẻ Dominico Savio. Ði bộ một lên sườn đồi một chút gặp nhà của gia đình Thánh trẻ. Bà quản gia vui vẻ, cười tươi khi có phái đoàn đến. 
   
 Suốt đời, Thánh Nhân đã tôn kính Đức Mẹ và kêu cầu Đức Mẹ dưới tước hiệu Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu’’. Trên áo tu các tu sỹ dòng Don Bosco có ghi Da mihi animas cetera tolle tibi.

 Khi còn sống, Cha Thánh không Iàm phép lạ. Nhưng được cứu thoát cách lạ lùng. Như một hôm cha bị 4 gã thanh niên đến hành hung, tấn công. Bỗng có con chó xuất hiện cứu thoát, rồi chó dẫn cha về. Dọc đường chó biến mất. Sau này chó xuất hiện khi cha gặp nạn. Hình chó và cha có trưng bày trong khu nhà cũ của cha.

 Theo chân Thánh lập dòng, hàng ngũ đông đảo nam nữ Salésiens, 16.092 người, tại 1.859 nhà thuộc 130 nước, có VN, từ 1952 (2009) đang hiến dâng cuộc đời phục vụ người trẻ.

 Cùng nhau đọc lời kinh cầu nguyện dịp 200 sinh nhật thánh tổ phụ :

 Lạy thánh Gioan Don Bosco, là người cha, thầy, bạn tuyệt vời của bạn trẻ. Xin cho chúng con biết noi gương Ngài cả đời đem hết tâm huyết nhiệt tình lo cho thanh thiếu niên, giáo dục bằng tình yêu và gương sáng, để giúp các em về và ở lại với Chúa mãi mãi. Amen.

Tài liệu viết bài
- Ða Minh Phạm Xuân Uyển dịch.
  Don Bosco, Một tiểu sử mới. Sàigòn. 2014
Ða Minh Phạm Xuân Uyển dịch.
  Hồi ký Nguyện xá Thánh Phanxico Salê.
  Sài gòn. 2014.
- Webesite : Salésiens Don Bosco. 

Phạm Bá Nha