Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

Tin Mừng Chúa nhật 13 thường niên - Năm C

30-06-chua-nhat-xiii-thuong-nien-nam-c

Phúc Âm: Lc 9, 51-62
"Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem. Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?" Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: "Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến, không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta". Và các Ngài đi tới một làng khác.

Ðang khi đi đường có kẻ thưa Người rằng: "Dù Thầy đi đâu tôi cũng sẽ theo Thầy". Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu". Người bảo một kẻ khác rằng: "Hãy theo Ta". Người ấy thưa: "Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Một người khác thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa".

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

CHÚC MỪNG LỄ THÁNH PHÊRÔ và THÁNH PHAOLÔ - Bổn mạng Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Cầu Lớn

Kết quả hình ảnh cho mừng thánh phêrô và phaolô


Hai con người này hai tính khí khác nhau, hai nền giáo dục khác nhau, nhưng đã bổ túc cho nhau khiến hai Đấng trở nên cột trụ vững chắc cho Giáo hội

Khi đọc lại lịch sử của hai vị Thánh Phêrô và Phaolô, nhân loại không khỏi ngạc nhiên vì hai con người này hai tính khí khác nhau, hai nền giáo dục khác nhau, nhưng đã bổ túc cho nhau khiến hai Đấng trở nên cột trụ vững chắc cho Giáo hội của Chúa Kitô ở trần thế. Thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng đã bộc trực thưa với Chúa Giêsu ba lần “Ngài yêu mến Chúa”, nhưng sau đó lại chối Chúa ba lần. Còn Thánh Phaolô, một con người bắt bớ Giáo hội của Chúa, đã bị Chúa làm cho ngã ngựa trên đường đi Đamas.

Hôm nay là ngày lễ của toàn thể Giáo hội đã được nảy sinh do dòng máu oai hùng của các ngài. Một ngày vui mừng và hân hoan, vì cả hai Thánh với những ơn huệ nhận lãnh, đã ra sức quy tụ nhân loại thành một gia đình Chúa Giêsu.

Giáo hội đã được nảy sinh do dòng máu oai hùng của các ngài.

Thánh Phêrô

Simon, người anh em của Thánh Anrê, xuất thân từ Betsaida miền Galilê, làm nghề đánh cá, đã có gia đình. Khi Đức Giêsu thành Nadarét gọi để theo và phục vụ Người, Thánh Phêrô đã được đặt tên mới là Kêpha, theo nghĩa Do Thái là Đá (từ đó dịch sang La ngữ là Petrus: Phêrô). Tên mới này nói lên sứ vụ trong tương lai của ông (x. Mt 16.13-20). Thánh Phêrô là người đứng đầu trong danh sách Mười Hai Tông Đồ của Chúa Giêsu.

Thánh Phêrô là một trong ba môn đệ, nói đúng hơn trong ba tông đồ được Chúa ưu ái một cách đặc biệt hơn những tông đồ khác. Thánh nhân được Đức Giêsu cho tham dự vào hầu hết những biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa. Tính tình Phêrô nóng bỏng, bộc trực và đôi lúc hơi liều lĩnh.

Nói về Thánh Phêrô, người ta không thể không nhắc đến cái vết thật đen trong cuộc đời của ngài. Đó là việc ngài đã chối Chúa. Tuy nhiên, bên cạnh những cái không tốt đó, chúng ta lại thấy nơi Thánh Phêrô có nhiều đức tính đáng nể phục. Đó là lòng quảng đại. Phúc Âm đã ghi thật rõ, vừa khi được Chúa gọi, Simon Phêrô nhanh nhẹn từ bỏ nhiều thứ mà về sau thánh nhân thưa với Chúa là con đã bỏ tất cả mọi sự mà theo Thầy. Bên cạnh lòng quảng đại, chúng ta còn thấy ở nơi Thánh Phêrô một đức tin chân thành, lòng gắn bó keo sơn với Chúa: "Lạy thầy, bỏ thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời”.

Sau khi Chúa Giêsu về trời, Thánh Phêrô lãnh đạo cộng đoàn tại Giêrusalem. Vào cuối đời, Thánh Phêrô đến sống ở Rôma là trung tâm của đế quốc La Mã. Tại đó, Thánh nhân đã làm cho nhiều người ngoại giáo trở lại. Khi cuộc bách hại các Kitô hữu xảy ra, họ đã nài xin Phêrô rời bỏ Rôma để thoát thân. Người ta nói rằng Thánh Phêrô đã thực sự ra đi; nhưng trên đường ngài đã gặp Đức Chúa Giêsu. Phêrô hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu vậy?” Đức Chúa Giêsu trả lời: “Ta đến để chịu đóng đinh thêm một lần nữa!” Sau đó, Phêrô quay trở lại. Thánh Phêrô chịu tử đạo trên đồi Vatican khoảng năm 64 - 67. 

Thánh Phaolô

Bốn sách Phúc Âm không nói một câu nào về Thánh Phaolô. Chúng ta chỉ được biết về Thánh nhân sau khi Chúa Giêsu đã về trời. Xét về mặt xã hội và con người của Thánh Phaolô thì chúng ta thấy ngài có nhiều điểm hơn hẳn Thánh Phêrô. Thánh Phaolô là một con người có học thức - Là học trò của Giáo sư Thánh Kinh nổi tiếng, Gamaliel. Gia đình thánh nhân thuộc loại khá giả. Đặc biệt Thánh Phaolô là người có tước Công dân La mã. Thánh nhân không thuộc nhóm 12. Thánh Phaolô là một tông đồ sinh sau đẻ muộn nhưng là một tông đồ đặc biệt. Chúa chọn Thánh Phaolô để sai ngài đi rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho dân ngoại. Chúng ta đọc thấy những cuộc phiêu lưu mạo hiểm đầy kinh ngạc của Thánh Phaolô vì danh Chúa Giêsu trong sách Tông đồ Công vụ của Thánh ký Luca, khởi đầu từ chương thứ chín. Nhưng truyện kể của thánh ký Luca kết thúc khi Phaolô đến Rôma. Ngài bị bắt giam, chờ hoàng đế Nêrô xét xử. Một văn gia danh tiếng thuộc Kitô giáo tiên khởi là Téctulianô nói với chúng ta rằng Phaolô được trả tự do sau lần xét xử đầu tiên. Nhưng sau đó ngài lại bị tống ngục. Lần này thánh nhân bị kết án tử hình. Thánh Phaolô qua đời khoảng năm 67, trong thời kỳ Nêrô khủng bố các Kitô hữu.

Truyền hình trực tiếp Lễ hai thánh Phêrô và Phaolô - làm phép và trao dây Pallium

ĐTC Phanxicô cử hành Lễ hai thánh Phêrô và Phaolô với nghi thức làm phép dây Pallium - 29/6/2018
ĐTC Phanxicô cử hành Lễ hai thánh Phêrô và Phaolô 
với nghi thức làm phép dây Pallium - 29/6/2018  (ANSA)

Ban Việt ngữ của Vatican News (nguyên là Radio Vatican) sẽ truyền hình trực tiếp, với thuyết minh tiếng Việt, Thánh Lễ ĐTC Phanxicô cử hành trọng thể kính hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ với nghi thức làm phép và trao dây Pallium cho các tân Tổng Giám Mục. Trong dịp này, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, TGM Hà Nội sẽ nhận dây Pallium.

Video truyền hình trực tiếp sẽ được phát tại kênh Youtube Vatican News - Tiếng Việt lúc 2 giờ 30 phút chiều (giờ Việt Nam) Thứ Bảy 29/06/2019.


Quý vị có thể nhấp vào "Đặt lời nhắc - Set reminder" của video để được nhắc khi đến giờ.

Và cũng xin vui lòng giới thiệu link đến nhiều người để cùng hiệp thông trong Thánh Lễ cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và các tân Tổng Giám Mục trong nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên.

Ý nghĩa dây Pallium

“Dây Pallium, được dệt bằng len thuần túy, sẽ được đặt lên đôi vai tôi. Dấu chỉ xa xưa này các Giám mục Rôma đã quàng từ thế kỷ IV có thể xem là hình ảnh gánh nặng của Đức Kitô mà vị Giám mục của thành này, tôi tớ của các tôi tớ Chúa, mang lên vai ngài. Ách của Thiên Chúa là thánh ý Chúa mà chúng ta nhận lấy [...]

"Biểu tượng của dây Pallium còn cụ thể hơn nữa: len chiên nhằm tiêu biểu cho những con chiên lạc lối, yếu đau mà vị mục tử vác lên vai ngài và đem đến những nguồn nước sự sống [...]

"Dây Pallium trở thành một biểu tượng cho sứ vụ mục tử."

(Trích từ ĐTC Bênêdictô XVI, bài giảng lễ khai mạc sứ vụ mục tử Phêrô, Vatican 24/04/2005)

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

CHÚC MỪNG LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU - Bổn mạng Gia Đình Phạt Tạ TTCG, Xứ đoàn Cầu Lớn



Tôn sùng Thánh Tâm là một việc thờ phượng rất phổ biến trong Hội Thánh Việt Nam.

Tượng ảnh Thánh Tâm được kính thờ đặc biệt tại các nhà thờ và các tư gia.

Việc kính thờ Thánh Tâm được thực hiện bằng nhiều cách. Như ca hát, đọc kinh, dâng mình. Có hình thức nhỏ. Có hình thức lớn.

Nói chung, tấm lòng người công giáo Việt Nam đối với Thánh Tâm đúng là tâm tình đạo đức nhiệt thành. Tâm tình này là một cách đáp trả lòng thương xót đặc biệt Chúa dành cho chúng ta.

Để tâm tình đạo đức này được tiếp tục kéo nhiều ơn Chúa xuống cho ta, nhất là trong thời buổi có nhiều thử thách về sống đạo như hiện nay, tôi xin phép trình bày một chia sẻ. Chia sẻ của tôi ở đây là nêu lên vài việc thiết tưởng nên nhấn mạnh trong việc tôn sùng Thánh Tâm.

1/ Ăn năn sám hối

Ăn năn sám hối là việc cần thiết đầu tiên được nhắc đi nhắc lại trong Phúc Âm.

Thánh Gioan Baotixita, khi đi rao giảng dọn đường cho Chúa Cứu thế đến, Ngài luôn chọn đề tài ăn năn sám hối (x. Lc 1-18).

Chúa Giêsu khi khai mạc giai đoạn rao giảng Tin Mừng, cũng đã bắt đầu bằng việc khuyên người ta ăn năn sám hối. Phúc Âm kể: "Đức Giêsu rao giảng và nói rằng: Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến" (Mt 4,17).

Chúa Giêsu, khi cảnh cáo con người về nguy cơ bị những tai hoạ khủng khiếp huỷ hoại, Người cũng khuyên mọi người hãy ăn năn sám hối (x. Lc 13,1-5).

Chúa Giêsu, khi sai các tông đồ đi các nơi để loan báo về Nước Trời, Người cũng nói rõ với các ông về sứ vụ phải khuyên người ta ăn năn sám hối. "Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối" (Mc 6,12).

Chúa Giêsu, khi dặn dò những lời sau hết, trước khi lên Trời, Người cũng đã nhấn mạnh với các tông đồ: "Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân..., kêu gọi họ sám hối để được ơn tha thứ" (Lc 24,47).

Vâng lời Chúa Giêsu, các tông đồ đã làm như Thầy mình dạy.

Trong bài giảng thứ nhất, thánh Phêrô đã tha thiết khuyên dân: "Anh em hãy sám hối" (Cv 2,38).

Trong bài giảng thứ hai, thánh Phêrô lặp lại cũng lời khuyên đó: "Anh em hãy sám hối và trở lại cùng Chúa" (Cv 3,19).

Cùng một đường lối như thánh Phêrô là đi giảng việc ăn năn sám hối, thánh Phaolô và các tông đồ khác đều hăng hái kêu gọi mọi người đổi mới con người của mình bằng việc ăn năn sám hối.

Trong các lần hiện ra, Đức Mẹ cũng nhắn nhủ các con cái Mẹ hãy ăn năn sám hối. Tất cả những việc đạo đức, mà Hội Thánh khuyên dạy chúng ta làm, bao giờ cũng mở đầu bằng việc thanh luyện tâm hồn chúng ta bằng việc ăn năn sám hối.

Nếu ăn năn sám hối là việc đặc biệt quan trọng như bước đầu cần thiết để thờ phượng Chúa, thì việc đó càng nên được chúng ta thực hiện trong mọi hình thức tôn sùng Thánh Tâm. Bởi vì chính Thánh Tâm là Tình yêu Chúa tạo dựng, cứu chuộc, nhưng dễ bị xúc phạm và bị bỏ quên. Chính tình yêu đó luôn lo lắng cho phần rỗi chúng ta. Người chỉ mong chúng ta hãy biết đón nhận ơn cứu chuộc bằng việc ăn năn sám hối chân thành.

Một điều thiết tưởng nên nhớ trong việc ăn năn sám hối, là cần để ý đến tính cách cụ thể. Ăn năn về tội gì? Sám hối về tính mê nết xấu nào? Quyết tâm ra sao để sửa đổi những hành vi, cử chỉ, ngôn từ, cách suy nghĩ, cách phán đoán trước đây không tốt. Phúc Âm thường hay dạy chúng ta về tính cách cụ thể trong việc ăn năn sám hối, để việc đổi mới chính mình được hữu hiệu.

Cùng với việc ăn năn sám hối, chúng ta còn nên nghĩ đến một việc nữa, khi tôn sùng Thánh Tâm. Việc đó là dâng mình cho Thánh Tâm.

2/ Dâng mình cho Thánh Tâm

Để hiểu thế nào là dâng mình cho Thánh Tâm, chúng ta nên đọc và suy gẫm những lời Phúc Âm sau đây:

"Rồi, Chúa Giêsu gọi đám đông cùng các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống mình, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình?" (Mc 8,34-38).

Như thế, ai dâng mình cho Thánh Tâm cần thực hiện những việc sau đây:

      - Từ bỏ mình,

      - Vác thánh giá mình,

      - Theo Chúa Giêsu.

Thực hành những đòi hỏi trên đây được hiểu là thực thi thánh ý Chúa. Thực thi thánh ý Chúa là căn bản của tinh thần thờ phượng, đáng Chúa nhận là chứng từ thuộc về Chúa, như lời Chúa Giêsu phán:

"Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi" (Mt 7,21).

Đừng vội cho rằng: Thực thi thánh ý Chúa với những đòi hỏi từ bỏ mình, vác thánh giá mình và theo Chúa là chọn cho mình một gánh nặng khổ cực. Nhưng hãy tin vào lời Chúa ủi an nhắn gởi: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học với Ta, vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng" (Mt 11,28-30).

Những lời Chúa hứa trên đây là một bảo đảm quý giá cho những ai tôn sùng Thánh Tâm Chúa một cách xứng đáng, nhất là theo gương Thánh Tâm mà sống bác ái và khiêm nhường Phúc Âm.

Cuộc đời là một cuộc giao tranh giữa thiện và ác. Xác thịt thì yếu đuối. Thế gian thì nông nổi. Quỷ thì độc dữ. Chúng thường lôi kéo chúng ta theo đàng tội. Chúng ta hãy khôn ngoan và tỉnh thức trong các chọn lựa.

Cách chọn lựa chắc chắn nhất là hãy nương tựa vào Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngài rất gần gũi ta. Ta nương tựa bằng lòng tôn sùng với hai việc trọng yếu là sám hối và dâng mình.

Luôn luôn được ở lại trong Thánh Tâm Chúa Giêsu, đó là lời cầu đơn sơ của những tâm hồn bé mọn. Thiết tưởng đó cũng là tiếng gọi âm thầm của Thánh Tâm gởi tất cả mọi người thiện chí đã cảm nghiệm về tính cách mong manh của cuộc đời.

GM. GB. Bùi Tuần

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

ĐTC công bố đề tài Ngày Quốc Tế giới trẻ tại Lisboa 2022

ĐTC gặp các bạn trẻ tham dự Diễn đàn giới trẻ quốc tế
ĐTC gặp các bạn trẻ tham dự Diễn đàn giới trẻ quốc tế (Vatican Media)

ĐTC công bố đề tài Ngày Quốc Tế giới trẻ năm 2022 tại Lisboa, Bồ đào nha, là ”Đức Maria đứng dậy và vội vã lên đường” (Luca 1,39).

Ngài tuyên bố như trên trong buổi tiếp kiến 350 bạn trẻ, trong đó có 250 đại biểu trẻ đến từ 109 quốc gia, vừa kết thúc Diễn đàn giới trẻ quốc tế lần thứ 11, do Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, tổ chức trong 3 ngày qua (19-22/6) tại trung tâm của dòng Camêlô ở Ciampino gần Roma, với mục đích thăng tiến việc thực thi Thượng HĐGM năm 2018 về đề tài ”Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”. Trong số các tham dự viên có 1 người Việt là anh Lưu Văn Tính, thuộc Giáo phận Sàigòn.

Đề tài cho hai năm chuẩn bị

ĐTC cho biết trong cuộc lữ hành liên đại lục của các bạn trẻ, ngài đã chọn đề tài vừa nói. Và trong 2 năm trước Ngày Quốc Tế giới trẻ tại Lisboa, ngài mời gọi giới trẻ suy tư về các câu Kinh Thánh: ”Hỡi người trẻ, tôi nói với anh, hãy đứng dậy! (Luca 7,14) và câu Chúa nói trong sách Tông đồ công vụ đoạn 26 câu 16: ”Hãy đứng lên, Ta đặt ngươi làm chứng nhân về những gì ngươi đã thấy”.

Hòa hợp tiến trình chuẩn bị GMG và hậu Thượng HĐGM

ĐTC nói: ”Qua những điều đó, tôi cũng muốn lần này có một sự hòa hợp lớn giữa hành trình tiến về Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Lisboa và hành trình sau Thượng HĐGM về giới trẻ. Các bạn đừng làm ngơ không nghe tiếng Chúa đang thúc đẩy các bạn đứng lên và đi theo những con đường Chúa đã chuẩn bị cho các bạn. Như Mẹ Maria và cùng với Mẹ, mỗi ngày các bạn hãy trở thành những người mang niềm vui của Chúa và tình thương của Người”.

Những người trẻ như các môn đệ trên đường Emmaus

Trước đó, trong phần đầu của bài huấn dụ, ĐTC ví các bạn trẻ vừa tham dự Diễn đàn quốc tế giới trẻ như những môn đệ trên đường Emmaus, được mời gọi mang ánh sáng của Chúa Kitô vào trong đêm đen của thế giới. Ngài nói: ”Các bạn trẻ thân mến, các bạn được kêu gọi trở thành ánh sáng trong đêm đen của bao nhiêu người đồng lứa tuổi chưa được biết niềm vui của đời sống mới trong Chúa Giêsu”.

Chia sẻ niềm vui cứu độ với tha nhân

ĐTC nhận xét rằng ”niềm vui mà chúng ta không chia sẻ với người khác thì không phải là niềm vui chân thực... Chúng ta đặc biệt gặp gỡ Chúa Giêsu trong cộng đoàn và qua những nẻo đường thế giới. Hễ chúng ta càng mang Chúa đến cho tha nhân, thì chúng ta càng cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng ta. Và tôi chắc chắn rằng các bạn sẽ làm điều đó khi các bạn trở về nguyên quán của mình... và như các bạn biết, ngọn lửa, để không tắt ngúm, nó phải lan ra, phải trải rộng. Vì thế các bạn hãy nuôi dưỡng và làm lan rộng ngọn cửa Chúa Kitô ở trong tâm hồn các bạn!”

Diễn đàn giới trẻ quốc tế XI

Diễn đàn Quốc tế giới trẻ đã khai diễn từ ngày 19-6-2019, với chủ đề là ”Hành trình Thượng HĐGM về giới trẻ và ảnh hưởng của sinh hoạt này trong các giáo hội địa phương”.

Hiện diện trong diễn đàn này cũng có ĐHY Kevin Farell, Bộ trưởng Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, cũng như của ĐHY Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM, cha Giacomo Costa, Tổng thư ký đặc biệt của Thượng HĐGM về giới trẻ đã thuyết trình. Trong những ngày họp, các bạn trẻ đã lắng nghe các chuyên gia và các bạn trẻ khác, rồi có những cuộc hội thảo và trao đổi trong các nhóm.

Đừng rước lễ như thói quen, nhưng luôn như lần đầu được rước Chúa

ĐTC Phanxicô

Chúa Giêsu cảm thương dân chúng đói khát sau một ngày mệt nhọc và Người yêu cầu các môn đệ cho họ ăn. Yêu cầu của Chúa có vẻ bất ngờ, vượt khả năng của các môn đệ, nhưng Chúa muốn họ vượt qua kiểu lý luận thường tình “thân ai nấy lo”, để biết sống chia sẻ, từ những điều nhỏ bé mà Chúa ban cho chúng ta.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 23.06, dựa trên đoạn Tin Mừng thuật lại phép lạ hóa bánh ra nhiều, ĐTC nhấn mạnh rằng sự kiện này bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với dân người. Đồng thời cử chỉ này cũng báo trước về bí tích Thánh Thể, bí tích tình yêu, Chúa ban chính Mình Máu Người để cứu độ thế giới. ĐTC nhắc các tín hữu đừng lãnh nhận Thánh Thể cách thụ động hay như thói quen, nhưng tin vào Mình Máu Thánh Chúa và để mình được tình yêu của Người biến đổi, trở nên thánh thiện với Chúa và nên thiện ích cho tha nhân.

Bài huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, tại Ý và những nước khác, Giáo Hội cử hành lễ trọng kính Mình và Máu Chúa Kitô, Corpus Domini. Tin Mừng tường thuật với chúng ta câu chuyện phép lạ hóa bánh ra nhiều (x. Lc 9,11-17) xảy ra bên bờ hồ Galilê. Chúa Giêsu nói với hàng ngàn người và chữa lành các bệnh tật. Khi chiều đến, các môn đệ đến gần Chúa và thưa với Người: “Xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn” (c. 12). Cả các môn đệ cũng mệt mỏi. Thật sự là họ đang ở một nơi hoang vắng và để mau thức ăn thì dân chúng phải đi vào trong các làng mạc. Chúa Giêsu nhận ra điều này và trả lời: “Chính các con hãy cho họ ăn” (c. 13a). Những lời này làm cho các môn đệ kinh ngạc. Họ không hiểu và có lẽ họ cũng bực mình nữa; họ đáp lại: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này” (c.13b).

Hoán cải: từ lý luận“thân ai nấy lo” đến biết chia sẻ

Nhưng Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hoán cải thật sự, từ lý luận “thân ai nấy lo” đến ý tưởng chia sẻ, bắt đầu từ những điều bé nhỏ mà Chúa quan phòng trao cho chúng ta. Và ngay lập tức Chúa tỏ cho thấy rõ điều Người muốn làm. Người nói với các môn đệ: “Các con hãy cho họ ngồi xuống thành từng nhóm khoảng 50 người” (c.14). Rồi Người cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, hướng mắt về Cha trên trời, dâng lời cầu nguyện và chúc tụng, rồi bắt đầu bẻ bánh và phân chia cá, và trao cho các môn đệ để họ phân phát cho đám đông. Và thức ăn đã không hết, dù tất cả đều được ăn và no nê.

Quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa

Phép lạ này – rất quan trọng, đến nỗi tất cả các Thánh sử đều thuật lại – diễn tả quyền năng của Đấng Mêsia và đồng thời cũng diễn tả lòng thương xót của Người đối với dân chúng. Cử chỉ phi thường đó không chỉ là một trong những dấu hiệu tuyệt vời trong cuộc sống công khai của Chúa Giêsu, mà còn trình bày trước điều sẽ xảy ra vào ngày cuối, việc tưởng niệm lễ hy sinh của Người, đó là Thánh Thể, bí tích Mình và Máu của Người được trao ban vì ơn cứu độ của thế giới.

Thánh Thể là sự tổng hợp tất cả cuộc sống của Chúa Giêsu, một hành động đơn nhất của tình yêu đối với Chúa Cha và anh em. Cũng ở đó, giống như phép lạ hóa bánh ra nhiều, Người dâng lời cầu nguyện và chúc tụng Chúa Cha, bẻ bánh và trao cho các môn đệ; và Người cũng làm như thế đối với rượu. Nhưng vào giây phút đó, vào đêm trước cuộc Thương khó, Người muốn để lại trong cử chỉ này một Chứng từ của Giao ước mới và vĩnh cửu, tưởng niệm muôn đời cuộc Vượt qua tử nạn và phục sinh của Người.

Hãy rước lễ như lần đầu

Mỗi năm, Lễ Mình Máu Thánh mời gọi chúng ta sống lại sự ngạc nhiên và niềm vui vì món quà tuyệt vời của Chúa, đó là Thánh Thể. Chúng ta hãy đón nhận Thánh Thể với lòng biết ơn, không phải cách thụ động, hay như là thói quen, nhưng thật sự làm sống động lại lời thưa “amen” – tôi tin – nơi Thân Mình Chúa Kitô. Khi linh mục nói “Mình Thánh Chúa Kitô”, chúng ta thưa “amen”: lời thưa xuất phát từ trái tim với xác tín. Đó là Chúa Giêsu, là Chúa Giêsu Đấng cứu độ tôi, là Chúa Giêsu đến ban cho tôi sức mạnh để sống. Chúng ta đừng rước lễ như thói quen, mỗi lần rước lễ chúng ta hãy làm như lần rước lễ đầu.

Rước kiệu Thánh Thể

Cách diễn tả niềm tin vào Thánh Thể của Dân thánh Chúa là những cuộc rước kiệu Thánh Thể mà trong ngày lễ trọng này được thực hiện khắp nơi trong Giáo hội Công giáo. Chiều nay tôi cũng sẽ cử hành Thánh lễ tại khu vực Casal Bertone của Roma và sau đó là cuộc rước kiệu. Tôi mời gọi tất cả anh chị em tham dự, cả trong tinh thần, qua radio và tivi. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta, với đức tin và tình yêu, bước theo Chúa Giêsu, Đấng chúng ta thờ lạy trong Thánh Thể.

Đức tin anh hùng

Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC nhắc đến lễ phong chân phước cho nữ tu Maria Carmen Lacaba Andía và 13 nữ tu Tây Ban Nha khác thuộc dòng thánh Phaxicô Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội vào ngày thứ bảy hôm qua tại Madrid. Các nữ tu này đã bị giết vì sự thù ghét đức tin trong các năm từ 1936-1939. ĐTC nói: “Những nữ tu dòng Kín này, như các trinh nữ khôn ngoan, chờ đợi vị Hôn Phu Thần linh với đức tin anh hùng. Sự tử đạo của các chị là lời mời gọi tất cả chúng ta trở nên mạnh mẽ và kiên cường, đặc biệt trong giờ phút thử thách.”

Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm TGP mừng bổn mạng



“Xin uốn lòng chúng con giống như Trái Tim Chúa”.

Trên đây là lời cầu nguyện được Đức cha Phêrô mời gọi đoàn viên GĐPTTTCG vừa đọc vừa sống tâm tình đó, trong Thánh lễ trọng thể tôn vinh Thánh Tâm Chúa Giêsu, bổn mạng Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTTCG) Tổng giáo phận TP.HCM (TGP), kỷ niệm 50 năm thành lập và phát triển GĐPTTTCG xứ đoàn Thạch Đà, vào lúc 09g30 ngày 21-6-2019, tại nhà thờ giáo xứ Thạch Đà, giáo hạt Xóm Mới.

Thánh lễ do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục giáo phận Mỹ Tho - chủ sự. Đồng tế với ngài là linh mục (Lm) Vinh sơn Nguyễn Văn Hồng – Tổng linh hướng GĐPTTTCG TGP, Lm Gioan Baotixita Nguyễn Xuân Đức – chánh xứ giáo xứ Thạch Đà, và 17 Lm linh hướng GĐPTTTCG các giáo hạt cùng các giáo xứ trong TGP.

Hiệp dâng Thánh lễ có rất nhiều tu sĩ nam nữ, đại diện Ban chấp hành (BCH) và đoàn viên GĐPTTTCG TGP, toàn thể đoàn viên GĐPTTTCG xứ đoàn và cộng đoàn giáo dân giáo xứ Thạch Đà.

Trong niềm hân hoan cùng toàn thế giới long trọng mừng Lễ tôn vinh Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngay từ 07 giờ, đoàn viên GĐPTTTCG với đồng phục rất đẹp từ khắp nơi trong TP.HCM lần lượt tiến vào thánh đường giáo xứ Thạch Đà, trong lúc tiếng kèn đồng vang lên thật hùng tráng chúc mừng đại lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Trước Thánh lễ, các đoàn viên GĐPTTTCG đã cung nghinh phép lành Tòa Thánh và Thánh Tâm Chúa Giêsu chung quanh nhà thờ trong trật tự. 50 bạn trẻ với ánh sáng của cây nến trên tay đã nghiêm trang rước đoàn đồng tế lên cung thánh để dâng Thánh lễ được sốt mến.

Dẫn vào Thánh lễ, Đức Giám mục Phêrô nhắc lại lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II: “Những ai có kinh nghiệm về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa thì cuộc đời của người đó sẽ là một sự sám hối liên lỉ”. Qua đó, ngài mời gọi cộng đoàn nhìn nhận những thiếu sót trong cuộc đời của mình xin Chúa tha thứ để xứng đáng cử hành mầu nhiệm Thánh.

Trong bài giảng, Đức Giám mục Phêrô diễn giảng Chúa Giêsu kể dụ ngôn người chăn chiên đi tìm chiên lạc với những người Pharisêu để cho họ thấy Thiên Chúa là Đấng chí thánh, đồng thời là một Thiên Chúa tràn ngập tình yêu và lòng thương xót.

Ngài chia sẻ tiếp: Việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu tập trung vào một hình ảnh rất đẹp, sâu sắc: “Trái Tim Chúa bị đâm thâu”. Hình ảnh Trái Tim Chúa bị đâm thâu diễn tả “Thiên Chúa là tình yêu”, nhìn lên tình yêu đó, tin vào tình yêu đó chính là đức tin Kitô giáo.

Ngài lại đặt câu hỏi: Thiên Chúa là ai? Câu trả lời không giống nhau, tùy câu trả lời mà dẫn lối đời sống đức tin, đời sống đạo của mỗi người. Qua đó, Đức cha nhắc nhở cộng đoàn:

- Đừng rơi vào thái độ hình dung một Thiên Chúa hết sức khắt khe và nghĩ rằng như thế người ta sẽ sống đạo đức hơn, bất cập đối với mạc khải Tin Mừng về Thiên Chúa. 

- Đừng rơi vào một thái độ thái quá, làm nổi bật lên dung nhan Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót mà để biện minh cho lối sống tội lỗi của mình. Chúa ban cho con người có tự do nên mỗi người phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình.

- Cũng đừng sống chỉ muốn đón nhận tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, lúc nào cũng xin Chúa ban cho được nhiều ơn, đặc biệt là những ơn phần xác, vật chất… nhưng không chấp nhận chia sẻ cho người khác.

Ngài chia sẻ với đoàn viên GĐPTTTCG: Mỗi đoàn viên được mời gọi để tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin Chúa dẫn vào trong dòng chảy yêu thương của Người: “Xin uốn lòng chúng con giống như Trái Tim Chúa”, để dòng chảy yêu thương đó hoạt động vận chuyển trong đời sống của mình, đón nhận và biết cho đi.

Để kết thúc, Đức Giám mục ước mong dòng chảy yêu thương của Thánh Tâm Chúa không ngừng vận chuyển trong đời sống mỗi người, mỗi gia đình, trong đoàn thể GĐPTTTCG và lan ra đời sống xã hội, góp phần làm chứng cho Tin Mừng để Thiên Chúa là tình yêu và là Cha giàu lòng thương xót.

Cuối lễ, anh Giuse Trịnh Văn Tiến – Trưởng Ban chấp hành - thay lời các đoàn viên GĐPTTTCG TGP và cộng đoàn giáo xứ Thạch Đà cám ơn Đức cha Phêrô, quý Lm đồng tế, quý khách. Chúc mừng cha xứ và xứ đoàn Thạch Đà nhân kỷ niệm 50 năm thành lập. Cám ơn Ban chấp hành các cấp và các đoàn viên GĐPTTTCG TGP đã đồng hành, hiệp dâng Thánh lễ hôm nay. Cám ơn cha chánh xứ, phó xứ, Hội đồng Mục vụ và xứ đoàn GĐPTTTCG giáo xứ Thạch Đà đã giúp cho Thánh lễ hôm nay thật tốt đẹp. Cuối cùng, nhân ngày lễ Thánh Phêrô và Phaolo tông đồ (29-6-2019), anh Trưởng BCH đã chúc mừng và một tràng pháo tay thật lớn từ cộng đoàn chúc mừng bổn mạng Đức cha Phêrô.

Tiếp tục, Lm Phanxicô Xaviê Trần Minh Hiếu - phó xứ Thạch Đà và linh hướng GĐPTTTCG xứ đoàn - công bố phép lành Tòa Thánh do Đức Thánh Cha Phanxicô ban cho Lm Gioan Baotixita Nguyễn Xuân Đức, Ban chấp hành khóa 12, toàn thể đoàn viên và ân nhân của xứ đoàn nhân kỷ niệm 50 năm thành lập GĐPTTTCG 1969-2019.

Đáp từ, Đức cha Phêrô đã thay lời quý Lm đồng tế cám ơn cộng đoàn đã hết lòng cầu nguyện cho các ngài trong ngày thánh hóa Lm, cám ơn mọi người đã giúp đỡ các Lm cách này cách khác để giúp các ngài thực hiện sứ vụ Chúa trao ban. Ngài nhắc nhở: trong Hội Thánh Công Giáo có nhiều hội đoàn tông đồ, các hội đoàn tông đồ được đặt ra để cùng nâng đỡ nhau trong đời sống đức tin và đời sống làm chứng Tin Mừng của Chúa Giêsu, ngài ước mong tinh thần đó ngày càng lớn lên. Ngài nói tiếp: Trong xã hội ngày nay có nhiều bất ổn, để có được an ninh người Công Giáo có phương pháp bắt nguồn từ trong tâm hồn, từ trong trái tim con người, một khi tâm hồn con người được biến đổi thì cuộc sống bên ngoài được biến đổi, đó là ý nghĩa của câu: “Xin uốn lòng chúng con giống như Trái Tim Chúa”. Ngài mong ước đoàn viên GĐPTTTCG vừa đọc vừa sống tâm tình đó để sống đức tin Kitô giáo của mình một cách tốt đẹp và góp phần làm chứng loan báo Tin Mừng yêu thương của Chúa Giêsu ngay trong cuộc sống hiện nay.

Tiếng hát bài “Trong Trái Tim Chúa” từ ca đoàn GĐPTTTCG xứ đoàn Thạch Đà đã kết thúc Thánh lễ lúc 11g00. Sau Thánh lễ là liên hoan chúc mừng lễ bổn mạng GĐPTTTCG TGP và kỷ niệm 50 năm thành lập và phát triển GĐPTTTCG xứ đoàn Thạch Đà.

Thảo Qua - Tiến Dũng

Giáo hội Indonesia, những cơ hội và thách đố

ĐTC gặp HĐGM Indonesia nhân dịp Ad Limina 6/2019
ĐTC gặp HĐGM Indonesia nhân dịp Ad Limina 6/2019 

Với gần 90% dân số theo Hồi giáo tại một đất nước hơn 260 triệu người, Indonesia là quốc gia có số tín hữu Hồi giáo đông nhất thế giới. Tuy nhiên, Indonesia không tuyên bố là một quốc gia Hồi giáo.

Ngày 11 tháng 6 vừa qua, các giám mục Indonesia đã đến Roma để viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô và thăm Toà Thánh trong chuyến viếng thăm Ad Limina. Nhân dịp này, chúng tôi xin gởi đến quý vị một vài nét về Giáo hội Công giáo tại Indonesia.

Đất nước Indonesia rộng 1 triệu 900 ngàn kilômét vuông với dân số khoảng 262 triệu người theo thống kê năm 2017. Xét theo tỉ lệ phần trăm theo tôn giáo thì Hồi giáo chiếm đa số với 88%, Kitô giáo khoảng 10% trong đó chỉ 3,12% Công giáo. Và một thiểu số còn lại theo Ấn giáo, Phật giáo và đạo thờ vật linh. Với số tín hữu Hồi giáo như thế, Indonesia là nước có số người theo Hồi giáo đông nhất thế giới.

Theo thống kê năm 2016, số tín hữu Công giáo ở Indonesia khoảng 8 triệu, thuộc 5 giáo tỉnh và 1 giáo hạt quân đội. Chủ tịch HĐGM Indonesia là Đức Cha Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, TGM giáo phận Jakarta.

Sơ lược lịch sử

Công cuộc loan báo Tin Mừng trên quần đảo Indonesia bắt đầu với các tàu buôn của người Bồ Đào Nha và người Hà Lan vào thế kỷ 16. Năm 1534 những người Bồ Đào Nha thiết lập việc truyền giáo Công giáo tại đảo Maluku, đến năm 1546, thánh Phanxicô Xaviê đã viếng thăm các đảo Sulawesi và Maluku. Đến cuối thế kỷ 16, người Hà Lan đến và truyền giáo Tin lành Calvin.

Công giáo bị cấm mãi đến đầu thế kỷ 19, các nhà truyền giáo Công giáo mới trở lại. Sau đó, các sơ Dòng Orsoline mở một ngôi trường ở Jakarta. Các vùng truyền giáo được giao cho các tu sĩ Dòng Tên. Các sơ dòng Phansinh mở một cô nhi viện tại Trung Java.

Năm 1897, một cha Dòng Tên, người Hà Lan, Franciscus Georgius Josephus van Lith (1863 - 1926), thành lập một cứ điểm truyền giáo ở Trung Java. Ngài là một nhà giáo dục vĩ đại, đã thành lập nhiều trường học từ đó sinh ra những nhân cách trổi vượt của Indonesia, trong đó có Đức cha Soegijapranata, Dòng Tên, giám mục bản xứ đầu tiên của đất nước.

Năm 1924, tại Jakarta, lần đầu tiên tất cả các giám mục Indonesia họp nhau.

Trong những năm Indonesia bị Nhật Bản chiếm đóng (1942-1946), hầu hết các nhà thừa sai bị cầm tù hoặc đưa đến các trại tập trung. Nhiều người đã chết trong những trại này.

Đến năm 1950, quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh và Indonesia được thiết lập. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viếng thăm Jakarta năm 1970 trong chuyến tông du đến Đông Á và Châu Đại Dương. Sau đó, ĐGH Gioan Phaolô II cũng đã viếng thăm Indonesia năm 1989. Gần đây nhất, năm 2015, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh đã viếng thăm chính thức Indonesia và có nhiều hoạt động về đối thoại liên tôn, cộng tác văn hoá, xuất bản và giáo dục.

Đời sống Giáo hội

Các giám mục Indonesia đặc biệt chú ý đến những người trẻ, để họ giữ vai trò chính trong việc tuyên xưng Chúa Kitô trong xã hội đa văn hóa của Indonesia và trở nên “tác nhân thay đổi” công lý và hòa bình trên đất nước của họ.

Trong tinh thần này, các giám mục đã phát động Ngày Giới trẻ Indonesia từ năm 2012, được tổ chức mỗi 4 năm, quy tụ những người Công giáo trẻ từ khắp nơi của Indonesia. Chủ đề được chọn cho 2 lần Ngày giới trẻ Indonesia 2012 và 2016 lần lượt là “100% Công giáo, 100% Indonesia” và “Niềm vui của Tin mừng trong xã hội đa nguyên Indonesia”. Không chỉ có Ngày giới trẻ quốc gia, Indonesia cũng lần đầu tiên đăng cai tổ chức Ngày Giới trẻ Châu Á năm 2017.

Cùng với giới trẻ, các giám mục cũng muốn phát huy vai trò hàng đầu của các gia đình Công giáo trong việc loan báo Tin Mừng trong xã hội đa nguyên Indonesia. Đây là kết quả Đại hội Quốc gia của Giáo hội Công giáo Indonesia về gia đình (tại Sagki 2015) với chủ đề: “Gia đình Công giáo, Tin Mừng của Hy vọng. Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và xã hội Indonesia đa nguyên”. Đây cũng là cơ hội khẳng định sự quan tâm của Giáo hội đối với các vấn đề và đau khổ của các gia đình Indonesia và tái khẳng định vai trò chủ chốt của gia đình trong xã hội.

Các hướng mục vụ của Giáo hội Indonesia được đặt theo chỉ dẫn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng và mô hình Giáo hội đi ra, trong bối cảnh phức tạp và đa dạng về tôn giáo, văn hóa và xã hội. Vì thế, Giáo hội Indonesia tăng cường việc đối thoại liên tôn và thúc đẩy các sáng kiến bác ái.

Giáo hội trong xã hội

Sự hiện diện của Giáo hội Công giáo tại Indonesia là một sự hiện diện thiểu số, nhưng năng động và đang phát triển. Hiện nay, với hơn 8 triệu tín hữu, tương đương với chỉ hơn 3% dân số, Giáo hội đang tiếp tục phát triển. Sự hiện diện của người Công giáo trên đất nước cũng không đồng nhất: một mặt, có các giáo phận Ende, Ruteni, Atambua và Larantuka thì gần như hoàn toàn là Công giáo, mặt khác ở thái cực ngược lại, có ít nhất tám giáo phận trong đó cộng đồng Công giáo không quá 1% dân số.

Mặc dù chỉ là một số nhỏ, nhưng cộng đồng Công giáo Indonesia là một thực thể sống động và năng động, với ơn gọi phát triển ở nhiều khu vực khác nhau và các tín hữu nhận được sự chăm sóc mục vụ một cách đầy đủ. Họ cũng tham gia tích cực vào đời sống xã hội, kinh tế và chính trị của đất nước. Một trong những dấu chỉ rõ ràng nhất của sức sống này đến từ lĩnh vực hoạt động mạnh nhất: đó là giáo dục. Các trường Công giáo ở Indonesia luôn có được một danh tiếng tuyệt vời và các sinh viên Hồi giáo cũng theo học tại các trường này.

Với những đóng góp và được ghi nhận về các hoạt động xã hội, y tế, văn hóa và giáo dục, tôn trọng các nhóm sắc tộc và văn hóa khác nhau, Giáo hội Indonesia cũng hiện diện tích cực trong các chủ đề tranh luận của đất nước. Từ việc liên tục kêu gọi chống lại án tử hình, đến việc phản đối việc hợp pháp hóa phá thai, hay việc liên tục tố cáo về tham nhũng hoành hành. Giáo hội Indonesia cũng dấn thân tích cực trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ tích cực các nguyên tắc Pancasila chống lại mọi chủ nghĩa cực đoan. Các giám mục không làm ngơ trong việc lên tiếng trước các vấn đề khác nhau của xã hội Indonesia. Đóng góp quan trọng này đã được nhấn mạnh trong hội nghị toàn thể của HĐGM Indonesia tháng 11 năm 2018, dành riêng về đề tài ơn gọi của Giáo hội trong đất nước.

Thách đố giữa tinh thần bao dung và chủ nghĩa cực đoan

Với dân số hơn 260 triệu người, trong số đó có gần 90% dân số theo Hồi giáo, Indonesia là quốc gia có số tín hữu Hồi giáo đông nhất thế giới. Dù đa số Hồi giáo, nhưng Indonesia không tuyên bố là một quốc gia Hồi giáo, nhưng được thành lập dựa trên Pancasila, năm nguyên tắc được ghi trong Hiến pháp (đức tin vào một Thiên Chúa tối cao; công bằng và dân sự; đoàn kết; dân chủ lãnh đạo bằng sự khôn ngoan; công bằng xã hội) bảo đảm tự do của tất cả mọi người.

Trên thực tế, xã hội Indonesia là đa tôn giáo, đa sắc tộc và đa văn hóa, đến nỗi tiêu ngữ của quốc gia là “thống nhất trong đa dạng”, một đặc thù đã góp phần tạo nên bản chất lịch sử của đạo Hồi ở nước này, vốn luôn được sử dụng để cùng chung sống trong sự đa nguyên.

Cộng đồng Công giáo cũng được hưởng nhờ từ tinh thần bao dung này. Điều này được khẳng định bởi mối quan hệ tốt đẹp giữa Giáo hội và Nhà nước Indonesia, với quan hệ ngoại giao từ năm 1950 và được đánh dấu bởi hai chuyến viếng thăm của ĐGH Phaolô VI năm 1970 và của Đức Gioan Phaolô II năm 1989. Hơn nữa, trong thời gian hiện tại, sự hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục và văn hóa được đẩy mạnh. Trong số những điều được nhắc đến, sự hòa hợp này là điều được nhấn mạnh trong chuyến viếng thăm của ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh trong chuyến viếng thăm chính thức Indonesia năm 2015.

Tuy nhiên, khó khăn và xung đột cũng không thiếu. Các luật lệ khác nhau của hệ thống pháp luật Indonesia trừng phạt các nhóm thiểu số và vì lý do này, họ cũng đã bị Giáo hội chỉ trích. Đây là trường hợp của luật lạm dụng về tội báng bổ, luật về xây dựng nơi thờ phượng (được quy định bởi hai nghị định năm 1969 và từ năm 2006), thường được sử dụng để ngăn chặn hoặc tự ý đóng cửa các cơ sở tôn giáo, và luật hôn nhân, chỉ công nhận giá trị hợp pháp cho các cặp đôi theo nghi lễ và luật lệ của một tôn giáo duy nhất, do đó cấm kết hôn hỗn hợp. Thêm vào các quy tắc này là các biện pháp khác nhau được chính quyền địa phương áp dụng: từ năm 1999, hơn 150 quy định hạn chế mới về tôn giáo đã được đưa ra.

Mối đe dọa chính đối với hòa bình và hòa hợp tôn giáo đến từ sự truyền bá chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan (cũng được cổ vũ bởi các nhà thuyết giáo nước ngoài), đã làm cho các cuộc xung đột giáo phái dâng lên ở các khu vực khác nhau của quần đảo, lộ ra mạng lưới khủng bố địa phương liên kết với al-Qaeda và gần đây là nhà nước Hồi giáo IS. Các mạng lưới khủng bố này đã tuyên bố chịu trách nhiệm về nhiều cuộc tấn công đổ máu kể từ đầu những năm 2000.

Nhiều báo cáo khác nhau, bao gồm cả những báo cáo của Trung tâm nghiên cứu về Hồi giáo - “Viện Wahid”, cho thấy sự leo thang bạo lực và phân biệt đối xử đối với các nhóm tôn giáo thiểu số, kể cả đối với Kitô hữu.

Hầu hết các vi phạm xảy ra ở tỉnh Tây Java, ở Sumatra, tại khu vực đô thị của Jakarta và ở tỉnh tự trị Aceh. Tỉnh tự trị Aceh là nơi duy nhất luật Hồi giáo Sharia có hiệu lực và được áp dụng ngày càng khắc khe và độc đoán, nhiều nơi thờ phượng đã bị đóng cửa, bởi vì chúng “bất hợp pháp”, do áp lực của chủ nghĩa cực đoan địa phương.

Các hệ luận của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đã được đánh dấu tại đảo Maluku trong cuộc xung đột đẫm máu giữa năm 1999 và 2001 liên quan đến các cộng đồng Kitô giáo (Tin lành) và Hồi giáo do sự hiện diện của phong trào cực đoan Laskhar Jihad. Các nhóm Hồi giáo, trong số những người khác, đóng vai trò chính trong chiến dịch bạo lực chống lại thống đốc Jakarta, ông Basuki Tjahaja Purnama, là một Kitô hữu gốc Hoa, bị buộc tội báng bổ và do đó bị kết án vào năm 2017.

Trong số các nhóm cực đoan năng nổ nhất ở nước này, phải kể đến “Diễn đàn Hồi giáo Umat” và “Mặt trận Hồi giáo Pembela” hay còn gọi là “Mặt trận của những người bảo vệ Hồi giáo”. Trước chủ nghĩa cực đoan lan rộng tại nước này, cũng có một số đáng kể những người Hồi giáo, các nhà lãnh đạo và trí thức ôn hòa cởi mở để đối thoại. Đây là một dấn thân tích cực được Giáo hội Công giáo chia sẻ như là một trong những ưu tiên của mình trong việc thúc đẩy đối thoại liên tôn và các nguyên tắc hòa hợp của Pancasila.

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

Nhân đức Thờ phượng: Hiện trạng - Giáo huấn - Phân định

Nhân đức Thờ phượng: Hiện trạng - Giáo huấn - Phân định
NHÂN ĐỨC THỜ PHƯỢNG:
HIỆN TRẠNG - GIÁO HUẤN - PHÂN ĐỊNH
TÀI LIỆU DO ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN SOẠN THẢO THÁNG 6 NĂM 2019



DẪN VÀO

1. “Hỡi Kitô hữu, hãy ý thức phẩm giá của bạn”

I. HIỆN TRẠNG ĐỜI SỐNG THỜ PHƯỢNG

2. Sự phong phú của đời sống thờ phượng

3. Những thực hành không xứng hợp

II. NHỮNG HƯỚNG DẪN CỦA HỘI THÁNH

4. Nhân đức thờ phượng Kitô giáo

5. Những nguyên lý của việc đạo đức bình dân

6. Những nguyên lý của việc cầu nguyện xin ơn chữa lành

III. TIÊU CHUẨN PHÂN ĐỊNH MỤC VỤ

7. Việc đạo đức bình dân

8. Việc cầu nguyện xin ơn chữa lành

KẾT LUẬN

9. Tính nhân văn của nhân đức thờ phượng Kitô giáo

DẪN VÀO
1. “Hỡi Kitô hữu, hãy ý thức phẩm giá của bạn[1]
Phẩm giá của người Kitô hữu đạt đến viên mãn nhờ nhận biết, yêu mến và thờ phượng một Thiên Chúa Ba Ngôi, duy nhất và chân thật, để được hiệp thông với Ngài trong sự sống thần linh. Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người[2], đã sống trọn vẹn lòng hiếu thảo với Chúa Cha[3], đã nên đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng[4], và đã dạy cho nhân loại biết “thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật[5]. Chính Ngài là mẫu gương sống nhân đức thờ phượng hoàn hảo cho mọi tín hữu.
Nhờ Bí tích Rửa tội, người tín hữu được tháp nhập vào Đức Kitô[6], để “nhờ Người, với Người và trong Người” mới có thể sống trọn vẹn nhân đức thờ phượng Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong bối cảnh đa văn hoá và tôn giáo tại Việt Nam hiện nay, với nhiều thực hành tâm linh phức tạp, không phải lúc nào người Kitô hữu cũng dễ dàng phân định rõ ràng đâu là những hành động thờ phượng chân thật của mình.
Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam soạn thảo tài liệu này gửi đến mọi tín hữu Việt Nam, để đồng hành với anh chị em trong đời sống đức tin hằng ngày, và giúp anh chị em sống tình con thảo đối với Thiên Chúa và tình mến đối với nhau.
I. HIỆN TRẠNG ĐỜI SỐNG THỜ PHƯỢNG
2. Sự phong phú của đời sống thờ phượng
Quan sát đời sống đức tin của người tín hữu Việt Nam hiện nay, chúng tôi vui mừng nhận ra tâm tình thờ phượng sâu thẳm của anh chị em, biểu hiện qua những thực hành bên ngoài rất đa dạng và phong phú.
- Trước tiên là việc tham dự tích cực vào đời sống Phụng vụ của Hội Thánh. Trong suốt Năm Phụng vụ, anh chị em luôn tham dự sống động những cử hành Phụng vụ của Hội Thánh, đặc biệt là Tam Nhật Thánh, các ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng và Bí tích Hoà giải. Anh chị em cũng sốt sắng tham dự Phụng vụ Các giờ kinh được cử hành nhiều nơi, trong các nhà thờ và nhà nguyện, tại các buổi hội họp cộng đoàn, tuy chưa phổ thông. Các cử hành Phụng vụ kháccũng được anh chị em quý chuộng, như các nghi thức thánh hiến người, cung hiến nơi thờ phượng và làm phép các đồ vật sử dụng vào việc thờ tự...  
- Kế đến là những biểu hiện lòng sùng kính Đức Maria. Đức Maria chiếm vị trí đặc biệt nhất trong tình cảm tôn giáo của người Công giáo Việt Nam, cả trong đời sống cá nhân lẫn cộng đoàn. Rất dễ nhận ra những việc tôn vinh Mẹ Maria gắn liền với các thánh lễ theo lịch Phụng vụ chung của Hội Thánh, hoặc riêng của mỗi giáo phận và dòng tu, cũng như những thực hành đạo đức bình dân khác nhau tuỳ mỗi địa phương. Chúng ta có thể kể ra một số thực hành tiêu biểu như: các ngày lễ kính Đức Mẹ, các ngày thứ Bảy hng tuần, tuần tam nhật, thất nhật và cửu nhật, tháng Năm và tháng Mười, các Kinh Truyền tin, Lạy Nữ Vương thiên đàng, Mân côi, các Kinh cầu Đức Mẹ, các Kinh tận hiến cho Đức Mẹ, áo và ảnh tượng Đức Mẹ, thánh ca và hội hoạ, các trung tâm hành hương và các cuộc hành hương...   
- Tiếp đến là những biểu hiện lòng tôn kính các Thiên thần, các Thánh và các Chân phước. Tuỳ tâm tình yêu mến các Thánh và vị Thánh bổn mạng riêng của mỗi cá nhân, cộng đoàn, giáo xứ và giáo phận, các thánh tích, đền thánh, nơi thánh, vật thánh được tôn kính khắp nơi. Đặc biệt, Thánh cả Giuse và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng chiếm một vị trí đặc biệt trong tâm tình tôn kính của người tín hữu Việt Nam.  
- Sau cùng là việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Ngoài tháng Mười Một và ngày Mùng Hai Tết cầu nguyện đặc biệt cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và người thân đã qua đời, người Công giáo Việt Nam luôn nhớ đến, viếng mộ hoặc tro cốt, cầu nguyện và thường xuyên xin lễ cho người thân đã qua đời, nhất là những ngày lễ giỗ, như cách thể hiện lòng hiếu thảo.
3. Những thực hành không xứng hợp       
Vui mừng vì đời sống thờ phượng phong phú của người tín hữu, nhưng chúng tôi nhận thấy vẫn còn tồn tại những thực hành không xứng hợp hoặc lệch lạc, cụ thể như sau:
- Việc thờ ngẫu tượng, được nhận biết qua những nghi thức có tính ma thuật, dị đoan, bói toán, phù phép, thông linh, gọi hồn, trù ếm hay có hàm ý về tính dục, là những hành vi sùng bái bản thân mình hoặc các loài thụ tạo khác.
- Việc khai thác các mặc khải tư không hoặc chưa được thẩm quyền Hội Thánh chuẩn nhận, nhất là những mặc khải tư liên quan đến Đức Maria, được biểu hiện qua các hành động tuyên truyền, phổ biến, tổ chức các hình thức thờ tự lệch lạc và lôi kéo các tín hữu khác cùng thực hành...
- Việc thực hành những hình thức thờ phượng không thuộc về lòng đạo đức chân thật của Hội Thánh, không xây dựng sự hiệp thông trong Hội Thánh, được biểu hiện nơi những phong trào sai lạc, như Sứ điệp từ trờiLòng Mẹ thương xót...
- Việc lạm dụng những hình thức thờ phượng của Hội Thánh, như Lòng Chúa Thương Xótđặc sủng chữa lành bệnh tậtviệc đặt tay cầu nguyện trên bệnh nhâncác thánh tíchcác nơi thánhcác cuộc hành hương, làm sai lạc bản chất của việc thờ phượng Kitô giáo là phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.
Từ cái nhìn tổng quát về đời sống thờ phượng, với nét phong phú xen lẫn những thực hành không xứng hợp, chúng tôi muốn mời gọi anh chị em cùng lắng nghe giáo huấn của Hội Thánh về nhân đức thờ phượng Kitô giáo. 
II. NHỮNG HƯỚNG DẪN CỦA HỘI THÁNH
4. Nhân đức thờ phượng Kitô giáo[7]
Thờ phượng Kitô giáo là nhân đức nhờ đó con người, phận thụ tạo, dâng lên Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, sự nhìn nhận, tôn vinh và suy phục uy quyền của Ngài, bằng tất cả lòng khiêm cung, yêu mến và biết ơn, hợp với lẽ công bằng[8].
Phát xuất từ sự vâng phục điều răn mến Chúa, việc thờ phượng chân thật trước hết quy hướng về vinh quang Thiên Chúa và hiệp thông với Ngài. Từ đó, việc thờ phượng dẫn đến điều răn yêu người, nghĩa là thánh hoá người tín hữu và giúp họ sống đúng phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa.
Vì là hoạt động của con người toàn vẹn, gồm xác và hồn, nên việc thờ phượng Kitô giáo, được thể hiện ra bên ngoài bằng các lễ nghi, phải tương hợp với tâm tình chân thật bên trong tâm hồn. Các việc thờ phượng Kitô giáo chính yếu, như Thờ lạyCầu nguyệnLễ tế và Khấn hứa[9], được diễn tả qua hai hình thức cụ thể là Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân 
Phụng vụ là việc cử hành công trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa Ba Ngôi, được thực hiện trong lịch sử cứu độ, mà chóp đỉnh là Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Phụng vụ cũng là việc cử hành công trình tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi của Hội Thánh, Dân Thiên Chúa, để hiện tại hoá công trình cứu chuộc của Đức Kitô, đến tận cùng thời gian[10].
Là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh, Phụng vụ được cử hành nhằm mục đích tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, xây dựng Hội Thánh và thánh hoá con người[11]. Vì thế, “Phụng vụ tuyệt đối không thể đón nhận những nghi thức ma thuật, dị đoan, thông linh, trù ếm hay có hàm ý tính dục[12].
Vì là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh, Phụng vụ phải được các thừa tác viên hợp pháp cử hành nhân danh Hội Thánh, và theo đúng nghi thức của Hội Thánh. Các cử hành Phụng vụ chính yếu của Hội Thánh là Bảy Bí tích,Phụng vụ Các giờ kinh và các Á bí tích[13].
Lòng đạo đức bình dân là cảm thức đức tin của dân Kitô giáo, được Chúa Thánh Thần soi dẫn, biểu hiện qua các việc thờ phượng cá nhân và cộng đoàn rất đa dạng, không là thành phần của Phụng vụ, nhưng vay mượn những sắc thái tinh hoa đặc thù của các nền văn hoá khác nhau[14].
Dù phân biệt với Phụng vụ, lòng đạo đức bình dân chân thật vẫn là việc thờ phượng của dân Kitô giáo, là biểu hiện lòng đạo đức của Hội Thánh, và vì thế cũng nhằm mục đích tôn vinh Thiên Chúa, xây dựng Hội Thánh và thánh hoá con người[15].
Những biểu hiện thực hành đạo đức bình dân của Hội Thánh được phân biệt theo chu kỳ Năm Phụng vụ, những việc sùng kính Đức Maria, những việc tôn kính các Thiên thần, các Thánh và các Chân phước, việc cầu nguyện cho những người đã qua đời; các đền thánh và các cuộc hành hương[16]...
Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân vừa phân biệt vừa có mối tương quan chặt chẽ. Một mặt, vì là chóp đỉnh cho mọi thực hành đạo đức bình dân quy hướng về, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực cho lòng đạo đức bình dân, nên Phụng vụ có vị trí ưu tiên và trổi vượt tuyệt đối. Mặt kháclòng đạo đức bình dân phải hoà hợp với Phụng vụ, được khơi nguồn từ Phụng vụ và dẫn người tín hữu đến với Phụng vụ[17].
Mọi cử hành Phụng vụ đều phải theo đúng nghi thức của Hội Thánh. Riêng các việc đạo đức bình dân lại rất đa dạng về mô hình và kiểu thức biểu tỏ. Dù một số lớn những hình thức thờ phượng bình dân đã được Hội Thánh minh nhiên chuẩn nhận và khuyến khích, người tín hữu vẫn có thể tự do lựa chọn những thực hành đạo đức bình dân phù hợp cho cá nhân, gia đình hay cộng đoàn.
Việc người tín hữu được tự do lựa chọn mô hình và kiểu thức biểu tỏ lòng đạo đức bình dân có thể dẫn đến những thực hành thờ phượng lệch lạc hoặc những lạm dụng. Vì thế, Tài liệu này muốn tập trung vào việc thực hành lòng đạo đức bình dân, để khuyến khích những gì tốt lành và điều chỉnh những lệch lạc có thể có trong đời sống thờ phượng của người tín hữu Việt Nam.
5. Những nguyên lý của lòng đạo đức bình dân
Để trở nên việc thờ phượng Kitô giáo và biểu hiện lòng đạo đức của Hội Thánh, lòng đạo đức bình dân cần phải quy chiếu về những nguyên lý đức tin vững chắc sau đây:  
Thiên Chúa Ba Ngôi. Là việc thờ phượng Kitô giáo, lòng đạo đức bình dân phải hướng đến mục đích tối hậu là giúp người tín hữu được “hiệp thông với Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần[18].
Hội Thánh, cộng đoàn thờ phượng. Theo ý định của Đức Kitô, Hội Thánh, hiểu như “Dân thánh được quy tụ trong sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, là một cộng đoàn thờ phượng chân thật[19] 
Chức tư tế chung. Nhờ các bí tích khai tâm Kitô giáo, người tín hữu trở nên chi thể của Hội Thánh, Dân tư tế và Thân mình Đức Kitô, và được kêu gọi làm cho toàn bộ cuộc đời mình trở thành “hy lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa[20].
Lời Chúa. Lời Chúa, được Kinh Thánh cưu mang, được Hội Thánh gìn giữ, được Phụng vụ cử hành, là yếu tố ưu tiên và không thể thay thế, để Chúa Thánh Thần tác động trong đời sống thờ phượng của người tín hữu[21].
Các mặc khải tư. Lòng đạo đức bình dân thường quan tâm đến các mặc khải tư, nhất là các mặc khải liên quan đến lòng sùng kính Đức Maria. Các mặc khải tư, khi được thẩm quyền Hội Thánh chuẩn nhận, chỉ có giá trị giúp hiểu và sống mặc khải trọn vẹn và vĩnh viễn của Đức Kitô ở một thời điểm lịch sử nào đó, nhưng không cải thiện, bổ sung, vượt hơn hay sửa đổi mặc khải trọn vẹn và vĩnh viễn của Đức Kitô[22].
Hội nhập văn hoá. Lòng đạo đức bình dân được nhìn nhận là hình thức đầu tiên và căn bản cho việc “hội nhập văn hoá” của đức tin[23].
6. Những nguyên lý của việc cầu nguyện xin ơn chữa lành[24]
Vì những thực hành cầu nguyện xin ơn chữa lành cho các bệnh nhân ngày càng phổ biến giữa những tín hữu công giáo Việt Nam, nên việc đạo đức này đáng được lưu tâm cách đặc biệt.
Ý nghĩa của bệnh tật và sự chữa lành được hiểu trong mầu nhiệm cứu độ. Người Kitô hữu được mời gọi đạt đến sự sống vĩnh phúc, nhưng thực tế luôn cảm nghiệm được những khổ đau trong cuộc đời, đặc biệt là bệnh tật. Dù giải thích dưới góc độ nào, bệnh tật vẫn luôn là một sự dữ. Vì thế, việc chữa lành bệnh tật cho con người cũng thuộc về sứ vụ cứu độ của Đấng Mêsia.
Thật vậy, việc chữa lành các bệnh tật vừa là dấu chỉ sứ vụ giải thoát con người khỏi mọi sự dữ của Đấng Mêsia, vừa biểu lộ chiến thắng của vương quyền Thiên Chúa trên mọi sự dữ, vừa là biểu tượng của sự chữa lành con người toàn diện và triệt để hơn, gồm thân xác và linh hồn.
Tuy nhiên, chiến thắng của Đấng Mêsia trên bệnh tật và mọi đau khổ của nhân loại không chỉ diễn ra bằng những phép lạ chữa lành, nhưng nhất là bằng chính sự đau khổ tự nguyện trong cuộc thương khó của Ngài. Trong mầu nhiệm Vượt qua, Đức Kitô, Đấng vô tội, đã mang vào thân mình mọi đau khổ, tội lỗi và sự chết của nhân loại, đã vượt qua và đạt đến chiến thắng chung cuộc trong sự Phục sinh của Ngài.
Nhờ mầu nhiệm Vượt qua, Đức Kitô đã mang đến cho bệnh tật và đau khổ một giá trị cứu độ: mọi người đều có thể hiệp thông vào sự đau khổ sinh ơn cứu độ của Ngài bằng chính những bệnh tật và đau khổ của riêng bản thân mình, theo gương thánh Phaolô.  
Ước muốn được chữa lành và việc xin ơn được chữa lành của người tín hữu là một điều tốt lành và đậm tính nhân văn, nhất là khi ước muốn ấy được diễn đạt bằng lời cầu nguyện tin tưởng dâng lên Thiên Chúa.
Vì thế, Hội Thánh, qua Phụng vụ, luôn cầu xin Thiên Chúa ban sức khoẻ cho các bệnh nhân, đặc biệt qua Bí tích Xức dầu Bệnh nhânThánh lễ cầu cho bệnh nhân và các kinh nguyện khác nhau cầu cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, Hội Thánh không loại trừ các phương tiện tự nhiên và phương pháp y học hữu hiệu để gìn giữ và phục hồi sức khoẻ thể xác cũng như tinh thần cho bệnh nhân; khuyến khích bệnh nhân mang lấy tầm nhìn đức tin về bệnh tật và đau khổ.   
Đặc sủng chữa lành bệnh tật luôn hiện diện trong Hội ThánhVì các phép lạ chữa lành bệnh tật thuộc về sứ vụ của Đấng Mêsia, nên Đức Kitô đã ban năng lực chữa lành mọi bệnh tật cho các Tông đồ và những người rao giảng Tin Mừng trong Hội Thánh tiên khởi, để tiếp nối sứ vụ của Ngài trong thế giới. Các đặc sủng chữa lành được trao ban cho các ngài không phải vì vinh quang của các cá nhân, nhưng để xác nhận và củng cố sứ vụ của các ngài là rao giảng Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô.
Cũng từ thời các Tông đồ, ngoài những phép lạ chữa lành, Bí tích Xức dầu Bệnh nhân đã được cử hành. Hội Thánh, qua các thừa tác viên của mình, đã xức dầu và cầu nguyện trên các bệnh nhân, để khấn xin ơn giải thoát cho họ, bao gồm cả việc chữa lành bệnh tật thể xác.   
Tiếp nối truyền thống, từ thời các giáo phụ cho đến nay, Hội Thánh luôn thực hành việc cầu nguyện xin ơn giải thoát cho các bệnh nhân, cả linh hồn lẫn thể xác, qua Bí tích Xức dầu Bệnh nhân và các cử hành Phụng vụ khác. Và lịch sử Hội Thánh không thiếu những vị thánh có năng lực chữa lành bệnh tật cách lạ lùng.
Ngày nay, trong lòng Hội Thánh có những buổi tụ họp cầu nguyện được tổ chức nhằm mục đích xin ơn chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên, cần phân biệt những buổi cầu nguyện Phụng vụ xin ơn chữa lành với những buổi cầu nguyện có liên quan đến đặc sủng chữa lành, thật sự hoặc chỉ là hình thức bên ngoài.
Những buổi cầu nguyện Phụng vụ xin ơn chữa lành phải được cử hành đúng theo nghi thức đã được ấn định trong các sách Nghi thức Phụng vụ, và đúng theo các quy luật Phụng vụ. Nếu không tuân theo các quy luật Phụng vụ, các buổi cầu nguyện sẽ không hợp pháp. 
Đối với những buổi cầu nguyện có liên quan đến đặc sủng chữa lành, yếu tố quyết định được đòi buộc là tính hiệu quả của lời cầu nguyện, nhờ sự can thiệp của một hoặc nhiều người, hoặc một nhóm người rõ ràng, thí dụ những người hướng dẫn buổi cầu nguyện.
Những buổi cầu nguyện Phụng vụ khác như việc Chầu Thánh Thể với phép lành, hoặc những thực hành đạo đức bình dân khác như việc lần chuỗi Mân côi, tại các đền thánh hoặc các trung tâm hành hương, không trực tiếp nhắm đến, nhưng bao gồm ý nguyện xin ơn chữa lành, đều hợp pháp, với điều kiện không bóp méo ý nghĩa chính yếu của những việc đạo đức được cử hành.
III. TIÊU CHUẨN PHÂN ĐỊNH MỤC VỤ
7. Việc đạo đức bình dân nói chung
Từ những nguyên lý của lòng đạo đức bình dân nêu trên, chúng ta có thể rút ra những tiêu chuẩn cần thiết cho việc phân định thực hành, qua các chiều kích sau:
a. Từ phía những việc đạo đức bình dân  
Chiều kích Ba NgôiMọi thực hành đạo đức bình dân đều phải bày tỏ tình con thảo đối với Chúa Cha, theo mẫu gương hiếu thảo duy nhất hoàn hảo là Đức Kitô, nhờ mặc lấy tinh thần nghĩa tử trong Chúa Thánh Thần[25]. Thiếu vắng chiều kích Ba Ngôi, lòng đạo đức bình dân có nguy cơ biến thành việc mê tín, thờ ngẫu tượng, thử thách Thiên Chúa, phạm thánh, mại thánh, thờ chính ảnh tượng, phủ nhận Thiên Chúa[26]...  
Chiều kích Hội Thánh. Mọi việc đạo đức bình dân phải biểu hiện lòng đạo đức của Hội Thánh, được thực hành bởi các tín hữu đang sống hiệp thông với Hội Thánh, tuyên xưng đức tin của Hội Thánh, tôn trọng các quy định về phượng tự và quyền bính mục vụ của Hội Thánh[27]. Những thực hành đạo đức bình dân liên quan đến mặc khải tư, đặc biệt trong việc sùng kính Đức Maria, đều phải đón nhận thẩm quyền phân định của Hội Thánh[28].
Chiều kích Phụng vụPhụng vụ của Hội Thánh “phải luôn luôn xuất hiện như thể thức gương mẫu, một nguồn cảm hứng, điểm tham chiếu thường xuyên và mục đích tối hậu[29].
Chiều kích đại kết. Lòng đạo đức bình dân cũng phải lưu tâm đến khía cạnh đại kết của Hội Thánh, nghĩa là “chú ý đến những điều nhạy cảm và những truyền thống Kitô giáo khác nhau, đồng thời tránh thực hành những thử nghiệm không phù hợp[30].
Chiều kích tư tế chungMọi tín hữu đều được khuyến khích thực hành lòng đạo đức bình dân, như dấu chỉ kiên trì thờ phượng và cầu nguyện, nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để tôn vinh Chúa Cha và làm chứng cho Chúa Kitô trong đời sống hằng ngày[31].
Chiều kích Kinh ThánhMọi thực hành đạo đức bình dân phải quy chiếu về Lời Chúa và tìm thấy trong Lời Chúa, đặc biệt theo khuôn mẫu Phụng vụ, nguồn cảm hứng vô tận, khuôn mẫu cầu nguyện tuyệt hảo, những chủ đề phong phú và chuẩn mực cho việc thờ phượng chân thật[32].
Chiều kích nhân văn và hội nhập văn hoáCác thực hành đạo đức bình dân một mặt phải gìn giữ căn tính thờ phượng Kitô giáo, mặt khác phải phân định nguồn gốc và ý nghĩa của các tập tục và truyền thống văn hoá riêng biệt, ngôn ngữ, cử điệu, thánh nhạc, ảnh tượng, để chúng biểu lộ chân lý đức tin, và tránh được những thực hành nghịch với các mầu nhiệm Kitô giáo, hay những biểu hiện lai tạp làm hoen ố việc thờ phượng Kitô giáo[33].          
b. Từ phía đấng bản quyền sở tại    
- Thẩm định và phê chuẩn những kinh nguyện công khai; công bố những quy định liên quan đến việc thực hành lòng đạo đức bình dân cho tín hữu trong lãnh thổ dưới quyền tài phán của mình[34] 
- Lưu tâm hướng dẫn để những thực hành lòng đạo đức bình dân không thay thế hay lẫn lộn với những cử hành Phụng vụ của Hội Thánh[35].
- Cổ võ và thăng tiến lòng đạo đức bình dân chân chính, thanh luyện những biểu hiện lệch lạc, và không ngừng Tin Mừng hoá những thực hành đạo đức bình dân của các tín hữu trong lãnh thổ của mình[36].
c. Từ phía người tín hữu tham dự
- Cần ý thức rõ lòng đạo đức bình dân là việc thờ phượng Kitô giáo, mà bản chất là tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, xây dựng Hội Thánh và thánh hoá con người, để tránh những thực hành mê tín, thờ ngẫu tượng, thử thách Thiên Chúa, phạm thánh, mại thánh, thờ chính ảnh tượng, phủ nhận Thiên Chúa...
- Cần ý thức rõ sự khác biệt giữa Phụng vụ và các việc đạo đức bình dân, cũng như tính ưu tiên và trổi vượt tuyệt đối của Phụng vụ so với các việc đạo đức bình dân: “nếu các Bí tích là không thể thiếu được để sống hiệp nhất với Chúa Kitô, thì ngược lại, những hình thức khác nhau của lòng đạo đức bình dân lại mang tính chất tuỳ nghi[37]. Chẳng hạn, tham dự Thánh lễ Chúa nhật và các ngày lễ buộc trong Năm Phụng vụ, đặc biệt là Tam Nhật Thánh, là bó buộc; còn những thực hành đạo đức bình dân chân thật, dù được khuyến khích, nhưng không mang tính bó buộc.
- Mọi biểu hiện bên ngoài của lòng đạo đức bình dân, như việc chạm vào ảnh tượng, nơi thánh, thánh tích, việc hành hương hay rước kiệu, việc dâng của lễ, nến hay bảng tạ ơn, việc mang y phục đặc biệt, ảnh tượng hay phù hiệu, việc quỳ gối hay sấp mình... đều phải phản chiếu trung thực những tình cảm thờ phượng chân thật trong tâm hồn. Thiếu chiều kích nội tâm, những cử chỉ bên ngoài có nguy cơ biến thành những thói quen trống rỗng, hoặc mang màu sắc dị đoan[38].
- Mọi biểu hiện lòng sùng kính Đức Maria phải quy hướng về bản chất của việc thờ phượng Kitô giáo, với các chiều kích Ba Ngôi, Kinh Thánh, Hội Thánh, Phụng vụ, Đại kết, Nhân văn và Hội nhập Văn hoá[39].
- Các Kinh nguyện hay Lời nguyện đạo đức được sử dụng thường xuyên và công khai trong các việc đạo đức bình dân, cần phải được Bản quyền chuẩn nhận[40].
- Mọi tín hữu đều phải tránh việc đề nghị và phổ biến các Kinh nguyện, Lời nguyện và các sáng kiến nào chưa được sự chuẩn nhận của Bản quyền địa phương[41].
8. Việc cầu nguyện xin ơn chữa lành[42]
Từ những nguyên lý của việc cầu nguyện xin ơn chữa lành, chúng ta có thể rút ra những tiêu chuẩn cần thiết cho việc phân định thực hành.
a. Từ phía những buổi cầu nguyện
- Các Kinh nguyện xin ơn chữa lành có trong các sách Phụng vụ được thẩm quyền Hội Thánh chuẩn nhận thì được xem là Kinh nguyện Phụng vụ. Các Kinh nguyện không được chuẩn nhận thì không phải là Kinh nguyện Phụng vụ.
- Các Kinh nguyện Phụng vụ xin ơn chữa lành phải được cử hành theo đúng nghi thức, với phẩm phục thánh được chỉ định trong Ordo benedictionis infirmorum của Sách Nghi Thức Rôma.
- Việc thực hành các kinh nguyện xin ơn chữa lành không thuộc về Phụng vụ phải phân biệt rõ ràng với những cử hành Phụng vụ, không được lẫn lộn với các cử hành Phụng vụ, và phải tránh các hình thức mang tính cuồng loạn, giả tạo, diễn kịch hoặc kích động cảm xúc.
- Trừ những nghi lễ dành cho bệnh nhân được các sách Phụng vụ ấn định rõ ràng, cả các Kinh nguyện Phụng vụ lẫn các Kinh nguyện không thuộc về Phụng vụ nhằm mục đích xin ơn chữa lành, đều không được phép đưa vào trong cử hành Thánh Thể, các Bí tích và Phụng vụ Các giờ kinh, cũng không thể là thành phần của các cử hành Phụng vụ này. Chỉ có thể đưa ý nguyện xin ơn chữa lành vào Lời nguyện chung trong Thánh lễ. 
- Thừa tác vụ trừ quỷ phải được thực hành trong sự tuỳ thuộc chặt chẽ vào Giám mục giáo phận, theo Giáo luật,  hướng dẫn của Bộ Giáo lý Đức tin vàSách Nghi Thức Rôma. Các kinh nguyện trừ quỷ trong Sách Nghi Thức Rômaphải được phân biệt rõ ràng với những cử hành xin ơn chữa lành, Phụng vụ và không thuộc về Phụng vụ.
b. Từ phía đấng bản quyền sở tại
- Trong giáo phận của mình, Giám mục giáo phận có quyền ban hành các quy luật cho những cử hành Phụng vụ xin ơn chữa lành, cũng như có quyền từ chối những cử hành này vì những lý do chính đáng; mọi cử hành Phụng vụ xin ơn chữa lành đều phải có phép rõ ràng của giám mục giáo phận.
- Đấng bản quyền địa phương có trách nhiệm giám sát việc thực hành các Kinh nguyện xin ơn chữa lành không thuộc về Phụng vụ.
- Việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là video và trực tuyến, trong các cử hành Phụng vụ xin ơn chữa lành, hoặc các buổi cầu nguyện xin ơn chữa lành không thuộc về Phụng vụ, phải được giám sát bởi giám mục giáo phận.
- Với thẩm quyền của mình, Giám mục giáo phận cần phải can thiệp khi có những lạm dụng gây tai tiếng cho cộng đoàn tín hữu trong các cử hành xin ơn chữa lành, cả Phụng vụ lẫn không thuộc về Phụng vụ, hoặc khi có những sai sót nghiêm trọng những quy tắc Phụng vụ và kỷ luật.
c. Từ phía người tín hữu tham dự
- Mọi tín hữu đều được tự do cầu nguyện xin ơn chữa lành; khi việc cầu nguyện cộng đồng diễn ra trong nhà thờ hoặc một nơi thánh thiêng, thì cần được các thừa tác viên có chức thánh hướng dẫn.
- Những người hướng dẫn các cử hành xin ơn chữa lành, Phụng vụ hoặc không thuộc về Phụng vụ, phải cố gắng duy trì bầu khí sùng kính chân thành cho cộng đoàn, phải giữ sự thận trọng cần thiết nếu ơn được chữa lành xảy ra cho người tham dự, phải đón tiếp cách ân cần và đơn giản sau buổi cử hành những chứng từ có thể xảy ra và phải tường trình sự việc cho thẩm quyền Hội Thánh.
KẾT LUẬN
9. Tính nhân văn của nhân đức thờ phượng Kitô giáo[43]
Nhân đức thờ phượng Kitô giáo, được biểu tỏ qua Phụng vụ và các việc đạo đức bình dân, hướng đến mục đích tối hậu là tôn vinh Thiên Chúa, xây dựng Hội Thánh và thánh hoá con người. Vì thế, các việc thờ phượng thể hiện cách sống động điều cốt yếu nhất của đức tin Kitô giáo là lòng mến Chúa và yêu người.
Đặc biệt, vì thấm nhập vào mọi thực tại của đời sống người tín hữu và đáp ứng được những khát vọng thẳm sâu của nhân sinh, các việc đạo đức bình dân phản chiếu tuyệt vời sự khôn ngoan Kitô giáo. Sự khôn ngoan ấy được biểu hiện qua sự kết hợp hài hoà trong cùng một hành động thờ phượng những gì thuộc về Thiên Chúa và những gì thuộc về con người: Đức Kitô và Mẹ Maria, siêu nhiên và tự nhiên, tinh thần và thể xác, hiệp thông và định chế, cá nhân và cộng đoàn, đức tin và quê hương, lý trí và tình cảm.
Như thế, các việc đạo đức bình dân biểu tỏ tuyệt vời tính nhân văn Kitô giáo, vì các thực hành ấy dạy người tín hữu biết tôn trọng phẩm giá của mọi người với tư cách là những người con của cùng một Cha trên trời, biết xây đắp tình huynh đệ giữa đồng bào và đồng loại, biết gặp gỡ thiên nhiên và tìm ra ý nghĩa của lao động, biết tìm thấy động lực để sống an vui, ngay cả trong những hoàn cảnh khổ nhọc của cuộc sống. Tính nhân văn Kitô giáo cũng là chuẩn mực giúp mọi tín hữu có khả năng phân định đâu là những thực hành tâm linh trống rỗng, bóp nghẹt các giá trị Tin Mừng, hoặc nhắm đến những mục đích trần tục, và đâu là những việc thờ phượng chân thật làm lan toả hương thơm Tin Mừng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO  
- CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh - Sacrosanctum concilium, ngày 4 tháng 12 năm 1963.
- SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO, bản dịch của UBGLĐT/HĐGMVN, Nxb. Tôn Giáo, 2010.
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Hướng dẫn về việc cầu nguyện xin ơn chữa lành, ngày 14 tháng 9 năm 2000.
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Thư Giáo hội tươi trẻ (Iuvenescit Ecclesia) gửi các Giám mục thuộc Giáo hội Công giáo về mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng đối với đời sống và sứ mạng của Giáo hội, ngày 15 tháng 5 năm 2016.
- BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụtháng 12 năm 2001.


[1] GLHTCG, số 1691.

[2] X. Ga 1, 1-18.

[3] X. Dt 5, 7-10.

[4] X. Mt 3, 17.

[5] Ga 4, 23.

[6] X. Rm 6, 5.

[7] X. GLHTCG, các số 2083-2141.

[8] X. GLHTCG, số 2095.

[9] X. GLHTCG, số 2135.

[10] X. GLHTCG, các số 1066-1075.

[11] X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum concilium, bản dịch của Uỷ ban Giáo lý Đức tin / HĐGMVN, NXB. Tôn Giáo, 2012, số 7 và 59.

[12] BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 12.

[13] X. BỘ GIÁO LUẬT 1983, “Quyển IV - Nhiệm vụ thánh hoá của Giáo hội”, Điều 834-1253, bản dịch của HĐGMVN, NXB. Tôn Giáo, 2007, tr. 275-381.

[14] X. GLHTCG, các số 1674-1679; BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 9, 78 và 83; ĐTC PHANXICÔ, Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng - Evangelii gaudium, bản dịch của Uỷ ban Loan báo Tin Mừng / HĐGMVN, 2013, các số 123-126.

[15] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 72; 83-84.

[16] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ.

[17] X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum concilium, số 7, 10 và 13, bản dịch của Uỷ ban Giáo lý Đức tin / HĐGMVN, NXB. Tôn Giáo, 2012; X. GLHTCG, số 1675.

[18] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 76-80.

[19] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 81-84.

[20] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 85-86.

[21] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 87-89.

[22] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 90; X. GLHTCG, các số 65-67.

[23] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, các số 91-92.

[24] X. BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Hướng dẫn về việc cầu nguyện xin ơn chữa lành, ngày 14 tháng 9 năm 2000.

[25] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 76-80.

[26] X. GLHTCG, các số 2110-2141.

[27] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, các số 81-84; 184.

[28] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 90; X. GLHTCG, các số 65-67.

[29] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 184.

[30] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 12.

[31] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, các số 85-86.

[32] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, các số 87-89.

[33] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 12; 91-92.

[34] X. GLHTCG, số 1676; X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT BÍ TÍCH,Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 21.

[35] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 21.

[36] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 21.

[37] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 11.

[38] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 15.

[39] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 186.

[40] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 16.

[41] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 21.

[42] X. BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Hướng dẫn về việc cầu nguyện xin ơn chữa lành, ngày 14 tháng 9 năm 2000.

43] X. SGLHTCG, số 1676.