Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

Thư của chánh án Toà Ân giải Tối cao nhân tháng cầu nguyện cho các linh hồn

2018.10.20 Sinodo dei Giovani cardinal Mauro Piacenza

Nhân lễ trọng kính các thánh và cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời trong tháng 11, ĐHY Mauro Piacenza, chánh án Toà Ân giải Tối cao gởi một lá thư đến cộng đoàn Dân Chúa.

Lá thư mở đầu với câu hỏi: Khi chúng ta nghe từ “Giáo hội”, hoặc khi chúng ta tuyên xưng đức tin mỗi ngày Chúa nhật, chúng ta thực sự nghĩ gì? Giáo hội là gì, hay đúng hơn, là ai?

Thánh Augustino dẫn chúng ta đến câu trả lời cho câu hỏi đơn giản nhưng nền tảng này. Đó là Giáo hội không chỉ là tổ chức của con người nhưng có đặc tính vừa thần linh vừa con người. Do đó, chúng ta liên lỉ hướng về thiên đàng, trong tương quan với Ba Ngôi và liên hệ với tất cả anh chị em đã được cứu, họ đã rời khỏi thế giới này.

Trong những ngày thánh này, cả trong suy tư cá nhân khi nhớ đến anh chị đã qua đời, lẫn trong cầu nguyện và chiêm niệm, chúng ta được mời gọi kín múc từ kho tàng vô tận của sự Hiệp thông những Ơn xá đặc biệt.

Qua việc tham dự Thánh Lễ, cầu nguyện cá nhân, đền tội và bố thí, các việc diễn tả lòng thương xót, tín hữu kết hợp với công trình cứu độ của Chúa Kitô.

Trong chiều kích cánh chung, chúng ta hướng đến những người đã qua đời và cầu nguyện cho họ ngang qua việc làm mới lại đời sống đức tin của chúng ta nơi bí tích Hoà giải và Thánh Thể, và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

Vì vậy, chúng ta cùng chạy đến với bí tích Hoà giải trong những ngày thánh này và cùng đón nhận ơn toàn xá cho những anh chị em của chúng ta đã qua đời. Như thế, tương quan của chúng ta với họ tiếp tục được củng cố trong tình yêu.

Nơi toà giải tội của những ngày thánh này, chúng ta được an ủi, khích lệ và lau khô nước mắt, đây cũng là cơ hội để chúng ta chạm đến đời sống vĩnh cữu, để giúp chúng ta can đảm tha thứ và dịu dàng trong các việc của lòng thương xót, và để chúng ta hiểu hơn ý nghĩa cuộc hành hương hằng ngày của đời sống dương thế. (CSR_6380_2019)

Công bố văn kiện hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên

Trong Đại hội lần thứ XIV diễn ra từ 30/9 đến 4/10/2019 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cho phép áp dụng thử nghiệm “Văn kiện hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên” trong thời gian 3 năm, từ ngày 04/10/2019. Và trong buổi Hội thảo Văn hóa được tổ chức ngày 25-26/10/2019 tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài GònĐức cha Giuse Đặng Đức NgânChủ tịch Ủy Ban Văn Hóa đã công bố và giới thiệu văn kiện này.
Sau đây là nguyên văn lời công bố và giới thiệu của Đức cha chủ tịch:
Anh em hãy đi đến cùng trời cuối đất, loan báo Tin Mừng cho mọi thụ tạo”(Mc 16,15). Đó là lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các anh em môn đệ. Thực tế khi rao giảng Tin Mừng ở nhiều nơi, vào những thời điểm cụ thể, anh em thường phải đối mặt với các thách thức cam go về phong tục, truyền thống hay văn hóa địa phương. Riêng tại Á Đông, việc tôn kính tổ tiên là một trong những vấn nạn lớn trong lịch sử truyền giáo. Thực sự, các thừa sai (hầu hết đến từ Tây phương) đã có những quan điểm khác nhau về truyền thống các dân tộc trong việc thờ kính tổ tiên, tôn kính các anh hùng liệt nữ và “các Thần Thánh” (như Đức Khổng Tử, các vị thành hoàng), và các nghi thức liên quan đến việc quan hôn tang tế. Suốt một thời gian dài, vấn đề tôn kính tổ tiên như vẫn còn bỏ ngỏ và được thích ứng tùy quan điểm và định hướng của các nhà truyền giáo tại mỗi nơi (Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam...). Mãi tới ngày Huấn thị Plane Compertum Est được Đức Hồng Y Phêrô Fumasoni Biondi, Bộ Trưởng Bộ Truyền Giáo công bố (08/12/1939), một đường hướng mới mẻ và nhất quán đã thực sự được khai mở cho cuộc hội nhập văn hóa về việc tôn kính tổ tiên.
Huấn thị Plane Compertum Est xác định ngay trong phần mở đầu: “Rõ ràng là tại Cực Đông xưa kia có một số nghi lễ gắn liền với nghi điển ngoại giáo, nay vì những biến đổi theo thời gian về các phong tục và ý tưởng, nên nó chỉ còn mang ý nghĩa dân sự, để tỏ lòng tôn kính tổ tiên, yêu mến tổ quốc và vì lịch sự trong các tương quan xã hội”. Sau khi phân tích các mặt thuận và nghịch của vấn đề dưới góc độ văn hóa cũng như tôn giáo, Huấn thị đã tuyên bố: “Người Công giáo được phép tham dự các nghi lễ kính Đức Khổng, trước hình ảnh hoặc bài vị mang tên Ngài trong các văn miếu hay trường học”(số 1);  “phải coi là được phép và xứng hợp tất cả những (cử chỉ) cúi đầu và những biểu lộ khác có tính cách tôn trọng dân sự trước những người quá cố hay hình ảnh và bài vị mang tên họ”(số 4).
Tại Việt Nam, Giáo hội cũng đã có những nỗ lực thích nghi và hội nhập về văn hóa thờ kính tổ tiên theo từng giai đoạn cụ thể: 
I/ ĐỊNH HƯỚNG CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC NAM VIỆT NAM (HĐGM/NVN) VỀ LÒNG TÔN KÍNH TỔ TIÊN 
Sau Huấn thị Plane Compertum Est, “Ngày 20.10.1964 Tòa Thánh, qua Bộ Truyền giáo đã chấp thuận đề nghị của Hàng Giám Mục Việt Nam xin áp dụng Huấn thị Plane Compertum Est (08/12/1939), về việc tôn kính tổ tiên cho giáo dân Việt Nam” (Phần mở đầu của Thông cáo 14/6/1965). Theo Thông cáo này HĐGM/NVN đã khẳng định: “Giáo hội không hủy bỏ hay dập tắt những giá trị thiện hảo, liêm chính, chân thành của các dân tộc. Âu cũng vì bản tính nhân loại, dù còn mang dấu vết sự sa ngã của tổ tông, song vẫn giữ trong nội tâm một căn bản tự nhiên mà ánh sáng và ân sủng Thiên Chúa có thể soi chiếu, dinh dưỡng và nâng lên tới một mức độ đức hạnh, một nếp sống siêu nhiên đích thực”(Thông cáo 1965 phần II, số 2).
Chín năm sau, với Quyết nghị ngày 14/11/1974, HĐGM/NVN chấp thuận và yêu cầu phổ biến trên toàn quốc Thông cáo HĐGM/NVN năm 1965. Đồng thời nhấn mạnh lòng hiếu thảo với ông bà tổ tiên và nghi lễ tôn kính vị thành hoàng với những xác định cụ thể như sau: “Việc đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm” (số 2); “Được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là phúc thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải là mê tín như đối với các “yêu thần, tà thần” (số 6).
Hôm nay qua Văn Bản Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên, chúng tôi định hướng lòng tôn kính tổ tiên theo Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng (GS 45), Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio), Huấn thị Plane Compertum Est và đề ra những áp dụng cụ thể theo nội dung của Thông cáo 1965 và Quyết nghị 1974 của HĐGM/NVN. Trong văn bản này có giới thiệu các nghi thức và những lời nguyện mẫu dành cho các dịp cưới hỏi và tang lễ, nhưng tất cả chỉ là gợi ý không mang tính bắt buộc như các văn bản Phụng Vụ chính thức. 
II/ TIẾN TRÌNH THẢO LUẬN VĂN BẢN HƯỚNG DẪN VIỆC TÔN KÍNH TỔ TIÊN 
Năm 2014, kỷ niệm 50 năm áp dụng Huấn thị Plane Compertum Est, HĐGMVN đã ủy nhiệm Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Chủ tịch Uỷ Ban Văn Hóa, tổ chức cuộc hội thảo về lòng tôn kính tổ tiên. Nhận thức được tầm sâu rộng của chủ đề, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống đã mời đặc biệt Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp cộng tác cùng kêu gọi các giáo phận, dòng tu và các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam góp ý với hội thảo.
Cuộc hội thảo do Đức cha Giuse Vũ Duy Thống chủ tọa với 4 vị thuyết trình viên: Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch UB Công Lý Hòa Bình; Linh mục Giáo sư Tiến sĩ Giuse Vũ Kim Chính (giảng dạy tại Đại học Thụ Nhân, Đài Loan); Linh mục Phanxicô X. Đào Trung Hiệu (giảng dạy tại nhiều đại chủng viện và học viện liên dòng), Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Đoàn (giảng dạy tại Đại học Thụ Nhân, Đài Loan), và 312 hội thảo viên, trong đó có các đức giám mục Antôn Vũ Huy Chương, Micae Hoàng Đức Oanh, Phêrô Nguyễn Khảm và các Đức ông Phanxicô Trần Văn Khả, Barnabê Nguyễn Văn Phương, cùng với nhiều vị bề trên các dòng tu, linh mục từ các giáo phận như cha Gioan Phêrô Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh, Tôma Nguyễn Văn Thượng, Giuse Trần Sĩ Tín (CSsR), Đaminh Nguyễn Đức Thông (CSsR), Sr. Anna Kim Loan, ông Antôn Uông Đại Bằng, Giuse Nguyễn Minh Chiến, Augustinô Vương Đình Chữ, Giuse Nguyễn Minh Phú, bà Têrêsa Phaolô Nguyễn Hà Tường Anh... Tất cả đều nhiệt tình tham gia thảo luận các đề tài.
Sau hai ngày thảo luận, qua Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, các hội thảo viên đã trình lên HĐGMVN một thỉnh nguyện thư xin HĐGM thành lập một ủy ban để tiến hành xác lập và đề ra những áp dụng thực hành:
1/ Quy định các nghi thức và soạn thảo những lời cầu nguyện theo hướng hội nhập Kitô giáo vào nề nếp văn hóa Việt Nam trong cách bày tỏ lòng thảo hiếu với ông bà, tổ tiên.
2/ Cùng trong tinh thần hội nhập văn hóa, xin HĐGM xác định rõ ràng và cụ thể về nghi thức trong lễ cưới hỏi, lễ tang, lễ gia tiên và bàn thờ gia tiên.
3/ Xin sử dụng cờ ngũ hành làm dấu hiệu Kitô hữu hòa lòng với dân tộc.
Đáp ứng bức thỉnh nguyện thư này, HĐGM đã ủy cho Đức cha Chủ tịch UBVH cùng với các giám mục thuộc các Uỷ Ban liên hệ soạn thảo “Văn Bản Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên”. Ủy ban Soạn Thảo bắt đầu làm việc từ năm 2014 và kết thúc vào năm 2019 qua 2 giai đoạn: 
Giai đoạn I thảo luận Văn Bản Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên gồm các thành viên:
Đức cha Giuse Vũ Duy Thống – Chủ tịch UB Văn Hóa chủ tọa, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Chủ tịch UB Công Lý Hòa Bình, Đức cha Giuse Nguyễn Năng – Chủ tịch UB Giáo Lý Đức Tin, Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ – Chủ tịch UB Phụng Tự, Linh mục Giuse Trịnh Tín Ý – Thư ký UB Văn Hóa kiêm Thư ký cuộc họp, Linh mục Đaminh Ngô Quang Tuyên – Thư ký UB Loan Báo Tin Mừng, Linh mục Phanxicô X. Bảo Lộc – văn phòng Đối Thoại Liên Tôn và một số các chuyên viên nghiên cứu văn hóa Việt Nam: Ông Antôn Uông Đại Bằng, Ông Đaminh Hồ Công Hưng, Ông Giuse Nguyễn Minh Phú.
Đầu tháng 3/2017, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống – Chủ tịch UB Văn Hóa qua đời, “Văn Bản Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên” còn dở dang. Tháng 4/2017, trong Hội nghị Thường niên của HĐGMVN tại giáo phận Nha Trang, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, giám mục giáo phận Đà Nẵng được HĐGM bầu làm tân Chủ tịch của Ủy Ban Văn Hóa thay Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, và được HĐGM ủy nhiệm mời các đức giám mục đặc trách các Ủy Ban liên hệ tiếp tục hoàn thành “Văn Bản Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên”. 
Giai đoạn II thảo luận Văn Bản Hướng dẫn việc Tôn Kính Tổ Tiên gồm các thành viên:
Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân – Chủ tịch UB Văn Hóa chủ tọa, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Chủ tịch UB Công Lý Hòa Bình, Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân – Chủ tịch UB Giáo Lý Đức Tin, Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn – Chủ tịch UB Phụng Tự, Đức cha Anphongxô Nguyễn Hữu Long – Chủ tịch UB Loan Báo Tin Mừng, Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Chủ tịch UB Di Dân, Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn – Phụ tá Tổng Giáo phận Sài gòn, Tp Hồ Chí Minh, Linh mục Giuse Trịnh Tín Ý – Thư ký UB Văn Hóa, kiêm Thư ký cuộc họp, và một số các chuyên viên nghiên cứu văn hóa Việt Nam: Ông Augustinô Vương Đình Chữ, Ông Antôn Uông Đại Bằng, Ông Giuse Nguyễn Minh Chiến, Ông Giuse Nguyễn Minh Phú. 
III/ TIẾN TRÌNH CHUẨN NHẬN: 
Sau năm năm nỗ lực, ban Soạn Thảo đã hoàn tất “Văn Bản Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên”. Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Chủ tịch UB Văn Hóa thay mặt ban Soạn Thảo đệ trình Văn Bản hoàn chỉnh lên HĐGMVN tại cuộc họp thường niên ở Mỹ Tho năm 2018; sau đó, Văn Bản được chuyển tới Đức cha Phêrô Nguyễn Khảm, Tổng Thư ký HĐGMVN và được Đức cha Tổng Thư ký cho đăng trên tập san Hiệp Thông của HĐGMVN (số 110 tháng 1&2/2019 từ trang 74-93). 
Trong Đại hội lần thứ XIV của HĐGMVN họp từ 30/9 đến 4/10/2019 tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Hải Phòng, “Văn Bản Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên” đã được Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân trình bày trước Đại hội. Sau khi thảo luận về Văn Bản này, các đức giám mục đã biểu quyết đồng thuận và Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGMVN đã công bố cho phép áp dụng thử nghiệm Văn Bản Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên trong thời gian 3 năm, từ ngày 04/10/2019. 
Văn Bản Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên được HĐGMVN đổi tên thành VĂN KIỆN HƯỚNG DẪN VIỆC TÔN KÍNH TỔ TIÊN. Văn Kiện đã đánh dấu một khúc quanh lịch sử của Giáo hội Việt Nam về lòng tôn kính tổ tiên thuộc giới răn Thứ Tư trong Mười Điều Răn Đức Chúa Trời về “Thảo Kính Cha Mẹ”. 
Đà Nẵng, ngày 07 tháng 10 năm 2019
TM/ UBVH/HĐGMVN
  
+ Giuse Đặng Đức Ngân
Giám Mục Giáo Phận Đà NẵngChủ tịch UBVH/HĐGMVN 
Văn Việt
Nguồn:
Ủy ban Văn hóa/HĐGMVN

Tâm tình Mục tử: “Thiên Chúa luôn yêu thương tất cả mọi người”

TÂM TÌNH MỤC TỬ
Kính gửiCộng đoàn dân Chúa giáo phận Vinh,
Anh chị em thân mến,
Trong những ngày này, tâm hồn chúng ta trĩu nặng u buồn vì tiếc thương 39 người trẻ, được biết đa số thuộc hai giáo phận Vinh và Hà Tĩnh, đã chết một cách tức tưởi khi tìm cách vào nước Anh, sáng ngày 23 tháng 10 năm 2019. Danh tính của họ chưa được xác định cụ thể và còn rất nhiều người mất liên lạc, do đó, càng làm cho nhiều gia đình khắc khoải ngóng tin, không biết người thân của mình thuộc trong số các nạn nhân hay không?
Chúng tôi xin gửi đến những gia đình đang âu lo buồn phiền sự cảm thông sâu sắc và lời cầu nguyện tha thiết, xin Thiên Chúa an ủi nâng đỡ anh chị em trong những giờ phút đau thương này. Chúng ta xác tín rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Thiên Chúa luôn yêu thương tất cả mọi người. Sự chết không phải là tiếng nói cuối cùng của thực thể có tên gọi là ‘con người’, mà là tiếng nói yêu thương, yêu thương luôn mãi của Thiên Chúa.
Chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi biết rằng tại nhiều nơi trong giáo phận, các cha xứ và anh chị em đã hiệp thông cầu nguyện cho các nạn nhân và nâng đỡ tinh thần cho gia đình họ. Đây là nghĩa cử mà chúng ta, những người con cùng một Cha và anh chị em trong đức tin, cần luôn thể hiện, kể cả với đồng bào lương dân. 
Nhân dịp này, chúng tôi muốn gửi đến tất cả mọi người, đặc biệt các bạn trẻ, lời nhắn nhủ rất chân thành rằng cuộc sống con người là quà tặng vô giá của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta hãy trân quý và chăm sóc cuộc sống mình cũng như cuộc sống của người khác, trong hành trình trần thế này. Đồng thời, chúng ta được mời gọi học hỏi và suy niệm về chương trình yêu thương của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô, Người đến để chúng ta ‘được sống và sống dồi dào’ (Ga 10,10).
Quê hương chúng ta, tuy còn nghèo khó trăm chiều, vẫn là Người Mẹ Hiền luôn ôm ấp nuôi dưỡng đàn con và dạy bảo đàn con hãy hiệp thông liên đới với nhau. Do đó, mỗi người chúng ta hãy trả lời cho câu hỏi: Chúng ta đã quan tâm chia sẻ và giúp đỡ nhau tới mức độ nào? Đức Hồng Y Đáng Kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã để lại những vần thơ sau:
Con có một Tổ quốc Việt Nam,Quê hương yêu quý ngàn đời.Con hãnh diện, con vui sướng.Con yêu non sông gấm vóc,Con yêu lịch sử vẻ vang.Con yêu đồng bào cần mẫn…
Con phục vụ hết tâm hồn,Con trung thành hết nhiệt huyết.Con bảo vệ bằng xương máu,Con xây dựng bằng tim óc.Vui niềm vui của đồng bào,Buồn nỗi buồn của dân tộc…
Là người Công giáo Việt Nam,Con phải yêu Tổ quốc gấp bội.Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con.Cha mong dòng máu ái quốc,Sôi trào trong huyết quản con.
(Đường Hy Vọng, 38)
Sắp tới Lễ Các Thánh Nam Nữ và Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Qua Đời, chúng ta hãy hướng tâm hồn về Quê Hương đích thật của chúng ta là Nước Trời, Nước của ‘sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần’ (Rm 14,17). Chúng ta hãy cùng nhau sống những giá trị của Nước Trời mà Đức Giêsu Kitô đã loan báo và thực thi trong hành trình trần thế của Người. Nhờ đó, chúng ta diễn tả mình là những người con hiếu thảo của Thiên Chúa trong tình liên đới với anh chị em chúng ta, hôm nay và luôn mãi.
Nhờ sự chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ Giáo phận Vinh, xin Thiên Chúa là nguồn mạch yêu thương chúc lành và nâng đỡ chúng ta cùng tất cả mọi người.
Tòa Giám mục Xã Đoài, ngày 29 tháng 10 năm 2019

Vì sao phải ca ngợi cái nghèo?


croire.la-croix.com, Sophie de Villeneuve

Vì sao Giáo hội gắn kết với cái nghèo? Linh mục Nicolas Morin Dòng Phanxicô giải thích thế nào là đức hạnh khó nghèo và mời chúng ta khám phá các kho tàng ẩn giấu của một đời sống theo Chúa Kitô khó nghèo.

“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”: câu này trong Phúc Âm Thánh Luca thường khơi lên nhiều lời cảnh báo khác nhau, trong đó có lời: “Cẩn thận với tiền bạc.” Các tín hữu kitô đầu tiên có đời sống phù hợp với các lời này, các thánh lớn sống trong khó nghèo, mọi tu sĩ đều khấn đức khó nghèo. Vì sao Giáo hội cho cái nghèo là quan trọng như thế, trong khi Giáo hội lại đấu tranh chống nạn khó nghèo và thường trong lịch sử, Giáo hội lại không tôn trọng mấy các lời khuyên khó nghèo này của phúc âm? Thánh Phanxicô cho khó nghèo là đức tính vương giả. Vậy khó nghèo muốn nói với chúng ta điều gì? 

Nicolas Morin: Đức khó nghèo nói với chúng ta về Chúa. Chúng ta không chọn nghèo vì theo mệnh lệnh của đạo đức, cũng không chọn vì tình tương trợ với người nghèo. Trước hết chúng ta chọn nghèo vì theo Chúa Kitô nghèo. Thánh Phanxicô đã khám phá Chúa Kitô tự ý nghèo hèn vì chúng ta. Chúa nghèo vì Chúa là một chủ thể trong tương quan. Chúa Cha không giữ gì riêng cho mình, nhưng Ngài ban cho chúng ta tất cả những gì Ngài có và chính trong món quà trao ban sự sống này của Ngài, Ngài đã sinh ra Chúa Con. Và Chúa Con, Chúa Giêsu nhận trọn vẹn từ Chúa Cha. 

Điều đó có nghĩa Thiên Chúa đã tự nghèo đi khi cho Con Một mình cho chúng ta?

Ngài không nghèo đi, Ngài trở nên phong phú hơn. Ngài giàu trong sự nghèo khó của mình: chúng ta càng cho thì chúng ta càng giàu thêm. Đó là thế giới đảo ngược! Theo tôi liên kết khó nghèo với quan hệ là rất quan trọng. Năm 1994, khi tôi vừa khấn trọn ở Dòng Phanxicô, tôi được chỉ định về Bordeaux. Mỗi người đến với chiếc vali của mình ở khu phố rất bình dân, nơi giám mục xin chúng tôi đến sống. Trong vòng một tháng, chúng tôi ở trọ nhà các nữ tu, sau đó chúng tôi thuê một căn hộ. Chúng tôi không có gì, chúng tôi mượn hàng xóm vật dụng hay các thiết bị chúng tôi cần. Cái nghèo mở cánh cửa cho chúng tôi và chúng tôi gặp những người phi thường. Tôi nghĩ đó là lý do để mình sống nghèo.

Như thế trong sự khủng hoảng của chúng ta, chúng ta có thể nói với người khác: “Phúc thay cho khó nghèo?”

Tinh thần khó nghèo trong phúc âm không phải là sự khốn cùng. Người khốn cùng là người không biết làm sao xoay xở trong những ngày cuối tháng, đó là sự khốn cùng không xứng đáng. Dĩ nhiên phải chống sự khốn cùng này. Nghèo khó theo phúc âm là một chuyện khác. Đó là từ bỏ sự tự đủ của chính mình. Người thu ven kho lẫm, có tất cả những gì họ cần, xây dựng tường hào chung quanh nhà và nghĩ như thế là hạnh phúc, nhưng có một ngày họ cảm thấy quá sức cô quạnh. Sự tự đủ cô lập chúng ta. Khó nghèo là cho mình các phương tiện để mở lòng, mở ra với sự quan phòng, với lòng tốt của Chúa, mở ra với người khác.

Trong lịch sử của mình, Giáo hội thiếu tôn trọng đòi hỏi này. Sau khi Thánh Phanxicô qua đời, ngay cả các tu sĩ Dòng Phanxicô cũng phải xếp đặt lại thứ trật của mình!

Đúng, con người là như vậy, cám dỗ nhanh chóng trở lại. Chúng ta cần an toàn. Đó luôn là cuộc thảo luận trong tỉnh dòng chúng tôi: một loại an toàn hợp pháp và cần thiết, chẳng hạn các tu sĩ lớn tuổi. Nhưng đồng thời chúng ta phải dám liều mình sống cho Phúc Âm. Làm thế nào liều mình cho Phúc Âm, mà không bị xa lạ, không tin tưởng vào Chúa, Đấng mỗi ngày cho chúng ta những gì chúng ta cần? 

Đúng là hàng ngày chúng ta nhận những gì chúng ta cần sao?

Tôi tin chắc. Sau khi ở Bordeaux, tôi được chỉ định đến Brive, một nơi tuyệt đẹp nhưng hoang tàn. Chúng tôi có bốn người, chúng tôi không có gì. Phải làm gì bây giờ? Trong thánh lễ đầu tiên của tôi ở đó, tôi trình bày vấn đề. Khi đó chúng tôi nhận ra giáo dân chờ chúng tôi xin họ giúp đỡ. Và tôi phải nói, tôi chưa bao giờ thiếu gì. Từ một năm nay tôi về Paris, mỗi ngày tôi nhận một lời, tôi có một cuộc gặp, một sự kiện giúp tôi đứng vững đến ngày hôm sau. Và đó là những gì tôi sống với kinh nghiệm Kinh Lạy Cha, khi chúng ta đọc: “Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày.”

Chúng ta càng nghèo, hay ít nhất chúng ta cố gắng đừng tích gì thêm, chúng ta càng cảm thấy Chúa ở đó và Ngài cho? Chính vì vậy mà Giáo hội đứng vững trong khó nghèo?

Đúng, bởi vì cái nghèo mở lòng chúng ta ra với người khác và làm cho chúng ta tương trợ với người nghèo. Thánh Phanxicô không đi tìm chỗ đứng trong một công trình xã hội, ngài chỉ muốn là sự hiện diện, một người nghèo giữa các người nghèo. Và đó là cả một thách thức lớn cho chúng ta! Trong một xã hội được tổ chức như xã hội chúng ta, đâu là cách để chúng ta tương trợ với những người nghèo nhất? Chúng ta luôn tái khám phá chiều kích này.

Cha sẽ sống ẩn tu bán thời gian. Một cách cụ thể, điều này sẽ như thế nào?

Hiện nay tôi làm việc nhưng không lãnh lương, như thế tôi sống nhờ anh em và những gì người khác cho tôi. Tôi sống điều này trong đức tin và trong sự tin tưởng vào Chúa. Cái nghèo không phải chỉ vật chất và tôi kể cho bạn nghe một kinh nghiệm cơ bản. Khi tôi ở tập viện, tôi sống Mùa Chay ở Vézelay, suốt ngày thinh lặng, chỉ có một ít giờ chia sẻ Lời Chúa. Tôi sống kinh nghiệm, mỗi ngày qua miệng của các anh em, tôi nhận lời mà tôi cần để sống ngày hôm đó cho đến ngày hôm sau. Cái nghèo, đó là để mình lên đường, không biết cái gì chờ mình nhưng biết Chúa sẽ cho mình những gì mình cần, từng ngày. 

Rốt cùng, cái nghèo có một giá trị thiêng liêng lớn…

Nó cực kỳ tự do, bởi vì mình không có gì để bảo vệ. Thánh Phanxicô nói với các anh em mình: Nếu anh em bắt đầu có nhà, có của cải, anh em phải mua vũ khí để bảo vệ chúng.

Và đó cũng là ràng buộc!

Đó là một chọn lựa. Tôi có tự do không, tôi có bám dính vào mọi thứ, hoặc với sinh hoạt này này có ngăn tôi đến với người khác không? Với ai tôi đang có quan hệ, và đó là tiêu chuẩn. Tôi có đủ tự do để không bon chen không?

Cái nghèo, đó là tự do.

Đúng. Nếu không thì ích gì? Thiên Chúa muốn chúng ta tự do. Tự do, đó là dần dần học để yêu như Ngài yêu. Và ngay khi tôi mạo hiểm để yêu, tình yêu sẽ dẫn tôi đến cái nghèo.

Cha có lời khuyên nào cha muốn gởi đến những ai muốn đi theo con đường của cha?

Thánh Phanxicô luôn xin Chúa: Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ? Cái nghèo bắt đầu bằng tấm lòng sẵn sàng nội tâm, buông bỏ mọi ước muốn làm chủ đời mình và để Chúa làm chủ, và tin tưởng vào Chúa.

Marta An Nguyễn dịch

300 triệu Kitô hữu bị bách hại

2019.10.23 Rapporto Acs cristiani perseguitati
Các quốc gia bách hại Kitô hữu mạnh mẽ 

“Bị bách hại hơn bao giờ hết. Tập trung vào cuộc đàn áp chống Kitô giáo giữa các năm 2017 và 2019”, là tên tài liệu nghiên cứu của tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, được trình bày hôm 24/10, tại nhà thờ thánh Bartolomeo ở Roma, là nơi mà thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II muốn là nơi tưởng niệm các vị tử đạo mới của thế kỷ XX và XXI.

Cứ 7 Kitô hữu thì có một người bị bách hại vì đức tin

Theo tài liệu nghiên cứu, cứ 7 Kitô hữu thì có một người bị bách hại vì đức tin của mình; gần 300 triệu Kitô hữu sống tại các miền đất bị bách hại. Ngày nay, các Kitô hữu là nhóm tôn giáo bị ảnh hưởng nhiều nhất và là trung tâm của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, đang chuyển từ Trung Đông sang châu Phi, Nam Á và Đông Á.

20 quốc gia bách hại Kitô hữu khốc liệt

Tài liệu trình bày sự gia tăng bách hại mạnh mẽ tại 20 quốc gia: Arập Sauđi, Burkina Faso, Camerun, Trung Quốc, Bắc Hàn, Ai Cập, Eritrea, Philippines, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Iraq, Myanmar, Niger, Nigeria, Pakistan, Cộng hòa Trung Phi, Siria, Sri Lanka và Sudan, những quốc gia đáng lo ngại do sự vi phạm nhân quyền mà các Kitô hữu phải chịu.

Châu Phi là mặt trận mới của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan

Tài liệu cho thấy châu Phi là mặt trận mới của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan: trong số 18 linh mục và một nữ tu bị giết trong năm 2019 thì có 15 vị bị giết tại châu lục này. Các nhóm Hồi giáo như Boko Haram, sắc tộc Fulani, Al-Quaeda, Isis, đã gây ra bạo lực. Tại Sudan và Eritrea, các Kitô hữu bị Nhà Nước đe dọa và chiếm hữu và đóng cửa các trường học và bệnh viện.

Nam Á và Đông Á đang trở thành chiến trường mới của hoạt động thánh chiến

Miền Nam và Đông Á đang trở thành chiến trường mới của hoạt động thánh chiến. Bắc Hàn là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với Kitô hữu. Cuộc sống Kitô hữu Trung Quốc thêm khó khăn sau khi Quy luật mới về hoạt động tôn giáo có hiệu lực hồi tháng 02/2018. Nhà nước Hồi giáo tấn công Sri Lanka vào Chúa Nhật Phục sinh khiến 258 người thiệt mạng.

Tình hình Kitô hữu Trung Đông là đáng lo ngại nhất. Trước năm 2003, Kitô hữu Iraq là 1,5 triệu, nhưng vào hè năm nay còn không đến 150 ngàn, giảm 90%. Tại Siria, giữa năm 2017 chỉ còn gần 500 ngàn Kitô hữu, so với 1,5 triệu vào năm 2011. (REI 24/10/2019)

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2019

Tin Mừng Chúa nhật 30 thường niên - Năm C

Kết quả hình ảnh cho tin mừng chúa nhật 30 năm c

Phúc Âm: Lc 18, 9-14
"Người thu thuế ra về được khỏi tội".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: 'Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi'. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội'. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

Đức Thánh Cha bổ nhiệm 2 chức sắc cao cấp mới tại Tòa Thánh

Tân Thứ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh

Hôm 24/10/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Ông Mirosław Stanisław Wachowski, người Ba Lan, làm tân Thứ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, kế nhiệm Đức Ông Antoine Camilleri, người Malta, mới được bổ nhiệm làm Tổng giám mục.


Đức Ông Wachowski năm nay 49 tuổi, sinh ngày 08 tháng 05 năm 1970 thuộc giáo phận Elk bên Ba Lan, tốt nghiệp tiến sĩ giáo luật và gia nhập ngành ngoại giao Tòa Thánh từ ngày 01 tháng 07 năm 2004, lần lượt phục vụ tại các nhiệm sở ngoại giao của Tòa Thánh tại Sénégal, rồi tại các tổ chức quốc tế ở Vienne, trước khi trở về phục vụ tại Bộ ngoại giao Tòa Thánh, và cho đến nay ở cấp bậc “Tham tán Sứ Thần”.

Đức Ông thông thạo tiếng Ý, Anh, Pháp và Nga.

Trong tư cách là Thứ trưởng ngoại giao, Đức Ông Wachowski sẽ làm việc với phái đoàn Việt Nam trong Ủy ban làm việc chung.

Tân Phó Phụ tá Quốc vụ khanh

Cùng ngày 24/10/2019, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Ông Luigi Roberto Cona làm tân Phó Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, một chức vụ thường được coi như tương đương với “Thứ trưởng Nội vụ” của Tòa Thánh.


Đức Ông Roberto Cona người Italia, năm nay 54 tuổi, tốt nghiệp tiến sĩ thần học tín lý, và gia nhập ngành ngoại giao Tòa Thánh ngày 01 tháng 07 năm 2003, phục vụ tại các Sứ quán Tòa Thánh tại Panama, Bồ đào nha, Camerun, Maroc, Giordani và Thổ Nhĩ Kỳ, rồi tại phân bộ Tổng Vụ Phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh, sau cùng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Italia với cấp bậc Tham tán Sứ Thần.

Đức Ông Cona thông thạo tiếng Tây Ban Nha, Anh, Bồ Đào Nha và Pháp.

G. Trần Đức Anh, O.P

Người Công giáo Việt Nam tại Nhật mong chờ Đức Thánh Cha

2019.10.25 Cattolici vietnamiti in Giappone
Thánh lễ Việt Nam tại Nhật Bản 

Theo ước tính, trong số 300 nghìn người Việt hiện đang sinh sống tại Nhật Bản, có khoảng 30 nghìn người Công giáo. Hòa mình vào Giáo hội Nhật Bản, người Việt háo hức đón chờ ngày diện kiến Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng cuối tháng 11/2019.

Giáo hội “tại” Nhật

Theo thống kê chính thức, năm 2018 số tín hữu Công giáo Nhật Bản là 440.893, chiến 0,3% dân số. Tuy nhiên, một số giáo phận tại đây có số tín hữu ngoại quốc nhiều hơn số tín hữu Nhật Bản. Vì vậy, số tín hữu Công giáo tại Nhật có thể lên đến hơn 800 nghìn. “Đó là lý do mà thuật ngữ “Giáo hội tại Nhật” (The Church in Japan) được thay thế cho “Giáo hội Nhật” (Japanese Church)”, Linh mục Giuse Nguyễn Thanh Nhã, S.J – đặc trách giới trẻ Việt Nam tại Nhật cho hay.

Linh mục Giuse Nguyễn Thanh Nhã, S.J cùng ca đoàn giới trẻ tại Tokyo.

Cha Giuse Nhã cũng chia sẻ, việc thay đổi thuật ngữ là bước đi mở đầu trong việc mở cánh cửa còn đang khép của Giáo hội Nhật Bản. Giáo hội Nhật Bản phần nào còn khá chậm trong việc mục vụ di dân. Trong sinh hoạt giáo xứ địa phương, người nước ngoài chưa có nhiều tiếng nói. Phần nhiều các cộng đoàn người nước ngoài sinh hoạt song song với cộng đoàn bản địa chứ chưa hội nhập hoàn toàn. Gần đây, Thánh lễ nhiều ngôn ngữ được cử hành như là một nhịp cầu tương quan giữa người dân Nhật và người dân khác sinh sống tại Nhật.

Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Nhật Bản gồm nhiều thành phần khác nhau. Một phần không nhỏ là cô chú thuyền nhân, thực tập sinh hay du học sinh. Trải dài nước Nhật là 90 nhóm giới trẻ Công giáo Việt đang thổi luồng gió mới vào Giáo hội địa phương bị già hóa. Gần đây nhất là Đại hội giới trẻ Công giáo Việt Nam tại Nhật Bản đầu tháng 5/2019 với chủ đề “Tỏa sáng đức tin” quy tụ hơn 30 nhóm tham gia.

Đại hội giới trẻ Công giáo Việt Nam tại Tokyo năm 2019 
với chủ đề “Xin cho chúng con nên một”.

“Từ khi có thông tin đăng ký chính thức về chuyến thăm của ĐTC tới Nhật Bản được đăng tải, tôi nhận được vài trăm tin nhắn gửi đến. Điều này cho thấy sự mong chờ của giáo dân Việt Nam trước cuộc viếng thăm lịch sử này”, cha Giuse Nhã chia sẻ thêm. 50 nghìn ghế trong sân vận động Tokyo sẽ không thể đủ nên ban tổ chức sẽ phải tiến hành quay số chọn ngẫu nhiên. Và sự kiện này cũng không mở rộng cho người sống ngoài nước Nhật. Để đăng ký trên website https://popeinjapan2019.jp/entry/, người dân đều phải cung cấp thông tin địa chỉ đang sinh sống tại Nhật.

Giới trẻ Việt Nam dâng hoa kính Đức Mẹ Mân Côi. 
Ảnh: BTT giới trẻ Kanto

Chuyến viếng thăm đánh thức “sự sống”

Đến Nhật Bản là nguyện vọng của ĐTC Phanxicô. Ngài đã tình nguyện xin truyền giáo tại Nhật Bản nhưng không thành do tình trạng sức khỏe. Khi là Giám tỉnh Tỉnh dòng Argentina, ngài đã gửi nhiều tu sĩ đến xứ mặt trời mọc. Cha Giám tỉnh Tỉnh dòng Nhật Bản hiện nay là một trong những học viên được gửi đi 30 năm về trước.

Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm chính thức tại thủ đô Tokyo và hội kiến với Nhật Hoàng và Thủ tướng Shinzo Abe. Sau đó, ngài đến Nagaski và Hiroshima nơi gánh chịu 2 quả bom nguyên tử của Mỹ trong thế chiến thứ II. Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha như một điểm chạm khơi lên ý thức sự sống cho thế giới và Nhật Bản.

Nhật Bản là một quốc gia dân tộc hùng mạnh tại Châu Á và trên thế giới. Tuy nhiên, xứ hoa anh đào này đang phải đối mặt với ảnh hưởng của thế tục khi tỉ lệ tự tử đang ở mức cao nhất trên thế giới. Nhật Bản cũng là nơi khép cửa trước nhiều vấn đề như di dân và môi trường. “Bảo vệ mọi sự sống” (Protect all life - すべてのいのちを守るため) là bài hát chủ đề của cuộc viếng thăm lịch sử này.

Đại hội Hội đồng Giới trẻ Đại kết tại Châu Âu

Croce

Đại hội lần thứ 42 của Hội đồng Giới trẻ Đại kết tại Châu Âu đã nhóm họp tại Berlin từ 18-20/10 vừa qua. Cuộc gặp gỡ là dịp để suy tư về sứ mạng của Hội đồng trong việc đối thoại đại kết trong 50 năm qua.

Hội đồng Giới trẻ Đại kết đã được thành lập từ 1969 tại Thuỵ Điển như một tổ chức có thể hỗ trợ và thúc đẩy sự hiện diện của người trẻ trong công cuộc đối thoại đại kết.

Vì tầm quan trọng cần hiểu biết về cội rễ, ngày 18/10 được dành để chia sẻ về ký ức của những người sống bước đầu tiên của tổ chức đại kết này, cung cấp cho người trẻ từ những truyền thống Kitô giáo khác nhau sống kinh nghiệm về đại kết như những người đóng vai trò chính chứ không phải khán giả.

Đại hội cũng thảo luận về cách thức tiếp tục hành động để khẳng định quyền con người, khi các chính sách có xu hướng phân biệt đối xử trở nên phổ biến, đặc biệt là chống lại người di cư, trong khi đây được xem là một món quà cho các Kitô hữu của thế kỷ 21.

Về quyền con người, Hội đồng Giới trẻ Đại kết luôn đi đầu trong việc hỗ trợ việc xác định không gian mới cho giới nữ. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong Giáo hội, mặc dù vai trò này thường được coi là thứ yếu. Mặc dù có nhiều tài liệu và các cuộc họp về vấn đề này, nhưng vẫn còn nhiều thành kiến phải vượt qua.

Hội đồng nêu lại ý tưởng cho thấy những người trẻ có thể góp phần phát triển những suy tư và chia sẻ về những kinh nghiệm đại kết. Đồng thời củng cố những chứng từ của những người trẻ trên hành trình đại kết ở Châu Âu trong việc lắng nghe Lời Chúa. (CSR_6285_2019)

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Hãy cầu nguyện cho các nhà truyền giáo

Pope Francis' Angelus

Nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi toàn thể Giáo Hội làm mới lại cam kết truyền giáo của mình.

Ngày Thế Giới Truyền Giáo là một cơ hội tốt để tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải cộng tác vào việc loan báo Nước Thiên Chúa bằng việc làm mới lại cam kết của mình. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như thế trong buổi đọc kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật ngày Thế Giới Truyền Giáo lần thứ 93.

Đức Thánh Cha suy tư về một đoạn trích từ Bài đọc thứ hai trích thư thánh Phaolô gửi ông Timôthê: “hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.” Giọng điệu của thánh Phaolô rất chân thành. Ngài cho thấy Timôthê cần phải thấy có trách nhiệm trong việc loan báo Lời Chúa.

Một động lực mới

Nhắc lại Tông Thư Maximum illud của Đức Giáo hoàng Benedict XV, Đức Thánh Cha cho thấy toàn thể Giáo Hội cần có một động lực mới đối với trách nhiệm truyền giáo. Ngài nhấn mạnh: “trong bối cảnh đã có nhiều thay đổi như ngày nay, thông điệp của Đức Giáo hoàng Benedict XV vẫn khuyến khích chúng ta vượt qua cám dỗ của bất kỳ thứ khép tín tự diễn biến và bất kỳ hình thức bi quan mục vụ nào, để biết mở ra với sự mới mẻ vui tươi của Tin Mừng.”

Điều này có nghĩa là cần phải lắng nghe lời kêu gọi của sứ mạng hướng tới tất cả mọi người, tất cả những ai đang sống tại những vùng biên. Sống tình huynh đệ không phải là sống trong vòng tròn khép kín của chính chúng ta và bót nghẹt con đường của Thần Khí, - Đấng mời gọi chúng ta loan báo cho tất cả mọi người rằng Chúa Kitô là bình an của chúng ta, và nơi Người, mọi chia rẽ đều được nối liền, chỉ nơi Người mới có ơn cứu độ cho tất cả mọi người và mọi dân tộc.

Cầu nguyện, điều kiện không thể thiếu cho sứ mạng

Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng điều kiện không thể thiếu của việc sống sứ mạng chính là cầu nguyện. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy cầu nguyện sốt sắng và không ngừng nghỉ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “cầu nguyện chính là điều đầu tiên Dân Chúa có thể giúp đỡ các nhà truyền giáo”.

Ngày Thế Giới Truyền Giáo hôm nay là một dịp tốt để chúng ta tự hỏi chính mình: Tôi có cầu nguyện cho các nhà truyền giáo hay không? Tôi có cầu nguyện cho những người đi đến những nơi xa xôi để rao giảng Lời Chúa bằng chứng tá của họ không?

Và Đức Thánh Cha kết thúc buổi đọc kinh Truyền Tin bằng lời cầu nguyện: “xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của các dân tộc, đồng hành và bảo vệ các nhà truyền giáo mỗi ngày.”

Chương trình “Cầu Nguyện Theo Lời Chúa”


“Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Điều quan trọng là hãy tìm những giây phút trong ngày để mở tâm hồn cho Chúa”.

Vâng, như lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong buổi Kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật 14.12.2014, chúng ta thấy cầu nguyện quả là điều thiết yếu cho đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu. Việc dân Chúa cùng nhau công khai cầu nguyện là một trong những nhiệm vụ chính yếu của Kitô hữu, đồng thời qua đó, biểu lộ căn tính của Hội Thánh chuyên lo cầu nguyện - Ecclesia Orans (x. Tông hiến Laudis Canticum, Văn kiện trình bày và quy định các GKPV, số 1 và 9). Chính Chúa Giêsu đã truyền dạy các tông đồ phải cầu nguyện luôn. Đặc biệt, chính Chúa Giêsu cũng đã hứa ở đâu có hai ba người họp nhau cầu nguyện nhân danh Chúa thì Người sẽ hiện diện giữa họ (x. Mt 18, 20). Vì thế, lời cầu nguyện của mỗi Kitô hữu có giá trị và đẹp lòng Thiên Chúa ở chỗ được thông phần với chính lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, Đấng vừa cầu nguyện cho chúng ta, vừa cầu nguyện trong chúng ta, đồng thời cũng nghe chúng ta cầu nguyện (thánh Augustinô). Thật vậy, hình thức cầu nguyện ưu việt nhất vẫn là dùng chính Lời Chúa để cầu nguyện. Suốt hơn 2000 năm, Hội Thánh không ngừng nối tiếp lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Mẹ Giáo Hội không chỉ cầu xin cho những nhu cầu của mình, nhưng trên hết là để tạ ơn và hát khen danh thánh Thiên Chúa với ý thức rằng cầu nguyện là một hồng ân Chúa ban, vì lời cầu nguyện của chúng con thật ra chẳng thêm gì cho Chúa nhưng đem lại cho chúng con sự sống tròn đầy.


Với tất cả những ý hướng ấy, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, được sự cho phép và khuyến khích của Đức Giám Quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng, tổ chức các buổi cầu nguyện chung với hình thức “Cầu Nguyện Theo Lời Chúa”. Đây là hình thức cầu nguyện dựa trên những bài hát được lặp đi lặp lại để Lời Chúa dễ thấm nhập vào tâm hồn, tinh thần cầu nguyện dễ đi vào chiều sâu nội tâm, đồng thời khơi lên những tâm tình sám hối, tạ ơn, cầu xin và chúc khen Thiên Chúa. Đỉnh cao của buổi cầu nguyện này chính là lúc Lời Chúa được công bố bởi “Lời Chúa chính là ngọn đèn soi cho con bước là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105). Kết thúc buổi cầu nguyện là phép lành của linh mục, cùng với bài hát trong niềm hân hoan ra đi loan báo Lời Chúa.

Việc “Cầu Nguyện Theo Lời Chúa” được tổ chức theo từng chủ đề. Cụ thể, trong tháng 10 này là thời gian mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “tháng truyền giáo ngoại thường”, nhân kỷ niệm 100 năm Đức Thánh Cha Bênêđictô XV ban hành tông thư Maximum Illud. Ngài mời gọi mọi Kitô hữu cầu nguyện cách đặc biệt cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, đồng thời để khơi lên ý thức truyền giáo nơi mỗi người cách mạnh mẽ. Các ngày thứ ba trong tháng 10, Đại Chủng Viện dành riêng để cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, cho công cuộc truyền giáo trong Giáo Hội, và xin cho các chủng sinh luôn hun đúc tinh thần truyền giáo để mai ngày trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước, nhiệt thành trong việc phục vụ, vì Danh Chúa và vì lợi ích các linh hồn.

Việc “Cầu Nguyện Theo Lời Chúa” được tổ chức vào thứ Ba hàng tuần, lúc 19g30, tại nhà nguyện cổ thuộc Trung Tâm Mục Vụ của Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Kính mời quý ông bà và anh chị em tham dự. Nguyện chúc ơn bình an của Đức Kitô dồi dào trên quý vị.


Ban truyền thông ĐCV Thánh Giuse SG