Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Thành quả đầu tiên của chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô: “Chính phủ Myanmar công bố triệu tập một Đại hội các Dân tộc Thiểu số”

Thành quả đầu tiên của chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô: “Chính phủ Myanmar công bố triệu tập một Đại hội các Dân tộc Thiểu số” 


Huy hiệu "Tình Thương và Hòa Bình" cũng như "Hài Hòa và Hòa Bình" của ĐTC trong chuyến viếng thăm hai Quốc gia Burma và Bangladesh

Naypyidaw (Agenzia Fides) - Chính phủ Miến Điện đã công bố triệu tập một Đại hội trong đó nghị trình thứ ba của Đại hội bàn về việc cuộc sống hài hòa giữa các dân tộc thiểu số, được gọi là "Hội nghị Panglong", sẽ được nhóm họp vào tuần cuối cùng của tháng Giêng năm tới: sáng kiến trên nhằm tiếp nối những cuộc hòa đàm mà chính phủ đã có với các nhóm dân tộc vũ trang mà quân đội Miến Điện đã cố gắng tiêu trừ trong suốt hơn 60 năm qua. 

Sau khi đến Miến Điện, Đức Thánh Cha Phanxicô Phanxicô đã gặp vị chỉ huy trưởng của quân đội Myanma, Đại tướng Min Aung Hlaing tại Tòa Tổng giám mục ở Yangon. Nhà lãnh đạo quân đội nói với ĐTC rằng "sẽ không có sự phân biệt tôn giáo và sắc tộc trong đất nước này".

Chính phủ Miến Điện đã ký hiệp định ngưng bắn với tám tổ chức vũ trang, đại diện các nhóm sắc tộc, nhờ sự cam kết của bà Aung San Suu Kyi, người đã khởi xướng Hội nghị Hòa bình với các dân tộc thiểu số.

Một sắc dân tại Miến Điện
Một sắc dân tại Miến Điện

Các chủ đề sẽ được thảo luận trong cuộc họp tháng Một năm tới bao gồm: khía cạnh và bước tiến của cuộc đối thoại chính trị trên bình diện quốc gia với các nhóm thiểu số, bao gồm các nhóm Shan, và các nhóm Hồi giáo ở bang Rakhine. Đảng Giải phóng Arakan cũng ngỏ ý muốn đối thoại với chính phủ để có một đại diện của người Rohingya trong cuộc hòa đàm. Trong vài tuần qua, LHQ đã cáo buộc quân đội "muốn tiêu diệt các sắc tộc" qua chiến dịch chống lại người Rohingya. Mục đích của Hội nghị là tìm ra một thỏa hiệp chung cho tất cả các dân tộc có vũ trang hầu có thể tạo lập được một nền hòa bình ổn định cho đất nước.
Tin về Hội nghị được chào đón nồng nhiệt trong dân chúng và trong cộng đoàn Công Giáo thiểu số tại Miến Điện. Tổ chức “Huynh Đệ Kitô Hữu Quốc Tế Thế Giới” (Christian Solidarity Worldwide) tuyên bố trong một thông cáo gửi cho Thông tấn xã Fides: "Chúng tôi xin chính phủ Myanmar cho phép các tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế được cứu trợ dân chúng tại Rakhine và hãy chấm dứt các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở các bang Kachin và Shan; Chúng tôi cực lực phản đối trào lưu chủ nghĩa dân tộc tôn giáo, không dung nhương nhưng gây hận thù đang được thành hình khắp nơi trong đất nước ". (JHZ-PA) (Agenzia Fides, 28/11/2017)

Thanh Quảng sdb

Tường thuật ngày thứ hai chuyến ĐTC viếng thăm Myanmar


Thứ ba 28 tháng 11 là ngày thứ hai ĐTC Phanxicô viếng thăm Myanmar. Trước tiên vào lúc 10 giờ ngài gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo của nước này tại Toà tổng giám mục Yangon. Sau đó ĐTC cử hành thánh lễ riêng, trước khi ra phi trường Yangon đáp máy bay lên thủ đô Nay Pyi Taw (No Pi To). Tiếp đến là cuộc tiếp đón chính thức tại dinh tổng thống cũng như thăm xã giao tổng thống và gặp gỡ bà ngoại trưởng Aung San Suu Kyi. Liền đó ngài gặp gỡ các giới chức chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn cũng tại thủ đô vào lúc 3 giờ rưỡi chiều giờ địa phương.

Sau đây là chi tiết các hoạt động của ĐTC.

Trước tiên tại Toà tổng giám mục Yangon ĐTC đã gặp gỡ các vị lãnh đạo các tôn giáo ở Myanmar. Cuộc gặp gỡ này không có trong chương trình ban đầu. Mười bẩy vị lãnh đạo Phật giáo, Hồi giáo, Do thái giáo, Ấn giáo, Tin lành Baptist, Anh giáo và đại diện Công giáo địa phương đã gặp gỡ ĐTC trong vòng 40 phút.

Sau lời giới thiệu vắn tắt của Đức Cha John Hsane Hgyi, GM công giáo của giáo phận Pathein, mọi người đã trao đổi vắn tắt với nhau, rồi ĐTC lên tiếng bằng tiếng Tây Ban Nha có một Đức Ông thuộc bộ ngoại giao Toà Thánh người Anh gốc Gibraltar là lãnh thổ cạnh Tay Ban Nha, thông dịch lại bằng tiếng Anh cho mọi người.

Đại ý ĐTC nói: trước tiên tôi chân thành cám ơn quý vị đã đến đây. Tôi muốn thăm từng người trong quý vị, nhưng quý vị đã quảng đại đến đây, làm cho công việc của tôi được dễ dàng hơn. Xin cám ơn. Tôi nghĩ đến một lời kinh thánh vịnh, theo đó tất cả chúng ta là anh chị em với nhau, sự hiệp nhất nhưng không phải là sự đồng nhất. Mỗi người chúng ta có giá trị riêng, những phong phú và cả những thiếu sót của mình. Mỗi tôn giáo có những phonog phú, các truyền thống, những điều phong phú để trao tặng. Nhưng điều này chỉ có thể, nếu chúng ta sống an bình với nhau. Và hoà bình được xây dựng trong sự khác biệt, sự hiệp nhất luôn bao hàm sự khác biệt. Một người trong quý vị đã dùng từ “hoà hợp”, đó thực là hòa bình. Chúng ta đang cảm thấy có một xu hướng tiến đến sự đồng nhất, và điều này đang đè nặng trên nhân loại. Đó thực là một thứ thực dân văn hoá. Chúng ta phải trải rộng, phổ biến sự phong phú của chúng ta về những khác biệt bộ tộc, tôn giáo, bình dân, từ những khác biệt đó chúng ta có sự đối thoại. Mỗi người coi nhau như anh chị em giứp đỡ nhau xây dựng đất nước này, là một quốc gia xét về địa lý có biết bao phong phú. Chúng ta có một vị cha chung, chúng ta là anh chị em với nhau, chúng ta thảo luận, tranh luận với nhau như anh em, nhưng rồi chúng ta hoà giải với nhau, luôn luôn muốn là anh chị em với nhau, tôi nghĩ đó là hoà bình.

Một lần nữa xin cám ơn quý vị đã viếng thăm tôi, tôi là người viếng thăm quý vị, cùng nhau chúng ta xây dựng hoà bình, không phải bằng sự thực dân hoá. Chúng ta thực hiện nó qua những khác biệt. Và xin quý vị cho phép tôi đọc lên một kinh nguyện: Lậy Chúa, xin chúc lành và bảo vệ chúng con. Xin để cho ân phúc của Chúa chiếu sáng trên chúng con và ban cho chúng con sự bình an”.

Sau cuộc gặp gỡ chung 17 vị lãnh đạo tôn giáo ĐTC còn gặp riêng vị thủ lãnh phật giáo Sitagu Sayadaw, để đặc biệt khích lệ hoà bình và việc sống chung trong an bình, “như con đường hoà bình duy nhất”.

Sau cuộc gặp gỡ trên đây lúc 11 giờ 15 phút ĐTC đã cử hành Thánh Lễ riêng tại Toà tổng giám mục Yangon, sau đó ngài dùng bữa trưa, rồi đi xe ra phi trường Yangon cách đó 18 cây số rưỡi để đáp máy may đi tới thủ đô Nay Pyi Taw, cách đó 341 cây số.

Máy bay chở ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã tới phi trường quốc tế Nay Pyi Taw sau hơn một giờ bay.

Thủ đô No Pi To có nghĩa là “trụ sở của các vua” nằm bên bờ hồ Shan, cách thủ đô cũ Yangon 320 cây số vế hướng bắc, và là tân thủ đô của Mayanmar từ năm 2005. Thủ đô được xây giữa các ruộng lúa và đồn diền trồng mía có hơn 1 triệu 30 ngàn dân cư . Dinh tổng thống và Quốc hội nằm cách xa nhau và có hào sâu bao quanh, vì lý do phòng vệ an ninh. Tân thủ đô gồm 8 quận trải dải trên một diện tích rộng hơn 7.000 cây số vuông với các dinh thự thuộc các bộ của chính quyền, các trung tâm thương mại và khách sạn. Hệ thống đường lưu thông có tới 20 lằn cho xe chạy và trải dài mút mắt. Trong số các dinh thự quan trọng nhất có chùa Uppatasanti, xây theo mẫu của chùa Shwedagon ở Yangon hồi năm 2009. Trong chùa có giữ một chiếc răng của Đức Phật. Tiếp đến là Quốc hội Myanmar gồm 31 dinh thự, Dinh tổng thống và Toà thị sảnh. Thành phố cũng có một công viên Safari, một vườn bách thú và bốn sân Golf.

Tổng giáo phận Mandalay rộng hơn 212 cây số vuông có 9,7 triệu dân, trong đó có 21.500 giáo dân, gồm 35 giáo xứ do 45 linh mục trông coi. Bên cạnh đó có 26 nữ tu, 28 chủng sinh, 60 tu huynh, 98 thánh viên các dòng nữ. Giáo Hội điều hành 8 cơ sở giáo dục và 22 trung tâm bác ái. ĐTGM Mandalay là ĐC Nicholas Mang Thang.

** Tiếp đón ĐTC tại phi trường No Pi To có bộ trưởng dặc phái của tổng thống. ĐTC đã cùng ông bộ trưởng duyệt qua hàng chào danh dự. Tiếp đến ngài lên xe đến dinh tổng thống cách đó 35 cây số rưỡi.

Dinh tổng thống được xây cất năm 2005 khi chính quyền quyết định rời thủ đô về No Pi To. Dinh nằm trong số 31 dinh thự rất giống nhau dành cho các bộ gọi là Pyidaungsu Hluttaw. Các dinh thự của chính quyền tách biệt hẳn khu dân cư thủ đô, và chung quanh có hào sâu với nhiều cây cầu bắc ngang dẫn vào bên trong. Các cầu rất xa nhau, mục đích là để bảo đảm an ninh cho khu vực của chính quyền khỏi bị tấn công. Bên trong dinh tổng thống có các văn phòng của Uỷ ban hành pháp và nhà ở của tổng thống và các giới chức chính quyền. Chung quanh dinh tổng thống có nhiều vườn rộng rất đẹp. Dinh được xây theo kiểu tân cổ điển, có một cầu thang mầu đỏ rộng. Mặt tiền có nhiều cột mầu trắng với các đầu cột được trang hoàng mạ vàng. Bên trong dinh tổng thống có 100 phòng.

Lễ nghi tiếp đón chính thức diễn ra tại quảng trường trước dinh tổng thống, có hàng chào danh dự. Sau khi ban nhạc cử quốc thiều Vaticăng và Myanmar ĐTC và tổng thống đuyệt qua hàng chào danh dự, và hai bên giới thiệu phái đoàn cho nhau. Tổng thống Myanmar ông Htin Kyaw sinh năm 1946, là con của nhà văn và thi sĩ Min Thu Wun. Ông đã từng theo học tại đại học Yangon, tại Đại học trung ương vi tính, bên Luân Đôn và Trường Liên hiệp vi tính Á châu Nhật Bản. Năm 1975 ông là phó giám đốc Bộ Kỹ nghệ và phân bộ liên lạc kinh tế hải ngoại, và đã là cộng sự viên thân tín của bà Aung San Suu Kyi, và năm 2000 cũng đã bị chính quyền quân phiệt bỏ tù 6 tháng, vì tội đã tháp tùng bà ra khỏi thủ đô Yangon. Sau khi đảng Liên minh quốc gia dân chủ thắng cử năm 2016, ông đã được bầu làm tổng thống Maynmar. Ông có vợ là bà Su Su Lwin, nhưng không có con.

Sau lễ nghi chào đón chính thức ĐTC và tổng thống đã bước vào trong dinh theo sau là phái đoàn của hai bên. ĐTC đã ký tên vào sổ vàng và chụp hình lưu niệm với tổng thống. Sau đó hai vị hội kiến riêng với nhau. Tiếp đến tổng thống giới thiệu phu nhân, và tặng quà lưu niệm. ĐTC đã tặng tổng thống một bức tranh tả lại 7 cảnh trong cuộc đời của Đức Phật. Đây là một thủ bản vẽ trên giấy được cất giữ trong Thư Viện Vaticăng.

Tiếp đến tổng thống tháp tùng ĐTC sang phòng Ngoại giao đoàn, nơi bà ngoại trưởng Aung San Suu Kyi chờ tiếp đón ngài. Bà Aung San Suu Kyi sinh năm 1945 tại thủ đô Yangon và là con của tướng Aung San, thư ký đảng cộng sản Birmania bị các đối thủ chính trị ám sát năm 1947, và bà Khin Kyi đại sứ Birmania bên Ấn Độ hồi thập niên 1960. Bà có tiến sĩ kinh tế, Khoa học chính trị và Triết học tại đại học Oxford năm 1967. Bà học và làm việc tại Liên Hiệp Quốc năm 1969 và thành lập đảng Liên minh quốc gia dân chủ, theo tinh thần bất bạo động của Mahatma Gandhi, và cũng chính vì thế bà bị kết án và quản thúc tại gia từ năm 1989 tới 2010. Năm 1991 bà được giải Nobel Hoà Bình và được trả tự do năm 2010. Năm 2012 đảng của bà chiếm được 1 ghế trong Quốc hội và năm 2015 đảng của bà đã thắng cử. Bà đã từng giư các chức vụ Bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng Điện năng và Năng lượng, Bộ trưởng giáo dục, Bộ trưởng văn phòng tổng thống và ngoại trưởng năm 2016. Năm 2008 bà đã nhận được huy chương danh dự bảo vệ các quyền con người cuả Quốc hội Hoa Kỳ và đã đi lãnh giải Nobel hoà bình tại Oslo năm 2012. Bà goá chồng và có hai con.

** Sau khi hội kiến với bà ngoại trưởng Aung San Suu Kyi ĐTC đi xe đến Trung tâm hội nghị quốc tế cách đó 11 cây số để gặp gỡ các giới chức lãnh đạo chính quyền, xã hội và ngoại giao đoàn.

Trung tâm này tọa lại tại khu vực Zabuthin rộng 16 mẫu, và có diện tích 95 ngàn mét vuông. Thính phòng bên trong có chỗ cho 1.900 người. Trung tâm do Cộng hoà dân chủ Trung hoa xây cất và hoàn thành năm 2010, có các phòng họp, phòng tiếp tân, phòng diễn thuyết, khu vực giải trí. 

Mặt tiền trang hoàng các cột phía sau đó là một bức tường bằng kính trong suốt. Bên ngoài trung tâm hội nghị quốc tế được trang hoàng bằng các vườn hoa và một phông ten nước rất lớn treo cờ nhiều mầu.

Cuộc gặp gỡ diễn ra lúc 5 giờ 15 phút chiều giờ Myanmar. ĐTC được bà ngoại trưởng Aung San Suu Kyi tiếp đón cùng với vài trẻ em mặc y phục truyền thống thuộc nhiều chủng tộc khác nhau. Các em đã tháp tùng ĐTC cho tới khán đài. Lên tới khán đài các em đã chụp hình lưu niệm với ĐTC.

Bà ngoại trưởng Aung San Suu Kyi đã đọc diễn văn chào mừng ĐTC.

Ngỏ lời với hàng lãnh đạo chính trị dân sự và ngoại giao đoàn, ĐTC cám ơn lời mời của chính quyền và HĐGM Myanamar, và bầy tỏ lòng biết ơn tất cả những ai đã liên tục làm việc vất vả để tổ chức chuyến viếng thăm này. ĐTC xác định mục đích chuyến viếng thăm của ngài như sau:

Nhất là tôi đến để cầu nguyện với cộng đoàn công giáo bé nhỏ nhưng sốt mến của quốc gia để củng cố nó trong đức tin và khích lệ nó trong sự góp phần mệt nhọc cho thiện ích của đất nước. Tôi rất vui mừng vì chuyến viếng thăm của tôi được thực hiện sau việc thiết lập các liên lạc ngoại giao giữa Myanmar và Toà Thánh. Tôi muốn coi quyết định này như dấu chỉ dấn thân của quốc gia theo đuổi sự đối thoại và cộng tác xây dựng bên trong cộng đoàn quốc tế to lớn hơn, cũng như của sự canh tân tế bào xã hội dân sự.

** Tôi cũng muốn rằng chuyến viếng thăm của tôi có thể ôm trong vòng tay toàn dân Myanmar và cống hiến một lời khích lệ cho tất cả mọi người đang làm việc để xây dựng một trật tự xã hội công bằng, hoà giải và bao gồm mọi người. Myanmar đã được chúc phúc với một vẻ đẹp ngoại thường và nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhưng kho tàng lớn lao nhất của nó chắc chắn là dân tộc của nó, đã đau khổ và còn đang đau khổ vì các xung đột nội bộ và thù nghịch đã kéo dài quá lâu và đã tạo ra các chia rẽ sâu xa. Bởi vì giờ đây quốc gia dấn thân tái lập hoà bình, chữa lành các vết thương đó, nên nó cần được coi như một ưu tiên chính trị và tinh thần nền tảng. Tôi chỉ có thể bầy tỏ sự trân trọng của tôi đối với các cố gắng của chính quyền trong việc đương đầu với thách đố này, cách đặt biệt qua Hội nghị hoà bình Panglong, quy tụ đại diện của nhiều nhóm trong nỗ lực chấm dứt bạo lực, xây dựng sự tin tưởng và bảo đảm việc tôn trọng các quyền của tất cả những người coi vùng đất này là nhà của mình.

Thật thế, tiến trình xây dựng hoà bình và hoà giải quốc gia cam go chỉ có thể tiến tới qua dấn thân cho công bằng và tôn trọng các quyền con người. Sự khôn ngoan của các hiền nhân đã định nghĩa công bằng như ý chí thừa nhận cho từng người điều phải có cho họ, trong khi các ngôn sứ xưa kia đã coi nó như nền tảng của hoà bình đích thật và lâu bền. Các trực giác được xác nhận bởi kinh nghiệm thê thảm của hai thế chiến, đã đưa tới việc thành lập Liên Hiệp Quốc và Bản tuyên ngôn đại đồng về các quyền con người như nền tảng cho các cố gắng của cộng đồng quốc tế thăng tiến công lý, hoà bình và phát triển nhân bản trên khắp thế giới, và để giải quyết các xung đột qua đối thoại chứ không phải với việc sử dụng sức mạnh. Trong nghĩa này, sự hiện diện của Ngoại giao đoàn giữa chúng ta không chỉ làm chứng cho thế đứng mà Myanmar có giữa các quốc gia, nhưng cũng làm chứng cho dấn thân của quốc gia trong việc duy trì và tuân giữ các nguyên tắc nền tảng này.

Tiếp tục diễn văn ĐTC khẳng định tuơng lai của Myanmar như sau:

Tương lai của Myanmar phải là hoà bình, một nền hoà bình xây dựng trên việc tôn trọng phẩm giá và các quyền lợi của mỗi một thành phần xã hội, trên việc tôn trọng mỗi nhóm chủng tộc và căn tính của nó, trên việc tôn trọng nhà nước pháp quyền và một trật tự dân chủ cho phép mỗi cá nhân và mỗi nhóm – không loại trừ ai – cống hiến phần đóng góp hợp pháp của mình cho công ích.

** Trong việc hoà giải và hoà hợp quốc gia các cộng đoàn tôn giáo của Myanmar có một vai trò đặc ân cần chu toàn. Các khác biệt tôn giáo không được là nguồn gốc cho chia rẽ và không tin tưởng, nhưng phải là một sức mạnh cho sự hiệp nhất, cho sự tha thứ, cho lòng khoan nhượng và việc khôn ngoan xây dựng Quốc gia. Các tôn giáo có thể nắm giữ một vai trò ý nghĩa trong việc chữa lành các vết thương cảm xúc, tinh thần và tâm lý của những người đã khổ đau trong các năm xung khắc. Khi kín múc nơi các giá trị đâm rễ sâu, chúng có thể giúp nhổ tận gốc rễ các lý do của xung đột, xây các cây cầu đối thoại, tìm kiếm công lý và là tiếng nói ngôn sứ cho những kẻ khổ đau. Thật là một dấu chỉ hy vọng lớn lao, khi giới lãnh đạo của các truyền thống tôn giáo khác nhau của quốc gia này đang dấn thân cùng nhau làm việc cho hoà bình, để cứu giúp dân nghèo và giáo dục sống các gia trị tôn giáo và nhân bản đích thật với tinh thần hoà hợp và tôn trọng lẫn nhau. Trong việc tìm kiếm xây dựng một nền văn minh của sự gặp gỡ và liên đới, chúng góp phần vào thiện ích chung, và đặt các nền tảng luân lý cần thiết cho một tuơng lai hy vọng và thịnh vượng cho các thế hệ sẽ đến.

Tương lai đó ngày nay còn ở trong tay của giới trẻ của quốc gia. Các người trẻ là món quà cần yêu thương và khích lệ, một đầu tư sẽ chỉ sinh lời trước các cơ may có việc làm thực sự và một nền giáo dục tốt. Đây là một đòi hỏi cấp thiết của công bằng giữa các thế hệ. Tương lai của Myanmar trong một thế giới tiến triển mau lẹ và liên hệ với nhau, sẽ tuỳ thuộc nơi việc đào tạo người trẻ của mình, không chỉ trong các lãnh vực kỹ thuật, mà nhất là trong các giá trị luân lý đạo đức của sự liêm chính, toàn vẹn, và tình liên đới nhân bản, có thể bảo đảm cho việc củng cố nền dân chủ và lớn lên của sự hiệp nhất và nền hoà bình trên mọi bình diện xã hội. Ngoài ra, sự công bằng giữa các thế hệ cũng đòi buộc rằng các thế hệ tương lai có thể thừa hưởng một môi sinh không bị ô nhiễm bởi lòng tham và cướp bóc của con người. Thật cần thiết rằng các người trẻ của chúng ta không bị đánh cắp niềm hy vọng và khả thể dấn thân lý tưởng và các tài năng của họ trong việc dự phóng tương lai của đất nước họ, còn hơn thế nữa của toàn gia đình nhân loại.

** Thưa bà ngoại trưởng, các bạn thân mến, trong các ngày này tôi ước mong khích lệ các anh chị em công giáo của tôi kiên trì trong đức tin, và tiếp tục diễn tả sứ điệp hoà giải và tình huynh đệ qua các công tác giáo dục và nhân đạo, mà toàn xã hội được hưởng. Và niềm hy vọng của tôi đó là trong việc cộng tác trân trọng tín hữu các tôn giáo khác và với mọi người thiện chí, họ góp phần mở ra một kỷ nguyên mới của hoà hợp và tiến bộ cho các dân tộc của quốc gia yêu quý này. Myanmar muôn năm! Tôi xin cám ơn quý vị vì sự chú ý và với các lời cầu chúc tốt đẹp nhất cho việc phục vụ của quý vị cho công ích, tôi khẩn nài trên tất cả quý vị các phúc lành của Thiên Chúa, sự khôn ngoan, sức mạnh và hoà bình.

Sau buổi gặp gỡ bà ngoại trưởng đã tháp tùng ĐTC ra xe đi phi trường No Pi To cách đó 20 cây số. Máy bay chở ĐTC đã rời phi trường lúc 6 giờ 20 phút và về đến phi trường Yangon sau hơn một giờ bay. Từ phi trường ĐTC đã đi xe về Toà Tổng Giám Mục dùng bữa tối và nghỉ qua đêm .

Thư tư 29 tháng 11 hôm nay ĐTC có ba sinh hoạt chính. Lúc 8 giờ rưỡi sáng ngài chủ sự Thánh Lễ cho tín hữu tại trung tâm thể thao thể dục Kyaikhasan. Đây là vùng đất rộng 60 mẫu nơi có bộ thể thao và bao gồm nhiều bộ môn thể thao thể dục khác nhau, gồm cả trường đua ngựa. Từ thập niên 1960 cho tới nay đây cũng là nơi tổ chức các lễ hội như Ngày hiệp nhất, Ngày của giới nông dân, Ngày lao động vv… Năm 1992 trường đua ngựa cũ được biến thành Học viện thể thao thể dục. Vùng đất này có thể chứa được 250.000 người.

Vào ban chiều ĐTC đến trung tâm Kaba Aye để gặp gỡ Hội đồng tối cao Sangha của các nhà sư Phật giáo. Sau cùng là buổi gặp gỡ các Giám Mục Myanmar tại toà tổng giám mục Yangon.

Trần Đức Anh Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Myanmar: Yangon hân hoan chào đón Đức Thánh Cha với rừng biểu ngữ ‘Hòa giải - Tha thứ - Bình an’


Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Myanmar: 
Yangon hân hoan chào đón Đức Thánh Cha 
với rừng biểu ngữ ‘Hòa giải - Tha thứ - Bình an’
Nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân Việt Nam sang Myanmar chào đón Đức Thánh Cha

WHĐ (28.11.2017) – Sau hành trình 10 tiếng đồng hồ từ Roma, phi cơ chở Đức Thánh Cha Phanxicô đã đáp xuống sân bay quốc tế Yangon của Myanmar lúc 13g30 (giờ địa phương).
Đón Đức Thánh Cha tại sân bay, có đoàn đại biểu cấp nhà nước Myamar, hàng giáo phẩm Myanmar và hàng vạn tín hữu, người dân tại Yangon và từ nhiều bang khác của Myanmar.
Bài viết của tờ Myanmar Times đã chọn nhan đề “Đức giáo hoàng chọn đi chiếc xe khiêm nhường giữa tiếng hoan hô của đám đông đầy màu sắc”, nêu lên cảm xúc khi chứng kiến cuộc đón tiếp Đức Thánh Cha của thành phố Yangon và thấy ngài sử dụng chiếc xe Toyota thông dụng để di chuyển tại Yangon.

Từ sân bay Yangon, Đức Thánh Cha Phanxicô về Tòa Tổng giám mục Yangon. Tại đây, theo chương trình được sửa đổi ngay trước chuyến tông du, buổi chiều ngày đầu tiên tại Myanmar, ngài sẽ tiếp kiến Tướng Min Aung Hlaing, một nhân vật rất có thế lực trong giới chính trị Myanmar.
Được biết, nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân Việt Nam sang Myanmar chào đón Đức Thánh Cha. Trong đó, có các vị chủ chăn các giáo phận: Hà Nội, Thái Bình, Mỹ Tho, Bà Rịa.

Đức Thánh Cha qui định thủ tục cứu xét vắn tắt giải hôn phối

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 25-11-2017 dành cho các tham dự viên khóa học do Tòa Thượng Thẩm Rota tổ chức, ĐTC qui định thủ tục vắn tắt ”giải” hôn phối do Giám mục Giáo phận thi hành.

Trong tự sắc công bố ngày 8-9-2015 với tựa đề ”Chúa Giêsu là thẩm phán hiền từ” (Mitis Iudex Dominus Iesus) đơn giản hóa thủ tục cứu xét tuyên bố hôn nhân vô hiệu, ĐTC đã qui định một thủ tục cứu xét vắn tắt (processo breviore) trong trường hợp sự vô hiệu của hôn phối được chứng tỏ bằng những lý lẽ thật là tỏ tường. Trong trường hợp này, ĐGM ban sắc lệnh tuyên bố hôn nhân đó là vô hiệu. ĐTC viết:

”Tôi cũng biết một phán quyết thu vắn có thể gặp nguy cơ làm thương tổn tính chất bất khả phân ly của hôn phối; chính vì thế tôi đã muốn việc xét xử, cứu xét như thế do chính GM làm thẩm phán. Do chức vụ mục tử hiệp thông, ngài cùng với Phêrô là người bảo đảm lớn nhất sự hiệp nhất của Công Giáo trong đức tin và kỷ luật.”

Trong buổi tiếp kiến, sau khi nhắc nhở các tham dự viên khóa học về đặc tính ”công nghị” của các thủ tục mới do ngài ban hành, như kết quả của Thượng HĐGM thế giới về gia đình, nhắm củng cố gia đình, nhưng đồng thời cũng chứng tỏ lòng thương xót đối với những người đau khổ vì hôn nhân thất bại, mang lại cho họ sự an ủi mục vụ, ĐTC, trong tư cách là GM Roma và là người kế vị Thánh Phêrô, đặc biệt xác định một số khía cạnh cơ bản liên quan đến vai trò của Giám Mục giáo phận, với tư cách là thẩm phán, trong thủ tục ngắn giải hôn phối. Ngài liệt kê 9 điểm:

1. Giám mục giáo phận, do chức vụ chủ chăn, là thẩm phán đích thân và duy nhất trong thủ tục cứu xét vắn tắt.

2. Vì thế vai trò của Giám mục-giáo phận-phẩm phán là điều chủ yếu, là nguyên lý cấu thành và là yếu tố nổi bật của toàn thể thủ tục vắn tắt được Tự Sắc ấn định.

3. Trong thủ tục vắn tắt, cần có hai điều kiện không thể tách rời nhau để có hiệu lực (ad validitatem): chức giám mục và là thủ lãnh một cộng đoàn giáo phận của các tín hữu (Xc GL 381,2). Nếu thiếu một trong hai điều kiện ấy thì không thể có thủ tục cứu xét vắn tắt. Nếu thiếu như thế, thì đơn xin phải được cứu xét theo thủ tục bình thường.

4. Thẩm quyền riêng và đích thân của Giám mục giáo phận, trong các tiêu chuẩn cơ bản của thủ tục vắn tắt, là điều thăm chiếu trực tiếp Giáo Hội học của Công đồng chung Vatican 2, nhắc cho chúng ta rằng chỉ Giám Mục, do việc chịu chức, có trọn vẹn quyền bính, và sự trọn vẹn này trở thành hiện thực qua giáo vụ (missio canonica) được trao phó.

5. Thủ tục vắn tắt không phải là một chọn lựa mà Giám mục giáo phận có thể tùy tiện chọn, nhưng là một nghĩa vụ bắt buộc của ngài do việc chịu chức và do giáo vụ đã nhận lãnh. Chỉ có ngài mới có thẩm quyền trong 3 giai đoạn của thủ tục vắn tắt:

- Đơn xin luôn luôn phải đệ lên Giám mục giáo phận

- Việc điều tra: (..) Giám mục thực hiện cuộc điều tra ”luôn luôn có sự trợ giúp của vị Đại diện tư pháp hoặc của một người điều tra khác, kể cả giáo dân, của người trợ giúp, và luôn luôn có sự hiện diện của vị bảo hệ (difensore del vincolo). Nếu Giám Mục không có giáo sĩ hoặc giáo dân chuyên về giáo luật trợ giúp, thì đức bác ái, vốn là điều nổi bật trong chức vụ Giám Mục, của một GM lân cận có thể giúp ngài trong thời gian cần thiết. Ngoài ra, tôi nhắc lại rằng thủ tục vắn tắt thường phải được kết thúc trong một phiên cứu xét mà thôi, trong đó phải có điều kiện không thể thiếu được, đó là sự hiển nhiên của các sự kiện chứng tỏ hôn phối vô hiệu, và kiểm điểm sự đồng ý kết hôn của họ.

- Quyết định: luôn luôn và chỉ Giám mục giáo phận mới có thể tuyên bố phán quyết trước mặt Chúa.

6. Việc ủy thác toàn bộ thủ tục vắn tắt cho tòa án liên giáo phận (là tòa án lân cận, hoặc tòa án của nhiều giáo phận) có thể làm biến thái và biến Giám Mục là người cha, thủ lãnh và thẩm phán của các tín hữu thuộc quyền, thành một người chỉ ký phán quyết mà thôi.

7. Lòng thương xót, một trong những tiêu chuẩn cơ bản đảm bảo phần rỗi, đòi Giám mục giáo phận phải thực hiện sớm bao nhiêu có thể thủ tục vắn tắt; trong trường hợp ngài thấy chưa sẵn sàng trong lúc này để thực hiện, thì phải đưa vụ này ra cứu xét theo thủ tục bình thường, thủ tục này cần phải được tiến hành với sự ân cần cần thiết.

8. Sự gần gũi và miễn phí, như tôi đã nhiều lần lập lại, là hai hạt ngọc trai mà những người nghèo đang cần, những người nghèo mà Giáo Hội yêu thương trên mọi sự.

9. Về thẩm quyền của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh hoặc của GGM được chỉ định trong khoản giáo luật mới 1687, trong trường hợp khiếu nại chống lại phán quyết thuận trong thủ tục vắn tắt, điều được xác định là: luật mới ban cho vị Niên Trưởng tòa Thượng Thẩm Rota quyền quyết định mới và vì thế đó là quyền cốt yếu về việc bác bỏ hoặc chấp nhận việc khiếu nại.

“Để kết luận, tôi muốn tái khẳng định rõ ràng rằng điều đó xảy ra mà không cần xin phép của một thẩm quyền cấp cao hơn, tức là Tối Cao Pháp Viện của Tòa Thánh” (Rei 25-11-2017)

LM. Trần Đức Anh OP

Hàng trăm di tích khảo cổ Kitô giáo ở Iraq có nguy cơ bị biến mất

Một di tích khảo cổ ở Iraq - AFP

Baghdad – Hàng trăm di tích khảo cổ Kitô giáo ở các miền Kerbala và Najaf, Iraq, đang dần xuống cấp và có nguy cơ biến mất hoàn toàn vì không được chăm sóc, vì sự dửng dưng và thiếu khả năng của chính quyền trung ương Baghdad.

Nghị viên Yonadam Kanna, lãnh đạo phong trào Dân chủ Assiri đã cảnh giác về tình cảnh trên, ông cũng tố cáo cuộc tấn công mới vào gia sản nghệ thuật, lịch sử và văn hóa của cộng đồng người Iraq.

Ông Kanna phê bình bộ trưởng Văn hóa và Du lịch đã không làm gì để cứu 400 di tích khảo cổ bị hư hại. Ông nói thêm rằng các trung tâm này được xem như “trung tâm Kitô giáo của vùng Trung đông và hiện nay chúng có nguy cơ biến mất. Ông kêu gọi cơ quan hữu trách gia tăng cộng tác với các thành phần quan tâm để gìn giữ gia sản Kitô giáo trong các tỉnh này.

Đáp lại lời kêu gọi của ông Kanna, phó tổng thư ký bộ Văn hóa và Du lịch nói rằng họ không được chu cấp tài chính đủ để duy trì các di tích. Các du tích này cần được sự bảo vệ của lực lượng quân sự bên cạnh những hàng rào bình thường bảo vệ khỏi sự phá hủy. Trước đây, Đức Thượng phụ Công giáo Canđê Louis Raphael Sako cũng đã kêu gọi bảo vệ gia sản văn hóa của Iraq, chứ không chỉ của Kitô giáo.

Trong khi đó, chính phủ Iraq đã tái khởi động cuộc chiến chống buôn lậu các hiện vật và cổ vật, một trong những nguồn sinh kế chính, bên cạnh dầu khí, được các chiến binh IS dùng để chu cấp cho sự tồn tại của họ. (Asia News 28/11/2017)

Hồng Thủy

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

Các nhà thờ của chúng ta không phải là các siêu thị


Nhìn thấy, phục vụ, và vô vị lợi. Đó là ba điều trọng tâm mà Đức Thánh Cha chia sẻ trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Bài đọc một trích sách Macabê kể về những người anh em ra sức bảo vệ sự thánh thiêng của Đền Thờ trước những kẻ ngoại giáo. Thứ đến, bài Tin Mừng theo thánh Luca kể về việc Chúa đánh đuổi các con buôn để thanh tẩy Đền Thờ.

Nhìn thấy đền thờ nội tâm

Chúng ta có thể làm gì để thanh tẩy Đền Thờ của Thiên Chúa? Chúng ta có thể làm điều ấy bằng việc nhìn thấy, bằng việc phục vụ và với tinh thần vô vị lợi. Đền Thờ quan trọng nhất là chính tâm hồn mỗi người chúng ta. Đó là nơi Chúa Thánh Thần cư ngụ. Thế nhưng, điều gì đang xảy ra trong tâm hồn mỗi người?

Chúng ta cần học cách nhìn xem, nhìn thấy trong nội tâm mình, để biết được rằng, đền thờ cõi lòng mình có chỗ dành cho Chúa Thánh Thần hay không? Cần thanh tẩy đền thờ, đền thờ nội tâm, và cần nhìn thấy trong nội tâm mình. Bạn hãy chú ý, hãy chú tâm xem: điều gì đang xảy ra đang diễn ra trong tâm hồn bạn? Ai đến, ai đi… Bạn có những cảm nhận gì, bạn có những ý tưởng gì? Bạn có nói chuyện với Chúa Thánh Thần không? Bạn có lắng nghe Chúa Thánh Thần không? Hãy nhìn xem, hãy nhìn kỹ và hãy nhìn thấy. Hãy chú tâm, hãy tỉnh thức về những gì đang diễn ra, đang chuyển động trong đền thờ là cõi lòng mỗi người chúng ta.

Phục vụ người nghèo khó

Chúa Giêsu, trong cách thế đặc biệt, Chúa hiện diện nơi những ai đau bệnh, những ai sầu khổ, những ai đói khát, những ai đang chịu cảnh tù đày.

Tôi tự hỏi lòng mình rằng: Tôi có biết gìn giữ đền thờ nội tâm không? Tôi có biết cách chăm sóc đền thờ ấy bằng đời sống phục vụ của tôi không? Tôi có gần gũi giúp đỡ, an ủi những người sầu muộn, những người đói rách, những người đang cần trợ giúp không? Thánh Gioan Christomo đã trách mắng những người chỉ biết lo làm đẹp và tô điểm những đền thờ vật chất, mà không biết chăm sóc người nghèo. Thánh nhân nói với những người ấy rằng: Không, như thế là không tốt chút nào. Chúng ta cần gần gũi để giúp đỡ, để phục vụ những ai đang cần được trợ giúp. Chúng ta cần làm như thế như Chúa Giêsu đã làm, và ở nơi những con người ấy có Chúa đang ở đó.

Tinh thần vô vị lợi

Điều thứ ba chính là tính vô vị lợi. Đã bao lần sự buồn bã xâm chiếm đền thờ tâm hồn chúng ta. Chúng ta nghĩ về một giáo xứ, nghĩ về một tòa giám mục, tôi không biết… Chúng ta nghĩ… Thế mà chúng ta không nghĩ xem, chính chúng ta đang ở trong Nhà Chúa hay lại đang ở trong một siêu thị. Bởi lẽ ở nơi siêu thị, nơi chợ búa, có chuỗi danh sách về giá tiền phải trả để nhận các bí tích. Bạn đừng quên rằng, các bí tích là vô giá, các bí tích là vô vị lợi, là nhưng không. Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta một cách vô vị lợi, một cách nhưng không, chứ không phải chuyện trả giá bạc tiền chi cả.

Nhưng mà có người sẽ nói rằng: cũng cần có tiền để xây dựng chứ, cũng cần có tiền để giúp đỡ các linh mục chứ... v.v. Và tôi sẽ đáp lại họ rằng: “Phần bạn, bạn hãy phục vụ, hãy trao đi một cách nhưng không, một cách vô vị lợi, phần còn lại Chúa sẽ lo Chúa sẽ làm. Bạn đừng quên điều ấy, đừng quên rằng Chúa sẽ làm.” Các nhà thờ của chúng ta phải là các nhà thờ dành cho việc phục vụ, dành cho đời phục vụ, phục vụ một cách nhưng không.


Tứ Quyết SJ

Uỷ ban Giáo dân: Gặp gỡ các Linh mục Trưởng ban Giáo dân của hai Giáo tỉnh Huế và Hà Nội (lần thứ hai)




UỶ BAN GIÁO DÂN – Trong hai ngày 21 và 23/11/2017, Đức cha chủ tịch Uỷ ban Giáo dân (UBGD) trực thuộc Hội đồng Gián mục Việt Nam (HĐGMVN) Giuse Trần Văn Toản tiếp tục thực hiện hai cuộc gặp gỡ quý cha Trưởng ban Giáo dân, và anh chị em giáo dân đại diện của hai giáo tỉnh Huế và Hà Nội.

Cuộc gặp gỡ lần thứ hai này có sự hiện diện đầy đủ các cha Trưởng ban Giáo dân và anh chị em đại diện của các giáo phận (trừ giáo phận Nha Trang đang tĩnh tâm năm và giáo phận Lạng Sơn không tham dự).

Trong cuộc gặp gỡ này, Đức cha chủ tịch thông tin đến quý cha Trưởng ban và anh chị em giáo dân những hướng dẫn của HĐGMVN cho UBGD, và hoạch định chương trình thực hiện các hưỡng dẫn của HĐGMVN dành cho UBGD. Song song đó, Đức cha chủ tịch và quý cha Trưởng ban của các giáo phận cùng nhau lên chương trình sinh hoạt của UBGD trong năm 2018 và hoàn tất việc bầu Ban Điều hành và thành lập Nhóm Nghiên huấn, với mong ước bước sang năm 2018, Nhóm Nghiên huấn sẽ bắt đầu thực hiện công việc của nhóm là soạn các bài huấn đức hẳng tháng như một tài liệu để giúp các cha xứ (tùy nghi sử dụng) huấn đức cho Hội đồng mục vụ giáo xứ hoặc Ban Hành giáo.

Giáo Tỉnh Huế



Giáo Tỉnh Hà Nội




UB Giáo dân / HĐGMVN

Khi những điều bình thường trở thành lạ lẫm

Trong quan niệm thông thường, người ta đánh giá một cử chỉ, một sự việc là “lạ” khi chưa biết rõ nguồn gốc, hay vì nó không tuân theo quy luật thông thường. Một người “lạ” là người không biết từ đâu đến, hoặc không ai quen biết. Một hiện tượng “lạ” là điều xảy ra không theo quy luật tự nhiên, hoặc không mấy khi được chứng kiến. Một thái độ “lạ” là cử chỉ bất thường, không giống ai trong đối nhân xử thế. Cũng thế, một sự kiện được cho là “hiếm” nghĩa là ít khi xảy ra, gây ngạc nhiên nơi những người chứng kiến. Những đồ vật hay chất liệu được coi là “hiếm” thường là rất quý, rất đắt đỏ và được nhiều người săn tìm.
Trong xã hội của chúng ta hôm nay, những điều xem ra rất bình dị thông thường, lại được đánh giá là “lạ”. Những cử chỉ lễ phép là nội dung giáo dục truyền thống dành cho trẻ em từ thuở chập chững, nay được coi là “hiếm”. Thì ra, trong một xã hội kinh tế và kỹ nghệ càng càng phát triển, thì những điều nền tảng cho nền đạo đức và giao tế trong xã hội có nguy cơ bị lãng quên.
Còn nhớ, cách nay không lâu, một bác xích lô ở Hà Nội dừng xe để dẫn một cụ già qua đường đang đông xe cộ. Hành động này được mọi người coi là “hiện tượng lạ”.
Cách nay chừng hai tháng, hình ảnh học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong (Tp HCM) khoanh tay chào bác bảo vệ trường, được rất nhiều người “like” trên mạng và cũng coi là một hiện tượng hiếm (Bài đăng trên báo điện tử ZING 30-9-2017).
Thế rồi, cư dân mạng lại được thể bàn tán và “sốt xình xịch” với hình ảnh nhân viên cây xăng của Nhật đứng dưới mưa cúi đầu chào khách.
Có người cắt nghĩa vui và so sánh thị hiếu của con người thời hiện đại đối với các loại thực phẩm. Ngày xưa, khi còn khó khăn nghèo đói, có những món ăn ở miền quê đã trở thành chán ngắt và rẻ tiền, nhưng mọi người vẫn phải ăn vì không có chọn lựa nào khác. Trong thời phát triển ngày nay, những món ăn đậm chất hương đồng gió nội lại trở thành đặc sản đắt giá và được nhiều người ưa thích săn lùng. Sau khi người ta đã chán với cao lương mỹ vị, người ta tìm về với món ăn dân dã quê mùa, thưởng thức những món ăn xưa kia chỉ thuộc về nhà nghèo như châu chấu, chuột, sâu bọ, ngô, khoai…
Trong kho tàng văn chương truyền thống của dân Việt chúng ta, những giáo dục về lòng hiếu thảo, về lời chào và lễ phép rất phong phú. Những ý tưởng đơn sơ mà rất cụ thể, đã trở thành lời ru của mẹ bên nôi, như những lời khuyên nhủ và những giáo huấn đầu tiên giúp trẻ hình thành nhân cách, làm nên vốn hành trang vào đời:
* Một chào, hai dạ, ba thưa
Tưởng chừng là dễ, mấy ai tận tường.
* Ai cho ai biếu của gì
Tay thì cấm lấy, miệng thì cám ơn.
* “Lời chào cao hơn mâm cỗ, tiếng mời thơm hơn mùi rượu”.
Tháng 3-2016, Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam đã phát động phong trào thực hiện văn hóa ứng xử và đề nghị nhân viên của ngành học “4 xin và 4 luôn”. Thoạt nghe có vẻ ghê gớm, nhưng thực ra cũng chỉ là những điều đáng lẽ phải học từ lớp mẫu giáo. Bốn xin là: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép. Bốn luôn là: Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ. Những lần đi ngang qua các trạm thu phí đường bộ, còn thấy những dòng chữ này được ghi trên tấm biển, nhưng không rõ sau hơn một năm phát động, kết quả của phong trào này đi đến đâu. Bởi lẽ trong thực tế, nhiều nơi và nhiều lúc, “4 xin và 4 luôn” vẫn dừng lại ở những công thức vô hồn mà ít được áp dụng. Thực ra, nụ cười, lời cám ơn và sự thân thiện không chỉ được áp dụng theo công thức chiếu lệ hay theo lệnh của cấp trên, nhưng nó phải phát xuất từ tấm lòng. Một vài cửa hàng kinh doanh, muốn cải cách và áp dụng phong cách tiếp thị nước ngoài, nên huấn luyện cho nhân viên của mình có một công thức chào khách giống nhau. Vì chỉ là công thức, cho nên lời chào và lời cám ơn đã khiến khách giật mình. Lời chào đáng lẽ thể hiện sự thân thiện, lại trở thành hài hước và vô duyên.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng quên lãng và coi nhẹ những cử chỉ lễ phép, hiếu thảo trong giao tế đời thường. Trong thời bao cấp và thời “mậu dịch quốc doanh”, sự lễ phép, lời chào hoặc lời cám ơn bị coi như những “tàn dư của thời phong kiến” và bị tẩy chay. Ngày nay cũng vậy, người ta mải chạy theo tham vọng làm giàu, mà quên các tiêu chí đạo đức và văn hóa ứng xử hằng ngày. Nhiều người sống ở nước ngoài, khi về Việt Nam, muốn tỏ ra mình đã “Tây hóa” hoặc “Mỹ hóa”, nên cách ứng xử, ăn mặc nói năng không còn mang nét truyền thống văn hóa Việt Nam. Nhiều người lại tự hào và cho mình là người của thời hiện đại. Đàng khác, dư luận quần chúng cũng dễ dàng chấp nhận một quan niệm sống sơ sài, đôi khi đi ngược với quan niệm truyền thống.
Cũng phải kể đến trách nhiệm của và trường học, là sự nghiệp “trồng người”. Nhiều khi ngành giáo dục mải chạy theo thành tích hoặc những tiêu chí được khen thưởng, hơn là chất lượng giáo dục. Điều này đã được đề cập quá nhiều trên báo chí. Vì coi thành tích là tiêu chí chính yếu, nên chất lượng bị quên lãng. Hậu quả là có em học sinh lớp 7 mà không viết nổi tên mình. Trường hợp này không phải hư cấu, mà được Bộ Giáo dục - Đào tạo khẳng định đây là thông tin đúng sự thật tại trường Trung học cơ sở A Dơi, Quảng Trị (Bài đăng trên báo điện tử ZING 13-4-2015). Dòng chữ “Tiên học lễ, hậu học văn” của giáo dục truyền thống vẫn được đắp nổi trước cửa các trường học, nhưng nhiều khi, đó chỉ là những khẩu hiệu chiếu lệ. Hậu quả là học sinh hành hung giáo viên, học sinh đánh nhau rồi quay video clip phát tán trên mạng trước sự dửng dưng, thậm chí cổ vũ của bạn bè.
Đào tạo cho thế hệ tương lai về đạo đức nhân bản là trách nhiệm của các bậc phụ huynh, các cộng đoàn giáo xứ và của toàn thể xã hội. Kinh nghiệm thực tế đã chứng minh, học sinh mà biết chào bác bảo vệ, thì trường đó sẽ không có bạo lực, con cái biết nói lời cám ơn, gia đình sẽ hòa thuận; trẻ em ra đường biết chào người lớn, xóm làng sẽ an vui. Cộng đồng trách nhiệm từ phụ huynh tới nhà trường, từ xã hội đến Giáo Hội, sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta phát triển toàn diện và bền vững.
Hải Phòng, tháng 11 năm 2017

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Tín hữu Myanmar đi 3 ngày 2 đêm để nhìn thấy Đức Giáo hoàng


Yangon – “Chúng tôi mệt nhừ, nhưng chúng tôi sẽ được đền bù bằng việc nhìn thấy Đức Thánh Cha. Nhìn thấy ngài, đối với chúng tôi, như là nhìn thấy gương mặt của Chúa Giêsu. Đây là một ơn phúc và chúc lành.” Đó là lời của một số phụ nữ trong nhóm 200 khách hành hương đã đi xe lửa 3 ngày 2 đêm từ bang Kachin đến Yangon, Myanmar, tham dự cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài đến thăm Myanmar vào tuần tới.

Sáng nay, 24/11, sau hành trình dài 3 ngày 2 đêm, nhóm 200 khách hành hương này đã đến giáo xứ thành Phanxicô Assisi ở Yangon. Tất cả họ đều thuộc sắc dân Kachin, là sắc tộc có số Kitô hữu đông nhất ở Myanmar, đến từ miền cực bắc của đất nước, nơi bị tàn phá tan hoang vì cuộc xung đột giữa quân đội sắc tộc và quân đội chính phủ. Nhóm khách hành hương này mang theo lời cầu nguyện và đau khổ của tất cả những người Kachin mà vì lý do kinh tế và an ninh không thể tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành vào ngày 29/11 tới đây.

Dù thật khó khăn để đến được Yangon, nhưng các tín hữu hành hương vẫn tỏ rõ niềm vui của họ. Cụ Petru Longgam, 83 tuổi nói: “Những người Kachinh chúng tôi như thế, chúng tôi thích nói chuyện, chúng tôi là những người cởi mở. Lần đầu tiên kể từ khi chúng tôi theo đạo, chúng tôi sẽ có thể nhìn thấy một đức giáo hoàng. Thật là không tin nổi!”

Ngày mai giáo xứ thánh Phanxicô sẽ đón tiếp một nhóm 500 tín hữu hành hương khác và ngày sau nữa, một nhóm 700. Giáo xứ này cũng như các giáo xứ ở Yangon, cộng tác với Hội đồng giám mục để trợ giúp tất cả khách hành hương. Mỗi giáo xứ muốn đóng góp phần của mình. Có các tình nguyện viên chăm lo cho khách hành hương. Có những người lo ăn uống, tắm giặt, ghi danh, vv.

Cha xứ Jacob chia sẻ về thời điểm này: “Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là một phép lạ. Mọi người vui vẻ giúp đỡ nhau, nó là một ngày hội tuyệt vời. Sự kiện này khuyến khích củng cố đức tin và tình yêu. Giáo xứ chúng tôi có 1300 tín hữu và sẽ đón tiếp số khách hành hương tương tự. Tất cả vui vẻ đón tiếp họ, cả người Hồi giáo và Phật giáo sống ở đây cũng thế. Đây là dấu chỉ rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha có thể là thời khắc đối thoại và có thể đóng góp cho tiến trình hòa giải quốc gia. Niềm tin Công giáo liên kết, chứ không chia rẽ. Tôi là một ví dụ: tôi thuộc sắc tộc Kharen, cha tôi là Phật tử còn mẹ là Công giáo.” (Asia News 24/11/2017)

Hồng Thủy

Giáo xứ An Lạc: Thánh lễ Tạ ơn 60 năm thành lập

WGPSG -- “Quy tụ nhau trong nhà Thiên Chúa, để chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa vì 60 năm giáo xứ An Lạc đã được thành lập. Trong 60 năm qua, khi vui cũng như lúc buồn, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, đoàn chiên luôn có Chúa ở cùng trong ngôi nhà thờ này...”. Đây là lời chia sẻ của cha chánh xứ Tôma Trần Văn Hội trong phần đầu bài giảng Thánh lễ Tạ ơn, kỷ niệm 60 năm thành lập giáo xứ An Lạc (1957-2017). 
Thánh lễ diễn ra vào lúc 17g00 thứ Bảy, ngày 25.11.2017, do cha chánh xứ Tôma Trần Văn Hội chủ sự. Đồng tế với ngài có cha Giuse Nguyễn Đức Quang, chánh xứ Nghĩa Hòa, hạt Trưởng hạt Chí Hòa; cha Anphongsô Hoàng Ngọc Bao, chánh xứ Bắc Hà; cha Giuse Maria, Hạt trưởng hạt Xóm Chiếu và quý cha khách.
Đến hiệp dâng Thánh lễ còn có quý tu sĩ, quý khách xa gần, cùng đông đảo cộng đoàn giáo xứ An Lạc, ngồi chật kín khuôn viên nhà thờ.
Nối tiếp tâm tình tạ ơn, trong bài giảng Tin Mừng, Cha chủ sự đã nói lên tâm tình tạ ơn qua phép lạ Chúa chữa lành bệnh cho 10 người bệnh phong nhưng chỉ có một người quay lại tạ ơn Thiên Chúa. Ngài chia sẻ: Ông bà anh chị em cũng như tôi hiện diện nơi đây, nói lên chúng ta là nhóm thứ hai trong số mười người biết ơn Chúa. Mười người được Chúa ban ơn, được Chúa chữa lành bệnh tật, xin với Chúa, vì Chúa thương... Mười người đó thì chia làm 2 nhóm, và 2 nhóm này thì chúng ta ở trong nhóm thứ 2, đó là chúng ta biết ơn Chúa… Chúng ta được mời gọi đến đây để dâng Thánh lễ Tạ ơn. Tạ ơn Chúa vì 60 năm thành lập giáo xứ. Tạ ơn Chúa 44 năm, ngôi nhà thờ hiện tại đây, nơi Chúa ở giữa dân Ngài, là ngôi nhà thờ thứ 3 trong hành trình 60 năm của giáo xứ.
60 năm một chặng đường in dấu biết bao công sức của các vị mục tử đã chăm sóc và xây dựng cơ sở vật chất cho sinh hoạt của giáo xứ, theo dòng thời gian từ Cha cố Gioan Baotixita Trần Ngũ Nhạc (1957 -1975), Cha cố Gioan Baotixita Trần Minh Thực (1975-1982), Cha Anphongsô Hoàng Ngọc Bao (1982- 1993), Cha cố Vinh Sơn Ngô Minh Tân (1993- 1995), Cha Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh (1995 - 2011) và hiện nay là Cha Tôma Trần Văn Hội (2011 - …). Bên cạnh đó, còn rất nhiều linh mục phụ tá, quý tu sĩ, các thành phần dân Chúa, từ thế hệ này sang thế hệ khác đã góp phần để hình thành và làm nên cộng đoàn giáo xứ An Lạc ngày một ngày phát triển tốt đẹp, như chia sẻ của cha chánh xứ: “Sáu mươi năm qua, Chúa đã giúp đỡ cho ngôi nhà thờ này từ Cha già cố Gioan Baotixita Trần Ngũ Nhạc, cho đến ngày nay, những ai cùng cộng tác, góp công góp của, kể cả các bà góa của ít lòng nhiều nhưng nói lên lòng yêu mến Chúa, biết lo cho nhà Chúa”.
Nhân dịp này, cha chánh xứ cũng không quên tri ân các vị mục tử, quý ông bà giáo xứ An Lạc, các nhà hảo tâm, các vị ân nhân đã góp công, góp sức dựng xây giáo xứ An Lạc ngày một khang trang. Ngài thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, nếu Chúa thương Vua Đa Vít, vì ông biết lo cho nhà của Chúa, thì xin Chúa thương đến bao nhiêu nhà hảo tâm, các vị ân nhân, và đoàn chiên Chúa nơi đây. Bốn mươi bốn năm, ngôi nhà thờ này được xây dựng, rồi bao nhiêu hư hỏng theo thời cuộc và thời gian, hư đến đâu dân Chúa sửa đến đó, chỗ nào hoen ố, bị thời gian làm lu mờ vẻ nguy nga tráng lệ thì dân Chúa góp lại tô điểm”.
Trước khi nhận phép lành cuối lễ, vị đại diện Hội đồng Mục vụ Giáo xứ đã có lời cảm ơn và tặng hoa cho quý cha.
Thánh lễ kết thúc lúc 18g30. Mọi người ra về trong hân hoan, vì đã tham dự Thánh lễ thật sốt sắng và đầy tràn niềm vui được Chúa chúc phúc. Mong sao mọi thành phần dân Chúa giáo xứ An Lạc luôn sống tâm tình biết ơn, như chia sẻ của cha chánh xứ: “Chúa cảm thấy hài lòng vì Chúa thấy con cái Chúa khi nhận được ơn Chúa đều biết Ơn Chúa. Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa nhận lời cảm tạ của chúng con và ban ơn muôn ơn phúc cho chúng con hôm nay và mãi mãi”.
GX. AN LẠC: KN 60 NĂM THÀNH LẬP GIÁO XỨ

Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

Tin Mừng Chúa nhật XXXIV thường niên - Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ

suy-niem-chu-giai-loi-chua-chua-nhat-34-tn-a-le-duc-giesu-kito-vua-vu-tru-lm-inhaxio-ho-thong

PHÚC ÂM: Mt 25, 31-46
"Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người, và sẽ phân chia họ ra".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái. "Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: "Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta". "Khi ấy người lành đáp lại rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?" Vua đáp lại: "Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta". "Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: "Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!" "Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: "Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?" Khi ấy Người đáp lại: "Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta". Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu".

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

Tản Mạn Đời Tha Hương: Sống Tinh Thần Tử Đạo


Ai mà quên được ngày hân hoan khôn xiết 19 tháng 6 năm 1988, tại giáo đô La Mã : Ngàn vạn người kéo về cùng nhau tay bắt mặt mừng và bảo nhau : Hôm nay chúng ta vui mừng vì các thánh tử đạo VN, cha ông chúng ta được tôn vinh qua việc phong thánh. 

Các ngài là những kẻ mà Thánh Phaolô nói là “đã chạy đến cùng đường mà vẫn giữ được đức tin”. Trước mặt giáo triều Vatican cũng như hàng trăm quan khách quốc tế, 117 tiền nhân anh hùng (trong số hơn 130 ngàn người đã hiến mạng sống cho Chúa) đã được nêu danh hiển thánh, và cùng được chung mừng trọng thể vào ngày 24 tháng 11 hàng năm. Không lâu sau, thày giảng An-Rê Phú Yên cũng được phong chân phước.


Gương các thánh Tử đạo ngày xưa :

1. Thời đau thương : 


Các ngài đã phải sống qua những thời kỳ bắt đạo ác liệt của các triều vua Trịnh Nguyễn, Cảnh Thịnh, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, nghĩa là kéo dài hơn hai thế kỷ, từ năm 1745 (Trịnh Nguyễn) đến năm 1883 (Tự Đức).

2. Khổ hình : Những khổ hình các ngài phải chịu :

Bá đao / Voi giày / Thiêu sinh / Xử trảm / Rũ tù / Chém đầu / Xử giảo.....

3. Thành phần :

Các vị gồm 8 Giám Mục ; 50 Linh Mục ; 14 thầy giảng ; 1 chủng sinh và 44 giáo dân (chỉ có một phụ nữ ).

Các vị tử đạo gồm người Việt (96 người), Tây ban Nha (11 vị) và Pháp (10 vị).

4. “Khoá quá” : 

Chung chung, các ngài bị bó buộc phải “khoá quá” : Bước qua thập giá Chúa Giê-su. Đây là bằng chứng chối đạo công khai.

5. Ơn Chúa ban : 

Tử đạo là một ơn Chúa ban. Trước khi ca ngợi lòng dũng cảm của các vị tử đạo, Giáo Hội ca ngợi công việc kỳ diệu của Thiên Chúa là “Đấng làm cho sức yếu đuối trở nên mạnh mẽ để làm chứng cho Chúa” (kinh tiền tụng các Thánh tử đạo). Sức mạnh của các Thánh tử đạo nói lên uy quyền của Thiên Chúa. Việc tử đạo là một hồng ân Chúa ban chứ không phải là là thành tích của lòng gan dạ của con người.

6. Công trạng của con người : 


Tuy nhiên, Giáo Hội cũng nhìn nhận công trạng của các tín hữu đã đón nhận ân huệ ấy. Họ đáng được tuyên dương vì đã đề cao những tấm gương nhân đức :

. đức tin sống động : gắn bó trót đời sống với Thiên Chúa.

. đức mến nồng nàn : đặt lòng yêu mến Chúa lên trên các giá trị trần thế.

. đức cậy vững bền : phó thác vận mạng nơi Chúa, tin rằng Người không bỏ rơi các tôi trung.

. đức mạnh bạo : chấp nhận những khổ hình.

Chính Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII đã hết lời ca ngợi "Các vị tử đạo tại Việt Nam đã không kém công nghiếp các đấng đấng tử đạo tiên khởi tại cộng đồng Rô Ma trong mấy thế kỷ đầu".


Tinh thần Tử đạo hôm nay :

Từ ngữ “tử đạo” theo nguyên nghĩa (martyr) có nghĩa là “chứng nhân" cho nước Trời :

1. Chứng nhân :

Con người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là các thầy dạy. Tin vào kinh nghiệm hơn là đạo lý, tin vào đời sống và các sự kiện hơn là các lý thuyết. Hình thức đầu tiên của việc truyền giáo chính là chứng tá đời sống kitô hữu ; hình thức này là điều không thể thay thế. Đức Kitô, Đấng mà chúng ta tiếp tục sứ mạng của Người, là “vị chứng nhân” tuyệt hảo và là khuôn mẫu cho chứng tá kitô giáo.

2. Một đời sống đổi mới. 

Chính vì vậy, hình thức đầu tiên của chứng tá là chính đời sống của nhà truyền giáo, của gia đình kitô hữu và của cộng đồng Giáo Hội. Hình thức này làm cho người ta nhìn thấy một lối sống mới. Cho dù vẫn có giới hạn và bất toàn của con người, nhưng khi nhà truyền giáo chân thành sống theo gương Đức Kitô, thì họ là một dấu chỉ về Thiên Chúa và về những thực tại siêu việt…Trong nhiều trường hợp, đây là cách thức duy nhất để là nhà truyền giáo .
3. Bác ái vô vị lợi. 

Chứng tá Tin Mừng mà thế giới dễ cảm nhận nhất là chứng tá về thái độ biết lưu tâm đến con người, và về lòng bác ái đối với những kẻ nghèo, những thành phần nhỏ bé và đau khổ. Tính cách vô vị lợi trong thái độ và trong hành động này tương phản sâu xa với thái độ ích kỷ hiện nay của nhân loại, gợi lên những thắc mắc rõ ràng về Thiên Chúa và về Tin Mừng. Cũng vậy, việc dấn thân phục vụ hoà bình, công lý, nhân quyền, thăng tiến con người, cũng là một chứng tá Tin Mừng .

4. Khiêm tốn tự kiểm. 

Giáo Hội và các nhà truyền giáo cũng phải nêu lên chứng tá về lòng khiêm tốn, trước hết đối với chính mình, khi dám tự kiểm ở mức độ cá nhân cũng như cộng đoàn, ngõ hầu sửa chữa lại trong cung cách sống của mình những gì đi ngược với Tin Mừng và làm biến dạng dung nhan của Đức Kitô .

5. Biểu lộ đức tin. 

Các nhà truyền giáo không được từ khước việc làm chứng, ngay cả khi họ được mời gọi để biểu lộ đức tin trong môi trường thù nghịch hoặc dửng dưng. Họ biết rằng Thánh Thần của Chúa Cha nói trong họ (Mt 10, 17-20). Họ biết mình không loan báo chân lý của người phàm, nhưng là “lời của Thiên Chúa”, lời có sức mạnh nội tại và nhiệm mầu (Rm 1, 16) .

Đôi lời kết :

Đức Giáo Hoàng Gio-An Phao-lô II nói trong ngày phong thánh : “Trong lịch sử kitô giáo, các vị tử đạo, tức là các chứng nhân, luôn luôn đông đảo, và họ là những người không thể thiếu cho việc tăng trưởng Tin Mừng”.

Lễ các Thánh tử đạo tại VN mời gọi chúng ta suy nghĩ, và góp phần mình cho việc phát triển đạo Chúa dưới trần gian này. Chúa cần đến chúng ta như những “khí cụ” hữu hiệu trong việc rao giảng Tin Mừng, ngay trong môi trường chúng ta đang sống.

Càng hãnh diện vì cha ông anh hùng, chúng ta càng phải học bài học hy sinh xả kỷ. Điều cần thiết nhất là được Chúa ban ơn can đảm đi vào vết bước của các ngài ngày xưa.

Ta thường được kêu mời cùng đồng hành với thế gian, nhưng trong nhiều trường hợp, ta phải can đảm 'lội ngược giòng' với người đời. Phải xa tránh a dua xu nịnh. Phải chạy trốn cám dỗ xúi dục ta làm bạn với kẻ thiếu lương tâm.

Hãy cầu xin để Thánh thần Chúa ban sức mạnh mãi vững đi trong chân lý nước Trời.

Cũng khẩn cầu với các Thánh Tử đạo tại Việt Nam giúp chúng ta và con cháu biết sống đức tin đã được các ngài gieo vãi, bằng cách làm chứng cho tình yêu bằng một đời sống dấn thân thực sự.

Giuse Nguyễn Văn Thư
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/240196.htm

Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XV


GIÁO PHẬN THANH HOÁ – Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội được tổ chức hằng năm, luân phiên tại các giáo phận trong Giáo tỉnh. Năm nay, Đại hội lần thứ XV diễn ra tại giáo phận Thanh Hoá trong hai ngày 21 và 22 tháng Mười Một 2017 với chủ đề “Hãy ra chỗ nước sâu” (Lc 5,4).
Khai mạc (thứ Ba 21/11)

Đại hội giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XV đã chính thức khai mạc với nghi thức Cung nghinh Thánh giá lúc 14g15 từ Toà Giám mục Thanh Hoá về Trung tâm Triển lãm tỉnh Thanh Hoá - nơi diễn ra Đại hội.

Dẫn đầu đoàn cung nghinh Thánh giá là xe của Đức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Tổng giáo phận Hà Nội; xe của Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám quản giáo phận Thanh Hoá, và tiếp theo là đoàn xe của quý Đức cha, quý cha và xe chở Thánh giá Đại hội của các bạn trẻ giáo xứ Chính toà Thanh Hoá.  

Đoàn rước Thánh giá tiến ra đường quốc lộ Bắc Nam, đi vào trung tâm thành phố, rồi ngang qua đại lộ Lê Lợi và rẽ về phía Nam để hướng tới Trung tâm Triển lãm tỉnh Thanh Hoá, nơi có hơn 15.000 bạn trẻ đang hân hoan chờ đón.

Khi Thánh giá được cung nghinh đến lễ đài, 30.000 cánh tay cùng giơ lên hoà vang trong giai điệu bài hát “Thập giá Đức Kitô”. Mọi thành viên tham dự cùng đắm mình vào giai điệu của bài hát, cùng đặt bàn tay mình lên trái tim để nói lên niềm xác tín và bày tỏ tình yêu đối với Thập giá Chúa Kitô.

Khi Thánh giá Đại hội được đặt tại vị trí trung tâm của lễ đài, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh đã tiến lên chào mừng các bạn trẻ và các vị chủ chăn trong giáo tỉnh Hà Nội.

Tiếp đến là nghi thức diễu hành của giới trẻ 10 giáo phận. Đi đầu là biển hiệu và cờ của từng giáo phận, rồi đến các vị chủ chăn và tất cả các bạn trẻ giáo phận tham dự Đại hội. Khi đoàn mỗi giáo phận tiến qua lễ đài, màn hình chính của Đại hội lại giới thiệu những nét chính yếu về lịch sử, đời sống văn hoá - đức tin của giáo phận đó, và nhấn mạnh đến những nét riêng, tượng trưng cho sự phong phú màu sắc của vườn hoa Giáo Hội.

Sau nghi thức diễu hành, Đức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn tiến lên lễ đài long trọng công bố diễn văn khai mạc Đại hội.

Tiếp theo là nghi thức thượng cờ. Lá cờ của Đại hội được từ từ kéo lên trong tiếng nhạc oai nghi và hùng tráng của đội kèn đồng giáo phận Thanh Hoá. Cùng với lá cờ Đại hội, cờ của 10 giáo phận giáo tỉnh Hà Nội cũng lần lượt được kéo lên. Nghi thức thượng cờ cũng chính thức khép lại chương trình khai mạc Đại hội giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XV. Mọi người được mời gọi tham gia với các linh hoạt viên giáo phận Thanh Hoá để khuấy động không khí náo nhiệt trước khi bước sáng phần học hỏi giáo lý.

Vào lúc 5 giờ chiều, chương trình Đại hội được tiếp tục với phần học hỏi giáo lý xoay quanh chủ đề: “Người Trẻ Chứng Nhân Của Niềm Vui Và Tình Yêu”. Trong phần này, các bạn trẻ tham dự viên đặt trực tiếp những câu hỏi, thắc mắc của mình để các vị chủ chăn trong giáo tỉnh trả lời. Không khí của buổi học rất tích cực và sôi nổi khi những câu hỏi của bạn trẻ đề cập đến các vấn đề thiết thực mà họ đang phải đối mặt trong thế giới hiện đại hôm nay. Tinh thần hăng say học hỏi giáo lý đã kéo dài quá thời gian quy định của ban tổ chức. Cho đến khi những ánh đèn sân khấu của lễ đài sáng lên báo hiệu một ngày sắp tàn, mọi người mới tạm chia tay giải lao để chuẩn bị cho bữa ăn tối. 






Đêm Văn nghệ – Diễn nguyện – Chầu Thánh Thể (thứ Ba 21/11)


Vào lúc 19g30, tại quảng trường Hội Chợ Triển Lãm tỉnh Thanh Hoá, nơi tổ chức Đại hội giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XV, đã diễn ra Đêm diễn nguyện với chủ đề “Hãy ra chỗ nước sâu” và giờ Chầu Thánh Thể.


Ngay sau vũ điệu khởi động hết sức sôi nổi của các bạn linh hoạt viên, đúng 19g30, cha Giuse Nguyễn Văn Kế, trưởng ban Văn nghệ, đại diện cho giáo phận chủ nhà, đã long trọng tuyên bố khai mạc đêm Văn nghệ và Diễn nguyện chào mừng Đại hội.


Sau lời chào mừng của cha Giuse là các tiết mục của 5 giáo phận: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Hoá, Lạng Sơn, và Hà Nội. Đan xen những tiết mục ca múa là những hoạt cảnh, các vở kịch ngắn diễn tả một vài khía cạnh và cung bậc khác nhau về lời Tin Mừng thánh Luca: “Hãy Ra Chỗ Nước Sâu” (Lc 5,4). Đó là một lời mời gọi của Chúa Giêsu hãy ra đi và đến với những anh chị em nghèo khổ và đói khát. Đó là tinh thần sống với những người “bên lề” xã hội mà Đức Thánh Cha Phanxicô luôn nhắn nhủ, và đó cũng là tinh thần mà giáo phận Thanh Hoá đang sống Năm Thánh - nhân dịp kỷ niệm 85 năm thành lập giáo phận (19322017).


Diễn nguyện là một chương trình có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi kỳ Đại hội. Đó là dịp để mỗi giáo phận giới thiệu bản sắc văn hoá riêng qua những tiết mục và mang đậm chất Tin Mừng. Đó không chỉ là những giây phút thư giãn, giải trí bổ ích sau một ngày Đại hội mệt mỏi, nhưng còn là cầu nối để các bạn trẻ có thể giao lưu, học hỏi. Sau nhiều ngày chuẩn bị công phu và chuyên nghiệp, những tiết mục trong Đêm diễn nguyện đều sống động và đa dạng, diễn tả những nét văn hoá vùng miền đa dạng trong giáo tỉnh Hà Nội. Ngoài ra, nhờ các tiết mục trong đêm diễn nguyện này, các bạn trẻ Công giáo còn được thắp lên niềm ước mơ, khát vọng về một cuộc sống Chân - Thiện - Mỹ và quyết tâm trở nên những chứng tá sống động của Tin Mừng để sẵn sàng lên đường đáp lại lời mời gọi “Hãy ra chỗ nước sâu”.


Sau những giây phút sôi động của chương trình diễn nguyện, Đại hội Giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XV bước vào phần lắng đọng tâm linh với nghi thức sám hối – hoà giải và các giờ Chầu Thánh Thể.


Nghi thức sám hối cộng đồng do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, giám mục phụ tá giáo phận Vinh, chủ sự. Ngài mời gọi các tham dự viên cùng trở về với Chúa, với tình yêu của Ngài qua bí tích Hoà giải. Các bạn trẻ cùng hướng lòng về Nhà Tạm, trở lại với cõi thẳm sâu của tâm hồn, và dâng lên Chúa lời kinh sám hối, xin Chúa tha thứ tội lỗi mỗi người đã phạm, để được trở nên xứng đáng với tình yêu thương xót của Thiên Chúa.


Hơn 10.000 ngọn nến đã được thắp trên tay các bạn trẻ. Ánh sáng và hơi ấm của ngọn nến được lan toả để xua đi không khí giá lạnh của màn đêm, đồng thời cũng xua tan cả sự băng giá của thói vô cảm nơi người trẻ trong xã hội hôm nay. Hơi ấm cũng đem đến cho các bạn sự sẻ chia và đồng cảm với những con người xung quanh mình.


Kết thúc nghi thức sám hối, Đại hội bước vào giờ chầu Thánh Thể. Các bạn trẻ trong các giáo phận cùng ở lại với Bí Tính Thánh Thể - cảm nhận nguồn tình yêu từ bí tích cực thánh và biến đổi để trở thành con người như lòng Chúa mong ước. Theo chương trình của ban tổ chức, các bạn trẻ giáo phận Bùi Chu sẽ thực hiện giờ Chầu đầu tiên. Tiếp theo là các giáo phận Phát Diệm, Thái Bình, Vinh và cuối cùng là giáo phận Thanh Hoá sẽ thay phiên Chầu Thánh Thể suốt đêm.








Bế mạc (thứ Tư 22/11)


Vào lúc 8g00 sáng, Đại hội Giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XV tại Thanh Hoá đã khép lại sau Thánh lễ cao điểm cùng nghi thức trao Thánh giá và cờ Đại hội cho giới trẻ giáo phận Hải Phòng, đơn vị sẽ đăng cai tổ chức Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVI – 2018.

Thánh lễ được long trọng cử hành với nghi thức rước đoàn đồng tế từ cổng chính của Trung tâm Triển lãm tiến về lễ đài trong tiếng ca của hơn 15.000 bạn trẻ và khối linh hoạt viên: “Lạy Chúa, chúng con về từ bốn phương trời”. Dẫn đầu đoàn rước là Thánh giá nến cao, đội kèn đồng giáo phận Thanh Hoá, đội lễ sinh, và khoảng 300 linh mục trong giáo tỉnh Hà Nội. Tiếp đến là quý Đức cha, Đức TGM Giuse, và cuối cùng là Đức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, chủ tế thánh lễ.

Sau dấu thánh giá mở đầu, Đức hồng y Phêrô ngỏ lời với các bạn trẻ: Các con thân mến, Thánh lễ giờ phút này và tại nơi đây chính là cao điểm của Đại hội. Chúng ta hãy dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân về bao nhiêu hồng ân đã đón nhận và hãy dâng lên Chúa lời khẩn cầu cho bao nhiêu nhu cầu của sức trẻ chúng con. Trong tâm tình hiệp thông với giáo phận Thanh Hoá đang sống trong Năm thánh kỷ niệm 85 năm thành lập, những ai tham dự Thánh lễ này với lòng sạch tội, cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng thì sẽ được lãnh nhận ơn toàn xá. 

Khởi đi từ chủ đề Đại hội “Hãy ra chỗ nước sâu” (Lc 5,4), trong bài giảng Thánh lễ, Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục giáo phận Phát Diệm, Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam, đã chia sẻ tâm tình rất phấn khởi của ngài khi thấy những khuôn mặt rạng rỡ niềm vui của các bạn trẻ và mời gọi các bạn trẻ hãy chia sẻ niềm vui Tin Mừng này cho mọi người. Ngài nhấn mạnh, “Ra chỗ nước sâu” – đó là chủ đề của Đại hội giới trẻ lần này, đó là lệnh truyền mà Chúa đã ủy thác cho những người trẻ chúng con. Giới trẻ chúng con hãy ghi khắc vào tâm tư mệnh lệnh này, đừng ngại ngùng hay sợ hãi, nhưng hãy dấn thân mạnh mẽ hơn vào môi trường xã hội, đi vào những lĩnh vực tăm tối của cuộc đời, để cùng xây dựng một thế giới hoà bình và tràn đầy tình yêu. Cho dẫu lời mời gọi của Đại hội là một thách thức đối với người trẻ trong thế giới hôm nay, nhưng khi có ánh sáng đức tin chiếu tỏa, các con sẽ thay đổi được thế giới này. Các con hãy khởi sự từ chính gia đình của mình. Trở về từ Đại hội lần này, các con được mời gọi phải vươn tới một tình yêu đích thực, hy sinh đến độ sẵn sàng tha thứ cho nhau. Một đời sống hôn nhân ở tầm cao như thế, sẽ lan tỏa sức sống của Tin Mừng, để mọi người có thể nhìn vào đời sống các con, mà ngợi khen Cha các con ở trên trời. Hãy đưa chính cuộc đời của mình ra chỗ nước sâu và vươn lên một tầm cao mới. Đừng chấp nhận với cái thấp lè tè hèn kém của thế giới nhân gian, đừng hạ thấp cuộc đời mình trong rượu chè và ma túy. Hãy ngước nhìn lên, theo lời mời gọi của Đức Kitô mà vươn tới trời cao. Cầu chúc chúng con đầy tràn niềm vui và phúc lành của Chúa Giêsu. Amen. 

Sau lời nguyện hiệp lễ, một đại diện bạn trẻ đã nói lời tri ân: tạ ơn Thiên Chúa đã quy tụ chúng con trong khắp 10 giáo phận của giáo tỉnh Hà Nội, để chúng con có thể bỏ lại những bộn bề của cuộc sống mà trở về với tình thương tha thứ của Chúa. Xin cám ơn quý Đức cha và quý cha đã hiện diện như là những mục tử săn sóc đàn chiên tràn đầy sức trẻ chúng con. Xin cám ơn Đức Tổng Giuse và ban tổ chức Đại hội đã tạo điều kiện cho cuộc gặp gỡ lần này. Đại hội sắp kết thúc, nhưng những kỷ niệm của lần gặp gỡ này sẽ còn ghi dấu ấn sâu nặng trong tâm trí người trẻ chúng con. Chúng con xin ghi nhớ và lãnh nhận tinh thần của lời mời gọi “Hãy ra chỗ nước sâu” để sẵn sàng ra khơi với hoài bão của tuổi trẻ tràn đầy khát vọng và niềm tin. 

Sau nghi thức phép lành và ơn toàn xá cuối lễ là nghi thức bàn giao Thánh giá và cờ luân lưu. Nghi thức bao gồm 3 phần. Đầu tiên là nghi thức hạ cờ. Mọi người đứng nghiêm trang hướng về cột cờ trong lúc đội danh dự tiến lên và lá cờ Đại hội được từ từ hạ xuống trong tiếng kèn oai nghi hùng tráng. Tiếp sau là nghi thức trao nhận Thánh giá và cờ luân lưu. Đại diện bạn trẻ hai giáo phận Thanh Hoá và Hải Phòng được mời đến trước Thánh giá Đại hội tại trung tâm lễ đài. Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh, đại diện cho giáo phận Thanh Hoá trao Thánh giá cho giáo phận Hải Phòng. Ngài nói, Thánh giá là biểu tượng tình yêu của Chúa Kitô, trong suốt một năm qua, giáo phận Thanh Hoá đã suy tôn và cung nghinh Thánh giá đến khắp mọi giáo xứ trong giáo phận. Hôm nay, nhiệm vụ của giáo phận Thanh Hoá đã kết thúc nên xin được trao Thánh giá cho giáo phận Hải Phòng để tiếp tục chiếu sáng tình yêu thập giá vốn được coi như là tinh thần sống của giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội. Trong diễn văn đáp từ, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, giám mục giáo phận Hải Phòng, đã phát biểu: Thánh giá không phải là một thanh gỗ vô hồn, nhưng chính là Đức Kitô. Hôm nay, giáo phận Hải Phòng vinh dự được đón nhận Thánh giá, xin cám ơn giáo phận Thanh Hoá đã tin tưởng giao Thánh giá cho giáo phận Hải Phòng. Cuối cùng, Đức cha Giuse công bố chủ đề của Đại hội lần tới là Hãy tỉnh thức và cầu nguyện (Lc 21,36) và trân trọng mời tất cả mọi người hãy đến với Đại hội giới trẻ lần tới tại giáo phận Hải Phòng. Kết thúc nghi thức bàn giao là vũ điệu giới thiệu logo Đại hội giới trẻ lần thứ XVI và những khuôn mặt vui tươi của các bạn trẻ giáo phận Hải Phòng. 

Cuối cùng, “Vũ Khúc Chia Tay” của khối linh hoạt viên hai giáo phận Thanh Hoá và Hải Phòng đã chính thức khép lại một kỳ Đại hội hết sức sôi động và tràn ngập niềm hân hoan của các bạn trẻ khắp từ biên giới Lạng Sơn đến khúc ruột Quảng Bình miền Trung đầy cát trắng. Tạm biệt mảnh đất Rau Má Xứ Thanh và hẹn gặp lại những khuôn mặt trẻ thân thương tại thành phố Hoa Phượng Đỏ vào năm 2018.