Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

Tiếng gọi từ giáo phận truyền giáo Lạng Sơn-Cao Bằng

Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/tieng-goi-tu-giao-phan-truyen-giao-lang-son-cao-bang/8856.63.8.aspx

Các giám mục Philippines kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi giáo giúp đỡ thả các con tin


WHĐ (30.05.2017) – “Ý muốn của Thiên Chúa là những người vô tội được an toàn”, đó là phát biểu trên Đài phát thanh Veritas của Đức hồng y Quevedo, một trong các giám mục trên đảo Mindanao đang bị ảnh hưởng bởi cuộc giao tranh giữa quân thánh chiến Hồi giáo và quân đội.

Trả lời Radio Veritas, Đức hồng y Orlando Quevedo, Giám mục Tổng giáo phận Cotabato nằm trên đảo Mindanao đã kêu gọi nhóm thánh chiến Hồi giáo Maute “đừng làm hại các con tin” và các nhà lãnh đạo Hồi giáo hãy “giúp đỡ họ”.

Hôm thứ Ba 23 tháng Năm vừa qua, một nhóm thánh chiến có tên gọi “Maute” đã bắt đầu gieo rắc kinh hoàng tại thành phố Marawi, một thành phố ở miền Nam Philippines, nằm trên đảo Mindanao. Tình trạng bạo loạn đã gây ra cái chết của hàng trăm người dân. Nhóm này cũng bắt cóc cha Teresito Suganob, cha phó của giáo xứ Marawi cùng với khoảng 15 giáo dân khác mà cho đến nay vẫn chưa có tin tức.

Trang mạng của báo Manila Times ngày 28 tháng Năm thuật lại lời của Đức hồng y Quevedo: “Tôi cầu nguyện cho tất cả các con tin được an toàn. Tôi kêu gọi lương tâm của những kẻ bắt cóc đừng làm hại người vô tội như đức tin Hồi giáo đã dạy. Tôi cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi giáo hãy dùng ảnh hưởng của mình để giải thoát các con tin một cách bình an vô sự. Ý muốn của Thiên Chúa là những người vô tội được an toàn. Xin Thiên Chúa yêu thương bảo vệ người dân Marawi!”

“Chúng ta hãy tìm kiếm những gì đưa đến hòa bình”

Đại đa số trong 200.000 cư dân của thành phố đã trốn thoát, nhưng khoảng 2.000 thường dân bị kẹt lại ngay trong cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội và người Hồi giáo vào ngày Chúa nhật 28-05. Cuộc bạo loạn đã khiến Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố tình trạng thiết quân luật tại Mindanao vào ngày thứ Ba.

Cùng với tất cả các giám mục trên đảo, Đức hồng y Quevedo hôm thứ Sáu 26-05 đã công bố một tuyên bố chung mang tên “Chúng ta hãy tìm kiếm những gì đưa đến hòa bình”

Trong bản tuyên bố, các giám mục nói rằng các ngài “cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân vô tội bị sát hại ở Marawi và xin Chúa bảo vệ tất cả các gia đình, những người đã chạy trốn để tìm sự an toàn”. Các ngài lên án “các hành vi khủng bố, như đốt nhà, các công trình công cộng, ký túc xá của một trường học Tin Lành và một nhà thờ Công giáo” và cả việc bắt cóc “các giáo viên và nhân viên của nhà thờ”.

Các Giám mục ở Mindanao viết: “Chúng tôi kêu gọi những kẻ bắt cóc hãy thả tất cả các con tin trong bình an vô sự. Các nạn nhân sợ chết, nhưng họ cũng có can đảm làm chứng cho Chúa Kitô”, đồng thời các ngài nhắc lại “với những lời lẽ mạnh mẽ nhất” sự lên án “chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, đặc biệt là nó lại xảy ra đang khi những người anh chị em Hồi giáo của chúng tôi đang chuẩn bị tháng Ramadan”.

“Khủng bố làm méo mó và sai lạc ý nghĩa thực sự của mọi tôn giáo. Nó hủy hoại các mối tương quan hài hòa giữa các dân tộc của nhiều tôn giáo khác nhau. Nó tạo ra một thế giới nghi ngờ và thành kiến, oán hận và thù địch”.

Thiết quân luật

Khi được các tín hữu hỏi về việc chính quyền áp dụng thiết quân trên toàn đảo này, mà theo một số người “điều đó gợi lại nỗi kinh hoàng của một chế độ độc tài trong quá khứ”, các giám mục Philippines nhìn nhận rằng “các vấn đề hoàbình và trật tự, các hoạt động gây rối liên tục của các nhóm phiến quân khác, các vấn đề về tội phạm và ma túy, tham nhũng và kém phát triển (...) đã vượt quá giới hạn của thành phố Marawi”.

Thông cáo của các giám mục nhấn mạnh: “Thánh Phaolô khuyên chúng ta ‘theo đuổi những gì đem lại bình an’ ” (Rm 14,19); và đặt câu hỏi: “Liệu có cách nào khác để giải quyết các vấn đề nghiêm trọng của Mindanao hay không? Những hiệu quả tích cực của thiết quân luật có lớn hơn những tác dụng tiêu cực hay không? Liệu có khả năng thành công hay không? Điều này có dẫn đến một nền văn hóa chịu trách nhiệm và chấm dứt một nền văn hoá ân xá? Liệu thiết quân luật có làm gia tăng những vi phạm nhân quyền hay không? Thiết quân luật có thể bị sử dụng vào những mục đích xấu hay không?”

“Trả lời cho những câu hỏi này thật là mạo hiểm”, các giám mục nhìn nhận, như Đức hồng y Quevedo viết: “Chúng ta có rất nhiều nỗi sợ, nhưng hiện nay, đơn giản là chúng ta không có những dữ kiện chắc chắn và đủ để hoàn toàn bác bỏ việc tuyên bố thiết quân luật là đáng chê trách về mặt đạo đức. Chắc chắn rằng thiết quân luật chỉ nên tạm thời. (...) Chúng ta hãy cảnh giác”.

Cần loại bỏ các nguyên nhân của chủ nghĩa khủng bố

Đề tài này cũng nhạy cảm đối với Giáo hội Công giáo Philippines, như khẳng định trong một tuyên bố của Đức Tổng giám mục Socrates Villegas, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippines: “các phiến quân đe dọa sẽ giết các con tin nếu các lực lượng của chính phủ tham gia tấn công họ không được rút về”.

Trong khi chờ đợi, các vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo kêu gọi các tín hữu “bình tĩnh”, “tuân phục quyền hành chính đáng của nhà cầm quyền hợp pháp và không kích động bạo lực”, đồng thời cũng cũng “kêu gọi chính phủ loại bỏ những nguyên nhân của khủng bố, như nghèo đói và bất công, bởi một nền quản trị công bằng và có trách nhiệm, chỉ nhằm mưu ích chung”.

(La Croix)

Minh Đức chuyển ngữ
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/cac-giam-muc-philippines-keu-goi-cac-nha-lanh-dao-hoi-giao-giup-do-tha-cac-con-tin/8857.57.7.aspx

Hội CBMCG TGP: Lễ Thánh hóa Ơn gọi làm Mẹ và tri ân quý Bà cố

WGPSG – Điều căn bản của lòng tin, đó là hướng về Chúa, nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình, nhận ra những điều Chúa đang thực hiện nơi mình và nơi những người chung quanh”.
Đó là lời chia sẻ của Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Giám mục Phụ tá TGP Saigon - trong Thánh lễ mừng ngày Thánh hóa Ơn gọi làm Mẹ và tri ân quý Bà cố chiều ngày 29/05/2017 tại Nhà thờ Tân Định. Đồng tế với ngài có cha Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, Tổng Linh Hướng Hội CBMCG, cha Phanxicô Xaviê Đậu Nguyễn Hoàng Linh, linh hướng CBMCG hạt Xóm Mới và quý cha phó xứ Tân Định. Cùng hiệp dâng Thánh lễ có khoảng 300 bà cố, là những bà mẹ đã dâng hiến con mình cho Chúa, và đông đảo quý bà mẹ là thành viên và cảm tình viên của Hội CBMCG TGP.
Sau lời chào mừng của cha sở giáo xứ Tân Định Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, Đức cha Giuse đã đi vào Thánh lễ với 3 gợi ý cầu nguyện: Mừng kính lễ Đức Mẹ Thăm Viếng - xin Chúa Thánh Hóa Ơn Gọi Làm Mẹ nhân Ngày Người Mẹ được quy ước là Chúa nhật thứ 2 của tháng 5 - Tri Ân các Bà Cố, là những người mẹ đã dâng hiến con mình cho Thiên Chúa.
Trong bài giảng, dựa vào đoạn Tin Mừng Đức Maria thăm viếng bà Ê-li-sa-bét (Lc 1,39-56), Đức cha Giuse đã chia sẻ: “Chúng ta hãy để cho Lời Chúa hôm nay dẫn chúng ta đi sâu vào vẻ đẹp của những người mẹ. Lời Chúa như muốn nói với các bà mẹ về những đức tính của một người mẹ Công giáo tốt: Trước hết, đó là một người mẹ tốt tự nhiên, và sau là, một bà mẹ Công giáo tràn đầy lòng tin.
- Một bà mẹ tốt tự nhiên là một bà mẹ sống tốt với tất cả mọi người. Khi người em họ nghe tin người chị họ có thai liền đi thăm và ở lại chăm sóc cho chị. Những bà mẹ không Công giáo đều có thể làm được như vậy.
- Nhưng sự thăm viếng tự nhiên này được thực hiện trong bầu khí đức tin; khi bà Ê-li-sa-bét nghe lời chào của Đức Maria thì đứa con trong bụng nhảy mừng và bà được đầy tràn Thánh Thần, tin rằng người con Đức Mẹ đang cưu mang chính là Chúa Cứu Thế đến nỗi bà phải kêu lớn tiếng lên rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Em thật có phúc, vì đã Tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em".
Từ đó, Đức cha Giuse kết luận: “Như vậy, điều căn bản của lòng tin, đó là hướng về Chúa, nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của mình, nhận ra những điều Chúa đang thực hiện nơi mình và nơi những người chung quanh”.
Đó cũng là mẫu gương của những bà mẹ Công giáo: Gặp nhau không phải để “tám” nhưng để giúp nhau khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống, an ủi giúp đỡ nhau khi thấy bạn mình gặp khó khăn.
Cuối cùng, Đức cha chúc mừng các bà cố và những người mẹ hiện diện và xin Thiên Chúa gia tăng lòng tin nơi các bà để các bà có thể truyền thông lòng tin của mình cho đứa con, ngay từ lúc còn trong dạ mẹ, như bà Ê-li-sa-bét, khi đứa con lớn lên trong gia đình: làm dấu trước khi ăn và ngay cả khi người con rời xa gia đình, vào dòng tu hoặc lập gia đình. Lời cầu nguyện của các bà luôn dõi theo và bao bọc người con được sống trong tình thương và ân sủng của Thiên Chúa.
Cuối lễ, chị Maria Nguyễn Thị Ngọc, Hội trưởng hội CBMCG, đã lên cám ơn Đức cha Giuse, cha Tổng Linh hướng Phaolô, quý cha đồng tế. Chị cũng cám ơn quý Bà Cố hiện diện, quý bà mẹ, ca đoàn giáo xứ Tân Hương, quý Hội đồng Mục vụ giáo xứ Tân Định, Ban Lễ sinh, Ban Âm thanh ánh sáng, Ban Truyền thông TGP.
Đáp từ, Đức cha Giuse đã nói: “Cám ơn cha Tổng Linh hướng và quý BMCG đã tạo cơ hội cho tôi được lần đầu tiên tham dự Thánh lễ với các BMCG, trong đó có rất nhiều bà cố của TGP. Đó là một hồng ân của TGP và cha Tổng Linh hướng và quý BMCG đã cho tôi được hưởng một phần hồng ân này”.
Trong dịp này, Đức cha cũng nhớ lại: “Trước đây, khi chúng tôi ở chủng viện, một trong những người nhớ tới chủng viện là các bà cố và các BMCG. Quý bà thường hay cho quà và nhất là luôn cầu nguyện cho chúng tôi. Nhờ vậy, giờ đây, chúng con đã thành linh mục, tu sĩ nhưng chúng con vẫn xin các bà mẹ luôn cầu nguyện cho chúng con được trung thành, trọn vẹn với Thiên Chúa trong cuộc đời dâng hiến của mình”.
Sau khi ban phép lành, Đức cha Giuse cùng với cha Tổng Linh hướng đã xuống trao tặng các phần quà cho các bà cố hiện diện.
Thánh lễ kết thúc, mọi người ra về trong niềm vui hân hoan vì lần đầu tiên được gặp gỡ và nghe những lời chia sẻ quý báu của Đức cha phụ tá, được dự bàn tiệc Thánh Thể và được phần quà bánh ngon mang về. Thật là một kỷ niệm đẹp trong những ngày cuối tháng Hoa, tháng Đức Mẹ.
CBMCG TGP: NGÀY THÁNH HOÁ CÁC BÀ MẸ

Sơ Candida Bellotti, nữ tu cao tuổi nhất, qua đời ở tuổi 110


Lucca, Italia – Nữ tu cao tuổi nhất thế giới, sơ Candida Bellotti, đã qua đời tại nhà tổng quyền của dòng Phục vụ bệnh nhân của thánh Camillo de Lellis ở thành phố Lucca hôm 28/05/2017, hưởng thọ 110 tuổi.

Hôm 22/2 năm nay, sơ Bellotti đã mừng sinh nhật lần thứ 110 với sự hiện diện của Đức cha Italo Castellani, Giám mục giáo phận Lucca, bề trên giám tỉnh và các nữ tu cùng dòng. Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng gửi lời chúc mừng sơ nhân dịp đặc biệt này.

Sơ Bellotti là người gốc Veneto, thuộc dòng Phục vụ bệnh nhân của thánh Camillo de Lellis. Các nữ tu dòng này hoạt động trong các bệnh viện và các nhà dưỡng lão; các sơ cổ võ mục vụ sức khỏe và giáo dục y tế căn bản.

Từ những năm 1930, sơ Bellotti đã làm y tá tại các thành phố khác nhau của Italia, tham gia vào việc đào tạo các nữ tu trẻ.

Vào năm 2000, khi sơ Bellotti được 93 tuổi, sơ được chuyển về nhà mẹ ở thành phố Lucca để nghỉ ngơi.

Sơ Belotti đã sống dưới thời của 10 vị Giáo hoàng và năm 2014, sơ đã có dịp gặp và tham dự Thánh lễ do Đức Giáo hoàng Phanxicô tại nhà nguyện thánh Marta.

Với những năm dài trong đời thánh hiến, sơ Bellotti đã hoạt động với niềm vui phục vụ tha nhân, mang lại nhiều hoa trái thiêng liêng cho Giáo hội. Những người quen biết sơ Bellotti sẽ còn nhớ đến sơ với lòng cảm mến bởi sự hoạt động nhiệt thành, sự khôn ngoan và vui tính của sơ. (SD 28/05/2017)

Hồng Thủy
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2017/05/29/s%C6%A1_candida_bellotti,_n%E1%BB%AF_tu_cao_tu%E1%BB%95i_nh%E1%BA%A5t,_qua_%C4%91%E1%BB%9Di_%E1%BB%9F_tu%E1%BB%95i_110/1315426

Con trai lớn của thủ tướng Ba Lan được thụ phong linh mục


Hôm Chúa Nhật, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo đã tham dự thánh lễ mở tay của người con trai lớn nhất được vừa được thụ phong linh mục một ngày trước đó.

Cha Tymoteusz Szydlo, 25 tuổi, đã cử hành thánh lễ đầu tiên của ngài vào ngày Chúa Nhật 28 tháng 5 tại nhà thờ Đức Mẹ Czestochowa ở Przecieszyn nơi ngài đã được rửa tội 25 năm trước. Theo truyền thống của Ba Lan, một linh mục mới được thụ phong sẽ cử hành Thánh Lễ đầu tiên của ngài tại ngôi nhà thờ mà ngài đã được đón nhận vào Hội Thánh Chúa.

Hôm thứ Bẩy, Đức Cha Roman Pindel của giáo phận Bielsko-Żywiecki đã truyền chức linh mục cho thầy phó tế Tymoteusz Szydlo, sau khi vị tân chức đã trải qua một thời gian 5 năm theo học tại Đại Chủng Viện Krakow.

Nói chuyện với các ký giả thủ tướng cho biết cô và chồng cô, Edward Szydlo, “rất hạnh phúc và tự hào.”

Bà Beata Szydlo đứng đầu một chính phủ của đảng Luật Pháp và Công Lý cổ vũ việc tuân thủ các giáo huấn truyền thống của Công Giáo.

Đặng Tự Do
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/224784.htm

Thế hệ người trẻ Nigeria bị biến thành trẻ mồ côi sống lây lất giữa những thành phố lớn


Tại Phi châu, một phóng sự do hãng thông tấn Pháp AFP thực hiện hôm 18.05 vừa qua cho biết một thế hệ người trẻ Nigeria, bị cuộc chiến chống nhóm Boko Haram biến thành trẻ mồ côi đang phải sống lây lất giữa những thành phố lớn tại đây, nhất là tại Maiduguri.

Maiduguri là nơi phát sinh ra nhóm Boko Haram. Nạn nghèo khó tột cùng, nạn thất nghiệp cao và sự tham nhũng trong chính quyền địa phương là nguyên nhân khiến Boko Haram phát triển trong lòng người dân địa phương trước khi biến thành một phong trào thánh chiến hồi giáo cuồng tín và khát máu.

Ông Kashim Shettima, thống đốc bang Borno, có thủ phủ là Maiduguri, cho biết theo con số chính thức, bang Borno có khoảng 52 ngàn trẻ mồ côi, nhưng trên thực tế con số này lên tới trên 100 ngàn, trong số đó, một nửa ở tại Maiduguri. Nếu không được giáo dục, số những người trẻ này có thể trở thành những quái vật có thể nuốt chửng chúng ta tất cả.

Boko Haram trong thổ ngữ haoussa địa phương, có nghĩa là “nền giáo dục tây phương là tội lỗi”. Vì thế, nhóm này tổ chức nhiều cuộc tấn công thảm khốc nhắm vào các trường học, giết hại giáo sư và ngăn chặn học sinh đến trường để chống lại giáo dục phát triển.

Hiện nay, tại các trại di cư tỵ nạn ở vùng biên giới giáp nước Niger hay Camerun, hoặc ở những nơi có chiến tranh xung đột, không hè có trường sở nào cả. Riêng tại Maiduguri, dân số tại đây đã tăng hơn gấp đôi vì người tản cư tỵ nạn chạy về, trong số này có hàng chục ngàn trẻ em. Hầu như tất cả các em đều chưa bao giờ cắp sách đến trường.

Ông Samuel Manyok, chuyên viên bảo vệ trẻ thơ của UNICEF, cho rằng con số trẻ thất học ở Maiduguri lên đến ngang hàng với con số trẻ thất học ở Somalia và Nam Sudan gộp lại. Ông thống đốc bang Borno kêu gọi thế giới trợ giúp để xây cất ít nhất 20 trường sở mới trên toàn lãnh thổ Borno và một cô nhi viện có sức chứa 8000 em. Các trường sở cũ trước đây đã bị trưng dụng để đón tiếp làn sóng người tỵ nạn. Dạo tháng 9 năm ngoái, một số trường đã được khai giảng trở lại, nhưng không đủ để thâu nhận toàn bộ trẻ em trong thành phố.

Ông Manyok, chuyên viên của UNICEF khẳng định cần phải giải quyết gấp vấn đề này nếu không, vùng Đông Bắc Nigeria sẽ không bao giờ chấm dứt được cái vòng lẩn quẩn của bạo lực. Ông nói: Trẻ em nơi đây cần được giáo dục, cần có một cơ hội thứ hai để xây dựng tương lai. Đây thật là một quả bom nổ chậm.

(AFP 18.05.2017)

Mai Anh
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2017/05/27/th%E1%BA%BF_h%E1%BB%87_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_tr%E1%BA%BB_nigeria_b%E1%BB%8B_bi%E1%BA%BFn_th%C3%A0nh_tr%E1%BA%BB_m%E1%BB%93_c%C3%B4i_s%E1%BB%91ng_l%C3%A2y_l%E1%BA%A5t_gi%E1%BB%AFa_nh%E1%BB%AFng_th%C3%A0nh_ph%E1%BB%91_l%E1%BB%9Bn/1315121

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Thông báo: Dâng hoa kết thúc Tháng Hoa kính Mẹ


Trước thánh lễ, lúc 17g30 chiều ngày thứ tư 31.05.2017,
sẽ có các em thiếu nhi dâng hoa kính Mẹ tại Đài Đức Mẹ.

Xin mời cộng đoàn tham dự để cùng tâm sự với Mẹ.

Kính báo,
BBT.Blog GXCL

Hội trại Hè thiếu nhi tại Giáo xứ Cầu Lớn, 28.05.2017

























 








Xem thêm trên Facebook:


Không mệt mỏi cầu nguyện, bầu cử cho tha nhân và thế giới


Sứ mệnh của kitô hữu là không mệt mỏi cầu nguyện cho thế giới, bầu cử cho tha nhân, loan báo, làm chứng cho Chúa Kitô và noi gương Chúa nối liền đất với trời.

ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên trong bài giàng thánh lễ Chúa Thăng Thiên, cừ hành lúc năm giờ rưỡi chiều ngày 27 tháng 5 tại quảng trường Kennedy của thành phố Genova truớc sự hiện diện của hơn 100.000 tín hữu. Quảng trường này nằm dọc bến cảng Genova. Khán đài mầu trắng có một bàn thờ và thánh giá cổ chạm trổ và trang hoàng đơn sơ nhưng rất đẹp. Cùng đồng tế với ĐTC có vài trăm linh mục của tổng giáo phận.

Trong bài giàng ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc lễ Chúa Thăng Thiên và nói: Truớc khi về Trời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Mọi quyền trên trời dưới đất đã được trao cho Thầy”. Quyền của Chúa Giêsu là sức mạnh của Thiên Chúa. Trước hết đó là quyền nối liền trời và đất. Hôm nay chúng ta cử hành mầu nhiệm này, bởi vì khi Chúa Giêsu lên với Thiên Chúa Cha, thịt xác nhân loại của chúng ta đã bước qua ngưỡng cửa của Trời; nhân tính của chúng ta ở đó luôn mãi trong Thiên Chúa. Niềm tin tưởng của chúng ta là ở đó, bởi vì Thiên Chúa sẽ không bao giờ mệt mỏi vì con người. Và thật an ủi cho chúng ta, khi biết rằng trong Thiên Chúa, với Chúa Giêsu một chỗ đã được dọn sẵn cho chúng ta:. một số phận là con cái được sống lại chờ đợi chúng ta, và vì thế thật đáng sống trên trần gian này bằng cách tìm kiếm những sự trên trời, nơi có Chúa ngự trị (x. Cl 3,1-2).

Tuy nhiên, quyền nối liền trời và đất này cho chúng ta của Chúa Giêsu không kết thúc một khi lên trời, nhưng cả ngày nay nữa vẫn tiếp tục và kéo dài luôn mãi. Thật thế, truớc khi lên cùng Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nói: “Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho tới tận thế” (Mt 28,25). Đây không phải chỉ là một kiểu nói, một trấn an đơn sơ như truớc khi du hành chúng ta nói với các bạn hữu: “Tôi sẽ nghĩ tới các bạn”. Không, Chúa Giêsu thật sự ở cùng chúng ta và cho chúng ta: trên Trời Ngài luôn luôn cho Thiên Chúa Cha thấy nhân tính của Ngài, nhân tính của chúng ta, và như thế “ngài luôn sống để bầu cử cho chúng ta (Dt 7,25). Bầu cử đó là từ chià khoá biểu lộ quyền năng của Chúa Giêsu. Bên Thiên Chúa Cha Chúa Giêsu bầu cử cho chúng ta mỗi ngày, mọi lúc. Trong mỗi lời cầu, trong mỗi lời xin tha thứ của chúng ta, nhất là trong mỗi Thánh Lễ Chúa Giêsu bầu cử: Ngài cho Thiên Chúa Cha thấy các dấu chỉ cuộc sống hiến dâng của Ngài, các thương tích của Ngài, và bầu cử để có được sự thương xót cho chúng ta. Ngài là “trạng sư” của chúng ta (x. 1 Ga 2,1), và khi chúng ta có vài lý do quan trọng nào đó, thật là tốt biết tín thác nó cho Chúa và nói: “Lậy Chúa Giêsu, xin bầu cử cho con, cho chúng con, cho người đó, cho tình trạng ấy…”

Khả năng bầu cử này Chúa Giêsu cũng đã ban cho chúng ta, cho Giáo Hội, có quyền và bổn phận bầu cử, cầu nguyện cho tất cả mọi người. Như là Giáo Hội, như là các kitô hữu, chúng ta có thực thi quyền này bằng cách đem các người và các tình trạng đến với Thiên Chúa không?” Thế giới cần điều đó. Chính chúng ta cần điều đó. Luôn phải sống giữa biết bao nhiêu chuyện và có biết bao điều phải làm chúng ra có thể lạc mất, khép kín trong chính mình, và trở thành bôn chôn vì một chuyện không đâu. Để đừng bị chìm nghỉm trong cái “sống khó chịu”, mỗi ngày chúng ta hãy nhớ “cắm neo nơi Thiên Chúa”: chúng ta hãy đem đến cho Ngài mọi gánh nặng, các con người và tình trạng, hãy tín thác tất cả cho Ngài. Đó là sức mạnh của lời cầu nguyện nối liền trời và đất, cho phép Thiên Chúa bước vào trong thời gian của chúng ta.

Lời cầu nguyện kitô không phải là một kiểu giúp ở trong an bình hơn một chút với chính mình, hay tìm được vài sự hài hoà nội tâm. Chúng ta cầu nguyện để đem mọi sự tới với Chúa, để tín thác thế giới cho Ngài: cầu nguyện là bầu cử. Nó không phải là sự yên tịnh, nó là việc bác ái. Nó là cầu xin, kiếm tìm và gõ cửa (x. Mt 7,7). Nó là dấn thân để bầu cử, bằng cách kiên trì nài nỉ với Chúa cho nhau (x. Cv 1,14). Bầu cử không mệt mỏi: đó là trách nhiệm đầu tiên của chúng ta, bởi vì lời cầu nguyện là sức mạnh giúp thế giới tiến tới; nó là sứ mệnh của chúng ta, một sứ mệnh vừa khiến mệt mỏi vừa trao ban bình an. Quyền năng của chúng ta là đó: không thống trị hay hét to hơn theo cái luận lý của thế gian này, nhưng thực thi sức mạnh khiêm tốn của lời cầu nguyện, qua đó cũng có thể chấm dứt chiến tranh và có được hoà bình. Như Chúa Giêsu luôn luôn bầu cử cho chúng ta bên Thiên Chúa, chúng ta là môn đệ của Ngài cũng không bao giờ mệt mỏi cầu nguyện để cho đất gần với trời.

Từ chià khóa thứ hai vén mở quyền năng của Chúa Giêsu đó là “loan báo”. Chúa gửi các môn đệ đi loan báo Ngài với quyền năng của Chúa Thánh Thần: “Các con hãy ra đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Đây là một cử chỉ tin tưởng tuyệt đối nơi các người của Ngài: Chúa Giêsu tin tưởng nơi chúng ta, Ngài tin nơi chúng ta hơn chúng ta tin nơi chính mình. Mặc dù các thiếu sót của chúng ta Ngài gửi chúng ta ra đi: Ngài biết chúng ta sẽ không bao giờ toàn thiện, và nếu chúng ta chờ đợi trở nên tốt lành hơn để rao giảng Tin Mừng, thì chúng ta sẽ không bao giờ bắt đầu.

Nhưng đối với Chúa Giêsu thật quan trọng là chúng ta bắt đầu thắng vượt ngay một sự bất toàn lớn: đó là sự khép kín. Bởi vì Tin Mừng không thể bị khép kín và niêm phong, bởi vì tinh yêu của Thiên Chúa năng động và muốn tới với tất cả mọi người. Như thế để loan báo cần phải ra đi, ra khỏi chính mình. Với Chúa chúng ta không thể ở yên được, an vị trong thế giới của mình hay trong các kỷ niệm nhớ nhung quá khứ: với Chúa không được tự ru ngủ trong các an ninh chiếm hữu được. Đối với Chúa Giêsu an ninh là ra đi với lòng tin tưởng: chính nơi đó sức mạnh của Ngài được vén mở. Bởi vì Chúa không đánh giá cao các khéo léo và thoải mái, nhưng khiến khó chịu và luôn luôn bắt đầu trở lại. Ngài muốn chúng ra đi ra, tự do khỏi cám dỗ tự bằng lòng với chính mình, khi chúng ta khoan khoái và kiểm soát được mọi sự.

Ngày hôm nay Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta: “Các con hãy ra đi”. Với bí tích Rửa Tội Ngài đã ban cho từng người trong chúng ta quyền loan báo. Vì thế đi vào thế giới với Chúa thuộc căn tính của kitô hữu. Kitô hữu không dừng lại, nhưng bước đi: với Chúa đến với người khác. Nhưng họ không phải là một người chạy điên cuồng, hay một người chinh phục phải đến trước các người khác. Kitô hữu là một người hành hương, một thừa sai, một “người chạy đua đường trường hy vọng”, dịu hiền nhưng cương quyết tiến bước; tin tưởng đồng thời hoạt động; có óc sáng tạo nhưng luôn luôn tôn trọng; tháo vát và cởi mở; chăm chỉ làm việc và liên đới. Với kiểu sống này chúng ta rong ruổi trên các nẻo đường của thế giới!

Cũng giống như các môn đệ thuở ban đầu các nơi loan báo của chúng ta là các nẻo đường thế giới: nhất là nơi ở đó ngày nay Chúa chờ đợi được biết tới. Như thuở ban đầu, Ngài ước mong việc loan báo được đem đi với sức mạnh của ngài: không phải với sức mạnh của thế gian, nhưng với sức mạnh trong sáng và hiền dịu của chứng tá tươi vui. Đây là điều cấp bách. Chúng ta hãy xin Chúa ơn đừng hoá đá trên các vấn đề chính yếu, nhưng hoàn toàn dấn thân cho sứ mệnh cấp bách này. Hãy để cho người khác các bép xép và các tranh luận giả tạo của người chỉ biết lắng nghe chính mình, và hãy làm việc một cách cụ thể cho ích chung và hoà bình: hãy can đảm dấn thân với xác tín rằng cho đi thì vui hơn là nhận lãnh (x. Cv 20,35).

Linh Tiến Khải
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2017/05/27/kh%C3%B4ng_m%E1%BB%87t_m%E1%BB%8Fi_c%E1%BA%A7u_nguy%E1%BB%87n,_b%E1%BA%A7u_c%E1%BB%AB_cho_tha_nh%C3%A2n_v%C3%A0_th%E1%BA%BF_gi%E1%BB%9Bi/1315266

Truyền thông với tâm thế hy vọng


Truyền thông với tâm thế hy vọng
Suy nghĩ về Sứ điệp Truyền thông 2017 “Đừng sợ, Ta ở với ngươi”
*
Bài nói chuyện của Đức giám mục Phêrô Nguyễn văn Khảm
trong Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 51 (28-05-2017)
do các giáo phận Sài Gòn, Mỹ Tho và Phú Cường
cử hành tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn ngày 27-05-2017

Đã nhiều lần tôi có cơ hội đến đây trình bày Sứ điệp truyền thông hằng năm của các Đức Giáo hoàng. Năm nay cũng thế. Nếu có điều gì khác hơn, chắc là vì tôi mới đi dự Đại hội của Quốc vụ viện Truyền thông, từ ngày 3-5 tháng 5 năm 2017, tại Rôma. Vì thế xin chia sẻ một vài cảm nghĩ từ Đại hội cũng như từ Sứ điệp truyền thông năm 2017 của Đức Giáo hoàng Phanxicô.

1. Trước hết là cảm nhận về Hội Thánh toàn cầu. Các thành viên của Quốc vụ viện tham dự Đại hội được mời ở ngay trong Nhà Santa Marta, cũng là nơi ở của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Vì ở chung nhà nên hằng ngày nhìn thấy Đức Giáo hoàng, người cha chung của Hội Thánh toàn cầu, với áo dòng trắng đơn sơ, xuống nhà cơm và dùng cơm chung với mọi người. Rất gần gũi.

Thêm vào đó, nơi họp Đại hội không phải là trụ sở của Quốc vụ viện Truyền thông (trên đường Hòa giải) nhưng là một phòng họp lớn trong Dinh giáo hoàng, nơi Đức Giáo hoàng tiếp kiến các nguyên thủ quốc gia và những phái đoàn lớn trên thế giới, cũng như tiếp các giám mục trong dịp ad limina. Hội họp trong dinh thự đó giúp người tham dự ý thức rằng mình đang làm việc của Hội Thánh toàn cầu chứ không phải của riêng quốc gia nào. Tính toàn cầu đó còn thể hiện qua sự đa dạng của các tham dự viên: 20 thành viên chính thức của Quốc vụ viện thuộc 18 quốc tịch khác nhau, ở nhiều châu lục khác nhau: châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Phi.

Ngoài ra, sau những giờ làm việc, khi ra quảng trường Thánh Phêrô, tôi nhìn thấy và gặp các đoàn hành hương từ khắp nơi trên thế giới và nói đủ thứ ngôn ngữ, tuôn về Rôma, thủ phủ của Hội Thánh Công giáo. Tất cả đều tạo cho tôi cảm nhận rõ ràng về Hội Thánh toàn cầu.

2. Hội Thánh toàn cầu quan tâm đến truyền thông. Mục đích của việc thiết lập Quốc vụ viện Truyền thông đã được chính Đức Giáo hoàng Phanxicô xác định trong Tự sắc thành lập cũng như trong diễn văn ngỏ lời với Đại hội, là “nghiên cứu những tiêu chuẩn và phương thức mới để thông truyền Tin Mừng lòng thương xót đến mọi dân tộc, trong các nền văn hóa khác nhau, qua những phương tiện truyền thông mà bối cảnh văn hóa kỹ thuật số cung cấp cho con người ngày nay” (ĐGH Phanxicô, Diễn văn tại Đại hội của Quốc vụ viện Truyền thông, ngày 4-5-2017).

Để đạt mục đích đó, vấn đề không chỉ là sáp nhập những cơ quan trước đây lại với nhau (Báo Osservatore romano, Nhà in Vatican, Nhà xuất bản Vatican, Radio Vatican, TV Vatican, Hội đồng giáo hoàng về Truyền thông, Phòng báo chí Tòa Thánh, Dịch vụ internet, Dịch vụ hình ảnh), nhưng là kiến tạo một cơ chế hoàn toàn mới, đáp ứng nhu cầu truyền thông trong thế giới thay đổi rất nhanh về khoa học kỹ thuật, hình thành nền văn hóa kỹ thuật số. Hội Thánh cần phải hiện diện trong thế giới kỹ thuật số để thi hành sứ mệnh Chúa Giêsu đã trao phó là “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).

3. Trong thế giới kỹ thuật số, mọi Kitô hữu đều được mời gọi tham gia sứ mệnh loan báo Tin Mừng, trở thành một tác viên truyền thông. Một trong những nét độc đáo của văn hóa kỹ thuật số là mỗi người đều trở thành chủ thể truyền thông thay vì chỉ là đối tượng. Trong thời đại báo in, chỉ có một số rất ít các nhà báo, phóng viên…viết bài, còn trong thế giới kỹ thuật số, ai cũng viết được. Có những bloggers thu hút người xem hơn cả một tờ báo in. Nếu không viết cả bài báo thì những comments cũng là cách phản hồi, vừa nhanh gọn vừa có thể gây hiệu ứng cao.

Vì mỗi người đều là chủ thể truyền thông nên câu hỏi đặt ra là: chúng ta nói gì, viết gì trên mạng toàn cầu? Nói gì và viết gì lại tùy thuộc cách chúng ta nhìn thực tại. Thật vậy, vấn đề không chỉ là những sự kiện và thực tại đang diễn ra nhưng còn là cách chúng ta nhìn thực tại, là cặp kính chúng ta dùng để nhìn thực tại, như Đức Giáo hoàng Phanxicô nói trong Sứ điệp Truyền thông 2017. Cũng một sự vật nhưng người ta có thể nhìn thấy khác nhau về màu sắc cũng như hình dáng, tùy vào cặp kính mang trên mắt. Tương tự như thế, cũng một sự kiện, một biến cố, mỗi người có thể nhìn cách khác là tùy vào cặp kính nội tâm của mình. Và từ cách nhìn khác nhau sẽ dẫn đến phản ứng và thái độ khác nhau.

Cặp kính tốt nhất là Tin Mừng, không chỉ là Tin Mừng về Chúa Giêsu nhưng là chính Chúa Giêsu. Do đó, mang cặp kính Tin Mừng là mang tâm thế của Chúa Giêsu: “Hãy mang trong anh em những tâm tư của Chúa Giêsu” (Phil 2,5).

4. Tâm thế của Chúa Giêsu là tâm thế hy vọng mà Sứ điệp diễn tả là sợi chỉ xuyên suốt lịch sử cứu độ và nắm men làm dậy cả khối bột. Để cụ thể hóa điều này, tôi nhớ đến dụ ngôn Người gieo giống (Mt 13,3-9). Chính cộng đoàn của Matthêu đã giải thích ý nghĩa của dụ ngôn (Mt 13,18-23): nghe Lời Chúa mà không hiểu là gieo bên vệ đường; nghe mà không đâm rễ sâu là gieo nơi sỏi đá; nghe mà không sinh hoa kết quả là gieo vào bụi gai; còn nghe mà hiểu và sinh hoa kết quả là gieo vào đất tốt. Cách giải thích này được gọi là giải thích theo tỷ ngôn, còn theo một số nhà chú giải Kinh Thánh thì điểm nhấn của dụ ngôn là ở chỗ khác, đó là niềm hy vọng mãnh liệt của người gieo. Người gieo giống ra đi gieo hạt giống Nước Trời. Nhìn từ bên ngoài, xem ra công việc thất bại vì quá nhiều hạt giống rơi trên sỏi đá, trong bụi gai, bên vệ đường. Dù vậy chăng nữa, vẫn có những hạt rơi vào đất tốt và sinh hoa kết quả phong phú. Cho nên hãy cứ kiên nhẫn mà gieo hạt giống Nước Trời. Rõ ràng là tâm thế tràn đầy hy vọng.

Hãy nhìn vào cuộc đời Chúa Giêsu. Cả một đời bôn ba rao giảng khắp nơi, làm bao nhiêu phép lạ, được quần chúng tôn vinh…Thế rồi, vào thời điểm cuối cùng, từ đỉnh cao thập giá nhìn xuống, Người thấy gì? Những cánh tay giơ cao đòi đóng đinh, những cái miệng hô to lên án; ngay cả những môn đệ thân thiết cũng bỏ chạy, dưới chân thập giá chỉ còn lại bà mẹ già và người học trò yêu. Nhưng chính trong giây phút tưởng như tuyệt vọng đó, Chúa Giêsu kêu lên “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” và “Lạy Cha, con phó thác sự sống con trong tay Cha”. Đó là tiếng kêu của hy vọng, cậy trông, phó thác. Chỉ có niềm hy vọng mãnh liệt vào sự chiến thắng tối hậu của tình yêu mới làm cho người ta dám tha thứ cho những kẻ giết chết mình. Chỉ có niềm hy vọng mãnh liệt vào Thiên Chúa mới ban tặng sức mạnh để dám phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa trong những giây phút kinh hoàng nhất. Chính vì thế, thập giá Đức Kitô trở thành nguồn hy vọng. Và thay cho đám đông hò la lên án hôm ấy trên đồi Canvê, muôn ngàn thế hệ đã, đang và sẽ hát lên: “Vinh quang của ta là thập giá Đức Kitô, nơi Ngài, ơn cứu độ của ta, sức sống của ta, phục sinh của ta”.

5. Tâm thế hy vọng giúp khám phá những điều tích cực hơn là chỉ nhìn vào điều tiêu cực, giúp mở cánh cửa đi về phía tương lai hơn là nhốt kín tha nhân trong ngục tù quá khứ. Hãy đọc lại câu chuyện Người nữ ngoại tình (Ga 8,1-11). Các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình, và nhân danh lề luật, người ta đòi ném đá người phụ nữ đó. Bằng việc tuyên án đó, người ta khóa chặt cuộc đời của chị trong quá khứ, và cả cuộc đời chị bị đóng dấu bằng tội ngoại tình! Còn Chúa Giêsu thì sao? Người nói với chị phụ nữ: “Con về đi và đừng phạm tội nữa”. Không chỉ là giúp chị thoát chết nhưng là mở cho chị cả một cánh cửa đi tới tương lai. Và Chúa Giêsu mở cánh cửa đó cho chị vì Người nhìn thấy điều tích cực nơi chị chứ không chỉ là điều tiêu cực”: tuy chị có tội nhưng đó không phải là tất cả, chị có khả năng sống cuộc sống tốt lành như bao người và có thể hơn nữa.

Ngày nay, ngồi trước bàn phím, cũng có nhiều ông bà thuộc hàng kinh sư và Pharisêu như thế! Cứ lên mạng là biết, cứ vào facebook là thấy. Có “hot news” nào là đủ thứ comments. Không cần tìm hiểu sự thật ra sao, cứ “chửi” đã! Càng cay chua càng đã! Họ thích lên án hơn là tha thứ, thích nhốt người khác trong quá khứ hơn là mở cho người khác cánh cửa đi tới tương lai.

Có điều rất lạ, khi kể chuyện về người nữ ngoại tình, thánh Gioan ghi nhận rằng khi nghe Chúa Giêsu nói “Ai trong các ông sạch tội thì lấy đá mà ném trước đi”, họ bỏ đi hết, “bắt đầu từ những người lớn tuổi” (Ga 8,8). Cái lạ là Đấng chí thánh, Đấng không hề phạm tội, thì không lên án nhưng chỉ tha thứ, còn kẻ tội lỗi lại thích lên án. Ngày nay cũng thế thôi. Hình như có thứ tâm lý bù trừ ở đây. Bản thân tội lỗi đầm đìa nhưng thích xoi mói và lên án người khác để tỏ ra rằng mình tốt lành. Còn người đạo đức thật sự lại rộng lòng cảm thông và tha thứ. Đức Giáo hoàng Phanxicô chia sẻ rằng mỗi khi đến thăm các tù nhân, ngài hay tự hỏi: nếu tôi ở trong hoàn cảnh của họ, tôi có tốt hơn họ không hay còn tệ hơn thế? Lại chẳng đáng cho chúng ta cân nhắc khi ngồi trước bàn phím sao?

Kết luận: Tâm thế hy vọng giúp ta khám phá những điều tích cực hơn là tiêu cực, quảng đại với tha nhân hơn là chật hẹp, nhờ đó trở thành người loan báo Tin Mừng hơn là tin dữ, tin vui hơn là tin buồn, qua bài viết, comments, hình ảnh đưa lên trên internet. Hãy bước vào thế giới kỹ thuật số với tâm thế hy vọng và trở thành người loan báo Tin Mừng.

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/truyen-thong-voi-tam-the-hy-vong/8855.63.8.aspx

Bảo tàng Vatican và Bảo tàng Do Thái tại Roma cùng triển lãm Menorah


WHĐ (28.05.2017) – Một cuộc triển lãm mang tên “Menorah. Phụng tự, lịch sử và huyền thoại” được tổ chức từ ngày 16 tháng Năm đến ngày 23 tháng Bảy 2017, đồng thời tại “Cánh Charlemagne” của Viện Bảo tàng Vatican và tại Bảo tàng Do Thái ở Roma: đây là dự án đầu tiên chung của hai tổ chức này.

Ban tổ chức cho biết: “Cuộc triển lãm kể lại lịch sử của menorah – chân đèn bảy ngọn, biểu tượng mang bản sắc của dân Do Thái – qua một sưu tập phong phú khoảng 150 tác phẩm nghệ thuật, gồm tranh, tượng, bản thảo và minh họa sách”.

Trong dịp này, Giám đốc triển lãm, nhà sử học nghệ thuật Francesco Leone, và Arnold Nesselrath, đại diện các phân bộ khoa học và các phòng phục chế của Viện Bảo tàng Vatican, đã có cuộc trao đổi với Đài phát thanh Vatican ở Italia.

Giáo sư Nesselrath nhấn mạnh rằng cuộc triển lãm trình bày “lịch sử của menorah”: “Chúng tôi bắt đầu với những dữ kiện xác thực: chúng tôi có một bản sao Khải hoàn môn Titus, với phù điêu trên đó cho thấy hình ảnh menorah đã đến Roma.

Tảng đá Magdala

Giáo sư gợi chú ý đến “tảng đá Magdala”: “Chúng tôi có tảng đá Magdala – thật là một cảm xúc tuyệt vời – mới được tìm thấy vào năm 2009. Đây là lần đầu tiên tảng đá này được đem ra khỏi Israel nhờ sự nhượng bộ của nhà nước Israel. Đó là bản chạm nổi của menorah được thực hiện vào thời chân đèn này vẫn còn ở trong Đền Thờ Giêrusalem. Và tất nhiên, có cả chân dung của hoàng đế Titus. Ở Đền thánh Mentorella của Công giáo trong khu phố La tinh, có một bức tranh Kitô giáo thể hiện menorah. Chúng tôi vừa trưng bày cây chân đèn Pandabor lớn, đó là một ví dụ thực tế chứng tỏ rằng qua những chân đèn bảy ngọn, Kitô giáo vẫn nhớ đến nguồn gốc Do Thái của mình”.

Ông giải thích rằng “quả thật, biểu tượng của Do Thái giáo cũng trở thành một điểm tham chiếu cho Kitô giáo” và đó là “một yếu tố quan trọng trong cả cuộc triển lãm”: “Khi mà người ta dùng tôn giáo để biện minh cho những cuộc chiến, chúng tôi muốn chỉ cho mọi người thấy rằng các tôn giáo không chống lại nhau, nhưng trái lại, đối thoại với nhau. Một cuộc đối thoại có thể làm nảy sinh điều gì đó tốt đẹp và mang tính xây dựng. Đối với tôi, thật là một cảm xúc tuyệt vời khi nhìn thấy tấm bích chương có hình menorah ở bên cạnh mặt tiền Đền thờ Thánh Phêrô. Tôi tin rằng đây là một biểu tượng rất mạnh mẽ mà cuộc triển lãm của Roma về menorah muốn chuyển tải. Đối với chúng tôi, cuộc đối thoại này rất quan trọng, đó là sự chung sống. Mặc dù có những quan điểm khác nhau, nhưng chúng tôi thực sự muốn nói rằng chúng ta có thể cùng nhau xây dựng, ngay cả khi có những ý tưởng khác biệt”.

Francesco Leone nhắc lại rằng “menorah là chân đèn bằng vàng có bảy nhánh, mang tính huyền thoại và truyền thuyết, mà trên núi Sinai Chúa đã truyền cho Môsê đúc nguyên khối bằng vàng ròng: cây đèn đầu tiên có lẽ phải nặng đến 35 kg. Menorah có một lịch sử hàng nghìn năm, mang tính truyền thuyết, một loại Chén Thánh. Menorah được đặt trong đền thờ của Salomon vào thế kỷ thứ X trước kỷ nguyên Kitô giáo; và bị người Babylon cướp đi, sau đó dân Israel đúc lại cái khác sau thời gian lưu vong ở Babylon trở về. Những câu chuyện khác mang tính truyền thuyết và huyền thoại ít nhiều, cũng liên quan đến chân đèn này. Menorah sau đó được tướng Titus đem về Roma vào năm 71, sau khi Đền thờ Jerusalem bị phá hủy năm trước đó. Nhưng tại Roma chân đèn này biến mất hẳn, có lẽ bị những người Wisigoth hay người Vandal đánh cướp, rồi có lẽ mất tích luôn ở Constantinopolis. Kể từ lúc menorah xuất hiện rồi biến mất, ở Roma loan truyền một loạt các truyền thuyết và huyền thoại, những câu chuyện huyền hoặc cứ tiếp tục mãi cho đến thế kỷ XX. Vì thế có lẽ Roma đã và vẫn luôn là sân khấu lý tưởng để tổ chức cuộc triển lãm này”.

(Theo Zenit)

Minh Đức
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/bao-tang-vatican-va-bao-tang-do-thai-tai-roma-cung-trien-lam-menorah/8854.57.7.aspx

Cử hành Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 51 tại Sài Gòn

WGPSG -- “Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi! Hãy truyền thông niềm hy vọng và sự tin tưởng trong thời đại chúng ta!” - Đó là chủ đề sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho ngày Thế giới Truyền Thông Xã hội (TTXH) lần thứ 51. Ngày Thế giới TTXH 51 này đã được Tổng Giáo Phận Sài Gòn, Giáo phận (GP) Mỹ Tho và GP Phú Cường liên kết cử hành vào sáng thứ Bảy 27.5.2017 tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn, số 6 bis Tôn Đức Thắng, Quận I, TPHCM.

Tham dự buổi Cử hành có Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Chủ tịch Ủy ban TTXH/ HĐGMVN, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Thành viên Quốc vụ viện Truyền Thông của Tòa Thánh, Đức ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, đông đảo linh mục, tu sĩ, giáo dân và thành viên truyền thông của 3 giáo phận nói trên. Tổng cộng khoảng 500 người tham dự.

Chương trình gồm có 4 phần - Giao lưu ngoài sân, Khai mạc trong hội trường, Nhìn lại & hướng tới, Thánh lễ & liên hoan - được dẫn bởi hai MC Văn Quýnh và Bích Trâm.

I. Giao lưu ngoài sân

Đúng 7g, ban kèn tây của giáo xứ Nam Hòa đã trổi lên những khúc nhạc rộn rã, tạo bầu khí hân hoan để đưa các thành viên truyền thông của 3 giáo phận đi vào phần giao lưu của 5 liên nhóm với các trò chơi, múa hát mang nội dung giới thiệu, làm quen và kết thân. Các nhóm đã chụp hình chung với Đức cha Giuse, Đức ông và quý cha. Vào lúc 7g45, các cá nhân đã giao lưu với nhau, ghi lại trên cuốn Nhip Sống Tin Mừng: chữ ký và những thông tin liên lạc cá nhân của những người bạn vừa mới làm quen để có thể kết thân lâu dài với nhau.

II. Khai mạc trong hội trường

Vào lúc 8g30, chương trình cử hành chính thức bắt đầu với nghi thức Cung nghinh và Công bố Lời Chúa. Sau khi cộng đoàn cầu nguyện với bài “Tâm ca Truyền Thông”, ĐGM Chủ tịch UB TTXH đã nói lên ý nghĩa để tuyên bố khai mạc buổi cử hành; và chủ đề của ngày Thế giới TTXH, ngay sau đó, cũng đã được diễn tả qua bài hát múa cộng đồng: “Truyền Thông Niềm Hy Vọng”.

III. Nhìn lại và hướng tới

Phần chính yếu của buổi cử hành đã diễn ra khi 3 Giáo phận dùng video clip để lần lượt báo cáo những sinh hoạt trong năm qua và định hướng cho năm tới. Mục vụ Truyền thông Sài Gòn nhấn mạnh đến 5 công tác linh đạo TT cơ bản, 5 cuộc cử hành mang định hướng thiêng liêng, các hoạt động tác nghiệp chung với các giáo phận và các hội dòng khác, đồng thời hướng tới đổi mới các trang web và kế hoạch truyền thông cho thiếu nhi. Mục vụ Truyền thông Mỹ Tho quan tâm chăm sóc các thành viên về mặt linh đạo và chuyên môn, thực hiện các audio và video cần thiết.  Riêng Mục vụ Truyền thông GP Phú Cường đã có những sản phẩm truyền thông hữu dụng như: ứng dụng “Tìm nhà thờ” Công giáo trên đất nước Việt Nam, ứng dụng “Theo Chúa mỗi ngày”, phần “Trắc nghiệm online” của Trang web giáo phận dành cho thiếu nhi...

Sau đó, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã ban huấn từ, giúp các tham dự viên tìm hiểu và học hỏi sứ điệp ngày Thế giời TT lần thứ 51. Trước hết, ngài chia sẻ về hội nghị của Quốc Vụ viện Truyền Thông Tòa Thánh vừa qua - với cảm nhận về “bầu khí toàn cầu”, về mục đích “nghiên cứu những tiêu chuẩn và phương thức mới để truyền thông Tin mừng Lòng Thương xót, đến mọi dân tộc trong các nền văn hóa khác nhau, qua các phương tiện truyền thông, mà bối cảnh văn hóa kỹ thuật số đang cung cấp cho con người hôm nay”. Chính mục đích này đã thúc đẩy Đức Giáo Hoàng canh tân và cải tổ truyền thông. Tiếp theo, Đức cha Phêrô đi vào nội dung sứ điệp ngày Thế giới TTXH 51, nhắc nhở mọi người hãy mang tâm thế hy vọng của Đức Kitô để nhìn con người và sự kiện. (Xem Video)

Tiếp theo, đại diện truyền thông GP Mỹ Tho, GP Phú Cường và 14 trưởng nhóm MVTT Sài Gòn đã nhận món quà của cha Tổng Đại diện TGP.TPHCM gởi tặng các thành viên nhiệt tình với sứ mạng truyền thông Tin Mừng trong năm qua. Và Ban Tổ chức đã trao phần thưởng cho cô Thúy Vi - người đã xuất sắc giao lưu được với 46 thành viên MVTT trong khoảng thời gian giao lưu ngắn ngủi vào đầu buổi cử hành. Ban Tổ chức cũng trao phần thưởng cho cô Hồng Tuyến - người đã trả lời được một câu hỏi trong cuốn Nhịp Sống Tin Mừng.

Để chúc mừng bổn mạng của MVTT GP Mỹ Tho, Phú Cường và Sài Gòn, lớp MVTT Tổng Quan niên khóa 2016-2017 - cùng với sự cộng tác của một số nhóm múa - đã minh họa chủ đề “Truyền thông Niềm Hy vọng” qua một tiểu phẩm đầy ý nghĩa, do nữ tu Phương Tuyền và anh Holly Thắng đạo diễn.

IV. Thánh lễ & Liên hoan

Vào lúc 11g15, ĐGM chủ tịch UBTTXH đã chủ sự Thánh lễ và giảng lễ. Đồng tế với ngài có 23 linh mục và một phó tế. Trong bài giảng, Đức cha Giuse nhấn mạnh đến niềm tin và hy vọng mà Chúa Thăng Thiên đã ban cho các tín hữu, giúp họ can đảm vượt qua những trở ngại - mà đem niềm hy vọng đến cho một thế giới đang chao đảo.

Sau lời nguyện giáo dân là phần tuyên hứa của 33 tân thành viên MVTT Sài Gòn. Đức Cha chủ tế đã trao chứng chỉ, sách Tân ước, sách Youcat và cà vạt truyền thông cho các tân thành viên.

Cuối lễ, sau khi tất cả các thành viên MVTT lập lại bài ca tuyên hứa dấn thân, linh mục Trưởng ban MVTT Sài Gòn đã thay mặt MVTT ba giáo phận diễn tả niềm tri ân đến mọi người liên quan và nói lên lời hứa thực hiện các huấn dụ của giáo quyền về truyền thông.

Sau Thánh lễ, mọi tham dự viên đã cùng chia sẻ bữa cơm ấm áp tình yêu thương của Đức Giêsu Thăng Thiên.
NGÀY TG TRUYỀN THÔNG XH 51