Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

Một nghệ sĩ đạo dấn thân vào đời

Thuở nhỏ Khắc Dũng đã có ý định dâng mình cho Chúa, nhưng rồi thời cuộc với ý Chúa nhiệm mầu đã đưa anh qua con đường nghệ thuật để trở thành một nghệ sĩ được nhiều yêu mến...

Khắc Dũng “giữa Ðời”
Tuy cha anh gốc Bạc Liêu và mẹ anh quê Vĩnh Long, gặp nhau ở Sài Gòn, nhưng do công việc của cha, nên anh được sinh ra ở Ðà Nẵng. Khi Khắc Dũng lên 4-5 tuổi thì gia đình chuyển về lại Sài Gòn sinh sống, lúc ấy anh đã sớm bộc lộ năng khiếu bẩm sinh về thơ - nhạc - họa.  Sau này, nhờ tham gia sinh hoạt trong các ca đoàn lần lượt từ giáo xứ Bình Xuyên (Q.8) đến nhà thờ Vườn Xoài (Q.3), Khắc Dũng sớm nắm vững nhạc lý cũng như kỹ thuật thanh nhạc. Sau năm 75, cũng như nhiều gia đình khác khó khăn, Khắc Dũng phải làm đủ nghề để phụ giúp gia đình như sửa xe, vẽ mành sáo trúc, chạy xe ôm, bán thuốc tây... Dầu vậy, niềm đam mê ca hát lúc nào cũng âm ỉ, thôi thúc trong anh.
Từ những năm 1978-1979, Khắc Dũng tham gia và trưởng thành hơn qua các phong trào văn nghệ quần chúng, mãi đến năm 1988, nữ danh ca Tâm Vấn, giọng ca vang bóng một thời đã phát hiện ra tiềm năng của anh nên âm thầm sai người con gái của mình đi đăng ký cho Khắc Dũng thi “Giọng Hát Hay 88” (tiền thân cuộc thi Tiếng Hát Truyền Hình sau này) do Hội Âm nhạc TPHCM phối hợp với Ðài truyền hình TPHCM tổ chức. Không phụ lòng vị ân nhân, lần thi này Khắc Dũng đã chiếm được giải nhất. Cùng dự thi với anh có những giọng hát quen thuộc về sau như Thùy Dương, Thiên Kim, Hoài Nam, Vinh Hiển… Cũng từ đó, Khắc Dũng trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, thường xuyên xuất hiện trên các chương trình truyền thanh, truyền hình, tại các sân khấu tụ điểm ca nhạc và cả trong lĩnh vực ghi âm băng đĩa.
Một điều đáng ghi nhận là giọng hát ấm áp, truyền cảm của Khắc Dũng có thể thể hiện nhiều dòng nhạc khác nhau : từ nhạc truyền thống cách mạng, nhạc trẻ, nhạc trữ tình vang bóng một thời, tiền chiến... cho đến thánh ca, mà ở dòng nhạc nào thì tiếng hát Khắc Dũng vẫn có âm sắc riêng biệt, mang đến cho người nghe những cảm xúc dạt dào. Luôn khát khao nâng tầm hiểu biết và phát triển kỹ năng âm nhạc của mình, Khắc Dũng đã theo học và tốt nghiệp Ðại học Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy Nhạc viện TPHCM năm 2000. Anh cũng từng là Chủ nhiệm CLB Ca sĩ trẻ của Hội Âm Nhạc thành phố.

Ngoài khả năng ca hát, Khắc Dũng còn là nhạc sĩ sáng tác. Chỉ riêng mảng ca khúc thiếu nhi anh đã có hàng chục bài được các sân khấu và hãng băng đĩa dàn dựng, rồi những tình ca dành cho những người đang yêu... Khi rỗi rảnh, anh còn làm thơ. Trong tập thơ mang tên Phiến đá hình trái tim (NXB Văn nghệ TPHCM, 2007), Khắc Dũng đã “tự họa” chân dung mình: 
“Tôi ngồi - nằm ngửa nằm nghiêng/ Rêu rao khúc hát tơ duyên phận người/ Tôi đi - đứng hết một đời/ Gom dăm nét nhạc, góp lời gió bay/ Tôi buồn - vui những cơn say/ Huơ tay bắt gió, giữ mây tặng người/ Tôi quên - nhớ tiếng em cười/ Gọi tim tỉnh dậy, thức mười hai thương...” (Tôi nhìn tôi).
Khắc Dũng “sống Ðạo”
Hiện là ca trưởng của ca đoàn Têrêsa - giáo xứ Ðức Mẹ Vô Nhiễm (Bình Thạnh), ngoài những giờ tập hát, sinh hoạt với anh chị em trong ca đoàn, Khắc Dũng còn tích cực tham gia sinh hoạt với hai nhóm nghệ thuật: Lửa Hồng và nhóm Dominic Art.
Nhóm Lửa Hồng và cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền

Nhóm Lửa Hồng được thành lập năm 2000 bởi cha linh hướng Phêrô Nguyễn Văn Hiền (hiện là Giám đốc Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM), với linh đạo “Qua âm nhạc, sống - khám phá và loan báo Tin Mừng”. Nhóm hiện có hơn 15 thành viên, trưởng nhóm là anh Lê Ðức Hùng, tất cả đều là nhạc sĩ chuyên sáng tác những bài hát dành cho giới trẻ. Nói như cha Giuse Tiến Lộc - CSSR thì “âm nhạc của Lửa Hồng là âm nhạc từ cửa nhà thờ trở ra”. Ðó là những mảng ca khúc Nhạc vào đời, Tâm ca ý lực, Nguyện ca... Khởi đầu nhóm sinh hoạt ở nhà thờ Phaolô (đường Lê Hồng Phong, Q.10) rồi đến Hội trường Tòa Tổng Giám mục, sau đó là Hội quán Mây (Nhà sách Hòa Bình - nhà xứ nhà thờ Ðức Bà), Trung tâm Mục vụ, nhà thờ Mạc Ty Nho (Q.1), nhà thờ Tân Ðịnh (Q.1)... Chủ đề sinh hoạt của nhóm thường dựa vào Thư Chung của HÐGMVN, hay chủ đề năm của Giáo hội Hoàn vũ hoặc múc nguồn cảm hứng từ Thánh Kinh, từ các giáo huấn Giáo hội Công giáo...
Một điều bất ngờ ít ai biết là ngoài âm nhạc Khắc Dũng còn có năng khiếu về hội họa, do vậy anh cũng đã tham gia tích cực trong nhóm Dominic Art. Nhóm này được sáng lập và linh hướng ngày đầu bởi cha Giuse Phạm Hưng Thịnh, OP (hiện linh hướng là cha Vincent Nguyễn Thành Tín, OP). Ðịa chỉ sinh hoạt chính của nhóm là nhà thờ Ba Chuông (đường Lê Văn Sỹ, Q.TB). Trưởng nhóm là họa sĩ Lê Hiếu cũng chọn linh đạo như nhóm Lửa Hồng, chỉ thay đổi tên gọi chuyên môn : “Qua đường nét và màu sắc, sống - khám phá và loan báo Tin Mừng”. Nhiều năm qua, nhóm Dominic Art đã tổ chức những cuộc triển lãm tranh (nghệ thuật Thánh và cả đời thường). Tranh bán được sẽ sung vào quỹ “Ðêm Ðông không nhà” nhằm giúp đỡ người vô gia cư, chủ yếu là những người phải ngủ ngoài đường trong đêm Giao thừa Tết Nguyên đán...
Nhóm Dominic Art và cha Vincent Nguyễn Thành Tín, OP

Mới đây, hưởng ứng lời kêu gọi của Ðức cha Giuse Châu Ngọc Tri (Giám mục GP Cao Bằng - Lạng Sơn), nhóm Dominic Art đã tổ chức các cuộc sáng tác “Ði ra vùng ngoại biên” đến tận vùng biên giới Lạng Sơn để sáng tác tranh, chụp ảnh... Sau đó tổ chức triển lãm, bán tác phẩm góp vào quỹ ủng hộ người nghèo của giáo phận này.
Khắc Dũng tâm sự : “Qua thời gian tham gia hai nhóm này, tôi khám phá ra “Ơn gọi” của mình là dùng những khả năng Chúa ban cho chúng ta là để phục Chúa, phục vụ anh em, chứ không phải chỉ để làm chương trình ca nhạc, triển lãm tranh một cách vui chơi, vô nghĩa...”.
Xuân Canh Tý này, Khắc Dũng cùng nhóm Lửa Hồng sẽ tổ chức chương trình ca nhạc với chủ đề “Tin vui cho mọi người”, theo tinh thần truyền giáo mà Ðức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn mời gọi. Chúng ta hãy cổ vũ cho tinh thần dấn thân phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Giáo hội và tha nhân của các nghệ sĩ Lửa Hồng và Dominic Art - trong đó có Khắc Dũng, để anh cùng mọi người luôn hun đúc bầu nhiệt huyết dấn thân.

HÀ ÐÌNH NGUYÊN

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

CHÚC MỪNG LỄ THÁNH GIOAN BOSCO - Bổn mạng Giáo khu 1


fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2018-01-31

Người ta thường tưởng mình biết hết về Thánh Gioan Bosco, một trong các nhà giáo dục lớn nhất của thời đại chúng ta… Dù vậy nhưng chưa chắc.

”Không yêu thương, không có tin tưởng. Không tin tưởng, không có giáo dục”. Câu “biểu ngữ” này của các tu sĩ Dòng Salê là câu tóm tắt cho nghệ thuật giáo dục của Thánh Gioan Bosco, ngài nhằm đến một giáo dục toàn diện cho các thanh thiến niên. Một nền giáo dục chứng nghiệm qua 150 năm nay. Nhưng chúng ta đã biết hết về vị thánh sinh năm 1815 tại Ý, là một trong các nhà giáo dục lớn nhất của thời đại chưa? Gioan Bosco, người làm trò ở chợ… Gioan Bosco người có những giấc mơ ngôn sứ… Gioan Bosco của những phép lạ, với sự giúp đỡ của Đức Mẹ Gioan Bosco đã xây được một nhà thờ, người không muốn vướng bận vào một chức tước gì để luôn là người khó nghèo Gioan Bosco… Sau đây là năm hình ảnh mà có thể bạn chưa biết về Thánh Gioan Bosco…


Gioan Bosco, người làm trò ở chợ

Khi Gioan Bosco lên 2 tuổi thì thân phụ ngài qua đời. Mẹ ngài là bà Ma-gơ-rít-ta, một phụ nữ có lòng đạo sốt sắng, không biết chữ nhưng bà thấy Chúa trong thiên nhiên, trong đời sống hàng ngày và trao truyền đức tin cho các con. Bà thích đưa Gioan đi chợ phiên và xem các người trẻ diễn trò ở đây. Gioan nhào lộn và làm ảo thuật rất giỏi. Gioan bày cho họ và cùng cầu nguyện với họ. Tương lai đã vạch sẵn. Trò chơi là phương tiện để Gioan chinh phục tâm hồn trẻ con. 

Các giấc mơ của Gioan

Lên 9 tuổi, Gioan có giấc mơ đầu tiên rất ấn tượng. Gioan quyết định: mình sẽ là linh mục. Các thị kiến và các linh tính nhỏ, lớn kéo nhau tới, như đáp số bài toán được nhắc cho biết, như tiên đoán các bách hại, các giao động của Giáo hội sắp tới mà chỉ có Đức Mẹ, Phép Thánh Thể, là trọng tâm của linh đạo Dòng Salê mới có thể giúp đỡ được.

Các phép lạ

Thánh Gioan Bosco đặc biệt sùng kính Phép Thánh Thể. Một ngày nọ chỉ còn 8 bánh thánh cho 360 em có mặt trong thánh lễ, một trong các linh mục đầu tiên của cộng đoàn Salê sắp hình thành thấy Gioan Bosco nhân lên gấp bội để có thể đủ cho mọi người. Bao nhiêu là phép lạ được công nhận của nhà sáng lập Dòng Phanxicô Salê. Tất cả phép lạ này ngài đều nói của Đức Mẹ Trợ Giúp làm.

Người vâng lời khó nghèo

Trong số các đức tính đặc biệt của Gioan Bosco, người ta không quên đức vâng lời Giáo hoàng của ngài, chỉ sau Đức Mẹ và Phép Thánh Thể, ngài có một tình yêu không bờ, một tình phụ tử cha con với giáo hoàng. Ngài hứa: “Các tu sĩ Dòng Salê có một mục đích đặc biệt là nâng đỡ giáo hoàng, ở bất cứ nơi đâu họ ở, ở bất cứ công việc nào họ làm”. Tuy nhiên, không có chuyện họ ở chức vị cao. Năm 1848, Thánh Gioan Bosco từ chối chức vị “Đức ông” mà Giáo hoàng ban tặng. Ngài trả lời: “Tôi sẽ giống ai khi tôi ở giữa các em trẻ (…), chúng không nhận ra tôi nữa! Người ta tưởng tôi giàu và không bố thí nữa!” Và ngài luôn là “Gioan Bosco khó nghèo”. 

Nhà xây dựng

Lời của Thánh Gioan Bosco: “Chúng ta có thể nói người đi quyên chính của Giáo hội là chính Mẹ Maria Trợ Giúp. Mỗi ngày người ta làm tuần cửu nhật với lời hứa tạ ơn nếu được ban ơn; cho đến bây giờ không một ai bị thất vọng và công việc xây dựng cứ tiếp diễn…”. Khi ngài dọn về Valdocco, ngoại ô của thành phố Turin, Thánh Gioan Bosco xây một nhà thờ cho trẻ con: nhà thờ Thánh Phanxicô Salê được làm phép năm 1852 và Thánh Gioan Bosco nói Đức Mẹ lo mọi chuyện!” Và chuyện là như vậy…

Marta An Nguyễn dịch

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

Nhật ký chuyến thăm viếng mục vụ vùng sâu vùng xa trong những ngày cuối năm Kỷ Hợi


Trong hai ngày 18-19.01.2020 (tức ngày 24-25.12 Âm lịch), Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường, giám mục Giáo phận Thanh Hóa, cùng với quý cha trong giáo phận, các vị ân nhân… đã thực hiện những cuộc viếng thăm hết sức đặc biệt tới các cộng đoàn Pù Ngùa, Pa Púa (thuộc huyện Mường Lát) và cộng đoàn Suối Tôn (thuộc huyện Quan Hóa). Cuộc viếng thăm này thực sự là: một chuỗi niềm vui cho đi (phần I), một chuỗi niềm vui nhận về (phần II) và một trang sử mới mở ra (phần III) trong công cuộc “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới” (Lc 5,4) trên mảnh đất xứ Thanh.


Khi những ngày cuối cùng của năm Âm lịch đang dần khép lại, mọi người đều mong cho bản thân và gia đình đón Tết đầy đủ ấm no, nhưng không phải ai cũng đủ khả năng lo được ấm no đầy đủ. Chính trong hoàn cảnh đó, cuộc viếng thăm vùng sâu vùng xa nhân dịp này như là một sự “nhạy cảm” đặc biệt của phái đoàn dành cho các tín hữu H’Mông, để trao chuyển cho những người anh em sắc tộc thật nhiều niềm vui thương mến.


Niềm vui hiện vật

Từ hộp bánh tới cân đường, từ chai dầu tới gói mì…tất cả đều là những niềm vui hết sức cụ thể dành cho những ai đang mong cần có. Hay ở chỗ, niềm vui ấy chẳng hề kén chọn đối tượng để trao. Dù Công giáo hay chưa Công giáo, ai ai cũng được đón nhận niềm vui hiện vật. Nụ cười sáng tỏ niềm vui!


Ẩn dưới nụ cười và niềm vui ấy là những hy sinh âm thầm và lòng quảng đại của biết bao người, nhất là các thành viên trong ban Caritas giáo phận Thanh Hóa, một kênh kết nối tuyệt vời để các ân nhân tin tưởng trao chuyển tình thương đến cho những ai đang sống trong cảnh thiếu thốn lầm than.



Như thế, sự quan tâm và tình cảm của ân nhân gần xa đã được cụ thể hóa ở nơi hiện vật. Đúng là: “tình yêu được thể hiện bằng hành động hơn là lời nói.”

Niềm vui tinh thần

Đối với hầu hết bà con sắc tộc H’Mông của các cộng đoàn Pù Ngùa, Pa Púa và Suối Tôn, danh xưng Đức Giám mục, cha hạt trưởng hay cha chưởng ấn…vẫn còn hết sức lạ tai; nhưng sự hiện diện đầy trân quý của các ngài lại đưa đến niềm vui quá đỗi lạ lùng. Nhìn ánh mắt rạng ngời của các tín hữu nơi đây, ai đó mới cảm thấy niềm vui tinh thần lớn lao thế nào, nhất là trong những ngày bận mãi cuối năm.



Những cái bắt tay thân tình, những câu khuyên nhủ dặn dò, hay những lời động viên khích lệ của Đức cha Giuse, vị cha chung của giáo phận, như là một cú hích tinh thần tuyệt vời dành cho đoàn chiên ở nơi xa xôi hẻo lánh.


Một thực tế là, đối với nhiều tín hữu sắc tộc nơi đây, không phải ai cũng hiểu thấu được tiếng nói của người Kinh; nhưng tất cả đều thấu hiểu tiếng nói của tình thương. Nở nụ cười khi trao quà là tiếng nói tình thương, trò chuyện hỏi han là tiếng nói tình thương, âm thầm phục vụ là tiếng nói tình thương. Đúng là: tình thương mang đến niềm vui.


Niềm vui thiêng liêng

Đỉnh cao của cuộc thăm viếng lần này là các Thánh Lễ được diễn ra tại những ngôi nhà nguyện vô cùng đơn sơ của anh chị em H’Mông do Đức Giám mục chủ sự. Đây là lần đầu tiên các cộng đoàn xa xôi này được trực tiếp tham dự Thánh Lễ do vị chủ chăn giáo phận chủ tế. Cũng chưa bao giờ anh chị em nơi đây được gặp nhiều cha, lại là những cha có trách vụ đặc biệt, trong một Thánh Lễ trang trọng linh thiêng. Đúng là niềm vui thiêng liêng lớn lao.


Chia sẻ trong các Thánh Lễ, Đức cha Giuse luôn tỏ rõ niềm sung sướng, hạnh phúc khi được đến với bà con sắc tộc, được loan truyền về tình yêu của Thiên Chúa cho hết thảy mọi người. 

Chắc chắn, từ trong sâu thẳm cõi lòng, anh chị em sắc tộc nơi đây cảm được một niềm an ủi thiêng liêng, vì từ nay sẽ có thêm nhiều người đồng hành với anh chị em trong lời kinh nguyện hàng ngày.


Khi ra đi mang niềm vui đến với anh chị em sắc tộc H’Mông tại các bản làng, thì cũng là lúc mọi người cảm thấy mình được nhận về thật nhiều niềm vui. Quả đúng như lời Thánh Kinh: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.” (Mc 4,24)


Niềm vui tông đồ

Tự bản chất ngữ nghĩa, tông đồ là người được sai đi. Niềm vui tông đồ là niềm vui biết rằng bản thân đang được sai phái thực thi lệnh truyền. Có mặt trong đoàn thăm viếng lần này, mỗi người được gợi hứng bởi những tác động khác nhau, nhưng đều chung quy nơi lời của Đức Giê-su: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,21). Đó thực sự là một niềm vui được trở thành khí cụ trong tay Đức Chúa.


Trở thành khí cụ trong tay Thiên Chúa, người tông đồ luôn được Ngài trợ giúp chở che bằng nhiều cách thế khác nhau. Chuyến thăm viếng mục vụ lần này là một kinh nghiệm như vậy. Có ân nhân góp của, có ân nhân góp công, và có cả những người hy sinh thời gian “dẫn đường”, “bảo vệ” cho đoàn.


Khi biết mình làm việc cho Chúa, người tông đồ cảm thấy vui: vui vì mình không chỉ chăm lo cho riêng một người, nhưng phục vụ lợi ích phổ quát của biết bao người. Nói như ngôn ngữ của vài người trẻ hiện nay, khi “nhà đang bao việc”, thì lại đi lo việc cho bao người. Niềm vui tông đồ là thế!

Niềm vui khám phá

Khám phá trước tiên nằm ở vẻ đẹp nơi sự đơn sơ thật thà của bà con sắc tộc H’Mông. Như lời chia sẻ của các cha đang trực tiếp phụ trách cộng đoàn nơi đây: “bà con thật thà lắm, có sao nói vậy, chẳng ai lấy dư của ai điều gì.” Quả là một lối sống đẹp giữa một xã hội đang bị vấy bẩn bởi những lời xảo trá điêu ngoa.


Vẻ đẹp trong lối sống của bà con sắc tộc như thể làm lộ rõ vẻ đẹp về sự quan phòng lạ lùng của Thiên Chúa. Ở một nơi xa xôi hẻo lánh, một nơi mà điều kiện học tập còn gặp muôn vàn khó khăn, thì bà con lại sống thật thà chất phác, và luôn trung thành vững niềm cậy trông nơi Chúa. Thiên Chúa lạ lùng làm sao! 


Cái lạ lùng của Ngài là cái lạ lùng của việc không ngừng lao tác cùng với con người: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc." (Ga 5,17) Thiên Chúa làm việc để lo cho con người, để mang lại niềm hạnh phúc cho con người.

Niềm vui hoán cải

Dù khó khăn thiếu thốn, dù gian nan vất vả, nhưng bà con dân bản Pù Ngùa, Pa Púa và Suối Tôn, vẫn vui sống và hài lòng đón nhận những gì mình có. Từ cụ già tới con trẻ, từ bậc làm cha lẫn người làm mẹ, ai cũng quảng đại trao ban nụ cười tỏ lòng tri ân khi nhận món quà. Lòng biết ơn cao đẹp của bà con không khỏi khiến ai đó giật mình hoán cải về thực tại cuộc sống của mình. Bởi một lẽ, mỗi ngày sống qua đi là mỗi ngày đón nhận biết bao quà tặng từ chính Thiên Chúa tình yêu.


Chính Thiên Chúa đã làm cho anh chị em sắc tộc H’Mông yêu Ngài đến độ quên đi biết bao nhọc nhằn gian khó. Cho dẫu quãng đường đi bộ có dài hàng chục cây số, nơi cử hành Thánh Lễ có thiếu thốn đến độ chẳng đủ chỗ ngồi, ngôn ngữ có khó đến nỗi chẳng hiểu tiếng Kinh, thì bà con vẫn hăng hái miệt mài tìm đến với Chúa để cầu nguyện ca khen.


Thật là một lòng đạo đức đáng để suy gẫm và cải hoán! 


Chuyến thăm viếng mục vụ vùng sâu vùng xa trong những ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi không chỉ là một biến cố với những niềm vui cho đi, niềm vui nhận về, nhưng còn ghi dấu một mốc son lịch sử của công cuộc “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới” (Lc 5,4) trên mảnh đất xứ Thanh.


Trang sử mở ra với mục tử

Kể từ khi lãnh nhận trọng trách hướng dẫn giáo phận trong tư cách là Giám mục, đây là lần đầu tiên Đức Cha Giuse có cơ hội thăm viếng mục vụ và dâng Thánh Lễ tại các cộng đoàn Pù Ngùa, Pa Púa và Suối Tôn. Đối với phần lớn các cha trong đoàn, đây cũng là lần đầu tiên các ngài tận mắt chứng kiến và cảm nghiệm đời sống Đức Tin của bà con nơi đây.


Là lần đầu tiên, nhưng chắc chắc chuyến thăm viếng này không phải là lần duy nhất. Bởi lẽ, các vị mục tử đã thấy được lòng khao khát, niềm ước mong và cả những nhu cầu thiết thực của đoàn chiên.


Khi thấy được “cơn đói” của đoàn chiên, các vị mục tử cũng sẽ “chạnh lòng thương” và tìm mọi cách để dẫn đường đến với Thiên Chúa. Con đường ấy có thể là việc bác ái, là thăm viếng, và dâng lời cầu nguyện.

Trang sử mở ra với đoàn chiên

Với phần lớn bà con dân tộc tại các bản Pù Ngùa, Pa Púa và Suối Tôn, sau 9 năm được lãnh nhận hồng ân Đức Tin, biến cố đón tiếp Đức Giám mục trong dịp này thực sự mang lại cho bà con những kinh nghiệm quý giá. Chắc chắn, đời sống Đức Tin của bà con sẽ được củng cố và vững mạnh hơn nhờ được tiếp “lửa”.

Trang sử mới của bà con nơi đây cũng là trang sử của yêu thương. Bà con đã nghiệm được tình thương yêu của toàn giáo phận một cách rất cụ thể và cá vị. Như là một sự lan tỏa, chắc chắn bà con cũng mang kinh nghiệm yêu thương đó để yêu thương và giới thiệu Chúa với những người xung quanh.

Nhờ đó, mọi người sẽ hy vọng về một cộng đoàn Đức Tin thêm đa dạng, phong phú cả về số lượng lẫn chất lượng. Đồng thời, niềm hy vọng về ngôi nhà thờ khang trang, về sự hiện diện của linh mục tại đó đang ngày một lớn dần qua lời cầu nguyện và những nỗ lực khác nhau.

Trang sử mở ra với mọi người

Sau chuyến đi thăm viếng lần này, một điều thật rõ ràng là: ai cũng có thể cộng tác và chung tay góp phần mình trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho bà con dân tộc H’Mông tại các vùng sâu vùng xa. Một chút dành dụm của cải vật chất, một chút hy sinh thời gian, và nhất là một lời kinh nguyện dâng lên Thiên Chúa Chí Tôn, sẽ là sự cộng tác hết sức cụ thể và thiết thực.


Ước mong sao, tất cả những kinh nghiệm quý báu trong chuyến thăm viếng lần này sẽ trở thành gợi hứng mạnh mẽ cho công cuộc “hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới” trên mảnh đất xứ Thanh. 

Quang Khanh, S.J.
BTT giáo phận Thanh Hóa

Phần khó nhất khi đưa trẻ bé đi dự lễ

Phần khó nhất khi đưa trẻ bé đi dự lễ 

WGPSG / Aleteia -- Bạn có thể làm gì để khuyến khích các gia đình có trẻ nhỏ tiếp tục đến nhà thờ? 

Đó là một ngày lễ buộc và chồng tôi thì đi làm, vì vậy không có ai giúp tôi trong thánh lễ với ba đứa trẻ của chúng tôi, một đứa 4 tuổi, một đứa 2 tuổi và một đứa sơ sinh. 

Tôi không muốn đi lễ ‘cho có lệ’, tôi muốn mình thật sự tham dự thánh lễ. Tôi muốn các con tôi biết rằng chúng ta đi lễ vì yêu Chúa Giêsu, muốn ở với Ngài và tôi muốn đưa bọn trẻ gặp Chúa Giêsu từ khi chúng còn nhỏ. 

Lúc đó là vào mùa đông có gió xoáy địa cực buốt lạnh nổi tiếng ở Chicago, nhưng tôi rất muốn tham dự thánh lễ ngày hôm đó. Tôi đã dành hơn hai giờ để chuẩn bị: cho em bé ăn, mặc quần áo cho các con, thay tã, đóng gói túi tã với các chai nước và các sách tô màu, cho các con mang ủng, mũ và đồ ấm, mở máy sưởi trên xe cho ấm áp, cạo tuyết khỏi kính chắn gió, bồng từng đứa trẻ lên xe xuyên qua lớp tuyết dày, và thắt từng chiếc dây an toàn cho các con. 

Cuối cùng, chúng tôi đã sẵn sàng, và lái xe đến một nhà thờ gần nhà thay vì nhà thờ giáo xứ của chúng tôi ở xa hơn. Nhưng cho dù đã chuẩn bị từ sớm, chúng tôi vẫn trễ vài phút và lúc đầu tôi không thể tìm được chỗ ngồi. Cuối cùng, chúng tôi len lỏi qua một người để ngồi vào giữa một ghế dài trong nhà thờ. Ôm đứa con sơ sinh ở túi đeo phía trước, cùng với một túi đầy những vật dụng, tôi đã cầu xin để có thể tham dự suốt Thánh Lễ mà không gặp sự cố. 

Rồi khoảnh khắc kinh hoàng cũng đến khi cha đang giảng lễ: đứa con 4 tuổi của tôi tuyên bố trong tiếng thì thầm khá lớn, “Con cần đi tiểu!”. Nhà vệ sinh của nhà thờ lại nằm cạnh bên cung thánh, chúng tôi đã vô cùng khó khăn để có thể ra khỏi ghế, và để đi về phía trên của nhà thờ. Quả thật là chưa khi nào thấy lối đi dài đến vậy! Cảm giác như thể mọi người trong nhà thờ đang nhìn chằm chằm vào chúng tôi, hai đứa nhỏ bám lấy tay tôi và cố gắng chạy về phía trước, còn đứa sơ sinh mềm mại thả mình xuống ngủ trên ngực tôi. 

Chúng tôi vừa tiến đến phía trước thì đứa con hai tuổi của tôi vấp té và ngã đập mạnh xuống đất. Không cần biết đến mọi người xung quanh, con bé đã phản ứng như mọi đứa trẻ chập chững biết đi khác, nó nằm dài trên đất và khóc ré lên với âm lượng lớn nhất. Trong khi đó, đứa con bốn tuổi của tôi đã hướng về mục tiêu của mình, cố gắng lao về phía phòng vệ sinh. Khi tôi cố nâng đứa bé hai tuổi dậy, thì đứa sơ sinh cũng thức giấc để cũng khóc ré lên với đứa kia. Không có đủ tay để lo cho cả ba đứa trẻ, trong nỗi tuyệt vọng và bất lực, tôi bắt đầu cảm thấy những giọt nước mắt nóng hổi trào ra. 

Ngay sau đó, một người phụ nữ lớn tuổi đi đến bên cạnh tôi và thì thầm thương xót: “Tôi có thể giúp được gì?” Bà nhẹ nhàng nâng đứa con chập chững đang khóc ré đứng lên và cùng nhau, chúng tôi đưa đám trẻ vào nhà vệ sinh, rồi trở về ghế ngồi. Phần còn lại của Thánh lễ sau đó đã diễn ra suôn sẻ. 

Tôi biết ơn người phụ nữ tốt bụng đó biết bao, đặc biệt khi trải nghiệm khó khăn ấy cho tôi thấy rằng không phải lúc nào các gia đình trẻ cũng đón nhận được lòng trắc ẩn và sự cảm thông như vậy khi họ đi tham dự thánh lễ. 

Thật khó để đưa những trẻ bé đến nhà thờ: phải mất nhiều giờ chuẩn bị, vất vả với những nhu cầu khác nhau của chúng, cố gắng để giữ im lặng và hầu như không động đậy suốt một giờ trong khi xương cốt bé nhỏ của chúng đau nhức vì chạy nhảy rồi thình lình ngã xuống và khóc ré lên. 

Nhưng phần khó nhất khi đưa trẻ em đi tham dự thánh lễ thực sự không nằm ở nơi những đứa trẻ, mà ở nơi sự phán xét của những người khác. 

Đưa trẻ bé đi lễ là đã quá đủ vất vả rồi, chưa cần nói đến những người còn lại trong cộng đoàn còn làm cho nó tồi tệ hơn. Nếu bạn cảm thấy khó chịu bởi hành vi của một trẻ bé trong Thánh lễ, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng điều đó còn làm cho cha mẹ chúng phiền muộn đến vô tận. 

Vì vậy, Chúa nhật này, hãy thách đố bản thân bạn với câu hỏi này: Làm thế nào tôi có thể động viên cha mẹ của các trẻ bé tiếp tục đến tham dự Thánh lễ với những khó khăn ấy? Tôi có thể làm gì để khiến họ cảm thấy được chào đón ở đây? Làm thế nào tôi có thể sống theo lệnh của Chúa Kitô, là “Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng cản trở chúng, vì Nước Trời thuộc về những người giống như chúng”? 

Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để giúp họ: 

- Nếu có một phụ huynh ở trong Thánh Lễ một mình và dường như đang thực sự loay hoay với đám trẻ, bạn có thể hỏi: “Tôi có thể giúp gì?” 

- Sau thánh lễ, hãy nói với họ rằng: “Tôi biết thật khó khăn khi đưa những người đứa trẻ đến tham dự thánh lễ, nên cảm ơn bạn đã mang chúng đến. Bạn đang làm một công việc tuyệt vời. Tôi rất hạnh phúc được nhìn thấy con cái của bạn ở đây, tại nhà thờ của chúng ta.” 

- Nếu giáo xứ của bạn có cơ sở hạ tầng, việc mục vụ sẽ thực sự tuyệt vời khi những người lớn tuổi hỗ trợ cho những gia đình có con nhỏ đang cần thêm một bàn tay phụ giúp. 

- Cho dù ý định của bạn tốt đến đâu, đừng bao giờ đưa ra những lời chỉ trích hoặc những phản hồi tiêu cực cho một gia đình về con cái của họ. Nhiều trẻ em bị những khuyết tật vô hình (tự kỷ, ADHD, rối loạn xử lý cảm giác, lo lắng, v.v.) và trong khi hành vi của chúng xem ra không phù hợp với bạn, có thể có những lý do rất chính đáng cho những gì chúng và gia đình chúng đang làm. Bạn không bao giờ biết gia đình họ đang đối phó với điều gì, vì vậy hãy theo câu ngạn ngữ cũ: Nếu bạn không có điều gì hay để nói, thì đừng nói bất cứ điều gì cả. 

- Nếu em bé ném đồ chơi dưới ghế, hãy nhặt và đưa lại cho chúng với một nụ cười. 

- Khuyến khích linh mục của bạn đề cập đến trong bài giảng hoặc thông báo rằng những trẻ bé luôn được chào đón, rằng đây là một giáo xứ thân thiện với gia đình. 

- Nếu bạn không có con nhỏ, đừng ngồi trong phòng dành cho gia đình có trẻ bé; hãy nhường chỗ đó cho các gia đình đang cần đến nó. 

- Những trẻ bé trông thật dễ thương, nhưng đừng tuỳ tiện chạm vào chúng; nhiều trẻ nhỏ có thể ngại ngùng hoặc khó chịu… và đừng muốn vỗ vào bàn tay hoặc nựng nịu chúng.

- Nếu một gia đình đến ngồi trong ghế của bạn, bạn hãy nhường chỗ và vào ngồi ở giữa ghế thay vì ngồi ở hai đầu, để họ sẽ không phải khó khăn mà len qua bạn khi đưa con họ vào phòng vệ sinh hoặc dời đi khi một đứa bé khóc. 

- Hãy nói chuyện với linh mục của bạn về việc cung cấp một bàn thay tã trong phòng vệ sinh và một kệ sách trẻ em cho các gia đình mượn đọc trong thánh lễ. 

Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả những người không có trẻ bé tập hợp lại để giúp đỡ các gia đình trẻ? Tôi biết một điều sẽ xảy ra: Rất nhiều gia đình trẻ sẽ cảm thấy được hỗ trợ và họ sẽ muốn quay lại đi dự lễ. 

Tôi đã nghe nói rằng, nếu “Giáo hội không khóc, thì đó là lúc Giáo hội đang chết dần”. Có vẻ như không giống như bây giờ, nhưng một đứa trẻ chập chững tập đi đang la hét chính là tương lai của Giáo hội chúng ta, là người sẽ phục vụ và giảng dạy những người Công giáo tương lai. Nếu không có trẻ em trong nhà thờ ngày hôm nay, một ít năm sau sẽ không có các linh mục và không có các người lớn ngồi trong các hàng ghế. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một Giáo hội luôn chào đón trẻ em và các gia đình trẻ, những người sẽ lần lượt xây dựng Giáo hội cho các thế hệ mai sau.

Theresa Civantos Barber (Aleteia) / Phêrô Quốc Vũ chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG
Đăng lại từ: https://tgpsaigon.net/bai-viet/phan-kho-nhat-khi-dua-tre-be-di-du-le--59599

Tổng thống Indonesia chính thức mời Đức Thánh Cha thăm nước này

INDONESIA-POLITICS/WIDODO

Sau các tin tức loan truyền hồi tuần trước về việc Đức Thánh Cha Phanxicô muốn thăm Indonesia, Tổng thống Joko Widodo của nước này đã chính thức gửi thư mời Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Indonesia, quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo.

Bản sao của lá thư chính thức đang lan truyền trên mạng xã hội. Trong thư, Tổng thống Widodo nói rằng ông đã được thông báo về kế hoạch viếng thăm Indonesia của Đức Giáo hoàng và ông viết: “Về vấn đề đó, tôi rất vui mừng được gửi đến Đức Thánh Cha, như là vị lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Công giáo, một lời mời chính thức đến làm khách của chúng tôi.”

Củng cố liên hệ giữa Kitô hữu và người Hồi giáo tại Indonesia

Ông Widodo nói rằng một chuyến viếng thăm của vị Giáo hoàng sẽ củng cố thêm các mối dây liên kết giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo tại Indonesia. Ông viết: “Chuyến thăm của ngài sẽ mang lại động lực rất tốt trong việc củng cố tình hữu nghị và hợp tác vì lợi ích chung của chúng ta. Xin Đức Thánh Cha hãy đón nhận lòng kính trọng cao nhất của tôi."

Cố vấn Tổng thống, ông Shanti Purwono, xác nhận rằng thư mời đã được gửi đến Vatican.

Sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha vào ngày 15/01, Yahya Cholil Staquf, Tổng Thư ký của tổ chức Nahdlatul Ulama, tổ chức Hồi giáo lớn nhất tại Indonesia, đã nói với hãng tin Công giáo của Mỹ rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô có ý định thăm Indonesia và Đông Timor cũng như Papua New Guinea vào tháng 9.

Sự thúc đẩy đáng hoan nghênh cho các mối quan hệ liên tôn

Achmad Nurkholish thuộc Hội đồng Tôn giáo vì Hòa bình của Indonesia nhận định rằng một chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng sẽ là một sự thúc đẩy đáng hoan nghênh cho các mối quan hệ liên tôn. Ông nói: “Chuyến thăm có thể củng cố mối quan hệ Công giáo-Hồi giáo bằng cách thúc đẩy đối thoại và hợp tác liên tôn.” Ông nói thêm rằng khi đến Indonesia, Đức Giáo hoàng sẽ nhìn thấy sự năng động của các mối quan hệ giữa các cộng đồng tôn giáo.

Sự cam kết mạnh mẽ đối với văn hóa đối thoại

Cha Antonius Benny Susetyo, một thành viên của ủy ban Tổng thống về thăng tiến sự khoan dung chung, khuyến khích Tổng thống Widodo thúc đẩy chuyến viếng thăm. Cha gọi lời mời là cơ hội tốt trong khuôn khổ chính trị quốc tế để thể hiện sự cam kết mạnh mẽ đối với văn hóa đối thoại giữa các cuộc xung đột khác nhau trên thế giới ngày nay. (Ucanews 27/01/2020)

Phục sinh làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống


Thong Bahnar là một không gian bao trùm thổ cẩm của người sắc tộc Bahnar giữa lòng Sài Gòn. Nơi đây trưng bày những sản phẩm thủ công truyền thống chính hiệu của Huỳnh Nguyên Thông. Chàng trai trẻ được sinh ra tại phố núi Kontum, ấp ủ lý tưởng vực lại làng nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống. Thông tự làm khó mình, bước vào con đường thổ cẩm gần như đã hết thời, có nguy cơ biến mất khỏi đời sống xã hội của người đồng bào sắc tộc thiểu số trên miền đất huyền ảo Tây Nguyên.

ÐỊNH NGHĨA LẠI THỔ CẨM
 
Cuộc đời tự có những sắp xếp riêng, để đưa Thông về đúng với vị trí của mình. Anh cho biết bản thân tốt nghiệp đại học chuyên ngành thiết kế tạo dáng sản phẩm công nghiệp, trở thành giám đốc sản xuất của một nhà máy ô tô tại Sài Gòn, nhưng làm được hai năm thì bị tai nạn giao thông khá nặng, phải nghỉ dưỡng trong thời gian dài. Khi quay lại, công ty có nhiều thay đổi, nên quyết định thôi việc và tìm một hướng đi mới.
Dợm người với tay lấy chiếc túi thổ cẩm để trên kệ đã được 10 năm, chàng trai trẻ hồ hởi khoe: “Thuở tôi còn nhỏ, ba hay vào các buôn làng của người đồng bào trao đổi hàng hóa lấy trâu bò, thổ sản của người dân tộc Bahnar. Trong đó luôn có những sản phẩm được làm từ thổ cẩm như túi đeo, khăn choàng. Tôi sử dụng nó từ tấm bé cho đến khi vào Sài Gòn học, không biết từ bao giờ, thổ cẩm đã in sâu vào tâm hồn”. Cầm chiếc túi đeo màu trắng anh đưa, tôi thấy nó không thay đổi là mấy, vải dệt không bị tưa xù hay ngả ố, cầm chắc tay, chỉ có vài vệt dơ nhỏ li ti vấy phải khi dùng. Với Thông, bất cứ sản phẩm nào được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên, dệt tay thủ công truyền thống, hoa văn mang đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên đều thật sự có giá trị.
Thong Bahnar - một không giao bao trùm thổ cẩm của người sắc tộc Bahnar giữa lòng Sài Gòn
Thời gian nghỉ dưỡng ở nhà, Thông đọc sách báo thấy mọi người có xu hướng quay trở lại sử dụng áo dài, nên bỗng nảy ra ý tưởng phối hợp với hoa văn thổ cẩm. Anh trở về làng, tìm lại các nhà dệt thổ cẩm thủ công truyền thống khi xưa nhưng chẳng còn ai mặn mà. Không còn thấy các bà các mẹ ngồi cặm cụi bên khung cửi. Không còn những vườn cây bông. Chẳng thấy những dải sợi chỉ được nhuộm màu phơi bên hiên nhà. Người thiếu nữ trẻ thì không mấy tha thiết với nghề, các bà các mẹ đành cất khung cửi vào một góc khuất, bụi phủ mờ. Trong khi đó, quần áo của người Kinh quá tiện dụng, hoặc nếu cần mặc đồ thổ cẩm thì vào các dịp lễ hội, Tết nhất vẫn có những người mang đồ thổ cẩm dệt công nghiệp may sẵn lên bán cho đồng bào, vừa rẻ lại không mất công. Tuy nhiên, dễ dãi pha tạp nhiều yếu tố ngoại lại khiến người đồng bào dần đánh mất đi bản sắc văn hóa bản địa của dân tộc mình.
Dù mang trong mình dòng máu của người Kinh, nhưng Thông lại có duyên nợ với thổ cẩm của người đồng bào. Anh quyết tâm vực lại nghề dệt cổ truyền và trả lại giá trị đúng nghĩa cho sản phẩm thổ cẩm thủ công truyền thống chính hiệu. Anh bảo: “Tất cả những tấm vải dệt, vật dụng mà mọi người thường hay gọi là thổ cẩm trên thị trường thường thấy hiện nay như ba lô, túi xách, ví… thực ra không phải là thổ cẩm, mà chỉ là vải dệt có hoa văn thổ cẩm”. Anh lý giải, một tấm thổ cẩm đúng nguồn gốc được hoàn thiện phải trải rất nhiều công đoạn, bắt đầu từ việc trồng cây bông đến thu hoạch khoảng năm tháng, tách hạt lấy bông rồi se sợi, xong mang đi nấu cho chắc, sau đó nhuộm phơi, tách ra thành từng lọn rồi kéo sợi lên khung cửi để dệt, bước cuối cùng là chốt màu. Tất cả các nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên và do chính đôi tay của người thợ bên khung cửi dệt nên. Một nghệ nhân dệt thổ cẩm đúng nghĩa và sản phẩm thổ cẩm chính cống phải trải qua hết những công đoạn này. Ðặc biệt, tấm thổ cẩm càng lâu năm càng đắt. Có những tấm 10 năm, 20 năm, thậm chí lên tới 50 năm và có giá gấp 10 sản phẩm họa tiết thổ cẩm công nghiệp.
Cùng các bà, các mẹ trong tổ dệt kiểm trả lại sản phẩm mới

Ý định của Thông gặp phải sự khuyên can của bạn bè và người thân: “Tôi đang đi con đường nhỏ, quá hiếm người chịu bám với nghề thổ cẩm. Cho dù là người làm về lĩnh vực thời trang cũng không chọn chất liệu xuyên suốt là thổ cẩm”, anh trải lòng. Nhưng khác với dáng vẻ thư sinh nhỏ nhắn bên ngoài, chàng trai trẻ rất kiên quyết và tin vào điều có ý nghĩa mình đang làm.
Gần 10 năm qua, anh đã âm thầm đi về khắp các bản làng quê mình để tìm kiếm những người thợ dệt thủ công còn sót lại, khích lệ và đồng hành với họ vực dậy nghề dệt với những thủ thuật cổ và nét văn hóa đặc trưng bí ẩn của người bản địa. Thời gian đầu đã gặp không ít khó khăn do chưa hiểu rảnh rẽ ngôn ngữ của người Bahnar. Làng dân tộc thường nằm ở sâu trong rừng, người già lớn tuổi hầu như ít giao tiếp bằng tiếng Kinh, hoặc dầu có nói mình cũng rất khó hiểu. Song, ngôn ngữ trên khung dệt thổ cẩm thì hai bên lại rất đồng cảm. Ngồi quan sát, theo dõi vô tình có công đoại nào không đúng, hoặc mối chỉ bị rối Thông đều biết và trao đổi với người dệt. Như Thông nói, đây lại là giai đoạn đáng nhớ và quyết định thành công của anh sau này. Anh không quên gợi lại những kỷ niệm nho nhỏ, vui vui khi về làng học nghề với bà con: “Sự phân công lao động của người đồng bào xưa nay rất rõ ràng. Phụ nữ dệt thổ cẩm, thêu thùa, còn đàn ông làm những công việc nặng nhọc hơn. Ít khi nào thấy họ đụng tay vào những công việc của các mẹ. Vì thế khi đến, mình sấn vào phụ các mẹ nhuộm, phơi sợi, người làng ai cũng bất ngờ và thích thú”.
Bức tranh thiên nhiên Bahnar dệt thổ cẩm thủ công được Thong Bahnar làm cho nhóm Design For Change Việt Nam, dâng tặng Đức Thánh Cha Phanxicô tại hội nghị trẻ em thế giới tháng 11.2019

ÐỂ THỔ CẨM KHÔNG CÒN LÀ KÝ ỨC
Tranh thủ những đợt về làng, anh tìm hiểu và kiếm cách trồng lại các vườn bông để có nguyên liệu tự nhiên se sợi dệt thổ cẩm, đồng thời tìm đến những làng chỉ còn một hai người dệt. Họ phải là những người phụ nữ cao niên có kinh nghiệm, dệt giỏi và biến hóa sáng tạo trong kỹ thuật tạo hoa văn họa tiết mang nét đặc trưng riêng của tộc người mình. Thông chủ ý: “Mỗi làng Bahnar là một xưởng dệt. Trong đó buộc phải có hai thế hệ, một người già truyền nghề và một người trẻ tiếp nối. Muốn thổ cẩm sống thì phải khuyến khích cho bằng được người trẻ học nghề. Ðảm bảo mua hàng cho họ. Gây cho họ ý thức giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống của dân tộc”.
Làm sao để tìm đầu ra cho sản phẩm, phân phối tiêu thụ được hàng hóa? Giải được bài toán này mới có thể hy vọng vào tương lai của làng nghề dệt thổ cẩm thủ công. Thông trăn trở: “Thổ cẩm chính cống không phải để chưng trong tủ kính, không chỉ dừng lại ở việc diện một lần trên sàn diễn thời trang rồi rơi vào quên lãng. Không, Thong Bahnar muốn thổ cẩm của mình phải làm đúng sứ mệnh của nó, mang lại giá trị cho người sử dụng”.
Chàng trai phố núi tìm cách đổi mới, nâng cao tính ứng dụng của thổ cẩm vào trong cuộc sống thường ngày. Vốn là dân mỹ thuật nên anh khá sáng tạo và nhạy bén trong việc nắm bắt xu hướng mới. Anh cho biết: “Khâu nhuộm và dệt được chúng tôi chú trọng cải tiến. Khám phá nguyên liệu nhuộm từ thiên nhiên hoa lá, khoáng vật và cách thức mới cho ra màu phong phú, thân thiện với người dùng. Mang lại sự đặc sắc cho thổ cẩm Bahnar, không còn đơn điệu hai màu đỏ đen như trước đây. Bên cạnh nỗ lực phục cổ những mẫu hoa văn độc đáo lâu đời của người làng, tôi còn ứng dụng kỹ thuật xếp chỉ, phối màu mới, giúp người xem có thể cảm nhận được sự chuyển động của hoa văn, họa tiết trên tấm thổ cẩm như kỹ thuật 3D. Tất cả hoa văn đều có ý nghĩa, là một phần của câu chuyện kể lưu truyền muôn đời của người Bahnar…”.
Bức tranh thổ cẩm Bahnar được kết lại cùng với tranh của các nước khác
dâng tặng Đức Giáo Hoàng

Anh lấy nhiều tấm thổ cẩm trưng bày ở cửa tiệm giới thiệu cho tôi xem và so sánh. Có những tấm độc đáo đến độ không biết người thợ dệt đã làm như thế nào mà chỉ khi mở máy ảnh của điện thoại ra soi vào mới thấy hoa văn thổ cẩm hiện lên tinh xảo. Hay có tấm chỉ duy nhất một màu đen mà vẫn thấy hoa văn chìm nổi, ẩn hiện rất bí ẩn. Thông là người trong nghề mà cũng lắc đầu không hiểu vì sao có thể dệt ra được như vậy, hai mặt lồi lõm một màu, dệt không sai một chút nào. Biến hóa không ngừng nhằm đa dạng tính ứng dụng của thổ cẩm nhưng Thông vẫn tôn trọng linh hồn nguyên bản của thổ cẩm cổ, bằng cách giữ lại những điều tự nhiên, gần gũi với người dân tộc bản địa.
Từ những tấm thổ cẩm đã được dệt, Thong Bahnar liên tục cho ra những sản phẩm mới có kết hợp với thổ cẩm thủ công, đa dạng tiện dụng như giày dép, túi xách, khăn choàng, váy đầm, áo dài nam, áo dài nữ, drap bọc giường, áo gối…, và nhận được sự phản hồi tích cực của khách hàng. Nhiều người tìm đến mua hàng và nghe anh chia sẻ con đường thổ cẩm của mình.
Thông là con nhà đạo hẳn hoi, cuối tháng 11.2019, anh rất may mắn khi được đặt làm một món quà  tượng trưng cho văn hóa của nước mình để dâng tặng Ðức Thánh Cha Phanxicô tại Hội nghị thiếu nhi lớn nhất thế giới Design For Change diễn ra tại Rome. Ðó là một bức tranh thổ cẩm khổ 30cmx30cm được dệt tay thủ công bởi người nghệ nhân lão luyện nhất. Trên bức ảnh có những họa tiết như nhà rông, cây nêu, hai người phụ nữ giã gạo, con nai…, là những hoạt động quen thuộc trong đời sống thường ngày của người dân tộc Tây Nguyên. Tất cả các tấm tranh nhỏ của các đơn vị được chọn đi giao lưu sẽ được kết thành một bức tranh cực lớn, biểu thị cho ý nghĩa kết nối và hòa hợp nền văn hóa của các dân tộc khác nhau.
Nói về định hướng phát triển trong tương lai, Thông bật mí sang năm anh sẽ mở một xưởng dệt thổ cẩm thủ công truyền thống ở quê hương mình, sẽ tập trung các bà, các mẹ, các người dệt trẻ lại để họ ngồi dệt, tạo công ăn việc làm và giúp tiêu thụ sản phẩm. Còn tầng ở trên anh sẽ dùng để trưng bày sản phẩm, tổ chức các buổi họp mặt, giao lưu chia sẻ về nghề và cuộc đời người nghệ nhân bên khung cửi giữa các làng. Không chỉ có tộc người Bahnar mà còn phát triển nơi các tộc người khác như S’Tiêng, Rơ ngao, Chu ru, Cil…
Con đường Thong Bahnar đang đi khiến tôi liên tưởng tới một câu trong Kinh Thánh “Cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7, 14). Thong Bahnar là một trong số ít người trẻ tìm được lối đi vào cửa hẹp và đường chật, và phần thưởng mà anh nhận được là sự hưởng ứng và đón nhận của nhiều người. Với những điều mà anh đang làm, anh gieo thêm niềm hy vọng cho người đồng bào quê hương mình tin vào tương lai phía trước rằng, thổ cẩm đang và sẽ phục sinh.

NGỌC LAN

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2020

ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona

ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona


WGPSG / CNA -- Vào Chúa nhật 26-1-2020, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đặc biệt cầu nguyện cho những người bị nhiễm virus Corona, là loại virus đã khiến 56 người chết ở Trung Quốc.

Đức Giáo hoàng đã cầu xin khi đọc Kinh Truyền Tin: “Xin Chúa đón nhận những bệnh nhân đã qua đời vào trong cõi an bình; xin an ủi gia đình họ và ban ơn giúp sức cho cộng đồng Trung Quốc đang hết sức nỗ lực chiến đấu với dịch bệnh.”

Bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, virus này đã lan ra 9 quốc gia với 1.975 trường hợp được xác nhận.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới vào ngày 25-1-2010 tuyên bố rằng, trong số các trường hợp được xác nhận, có tới 237 người được báo cáo là bị bệnh nặng.

Số người nhiễm virus Corona đã tăng thêm 655 trường hợp trong 24 giờ kể từ khi báo cáo này của WHO được phát hành - chính phủ Trung Quốc đã báo cáo như thế vào ngày 26-1-2020, một ngày sau Tết Nguyên đán. Đây là dịp lễ lớn nhất trong năm tại Trung Quốc với hàng trăm triệu người đi nghỉ Tết.

Vũ Hán, một thành phố có kích cỡ tương đương với Luân Đôn, đã bị phong tỏa từ ngày 23-1-2020 với những hạn chế trong việc di chuyển bằng xe lửa, máy bay, phà và ô tô. Đại sứ quán Hoa Kỳ đang làm việc để sơ tán tất cả công dân Mỹ ở Vũ Hán.

Một trường hợp thứ ba nhiễm virus Corona ở Hoa Kỳ đã được xác nhận tại California vào ngày 26-1-2020.

Bên ngoài Trung Quốc, các trường hợp nhiễm virus Corona đã được xác nhận tại Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Úc, Pháp, Hàn Quốc, Việt Nam, Nepal và Hoa Kỳ tại Chicago, Seattle và Orange Country. Hiện có những trường hợp đang bị nghi ngờ là nhiễm virus Corona trong số những du khách gần đây từ Trung Quốc đi đến Canada, Bồ Đào Nha và Bờ biển Ngà.

Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tạ ơn vì Chúa nhật Lời Chúa đầu tiên đã được cử hành trên khắp thế giới vào Chúa nhật thứ III Thường niên.

Đức Giáo hoàng nói: “Chính Tin Mừng là Lời của Chúa Giêsu đã làm thay đổi thế giới và tâm hồn chúng ta. Do đó, chúng ta được mời gọi tín thác vào Lời của Chúa Kitô, để mở tâm hồn đón nhận Lòng thương xót của Chúa Cha và để cho bản thân mình được biến đổi nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần.”

Đức Giáo hoàng cũng cầu nguyện cho những người bị bệnh phong cùi, và dành một chút thời gian trong im lặng để tưởng niệm nhân kỷ niệm 75 năm giải phóng trại tập trung Auschwitz-Birkenau. Ngài mời mọi người dành thời gian để cầu nguyện vào ngày kỷ niệm 27-1 này, và nhắc lại trong lòng: “Không bao giờ để xảy ra như thế nữa!”

Virus Corona lần đầu tiên được báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới vào ngày 31-12-2019. Các giám mục ở Philippines đã kêu gọi cư dân cảnh giác và nhanh chóng kiểm tra tại bệnh viện nếu họ tin rằng họ đã bị nhiễm bệnh.

Đức cha Ruperto Santos ở Balanga đã phổ biến một lời cầu nguyện đặc biệt để cầu xin Thiên Chúa ngăn chặn sự bùng phát toàn cầu:

“Chúng con cầu xin Chúa ngăn chặn dịch bệnh virus Corona đang lan tràn trên toàn cầu. Chúng con khẩn khoản nài xin Chúa thể hiện sức mạnh mà chặn đứng sự lây lan nhanh chóng của loại virus chết người này. Xin cho những người đã bị nhiễm bệnh cảm nhận được sự hiện diện của Chúa. Xin ban cho họ niềm hy vọng và sự can đảm và xin Chúa ra tay kỳ diệu chữa lành họ.”

Courtney Mares (CNA) / Vi Hữu chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG

Ngày thứ hai hành hương Minh Niên kính Mẹ Hằng Cứu Giúp: Hỡi kẻ làm con cái hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa


Tiếp nối niềm vui, niềm tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Hằng Cứu Giúp trong những ngày đầu Xuân mới, cộng đoàn dân Chúa từ muôn nơi đã về với Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng để tham dự ngày thứ hai trong Tam Nhật Hành Hương kính Mẹ. Có nhiều người vì lòng sốt mến đã đến từ sau giờ nghỉ trưa dù giờ hành hương còn rất xa. Niềm vui hôm nay được tăng lên bởi lẽ trong Thánh Lễ ngoài sự chủ sự của Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri còn có Đức Tổng Giám Mục khách đến từ Canada.

Sau giờ hành hương cũng như kiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp, cộng đoàn bước vào Thánh Lễ cầu cho ông bà tổ tiên nhân ngày mùng 2 Tết.

Sau khi quý Cha và quý Đức Cha hiện diện trên Lễ Đài, Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích giới thiệu với cộng đoàn chủ sự Thánh Lễ chiều nay là Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri đến từ Giáo Phận Cao Bằng Lạng Sơn.

Trong tâm tình của ngày kính nhớ tổ tiên mà Giáo Hội nhắc con cái mình trong phụng vụ Lễ Truyền Thống của dân tộc, Đức Cha Giuse mời cộng đoàn suy nghĩ về cái chết, về mối liên đới của ông bà tổ tiên chúng ta mà chúng ta đang sống.

Chia sẻ tâm tình ngày hôm nay, Đức Cha Giuse mời cộng đoàn cùng nhìn tâm tình của Thánh Phaolô : Trong Chúa, hỡi những kẻ làm con cái hãy vâng phục Cha Mẹ. Tiếp theo đó, lời sách Huấn Ca : Con cái giữ vững lời giao ước và một mực trung thành.

Sau đó, Đức Cha giải thích cho cộng đoàn về ý nghĩa của vâng phục trong Chúa.

Đức Cha nói rằng có nhiều thứ đạo đức nhưng thay đổi theo thời gian và thể chế chính trị còn giao ước với Thiên Chúa thì vĩnh cửu : Việc giữ giới răn của Chúa có giá trị vĩnh cửu, có giá trị đời đời. Tất cả mọi điều trong cuộc sống chúng ta dựa vào nền tảng Thiên Chúa, tất cả việc chúng ta thực hành việc đạo đức dựa vào Thiên Chúa – Đấng ban Lề Luật – Đấng giữ lời hứa cho chúng ta …Chữ hiếu cũng vậy, dựa vào Thiên Chúa mới bền vững.

Đức Cha “hầu” cộng đoàn với câu chuyện về 1 bà cụ qua đời ngoài Lạng Sơn cách đây vài tháng. Chồng mất, bà trung thành việc đạo nhưng con cái xao nhãng. Con cái chở bà đến nhà thờ và chỉ mình bà vào đi Lễ … Chỉ khi bà cụ mất đi thì con cái mới thấu hiểu được điều mà bà cụ muốn khi còn sống. Mẹ ơi ! Biết như vậy thì con đưa Mẹ đến Nhà Thờ mỗi ngày rồi Mẹ ơi. Người con này hiếu thảo nhưng thiếu mối tương quan vĩnh cửu. Hiếu thảo chưa đủ khi chưa hiếu thảo trong Chúa. Con gái bà Maria hiếu để nhưng chưa vì Chúa nên còn thấy thiếu thốn, chơi vơi nên còn thấy hối tiếc.

…Hãy là những người cha người mẹ tốt vì Chúa

Hãy là những đôi vợ chồng tốt với nhau vì Chúa

Hãy là những người bạn tốt với nhau vì Chúa

Hãy là những xóm giềng tốt với nhau vì Chúa.

Kế đến, Đức Cha kể câu chuyện về phái đoàn Công An tỉnh Lạng Sơn ghé thăm Tòa Giám Mục. Trước khi về, phái đoàn đọc lời Chúa. Mọi người đọc và thích thú vì Lời Chúa hay quá, Ông Giám Đốc đọc được câu Lời Chúa : Con đừng nhút nhát khi cầu nguyện và hãy quảng đại khi bố thí”. Ông này chuyên làm việc bác ái, chăm sóc người nghèo. Đức Cha nói là ông thiếu và nhút nhát hay không bao giờ cầu nguyện. Những người có chức có quyền trong xã hội làm nhiều điều nhưng thiếu cầu nguyện, chưa biết cầu nguyện, chưa biết làm việc vì Chúa. Bao lâu chỉ làm vì con người thì không trường tồn …Nói như thế nhưng Chúa biết lòng của chúng ta.

Mỗi chúng ta vui mừng vì biết Chúa, sống với Chúa và làm việc vì Chúa. Trong năm mục vụ 2020, Giáo Hội quan tâm người trẻ và mời chúng ta đồng hành với giới trẻ để tiến đến sự trưởng thành toàn diện về tinh thần, thể lý, văn hóa, luân lý. Chúng ta thấy không có môi trường nào tốt đẹp bằng gia đình. Bắt đầu gia đình là mái trường đầu tiên, Cha Mẹ là thầy cô đầu đời của chúng ta. Chúng ta hãy biết kính trên nhường dưới, biết chăm sóc, giúp đỡ cha mẹ chúng ta.

Để kết thúc bài chia sẻ, Đức Cha đọc bài nghịch lý nhân sinh cho cộng đoàn như là lời nhắc nhở rất thâm thúy :

Cha mẹ chỉ biết cho, chẳng biết đòi.

Con cái thích vòi mà không biết trả.

Cha mẹ dạy điều hay, kêu lắm lời.

Bước chân vào đời ngớ nga ngớ ngẩn.

Cha nỡ coi khinh, mẹ dám coi thường.

Bước chân ra đường kính phường trộm cướp.

Cha mẹ ngồi đấy không hỏi, không han.

Bước vào cơ quan cúi chào thủ trưởng.

Ngồi cùng thiên hạ, trăm việc khoe hay.

Cha mẹ ốm bảy ngày không lời thăm hỏi.

Cha mẹ còn chẳng thơm thảo bát canh rau.

Mai khuất núi rồi xây mồ to, mả đẹp.

Vào quán thịt cầy, trăm ngàn coi nhẹ,

Góp giỗ cha mẹ suy tị từng đồng.

Bài hát Tây Tàu hát hay mọi nhẽ.

Lời ru của mẹ chẳng thuộc câu nào.

Giỗ cha coi nhẹ, nuôi mẹ thì không.

Cả vợ lẫn chồng đi làm từ thiện.

Khấn Phật, cầu Trời, lễ bái khắp nơi,

nhưng quên lời mời cơm Cha, trà Mẹ.

Và Đức Cha nói rất tâm tình để kết bài chia sẻ : “Chúng ta vui mừng vì có Đức Maria tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp như là nơi đây các cha Dòng Chúa Cứu Thế luôn luôn trình bày và mời gọi chúng ta khẩn cầu Mẹ Hằng Cứu Giúp, chúng ta tin Mẹ là luôn luôn hiện diện với chúng ta. Mẹ là Mẹ của Giáo Hội, Mẹ của mỗi gia đình chúng ta, chúng ta đến cầu nguyện với Mẹ chắc chắn Mẹ nhận lời chúng ta như lời kinh Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ước gì mỗi chúng ta trong năm mới này nghe Lời Chúa, nghe Lời Giáo Hội để nổ lực hơn nữa xây dựng bản thân chúng ta, xây dựng gia đạo của chúng ta cho tốt, quan hệ vợ chồng con cái, chúng ta chỉn chu lại. Chúa biết tất cả. Vì Chúa mà làm thì chúng ta không sợ bất công không sợ thất bại. Có Chúa đồng hành, có Mẹ Maria giúp đỡ chúng ta sẽ đạt những điều chúng ta nguyện ước cho chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho Giáo Hội chúng ta trong năm mới này. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả quý ông bà và anh chị em”.

Trước khi Đức Cha Giuse ban phép lành cuối Lễ, Cha Phêrô Đinh Ngọc Lâm – bề trên Chánh Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng – đại diện Cha Giám Tỉnh và cộng đoàn ngỏ lời cảm ơn Đức Cha đã thương đến và chia sẻ những Giáo Huấn của Đức Cha cũng như chúc Xuân Đức Cha : Đang trên hành trình ít người Công Giáo, đa phần là những người chia biết Chúa … với tất cả tâm tình đó, qua ơn Chúa Thánh Thần để những kế hoạch của Đức Cha được thực hiện … Xin thay mặt cộng đoàn dâng lên Đức Cha lời cầu chúc an bình và niềm vui với Chúa và vì Chúa.

Sau lời của Cha Phêrô, Đức Cha đáp lời bằng tâm tình cảm ơn Cha Bề trên Tu Viện Kỳ Đồng, Cha Giám Tỉnh và quý Cha quý Thầy Dòng Chúa Cứu Thế và cộng đoàn dân Chúa. Nhân cơ hội này Đức Cha chúc Dòng Chúa Cứu Thế năm mới được an lành và cầu chúc anh chị em trong mỗi gia đình thăng tiến đời sống thiêng liêng. Xin quý Cha và anh chị em tiếp tục nhớ và cầu nguyện cho Giáo Phận Lạng Sơn.

“Mẹ là Mùa Xuân …Mẹ là mùa Xuân bao chan chứa tin yêu, chúng con xin thành kính mến thương. Dâng Mẹ ngàn lời tán dương ngợi ca, dâng Mẹ lòng thành kính chân thành, phó dâng hôm nay, phó dâng ngày mai, với Mẹ hân hoan đón xuân về …” vẫn là tâm tình hết sức quen thuộc đầu xuân mà cộng đoàn thủ thỉ với Mẹ.

Thánh Lễ này thứ hai trong Tam Nhật hành hương minh niên cũng như cầu nguyện cho ông bà cha mẹ khép lại trong bầu khí trang nghiêm và đạo đức. Cộng đoàn lại tiếp tục vui mừng quay lại với Mẹ trong ngày kết thúc Tam Nhật Hành Hương xin thánh hóa công ăn việc làm vào chiều mai.

Người Giồng Trôm