Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

CHÚC MỪNG LỄ THÁNH GIUSE THỢ - Bổn mạng Giáo khu 2

Image result for thánh giuse thợ

Thánh Giuse Lao động
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ kính Thánh Giuse Lao động. Sở dĩ có Thánh lễ hôm nay là vì Giáo Hội muốn cho chúng ta ý thức được giá trị cao quí của lao động trong đời sống của mỗi người chúng ta.
Quả vậy, lao động có những giá trị to lớn nhưng nhiều khi chúng ta không nhìn ra.
Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” đã có những lời lẽ rất hay về vấn đề này: “Thực vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện và khi nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng mọi loài, họ qui hướng về Người chính bản thân mình cũng như muôn vật: Như thế, khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu. Những điều nhận định trên đây cũng ứng dụng được nơi những công việc hoàn toàn thường nhật. Thực vậy, trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình, họ tiếp nối công trình của Ðấng Tạo Hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử”.(Chương III số 34)
1. Lao động làm cho con người tìm được niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống mình.
Vào thời Trung cổ, có một tín hữu Kitô nọ muốn thực hiện một cuộc hành hương.
Sau vài ngày đi bộ, người đó bị lạc vào trong một khu rừng vắng. Tuy là khu rừng vắng nhưng hai bên đường, người ta cũng thấy có những người thợ đá đang cố gắng đục đẽo và vác trên vai từng tảng đá lớn đem về. Người khách hành hương mon men đến gần một người thợ, mồ hôi đang chảy ra nhễ nhãi và muốn gợi chuyện, nhưng người thợ đập đá ấy chỉ trả lời một cách nhát gừng.
- Ông không thấy tôi đang lao động một cách vất vả sao mà cứ hỏi hoài vậy?
Người khách hành hương tìm đến người thứ hai, người này còn có dáng vẻ nặng nhọc hơn. Được hỏi đang tham gia vào công trình xây dựng nào, người thợ này chỉ trả lời.
- Người ta thuê tôi làm việc, tôi chỉ biết rằng từ sáng sớm đến chiều tà, tôi đổ mồ hôi xôi con mắt ra là để kiếm cơm bánh cho vợ con tôi thôi, còn xây dựng gì thì tôi không cần biết.
Trong thinh lặng, người khách hành hương lại tiếp tục cuộc hành trình. Lên đến đỉnh đồi ông lại gặp một người thợ đập đá khác. Người này cũng có dáng vẻ mệt nhọc tiều tụy không kém 2 người trước, nhưng nhìn kỹ trong ánh mắt của người thợ đập đá này, người khách hành hương thấy toát lên một sự thanh thản và nhẫn nhục lạ thường. Đến gần người khách hành huơng lên tiến hỏi.
- Ông đang làm gì đó?
Người đàn ông mỉm cười và vui vẻ đáp:
- Ông không biết à, tôi đang góp công xây dựng một ngôi thánh đường
Và người thợ đập đá đưa tay chỉ xuống một thung lũng, nơi đó, người khách hành hương nhận ra một ngọn tháp cao và từng viên đá được xếp lại ngay ngắn để làm nên bốn bức tường của một ngôi thánh đường.
Vâng! Cùng một công việc nhưng người ta đã không có được một cái nhìn giống nhau về mục đích của nó. Và chính vì thế mà cuộc sống của con người khác nhau: Người thì được hạnh phúc, kẻ thì phải đau khổ. Hãy cố mà tìm ra cho cuộc đời của mình một ý nghĩa qua những công việc hằng ngày để từ đó chúng ta có thể có được thật nhiều niềm vui!
2. Lao động còn giúp con người sống tình liên đới một cách tốt đẹp hơn.
Trong suốt mùa hè năm ấy, tôi có dịp quan sát một bé trai khoảng 12 tuổi, mỗi buổi sáng vào lúc 7 giờ, đến làng bên cạnh là địa phương chúng tôi để giao bánh mì. Đây là một em bé linh động, luôn vui vẻ và đúng giờ như một chiếc đồng hồ. Em dừng lại trước cửa những nhà giàu có muốn có bánh mì ăn sáng và sau đó lại vội vã đạp xe trở về nhà.
 Ngày nọ, tôi có một cuộc đối thoại lý thú với em bé này như sau:
- Mỗi buổi sáng em phải dậy sớm, vậy em tự mình dậy hay phải có ai thức em dậy?
- Má em! Má em đánh thức tất cả mọi người trong nhà, trước hết là em. Kế đó, má cho em ăn sáng và em ra đi. Sau đó, má đánh thức ba dậy, dọn xúp cho ba ăn trước khi ba đi làm. Rồi lại đến giờ đánh thức mấy đứa em của em dậy đi học. Xong xuôi tất cả thì má lo cho đứa út, cho nó uống sữa và cuối cùng mẹ tự dùng sáng.
Mỗi chuyến giao hàng buổi sáng em được người ta trả cho bao nhiêu?
- Mỗi tuần 20 quan. Em có 10 khách hàng.
- Thế ba em lãnh một ngày được bao nhiêu?
-  30 quan, em nghĩ vậy.
-  Còn má em, má em nhận được bao nhiêu?
- Má em ư? - em bé nhìn tôi lộ vẻ kinh ngạc-. Nhưng má làm việc không vì gì cả cơ mà!
Vâng! Công việc làm là phương cách hữu hiệu nối kết con người lại với nhau trong tình tương thân tương ái và nhờ đó họ có thể cảm nghiệm được tình đoàn kết với nhau một cách cụ thể hơn.
Chúa đã tạo dựng nên mỗi người một cách độc đáo không ai giống ai. Chẳng có ai là hoàn toàn trên trần gian này. Chúa tạo dựng nên mỗi người trong hạn hẹp bất toàn như vậy là để cho con người biết quý trọng nhau, biết hợp tác với nhau để nhờ đó mà cuộc sống của con người được tốt đẹp hơn.
3. Lao động là con đường làm cho con người trở nên xứng đáng làm người hơn.
Sau khi tạo dựng nên con người trong vườn địa đàng, Thiên Chúa trao cho con người trách nhiệm trông coi công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã từng nói: “Cha Ta và Ta hằng làm việc và làm việc không ngừng” (Ga 5,17).
Thiên Chúa vẫn hằng làm việc. Như vậy khi ta làm việc là ta cộng tác với Thiên Chúa để làm cho trái đất này mỗi ngày mỗi đẹp hơn và cũng làm cho cuộc đời của ta giống Chúa hơn. “Cha ta và ta hằng làm việc và làm việc không ngừng”.
Thiền sư Trung Hoa Hyakyjo thường làm việc với các đệ tử, mặc dù ông đã 80 tuổi. Ông thường nhổ cỏ trong vườn, quét sân, hái củi. Các đệ tử của ông cảm thấy buồn vì ông thầy già của họ làm việc cực nhọc, không chịu nghỉ ngơi theo lời họ khuyên. Vì thế, một lần kia họ đem giấu hết dụng cụ làm việc của thầy Hyakyjo. Ngày hôm đó, thầy Hyakyjo không chịu dùng bữa. Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, ông thầy già cũng không ăn. Các đệ tử đoán: “Chắc bởi vì tụi mình dấu đồ làm việc của thầy chứ gì? Thôi, tốt hơn là đem trả lại chỗ cũ cho thầy”.
Thế rồi, ngày họ làm việc, ông thầy già cũng làm và dùng bữa như trước. Chiều đến, Hyakyjo dạy họ: “Không làm, không ăn!”.
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20150428/30388

Hội nghị Mục vụ di dân toàn quốc 2018


UỶ BAN MỤC VỤ DI DÂN – Trong các ngày từ 23 đến 26.4.2018, Hội nghị Mục vụ di dân toàn quốc đã diễn ra tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Tp.HCM (TTMV). Hiện diện có Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Giám quản Tông tòa Tổng giáo phận TpPHCM, Chủ tịch Ủy ban Mục vụ di dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (UBMVDD); linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, S.J. - Chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng thư ký UBMVDD cùng nhiều linh mục, tu sĩ đặc trách về di dân tại các giáo phận, dòng tu. Hội nghị còn chào đón những vị khách mời là Đức cha Michel Goro Matsuura - Giám mục giáo phận Nagoya, Nhật Bản; linh mục Bruno Cicero - Thành viên trong Ban Cố vấn Quốc tế về Hàng hải, Giám đốc tông đồ đường biển Quốc tế Stella Maris, thuộc Hội đồng Giáo hoàng về mục vụ di dân; PGS.TS Giuse Nguyễn Đức Lộc và một số cộng đoàn di dân ngoại kiều.
Vào lúc 15g ngày 23.4.2018, những vị đại diện Ban mục vụ di dân tại các giáo phận đã tề tựu về TTMV để chuẩn bị tham dự Hội nghị. Sau khi nhận phòng, nghỉ ngơi và dùng cơm tối, đến 19g30, các tham dự viên thuộc 3 giáo tỉnh đã tập trung Tại phòng họp để gặp gỡ và giới thiệu về bản thân cũng như công việc mục vụ hiện tại ở giáo phận mình.
Ngày 24.4.2018
Ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị bắt đầu với thánh lễ khai mạc diễn ra vào lúc 8g, do Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng chủ tế. Chia sẻ nội dung Tin mừng, Đức cha chủ tế đã cầu xin Chúa luôn đồng hành với mỗi người trong sứ vụ, nhất là những ngày Hội nghị, để qua bản “Hướng dẫn Mục vụ Di dân” thảo luận sắp tới, mọi người có hướng đi giúp cho đoàn chiên nghe được tiếng hướng dẫn này.
Mở đầu cuộc họp, Đức cha Giuse đã lược lại bản báo cáo Ad Limina từ năm 2009-2017 với một số nét chính đi từ tình hình di dân nội địa, di dân ngoại kiều tại Việt Nam; tổ chức nhân sự; những hoạt động mục vụ di dân... và nhắc đến bản “Hướng dẫn Mục vụ Di dân 2017” đã được soạn thảo. Đây là văn bản được đem ra thảo luận, đóng góp trong các buổi họp ở những ngày sau đó.
Sau phần trình bày của Đức cha Giuse, PGS.TS Giuse Nguyễn Đức Lộc đã trình bày bài nghiên cứu gần đây nhất của mình về tình hình đời sống việc làm, nhu cầu, khả năng tiếp cận hệ thống phúc lợi xã hội của công nhân nhập cư đang làm việc tại Tp.HCM. Đồng thời, ông còn chú ý đến những trở ngại, chênh vênh trong đời sống đạo của người xa quê, đặc biệt là giới trẻ. Ngoài ra, PGS.TS cũng giới thiệu cho các tham dự viên trang ican.com, dành cho anh chị em di dân và việc khảo sát di dân đang thực hiện trên những giáo xứ thuộc Tp.HCM thông qua ứng dụng trên web này.
Trước khi kết thúc buổi sáng, Hội nghị được nghe chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của cha Bruno Cicero trong 11 năm làm mục vụ cho thủy thủ và ngư dân tại Philippines, 13 năm tuyên úy cảng Cao Hùng, Đài Loan, Hong Kong, Singapore và vùng Đông Nam Á. Qua bài chia sẻ kéo dài khoảng 1 giờ, cha Bruno đã đem khái niệm về tông đồ hàng hải (AOS - Apostleship of the Sea) đến gần hơn với các linh mục, tu sĩ. Theo đó, tông đồ hàng hải là một tổ chức phục vụ những thủy thủ, ngư dân và gia đình của họ trên toàn thế giới với sự hiện diện ở 261 cảng, trên 55 quốc gia và với 200 tuyên úy. Cha Bruno đã gửi tặng các tham dự viên cuốn “Cẩm nang mục vụ tông đồ hàng hải” và logo của AOS. Ngài cũng đã đặt ra một số câu hỏi về ngư dân tại địa phương cũng như những khó khăn mà họ đang đối diện để các vị đặc trách cùng nhìn lại khía cạnh mục vụ này nơi giáo phận mình.
Buổi chiều, vào lúc 15g, Hội nghị tiếp tục với phần trình bày tổng quát về bản “Hướng dẫn Mục vụ Di dân”, do Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng và cha Tổng Thư ký Giuse Đào Nguyễn Vũ trình bày. Đây là bản Hướng dẫn Mục vụ Di dân vừa được HĐGM phê chuẩn trong Hội nghị thường niên kỳ II - 2017 diễn ra tại Thanh Hoá từ ngày 9 đến 13.10.2017. Ngày nay, Mục vụ di dân là một thách đố của thời đại. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và công nghiệp hoá, hiện tượng di dân diễn ra khắp nơi, tác động đến mọi giới và mọi lứa tuổi: từ thôn quê lên thành phố để học hành, kiếm kế mưu sinh, từ quốc gia này sang quốc gia nọ để lao động, kinh doanh hoặc kết hôn. Mục vụ di dân vươn qua giới hạn địa giới, vùng miền, chủng tộc, ngôn ngữ và nguồn gốc; vì thế, Bản Hướng dẫn này được xem như một cẩm nang vừa giúp cho các mục tử thi hành sứ vụ vừa giúp các tín hữu thực hành bổn phận đức tin trong cuộc lữ hành trần thế.
Bản “Hướng dẫn Mục vụ Di dân” được thử nghiệm trong thời hạn 2 năm, từ 1.11.2017 đến 1.11.2019. Trong thời gian thử nghiệm, Ủy ban Mục vụ Di dân sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, và cùng với Ban Soạn Thảo hoàn thiện tài liệu này để trình HĐGMVN ban hành chính thức.
Trở lại với buổi làm việc, Bản Hướng dẫn được chia thành 6 phần chính, gồm 100 vấn đề khác nhau. Mỗi phần được giải thích cặn kẽ, cha Giuse và Đức cha còn lấy dẫn chứng từ những câu chuyện thực tiễn trong quá trình mục vụ để bổ sung cho các ý cần trình bày. Sau cùng, Đức cha nhắn nhủ các linh mục trong quá trình tìm hiểu Bản Hướng dẫn nếu thấy có điều gì cần thêm bớt, chỉnh sửa thì ghi lại và gửi về cho văn phòng Mục vụ Di dân.
Sau giờ giải lao là thời gian dành cho những đóng góp và phản hồi về bản “Hướng dẫn Mục vụ Di dân”. Đa phần các ý kiến nhận xét Bản Hướng dẫn đã giúp ích rất nhiều cho các giáo phận. Cha Raphael Đỗ Minh Tuấn, Đặc trách Di dân của giáo phận Thanh Hoá cho hay, kể từ khi có 2 bản văn là Những quy định, hướng dẫn về học Giáo lý và cử hành Hôn phối của giáo tỉnh miền Bắc và Hướng dẫn Mục vụ Di dân thì việc giải quyết hôn phối hay các việc khác liên quan đến anh em di dân đều giải quyết rất tốt đẹp.
Các cha cũng nêu ra những trường hợp cụ thể từ trong giáo xứ, giáo phận hay nhà dòng mình để mọi người có thêm thông tin cũng như tiếp thu phương cách mục vụ mới. Những khó khăn, khúc mắc trong công tác Mục vụ di dân cũng được Đức cha Giuse và cha Tổng Thư ký giải đáp, tìm hướng đi phù hợp. “Những khó khăn mà chúng ta gặp phải là khó tránh khỏi, nhất là trong thời buổi xã hội hoá hôm nay, tuy nhiên đối với mục tử của Lòng Thương Xót, thì những vấn đề này càng thúc giục ta cố gắng hết khả năng. Không thể giải quyết được hết các vấn đề cùng lúc nhưng chúng ta sẽ đi từng bước một. Giữa các giáo phận hãy thường xuyên liên hệ với nhau để tìm cách giải quyết tốt nhất các vấn đề, để người tín hữu cảm nhận mình luôn được đồng hành”, Đức cha Giuse đúc kết.
Ngày 25.4.2018
Đoàn hội nghị đã có chuyến thực tế (xuất phát vào lúc 7g30 và kết thúc lúc 15g) đến Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn (Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đại diện ban giám đốc bày tỏ niềm vui khi các linh mục, tu sĩ đã đến thăm công ty. Trong phần đón tiếp, người đại diện giới thiệu về Công ty giấy Sài Gòn qua hơn 20 năm được thành lập và đời sống, cũng như sự quan tâm của ban lãnh đạo dành cho anh chị em công nhân, đa số là người di dân. Qua đó, các linh mục trong đoàn đã tìm hiểu, trao đổi với công ty về việc quan tâm đến đời sống đức tin của anh chị em di dân Công giáo (chiếm 26% tổng số nhân viên).
Với sự hướng dẫn của phía công ty, thành viên đoàn hội nghị cùng nhau tham quan cơ sở sản xuất rộng 20 ha của Giấy Sài Gòn. Sau đó, Đức cha Michael Goro Matsuura đã chủ tế thánh lễ tại nhà nguyện phía sau hội trường công ty, với sự tham dự của một số anh chị em di dân Công giáo đang có mặt tại nơi làm việc. Trong tâm tình mừng lễ Thánh Marcô, cha Giuse Đào Nguyên Vũ đã nhắc đến trong bài giảng lễ, hai động từ mà Hội thánh đã ban cho Thánh Marcô là ngài đã ghi chép và rao giảng Tin mừng. Động từ rao giảng đi trước, ghi chép sau. Điều đó khẳng định Thánh Marcô đã sống mầàu nhiệm Đức Kitô trước khi ông viết lại. Từ hình ảnh đó, ngài mời gọi mỗi anh chị em công nhân di dân hãy trở thành một chứng từ cho Tin mừng Phục Sinh, ý thức mình là con cái Chúa để rao giảng và ghi chép lại chứng từ của riêng mình bằng cách sống tốt hơn, lao động tốt hơn và đừng bao giờ mất đi niềm hy vọng.
Sau thánh lễ, Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn - Giám mục giáo phận Bà Rịa, đã đến thăm đoàn hội nghị và dùng cơm trưa với anh chị em công nhân.
Tối cùng ngày, các tham dự viên Hội nghị được thưởng thức “Lẩu Tên Lửa” do Ban Mục vụ Di dân sở tại chủ trì.
Công ty Giấy Sài Gòn
Được thành lập từ năm 1997, Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn (đóng tại Khu Công nghiệp Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) do ông Cao Tiến Vị, một tín hữu Công giáo làm Tổng Giám đốc. Tại đây, trong mọi hoạt động, tinh thần yêu thương luôn được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Về lãnh vực chuyên môn thì hiện nay, công ty đang từng bước trở thành doanh nghiệp sản xuất và cung cấp các sản phẩm giấy chất lượng hàng đầu khu vực ASEAN. Không chỉ đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm giấy đạt chất lượng, hơn 20 năm hình thành và phát triển, Công ty Giấy Sài Gòn còn chung tay cùng cộng đồng góp phần bảo vệ môi trường, tham gia công việc bác ái xã hội. Hằng năm, ngoài thăm và tặng quà cho cán bộ công nhân viên có hoàn cảnh khó khăn, bà con nghèo neo đơn tại xã Mỹ Xuân thì vào các dịp lễ tết, công ty còn hỗ trợ các cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật, phòng khám từ thiện với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm…
Ngoài các chương trình từ thiện, công ty còn đặc biệt chú trọng đến đời sống tinh thần của cán bộ công nhân viên. Trong tổng số 1.100 lao động hiện nay, có khoảng 300 anh chị em là tín hữu Công giáo, do đó định kỳ hằng năm, công ty đều có mời các cha đến giải tội cho công nhân viên và tổ chức các thánh lễ ngay trong công ty. Trong khuôn viên nhà máy còn có tượng Đức Mẹ La Vang để mọi người có thể đến đọc kinh, kính viếng Mẹ bất cứ lúc nào.
Ngày 26.4.2018
Ngày cuối cùng của Hội nghị mở ra với phần thuyết trình về đề tài “Dấn thân xã hội” của phái đoàn Nhật, do Đức cha Michael Goro Matsuura dẫn dắt. Lần lượt, bài thuyết trình đưa Hội nghị đi từ hiện trạng người nước ngoài đặc biệt là người Việt tại Nhật; những người Việt Nam đi xuất khẩu lao động Nhật và vấn đề vi phạm nhân quyền đang hoành hành đối với người lao động tại đây. Đức cha Giuse, sau khi phái đoàn Nhật trình bày, đã bày tỏ lời cảm ơn khi phái đoàn đến tạo một cầu nối giữa Việt Nam (đặc biệt là những vị đặc trách di dân) với anh chị em di dân Việt tại Nhật Bản. Đức cha đã bày tỏ nhiệt tình sẵn sàng hỗ trợ, cộng tác để người Việt có thể được quan tâm không chỉ về cuộc sống mà còn cả về mặt thiêng liêng. Đặc biệt, ngài nhấn mạnh đến mong muốn của UBMVDD Việt Nam là làm sao cho người Công giáo Việt Nam có thể hòa nhập vào giáo hội địa phương tại Nhật. Về phần mình, cha Tổng Thư ký UBMVDD cũng gợi ý một số công việc phía UBMVDD Việt có thể làm để cộng tác với Nhật trong việc mục vụ cho anh chị em di dân, như thông tin qua các phương tiện truyền thông, tổ chức hội thảo giới thiệu luật lao động và mời doanh nghiệp Nhật đến chia sẻ... Tiếp lời, một số linh mục đặc trách di dân tại các giáo phận cũng đóng góp ý kiến riêng của mình trên tinh thần tìm hướng giải quyết cho việc hợp tác lâu dài để phục vụ này.
Thánh lễ tạ ơn của ngày bế mạc Hội nghị diễn ra ngay sau phần thảo luận. Tại nhà nguyện của Trung tâm mục vụ, Đức cha Giuse đã chủ sự thánh lễ. Ở bài chia sẻ trong thánh lễ, qua hình ảnh Chúa Giêsu quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng nhắn nhủ rằng, mỗi thành viên ở đây cũng là những người được Chúa sai đi để phục vụ, vậy chúng ta phải làm thế nào để thực thi ý Chúa cách tốt đẹp nhất. “Vì hoàn cảnh anh chị em di dân phải rời bỏ quê hương đi đến vùng đât khác nhằm chu toàn nhiệm vụ nuôi sống gia đình. Họ chính là những người được Chúa sai đến để chúng ta thi hành sứ vụ của bản thân. Vì như Chúa đã nói, ai đón tiếp kẻ Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy cũng là đón tiếp chính Đấng đã sai Thầy”... Sau cùng, Đức cha nhắc nhở mọi người hãy luôn cầu nguyện cho anh chị em di dân, cầu nguyện cho Giáo Hội Nhật Bản, cho Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt cho UBMVDD thuộc HĐGM Nhật Bản và Việt Nam có những bước tiến để phục vụ tốt nhất trong bổn phận của mình.
Buổi chiều cuối cùng của Hội nghị, các tham dự viên đã dành thời gian để tiếp tục đóng góp, phản hồi về bản “Hướng dẫn Mục vụ Di dân” và gặp gỡ các cộng đoàn di dân ngoại kiều (cộng đoàn tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hàn và tiếng Nhật), nghe họ giới thiệu về sự hình thành cùng những sinh hoạt, chương trình hiện tại nơi cộng đoàn mình.
Kết thúc Hội nghị, Đức cha Giuse ngỏ lời cảm ơn toàn thể các tham dự viên, đồng thời công bố Hội nghị Mục vụ di dân toàn quốc 2019 sẽ được tổ chức tại giáo phận Long Xuyên.








Uỷ ban Mục vụ Di dân / HĐGMVN

Các bạn trẻ là những người thúc đẩy Giáo Hội tiến lên thông qua những đòi hỏi sâu sắc của họ


Cha Ondrej Chrvala, TổngThư ký Hội đồng về Giới trẻ và các Trường đại học, người đã phân tích bảng câu hỏi cho Thượng Hội đồng Giám mục dành cho các bạn trẻ dưới 30 tuổi, liên quan thực tế của giới trẻ đến chủ đề ơn gọi, mối quan hệ với các đồng nghiệp và cộng đoàn Kitô hữu. Hơn 4.200 bạn trẻ ở Slovakia đã trả lời bản câu hỏi gồm 50 câu hỏi, theo quan điểm của Thượng hội đồng, về ơn gọi của họ, về tiêu chí lựa chọn trong cuộc sống, mối quan hệ với người khác, với tôn giáo, đức tin, Giáo hội. Ở Slovakia, các câu trả lời được thu thập và xây dựng bởi Hội đồng về Giới trẻ và các Trường đại học. Sau đây là cuộc phỏng vấn dành cho cha Ondrej Chrvala

Hỏi. Cái nhìn của những người trẻ trong Giáo hội ở Slovakia và ngược lại là gì? 

Đáp: Những người trẻ là tương lai, hy vọng. Họ thúc giục cộng đồng theo nghĩa tích cực, họ là cuộc sống mới của Giáo Hội. Về những gì Giáo Hội có ý nghĩa đối với những người trẻ, có hai loại câu trả lời. Đối với một số bạn trẻ, Giáo hội là một loại bảo tàng, không phù hợp với thế giới hiện đại này. Sau đó, có một nhóm lớn những người có mối quan hệ với Giáo Hội vượt xa sự tham gia "bắt buộc" trong các cử hành phụng vụ. Đối với họ, Giáo Hội đại diện cho một yếu tố của niềm hy vọng trong thế giới này, một cột trụ vững chắc của các giá trị, một nơi mà họ yêu cầu cảm thấy được đón tiếp. Điều này cho thấy, đối với nhiều người trẻ, Giáo Hội là một điểm quy chiếu ổn định trong một xã hội thay đổi liên tục.

Hỏi: Điều gì là trọng tâm của mục vụ giới trẻ ở Slovakia?

Đáp: Trước hết, có một quá trình đào tạo liên tục. Trong thời đại này, đặc trưng bởi những thử thách mới, chúng tôi cố gắng giúp những người trẻ tìm thấy định hướng đúng đắn và duy trì nguồn gốc trongThiên Chúa. Chúng tôi có nhiều dự án loan truyền Tin Mừng được gửi đến các bạn trẻ không biết Thiên Chúa và Hội Thánh. Ở cấp quốc gia, chúng tôi tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ sự hiệp nhất trong đa dạng. Chúng tôi tôn trọng những con đường khác nhau của đức tin, nhưng chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng tất cả dẫn đến một Thiên Chúa.

Hỏi: Theo cha, đức tin của những người Công giáo trẻ ở Slovakia có thể mô tả như thế nào? 

Đáp: Nói chung, chúng tôi có thể nói rằng họ là những tín hữu "đòi hỏi" . Họ không hài lòng với câu trả lời đơn giản. Họ muốn nhiều hơn, họ cần phải đi sâu. Do đó, họ trở thành một thách thức đối với chúng tôi, cho tất cả những ai có nhiệm vụ hướng dẫn họ trên hành trình đức tin. Chúng tôi phải tuyệt đối xác thực trong hành trình này, bởi vì những người trẻ "phản chiếu trên chúng tôi" và ngay lập tức nhận ra nếu có cái gì đó sai. Bởi vì điều này, đức tin của họ có được đâm rễ sâu và hầu như không lay động trong phần còn lại của cuộc đời họ. Những người trẻ ở Slovakia coi trọng đức tin của họ, không bị lôi kéo từ môi trường thế tục, vì vậy tôi tin rằng họ có thể trở thành men cho đất nước chúng tôi, thậm chí họ còn mạnh mẽ hơn những người đi trước. Giáo Hội phải hướng dẫn những người trẻ đến những điều mới, cao hơn mức độ của đức tin.

Hỏi: Từ kinh nghiệm mục vụ của cha và theo kết quả của bảng câu hỏi thì những thách thức chính là gì?

Đáp: Các câu trả lời cho thấy rằng những người trẻ thích ngôn ngữ giao tiếp phù hợp hơn với thế giới đương đại. Họ muốn tìm kiếm sự hòa hợp đạo đức tốt hơn giữa hành vi con người và các giá trị được công nhận. Điều này có thể khó khăn hơn một chút đối với Giáo hội, nơi đã bảo tồn truyền thống của đức tin trong hàng ngàn năm và không phải lúc nào cũng dễ phản ứng với những thay đổi nhanh chóng, và điều này cũng tạo ra những trở ngại cho sự hiểu biết lẫn nhau. Sau đó, có một thách thức cho Giáo Hội chứa đựng trong lời mời để được xác thực và minh bạch.

Hỏi: Cha có thể nói gì với chúng tôi về những người không tin?

Đáp: Đúng là công việc mục vụ của chúng tôi tập trung chủ yếu vào những người trẻ "của chúng tôi". Tuy nhiên, có một số dự án thú vị nhằm vào những người trẻ bên ngoài môi trường của chúng tôi, qua đó chúng tôi cố gắng nói chuyện với những người trẻ chưa bao giờ đi cùng lĩnh vực này; chưa có ai thực sự giải thích cho họ những điều liên quan đến Thiên Chúa và đức tin.

Họ thường có nhiều định kiến, làm cho giao tiếp trở nên khó khăn. Chúng tôi cố gắng giải quyết chúng bằng cách nói về các giá trị tự nhiên bắt rễ sâu trong mỗi linh hồn con người. Nhiều người trong số họ nhanh chóng hiểu rằng trong xã hội chúng ta, nơi mọi thứ đều hướng tới thành công và mối tương quan ngay lập tức, Thiên Chúa và Giáo Hội của Ngài có thể hỗ trợ hoàn hảo và ổn định.

Hỏi: Hội đồng về Giới trẻ và các Trường đại học đã phát triển truyền thống các cuộc họp giới trẻ ở cấp quốc gia. Làm thế nào để cha thấy tác động của nó trên giáo dục đối với đức tin?

Đáp: Các cuộc gặp gỡ này được đặt ra trên sự hiệp nhất trong sự đa dạng và về sự phong phú của các đặc sủng trong Giáo Hội. Một khoảnh khắc tuyệt vời khác là sự hiệp nhất của những người trẻ với các giám mục của họ: các ngài đến trong số họ, các vị nói chuyện với họ một cách tự phát; trả lời các câu hỏi về đức tin. Việc vượt qua mọi định kiến và mọi rào cản rõ ràng. Sự quan tâm của những người trẻ trong các cuộc họp quốc gia này đã phát triển và tôi thấy họ là một trong những công cụ tốt nhất cho việc chăm sóc mục vụ.(Rei 26-4-2018)

Ngọc Yến

Doanh nhân Công giáo: Lãnh đạo: lắng nghe và đồng hành

WGPSG-- “Lãnh đạo: Lắng nghe và đồng hành” là đề tài do linh mục Giuse Nguyễn Văn Quang - Giám tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam - Mongolia - trình bày cho khoảng 100 doanh nhân Công giáo vào sáng Chúa nhật 22/4 tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn.
Sau lời giới thiệu ngắn gọn của cha linh hướng Giuse Tạ Huy Hoàng, cha Quang trình bày đề tài: Bắt đầu từ Kinh Thánh Ga 4; 5- 26 kể chuyện Đức Giêsu gặp người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp, qua những slide, với những kinh nghiệm của gần 30 năm đồng hành với giới trẻ, cha làm cho mọi người hiểu tại sao Lãnh đạo lại là lắng nghe và đồng hành. Theo cha lắng nghe là một nghệ thuật vì lắng nghe cổ võ người nói mở lòng, vì lợi ích người nói mong đợi và giúp người nói đối diện thực trạng cuộc đời họ. Khi lắng nghe với sự chú tâm bằng cả cõi lòng, người lãnh đạo sẽ cảm thông và đi vào chiều sâu tâm linh của người nói. Để đồng hành, người lãnh đạo cần biết lắng nghe. Đồng hành là người lãnh đạo biết rõ đối tượng và cuộc đời nhân viên, có mối tương quan nhân văn, thiện ý và không vụ lợi với nhân viên, giúp nhân viên khám phá ra cách Thiên Chúa mặc khải cho họ qua sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và để họ đáp trả lời Thiên Chúa một cách tự nguyện và đầy trách nhiệm.
Cuối cùng, cha mời gọi các doanh nhân Công giáo trong vai trò những người lãnh đạo: “Hãy vun trồng nghệ thuật lắng nghe và đồng hành trong ứng xử và điều hành để trở thành những nhà lãnh đạo như Đức Kitô mục tử”.
Anh Hồ Anh Minh giới thiệu những người mới tham gia lần đầu và 3 người bạn quý là ông Ted Rossi, Chủ Doanh nghiệp DNCG Hoa Kỳ ROSSI GROUP, thành viên ban quản trị Quỹ Từ Thiện Rotary;  ông  Andrew Becker, TGĐ South Face Village, thành viên ban vận động phong thánh cho cha Pio 5 dấu và ông Yu Hong, trưởng đại diện South Face Village tại Shanghai.
Thánh lễ
Sau giờ giải lao, mọi người cùng tham dự Thánh lễ. Cha Giuse Quang chủ tế, đồng tế với ngài là cha Giuse Tạ Huy Hoàng. Chia sẻ Lời Chúa theo Phúc Âm  Ga 10, 11-18 đọc trong  Chúa nhật IV mùa Phục Sinh, Chúa nhật Chúa chiên lành, cha chủ tế nói về mối quan hệ giữa mục tử và đàn chiên. Về mục tử: người mục tử như Đức Giêsu mong muốn là người biết, quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, nuôi sống và làm cho đàn chiên phát triển để đạt đến mục tiêu cuối cùng là mục tử và đàn chiên cùng nên một trong Đức Kitô, nên một trong Hội Thánh. Còn đàn chiên, hãy hiểu biết và thông cảm; nâng đỡ và bảo vệ; cộng tác tích cực với các mục tử của mình, để xây dựng một cộng đoàn chứng nhân thánh thiện với cuộc sống tốt đời đẹp đạo.
Cha Giuse mời gọi “suy nghĩ, cầu nguyện và vun trồng tinh thần gia đình trong Hội Thánh vì Hội Thánh là của tôi, chủ chăn cũng là của tôi”. Và cha kết luận: “Chỉ có một chủ chăn duy nhất tối thượng là Đức Kitô, đấng sẽ quy tụ chúng ta lại, còn tất cả những mục tử khác đều là những tác nhân như lòng Chúa mong muốn trong Giáo hội để xây dựng Giáo hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn”.
Thánh lễ thêm phần sốt sắng nhờ tiếng hát của ca đoàn Doanh nhân Công giáo.
Trước phép lành cuối lễ, cha linh hướng thay mặt cho anh chị em trong giới DNCG cảm ơn về bài thuyết trình và bài giảng rất hay, sống động và bổ ích của cha Giám tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam – Mongolia trong tiếng vỗ tay của mọi người tham dự.
Mọi người lưu luyến chia tay và hẹn gặp lại vào ngày bổn mạng của giới trong tháng 5.
LÃNH ĐẠO: LẮNG NGHE VÀ ĐỒNG HÀNH

Người du mục Nigeria tấn công nhà thờ Công Giáo, giết 19 người.

(EWTN News/CNA) Đã có ít nhất 19 người, gồm 2 linh mục bị giết vào hôm thứ Ba khi người du mục ở miền trung Nigeria nổ súng vào Thánh Lễ sáng tại một nhà thờ Công Giáo.

Một bản tin cho biết người du mục Fulani đã tấn công vào nhà thờ Thánh Ignatius ở Ayar-Mbalom, một thành trong phạm vi tiểu bang Benue của Nigeria vào ngày 24 tháng Tư, giết chết 17 người đang tham dự Thánh Lễ sáng và hai linh mục: cha Joseph Gor và cha Felix Tyolaha.

Theo một người sống sót là Peter Lorver, có bà mẹ kế cũng là nạn nhân, cho hãng tin New Telegraph và báo chí địa phương biết là sau khi tấn công vào nhà thờ, những người này đã tiến hành bắn giết dân cư vùng lân cận và châm lửa đốt cháy khoảng 50 ngôi nhà.

“Những người tấn công này đã đốt nhà và phá hủy hoa màu, ruộng vườn rồi rút vào căn cứ của họ. Mẹ kế của tôi là một trong số những nạn nhân khi bà đang tham dự thánh lễ thì bị tấn công.”

Cuộc tấn công đã xảy ra gần vành đai chính của Nigeria, nơi giáp danh giữa vùng Hồi giáo phía bắc và khu vực Kitô giáo phía Nam.

Cho đến giờ phút này, không có kẻ tấn công nào bị bắt giữ trong khi Tổng Thống Nigeria là Muhammadu Buhari thề là sẽ truy tìm ra những kẻ bắn phá này. 

Ông đã viết trên mạng xã hội “Cuộc tấn công mới đây vào những người dân vô tội là một hành động đáng khinh bỉ. Tấn công vào một nơi tôn nghiêm thờ phượng, giết các linh mục và giáo dân không những chỉ là đê tiện, xấu xa và gian ác, mà nó còn được tính toán rõ ràng nhằm châm ngòi xung đột tôn giáo và xô đẩy các cộng đồng của chúng ta vào cuộc đổ máu không báo giờ chấm dứt.”

Dân biểu Hoa Kỳ là Chris-Smith (Cộng Hòa), chủ tịch Ủy Ban Quốc Hội về Châu Phi, đã lên án hành vi bạo lực này: “Vụ giết các linh mục và giáo dân vào hôm Thứ Ba tại nhà thờ Công Giáo Thánh Ignatius, thuộc Giáo Phận Makurdi báo hiệu rằng bạo lực tôn giáo ở Nigeria đang trên đà leo thang. Nhà cầm quyền Nigeria phải mạnh tay trừng phạt những kẻ vi phạm để ngăn ngừa việc bạo động sẽ trở nên tồi tệ hơn vào kỳ bầu cử sắp tới.”

“Nigeria cần tìm kiếm việc cải tiến hệ thống pháp lý nhằm giải quyết những bất công để người dân du mục – thủ phạm của hầu hết những bạo lực vừa qua- ngưng nhắm vào các nông dân, khuấy động tôn giáo và làm căng thẳng sắc tộc trong tiến trình đấu tranh của họ và cũng kịp thời lập ra một ủy ban bình đẳng tôn giáo.”

Bạo lực giữa dân du mục Fulani và nông dân đã tăng nhanh trong những năm gần đây khi vấn đề khi hậu đã đẩy dân du mục càng xa hơn về phía nam.

Tính đến giữa tháng Giêng năm nay, đã có trên 100 người chết do người du mục gây ra.

Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nigeria đã lên tiếng trong một thông cáo vào tháng Giêng đặc biệt quan ngại về bạo lực. Hội đồng cũng nhận ra những khó khăn mà dân du mục đang gặp phải, nhưng cũng bày tỏ nhu cầu thay thế tốt hơn mở ra cho việc chăn nuôi.

Các Giám Mục nói rằng, “Chính quyền cần phải khuyến khích hơn nữa những chủ trại chăn nuôi thiết lập những trang trại thích hợp nhất với việc chăn nuôi của thế giới.”

“Nông dân và người du mục đã đóng góp rất nhiều cho sự phồn thịnh kinh tế xã hội của đất nước chúng ta. Một chiến lược lâu dài hơn cần phải được thực hiện cho sự cùng tồn tại trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau của họ.”

Giuse Thẩm Nguyễn

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

Tin Mừng Chúa nhật 5 Phục Sinh - Năm B



Phúc Âm: Ga 15, 1-8
"Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

"Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy".

Nguồn: https://tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/13407-chua-nhat-v-phuc-sinh-nam-b.html

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

Nếu vắng bóng tình yêu, Giáo Hội chỉ là tổ chức trống rỗng


Có ba điều cần khắc ghi trong đời sống Hội Thánh. Đó là: bí tích Thánh Thể diễn tả tình yêu, sống phục vụ, và tôi tớ không lớn hơn chủ. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Chúa Giêsu đã cử hành bữa tiệc ly với các môn đệ. Trong đó, Chúa thực hiện hai cử chỉ tuyệt vời để thiết lập Hội Thánh. Một là, Chúa thiết lập bí tích Thánh Thể với việc ăn bánh tức là ăn Mình Ngài và uống rượu tức là uống Máu của Ngài, máu giao ước mới, đổ ra để cứu độ muôn người. Hai là, Chúa quỳ xuống mà rửa chân cho các môn đệ. Từ những cử chỉ và giới răn ấy, Hội Thánh được thiết lập và không ngừng phát triển. Hội Thánh sẽ tiếp tục phát triển nếu chúng ta trung thành với Chúa.

Tình yêu nếu tắt

Giới răn đầu tiên là yêu thương. Không chỉ yêu người thân cận như chính mình, nhưng còn tiến xa hơn nữa. Đó là yêu thương nhau như chính Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Tình yêu ấy không có biên giới, không có giới hạn.

Nếu thiếu đi tình yêu này, Giáo Hội không thể tiến bước. Nếu vắng bóng tình yêu này, Hội Thánh sẽ ngừng thở. Nếu vắng bóng tình yêu, Hội Thánh không thể phát triển, Hội Thánh sẽ biến thành một tổ chức trống rỗng với những hành động vô nghĩa. Chính Chúa đã nói với chúng ta rằng: chúng ta phải yêu thương nhau và yêu cho đến cùng.

Quỳ xuống rửa chân

Yêu như Chúa đã yêu mến, là rửa chân cho nhau. Chúa còn thêm rằng: Anh em nói Thầy là Thầy là Chúa của anh em, quả thực là như vậy, mà Thầy là Thầy và là Chúa của anh em mà còn làm như thế, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Bởi vì trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Cung cách phục vụ của người tôi tớ, việc rửa chân, không phải là kiểu giả bộ khiêm tốn, nhưng là một sự khiêm tốn chân thực và giản dị.

Biết bao vị tử đạo, biết bao vị thánh tiếp tục nối gót theo bước Thầy Giêsu chí thánh, để phục vụ con người mọi thời mọi nơi. Nhưng cũng chính trong bữa tiệc ly ấy, Chúa cảnh báo các môn đệ rằng: Một trong số anh em lại là kẻ phản bội. Chúng ta hãy dừng lại một chút trong thinh lặng để ngước nhìn Chúa.

Lạy Chúa, Chúa biết rõ lòng con

Hãy để cho ánh mắt của Chúa đi vào tâm hồn tôi. Hãy cảm nhận biết bao điều: cảm nhận tình yêu mến, cảm nhận bất cứ điều gì, cảm nhận những khó khăn trắc trở, cảm nhận những gì làm tôi xấu hổ. Hãy để cho ánh mắt của Chúa chạm vào sâu thẳm trái tim tôi. Lạy Chúa, Chúa thấu biết mọi sự, Chúa biết rõ lòng con.

Hãy mang lấy tâm tình của thánh Phêrô bên bờ biển hồ Tiberia, khi Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ. Thánh Phêrô nói với Chúa: Thưa Thầy, Thầy biết đấy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy, Thầy biết rõ mọi điều trong đáy lòng con. Tình yêu mến ấy là yêu cho đến cùng. Lạy Chúa, con chỉ là kẻ tôi tớ, con thuộc về Ngài, chỉ có Ngài là cao cả lớn lao.

Tứ Quyết SJ

Khai mạc Triển lãm Đèn Dầu Việt Nam

WGPSG -- “Ánh sáng muôn dân”, là chủ đề của Bộ Sưu tập Đèn Dầu Việt Nam. Buổi Khai mạc Cuộc Triển lãm Bộ Sưu tập đã diễn ra vào sáng thứ Bảy, ngày 21.04.2018 tại Nhà Truyền Thống TGP Sài Gòn, số 06 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Q.1, TPHCM.
Thành phần tham dự
Đến tham dự Buổi Khai mạc có Linh mục (Lm) Trưởng ban (TB) Văn hóa TGP Sài Gòn Giuse Nguyễn Hữu Triết; Lm TB Truyền thông TGP Sài Gòn Giuse Vũ Hữu Hiền; Lm Linh hướng Ban Mỹ Thuật Đaminh Vinh Sơn Nguyễn Thành Tín; Lm Giuse Nguyễn Chí Lĩnh, TTMV  TGP Sài Gòn; Các Nhà Sưu tập Đèn cổ; Bà Trịnh Thị Hòa, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Chủ tịch Hội Cổ vật TP HCM; Ông Nguyễn Văn Phẩm, Phó Chủ tịch Hội Cổ vật TP HCM; Họa sĩ Lê Hiếu, TB Mỹ Thuật Đaminh; cùng quý vị khách mời.
650 chiếc đèn cổ được trưng bày trong cuộc triển lãm lần này không chỉ của riêng Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết mà còn thuộc quyền sở hữu của 10 Nhà Sưu tập đến từ nhiều miền đất nước, và họ chưa phải là người Công giáo. Bộ Sưu tập này bao gồm những chiếc đèn cổ từ Thế kỷ V trước Công nguyên (Đồng Đông Sơn) và trải dài theo dòng lịch sử đến trước năm 1975.
Diễn tiến
Buổi Khai mạc Cuộc Triển lãm được bắt đầu vào lúc 10g00. Trước khi MC tuyên bố lý do và giới thiệu thành phần tham dự, mọi người cùng được thưởng thức 02 nhạc phẩm “Và con tim đã vui trở lại”, “Về đây nghe em”, qua tiếng hát của ca sĩ Ngọc Yến và Khắc Dũng.
Sau đó, Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết đã đọc thư chúc mừng Cuộc Triển lãm của Đức Giám quản (ĐGQ) Giuse Đỗ Mạnh Hùng.
Tiếp theo là phần phát biểu của Lm Vinh Sơn Nguyễn Thành Tín, Bà Trịnh Thị Hòa và Ông Nguyễn Văn Quỳnh. Cả 03 bài phát biểu đều có chung một điểm là nhìn nhận công lao vất vả của Cha TB Văn hóa Giuse Nguyễn Hữu Triết và những giá trị của Bộ Sưu tập trong Di sản Văn hóa Dân tộc.
Đặc biệt, từ góc nhìn chuyên môn, Nguyên GĐ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bà Trịnh Thị Hòa, đã đánh giá rất cao về những đóng góp của Lm Nguyễn Hữu Triết và của TGP Sài Gòn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Dân tộc. Theo bà thì những cổ vật trong bộ sưu tập lần này rất đa dạng về chất liệu, phong phú về kiểu dáng và vô cùng quý giá mà ngay cả Bảo tàng Nhà Nước chưa chắc có được. Và bà mong muốn rồi đây sẽ có nhiều người được tận mắt chiêm ngưỡng những cổ vật quý giá ấy.
Nhân dịp này, MC cũng đã giới thiệu sơ lược Bộ Sưu tập Đèn của “Thần Đèn” Giuse Nguyễn Hữu Triết: Bộ Sưu tập với gần 1.500 chiếc, được lưu giữ tại nhà thờ Tân Sa Châu, giáo hạt Phú Nhuận... Và năm 2005, Trung Tâm Sách Kỷ Lục Việt Nam đã xác lập đây là Bộ Sưu tập Đèn Cổ nhiều đèn nhất Việt Nam.
Liền ngay sau đó, Lm TB Văn hóa cùng một số quan khách đã thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành cuộc triển lãm. Trong tiếng nhạc du dương của những bài nhạc cổ điển, mọi người tiến vào Nhà Truyền Thống TGP để tận mắt ngắm nhìn những cổ vật quý giá trong sự trân trọng và thích thú. Các chiếc đèn cổ đều có phần chú thích về niên đại, chất liệu và được sắp xếp một cách khoa học, dễ quan sát. Lm Giuse TB Văn hóa cũng đã tận tình giải thích và giải đáp thắc mắc cho khách tham quan.
Được biết, Cuộc Triển lãm Đèn Dầu Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 21.04.2018 đến ngày 06.01.2019. Nhà Truyền Thống TGP Sài Gòn sẽ hân hoan đón chào khách tham quan vào các ngày trong tuần: Sáng từ 8g00 đến 11g00 và Chiều từ 14g00 đến 16g00.
KHAI MẠC PHÒNG TRƯNG BÀY: ĐÈN CỔ VIỆT NAM
Mong chờ
Sau buổi khai mạc, dù rất bận rộn nhưng Lm Giuse Nguyễn Hữu Triết đã dành thời gian để trao đổi với chúng tôi. Ngài chia sẻ: “Khi đầu tư công sức và tài chính vào Bộ Sưu tập mang đậm nét Văn hóa này, chúng tôi mong sao đây sẽ là  nhịp cầu nối kết mọi người lại với nhau. Văn hóa là cái đẹp mà Thiên Chúa chính là Chân, Thiện, Mỹ, thế nên những cái đẹp trong văn hóa sẽ dẫn đưa con người đến gặp được Thiên Chúa. Tôi rất mong sẽ đào tạo được những người kế thừa công việc này, nhờ đó sẽ lưu giữ lại được những di sản văn hóa quý giá cho Giáo hội. Đây sẽ là chiếc cầu nối giữa Giáo hội với anh chị em ngoài Công giáo. Bằng chứng là trong Buổi Khai mạc Triển lãm hôm nay, khi tôi mời các Nhà Khảo cổ ngoài Công giáo, họ đã nhiệt tình đến tham dự và còn lôi kéo bạn bè của họ từ nhiều nơi cùng đến…”
Phải chăng đây là một phương thế để đáp lại lời mời gọi “Đi ra” của ĐTC trong công cuộc Loan  báo Tin Mừng,  để mọi người có thể nhận ra Chúa Giêsu chính là “Ánh sáng muôn dân”?
Bài: Hồng Tuyến & Ảnh: Minh Đức
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20180426/42342

Trường Cao Đẳng Hòa Bình của giáo phận Xuân Lộc


Giáo phận Xuân Lộc là một Giáo phận đứng đầu của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam về số lượng giáo dân: trên 1 triệu người, chiếm 30% dân số của tỉnh Đồng Nai. Đó là chưa kể đến số di dân từ khắp nơi trên mọi miền đất nước tìm về vùng đất màu mở này làm ăn sinh sống, nhất là lớp trẻ là công nhân trong các nhà máy và xí nghiệp.



Trong hoàn cảnh đó, suốt bao nhiêu năm qua Tòa Giám mục Xuân Lộc đã hết sức trăn trở lo toan cho cuộc sống tương lai của giới trẻ, nhất là về lối sống đạo đức nhân bản trước bao cạm bẫy giữa một xã hội đầy dẫy đam mê và tệ nạn. Từ năm 2012, sau bao khó khăn gian nan, ngôi trường tư thục đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam được thành lập mang tên Trường Trung cấp Nghề Hòa Bình Xuân Lộc. Đây là cả một tấm lòng biết ơn Đức Cha Đa minh Nguyễn Chu Trinh, nguyên Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, người đã lập nên trường Trung học Hòa Bình vào năm 1966 tại Giáo xứ Long Khánh, nơi mà Ngài làm phó xứ ngay sau khi chịu chức Linh mục, hiện nay là Giáo xứ Chính tòa Xuân Lộc. 

Tọa lạc trên một diện tích rộng hơn 5 hecta trên địa bàn Giáo xứ Lai Ổn và Lộ Đức thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Với châm ngôn: “Thăng tiến con người toàn diện”, “Học đi đôi với hành” do linh mục Giuse Nguyễn Văn Uy, quản xứ Lai Ổn, Trưởng ban Bác ái Xã hội Giáo phận Xuân Lộc làm Hiệu trưởng.

Ngay từ niên khóa đầu tiên, thiếu thốn trăm bề về cơ sở vật chất cũng như thiết bị, trường cũng đã thu nhận được một số lượng học viên đáng kể. Mỗi năm Nhà trường càng phát triễn, nhà cửa được xây dựng khang trang, máy móc và trang thiết bị càng khá đầy đủ, số lượng học sinh ngày càng tăng. Năm 2016, ông bà Đa minh Phạm Đức Vinh và Maria Đỗ thị Minh Tuyết đã hiến tặng cho nhà trường 2,5 hecta đất của Công ty Thức ăn chăn nuôi Vina, trường đã xây dựng khu nội trú dành cho sinh viên học sinh ở các tỉnh xa xôi về học, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được miễn phí ăn ở và học tập.

Ngoài việc dạy nghề, trường còn dạy bôt túc văn hóa cấp III cho học sinh để khi ra trường các em không chỉ có tay nghề vững chắc mà còn có một trình độ văn hóa tối thiểu để ứng xử trong cuộc sống. Hiện nay, được sự chấp thuận của chính quyền các cấp, trường đã nâng lên thành trường cao đẳng với tên gọi: TRƯỜNG CAO ĐẲNG HÒA BÌNH XUÂN LỘC. Với một Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên là các linh mục, nữ tu và thầy cô giáo nhiệt tâm có bằng cấp cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Chất lượng dạy và học của trường ngày càng được nâng cao.

Mỗi buổi sáng các em thức dậy vào lúc 5 giờ, sau đó các em học sinh Công Giáo sẽ tham dự Thánh lễ do linh mục Hiệu phó chủ tế. Đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nhưng các em vẫn có thể hòa nhập cùng nhau một cách dễ dàng trong lối sống cũng như mọi sinh hoạt. Sau Thánh lễ, các em có thể ăn sang tại Căn tin của trường luôn bảo đảm được vệ sinh và an toàn thực phẩm.

Hiện nay, trường có gần 2.500 sinh viên học sinh, trong đó có đến gần 1.500 em nội trú đến từ 43 tỉnh thành trong cả nước. Trường đào tạo 9 ngành gồm 27 nghề thuộc hệ Trung cấp và Cao đẳng, trong đó nghành Công nghệ Ô tô và Du lịch là hai nghành đông nhất. Hàng năm, trường đào tạo được hàng trăm học sinh ra trường với tay nghề vững vàng, 90% trong số đó được thu nhận vào làm việc trong các nhà máy và xí nghiệp, chất lượng làm việc của các em tạo một uy tín và thương hiệu của nhà trường cả về việc làm lẫn đạo đức nhân bản, số còn lại thì làm việc trong gia đình hoặc các công ty gia đình. Chính nhờ vậy, hầu như sinh viên học sinh xuất thân từ trường luôn tìm được công việc thuận lợi.

Theo linh mục Hiệu trưởng Giuse Nguyễn Văn Uy, để làm tốt công việc dạy học, đòi hỏi nhà trường phải liên kết với một số doanh nghiệp lớn và uy tín trong phạm vi địa bàn tỉnh Đồng Nai để tạo điều kiện cho các em có cơ hội thực hành trong các phân xưởng. Nhà trường cũng đang liên kết với Học viện TAIKEN Nhật Bản để cho các em đi học và làm việc tại Nhật Bản. Hiện nay có 80 học sinh đang theo học tại Học viện Taiken và gần 200 em đang lao động các nghành nghề tại Nhật Bản. Nhà trường cũng luôn chú trọng đến việc rèn luyện sức khỏe cho sinh viên học sinh, đã tạo ra nhiều khu thể thao như bóng chuyền. 

Là ngôi trường tư thục Công Giáo đầu tiên trong cả nước, ngoài việc đào tạo nghề nghiệp và văn hóa cho giới trẻ, châm ngôn của trường là “Thăng tiến con người toàn diện”, trường còn đào tạo được một nền đạo đức nhân bản và bác ái. Những học sinh của trường luôn ý thức được trách nhiệm của con người trẻ trong xã hội ngày nay, khẳng định được vai trò của Giáo Hội Công Giáo là hết sức quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn lao trong sự nghiệp giáo dục, làm tiền đề cho việc phát triễn và mở mang các lãnh vực giáo dục, y tế trên khắp 26 Giáo phận trong cả nước.

Ngày 18 tháng 4 vừa qua, trong chuyến thăm và làm việc của ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng với ông Trần Tấn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cùng các vị lãnh đạo trung ương và tỉnh Đồng Nai. Đã nhìn nhận một cách sâu sắc, đồng thời đánh giá cao về những việc làm thiết thực và hiệu quả của Nhà trường cũng như của Tòa Giám mục Xuân Lộc. Trong dịp này, ông Chủ tịch đã tặng Nhà trường một màn hình tivi Sony rộng 1,3mx0,7m. Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh qua ông Đặng Văn Thanh, Giám đốc Tài chính của Hiệp sĩ Đại Thánh giá cũng đã tặng 10 bộ máy tính để phục vụ việc dạy và học. Cũng trong dịp này, trường đã khởi công xây dựng Sân Bóng đá nhân tạo để các em có điều kiện rèn luyện thể thao và sức khỏe.

Trương Trí

Linh mục 64 tuổi dự thi Got Talent đã làm nhiều người rơi lệ trong bài Everybody Hurts



Cha Ray Kelly, sinh tháng 4 năm 1953 tại Tyrrellspass, Quận Westmeath, Ái Nhĩ Lan là một linh mục Công Giáo nổi tiếng về ca hát. Ngài là linh mục chánh xứ St. Brigid′s & St. Mary ở Oldcastle, Quận Meath.


Cha Kelly trở nên nổi tiếng vào năm 2014 sau khi một đoạn video ngài hát bài hát Hallelujah của Leonard Cohen trong khi cử hành lễ cưới được tung lên YouTube. Đến tháng 4 năm 2018, video này đã nhận được hơn 60 triệu lượt truy cập.

Tuần qua, vị linh mục 64 tuổi đã dự thi trong chương trình Got Talent của Anh với nhạc phẩm Everybody Hurts của REM.

Chỉ trong 4 ngày sau khi video bài Everybody Hurts được tung lên Youtube đã có gần 2 triệu người xem.

Cha Kelly nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt từ các giám khảo nổi tiếng khó tình là Simon Cowell và Alesha Dixon, là những người đã mô tả màn trình diễn của ngài là “quá đẹp” và ủng hộ ngài đi tiếp vào vòng bán kết.

Cha Kelly nói: “Tôi biết tôi có thể có một màn trình diễn khá tốt nhưng tôi đã rất ngạc nhiên trước những bình luận của ban giám khảo. Tôi kinh ngạc và khiêm tốn bởi tôi thực sự không mong đợi được như vậy.”

Cha Kelly cũng đã được hoan nghênh nhiệt liệt bởi anh chị em giáo dân vào ngày Chúa Nhật 22 tháng Tư vừa qua sau buổi biểu diễn của ngài.

Everybody Hurts - R.E.M.

When your day is long

And the night

The night is yours alone

When you're sure you've had enough

Of this life

Well hang on

Don't let yourself go

'Cause everybody cries

And everybody hurts sometimes

Sometimes everything is wrong

Now it's time to sing along

When your day is night alone (hold on)

(Hold on) if you feel like letting go (hold on)

If you think you've had too much

Of this life

Well, hang on

'Cause everybody hurts

Take comfort in your friends

Everybody hurts

Don't throw your hand

Oh, no

Don't throw your hand

If you feel like you're alone

No, no, no, you're not alone

If you're on your own

In this life

The days and nights are long

When you think you've had too much

Of this life

To hang on

Well, everybody hurts sometimes

Everybody cries

And everybody hurts sometimes

And everybody hurts sometimes

So, hold on, hold on

Hold on, hold on

Hold on, hold on

Hold on, hold on

Everybody hurts

You are not alone 

Lời Việt của bài Everybody Hurts

Khi ngày quá dài và đêm thật cô liêu. Khi bạn đã quá ê chề trong cuộc đời này. Bạn ơi. Đừng buông xuôi. Vì mọi người ai chẳng từng khóc. Và đôi khi cũng khổ đau.

Đôi khi chuyện đời cũng có lúc sóng gió. Đó là lúc để hát cùng nhau. Khi đời là đêm tối cô đơn. Hãy đứng vững nếu bạn muốn buông trôi. Nếu cảm thấy quá ê chề trong cuộc đời này rồi. Hãy khoan. Vì trong cuộc đời này ai chẳng từng khổ đau. Hãy tìm kiếm niềm ủi an nơi những người bạn. Ai cũng khổ đau mà. Đừng buông tay nhé. Nếu bạn cảm thấy chỉ có mình là khổ đau. Không, không đâu. Không chỉ có một mình bạn đâu. 

Khi bạn cảm thấy cô đơn trong cuộc đời này. Khi ngày và đêm đều quá dài. Khi cảm thấy quá ê chề trong cuộc đời này rồi. Bạn ơi, ai cũng có lúc khổ đau. Ai cũng có lúc khổ đau mà. Hãy đứng vững nhé. Hãy đứng vững nhé. Hãy đứng vững nhé. Ai cũng có lúc khổ đau. Không chỉ có mình bạn đâu.


Đặng Tự Do