Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Học viện Mục vụ TGP: Tổng kết năm học 2015-2016

WGPSG -- “Đào tạo người giáo dân trưởng thành, dấn thân làm chứng nhân cho Chúa trong xã hội và nhất là Giáo hội”.
Đó là định hướng đào tạo những năm kế tiếp tại Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn, đã được cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Giám đốc Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn - khẳng định trong buổi họp tổng kết năm học 2015-2016, được tổ chức lúc 09g00 ngày 26.5.2016 tại Hội trường Phaolô Nguyễn Văn Bình.
Đến tham dự có cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn; cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, giám học; quý cha, quý soeur, quý giảng viên, phòng học vụ cùng đại diện học viên các khoa.
Sau lời chào và giới thiệu thành phần tham dự, chị Anna Nguyễn Thị Lành - phụ trách phòng học vụ - báo cáo các sinh hoạt, tình hình học viên cũng như các kiến nghị của học viên thuộc các khoa: Thần học - Mục vụ, Thánh nhạc, Ngoại ngữ và các lớp học khác.
Song song đó, cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc nhấn mạnh: “Để đào tạo người giáo dân trưởng thành, dấn thân làm chứng nhân cho Chúa trong xã hội và nhất là Giáo hội, chúng ta cần tuân thủ châm ngôn sống: Hiểu biết, yêu thương và phục vụ”.
Trước khi các khoa thảo luận riêng, cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền nêu lên mô hình đào tạo giáo lý viên hiện nay, ngoài địa điểm ở Trung tâm Mục vụ, còn có các cơ sở vệ tinh ở giáo xứ An Nhơn, Tam Hải, Tân Hương và Bùi Môn, nhờ đó các học viên đỡ phải di chuyển xa. Từ đó, ngài ước mong trong tương lai, các khoa xem xét để mở thêm các lớp ở những địa điểm trên.
Sau đó, từ 09g30 đến 11g15, các khoa đã thảo luận riêng tại các phòng học.
Đúng 10g30, toàn thể hội trường vui mừng đón tiếp Đức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn đến tham dự phần đúc kết của các khoa.
Sau khi nghe các khoa báo cáo và kiến nghị, cha Giám đốc Học viên tổng kết và đưa ra định hướng đào tạo học viên cho những năm kế tiếp là: “Đào tạo người giáo dân trưởng thành, dấn thân làm chứng nhân cho Chúa trong xã hội và nhất là Giáo hội, thay vì đào tạo người giáo dân chỉ phục vụ tại giáo xứ”. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta phải chú tâm đào tạo giáo dân về nhân bản và đức tin, để họ đủ kiến thức phục vụ tại giáo xứ, đồng thời giúp họ biết nhận định đúng, quyết định đúng và vững tin dấn thân làm chứng nhân cho Chúa nơi môi trường sống và xã hội”.
Bổ sung cho định hướng trên, Đức Hồng y nhắc nhở: “Để có thể Phúc âm hóa đời sống xã hội, mỗi người cần phải Phúc âm hóa chính bản thân mình. Muốn vậy, mỗi ngày chúng ta phải suy niệm con đường tình yêu của Chúa Giêsu với chuỗi Mân Côi về giai đoạn hội nhập của Chúa với Năm Sự Vui, giai đoạn dấn thân phục vụ của Chúa với Năm Sự Sáng, giai đoạn hy sinh của Chúa với Năm Sự Thương, và giai đoạn đổi mới nhân loại trong Chúa Thánh Thần với Năm Sự Mừng”.
Cuối cùng, đại diện học viên, anh Giuse Hoàng Đỗ Hồng Phong ngỏ lời cảm ơn ĐHY, quý cha, quý tu sĩ, quý thầy cô đã hy sinh hướng dẫn các học viên trong năm học vừa qua.
Buổi họp tổng kết kết thúc lúc 11g45 cùng ngày. Sau đó, quý thầy cô và học viên đã chụp hình lưu niệm với ĐHY tại tiền sảnh hội trường Phaolô Nguyễn Văn Bình.
HỌC VIỆN MỤC VỤ TGP: TỔNG KẾT NĂM HỌC

Các Giám Mục Nhật Bản kêu gọi bài trừ vũ khí nguyên tử


HIROSHIMA: Các Giám Mục Nhật Bản tái kêu gọi bài trừ vũ khí nguyên tử, học các giáo huấn của Đệ Nhị Thế Chiến, và đừng lập lại các lỗi lầm quá khứ.

HĐGM Nhật đã đưa ra lời kêu gọi trên đây nhân chuyến viếng thăm Hiroshima của tổng thống Barack Obama ngày 27 tháng 5 vừa qua. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm viếng thăm nơi quả bom nguyên tử đầu tiên đã nổ ngày mùng 6 tháng 8 năm 1945. Bình luận về chuyến viếng thăm này ĐC Tarcisio Isao Kikuchi, GM Niigata, nói chuyến viếng thăm này là một “ngạc nhiên thích thú”, và có thể góp phần phát triển ước mong của nhiều người dân Nhật muốn bài trừ vũ khi nguyên tử. Hoà bình đích thật không thể đạt được mà không có việc duyệt xét luơng tâm liên quan tới các trách nhiệm của quá khứ. Bất cứ hoạt động nào cho một thế giới không có vũ khí nguyên tử đều đáng cầu mong và được đón nhận. Nhưng không thể tiến tới, nếu không suy tư sâu rộng trên các giáo huấn của Đệ Nhị Thế Chiến và các biện pháp cần áp dụng hiện nay để duy trì hoà bình.

Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản đã luôn luôn lưu tâm tới đề tài này trong các năm 1995, 2005 và 2015, nhân các dịp kỷ niệm 50 năm, 60 năm và 70 năm bom nguyên tử nổ tại Hiroshima và Nagasaki và chấm dứt thế chiến. Giáo Hội đã luôn luôn dấn thân cổ võ hoà bình và khước từ chiến tranh. Trong một tài liệu công bố ngày mùng 7 tháng 4 vừa qua các Giám Mục Nhật đã tố cáo hai luật có hiệu lực từ ngày 29 tháng 3 năm 2016, cho phép quân đội Nhật can thiệp trợ giúp một đồng minh gặp nguy hiểm trong một cuộc xung khắc ngoại quốc. Như thế hai luật mới này tránh khoản 9 của Hiến Pháp cấm Nhật Bản dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Các Giám Mục nhấn mạnh rằng khổ đau do các vũ khí nguyên tử gây ra vượt ngoài mọi lời nói. Chúng ta hãy làm sao để đừng lập lại các lỗi lầm quá khứ, nhưng phải suy tư nghiêm chỉnh về điều chúng ta được mời gọi làm trong tư cách công dân và kitô hữu. Chính qua lời cầu nguyện, chứ không phải qua các sức mạnh vũ trang, mà chúng ta đi lên để xây dựng một nền hoà bình dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau (SD 26-5-2016).

Linh Tiến Khải
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/184188.htm

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng thống Singapore


Vatican – Sáng nay, 28/5/2016, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Tổng thống Singapore Tony Trần Khánh Viêm. Đây là lần đầu tiên một Đức Giáo hoàng tiếp kiến người đứng đầu nhà nước của quốc gia nhỏ bé này.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, “trong cuộc thảo luận thân tình, những quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Singapore đã được nhắc đến, cũng như sự hợp tác giữa Giáo Hội và Nhà nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục và xã hội”. Sau đó hai bên cũng chú ý đến những đề tài thời sự quốc tế và các vấn đề liên quan đến tình hình chính trị trong khu vực, đề cập đặc biệt đến tầm quan trọng của đối thoại liên tôn và liên văn hóa để thúc đẩy nhân quyền, sự ổn định, công lý và hòa bình ở Đông Nam Á.

Sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, Tông thống Tony Trần cũng đã gặp Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin và đức Giám mục Ngoại trưởng Paul Richards Gallagher. Đức Hồng Y Pietro Parolin đã viếng thăm Singapore vào tháng 8 năm ngoái trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày độc lập của nước này.

Đức Tổng Giám mục Singapore William Gore đã chào đón cuộc viếng thăm Italia và Vatican của Tổng thống Trần. Đức cha nhấn mạnh đến mối quan hệ tốt đẹp giữa Singapore và Giáo hội, ngài nói: “Chính quyền Singapore thì thế tục nhưng mà không bị thế tục hóa vì họ hiểu tầm quan trọng của tôn giáo trong sự phát triển luân lý của nhân dân”. (Asia News 28/5/2016)

Hồng Thủy OP
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2016/05/28/%C4%91%E1%BB%A9c_th%C3%A1nh_cha_ti%E1%BA%BFp_ki%E1%BA%BFn_t%E1%BB%95ng_th%E1%BB%91ng_singapore/1233185

Trẻ em Iraq ở trại tị nạn Erbil rước lễ lần đầu



WHĐ (29.05.2016) – Hôm thứ Sáu 27-05 vừa qua, nhóm trẻ em Iraq đầu tiên ở trại tị nạn ở Erbil đã được rước lễ lần đầu, đem lại một nét sáng sủa cho tình hình u ám hiện nay.

Trong số 5.500 người tị nạn sống trong trại Aishty 2 ở Erbil, đa số là trẻ em; trong số này, 470 em sẽ được rước lễ lần đầu trong vài tuần tới. Năm ngoái số em lãnh nhận bí tích Thánh Thể vào khoảng 400 em.

Vì con số năm nay quá đông, nên các em được chia thành ba nhóm. Nhóm đầu tiên 175 em, đã rước lễ hôm thứ Sáu 27-05; nhóm thứ hai 145 em sẽ rước lễ vào thứ Sáu 03-06, và nhóm thứ ba 150 em sẽ rước lễ vào thứ Sáu 10-06.

Tất cả các em đều thuộc Giáo hội Công giáo nghi lễ Syria, và hầu hết đã cùng với gia đình trốn thoát khỏi thành phố Qaraqosh, là trung tâm Kitô giáo của người Kurd, khi quân ISIS tấn công thành phố này đêm 06 tháng Tám 2014.

Thánh lễ ngày 27-05 cho nhóm đầu tiên do Đức Tổng giám mục Mosul là Đức cha Boutros Moshe cử hành trong nhà thờ tiền chế lớn của trại tị nạn.

Nhà thờ có sức chứa khoảng 800 người, mới đầu chỉ là một căn lều khi những người tị nạn Kitô giáo đầu tiên đổ vào Erbil hai năm trước cần có một nơi để cầu nguyện. Hiện nay đã trở thành nhà thờ giáo xứ chính của trại tị nạn Aishty,đây là trại tị nạn lớn nhất ở Erbil và được chia thành ba trại nhỏ: Aishty 1, 2 và 3.

Đa số người tị nạn đến từ Qaraqosh, là nơi đặt Toà Giáo hội Syria trước khi bị quân ISIS tấn công vào năm 2014.

Sau khi dời Toà chính thức từ Mosul về Qaraqosh mấy năm trước, do quan ngại về vấn đề an ninh và do thực tế là hầu hết các tín hữu sống tại thành phố, người Công giáo Syria hiện nay không có giáo phận chính thức hay trụ sở chính nào.

Bây giờ sống ở vùng Erbil đa số là người Canđê, họ được Giáo hội địa phương đón nhận và phải nỗ lực hằng ngày đểgiữ vững tinh thần cho các tín hữu đang phải đối mặt với một tương lai bất ổn trong nước.

Có được gần 500 em rước lễ lần đầu ở trại tị nạn là một dấu hiệu của hy vọng ở một nơi mà ngọn lửa Kitô giáo đangleo lét, có nhiều nguy cơ sẽ tắt hẳn.

Một dấu hiệu hy vọng khác cho các Kitô hữu Iraq là việc phong chức bốn phó tế tại giáo xứ này. Hiện nay các thầy đang giúp những người tị nạn ngày đêm, và có thể sẽ được thụ phong linh mục trong vài tháng nữa.

Ba trong số bốn thầy phó tế này cùng với các nữ tu Dòng Đa Minh Catarina thành Siena –là cộng đoàn chủ yếu tạo thành cộng đồng Kitô hữu tị nạn Erbil– đảm trách việc giảng dạy giáo lý Thánh Kinh và phụng vụ cho các em.

(Theo CNA)
Minh Đức
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/tre-em-iraq-o-trai-ti-nan-erbil-ruoc-le-lan-dau/7939.57.7.aspx