Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Kitô hữu phải tươi vui mới có thể loan báo Tin Mừng cho thế giới


** Một môn đệ của Nước Thiên Chúa mà không tươi vui thì không thể rao giảng Tin Mừng cho thế giới. Ơn gọi là một khởi đầu của tình bạn với Chúa Giêsu dẫn đến chỗ chia sẻ cuộc sống và các đam mê với Ngài, trao ban niềm vui sâu thẳm và một niềm hy vọng mới mẻ và khiến cho chúng ta trở thành các nhà truyền giáo. 

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên khoảng 10.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tài tương quan giữa niềm hy vọng và ký ức, đặc biệt là ký ức về ơn gọi, bằng cách giải thích trình thuật ơn gọi của các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu ghi ấn tượng sâu đậm tới nỗi khi thuật lại ơn gọi của mình thánh sử Gioan còn nhớ cả giờ nữa và viết trong chương 1 Phúc Âm: “Lúc đó vào khoảng 4 giờ chiều” (Ga 1,39). Thánh sử Gioan kể lại giai thoại này như một kỷ niệm trong sáng của tuổi trẻ, vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người già của mình, bởi vì thánh nhân viết lại các điều này khi ngài đã già.

Cuộc gặp gỡ xảy ra gần sông Giordan, nơi Gioan Tẩy Giả làm phép rửa. Và các người trẻ vùng Galilea đã chọn Gioan Tẩy Giả làm vị linh hướng. Một ngày nọ Chúa Giêsu đến và lãnh phép rửa trên sông. Ngày hôm sau Ngài lại đi ngang qua đó, và khi ấy Gioan Tẩy Giả nói với hai môn đệ của mình: “Này là Chiên Con Thiên Chúa!” (c. 36). Trên đường, Chúa Giêsu quay lại và hỏi họ: “Các anh tìm gì?” (c. 38)

Và đối với hai người đó là “tia lửa”. Họ bỏ vị thầy đầu tiên và bắt đầu theo Chúa Giêsu. ĐTC định nghĩa con người của Chúa Giêsu như sau:

Chúa Giêsu xuất hiện trong các Phúc Âm như một chuyên viên về trái tim con người. Trong lúc đó Ngài đã gặp gỡ hai người trẻ đang kiếm tìm, âu lo một cách lành mạnh. Thật vậy, một tuổi trẻ thỏa mãn không có một câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống thì là loại tuổi trẻ nào vậy? Các người trẻ mà không tìm kiếm gì cả, thì không phải là người trẻ, họ đã về hưu, họ đã già trước tuổi. Thật là buồn khi thấy người trẻ về hưu…Và qua toàn Phúc Âm, trong tất cả các cuộc gặp gỡ xảy ra trên đường, Chúa Giêsu xuất hiện như “một người đốt cháy” các con tim. Từ đó Ngài đưa ra câu hỏi làm nổi lên ước muốn sự sống và niềm hạnh phúc mà mỗi một người trẻ mang trong mình: “Bạn tìm gì?” Hôm nay tôi cũng muốn hỏi các bạn trẻ hiện diện tại quảng trường này, và các bạn trẻ đang lắng nghe qua các phương tiện truyền thông: “Bạn là người trẻ, bạn tìm gì? Bạn tìm gì trong con tim của mình?”

** Ơn gọi của thánh Gioan và thánh Anrê khởi đầu như thế: đó là lúc bắt đầu của một tình bạn với Chúa Giêsu, mạnh mẽ tới độ áp đặt một sự chung sống và các đam mê với Chúa. Hai môn đệ bắt đầu ở với Chúa Giêsu và lập tức trở thành các thừa sai thực sự, bởi vì khi cuộc gặp gỡ kết thúc, họ không về nhà bình an: tới độ hai người anh là Simon và Giacôbê mau chóng bị lôi cuốn vào con đường theo Chúa. Họ đã dến với hai người và nói: Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Cứu Thế, chúng tôi đã tìm thấy một ngôn sứ lớn”: họ thông tin tức. Họ là các thừa sai của cuộc gặp gỡ. Đó đã là một cuộc gặp gỡ đánh động và hạnh phúc tới độ các môn đệ sẽ nhớ luôn mãi ngày hôm đó, ngày soi sáng và định hướng cho tuổi trẻ của họ. Tiếp đến ĐTC đưa ra câu hỏi sau đây:

Làm sao khám phá ra ơn gọi trong thế giới ngày nay? Có thể khám phá ra nó trong biết bao nhiêu cách thế, nhưng trang này của Phúc Âm nói với chúng ta rằng dấu chỉ đầu tiên là niềm hy vọng của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Hôn nhân, cuộc sống thánh hiến, linh mục: mỗi một ơn gọi đich thực đều bắt đầu với một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, là Đấng trao ban cho chúng ta một niềm vui và một hy vọng mới; và Ngài dẫn chúng ta tới một cuộc gặp gỡ luôn luôn tràn đầy hơn với ngài và tới niềm vui tràn đầy, lớn lên, cuộc gặp gỡ đó, lớn hơn, cuộc gặp gỡ với Ngài, cả qua các thử thách và khó khăn.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Chúa không muốn các người nam nữ bước theo Ngài một cách miễn cưỡng, không có trong tim ngọn gió của niềm vui. Các bạn đang hiện diện tại quảng trường này, tôi xin hỏi các bạn – mỗi người hãy trả lời cho chính mình – các bạn có trong tim ngọn gió của niềm vui không? Mỗi người hãy tự hỏi: “Tôi có trong tôi, trong tim, ngọn gió của niềm vui không? “

** Chúa Giêsu muốn các con người đã sống kinh nghiệm rằng ở với Ngài trao ban một niềm hạnh phúc vô biên, mà ta có thể canh tân mỗi ngày trong cuộc sống. Một môn đệ của Nước Thiên Chúa mà không tươi vui, thì không loan báo Tin Mừng cho thế giới. Họ là một ngưòi buồn. Ta trở thành người rao giảng Chúa Giêsu không bằng cách trau truốt vũ khí của hùng biện, bạn có thể nói, nói và nói nhưng nếu không có một cái khác… Làm thế nào để trờ thành những ngưòi rao giảng Chúa Giêsu? Bằng cách giữ gìn trong đôi mắt của mình tia sáng long lanh của niềm hạnh phúc. Chúng ta trông thấy biết bao nhiêu kitô hữu, cả giữa chúng ta ở đây nữa, những người thông truyền cho chúng ta với đôi mắt niềm vui của đức tin: với đôi mắt!

Chính vì thế kitô hữu – như Đức Trinh Nữ Maria – giữ gìn ngọn lửa say mê của mình: say mê Chúa Giêsu. Chắc chắn là có các thử thách trong đời, có các lúc trong đó cần tiến bước mặc dù có lạnh lẽo và gió ngược, mặc dủ có biết bao cay đắng. Nhưng các kitô hữu biết con đường dẫn tới ngọn lửa thiêng đã đốt họ lên một lần cho luôn mãi.

Nhưng tôi xin anh chị em: Chúng ta đừng cho là đúng những người thất vọng và bất hạnh; chúng ta đừng nghe theo người khuyên chúng ta một cách vô luân đừng vun trồng các niềm hy vọng trong cuộc sống; chúng ta đừng tin cậy người dập tắt từ trứng nước mọi hăng say, khi nói rằng chẳng có một dấn thân nào xứng đáng để hy sinh toàn cuộc đời; chúng ta đừng nghe theo những người có con tin già nua bóp nghẹt mọi hứng khởi của tuổi trẻ. Chúng ta hãy đến với những người già có đôi mắt long lanh của niềm hy vọng. Trái lại chúng ta hãy vun trồng các ảo tưởng lành mạnh: Thiên Chúa muốn chúng ta có khả năng mơ mộng như Ngài và với Ngài, trong khi bước đi chú ý tới thực tại. Mơ một thế giới khác. Và nếu một dấu chỉ tắt đi, thì hãy lại mơ tưởng nó, bằng cách kín múc với niềm hy vọng nơi ký ức của thủa ban đầu, nơi các lò lửa mà có lẽ sau một cuộc sống không tốt lành lắm vẫn còn dấu dưới tro của cuộc gặp gỡ dầu tiên với Chúa Giêsu.

Đó là một năng động nền tảng của cuộc sống kitô: nhớ tới Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã nói với môn đệ của ngài: “Hãy nhớ tới Chúa Giêsu Kitô” (2 Tm 2,8); lời khuyên này của thánh Phaolô thật lớn lao: “Hãy nhớ tới Chúa Giêsu Kitô”. Nhớ tới Chúa Giêsu, nhớ tới lửa tình yêu, mà với nó một ngày nọ chúng ta đã cưu mang cuộc sống như một dự án sự thiện, và làm cho sống dậy niềm hy vọng của chúng ta với ngọn lửa ấy.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp hiện diện, đặc biệt là các chủng sinh và người trẻ giáo phận Meaux và tín hữu Guinea, do các Giám Mục hướng dẫn hành hương Roma. Ngài cũng chào các đoàn nói tiếng Anh đến từ đảo Malta, Philippines và Canada. ĐTC cầu chúc chuyến viếng thăm Roma làm sống dậy nơi họ ký ức về Chúa Giêsu và Giáo Hội. Trong các nhóm nói tiếng Đức, ngài đặc biệt chào các tu sĩ Biển Đức đan viện Admont và các cặp mừng ngân khánh thành hôn thuộc giáo phận Graz-Seckau, cũng như các sinh viên nhận học bổng “Chương trình hàn lâm cho người ngoại quốc” của HĐGM Đức. Ngài khích lệ mọi người hãy đem ngọn lửa tình yêu của Chúa Kitô tới cho nhân loại đang rất cần đến niềm hạnh phúc và hoà bình đích thực.

Trong các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, TC đặc biệt chào các thành viên Hiệp hội bóng đá Chapecoense và các linh mục sinh viên hai trường thánh Phaolô và Brasil tại Roma. Ngài cầu chúc các sinh viên lớn lên trong sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa để có thể trở thành các chuyên viên thông truyền sự hiền dịu và tình yêu của Chúa cho tha nhân.

Chào các nhóm Ba Lan ĐTC cầu chúc kỷ niệm đẹp và ký ức các lúc gặp gỡ Chúa Kitô củng cố niềm hy vọng nơi họ,nhất là trong những lúc khó khăn đau khổ.

Trong các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào đặc biệt các nữ tu dòng Dâng Đức Maria trong đền thờ đang họp tổng tu nghị, các chủng sinh Milano, các trẻ em mới chịu phép Thêm Sức của hai giáo phận Verona và Lucca, các hướng đạo sinh vùng Marche do ĐHY Edoardo Menichelli hướng dẫn, các người tỵ nạn giáo phận Montepulciano-Chiusi-Pienza mới lãnh nhận bí tích rửa tội do ĐC Stefano Manetti hướng dẫn, hiệp hội các nạn nhân Forteto do ĐHY Giuseppe Betori hướng dẫn, nhân viên hãng điện thoại Vodafon. Ngài cầu mong chuyến hành hương mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô giúp họ gắn bó với Chúa Kitô hơn và làm chứng cho Chúa trong gia đình và các cộng đoàn.

Chào người trẻ ĐTC khích lệ họ biết tìm giờ để đối thoại với Chúa và giãi toả ánh sáng và niềm an bình của Chúa cho những người chung quanh. Ngài cầu mong các bệnh nhân biết dâng khổ đau cho Chúa để cứu độ nhân loại, và các đôi tân hôn biết cùng nhau cầu ngyện trong gia đình để cho tình yêu của họ luôn ngày càng đích thật, phong phú và lâu bền hơn.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Tổng giáo phận Hà Nội: Đại hội Caritas lần thứ III


TGP HÀ NỘI – Đại hội Caritas Tổng giáo phận Hà Nội lần thứ III với chủ đề: “Hoạt động Bác ái và Truyền giáo”, diễn ra trong hai ngày 24 và 25/08/2017 tại Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, 40 Nhà Chung đã bế mạc với Thánh lễ cử hành lúc 11g00 ngày 25/8.

Năm 2010 là năm Caritas Tổng giáo phận Hà Nội hoạt động trở lại với Đại hội lần thứ nhất. Đại hội lần thứ II được tổ chức năm 2012.

Đại hội Caritas là dịp cho mỗi hội viên Caritas canh tân lời cam kết dấn thân cho và với người nghèo, là lời mời gọi nỗ lực kiên trì hơn mỗi ngày để giới thiệu Đức Kitô cho thế giới hôm nay.

Chính niềm tin và Tình yêu Đức Kitô đã thúc bách các hội viên Caritas dấn thân phục vụ tha nhân, đặc biệt những anh chị em nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hội, những mảnh đời bất hạnh trong suốt thời gian qua.

Vào lúc 8g30 thứ Năm, 24/08/2017, sau bài hát xin ơn Chúa Thánh Thần và giới thiệu thành phần tham dự, cha Brunô Phạm Bá Quế, Giám đốc Caritas Hà Nội, đã đọc diễn văn chính thức khai mạc Đại hội Caritas Tổng giáo phận Hà Nội lần thứ III.

Các tham dự viên cũng vui mừng chào đón Đức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, vị cha chung của Tổng giáo phận và lắng nghe huấn từ của ngài. Trong bài huấn từ, Đức hồng y nói đến Caritas và truyền giáo nơi các giáo xứ trong Tổng giáo phận - cũng là ý tưởng chủ đạo của Đại hội. Qua bài hát mở đầu “Đâu có tình yêu thương” của linh mục Vinh Hạnh, Đức hồng y nói: “Truyền giáo là đem Chúa đến với con người và đưa con người đến với Chúa, qua con đường bác ái Caritas”. Và ngài khai triển thêm: Truyền giáo là trình bày Chúa cho con người, một Thiên Chúa là Cha, là Đấng giàu lòng thương xót. Vì thế, người tin theo Chúa phải là người sống điều răn mới của Chúa Giêsu: điều răn yêu thương. Tuy nhiên truyền giáo bằng bác ái lại là một thách đố, vì con đường bác ái là một chọn lựa hay và đúng, nhưng khó. Bởi thế, người truyền giáo cần thường xuyên đào tạo chính mình để nên giống Chúa Kitô là tình yêu cứu độ và phải dựng xây mọi sự trong đức Ái.

Cuối cùng Đức hồng y nhắc đến “Ngày Thế giới người nghèo” mới được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập khi kết thúc Năm Thánh Lòng Thương xót và sẽ được cử hành lần đầu tiên vào ngày 19/11 năm nay với mong muốn “các cộng đoàn Kitô ngày càng trở nên dấu chỉ cụ thể và rõ ràng về tình yêu thương của Chúa Kitô đối với những người rốt cùng và túng thiếu nhất”. Đó là truyền giáo, là loan báo Tin Mừng, là loan báo ơn cứu độ.

Kế đến, sơ Maria Phạm Thị Thu Trang, Thư ký Caritas Hà Nội, đã trình bày về những hoa trái của lòng bác ái trong 5 năm qua, kể từ sau Đại hội lần thứ II, một chặng đường ghi đậm dấu ấn của Lòng Chúa Thương Xót và của tình người.

Trong ngày đầu, các tham dự viên đã lần lượt lắng nghe các bài chia sẻ của Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, chủ tịch Uỷ ban Bác ái Xã hội - Caritas Việt Nam, của cha Piô Ngô Phúc Hậu về Bác ái và Truyền giáo. Sau các báo cáo hoạt động Caritas tại 6 giáo hạt của Tổng giáo phận Hà Nội, cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, Giám đốc Caritas Việt Nam đã chia sẻ với Đại hội kinh nghiệm hoạt động Caritas giáo xứ ở Tổng giáo phận Sài Gòn; tiếp theo là chia sẻ của các nhóm Bảo vệ sự sống, Khuyết tật, Ve Chai, Emmaus.

Phần thảo luận nhóm rất sôi nổi, được chia theo giáo hạt, là cơ hội cho Caritas của các giáo xứ trao đổi kinh nghiệm hoạt động, những thuận lợi và khó khăn, cũng như tìm ra những phương hướng hoạt động bác ái tại các giáo xứ trong tương lai.

Ngày thứ nhất của Đại hội khép lại với Thánh lễ do Đức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng giám mục Hà Nội chủ tế vào lúc 18g00 tại Nhà thờ chính toà.

Bước sang ngày thứ hai 26/08, các nhóm trình bày kết quả thảo luận trong nhóm của ngày hôm trước, sau đó cha Phaolô Nguyễn Văn Đoàn, Phó giám đốc Caritas Hà Nội đúc kết. Tiếp theo, các tham dự viên lắng nghe các bài chia sẻ của Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, phó chủ tịch Uỷ ban Bác ái Xã hội - Caritas Việt Nam; của cha Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện, đặc trách Caritas giáo tỉnh Hà Nội và của Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa, chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng. Kết thúc ngày làm việc thứ hai của Đại hội, cha Giám đốc Brunô Phạm Bá Quế đã đưa ra định hướng trong 3 năm tới cho Caritas Hà Nội và cuối cùng, cha Phó Giám đốc Phaolô Nguyễn Văn Đoàn tổng kết và nói lời cám ơn chân thành đến tất cả mọi người tham dự.

Thánh lễ Bế mạc Đại hội do Đức cha Laurensô Chu Văn Minh, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội cử hành vào lúc 11g00.

Sau bữa ăn trưa, các hội viên Caritas chia tay, trở về các giáo xứ với quyết tâm sống Đức ái để rao giảng Tin Mừng, mong ước Caritas Hà Nội luôn thăng tiến về mọi mặt.







(Theo Nt. Maria Phạm Thị Thu Trang, MTG Hà Nội –
Văn phòng Caritas Hà Nội
– tonggiaophanhanoi.org)

WHĐ

Từ nghiện ngập vô gia cư trở thành một linh mục, tông đồ cho người vô gia cư xì ke ma túy

Theo nguồn tin của của EWNT News tại Montreal Canada ngày 25/8/2017 loan tin linh mục Claude Paradis đã sống một cuộc sống nghèo khổ vô gia cư, lang trên trên các đường phố Montreal, Canada. Ngài đã say mượt với rượu và ma túy, trước một tương lai đen tối, nhiều lần ngài đã nghĩ đến việc kết liễu đời mình.

Cha Claude Paradis và Nhà Đức Bà Hè Phố ở Montreal Canada

Cha Claude Paradis và những người hè phố

Cha Claude Paradis phân phát đồ ăn đồ uống cho người vô gia cư

May thay chàng đã không quyên sinh mà còn biết vươn lên đổi đời để trở thành một linh mục và hiện nay hiến dâng trọn vẹn thời giờ và cuộc đời còn lại để phục vụ cho các nhu cầu vật chất và tinh thần của những người vô gia cư nghèo khổ, hút sách và mãi dâm.

Ngài phát biểu: "Đường phố đã dẫn tôi về với Giáo Hội và Giáo Hội lại đưa tôi trở lại hè phố”.

Tháng Mười Hai năm ngoái, để gần gũi và hòa đồng với người vô gia cư, Cha Paradis đã quyết định ngủ trên đường phố suốt cả tháng, để chăm sóc cho những người vô gia cư trong tình liên đới và bác ái.

Hy vọng của ngài là đồng hành với những ai trong tình cảnh khó khăn, đồng thời cũng gây ý thức cho mọi người dân trong thành phố Montreal ý thức được những thực tế không mấy tốt đẹp mà thành phố đang đối diện với những người lang thang trên các vỉa hè đường phố.
Cha Paradi đã thành lập một tổ chức được gọi là Notre-Dame-de-la-rue (Ngôi nhà Đức Bà Hè phố). Mỗi đêm, ngài phân phát thực phẩm và cung cấp chỗ tạm trú cho những người sống trên đường phố. Ngài cũng ban các bí tích, cử hành Thánh Thể và lo an táng cho những kẻ vô gia cư nữa.

Cha Paradi có một trong nhiều người cộng sự viên đắc lực là Kevin Cardin, người mà cũng có cùng một quá khứ nghiện nghập ma túy, nhưng tìm được sự giúp đỡ và đã đổi đời, bây giờ đang có một gia đình hạnh phúc.

Ngôi nhà Đức Bà Hè phố được Đức Tổng Giám mục Christian Lépine của Tổng Giáo phận Montreal hỗ trợ như công cuộc từ thiện của Giáo phận và được thành phố hỗ trợ. Cha Paradis nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi là khích lệ những người hè phố, không chỉ cung cấp nơi ở mà chúng tôi đồng hành với họ, tâm sự, cầu nguyện cùng họ để họ có can đảm đối diện với thảm trạng đời họ mà quyết tâm vươn lên!” 

Cha Paradis cho hay cuộc sống trên đường phố dẫy đầy khó khăn nguy hiểm! Ngài đã lớn lên ở vùng Gaspé và làm y tá tại Cowansville trước khi ngài chuyển về Montreal 25 năm trước đây. Nhưng thảm hại thay, ngài đã không thể tìm được việc làm. "Sự cô đơn và tuyệt vọng luôn ăm ắp bên tôi”. Sống trên hè phố, nhiều lần ngài đã nghĩ đến chuyện tự sát. "Tôi vùi mình vào hút sách và ma túy khi tôi kiếm được tiền”.

Trong một lá thư đăng trên trang web La Victoire de l'Amour (chiến thắng của tình yêu), cha Paradis đã kể lại cuộc hoán cải trở về với Chúa của ngài như sau: "Tôi thật hạnh phúc được gặp Chúa ngay lúc tôi nghi nan thất vọng! Trên một con hẻm nhỏ ở Montreal, không ai qua lại… Tôi đi qua một ngôi nhà thờ cũ… và tựa như có một sức gì đó thúc bách tôi hãy vào trong đó... " Đây chính là phút giây của một cuộc gặp gỡ thân tình sâu thẳm với Thiên Chúa. Ngài nhận thức được cuộc sống là một hồng ân, ngài không muốn chết, mà muốn trở thành "một con người của Chúa trong Giáo Hội".

Cha Paradis quyết tâm cai nghiện, vượt ra khỏi những nghiện ngập hút sách! Trải nghiệm đó bây giờ khiến ngài trở thành vị tông đồ cho những ai đang phải đối diện với những thử thách tương tự mà ngài đã trải qua trước đây.

Vị linh mục 57 tuổi này quyết dành phần còn lại của đời mình để phục vụ người nghèo vô gia cư và nghiện hút! Ngài nói: "Trên đường phố là nơi tôi muốn dấn thân làm tông đồ cho đến hơi thở cuối cùng."

(Nguồn EWTN News ngày 25/8/2017).

Thanh Quảng sdb

Giáo hạt Hóc Môn: Hội Các Bà Mẹ Công Giáo mừng bổn mạng

WGPSG -- "Một giáo xứ có nhiều bà mẹ Công giáo lành thánh và đạo đức, thì giáo xứ đó sẽ có những người con ngoan và thánh thiện".
Trên đây là tâm tình của cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng - Chánh xứ Tân Hưng kiêm Linh hướng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo (CBMCG) giáo hạt Hóc Môn - trong Thánh lễ mừng kính Thánh nữ Monica, bổn mạng của hội.
Thánh lễ được cử hành trọng thể lúc 17g30 ngày 25.8.2017 tại nhà thờ Tân Hưng, giáo hạt Hóc Môn do cha Vinh Sơn chủ tế. Đồng tế với ngài có hai cha phó và một cha khách.
Đến hiệp dâng Thánh lễ có trên 350 hội viên CBMCG trong giáo hạt, quý khách và cộng đoàn giáo xứ Tân Hưng.
Trước Thánh lễ, quý cha và chị em hội viên cung nghinh tượng Thánh Monica chung quanh nhà thờ, việc cung nghinh tượng thánh nhân nhắc nhở chị em sống hiệp thông trong tinh thần hội, và bước theo thánh nữ trong từng chặng đường của cuộc đời làm vợ và làm mẹ.
Chia sẻ trong Thánh lễ, cha linh hướng nhắc nhở các hội viên: “Là người mẹ Công giáo, các chị hãy lấy gương sống của thánh bổn mạng làm kim chỉ nam để sống trong gia đình. Hy sinh, cầu nguyện, khiêm tốn và dịu dàng là những đức tính chị em cần phải có để xây dựng, duy trì và phát triển gia đình thành những gia đình mẫu mực, vì nếu không có những đức tính trên, chúng ta không thể có những đứa con ngoan và thánh thiện”.
Ngài diễn giảng thêm: "Một giáo xứ có nhiều bà mẹ Công giáo lành thánh và đạo đức, thì giáo xứ đó sẽ có những người con ngoan và thánh thiện. Thật vậy, khi giáo xứ có nhiều đứa con ngoan thì Giáo hội sẽ có nhiều Kitô hữu đạo đức và nhân bản, xã hội sẽ phát triển và thăng tiến hơn”.
Kết luận, ngài ước mong hội viên CBMCG, thông qua những đứa con do chính các bà sinh nở, nuôi nấng và dạy dỗ, sẽ góp phần xây dựng và phát triển giáo xứ, Giáo hội, quê hương ngày càng tốt đẹp hơn.
Sau bài giảng, cha Vinhsơn đã chủ sự nghi thức gia nhập hội cho 40 chị thuộc giáo xứ Tân Hưng.
Thánh lễ tiếp tục với lời nguyện chung, tiến dâng của lễ và phụng vụ Thánh Thể.
Sau lời nguyện hiệp lễ, chị Maria Thu Hằng, trưởng CBMCG giáo hạt Hóc Môn đã thay mặt các hội viên cảm ơn cha linh hướng Vinhsơn, quý cha, quý chức, quý khách và cộng đoàn giáo xứ Tân Hưng.
Thánh lễ kết thúc lúc 18g30. Các chị hân hoan trở về giáo xứ và gia đình của mình, để tiếp tục sống đời sống chứng nhân theo gương thánh bổn mạng giữa lòng thế giới hôm nay.
HẠT HÓC MÔN: CÁC BMCG MỪNG BỔN MẠNG

Ngày gặp mặt Các Bà Mẹ Công Giáo tại Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng




Vào Chúa Nhật, ngày 27 tháng 8 năm 2017, Các Bà Mẹ Công Giáo của Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng đã quy tụ về Tòa Giám mục để tham dự ngày họp mặt nhân ngày mừng lễ kính Thánh nữ Mônica. Khoảng 350 bà mẹ đã tham dự cuộc họp mặt này. Đây là dịp các bà mẹ được gặp gỡ nhau, chia sẻ và học biết thêm về cuộc đời của thánh nữ Mônica. Qua việc lắng nghe suy niệm theo mẫu gương thánh Mônica quan thầy, mỗi bà mẹ thăng tiến trên con đường nhân đức và ý thức hơn thiên chức hiền mẫu của mình trong mỗi gia đình.


Ngoài các bà mẹ trong Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng, buổi gặp gỡ cũng có sự góp mặt của một đoàn trên 30 bà mẹ Công Giáo từ Giáo xứ Chính Tòa của Giáo phận Đà Nẵng.

Tại phòng khách của Tòa Giám mục, các đoàn bà mẹ từ các giáo xứ đã được Đức Giám Mục Giáo phận gặp gỡ và chào đón. Đoàn của Giáo xứ Tà Lùng đến Tòa Giám mục từ chiều ngày 26 tháng 7, là đoàn sớm nhất. Các đoàn nhận phù hiệu, thẻ đeo và chương trình chi tiết cho ngày Họp mặt hôm nay.

Chương trình ngày Họp mặt được chính thức khai mạc lúc 9 giờ 15 tại Nhà thờ Chính Tòa. Tất cả các tham dự viên quy tụ để chào thăm Đức Cha Giuse, quý Cha, quý tu sỹ và mọi người. Đức Cha Giuse vui mừng chào đón sự hiện diện của đông đảo quý Hiền mẫu trong Giáo phận và Giáo xứ Chính Tòa Đà Nẵng về mừng lễ Thánh nữ Mônica hôm nay. 

Cha Aloisio Lê Văn Vinh (OP) đã có bài chia sẻ với giới hiền mẫu về mẫu gương nhân đức và cuộc đời làm mẹ của Thánh nữ Mônica. Qua đó, ngài nhấn mạnh tới những chiều kích quan trọng mà mỗi người Mẹ Công Giáo cần có, để xây dựng Gia đình Hạnh phúc, xây dựng Giáo Hội ngày một thăng tiến.

Trong chương trình buổi sáng, các tham dự viên cũng chia sẻ kinh nghiệm về đời sống gia đình, về vai trò của người mẹ cũng như những khó khăn thách đố mà nhiều người mẹ đang phải đương đầu. Giữa bối cảnh cuộc sống nơi các xứ đạo nhỏ bé của Giáo phận truyền giáo Lạng Sơn Cao Bằng nơi biên giới này, người mẹ gặp phải không ít những khó khăn, về đời sống đạo, về việc giữ vững niềm tin cũng như giáo dục con cái trước những cám dỗ của cuộc sống hiện tại.

Vào lúc 11 giờ 45, các tham dự viên cùng dự bữa trưa tại Tòa Giám mục, tuy không linh đình, nhưng nói lên sự đoàn kết yêu thương và đầy tình liên đới. Mọi người tặng nhau bằng những lời ca, điệu múa đơn sơ mà vui. Xua đi mọi nỗi lo toan, muộn phiền mà các bà mẹ hằng gánh chịu mỗi ngày. Các bà, các chị đã đóng góp những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” nhưng đầy ý nghĩa, làm nên một bầu khí vui tươi, hứng khởi. Các tham dự viên cũng có cái nhìn khái quát hơn về cuộc đời Thánh Mônica qua tiểu phẩm của Giáo xứ Chính Tòa.

Cao điểm của ngày Họp mặt là Thánh Lễ do Đức Cha Giuse chủ sự tại Nhà thờ Chính Tòa Lạng Sơn. Đồng tế với ngài có Cha Tổng Đại diện Giuse Trần Đức Hạnh, quý Cha trong và ngoài Giáo phận. Đông đảo quý nam nữ tu sỹ và các bà mẹ cùng cộng đoàn tham dự Thánh lễ trong một bầu khí sốt sắng và trang nghiêm.

Ngỏ lời với Cộng đoàn Phụng vụ khi bước vào Thánh lễ, Đức Cha Giuse nói: Một danh nhân đã nói lên câu nói thật ý nghĩa mà sâu xa rằng: Trong vũ trụ có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt với nhất chính là Trái Tim Người Mẹ. Mỗi người Mẹ là một công trình tạo dựng tuyệt vời của Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho những người mẹ, người cha trong Gia đình được cộng tác với Người trong công trình Sáng tạo, Quan phòng và Cứu độ thế giới này. Vì thế, Giáo Hội luôn tuyên dương thiên chức của những người cha người mẹ trong Gia đình. 

Đức Cha nói tiếp: Hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta hân hoan mừng kính Thánh nữ Mônica – một người mẹ thánh thiện và gương mẫu tuyệt vời cho tất cả chúng ta, cho những người mẹ trong Gia đình, bằng một tình yêu tha thiết và niềm tin vững vàng, bằng lời cầu nguyện sắt son. Chúng ta nguyện cầu cho nhau, cho tất cả những người mẹ và mọi gia đình trong thế giới này được luôn noi gương Thánh nữ Mônica, kiên trì trong đời sống cầu nguyện và hy sinh để trước hết làm thăng tiến chính bản thân cùng gia đình mình, và sau đó góp phần xây dựng Nước Chúa cùng xã hội trần thế, nơi mà ngày nay chúng ta thấy nền tảng gia đình đang ngày một sa sút. Chúng ta cùng cầu nguyện cho từng người mẹ trong chúng ta đây biết hiến dâng cho Thiên Chúa mọi vui buồn sướng khổ của cuộc sống, tin tưởng vào quyền năng của mình để kiên trì trong việc cầu nguyện và hy sinh.

Cuối Thánh lễ, một bà mẹ đại diện cho các Bà mẹ Công Giáo tham dự ngày họp mặt đã nói lên lời tri ân tới Đức Cha Giuse, quý Cha, quý thầy, quý dì và mọi người, đã nhiệt tâm tổ chức ngày họp mặt đầy ý nghĩa và thành công, đem lại nhiều kết quả tốt đẹp hôm nay. Tâm tình tri ân được gói ghém trong bó hoa tươi thắm kính tặng Đức Cha.

Đức Cha Giuse một lần nữa bày tỏ sự cảm động khi chứng kiến giới Bà mẹ Công Giáo của Giáo phận quy tụ thật đông đảo trong ngày lễ đặc biệt hôm nay. Ngài cảm ơn sự cộng tác của quý Cha, quý thầy và mọi người để làm nên nét đẹp thật đáng quý trong ngày họp mặt này. Ngài mong rằng những hoa trái thu lượm được trong ngày này sẽ thêm hành trang cho các Bà mẹ Công Giáo trong Giáo phận xây dựng Gia đình thành mái ấm yêu thương, nơi vun trồng và nuôi dưỡng cùng làm thăng tiến đức tin, xây dựng Giáo Hội và Xã hội.

Ngày họp mặt kết thuc lúc 17 giờ chiều. Ngày họp mặt lần đầu tiên các Bà mẹ Công Giáo của Giáo phận mừng kính Thánh Nữ Mônica giúp cho các bà mẹ thêm nhiều hành trang sống thiên chức làm vợ và làm mẹ. Yêu mến, biết ơn, kính trọng các hiền mẫu, ai cũng ước mong các thế hệ các Bà mẹ Công Giáo tiếp tục đi theo con đường của Mônica, không những tại nhà thờ, mà còn nơi mỗi gia đình, các hiền mẫu trở nên những người mẹ hiền thật sự, làm cho gia đình mình được ấm cúng thuận hòa, làm cho các thế hệ con cháu trong gia đình và trong giáo xứ được vẻ vang. Như Mônica, có con cái là triều thiên của mình thế nào, các hiền mẫu cũng có các thế hệ con cháu làm vẻ vang cho chính các bà mẹ Công Giáo như vậy.

Để kết thúc, xin ghi lại những câu thơ Đức Cha Giuse dành tặng cho các Bà mẹ Công Giáo họp mặt trong ngày hôm nay:

NĂM SẮC HOA MẸ Công Giáo

Một: Tin, Cậy, Mến sáng ngời,

Phận Mẹ Công Giáo giữa đời thơm hương.

Hai: luôn chung thủy đảm đương,

Một chồng một vợ yêu thương chung tình.

Ba: giữ hạnh phúc gia đình,

Cảm thông, nhẫn nhục, hy sinh vẹn toàn.

Bốn: năng giúp đỡ họ hàng,

Giáo, lương, nội, ngoại, xóm làng tương thân.

Năm: lo kinh lễ chuyên cần,

Hội họp, quyên góp đỡ đần sẻ chia.

Ban truyền thông GP.LSCB

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Uỷ ban Giáo dân: Thư mời họp mặt (tháng 9/2017)

Thực trạng Truyền giáo của các Dòng tu và của Giáo hội tại Việt Nam

Thực trạng Truyền giáo của các Dòng tu
và của Giáo hội tại Việt Nam
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Đệ đã có bài thuyết trình trong cuộc Hội thảo Truyền giáo Các Hội Dòng diễn ra từ ngày 29.08 đến 31.08.2016 tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn. Dưới đây là phần 2 của bài thuyết trình này (một vài tựa đề và số thứ tự được điều chỉnh cho thích hợp với sách TMCN).
I. NHÌN LẠI QUÁ KHỨ (tóm tắt)
Nhìn lại quá khứ với lòng tri ân và cảm phục các tu sĩ đã truyền giáo trực tiếp tại Việt Nam:
  • Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đã mừng hai kỷ niệm lớn trong lịch sử phát triển của mình: 350 năm thành lập hai địa phận tông toà và 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm.
  • Trong đó, phải kể đến công lao to lớn của các Dòng tu: Dòng Tên, Dòng Đa Minh, Dòng Phanxicô, Hội thừa sai Paris (MEP) với nhiều tu sĩ thừa sai truyền giáo tiên khởi đáng kính...
II. THỰC TRẠNG TRUYỀN GIÁO CỦA CÁC DÒNG TU TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY
A. Nghịch lý trong dòng lịch sử
  • Dưới các thời khó khăn, 1833-1862 (thời các vua bắt đạo: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức) đầy dẫy những cực hình, những đòn tra tấn tàn bạo và những cuộc bố ráp để diệt tận gốc, Giáo Hội tại Việt Nam vẫn tăng trưởng không ngừng.

  • Thời kỳ cấm cách qua đi, Giáo Hội có nhiều cơ hội để thể hiện chính mình hơn. Nhưng càng được yên ổn bao nhiêu thì công cuộc rao giảng Tin Mừng càng ít phát triển hơn, nếu không nói là dậm chân tại chỗ. 

  • Sau 1975, các Dòng tu và Tu sĩ gặp nhiều khó khăn thử thách về nhiều phương diện kéo dài trên 30 năm, thế nhưng các Dòng tu và Tu sĩ vẫn hạnh phúc và bình an dù đầy dẫy những khó khăn.

  • Ngược lại trong khoảng 10-15 năm gần đây, khi đời sống kinh tế, vật chất, xã hội ngày càng phát triển giàu lên, đầy đủ các tiện nghi vật chất, cơ sở các Dòng tu được xây dựng nhiều hơn và tốt hơn, các ơn gọi đi tu cũng nhiều hơn, nhưng hình như động cơ và chất lượng tu sĩ chưa cao, nhất là lãnh vực dấn thân truyền giáo trực tiếp tại các mội trường ngoại biên, vùng sâu và xa!
1. Đặt vấn đề
  • Tại sao Giáo hội Việt Nam với bao nhiêu dòng tu, tu sĩ, bao nhiêu hoạt động tích cực trong xã hội, bao nhiêu lễ nghi hoành tráng với cả trăm ngàn người, mà vẫn không cuốn hút được người ta theo đạo?  

  • Nếu tình trạng kém hiệu quả chỉ xảy ra trong 1 hay 2 năm thì chúng ta còn cho là ngẫu nhiên, nhưng kéo dài đến 50 năm thì đó là vấn đề đáng ta tìm hiểu và phân tích.

  • Ðã có rất nhiều những hội nghị, hội thảo thuộc đủ các cấp, các miền, từ Giáo hội trung ương đến Giáo hội địa phương, được tổ chức để tìm hiểu và nghiên cứu sâu xa vấn đề truyền giáo của Giáo hội Công giáo, nhưng kết quả chưa thu được là bao.

  • Nhiều tài liệu hướng dẫn cho các thành phần dân Chúa học hỏi về công cuộc truyền giáo đã được soạn thảo và phân phối cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân ưu tuyển nhưng hình như chúng vẫn chưa tạo nên những kết quả thiết thực.
2.     Nguyên nhân và lý do 
Câu trả lời thật đơn giản và dễ hiểu: Số lương dân được nghe nói về Chúa Giêsu còn quá ít:
  • Ít đến độ nhiều lương dân ca thán cả đời họ chưa bao giờ được nghe ai nói về Chúa Giêsu, chưa bao giờ được biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế!

  • Làm sao họ được nghe biết về Chúa Giêsu, nếu không có ai nói cho họ?

  • Làm sao có người dám nói nếu họ không được sai đi?

  • Người lương dân ở ngay trong xứ đạo, bên hông nhà thờ,  ngay cạnh nhà Dòng, cộng đoàn tu sĩ đông đúc, có bao giờ họ được nghe ai nói về Chúa Giêsu cho họ đâu? Họ có biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, từ trời xuống thế cứu chuộc nhân loại đâu?

  •  Hỏi có bao nhiêu Giám mục, Linh mục giáo xứ, Linh mục dòng, Tu sĩ nam nữ, Bề trên, Giám tỉnh, trưởng công đoàn, và giáo dân đã trực tiếp hay gián tiếp nói về Chúa Giêsu cho lương dân? Hỏi họ đã dành bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của để gọi là quan tâm, ưu tiên, đầu tư cho công việc chính yếu này? Câu trả lời rất thật là không có. 

  • Nếu Giám mục, Linh mục và Tu sĩ là những người tự nguyện xung phong cam kết tận hiến cả đời mình để loan báo Tin Mừng, mà chưa làm gì, thì nói sao về giáo dân? Họ bị ràng buộc bởi biết bao công việc của gia đình, công ăn việc làm, giáo dục con cái ... Bản thân không được chuẩn bị, đào tạo, hiểu biết đầy đủ về Chúa Giêsu, về Giáo lý, thần học như Linh mục và Tu sĩ ... làm sao họ có đủ thời giờ nhất là động cơ động lực và khả năng truyền giáo?
3.     Hậu quả tất yếu: Không biết Chúa, làm sao tin có Chúa được
Nếu không kể một số người trở lại đạo vì hôn nhân, cưới vợ lấy chồng và một số người già ốm đau bệnh tật, hấp hối trở lại đạo trước khi chết, thì số người được nghe nói về Chúa Giêsu, và tự nguyện trở thành môn đệ của Chúa Giêsu rất ít, đếm trên đầu ngón tay!
  • Vài trường hợp đặc biệt như tại Giáo phận như Kontum, Ban Mê Thuật, Hưng Hoá ... thỉnh thoảng cả làng hay cả bộ tộc trở lại đạo, thì đây là trường hợp cá biệt theo thói quen phong tục của làng hay sắc tộc: trưởng làng theo ai, thì cả làng theo nấy!

  • Những người thuộc thành phần tri thức, hiểu biết, có trình độ, có địa vị xã hội, tự nguyện, tìm hiểu và trở lại đạo, thì càng ít hơn!
B.  NGHỊCH LÝ HIỆN TẠI
1. Thực tế đầy nghịch lý và thách đố
  • Giám mục, Giám tỉnh hay Bề trên Dòng: dù bản thân có muốn cũng không thể tự mình trực tiếp đi hay đảm nhận việc truyền giáo. Họ chỉ biết kêu gọi, động viên, khích lệ, kế hoạch, hô hào người khác đi truyền giáo ... cùng lắm thành lập Ban Truyền Giáo và khoán trắng cho Ban Truyền Giáo.

  • Cũng vậy, các Linh mục chánh xứ, phó xứ, hội đồng giáo xứ, các hội đoàn công giáo, giáo dân - dù bản thân có muốn - cũng không thể đi truyền giáo trực tiếp được, vì phải dành toàn tâm, toàn lực, toàn thời gian cho công việc mục vụ các giáo xứ, giáo họ; còn thời gian đâu để trực tiếp đi truyền giáo?
2. Nghịch lý đăc biệt với các Dòng tu, Hội Thừa Sai Truyền Giáo, các Ban Truyền Giáo
  • Mục đích chính của các Dòng tu, Hội Thừa Sai, Ban Truyền Giáo là để truyền giáo:

  • Không một Dòng nào được thành lập mà không có mục đích truyền giáo.

  • Không một Đấng Tổ phụ, Sáng lập Dòng nào mà không quan tâm đến việc truyền giáo.

  • Không hiến pháp, luật dòng nào mà không nhấn mạnh, đốc thúc việc truyền giáo. 

  • Thế nhưng thực tế lại rất phũ phàng:

  • Không có tu sĩ nam nữ được dành riêng để trực tiếp truyền giáo, dù nhà Dòng có đến hàng trăm, hàng ngàn tu sĩ.

  • Không có cộng đoàn tu nào hay tu viện, tu xá nào được dành riêng để truyền giáo trực tiếp, dù nhà Dòng có hàng vài chục cộng đoàn lớn nhỏ!

  • Tất cả đều biện minh:

  • Truyền giáo không nhất thiết phải ra đi truyền giáo hay phải truyền giáo trực tiếp.

  • Chỉ cần truyền giáo gián tiếp là đủ: Truyền giáo bằng cầu nguyện, bằng việc chu toàn các bổn phận được trao phó, bằng việc vâng lời bề trên là đủ; không cần phải đi đâu cả, cứ ở nhà làm vườn, trồng rau, nuôi gia súc, nuôi heo ca, gà vịt là đủ để truyền giáo!
3. Hậu quả: không có mấy ai truyền giáo trực tiếp
  • Dòng nào cũng quan tâm, đầu tư mở mang các công cuộc xã hội như: nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, bệnh viện, trạm xa, phòng khám, tư vấn, lưu xá sinh viên, cứu giúp các người mẹ lỡ lầm, các em cô nhi, quả phụ, người già yếu, linh hướng, giảng cấm phòng, tĩnh tâm, giải tội, sản xuất, làm nến, làm bánh lễ, nước tinh khiết ...

  • Biện minh: những công việc nói trên đều trực tiếp chăm lo cho người nghèo khổ, tật nguyền, neo đơn, bị bỏ rơi ... há không phải là những việc truyền giáo sao?  Đúng là những việc trên rất bổ ích và cần thiết, nhưng đừng quên đây chỉ là những phương thế để người tu truyền giáo, chứ không phải là cứu cánh mục đích chính của người tu! “Chỉ trong Đức Kitô, chúng ta mới được giải thoát khỏi mọi vong thân và hư hoại” (x. Redemptoris Missio 11).

  • Khoán trắng tất cả cho Ban Truyền Giáo của Dòng: Dòng nào cũng lập ra Ban Truyền Giáo, nhưng nhiều Ban Truyền Giáo chẳng làm được gì ngoài việc tuyên truyền, cổ vũ, hô hào, người khác đi truyền giáo, cung cấp một số tài liệu về truyền giáo, hay tổ chức một vài cuộc hội thảo, gặp gỡ, học hỏi, thuyết trình về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc truyền giáo, rồi thôi! 

  • Cuối cùng, tất cả đều bằng lòng dừng lại trên việc truyền giáo gián tiếp: Cứ cầu nguyện, hy sinh theo gương thánh nữ Têrêxa Hài Đồng! Sống như vậy cũng là truyền giáo rồi!
III. NHÌN LẠI KHẢ NĂNG TRUYỀN GIÁO
A.Giáo hội & Dòng tu Việt Nam có sẵn những gì?  
Có sẵn: nhân sự, lửa truyền giáo, đào tạo, tổ chức, mục tiêu, phương tiện và kinh phí truyền giáo.
B.Giáo hội & Dòng tu Việt Nam thiếu những gì? 
  •  Thiếu nhiều người truyền giáo trực tiếp.

  •  Thiếu lãnh đạo chỉ huy truyền giáo trực tiếp.

  •  Thiếu mẫu gương tiên phong dấn thân truyền giáo trực tiếp: thiếu những tấm gương Giám mục, Bề trên, Giám tỉnh, Linh mục chánh xứ, phó xứ, Giám đốc, trưởng cộng đoàn, tu viện trưởng, tu xá trưởng, tu sĩ nam nữ, giáo dân ý thức và dấn thân truyền giáo trực tiếp.

  • Thiếu đầu tư cho việc truyền giáo trực tiếp.

  • Thiếu cân nhắc lại mục đích chính của cộng đoàn: mục đích này có thôi thúc cộng đoàn quan tâm đến việc truyền giáo trực tiếp hay gián tiếp gì không? Phải chăng truyền giáo gián tiếp chỉ là cách biện minh để né tránh việc truyền giáo trực tiếp?  

  • Thiếu hiểu biết về truyền giáo: Nhiều người cho rằng việc truyền giáo là của người khác, của bề trên, của Giám mục và Linh mục, Tu sĩ chứ không phải của giáo dân, không phải của mình.

  • Tất cả chỉ nói mà không làm!
IV. ĐỀ XUẤT THỰC HÀNH
ĐỀ XUẤT 1: DÒNG TU
Các Bề trên Dòng hãy mạnh dạn và can đảm dành riêng “ít là một cộng đoàn với mục đích duy nhất là trực tiếp truyền giáo, toàn tâm, toàn lực, toàn thời gian”, suốt ngày cầu nguyện và đi truyền giáo trực tiếp, theo đường lối, kế hoạch, chính sách, chiến lược do cộng đoàn soạn thảo và được Bề trên chấp thuận.  Thí dụ: một kế hoạch truyền giáo trực tiếp:
  • Ban ngày: từng 2 người một hay một mình đi thăm vài gia đình lương dân theo miền, vùng, khu vực, tìm hiểu hoàn cảnh cuộc sống của họ, cảm thông, đối thoại, chia sẻ, cầu nguyện cho họ.

  • Buổi tối: ghi lại nhật ký truyền giáo về mỗi gia đình.

  •  Ban đêm: cầu nguyện xin ơn truyền giáo cho mình và xin ơn đức tin cho các gia đình lương dân và các gia đình mình đã gặp.

  •  Mỗi tối, cả cộng đoàn ngồi lại, thông tin và chia sẻ kết quả truyền giáo trong ngày cho nhau nghe và rút kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, động viên khích lệ nhau trung thành truyền giáo.

  • Mỗi tuần: thay đổi đường lối, kế hoạch, thời gian, nơi chốn ...

  • Lên kế hoạch truyền giáo cả tháng, cả năm.

  • Không sờn lòng nản chí: việc chính của cộng đoàn là gieo, và gieo thật nhiều hạt giống, còn việc mọc lên sinh hoa kết trái là việc của Chúa. Phaolô trồng, Apôlô tưới, còn Chúa mới cho mọc lên!

  • Các nhu cầu khác như tài chánh, nhà ở, thuốc men, phương tiện đi lại, xăng dầu, mua sắm các dụng cụ, quà cáp phụ trợ cho việc truyền giáo ... của cộng đoàn này thì các cộng thể khác đóng góp!
ĐỀ XUẤT 1B: GIÁO PHẬN
Các giáo phận, cách riêng các giáo phận chưa có nhiều Dòng tu và tu sĩ hiện diện trong giáo phận cũng có thể áp dụng mô hình truyền giáo trực tiếp nói trên bằng cách:
  • Giám mục giáo phận qui tụ và thành lập trong Giáo phận một hay nhiều “Nhóm Tu sĩ Truyền giáo trực tiếp, chuyên biệt” chỉ để lo việc truyền giáo trực tiếp.

  • Mỗi cộng đoàn tu sĩ hiện diện trong giáo phận  đóng góp hay dành riêng ít là một tu sĩ tự nguyện tham gia cách tích cực, toàn tâm, toàn lực và toàn thời gian với Nhóm.

  • Giám mục cùng với Nhóm biên soạn một cuốn Chỉ Nam hay Qui chế hoạt động truyền giáo trực tiếp, chuyên biệt dành riêng cho Nhóm.

  • Mọi chi phí phát sinh do nhu cầu truyền giáo trực tiếp của Nhóm như: ăn ở, sinh hoạt, nghỉ ngơi, phương tiện đi lại ... đều do Giáo phận cung cấp.

  • Môi trường truyền giáo trong giáo phận rất phong phú và đa diện, có thể phân chia thành nhiều loại và cấp độ như:

  • Môi trường truyền giáo tại các thành thị, phố xá, đô hội, tri thức, giàu có, địa vị xã hội, giới lao động, di dân, thợ thuyền. Sinh viên học sinh xa quê, giới trẻ bụi đời, nạn nhân các tệ đoan xã hội, tù tội ...

  • Môi trường truyền giáo tại nông thôn, giới bình dân nhà quê.

  • Môi trường dân tộc , thượng du, miền núi.
ĐỀ XUẤT 2: NHÌN LẠI MỤC ĐÍCH DÒNG TU
-    Bề trên Dòng và Giám mục giáo phận phải duyệt xét lại mục đích chính của mỗi cộng đoàn (cộng thể, tu viện, tu xá) ... xác định rõ ràng mục đích chính và phụ của cộng đoàn, cụ thể là gì, có đúng với sứ mạng của Dòng là truyền giáo hay không ?
-    Nếu không, Bề trên Dòng và Giám mục Giáo phận hãy can đảm và mạnh dạn dẹp bỏ những cộng đoàn nào không nhắm mục đích truyền giáo trực tiếp hay gián tiếp, mà chỉ nhắm mục đích duy nhất và thuần tuý kinh doanh lấy tiền; nhất là đối với các trường lớp, ký túc xá, mẫu giáo, nhà trẻ dành riêng cho con nhà giàu và cán bộ với học phí rất cao, rồi tự biện minh với nhiều lý do truyền giáo gián tiếp, đạo đức, bác ái, xã hội, giúp đỡ người nghèo ...
ĐỀ XUẤT 3: TRUYỀN GIÁO NGOẠI BIÊN, VÙNG SÂU & VÙNG XA
Bề trên Dòng và Ban Truyền giáo Dòng nên quan tâm và khuyến khích mở rộng việc truyền giáo trực tiếp tới tại môi trường ngoại biên, vùng sâu và xa, bằng việc biên soạn một cuốn Chỉ Nam Truyền Giáo để phục vụ và hướng dẫn:
  • Các cộng đoàn đang phục vụ và truyền giáo trực tiếp hay gián tiếp tại tại các thành thị, phố xá, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, nội trú, bán trú, công ty, xí nghiệp, nhà máy, chung cư, nhà hàng khách sạn ...

  • Các cộng đoàn đang phục vụ và truyền giáo trực tiếp hay gián tiếp giới bình dân, tại thôn quê, làng xã, giáo xứ, giáo họ với công việc canh nông, nhà quê.

  • Các cộng đoàn đang phục vụ và truyền giáo trực tiếp hay gián tiếp các người dân tộc, vùng sâu và xa , các người sống nghề sông nước, thuyền chài ...

  • Các cộng đoàn đang phục vụ các đối tượng đặc thù như:

  • Trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi.
  • Giới trẻ, người lớn xì ke, ma tuý, mại dâm.
  • Bạn trẻ lỡ lầm, mang thai ngoài ý muốn.
  • Trẻ em thai nhi bị phá thai, giết bỏ.
  • Trẻ em khuyết tật, người già neo đơn.
  • Các bệnh nhân phong cùi.
  • Các tội phạm, trại tù, cải tạo, cải huấn.
  • Các đoàn viên, đảng viên.
ĐỀ XUẤT 4: BIÊN SOẠN CHỈ NAM TRUYỀN GIÁO TRỰC TIẾP VÀ GIÁN TIẾP CHO TỪNG MÔI TRƯỜNG VÀ ĐỐI TƯỢNG:
- Nhiều tu sĩ đầy lửa nhiệt huyết truyền giáo trực tiếp nhưng không được đào tạo, chuẩn bị đầy đủ và cần thiết nên dễ nản chí và tháo lui. Vì thế các Ban truyền giáo của các Dòng, ngồi lại với nhau để biên soạn 1 chỉ nam truyền giáo trực tiếp gián tiếp cho từng môi trường và từng đối tượng.
-  Nội dung của Chỉ Nam Truyền giáo trực tiếp và gián tiếp phải rất đầy đủ và chi tiết, được các Bề trên Dòng phê duyệt chấp thuận, làm cơ sở cho các tu sĩ truyền giáo trực tiếp tự tin dấn thân.
-  Khung nội dung của cuốn Chỉ nam Truyền Giáo trực tiếp và chuyên biệt gồm:
  • Chương 1: Ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng, sự cần thiết của truyền giáo trực tiếp.
  • Chương 2: Thành lập Nhóm truyền giáo trực tiếp và chuyên biệt các môi trường.
  • Chương 3: Kế hoạch truyền giáo.
  • Chương 4: Sư phạm phương pháp kinh nghiệm truyền giáo.
  • Chương 5: Qui chế - nội qui – kỷ luật Nhóm truyền giáo trực tiếp.
ĐỀ XUẤT 5: HỌC HỎI
Ban Tu Sĩ tiếp tục mở các khoá đào sâu về truyền giáo trực tiếp và gián tiếp cho tất cả mọi tu sĩ và mọi Hội Dòng.

ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Đệ
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20170828/39714