Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

ĐTC Phanxicô (30/03) cầu nguyện cho những người hoảng sợ đại dịch

ĐTC Phanxicô chủ tế thánh lễ

Sáng thứ Hai 30/3, tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha dâng Thánh lễ cầu nguyện cho những người không thể phản ứng, không thể làm gì và sợ hãi trước đại dịch. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện xin Chúa giúp họ đứng lên, hành động vì lợi ích của toàn xã hội, của cả cộng đồng. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha diễn giải cả hai bài đọc theo ngày, được trích từ Sách Tiên tri Daniel (Đn 13, 1-9. 15-17. 19-30. 33-62) và từ Tin Mừng Gioan (Ga 8, 1-11), nói về hai phụ nữ mà một số ông muốn kết án tử hình: bà Susanna vô tội và một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình.

Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói: “Trong bài thánh vịnh đáp ca chúng ta đã cầu nguyện: ‘Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”.

Hai phụ nữ 

“Đây là kinh nghiệm mà hai phụ nữ trong hai bài đọc đã trải qua. Một người vô tội bị vu khống và một người tội lỗi. Cả hai đều bị kết án tử hình. Một số Giáo phụ trong Giáo hội đã nhìn thấy nơi hai người phụ nữ này một hình ảnh của Giáo hội: thánh thiện, nhưng với những người con tội lỗi”.

Hai nhóm đàn ông

Đức Thánh Cha giải thích “Cả hai người phụ nữ đều tuyệt vọng, nỗi tuyệt vọng của nhân loại. Nhưng bà Susanna tin cậy Chúa. Cũng có hai nhóm đàn ông, đều là những người phục vụ Giáo hội: các thẩm phán và các vị thầy của Lề Luật. Họ phục vụ tại tòa án và giảng dạy Lề Luật. Hai nhóm này khác nhau. Nhóm đầu tiên, những người buộc tội bà Susanna, là những kẻ bất chính, đồi bại, những vị thẩm phán tham nhũng, khuôn mặt điển hình trong lịch sử. Trong Tin Mừng cũng vậy, Chúa Giêsu lấy lại dụ ngôn quan toà bất chính và bà goá quấy rầy, quan tòa bất chính không tin vào Chúa và không quan tâm đến những người khác. Các tiến sĩ luật không bất chính, không đồi bại, nhưng là những kẻ đạo đức giả. Và những người phụ nữ này, một người rơi vào tay những kẻ đạo đức giả và người kia rơi vào tay những kẻ bất chính: không có lối thoát”.

Phản ứng của hai phụ nữ

“Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Cả hai phụ nữ đều gặp phải một thung lũng tối: dẫn đến cái chết. Người đầu tiên tin tưởng Chúa và Chúa can thiệp. Người thứ hai, thật tội nghiệp, biết mình có tội, xấu hổ trước mọi người. Tại sao trong cả hai trường hợp đều có sự hiện diện của dân chúng, Tin Mừng không nói, nhưng một điều chắc chắn là người phụ nữ tội lỗi này đã âm thầm cầu nguyện, cầu xin sự giúp đỡ”.

Thiên Chúa can thiệp

Đức Thánh Cha tiếp tục nói về cách Thiên Chúa hành động như thế nào trong cả hai trường hợp bị kết án: “Chúa đã hành xử như thế nào trước dân chúng? Đối với người phụ nữ vô tội, Chúa đã cứu bà, trao công lý lại cho bà. Đối với người phụ nữ tội lỗi, Chúa tha thứ cho bà. Đối với các thẩm phán bất chính, Chúa kết án họ; Đối với những kẻ đạo đức giả, Chúa giúp họ hoán cải, và đối với dân chúng Chúa nói: ‘Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi’, và họ bỏ đi hết kẻ trước người sau. Ở đây, Thánh tông đồ Gioan nói mỉa mai ‘Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi’.

“Chúa cho họ thời gian để ăn năn; đối với người bất chính Chúa không tha thứ, đơn giản vì kẻ bất chính không có khả năng xin tha thứ, họ đã đi quá xa. Họ đã mệt... Không! Kẻ bất chính không mệt: họ không có khả năng. Sự bất chính cũng đã lấy đi khả năng mà tất cả chúng ta cần phải có đó là xấu hổ, cầu xin sự tha thứ. Sự bất chính tiếp tục hủy hoại, khai thác bóc lột dân chúng trong mọi lãnh vực, như trong trường hợp người phụ nữ này. Kẻ bất chính đặt mình vào vị trí của Chúa”.

Thiên Chúa đã hành động cho hai phụ nữ này: Đối với bà Susanna, Thiên Chúa giải thoát bà khỏi tay những kẻ đồi bại, và người kia, Chúa nói: ‘Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!’ Chúa để cho bà ra đi. Và đối với dân chúng, trong trường hợp đầu tiên, dân chúng ca tụng Chúa; trong trường hợp thứ hai, dân chúng học biết được lòng thương xót Chúa.

Ai cũng có tội 

Đức Thánh Cha áp dụng Lời Chúa cho các tín hữu: “Mỗi người chúng ta đều có những câu chuyện của riêng mình. Mỗi chúng ta đều có tội riêng. Và nếu anh chị em không nhớ tội nào, hãy suy nghĩ một chút: anh chị em sẽ tìm thấy chúng. Anh chị em hãy tạ ơn Chúa nếu anh chị em nhận ra tội lỗi của mình, bởi vì nếu anh chị em không nhận ra tội mình, anh chị em là những kẻ bất chính. Mỗi chúng ta đều có tội cá nhân. Chúng ta hãy hướng về Chúa, Đấng xét xử theo công lý nhưng lại rất nhân từ. Chúng ta không phải xấu hổ vì chúng ta ở trong Giáo hội, chúng ta chỉ xấu hổ vì chúng ta tội lỗi. Giáo hội là mẹ của tất cả. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa nếu chúng ta không bất chính, không phạm tội. Và mỗi người hãy nhìn cách Chúa Giêsu hành động như thế nào trong những trường hợp này, hãy tin tưởng vào lòng thương xót Thiên Chúa. Và hãy cầu nguyện, với niềm tín thác vào lòng thương xót Thiên Chúa, cầu xin ơn tha thứ. Vì Chúa dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”.

Nhà thờ Công giáo duy nhất tại Afghanistan phải đóng cửa vì Covid-19

The coronavirus disease (COVID-19) outbreak, in Kabul

Để đối phó với sự lây lan của Covid-19, nhà nguyện tại Tòa Đại sứ Ý ở thủ đô Kabul của Afghanistan và cũng là nhà thờ duy nhất tại nước này đã phải đóng cửa từ hôm 24/03 vừa qua.

Tòa Đại sứ Ý đã quyết định đóng cửa nhà nguyện này sau khi xuất hiện những trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Afghanistan. Tính đến ngày 27/03, đã có 80 trường hợp nhiễm virus corona được ghi nhận tại Afghanistan, bao gồm hai nhà ngoại giao và bốn binh sĩ Ý.

Cha Giovanni Scalese, nhà truyền giáo dòng Barnabe, đã cử hành Thánh lễ cuối cùng vào ngày 23/03. Trong những tuần gần đây, số người tham dự Thánh lễ Chúa Nhật giảm nhiều do nhiều người nước ngoài đã trở về nước của họ. Cha Scalese tiếp tục cử hành Thánh lễ tại nhà nguyện của Đại sứ quán Ý. Về việc cử hành các lễ nghi Tuần Thánh, cha cũng chưa chắc chắn sẽ thế nào. Cha nói: “Tôi không biết liệu tôi có thể cử hành các nghi lễ Tuần Thánh không, vì theo luật phải có sự tham dự của tín hữu hay ít nhất là vài thừa tác viên, nhưng trong mọi trường hợp, bất cứ khi nào có thể cử hành Thánh lễ, tôi sẽ làm.”

Cử chỉ biết ơn của Afghanistan đối với nước Ý

Nhà nguyện tại Đại sứ quán Ý được xây dựng và bắt đầu hoạt động mục vụ từ năm 1933. Đây là cử chỉ biết ơn của chính quyền Afghanistan đối với chính quyền Ý khi nước Ý là quốc gia đầu tiên công nhận Afghanistan độc lập vào năm 1919. Khi được hỏi Afganistan có thể làm gì để cám ơn nước Ý, thay vì xin những quyền lợi kinh tế, nước Ý đã chọn việc mở rộng tự do tôn giáo. Do đó một điều khoản đã được đưa vào hiệp ước Ý-Afghanistan, cho phép Ý xây dựng một nhà nguyện trong Đại sứ quán.

Tại Afganistan, chưa có các giáo xứ, không có linh mục giáo phận, nhưng chỉ có các nhà truyền giáo, gồm các linh mục và tu sĩ một số dòng. Năm 2002, thánh Gioan Phaolô nâng Giáo hội tại đây thành Giáo miền tự quản trực thuộc Tòa Thánh. Các tín hữu là các nhân viên ngoại giao quốc tế và không phải tất cả đều biết có một nhà thờ ở trong Đại sứ quán. 

Vào năm 1992, một dự án xây nhà thờ đã được chính quyền địa phương trao cho cha Giuseppe Moretti, khi đó là phụ trách giáo miền. Nhưng dự án này chỉ nằm trên giấy trắng do tình hình chính trị vì xung đột nội bộ, Talibăng lên nắm chính quyền và chiến tranh bùng nổ vào năm 2001. (Cath.ch 29/03/2020)

Đức Hồng y Chủ tịch Caritas kêu gọi cứu trợ trước nạn đại dịch

Đức Hồng y Luis Antonio Tagle | Vatican News, 31/03/2020

Đức Hồng y Tagle, người Philippines cũng là Tổng trưởng Bộ truyền giáo. Trong sứ điệp mới phổ biến qua Vatican News, Đức Hồng y nói đến tình trạng đại dịch coronavirus đang lan lây trên toàn thế giới, tấn công hầu như tất cả mọi người và mọi dân tộc, tạo nên tình trạng khẩn trương. Tình trạng này đòi hỏi một lời đáp trả của tất cả chúng ta.

Đức Hồng y Tagle nói: “Trong những tình trạng cấp thiết, khẩn trương, theo bản năng chúng ta nghĩ trước tiên tới bản thân, gia đình và những người thân của ta. Chúng ta làm tất cả những gì có thể để bảo vệ họ. Tuy phản ứng này là điều cơ bản là tốt đẹp, nhưng chúng ta cũng phải chú ý để tránh chỉ nghĩ đến mình. Chúng ta phải tránh đừng để cho sợ hãi làm chúng ta mù lòa trước những nhu cầu của những người khác, những nhu cầu của họ cũng giống hệt các nhu cầu của chúng ta. Chúng ta cần tránh để cho lo âu giết chết sự quan tâm chân thực đối với tha nhân”.

Đức Hồng y Chủ tịch Caritas quốc tế cũng khẳng định rằng: “Sự lan lây của virus đại dịch phải tạo nên một sự “lan lây” phổ quát của tình bác ái. Chúng ta hãy cám ơn những anh hùng, vì tình thương và lòng can đảm của họ đã là nguồn mạch chữa lành và hy vọng cho nhiều người trong những tuần lễ này.” (Vatican News 26-3-2020)

G. Trần Đức Anh, O.P.

Rước lễ thiêng liêng: tính thần học và niềm an ủi từ Chúa Kitô

Rước lễ thiêng liêng: tính thần học và niềm an ủi từ Chúa Kitô

WGPSG / WordonFire -- Giáo hội đã trải qua nhiều giông bão trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Chiến tranh, dịch bệnh, đói khổ, bách hại - tất cả đã in sâu trong ký ức của Mẹ Giáo Hội, tạo nên sự khôn ngoan lâu đời và khơi lên những quan tâm mục vụ. 

Một trong những ý niệm tài tình, hình thành từ những thử thách, chính là việc rước lễ thiêng liêng. 

Thần học của việc rước lễ thiêng liêng cho chúng ta sự hiểu biết sâu sắc về chính bản chất của Bí tích Thánh Thể. 

Thánh lễ (còn gọi là Bí tích Thánh Thể) là cội nguồn và đỉnh cao của đời sống Giáo hội. Và như thế, đó cũng là trung tâm của chính Kitô giáo. Trước hết và chủ yếu, Thánh lễ là hành vi hiến tế của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha. 

Nói cách khác, Bí tích Thánh Thể trước tiên là một hy tế. Từ “hy tế” bắt nguồn từ hai chữ Latinh: “sacra” có nghĩa là “thánh”, và “facere” nghĩa là “làm nên”. Do đó, Thánh lễ là việc Chúa Kitô “thánh hóa” thân thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo hội. Chính Chúa Giêsu, qua bàn tay của các linh mục, hòa giải thế gian với Chúa Cha. Thánh Phaolô đã nói rất đẹp về điều này: “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình.” (Cl 1:19-20). 

Đây là lý do tại sao thời điểm quan trọng nhất của Thánh lễ không phải là lúc rước lễ, mà là lúc dâng lên lời ca tụng: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần, đến muôn đời. Amen!” Trong những lời này, chúng ta nghe được lý do cử hành Thánh lễ, là để ta chứng kiến và tham gia vào hoạt động cứu độ của Chúa Kitô, Đấng nối kết chúng ta với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho chúng nên một, như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha” (Ga 17:21). 

Ở đây, chúng ta thấy mục đích đầu tiên của việc rước lễ thiêng liêng, đó là kết hợp trái tim và linh hồn của ta với hy tế của Chúa Kitô được các linh mục cử hành trong Thánh lễ. Mặc dù chúng ta không thể đích thân tham dự thánh lễ vì những tình huống đặc biệt, các giám mục và linh mục vẫn cử hành Bí tích Thánh Thể cách riêng tư. 

Như thế, chúng ta được mời gọi hợp nhất trái tim của chúng ta với trái tim của những vị chủ chăn - những người đã thay ta trò chuyện với Chúa và thực thi mệnh lệnh của Chúa Kitô: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22:19). Bất cứ nơi nào linh mục trung thành cử hành thánh lễ, ở đó có Giáo hội! Linh hồn của những người có mặt và vắng mặt được hòa nhập vào một bản giao hưởng tình yêu duy nhất mà dâng lên Chúa Cha. Mặc dù hôm nay, chúng ta phải xa cách nhau vì sự an toàn và ngăn ngừa, chúng ta vẫn có thể hợp nhất với nhau thông qua lời cầu nguyện và chiêm niệm. 

Việc rước lễ thiêng liêng theo truyền thống cũng dạy chúng ta rằng: Khao khát Chúa Kitô cũng chính là hiệp thông với Ngài. Vì thế, Giáo hội ngay từ thời cổ đại đã công nhận những người tử đạo mà chưa lãnh Bí tích Rửa tội thì cũng đã thành Kitô hữu rồi. Mặc dù thân xác họ chưa lãnh nhận nước Rửa tội , nhưng họ đã lãnh Bí tích Rửa tội bằng niềm khao khát. 

Trường hợp Rửa tội đầu tiên bằng niềm khao khát chính là tên trộm lành trên thập giá, được Chúa Giêsu đưa vào thiên đàng mặc dù hắn chưa được rửa tội. 

Một ví dụ xúc động khác là những lời trong bài điếu văn của Thánh Ambrôsiô dành cho hoàng đế La Mã Valentinian II khi nhà vua qua đời: 

“Bạn có đau buồn vì nhà vua chưa được rửa tội không? Hãy nói cho tôi biết: Bạn còn có quyền lực nào khác ngoài niềm khao khát và sự kêu cầu không? . . . Vậy đức vua có nhận được ân sủng mà ngài hằng mong muốn hay không? Đức vua có nhận được ân sủng mà ngài hằng kêu cầu hay không? Và bởi vì đức vua đã cầu xin, nên đã nhận được.” 

Niềm khao khát được ở với Chúa Kitô của hoàng đế Valentinian đã cho phép nhà vua đón nhận được các ơn ích của Bí tích, mặc dù hoàn cảnh đặc biệt không cho phép nhà vua nhận bí tích cách hữu hình. Thánh Tôma Aquinô tái khẳng định giáo huấn này trong cuốn Tổng luận Thần học của mình: 

Người ta có thể lãnh nhận Bí tích Rửa tội bằng niềm khao khát; chẳng hạn, khi một người muốn được rửa tội nhưng do một căn bệnh hiểm nghèo nào đó, họ đã chết trước khi nhận phép rửa tội. Một người như thế có thể được cứu rỗi dù không thực sự được rửa tội, nhờ niềm ước ao được rửa tội; niềm ước ao đó là kết quả của đức tin được tạo ra từ đức ái, nhờ đó, Thiên Chúa - với quyền năng không chỉ gói gọn nơi các bí tích hữu hình - đã thánh hóa người đó ngay từ bên trong. (Summa, 3.68.2) 

Cũng tương tự như thế khi nói về Bí tích Thánh Thể. 

Đã có một số lần trong lịch sử, Giáo hội phải tạm dừng việc cử hành các nghi thức phụng vụ cộng đồng. Quyết định này chưa bao giờ là nhẹ nhàng. Kết quả là, các tín hữu được mời thể hiện niềm khao khát Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, tin tưởng rằng Chúa sẽ kết hiệp với linh hồn của mình. Điều này được gọi là rước lễ thiêng liêng. Thánh Tôma Aquinô định nghĩa rước lễ thiêng liêng là “niềm khao khát mãnh liệt được đón nhận Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và trìu mến ôm lấy Ngài vì đã được đón rước Chúa rồi”. 

Trong những tuần sắp tới, vào giờ bạn thường đi dự lễ, hãy cùng nhau xem Thánh lễ trực tuyến và đọc Kinh Rước lễ thiêng liêng, do trang web cung cấp trên màn hình máy tính. 

Bạn cũng có thể mời gọi cả gia đình cùng nhau tham dự Phụng vụ Lời Chúa, đọc Kinh thánh trong ngày theo quy định. Sau các bài đọc ấy, hãy quỳ xuống hoặc đứng cùng nhau trước thánh giá và cầu xin Chúa Giêsu lấp đầy trái tim bạn bằng tình yêu và ân sủng của Người. Hãy cho Người biết rằng bạn khao khát đi dự lễ biết bao nhưng không thể được. Kế đến, hãy xin Người kết hợp trái tim của bạn với Thánh Tâm của Người đang hiện diện nơi Nhà Tạm gần nhất với bạn tại thời điểm đó. 

Có nhiều người lo lắng bối rối trước nhu cầu phải đình chỉ các nghi thức phụng vụ cộng đồng do dịch bệnh covid-19. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Nhưng chúng ta không thể cho phép nó đánh cắp sự bình yên và niềm vui của chúng ta - là những người con của Chúa. 

Chúa Giêsu hiểu con tim, ý muốn và niềm khao khát của bạn. Hãy cho phép tất cả trở thành lời cầu nguyện dâng lên Chúa trong thời gian khủng hoảng này, để những tuần lễ sắp tới sẽ không là nguyên nhân gây ra căng thẳng, mà là cơ hội để sống thánh thiện. 

Lm Blake Britton (WordonFire) / Thu Phượng chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG

ĐHY De Donatis, Giám quản Roma, là Hồng y đầu tiên nhiễm virus corona

FILES-VATICAN-HEALTH-VIRUS-DONATIS

ĐHY Angelo De Donatis, giám quản Roma, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Ngài là Hồng y đầu tiên nhiễm virus corona.


Trong vài ngày qua, Đức Hồng y De Donatis bị sốt, một trong những triệu chứng chính của Covid-19. Do sốt không giảm và theo đề nghị của các cộng sự viên, Đức Hồng y đã đến bệnh viện Gemelli ở Roma để làm xét nghiệm. Ngày 30/03 Đức Hồng y đã nhận kết quả xác nhận ngài dương tính với virus corona.

Giáo phận Roma đã đưa ra thông cáo về tin này và cho biết Đức Hồng y hiện đang được điều trị tại bệnh viện Gemelli. Ngài vẫn còn sốt nhưng tình hình chung của ngài ổn định và ngài bắt đầu được điều trị.

Để phòng ngừa, các cộng sự viên thân tín của Đức Hồng y đang tự cách ly. Ngoài những người này, trong những ngày vừa qua Đức Hồng y gặp rất ít người ở Tòa giám mục Roma. Ngài không tham dự cuộc họp nào trừ việc cử hành Thánh lễ tại đền thánh Đức Mẹ Tình yêu Chúa nhưng ngài luôn giữ khoảng cách an toàn, tránh tiếp xúc với số ít người hiện diện ở đó.

Cơ hội chia sẻ đau khổ với nhiều anh chị em

Tuy là người không thích xuất hiện trước truyền thông, Đức Hồng y De Donatis muốn chia sẻ tâm trạng của ngài trong thời khắc thử thách này. Ngài tuyên bố: “Tôi thanh thản và tín thác! Tôi phó thác cho Chúa và cho sự hỗ trợ bằng lời cầu nguyện của tất cả anh chị em, các giáo dân yêu quý của giáo phận Roma! Tôi sống thời khắc này như một cơ hội mà Đấng Quan phòng ban cho tôi để chia sẻ đau khổ với nhiều anh chị em. Tôi dâng lời cầu nguyện cho họ, cho cộng đoàn giáo phận và cho các cư dân của thành Roma!”.

Con người của đức tin

Trong vòng ít phút sau khi tin tức được loan đi, Đức Hồng y đã nhận được rất nhiều tin nhắn ủng hộ từ các nhân viên và đặc biệt từ các linh mục của Roma, những người luôn gắn bó với ngài. Đối với họ, ngài là Giám quản và là người cha thiêng liêng. Ngài là con người của đức tin và không lo lắng khi biết kết quả kiểm tra.

Đức Hồng y De Donatis năm nay 66 tuổi. Năm 2014, khi đang còn là linh mục, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn làm giảng tĩnh tâm cho giáo triều roma. Năm 2015 ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá của giáo phận Roma và trở thành Giám quản của Roma năm 2017. Năm 2018 ngài được Đức Thánh Cha thăng làm Hồng y. Trong khi Đức Thánh Cha là Giám mục của Roma, nhưng việc lãnh đạo giáo phận được trao cho vị Giám quản và hiện nay vị này chính là Đức Hồng y De Donatis. (Vatican Insiders 30/03/2020)

Biến không gian mạng thành nhà thờ


Những ngày nay, khi các nhà thờ buộc phải tạm dừng thánh lễ chung để phòng chống nạn dịch Corona, thì những thánh lễ online lại là xu hướng mới trong tình cảnh này. Phải chăng đã đến lúc Chúa chúng ta nên được tôn kính ở trong không gian mạng?
Ta thường biết rằng, nhà thờ là nơi thờ tự, nơi tôn nghiêm để mọi người ngợi khen, tôn kính, và cầu xin Thiên Chúa- Chúa Tể Trời Đất mà chúng ta tôn thờ. Nhưng Thiên Chúa không chỉ được tôn kính trong nhà thờ mà thôi. Ngài cũng là làm chủ mọi không gian và thời gian khác nhau. Thường thì ta hay có não trạng tách biệt việc thờ phượng với công việc thế tục khác. Vậy nên không gian mạng chủ yếu là nơi để mọi người làm việc, giải trí và tìm kiếm thông tin. Nó cũng đã và đang là nguồn cám dỗ cho biết bao nhiêu người với đủ mọi hình thức khác nhau: nào là những cám dỗ thô thiển nhất về tính dục, hình ảnh khiêu dâm, cho đến những cám dỗ tinh vi hơn như nghiện facebook, nghiện game, nghiện phim, nghiện tin tức, nghiện chát vô bổ…. Bấy nhiêu sự “nhiều quá” làm ta hoang phí thời gian Chúa trao và làm băng hoại tâm hồn mình, khiến đời sống ta bị chao đảo, mất trật tự. Nhưng nay, trong tình cảnh khó khăn, Thánh Lễ cực thánh đã được nhiều nơi trực tuyến trên mạng. Qua đó, ta thấy được rằng Thiên Chúa cũng muốn được nhảy vào những không gian mạng để thánh hoá những nơi ấy và thánh hoá mọi thời khắc chúng ta lên mạng ấy. Đồng thời, Ngài cũng luôn đồng hành cùng chúng ta trong những cơn cám dỗ, dù là loại cám dỗ nào đi chăng nữa hay cám dỗ ở đâu đó đi chăng nữa. Ngõ hầu mọi sự chúng ta làm online hay offline đều có Chúa đồng hành và để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Chúa mà thôi.
Việc biến không gian mạng thành nhà thờ cũng gợi nhắc chúng ta biến những không gian khác thành nơi thờ phượng chứ không chỉ nhà thờ, dù nhà thờ vẫn là nơi lý tưởng vì có Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện. Đó có thể là nơi bàn học cho những đối tượng  học sinh sinh viên; nơi bàn làm việc cho những đối tượng văn phòng, viên chức; nơi đồng áng, công trường cho bà con nông dân và công nhân; nơi đường xá, xe cộ cho những cô chú tài xế; nơi chợ búa, siêu thị cho những người bán hàng và mua hàng…Như thế, chúng ta được mời gọi để dâng hết trọn cả con người ta trong mọi sự ta làm trong ngày sống cho Chúa, và cùng với Chúa dẫu cho đời sống còn nhiều khó khăn thử thách thì ta vẫn vững tin và hy vọng vì luôn có Chúa đồng hành.

Văn Toàn, S.J.

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

Cập nhật Thánh lễ trực tuyến tại các Giáo phận Việt Nam

Đến nay, vì mức độ nguy hiểm của đại dịch covid-19, hầu hết Giáo phận tại Việt Nam đều đã tạm ngưng cử hành thánh lễ có đông giáo dân tham dự. Đây là điều vô cùng đáng tiếc, và khó có thể nào bù đắp được. Tuy nhiên, để nâng đỡ phần nào đời sống đức tin của dân Chúa, nhiều Giáo phận cũng đã tổ chức thánh lễ trực tuyến trên các phương tiện truyền thông xã hội. Truyền thông Hội đồng Giám mục xin được thường xuyên cập nhật thời gian và đường link các thánh lễ trực tuyến của các giáo phận theo danh sách dưới đây:
I. GIÁO TỈNH HÀ NỘI
1. Tổng giáo phận Hà Nội: 
- Lễ ngày thường: 05g30 và 18g30
Lễ Chúa nhật: 07g00 và 18g00
Link trực tuyến tại đây
2. Giáo phận Bắc Ninh:
3. Giáo phận Bùi Chu:
4. Giáo phận Hải Phòng: 
- Thánh lễ ngày thường: 06h00 và 18h00.
- Thánh lễ Chúa nhật: 6h30 và 18h00.
Link trực tuyến tại đây
7. Giáo phận Phát Diệm: 
- Thánh lễ Thứ Bảy: 19h30
Thánh lễ Chúa nhật: 05h30 và 19h30

Link trực tuyến tại đây
8. Giáo phận Thái Bình: 
- Thánh lễ Chúa nhật: lúc 06h00 và 19h30
Link trực tuyến tại đây
9. Giáo phận Thanh Hoá: 
- Thánh lễ Chúa nhật: lúc 05h00 
Link trực tuyến tại đây
10. Giáo phận Vinh: 
- Thánh lễ Thứ Bảy: lúc 19h30
Link trực tuyến tại đây
11. Giáo Phận Hà Tĩnh:  
II. GIÁO TỈNH HUẾ
1. Tổng giáo phận Huế:
- Thánh lễ ngày thường: 05h30
- Thánh lễ Chúa nhật: 05h30 và 16h30.
Link trực tuyến tại đây
2. Giáo phận Ban Mê Thuột:
3. Giáo phận Đà Nẵng:
- Thánh lễ hàng ngày: lúc 17g15
Link trực tuyến tại đây
4. Giáo phận Kon Tum: 
- Thánh lễ ngày thường: 05h30 và 17h30
- Thánh lễ Chúa nhật: 06h30 và 17h30
Link trực tuyến tại đây 
5. Giáo phận Nha Trang: 
- Thánh lễ ngày thường: 04h45
- Thánh lễ Chúa nhật: 05h00
Link trực tuyến tại đây 
6. Giáo phận Qui Nhơn: 
- Thánh lễ ngày thường: 05h30
Link trực tuyến tại đây 
III. GIÁO TỈNH SÀI GÒN
1. Tổng giáo phận Sài Gòn:
- Thánh lễ ngày thường: 05h30 và 17h30
- Thánh lễ Thứ Bảy: 05h30, 17h30 và 19h00
- Thánh lễ Chúa nhật: 05h30, 07h30 (Lễ Thiếu Nhi), 09h30 (lễ tiếng Anh, English mass), 10h30 (lễ tiếng Pháp, la messe en Français), 17h30
Link trực tuyến tại đây
2. Giáo phận Bà Rịa: 
- Thánh lễ hàng ngày: 19h00
Link trực tuyến tại đây
3. Giáo phận Cần Thơ: 
- Thánh lễ Chúa nhật: 05h00; 07h00; 17h00 và 19h00
Link trực tuyến tại đây
4. Giáo phận Đà Lạt: 
- Thánh lễ ngày thường: 05h15
- Thánh lễ Chúa nhật: 06h00 và 18h00
Link trực tuyến tại đây
5. Giáo phận Long Xuyên:
- Thánh lễ Chúa nhật: 05h00
Link trực tuyến tại đây
6. Giáo phận Mỹ Tho: 
- Thánh lễ Chúa nhật: 05h30
Link trực tuyến tại đây
7. Giáo phận Phan Thiết: 
8. Giáo phận Phú Cường:
- Thánh lễ ngày thường: 05h00
- Thánh lễ Chúa nhật: 05h00 và 17h30
Link trực tuyến tại đây
9. Giáo phận Vĩnh Long:
- Thánh lễ hàng ngày: 08h00
Link trực tuyến tại đây
10. Giáo phận Xuân Lộc:
- Thánh lễ hàng ngày: 05h30 và 19h15
Link trực tuyến tại đây 
Cập nhật lúc 09h40, ngày 29-03-2020. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin, mong quý vị đón theo dõi.
Văn Việt
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN

Đức tin, niềm vui, và sức sống trong đại dịch


Thứ 6 ngày 27/3 lúc 18 giờ (giờ Rôma) tức 24 giờ (giờ Việt Nam), Đức Thánh Cha đã gửi đến cho người Công giáo toàn cầu một món quà cao quý: Phép lành toàn xá Urbi et Orbi, và gửi cho toàn thế giới niềm tin yêu và hy vọng dạt dào.
Nhìn hình ảnh một cụ già ngoài 80 lặng lẽ dưới cơn mưa giữa quảng trường Vatican rộng lớn, rồi khập khiễng bước vào Đền Thờ Thánh Phêrô, nhiều giọt nước mắt đã nhỏ xuống và biết bao nhiêu người đã viết lên những lời thương cảm dành cho ngài.
Và những ý nghĩ tự nhiên bật ra: ngài có thể ngồi yên trong căn phòng tiện nghi, cách ly với thế giới khổ đau, và ngài không cần phải nặng nề lê bước giữa mưa lạnh cuối ngày. Ý nghĩ ấy đầy cảm thông và thương yêu.
Thế nhưng, dường như Đức Thánh Cha đọc được lòng cảm thương của con cái ngài và của bao người khác chứng kiến, và ngài nhẹ nhàng đáp lại: “Dù đau đớn và thổn thức vì thấy con người đang đau khổ, Niềm Vui Của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu”. Ngài cũng nói: “Chúa Giêsu nói với những ai đau khổ vì Người: hãy vui mừng hân hoan”. Thưa Cha, tại sao phải vui mừng hân hoan? Đức Thánh Cha trả lời: “Bởi vì Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này”.
Những câu mà chúng ta tưởng tượng Đức Thánh Cha sẽ trả lời ấy bạn có thấy quen quen không? Đó là ba câu của chính ngài bạn ạ. Ba câu ấy lần lượt là câu mở đầu của ba Tông huấn chính ngài ban hành: “Niềm Vui của Tin Mừng - Evangelii Gaudium” (EG), “Hãy Vui Mừng Hân Hoan - Gaudete et Exsultate” (GE) và “Chúa Kitô đang sống - Christus Vivit” (CV).
Thế thì, có lẽ điều Đức Thánh Cha cần nơi con cái ngài hôm nay, nhất là người trẻ, là lắng nghe lời Hội Thánh để có lòng tin mạnh mẽ hơn vào Đức Giêsu Kitô, Đấng dường như đang ngủ trên con thuyền tròng trành vì sóng gió.
Ai cũng chứng kiến hình ảnh vị Giáo hoàng cô đơn giữa cảnh chiều tà ảm đạm, trong cơn mưa lạnh trên Thánh Đô vốn nhộn nhịp rộn ràng bao đời nay, bây giờ hoang vắng. Hình ảnh ấy nói với chúng ta điều gì? Mỗi người sẽ đọc ra cho riêng mình một sứ điệp đánh động lòng mình. Và nếu chúng ta chiếu hình ảnh ấy lên tấm phông bao la của Huấn quyền Hội Thánh, có lẽ chúng ta sẽ thấy những nét lung linh ngời sáng.
1. Hãy vững tin.
Hãy vững tin ư? Một cụ già lê bước nặng nhọc cô đơn trong bóng chiều mà lại giúp chúng ta vững tin sao? Cũng như hai ngàn năm trước, một thân hình dập nát dưới lằn roi xối xả vác thập giá lên đồi cao, có làm cho ai vững tin không? Có những người như tên trộm lành đã đọc ra được từ hình dạng của “con chiên bị dẫn đến chỗ xén lông” một dung mạo khác. Và họ được cứu.
Trong bài huấn từ, Đức Thánh Cha trích câu Tin  Mừng “Khi chiều xuống” (Mc 4,35). Và ngài nói: “Đó là câu mở đầu đoạn Tin Mừng chúng ta đã nghe. Từ nhiều tuần nay, dường như chiều đã xuống. Những bóng đen dày đặc phủ trên các quảng trường, các đường phố và thành thị của chúng ta”. Và ngài nhắc nhở chúng ta rằng trong cái tối tăm đáng sợ ấy, chúng ta phải nhớ Lời Chúa: “Tại sao các con sợ hãi? Các con chưa có niềm tin sao?”.
Trong tông huấn “Niềm Vui của Tin Mừng”, Đức Thánh Cha nhắc đến “đức tin” khoảng 130 lần, cho thấy đức tin quan trọng là dường nào trong một xã hội mà người ta muốn đảo ngược các giá trị. Điều đáng buồn là giữa những thử thách chung quanh, người ta lại xao nhãng đời sống đức tin của mình.
Trong cơn mưa chiều của Thánh Đô, hình ảnh người Cha già lặng lẽ lại nhắc chúng ta đến sức mạnh vô song: “Với con mắt đức tin, chúng ta có thể thấy ánh sáng mà Chúa Thánh Thần luôn luôn chiếu dọi giữa bóng tối” (EG 84).
Bóng tối phủ trên quảng trường Vatican, trên Đức Thánh Cha làm chúng ta nghĩ đến sa mạc, nơi Đức Kitô lặng lẽ một mình. Chính Đức Thánh Cha đã viết: “Xuất phát từ chính kinh nghiệm về sa mạc này, về sự trống rỗng này, chúng ta có thể khám phá lại niềm vui đức tin, tầm quan trọng sinh tử của đức tin đối với chúng ta, nam cũng như nữ. Trong sa mạc, chúng ta khám phá lại giá trị của những gì thiết yếu cho cuộc sống; chẳng hạn, trong thế giới hôm nay, có vô số những dấu chỉ, thường được biểu lộ một cách mặc nhiên hay âm thầm, về sự khao khát Thiên Chúa, về ý nghĩa tối hậu của cuộc đời”. (EG 85)
Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ bắt chước đời sống Đức Tin của Mẹ Maria: “Maria là một thiếu nữ có tâm hồn thanh cao tràn ngập niềm vui (x. Lc 1,47), đôi mắt ngời sáng ánh sáng của Chúa Thánh Thần chiêm ngắm cuộc đời bằng đức tin và lưu giữ mọi sự trong lòng (x. Lc 2,19.51)”. (CV, số 46).
Vậy chúng ta hãy nhắm mắt lại, tưởng tượng lại hình ảnh người Cha chung bước đi trong bóng tối phủ dần, và chúng ta hãy tự nhắc nhở mình trong hoàn cảnh này với chính lời của Đức Thánh Cha: “tốt nhất là cùng nhau sống đức tin và diễn tả tình yêu của chúng ta trong đời sống cộng đoàn, qua việc chia sẻ yêu thương với các bạn trẻ khác, chia sẻ thời giờ, đức tin và các lo âu của mình. Hội Thánh cung cấp nhiều không gian khác nhau để sống đức tin trong cộng đoàn, vì khi cùng làm với nhau mọi sự sẽ dễ dàng hơn”. (CV, số 164)
Chưa gặp nhau được vì hoàn cảnh, các bạn trẻ vẫn có thể “cùng nhau sống đức tin và diễn tả tình yêu” qua mạng xã hội, qua các phương tiện giao tiếp hiện đại mà Chúa ban cho chúng ta.
2. Hãy sống vui.
Khi nói đến đức tin, Đức Thánh Cha thường gắn với một thuộc tính của đức tin, đó là niềm vui. Ngay trong tựa đề - câu đầu tiên của Tông huấn, ngài đã viết “Niềm Vui của Tin Mừng”. Trong câu Tông huấn Christus Vivit, Đức Thánh Cha viết: “Maria là một thiếu nữ có tâm hồn thanh cao tràn ngập niềm vui (x. Lc 1,47)” (số 46). Mẹ có tâm hồn tràn ngập niềm vui vì Mẹ “đã tin rằng lời Thiên Chúa phán cùng Mẹ sẽ được thực hiện” (Lc 1,45).
Hình ảnh Đức Thánh Cha lặng lẽ trong mưa ban chiều có gợi lên niềm vui không? Hãy nghe lại bài huấn từ của ngài: “Chúa đưa sự thanh thản vào trong những bão tố của chúng ta, vì với Thiên Chúa, sự sống sẽ không bao giờ chết”, “Lạy Chúa, Chúa không bỏ mặc chúng con trong bão tố. Xin Chúa lập lại lần nữa: ”Các con đừng sợ” (Mt 28,5). Và cùng với thánh Phêrô, ”chúng con phó thác cho Chúa mọi lo âu, vì Chúa chăm sóc chúng con” (x. 1 Pr).
Niềm vui ấy không ồn ào, không rộn ràng bên ngoài, nhưng là niềm vui sâu xa bên trong tâm hồn mỗi người. Niềm vui và bình an mà Đức Kitô trao ban cho chúng ta một cách đặc biệt, thế gian không ban được (Ga 14,27). Đức Thánh Cha nhắc lại lời Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI “không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến”. (EG, số 3).
Ngài cũng biết trước “Đương nhiên tôi hiểu rằng niềm vui ấy không phải lúc nào trong cuộc đời cũng được biểu lộ giống nhau, nhất là trong những lúc hết sức khó khăn”. (EG, số 6). Và người Cha chung dạy chúng ta: “Chúng ta đừng để mình bị cướp mất niềm vui loan báo Tin Mừng!” (EG, số 83).
Vậy thì chắc chắn Đức Thánh Cha không u buồn thất vọng dù ngài gánh vác những buồn đau của con cái, của nhân loại. Ngài nhắc chúng ta vui vì tin vào Đức Kitô và vui để loan báo Tin Mừng bình an cho anh chị em mình đang đau khổ.
Đức Thánh Cha chỉ dạy cho chúng ta cách sống vui, đó là sống bác ái. Trong lúc khó khăn này, bác ái cụ thể nhất là chăm sóc, chia sẻ và nâng đỡ nhau. Ngài viết: “Tình bác ái nhất thiết sẽ đem lại niềm vui; hễ đã yêu thì bao giờ cũng vui mừng khi được kết hợp với người mình yêu mến... hoa quả của lòng bác ái là niềm vui” (GE, số 122).
Bạn sẽ hỏi đang lo âu làm sao vui, đang sợ hãi làm sao vui và lặng lẽ giữa bóng đêm làm sao vui. Cha chung của chúng ta đã lường trước câu hỏi này, và ngài viết: “Vẫn có những lúc khó khăn, những thời khắc của thập giá, nhưng không gì có thể huỷ diệt niềm vui siêu nhiên là niềm vui “tự thích ứng và thay đổi, nhưng nó luôn tồn tại, dù chỉ như một ngọn đèn leo lét phát sinh từ niềm xác tín của ta, tin chắc rằng, bất luận thế nào, chúng ta vẫn được Thiên Chúa thương yêu vô cùng” (GE, số 125)
3. Hãy sống như người trẻ.
Đến đây, hẳn bạn sẽ tự hỏi: “Sống tin yêu, sống vui thì có ích lợi thực tiễn, nhưng phải chăng vui giữa lúc phải đương đầu với sóng gió là không phù hợp?”. Thật ra khi gặp sóng gió thì người ta dễ mất tự tin và mất bình tĩnh, và do đó họ dễ buồn bã lo âu. Thế nhưng trong cảnh nghèo hèn khó khăn như khi Chúa Giêsu giáng sinh trong hang lừa nhỏ bé, niềm vui đã ngập tràn đến nỗi các mục đồng được đánh thức để cảm nếm niềm vui ấy.
Tông huấn Christus Vivit được mở đầu bằng lời mời gọi: “Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này. Tất cả những gì Người chạm đến đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ, tràn đầy sức sống. Thế nên, lời đầu tiên cha muốn nói với mỗi Kitô hữu trẻ là: Chúa Kitô đang sống và Người muốn con cũng được sống!”.
Nếu muốn vui tươi thì hãy sống tươi trẻ và để Chúa Kitô chạm đến. Trong cơn đại dịch người ta sợ đụng chạm nhau vì chung quanh là bóng tối và bệnh nạn. Nhưng Đức Kitô thì khác. Người “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6), ai chạm đến Người thì được chữa lành và được tràn ngập ánh sáng và niềm vui.
Tuổi trẻ là tuổi hăng hái, liều lĩnh và dám dấn thân. Đức Maria sống tuổi trẻ của mình trọn vẹn vì Mẹ dám liều vì Tin Mừng, dám dấn thân cho công trình của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha diễn tả như sau: “Chắc chắn Mẹ sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn ấy không phải là thứ khó khăn bởi sự hèn nhát làm người ta tê liệt vì mọi sự không rõ ràng hoặc không được bảo đảm trước. Đức Maria đã không mua bảo hiểm nhân thọ!”.
Trong buổi chiều mưa trên Quảng trường Thánh Phêrô Vatican, vị Giáo hoàng cao niên bước đi khập khiễng vẫn làm cho thế giới vươn mình đứng lên, bởi vì nơi ngài có nét trẻ trung của người dám vượt qua mọi khó khăn vì niềm tin vào Đấng luôn hoàn tất lời Ngài đã hứa.
Tông huấn Hãy Vui Mừng Hân Hoan có lời Đức Thánh Cha nhắn nhủ rất đáng chú ý: “Ta hãy xin Chúa ban cho ơn biết không ngần ngại khi Chúa Thánh Thần đòi hỏi ta tiến lên một bước. Ta hãy xin ơn can đảm tông đồ để chia sẻ Tin mừng cho người khác và từ bỏ việc cố gắng biến đời sống Kitô hữu của mình thành một viện bảo tàng kỷ niệm”.
Tuổi trẻ không ngần ngại, không thích làm viện bảo tàng. Tuổi trẻ luôn bước tới với lòng can đảm. Tuổi trẻ Kitô giáo không giới hạn bằng tuổi đời năm tháng, mà được mở rộng cho đến khi con người còn can đảm dấn bước theo Đức Kitô.
Chúng ta có thể nghĩ rằng Đức Thánh Cha của chúng ta trẻ trung bởi vì ngài luôn tiến bước, dù bước chân có khập khiễng, nhưng không ai ngăn cản bước ngài đi trong mưa lạnh hay trên đường Rôma vắng vẻ. Ngài đang mang trong mình niềm tin và lòng yêu mến vô hạn.
Xin được dùng ba câu ghép lại từ những đoạn cuối của ba Tông huấn nói trên để kết luận bài viết này, diễn tả hình ảnh Cha chung của chúng ta trong lúc ngài ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi và nguyện ước chúng ta đều được như vậy: “Ta sẽ cùng chia sẻ với nhau một nguồn hạnh phúc mà thế gian sẽ không thể cướp được. (GE, số 177) Lạy Mẹ của Tin Mừng sống động, suối hạnh phúc cho những người hèn mọn của Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con. (EG, số 288) Xin Mẹ làm mới tuổi trẻ của con nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện và xin Mẹ luôn đồng hành với con qua sự hiện diện của Mẹ. Amen. Alleluia!” (CV, số 288).
Gioan Lê Quang Vinh
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN