Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Thư ngỏ của Uỷ ban Mục vụ Giới trẻ trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam




Ngày Giới trẻ Á châu lần thứ 7:

Thư ngỏ của Uỷ ban Mục vụ Giới trẻ
 trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

WHĐ (29.07.2017) – Từ ngày 29-07 đến ngày 02 tháng Tám 2017 sẽ diễn ra Ngày Giới trẻ Á châu (Asian Youth Day – AYD) lần thứ 7 với chủ đề “Giới trẻ Á châu hân hoan sống Phúc Âm tại châu Á đa văn hoá”. AYD 7 do Ban Giới trẻ thuộc Văn phòng Giáo dân và Gia đình của Liên Hội đồng Giám mục Á châu phối hợp với Tổng giáo phận Semarang, Indonesia tổ chức, gồm hai phần: từ ngày 30-07 đến 02-08: Ngày tại các giáo phận; từ ngày 02 đến 06-06: Các sự kiện chính, diễn ra tại Tổng giáo phận Semarang.

Ngày Giới trẻ Á châu là ngày hội của các bạn trẻ Công giáo thuộc các quốc gia Á châu. Kinh nghiệm cuộc sống kéo dài một tuần này giúp người trẻ cùng nhau hoạch định đời sống thiêng liêng qua các buổi cầu nguyện, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề. Đồng thời, việc gặp gỡ tạo cơ hội cho các bạn trẻ Công giáo khám phá và canh tân đức tin, để có thể chia sẻ Phúc Âm cho người khác qua việc thực thi công lý và hoà bình. Ngoài ra các bạn trẻ Công giáo cũng có cơ hội chia sẻ đức tin với các bạn trẻ của các tôn giáo khác.

Ngày Giới trẻ Á châu được tổ chức từ 3 đến 5 năm một lần, lần đầu tiên vào năm 1999 tại Thái Lan và lần trước (AYD 6) tại Hàn Quốc, năm 2014.

Nhân dịp này, Uỷ ban Mục vụ Giới trẻ - trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gửi đến Cộng đồng dân Chúa Việt Nam Thư ngỏ sau đây:

***

Kính gửi quý cha đặc trách Mục vụ Giới trẻ các giáo phận,

quý linh mục, tu sĩ và các bạn trẻ,

Ngày Giới trẻ Á Châu lần thứ 7 sẽ được tổ chức tại thành phố Yogyakarta, Indonesia, từ ngày 29-07 đến ngày 06-08-2017 với chủ đề: “Giới trẻ Á châu hân hoan sống Phúc Âm tại châu Á đa văn hoá”.

Các bạn trẻ luôn mang trong mình tính sáng tạo. Nhưng đôi khi, tính sáng tạo lại được hiểu theo nghĩa là những gì đó ‘lập dị’. Do cách hiểu như thế nên dẫn đến những bất đồng trong khoảng cách giữa các thế hệ. Thật ra, sáng tạo không phải là làm một điều gì đó khác thường, mà là kiến tạo nên những điều thật ý nghĩa và hữu ích hơn cho người khác. Để có thể đạt được mục đích này, các bạn trẻ cần năng động hơn chứ không phải chỉ bằng lòng với những gì đang có. Làm sao để các bạn trẻ có thể cống hiến khả năng sáng tạo của mình trong việc loan báo Niềm Vui Tin Mừng?

Trong những ngày này các bạn trẻ được mời gọi trao đổi với nhau qua 3 chữ C và 3 chữ S:

3C: Compassion, Commitment, Connection, là cách thể hiện những trải nghiệm bên trong (đồng cảm, trách nhiệm và liên kết) trên bình diện gia đình, cộng đồng và xã hội.

3S: Seeing, Speaking, Starting, là cách thể hiện những trải nghiệm bên ngoài (nhìn thấy, nói lên và bắt đầu) từ những câu chuyện của các bạn trẻ Á Châu qua lần gặp gỡ này.

Indonesia gồm 13.487 hòn đảo, được mệnh danh là “Xứ sở vạn đảo” với khẩu hiệu quốc gia “Bhinneka Tunggal Ika”(Hiệp nhất trong đa dạng). Trong bối cảnh văn hoá Á Châu với những khác biệt trong nhiều lãnh vực, những câu hỏi đặt ra là: Các hình thức rao giảng Phúc Âm hiện tại có còn phù hợp không? “Phúc âm hoá” ở Á Châu nên phải thế nào? Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) mong muốn mỗi người trẻ là một nhà truyền giáo, làm chứng nhân cho Đức Giêsu Kitô và Tin mừng của Người qua việc gặp gỡ và đối thoại: Đối thoại với các nền văn hoá, đối thoại với các tôn giáo, đôi thoại với các hình thức xã hội, đặc biệt quan tâm tới người nghèo, người bị áp bức và bị lãng quên trong xã hội.

Uỷ ban Mục vụ Giới trẻ trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam kính mời quý cha, quý tu sĩ và tất cả mọi người cùng hướng về Ngày Giới trẻ Á Châu lần thứ 7 bằng lời cầu nguyện, bằng những cố gắng đồng hành với người trẻ trong việc loan báo Niềm Vui Tin Mừng cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. 

Uỷ ban Mục vụ Giới trẻ - trực thuộc HĐGM Việt Nam

Ngày giới trẻ Á châu bên Indonesia

YOGYAKARTA: Hôm nay 30 tháng 7 hai ngàn bạn trẻ tới từ 21 nước Á châu sẽ bắt đầu tham dự Ngày giới trẻ Á châu kéo dài cho tới ngày mùng 9 tháng 8 bên Indonesia.

Ngày giới trẻ Á châu có đề tài: “Giới trẻ Á châu tươi vui: Sống Tin Mừng trong châu Á đa văn hoá” do Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu tổ chức lấy hứng từ Ngày Quốc Tế Giới Trẻ đo thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng hồi năm 1985. Ngày quốc tế giới trẻ Á châu lần đầu tiên đã được tổ chức tại Hua Hin bên Thái Lan năm 1999. Sau đó ngày này được tổ chức cách quãng 2, 3 hay 5 năm một lần. Năm 2014 nó đã được tở chức tại Daejon bên Nam Hàn với sự tham dự của ĐTC Phanxicô.

Trong các ngày từ 30 tháng 7 tới mùng 2 tháng 8 các phái đoàn bạn trẻ sẽ được 11 trên 37 giáo phận tiếp đón. Đây là dịp để các bạn trẻ gặp gỡ trao đổi và học biết cuộc sống trong các giáo phận Indonesia. Sau đó từ mùng 2 tới mùng 6 tháng 8 các bạn trẻ tham dự chương trình chung tại Yogyakarta trong giáo phận Semarang với nhiều sinh hoạt khác nhau: thánh lễ, học hỏi giáo lý, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, chứng từ, chầu Mình Thánh Chúa, xưng tội, sinh hoạt nhóm, triển lãm, trình diễn văn nghê, nghệ thuật văn hoá. Ba ngày từ mùng 6 tới mùng 9 là cuộc gặp gỡ của giới trẻ thừa tác.

Cha Deepak, thư ký văn phòng giới trẻ của HĐGM Ấn Độ, cho biết phái đoàn Ấn gồm 84 bạn trẻ đến từ nhiều giáo phận khác nhau. Các bạn tới giáo phận Palembang và Pontiniak. Trong các màn giới thiệu văn hoá các bạn sẽ trình diễn văn hoá vùng Tây và vùng Goa, cũng như trình diễn 10 phút nhạc cảnh ( REI 26-7-2017)

Linh Tiến Khải

Video: Vài nét về Đại Nhạc Hội “Đom Đóm Mầu Nắng” do Hội Sinh Viên Công Giáo Việt Nam tổ chức tại Saigòn Performing Arts



LITTLE SAIGON - Tối ngày 29 tháng 7 năm 2017 tại Sài Gòn Performing Arts Center tại Fountain Valley, Nam California đã diễn ra chương trình đại Nhạc hội hương ca học trò lần thứ 14 với chủ đề “Đom Đóm Màu Nắng” do Hội Sinh Viên Công Giáo Việt Nam tổ chức.


Sự xuất hiện của cha linh hướng Bill Cao và cha Tạ Anh Kiệt đã làm cho cả khán phòng bừng dậy những tiếng vỗ tay nồng nhiệt với sự đóng góp 10 năm và 19 năm gắn bó với Hội Sinh Viên Công Giáo Việt Nam. 

“Đom Đóm Màu Nắng” là chương trình Đại Nhạc Hội Hương Ca Học Trò 14 của Hội Sinh Viên Công Giáo. Đây là một chương trình Đại Nhạc Hội quy mô được tổ chức và trình diễn bởi tất cả các bạn sinh viên thuộc nhiều trường Đại Học khác nhau.

“Đom Đóm Màu Nắng” là một cơ hội đặc biệt dành cho tất cả các bạn sinh viên đang ngồi dưới mái trường được phát triển tài năng và những kỹ năng khác nhau trên sân khấu. Đồng thời “Đom Đóm Màu Nắng” cũng tạo điều kiện cho các bạn sinh viên truyền tải tình yêu thương và nhiệt huyết của mình vào các công tác từ thiện. Do đó, từng tiết mục trong chương trình Đại Nhạc Hội luôn mang những màu sắng đa dạng và đầy sáng tạo của một kiệt tác nghệ thuật. Hơn thế nữa, từng tiết mục trong chương trình Đại Nhạc Hội này cũng sẽ gởi đến tuổi trẻ Việt Nam những thông điệp đầy ý nghĩa về hy vọng và niềm tin của một người Công Giáo.

Được biết đại nhạc hội được tổ chức mỗi năm để lấy quỹ tặng học bổng cho những học sinh hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Ngoài ra những bạn trong Hội Sinh viên Công Giáo này còn làm các công tác xã hội như đi giúp đỡ những người khó khăn tại Hoa Kỳ; cho người vô gia cư thức ăn; đến thăm và phát quà tại các viện dưỡng lão. Ngoài ra, các bạn có những hoạt động khác như: tĩnh tâm hàng tháng, chơi thể thao, cùng giúp nhau học tập, chuyển trường hay tìm học bổng Cha Bill Cao cho biết.

Cha Tạ Anh Kiệt kể thêm để có chương trình văn nghệ "Đom Đóm Mầu Nắng" của tối hôm nay cha và các bạn sinh viên đã họp trước đó sáu tháng để chọn ngày, mướn sân khấu, đặt tên chương trình,chia công việc và lên chương trình. Trong vòng ba tháng liên tục các bạn sinh viên dành thời gian tập luyện mỗi tuần từ 6g tối đến 9g vào mỗi thứ bẩy tại Trung tâm Công Giáo.

Bốn MC trẻ trung với vốn tiếng Việt lưu loát không vấp váp một chút nào trong suốt ba tiếng đồng hồ của chương trình. Các bạn MC này đã đem lại cho tất cả khán giả những nỗi gửi nhớ dư âm quê nhà từng con suối, con sông, góc phố, những món thức ăn Việt Nam, những điệu hát câu hò… làm cho mọi người ngồi trong khán phòng trên đất Mỹ mà cứ ngỡ giữa lòng đất mẹ Việt Nam. Với tiếng nói Việt Nam thân thương đầm ấm, những gương mặt trẻ trung yêu đời quyện vào những ca khúc âm hưởng dân ca cùng với những điệu múa câu hò làm cho không khí tràn ngập tình tự Quê hương của những trái tim mang nặng niềm tin Thiên Chúa và Giáo Hội.

Những cô bé răng khểnh dễ thương, chứ không phải những bộ răng niềng mà thường thấy các bạn giới trẻ trên đất Mỹ - không những thế trong chương trình còn nghe được tiếng Huế, giọng Nam, giọng bắc - qua những gương mặt rất trẻ trung. Đêm đại nhạc hội các sinh viên không khác gì các diễn viên chuyên nghiệp.

Phông và những họa tiết, cảnh sắc trên sân khấu thay đổi liên tục làm cho mọi người cảnh giác đang xem một chương trình rất sinh động và bài bản.

Một bạn sinh viên cho biết tuy hát chưa hay, múa chưa đẹp, nhưng được khuyến khích lên sân khấu để làm chương trình gửi những quỹ học bổng này cho quê hương Việt Nam giúp những bạn gặp khó khăn nên bạn cố gắng hết sức mình.

Trong giờ giải lao tôi gặp gỡ một số cha mẹ các em sinh viên. Họ rất hài lòng khi con mình sinh hoạt trong Hội Sinh viên Công Giáo. Một bà mẹ cho biết con chị tham gia sinh họat học được Đức Dục, Trí Dục, Đức Tin, và Tình yêu, Gia đình và tham gia những công tác xã hội làm chị rất vui sướng. Chị an lòng khi cho con sinh hoạt trong những hội như thế đặc biệt với sự linh hướng của Cha Bill Cao và sự đồng hành của cha Tạ Anh Kiệt. Mắt chị sáng lên khi kể về tất cả những gì con mình lãnh nhận.

Cha Trần Công Nghị, Giám đốc VietCatholic, tham dự buổi văn nghệ và ngài cho biết rất ấn tượng về tài năng điêu luyện của các MC và các diễn viên diễn xuất rất chuẩn mực và chất lượng. Hơn nữa khi nhìn tòan diện, chương trình gửi tới khán giả một sứ diệp rất sâu sắc về đức tin, và lòng nhân ái... đặc biệt là vở kịch "đom đóm xứ người" làm chúng ta hiểu biết và thông cảm hơn với những thách đố mà anh chị em sinh viên du học phải gánh chịu -- biết rằng không phải hết mọi sinh viên du học đều là "con cái đại gia".

Cha Mai Khải Hòan cũng hết lời khen ngợi nhất là sự dấn thân hăng say của Cha Tạ Anh Kiệt đã dầy công sọan giả cho chương trình ý nghĩa hôm nay.

Về phía khán giả sau mỗi màn văn nghệ mọi người vỗ tay nồng nhiệt những tiếng huýt sáo từ khắp khán phòng tưởng thuởng cho những màn văn nghệ độc đáo của các bạn sinh viên.

Thiển nghĩ riêng: chương trình có lẽ sẽ hoàn hảo hơn nếu để MC nói ngắn hơn một chút cho chương trình văn nghệ được liên tục.

Cảm ơn các bạn sinh viên đã hy sinh dùng thời gian của mình để cho chúng ta được thưởng thức những tiết mục đặc biệt mà đằng sau đó là những giọt mồ hôi, nước mắt và thời gian các bạn đã dành ra cho những bạn sinh viên tại Việt Nam nghèo có được những học bổng. 

Hội Sinh Viên Công Giáo sẽ ra DVD chương trình Văn nghệ Đại nhạc hội hôm nay nhằm gây qũy cho sinh họat cung cấp học bổng cho sinh viên nghèo. Ai muốn có DVD này trong tương lai xin liên lạc: vcsa1998@gmail.com

Sr. Minh Du

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Tin Mừng Chúa nhật XVII thường niên - Năm A


PHÚC ÂM: Mt 13, 44-52
"Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy. "Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Trong ngày tận thế cũng vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa rằng: "Có". Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới, cũ trong kho mình".

Giới thiệu sách Giáo Lý

File gửi kèm: 
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền

Giáo phận Vĩnh Long : Đại hội giới trẻ


Ban Mục Vụ Giới Trẻ giáo phận Vĩnh Long sau khi cầu nguyện, bàn bạc, hội ý … đã chọn ngày hôm nay Thứ Năm 27 tháng 7 năm nay, 2017, làm ngày Đại Hội Giới Trẻ của Giáo Phận. Để chuẩn bị cho ngày hôm nay, thông báo đã được gửi đến các giáo hạt và các họ đạo từ nhiều ngày trước để các bạn trẻ đăng ký tham dự Đại Hội. Chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ năm nay rất thiết thực trong cuộc sống thực tại : “Sống Đẹp”.



Có những đoàn ở xa từ Tỉnh Bến Tre phải dậy từ rất sớm sau khi chợp mắt một tí để “khăn gói quả mướp” về với ngôi Thánh Đường Mẹ Giáo Phận. Có những đoàn lo lắng vì phải vượt qua 2 chuyến phà sợ trễ giờ vì như ông bà xưa nói “qua sông phải lụy đò”. Thế nhưng rồi, tất cả đều tốt đẹp là đến tham dự kịp giờ, ngoại trừ vài trường hợp nhỏ không đáng kể.

Các đoàn khi đến với Nhà Thờ Chính Tòa đã tìm đến các bàn ghi danh để báo cho Ban Tổ Chức biết số lượng của đoàn mình cũng như nhận áo đồng phục …

Từ 6 g 30 đến 7 g 30 là khoảng thời gian dành cho sự tiếp đón cũng như điểm tâm sáng.

Như mọi năm, con số tham dự khoảng 1200 bạn nhưng năm nay con số đã vượt ngưỡng 1500 cho những bạn có đồng phục. Và hơn nữa, có một số non kém 200 đến giờ phút cuối mới có thể tham dự Đại Hội nên chấp nhận không có đồng phục.

Để bắt đầu cho ngày Đại Hội, các bạn trẻ cùng nhau kiệu Thánh Giá.

Sau đó, với chất giọng hết sức truyền cảm, Cha Matthêu Nguyễn Tấn Thụy đã mời gọi các bạn trẻ nghe sứ điệp Giới Trẻ lần 32 do Đức Thánh Cha Phanxico gửi cho Đại Hội Giới Trẻ thế giới.

Tiếp theo đó, Cha Phêrô Nguyễn Minh Thái – phó họ Cái Bông cùng chia sẻ và sinh hoạt với các bạn. Với sự nhiệt tình và năng nổ, Cha Thái đã khuấy động các bạn thật vui tươi.

Để dọn lòng thanh sạch, các bạn trẻ cùng nhau nhìn lại mình, xét mình và lãnh bí tích Hòa Giải.

Nghỉ giải lao một chút và các bạn quay lại Nhà Thờ để ôn hát cho Thánh Lễ tạ ơn.

10 g 00, đoàn đồng tế cất bước vào Nhà Thờ. Cộng đoàn cùng ca đoàn hân hoan ca tụng Chúa với niềm vui lên Đền : “Từ muôn phương ta về đây …” Tâm tình hân hoan, vui tươi và phấn khởi đã đưa cộng đoàn vào Thánh Lễ tạ ơn hôm nay.

Chủ tế Thánh Lễ tạ ơn Chúa nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ là Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai – Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long. Cùng đồng tế với Đức Cha có quý Cha đặc trách giới trẻ các giáo hạt và các vùng Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh.

Mở đầu Thánh Lễ, Đức Cha Phêrô ngỏ lời với cộng đoàn : “Anh chị em thân mến ! Chúng ta cùng nhau tụ họp trong nhà thờ này. Chúng ta cùng dâng Thánh Lễ tạ ơn Thiên Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta nhiều ơn lành cho tất cả chúng ta, tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng con một ngày dự Đại Hội Giới Trẻ Vĩnh Long hôm nay với trên dưới 1600 em. Trong Thánh Lễ này, chúng con cầu xin Chúa chúc lành cho chúng con, xin Chúa ban ơn cho chúng con để chúng con sống đức tin của mình mạnh mẽ hơn, sống đức tin giữa long xã hội : một xã hội của khoa học kỹ thuật, một xã hội của kỹ thuật số … sống thế nào để đức tin của mình được loan báo. Tạ ơn Chúa với những tâm tình đó chúng ta dâng Thánh Lễ tạ ơn Chúa”.

Sau khi Cha Phanxicô Xavie Trần Tấn Hạp – cha sở họ Ba Lai công bố Tin Mừng, Đức Cha Phêrô chia sẻ với cộng đoàn. Đức Cha Phêrô mời gọi các bạn cùng nhìn lại trang Tin Mừng … các môn đệ hỏi Chúa Giêsu : “Tại sao Thầy nói với họ như vậy”. Tại sao có sự khác biệt trong cư xử. Khi sử dụng dụ ngôn, Chúa không giấu sự thật với những người chân thành tìm kiếm. Những người đó hiểu minh họa dụ ngôn là gì. Còn những người cứng lòng tin thì họ xem câu chuyện Chúa nói như vô nghĩa. Chính vì thế, Chúa có hai thái độ với người tin và không tin …

Chúa nói : Của Thánh chớ quăng cho chó, ngọc trai chớ liệng cho heo … kẻo họ quay lại cắn xé anh em. Mầu Nhiệm Nước Trời ban cho những ai tin Chúa. Những người cứng lòng tin đã làm ra vô ích những gì họ nhận. Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ vì họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu. Chúa Giêsu nhắm đến sự từ chối từ trong con tim chứ không phải từ thể lý. Họ không muốn nghe, không muốn thấy nên Chúa trích sách ngôn sứ Isaia : Chúng bưng tai bịt mắt không muốn thấy không muốn nghe. Họ không thích giáo huấn của Chúa Giêsu. Đây là vấn đề tự do của con người với Lời của Thiên Chúa.

Chúa chia ra 2 nhóm. Những người tin và những người không tin. Chúa Giêsu nhấn mạnh những người mở trái tim mình ra và Chúa giữ lại những người muốn làm môn đệ của Ngài. Biên giới giữa tin và không tin là ở trong con tim của mỗi người …

Sau đó, Đức Cha mời gọi : các con hãy xét lại các con … bởi vì đôi khi chúng con hành động như họ, không nghe lời Chúa vì chúng con không quan tâm đến Chúa. Không phải Chúa không yêu mến chúng con nhưng chúng con từ chối Thiên Chúa. Chúng con luôn có những lý do để biện luận về những hành động đó. Khi chúng con thực hiện theo ý muốn của chúng con, chúng con dù người khác có nói cũng không thay đổi ý định. Chúng con không nghe gì, không thấy gì vì chúng con bị mù lòa và bị điếc vì những ước muốn riêng tư. Chúng con bị xâm chiếm bởi nhiều tiếng động. Vào trong tai chúng con những tiếng động làm cho chúng con mù và điếc với Lời của Chúa. Biết bao nhiêu lần chúng con cho rằng Lời của Chúa gây xáo trộn đời sống chúng con. Lời của Chúa không hài long chúng con. Phải thế này thế kia. Chúng con đổ thừa người khác về sự thất bại của chúng con. Chúng con bị bắt buộc không làm những điều vô nghĩa thì chúng con phản kháng kêu la. KHông phải bởi Chúa mà bởi chúng con. Chúng con tự xét mình, hãy chân thành với chính mình. Chúng con có phải là người không tin, cứng cổ và cứng đầu không. Ngược lại, chúng con có phải là những người có phúc được nghe, được thấy … có phúc để cho âm thanh, lời cầu nguyện của cộng đoàn vang lên trong tâm hồn chúng con.

Các câu hỏi này nhắc nhở chúng con mỗi ngày thách thức sự tự do của chúng con. Chúng con cùng nhau cầu xin Chúa : Lạy Chúa Thánh Thần, xin dạy chúng con, đừng để long chúng con ra chai đá. Đừng để chúng con nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu. Xin Chúa chúc lành cho chúng con.

Thánh Lễ tạ ơn khép lại trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng.

Sau Thánh Lễ, các bạn trẻ dùng cơm trưa thân mật với nhau.

Dùng cơm trưa, nghỉ ngơi đến 12 giờ thì chương trình game-show và thư giãn bắt đầu. Có thể nói rằng giờ phút này là những giờ phút náo động vui tươi nhất và phù hợp với các bạn.

Sau những giờ phút sôi động, các bạn giải lao một chút và tiếp tục đi vào 2 chuyên đề chính của Đại Hội hôm nay. Đề tài thứ nhất là Đức tin – nén bạc quý giá. Nếu như Đức Tin – nén bạc quý giá như là phần lý thuyết thì bổ túc cho đề tài thứ nhất và cũng rất thiết thực để thực hành trong đề tài 2 : Sống đức tin thời đại số.

Có thể nói, đây là phần trọng tâm và chính yếu nhất mà Ban Tổ Chức gửi gắm cho các bạn trẻ tham dự Đại Hội Giới Trẻ năm nay.

Sau 2 đề tài chính, giây phút dễ thương và đặc biệt nhất đó chính là giây phút mà Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương – Tổng Đại Diện Giáo Phận gặp gỡ các bạn trẻ.

Tuy không còn trẻ nhưng với hết tất cả tâm tình và long yêu thương giới trẻ, Đức Ông kính yêu của Giáo Phận đã chia sẻ những tâm tình hết sức thiết thực trong cuộc sống để các bạn trẻ ứng dụng vào cuộc đời của mình.

Một ngày bồi dưỡng tinh thần, đức tin và cả thư giãn trôi qua thật nhanh. Hy vọng với chủ đề Sống Đẹp cũng như sống đức tin giữa thời đại số như Đức Giám Mục Chăn vịt ao ước sẽ là hành trang cho các bạn trẻ mang về với gia đình, với họ đạo.

Chương trình Đại Hội kết thúc bằng giờ Chầu Thánh Thể thật sốt sắng. Các bạn được nhận phép lành từ Đức Ông Barnabê kính yêu.

Chia tay trong niềm vui và luyến nhớ. Hẹn các bạn vào Đại Hội Giới Trẻ năm sau và hy vọng con số tham dự sẽ đông hơn nữa.

Người Giồng Trôm

Québec, Canada: một nữ tu làm nhiệm vụ chứng hôn trong bí tích hôn phối



WHĐ (28.07.2017) – Ngày thứ Bảy 22-07-2017 vừa qua, sơ Pierrette Thiffault, nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng đã được Toà Thánh cho phép chứng hôn cho một đôi tân hôn tại giáo phận Rouyn-Noranda thuộc vùng nông thôn Abitibi-Témiscamingue, ở phía Tây Quebec, Canada.

Chị Cindy và anh David đã cử hành bí tich hôn phối tại nhà thờ Công giáo Lorrainville, cách Montreal hơn 650 km về phía Tây.

Tại giáo phận này, tình trạng thiếu hụt linh mục trầm trọng đến mức Đức giám mục đã phải nhờ một nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng trợ giúp.

Người ta hỏi sơ Pierrette Thiffault tại sao sơ được chọn, sơ mỉm cười bẽn lẽn: “Chuyện ấy thì phải hỏi Đức giám mục của tôi”, và sơ giải thích rằng trong miền này, một số linh mục phải coi sóc bảy hay tám giáo xứ khác nhau. “Tôi rất sung sướng và hãnh diện được phục vụ giáo phận của mình”.

Được Toà Thánh cho phép

Sự kiện này, tuy hiếm khi xảy ra, nhưng không phải là giáo luật không cho phép: “Nơi nào không có linh mục và phó tế, Đức giám mục giáo phận có thể ủy quyền cho giáo dân chứng hôn, sau khi được Hội đồng Giám mục chấp thuận và Tòa Thánh ban phép. Phải chọn một người giáo dân có khả năng xứng hợp để có thể đào tạo các đôi vợ chồng tương lai và có tư cách để cử hành phụng vụ hôn nhân cách đúng phép” (Giáo luật, khoản 1112).

Ngày 23 tháng Năm, sơ Pierrette Thiffault đã nhận được giấy phép uỷ quyền của Toà Thánh, do Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích cấp.

Gia nhập Dòng Chúa Quan Phòng cách nay 55 năm, sơ Thiffault đang giúp mục vụ tại giáo xứ Moffet, bên cạnh giáo xứ Lorainville, nơi vừa cử hành bí tích hôn phối ngày 22 tháng Bảy vừa qua. Lúc còn dạy giáo lý, sơ cũng có quen biết David, người chồng, khi anh đang là học sinh trung học.

“Tôi rất hãnh diện”

Trong ba tháng trước khi bí tích hôn phối cử hành, sơ đã ba lần gặp đôi tân hôn. Và khi buổi lễ diễn ra, sơ khẳng định với cộng đoàn: “Chắc chắn đây là một sứ mạng loan báo Tin Mừng”, đồng thời cố gắng giải thích một số cử chỉ trong nghi thức phụng vụ.

Không giấu niềm vui vì được chứng hôn, vị nữ tu nói mình rất tự hào về quyết định này của Đức giám mục. Sơ nhận định rằng “đây là một bước tiến lớn đối với phụ nữ trong Giáo hội”. Nhưng sơ cũng tự hào về đôi tân hôn, và cả với chính mình “một chút”: mặc dù sơ có phần lo lắng, buổi lễ vẫn diễn ra cách tốt đẹp.

Sơ cũng sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ này một lần nữa nếu được yêu cầu, và không chút nghi ngờ rằng trong tương lai người giáo dân sẽ giữ vai trò ngày càng quan trọng hơn trong phụng vụ.

(La Croix)

Minh Đức

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh liên đới với ĐHY Sabino, Venezuela


VATICAN. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã gửi điện liên đới với ĐHY Jorge Urosa Sabino, TGM Caracas thủ đô Venezuela, nạn nhân của bạo lực.

Chúa nhật 16-7-2017, những người tham dự cuộc trưng cầu dân ý ở Caracas đã bị một nhóm dân quân theo phe tổng thống Nicola Maduro tấn công và họ phải chạy vào tị nạn trong một thánh đường nơi ĐHY Savino đang cử hành thánh lễ. Cuộc tấn công đã làm cho 1 người chết và nhiều người bị thương.

Sau vụ đó, Tổng thống Maduro tố cáo các ”GM là làm tôi cho tư bản và sự đồi bại trên thế giới, cũng như làm cho bạo lực gia tăng”. Hồi tháng 4 năm nay, một thánh lễ do ĐHY Urosa Sabino cử hành cũng bị những thành phần ủng hộ tổng thống Maduro phá rối.

Điện văn của ĐHY Parolin hôm 17-7-2017 gửi ĐHY có đoạn viết: ”Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với ĐHY, với các LM, phó tế và toàn thể giáo dân đã bị tấn công tại Nhà thờ Đức Mẹ Camêlo di Catia, và quyết liệt lên án cuộc bao vây và hành hung tại đây. Ngày 16-7, tôi đã cầu nguyện thật nhiều xin Đức Mẹ Camêlô, rất được tôn kính tại Venezuela, xin Chúa Con của Mẹ một giải pháp hòa bình và dân chủ cho đất nước này, và để chính quyền lắng nghe tiếng kêu của dân chúng đang đòi tự do, hòa giải, hòa bình và an sinh vật chất cũng như tinh thần cho tất cả mọi người, nhất là những người nghèo khổ nhất và bị gạt ra ngoài lề”.

Hôm 18-7-2017, trang thông tin trực tuyến 2001.com.ve ở Venezuela khẳng định rằng tổng thống Maduro đã cam đoan là ”Venezuela sẽ không theo lệnh của ĐHY Parolin”.

Ăn chay cầu nguyện

Mặt khác, thứ sáu 21-7-2017, các tín hữu Công Giáo và những người thiện chí ở Venezuela cử hành ngày ăn chay và cầu nguyện theo lời mời gọi HĐGM nước này đưa ra hôm 12-7 vừa qua, sau khi kết thúc khóa họp khoáng đại.

Các GM kêu gọi mọi người ”cầu xin Chúa chúc lành cho mọi nỗ lực của nhân dân Venezuela để đạt được tự do, công lý và hòa bình, và được Thánh Linh soi sáng, cũng như nhờ sự bảo vệ hiền mẫu của Đức Mẹ Coromoto bổn mạng đất nước, họ tiếp tục xây dựng hòa bình và sự sống chung huynh đệ tại đất nước này”.

HĐGM Venezuela tuyên bố hỗ trợ ”tiếng kêu của những người đang bị đói, không được những bảo đảm về săn sóc sức khỏe, không tìm được thuốc men và phải chịu tình trạng bất an trong mọi lãnh vực”. Các vị kêu gọi tôn trọng ước muốn của nhân dân, chiếu theo luật pháp và hiến pháp quốc gia, để nhân dân Venezuela được sống trong hòa hợp, an bình, tự do và phát triển nhân bản”.

Sáng kiến trên đây của HĐGM Venezuela đã từng được thực hiện ngày 2-8 năm ngoái và ngày 21-5 năm nay. Ngoài ra, tại mỗi giáo phận, từ nhiều tháng nay, hàng ngàn tín hữu đã biểu lộ đức tin của các cuộc rước, các buổi canh thức và các buổi lễ khác để xin ơn phù trợ của Chúa trong giai đoạn quan trọng đất nước Venezuela đang trải qua. (imedia 19-7-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Số người bị bệnh tâm thần sẽ giảm bớt 1/3 nếu được theo dõi từ tuổi bé thơ


Hôm thứ năm 20.07, tập san y khoa nổi tiếng thế giới The Lancet đã nhận định rằng: cứ một trên ba trường hợp bị bệnh tâm thần có thể tránh được nếu người bệnh được theo dõi ngay từ tuổi bé thơ.

Hiện nay trên thế giới có tất cả khoảng 50 triệu người bị bệnh điên hay bị bệnh lẫn Alzheimer. Con số này sẽ lên đến 132 triệu vào năm 2050 tới đây. Theo một khảo cứu khoa học vừa được đăng trên báo The Lancet, có ba nhân tố báo động thông thường có thể giúp định bệnh và chữa bệnh điên sớm sủa: đó là giáo dục, bảo vệ thính giác và ngưng hút thuốc lá. Nâng cao nền giáo dục và tầm mức trí thức, có thể giảm 8% con số những trường hợp bị bệnh cuồng điên. Bảo vệ thính giác trong lớp tuổi 45 đến 65 sẽ giảm 9% những trường hợp bệnh Alzheimer trong số người già và bỏ hút thuốc lá ở lớp người trên 65 tuổi sẽ giúp giảm bớt thêm 5% nữa.

Các nhân tố khác cần theo dõi là cao huyết áp, mập phì, bệnh trầm cảm, bệnh lười biếng không hoạt động thể thao thể dục, khuynh hướng tự cô lập và bệnh tiểu đường.

Ê kíp các khoa học gia thực hiện cuộc nghiên cứu này khẳng định rằng nếu loại bỏ tất cả những nhân tố gây hại nói trên đây, người ta sẽ tránh được 1/3 các trường hợp bị bệnh điên, nhất là bệnh lẫn Alzheimer. Giáo sư Gill Livingston, thuộc đại học London Anh quốc, trưởng nhóm chuyên gia khoa học nói trên, kêu gọi tiến đến gần một chương trình rộng lớn hơn nhằm ngăn ngừa con số các bệnh nhân bị xáo trộn tâm thần hay bị lẫn ngày càng gia tăng trên toàn thế giới hiện nay. 

(AFP 20.07.17)

Mai Anh

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Gia đình làm sạch môi sinh tâm hồn

Lời mở
Nhân kỷ niệm một năm công bố Thông điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc “Chăm sóc Ngôi Nhà Chung”, chúng ta sẽ tìm hiểu về cuộc khủng khoảng môi trường trên quan điểm đạo đức. Thật vậy, cho đến khi Thông điệp này ra mắt một năm trước đây, ngày 18.6.2015, thì cuộc đối thoại về môi trường chỉ đóng khung trong những ngôn từ về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Nhưng bây giờ thì ngôn ngữ của niềm Tin đã chính thức nhập cuộc. Thật vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại lời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Đặc biệt, các tín hữu Kitô nhận thấy rằng, các nghĩa vụ của họ đối với thiên nhiên và Đấng Tạo Hóa là thành phần đức Tin của họ” (Laudato Si’ số 64).
Vâng, khi quan tâm đến việc “Chăm sóc Ngôi Nhà Chung” là Trái Đất của chúng ta, Đức Giáo hoàng đã nói đến Thánh Phanxicô Assisi, là người khẳng định: “Nếu chúng ta tiếp cận thiên nhiên vạn vật và môi trường sống, mà không mở lòng ra trong thái độ kinh ngạc và chiêm ngưỡng; nếu chúng ta không nói với thế giới chung quanh bằng ngôn ngữ thân tình và đẹp đẽ, thì thái độ của chúng ta sẽ trở thành thái độ của một sở hữu chủ, chỉ biết tiêu thụ và bóc lột tài nguyên” (Laudato Si’ số 5). Hơn nữa, Đức Giáo hoàng Phanxicô còn kêu gọi mọi người theo đuổi một nền sinh thái toàn diện, biết xem xét các vấn đề trong thế liên kết hỗ tương về mọi phương diện: môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và đạo đức. Một nền sinh thái như thế đòi hỏi một tầm nhìn, là nghĩ đến các giải pháp toàn diện cho cả khủng hoảng về môi sinh lẫn nhân văn. Trong đó, “Làm sạch môi sinh tâm hồn” là rất quan trọng.
“Làm sạch môi sinh tâm hồn”
“Làm sạch môi sinh tâm hồn” chính là chúng ta làm sạch từ bên trong ra bên ngoài, từ nội tâm ra ngoại giới. Nhưng thực ra, cái bên ngoài mới khiến chúng ta đặt vấn đề về cái bên trong. Ai trong chúng ta cũng nhớ đoạn Tin Mừng nói về việc các người Pharisêu chất vấn Chúa Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” (Mc 7,5). Theo tập tục của Do Thái, người ta phải rửa tay trước khi ăn, đó là vấn đề sạch dơ theo nghĩa thiêng liêng. Chúa Giêsu và các môn đệ khi đi rao giảng, đã tiếp xúc với những người ngoại giáo, nên bị xem là ô uế, thì lại càng phải rửa tay, càng phải làm nghi thức thanh tẩy. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời một câu đầy ấn tượng: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 15.21-23).
Hóa ra là, những hành động bên ngoài xuất phát từ những suy nghĩ ở bên trong; những tâm tư ẩn sâu bên trong con người lại được thể hiện ra bên ngoài qua những hành vi, lời nói và hành động. Thật vậy, Chúa Giêsu là Đấng Khôn Ngoan đã nhìn thấu tâm can con người khi bảo rằng: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28). Ngài coi trọng những ý định ở trong lòng con người, đó là nguồn gốc của những hành động bên ngoài. Cho nên, thế giới nội tâm rất quan trọng, nó làm nên chính con người chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta phải làm sạch môi sinh bên trong thì môi sinh bên ngoài mới sạch sẽ. Thật vậy, cái chết của linh hồn thì đáng sợ hơn cái chết của thân xác, sự sống của linh hồn mới đáng quý hơn sự sống của thân xác; bệnh tật thể lý đưa tới cái chết của thân xác, nhưng chưa đáng sợ bằng bệnh tật của tâm hồn, tức là tội lỗi, sẽ đưa con người tới cái chết đời đời.
“Hoán cải về môi sinh”
Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố rõ ràng rằng Laudato Si’, từ nay sẽ được đưa vào nội dung giáo huấn xã hội của Giáo hội” (Laudato Si’ số 15). Theo đó, Thông điệp này là hình thức giáo huấn ở mức cao nhất của thẩm quyền Giáo hội, chỉ sau Phúc Âm và các Công đồng. Bởi lẽ, theo Đức Thánh Cha: “Vấn đề không phải là về môi trường nhưng thường là vấn đề đạo đức”. Ngài kêu gọi các Kitô hữu hãy “Hoán cải về môi sinh” để bảo vệ công trình sáng tạo của Thiên Chúa, hãy yêu quý “Mẹ Thiên Nhiên” bằng cách thay đổi lối sống. Vì thế, chúng ta hãy “Làm sạch môi sinh tâm hồn” bằng những hành động thiết thực sau đây:
Lắng nghe tiếng Chúa
Người Kitô hữu “Làm sạch môi sinh tâm hồn” cần phải có hành động bên ngoài, mà hành động đầu tiên và căn bản nhất là cầu nguyện, để lắng nghe tiếng Chúa. Chẳng hạn, chúng ta đến nhà thờ để hiệp dâng Thánh lễ và lắng nghe Lời Chúa. Chúng ta dành một khoảng lặng để ngồi bên Chúa, ít là 15 phút hay nửa tiếng mỗi ngày, để gặp gỡ và tâm sự với Chúa. Bởi vì, “Làm sạch môi sinh tâm hồn” chính là lúc chúng ta không chỉ nạp năng lượng tinh thần mà còn để Thần Khí Chúa thanh luyện tâm hồn chúng ta.
Theo tiếng lương tâm
Môi sinh tâm hồn còn liên quan đến vấn đề lương tâm. Chính nó đem đến sự sống hay cái chết của linh hồn. Lương tâm được thể hiện ra bên ngoài qua những hành vi, cử chỉ và lời nói trong đời sống hằng ngày. Vì thế, “Làm sạch môi sinh tâm hồn” là chúng ta hành động theo tiếng lương tâm mách bảo, như: làm lành lánh dữ, thực thi bác ái, giúp đỡ người thiếu thốn, bênh vực kẻ cô thế… Nếu chúng ta nói “Làm sạch môi sinh tâm hồn” mà chúng ta không thi hành những việc bên ngoài, theo tiếng nói của lương tâm, thì cũng vô ích mà thôi! Bởi lẽ, con người là một thể thống nhất giữa hồn và xác: thân xác là cái bên ngoài, và tâm hồn là cái bên trong.
Gia đình “Làm sạch môi sinh tâm hồn”
Gia đình “Làm sạch môi sinh tâm hồn” chính là tích cực cổ vũ và bồi đắp cho nền “Văn minh tình thương và Văn hóa sự sống”.
“Văn minh tình thương”
Trong “thế giới” của Laudato Si’ không có chỗ cho thói ích kỷ hay dửng dưng. Chúng ta không thể chăm sóc thiên nhiên “nếu cõi lòng chúng ta thiếu sự nhân hậu, lòng thương xót và quan tâm đến người đồng loại của chúng ta” (Laudato Si’ số 91). Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hãy "xóa bỏ sự thờ ơ, vô cảm, đánh mất cảm xúc…" (x. Misericordiae Vultus số 15). Một xã hội vô cảm là một xã hội đang giẫy chết! Một cuộc sống vô cảm là một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt. Nhà văn Nga đã từng nói: "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương". Con người sống mà không có tình thương thì chẳng khác chi con vật, như cái xác không hồn, tồn tại giữa dòng đời một cách vô nghĩa, và sẽ chết dần mòn trong cô đơn, lạnh lẽo. Thế nên, chúng ta hãy tích cực chống lại "căn bệnh vô cảm", phải sống có tình thương, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng; đặc biệt Đức Thánh Cha Phanxicô đã lặp đi lặp lại lời kêu gọi phải quý trọng “phẩm giá lớn lao của người nghèo” (Laudato Si’ số 158).
Chuyện kể rằng: Một người đàn ông, trong lúc đang chùi cho láng chiếc xe hơi của anh ta, thì đứa con trai 4 tuổi của anh nhặt một hòn đá và rạch vào bên hông xe. Trong cơn tức giận, anh ta chụp lấy tay đứa con trai và đánh vào tay nó nhiều lần mà không nhận ra rằng anh ta đang đánh bằng cái mỏ lết.
Tại bệnh viện, đứa bé mất hết các ngón tay vì xương thịt dập nát. Với đôi mắt đau buồn, nó hỏi: “Bố ơi, các ngón tay con đâu rồi?”. Anh ta rất đau lòng, không nói nên lời và trở lại bên chiếc xe, đá liên tục vào nó nhiều lần. Anh chợt nhận ra, vết xước trên hông xe chính là dòng chữ: “Bố ơi, con yêu Bố!”. Ngày hôm sau, người đàn ông tự tử…
Giận dữ và yêu thương không có giới hạn, hãy chọn Yêu Thương để có một cuộc sống xinh tươi và đẹp đẽ. Đồ vật được sản xuất để sử dụng và con người được dựng nên để Yêu Thương. Vấn nạn của một phần thế giới hôm nay chính là: Con người bị sử dụng, còn đồ vật thì được Yêu Thương!
“Văn hóa sự sống”
Thông điệp Laudato Si’ chỉ ra nguyên nhân gây thảm họa môi trường chính là hậu quả của cách sống “Văn hóa đào thải và loại trừ” (Laudato Si’ số 22). Nghĩa là mọi thứ đều có thể trở thành rác thải vì người ta đặt lợi nhuận như kinh tế, chính trị của phe nhóm làm nền tảng hành xử. Điều đó cho ta hiểu được tệ nạn phá thai liên kết với thảm họa môi trường như thế nào, vì cách hành xử với vạn vật biến thành cách hành xử với chính con người. Người ta xem mạng sống của người khác như là rác thải khi không phục vụ cho lợi ích của họ: “Việc buôn bán hay sử dụng các bộ phần cơ thể của người nghèo, hoặc việc ‘quăng’ đi các em bé, chỉ vì không đáp ứng đươc các mong muốn của cha mẹ chúng. Đấy là cách suy nghĩ ‘sử dụng và quăng đi’, tạo quá nhiều rác thải, gây ra do khao khát vô độ, tiêu thụ nhiều hơn cái con người cần thiết” (Laudato Si’ số 123).
Trong Thông điệp Tin Mừng Sự Sống (Evangelium Vitae) số 92, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Hãy cổ vũ và xây dựng nền văn hóa sự sống để chống lại nền văn hóa sự chết”. Văn hoá sự chết là nền văn hoá trong đó người ta cổ vũ tất cả những gì đi ngược với giá trị sự sống. Nền văn hoá này làm cho nhiều người chỉ nghĩ đến vật chất để chiếm hữu càng ngày càng nhiều, đến dục vọng để thoả mãn càng ngày càng cao, khiến cho sự sống toàn diện của con người bị nguy hiểm và tổn thương do các tệ nạn nghiện ngập khác, như: thuốc lá, rượu bia, ma tuý, cờ bạc. Từ thái độ sống buông thả theo dục vọng, con người tiến đến việc sử dụng các phương pháp ngừa thai bất chính, phá thai, giết người, buôn bán hàng giả, hàng độc hại, làm thương tổn đến sự sống thể lý của chính mình và người khác.
Thế nên, để loại trừ “Văn hóa sự chết”, “Văn hóa đào thải”, các gia đình Công giáo chúng ta phải tích cực cổ vũ và xây dựng nền “Văn hóa sự sống”. Cổ vũ nền “Văn hoá sự sống” bằng những hành động cụ thể và thiết thực trong đời sống hằng ngày, như cố gắng “chỉ nghĩ điều tốt đẹp, chỉ nói lời chân thành, chỉ làm việc chính đáng”, vì sự sống là tất cả những gì có giá trị tích cực được Thiên Chúa tạo dựng. Ngài chỉ muốn chúng ta được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).
Lời kết
“Làm sạch môi sinh tâm hồn” bắt đầu từ bên trong, vì bên trong tỏ lộ ra bên ngoài. Nếu mỗi cá nhân giữ sạch sẽ, thì môi trường gia đình ấy sẽ sạch. Nếu mỗi gia đình đều sạch, thì cả quốc gia sẽ sạch. Nếu mỗi quốc gia đều sạch, thì cả thế giới được sạch. Đúng như lời Đức Khổng Tử: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Linh mục James Martin, S.J. - biên tập viên tự do của tạp chí America - đã tóm tắt Thông điệp mới của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài viết Mười điểm “rút ra” từ Laudato Si’Trong đó, ngài viết: Chúng ta có thể thức tỉnh tâm hồn mình và hướng tới việc “Hoán cải về môi sinh”. Nhờ đó, chúng ta thấy được sự liên kết mật thiết giữa Thiên Chúa và mọi sinh vật, để sẵn sàng lắng nghe “tiếng kêu cứu của trái đất và tiếng khóc than của người nghèo” (Laudato Si’ số 49).
Xin Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót, cất khỏi chúng con trái tim chai cứng và ban tặng cho chúng con trái tim mềm mại của Chúa, trái tim biết yêu thương, để chúng con biết thổn thức, biết “chạnh lòng thương” trước những hoàn cảnh đáng thương, trước những mảnh đời bất hạnh, để chúng con mau mắn ra tay trợ giúp họ; nhất là, xin cho chúng con biết yêu thương tất cả những người thân yêu trong gia đình chúng con, không loại trừ một ai; bởi vì “Tình thương bắt đầu từ trong gia đình” (Charity begins at home). Amen.
Giuse Nguyễn Văn Quýnh

Đại học Al Azhar triệu tập một “Hội Nghị Quốc Tế “về Jerusalem


Sau những căng thẳng ở khu đền thờ Hồi Giáo al-Aqsa, Đại Học Al Azhar triệu tập một “Hội Nghị Quốc Tế “về Jerusalem.

(News.va) Tin từ Cairo -Trường Đại Học Al Azhar, một trung tâm dạy thần học nổi tiếng nhất của phái Hồi Giáo Sunni vừa công bố quyết định triệu tập một hội nghị quốc tế về Jerusalem vào tháng Chín năm tới để thảo luận với “các tổ chức và các giáo phái quan trọng” về tình trạng hiện tại và tương lai của Đất Thánh, vì những căng thẳng bắt đầu mới nảy sinh quanh khu vực đền hồi giáo Al-Aqsa và các Đền Thánh Hồi Giáo. 

Trong một tuyên bố mới đây được đưa ra bởi các phương tiện truyền thông Ai Cập, Al Azhar cho rằng những biện phát được thực hiện trong những ngày qua của chính quyền Israel đã không “căn cứ vào nguyên tắc nhân bản hay dân sự nào.” Tuần trước, trường Đại Học của phái Sunni này đã kêu gọi cộng đồng thế giới hãy tiếp tục đứng ngoài những biện pháp được coi là “những hành động hiếu chiến” của nhà nước Israel.

Cuộc căng thẳng mới quanh khu đền thờ Hồi Giáo đã leo thang bắt đầu bằng một cuộc tấn công vũ trang tại khu vực này vào ngày 14 tháng Bẩy với ba người Plalestin mang bom tự sát, gây nên cái chết cho hai binh sĩ Israel. Đặc biệt việc lắp đặt hệ thống rà xét kim loại tại các cửa vào quanh khu đền thờ cũng tạo phản ứng, châm ngòi cho những xung khắc. Từ đó đã có sự gia tăng bạo lực khắp vùng Đất Thánh với ít nhất là sáu người chết tại Jerusalem và mạn Bờ Tây. 

Các cuộc căng thẳng quanh khu vực Đền Thờ Hồi Giáo ở Jerusalem cũng có nguyên nhân từ cuộc tấn công vào đại sứ quán của Israel ở Ammam gây nên cái chết cho hai người Jordan và một binh sĩ Israel bị thương nặng. 

Hội nghị quốc tế lần vừa qua cũng do Azhar tổ chức có chủ đề là “Hội Nghị Quốc Tế về Hòa Bình”, kết thúc vào 28 tháng Tư với bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. 

Giuse Thẩm Nguyễn

Pháp: Kỷ niệm một năm ngày cha Jacques Hamel bị khủng bố Hồi Giáo sát hại


(News.VA) Tin từ Rouen. Thấm thoát đã đúng một năm kể từ buổi sáng ngày 26 tháng Bẩy năm 2016 khi Cha Jacques Hamel, 84 tuổi, đang dâng lễ tại nhà thờ Thánh Etienne du Rouvary, Normandy đã phải chết một cách đau đớn do bị cắt cổ. Hai tên khủng bố đã đột nhập vào nhà thờ khi cha đang lễ, giết chết vị chủ tế ngay tại bàn thờ, làm bị thương ba tín hữu và bắt đi hai nữ tu làm con tin trong khi vị nữ tu thứ ba đã trốn thoát và gọi cho cảnh sát. Cảnh sát đã đến kịp thời và những tên sát nhân đã phải đền tội.

Ngày mai là đúng một năm tưởng nhớ ngày bi thảm đó. Đức Tổng Giám Mục của Rouen, Dominique Lebrun, sẽ cử hành thánh lễ cầu nguyện cho cha Hamel cũng tại nhà thờ này, cũng vào lúc 9 giờ sáng như giờ lễ do cha Hamel cử hành mỗi sáng, với sự tham dự của đông đảo của các tín hữu và hãng truyền hình địa phương. Về phía chính quyền Pháp, người ta thấy Tổng Thống Macron, Thủ Tướng và Bộ Trưởng Nội Vụ Pháp đã tham dự buổi lễ tưởng niệm cha Jacques Hamel. Riêng Tổng Thống đã đọc một bải diễn văn dài tưởng niệm vị Linh Mục bị khủng bố sát hại. Tổng Thống nói: "Những kẻ khủng bố đã giết chết cha Hamel, nhưng bọn chúng không làm cho dân chúng Pháp sợ hãi hơn."

Tòa Tổng Giám Mục cũng cho hay, sẽ có bốn bức hoa văn được đặt trước thánh giá, nến phục sinh, bàn thờ và ảnh Đức Trinh Nữ Maria. Chính quyền địa phương Etienne-du-Rouray cũng trưng bày một bức tượng hình để vinh danh vị linh mục người Pháp bị giết.

Vào buổi chiều lúc 6 giờ, tại nhà thờ chính tòa Đức Bà Phù Hộ sẽ có phần cầu nguyện trước mộ cha Hamel để cầu nguyện cho ngài. Nhiều cộng đồng khác cũng sẽ tổ chức tưởng nhớ cha Hamel và cầu nguyện cho hòa bình. Tổng Giám Mục của Marseilles, Georges Pontier, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp, trong thông điệp của ngài nhân ngày giỗ đầu của cha Hamel đã nhấn mạnh rằng “Đó là một việc kinh hoàng, chúng ta không nói lên lời.” Trích dẫn lời của chị cha Hamel nói rằng trước hết anh trai linh mục là “một người trong số mọi người. Một người như bao người bị giết, một linh mục bị giết đã trở nên biểu tượng của một cuộc đời sống với người khác, sống cho người khác, một cuộc sống hằng ngày trung thành, một cuộc sống đâm rễ trong tình yêu của Đấng đã tự hạ mình để trở thành một người trong chúng ta vì yêu, Chúa Giêsu Kitô. Một cuộc sống như thế đã trở nên khuôn mẫu và khích lệ cho mọi người.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho phép mở hồ sơ phong thánh cho cha Hamel vào ngày 13 tháng Tư năm 2017, chỉ vài tháng sau khi cha bị giết.

Giuse Thẩm Nguyễn

Án phong chân phước cho cha Jacques Hamel

Một năm sau cái chết của Linh Mục Jacques Hamel. Phỏng vấn ĐC Dominique Lebrun, TGM Rouen

Cách đây một năm ngày 26 tháng 7 năm 2016 Linh Mục Jacques Hamel, cha sở giáo xứ Saint- Etienne- du -Rouvray thuộc tổng giáo phận Rouen, đã bị một người hồi ám sát, khi đang dâng thánh lễ ban sáng. Cha Hamel đã là một linh mục gương mẫu ngoại thường. Ngài yêu thương tất cả mọi người và nói với mọi người qua sự đơn sơ đã khiến cho ngài trở thành một linh mục đại đồng. Cách đây 3 tháng tổng giáo phận Rouen đã bắt đầu làm án phong chân phước cho cha.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến quý vị bài phỏng vấn ĐC Dominique Lebrun, TGM Rouen, dành cho nhà báo Charles Pechpeyrou về con người của cha Hamel và án phong chân phước cho cha.

Hỏi: Thưa ĐC, ĐC đã sống năm vừa qua như thế nào, sau vụ cha Jacques Hamel bị ám sát?

Đáp: Tôi đã sống nó như thời gian tang chế với các chặng của nó: đám táng cha Hamel, cuộc gặp gỡ với ĐTC Phanxicô, và việc tái mở nhà thờ giáo xứ Saint-Étienne-du-Rouvray ngày mùng 2 tháng 10 năm ngoái. Thế rồi cũng đã có nhiều cuộc gặp gỡ với gia đình, cộng đoàn hồi giáo, giáo xứ và các nạn nhân. Khi bước tới trong năm phụng vụ tôi đã tự hỏi: điều gì xảy ra trong giáo xứ Saint-Étienne-du-Rouvray vào lễ Giáng Sinh, Thứ sáu Tuần Thánh, lễ Phục Sinh, trong ngày tôi phong chức Phó tế cho một người trẻ ứng viên Linh Mục tên là Julien Hamel? Cái gì xảy ra hôm nay trong ngày kỷ niệm một năm cha Hamel bị ám sát?

Hỏi: Cha Hamel đã trở thành một phần cuộc sống thường ngày của ĐC, có phải thế không?

Đáp: Phải. Cha Hamel và cái chết của cha đã trở thành phần ngày sống của tôi. Như quý vị có thể trực giác được, bây giờ cha đã chết rồi, nhưng cha Hamel lại vẫn còn sống hơn nữa. Gương mặt linh mục đơn sơ và mẫu mực của ngài gọi hỏi tôi như là mục tử và giám mục liên quan tới kiểu nhìn cuộc sống của các linh mục, về sự hữu hiệu mà các linh mục chờ đợi từ tôi. Tôi phải không ngừng hoán cải, đi từ đòi hỏi hữu hiệu này sang việc khâm phục sự phong phú của các linh mục. Và điều này hơi khác một chút: sự hữu hiệu hệ tại nơi ước muốn đạt được cái gì đó với các phương tiện của mình; còn sự phong phú, trái lại, bắt nguồn từ sự kiện chúng tôi là hai: đó là ơn thánh Chúa hoạt động nơi tôi, một cách theo tỷ lệ sự thánh thiện của chúng ta chứ không theo sự khéo léo và khả năng của chúng ta, được một cộng đoàn hay xã hội thừa nhận. Vâng, tôi có thể nói rằng điều đã xảy ra đã biến đổi tôi như là giám mục. Biến cố thê thảm được chia sẻ bởi các người khác cũng đã làm cho tôi gần gũi hơn với xã hội địa phương trong các thành phần khác biệt của nó: dĩ nhiên là với chính quyền Saint-Étienne-du-Rouvray và với các chính quyền các tỉnh khác trong vùng. Và từ nay trở đi tôi được cột buộc vào cộng đoàn hồi giáo và tất cả các cộng đoàn các tín hữu khác trong giáo phận của tôi. Tôi được cột buộc một cách mới mẻ với giáo xứ này, với nhóm mục vụ của nó, với cha sở của nó là người đến từ Cộng hoà dân chủ Congo. Qua họ tôi gần gũi hơn với các giáo xứ trong giáo phận của tôi và với hàng linh mục trong sự khác biệt của nó.

Hỏi: Ngày nay một năm sau vụ ám sát ĐC định nghĩa cha Hamel như thế nào?

Đáp: Cha là một linh mục đơn sơ và gương mẫu. Có lẽ ngài gương mẫu bởi vì đơn sơ. Khiá cạnh thứ hai là cái chết của cha, một cái chết ngoại thường, giống như cái chết của một vị tử đạo, cái chết của Chúa Giêsu, nghĩa là giống một người vô tội trao ban mạng sống cho Thiên Chúa, và đã bị giết khi thánh hiến mình cho Thiên Chúa. Điều này còn là cái gì mới mẻ đối với tôi, nó ở trong tình trạng thai nghén, chưa sinh hoa trái, và còn khiến cho tôi ngạc nhiên; và trong một nghĩa nào đó nó không còn thuộc về tôi nữa. Sẽ cần phải có thời gian, điều này tuỳ thuộc nơi cách mà dân Chúa sống, nhưng cũng tuỳ thuộc dư luận công cộng trong nghĩa rộng hơn. Và nó cũng tuỳ thuộc điều Giáo Hội sẽ quyết định liên quan tới việc có phong chân phước cho cha Hamel hay không; vì nó không phải là cùng một chuyện, nếu cha Hamel bước vào trong việc sùng kính công cộng hay nếu ngài ở trong lời cầu nguyện bình thường và riêng tư của kitô hữu.

Hỏi: Liên quan tới điều này ĐC có thể cho chúng con biết tiến trình phong chân phước cho cha Hamel ra sao không?

Đáp: Lịch sử việc phong chân phước cho cha Hamel bắt đầu ngay sau cái chết của cha. Từ tử đạo đã được nhiều người nói lên, và được tìm thấy trong nhiều thư tôi nhận được. Đây là chính nền tảng của việc tuyên bố một vị thánh hay tử đạo, điều mà chúng ta gọi là hương thơm thánh thiện hay tử đạo. Thế rồi dĩ nhiên tôi cũng biết rằng tiến trình có thể chỉ được mở sau thời gian 5 năm từ cái chết của vị linh mục. Nhưng các việc đã thay đổi trong chuyến hành hương của giáo phận tại Roma hồi tháng 9 năm 2016: với các em gái của cha Hamel chúng tôi đã được mời tham dự thánh lễ của ĐTC Phanxicô tại nhà trọ thánh Marta ngày 14 lễ suy tôn Thánh Giá. Như quý vị đã biết, ĐTC đã nói lên các lời mạnh mẽ sau đây về cha Hamel: “Ngài là một vị tử đạo! Và các vị tủ đạo là các chân phước, chúng ta phải cầu nguyện với ngài”. Từ lúc đó cần phải biết điều này muốn nói lên cái gì. Cùng với ĐHY Angelo Amato, Tổng trường Bộ Phong Thánh, chúng tôi đã nghĩ tới việc xin ĐTC rút ngắn thời gian lại, nếu đó là ước muốn của ngài. Và đó là điều ĐTC đã làm, bằng cách chỉ dẫn là có lẽ cần tăng tốc thời gian để có được các yếu tố làm bằng chứng, là các chứng tá của các nạn nhân khác của vụ ám sát, trong đó có nhiều người cao niên. Vì thế tiến trình đã tiến nhanh, nhưng tôi cũng biết rằng, như một câu ngạn ngữ nói, một sự công bằng thanh thản cũng là một sự công bằng chậm chạp. Vì thế chúng tôi lấy thời gian cần thiết để các việc được làm không chỉ theo các điều lệ giáo luật, mà cũng với nhiều thanh thản nữa.

Hỏi: Như thế, tiến trình án phong đã tới đâu rồi thưa ĐC?

Đáp: Phiên họp đầu tiên đã diễn ra ngày 20 tháng 5 vừa qua, và toà án đã lắng nghe cho tới ngày hôm nay khoảng 10 trên 69 nhân chứng hiện diện trong phiên toà khai mạc, mặc dù toà án có khả thể triệu tập các nhân chứng khác nữa để bổ túc cuộc điều tra. Tôi liên lạc với cha Paul Vigouroux, thỉnh nguyện viên phong chân phước, nhưng tôi không tham dự các phiên toà và tôi lấy khoảng cách để công lý được diễn ra mà không có áp lực nào. Chắc chắn là kết qủa cuộc điều tra sẽ được gửi về Vaticăng nội trong vòng hai ba năm tới.

Hỏi: Thưa ĐC, trong trường hợp ĐTC tuyên bố cha Hamel là chân phước, việc sùng kính công cộng của Giáo Hội công giáo sẽ được phép. Nhưng chúng ta lại đã không đứng trước một tiếng vang vượt các biên giới được nuôi dưỡng bởi sự kiện cha Hamel đã là một linh mục đơn sơ, mà hình ảnh nói với từng người trong chúng ta hay sao ?

Đáp: Đó là điều được gọi là hương thơm thánh thiện hay tử đạo. Đây là điều kiện thứ nhất . Giáo Hội không truyên bố là chân phước ai đó đã không có hương thơm thánh thiện này. Và đó là điều gọi là “cảm quan đức tin”, điều mà dân Chúa, và một cách rộng rãi hơn nhân loại ngày nay, có thể cảm thấy từ tiếng vang đích thật này về sự thánh thiện của Thiên Chúa. Tôi trông thấy điều này qua các du khách viếng thăm nhà thờ chính toà Rouen, qua các người đến viếng thăm nhà thờ giáo xứ Saint-Étienne-du-Rouvray hay mộ của cha Hamel. Tôi cũng trông thấy nó trong các thư nhận được hay trong các cuộc gặp gỡ với những người bên ngoài. Thực ra sự đơn sơ của cha Hamel nói với tất cả mọi người: ngài đã là một linh mục công giáo, một linh mục đại đồng. Người ta nhớ gì về ngài? Rằng ngài đã rửa tội, cử hành các đám cưới, đã giảng dậy, đã dâng thánh lễ với lòng trung thành, đã hội nhập vào thành phố của ngài. Và đó cũng là điều một linh mục làm bên Australia, ben Kenya, bên Ấn Độ hay bên Mỹ châu Latinh. Ngài đã không phải là một linh mục của truyền thông, ngài đã là một linh mục giáo phận, một linh mục, thế thôi, và điều này nói với nhân loại.

Hỏi: Chúng ta hãy bước sang danh sách các thánh. Nếu cha Hamel được phong chân phước thì ĐC sẽ để cha bên cạnh vị thánh nào?

Đáp: Tôi chưa thể trả lời cho cho câu hỏi này, bởi vì tôi còn đang trong thời kỳ để tang, và tôi không dự phóng về tương lai. Suy tư duy nhất mà tôi đã làm thuộc trật tự thời gian. Giữa các thánh địa phương trong giáo phận Rouen của chúng tôi chúng tôi không có các thánh mới. Các thánh của chúng tôi thuộc thời giáo phận được thành lập vào thế kỷ thứ IV, vào thời các quân rợ xâm lăng, nói ngắn gọn là vào ngàn năm thứ nhất. Một trong các thánh nữ mới nhất là thánh Jeanne d’ Arc qua đời năm 1431. Có vài thánh mới hơn như thánh nữ Terêxa Hài Đồng Giêsu và thánh Jean Eudes. Do đó tôi mới tự nhủ là chúng tôi sẽ có thể có một thánh thuộc thời đại chúng ta.

Hỏi: ĐC có muốn thêm gì nữa không, đặc biệt trong các tháng cuối cùng này?

Đáp: Có thể nói rằng cái chết của cha Hamel đã là một biến cố vô cùng mạnh mẽ trên bình diện nhân bản và tinh thần. Trong một năm đã không bao giờ có các bất đồng liên quan tới cha Hamel như dọn dẹp hay làm trống căn hộ của ngài như thế nào, dâng thánh lễ ngày nào hay không dâng lễ, có cần phải lo lắng làm việc hay không, bởi vì từng người trong chúng tôi sống một cái gì đặc biệt: gia đình, giáo phận, các linh mục thuộc thế hệ của ngài, Giáo Hội tại Pháp, nhưng cả các cộng đoàn trong vùng và cộng đoàn hồi giáo nữa. Đã không có các ý kiến khác nhau nào trở thành xung khắc. Đây là điều hiếm có lắm. Cha Hamel gieo vãi hoà bình!

Linh Tiến Khải

Đức Tổng giám mục Ladaria Ferrer: “Giáo hội sẽ vô tích sự nếu khép kín trong chính mình”




WHĐ (26.07.2017) – “Giáo hội thật vô tích sự nếu khép kín trong chính mình”, đó là khằng định của Đức Tổng giám mục Luis Francisco Ladaria Ferrer, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 21-07 vừa qua, được phổ biến trên tuần báo Vida Nueva bằng tiếng Tây Ban Nha và được trang mạng Crux dịch sang tiếng Anh, Đức Tổng giám mục Ladaria đã nói về chức vụ mới của ngài trong Giáo triều Rôma.

Vị tân Bộ trưởng –trước đó là Thư ký của Bộ– được Đức Thánh Cha bổ nhiệm hồi đầu tháng này, đã tham dự Hội nghị quốc tế chuyên đề về Giáo lý diễn ra tại phân khoa thần học của Đại học Công giáo Buenos Aires, Argentina, từ ngày 11 đến 14 tháng Bảy.

“Giáo hội thật vô tích sự nếu đóng kín trong chính mình vì thiếu đi điều cốt yếu là loan báo Tin Mừng”, vị Tổng giám mục Tây Ban Nha khẳng định trong cuộc phỏng vấn. Giáo hội luôn mời gọi phải có “một cái nhìn toàn diện về con người”. “Đây là đặc tính của Giáo hội Công giáo: không phải là ‘hoặc yêu Chúa hoặc yêu người’, mà là ‘yêu Chúa và yêu cả con người’”.

Đức Tổng giám mục Ladaria nhấn mạnh: Đứng trước nhiều hoàn cảnh nghèo đói, chúng ta phải “hướng tới tất cả mọi thứ”. “Giáo hội Công giáo luôn có một nguyên tắc, không phải là nguyên tắc ‘hoặc là, hoặc là’, nhưng là nguyên tắc ‘và / với’. Đó là điều Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng ... ‘Và / với’ làm nên tính cách “công giáo”. 

Hài hoà sâu sắc với Đức giáo hoàng

Đức Tổng giám mục Ladaria cũng bày tỏ tâm tình về chức vụ mới của ngài: “Chẳng bao giờ tôi lại nghĩ là mình sẽ phục vụ ở Bộ Giáo lý Đức tin ... Tôi đang sống trong tâm tình hài hoà sâu sắc và tự nhiên với Đức giáo hoàng. Khi trao đổi với nhau, chúng tôi có cùng những mối quan tâm. Thật vậy, khi Đức Thánh Cha đề nghị với tôi chức vụ mà hôm nay tôi đang đảm nhận, tôi đã thưa lại: “Thưa Đức Thánh Cha, nếu cha đã nói thế, là đã quyết định rồi”.

Đức Tổng giám mục cũng nhấn mạnh giá trị của hình ảnh: “Vào thời Trung Cổ, thời của các đại thánh đường, người ta không biết đọc, chỉ có một vài giáo sĩ biết đọc thôi. Những chân lý đức tin đến từ hình ảnh: trong các nhà thờ, những tấm kính màu, tranh vẽ, bích họa. Đức tin đi qua con mắt. Người ta không biết đọc nhưng biết Chúa Giêsu là ai, Người là Chiên Vượt Qua và đó là hy lễ của Isaac”.

Ngài mong muốn những chân lý của đức tin “sẽ được thông truyền trong bối cảnh ngày nay” và ngài mời gọi mọi người hãy “sáng tạo”, tất cả mọi người, không chỉ các nhà thần học, mà cả các giáo lý viên, các vị mục tử trong Giáo hội.

(Zenit) 

Minh Đức

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Biến cố đau buồn: 160,000 người Đức bỏ đạo Công Giáo trong năm 2016


Gần một phần ba dân số Đức, tức là khoảng 23 triệu, người Đức là các tín hữu Công Giáo. Tuy nhiên, con số này đang giảm dần. Những số liệu thống kê vừa được Hội Đồng Giám Mục Đức công bố cho thấy có khoảng 160,000 người Công Giáo đã bỏ đạo chỉ riêng trong năm ngoái, 2016. 

Đức Hồng Y Gerhard Müller, người vừa bị bãi nhiệm khỏi chức vụ Tổng Trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin nhận xét rằng biến cố này thật là “bi thảm”. Là một người Đức, Đức Hồng Y Müller, bày tỏ âu lo của ngài về tình trạng Giáo Hội tại quê hương mình, và toàn bộ châu Âu.

“Sự tham gia tích cực vào các hoạt động của Giáo Hội bị giảm sút rất nhiều, việc truyền lại đức tin cho con cái không phải như là một lý thuyết nhưng là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô đã phai nhạt. Ơn gọi tu sĩ cũng xuống dốc.”

Bên cạnh sự bành trướng không kềm lại được của chủ nghĩa thế tục, Đức Hồng Y nhận định rằng có một xu hướng thậm chí còn nguy hiểm hơn. Châu Âu, đã và đang trải qua một tiến trình “de-Christianisation”, trong đó người ta cố gắng loại bỏ Kitô Giáo. 

“Đây là việc loại bỏ Kitô Giáo trên toàn bộ nhân học, trong đó con người được định nghĩa như một hữu thể không cần Thiên Chúa và hoàn toàn không có tính siêu việt. Tôn giáo được người ta cảm nghiệm như một thứ tình cảm, chứ không phải là việc tôn thờ Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Thế.” 

Trong một cuộc phỏng vấn với Il Foglio Đức Hồng Y Gerhard Müller cũng lên tiếng kêu gọi một cuộc thảo luận “thanh thản” về 5 điểm hồ nghi liên quan đến Tông Huấn Amoris Laetitia do bốn vị Hồng Y đưa ra. Ngài than thở rằng đã phải nghe quá nhiều những lời lăng mạ đối với bốn vị Hồng Y đưa ra 5 điểm hồ nghi.

Đức Hồng Y nói:

“Tôi không hiểu tại sao một cuộc thảo luận bình tĩnh và thanh thản không được bắt đầu. Tôi không hiểu đâu là những trở ngại. Tại sao không thể tổ chức một cuộc họp để nói chuyện cởi mở về những chủ đề rất căn bản này?”

“Cho đến nay tôi chỉ nghe thấy những vu khống và lăng mạ chống lại các vị Hồng Y. Nhưng đây không phải là cách để chúng ta tiến về phía trước”.

Chúng ta có khả năng đối thoại với các tôn giáo khác, kể cả Hồi Giáo, nhưng không thể đối thoại trong nội bộ với nhau thì thật là một điều chua chát.

Đặng Tự Do

Cảnh báo: Hàng tỷ tấn rác rưởi bằng nhựa plastic bị thải ra thiên nhiên


Hôm 19.07 vừa qua, tạp chí Hoa Kỳ có tên là Science Advances, Tiến bộ khoa học, đã công bố kết quả một cuộc nghiên cứu báo động rằng trái đất chúng ta hiện nay đang bị hàng tỷ tấn rác rưởi bằng nhựa plastic tràn ngập và tình trạng này ngày càng tệ hại hơn.

Các nhà khoa học thuộc đại học bang Georgia và California tham gia cuộc nghiên cứu nói trên kiểm thực rằng có khoảng 8,3 tỷ tấn đồ vật bằng plastic đã được chế tạo trong khoảng thời gian từ 1950 đến 2015, trong đó có 6,3 tỷ tấn đã trở thành rác rưởi rất khó tan rã vào thiên nhiên. Trong tổng số 6,3 tỷ tấn này, chỉ có 9% là được tái chế. 12% bị đốt và thiêu hủy, 79% còn lại bị chồng chất trong những kho chứa rác hoặc trong thiên nhiên, nhất là trong các đại dương. Mỗi năm có đến 8 triệu tấn rác bằng nhựa plastic bị đổ vào các đại dương.

Bà Jenna Jambeck, giáo sư phân khoa kỹ sư thuộc đại học Georgia, một trong các chuyên viên soạn thảo kết quả cuộc nghiên cứu nói trên khẳng định rằng “phần lớn các chất liệu plastic không tự phân hủy được, khiến cho chúng tiếp tục tồn tại sau hàng trăm năm dài, nếu không muốn nói là sau hàng ngàn năm. Những điều chúng tôi kiểm chứng được ở đây buộc chúng ta phải nghiêm chỉnh suy tư lại về các chất liệu chúng ta đang dùng và cách thức chúng ta xử lý rác rưởi mà chúng ta thải ra.

Hồi năm 1950, số lượng vật liệu bằng nhựa plastic thế giới sản xuất ra là 2 triệu tấn. Năm 2015, số lượng này lên đến 400 triệu tấn, cao hơn mọi loại chất liệu khác con người làm ra. Giáo sư Roland Geyer, chuyên dạy môn khoa học môi sinh tại đại học Santa Barbara ở California, nhân vật chủ đạo trong cuộc nghiên cứu này, nhận định rằng: Hơn một nửa các vật dụng bằng nhựa plastic trở thành đồ rác sau chỉ trên dưới 4 năm xử dụng. Điều mà chúng tôi cố gắng làm bây giờ là đặt ra những yếu tố nền tảng để xây dựng một chương trình quản lý các chất liệu xử dụng lâu dài. Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc bàn thảo hoạch định những chính sách cần thiết cho lãnh vực này, dựa trên những con số thu thập được cho đến nay.

Nhóm chuyên viên khoa học thực hiện cuộc nghiên cứu nói trên nhấn mạnh rằng họ không muốn loại bỏ việc chế tạo vật dụng bằng nhựa plastic trong nền kinh tế hiện nay, nhưng chỉ muốn khích lệ cuộc thảo luận về lãnh vực dùng và sản xuất vật liệu bằng plastic, đồng thời nghiên cứu lãnh vực tái chế. Bà Karra Lavender Law, chuyên viên nghiên cứu của hiệp hội giáo dục về biển khơi, chuyên tìm hiểu các đại dương, nhận định rằng: nhiều lãnh vực xử dụng đòi hỏi các vật dụng chế tạo bằng plastic và có thể kéo dài quy trình xử dụng rất lâu dài trong thời gian. Nhưng cần phải suy nghĩ lại về việc mở rộng lãnh vực xử dụng vật dụng bằng plastic và chúng ta phải tự hỏi là có nên chỉ dùng chất liệu này, hay là có thể dùng các chất liệu khác thay thế.

Việc tái chế chất plastic có thể mang lại lợi ích lớn, chẳng hạn như giảm bớt sức sản xuất chất plastic mới, nhưng đốt plastic để thiêu hủy lại là một việc gây nhiều hậu quả nguy hại cho môi trường thiên nhiên và cho sức khỏe con người. Hầu như tất cả các thể loại plastic hiện hành đều không thể tự hủy và sẽ khiến lượng rác rưởi plastic sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai.

Mặt khác, một số chuyên viên khoa học cũng đã lên tiếng báo động vì hiện tượng các vật dụng bằng plastic bị đổ vào đại dương sau một thời gian dài, biến dạng thành những mảnh plastic li ti chìm xuống đáy đại dương. Các loại thủy sinh thường hay nhầm lẫn các mảnh plastic li ti này như là thực phẩm, chúng ăn những mảnh ấy và tích tụ trong thân mình, rồi có thể chuyển sang loài người.

(AFP 19.07.17)

Mai Anh

Phong trào quốc tế công nhân công giáo kỷ niệm 50 năm thành lập

AVILA: Thách đố mới của Phong trào lao động công giáo quốc tế là tái truyền giảng Tin Mừng cho thế giới lao công.

Trên đây là kết luận của hội nghị Phong trào lao động công giáo quốc tế triệu tập tại đại học Thần Bí Avila bên Tây Ban Nha trong các ngày từ 15 tới 21 tháng 7 vừa qua, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập. Tham dự hội nghị đã có phái đoàn của 42 quốc gia cùng với nhiều giới chức chính quyền, các chuyên viên và các vị lãnh đạo các tổ chức và các nghiệp đoàn lao động công giáo. Mọi người cảm tạ Thiên Chúa về các thành quả Phong trào đã đạt được trong 50 năm đồng hành với các anh chị em công nhân và chia sẻ các vấn đề, các khó khăn, khổ đau và các buồn vui của họ. Trong sứ điệp gửi ĐGM Avila ĐTC Phanxicô đã mời gọi phong trào canh tân niềm hăng say đem Tin Mừng đến cho thế giới lao động để tiếng nói của các công nhân tiếp tục vang lên trong Giáo Hội, và tranh đấu để mọi người có thể sống phẩm giá của họ và không có ai bị loại trừ.

Ý thức được các hạn hẹp của mình Phong trào công nhân công giáo quốc tế muốn tiếp tục lớn lên và cộng tác với tất cả mọi thực tại khác nhằm xây dựng một thế giới công bằng liên đới và có thể chịu đựng nổi. Tất cả mọi công nhân công giáo vùng miền quốc gia và quốc tế đều được mời gọi góp phần thực thi sứ mệnh rao giảng Tin Mừng trong môi trường sống của mình. Phong trào cũng muốn thăng tiến tương quan giữa các phong trào và các sinh hoạt mục vụ khác nhằm đẩy mạnh việc đào tạo và duyệt xét cuộc sống trung thực với niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, học hiểu giáo huấn xã hội của Hội Thánh, phân tính tình trạng sống của các anh chị em công nhân vùng miền, tố cáo các tình trạng vi phạm quyền lợi của giới công nhân, bảo vệ phẩm giá của họ, thăng tiến các cơ may đồng đều cho các công nhân nam nữ trong mọi lãnh vực, đòi hỏi các chính quyền bảo đảm công ăn việc làm xứng đáng cho tất cả mọi người, một lương bổng xã hội hay trợ cấp xã hội để tránh cảnh hàng triệu nguời bị loại bỏ trong trường hợp không được bảo đảm công ăn việc làm. Sau cùng phong trào mời mọi người tham dự đại hội “Ngày quốc tế cho công việc xứng đáng” sẽ được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng 10 tới đây (FIDES 22-702917)

Linh Tiến Khải

Iraq: 15 bức tượng Đức Mẹ Lộ Đức mới thay thế cho các tượng đã bị phá hủy


WHĐ (24.7.2017) – Từ ngày 20 đến 25 tháng Bảy, tại nhiều ngôi làng và thị trấn của Cánh đồng Nineveh thuộc Iraq, nơi trước đây có rất đông Kitô hữu sinh sống, 15 bức tượng Đức Mẹ Lộ Đức mới sẽ được thay thế cho các bức tượng đã bị quân IS phá hủy trong ba năm qua, khi khu vực này còn nằm trong sự kiểm soát của lực lượng tự xưng là Nhà nước Hồi giáo.

Tại Qaraqosh, Telkaif, Alqosh, Karamles và những nơi khác của Cánh đồng Nineveh, việc đặt lại những bức tượng này được các Kitô hữu hiện diện coi như một dấu chỉ an ủi của sự dần dần trở lại cuộc sống bình thường, với những buổi cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ.

Sáng kiến ​​trên đây có thể thực hiện được là nhờ sự can thiệp của Hiệp hội Công giáo Pháp L’Oeuvre d’Orient, sau khi cha Pascal Gollnish, Tổng giám đốc Hiệp hội, trong một chuyến viếng thăm khu vực này đã chứng kiến ​​rất nhiều thánh giá, tượng Đức Mẹ và tượng Chúa Giêsu bị phá hủy ở những quốc gia ở dưới tay quân IS trong ba năm qua.

Tháng Ba vừa qua – theo báo cáo của truyền thông chính thức của L’Oeuvre d’Orient – mười lăm phiên bản bức tượng Đức Mẹ Lộ Đức, được Đức cha Nicolas Brouwet, giám mục Tarbes và Lộ Đức, làm phép, đã được chở thẳng từ Lộ Đức đến Cánh đồng Nineveh. Nghi thức đặt tượng tại các giáo xứ, các Đền thánh và các khu vực trong thành phố có sự tham dự của các giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân; nhiều người trong số này mới trở về quê nhà sau ba năm tị nạn. Nay người Kitô hữu ở các thành phố và ngôi làng này lại có thể cầu nguyện trước Đức Mẹ Lộ Đức, Đấng đã cho họ sức mạnh trong những năm sống đời lưu vong.

(Agenzia Fides)

Minh Đức