Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

CHÚC MỪNG LỄ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU - Bổn mạng Giáo khu 3 và Ca đoàn Têrêsa



"Lạy Chúa Giêsu, con mong ước được yêu mến Chúa 
như chưa từng bao giờ Chúa được yêu mến như thế. 
Con ước mong làm cho mọi người cũng yêu mến Chúa như thế "

Chương trình Cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới bằng kinh Môi Côi


Các bạn thân mến,

      Chúng ta đang sống trong một thế giới thật đang rất bất an vì những xung đột diễn ra khắp nơi ở tất cả các khía cạnh của cuộc sống, từ chính trị, kinh tế, cho đến tôn giáo, từ xã hội đến gia đình và trong chính bản thân mỗi người chúng ta.

Hơn bao giờ hết, việc cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới là điều hết mực khẩn thiết. Hưởng ứng lời mời gọi cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới của Đức Thánh Cha Phanxicô và của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình, chúng tôi nguyện ước phát động chương trình cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới bằng kinh Môi Côi.


Kinh Môi Côi là một trong những phương thế hiểu quả nhất trong việc cầu nguyện cho Hòa bình mà Đức Mẹ đã nhắc nhở cho nhân loại qua ba trẻ mục đồng tại Fatima năm 1917.

Tin tưởng nơi lòng quảng đại của các bạn,  chúng tôi mời gọi các bạn thực hiện một quyết tâm: 

     Lần một chuỗi Môi Côi mỗi ngày trong tháng 10 này với ý cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới.

     Để tỏ một thiện chí tham gia chương trình này, chúng tôi mời bạn (nếu được) hãy viết một lời cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới.  

      Lạy Mẹ Maria, với những lời kinh đơn sơ mọn hèn dâng lên Mẹ, chúng con nguyện xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa ban cho Thế giới chúng con sự Bình An đích thực.

        Lạy Chúa, chúng con nguyện dâng Thế giới đau thương và nhiều bất an trong bàn tay quan phòng yêu thương của Chúa. Xin ban cho chúng con sự Bình an mà Chúa đã ban cho các Tông đồ khi xưa. Amen.




Nguồn: http://dongten.net/noidung/41471

Thư Mục Tử số 2 - Tháng 10/2014: Tràng hạt Mân Côi, trường học Tin-Cậy-Mến

THƯ MỤC TỬ SỐ 2 - THÁNG 10/2014
TRÀNG HẠT MÂN CÔI
TRƯỜNG HỌC TIN CẬY MẾN

 
Kính gởi anh em linh mục,
các nam nữ tu sĩ, chủng sinh,
và toàn thể anh chị em giáo dân.
Anh chị em thân mến,
1.   Chúng ta bước vào tháng Mân Côi, rất quan trọng đối lòng đạo đức bình dân trong Giáo hội Chúa Kitô tại Việt Nam. Tôi muốn nhân cơ hội này ngỏ lời với anh chị em về ý nghĩa sâu xa và đặc tính thực tế của việc lần hạt Mân Côi. Với ước mong từ nay về sau, anh chị sẽ thực hành tốt hơn việc đạo đức được ưa chuộng và rất hữu ích cho đời sống đạo của chúng ta.
Tất cả chúng ta đều là những tín hữu Kitô, những người tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Niềm tin ấy là một hồng ân, không phải ai cũng có, mà chỉ những người được Chúa ban cho và mở lòng đón nhận. Là một hồng ân rất lớn, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chúng ta, như lời sứ thần Gabriel chào Đức Mẹ: “Mừng vui lên hỡi đấng đầy ân sủng!” (Lc 1,28). Hay lời của bà Elisabeth nói với Mẹ: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).
Đức tin ấy được ban cho ta nhờ Chúa Thánh Thần, vì chính Thánh Thần khơi dậy đức tin nơi chúng ta như lời thư 1 Côrintô: “Không ai có thế nói Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (lCr 12,3). Chúa Thánh Thần không chỉ khơi dậy đức tin nơi chúng ta một lần duy nhất, rồi bỏ đó, nhưng Ngài không ngừng khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin của chúng ta bằng nhiều cách thức khác nhau.
2.   Một trong những cách mà Ngài ưa thích là tràng hạt mân côi của Mẹ Maria, vì đó là cách mà người tín hữu dễ thực hành để cộng tác với ơn Chúa. Nhờ cách này mà những mầu nhiệm chính trong Đạo của Chúa Giêsu được khơi dậy trong lòng chúng ta để chúng ta tin, những nét chính yếu của cuộc đời và con người Chúa Giêsu được giới thiệu để chúng ta chiêm ngắm cùng với Mẹ Maria. Nhờ tràng hạt mân côi, đức tin không những được khơi dậy, mà còn ‘được củng cố’ vững bền nơi tâm hồn chúng ta. Các mầu nhiệm đức tin được tuần tự nhắc lại ở mỗi đầu chục kinh kính mừng, sẽ thấm dần vào tâm hồn nhờ các kinh kính mừng như những nốt nhạc đệm linh thiêng đưa các mầu nhiệm của Chúa Giêsu vào trong tâm trí chúng ta.
Các mầu nhiệm ấy là Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô được thu gọn, là nội dung tóm tắt của Lời Chúa, có kèm theo ánh sáng và sức mạnh của tác giả là Chúa Thánh Thần, sẽ nuôi dưỡng đức tin của chúng ta cách tốt đẹp và sâu xa nhất. Sau khi đã hướng chúng ta đến chiêm ngắm mầu nhiệm, Giáo hội còn dạy cách thực hành đức tin, gợi ý cho chúng ta cầu xin những điều hết sức đơn sơ nhưng cơ bản, như “xin ơn khiêm nhường, yêu người, khó nghèo”. Cuối cùng chúng ta cũng đươc Chúa Thánh Thần thúc giục truyền bá đức tin, cùng với Mẹ Maria và các Kitô hữu khác, loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô cho mọi người.
3.      Tràng hạt mân côi của Mẹ Maria không những là trường học đức tin, mà còn là trường học lòng mến. Mặc dù bên ngoài có vẻ như hướng về Mẹ Maria, thực sự việc lần hạt mân côi hướng lòng chúng ta đến với Chúa Giêsu qua Mẹ Maria. Cùng với Mẹ Maria, chúng ta dâng trái tim và lòng trí chúng ta cho Chúa Giêsu, ước ao chiêm ngắm và kết hợp với Người. Kinh nghiệm cho ta thấy rằng vừa cầm xâu chuỗi và bắt đầu lần hạt, ta đã được “thêm lòng yêu mến Chúa” rồi. Cầm tràng hạt mà lòng ta nghĩ tới Chúa và gắn bó với Chúa, thì đã đạt mục tiêu của đời sống Kitô hữu. Có gì tuyệt diệu bằng!
Chúng ta nên biết rằng giới răn thứ nhất “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn” (Mt 22,37) là điều quan trọng nhất trong Kitô giáo và cũng là điều khó nhất. Mẹ Maria là người đã đạt đến tuyệt đỉnh của tình yêu sẽ giúp ta, chỉ cách cho ta. Có ai yêu mến Chúa bằng Mẹ Maria? Lòng mến Chúa của chúng ta làm cho Đức Mẹ vui sướng. Mẹ cầu xin cùng Chúa Thánh Thần cho ta. Và chỉ có Chúa Thánh Thần, Đấng vừa là Tình yêu của Thiên Chúa, vừa là ‘ơn thông hiệp’, mới có thể gắn bó chúng ta với Chúa Giêsu, để chúng ta cùng với Chúa Giêsu gắn bó với Chúa Cha trên trời.
Tràng hạt mân côi còn là trường học đức ái dành cho tha nhân. Chính tràng hạt mân côi sẽ giúp chúng ta noi gương bác ái của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, giúp ta đạt ước nguyện sâu xa của Kitô hữu biểu lộ trong kinh hoà bình của thánh Phanxicô: đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
4.   Lần hạt mân côi đều đặn cũng là một cách nuôi dưỡng niềm hy vọng Kitô giáo. Chúng ta tập trông cậy vào Chúa, tập tin tưởng vào Chúa nhờ thường xuyên tiếp xúc với Chúa. Tràng hạt mân côi của Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta kiên trì, và như lời Chúa nói, "ai kiên nhẫn đến cùng sẽ được cứu rỗi”, được giải thoát khỏi ách nô lệ ma quỷ, thế gian và xác thịt, đạt tới sự sống viên mãn đời đời trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
Cầm tràng hạt mà lòng hướng về Mẹ Maria, tâm hồn của chúng ta sẽ được bình an, vì Mẹ là ‘Nữ Vương ban sự bình an’, Mẹ sẽ giúp cho chúng ta phó thác mọi sự vào trong tay Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Kinh mân côi vừa là kinh nguyện của người nhỏ bé, hèn mọn, yếu đuối nhất, vừa là kinh nguyện của tâm hồn chiêm niệm sâu xa nhất.
5.   Anh chị em thân mến, tôi được Tòa Thánh mời sang Rôma để tham dự Thượng Hội Đồng ngoại thường của các Giám mục thế giới về Đời sống gia đình đang gặp nhiều thử thách nghiêm trọng. Thượng Hội Đồng cần lời cầu nguyện của anh chị em. Đức Thánh Cha và các Giám mục chúng tôi cần lời cầu nguyện của anh chị em. Khi lần hạt mân côi, anh chị em hãy thương cầu nguyện cho tôi, người mục tử còn rất nhiều thiếu sót của anh chị em.
Kính chào anh chị em.
Toà Tổng Giám mục Sài Gòn, Chúa nhật XXVI Thường Niên, ngày 28.09.2014
+ Phaolô Bùi Văn Đọc
Tổng Giám Mục
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20140929/27842

Dòng Chúa Cứu thế VN kỷ niệm Kim khánh ngày thành lập tại Thái Hà


HÀ NỘI - Nhân 50 năm ngày tỉnh dòng Chúa Cứu thế VN được chính thức thiết lập ở Việt Nam (1964-2014), tỉnh dòng CCTVN đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm Kim khánh tại nhà thờ Thái Hà ( Hà Nội), nơi có tu viện của dòng. Chương trình kỷ niệm kéo dài từ ngày 25 đến 27-9-2014.

Sáng ngày 25-9, Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã từ Châu Sơn về tu viện Thái Hà để chúc mừng ngày vui của dòng. Nhiều giáo dân biết tin đã tập trung về sân nhà thờ để gặp ngài. Nhằm mời gọi giáo dân tham gia cộng tác với dòng trong các sứ vụ của mình đặc biệt là việc giới thiệu Tin mừng cho anh chị em sắc tộc thiểu số, bênh vực công lý và hòa bình, nâng đỡ những người yếu thế, ngày 26-9, nhà dòng tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề “Tin vui cho bạn nghèo” để giới thiệu về chương trình “Gia đình giáo dân thừa sai dòng CCTVN”. Khoảng 300 người đã tham dự. Cha Giám tỉnh Pham Trung Thành và nhiều cha trong dòng đã tham dự. Có những người từ các giáo phận khác ở miền Bắc và cả miền Nam cũng có mặt. Linh mục Giuse Hồ Đắc Tâm- Phó Giám tỉnh của dòng đã thuyết trình với đề tài “ Giáo dân thừa sai dòng CCT”. Tiếp đó, linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích, cố vấn tỉnh dòng đã thuyết trình đề tài “ Đường hướng và sứ mạng của giáo dân thừa sai dòng CCT”. Sau bữa cơm trưa thân mật, các tham dự viên đã chia làm 8 nhóm để thảo luận. Mỗi nhóm do một linh mục của dòng phụ trách và thảo luận một vấn đề. Đại diện các nhóm đã báo cáo kết quả. Các nhóm đều đánh giá cao việc nhà dòng xây dựng “ Gia đình thừa sai dòng CCT” để người giáo dân có cơ hội cộng tác với sứ vụ của nhà dòng. Một số người cho rằng, từ trước tới nay chỉ biết dòng CCTVN phản biện xã hội, bênh vực cho công lý và hòa bình nay biết thêm một sứ vụ chính của dòng và nhiều người sẵn sàng cộng tác với nhà dòng, rất mong được hướng dẫn, đào tạo. Linh mục Nguyễn Ngọc Bích đã đúc kết và trả lời những thắc mắc của tham dự viên.

Lúc 18h30, thánh lễ mừng chân phước Gaspa- linh mục của dòng CCT được tổ chức trang trọng do cha Giám tỉnh chủ sự và các cha của dòng đồng tế. Nhiều lẵng hoa chúc mừng đã được dâng lên và cha Giám tỉnh đã thay mặt tỉnh dòng đón nhận. Trong các lẵng hoa, đặc biệt có lẵng hoa của gia đình TS Cù Huy Hà Vũ, gia đình Nguyễn Hữu Vinh ( Ba Sàm) như lời tri ân với nhà dòng trong thời gian vừa qua đã luôn cầu nguyện, hiệp thông với những người bị đối xử bất công.

Sau lễ, linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh- Thường trực Ban Truyền thông tỉnh dòng đã giới thiệu bằng hình ảnh quá trình hình thành của dòng CCT tại Việt Nam được đánh dấu bằng 3 thừa sai tỉnh dòng thánh Anna, Quebec, Canada đến Huế ngày 30-11-1925. Tiếp đó, với sự giúp đỡ của các thừa sai Canada, các linh mục, tu sĩ Dòng CCT người Việt dần dần đã đủ khả năng đảm nhiệm sứ vị và đến năm 1964, tỉnh dòng CCTVN đã được chính thức công nhận độc lập. Trải qua thời gian, nhiều linh mục, tu sĩ của dòng đã dũng cảm, kiên trì gieo đức tin đến mọi vùng của đất nước nhất là vùng các dân tộc thiểu số. Hiện dòng CCTVN có 270 linh mục, 14 phó tế, 26 tu sĩ. Các giáo điểm của dòng đã phủ kín các giáo phận. Dòng CCTVN cũng đi đầu trong việc đấu tranh cho công lý và hòa bình thông qua các buổi cầu nguyện Chúa Nhật cuối tháng, văn phòng công lý và hòa bình đã đón tiếp hồ sơ nhiều dân oan và dũng cảm đương đầu với bạo lực để bảo vệ tài sản của Giáo Hội.

Sau đó, mọi người cùng cầu nguyện Taize với chủ đề Tạ ơn.

Lúc 10h ngày 27-9, thánh lễ tạ ơn do Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chủ tế. Cùng đồng tế với Đức TGM có các Đức Cha giáo phận Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Phát Diệm, Hà Nội và Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến- Phó Chủ tịch Ủy ban bác ái giáo tỉnh Hà Nội. Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên giảng thuyết rất hùng hồn. Đức Cha Giuse đã cảm tạ hồng ân Chúa đã ban cho giaó hội Việt Nam có một dòng nhiệt thành truyền giáo và bênh vực người nghèo như dòng CCTVN. Phát biểu cuối lễ Đức TGM Phêrô cũng dành nhiều lời ca ngợi dòng CCTVN. Ngài nói rằng, khi làm Giám mục Đà Lạt 19 năm thì 16 tết, ngài đã đến ăn tết với linh mục Nguyễn Hưng Lợi- một linh mục của dòng CCTVN. Cha Lợi đã đến một miền đất rất khó khăn ở Lâm Đồng và đã truyền giáo thành công.

Mọi người cùng dùng bữa trưa thân mật để chia vui với nhà dòng nhân sự kiện lịch sử này.

Phạm Huy Thông
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/129956.htm

Bế giảng các lớp Sư phạm Giáo lý

WGPSG -- “…Để có được sự thống nhất và hài hòa nơi con người của mình, điều quan trọng là GLV phải bỏ đi những rào cản về tính khí, tri thức, tình cảm… gây trở ngại cho sự tăng trưởng và theo đuổi một chương trình sống có trật tự; tuy nhiên phải dứt khoát đi vào chiều sâu và chạm đến nguyên lý hay nguồn mạch căn tính của chính tác vụ GLV, đó là “con người” Chúa Giêsu Kitô…” (Trích số 20 trang 44 sách Chỉ dẫn dành cho GLV của Bộ Rao giảng Phúc Âm cho các Dân tộc).
Ban Giáo lý Tổng Giáo phận  đã tổ chức Thánh lễ tạ ơn mãn khóa các lớp Sư phạm Giáo Lý phổ thông tại Nhà nguyện Đại chủng viện Thánh Giuse vào chiều Chúa nhật 28/9/2014. Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Trưởng Ban Giáo lý TGP - chủ tế; đồng tế có cha chính xứ Cao Thái Phêrô Phan Khắc Triển, cha phụ tá Xóm Chiếu Giuse Nguyễn Văn Khiêm, cha phụ tá Tân Chí Linh Đaminh Nguyễn Tiến Hùng và cha phụ tá Phanxicô Đakao.
Trong phần giảng lễ, cha chủ tế đã thiết tha mời gọi anh chị em GLV dấn thân cho sứ vụ tông đồ của mình. Cha nói sứ vụ của GLV là làm lan tỏa hương thơm của Tin Mừng và vẻ đẹp của Chúa Giêsu chứ không phải truyền thụ những bài giáo lý khô khan. Hương thơm của Lời Chúa trong Thánh lễ 26 TN hôm nay là Thiên Chúa yêu chúng ta nhưng không buộc chúng ta phải yêu lại Người. Người để chúng ta tự do chọn lựa sống công chính hay bất chính. Thiên Chúa không buộc chúng ta phải chọn lựa theo ý của Người. Trong khi những người thu thuế, những gái điếm biết sám hối để quay về với Chúa, và người con ban đầu không vâng lời nhưng sau lại hối hận vào làm vườn nho cho cha mình thì những kinh sư, biệt phái và người con nghe lời cha mà không thực hành lại không theo đến cùng sự chọn lựa của mình. Do đâu mà họ không theo đến cùng sự chọn lựa của mình? Phải chăng họ cố bám lấy truyền thống khô cứng, một truyền thống sai lạc đã thờ phượng con bò vàng do họ đúc nên thay cho Thiên Chúa, họ tưởng tượng nên Thiên Chúa của họ như những điều luật trần thế.
Cha dẫn ra 2 điều trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng của ĐGH Phanxicô để giúp mỗi người bền đỗ với sự chọn lựa của mình, đó là xác tín Chúa Giêsu là giải pháp duy nhất cho mọi vấn đề và phải để Lời Chúa biến đổi con người mình. Giải pháp tuyệt vời của Chúa là bỏ lại 99 con chiên để đi tìm 1 con bị lạc, giải pháp là Chúa cẩn thận đốt đèn quét tìm 1 đồng xu lẻ bị rơi. Khi biết trông cậy vào quyền năng của Tin Mừng thì mình sẽ được biến đổi bởi Tin Mừng. Tin Mừng không phải bộ sách với những văn tự chết nhưng là Lời sống động có khả năng làm cho mình nên hoàn thiện. Hơn ai hết, Thánh Phêrô là người có cảm nghiệm sâu xa để Lời biến đổi mình. Nghi ngờ và chưa tin hẳn nhưng Thánh Phêrô vẫn làm theo lời Chúa khi chèo ra chỗ nước sâu để thả lưới, nghi ngờ chưa tin hẳn nhưng Thánh Phêrô từ trên thuyền vẫn thò chân bước đi trên nước, đi trên mặt nước rồi lại chìm và Chúa phải nắm tay kéo lên…
Khi người GLV có kinh nghiệm sống Tin Mừng, họ sẽ biết quỳ gối xuống để tôn vinh, thán phục, để Lời soi sáng biến đổi mình, khi đó họ thực sự tốt nghiệp khóa Sư phạm GL…
Trong phần nghi thức phát Giấy Chứng nhận Tốt nghiệp, anh chị em vừa tốt nghiệp lớp SP GL cấp I và cấp II đã xếp hàng trên gian cung thánh, họ xác tín lại sứ vụ của mình và hứa cộng tác với các cha xứ trong việc giáo dục các em thiếu nhi. Sau đó, các cha đã phát Giấy Chứng nhận Tốt nghiệp cho từng người.
Thay mặt cho các bạn được nhận Giấy Chứng nhận Tốt nghiệp, một học viên nữ đã có những câu thơ và những lời cảm ơn chân thành để gửi đến cha trưởng Ban GL, quý cha và quý cộng đoàn hiện diện. Chị nói thật là vinh dự lớn lao vì qua Ban GL, Chúa đã chọn anh chị em vào hàng ngũ GLV của Chúa. Có tham gia lớp học mới biết trước đây mình chỉ làm mò mẫm, vừa không tạo được hiệu quả, không tạo được niềm vui và hứng thú cho các em vừa mệt nhọc cho bản thân…
Đáp lời chị đại diện, cha Phêrô - chính xứ Cao Thái - có đôi lời cảm ơn mọi người và nhắn nhủ thêm anh chị em GLV vừa tốt nghiệp, cha cầu chúc cho anh chị em luôn tự tin, mạnh mẽ và dấn thân nhiều hơn cho sứ vụ hướng dẫn các em thiếu nhi. Cha nói GLV cần sống trước những điều mình giảng dạy vì không ai có thể cho cái mình không có, chia sẻ kiến thức chỉ là chia sẻ lớp da bên ngoài, cần phải chia sẻ chính con người mình, chính cuộc sống của mình…
THÁNH LỄ BẾ GIẢNG ĐÀO TẠO GIÁO LÝ VIÊN
Trước khi chụp hình lưu niệm, cha Trưởng ban GL đã thông báo một vài tin vui, ngoài cơ sở chính ở TTMV, trong TGP còn có 2 cơ sở khác ở GX An Nhơn hạt Xóm Mới và GX Tam Hải hạt Thủ Đức. Hai cơ sở này có khoảng khoảng 150 GLV đang theo học, năm nay 2 cơ sở sẽ có thêm lớp SP GL cấp III. Đầu năm học này sẽ thêm 2 cơ sở huấn luyện mới nữa do cha chính xứ Tân Hương hạt Tân Sơn Nhì và cha chính xứ Bùi Môn hạt Hóc Môn phụ trách, hai cơ sở mới này được sự hỗ trợ giảng huấn từ các nữ tu của cộng đoàn Chúa Quan Phòng và cộng đoàn Trinh Vương. Cha Trưởng ban cho biết thêm do bận một số công tác ở TTMV nên cha Giuse Nguyễn Văn Khiêm sẽ thay cha làm giám đốc cơ sở huấn luyện GLV ở TTMV.
Được biết trong đợt mãn khóa này, có 63 GLV được nhận Giấy CN cấp I và 50 GLV được nhận Giấy CN cấp II, khoảng 30 GLV vừa hoàn thành chương trình SP GL cấp III sẽ được phát Giấy CN sau. Thời điểm khai khóa có trên 100 GLV ghi danh theo học lớp SP GL cấp I.
Chương trình đào tạo GLV của TGP Sài Gòn kéo dài trong 3 năm và chia làm 3 cấp. Nội dung đào tạo gồm: Kinh Tin Kính, Nhân Bản, SP GL, Linh đạo cầu nguyện… Cuối mỗi phân môn đều có kiểm tra và đánh giá.
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20140930/27858

Đại hội Châu Á Thái Bình Dương lần II về Di dân, Gia đình và Sứ vụ


Từ ngày 25 đến 28 tháng 9 năm 2014, tại giáo phận Đài Trung, Đài Loan, đã diễn ra Đại hội Châu Á Thái Bình Dương lần II về Di dân, Gia đình và Sứ vụ do Uỷ ban Giám mục Chăm sóc mục vụ cho người Di dân và Lữ khách của Hội đồng Giám mục Miền Trung Hoa (Chinese Region Bishops’ Conference - Đài Loan) tổ chức.

Tiếp nối sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô viết cho người di dân và người tị nạn nhân ngày Thế giới di dân và tị nạn năm nay, Đại hội đã chọn chủ đề “Di dân và gia đình trong sứ vụ hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn”.

Các vị giám mục và linh mục đặc trách mục vụ di dân của nhiều Hội đồng Giám mục đã trực tiếp tham dự hoặc cử đại diện tham dự; trong đó có Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines, Israel, Liban, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, Italia, Thuỵ Sĩ và Việt Nam. Ngoài ra, cũng có đại biểu của Văn phòng Phát triển Con người thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu và đại biểu của giáo phận Hong Kong, Trung Quốc. Đặc biệt, Đại hội còn hân hạnh đón tiếp sự hiện diện của Đức Thượng phụ Gregorios III của Giáo hội Công giáo Hy Lạp lễ điển Melkite, và đại diện các Bộ Lao động và Ngoại giao của Đài Loan.

Mỗi ngày Đại hội thảo luận từng đề tài mục vụ theo 3 nhóm đối tượng: mục vụ di dân trên đất liền, mục vụ trên biển cho thuyền nhân và ngư dân, mục vụ cho người tạm cư và tị nạn do thiên tai, chiến tranh và xung đột chính trị. Với hầu hết các lãnh thổ ven biển, các Hội đồng Giám mục quốc gia đã thiết lập Văn phòng mục vụ hàng hải (Apostolate of the Sea) đặt dưới sự điều hành của Uỷ ban Giám mục đặc trách mục vụ di dân. Văn phòng mục vụ hàng hải có trách nhiệm cử hành bí tích cho các thuyền nhân khi cập cảng tại nước sở tại, phối hợp với Caritas địa phương chăm sóc mục vụ cho các nạn nhân thiên tai trên biển.


Trong suốt 3 ngày Đại hội, các tham dự viên đã chăm chú lắng nghe các bài báo cáo về hiện trạng lao động nhập cư trong nước và quốc tế, lao động trên biển, kết hôn ngoài nước, nhập cư bất hợp pháp, thảm trạng gia đình di dân trong mối đe doạ về hôn nhân và trách nhiệm nuôi dưỡng con cái. Cụ thể trong bối cảnh lao động nhập cư và kết hôn với người nước ngoài tại Đài Loan, các báo cáo viên đã chia sẻ và giới thiệu các chương trình trợ giúp xã hội và pháp lý cho người lao động nhập cư; đại diện các Bộ Lao động và Ngoại giao cũng đã trình bày và và giải đáp cởi mở về những điều luật và quyền lợi liên hệ đến làn sóng nhập cư tại Đài Loan. Trước tình trạng người nhập cư ở Đài Loan tạo ra khá nhiều tiêu cực xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đạo đức và tâm linh như nạn áp bức và bóc lột lao động, ly dị và tái hôn, mại dâm và phạm pháp, Giáo hội địa phương đã nỗ lực thiết lập, bảo trợ, và phát triển các chương trình mục vụ cho người di dân đến Đài Loan theo từng sắc tộc và nhóm ngôn ngữ ở tất cả 7 giáo phận của giáo hội sở tại. Đức Thượng phụ Gregorios III cũng đã chia sẻ về tình trạng giáo hội tại Syria trong chiến tranh và nạn di dân tạm cư lánh nạn. Đức cha Crispin Varquez đã tường trình những kế hoạch mục vụ đầy nỗ lực dành cho nạn nhân của siêu bão Haiyan, xảy ra tại giáo phận Borongan, Philippines hồi tháng 11 năm 2013; hậu quả thiên tai để lại không chỉ ảnh hưởng về mặt vật chất và con người tự nhiên với vô số dịch bệnh đói kém mà còn tạo ra những thảm trạng tâm linh về luân lý gia đình, nạn di dân kèm theo tệ nạn xã hội và những ảnh hưởng lâu dài đối với sự phát triển tâm-sinh lý của rất nhiều trẻ em. Từ kinh nghiệm của giáo phận mình, Đức cha Crispin nhấn mạnh: Giáo hội còn cần phải chuẩn bị để định hướng mục vụ cho thế hệ nạn nhân thiên tai để họ có thể tái hội nhập với xã hội và ổn định cuộc sống.

Theo thống kê, hiện có hơn 50 triệu người di dân Châu Á trên toàn thế giới. Vì thế, mục vụ di dân đứng trước một đòi hỏi không chỉ ở cấp giáo phận hay quốc gia mà còn ở cấp liên quốc gia và quốc tế. Hơn nữa, mục vụ di dân không thể tách rời với mục vụ gia đình vì nguyên cớ của các cuộc di dân nếu không phải do chiến tranh tạo ra thì cũng nhằm mục đích đoàn tụ gia đình hoặc chấp nhận ly hương ly tán để mưu tìm một cuộc sống gia đình ổn định và vững bền hơn. Tiếc thay, hầu hết các cuộc di dân đều để lại những hệ quả cá nhân và tập thể mà Giáo hội cần phải tham gia chữa lành. Thế nên trong thông điệp gửi đến Đại hội, Đức cha Bosco Lâm Cát Nam, giám mục giáo phận Đài Nam, Chủ tịch Uỷ ban Giám mục Chăm sóc mục vụ cho người Di dân và Lữ khách của Hội đồng Giám mục Miền Trung Hoa (Đài Loan), đã nói lên ước mơ của ngài là làm sao có thể thiết lập được một mối liên kết giữa các vị giữ trách nhiệm mục vụ di dân của các quốc gia để thực hiện một chương trình mục vụ cụ thể cho hàng triệu anh chị em di dân. Kế hoạch mục vụ di dân đa quốc gia cần có sự phối hợp giữa giáo phận gốc và giáo phận tiếp nhận cả về mặt hành chánh và bí tích lẫn đòi hỏi dấn thân mục vụ để chăm lo cho đời sống của các gia đình di dân được ổn định và tốt đẹp hơn.

Trong sứ điệp gửi Ngày di dân thế giới năm 2015 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã bày tỏ rằng anh chị em di dân và người nhập cư “có một chỗ đặc biệt trong lòng Hội thánh, và chính những anh chị em này giúp Hội Thánh mở rộng con tim thể hiện tình mẫu tử đối với toàn thể gia đình nhân loại”. Với tâm thế đó, Đại hội Châu Á Thái Bình Dương lần II về Di dân, Gia đình và Sứ vụ đã khép lại với Thánh lễ Đại trào do Đức Hồng y Rosales, nguyên Tổng giám mục Manila, chủ tế vào sáng Chúa nhật, 28 tháng Chín – cũng là ngày Giáo hội tại Đài Loan cử hành Ngày Di dân.

Nam Định
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/dai-hoi-chau-a-thai-binh-duong-lan-ii-ve-di-dan-gia-dinh-va-su-vu/6358.57.7.aspx

Tổng Đại hội của phong trào Tổ ấm Focolarini


Phỏng vấn ông Franco Pizzorno, phối hợp viên Ủy ban chuẩn bị tổng đại hội

Từ ngày mùng 1-9-2014, 500 đại biểu của phong trào Tổ ấm Focolarini từ khắp nơi trên thế giới đã tề tưu về Trung tâm Mariapoli tại Castel Gandolfo cách Roma 30 cây số, để tham dự tổng đại hội. Cùng tham dự cũng có 49 khách mời, trong đó có 15 vị thuộc các Giáo Hội Kitô khác.

Trong tổng đại hội các tham dự viên sẽ bầu chị tân Chủ tịch, vị Đồng chủ tịch và các vị lãnh đạo khác của phong trào cũng như đề ra các đường hướng hoạt động cho sáu năm tới. Vào cuối đại hội sẽ có buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các tham dự viên tại Vaticăng.

Ngỏ lời với các tham dự viên đại hội kéo dài cho tới ngày 28-9-2014, chị Maria Voce, Chủ tịch mãn nhiệm của Phong Trào Tổ Ấm, đã lấy lại tư tưởng của tháng, trích từ thư thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Roma chương 15 câu 7: ”Anh em hãy đón nhận nhau như Chúa Kitô đã đón nhận anh em, để sáng danh Thiên Chúa” (Rm 15,7). Chị mời gọi mọi người hãy có thái độ đó.

Đây không phải là điều đương nhiên, vì các đại biểu đến từ mọi miền của trái đất, và đem theo mình các thảm cảnh của các dân tộc đang phải sống trong chiến tranh gây chết chóc tàn phá tang thương, hay bị thiên tai, hoặc bị thử thách bởi các khủng hoảng kinh tế.

Tiếp đến chị Maria Voce đã đọc vài điện thư bầy tỏ tình hiệp thông với các đại biểu Phong Trào. Anh Gerhard Pross, tin lành, thuộc tổ chức Ymca tỉnh Esslingen bên Đức, viết: ”Tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt tới các tham dự viên Tổng Đại Hội. Tôi rất ý thức được tầm quan trọng của các ngày này đối với anh chị em, đối với từng người cũng như với tất cả Phong Trào Tổ Ấm. Tôi ước mong đồng hành với các anh các chị trong những ngày này với một lời cầu nguyện đặc biệt, xin Chúa Thánh Thần hiện diện và hướng dẫn anh chị em”.

Nhóm ”Thân hữu Fon” tỉnh Fonjumetaw bên Camerun thì cầu chúc cuộc họp tinh thần quan trọng này, nhằm tiếp nối gia tài tình yêu thương hướng tới tình huynh đệ đại đồng của chị Chiara Lubich, gặt hái nhiều thành qủa tốt đẹp.

Tiến sĩ Walter Baier, Tổng thư ký mạng lưới các nhà trí thức cánh Tả Âu châu ”Transform-europe”, viết trong điện thư: ”Mục đích một nhân loại công bằng, liên đới và huynh đệ hơn hiệp nhất chúng ta, trong đó sự khác biệt được sống, không phải như chia rẽ nhưng như sự phong phú... Xin cầu chúc các anh các chị sự khôn ngoan: để các anh các chị có thể diễn đạt sự chuyên biệt của các anh các chị trong cuộc sống ngày nay, và tôi bảo đảm với các anh các chị sự gần gũi của tôi”.

Tiếp theo đó mọi người đã xem một video nhắc lại ”gia tài của chị Chiara Lubich” trong đó có đoạn chị trả lời cho những người hỏi về tương lai của Phong Trào sau khi chị qua đời. Chị Chiara Lubich đã trả lời rằng chị tin tưởng rằng sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa những người yêu thương nhau nhân Danh Chúa (Mt 18,20) sẽ tiếp tục hướng dẫn Phong Trào tiến bước. Sau đó các tham dự viên đã bỏ phiếu chấp thuận luật lệ của Đại Hội. Các ngày từ mùng 2 tới mùng 4 tháng 9 được dành cho việc tĩnh tâm, trước khi chính thức bước vào các cuộc thảo luận và sinh hoạt khác của đại hội.

Phong trào Tổ Ấm nảy sinh vào năm 1943 trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, do sáng kiến của chị Chiara Lubich (1920-2008) như là một phong trào canh tân tinh thần và xã hội. Chị Chiara Lubich định nghĩa phong trào là ”một dân tộc nảy sinh từ Tin Mừng”. Được thúc đẩy bởi lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ ”Để tất cả chỉ là một” (Ga 17,21) Phong trào nhắm mục đích cộng tác vào việc xây dựng một thế giới hiệp nhất hơn, trong thái độ tôn trọng và trân qúy sự khác biệt. Phong trào ưu tiên dùng sự đối thoại như phương thế, và liên lỉ dấn thân xây dựng các cây cầu và tương quan huynh đệ giữa các cá nhân, các dân tộc, và các môi trường văn hóa. Thành viên của Phong trào bao gồm người thuộc mọi lứa tuổi, ơn gọi, tôn giáo, xác tín, chủng tộc, quốc gia và văn hóa.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Franco Pizzorno, thành viên phong trào, có gia đình, và là một trong hai phối hợp viên của Ủy ban chuẩn bị đại hội.

Hỏi: Thưa ông Pizzorno, Ủy ban chuẩn bị này đã được thành lập khi nào vậy?

Đáp: Vào tháng 9 năm 2013 chị Maria Voce, Chủ tịch phong trào, đã thành lập Ủy ban gồm 20 thành viên thuộc mọi miền địa lý và văn hóa. Ủy ban đã đã tìm cách thu thập mọi ý kiến, nhận xét, cảm tưởng, đề nghị và nguyện vọng của mọi thành viên phong trào, đặc biệt là của người trẻ, liên quan tới các đề tài mà họ cảm thấy liên hệ nhất với thời điểm này của phong trào. Và năm ngoái đã có khoảng 3.000 đề nghị được gửi tới Ủy ban.

Hỏi: Từ các đề nghị đó Ủy ban đã lựa chọn một số đề tài: 12 đề tài sẽ được thảo luận trong đại hội, có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Vâng, đúng thế. chúng tôi đã có thể nhận diện khoảng một chục đề tài nền tảng, trong đó có 3 đề tài đã được nhiều người cảm thấy nhất, chúng là các đề tài ”hàng ngang”. Đó là sự quan trọng của việc rộng mở cho thế giới bên ngoài, tầm quan trọng của việc duy trì và đào sâu sự hiệp nhất của phong trào, và tầm quan trọng của việc đào tạo các thành viên. Có thể tóm tắt ba điểm này trong một câu sau đây: ”đi ra ngoài, cùng nhau, được chuẫn bị”, hay ”được chuẩn bị, cùng nhau, đi ra ngoài”. Trên ba đề tài chính này sẽ được ghép vào 8-9 đề tài chuyên biệt khác như: vấn đề của gia đình ngày nay, tương quan giữa Giáo Hội và các Giáo Hội, sự rộng mở cho tất cả các tôn giáo khác vv....

Hỏi: Chỉ nghe các đề tài không thôi, người ta cũng nhận ra rằng Phong trào được mời gọi đi ra một cách mạnh mẽ, nhìn vào thế giới nhiều hơn và dìm mình vào trong thực tế nhiều hơn, có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Chúng ta hãy nói rằng cởi mở đối với thế giới nằm trong yếu tố di truyền của Phong trào Tổ Ẩm. Thật thế, mục đích của chúng tôi là ”Ut unum sint” Xin cho tất cả mọi người trở nên một. Nhưng dĩ nhiên là việc đọc hiểu những gì xảy ra trên thế giới với các mâu thuẫn của nó, các vết thương của nó, các khó khăn của nó cũng đã khích lệ chúng tôi hơn nữa trong việc mở rộng chân trời của phong trào theo hướng này. Thế rồi, đặc biệt lời nói và gương sống của Đức Thánh Cha Phanxicô, việc rộng mở ra cho các vừng ngoại biên... như là phong trào công giáo chúng tôi cũng muốn đáp trả lại chỉ dẫn này của Giáo Hội.

Hỏi: Khi nhìn giai đoạn chuẩn bị cho tổng đại hội cũng như chính tổng đại hội, người ta thấy nổi bật lên nét phong phú của sự trao đổi giữa các nền văn hóa, các chủng tộc, các quốc gia khác nhau. Làm thế nào để gộp chung lại một dân tộc đa diện như thế, mà vẫn chú ý tới các khác biệt?

Đáp: Chắc chắn rồi, thách đố không phải là đơn sơ, nhưng như là kinh nghiệm bé nhỏ mà chúng tôi đã sống trong tư cách là Ủy ban chuẩn bị: chúng tôi là những người đến từ nhiều vùng địa lý, nền văn hóa và ơn gọi khác nhau, nhưng chúng tôi đã thành công trong việc tạo ra một sự hiệp nhất lớn giữa chúng tôi, và như thế cũng làm trung gian để tìm thu thập các đề nghị khác nhau. Như vậy tôi tin tưởng rằng bên trong Phong trào, nơi nền tảng là việc liên tục thực thi trở thành một người trong chúng tôi, và lắng nghe người khác cho tới tận cùng. Điều này chắc chắn sẽ là dụng cụ giá trị để đi tới chổ đưa ra các đường hướng cụ thể. Cũng bởi vì sự hiệp nhất giữa chúng tôi, mà chúng tôi muốn kiên trì theo đuổi, sẽ đem tới ánh sáng của Chúa Thánh Thần giúp phân định một cách cụ thể các con đường cần đi theo.

Hỏi: Thưa ông Pizzorno, trong một thế giới trong đó xem ra xung đột lại thắng thế, đặc sủng của Phong trào Tổ Ấm cổ võ sống yêu thương hiệp nhất và rộng mở xem ra vô cùng thời sự và rất mạnh mẽ, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn rồi. Tôi còn cho là thời sự hơn bao giờ hết nữa, nơi đâu các vết thương của xã hội và của nhân loại hiển nhiên như thế, nếu không nói là thê thảm như thế, thì chính ở đó chúng tôi cảm thấy được mời gọi đem phần đóng góp của sự hiệp nhất vào trong các đổ bể đó, là thuốc chữa và giải pháp duy nhất đích thật cho tất cả mọi chấn thương này. Đặc sủng của chị Chiara Lubich đã là điều này: đặc sủng của sự hiệp nhất tự nó mời gọi từng người trong chúng ta trở thành người đem sự hiệp nhất ấy tới khắp nơi chúng ta sống, bắt đầu bằng cuộc sống thường ngày, bắt đầu bằng các cơ cấu, trong đó chúng ta đang sống, bắt đầu từ Giáo Hội, cũng như bắt đầu từ các cơ cấu quốc tế.

(RG 1-9-2014)

Linh Tiến Khải

Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2014/09/29/t%E1%BB%95ng_%C4%91%E1%BA%A1i_h%E1%BB%99i_c%E1%BB%A7a_phong_tr%C3%A0o_t%E1%BB%95_%E1%BA%A5m_focolarini/vie-828084

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình (5–19/10/2014)

WHĐ (28.09.2014) – Còn đúng một tuần nữa Thượng Hội đồng Giám mục sẽ khai mạc Đại hội chung ngoại thường lần thứ III (từ ngày 5 đến 19 tháng 10 năm 2014). Các nghị phụ sẽ làm việc và bàn thảo dựa trên Tài Liệu Làm Việc(Instrumentum Laboris). Kết quả Đại hội lần này sẽ được đúc kết thành Tài Liệu Làm Việc cho Đại hội chung thường lệ vào năm 2015.
Bắt đầu từ hôm nay và trong suốt thời gian diễn ra Thượng Hội đồng, toàn thể Giáo hội được mời gọi cầu nguyện cho Thượng Hội đồng, trong các Thánh lễ và các cử hành phụng vụ khác, cũng như qua việc lần hạt Mân Côi.
Để giúp mọi người hiệp thông với Thượng Hội đồng Giám mục, chúng tôi xin giới thiệu với quý độc giả Tài Liệu Làm Việc nói trên, bản tiếng Việt của linh mục Luy Nguyễn Anh Tuấn. Tài liệu dày 100 trang A5, dạng pdf, 580KB. 
        

WHĐ
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/tai-lieu-lam-viec-cua-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-gia-dinh-5%E2%80%9319102014/6357.115.3.aspx

Cuộc hội thảo của ký ức & thao thức

WGPSG -- Đức GM Giuse Vũ Duy Thống, chủ tịch Ủy ban Văn hóa (Hội đồng Giám mục Việt Nam), đã định nghĩa như vậy nhân cuộc hội thảo “Kỷ niệm 50 năm áp dụng Huấn thị Plane Compertum est về tôn kính ông bà tổ tiên” tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn. Hội thảo dành sự trân quí trước sự hiện diện của quí Đức GM Micae Hoàng Đức Oanh (Giáo phận Kontum), GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp (GP Vinh), GM Antôn Vũ Huy Chương (GP Đà Lạt), GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm (GP Mỹ Tho), Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương. Có khoảng 300 hội thảo viên đã tham dự trong suốt hai ngày 25, 26/9/2014.
Trong phần khai từ, GM Giuse Vũ Duy Thống nêu lên sự kết hợp ba tâm tình trong cuộc hội thảo: tâm tình vui mừng khi nhìn lại cách đây 50 năm vào ngày 20/10/1964 Tòa Thánh, qua Bộ Truyền giáo, đã chấp thuận đề nghị của Hàng Giám Mục Việt Nam xin áp dụng Huấn thị Plane compertum est về việc tôn kính tổ tiên cho giáo dân Việt Nam; tâm tình chia sẻ những suy tư và kinh nghiệm áp dụng hai bản thông cáo của Hội đồng Giám mục VN vào năm 1965 và năm 1974 trong mối giao thoa giữa văn hóa và Đức Tin; tâm tình thao thức trước công cuộc Tân Phúc Âm hóa, hội nhập cộng đồng dân tộc trong tâm tình hiếu thảo.
Kết thúc khai từ, GM Giuse Vũ Duy Thống đã dẫn lời của ĐTC Gioan Phao lô II: “Đức Tin mà không trở thành văn hóa là Đức Tin chưa được chấp nhận hoàn toàn, chưa được suy cho thấu và chưa được sống tới cùng. Đức Tin trở thành văn hóa là Đức Tin được đón nhận sung mãn, trọn vẹn và được sống cách trung thành nhất”.
TÂM TÌNH VUI MỪNG
“…Giáo Hội khuyên giục con cái mình tuy vẫn phải giữ đức tin Công giáo tuyền vẹn, nhưng phải làm thế nào để nắm giữ và phát triển những của cải thiêng liêng, luân lý và những giá trị xã hội, văn hóa gặp được trong các tôn giáo khác nhờ những buổi hội thảo, sự học hỏi và sự cộng tác với các tín đồ của các tôn giáo này.” (tríchThông cáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam về việc tôn kính tổ tiên, 14/6/1965)
LM Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu, với bản tham luận “Hành trình hội nhập gian truân: nghi lễ thờ kính tổ tiên” (sáng 25/9), đã dẫn đưa cử tọa cùng ngược dòng lịch sử để suy ngẫm. Giai đoạn truyền giáo vào Việt Nam thuở ban đầu đã chứng kiến chủ trương hội nhập của Dòng Tên, minh chứng sự gặp gỡ giữa Ki tô giáo và quan niệm dân Việt trong cách thức thể hiện hiếu thảo với cha mẹ còn sống hoặc mới qua đời, trong việc an táng và chăm sóc mồ mả. Và còn nhiều minh chứng khác, xuất hiện trong những giai đoạn tiếp nối, như cuốn giáo lý “Phép giảng tám ngày” của Cha Đắc Lộ đã nhấn mạnh lòng thảo hiếu: “…Thật con thảo kính cha mẹ thì thậm phải, ví bằng có ai chẳng thảo kính, chẳng khứng vâng phép cha mẹ, thật thì có tội trọng…”, hoặc sách bổn như cuốn “Chân đạo yếu lý” đã xác định bảy điều phải thực hành để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, trong đó có năm điều trùng với đạo hiếu của dân Việt là: 1. Kính sợ; 2. Vâng lời; 3. Phụng dưỡng; 4.Chăm sóc khi ốm đau; 5.An táng mồ yên mả đẹp. Và hai điều riêng cho tín hữu: 6. Khi lâm chung, phải lo liệu cho cha mẹ chịu các phép trong đạo, và đọc kinh làm việc lành phúc đức để cầu nguyện cho các ngài; 7. Tổ chức tống táng và giỗ chạp theo phép đạo.
Trong một lá thư gửi Cha Boiret vào năm 1798, Đức Cha Bá Đa Lộc viết: “Một điều đích thực là nghi lễ này dù có pha lẫn ít nhiều mê tín, thì tự nó chỉ là bày tỏ lòng tôn kính đối với cha mẹ như khi các ngài còn sống. Nếu người ta cất bỏ tất cả những gì trái ngược với Đức tin, như đồ cúng, lời cầu xin… thì những gì còn lại đều đáng ca tụng, hơn nữa còn cần thiết trong đất nước này”.
Tuy nhiên, hành trình hội nhập đã gặp không ít gập ghềnh. Sắc lệnh năm 1645 ngăn cấm các tín hữu cúng bái tổ tiên (Đức Innocentê X ban hành) nhưng sau đó vào năm 1656, Bộ Đức Tin công bố sắc lệnh mới cho phép kính bái tổ tiên, kèm với lời nhắc nhở “xa tránh những dị đoan”, được Đức Alexandro VII phê chuẩn. Đến năm 1742, Tông huấn Ex quo (do Đức Bênêđictô XIV ban hành) lại lên án việc tôn kính tổ tiên, phạt vạ tuyệt thông tất cả những ai bất tuân. Phải chờ đến gần hai trăm năm sau, với Huấn thị Plane compertum est (1939)mọi sự mới được khai thông.
Theo phân tích của diễn giả, “Khó khăn chính ở đây là khái niệm tôn giáo và từ ngữ. Với người Tây phương việc phụng thờ, tôn thờ, kính thờ chỉ dành cho một Thiên Chúa. Trong khi tiếng Việt, từ “thờ” được dùng chung cho nhiều trường hợp như thờ cha kính mẹ, thờ chồng nuôi con…, chỉ bao hàm nội dung chu toàn bổn phận với người đã khuất. Tương tự theo Tây phương, niềm tin người đã chết đang hiện diện và độ trì, các nghi lễ ngôn từ cầu khẩn với thần thánh và các nhân vật thuộc thế giới bên kia đều được coi là một dạng tôn giáo”.
Huấn thị Plane compertum est, do Thánh Bộ Truyền giáo ban hành ngày 8/12/1939, trong phần khởi đầu có viết: “Rõ ràng tại Viễn Đông xưa kia có một số nghi lễ gắn liền với một số nghi điển ngoại giáo, nay vì những biến đổi theo thời gian về các phong tục và ý tưởng, nên nó chỉ còn mang ý nghĩa dân sự, để tỏ lòng tôn kính tổ tiên, yêu mến tổ quốc và vì lịch sự trong các tương quan xã hội”. Huấn thị Plane compertum est, vì vậy, trở thành tin vui cho các nhà truyền giáo và tín hữu châu Á, giải tỏa những khó khăn lương tâm.
Theo chiều kích luân lý, các tín hữu cử hành các lễ nghi ấy với lòng thảo hiếu, cũng là để chu toàn giới răn Chúa, nghĩa là một bó buộc lương tâm. Theo chiều kích đức tin, người tín hữu khi tiến hành thờ kính tổ tiên vẫn phải luôn hướng về Thiên Chúa là nguồn cội của tiên tổ.
“Chúng ta phải làm gì để cuộc hội nhập phát huy được những giá trị văn hóa đích thực, những giá trị luân lý và những giá trị đức tin?”, câu hỏi này được LM Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu đặt ra, như một lời mời gọi thao thức trong bối cảnh Công đồng Vatican II cổ vũ việc hội nhập văn hóa và canh tân phụng vụ.
HỘI THẢO VỀ TÔN KÍNH TỔ TIÊN (1)
TÂM TÌNH THAO THỨC
Cuốn sách “Hội thảo kỷ niệm 50 năm áp dụng Huấn thị Plane Compertum est về tôn kính ông bà tổ tiên” dày 428 trang, gồm ba chươngChương I Diễn tiến về lòng tôn kính ông bà tổ tiên theo dòng lịch sử; Chương II Định hướng lòng tôn kính tổ tiên theo lối nhìn Thần học; Chương III Hướng tới những sáng kiến thực hành về lòng tôn kính tổ tiên.
Nhiều bài viết công phu, sâu sắc: Hành trình hội nhập gian truân, Một số kinh nghiệm hội nhập văn hóa, Những đặc điểm trong cuộc bách hại Giáo hội Công giáo Đại Hàn, Vai trò của các tôn giáo khác trong chương trình cứu độ, Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ, Vấn nạn trong hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn, Gặp gỡ lương dân, Hội nhập văn hóa trong phụng vụ, Tổ tiên và dòng họ - khung cửa đang rộng mở, Kinh nguyện và phụng vụ Kitô giáo trong văn hóa Tây Nguyên, Một vài góp ý nghi lễ tôn kính tổ tiên, Kinh nghiệm về lòng tôn kính tổ tiên tại Nhật Bản, Nhận định về những thực hành…
Có thể giải thích những gian truân, “nghịch chiều” trên đường hội nhập Đức tin (thể hiện qua nghi lễ thờ kính tổ tiên) bằng một cuộc truy nguyên sâu xa. Bản tham luận “Vai trò của các tôn giáo khác trong chương trình Cứu độ” của Đức GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp (sáng 26/9) đem lại một tầm nhìn sâu rộng và hữu ích cho vấn đề hội nhập – và không chỉ riêng vấn đề hội nhập.
Suốt dọc hai mươi thế kỷ, mối bận tâm chính của Giáo hội cũng như của các nhà truyền giáo vẫn là vấn đề cứu độ cho những người ở ngoài Kitô giáo. Có nhiều mô hình thần học lẫn quan
điểm khác nhau về vấn đề cứu độ, trong đó mô hình “Dĩ Giáo hội vi trung” (lấy Giáo hội làm trung tâm) chi phối rất lớn trong chiều dài lịch sử Kitô giáo. Mô hình này được được đúc kết qua một công thức đã trở thành cổ điển: “Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ” (Extra Ecclesiam nulla salus).
Theo phân tích của Đức GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp: “Đây là mô hình độc tônloại trừ và khép kín, trở thành một quan điểm chung của Giáo hội vào thời Trung Cổ. Theo đó, Đức Giêsu Kitô là mạc khải chung kết của Thiên Chúa, Ngài trao lại cho Giáo hội sứ mệnh đặc biệt; do đó tách rời khỏi Giáo hội có nghĩa là tách rời khỏi Đức Kitô và, tất nhiên, không được cứu độ.
Mãi đến năm 1949, Bộ Thánh vụ (tên cũ của Bộ Giáo Lý Đức tin) mới chính thức khai mở một lối giải thích khác cởi mở hơn. Thánh Bộ phân biệt giữa sự cần thiết phương tiện (necessitas praecepti) và cần thiết nội tại (necessitas intrinseca) để được cứu độ: những điều kiện cần thiết nội tại để được cứu độ là đức tin và đức ái; còn việc gia nhập Giáo hội hữu hình nói cho cùng chỉ là cần thiết tương đối, và không có hiệu lực trong những trường hợp bất khả kháng. Nước Thiên Chúa là một thực thể phổ quát, trải rộng ra bên ngoài biên giới của Hội Thánh.“Nước Thiên Chúa hiện diện và hoạt động ở khắp mọi nơi. Ở đâu con người biết mở rộng lòng để đón nhận mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa tác động trên họ và biết vượt ra khỏi bản thân cá nhân mình để yêu mến và phục vụ anh chị em đồng loại, thì ở đó Nước Thiên Chúa đang thực sự hoạt động” (Liên Hội đồng giám mục Á Châu).
Một mô hình thần học khác, gọi là “Dĩ Thiên Chúa vi trung” (lấy Thiên Chúa làm trung tâm), được Đức GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp chấm phá vài nét. Mô hình này khẳng định chỉ duy Thiên Chúa mới là “trung tâm điểm” của một tiến trình cứu độ nhiêu khê và phức tạp, khởi đi từ công cuộc sáng tạo, ngang qua mầu nhiệm Nhập Thể và vẫn tiếp diễn cho đến tận cùng lịch sử. Hệ quả của mô hình này là Đức Kitô không còn giá trị qui phạm và cũng chẳng còn tính cứu độ phổ quát.
Chủ điểm của bản tham luận được tập chú vào mô hình “Dĩ Đức Kitô vi trung” (lấy Đức Kitô làm trung tâm). Đây là kết quả của tiến trình thần học đi từ mô hình loại trừ sang mô hình bao hàm. Nhìn trong toàn thể, Giáo hội của Đức Kitô vừa đã hiện diện như một thực tại lịch sử, vừa chưa hoàn thành như một thực tại cánh chung, bởi vì Giáo hội chưa phải Nước Thiên Chúa đã hoàn thành, mà chỉ là “mầm và khởi đầu của Nước ấy trên trần gian” (Hiến Chế “Ánh sáng muôn dân”). Đức Kitô là trung tâm điểm của Kitô giáo, chứ không phải Giáo hội. Đức Kitô là trung gian giữa Thiên Chúa với nhân loại, còn Giáo hội chỉ đóng vai trò chứng tá và bí tích, trong tương quan với mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô.
Theo Công đồng Vatican II, ơn cứu độ của Thiên Chúa không những “bao hàm tất cả những ai nhận biết Đấng Tạo Hóa” mà còn nới rộng tới “những ai vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa một cách rõ rệt, nhưng tìm kiếm Ngài với tâm hồn chân thành và dưới sự hỗ trợ của ân thánh Chúa, cố gắng sống một cách chính trực theo sự hướng dẫn của lương tâm” (Hiến Chế “Ánh sáng muôn dân”). Thay cho thái độ cực đoan, loại trừ và độc tôn, niềm tin đích thực nơi Đức Kitô mời gọi dấn thân rao giảng Tin Mừng, đồng thời chấp nhận giá trị tích cực của các tôn giáo khác. 
Trong phần kết luận (mang tên “Tác động phổ quát của Thần Khí) của bản tham luận, Đức GM Phaolô đã gợi ra những thao thức quí báu đến với toàn thể hội thảo viên. “Thần Khí của Thiên Chúa luôn hiện diện suốt dòng lịch sử nhân loại và vẫn tác động tiếp tục ở bên ngoài ranh giới của Kitô giáo. Và nói cho cùng, chức năng cứu độ của Thần Khí là chuẩn bị và dẫn đưa con người gặp gỡ Đức Kitô. Sứ vụ đặc biệt của Thần Khí, dù trước hay sau biến cố Nhập Thể, đều nhằm mục đích làm cho nhân loại tham dự hữu hiệu và phổ quát hơn vào mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô. Do đó, theo Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo, “Các Kitô hữu cần làm chứng đức tin và đời sống Kitô giáo, đồng thời phải nhìn nhận, bảo tồn và phát huy các giá trị siêu việt, đạo đức, xã hội và văn hóa nơi những người theo các tôn giáo khác”.
TÂM TÌNH CHIA SẺ
“50 năm thờ cúng tổ tiên”
Tập sách do LM Võ Tá Khánh (“Trăng Thập Tự”) biên soạn, gồm 6 phần với 40 bài viết giàu tâm huyết (NXB Phương Đông): Vấn đề thờ cúng ông bà trong lịch sử giáo hội Việt Nam, Một số thực hành gây ái ngại, Tránh bị ngộ nhận một lần nữa, Ngỏ lời với bạn đọc ngoài Kitô giáo, Quyển Gia lễ Công giáo hay Kinh nguyện gia đình, Đạo Hiếu trong lời nguyện phụng vụ, Đào sâu linh đạo làm con thảo, Phong trào liên kết dòng họ, Mười bài Tâm ca mùa báo hiếu, Bữa cơm chay, Bốn biển anh em một nhà…
Phát hành tại các nhà sách trên toàn quốc.
Trong bản tham luận vừa dẫn trên, diễn giả nhắc đến một đóng góp đặc biệt của ĐTC Gioan Phao lô II là “xác quyết sự hiện diện tích cực của Thánh Linh trong các nền văn hóa và các tôn giáo”. Cảm giác linh thánh, cảm giác thánh thiêng… cũng là những ý tưởng được chia sẻ bởi hai diễn giả đến từ Đại học Phụ Nhân (Đài Loan): Giáo sư Trần Văn Đoàn (tham luận “Đạo thờ kính tổ tiên: bài học của Giáo hội Công giáo Trung Hoa”, sáng 25/9), LM Giuse Vũ Kim Chính (tham luận “Trong bối cảnh Tam giáo, thử tìm một nền thần học về đạo Hiếu”, sáng 26/9).
LM Giuse Vũ Kim Chính cho rằng “Con người là một hiện hữu cưu mang tôn giáo tính”, và phân tích: “Nếu chỉ coi lễ nghi đối với tổ tiên là cách bày tỏ lòng hiếu để, tức là thực thi một bổn phận luân lý, thì chưa chứng minh được lý do tại sao con người đòi buộc phải thực hành luân lý như vậy. Thực ra khi các nhà truyền giáo chủ trương coi lễ nghi tôn kính ông bà thuộc phạm vi luân lý, họ tin rằng một khi đã tìm ra ý nghĩa nguyên ủy và chính yếu của lễ nghi này, họ có thể giáo dục quần chúng gọt bỏ những mê tín mọc rườm rà bên ngoài và cuối cùng có thể biến hóa những bổn phận luân lý đó cho hợp với niềm tin Kitô giáo. Như vậy, mặc dù nhấn mạnh “lễ nghi” này thuộc phạm vi luân lý, nhưng đã ngầm xác định căn bản của luân lý không thể tách rời khỏi niềm tin tôn giáo”.  Trong khi đó, GS Trần Văn Đoàn nhắc đến một sự đồng qui cần thiết: “Tổ tiên chúng ta, cha mẹ chúng ta, người sinh ra, người dưỡng nuôi, người nâng đỡ giúp ta phát triển đều phải được tôn kính, tôn thờ…, nhưng sự tôn kính, tôn thờ này không thể sánh ngang với việc tôn thờ Thiên Chúa, vì chỉ có Chúa mới là Đấng làm hết tất cả những công năng sinh, dưỡng, dục, phát triển, và nhất là ban cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu”.
Đặc biệt, hai buổi chiều 25 và 26/9 được dành trọn thời gian cho các hội thảo viên chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến thực hành. LM Võ Tá Khánh (“Trăng Thập tự”) cho biết Ban Mục vụ Văn hóa giáo phận Quy Nhơn đang duyệt để chuẩn bị phát hành Sách gia lễ Công giáo, đồng thời kể về những chuyến hành hương thờ cúng tổ tiên vào dịp tết: thăm các từ đường, nhà thờ họ của lương dân ở Bình Định, xem đó như là những “cánh cửa mở rộng loan báo Tin Mừng”.
Về tác động phổ quát của Thần Khí, Đức GM Micae Hoàng Đức Oanh (GP Kontum) đã quảng diễn một sự đổi mới trong quan niệm truyền giáo của ngài, bằng cách tóm tắt một câu trong Thánh Kinh: “Đấng tôi tôn vinh là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông” (Gioan 8: 54).
Trong công việc truyền giáo, Đức GM Micae kể lại mẩu chuyện về một nhóm người lên cao nguyên: “Họ hỏi: Chúng con sẽ ở đâu?, tôi dẫn lời Thánh Kinh: Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu” (Luca 9:58). Họ lại hỏi: Chúng con làm gì?, tôi lại dẫn Thánh Kinh: Hãy đến mà xem (Gioan 1:39). Họ hỏi tiếp: Chúng con sống bằng cách nào?, tôi dẫn lời Thánh Kinh: Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo (Luca 9: 3).
Theo lời LM Giuse Trần Sĩ Tín (GP Kontum), “Cộng đồng người J’Rai ở vùng Gia Lai (Tây Nguyên) thấy linh trong mọi sự, nên họ cẩn trọng trong mọi sự. Họ kêu những vị quá cố có tên lẫn không tên trở về phù hộ con cháu, ông bà đã linh nên cây cỏ, nơi chốn mà họ từng đi qua cũng trở nên linh… Trong sứ vụ truyền giáo, trước hết, là cảm nhận được không gian linh ấy để rồi nâng cao sự linh thánh từ đức tin Kitô giáo”.
Trong buổi chiều kết thúc (26/9), một số hội thảo viên đã nêu đề nghị HĐGM Việt Nam nên có những hướng dẫn cụ thể và thống nhất, chẳng hạn về bàn thờ tổ tiên, về câu đối vừa diễn tả lòng thảo hiếu vừa diễn tả được Đức tin, các mẫu kinh chung, các bản văn đọc khi cúng giỗ, bản văn cáo gia tiên trong hôn lễ, bái chào, sử dụng cờ ngũ hành với với cây Thánh giá trong lòng cờ…
--o0o--
Đóng góp vào bầu không khí sinh động của cuộc hội thảo, ngoài phần thuyết trình và chia sẻ góp ý, còn phải kể đến các tiết mục văn nghệ (dẫn chương trình:  LM Giuse Trịnh Tín Ý và cô Phaolô Têrêsa Vũ Chinh):  GM Giuse Vũ Duy Thống trở thành “ca sĩ” với nhạc khúc do chính ngài sáng tác Nếu không là, Đức Hùng tự biên tự diễn nhạc khúc Một chút Việt Nam, Khắc Dũng với Biết ơn – biết yêu, ca sĩ Hiền Thục, Đoan Trang góp mặt bằng những ca khúc dịu dàng về tình mẹ. Đặc biệt vũ khúc Hùng Vương lập quốc, đồng ca Hội nghị Diên Hồng gợi dậy cảm xúc dạt dào về lòng tri ân tiên tổ.
Nhạc khúc khép lại cuộc hội thảo “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” đã được toàn bộ hội thảo viên đồng ca. Vâng, sẽ còn phải nhớ mãi giai điệu hào hùng, lời ca bất khuất này…“Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người. Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam. Làm người ngang tàng điểm mặt mày của nhân gian. Hỡi những ai gục xuống, ngoi dậy, hùng cường đi lên… Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng!”.
HỘI THẢO VỀ TÔN KÍNH TỔ TIÊN (2)