Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

Ngày thế giới cầu nguyện cho việc săn sóc thụ tạo

ĐTC kêu gọi cầu nguyện cho việc săn sóc thụ tạo - căn nhà chung của nhân loại

Cuối buổi tiếp kiến chung, ĐTC cũng kêu gọi cộng tác trong ngày thế giới cầu nguyện cho việc săn sóc thụ tạo mùng 1 tháng 9, trong sự hiệp nhất với các anh em Chính thống và các Giáo Hội Ki tô khác.

ĐTC nói: "Trong sứ điệp cho năm nay, tôi ước mong kéo sự chú ý của mọi người đối với nước, là thiện ích đầu tiên cần bảo vệ và cống hiến cho mọi người. Tôi biết ơn các sáng kiến khác nhau của các Giáo Hội địa phương, các hiệp hội dòng tu đã đề ra. Tôi mời mọi người hiệp nhất trong lời cầu nguyện ngày thứ bẩy tới đây cho việc săn sóc căn nhà chung của chúng ta."

Linh Tiến Khải - Vatican

Thư gửi sinh viên và học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới (2018-2019)

TOÀ TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com
 
Thư Gửi Sinh Viên Và Học Sinh
Nhân Dịp Khai Giảng Năm Học Mới
(2018-2019)
Các con sinh viên và học sinh rất thân mến,
1. Mùa hè đang khép lại và một năm học mới sắp bắt đầu. Năm học mới, thời gian của ân sủng, sẽ được Thiên Chúa ban tặng cho các con như một nén bạc quý giá cần được sử dụng với lòng biết ơn và tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, Giáo Hội và xã hội. Nhân dịp này, với tư cách là mục tử của giáo phận, cha muốn bày tỏ lòng yêu mến của cha cũng như của Giáo Hội đối với các con, vì các con không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của Giáo Hội và Đất Nước, đồng thời cha cũng muốn chia sẻ cùng các con một vài tâm tình, với ước mong đem lại cho các con niềm hứng khởi trong năm học mới.
2. Trước hết, năm học mới của các con khởi sự trong bầu khí chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về giới trẻ với chủ đề “Giới trẻ: đức tin và sự phân định ơn gọi” sẽ diễn ra vào tháng 10/2018 tại Roma. Những cuộc thăm dò, gặp gỡ và trao đổi với các bạn trẻ trên khắp thế giới, trực tiếp hoặc qua các phương tiện truyền thông, nhằm chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng, nói lên mối quan tâm đặc biệt của Giáo Hội dành cho người trẻ, sau quan tâm mục vụ dành cho gia đình.
Lắng nghe tiếng nói của người trẻ, Giáo Hội nhận ra những thách đố và cơ hội của các bạn trong thế giới hôm nay, nhận thức của các bạn về đức tin và ơn gọi cũng như ước muốn của các bạn được đồng hành trong đời sống đức tin, cách riêng trong việc phân định ơn gọi. Điều đáng ghi nhận là các bạn trẻ, dù có hoang mang và bối rối trước bóng tối trong cuộc đời, vẫn không ngừng tin tưởng vào ánh sáng và khả năng đẩy lùi bóng tối của nó, để luôn sống trong hy vọng và dấn thân biến đổi bản thân, gia đình và xã hội như ý Chúa muốn.
Cha tin tưởng và hy vọng các con sẽ tìm được người đồng hành đáng tín nhiệm nơi gia đình, nhà trường và giáo xứ để có thể khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời và sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, đồng thời nhận ra đâu là điều mà Thiên Chúa kêu gọi các con sống và hành động. Trong viễn tượng này, học tập không đơn thuần để biết hay để làm, mà còn để sống và trở nên những con người đích thực như lòng Chúa mong ước và mọi người mong đợi.
3. Kế đến, năm học mới của các con còn diễn ra trong Năm Thánh tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Ngày 19 tháng 6 năm 1988, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã long trọng tuyên phong 117 vị Tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh. Trong năm 2018, Giáo Hội Việt Nam hân hoan cử hành kỷ niệm 30 năm sự kiện trọng đại này. Mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Hội đồng Giám mục mời gọi chúng ta chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của các ngài, để có thể làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường sống hiện nay. Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng trước mặt vua quan rằng Nước Trời là “kho báu chôn giấu trong ruộng” và “viên ngọc quý”, nên khi tìm được thì sẵn sàng bán tất cả những gì mình có để “mua thửa ruộng và viên ngọc ấy” (x. Mt 13,44-46). Các ngài đã dám sống mầu nhiệm hạt lúa được gieo vào lòng đất, chấp nhận chết đi để mang lại nhiều hoa trái (x. Ga 12,23-25). Ước chi gương sáng đức tin của các ngài giúp các con dám khước từ những gì nghịch lại với các giá trị của Tin Mừng, đồng thời làm cho các giá trị của Tin Mừng thấm nhập vào đời sống học đường. Thời gian gần đây, những hiện tượng thiếu trung thực đã làm tổn thương trầm trọng ngành giáo dục, nhưng các con hãy vững tâm để cho Lời Chúa là sự thật thánh hiến các con (x. Ga 17,17). Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các con hãy luôn tìm kiếm sự thật, tôn trọng sự thật và nhất là sống theo sự thật. Các Thánh Tử Đạo đã chú tâm thực hiện những điều đó để sống một cuộc sống trọn vẹn ý nghĩa và trở thành mẫu gương sống động cho tất cả chúng ta là những người biết tín thác vào Chúa và muốn trở nên môn đệ đích thực của Người.
4. Sau hết, năm học mới của các con còn diễn ra trong Năm Mục vụ Gia đình, đặc biệt cho các gia đình trẻ. Năm Mục vụ Gia đình mời gọi chúng ta quan tâm đến gia đình, nơi mà chúng ta được sinh ra và lớn lên trong tình thương của cha mẹ và anh chị em ruột thịt. Nguyên việc các con có điều kiện đến trường để trau dồi đức-trí-thể, đã là bằng chứng hùng hồn cho tình yêu và sự hy sinh lớn lao của cha mẹ dành cho các con. Ước gì các con luôn cảm thấy gia đình là của mình và mình thuộc về gia đình, để hết lòng yêu mến, gắn bó và góp phần xây dựng gia đình trở thành “ngôi nhà thờ phượng, mái ấm tình yêu, ngôi trường giáo dục” (Thư gửi các gia đình Công giáo của HĐGMVN, số 7), bằng cách tham dự giờ cầu nguyện cũng như các bữa ăn chung trong gia đình. Để hỗ trợ cho việc cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa trong gia đình cũng như cho các bạn trẻ, giáo phận đã xuất bản bộ sách “Gia đình cầu nguyện với Lời Chúa hằng ngày” và đang thực hiện một ứng dụng (app) trên điện thoại (smartphone) nhằm tạo điều kiện cho các con cầu nguyện và sống Lời Chúa trong bối cảnh xã hội tục hóa hiện nay.
5. Hy vọng ân sủng của năm học mới sẽ đơm hoa kết trái dồi dào nơi cá nhân và gia đình của các con, nhờ sự cộng góp đắc lực của mỗi người. Cha mến chúc các con một năm học mới hăng hái, vui tươi và gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp. Xin Thiên Chúa tuôn đổ phúc lành xuống trên các con và gia đình của các con, cũng như trên thầy cô và bạn bè của các con.
Thương mến chào các con!
(đã ký và đóng dấu)
Giuse ĐỖ MẠNH HÙNG
Giám quản Tông tòa

Câu chuyện truyền giáo Hòa Lan: Suy Tư Và Cảm Nghiệm Mục Vụ

Cái nóng oi bức lạ thường của mùa hè năm nay đã qua và thời tiết giờ đây đã dịu lại báo hiệu một mùa thu đang đến trên Hòa Lan và Âu châu. Mọi người bất đầu làm việc trở lại sau những ngày hè thăm quê hương hay đi du lịch các nước suốt những ngày làm việc mệt nhọc trong năm. Học sinh cũng đã bắt đầu đến trường sau những ngày hè đúng nghĩa và mọi thứ cũng trở lại bình thường.


Nhớ lại những năm tháng ở Paraguay- Nam Mỹ thì từ tháng 6 đến tháng 8 là những tháng bận rộn nhất với nhiều lễ bổn mạng tại các giáo điểm, lễ rước Chúa lần đầu, lễ thêm sức, lễ đám cưới và những lễ hội truyền thống của người dân Nam Mỹ khiến lịch mục vụ kín mít vì những tháng này ở Nam Mỹ là mùa đông trời se lạnh và người ta có nguồn thu từ hoa màu, buôn bán nên việc chi thu cũng thoải mái hơn.

Hơn một năm sống, học hành và bắt đầu làm quen với khí hậu và con người ở đây, nhiều khi mình cũng muốn tìm ‘chuyện xấu’’ gì để ‘soi mói’ hay để để chê trách nhưng tìm hoài chẳng thấy ngoại trừ người dân ở đây ít đến nhà thờ vào các Chúa Nhật hay lễ trọng. Còn một điều nữa là ở đây cho phép làm mọi điều mà pháp luật không cấm, và nhiều khi quyền tự do quá nhiều nên lắm lúc mình cảm thấy ghen tỵ và bực mình vì quốc gia mình không được một chút như họ.

Những ngày đầu tháng 8 chúng tôi có giúp giải tội cho các em thiếu nhi Việt Nam tại Hòa Lan dịp các em tham dự trại Hè hàng năm do Ban điều hành Giáo xứ Việt Nam tại Hòa Lan và các em huynh trưởng tổ chức. Bên này tập trung được các em vào dịp hè không phải là chuyện dễ vì nếu các em không thích và không có gì hấp dẫn trong các ngày trại hè thì các em sẽ dứt khoát không đi. Các em huynh trưởng ở đây được đào tạo rất bài bản và em nào cũng nói được tiếng Hòa Lan, tiếng Việt giỏi để hướng dẫn các thiếu nhi vì các em thiếu nhi Việt Nam ở đây không nói tiếng Việt được. Vị cha xứ mới đã hiện diện với các em trong 7 ngày trại để đồng hành với các em trong từng thánh lễ, từng bữa ăn và từng sinh hoạt để hiểu thêm về cách sống và cách làm việc của con cái ngài trong giáo xứ tòng nhân này. Trong giờ giải lao sau khi giải tội, 3 linh mục người Hòa Lan trong đó có một cha là Tổng đại diện đã nói với chúng tôi rằng phải công nhận thiếu nhi gốc Việt rất sốt sắng, dễ thương và thân thiện vì đã mạnh dạn chia sẻ hỏi han và tâm sự thật lòng điều các em muốn nói. Cha Tổng đại diện còn nói giáo xứ Việt Nam ở Hòa Lan chỉ cần kêu gọi là người ta tham dự ngay. Bằng chứng 


là trại hè 7 ngày mà có đến gần 130 thiếu nhi tham dự, trong khi một Tổng giáo phận lớn nhất của ngài ở Hòa Lan với biết bao giáo xứ kêu gọi từ lâu mà chỉ có 25 em thiếu nhi tham dự. Là người Việt Nam chúng tôi thấy hãnh diện khi nghe chính từ miệng một vị Tổng đại diện ở đây nói lên tâm tình như vậy. Chúng tôi cũng thấy nhiều anh chị em từ khắp các nơi ở Hòa Lan đã tình nguyện đến giúp lo lắng từng bữa cơm, quét dọn, trang trí… cho những ngày trại hè cách âm thầm để ủng hộ cho giáo xứ mà họ không cần một lời khen, một hình ảnh nào để post lên mạng.

Trong lá thư của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 20 tháng 8 gởi cho dân Chúa về những tộiphạm tính dục trong hàng giáo sĩ đã được dịch ra nhiều thứ tiếng mở đầu bằng lời của thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn Côrinthô: “Nếu một bộ phận phải đau, thì hết các bộ phận đau chung” (1Cor 12,26). Đức Thánh Cha thẳng thắn nói rằng chúng ta phải đối diện với thực trạng đau buồn đó và không nên đỗ lỗi cho ai về những gì mà một số anh em trong hàng giáo sĩ đã trót phạm và chúng ta cần phải liên đới trách nhiệm chứ không chỉ dừng lại chỉ trích, oán hờn. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Chúng ta đau đớn về những hành xi xấu xa của một số anh em chúng ta đã gây ra và chúng ta cần phải làm gì đó để chứng minh rằng trong Giáo Hội còn có rất nhiều vị mục tử nhân lành dám xả thân vì đoàn chiên. Đức Thánh Cha cũng đề cập đến việc lạm dụng quyền lực và lạm dụng lương tâm. Chúng tôi còn nhớ trong một lần trả lời phỏng vấn trên cương vị là Tổng Giám Mục Sài Gòn khi ngài vừa mới nhận chức, Đức Cố Phaolo Bùi Văn Đọc có đề cập đến vấn đề giáo sĩ trị mà ngài đang tìm hiểu trong Tổng giáo phận của ngài. Ngài mong muốn là các mục tử hãy dùng tình thương và lòng nhân ái đối với đàn chiên dễ thương và biết vâng phục như giáo dân Việt Nam chứ đùng lạm dụng quyền lực mà chúng ta thường quen gọi là giáo sĩ trị.


Chúng tôi từng làm việc với nhiều sắc dân và nhiều quốc gia khác nhau và phải nhìn nhận rằng giáo dân Việt Nam mình dễ thương thật dù đôi khi cũng có một số người có khuynh hướng chống đối và ném đá dấu tay qua những bài viết chỉ trích, lên án thái quá. Nhưng cũng phải đấm ngực nhìn nhận rằng một số không ít trong hàng giáo sĩ Tây có, Việt cũng có thích hành xử như một ông vua và thích quyền lực. Tôi cũng có một vài bạn đồng môn linh mục đang coi xứ ở Việt Nam hay từng du học ở nước ngoài rồi thỉnh thoảng đi giúp chỗ này chỗ kia nhưng cũng tự cho mình cái quyền phán xét, cấm đoán và áp dụng giáo luật cách máy móc vì cứ nghĩ là giáo dân không biết gì luật lệ khiến nhiều người bất an. Chúng tôi đã trực tiếp chia sẻ và tâm sự với những anh em đồng môn đó rằng linh mục, vị mục tử của Chúa không cho giáo dân điều gì về vật chất (vì có đâu mà cho) ngoại trừ cho họ sự bình an, sự cảm thông để họ đến với Chúa dù họ có trăm ngàn lỗi lầm. Người ta đang có mặc cảm tội lỗi muốn tìm một lời ủi an từ linh mục nhưng linh mục lại gội cho họ một gáo nước lạnh nữa thì thử hỏi họ dám đến với Chúa nữa không!

Những ngày qua chúng tôi cảm thấy hân hoan khi mình bắt được nhiều “con cá lớn” mà mấy mươi năm qua họ gần như đã quên Chúa. Một trong những người ấy vừa mới qua đời hôm này với gương mặt vui tươi hớn hở vì đã làm hòa với 


Chúa trước khi nhắm mắt lìa đời trong viện dưỡng lão. Chúng tôi còn nhớ những năm đầu truyền giáo ở Nam Mỹ đã đọc được một câu nói được khắc trên tảng đá của một Đan Viện bằng tiếng Tây Ban Nha: “Salvar una vida es salvar a la humannidad” (Cứu một mạng sống là cứu cả nhân loại). Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã từng viết: “Làm việc nhỏ với tình yêu lớn; làm những việc tầm thường với lòng mến phi thường”. Chúng tôi luôn tâm niệm những điều ấy và cố gắng kiên nhẫn trong việc lắng nghe, làm những việc tưởng chừng như mất thời giờ, thăm những người cô thế, cô thân, đến những nơi không ai muốn đến… nhưng thật sự những kết quả đến quá bất ngờ và chúng tôi tin rằng chính Chúa đã dùng tôi như dấu lặng trong bản nhạc để hoàn thành bản tình ca cho Ngài.

Chiều thứ sáu ngày 24 tháng 8 vừa qua chúng tôi có tham dự thánh lễ an táng cho một người anh em trong Dòng người Hòa Lan hưởng thọ 101 tuổi. Nhà truyền giáo này đã từng làm việc ở Indonesia gần 50 năm, xây dựng biết bao giáo xứ và rửa tội biết bao người giữa một đất nước Hồi giáo. Sau đó ngài được mời lại về Hòa Lan làm việc với những trọng trách lớn. Rồi làm cha xứ thêm nhiều năm nữa cho đến tuổi về hưu. Những năm cuối đời sống rất an nhàn vui vẻ với anh em hưu trí trong Dòng cho đến ngày ra đi mà không nằm liệt giường hay đau bệnh như những người khác. Đọc tiểu sử của ngài thật đáng khâm phục nhưng có thấy báo chí nào đăng tin tốt lành này. Bởi thế, một số người ví von đời linh mục như những chiếc máy bay hàng ngày chuyển biết bao hành khách đi tứ phương rất an toàn nhưng ít khi ai nhớ đến, người ta chỉ biết đến khi một chiếc máy bay bị rơi vì nhiều nguyên nhân và trở thành tin tức hàng đầu trên các phương tiện truyền thông. Vẫn còn rất nhiều mục tử nhân hậu đây đó đang âm thầm đồng hành và hướng dẫn đàn chiên mà không cần ai nhắc đến. Hãy cầu nguyện cho linh mục và tha thứ cho họ nếu họ có điều gì lầm lỗi vì họ cũng chỉ là những con người yếu đuối. 


Hôm Chúa Nhật 26 tháng 8 chúng tôi cùng dâng thánh lễ đồng tế cho Nhóm La Vang ở giáo khu Almere nhân dịp bổn mạng. Nhóm này hoạt động gần 20 năm qua với sự gợi hứng của Đức Cô Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận trong dịp ngài ghé thăm Hòa Lan khi bị chính quyền Việt Nam trục xuất sau khi mãn hạn tù. Mẹ luôn là đề tài muôn thuở mà không có giấy mực nào kể hết, nhất là người Mẹ Trên Trời có tên là Maria. Người ta có thể giận nhau nhưng khi đển lễ Mẹ là họ làm hòa và quây quần bên nhau. Xin Mẹ đói thương đàn con của Mẹ đang phiêu lưu giữa chốn trần gian biết ăn năn sám hối và biết chạy đến cùng Mẹ để được Mẹ ủi an mỗi khi đau buồn, thất vọng. Xin cho chúng con luôn biết hiệp nhất, yêu thương nhau và đừng vì tính ghen tuông, ích kỷ mà dẫn đến chia rẽ, hận thù nhau. 

Hôm nay giáo hội mừng lễ thánh nữ Monica, bổn mạng các Bà Mẹ Công Giáo. Giáo Hội chọn thánh Monica làm quan thầy các Bà Mẹ không phải vì thánh Monica có nhiều bằng cấp hay là đàn hay hát giỏi. Giáo hội chọn thánh nữ Monica và ngài là một người vợ, người mẹ luôn biết yêu thương, đạo đức và nhân hậu nên đã cảm hóa được người chồng ngoại đạo ác độc, ích kỷ và đứa con thông minh nhưng ngang tàng, trụy lạc. Những giọt nước mắt của ngài đã thấu đến Chúa và Chúa đã làm những gì mà người đời cho là không thể trở thành có thể. Chúng tôi đã chứng kiến biết bao bà mẹ trẻ cũng có, lớn tuổi cũng có, mẹ đơn thân cũng có, người vợ bị chồng bỏ, người mẹ góa.. cũng có ở khắp nơi từ Châu Mỹ Latinh, châu Á hay châu Âu nơi chúng tôi đang làm việc thật đáng thương. Họ đã khóc nhiều trong những lần chia sẻ hay ngay cả trong tòa giải tội về chồng con hay gia đình mình. Tôi thiết nghĩ những giọt nước mắt ấy đã thấu đến Chúa và Chúa muốn các linh mục như chúng tôi hãy làm những gì có thể để đem đến cho họ sự bình an và hạnh phúc. 


Chiều nay chúng tôi có mời một số bà mẹ đến nhà xứ chúng tôi để chúc mừng các mẹ trong dịp bổn mạng của họ với một bài chia sẻ ngắn trong thánh lễ và một bữa cơm thân mật. Dù là ngày đầu tuần với biết bao công việc nhưng một số bà mẹ cũng đã đến để tham dự. Xin chúc mừng các Bà Mẹ Công Giáo biết noi gương thánh nữ Monica trong việc cảm hóa những người chồng, con mình bằng sự cầu nguyện liên lỉ, bằng những giọt nước mắt yêu thương và liên đới giúp đỡ lẫn nhau trong những công việc của xứ đạo mình chứ không phải tham gia vào Hội Các Bà Mẹ Công Giáo để diện đồ, để chia bè phái và nói xấu nhau. Lạy Thánh nữ Monica, xin ban cho các bà mẹ Công Giáo luôn có tâm hồn thánh thiện và đạo đức như thánh nữ. Xin cho các bà mẹ luôn biết giáo dục con cái mình biết mến Chúa và yêu người.Xin cho các bà mẹ Công Giáo luôn biết nêu gương sáng cho con cái trong đời sống để con cái nhiệt thành mến Chúa và yêu tha nhân. Amen.

Hòa Lan,27 tháng 08 năm 2018,

Lễ nhớ thánh nữ Monica, bổn mạng các Bà Mẹ Công Giáo

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.

Việc đổi mới số 2267 trong sách Giáo lý Giáo hội Công giáo về án tử hình

Rescriptum “ex Audentia SS.mi
02-8-2018
Trong buổi yết kiến ngày 11 tháng 5 năm 2018 dành cho Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin ký tên dưới đây, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã chuẩn y bản dự thảo mới của số 2267 trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, chấp thuận cho bản văn này được dịch sang các ngôn ngữ khác nhau và đưa vào trong mọi ấn bản của Sách Giáo Lý vừa nêu.
Án tử hình
2267. Việc chính quyền hợp pháp sử dụng án tử hình, sau khi đã xét xử công minh, từ lâu đã được xem như một giải pháp xứng hợp với tính trầm trọng của một số tội ác, và một phương thế bảo vệ công ích có thể chấp nhận được, dù rất khắc nghiệt.
Tuy nhiên ngày nay, chúng ta ngày càng ý thức rằng phẩm giá của con người không bị mất đi ngay cả sau khi họ đã phạm những tội ác rất trầm trọng. Hơn nữa, một sự hiểu biết mới mẻ về ý nghĩa của các án phạt hình sự được nhà nước áp dụng đã rõ nét hơn. Sau cùng, những hệ thống cầm tù hữu hiệu hơn đã được phát triển, bảo đảm quyền an ninh của công dân, nhưng đồng thời cũng không tước đi cách vĩnh viễn khả năng hoán cải của phạm nhân.
Vì thế, trong ánh sáng của Tin Mừng, Giáo hội dạy rằng “án tử hình là không thể chấp nhận vì án phạt này là sự tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người”;[1] Giáo hội quyết tâm hoạt động nhằm khuyến khích việc loại bỏ án tử hình trên khắp thế giới.
Vatican, 01.8.2018, Lễ nhớ Thánh An-phong Li-gô-ri
Hồng y Luis F. Ladaria, S.J.
Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin
Bản dịch của UB Giáo Lý Đức Tin
Nguồn: press.vatican.va
[1] Phan-xi-cô, Diễn văn dành cho các tham dự viên cuộc gặp gỡ do Hội đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Việc Tân Phúc Âm Hóa tổ chức (11-10-2017): L’Osservatore Romano (13-10-2017), 5.

BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN
Thư gửi các giám mục về việc đổi mới số 2267
trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo về án tử hình
1. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong Diễn văn Dịp Kỷ Niệm 25 Năm Ngày Ban Hành Tông hiến Fidei Depositum – với tông hiến này, Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã công bố Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo – đã yêu cầu trình bày lại giáo huấn về án tử hình để phản ánh tốt hơn sự phát triển của đạo lý về vấn đề đã và đang diễn ra trong thời gian gần đây.[1] Sự phát triển này tập trung chủ yếu vào việc Giáo hội ý thức rõ ràng hơn về sự kính trọng phải có đối với sự sống con người.Theo đường hướng này, Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã khẳng định: “Ngay cả kẻ sát nhâncũng không mất đi nhân phẩm của mình, và chính Thiên Chúa cam kết bảo đảm điều này”.[2]
2. Chính trong ánh sáng này, chúng ta hiểu ra thái độ chống lại án tử hình được trình bày cách rộng rãi hơn bao giờ hết nơi giáo huấn của các vị mục tử và trong cảm thức của dân Chúa. Thật vậy, nếu như tình hình xã hội và chính trị trong quá khứ đã khiến cho án tử hình trở thành cách thế có thể được chấp nhận để bảo vệ công ích, thì ngày nay sự hiểu biết tăng dần về việc phẩm giá của một người không bị mất đi ngay cả khi người đó đã phạm những tội ác trầm trọng nhất, cũng như sự hiểu biết thấu đáo hơn về ý nghĩa của các án phạt hình sự do nhà nước áp đặt, cùng với sự phát triển các hệ thống cầm tù hữu hiệu hơn nhằm bảo đảm an ninh xứng hợp cho người dân, đã tạo ra một ý thức mới mẻ nhìn nhận án tử hình là không thể chấp nhận, và vì thế yêu cầu loại bỏ án này.
3. Trong sự phát triển này, giáo huấn trong Thông điệp Evangelium vitae của Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II có tầm quan trọng lớn lao. Giữa các dấu chỉ hy vọng cho một nền văn hóa mới về sự sống, Đức Thánh Cha đã chỉ ra “sự phản kháng đang gia tăng của công luận đối với án tử hình, ngay cả khi hình phạt như thế được xem là phương thế ‘phòng vệ hợp pháp’ của xã hội. Thật vậy, xã hội tân tiến có những phương thế chế ngự tội ác cách hữu hiệu bằng cách làm cho các phạm nhân thành vô hại mà không phải tước đoạt cách vĩnh viễn cơ hội cải hóa của họ”.[3] Sau này, lời dạy trong Thông điệp Evangelium vitae được đưa vào trong ấn bản chuẩn (editio typica) của SáchGiáo Lý Giáo Hội Công Giáo. Trong Sách Giáo Lý này, án tử hình không được trình bày như mộthình phạt tương xứng với tính trầm trọng của tội ác, nhưng án phạt này có thể được biện minh nếu đó là “biện pháp khả thi duy nhất để bảo vệ mạng sống con người cách hiệu quả, chống lại kẻ gâyhấn”, dù thật ra “những trường hợp tuyệt đối cần thiết phải trừ khử phạm nhân hiện nay là rất hiếm, nếu không muốn nói là không còn trong thực tế” (số 2267).
4. Vào nhiều dịp khác, Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II cũng đã can thiệp chống lại án tử hình, bằng cách cậy dựa vào sự tôn trọng nhân phẩm lẫn những phương thế mà xã hội ngày nay có được để tự vệ chống lại các tội phạm. Vì thế, trong Sứ điệp Giáng Sinh 1998, ngài mong ước được thấy trên thế giới “sự đồng lòng về nhu cầu cần có những biện pháp thích đáng và khẩn cấp… để chấm dứt án tử hình”.[4] Tháng sau đó tại Hoa kỳ, ngài nhắc lại, “một dấu chỉ hy vọng là có sựnhận biết tăng dần theo đó phẩm giá của sự sống con người không bao giờ phải bị tước đi, ngay cả trong trường hợp một ai đó đã phạm điều dữ trầm trọng. Xã hội tân tiến có những phương thế tự vệ, mà không phải tước đoạt cách vĩnh viễn cơ hội cải thiện của các phạm nhân. Tôi lặp lại lời kêu gọi đã được đưa ra gần đây vào dịp Giáng Sinh nhằm tìm kiếm sự đồng tâm cùng nhau chấm dứt án tử hình, một hình phạt vừa tàn bạo lại không cần thiết”.[5]
5. Việc dấn thân nhằm xoá bỏ án tử hình đã được các vị giáo hoàng sau đó tiếp tục. Đức Giáo hoàng Bê-nê-đic-tô XVI kêu gọi “các vị lãnh đạo xã hội lưu tâm làm tất cả những gì có thể nhằm loại bỏ án tử hình”.[6] Sau đó ngài tỏ bày ước nguyện trước một nhóm tín hữu rằng “những cuộc thảo luận của các con sẽ khích lệ các sáng kiến về lập pháp và chính trị, đang được ngày càng nhiều các quốc gia cổ võ, nhằm loại bỏ án tử hình và nhằm tiếp tục tạo đà tiến triển trọng yếu trong việc làm cho luật hình sự đồng thời hòa hợp với phẩm giá các tù nhân và việc duy trì trật tự công cộng cách hữu hiệu”.[7]
6. Trong cùng một viễn cảnh này, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã khẳng định lại rằng “ngày nay án tử hình là không thể chấp nhận, dù tội ác của người bị kết án có trầm trọng đến đâu”.[8] Dù được thi hành bằng phương tiện nào đi nữa, án tử hình “dẫn đến việc đối xử tàn ác, phi nhân, và hạ thấp nhân phẩm”.[9] Hơn nữa, phải chống lại án tử hình “vì sự khiếm khuyết của hệ thống tư pháp tội phạm được chọn và đối diện với khả năng sai lầm của toà án”.[10] Chính trong ánh sáng này mà Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã yêu cầu sửa lại lối trình bày của Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo về án tử hình, bằng cách khẳng định rằng “dù tội ác đã phạm có trầm trọng đến đâu, án tử hình là không thể chấp nhận, vì đó là sự tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người”.[11]
7. Việc đổi mới số 2267 trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, được Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô phê chuẩn, vừa được đặt trong sự tiếp nối với Huấn quyền trước đó, vừa mang đến một sự tiến triển nhất quán của giáo lý Công giáo.[12] Theo bước giáo huấn của Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II trong Evangelium Vitae, bản văn mới xác quyết rằng việc kết liễu cuộc đời của một phạm nhân như sự trừng phạt vì một tội ác là không thể chấp nhận, vì án phạt này tấn công vào phẩm giá con người, một phẩm giá không bị mất đi ngay cả sau khi ai đó đã phạm những tội ác trầm trọng nhất. Kết luận này có được nhờ việc lưu tâm đến sự hiểu biết mới mẻ về những án phạt hình sự được Nhà Nước tân tiến áp dụng; theo đó, những án phạt hình sự trên hết nhắm đến sự hoán cải và sự hội nhập vào xã hội của phạm nhân. Cuối cùng, vì xã hội tân tiến sở hữu những hệ thống cầm tù hữu hiệu hơn, án tử hình, xét như việc bảo vệ đời sống của những người vô tội, trở nên không cần thiết. Chắc chắn, như Huấn quyền đã luôn dạy và Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã khẳng định trong các số 2265 và 2266, công quyền vẫn luôn có bổn phận phải bảo vệ sự sống của các công dân.
8. Tất cả những điều này cho thấy rằng lối trình bày mới của số 2267 trong Sách Giáo Lý diễn đạt sự tiến triển chân chính của đạo lý, vốn không mâu thuẫn với những lời dạy trước đây của Huấn quyền. Thực thế, những lời dạy này có thể được giải thích trong ánh sáng trách nhiệm hàng đầu của công quyền là bảo vệ công ích, giữa bối cảnh xã hội trong đó những án phạt hình sự đã được hiểu cách khác, và đã được thi hành trong những điều kiện mà việc bảo đảm rằng phạm nhân không thể lặp lại tội ác của mình còn khó khăn hơn [so với ngày nay].
9. Việc đổi mới này xác quyết rằng sự hiểu biết về tính không thể chấp nhận của án tử hình tiến triển dần “trong ánh sáng của Tin Mừng”.[13] Thực tế, Tin Mừng giúp hiểu hơn trật tự tạo thành mà Con Thiên Chúa đã đảm nhận, thanh luyện và làm cho viên thành. Tin Mừng cũng mời gọi chúng ta hướng đến lòng thương xót và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, Đấng ban cho mỗi người thời gian để hoán cải bản thân.
Việc đổi mới số 2267 trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo muốn mang lại sinh lực cho phong trào hướng đến một cam kết dứt khoát ủng hộ một tâm thức nhìn nhận phẩm giá sự sống của mọi người, và khuyến khích tạo ra những điều kiện cho phép việc loại bỏ án tử hình nơi nào án phạt này vẫn còn hiệu lực, trong tinh thần đối thoại kính trọng với công quyền.  
Thư này đã được thông qua trong Khoá họp Thường kỳ của Bộ Giáo Lý Đức Tin vào ngày 13 tháng 6 năm 2018, được Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô chuẩn y và ban lệnh phát hành vào ngày 28 tháng 6 năm 2018, trong buổi triều yết dành cho vị Thư ký của Bộ Giáo Lý Đức Tin với chữ ký dưới đây.
Rô-ma, từ Văn phòng Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 01 tháng 8 năm 2018
Dịp lễ nhớ Thánh An-phong Li-gô-ri
     Hồng y Luis F. Ladaria, S.J.
             Tổng trưởng
     + Giacomo Morandi
Tổng Giám mục Hiệu tòa Cerveteri
            Thư ký
Bản dịch của UB Giáo Lý Đức Tin
Nguồn: press.vatican.va

[1] X. Phan-xi-cô, Diễn văn dành cho các tham dự viên cuộc gặp gỡ do Hội đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Việc Tân Phúc Âm Hóa tổ chức (11-10-2017): L’Osservatore Romano (13-10-2017), 4.
[2] Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Evangelium vitae (25-3-1995), số 9: AAS 87 (1995), 411.
[3] Ibid., s. 27: AAS 87 (1995), 432.
[4] Gio-an Phao-lô II, Sứ điệp Urbi et Orbi của Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô IIGiáng sinh 1998 (25-12-1998), s. 5: Insegnamenti XXI, 2 (1998), 1348.
[5] Id., Bài Giảng tại Trans World Dome of St. Louis (27-01-1999): Insegnamenti XXII,1 (1999), 269; x. Bài giảng lễ tại Basilica of Nuestra Señora de Guadalupe in Mexico City (23-01-1999): “Phải chấm dứt việc nại đến án tử hình cách không cần thiết”: Insegnamenti XXII,1 (1999), 123.
[6] Bê-nê-đic-tô XVI, Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Africæ munus (19-11-2011), s. 83: AAS 104 (2012), 276.
[7] Id., Buổi triều yết chung (30-11-2011): Insegnamenti VII, 2 (2011), 813.
[8] Phan-xi-cô, Thư gởi Chủ tịch Uỷ Ban Quốc Tế chống Án Tử Hình (20-3-2015): L'Osservatore Romano (20-21/3/2015), 7.
[9] Ibid.
[10] Ibid.
[11] Phan-xi-cô, Diễn văn dành cho các tham dự viên cuộc gặp gỡ do Hội đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Việc Tân Phúc Âm Hóa tổ chức (11-10-2017): L’Osservatore Romano (13-10-2017), 5.
[12] X. Vincent of Lérins, Commonitoriumcap. 23: PL 50, 667-669. Về vấn đề án tử hình, khi nghiên cứu các khoản luật của Thập Giới, Uỷ ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh đã nói về “sự tinh tế” thuộc những quan điểm luân lý của Giáo hội: “Theo dòng lịch sử và sự phát triển văn minh, Giáo hội nhờ suy niệm Thánh kinh, cũng đã làm cho tinh tế hơn quan điểm luân lý của mình về án tử hình và chiến tranh; hiện nay quan điểm ấy ngày càng trở nên tuyệt đối. Cơ sở cho quan điểm dường như triệt để này luôn là nền tảng nhân học, [nghĩa là] phẩm giá nền tảng của nhân vị, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa (Thánh kinh và luân lý: Nguồn gốc Thánh kinh của đạo đức Ki-tô giáo, 2008, số 98).
[13] Công đồng Va-ti-ca-nô II, Hiến chế Mục Vụ Gaudium et Spes, số 4.

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

7 Bí Tích khoả lấp 7 khát vọng thẳm sâu trong tâm hồn chúng ta

Tìm kiếm khỏa lấp những khát vọng trong đời sống là cái sẽ định hướng cuộc đời mỗi người chúng ta. Chúng ta đang sống trong thời mà phần lớn người ta cho rằng đời sống thật ngắn ngủi và mỗi người phải lấp đầy những khao khát của mình bằng bất cứ cách nào thấy là cần thiết. Não trạng này dẫn người ta đến khuynh hướng sai lạc trong việc khỏa lấp những ước muốn hiện tại và thay vì lấp đầy những ước muốn ấy, khuynh hướng này lại dẫn người ta đến việc làm tổn hại chính mình. Họ cảm thấy mình lạc lối, trống rỗng, đau khổ, bị bỏ rơi và nhiều cay đắng. Vậy thì nơi nào chúng ta có thể tìm thấy sự lấp đầy đích thực cho tất cả những gì chúng ta khao khát? Chính Chúa Kitô sẽ khỏa lấp tâm hồn chúng ta. Và chúng ta thực sự thấy rằng những khát vọng của mình được viên mãn nơi bảy phép Bí tích Giáo hội đã trao ban cho con cái mình.
Như thế, mời bạn hãy đọc tiếp những điểm dưới đây để thấy cách thức từng Bí tích làm đầy những khát khao sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta.
Khao Khát Được Thuộc Về: Bí Tích Rửa Tội 
Một trong những khao khát phổ biến nhất trên thế gian này đó là ước muốn được thuộc về. Từ thuở nhỏ, chúng ta đã thấy mình có lúc bị đẩy xô, có lúc bị cuốn vờn vào xu hướng luôn đổi thay của đời sống xã hội. Chúng ta có được quý mến không? Chúng ta có được chấp nhận, có được nhiều người ngưỡng mộ không không? Hầu hết mọi người khi đã lớn tuổi sẽ trở nên tự do với chuyện họ là ai và ít quan tâm đến những chuyện chẳng hạn như có được nhiều người ngưỡng mộ hay không. Nhưng dẫu thế, niềm khao khát được thuộc về vẫn còn mãi trong tâm hồn họ. Tại sao vậy? Đâu là mãnh lực của ý muốn được thuộc về mà trong ý muốn ấy mãi tồn tại một thứ khao khát vượt trên cả những khao khát của tuổi trẻ, để được tháp nhập vào nơi nào đó? Sự thực ẩn dưới niềm khao khát này là chúng ta mong muốn thuộc về điều gì đó lớn hơn chúng ta. Khát vọng tìm kiếm thứ gì đó lớn hơn ở đây có thể dẫn mọi người đến những chỗ đầy hiểm nguy, nhưng rốt cuộc, nó lại là một phần trong đời sống nhân loại. Và nó chính là khát vọng được gắn liền với Thiên Chúa và làm bạn đồng hành với dân Ngài. Thiên Chúa đã ban tặng điều gì để khỏa lấp nỗi khát khao được thuộc về của nhân loại? Đó là Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần ngang qua Phép Rửa, để rồi chúng ta hiểu rằng mình thuộc về Thiên Chúa và là thành viên trong gia đình Giáo hội phổ quát của Ngài.
Khao Khát Được Bình An: Bí Tích Hòa Giải
Một ước ao mãnh liệt khác mà chúng ta thấy mình đang kinh nghiệm giữa muôn vàn bấn loạn lạ thường không hồi dứt trong thế giới này và trong đời sống của chúng ta đó là được bình an. Chúng ta bị vây hãm bởi những tiếng ồn, dù là trên màn ảnh nhỏ, dưới những con phố hay đơn giản là ngay trong tâm trí chúng ta. Cho dẫu ồn ào dưới dạng thức nào đi nữa thì chúng ta cũng không thể tránh được. Một mức độ ồn ào khác cứ quấy rầy mỗi người đó là sự ồn ào của những lỗi lầm mình đã phạm. Hầu hết mọi người đều muốn có được một cuộc sống tốt đẹp, nhưng tội lỗi và đau khổ luôn vây hãm tất cả nhân loại, và nó dường như bóp nghẹ cuộc sống của chúng ta. Tội lỗi trong quá khứ ám ảnh chúng ta và lo lắng về tương lai chế nhạo chúng ta. Mong muốn tìm được bình an chưa bao giờ là chuyện đơn giản, và đạt được bình an chưa bao giờ là điều dễ dàng. Vậy thì làm sao chúng ta đạt được nó? Chúng ta tìm được bình an nhờ Bí tích Hòa giải. Khi chúng ta dọn mình xưng tội, tiếng gào thét của tội lỗi và những lắng lo suy nghĩ có thể tăng lên. Nhưng ngay sau khi đã xưng thú tội lỗi và thấy mình được tha thứ và được nên xứng đáng với Thiên Chúa hơn, những tiếng gáo thét kia sẽ ngay lập tức chấm dứt và chúng ta tìm được bình an. Điều ấy xảy ra đơn giản là vì không có cách nào khác để thực sự tìm thấy bình an hơn là thấy chính mình nên hòa hợp với Thiên Chúa.
 Mong Muốn Được Nuôi Dưỡng: Bí Tích Thánh Thể
Có những khao khát không chỉ là khao khát đơn thuần… đó là những nhu cầu. Nhu cầu được nuôi dưỡng là một ví dụ. Rõ ràng mọi người cần được nuôi dưỡng bằng lương thực và nước uống. Tuy nhiên, nhu cầu được nuôi dưỡng thường bị biến ra sai lạc và trở thành một sự thèm muốn. Trong thế giới của những thỏa mãn nhất thời và ý niệm của lạc thú đang trở thành thứ ngự trị tối cao trong cuộc sống của chúng ta, xung quanh chúng ta là những thực phẩm được làm ra với mục đích duy nhất là đem lại niềm vui thú và hầu như có rất ít hoặc không có khả năng nuôi dưỡng và duy trì sự sống. Thực ra, lương thực không chỉ được làm ra cho mục đích của sự vui thú mà thôi, nhưng đúng hơn, chúng là nỗ lực để khỏa lấp những ao ước cần được lấp đầy trong chúng ta bằng một thứ gì đó thực sự làm chúng ta được thỏa mãn. Nhưng liệu đây có phải là niềm vui mà chúng ta đang thực sự kiếm tìm? Và điều chúng ta tìm kếm là gì ngõ hầu thực sự khỏa lấp ước vọng được nuôi dưỡng trong chúng? Đó là Bí tích Thánh Thể. Chúng ta cứ bận rộn lấp đầy chính mình với lương thực và lối sống lạc thú, thế nhưng điều chúng ta thực sự cần chính là được Chúa Giêsu khỏa lấp tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa đã và vẫn ban cho chúng ta món quà quí giá lạ thường qua Bí tích Thánh thể và chúng ta thực sự được Mình, Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Chúa Giêsu Kitô lấp đầy. Một khi biết được điều đó, liệu chúng ta có thể nói rằng vẫn còn thứ gì khác trên thế gian này có thể lấp đầy khao khát được nuôi dưỡng của chúng ta?
Mong Muốn Được Hướng Dẫn: Bí Tích Thêm Sức
Ghé thăm bất cứ hiệu sách nào, bạn sẽ tìm thấy ngay bằng chứng của một khát vọng mãnh liệt khác mà con người muốn có được, đó là ước muốn được hướng dẫn. Những thư mục sách tự lực ngập tràn trên các kệ. Thể loại sách này có ý nghĩa hướng dẫn để giúp người đọc tự hoàn thiện mình hoặc giải quyết các vấn đề cá nhân thông qua những điều thú vị được tác giả viết ra. Và nhu cầu được hướng dẫn lớn đến nỗi người ta sẽ mua những cuốn sách này ngay sau khi tìm thấy nơi chúng “một lối đi đúng đắn.” Mọi người tìm đến sách, những tạp chí, những vị phụ huynh, các thầy cô giáo, những nhân viên tư vấn, các nhà huấn luyện kỹ năng sống, các vị thừa tác viên của Giáo hội, những người bạn, Facebook, và thậm chí cả những người chưa quen bết để tìm kiếm sự hướng dẫn. Nhưng đâu là suối nguồn tối hậu của sự hướng dẫn đích thực cho đời sống chúng ta, và làm sao để chúng ta tìm được suối nguồn hướng dẫn ấy? Chính nơi Bí tích Thêm sức. Một lần nữa, sau Bí tích Rửa tội, Bí tích Thêm sức đánh dấu khoảnh khắc tốt lành chúng ta được tiếp nhận Chúa Thánh Thần vào tâm hồn mình và để Ngài hoạt động, dẫn dắt chúng ta trong đời sống thường nhật của chúng ta. Liệu có ai trên thế gian này hướng dẫn đời sống của chúng ta tốt hơn Thiên Chúa? Câu trả lời thật đơn giản… không ai cả.
Khao Khát Hướng Dẫn: Bí Tích Truyền Chức Thánh
Còn những người viết những cuốn sách tự lực được đề cập ở trên thì sao? Và những người cảm thấy vui thích khi mọi người tìm đến họ để được lời khuyên và được hướng dẫn thì sao? Khao khát được hướng dẫn chắc chắn là một ước muốn mãnh liệt, và khao khát được hướng dẫn người khác cũng mãnh liệt không kém. Mọi người muốn giúp đỡ người khác và họ muốn giúp đời bằng những kiến thức và kinh nghiệm độc đáo của mình. Đó là một ước muốn tuyệt vời. Vậy làm sao người ta có thể thành tựu nơi khát vọng này? Người ta có viết sách hay những tài liệu nhằm hướng dẫn người đọc chăng? Họ có thể chia sẻ những bài viết truyền cảm hứng trên Facebook để khuyến khích bạn bè và gia đình mình? Và họ có cho phép mình mở ra và trung thực với mọi người để người ta có thể học hỏi từ cuộc sống và những trải nghiệm của họ, hoặc nghiên cứu để trở thành những giáo viên, những nhà tham vấn được không? Chắc chắn rồi! Đây là tất cả những cách hiệu quả và tuyệt vời để hoàn thành ước muốn hướng dẫn người khác. Tuy nhiên, đối với những người muốn hướng dẫn người khác đến một cuộc sống với mục đích xa hơn bất kỳ mục đích nào khác trên thế gian này, Thiên Chúa thiết lập Bí tích Truyền chức thánh. Các Giám mục, các Linh mục và Phó tế của Giáo hội Công giáo được lãnh nhận Bí tích Truyền chức thánh và ngang qua việc lãnh nhận Bí tích này, họ buông mình trong tay Thiên Chúa, trở thành khí cụ trong tay Ngài để hướng dẫn và chăn dắt đoàn chiên đến với Chúa và dẫn đưa họ về Thiên Đàng.
Khao Khát Được Mạnh Sức: Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân

Một khát khao rất phổ biến khác, đó là được mạnh sức. Lật các trang tạp chí, lướt qua Facebook hay truyền hình vô tuyến, và thậm chí chỉ cần lái xe ngang qua các phòng tập thể dục địa phương, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều người khao khát có được sức khỏe tốt. Tuy nhiên, không chỉ ở nơi thể lý, nhưng thực ra người ta còn khao khát được mạnh sức trong tâm hồn nữa. Những câu chuyện về những người đang can đảm chiến đấu với bệnh tật, những người lính chiến đấu trong chiến tranh lành lặn trở về, những người phụ nữ được nâng lên thành những vị giám đốc điều hành, những nhà lãnh đạo quốc gia chống lại tất cả những xung đột trong đất nước, và những câu chuyện tương tự khác đã xuất hiện khắp nơi trên các trang mạng xa hội giống như những ngọn lửa lan rộng và được nâng lên như một biểu tượng gợi hứng cho người khác. Những câu chuyện này quả thực có sức gợi hứng và chắc chắn diễn tả sức mạnh nơi điều tốt nhất ẩn chứa trong nó, tuy nhiên, chúng không trả lời cho câu hỏi làm sao để người ta có thể tìm được nguồn sức mạnh ấy. Tất cả chúng ta biết rằng, cho dẫu chưa từng trải nghiệm điều này, nhưng có thể một lúc nào đó trong tương lai khi chúng ta phải đối mặt với một trong những thử thách bất ngờ, và khi ấy, chúng ta hy vọng có thể tỏ lộ sức mạnh của mình cách tuyệt vời như bao người đã thể hiện. Vậy thì niềm khao khát được mạnh sức hướng dẫn chúng ta tới đâu, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn nhất trong đời sống? Nơi Bí tích Sức dầu bệnh nhân.  Bí tích này đem đến cho chúng ta những ơn sủng đặc biệt. Những ơn sủng này làm cho chúng ta thêm mạnh sức và giúp chúng ta ôm ấp Thánh Ý Thiên Chúa cách tròn đầy hơn. Bí tích này cũng cho phép chúng ta vượt thắng những thử thách và khổ đau với niềm cậy trông và ơn sủng Thiên Chúa ban tặng.
Khao Khát Yêu Và Được Yêu: Bí Tích Hôn Phối
Một khát vọng dường như cao nhất trong mọi khao khát trong thế giới hôm nay, đó là khát vọng yêu thương. Yêu và được yêu là một trong những yếu tố trọng yếu ẩn sau từng quyết định của chúng ta. Người ta không ngừng tìm kiếm một tình yêu vững bền, nhưng thật khó để tìm thấy thứ tình yêu như vậy. Niềm khao khát được được khỏa lấp ước muốn yêu thương có thể dẫn người ta rơi vào sự hỗn loạn và phức tạp của những hành vi không lành mạnh. Trong khi có rất nhiều cách khác nhau để diễn tả tình yêu, một hình thức đặc biệt diễn tả tình yêu mà nhiều người thấy mình nơi ấy, đó chính là tình dục. Khao khát yêu thương thật mãnh liệt đến nỗi người ta sẵn sàng trao hiến chính mình trong một cách thức thân mật nhất, đơn giản chỉ để cảm nghiệm mối liên hệ mà họ đang khao khát được cảm nghiệm. Khao khát được yêu thương thật tuyệt vời. Người ta để mình được chiếm hữu trong một cách thức thân mật nhất hầu được khỏa lấp ước vọng yêu thương. Nơi đâu trong cuộc sống nhân loại, tình yêu và tình dục có thể hòa hợp với nhau trong một cách thức làm cho chúng ta cảm thấy được tròn đầy với khát vọng yêu thương? Nơi Bí tích Hôn phối. “Bản thiết kế” của Thiên Chúa cho đời sống hôn nhân là thế. Khi chúng ta uốn đời mình đúng theo “bản thiết kế” này, thì “bản thiết kế” lại ẩn chứa một tiềm năng lấp đầy niềm khát khao vô tận của tình yêu trong một cách thức mà chỉ có một thứ khác mới có thể làm cho nó nên trọn hảo.
Điều Duy Nhất Có Thể Làm Cho Những Khao Khát Của Chúng Ta Nên Trọn Hảo đó Là Chính Chúa Giêsu.
Nhiều người nghĩ khát vọng yêu thương hẳn phải là một thứ khao khát lãng mạn nhưng trong khi một khao khát về một tình yêu lãng mạn quan trọng như thế thì thứ tình yêu được cắm rễ sâu nơi trung tâm sự hiện hữu của chúng ta được nên trọn hảo không chỉ nhờ nơi đời sống hôn nhân. Chúa Giêsu mới là Đấng duy nhất lấp đầy những khát vọng thẳm sâu trong tâm hồn chúng ta. Lễ hy sinh của Chúa Giêsu trên Thập giá là bằng chứng duy nhất để nhân loại nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho họ. Và khi chúng ta ôm lấy Chúa Giêsu vào lòng mình, và để Tình Yêu Ngài ngự trị trong tâm hồn chúng ta, Tình Yêu ấy sẽ biến đổi chúng ta để mỗi người thực sự được gia tăng khả năng yêu mến tha nhân cách vô vị lợi và với lòng quảng đại hy sinh. Bằng việc biết và yêu mến Ngài, chúng ta thấy mình có khả năng lấp đầy nhu cầu yêu thương – nhu cầu bẩm sinh của chúng taTình yêu là trung tâm điểm nơi con người chúng ta và nơi Thiên Chúa, Đấng tạo thành nhân loại. Vì thế,  tình yêu chỉ có thể được hiểu khi nhân loại biết rằng Thiên Chúa ban cho họ những phương tiện mà nhờ đó, họ được khỏa lấp những khao khát yêu thương trong tâm hồn mình.
Tình yêu là thiết yếu, đến nỗi chúng ta có thể nói rằng tất cả những khát vọng trong chúng ta sẽ dẫn chúng ta trở về với khao vọng tối cao – khát vọng yêu thương. Và bởi vì từng Bí tích khỏa lấp từng ước muốn của chúng ta, mỗi Bí tích đơn giản là một phần trong những cách thức Thiên Chúa dùng nhằm giúp chúng ta tìm thấy thứ tình yêu chúng ta ao ước đạt được. Thiên Chúa ban cho nhân loại món quà quí giá là chính Con Một của Ngài, và nơi Người Con, Thiên Chúa biểu lộ hành vi yêu thương vĩ đại nhất Ngài dành cho nhân loại. Thiên Chúa cũng thiết lập Giáo hội và ban cho chúng ta những Bí tích để lấp đầy những khát vọng của chúng ta. Đồng thời Ngài cũng làm cho chúng ta tiến gần tới Ngài hơn. Ngài là Thiên Chúa và Ngài là Tình Yêu. Và dĩ nhiên, Ngài đã ban cho chúng ta một Con Đường – ngang qua Hội thánh Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền – để khỏa lấp khao khát của chúng ta là được nên thân mật với Ngài hơn. Cũng qua đó, Thiên Chúa dẫn chúng ta đi qua giữa thế gian trong một cách thức nào đó làm hài lòng Ngài, và như thế Ngài kéo chúng ta đến gần hơn đời sống vĩnh cửu với Ngài trên thiên Thiên Quốc.
Tác giả: Melissa Flen
Chuyển ngữ: Đaminh Phan Quỳnh, SJ
Hình ảnh: Sưu tầm trên Internet
Nguồn: https://catholic-link.org/7-desires -hearts-sacraments/

10 điều bổ ích để có bữa cơm gia đình tốt hơn


  1. Hãy cam kết dành một khoảng thời gian nhất định cho bữa ăn (hàng ngày, hàng tuần hoặc theo lịch trình của bạn).
  2. Tắt Ti vi, máy tính, những trò chơi điện tử, không trả lời điện thoại và thư điện tử.
  3. Dâng một lời cầu nguyện ngắn để đánh dấu sự chuyển tiếp từ công việc bận rộn sang giờ ăn. Hãy chú ý đến những người không có đủ của ăn hôm nay.
  4. Từ từ thưởng nếm món ăn.
  5. Hãy trao cơ hội để mọi người đều có cơ hội nói chuyện. Có thể có những chuyện bạn không đồng ý, nhưng bạn hãy phản ứng lại bằng thái độ thanh lịch.
  6. Hãy khuyến khích tạo những tiếng cười.
  7. Thực hành những cách cư xử lịch sự như làm ơn, cám ơn – làm ơn chuyển cho chị lọ muối…. Mọi người cùng ngồi bên bàn ăn cho đến khi tất cả ăn xong.
  8. Trao cho mỗi người một vai trò cụ thể trong việc chuẩn bị hoặc dọn dẹp. Ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể giúp chuẩn bị bàn hoặc xếp khăn ăn.
  9. Thường xuyên mời khách đến dùng cơm. Chào mừng họ như thể bạn sẽ chào đón Chúa Giêsu. Không phân biệt đối xử với các thành viên trong gia đình.
  10. Luôn luôn kết thúc bữa ăn với lời nguyện biết ơn Chúa và những người đã chuẩn bị của ăn.
Chuyển ngữ: Pr. Nguyễn Văn Đương, S.J.

Hội Các Bà mẹ Công giáo TGP: Mừng lễ bổn mạng

WGPSG -- "Người phụ nữ trong Kinh Thánh - Gương sáng các Thánh Tử đạo Việt Nam" là chủ đề mừng bổn mạng của Các Bà Mẹ Công Giáo Tổng giáo phận Sài Gòn, được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ TGP trong ngày 28.08.2018 từ 8g00 sáng đến 18g00 chiều.
Từ sáng sớm, gần 600 BMCG từ các giáo hạt đã quy tụ trong hội trường để cùng sinh hoạt chung. Linh mục Tổng linh hướng Phaolô Nguyễn Quốc Hưng đã tuyên bố khai mạc chương trình vào lúc 8g30.
Mở đầu chương trình, linh mục Phêrô Phạm Huy Hoàng - chánh xứ Bến Cát - chia sẻ: Người phụ nữ đầu tiên trong Kinh Thánh là Mẹ Maria. Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tử đạo Việt Nam. Vào thời bắt đạo, trong hoàn cảnh khó khăn, bắt bớ, các thánh TĐVN vẫn kiên vững không e sợ. Hàng trăm ngàn người đã chết vì Đức tin, trong số đó có Thánh Anê Lê Thị Thành, người mẹ của 6 đứa con.
Các vị Thừa sai sẵn sàng từ bỏ quê hương đến Việt Nam, đến bất cứ nơi đâu Hội Thánh cần. Các ngài sẵn lòng đi tới cái chết một cách tự do, để làm chứng nhân cho Đức tin. Còn trong xã hội ngày nay, người trẻ quan niệm "Ổn định, thành công là đủ đầy hạnh phúc". Họ không có hoài bão vươn lên, dễ nhàm chán, hay thay đổi, lệ thuộc quá nặng vào vật chất, nên dễ dàng đánh mất chính mình.
Phụ nữ chứng nhân cho sự phục sinh là Thánh Maria Madalena, người được Chúa Giêsu hiện ra đầu tiên khi sống lại. Cuộc đời nào gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu cũng phát sinh hoa trái. Thánh Monica gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, nên mới đem về cho Hội Thánh vị đại thánh Augustinô.
Phụ họa cho phần thuyết trình của linh mục Phêrô Phạm Huy Hoàng là hai bài hát "Hạt giống Tình yêu" và "Đồng hành với Mẹ" do ca sĩ Hồng Ân và hai cha Phêrô và Phaolô biểu diễn.
Trước giờ cộng đoàn nghỉ giải lao, linh mục Giuse Bùi Công Trác - Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn - đã ghé vào chúc mừng bổn mạng CBMCG. Ngài nguyện xin Thánh Monica và Thánh Augustinô ban cho mọi người một ngày vui với nhiều ơn Chúa.
Để chuẩn bị cho bài nói chuyện sau buổi trưa, Lm Phanxicô Vũ Thế Toàn, với phong cách nói chuyện linh hoạt và vui tươi, đã giải đáp các thắc mắc của CBMCG về phụng vụ, về đời sống hôn nhân... trong 1 giờ rưỡi đồng hồ.
Trở lại hội trường vào đầu giờ chiều, cha Phanxicô Vũ Thế Toàn chia sẻ: Tình yêu con cái liên tục lớn lên từ lời ru trong dạ mẹ. Điển hình là nước Do Thái, phụ nữ Do Thái nhờ những bài hát ru con từ lúc còn thơ mà giữ được dân tộc sau 4000 năm mất nước. Họ dạy cho con trẻ ưa thích đọc sách từ nhỏ nên người Do Thái rất thông minh. Họ đã có thể trở về tái lập quốc sau hàng ngàn năm sống tản mác khắp nơi.
Kinh Thánh nói nhiều và liên tục về Mẹ Maria, Mẹ luôn hiện diện với Chúa nên trong giờ phút cuối khi Mẹ nhắm mắt lìa đời, ngay lập tức Mẹ được rước về với Chúa. Vì vậy có nơi gọi ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là lễ Đức Mẹ An Giấc. Niềm tin vào Mẹ phải được đặt trên nền tảng Đức Mẹ trong Tin Mừng: hoàn toàn làm theo Thánh Ý, trầm lặng, sống Lòng Thương Xót Chúa, mang Chúa cho tha nhân. Mẹ dạy ta Lòng Thương Xót Chúa luôn hiện diện vì Ngài yêu ta vô điều kiện. Đức Mẹ và Chúa không hiện ra tùy tiện, đừng mặc cả, thách thức. Tin Chúa phải tin hoàn toàn, không điều kiện, đừng đòi hỏi phép lạ.
Phép lạ là nhìn thấy phận yếu đuối của con người, chấp nhận hy sinh, không loại trừ những đau khổ của mình. Như: Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã dâng những đau đớn do bệnh tật thân xác kết hiệp cùng sự thương khó Chúa. Thánh Anê Lê Thị Thành coi những vết máu trên áo bởi đòn roi nhục hình như những bông hồng tình yêu. Thánh Monica đã nguyện cầu khóc lóc hàng mấy chục năm trường cho chồng con trong niềm hy vọng.
Sau giờ chia sẻ của cha Phanxicô Vũ Thế Toàn, đỉnh cao của ngày hội là Thánh lễ đồng tế đã bắt đầu lúc 17g15.
Bắt đầu giảng lễ, cha Tổng linh hướng Phaolô Nguyễn Quốc Hưng minh họa cuộc đời Thánh Monica và Thánh Augustinô trong hai phần trước và sau. Nửa đời trước Thánh Monica chìm trong nước mắt nguyện cầu cho chồng con, nửa đời sau được hưởng phúc an bình. Nửa đời trước Thánh Augustinô đắm chìm trong tội lỗi sa đọa, nửa đời sau hăng say phục vụ Hội Thánh. Vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, hãy luôn tín thác vào Thiên Chúa và Ngài sẽ làm những điều phi thường không ai ngờ. Thánh Augustinô đã viết trong cuốn "Tự thuật" của ngài: "Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa” (TT 1,I,1). Các bậc phụ huynh, đặc biệt là người mẹ, hãy noi gương Thánh nữ Monica và Đức Mẹ giáo dục con cái nên thánh để ngày sau sum họp cùng Thánh Gia trên thiên đàng.
Sau phép lành cuối lễ, cha Tổng linh hướng đã ngỏ lời cám ơn các cha, đặc biệt cha Phanxicô Vũ Thế Toàn từ nơi xa xôi đã về hiệp dâng Thánh lễ và chia sẻ nhiều điều bổ ích về hôn nhân gia đình cho CBMCG. Mong rằng vào dịp Giáng Sinh cuối năm, khi cha trở lại Việt Nam, tất cả các CBMCG sẽ sắp xếp ngày giờ để có thể tham gia những ngày hội đông đủ hơn.
HỘI CÁC BMCG TGP: MỪNG LỄ BM