Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

CHÚC MỪNG LỄ THÁNH GIUSE THỢ - Bổn mạng Giáo khu 2



Nghĩ về lao động - Lễ thánh Giuse thợ

Ngày mùng 01 tháng 5, ngày Quốc Tế Lao Động, ngày lễ thánh Giuse thợ. Đúng thật là một cơ hội tốt đẹp để chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của lao động theo quan điểm kitô giáo.


Lần giở lại những chương đầu của Sách Sáng Thế, chúng ta thấy sau khi tạo dựng vũ trụ mọi loài mọi vật, "Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn" (St 2, 15). Như thế, con người được tạo dựng giống hình ảnh Chúa, không những giống trong tư tưởng và lòng yêu thương, mà còn giống trong sự sáng tạo nữa. Lao động là một phần trong tình trạng nguyên thủy của con người và đã có trước khi con người phạm tội. Do đó lao động không phải là hình phạt hay một lời chúc dữ. Lao động chỉ trở nên vất vả và cực nhọc khi con người (Adam và Eva) phạm tội phá vỡ tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa, với vũ trụ vạn vật và với nhau.
Phải khẳng định rằng: Lao động có một vị trí danh dự, vì đó là nguồn đem lại sự phú túc, là công cụ hữu hiệu để chống lại sự nghèo đói, góp phần phát triển cá nhân, gia đình cũng như xã hội. Tất cả những thành tựu mà nhân loại đạt được trên thế giới hôm nay chính là thành quả của lao động. Ai cũng biết "lao động là vinh quang", "bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm" ( Trích "Bài ca vỡ đất"- Hoàng Trung Thông).
Phải chăng con người ngày nay đã và đang phá vỡ mối quan hệ hòa thuận với Thiên Chúa khi con người tàn phá thiên nhiên, làm ô nhiễm môi trường và suy kiệt tài nguyên? Phải chăng lao động đang trở thành gánh nặng khi đất đai khô cằn, nhiễm độc do thuốc trừ sâu, phân bón hóa học; cá tôm không sống nổi khi sông ngòi và biển cả bị ô nhiễm bởi các nguồn nước thải do chăn nuôi, bụi bùn, hóa chất phun màu; gây ô nhiễm khí quyển làm thủng tầng ôzôn?
Con người với lòng tham và sự tàn nhẫn độc ác, đã biến lao động thành nỗi hãi hùng cho người khác. Lao động có còn ở "vị trí danh dự", là "vinh quang" hay không khi người ta bị bắt làm nô lệ, bị cưỡng bức lao động, bị lao động khổ sai nơi các trại tập trung, trại cai nghiện và các nhà tù ở nhiều nơi trên thế giới?
Toàn thể trái đất vang lên lời ca ngợi tôn vinh sự làm việc, thì Kitô Giáo nói gì, nghĩ gì về lao động, về nền văn minh trần thế, và về sự giầu có? Đức Giêsu dạy thế nào về việc làm và liên quan đến việc làm? Người thúc đẩy chúng ta làm việc hay nhìn vào đó với sự lo âu?
Phải khẳng định rằng, lao động là một phần chương trình tình yêu của Thiên Chúa; con người được mời gọi vun trồng và giữ gìn tất cả các thiện ích của thụ tạo, và như thế tham dự vào công trình tạo dựng! Lao động là yếu tố nến tảng đối với phẩm giá của một người. Lao động làm cho chúng ta được tràn đầy phẩm giá; giúp chúng ta giống Thiên Chúa, là Ðấng đã làm việc, đang làm việc, và luôn làm việc (x. Ga 5,17). Lao động cho chúng ta khả năng nuôi sống chính mình, gia đình mình, góp phần vào việc phát triển quốc gia, thăng tiến nhân loại.
Để phục hồi phẩm giá con người, lấy lại ý nghĩa của lao động, Con Thiên Chúa đã thân hành xuống thế, sinh ra trong một gia đình lao động. Phúc Âm thánh Máthêu kể rằng trong một lần Chúa Giêsu trở về thăm quê hương mình là Nagiarét và giảng trong hội đường, các người đồng hương kinh ngạc trước sự khôn ngoan của Người và hỏi nhau: "Ông ấy không phải là con bác thợ mộc sao?" (Mt 13,55). Chúa Giêsu đã bước vào lịch sử của chúng ta, Người đến giữa chúng ta, sinh ra từ Ðức Maria bởi công trình của Chúa Thánh Thần, nhưng với sự hiện diện của thánh Giuse, người cha hợp pháp, giữ gìn Chúa và dạy Chúa làm việc.
30 năm lao động với bàn tay của mình: người ta gọi Đức Giêsu là bác phó mộc và là nông dân. Chắc chắn Người đã lao động ở xưởng mộc Nagiaret, đã trồng những cây ôliu, cây nho, đã chăn chiên. Người biết giá trị của lao động để kiếm cơm ăn áo mặc. Biết đồng tiền là cần thiết và dĩ nhiên bàn tay Người đã tiếp nhận những đồng tiền người ta trả về cho những đồ vật Người làm, và đã chọn những tông đồ đầu tiên giữa các người đánh cá. Người đã nâng lao động chân tay lên khỏi tình trạng thấp hèn. Nếu Đấng Sáng Tạo đã không chê bai lao động, Đức Giêsu cũng không hờn dỗi việc làm, thì không có người nào trên thế giới lại phải lấy đó làm cực nhọc, xấu hổ. Đỉnh cao của giáo huấn Thánh Kinh về lao động là mệnh lệnh phải nghỉ ngơi ngày Chúa nhật, để con người không trở thành nô lệ cho lao động.
Khoa học kỹ thuật càng phát triển thì con người càng khai thác triệt để lao động. Bên cạnh đó, lối sống thiên về hưởng thụ vật chất cũng thôi thúc con người lao động quần quật để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, hưởng thụ các phương tiện hiện đại, thỏa mãn các "nhu cầu ảo". Một ngày người ta cố làm việc nhiều ca, làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm luôn Chủ nhật và ngày lễ. Người ta thấy vui khi được tăng ca để kiếm thêm tiền. Và nại vào công việc, họ không có thì giờ để quan tâm, thăm viếng nhau, không có thì giờ cho việc cầu nguyện hay Kinh, Lễ. Phải chăng trong trường hợp này, con người đã "nô lệ tự nguyện" cho lao động và biến lao động thành "ngẫu tượng"?
Khiến tiền bạc lên ngôi ông chủ, con người làm việc hết lòng hết sức để mong chiếm hữu được thật nhiều tiền của vật chất. Danh vọng lên ngôi ông chủ, sai khiến con người tìm đủ mọi cách để đánh bóng mình trước mắt mọi người. Tình dục và những khoái lạc xác thịt cũng có lúc lên ngôi, chúng trói buộc con người trong cái vòng vây xiết chặt. Ông chủ của ta còn có thể xuất hiện dưới nhiều dáng dấp khác nhau: một chiếc điện thoại cao cấp, một chiếc xe hợp thời, một ngôi nhà tiện nghi… Giữa cuộc sống hiện đại, những ông chủ ấy đi vào cuộc đời ta, chiếm hữu tâm trí ta, thu hút toàn bộ năng lực của ta, dần dần biến thành mục đích sống duy nhất của đời ta. Ngạn ngữ có câu: tiền bạc là một đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ hà khắc.. Cái nguy hiểm không hẳn nằm ở tiền bạc, nhưng nằm con tim mỏng manh mà tham lam của con người. Một khi tiền bạc và những của cải vật chất lên ngôi, rất dễ làm con người hoán đổi vị trí và tôn tiền bạc lên làm ông chủ của mình. Hãy nhớ rằng, ngay từ thủa ban đầu của tạo dựng: "Thiên Chúa đã đặt con người làm chủ".
Mừng lễ Thánh Giuse Thợ, xin Ngài cầu thay nguyện giúp để mọi người biết mến yêu lao động, vì lao động giúp ta cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa. Chúng ta không làm việc một mình, nhưng có Chúa cùng hoạt động. Lao động là cần thiết, nhưng chính Thiên Chúa mới là nguồn gốc của sự sống và là mục tiêu cuối cùng của con người.
Lạy Chúa, xin củng cố việc tay chúng con làm. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Thư và lời kinh của Đức Thánh cha Phanxicô gửi các tín hữu dịp tháng 5 năm 2020

THƯ VÀ LỜI KINH CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GỬI TOÀN THỂ CÁC TÍN HỮU DỊP THÁNG 5 NĂM 2020

Anh chị em thân mến,
Tháng 5 đang đến, tháng mà dân Thiên Chúa bày tỏ cách đặc biệt tâm tình yêu mến và lòng sùng kính đối với Đức Trinh Nữ Maria. Và truyền thống đạo đức trong tháng này là đọc kinh Mân Côi tại nhà cùng với gia đình. Những hạn chế trong thời gian đại dịch đã giúp chúng ta nhận ra cách rõ nét hơn giá trị của “gia đình”, kể cả trong lãnh vực thiêng liêng.
Vì thế, tôi muốn khuyến khích mọi người tái khám phá nét đẹp của việc cầu nguyện với kinh Mân côi trong tháng 5. Kinh Mân côi có thể đọc chung cũng như đọc riêng; tùy theo hoàn cảnh thực tế, anh chị em có thể chọn cách đọc thuận lợi nhất. Tiêu chuẩn để chọn lựa vẫn là sự đơn giản, và anh chị em có thể dễ dàng tìm thấy trên internet những mẫu cầu nguyện tốt để làm theo.
Tôi cũng soạn hai lời kinh dâng lên Đức Mẹ để anh chị em đọc vào cuối giờ kinh Mân côi, chính tôi sẽ cùng hợp ý với tất cả anh chị em để đọc những lời kinh này trong tháng 5. Cùng với bức thư này, tôi xin gửi hai lời kinh ấy để tất cả mọi người cùng đọc.
Anh chị em thân mến, việc chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô và trái tim Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta, sẽ liên kết chúng ta cách chặt chẽ hơn trong một gia đình thiêng liêng và sẽ giúp chúng ta vượt qua cơn thử thách này. Tôi cầu nguyện cho anh chị em, đặc biệt cho những người đau khổ nhất, và xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi. Tôi xin cám ơn và thân ái chúc lành cho anh chị em.
Roma, đền thờ thánh Gioan Lateranô, ngày 25/04/2020Lễ thánh Marcô, thánh sử
Minh Đức chuyển ngữ
LỜI KINH DÂNG MẸ
I.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn tỏa sáng như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng trên mọi nẻo đường chúng con đi.
Chúng con tín thác vào Mẹ, là Đấng cứu kẻ liệt kẻ khốn, khi đứng bên chân Thánh Giá, Mẹ đã thông dự vào nỗi khổ đau của Chúa Giêsu, và luôn kiên vững đức tin.
Lạy Mẹ là Đấng bảo vệ dân thành Rôma,
Mẹ biết những gì chúng con đang cần, và chúng con biết chính Mẹ sẽ giúp chúng con, như xưa tại Cana xứ Galilê, để niềm vui và lễ hội sẽ trở lại sau cơn thử thách này.
Lạy Mẹ của Tình yêu Thiên Chúa, xin giúp chúng con vâng theo điều Chúa Cha muốn và thực thi điều Chúa Giêsu dạy, vì chính Người đã gánh lấy nỗi thống khổ của chúng con, và mang lấy những đau thương của chúng con, để qua thập giá, Người đưa chúng con đến niềm vui Phục sinh.
Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ đồng trinh hiển vinh sáng láng, hằng chữa chúng con cho khỏi sự dữ.  
II.
“Chúng con trông cậy Rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời”.
Lạy Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con, trong nghịch cảnh này, khi cả thế giới đang sầu khổ âu lo, chúng con chạy đến ẩn náu nơi Mẹ để được chở che.
Lạy Đức Trinh Nữ Maria, xin đưa mắt nhân từ nhìn đến chúng con đang trong cơn đại dịch Corona. Xin Mẹ an ủi những người đang khổ đau than khóc thân nhân đã lìa trần, và những khi phải an táng một cách đau đớn hơn. Xin nâng đỡ những ai đang âu lo vì người thân nhiễm bệnh, nhưng không thể ở gần bên để tránh bị lây nhiễm. Xin ban niềm trông cậy cho những người đang khủng hoảng vì một tương lai quá bấp bênh và do hậu quả kinh tế và công việc.
Lạy Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con, xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa là Cha giàu lòng thương xót, để gánh nặng đau thương này chóng qua, để hy vọng và bình an sớm ló dạng. Như xưa ở Cana, xin Mẹ ngỏ lời với Con chí thánh của Mẹ, để Người ban thêm sức mạnh cho gia đình các bệnh nhân và nạn nhân, để Người mở lòng họ đón nhận niềm tin tưởng cậy trông.
Xin Mẹ bảo vệ các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế và tình nguyện viên, những người đang ở tuyến đầu trong tình trạng khẩn cấp này và đang liều mạng sống của chính mình để cứu mạng người khác. Xin Mẹ đồng hành nâng đỡ những nỗ lực anh hùng của họ, xin ban cho họ nghị lực, lòng quảng đại và được an mạnh.
Xin Mẹ luôn ở gần bên những người đang ngày đêm chăm sóc bệnh nhân, và các linh mục, trong thao thức mục vụ và dấn thân vì Tin Mừng, đang tìm cách trợ giúp và nâng đỡ mọi người.
Lạy Rất Thánh Đồng Trinh, xin soi sáng tâm trí các nhà nghiên cứu khoa học, giúp họ tìm ra những giải pháp hiệu quả để chế ngự mầm bệnh này.
Xin Mẹ trợ giúp các nhà lãnh đạo quốc gia, để họ biết khôn ngoan, ân cần và quảng đại hỗ trợ những ai đang thiếu thốn những gì thiết yếu cho cuộc sống, và biết hoạch định những giải pháp xã hội và kinh tế với tầm nhìn xa rộng và tình liên đới.
Lạy Mẹ Maria rất thánh, xin đánh động lương tâm con người, biết sử dụng ngân sách khổng lồ cho việc đẩy mạnh các công trình nghiên cứu thích hợp để ngăn ngừa những thảm họa tương tự trong tương lai thay vì sử dụng để cải tiến và tăng cường các loại vũ khí.
Lạy Mẹ dấu yêu, xin cho chúng con nhận thức rằng tất cả mọi người đều thuộc về một đại gia đình duy nhất, nhận ra mối dây liên kết chúng con, để với tinh thần huynh đệ và liên đới, chúng con có thể giúp đỡ cho biết bao người còn đang sống trong túng nghèo khốn khổ. Xin Mẹ giúp chúng con luôn giữ vững đức tin, kiên trì phục vụ và liên lỉ cầu nguyện.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Đấng an ủi kẻ âu lo, xin Mẹ ấp ủ đoàn con của Mẹ đang trong cơn gian nan khốn khó, xin Mẹ cầu cùng Chúa dang cánh tay uy quyền để giải thoát chúng con khỏi cơn đại dịch kinh hoàng này, để cuộc sống của chúng con được trở lại bình thường trong an lành.
Chúng con tin cậy nơi Mẹ, Mẹ luôn tỏa sáng như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng trên mọi nẻo đường chúng con đi, ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.
Bản dịch của Ủy ban Phụng tự - HĐGM VN

Đài Loan chia sẻ với Sở từ thiện của ĐTC trong việc giúp người vô gia cư

Cuộc sống của người vô gia cư
Cuộc sống của người vô gia cư  (ANSA)

Thứ Hai 27/4/2020, ông Mátthêu Lý Thế Minh (Matthew Shieh-Ming Lee), Đại sứ Đài Loan cạnh Tòa Thánh đã trao cho Sở từ thiện của Đức Thánh Cha một số thực phẩm và đồ dùng để Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh sở Từ thiện của Đức Thánh Cha giúp người vô gia cư.

Bất kể các biện pháp hạn chế do virus corona, các tình nguyện viên và những người thiện chí vẫn tiếp tục cung cấp thực phẩm cho người nghèo. Đây là tinh thần phục vụ của Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha. Đích thân Đức Hồng y Konrad Krajewski phân phát thức ăn cho người vô gia cư và những người dễ bị tổn thương.

Đây là lần thứ hai Đại sứ quán Đài Loan cạnh Tòa Thánh, đại diện là ông Mátthêu Lý Thế Minh đã trao cho Đức Hồng y Konrad Krajewski thực phẩm được vận chuyển từ Đài Loan bao gồm: cá ngừ đóng hộp, xi rô dứa và nồi cơm điện được sản xuất tại Đài Loan. Nồi cơm điện này có thể nấu một lần cho 60 phần ăn. Hai nồi cơm nhỏ khác, một được dành riêng tặng cho Đức Thánh Cha và một cho Đức Hồng y.

Khi nhận được số lượng lớn quà cho người nghèo, Đức Hồng y đã thốt lên: “Đây là ân sủng của Thiên Chúa”. Sau đó Đức Hồng y đã cám ơn Đài Loan rất nhiều vì sự quảng đại này. Ông Đại sứ nhấn mạnh rằng Đài Loan luôn hợp tác với Tòa Thánh bằng cách cố gắng làm mọi sự có thể để giúp đỡ những người gặp khó khăn. Chánh sở Từ thiện của Đức Thánh Cha cho biết, khi chuẩn bị các túi thực phẩm cho người nghèo, ngoài thức ăn, Đức Hồng y còn bỏ thêm vào đó mỗi túi một khẩu trang được sản xuất tại Đài Loan, kết quả của việc trao tặng trước đây của Đại sứ quán. Trước khi chào tạm biệt với khối hàng nặng nề, Đức Hồng y cho biết ngài rất thích dùng cơm và đánh giá rất cao gạo của Đài Loan. (Avvenire 27/4/2020)

Các nhóm linh mục xức dầu bệnh nhân, góp tiền lương cho người nghèo và việc phòng chống sốt rét


Tập hợp các nhóm linh mục để xức dầu cho bệnh nhân nhiễm virus corona

Tổng giáo phận Boston đã tập hợp các nhóm linh mục - sống cùng nhau tại các địa điểm chiến lược gần bệnh viện, để đảm nhận việc xức dầu cho bệnh nhân covid-19. 

Có khoảng 80 linh mục được đào tạo để thực hiện nhiệm vụ này, với 30 linh mục tích cực thực hiện các cuộc xức dầu bệnh nhân; số còn lại phục vụ dự phòng. 

Đây là điều đặc biệt an ủi với những gia đình hiện không được phép đến thăm những người thân yêu trong bệnh viện và những người đang được điều trị bệnh covid-19. (theo CNA)

Các linh mục quyên góp lương cho người nghèo.

Các linh mục trong các giáo xứ ở thủ đô Baghdad - Irắc - đã quyết định quyên góp tiền lương của mình để giúp cho người nghèo bị ảnh hưởng bởi đại dịch covid-19.

Tổng số tiền đóng góp của họ khoảng 25 triệu dinar, cộng với 90.000 đô la Mỹ từ vị Thượng phụ nghi lễ Canđê để giúp cho những người khó khăn trong đại dịch. (x. Vatican News)

ĐTC Phanxicô: Tích cực phòng chống bệnh sốt rét 

Vào ngày 26.4.2020, ĐTC Phanxicô đã kêu gọi toàn thế giới, dù đang sống trong tình trạng đại dịch covid-19, vẫn phải tiếp tục nỗ lực phòng ngừa và chữa bệnh sốt rét đã đe dọa sinh mạng hàng triệu người ở nhiều quốc gia. ĐTC cũng dành lời chào đặc biệt đến người dân Ba Lan đang tham gia Ngày đọc Kinh thánh Quốc gia. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của thói quen đọc Tin Mừng "một vài phút mỗi ngày". ĐTC đã đề nghị các tín hữu hãy đem theo Tin mừng bất cứ nơi nào họ đi, để Lời Chúa có thể luôn ở gần "thậm chí cả về thể xác".

Cuối cùng, ĐTC đã kêu gọi mọi tín hữu hãy lưu tâm đến lá thư mà ngài mời gọi cầu nguyện bằng kinh Mân côi tại nhà trong suốt tháng Năm, và đọc thêm một trong hai lời cầu nguyện mới đã được đính kèm với lá thư. (x. Vatican News)

Venezuela đối mặt với nạn đói 

Ngày 26.4.2020, Một tổng giám mục ở Venezuela đã cảnh báo rằng, do các biện pháp kiểm dịch coronavirus trong toàn quốc đã gây ra tình trạng thiếu thôn, khó khăn cả về chính trị lẫn kinh tế. Đức Tổng Giám mục tại Ciudad Bolívar nói thêm rằng, “cơn đói tuyệt vọng này đang trở thành một thứ nhiên liệu nguy hiểm hơn xăng”.

Tâm tình một người Công giáo (về sống đạo trong gia đình)


LTS: Đây là chia sẻ của đôi vợ chồng trẻ Công giáo người Việt, về một số sinh hoạt đạo trong gia đình mà anh chị đã áp dụng vài năm qua. Tác giả đồng ý chia sẻ trên vanthoconggiao.net, chỉ yêu cầu ẩn danh. BBT VTCG xin chia sẻ đến mọi người. Ước mong những chia sẻ giản dị này như một gợi ý cho mỗi người trong việc thực hành sống đạo.
---

TÂM TÌNH MỘT NGƯỜI CÔNG GIÁO

Chào em,

Anh thấy ý tưởng của Cha là rất ý nghĩa trong thời gian này. Anh chỉ có vài ý kiến cá nhân mà đó là kinh nghiệm của cả anh và L. Anh chỉ có ý kiến từ bài 3 của Cha trong phần: Một kinh nghiệm tiến dần. Với anh và L, thì tụi anh hay làm theo cách sau hầu như mọi ngày, mọi tuần (với anh là có lẽ là từ thời anh còn Ph.d, anh thực hành mỗi Chúa Nhật, và với L là từ khi qua đây). Trước hết, anh trình bày quan điểm của anh trước về đích anh muốn đạt đến.

Cùng đích của anh là tình yêu Giêsu, tình yêu Thiên Chúa.

- Như Thánh Phaolo đã viết về ba nhân đức: Tin, Cậy, Mến, thì Ngài nói đức mến quan trọng nhất.
- Với người Kito hữu chúng ta, thì ai hỏi: “Chúa là ai”, chúng ta trả lời: “Chúa là tình yêu”.
- Chúa Giêsu nói: Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy, Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy
- Mười điều răn Đức Chúa Trời được tóm lại trong hai điều: Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn, và yêu mến mọi người như chính mình.
- Với người không có đạo, không biết Chúa (và vì vậy không biết Lời Chúa) thì Thiên Chúa đặt nơi họ con tim khao khát Ngài (Thượng Đế), nếu họ sống theo con tim, làm điều tốt đẹp, thì cũng được Thiên Chúa cứu rỗi (anh nhớ giáo hội mình dạy thế), ví dụ như các ông bà chúng ta thời chưa được truyền giáo.
- Chúa là nguồn của mọi sự Thánh Thiện, là Đấng Thánh Thiện duy nhất.
- Chúa Giêsu nói: Các ngươi hãy nên trọn lành như Cha anh em là Đấng trọn lành.
- …….

Rất nhiều luận điểm để nói rằng Thiên Chúa là tình yêu. Và tình yêu Thiên Chúa thì vô bờ bến, không giới hạn, tình yêu luôn đem lại cho người sự đổi mới, sáng tạo, làm nên những điều vĩ đại. Thật vậy, vì yêu, Chúa đã sáng tạo nên vũ trụ, vì yêu mà Chúa dẫn dân Do Thái đi qua lòng biển khô cạn, vì yêu mà Chúa xuống thế làm người chiu chết (như một bài lời bài hát: Thập Giá phát minh của Thượng Đế...). Vì tình yêu mà Thiên Chúa đã ban rất nhiều ân huệ đặc biệt cho nhân loại qua Đức Mẹ và các Thánh,…Ngày nay, vì yêu mà Giáo Hội vẫn không bỏ con cái mình trước những ngăn trở không đến được nhà thờ, Giáo Hội cho phép tham dự lễ online, được hưởng ơn toàn xá (2 lần kể từ mùa chay đến nay). Vì tình yêu, các Linh Mục nghĩ ra nhiều hình thức giải tội, làm lễ mới,…Ý anh muốn nói tình yêu thật tuyệt vời, không nhàm chán như toán anh hay làm, hay những suy luận logic khô khan. Và vì vậy đương nhiên, tình yêu Thiên Chúa không bị ràng buộc bởi đại dịch Covid hay bất kì biến cố nào, chỉ có điều, chúng ta hãy “đơn sơ như chim bồ câu”, vẫn giữ tình yêu Chúa và “khôn ngoan như rắn” là tìm những phương thức phù hợp.

Theo kinh nghiệm của bản thân anh, thì từ lúc nhỏ đến khi đi học đại học và thậm chí đến gần đây, chúng ta vẫn đi lễ, vẫn nghe Kinh Thánh, nhưng có lẻ vẫn không tiến thân nhiều trong con đường đức mến, mà anh chỉ tò mò, thú vị về những phép lạ Chúa làm từ thời cựu ước lẫn tân ước. Nhưng anh cũng nghe Chúa Giêsu nói: Cảm ơn Cha đã mạc khải cho những kẻ bé mọn, khiêm nhường là mẹ của các đức tính khác, khiêm nhường mới giúp ta khôn ngoan. Vì vậy, học khiêm nhường ở đâu? Học như thế nào?

Câu trả lời là học ở Chúa, ở Mẹ, Thánh Giuse và các Thánh của Chúa.

Nhưng Chúa Giêsu và Mẹ thì chúng ta cũng đã nghe nhiều, có thể hơi "nhàm" lúc đầu. Vì vậy anh bắt đầu từ các Thánh, vừa mới mẻ (theo nghĩa hiểu biết lịch sử) vừa có một sự gần gũi giữa mình với các Thánh hơn vì “không có một Thánh nhân nào mà không có quá khứ”. Anh tìm phim Công giáo, phim các Thánh. Phim vừa có nội dung, hình ảnh, vừa có những Lời Chúa, vừa học được cách đối xử khéo léo, khôn ngoan trong nhiều tình huống, hài hước…Điều đó giúp ghi nhớ tốt.
Cụ thể, anh với L hay làm thế này.

1- Giai đoạn khởi đầu: Tìm hiểu các Thánh và Thánh Ca

- Xem phim Công giáo, phim các Thánh hoặc lời dạy các Thánh, hay những mạc khải của Mẹ Maria (phim Thánh Augustino, Thánh Martino Porres, Thánh Phanxico Assisi, Thánh Teresa, Teresa Hài Đồng Giêsu, Thánh Fautina, Mẹ Teresa, Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, Lộ Đức,… )
- Nghe nhạc Công giáo.

2- Học giáo lý đời sống, tìm hiểu Kinh Thánh

- Xem phim về Cựu ước, về cuộc đời Chúa Giêsu, Mẹ Maria, Thánh Giuse
- Nghe các bài chia sẻ của các Cha dạy giáo lý đời sống gia đình hôn nhân, hay các vấn đề thần học khác (như Cha Khắc Hy, Cha Vũ Thế Toàn, Cha Quang Hồng,…)
- Đố nhau các vấn đề giáo lý, Lời Chúa, hoặc các vấn đề lịch sử trong Kinh Thánh: Ví dụ như Đức Mẹ mang Đức Giêsu trốn sang nước Ai Cập vào thời gian nào? Ông Thánh Gioan Tẩy Giả có phải là Ông Elia không?,...

- Chuẩn bị các trường hợp có thể gặp phải trong đời sống, áp dụng Lời Chúa như thế nào? Cách nào hợp lý nhất, nếu không làm theo cách đó thì mình có biện pháp gì thay thế?

Ví dụ 1: nếu chúng ta gặp một người nghèo không có đồ ăn và trong khi chúng ta chỉ có vừa đủ tiền mua một cái bánh sinh nhật cho con gái, chúng ta sẽ làm gì? (câu Lời Chúa nào giúp ta chiến thắng)?

Ví dụ 2: Một người bị bệnh cùi đang cầm giúp đỡ, trong khi chúng ta sợ dịch bệnh lây sang người, chúng ta làm gì? (Các câu kinh thánh nào sẽ giúp chúng ta chiến thắng). Ví dụ: Chúng ta có làm Dấu Thánh Giá trong một bàn ăn toàn người ngoại đạo (câu kinh Thánh nào giúp ta chiến thắng)…

Cái chính ở đây là tìm câu Lời Chúa nào để chúng ta chiến thắng. (Chúng ta biết rằng chúng ta là vật mọn phàm hèn, nay có mai tan, còn Lời Chúa trường tồn mãi mãi. Vì vậy, nếu được, chúng ta phải chết đi để phục vụ Lời Chúa).

3- Cầu nguyện trong gia đình.

- Lần hạt Mân Côi. (Chúng ta tự nhủ chỉ có 30 phút thôi. Hãy cố gắng làm cho Mẹ vui, vì Mẹ hằng cầu bầu cho chúng ta, và nhờ Mẹ mà chúng ta được nhận lãnh muôn vàn ơn phúc. Dù rằng khi lần hạt chúng ta vẫn chia trí chia lòng. Và để có động lực hơn, hãy tìm hiểu lịch sử kinh Mân Côi và nhưng ơn Mẹ hứa ban cho những ai lần hạt Mân Côi)

- Hãy đọc kinh cùng nhau, cầu nguyện với nhau, hãy cầu nguyện cho người trong gia đình cũng nghe (thỉnh thoảng cầu nguyện một mình)

4. Tập thực hành:

- Tập thực hành một nhân đức của một Thánh, hay của Chúa.
Ví dụ như: hãy cười với những kẻ mình không thể cười được (thánh Teresa Caculta), tập bớt xem facebook, tập bớt uống café lại một tí,…hay tập yêu chuộng sự khó khăn như Thánh Giuse, hay tập ngay chính thật thà như Ngài…

- Nghe các bài giảng của Đức Thánh Cha (anh cho là rất hay), mà hiệp thông cầu nguyện với Ngài, cho thế giới, cho người nghèo, người tị nạn vì chiến tranh (để hiệp thông nổi đau khổ với người nghèo, hãy xem các clip về người nghèo ở Châu Phi, Ấn Độ, …các tin tức về người di cư,…) , cho Hội Thánh, và cho các thiện nguyện viên, y tá, bác sĩ,…
- Hãy cầu cho kẻ mình không thích (ví dụ như cầu cho ĐCS TQ)
- Học các nhân Đức của Mẹ Maria và Thánh Giuse qua kinh cầu Đức Bà và Kinh cầu Thánh Giuse.

6 - Tập giúp đỡ người khó khăn: 

Tập giúp đỡ những người khó khăn, dù rằng mới đầu tuy miễn cưỡng, nhưng dần dần dưới ơn trợ giúp Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ yêu mến việc này hơn. 

Để hỗ trợ cho ý hướng này, chúng ta hãy nhớ rằng nhiệm vụ duy nhất của chúng ta trên đời là: Làm Sáng Danh Chúa (đơn sơ vậy thôi, tuy không đơn giản). Mỗi khi làm việc này, nếu còn do dự chưa quyết đoán thì hãy nghĩ: Chúa đang nhìn chúng ta, hoặc như các Thánh đã nói: "hãy đặt trường hợp: nếu Chúa Giêsu trong trường hợp mình, Ngài sẽ làm gì?". Ngay lập tức tôi tin chúng ta sẽ có câu trả lời.

7. Hãy tin và trông cậy vào Chúa.

Hãy tập tin và trông cậy vào Chúa, vì Chúa là Đấng trung tín và quyền năng.

Ngày xưa Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá. Ngày nay nhiều bạn nói không có phép lạ đó, nhưng tôi tin là có, chỉ có điều các bạn không nhìn theo con mắt đức tin. 
Tôi xin đưa ra một suy nghĩ của tôi khi tôi thấy thế sự việc này: khi tôi đang đi trên tàu điện, tôi thấy có một người ăn xin ngồi gần đó, mọi người đều cố ý lơ như không để ý đến chuyện riêng người khác. Bỗng nhiên có một cậu thanh niên đến bên ông cụ và bỏ vào đó một đồng Euro, nhiều người ở đó bắt đầu nhìn cậu thanh niên này. Rồi tôi thấy đối diện có một cậu thanh niên khác đưa tay lên với ký hiệu "like" và gật đầu khích lệ, vài người khác nói "Cảm ơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn". Và bắt đầu có nhiều người lấy tiền ra cho cụ ăn xin này.
Đó, một đồng bạc của cậu thanh niên đã biến thành rất nhiều đồng bạc cho cụ ăn xin rồi đó. Đó là phép lạ hóa ra nhiều (thiên hạ gọi đó là sức lan tỏa), Danh Chúa được cả sáng ở đây. Tôi nhớ một câu nói: "Phép lạ sẽ đến khi hành động".

8. Tập chúc tụng Chúa.

Hãy chúc tụng vinh quang, quyền năng Chúa trong mọi vật, mọi việc quanh ta (và do đó, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta cần chúc tụng Chúa mọi nơi, mọi lúc).

- Hãy nhận biết rằng chúng ta không thể tạo ra bất cứ sự vật nào quanh mình: cái chén, đôi đũa, tủ lạnh, máy tính,…(chúng ta chỉ là ngưỡi người góp nhặt những thứ có sẵn theo một cách hợp lý nào đó thôi), vì vậy chúng ta thật kém cỏi biết bao. (Đó chỉ đơn giản những vật đơn sơ nhất mình thấy, chưa kể đến biết bao nhiêu thứ vĩ đại ngoài kia). Những vật quanh ta, là Chúa tạo ra, và ban cho ta, cảm tạ Ngài.

- Nhìn thấy các vật, sinh vật quanh ta đã và đang chúc tụng Chúa. Những cái ly, bình, chúng đang làm đúng nhiệm vụ vì chúng đang cho thấy sự hữu dụng của nó. Những bông hoa đang nở tuyệt đẹp, những chú chim cứ lo ca hát, chúng như đang làm đúng nhiệm vụ của chúng. Thời tiết cũng cứ tuần tự trôi qua xuân, hạ, thu, đông đúng như chúng được Chúa lập tạo ra. Còn ta, ta đang làm gì vậy, có đang làm đúng nhiệm vụ của mình không? Ôi, tôi còn thua cả những loài đó. Khổ thân tôi, nếu tôi sinh ra chỉ để là loài vô dụng, là muối không mặn. Không chúc tụng Chúa là Thiên Chúa vĩ đại của tôi.

- Khi thấy một việc tốt đẹp xảy ra trước mắt. Vâng, hãy nghĩ rằng Danh Chúa đang chiếu tỏa, hãy cảm tạ và chúc tụng Ngài (ở nước ngoài, những việc này, anh thấy rất nhiều người làm, như vỗ tay khen ngợi một ai đó làm điều gì đó tốt, và mình dễ cảm nhận và chúc tụng Chúa hơn. Còn ở nước mình, anh thấy ít có, hoặc thậm chí bị nói ngu, điên. Đó là lý do anh nói ở Việt Nam anh sợ khó sống làm người).

9. Suy ngắm Chúa, mến Chúa 

Tất cả những điều trên là ở một mức độ tập các nhân đức, tập nên giống như Chúa. Nhưng sẽ tuyệt vời biết bao nếu chúng ta, là người con của Ngài, cùng chịu những đau khổ, hay cố gắng cảm nhận sự đau khổ của Ngài, để được làm một với Ngài, hoặc với tâm tình tìm hiểu nỗi thống khổ của Mẹ Ngài. Với cá nhân anh, để làm việc này, cá nhân anh làm:

- Ngắm Thánh Giá. Có một vị Thánh đã dạy chúng ta rằng ngắm Thánh Giá sẽ giúp chúng ta hiểu nhiều điều hơn là tự tìm tòi học hỏi (có thể tìm chính xác lại, nhưng đại ý là thế).

- Suy ngẫm các kinh sau: Mười Bốn chặng đàng, Kinh Đức Chúa Giêsu dạy bà Thánh Brigitta (theo anh kinh này lột tả rất nhiều sự đau đớn của Chúa Giêsu), kinh Bảy Sự thương khó Đức Bà... Nếu chúng ta không đọc vì lòng yêu mến Chúa (có thể lúc mới đầu) nhưng hãy vì những ơn ích vô cùng to lớn mà Chúa và Mẹ hứa ban cho những ai suy ngẫm những sự thương khó này. (Chúng ta hãy tham khảo ở các trang web).

10. Phần bổ sung: 

Phần này, tôi xin bổ sung một số điều tôi cũng hay làm xen giữa những việc trên:
- Ngẫm kinh cầu: Rất Trái Tim Chúa Giêsu, Kinh Lòng Thương Xót Chúa để thấy Chúa là Đấng đầy lòng trắc ẩn.

Cuối cùng, tôi nghĩ rằng: Để làm chứng tá cho Chúa, bằng chứng thuyết phục nhất là đời sống của mình. Tôi không thể nói cho vợ con tôi nghe nếu tôi không làm gương. Hãy cố gắng sống thực hành trước.

TB

Khát Thánh Lễ muốn chết được

Một buổi chiều nắng nhẹ trong những ngày giãn cách xã hội, tôi và em trò chuyện qua màn hình máy tính. Cuộc gặp gỡ tuy gần nhưng lại xa, tuy xa thật đấy mà hóa ra gần. Lặng một khoảng, em nói với tôi: “em khát thánh lễ muốn chết được”
Lâu lắm rồi, hai anh em chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau trên mạng xã hội. Một phần vì giờ giấc trái nhau, phần khác vì em phải bận rộn kiếm việc làm thêm giữa mùa cách ly xã hội. Chúng tôi quen nhau cách tình cờ qua một buổi sinh hoạt sinh viên Công Giáo. Thật tình mà nói, em đam mê làm việc và ước mơ làm giàu cách cuồng nhiệt hơn hẳn các bạn khác trong nhóm sinh viên mà tôi biết. Em cũng có nhiều hoài bão. Điều em ôm ấp và khao khát nhất đó là ước chi Giáo Hội cho phép giáo dân tham dự thánh lễ và xưng tội qua mạng “online” để em có nhiều giờ hơn để đi đây đi đó.
 Ban đầu, tôi thấy lạ lùng khi ngồi nghe mong ước của em. Tôi hỏi lại: “thế sao em thích lễ với xưng tội qua mạng hơn là đi đến nhà thờ thế?”. “Nói chung là gò bó lắm thầy ạ, em thích cái gì hiện đại và thích nghi hơn kìa, đơn giản thế thôi”: em trả lời tỉnh queo trong khi đầu tôi đang vẫn vơ với những nỗi niềm riêng cõi.
Đại dịch ập đến như lưỡi hái tử thần rảo khắp nẻo địa cầu. Đâu đó, con người ta thấy trên báo chí, trên những đoạn phim quay lén tại vùng tâm dịch rồi những lời nói truyền tai nhau về những cuộc ngã xuống. Từng người rồi nhiều người lặng lẽ ra đi, hữu hóa không trong lòng đời còn u ám. Chưa biết con số sẽ dừng lại ở bao nhiêu nhưng đã nhiều số phận được đặt dấu chấm hết vì cơn dịch. Cuối cùng, Giáo Hội cũng đã có hướng dẫn cụ thể rằng: “tạm dừng các thánh lễ cộng đồng” để chung tay ngăn ngừa và đẩy lùi đại dịch.
Xóm đạo từ đó vắng tiếng chuông, nhà thờ thiếu tiếng kinh cầu. Thánh lễ chuyển sang hình thức xem trực tuyến, các nhóm sinh viên chuyển qua cầu nguyện và tĩnh tâm mùa chay từ tụ họp sang ngồi lẻ loi trước màn hình máy tính. Mọi thứ dường như được “tắt nguồn”.
Bỗng nhiên, em nhắn tin cho tôi vào một chiều nắng hạ. “Thầy ơi! Em khát thánh lễ muốn chết được”: em nhắn tin ngắn ngủn như thế cho tôi. Tôi hỏi em: “chẳng phải giờ em có thể tham dự Thánh Lễ tại nhà rồi sao? Chỉ có xưng tội là chưa thôi?”. Em dành một khoảng lặng giữa cuộc trò chuyện rồi nói tiếp: “Cho em rút lại đi thầy ạ, em khát thánh lễ, em khát luôn gặp gỡ các bạn trong nhóm, em cũng khát luôn những cái nắm tay, chẳng được đến nhà thờ mà ở nhà cầm điện thoại riết cũng chán lắm rồi.”
Con người ta cũng thật lạ lùng, bình thường lại thích sống một cõi riêng tư với chiếc điện thoại và khi bị bắt buộc phải giữ khoảng cách với nhau lại mong ước được sát kề. Hóa ra trong cuộc sống hiện đại, con người ta cũng khát nhiều thứ lắm chứ. Công nghệ tiên tiến, văn minh tột bậc, hiện đại tối tân cũng không thể lấp đầy cái nỗi niềm sẻ chia nơi cõi thẳm sâu của con người. Cái thuần túy đó người ta gọi là “tương quan”.
“Em khát thánh lễ, em khát gặp gỡ các bạn và em khát những cái nắm tay”. Những cái khát tưởng chừng như đơn giản lại hóa xa xỉ quá đỗi. Người ta vẫn thường thấy tại các quán cà phê, trên các băng ghế đá công viên… những nhóm bạn hẹn nhau rồi chỉ để mỗi người một điện thoại để tương tác trong thế giới ảo diệu nhiều lớp che dấu. Đâu đó, người ta vẫn để lọt vào ống kính của những nhà nhiếp ảnh về cuộc sống thời đại số cảnh người người ngồi cạnh nhau nhưng mỗi người lại đang chìm trong cõi khác.
Lặng lẽ dạo bước dưới hàng cây dầu vào mùa thay lá, tôi chợt hỏi: “liệu công nghệ có thể thay thế cho những cuộc gặp thể lý không? Sao mà tương tác giữa người hiện nay lại sang chế độ phức tạp quá? Thay vì trò chuyện trực tiếp, họ lại thêm đường truyền 3G, 4G rồi sắp đến là 5G để biểu đạt cảm xúc, nỗi niềm với từng dòng chữ vô hồn dù người cần nghe chỉ cách đó chưa đến 1 mét. Cho dẫu người ta có uống no say những tiện ích của sản phẩm công nghệ mang lại hay có lúc chếnh choáng với những lối sống văn minh thì họ vẫn cần những cái nắm tay nồng ấm, những cuộc gặp gỡ thân tình, những thánh lễ với ca đoàn, giúp lễ đồng thanh lời thưa đáp sốt sắng. Những mối tương quan trực tiếp vẫn là dòng nước giải khát cho những tâm hồn khát tình thân thương mến. Dù có thể gặp nhau, thấy nhau qua màn hình với khoảng cách xa xôi vạn dặm, nhưng con người vẫn mong có những cuộc hạnh ngộ. Đơn giản là vì con người đâu thể ôm trọn cái nồng ấm của nhau qua màn hình sinh động. Cơn khát tương quan vẫn trào tràn trong tim mỗi người.
Lướt qua những người bạn tôi quen trên mạng xã hội, ghé thăm trang cá nhân của một vài bạn trẻ cùng giáo xứ, tôi thấy một cơn khát thánh lễ trào lên. Cơn khát ấy âm thầm thôi nhưng cũng mạnh mẽ lắm. Những hình ảnh kèm theo dòng trạng thái “thèm đi lễ muốn phát điên”, “nhớ mấy đứa nhỏ trong lớp giáo lý quá”, “không biết người ta cho mình đi lễ lại chưa ta?”, “lâu rồi không nghe tiếng chuông nhà thờ”… Điều làm tôi bất ngờ hơn là có những dòng tâm sự về nỗi niềm nhớ nhung thánh lễ sớm hôm lại từ những bạn trẻ vốn dĩ mê đi làm hơn đi lễ.
Đời con người ta có thể gặp những cơn khát. Có những cơn khát chỉ thuộc về thể lý. Những cơn khát tinh thần cũng xen kẽ vào đời bôn ba của kiếp người. Khát gì thì khát, nhưng khát Chúa và khát anh em là phải được giải khát ngay. Vài tuần lễ cách ly xã hội là những tháng ngày giúp cho mỗi người cảm nếm sự ngọt ngào của tình thân với những người xung quanh. Một khoảng lặng nơi các xứ đạo lại làm cho nỗi niềm khao khát được cất lời ca Chúa lại được dâng trào.
Khát Chúa, khát anh em, khát thánh lễ đã trở nên những kinh nghiệm tuyệt đẹp nơi tâm hồn mỗi người tín hữu trong cơn đại dịch. Cơn khát trong đời thì nhiều nhưng chỉ có một vài cơn khát là quan trọng mà thôi. Nhìn về những hàng ngói đỏ thẫm của nhà nguyện đã no căng lộc trời khi được gột rửa bởi những nàng mưa đầu mùa, lòng tôi hóa lâng lâng khi cảm nghiệm về những tâm hồn khô cằn đã tìm và uống thỏa thuê trong dòng nước ngọt lành của Chúa và nơi những người thân yêu giữa mùa dịch.

Tu sĩ. JB Nguyễn Phi Long, S.J.

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

ĐTC mời gọi đọc kinh Mân Côi trong tháng 5, lời kinh giúp vượt qua đại dịch

Papa Francesco in preghiera

Trong thư gửi các tín hữu nhân dịp tháng 5, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu đọc kinh Mân Côi chung tại gia đình, hoặc đọc riêng, để được hiệp nhất và vượt qua đại dịch. Đức Thánh Cha cũng gửi đến các tín hữu hai lời kinh cầu nguyện với Đức Mẹ để đọc vào cuối buổi đọc kinh Mân Côi.

Đức Thánh Cha viết:

Anh chị em thân mến,

Tháng Năm đã gần đến, tháng mà dân Chúa bày tỏ tình yêu và lòng sùng kính đặc biệt của mình đối với Đức Trinh Nữ Maria. Đọc kinh Mân Côi tại nhà, tại gia đình, là truyền thống trong tháng này. Đây là một chiều kích gia đình mà những hạn chế vì đại dịch đã “buộc” chúng ta đề cao giá trị của nó, kể cả về phương diện thiêng liêng. Vì vậy, tôi đã nghĩ đến việc đề nghị tất cả mọi người khám phá lại vẻ đẹp của việc đọc kinh Mân côi tại nhà vào tháng 5. Chúng ta có thể đọc kinh chung với nhau, hoặc đọc riêng; anh chị em hãy chọn tùy theo hoàn cảnh, đề cao cả hai hình thức ấy. Nhưng trong mọi trường hợp, có một bí quyết để thực hiện: sự đơn giản; và rất dễ tìm, ngay cả trên internet, các mẫu cầu nguyện tốt để làm theo.

Thêm vào đó, tôi đề nghị với anh chị em hai kinh nguyện với Đức Mẹ mà anh chị em có thể đọc vào cuối buổi đọc kinh Mân Côi, và chính tôi sẽ đọc trong tháng 5, hiệp nhất cách thiêng liêng với anh chị em. Tôi gửi kèm cùng với thư này, như thế mọi người có thể dùng hai kinh này.

Anh chị em thân mến, việc cùng nhau chiêm ngắm và suy niệm gương mặt của Chúa Kitô cùng với trái tim Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta, sẽ làm cho chúng ta hiệp nhất hơn như một gia đình thiêng liêng và sẽ giúp chúng ta vượt qua thử thách này. Tôi cầu nguyện cho anh chị em, đặc biệt cho những người đau khổ nhất, và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Tôi chân thành cám ơn anh chị em và chúc lành cho anh chị em.

Roma, đền thờ thánh Gioan Laterano, ngày 25/04/2020

Lễ thánh Marco thánh sử

Kinh cầu Đức Mẹ trong cơn đại dịch do ĐTC Phanxicô soạn

Cùng với kinh cầu nguyện với Đức Mẹ đã được Đức Thánh Cha đọc trong video trong Thánh lễ do Đức Hồng y Giám quản Roma cử hành tại đền thánh Đức Mẹ Tình yêu Chúa ngày 11/03 vừa qua, Đức Thánh Cha đề nghị thêm một kinh nguyện để các tín hữu cầu nguyện trong tháng 5, xin Đức Mẹ bảo vệ thế giới khỏi đại dịch.

“Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm nương ẩn dưới sự che chở của Mẹ.”

Lạy Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng con, trong tình cảnh bi thương hiện tại, đầy đau khổ và lo lắng đang siết chặt thế giới, chúng con chạy đến với Mẹ và tìm nương ẩn dưới sự che chở của Mẹ.

Lạy Đức Trinh nữ Maria, xin thương xót ghé mắt đoái nhìn chúng con đang trong đại dịch virus corona; xin an ủi những người mất mát và than khóc người thân của họ đã qua đời, đôi khi được an táng cách đau lòng. Xin nâng đỡ những người đang lo lắng cho các bệnh nhân, những người mà vì để tránh lây nhiễm, họ không thể ở gần bên. Xin ban sự tin tưởng tín thác cho những ai đang lo lắng vì tương lai không chắc chắn và vì các hậu quả kinh tế và việc làm.

Lạy Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng con, xin cầu cùng Chúa Thiên Chúa là Cha thương xót cho chúng con, để thử thách này chấm dứt, đồng thời chân trời hy vọng và bình an sẽ trở lại. Như ở Cana, xin Mẹ cầu khẩn cùng Con Thiên Chúa của Mẹ, xin Người an ủi gia đình của các bệnh nhân và nạn nhân; và mở lòng họ với sự tin tưởng.

Xin bảo vệ các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, tình nguyện viên, những người đang ở tuyến đầu trong tình trạng khẩn cấp này và đang liều mạng sống của mình để cứu những sự sống khác. Xin đồng hành với nỗ lực anh hùng của họ và ban cho họ sức mạnh, lòng nhân và sức khỏe.

Xin ở gần bên những người ngày đêm trợ giúp các bệnh nhân và ở cạnh các linh mục, những người với sự quan tâm mục vụ và dấn thân Tin Mừng, đang tìm cách giúp đỡ và hỗ trợ tất cả mọi người.

Lạy Đức Trinh nữ thánh thiện, xin soi sáng tâm trí của các nhà khoa học, giúp họ tìm ra giải pháp phù hợp để chiến thắng virus này.

Xin trợ giúp các nhà lãnh đạo các quốc gia, để họ hành động với sự khôn ngoan, quan tâm và quảng đại, giúp đỡ những người thiếu những điều cần thiết cho cuộc sống, hoạch định các giải pháp xã hội và kinh tế với tầm nhìn xa và với tinh thần liên đới.

Lạy Mẹ Maria rất thánh, xin đánh động các lương tâm để thay vì những số tiền khổng lồ được dùng trong việc tăng cường và hoàn thiện các vũ khí, được dùng để thúc đẩy các nghiên cứu đầy đủ nhằm ngăn chặn thảm họa tương tự trong tương lai.

Lạy Mẹ rất yêu dấu, xin làm cho mọi người trên thế giới được gia tăng cảm thức mình cùng thuộc về một đại gia đình duy nhất, ý thức về mối liên hệ nối kết tất cả mọi người, để với tinh thần huynh đệ và liên đới, chúng con trợ giúp bao nhiêu người đang sống trong nghèo đói và lầm than. Xin khuyến khích sự kiên vững trong đức tin, bền chí trong phục vụ và liên lỉ trong cầu nguyện.

Lạy Mẹ Maria, Đấng An ủi những người đau khổ, xin ôm lấy các con cái đang gặp hoạn nạn của Mẹ và xin Chúa can thiệp bằng bàn tay quyền năng của Người để giải thoát chúng con khỏi đại dịch khủng khiếp này, để đời sống bình thường có thể trở lại trong thanh bình.

Chúng con phó thác cho Mẹ, Đấng chiếu sáng trên hành trình của chúng con như dấu chỉ của ơn cứu độ và hy vọng, ôi khoan thay, ôi nhân thay, ôi Đức Trinh Nữ Maria dịu hiền. Amen. (REI 25/04/2020)

Phỏng vấn Đức TGM Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam về đại dịch Covid-19


Phỏng vấn Đức TGM Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam:
Đại dịch virus corona là thời điểm 
để lượng giá lại và “dò xét” chính chúng ta
WHĐ - Nhân dịp lễ kính Thánh sử Máccô, bổn mạng Đức Tổng Giám mục Đại diện Tòa Thánh, Truyền thông HĐGM VN đã liên hệ với Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski để chúc mừng và phỏng vấn ngài về tình trạng đại dịch hiện nay.
1. BTT: Thưa Đức Tổng, như chúng con được biết, tháng trước Đức Tổng đã quyết định hoãn các chuyến thăm viếng mục vụ tại một vài giáo phận ở Việt Nam vì dịch bệnh. Xin Đức Tổng vui lòng cho chúng con biết lý do của quyết định này?
ĐTGM: Vì luôn cập nhật tình hình bùng phát COVID-19 tại Trung Quốc, ngay từ đầu năm (tháng 1, tháng 2), nên tôi có thể nói rằng virus corona chủng mới này rất dễ lây nhiễm. Trước hết, hãy cứ xem nó lan đến các quốc gia khác ở châu Á nhanh như thế nào, và bây giờ đến những vùng còn lại trên thế giới, chúng ta có thể khẳng định rằng du lịch là một trong những yếu tố chính góp phần gây ra đại dịch toàn cầu này.
Thứ đến, tại Singapore, nơi tôi cư trú có nhiều ca nhiễm hơn ở Việt Nam. Do đó, với trách nhiệm xã hội và để thực hiện các hướng dẫn cụ thể từ Tòa Thánh đối với Bộ ngoại giao, cũng như sau khi tham khảo ý kiến các Giám mục liên hệ, tôi đã quyết định hạn chế việc đi lại và thực hành giãn cách xã hội ở cả Singapore và Việt Nam để ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19. 
2. BTT: Tháng trước, Singapore được ca ngợi là hình mẫu trong ứng phó đối với virus corona, Giáo hội Singapore cũng đã tạm dừng các cử hành phụng vụ chung và những hoạt động khác. Xin Đức Tổng chia sẻ với chúng con về tình hình tại Singapore?
ĐTGM: Singapore đã bị ảnh hưởng do khủng hoảng SARS 2003 trước đây nên có lập trường rất thận trọng đối với cuộc chiến chống virus corona chủng mới. Theo khuynh hướng này, chúng ta có thể thấy các ca nhiễm đã khởi phát ở những nơi tụ tập đông người. Vì thế, Đức Tổng Giám mục Singapore đã quyết định tạm dừng các Thánh lễ cộng đoàn và các sinh hoạt khác từ ngày 14/02/2020. Biện pháp này được thực hiện cẩn trọng như chúng ta thấy kết quả hiện nay, không có bất cứ ca nhiễm nào từ nhà thờ Công giáo. Hơn nữa, tiếp theo việc đình chỉ này, chúng ta có thể thấy chính phủ Singapore từng bước thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn như hạn chế số lượng người tụ tập, thậm chí đến mức yêu cầu tất cả cư dân ở nhà, chỉ có các dịch vụ thiết yếu hoạt động. Điều này cho thấy tầm nhìn xa và cách quản trị cẩn trọng của Giáo hội địa phương tại Singapore.
3. BTT: Là một nhà ngoại giao Tòa Thánh, Đức Tổng nhận thấy điều gì nơi Giáo hội trong thời điểm đại dịch lịch sử này? Đức Tổng có lời khuyên nào cho Việt Nam chúng con?
ĐTGM: Thật vậy, năm 2020 là năm thách đố về mọi mặt: tài chính, thể lý, tình cảm, xã hội và tinh thần. Trong giai đoạn đặc thù này khi không thể quy tụ trong các nhà thờ để cùng nhau thờ phượng Chúa, chúng ta hãy nhớ lại cách thức mà các Tông đồ đã bắt đầu sứ vụ với những nhóm nhỏ “qui tụ trong nhà” và hãy nhận ra Giáo hội đã tiến triển như thế nào từ thời Chúa [Giêsu] cho tới nay.
Liên quan đến tình hình tại Việt Nam, tôi biết rằng:
- Ngày 02/02, Đức cha Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục đã thông báo với Giáo hội Việt Nam về sự bùng phát của bệnh dịch mới này và lưu ý một số biện pháp phòng tránh lây nhiễm; tiếp theo đó, Ủy ban Phụng tự đã phổ biến bản kinh nguyện chung cho cả giáo hội cùng cầu nguyện cho dịch bệnh sớm chấm dứt.
- Ngày 25/03, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã gửi thư thông báo cho giáo sĩ và giáo dân trong Tổng Giáo phận của ngài về việc tạm ngưng các buổi cử hành phụng vụ chung trong tuần và Chúa Nhật.
- Vài ngày sau đó, hầu hết các giáo phận ở Việt Nam đều có một hướng chung là tạm dừng các buổi cử hành phụng vụ cộng đồng. Tín hữu Việt Nam tham dự phụng vụ và cầu nguyện trực tuyến như lần chuỗi Mân côi, suy tôn Lòng Chúa Thương Xót, và chầu Thánh Thể.
- Ngày 31/03, Đức Tổng Giám mục Tổng giáo phận Tp. Hồ Chí Minh đã xuất hiện trên đường trong đoạn video với thông điệp kêu gọi giáo dân chung tay trợ giúp những người bên lề xã hội và những người buôn bán rong là những anh chị em bị ảnh hưởng trực tiếp trong thời gian giãn cách xã hội.
- Tất cả những biện pháp bảo vệ được chính phủ Việt Nam đưa ra, chẳng hạn như ngày 01/04, lệnh giãn cách xã hội đã chính thức bắt đầu trong cả nước, siết chặt giao thông và áp dụng lệnh ở yên trong nhà.
- Ngày 02/04, Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục gửi thư kêu gọi toàn thể Giáo hội Việt Nam chọn ngày 04/04 là ngày Giáo hội cử hành Thánh lễ đặc biệt trong thời gian đại dịch theo tinh thần của Sắc lệnh 156/20 của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
Hãy tuân thủ các qui định và khuyến cáo này, đừng quên người nghèo giữa các bạn và hãy tham dự tích cực vào đời sống cầu nguyện của Hội Thánh!
Tôi học theo mẫu gương tuyệt vời của Đức Thánh cha Phanxicô. Như anh chị em biết, Đức Thánh cha của chúng ta đã thực hiện rất nhiều sáng kiến chống Covid-19. Ngài kêu gọi tất cả tín hữu cùng thực hiện: cầu nguyện cho đại dịch mau chấm dứt, giúp đỡ tha nhân và vững tin nơi Chúa.
Trước khi kết thúc, tôi muốn nhấn mạnh rằng đây cũng là thời điểm chúng ta cần phải lượng giá lại và “dò xét” chính bản thân. Để thấy chúng ta là môn đệ như thế nào của Chúa, hãy xem mình có thật sự yêu mến Đấng Cứu độ, Đấng Phục sinh và Thiên Chúa hằng sống của chúng ta, có trung thành tuân giữ các giới răn của Chúa không?
Chúng ta có thể chất vấn bản thân về tình yêu chân thực của ta đối với Chúa:
- Có phải tình yêu của ta dành cho Chúa bị đóng khung với thói quen xơ cứng khi tham dự Thánh lễ Chúa nhật không?
- Giữa cơn khủng hoảng toàn cầu, chúng ta có mất đức tin và thiếu trông cậy nơi Chúa không?
- Khi các nhà thờ đóng cửa, chúng ta có quên Chúa không?
Cám ơn anh chị em. Xin Chúa ban phúc lành cho Việt Nam!
BTT: Xin chân thành cảm ơn Đức Tổng.
Truyền thông HĐGM VN thực hiện
Dung Hạnh chuyển ngữ