Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

Tin Mừng Chúa nhật 22 thường niên - Năm C



Phúc Âm: Lc 14, 1. 7-14
"Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

"Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho người này'. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: 'Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên'. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

Rồi Người lại nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại".

Tuyên bố của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) về việc ủng hộ thư kêu gọi của Liên Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh cho vùng Amazon – “Chúng tôi lên tiếng vì vùng Amazon”

Trong bối cảnh khủng hoảng về các vụ cháy rừng ở vùng Amazon, ngày 30/08/2019, Đức Hồng Y Charles Maung Bo, SDB, chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, đã ra tuyên bố để ủng hộ thư kêu gọi vì vùng Amazon của Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh. Sau đây là nội dung của tuyên bố này: 
Tuyên bố của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) về việc ủng hộ
thư kêu gọi của Liên Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh cho vùng Amazon
– “Chúng tôi lên tiếng vì vùng Amazon”
Với sự rộng lớn và vĩ đại của nó, thế giới có lẽ lần đầu tiên, nhận thấy rằng: mất rừng ở Amazon không chỉ là mối quan tâm của khu vực mà còn là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Việc cháy rừng đáng lo ngại ở Mỹ Latinh, cũng như ở các vùng khác như Nga, Alaska, Greenland, Châu Phi và Indonesia, đang thay đổi bộ mặt tương lai của nhân loại. Chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ đối với các anh chị em ở Châu Mỹ Latinh và các nơi khác trên thế giới đang chiến đấu ở tuyến đầu để chống lại sự tàn phá này.
Cháy rừng là một vấn đề sát sườn với chúng ta. Trong mỗi nước trên khắp châu Á, đáng chú ý nhất là ở Sumatra hiện nay, cháy rừng đã gây thiệt hại vô cùng lớn cho các dân tộc và hệ sinh thái. Trong khi có nhiều bài học được rút ra, thì các hệ thống đề xuất để thay đổi trong cách canh tác nông nghiệp, khai thác và vận chuyển vẫn chưa ngăn được sự phá rừng dai dẳng được thực hiện dưới danh nghĩa phát triển kinh tế và xây dựng một xã hội tiêu dùng. Các khu rừng ở châu Á đã bị phá hủy rất nhiều, gây ảnh hưởng trầm trọng đến tính đa dạng sinh học, văn hóa và khí hậu toàn cầu. Độ che phủ rừng bản địa đang bị mất ở mọi quốc gia châu Á, dẫn đến mức độ bị tổn thương của Người bản Địa đang tăng lên, trong khi đóng góp của họ cho xã hội lại bị bào mòn.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi lập lại sự nhấn mạnh của các Giám mục Châu Mỹ Latinh và Caribê (CELAM): các đám cháy lớn đang hoành hành ở Amazon mang tầm mức toàn cầu. Chúng ta nên suy nghĩ và tìm kiếm sự đoàn kết mới và phổ quát, đó là điều mà thế giới đang cần. Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người “hợp tác với nhau như những dụng cụ của Thiên Chúa để chăm sóc cho các thụ tạo, mỗi người cộng tác theo văn hóa, kinh nghiệm, trách nhiệm và tài năng của chính mình.” (Laudato Si, số 14)
Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon sắp tới nhận biết tầm quan trọng sống còn của việc lắng nghe tiếng nói của những Người Bản Địa và các cộng đồng khác sống ở Amazon, qua đó xác định những con đường mục vụ mới cho Giáo hội toàn cầu (Tài liệu chuẩn bị cho Thượng hội đồng). Chúng tôi cũng cảm ơn Đức Thánh Cha đã kêu gọi tất cả mọi người có trách nhiệm hành động để dập tắt các vụ cháy rừng.
Trong nhiều thế hệ, các cánh rừng mưa trên khắp vùng nhiệt đới đã làm phát triển tính đa dạng của sự sống. Tuy nhiên, nền nông nghiệp mang tính công nghiệp và các ngành công nghiệp khai thác đã xâm nhập vào các khu vực này và gây ra nhiều mối đe dọa cho sự đa dạng sinh học của đất, nước và lối sống của Người dân Bản địa, những người trông coi truyền thống sự đa dạng vĩ đại này. Chính các Người dân Bản địa là những người sống mỗi quan hệ đa dạng thiêng liêng đó, vì họ là những người có mối liên hệ sâu sắc với các khu rừng và sông ngòi trên khắp thế giới. Ngay cả trước khi có bất kỳ lực lượng nào được triển khai, Người dân Bản địa là những người đầu tiên bảo vệ vùng đất tổ tiên của họ, bằng mọi cách có thể để ngăn chặn các đám cháy.
Chúng tôi kêu gọi chính phủ Brazil và Bolivia và các nhà lãnh đạo khác ở các quốc gia trong khu vực Amazon hãy lắng nghe “tiếng khóc của trái đất và tiếng khóc của người nghèo”. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia bảo vệ quyền và nhân phẩm của tất cả Người dân Bản địa và các cộng đồng khác ở mọi quốc gia bằng cách hành động ngay và nghiêm túc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng cháy rừng hiện tại và sự mất đất của Người dân Bản địa. Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người thiện chí hãy tìm cách và hỗ trợ việc chăm sóc các thụ tạo và con người, nhờ đó tất cả chúng ta có thể hưởng được những điều tốt đẹp mà hành tinh xinh đẹp này mang lại.
Thân ái chào anh chị em trong Chúa Kitô
Charles Maung Cardinal Bo, SDB
Tổng Giám Mục Giáo Phận Yangon (Myanmar)
Chủ Tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC)
Văn Việt

Thư Chung Của Hội Nghị Mục Vụ Di Dân 2019 Gửi Anh Chị Em Công Giáo Xa Quê

Từ chiều ngày 26 đến trưa ngày 29 tháng 8 năm 2019, Uỷ ban Mục vụ Di dân trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tại Phú Quốc, thuộc giáo phận Long Xuyên. Sau ba ngày làm việc, Hội nghị đã có thư chung để chia sẻ với anh chị em công giáo xa quê một số thông tin và thao thức mục vụ để cùng đồng hành với anh chị em trong đời sống Đức Tin và chứng tá Tin Mừng. Sau đây là nguyên văn thư chung của Hội Nghị:
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
UỶ BAN MỤC VỤ DI DÂN
72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh – Việt Nam
(84.28) 3820 2703    Email : ubmvdidan@gmail.com
——————————————————————
HỘI NGHỊ MỤC VỤ DI DÂN 2019 
THƯ GỬI ANH CHỊ EM CÔNG GIÁO XA QUÊ
 Anh chị em thân mến,
1. Từ chiều ngày 26 đến trưa ngày 29 tháng 8 năm 2019, Uỷ ban Mục vụ Di dân đã tổ chức Hội nghị tại Phú Quốc, thuộc giáo phận Long Xuyên. Hội nghị quy tụ quý Cha phụ trách mục vụ di dân của các giáo phận trong nước, Đức cha John Baptist Jung Shin Chul, phụ trách mục vụ di dân của Hội đồng Giám mục Hàn Quốc, và đại diện giới doanh nghiệp cùng chia sẻ, lắng nghe, suy tư và cầu nguyện.
            Hội nghị đã được Đức cha Giuse Trần Văn Toản, giám mục giáo phận Long Xuyên, quý cha chính xứ, quý tu sĩ và anh chị em giáo dân giáo xứ Dương Đông và Hưng Văn, nhiệt tình đón tiếp và đồng hành.
2. Nhân sự kiện này, chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em một số thông tin và thao thức mục vụ để cùng đồng hành với anh chị em trong đời sống Đức Tin và chứng tá Tin Mừng.
3. Khi xa quê, anh chị em luôn ấp ủ những hy vọng và hoài bão về một cuộc sống tương lai tươi sáng. Nhưng trong thực tế, anh chị em phải đối diện với những thử thách về đức tin, khó khăn về kinh tế và cám dỗ về đạo đức, luân lý... Vì thế, với bổn phận mục tử, chúng tôi cố gắng thực hiện chương trình mục vụ dành cho anh chị em di dân mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã diễn tả qua bốn động từ: “Tiếp đón - Bảo vệ - Thăng tiến - Hội nhập” (Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tỵ nạn 2018). Ước mong tinh thần của Sứ điệp này được lan toả đến từng trái tim mục tử.
4. Đối với anh chị em di dân tại hải ngoại đang đối diện với những khó khăn do khác biệt văn hoá và ngôn ngữ, nhu cầu mục vụ này đòi hỏi sự dấn thân nhiệt thành hơn của các linh mục Việt Nam. Vì thế, khi có nhu cầu lãnh nhận bí tích, anh chị em hãy liên lạc với Giáo hội địa phương hoặc Uỷ ban Mục vụ Di dân Việt Nam. Các kênh liên lạc của Uỷ ban Mục vụ Di dân Việt Nam:
Email: ubmvdidan@gmail.com 
Fanpage: www.facebook.com/ubmvdidan
Website: www.mucvudidan.com
5. Với nỗ lực của Uỷ ban Mục vụ Di dân, văn kiện Hướng dẫn Mục vụ Di dân đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam chấp thuận cho thử nghiệm trong 2 năm vừa qua (2017-2019). Nay, Hội nghị tiếp tục bổ sung Văn kiện này dựa trên những phản hồi và thử nghiệm thực tế, để Hướng dẫn Mục vụ Di dân 2019 sẽ được tiếp tục phê chuẩn thử nghiệm trong 3 năm sắp tới. Đây là cẩm nang giúp quý cha trong sứ vụ mục tử và giúp anh chị em thăng tiến trong cuộc sống xa quê.
6. Giáo hội Việt Nam chuẩn bị đề ra chương trình mục vụ trong 3 năm sắp tới đặt trọng tâm nơi Giới Trẻ. Chúng tôi ước mong chương trình mục vụ này cũng đồng hành với người trẻ xa quê.
7. Với những tâm tình này, chúng tôi hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô qua Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tỵ nạn 2019: Khi quan tâm đến số phận của những người di dân và tỵ nạn, chúng ta cũng quan tâm đến chính mình; đừng trở thành những người bất bao dung, khép kín và kỳ thị với anh chị em.
Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.
Làm tại Phú Quốc, lễ kính nhớ cuộc tử đạo của Thánh Gioan Tẩy Giả,
ngày 29 tháng 08 năm 2019 
 
Giám Mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Chủ tịch
Quý vị có thể download file word của thư chung này tại đây.
Văn Việt

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

Hai Giám mục Trung quốc đầu tiên được tấn phong sau hiệp định giữa Vatican và Trung quốc

2019.08.28 SE mons. Stefano Xu Hongwei, oggi è  stato consacrato Vescovo Coadiutore di Hanzhong (Shaanxi) in Cina
Đức cha Từ Hoằng Vĩ 

Hai Giám mục Trung quốc đầu tiên đã được tấn phong với bổ nhiệm của Tòa Thánh, kể từ sau khi hiệp định tạm thời giữa Vatican và Trung quốc được ký kết vào tháng 9/2018 tại Bắc Kinh.

Ngày 26/8, cha Antôn Diêu Thuận (Yao Shun), 54 tuổi, thuộc giáo phận Tể Ninh, đã được tấn phong Giám mục tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Mân Côi ở thành phố Tể Ninh, vùng Nội Mông, làm Giám mục giáo phận Tể Ninh. Và ngày 28/8, cha Stephano Từ Hoằng Vĩ (Xu Hongwei), thuộc giáo phận Hán Trung (HanZhong), tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi), Trung Quốc, đã được tấn phong Giám mục, được bổ nhiệm làm Giám mục phó giáo phận Hán Trung.

Đức cha Diêu Thuận

Chủ tế Thánh lễ tấn phong Giám mục cho cha Antôn Diêu Thuận là Đức cha Phaolô Mạnh Thanh Lộc (Meng Qinglu), phó hội Công giáo yêu nước Trung quốc; cùng đồng tế với ngài có một số giám mục và khoảng 120 linh mục. Cũng có khoảng 1000 giáo dân tham dự Thánh lễ.

Đức cha Diêu Thuận sinh năm 1965 và sau khi được thụ phong linh mục vào năm 1991, ngài đã dạy học tại chủng viện quốc gia ở Bắc Kinh. Từ năm 1994-1998, ngài học phụng vụ tại đại học thánh Gioan ở New York và cũng học Kinh Thánh một thời gian ở Giêrusalem.

Ngài cũng đã là tổng đại diên của giáo phận và được các thành viên của giáo hội Trung quốc bầu chọn ngày 9/4. Dù là Giám mục đầu tiên được tấn phong sau hiệp định tạm thời giữa Vatican và Trung quốc, nhưng thực tế là ngài đã được Vatican bí mật chấp thuận từ năm 2010.

Giáo phận Tể Ninh có khoảng 70 ngàn giáo dân, được hướng dẫn bởi 31 linh mục và 12 nữ tu. Giáo phận trống tòa từ khi Đức cha Gioan Lưu Thế Công qua đời vào năm 2017.

Đức cha Từ Hoằng Vĩ

Đức cha Từ Hoằng Vĩ, 44 tuổi, thụ phong linh mục năm 2002. Ngài đến Roma học và đậu cao học về thần học mục vụ. Sau đó ngài phục vụ tại giáo phận Vancouver ở Canada cho đến năm 2010.

Đức cha được Tòa Thánh chấp thuận là ứng viên Giám mục từ ngày 11/4 vừa qua nhưng phải đợi vài tháng để được chính quyền chấp thuận. Thánh lễ được cử hành tại nhà thờ chính tòa Thiên thần Micae với sự tham dự của khoảng 500 người.

Giáo phận Hán Trung có 27 linh mục, 8 nữ tu và một chủng sinh, phục vụ cho 20 ngàn tín hữu Công giáo tại 21 giáo xứ.

Giáo phận Tanjungkarang và Jakarta của Indonesia có thêm 15 linh mục và một phó tế

Indonesia có thêm 15 linh mục và một phó tế

Trong những ngày vừa qua hai giáo phận của Indonesia, một ở đảo Sumatra và một ở đảo Java đã cử hành lễ phong chức cho 15 linh mục và một phó tế.

Ngày 20/8 tại giáo xứ Thánh Giuse ở Pringsewu, một ngôi làng cách Bandarlampung, thủ phủ của tỉnh Lampung khoảng 40 km, Đức cha Yohanes Harun Yuwono, Giám mục Tanjungkarang đã chủ tế thánh lễ phong chức linh mục. Có 200 linh mục và hàng ngàn tín hữu đã tham dự thánh lễ phong chức với niềm vui lớn cho một phó tế và 10 tân linh mục tuyên khấn vĩnh viễn của Hội dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Bình an và niềm vui

Trong bài giảng thánh lễ, Đức cha Harun đã nhắc nhở các tiến chức: “Các con được gọi để trở thành những người được thánh hiến trọn cuộc đời cho Thiên Chúa và Giáo hội. Sứ vụ của các con là mang bình an và an ủi thiêng liêng cho người khác. Ở đâu có người thánh hiến ở đó có niềm vui và bình an”. Cha Titus Waris Widodo, Bề trên Giám tỉnh thì chia sẻ: “Anh em được gọi để thể hiện lòng trung thành của anh em, thể hiện tinh thần và đặc sủng của Hội dòng”.

Linh mục: một “người cho người lân cận”

Vào ngày 15/8, tại l’Indonesian Miniature Compound (Tmii), Đức cha Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng Giáo mục Jakarta đã chủ sự thánh lễ phong chức cho 3 linh mục giáo phận và hai linh mục dòng Cha Thánh Boscô. Cha Albetus Monang, một người trong số các tân linh mục cho biết ơn gọi của cha được triển nở nhờ các hoạt động trong giáo xứ thánh Armoldo Janssen ở Bekasi và hơn nữa nhờ hình ảnh của cha xứ, một người thực sự cho tha nhân, ngài luôn mĩm cười và tử tế với mọi người.

Sự nâng đỡ của gia đình

Cha Joseph Biondi Mattovano, tân linh mục của Tổng giáo phận chia sẻ về ơn gọi của cha: “Cha tôi là người đóng một vai trò quan trọng cho ơn gọi của tôi. Khi tôi còn nhỏ, mỗi khi cha đưa tôi đi thạm dự thánh lễ ông thường hỏi một câu hỏi đầy thánh đố ‘Tại sao con không muốn trở thành linh mục?’ Bởi vì lúc đó tôi chỉ muốn trở thành phi công; tôi không quan tâm đến ý muốn của cha tôi. Sau đó, đến tuổi thanh thiếu niên, tôi bắt đầu tham gia vào các hoạt động của giáo xứ, và như thế ơn gọi của tôi được nảy sinh”.

“Nền kinh tế Phanxicô” đã có mặt trên mạng xã hội

the economy.JPG

ĐTC Phanxicô muốn Nền kinh tế Phanxicô có mặt trên mạng xã hội (Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và Flickr). Đây là một nền kinh tế đặc biệt dành cho người trẻ. Sự kiện sẽ được tổ chức tại Assisi từ ngày 26 đến 28 tháng 3 năm 2020.

Chỉ trong vòng vài ngày ban tổ chức đã nhận được hơn 500 yêu cầu tham gia của các doanh nhân và sinh viên dưới 35 tuổi đến từ hơn 45 quốc gia. Và chỉ trong vài tháng trang web củs sự kiện (www.francescoeconomy.org) đã đạt 2000 thành viên.

Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ quốc tế tại Assisi, các cuộc hội thảo, học hỏi và hội nghị sẽ được tổ chức tại Ý và trên toàn thế giới. Các sự kiện do các trường đại học, công ty, mạng lưới kinh doanh, tổ chức, phong trào, hiệp hội tổ chức, mục đích nhắm đưa ra những suy nghĩ và hành động kinh tế của người trẻ chuẩn bị cho năm 2020.

Vào đầu tháng 9, đến lượt thành phố Thánh Phanxicô với "Hành trình Assisi", sau đó sẽ đến Tây Ban Nha và Camerun. Trên trang web chính thức của sự kiện, mọi người đóng góp các sáng kiến "Hướng tới nền kinh tế của Phanxicô" bằng cách điền vào mẫu đơn.

Tất cả thông tin và tin tức đều có trên trang web và các kênh xã hội chính thức của sự kiện (Facebook @francescoeconomy; Instagram @francesco_economy; Twitter @FrancescoEcon; YouTube và Flickr).

Cuộc hẹn với Đức Thánh cha Phaxicô sẽ không phải là một hội nghị truyền thống, mà là một kinh nghiệm nơi lý thuyết và thực hành gặp nhau để xây dựng những ý tưởng và sự hợp tác mới. Vào tháng 3 năm 2020 sự kiện sẽ được bắt đầu với những đề xuất của người trẻ. Mọi người sẽ cùng nhau suy tư về những vấn đề kinh tế mà họ đang quan tâm. Đây sẽ là một cuộc hội thảo, một sự kiện nghệ thuật và toàn thể với các nhà kinh tế, chuyên gia nổi tiếng nhất về phát triển bền vững. Bên cạnh đó còn có các doanh nhân hiện đang hoạt động trên toàn thế giới với các nền kinh tế khác nhau. Tất cả sẽ suy tư và làm việc cùng với những người trẻ.

Ông Muhammad Yunus và Amarthya Sen cả hai đều là nhà kinh tế học đã từng nhận Giải Nobel Kinh tế và Nonel Hòa bình sẽ có mặt tại sự hiện. Ngoài ra còn có nhiều nhà kinh tế tài giỏi khác sẽ có mặt tại sự kiện.

Khóa Thường Huấn về Đời sống Thánh hiến cho Liên Tu Sĩ TGP Huế 2019


Khóa học thường huấn về Đời sống Thánh hiến của Liên Tu Sĩ TGP Huế bắt đầu từ 19/08/2019 đến 23/08/2019. Với hai đề tài: “Rượu mới – Bầu da mới”- Bản định hướng của Bộ các Hội dòng thánh hiến và Tu đoàn tông đồ, và Tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục về Giới trẻ “Christus vivit”, các Tu sĩ nam nữ tham dự đã có những ngày học hỏi, bồi dưỡng thật chất lượng qua sự chia sẻ nhiệt tình, đầy kinh nghiệm, uyên thâm và hết sức xác tín của Nữ tu Maria Lê Thị Thanh Nga (CND), Cha Giuse Vũ Trọng Tài (SDB) và Cha Giuse Nguyễn Ngọc Vinh (SDB).

Đề tài “Rượu mới – Bầu da mới” của bản định hướng, qua sự chia sẻ của Nữ tu Maria Thanh Nga đã giúp cho mỗi tu sĩ hiểu rõ Đức Giêsu chính là “Rượu Mới – Rượu Ngon”, vốn đã có từ đời đời và luôn luôn mới mẻ. Chính Người đã thổi luồng sinh khí mới vào chúng ta, đó là sự tự do đích thực, sự tự do nội tâm. “Bầu Da Mới” chính là đời sống thánh hiến của mỗi tu sĩ. Bản định hướng giúp cho mỗi người xét duyệt lại đời sống của chính mình. Trước những thách đố tinh vi và sự phát triển “đến chóng mặt” của thời đại, liệu mỗi người có đủ “tâm” và đủ “tầm” để vượt qua, để thích ứng và trung thành với Đức Kitô? Vì, “Rượu mới thì bầu cũng phải mới” (x. Mc 2,22; Mt 9,17). 

Để có “Bầu da mới”, đời thánh hiến phải dám mở tung cõi lòng để dấn thân vào sự mới lạ của Vương Quốc Chúa Kitô; sống trong sự trung thành với Chúa Thánh Thần; sống tương quan mật thiết với Đức Kitô; và cần thay đổi tương quan ý thức hệ. Cha Giuse Vũ Trọng Tài (SDB) cũng bật mí cho anh chị em tu sĩ bí quyết để xây dựng tình hiệp thông huynh đệ trong cộng đoàn và làm cho đời sống người thánh hiến bình an, hạnh phúc đó là đừng bao giờ để thiếu “ĐỆ NHẤT BÁC ÁI TỬU”. Ngài nhắc nhở các tu sĩ: “Phải mời Chúa Giêsu đến trong căn nhà tâm hồn ta như tại tiệc cưới Cana xưa. Vì có Chúa Giêsu là có bác ái, có tình yêu, có niềm vui, có hoan lạc và ân sủng mà ta không bao giờ uống cạn”. 

Ngoài các giờ học, các tham dự viên có nhiều cơ hội để chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm, những trải nghiệm và những ưu tư, khắc khoải cho một “tương lai tươi sáng” hơn, trong đời sống thánh hiến cũng như trên các nẻo đường phục vụ. Hình thức chia sẻ nhóm theo sứ vụ đặc thù: điều hành Hội dòng, huấn luyện, phụ trách cộng đoàn, v.v., là cơ hội tuyệt vời cho anh chị em được chia sẻ cho nhau những cảm nhận rất riêng tư đến từ kinh nghiệm cá nhân. 

Cha Giuse Nguyễn Ngọc Vinh (SDB) tốt nghiệp tiến sĩ Kinh Thánh tại Rôma, hiện là giáo sư Kinh thánh. Uyên thâm về tri thức nhưng cũng rất sâu sắc về kinh nghiệm nội tâm thiêng liêng, đam mê đọc sách, ham thích học hỏi, đặc biệt tinh tế và nhạy bén với cái đẹp và cái thiện trong mọi cảnh huống. Những tư chất này của cha đã thật sự thu hút sự chú ý lắng nghe từ các học viên qua bài chia sẻ về Tông huấn “Christus vivit. ”

 

Với nhiều kinh nghiệm làm việc với giới trẻ trong và ngoài nước, Cha Giuse đã không những giúp các học viên học hỏi, đào sâu một cách chi tiết về tông huấn mà còn chia sẻ những kinh nghiệm rất thực tế và bổ ích trong việc mục vụ giới trẻ. 

Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô Hằng Sống là một kim chỉ nam cho mục vụ người trẻ và ơn gọi hôm nay, đây là một tông huấn thể hiện sự gần gũi và quan tâm đặc biệt với người trẻ. Tông huấn thể hiện sự tích cực và lạc quan khi nhìn về người trẻ, đồng thời cũng mời gọi những người làm công tác mục vụ cho người trẻ phải “chuyển động” để có thể hiểu được người trẻ hôm nay. 

Thật vậy, người trẻ hôm nay muốn nghe những chứng nhân hy vọng, chứng nhân niềm tin và tình yêu hơn là thầy dạy các giáo điều; người trẻ hôm nay cần được đồng hành, hướng dẫn chứ không muốn bị kết án và phán xét; và họ cũng cần sự thấu hiểu và cảm thông. Bởi lẽ, đàng sau những cái gọi là nông cạn, hời hợt, dễ sai lầm, dễ thất vọng và dễ bỏ cuộc, người trẻ có nhiều khát vọng, đam mê, giá trị, vẻ đẹp và nội lực mà chỉ có những ai hiểu được người trẻ thì mới nhận ra. Đức Thánh Cha Phanxicô đã thật tinh tế và đã đụng chạm được nhu cầu của người trẻ. Ngài đã đi bước trước, cúi xuống, dùng ngôn ngữ gần gũi, yêu thương và tích cực để nói với người trẻ trong tư thế kiên nhẫn và sẵn sàng lắng nghe. Hơn thế nữa, ngài đã không ngại đưa ra những mục tiêu to lớn để người trẻ vươn tới nhưng đồng thời cũng hướng họ đăm đăm nhìn vào Đức Kitô như đích đến của mình. 

Ngoài ra, Tông huấn cũng gợi nhắc rằng để có thể hướng dẫn, đồng hành người trẻ một cách hiệu quả, người làm công tác mục vụ này cần có một kinh nghiệm sâu sắc về tương quan với Chúa để có thể đồng hành với người trẻ bằng chính kinh nghiệm của mình thay cho những lý thuyết suông. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng thật tinh tế khi dùng những con người trong Kinh Thánh hay những đặc điểm nơi chính Chúa Giêsu mà rất gần gũi với người trẻ để nói với họ. Đây là một phương pháp sư phạm cần thiết khi đồng hành với người trẻ.

 

Trong suốt khóa bồi dưỡng, mỗi ngày các Dòng phụ trách làm linh hoạt viên và chịu trách nhiệm giữ gìn môi trường, không gian sạch đẹp. Mỗi Dòng có một nét tươi xinh, rất riêng làm nên sự đa dạng, phong phú của vườn hoa gia đình Liên Tu Sĩ TGP Huế. 

Kết thúc mỗi đề tài, các thành viên đại diện cho Liên tu sĩ TGP Huế bày tỏ lòng tri ân quý Nữ tu và quý Cha về những chia sẻ sâu sắc, giúp cho các tham dự viên có một tâm thức mới, tầm nhìn mới và một quyết tâm mới trong đời sống thánh hiến để thi hành vai trò ngôn sứ trong một xã hội đầy văn minh nhưng cũng lắm thách đố hôm nay. 

Các thành viên tham dự cũng bày tỏ tâm tình biết ơn đối với sự quan tâm của Cha Antôn Huỳnh Đầy, Phó Bề Trên Tổng Quyền Dòng Thánh Tâm Huế, đặc trách Liên Tu sĩ TGP Huế, qua sự hiện diện tích cực của Ngài suốt khóa học, cũng như ban điều hành của Liên Tu sĩ Giáo phận cũng là Ban Tổ chức, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các Tu sĩ nam nữ tham dự khóa thường huấn được bồi thêm dưỡng chất tinh thần cho đời sống thánh hiến.

Gia đình Liên Tu Sĩ TGP Huế xin tri ân Đức TGM Giuse, Cha Giám đốc Trung tâm Mục vụ Huế và quý ân nhân đã cầu nguyện, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khóa bồi dưỡng năm nay. Nguyện xin Thiên Chúa, nguồn mạch mọi ơn lành, ban muôn phúc lành xuống trên Đức TGM Giuse và quý mọi người.


Xin Chúa chúc lành để những gì các học viên thu nhận được trong khóa bồi dưỡng được trổ sinh hoa trái tốt lành trong đời sống thánh hiến và trong cuộc đời sứ vụ, để mỗi học viên góp phần xây dựng gia đình Liên Tu Sĩ TGP Huế ngày một lớn mạnh trong sự thánh thiện, trong tình hiệp thông và nhất là hăng hái ra đi, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô “đến các vùng ngoại biên” để rao giảng Tin Mừng và trở nên một “Christus vivit” nơi môi trường mình sống và phục vụ, làm lan tỏa “đệ nhất bác ái tửu” giữa lòng đời hôm nay.

Nguồn: TGP Huế

Hội Nghị Mục Vụ Di Dân Toàn Quốc 2019

Hội Nghị Mục Vụ Di Dân Toàn Quốc 2019

Hội nghị Mục vụ Di dân toàn quốc 2019 do Ủy ban Mục vụ Di dân trực thuộc HĐGMVN tổ chức đã khai mạc lúc 20g00 thứ Hai ngày 26.8.2019 tại Phú Quốc (giáo phận Long Xuyên), dưới sự chủ trì của Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám quản Tông tòa TGP Sài Gòn, Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Di dân. Cùng hiện diện trong buổi khai mạc còn có Đức cha Jean Baptist Jung Shin-chul, Giám mục giáo phận Incheon, Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Di dân và Ngoại kiều của HĐGM Hàn Quốc, quý cha đặc trách di dân của 27 giáo phận cùng một số khách mời.



Trước giờ khai mạc, mọi người đã cùng tham dự giờ chầu Thánh Thể trong tâm tình sốt mến. 

Phát biểu khai mạc, Đức cha Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Di dân nhấn mạnh rằng, mục đích của Hội nghị năm nay, Ủy ban Di dân của HĐGMVN ước muốn có một tầm nhìn tổng thể về mục vụ di dân tại Việt Nam và tại các quốc gia chung quanh có những người lao động ngoại kiều đến Việt Nam như từ Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Philippines... và những người lao động Việt Nam đến sống và làm việc tại những quốc gia này. Theo Đức cha, “tầm nhìn tổng thể và cụ thể này sẽ giúp chúng ta làm những điều tốt nhất để phục vụ anh chị em di dân, và nhất là giúp hoàn chỉnh Văn kiện Hướng dẫn Mục vụ Di dân đã được HĐGMVN cho phép áp dụng thử nghiệm 2 năm”. Đức cha cũng nhắc đến điều đặc biệt là qua Hội nghị này, làm thế nào để có thể tạo một mối tương quan tốt giữa “quốc gia đi” và “quốc gia đến”, giữa “giáo phận đón tiếp” và “giáo phận gốc”. Và ngài ước mong: “Trong Hội nghị năm nay, cùng với mọi người, chúng ta sẽ tìm ra những cách thức tốt hơn nhằm cải thiện hoàn cảnh xã hội và mục vụ của anh chị em di dân”. 

Trong buổi tối khai mạc này, linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Tổng Thư ký Ủy ban Mục vụ Di dân cũng đã thông tin cho các tham dự viên về chương trình của ba ngày Hội nghị. Theo đó, Hội nghị sẽ chính thức làm việc vào sáng thứ Ba ngày 27.8 và kết thúc vào trưa thứ Năm ngày 29.8.2019.


Sáng ngày 27.8, Đức cha Chủ tịch Giuse Đỗ Mạnh Hùng đã chủ sự thánh lễ kính Chúa Thánh Thần - cầu cho Hội nghị. 

Trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị, ngoài những lúc cử hành thánh lễ, giờ kinh, chương trình làm việc ngày đầu tiên có phần nhắc lại bản đúc kết Hội nghị 2018 với những gì đã làm được và cả những việc còn đang thực hiện; Đức cha Jean Baptist trình bày về hoạt động mục vụ di dân tại Hàn Quốc. Ngài thông tin về tình hình người Việt tại Hàn Quốc và sinh hoạt đức tin của gần 5.000 người Công giáo Việt Nam tại 10/16 giáo phận ở Hàn Quốc; ông Phêrô Trần Thanh Lương, Chủ tịch Công ty cổ phần quốc tế TIC (xuất khẩu lao động và du học), chia sẻ về thực trạng của lao động và du học sinh Việt Nam ở Nhật Bản, Hàn Quốc, một vài nước trong khu vực cũng như những vấn nạn đối với người lao động Việt Nam tại nước ngoài; cha Gioan Trần Văn Thiết (dòng Scalabrini) đang làm việc tại Văn phòng Di dân Tổng giáo phận Taipei đã cho biết về đời sống lao động nhập cư tại Đài Loan, những khó khăn và thử thách đối với đời sống đức tin và pháp lý...

Với những vấn đề xoay quanh việc “Mục vụ cho người di dân Việt Nam tại hải ngoại”“Mục vụ cho người ngoại kiều tại Việt Nam”, được đề cập tới trong ngày đầu cũng như những buổi kế theo, Hội nghị đã cùng lắng nghe những ý kiến đóng góp và phản hồi, những đề xuất cần bổ sung cho văn kiện “Hướng dẫn mục vụ Di dân” đối với đời sống đức tin cho người tín hữu Việt Nam đang ở ngoài nước, những nhu cầu đức tin của người nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng không quên bàn đến nhu cầu “Mục vụ cho người di dân Việt Nam nội địa”, trong đó hướng tới mục vụ cho người di dân trẻ với những vấn đề được đặt ra như làm thế nào để người trẻ được đào tạo một đức tin thực sự trưởng thành tại giáo xứ để khi rời xa gia đình, giáo xứ để đi mưu sinh, du học, hoặc kết hôn ở xa có thể trở thành những Kitô hữu sống đức tin vững vàng, sống tốt và sống sạch giữa những cạm bẫy của vật chất và đòi hỏi dễ dãi của cuộc sống hiện nay. 

Khi bàn thảo những vấn đề trên, Đức cha Giuse cũng nhắc lại và nhấn mạnh, chương trình mục vụ di dân cần thực tế và cụ thể, xây đắp trên 4 động từ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã gợi ý: “Tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập”. 

Chiều ngày 28.8, tại nhà thờ Dương Đông, các tham dự viên sẽ cùng hiệp dâng thánh lễ mừng kính thánh Augustinô, cầu cho việc loan báo Tin Mừng, dưới sự chủ tế của Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục giáo phận Long Xuyên. 

Buổi làm việc cuối cùng vào sáng thứ Năm 29.8, Hội nghị sẽ đúc kết biểu quyết văn kiện và Thư gửi anh chị em di dân. 

Thánh lễ bế mạc cầu cho người di dân do Đức cha Giuse chủ tế sẽ kết thúc Hội nghị trong tinh thần hiệp thông và chia sẻ. 

Liên Giang

Cuộc đời ngắn ngủi nhưng thánh thiện của Nicola Perin

Croce cielo sole

Trong số các người trẻ được kể tên trong danh sách các vị thánh “ở nhà cạnh”, có Nicola Perin, một nhà thể thao, một học sinh xuất sắc và tấm gương sống của cậu là nguồn cảm hứng làm việc thiện cho người dân Ý và họ cũng cầu xin sự khẩn cầu của Nicola trước tòa Chúa.

Nicola Perin sinh ngày 2 tháng 2 năm 1988. Cậu bé rất cuốn hút người khác và năng động. Cậu bắt đầu chơi bóng chày từ năm 6 tuổi. Bóng chày không phải là môn thể thao duy nhất Nicola yêu thích; cậu còn thích câu cá và các hoạt động ngoài trời. Đam mê hoạt động nhưng đồng thời Nicola cũng dành năng lựơng của mình cho việc học hành ở trường, nơi cậu vừa là một học sinh giỏi vừa là người bạn tốt, được thầy cô quý mến, bạn bè kính trọng. Nicola sẵn sàng giúp đỡ người khác và hòa đồng với các trẻ em thuộc mọi lứa tuổi.

Khi Nicola bắt đầu vào trung học, một tương lai đang tươi sáng dường như đang chờ đợi cậu bé. Tuy thế, Nicola cho bố mẹ biết là cậu bị mệt và có những triệu chứng khác. Cha mẹ của Nicola đưa cậu bé đến bệnh viện để làm các xét nghiệm. Năm 2013, khi Nicola được 15 tuổi, bác sĩ chẩn đoán cậu bị ung thư máu.

Đức tin và lòng can đảm khi đối diện với đau khổ

Nicola đã đón nhận kết quả với sức mạnh tinh thần kỳ lạ. Không lâu sau, cậu được cha Gianluigi Pasquale hướng dẫn tinh thần; cha là cha giải tội và linh hướng cho Nicola. Nicola có lòng sùng kính đặc biệt với cha Pio và Mẹ Maria. Lời cầu nguyện yêu thích của Nicola là Kinh Lạy Cha.

Nicola kiên nhẫn và khiêm tốn trong tất cả các xét nghiệm. Mẹ của Nicola kể: “Con trai tôi luôn mỉm cười. Cậu bé là người nâng đỡ chúng tôi và các bác sĩ, nó đã chịu đau khổ cách bình tĩnh và an hòa, không bao giờ phàn nàn, và thường khuyến khích và chơi với những bệnh nhân trẻ tuổi hơn.

Điều này không có nghĩa đau khổ dễ dàng đối với Nicola. Trong một số bút tích để lại, Nicola cầu xin Đức Mẹ và Chúa tha thứ cho cậu vì không cố gắng cầu nguỵên, vì không có sức mạnh để làm điều đó. Nhưng Nicola tỏ ra một đức tin mạnh mẽ và tương quan bền chặt với Chúa.

Trong bệnh tật, vẫn nghĩ đến người khác

Trong nhật ký của mình, Nicola viết rằng bệnh tật đã giúp cậu quý trọng những ngày sống của mình như thế nào. Nicola viết: “Tôi luôn tưởng tượng rằng tôi sẽ già đi, rằng một ngày tôi sẽ có những vết nhăn và tóc tôi sẽ bạc trắng. Tôi đã mơ đến việc xây dựng một gia đình. Đó là cuộc sống. Yếu đuối, quý giá và không thể đoán trước được. Mỗi ngày qua đi không phải là quyền của chúng ta nhưng là quà tặng chúng ta nhận được. Tôi yêu quý cuộc sống của tôi, tôi hạnh phúc và tôi nợ những người thân yêu của tôi. Tôi không biết tôi sẽ sống bao lâu, vì vậy tôi không muốn lãng phí thời gian để buồn sầu.”

Nicola quan tâm đến người khác, cậu xin lỗi cha mẹ của mình vì làm học phải đau khổ vì cậu, và chơi với các trẻ em nhỏ hơn trong khoa ung thư để khích lệ tinh thần các em. Khi Nicola được cho một chiếc máy tính bảng và nhận ra rằng mình không dùng nó, cậu nói rằng chúng ta có thể bán nó và giúp cho các trẻ em và các gia đình khác.”

Mặc dù phải chịu các trị liệu có thể, bao gồm hai cuộc ghép tủy của cha và mẹ, tình trạng sức khỏe của Nicola không khá hơn. Nicola hoàn toàn ý thức về bịnh tình khó chữa trị của mình nhưng cậu không mất hy vọng. Nicola tiếp tục học trung học trong bệnh viện, tham dự các lớp học qua chương trình Skype. Sau cuộc ghép tủy lần đầu, Nicola còn nhận được một học bổng.

Dấu Thánh giá: cử chỉ cuối cùng của Nicola

Cuối cùng, Nicola trở nên quá yếu, không thể thực hiện được hoạt động nào. Hai ngày trước khi qua đời, Nicola xin cha của cậu giúp cậu làm dấu thánh giá: cử chỉ cuối cùng cậu có thể làm được. Nicola qua đời ngày 24 tháng 12 năm 2015, ở tuổi 17. Mẹ của Nicola nói: “Con tôi dâng lên Chúa đau khổ của mình và đón nhận nó cho đến phút cuối”.

Lời cầu nguyện

Cuối cuốn sách về tiểu sử của Nicola, có một lời cầu nguyện được ĐHY Angelo Comastri ký tên. Lời nguyện như sau:

“Nicola yêu quý, cuộc đời của con ngắn ngủi nhưng mãnh liệt. Con đã để lại một con đường tốt đẹp, một tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, sự quảng đại không từ chối một ai, một niềm tin vượt trên đau khổ và luôn mỉm cười với mọi người.

Chúng tôi nhớ đến con như một người chiến thắng! Con đã chơi cách tuyệt vời trò chơi của cuộc sống, và con đã thắng. Từ Thiên đàng, xin cầu nguyện cho chúng tôi, để chúng tôi không lãng phí cuộc sống của mình, khi đốt cháy nó bằng sự ích kỷ và hay thay đổi, nhưng để chúng tôi có thể dành cả cuộc đời để gieo rắc sự tốt lành.

Chúa Giêsu là ánh sáng của cuộc đời con, là sức mạnh của con trong cuộc chiến, là nguồn an ủi trong đau khổ của con: xin Ngài bây giờ là người Bạn đích thực dạy chúng tôi con đường của hạnh phúc đích thực”.

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019

CHÚC MỪNG LỄ THÁNH MONICA - Bổn mạng Hội Các bà mẹ Công giáo tại Giáo xứ CẦU LỚN


THÁNH MONICA, MỘT BÀ MẸ THÁNH KIÊN TRÌ VÀ CAN ĐẢM
Kính ngày 27-8, Bổn Mạng Các Bà Mẹ

Thánh nữ Monica chào đời năm 332 tại vùng Sucara, nước Phi Châu trong một gia đình đạo hạnh và luôn biết kính sợ Chúa. Nhờ vậy, Monica sớm trở thành cô bé đạo đức, thánh thiện và luôn kính Chúa yêu người. Với tâm hồn đơn sơ, kèm theo đức bác ái tuyệt vời, ngay từ nhỏ Monica đã biết dành một phần cơm mỗi bữa để giúp đỡ người nghèo, đồng thời những khi nhàn rỗi, Monica luôn tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện và trò chuyện thân mật với Chúa.

Với đức vâng lời và lòng yêu thương cha mẹ, thánh nữ lúc lên 22 tuổi đã chấp nhận kết hôn với một chàng trai tên Patricius, con nhà giầu, quí phái nhưng tính tình lại ngang ngược, hung hăng, ngạo mạn, và tuổi lại gấp đôi thánh nữ. Tuy rất khổ tâm, nhưng thánh nữ vẫn vâng lời cha mẹ với ước nguyện sẽ cứu được một linh hồn trở về đàng ngay nẻo chính. Nhờ tâm hồn thánh thiện, lòng đạo đức sâu xa và nhờ lời cầu nguyện thánh nữ đã cải hoá được chồng của mình và sau đó sinh được 3 người con mà Augustinô là con đầu lòng. Sống trong một gia đình hoàn toàn ngoại giáo, nhưng thánh nữ Monica luôn tỏ ra mình là con của Chúa, sống nghe lời Chúa, tuân theo lời của Chúa và luôn giáo dục con cái biết kính Chúa, yêu người. Augustinô càng lớn càng trở nên người con hư hỏng, dù mẹ cha yêu thương hết mực. Augustinô có trí rất thông minh, nhưng càng thông minh, cậu càng ỉ lại đâm ra lười biếng và lơi là ăn chơi trác táng. Bị sửa phạt, Augustinô đâm ra lừa dối, lường gạt cha mẹ, thầy cô, đi vào con đường ăn chơi trác táng và trụy lạc. Càng đi học ở ra, sống giữa thành thị, Augustinô càng bị cuốn hút vào những trào lưu xấu và càng hư hỏng. Đau khổ hơn nữa cho thánh nữ Monica, con trai Augustinô của mình đi theo bè rối và chống lại đức tin. Rất khổ lòng nhưng thánh nữ Monica tin tưởng vào tình thương và sức mạnh của Chúa, bà tin tưởng kiên trì cầu nguyện, làm việc lành bác ái.

Lời cầu nguyện, tin tưởng, cậy trông phó thác nơi Chúa và những giọt nước mắt chân thành, tha thiết của bà đã được Chúa đoái thương nhậm lời. Augustinô sau những thất bại, cay đắng ê chề đã trở về với Chúa. Augustinô giờ đây có thể nói như thánh Phaolô: ”…lao mình về phía trước”. Ngài đã đẩy lùi tội lỗi, đẩy lui những xấu xa để làm lại cuộc đời mới, làm lại một tương lai tốt đẹp, trong sáng. Chúa có cách nhìn và con đường của Chúa. Vào chính đêm phục sinh năm 364, Augustinô đã được lãnh nhận bí tích rửa tội do thánh giám mục Ambrosiô cử hành. Hai mẹ con tràn đầy hạnh phúc: thánh nữ Monica sung sướng khôn lường, bà và Augustinô trở về Phi Châu trong cuộc hành trình dài ngày, nhưng ý Chúa nhiệm mầu, thánh nữ đã ra đi về với Chúa trong bình an vào năm 387. Thánh nhân được mai táng tại Otti. Đức Thánh Cha Martinô vào năm 1430 đã truyền đem xác thánh nữ về chôn cất tại nhà thờ thánh Augustinô ở Roma.

Cuộc đời của thánh nữ Monica là một cuộc đời đầy gian truân, đau khổ và thử thách. Tuy nhiên, thánh nữ đã kiên cường, can đảm sống tín thác nơi Chúa và luôn cậy trông, hy vọng vào tình thương vô biên của Chúa. Thánh nữ cảm nghiệm thực sâu xa lời của thánh Phaolô tông đồ: ”Tôi có thể làm được tất cả mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi“ hay ”Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giêsu, Chúa của tôi“ (Philip 3,8).

Thánh Monica đã ra đi về với Chúa, lòng toại nguyện vì người con yêu dấu đã quay trở về với Chúa. Bà an bình vì ”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta“ (Philip 3,20).

Thánh nhân là người mẹ gương mẫu, người mẹ đạo đức, thánh thiện và bây giờ nhiều nơi giới hiền mẫu đã chọn thánh Monica làm bổn mạng của giới mình.

Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Thánh nữ Monica, xin giúp các bà mẹ Công giáo luôn có tấm lòng quảng đại, kiên nhẫn và từ tâm để luôn mang lại nguồn yêu thương và bầu khí đạo đức thánh thiện trong gia đình của mình.

Yêu Chúa và tha nhân là đường hẹp vào Thiên đàng, nhưng được dành cho mọi người

1566730988903.JPG

ĐTC Phanxicô đã mời gọi các tín hữu hãy sống đức tin của mình, nghĩa là thể hiện qua hành động, yêu Chúa và tha nhân. Ngài cũng nhắc rằng đây là con đường hẹp, vì không phải là điều dễ dàng, nên đòi phải có sự dấn thân, cương quyết và kiên trì.


Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc Kinh Truyền Tin vào trưa Chúa nhật 25.08, tại quảng trường thánh Phêrô, dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa nhật XXI mùa Thường năm C, ĐTC Phanxicô đã mời gọi các tín hữu hãy sống đức tin của mình, nghĩa là thể hiện qua hành động, yêu Chúa và tha nhân, con đường hẹp để vào Thiên đàng. Ngài cũng nhắn nhủ các tín hữu rằng để được Chúa đón nhận vào “nhà” Chúa, Kitô hữu phải có sự hiệp thông thật sự với Chúaqua cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích và lắng nghe Lời Chúa. 

Bài huấn dụ

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng hôm nay (x. Lc 13,22-30) tường thuật việc Chúa Giêsu đi qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy, khi Ngài trên đường lên Giêrusalem, nơi Ngài biết rằng mình sẽ chịu chết trên thập giá để cứu độ tất cả chúng ta. Chính trong bối cảnh này, một người đã đặt một câu hỏi với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không ?” (câu 23). Câu hỏi này được tranh luận vào thời đó – bao nhiêu người được cứu độ và bao nhiêu người không được - và có những lối giải thích Kinh Thánh khác nhau về câu hỏi này, tùy theo các câu Kinh Thánh mà họ dựa vào.

Nhưng Chúa Giêsu đã đảo ngược câu hỏi – quan tâm nhiều đến số lượng: "có ít người? ..." – và thay vào đó, Người đưa ra câu trả lời trên bình diện trách nhiệm và mời chúng ta sử dụng tốt thời gian hiện tại. Chúa nói: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”. (câu 24).

Thiên đàng không có “chỉ tiêu giới hạn” nhưng đường vào thì hẹp

ĐTC giải thích: Qua những lời này, Chúa Giêsu giúp hiểu rằng vấn đề không phải là số người được vào Thiên đàng; trên Thiên đàng không có “chỉ tiêu cố định”! Nhưng Người muốn nói đến việc ngay từ bây giờ, đi qua lối đi ngay chính, là lối đi dành cho tất cả nhưng lại nhỏ hẹp. Đây mới là vấn đề. Chúa Giêsu không muốn làm cho chúng ta bị ảo tưởng bằng cách nói: “Anh em hãy an tâm, đường vào Thiên đàng dễ dàng, có con đường thẳng tắp và cuối đường có cánh cửa to lớn…”. Không! Chúa Giêsu nói với chúng ta về những điều thật, chúng thế nào Ngài nói thế đó: đường vào Thiên đàng thì chật hẹp.

Yêu mến Chúa và tha nhân là đường hẹp để vào Thiên đàng

Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là để được cứu độ cần yêu mến Chúa và tha nhân và điều này không dễ dàng thoải mái! Đó là một “cánh cửa hẹp” bởi vì nó đòi hỏi; tình yêu luôn đòi hỏi, yêu cầu dấn thân, ngay cả “nỗ lực”, nghĩa là một ý muốn cương quyết và kiên cường sống theo Tin Mừng. Thánh Phaolô gọi đó là “cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin”(1Tm 6,12). Điều này muốn nói đến một nỗ lực mỗi ngày để yêu Chúa và tha nhân.

Chúa không nhận ra chúng ta bởi tước hiệu nhưng qua đời sống đức tin

ĐTC nói tiếp: Và để giải thích rõ ràng hơn, Chúa Giêsu đã kể một dụ ngôn. Có một người chủ nhà, tượng trưng cho Chúa. Nhà của ông là biểu tượng của sự sống vĩnh cửu, là ơn cứu độ. Và ở đây chúng ta thấy lại hình ảnh của cánh cửa. Chúa Giêsu nói: “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: Ta không biết các anh từ đâu đến!’ (câu 25). Khi đó những người này sẽ tìm cách làm cho chủ nhà nhận ra mình bằng cách nói rằng họ đã ăn uống với ông và đã nghe những lời ông giảng dạy trên các đường phố (x. câu 26). Nhưng chủ sẽ đáp lại là không quen biết họ và gọi họ là những “quân làm điều bất chính”. Đây là vấn đề!

Chúa sẽ nhận ra chúng ta không phải bởi tước hiệu của chúng ta – “Chúa xem này, con thuộc hội đoàn này kia, con là bạn của Đức cha này, của ĐHY kia, của linh mục nọ…”. Không, các tước hiệu không quan trọng với Chúa; Ngài chỉ nhận ra chúng ta nhờ cuộc sống khiêm nhường tốt lành, một đời sống đức tin được thể hiện bằng hành động.

Hiệp thông thật sự với Chúa

ĐTC nhắc nhở các tín hữu: Đối với các Kitô hữu chúng ta, điều này có nghĩa là chúng ta được mời gọi kiến tạo một sự hiệp thông thật sự với Chúa Giêsu qua việc cầu nguyện, đến nhà thờ, tham dự các bí tích và nuôi dưỡng chính mình bằng Lời Ngài. Điều này gìn giữ chúng ta trong đức tin, nuôi dưỡng hy vọng của chúng ta và làm cho đức ái sống động. Và như thế, với ơn Chúa, chúng ta có thể và phải dành cuộc đời của mình để làm điều tốt cho anh chị em, đấu tranh chống lại mọi sự dữ và mọi hình thức bất công.

Mẹ Maria là “cửa Thiên đàng”

Cuối cùng, ĐTC xin Mẹ Maria giúp chúng ta sống điều này. Mẹ đã đi qua cửa hẹp là chính Chúa Giêsu. Mẹ đã đón nhận Chúa với trọn tâm hồn và đã theo Ngài mỗi ngày trong cuộc đời của Mẹ, ngay cả khi Mẹ không hiểu, ngay cả khi một lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn Mẹ. Vì vậy chúng ta khẩn cầu Mẹ như “cánh cửa Thiên đàng”; Mẹ Maria là cửa Thiên đàng, một cánh cửa theo đúng chính xác khuôn mẫu của Chúa Giêsu: cánh cửa trái tim của Thiên Chúa, đòi hỏi nhưng mở rộng cho tất cả.

Sau khi đọc Kinh Truyền Tin, ĐTC đã chào tất cả các tín hữu Roma cũng như các tín hữu hành hương.

Nhắn nhủ chủng sinh trường Bắc Mỹ

ĐTC chào cộng đoàn chủng viện Bắc Mỹ, đặc biệt là các chủng sinh mới đến. Ngài mời gọi họ dấn thân trong đời sống thiêng liêng và trung thành với Chúa Kitô, với Tin Mừng và giáo huấn của Giáo hội. Nếu không xây dựng trên những cột trụ này thì ơn gọi của họ không thể thật sự được xây đắp.

Cầu nguyện cho rừng Amazon đang bị cháy

ĐTC cũng nhắc đến những trận hỏa hoạn đang lan tràn tại miền Amazzonia bên Mỹ châu Latinh đang làm mọi người lo lắng. Ngài mời gọi các tín hữu cầu nguyện để với nỗ lực của mọi người, các trận hỏa hoạn sớm được dập tắt. ĐTC cũng nói: “Lá phổi rừng đó rất quan trọng đối với hành tinh của chúng ta.”

Kết quả Tổng điều tra dân số 2019



Trên trang chinhphu.vn và tongdieutradanso.vn, tác giả Huy Thắng có viết bài ‘Công bố kết quả Tổng điều tra dân số 2019’ cho biết: Hội nghị trực tuyến toàn quốc đã công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tổ chức ngày 11/7 tại Hà Nội, với những số liệu được trích một phần dưới đây:

Dân số Việt Nam 2019

Tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0g ngày 01/4/2019 là 96.208.984 người, trong đó dân số nam là 47.881.061 người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là 48.327.923 người (chiếm 50,2%). Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới, tụt 2 bậc so với cách đây 10 năm, và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines).

Mật độ dân số

Sau 10 năm, kể từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỉ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước (1,18%/năm).

Tỉ số giới tính là 99,1 nam/100 nữ, trong đó khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,5 nam/100 nữ. Tỉ số giới tính tăng liên tục trong những năm qua nhưng luôn thấp hơn 100 trên phạm vi toàn quốc.

Kết quả Tổng điều tra 2019 cũng cho thấy Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Năm 2019, mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng là 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2.


Các dân tộc

Toàn quốc có 82.085.729 người dân tộc Kinh, chiếm 85,3% và 14.123.255 người dân tộc khác, chiếm 14,7% tổng dân số của cả nước. Địa bàn sinh sống chủ yếu của nhóm dân tộc khác là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên. Tại vùng trung du và miền núi phía bắc, nhóm dân tộc khác chiếm 56,2%; con số này ở vùng Tây Nguyên là 37,7%; ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 10,3%; ở các vùng khác, tỉ lệ này chiếm không quá 8%.

Học vấn

Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số, toàn quốc có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học. Tỉ lệ này của nữ cao hơn so với nam, tương ứng là 92,5% và 90,8%. Trong vòng 20 năm qua, tỉ trọng dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện không đi học (chưa bao giờ đi học hoặc đã thôi học) giảm đáng kể, từ 20,9% năm 1999 xuống còn 16,4% năm 2009 và còn 8,3% năm 2019.

Hôn nhân & Gia đình

Trên phạm vi toàn quốc, tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 77,5%. Trong đó, dân số đang có vợ/chồng chiếm 69,2%; dân số có tình trạng “ly hôn” hoặc “ly thân” chiếm 2,1%; dân số góa vợ/chồng chiếm 6,2%. Tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa từng kết hôn ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn 6,7 điểm phần trăm, tương ứng là 26,8% và 20,1%. Nữ giới có xu hướng kết hôn sớm và phổ biến hơn nam: Tỉ lệ dân số nam từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn thấp hơn so với nữ, tương ứng là 73,4% và 81,5%.

Tính đến thời điểm 0g ngày 01/4/2019 cả nước có 26.870.079 hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với thời điểm 0g ngày 01/4/ 2009. Tỉ lệ tăng số hộ bình quân năm là 1,8%/năm trong giai đoạn 2009-2019, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với giai đoạn 1999-2009. Đây là giai đoạn có tỉ lệ tăng quy mô hộ thấp nhất trong vòng 40 năm qua.

Bình quân mỗi hộ dân cư có 3,5 người, thấp hơn 0,3 người/hộ so với năm 2009. Tại khu vực thành thị, trung bình mỗi hộ dân có 3,3 người/hộ, thấp hơn khu vực nông thôn 0,3 người/hộ. Vùng Trung du và miền núi phía bắc có số người bình quân một hộ cao nhất cả nước (3,8 người/hộ); vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có số người bình quân một hộ thấp nhất cả nước (3,3 người/hộ).

Trong tổng số 26,9 triệu hộ dân cư, vẫn còn 4.800 hộ không có nhà ở; trung bình cứ 10.000 hộ dân cư thì có khoảng 1,8 hộ không có nhà ở. Tình trạng hộ không có nhà ở đang dần được cải thiện trong hai thập kỷ qua, từ mức 6,7 hộ/10.000 hộ vào năm 1999 xuống còn 4,7 hộ/10.000 hộ năm 2009 và đến nay là 1,8 hộ/10.000 hộ.

Hầu hết hộ dân cư ở Việt Nam đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố (93,1%). Tỉ lệ này ở khu vực thành thị đạt 98,2%, cao hơn 7,9 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn (90,3%). Trong vòng 20 năm qua, kể từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, tỉ lệ hộ sống trong nhà ở kiên cố và bán kiên cố đã tăng mạnh từ 63,2% năm 1999, lên 84,2% năm 2009 và đạt 93,1% vào năm 2019.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 23,5 m2/người, cao hơn 6,8 m2/người so với 10 năm trước. Cư dân thành thị có diện tích nhà ở bình quân đầu người cao hơn cư dân nông thôn, tương ứng là 24,9 m2/người và 22,7 m2/người. Không có sự chênh lệch đáng kể về diện tích nhà ở bình quân đầu người giữa các vùng kinh tế-xã hội. 

Tổng điều tra dân số 2019

Ngày 26/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 772/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đây là cuộc Tổng điều tra dân số lần thứ 5 tại Việt Nam.

Mục đích của Tổng điều tra là nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Được thực hiện trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (viết gọn là Tổng điều tra năm 2019) là cuộc Tổng điều tra đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn, đặc biệt là công đoạn thu thập thông tin tại địa bàn với hình thức thu thập thông tin chủ yếu điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động, chiếm 99,9% các hộ dân cư.

Huy Thắng

Ðội banh ở một tu đoàn nữ

Thể thao là hoạt động giúp tình cảm chị em trong cộng đoàn thêm bền chặt

Chuyện đội bóng nữ ở Việt Nam hiện nay không phải hiếm, nhưng ở một dòng tu, lại là dòng nữ mà có một đội bóng thì đúng là chuyện… xưa nay chưa từng nghe. Vậy nhưng ở tu đoàn nữ Bác ái Xã hội (giáo phận Phan Thiết), từ hơn chục năm nay, chị em trong dòng vẫn thường xuyên dùng trái bóng tròn để giải trí, thi đấu và tăng tình liên đới cộng đoàn… Chưa hết, không chỉ chơi bóng, các chị còn say mê trong nhiều môn thể thao khác. Tất cả tạo nên nét độc đáo trong đời sống của những nữ tu nơi đây.

Hoạt động thú vị

Chiều về, bên trong khuôn viên tu đoàn phủ đầy bóng mát cây xanh lại hiện lên một bầu khí tươi vui : nhóm đi dạo, nhóm chơi bóng chuyền, cầu lông; cạnh đó, trong một góc sân, những “cô gái trẻ” gấp rút cột dây giày để chuẩn bị cho một trận cầu “đỉnh cao”. Một lúc sau, trận đấu kết thúc, khi mọi vật dụng được thu xếp lại gọn gàng, chị em về phòng để chuẩn bị cho giờ cơm chiều, sau đó thì chìm đắm trong bầu khí kinh nguyện, trả lại không gian vốn có thường thấy nơi cánh cửa tu viện.

Chuyện banh bóng ở tu đoàn nữ đã được nhen nhóm từ những ngày đầu mới thành lập. Số là lúc hình thành tu đoàn năm 2004, vì chưa có cơ sở riêng nên cả hai nhánh nam và nữ cùng hiện diện chung một nơi (năm 2009, khi tìm được địa điểm, tu đoàn nam mới tách riêng ra). Vì các thầy vốn rất “ghiền” chơi thể thao, nhất là bóng đá, chiều nào cũng xách bóng ra sân để thư giãn đầu óc nên lâu dần chị em cũng bị nhiễm luôn “thói mê đá banh”. Ngoài luyện tập sức khỏe, hằng năm, tu đoàn còn có những giải đấu hẳn hòi vào dịp mừng thánh quan thầy và Giáng Sinh. Kết thúc cũng trao giải và có quà. Dù phần thưởng chỉ mang tính tượng trưng nhưng chị em rất hào hứng mỗi khi tổ chức, lâu dần trở thành thông lệ không thể thiếu mỗi dịp lễ đến.

“Tiếng lành đồn xa” nên về sau, hoạt động này không chỉ gói gọn bên trong khuôn viên mà các giáo xứ tổ chức, tu đoàn cũng được mời tham gia. Chị Maria Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Tổng Phụ trách bật mí, có lẽ vì tập tành, thi đấu cùng nhau thường xuyên nên mỗi lần tham dự, tu đoàn đều có giải. Ðặc biệt khi trong xã, huyện có giải, nếu không vướng bận công việc hay vào dịp lễ quan trọng thì chị em đều nhận lời và hăng hái góp vui với bà con… Chúng tôi gọi đây là một cách làm chứng mà theo lời mời gọi của Ðức Thánh Cha Phanxicô là “Ði ra vùng ngoại biên”. Ngoại biên không chỉ là những nơi xa xôi hẻo lánh, mà ngay trong môi trường mình đang sống, ở đó chúng ta làm chứng bằng chính đời sống và những hoạt động tương giao với tha nhân.

Mỗi lần tổ chức giải, có rất đông khán giả đến theo dõi các sơ thi đấu

Gắn chặt tình chị em

Mỗi lần các nơi mời thi đấu, chị bề trên sẽ giao cho một số thành viên phụ trách việc chọn người và tập luyện. Còn giải hằng năm trong tu đoàn thường kéo dài một tháng và lúc nào cũng có đông người tham gia. Số người chơi đa phần là tu sĩ trẻ, có đủ sức để chạy theo quả bóng tròn, còn ngoài đường piste là các chị lớn tuổi; bên tu đoàn nam và nhiều giáo dân liền kề cũng đến cổ vũ. Trong sân, hai đội căng sức để giành chiến thắng với những pha bóng đẹp, phía ngoài, các cổ động viên xuýt xoa, reo hò khi có bàn thắng được ghi... “Ðá banh thì trầy xước, chấn thương rất hay xảy ra, nhưng trên sân chơi luôn đầy ắp tiếng cười. Tham gia hoạt động này giúp ích rất nhiều vào đời sống của chị em, giúp giảm bớt đi căng thẳng, mỏi mệt trong chuyện học hành; không những vậy, còn tăng thêm tinh thần đoàn kết vì trên sân là mọi nỗi âu lo, thậm chí buồn bực đều được giải tỏa”, nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Thương hào hứng giải thích.

Với sơ Nga, người chịu trách nhiệm chung thì chuyện banh bóng còn mang một chiều sâu, là hình thức giúp quản lý cộng đoàn. “Trên sân, những pha bóng hay, phối hợp hài hòa cũng sẽ rèn luyện cho bản thân tinh thần hy sinh. Hơn nữa, khi thi đấu, tính cách từng thành viên đều được thể hiện rất rõ, từ đó giúp những người trách nhiệm có hướng tiếp cận phù hợp với từng chị em”, sơ nói. Cũng không thể không nhắc đến tâm tình của những người không Công giáo khi qua thể thao, họ có cái nhìn thiện cảm hơn về đạo. Ở đó, người linh mục, tu sĩ không chỉ sống trong không gian kín cổng cao tường của tu viện, nhà thờ…, mà họ còn hòa chung vào giữa dòng đời bằng nhiều phương thế, trong đó giao lưu thể dục thể thao là một hình thức sinh động, gần gũi.

Nhà thuốc Đông y của tu đoàn Bác ái Xã hội

Dạo gần đây, người hâm mộ Việt Nam đang sống trong khoảng thời gian “như mơ” với nhiều cung bậc cảm xúc mà bóng đá mang lại. Và không nằm ngoài dòng chảy đó, những trận cầu cả nước mong ngóng nếu không trùng lặp với giờ giấc sinh hoạt chuyện đạo đức kinh nguyện… thì chị em cũng tập trung lại theo dõi. Vừa thư giãn, vừa có thêm không gian để tăng tình thân thiết. Bên trong khuôn viên còn có sân bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông… để những ai không “ham” đá bóng thì có thể chọn hình thức khác để giải trí, nâng cao sức khỏe. Cứ vậy, những tháng ngày của chị em tu đoàn Bác ái Xã hội không chỉ lặng lẽ trôi qua trong thinh lặng của giờ cầu nguyện, trong lao động, làm việc phục vụ tha nhân…, mà còn tươi vui với những sinh hoạt chung, tất nhiên không thể thiếu thể dục thể thao.

Tu đoàn nữ Bác ái Xã hội do Ðức cố Giám mục giáo phận Phan Thiết Phaolô Nguyễn Thanh Hoan thành lập năm 2004, với ý tưởng làm sao để Tin Mừng được lan tỏa trong đời sống và có người tiếp nối các chương trình bác ái xã hội của ngài. Tu đoàn có hai nhánh là tu đoàn nam và tu đoàn nữ. Hiện nữ có trên 180 thành viên.

Tại giáo phận Phan Thiết, tu đoàn Bác ái Xã hội được biết đến như một địa chỉ thực thi lòng bác ái mạnh mẽ. Hoạt động nổi bật nhất tại tu đoàn nữ là các nhà thuốc Ðông y, chuyên khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo, với các cộng đoàn trải đều khắp giáo phận. Riêng tại nhà mẹ mỗi ngày có hàng chục lượt bệnh nhân đến châm cứu, bấm huyệt, thứ 3 hằng tuần thì khoảng 250 người. Ngoài ra còn có mái ấm nuôi dưỡng các cụ bà neo đơn, các em mồ côi, bị bỏ rơi, hoàn cảnh gia đình khó khăn…

ÐÌNH QUÝ