Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Thánh lễ Tấn phong Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Sàigòn

TOÀ TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
☎ (84.8) 3930 3828
E.mail : tgmsaigon@gmail.com
 Số : 231.4-160629-01
Kính gửi : Quý cha,
quý Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh
và toàn thể anh chị em giáo dân
trong đại gia đình Tổng Giáo phận Sàigòn-Tp. Hồ Chí Minh
Văn phòng Tòa Tổng Giám Mục trân trọng thông báo :
Thánh lễ Tấn phong Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Sàigòn-Tp. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra vào lúc 08g30, thứ Năm ngày 04.08.2016, tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn, số 6 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
Tòa Tổng giám mục xin chân thành cám ơn mọi thành phần Dân Chúa trong những ngày qua đã chúc mừng và cầu nguyện cho Đức Tân Giám mục Phụ tá.
Nhân dịp này, Tòa Tổng giám mục cũng không quên cám ơn Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bổ nhiệm Giám mục Phụ tá cho Tổng Giáo phận Sàigòn-Tp. Hồ Chí Minh.
Kính mời toàn thể quý cha giáo phận, đại diện các Dòng tu Nam nữ và đại diện anh chị em giáo dân tại các giáo xứ, các đoàn thể tông đồ và các giới đến hiệp dâng Thánh lễ để cầu nguyện cho Đức Tân Giám mục Phụ Tá trong hành trình sứ vụ mới.
Trân trọng kính mời.
 Tòa Tổng Giám mục ngày 29 tháng 06 năm 2016
(đã ký và đóng dấu)
Linh mục Inhaxiô Hồ Văn Xuân
Tổng Đại Diện

Tiểu Sử Ðức Tân Giám Mục
+ Giuse Đỗ Mạnh Hùng

15-09-1957: Sinh tại Gia Định, Sài gòn
1968-1976: Tu học tại Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse, Giáo phận Sàigòn
1976-1982: Tu học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse, Giáo phận Sàigòn
1982-1983: Lao động tại Nông Trường Lô 6, Củ Chi
1983-1990 : Công nhân Hợp Tác Xã Mây Tre Lá Bạch Đằng, Quận 1.
Theo học lớp tối Đại Học Tổng Hợp, Tp. HCM, khoa Ngoại ngữ;  tốt nghiệp Cử nhân Anh văn và Cử nhân Pháp văn.
30-08-1990: Thụ phong Linh mục tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn
1990-1993: Linh mục phụ tá giáo xứ Huyện Sỹ (Chợ Đũi), giáo phận Tp. Hồ Chí Minh, và là giáo sư Anh văn tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse, Tp. Hồ Chí Minh
1993-1998: Học tại Viện Đại Học Công Giáo Paris với Học vị Thạc sĩ Thần Học, chuyên ngành Đào Tạo linh mục.
1998-2011: Linh hướng và là giáo sư Thần học Linh đạo tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn
Từ 2005-nay: Tổng thư ký của Ủy Ban Giáo sĩ và Chủng sinh, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
2011- 2014: Phó giám đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn
Từ tháng 6/2014: Chưởng ấn Tòa Giám Mục Tổng giáo phận Tp. Hồ Chí Minh và là Thư ký của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc.
Files/Poster gửi kèm: 

Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20160630/35371

Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót - Đề tài 8



Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót
với việc Tân Phúc-Âm-hoá Đời sống xã hội
Đề tài 8. Tân Phúc âm hoá môi sinh văn hoá
Văn hoá phải là lãnh vực ưu tiên cho sự hiện diện và dấn thân của Hội Thánh và cá nhân các Kitô hữu. Công đồng Vatican II nhận thấy sự tách rời của đức tin Kitô giáo và đời sống hằng ngày là một trong những sai lạc trầm trọng nhất của thời đại chúng ta[1].[…] Cần phải ghi nhớ rằng “nhờ văn hoá, con người, với tư cách là người, sẽ trở thành người hơn, và một khi ‘là’ người hơn như thế, thì cũng làm cho sự hiện hữu có giá trị hơn”[2].
1. Các thách thức văn hoá
– Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Trong nền văn hoá đang thịnh hành, thế thượng phong được dành cho cái bề ngoài, cái trực tiếp, cái có thể thấy được, cái nhanh nhẩu, cái phù phiếm và tạm bợ. Cái thật nhường chỗ cho cái ảo” (Evangelii Gaudium, 62). Có thể thấy được sự góp phần rất lớn của các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại cho thực tế này. Có một nguy cơ là gốc rễ văn hoá truyền thống các nước đang bị xâm nhập thường xuyên bởi các lối suy nghĩ và hành động của các nền văn hoá khác “tiến bộ hơn” về mặt kinh tế nhưng yếu kém hơn về đạo đức. Các mẫu hành vi mới đang xuất hiện như là kết quả của việc chịu ảnh hưởng quá nhiều vào các phương tiện truyền thông xã hội. Hậu quả là các khía cạnh tiêu cực của các công nghệ truyền thông và giải trí đang đe dọa các giá trị truyền thống, đặc biệt đe dọa sự thánh thiêng của hôn nhân và sự bền vững của gia đình (x. Ibid., 6).
– Ngày nay nở rộ các phong trào tôn giáo, một số có khuynh hướng cực đoan trong khi một số khác đề nghị một linh đạo không có Thiên Chúa. Trong hoàn cảnh văn hoá đậm nét cá nhân chủ nghĩa, các trào lưu tôn giáo này có thể phần nào lấp đầy khoảng trống do chủ nghĩa duy lý thế tục để lại. Phải nhìn nhận rằng, sở dĩ một số Kitô hữu chạy theo các trào lưu đó là vì một đàng do thiếu ý thức thuộc về Hội Thánh, đàng khác do tại các giáo xứ và cộng đoàn của chúng ta thiếu cơ cấu và bầu khí thân thiện, do tính quan liêu trong xử sự các vấn đề trong đời sống các tín hữu, do phương thức quản trị lấn át phương thức mục vụ, do tập trung vào việc ban các bí tích tách rời với các hình thức truyền giáo khác (x.Ibid., 63).
– Tiến trình tục hoá giản lược đức tin và Hội Thánh vào phạm vi cá nhân riêng tư. Não trạng thế tục hoá, phủ nhận Đấng siêu việt, làm cho đạo đức ngày càng xuống cấp, ý thức về tội lỗi của cá nhân và tập thể suy yếu dần, và chủ nghĩa duy tương đối ngày càng lan rộng. Tình trạng này làm con người mất phương hướng, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên vốn dễ bị tổn thương trước những thay đổi (x. Ibid., 64)
2. Chiều kích đạo đức của nền văn hoá là thiết yếu
Niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng diễn tả chính mình như “là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), thúc bách các Kitô hữu ngày nay dấn thân cách kiên quyết và mới mẻ để xây dựng một nền văn hoá chính trị xã hội được gợi hứng từ Tin Mừng. “Sự toàn hảo của con người và phúc lợi của toàn xã hội là những cứu cánh thiết yếu của văn hoá: vì thế chiều kích đạo đức của văn hoá là một ưu tiên của người tín hữu trong hoạt động xã hội chính trị. Không chú ý đến chiều kích này sẽ dễ dàng biến văn hoá thành một công cụ làm nghèo nàn nhân loại”[3].
3. “Sinh thái toàn diện” phản ánh nền “văn minh của Tình Thương”
Đức giáo hoàng Phanxicô kêu gọi chú tâm đến “nền sinh thái văn hoá” nhằm bảo vệ các kho tàng văn hoá của nhân loại. “Văn hoá là cái gì còn hơn cả những gì chúng ta đã thừa hưởng từ quá khứ; nó cũng là, và trên hết là một thực tại sống động, năng động và hiện hữu thông dự, là điều không thể bị loại trừ khi chúng ta nghĩ lại về mối quan hệ giữa con người và môi trường”[4].
Sự suy thoái đạo đức và văn hoá đi kèm theo với sự làm hỏng môi sinh buộc chúng ta tự chất vấn những câu hỏi cơ bản về cuộc sống: “Đâu là mục đích của cuộc sống chúng ta trên thế giới này? Tại sao chúng ta ở đây? Đâu là mục đích của việc chúng ta đang làm và tất cả những nỗ lực của chúng ta nhằm tới cái gì? Trái đất cần gì từ chúng ta?
Đức giáo hoàng kêu gọi theo đuổi một nền sinh thái toàn diện biết xem xét các vấn đề trong thế liên kết hỗ tương về mọi phương diện: môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, và đạo đức. Một nền sinh thái như thế đòi hỏi tầm nhìn nghĩ đến các giải pháp toàn diện cho cả khủng hoảng về môi sinh và nhân văn.
Để làm cho xã hội nhân bản hơn, xứng đáng hơn với con người, phải đem một giá trị mới cho tình yêu vào trong đời sống xã hội – bao gồm chính trị, kinh tế và văn hoá – bằng cách làm cho tình yêu đó trở thành một chuẩn mực vững bền và cao nhất cho mọi hoạt động. Chỉ có tình yêu bao gồm lòng nhân từ gọi là “lòng thương xót”, mới có thể hoàn toàn biến đổi con người. “Bác ái là điều răn mang tính xã hội cao cả nhất. Bác ái tôn trọng người khác và các quyền lợi của họ. Bác ái đòi buộc thực thi công lý và chỉ có bác ái mới làm cho ta có khả năng đạt tới điều đó. Bác ái gợi hứng cho ta một cuộc sống tự hiến: ‘Ai tìm cách giữ mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai liều mất mạng sống mình sẽ bảo tồn được mạng sống ấy’ (Lc 17,33)”[5]. Chỉ khi nào “nền văn minh tình yêu” ngự trị thì nhân loại mới có thể hưởng một nền hoà bình chân chính và vững bền”[6].
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
1. Đâu là những thách thức về văn hoá đáng chú ý nhất tại thành phố, vùng miền của anh chị?
2. Những bạn trẻ Kitô hữu của giáo xứ, giáo phận của anh chị chịu ảnh hưởng bởi văn hoá du nhập có ý thức và phản ứng như thế nào trước những làn sóng thế tục đang xâm thực đức tin từng giờ từng ngày?
3. Theo anh chị người Kitô hữu cần làm gì để làm cho tình yêu mang một giá trị mới trong đời sống văn hoá xã hội hôm nay?
–––––––––––––––––––––––––––––––––––
[1] x. Gaudium et spes, 43.
[2] Gioan Phaolô II, Gửi cho UNESCO (23.06.1980), 7 : L’Osservatore Romano, bản dịch Anh Ngữ (23.06.1980), tr.9. x. HĐTT về Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, 554.
[3] X. HĐTT về Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, 556.
[4] Phanxicô, Laudato Si’, 143.
[5] GLHTCG, 1889.
[6] x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 10. Id., Dives in Misericordia, 14; GLHTCG, 2212.

Văn phòng HĐGMVN
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/goi-y-muc-vu-trong-nam-thanh-long-thuong-xot-de-tai-8/8017.63.8.aspx

Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 kỷ niệm 65 năm Linh Mục


VATICAN. Trưa ngày 28-6-2016, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã mừng kỷ niệm 65 năm Linh Mục.

Ngài thụ phong ngày 29-6 năm 1951 tại Nhà thờ Chính Tòa Freising của Tổng giáo phận Munich-Freising, cùng với anh ruột Georg và 42 bạn đồng môn.

Hiện diện tại sảnh đường Clementina trong dinh Tông Tòa, đặc biệt có ĐTC Phanxicô, đông đảo các vị Hồng Y và thủ lãnh các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Lên tiếng sau bài ca chúc mừng của Ca đoàn Sistina, ĐTC Phanxicô nhắc đến một nét nổi bật trong ơn gọi LM của Đức nguyên Giáo Hoàng là câu hỏi của Chúa Giêsu ”Hỡi Simon, con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15-19). ”Đây là nét trổi vượt trong toàn đời sống phục vụ như LM và thần học gia mà Ngài (Đức nguyên Giáo Hoàng) không ngại định nghĩa là ”sự tìm kiếm Đấng được yêu mến”: đó là điều Ngài vẫn luôn đã và đang làm chứng ngày nay: điều quyết định trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, chính là Chúa thực sự hiện diện, Đấng mà chúng ta mong ước và gần gũi Người trong nội tâm, Đấng mà chúng ta yêu mến và thực sự tin tưởng, tin rằng Chúa thực sự yêu thương chúng ta”.. Chính khi sống và làm chứng một cách khẩn trương và sáng ngời điều duy nhất thực sự quan trọng như thế mà Ngài vẫn tiếp tục phục vụ Giáo Hội, không ngừng góp phần mạnh mẽ vào sự tăng trưởng của Giáo Hội và Ngài thi hành điều đó trong Đan viện bé nhỏ Mẹ Giáo Hội ở Vatican...”.

ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, cũng chúc mừng Đức nguyên Giáo Hoàng và trao cho ngài cuốn đầu tiên trong bộ sách tuyển tập tựa đề ”Dạy và học Tình Yêu Thiên Chúa”. ĐHY nói: Xét cho cùng, qua tựa đề đó có nói lên tất cả: chúng ta được kêu gọi dạy điều mà chúng ta đã học được nơi Tình Yêu Thiên Chúa.

ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y đoàn, đã ngỏ lời chúc mừng Đức Biển Đức 16 và nhắc lại bài giảng thánh lễ của Người hồi tháng 9 năm 2006 tại Nhà thờ chính tòa Freising, nơi Người thụ phong. Trong bài giảng ấy, ĐGH Biển Đức 16 kể lại rằng: ”Khi tôi nằm phủ phục trên mặt đất như được kinh cầu các thánh bao phủ, tôi ý thức rằng trên con đường này chúng tôi không lẻ loi, nhưng có hàng ngũ đông đảo các thánh đồng hành với chúng tôi và các thánh vẫn còn sống, nghĩa là các tín hữu hôm nay và ngày mai, họ đang nâng đỡ và đồng hành với chúng tôi. Rồi đến nghi thức đặt tay và khi ĐHY Faulhaber nói với chúng tôi: ”Từ nay Thầy không gọi các con là tôi tớ, nhưng là bạn hữu”, lúc ấy tôi cảm nghiệm thấy rằng việc truyền chức linh mục giống như một sự khai tâm trong cộng đoàn các bạn hữu của Chúa Giêsu, họ được kêu gọi ở với Chúa và loan báo sứ điệp của Ngài”.

ĐHY Sodano cũng nhắc đến sự mô tả của Đức nguyên Giáo Hoàng về bản chất sứ điệp mà các linh mục được kêu gọi loan báo trên thế giới, nghĩa là các LM phải mang đến cho con người ngày nay ”Ánh sáng của Thiên Chúa và Tình Yêu của Thiên Chúa”.

ĐHY cũng nhận xét rằng khi đọc lại những lời của Đức Nguyên Giáo HOàng ngày nay, chúng ta thấy như một sự đi trước Giáo huấn của ĐGH Phanxicô, Người luôn mời gọi chúng ta hãy đi gặp những người đau khổ nhất, mang lại cho họ tình yêu thương huynh đệ của chúng ta. Đó cũng là đại sứ điệp của Năm Thánh Lòng Thương Xót chúng ta đang cử hành.

ĐHY niên trưởng Hồng Y đoàn cũng xin Đức Nguyên Giáo Hoàng ”đang ở trên núi” chuyên chăm sứ mạng cầu nguyện và suy niệm, tiếp tục cầu nguyện cho Giáo Hội và các tín hữu.

Buổi lễ mừng kết thúc với lời cám ơn chân thành của Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đối với ĐTC Phanxicô vì lòng nhân từ ngay từ đầu đối với Ngài và cám ơn ĐHY Sodano và Mueller cũng như tất cả các Hồng Y và mọi người khác.

Sau bản nhạc của Ca đoàn Sistina, các Hồng Y còn ở lại bắt tay và chúc mừng Đức đương kim Giáo Hoàng và vị Tiền Nhiệm (SD 28-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2016/06/28/%C4%91%E1%BB%A9c_nguy%C3%AAn_gi%C3%A1o_ho%C3%A0ng_bi%E1%BB%83n_%C4%91%E1%BB%A9c_16_k%E1%BB%B7_ni%E1%BB%87m_65_n%C4%83m_linh_m%E1%BB%A5c/1240627

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

CHÚC MỪNG LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ - Bổn mạng Linh mục Chánh xứ và Hội đồng Mục vụ Giáo xứ CẦU LỚN


Kết quả hình ảnh cho lễ thánh phêrô và phaolô tông đồ?

KÍNH MỪNG LỄ BỔN MẠNG
CHA PHAOLÔ NGUYỄN PHONG PHÚ
CHÁNH XỨ CẦU LỚN
HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2016


SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2016 

Hội Thánh Truyền giáo,
Chứng nhân của Lòng Thương xót

Anh Chị Em thân mến,

Năm Thánh Lòng Thương Xót mà Hội Thánh đang cử hành chiếu rọi vào Ngày Chúa nhật Thế giới Truyền giáo một ánh sáng chói ngời: nó mời gọi chúng ta nhìn việc truyền giáo cho muôn dân (missio ad gentes) như là một công trình bao la, vĩ đại của lòng thương xót, cả thiêng liêng và vật chất. Trong ngày Chúa nhật Thế giới Truyền giáo này, tất cả chúng ta được mời gọi “đi ra” như những môn đệ truyền giáo, mỗi người quảng đại cống hiến tài năng, tính sáng tạo, sự khôn ngoan và kinh nghiệm của mình để đem sứ điệp tình thương dịu hiền của Thiên Chúa đến cho toàn thể gia đình nhân loại. Do mệnh lệnh truyền giáo, Hội Thánh chăm lo cho tất cả những người không biết đến Tin Mừng, vì Hội Thánh muốn mọi người được cứu rỗi và trải nghiệm tình thương của Chúa. Hội Thánh được sai đi loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, trái tim đang đập của Tin Mừng” (Misericordiae Vultus, 12) và công bố lòng thương xót tại mọi góc cùng của thế giới, đến với hết mọi người, người già cũng như người trẻ.

Khi lòng thương xót gặp được một người, nó đem lại niềm vui sâu xa cho lòng Chúa Cha; vì từ ban đầu Cha đã yêu thương hướng về những người dễ bị tổn thương nhất, vì sự cao cả và quyền năng của Người được mặc khải chủ yếu nơi khả năng Người tự đồng hoá mình với những người trẻ, những người bị gạt ra bên lề, và những người bị áp bức (x. Đnl4,31; Tv 86,15; 103,8; 111,4). Người là vị Thiên Chúa hiền từ, quan tâm chăm sóc và trung thành, Đấng gần gũi những ai gặp khốn khó, nhất là những người nghèo; Người dịu dàng đi vào thực tại của loài người giống như người cha người mẹ đi vào đời sống của con cái họ (x. Gr 31,20). Khi nói đến lòng dạ, Kinh Thánh sử dụng từ ngữ có nghĩa là lòng thương xót: vì vậy nó chỉ về tình thương cùa người mẹ đối với những đứa con của mình, những đứa con mà bà sẽ luôn luôn yêu thương, trong mọi hoàn cảnh và bất chấp điều gì xảy ra, vì con cái là hoa trái từ lòng dạ của bà. Đây cũng là một khía cạnh cốt yếu của tình yêu Thiên Chúa đối với các con cái của Người, những đứa con Người đã dựng nên và muốn nuôi nấng dạy dỗ; đứng trước những sự yếu đuối và bất trung của họ, trái tim Người vẫn tràn trề sự cảm thương (x. Hs 11,8). Người tỏ lòng thương xót đối với mọi người; tình thương của Người dành cho hết mọi người và lòng nhân hậu của Người mở ra cho mọi loài thụ tạo (x. Tv 144,8-9).

Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ một cách cao cả và trọn vẹn nhất nơi Ngôi Lời Nhập Thể. Đức Giêsu mặc khải khuôn mặt của Cha, Đấng giàu lòng thương xót; Người “dùng các kiểu so sánh và các dụ ngôn để nói và cắt nghĩa về lòng thương xót, nhưng trên hết chính Người làm cho lòng thương xót trở thành nhập thể và nhân cách hoá” (Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia, 2). Khi chúng ta tiếp đón và đi theo Đức Giêsu bằng Tin Mừng và các bí tích, với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể trở thành những con người có lòng thương xót như Cha trên trời là Đấng xót thương; chúng ta có thể học biết yêu thương như Người yêu thương chúng ta và biến cuộc đời chúng ta trở thành một món quà cho không, một dấu chỉ lòng nhân ái của Người (x. Misericordiae Vultus, 3). Giữa lòng nhân loại, Hội Thánh trước hết là cộng đoàn sống bằng lòng thương xót của Chúa Kitô; Hội Thánh thấy được cái nhìn của Người và cảm nhận rằng mình đã được Người chọn vì tình yêu nhân từ của Người. Chính qua tình yêu này mà Hội Thánh khám phá lệnh truyền yêu thương, sống tình yêu thương và làm cho mọi người biết đến tình yêu thương này qua một cuộc đối thoại trân trọng với mỗi nền văn hoá và mỗi niềm tin tôn giáo.

Giống như trong những ngày đầu của Hội Thánh, tình yêu nhân từ này được làm chứng bởi nhiều người nam cũng như nữ, thuộc mọi lứa tuổi và mọi thân phận. Sự hiện diện đáng kể và ngày càng tăng của nữ giới trong thế giới truyền giáo, hoạt động bên cạnh những người nam, là một dấu chỉ có ý nghĩa về tình mẫu tử của Thiên Chúa. Các phụ nữ, trong bậc sống giáo dân cũng như tu sĩ, và ngày nay thậm chí nhiều gia đình, đang thể hiện ơn gọi truyền giáo của họ dưới nhiều hình thức khác nhau: từ loan báo Tin Mừng tới phục vụ bác ái. Cùng với hoạt động rao giảng Tin Mừng và phục vụ bí tích của các nhà truyền giáo, các phụ nữ và các gia đình thường hiểu rõ hơn các vấn đề của dân chúng và biết cách cư xử với họ một cách thích hợp, đôi khi rất sáng tạo: trong việc chăm sóc đời sống, tập trung vào con người hơn là cơ cấu, và dành các nguồn lực nhân bản và thiêng liêng cho việc kiến tạo các mối quan hệ tốt, sự hoà hợp, hoà bình, tình liên đới, đối thoại, sự hợp tác và tình huynh đệ, cả giữa các cá nhân với nhau và trong đời sống xã hội và văn hoá, đặc biệt qua việc chăm sóc người nghèo.

Tại nhiều nơi, việc rao giảng Tin Mừng bắt đầu bằng việc giáo dục, được hoạt động truyền giáo dành cho rất nhiều thời gian và công sức, giống như người trồng nho nhân từ của Tin Mừng (x. Lc 13,7-9; Ga 15,1), kiên nhẫn chờ đợi cây nho sinh hoa kết quả sau nhiều năm tăng trưởng chậm chạp; bằng cách này họ làm phát sinh một dân mới có khả năng rao truyền Tin Mừng, họ sẽ đem Tin Mừng đến những nơi mà người ta nghĩ là Tin Mừng không thể được biết đến bằng cách nào khác. Hội Thánh cũng có thể được định nghĩa như là “người mẹ” cho những ai một ngày kia sẽ có niềm tin vào Đức Kitô. Vì vậy tôi mong rằng dân thánh của Thiên Chúa sẽ tiếp tục thi hành việc phục vụ hiền mẫu này về lòng thương xót, nó giúp cho những ai chưa biết Chúa có thể gặp được Người và yêu mến Người. Đức tin là quà tặng của Thiên Chúa chứ không phải kết quả của việc cải đạo; trái lại, đức tin lớn lên nhờ đức tin và đức ái của những người rao giảng Tin Mừng làm chứng cho Đức Kitô. Khi đi qua các con đường của thế giới, các môn đệ của Chúa Giêsu phải có một tình yêu vô biên, cùng một mức độ yêu thương như Chúa đã yêu thương mọi người. Chúng ta công bố những hồng ân đẹp nhất và lớn lao nhất mà Người đã ban cho chúng ta: sự sống và tình yêu của Người. 

Mọi dân tộc và mọi nền văn hoá đều có quyền đón nhận sứ điệp cứu độ là món quà của Thiên Chúa cho mọi người. Điều này lại càng cần thiết khi chúng ta nghĩ đến biết bao cảnh bất công, chiến tranh và khủng hoảng nhân đạo vẫn còn đang cần được giải quyết. Từ kinh nghiệm, các nhà truyền giáo biết rằng Tin Mừng của sự tha thứ và lòng thương xót có thể đem lại niềm vui và sự hoà giải, công lý và hoà bình. Lệnh truyền của Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20), lệnh truyền nàychưa dừng lại; đúng hơn, nó thúc đẩy tất cả chúng ta, trong bối cảnh của thế giới đầy thách thức ngày nay, phải lắng nghe tiếng gọi canh tân “động lực” truyền giáo, như tôi đã lưu ý trong Tông huấn Evangelii Gaudium: “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra khỏi vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng” (số 20).

Năm Thánh này đánh dấu kỷ niệm 90 năm Ngày Thế giới Truyền giáo, lần đầu tiên được phê chuẩn bởi Đức giáo hoàng Piô XI năm 1926 và được tổ chức bởi Hội Giáo hoàng Truyền Bá Đức Tin. Vì vậy đây là dịp thích hợp để nhớ lại những chỉ thị khôn ngoan của các vị tiền nhiệm của tôi, các ngài đã truyền rằng phải dành cho Hội này tất cả các khoản quyên góp tại mỗi giáo phận, giáo xứ, cộng đoàn dòng tu, hiệp hội và phong trào giáo hội trên khắp thế giới để chăm lo cho các cộng đoàn Kitô hữu đang túng thiếu và nâng đỡ việc rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Hôm nay cũng vậy, chúng ta tin tưởng vào dấu chỉ này của sự hiệp thông truyền giáo của Hội Thánh. Chúng ta đừng đóng kín lòng mình với các mối quan tâm riêng của mình, nhưng hãy mở lòng chúng ta ra cho toàn thể nhân loại.

Đức Maria rất thánh là biểu tượng siêu vời của nhân loại được cứu chuộc, và là mẫu gương truyền giáo cho Hội Thánh, xin Mẹ dạy cho mọi người nam và nữ cũng như các gia đình biết nuôi dưỡng và bảo vệ ở mọi nơi sự hiện diện sống động và mầu nhiệm của Chúa Phục Sinh, Đấng đổi mới các mối quan hệ giữa người với người, các nền văn hoá và các dân tộc, và là Đấng đổ tràn lòng thương xót và niềm vui trên mọi người.

Vatican, ngày 15 tháng 5 năm 2016, Đại lễ Hiện Xuống

PHANXICÔ 

(Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên chuyển ngữ)
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/su-diep-cua-duc-thanh-cha-phanxico-cho-ngay-the-gioi-truyen-giao-2016/8007.114.3.aspx

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Tân Giám mục phụ tá cho Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh



WHĐ (25.06.2016) – Hôm nay, thứ Bảy 25-06-2016, vào lúc 12g giờ Roma (tức 17g giờ Việt Nam), Phòng Báo chí Toà Thánh đã công bố thông tin về việc bổ nhiệm Tân giám mục phụ tá cho Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm linh mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng, cho đến nay là Chưởng ấn và Thư ký của Đức Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, làm Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, hiệu toà Liberalia”.

Tiểu sử Ðức Tân Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng


  
15-09-1957:
Sinh tại Gia Định, Sài Gòn
1968-1976:
Tu học tại Tiểu chủng viện Thánh Giuse, Tổng giáo phận Sài Gòn
1976-1982:
Tu học tại Đại chủng viện Thánh Giuse, Tổng giáo phận Sài Gòn
1982-1983:
Lao động tại Nông trường Lô 6, Củ Chi
1983-1990:
Công nhân Hợp tác xã Mây Tre Lá Bạch Đằng, Quận 1
Theo học lớp tối Đại học Tổng hợp Tp. HCM, khoa Ngoại ngữ;
tốt nghiệp Cử nhân Anh văn và Cử nhân Pháp văn
30-08-1990:
Thụ phong Linh mục tại Đại chủng viện Thánh Giuse
1990-1993:
Linh mục phụ tá giáo xứ Huyện Sỹ (Chợ Đũi), TGP Tp. HCM,
và là giáo sư Anh văn tại Đại chủng viện Thánh Giuse, Tp. HCM
1993-1998:
Học tại Viện Đại học Công giáo Paris với học vị Thạc sĩ Thần học,
chuyên ngành Đào tạo linh mục
1998-2011:
Linh hướng và là giáo sư Thần học Linh đạo
tại Đại chủng viện Thánh Giuse, Tp. HCM
Từ 2001 đến nay:
Phụ trách Hiệp hội linh mục Prado tại Việt Nam
Từ 2005 đến nay:
Tổng thư ký Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh,
trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
2011- 2014:
Phó giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse, Tp. HCM
Từ tháng 6/2014:
Chưởng ấn Tòa Giám mục Tổng giáo phận Tp. HCM
và là Thư ký của Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc

WHĐ
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/duc-thanh-cha-phanxico-bo-nhiem-tan-giam-muc-phu-ta-cho-tong-giao-phan-thanh-pho-ho-chi-minh/8000.63.8.aspx

Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Karekin II ký Tuyên bố chung


WHĐ (27.06.2016) / Vatican Radio  Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Karekin II đã ký một Bản Tuyên bố chung hôm Chúa nhật 26 tháng Sáu 2016, tại Điện Etchmiadzin, sau cuộc gặp gỡ với các vị đại diện và ân nhân của Giáo hội Tông truyền Armenia.
Phần mở đầu của Bản Tuyên bố nhấn mạnh đến “các mối tương quan thắm thiết và huynh đệ” hiện đang có giữa hai Giáo hội Công giáo Roma và Giáo hội Tông truyền Armenia. Sự gần gũi “trong đức tin và đức ái” đã không ngừng được củng cố, từ sau cuộc tông du của Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2001, nhân dịp kỷ niệm 1.700 năm Armenia được Rửa tội, là quốc gia Công giáo đầu tiên trong lịch sử. Bản văn cũng đề cập đến một khoảnh khắc quan trọng khác trong lịch sử của mối tương quan này: Thánh lễ trọng thể được cử hành ngày 12-06-2015 tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, tưởng nhớ các nạn nhân người Armenia trong sự kiện “Metz Yeghern”, vụ tàn sát năm 1915. Trong nghi lễ cảm động này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn Bản Tuyên bố chung do vị tiền nhiệm của ngài là Thánh Gioan Phaolô II và Đức Thượng phụ Karekin II ký kết, gợi lại “vụ sát hại một triệu năm trăm ngàn Kitô hữu người Armenia trong một sự kiện thường được gọi là vụ diệt chủng đầu tiên của thế kỷ XX”.

Một lời kêu gọi cộng đồng quốc tế đối diện với các thảm họa đang diễn ra
Trong Bản Tuyên bố mới này, Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Karekin II dành một đoạn dài để nói đến “thảm họa hết sức lớn lao đang diễn ra ngày nay trước mắt chúng ta: vô số những con người vô tội đã bị giết chết, bị đưa đi đầy hay buộc phải chọn một cuộc sống lưu vong đau đớn và bấp bênh, vì lý do xung khắc chủng tộc, chính trị và tôn giáo” đang đặt Trung Đông và các phần khác của thế giới trên một thùng thuốc nổ. Bản Tuyên bố nhấn mạnh, cuộc bách hại các nhóm tôn giáo thiểu số đã trở thành “một thực tế của đời thường”, liên quan đến tất cả các Giáo hội. Niềm đau của các vị tử đạo này là một “cuộc đại kết bằng máu” “vượt khỏi các chia rẽ lịch sử giữa các Kitô hữu và kêu gọi chúng ta cổ vũ cho sự hiệp nhất hữu hình giữa các môn đệ của Đức Kitô”. Do đó, hai vị lãnh đạo tôn giáo kêu gọi mọi người cầu xin “Các thánh Phêrô và Phaolô, các thánh Tađêô và Batôlômêô (những người đã loan báo Tin Mừng tại Armenia) biến đổi lòng trí của tất cả những ai đang gây nên những tội ác như thế và của những người có khả năng ngăn chặn những cuộc bạo lực này”. “Chúng tôi kêu nài các nguyên thủ các quốc gia lắng nghe yêu cầu của hàng triệu nhân sinh đang lo âu chờ đợi ngày hoà bình và công lý lên ngôi trên thế giới, đang cầu khẩn cho các quyền lợi của họ được tôn trọng, đang khát khao bánh ăn chứ không phải vũ khí”.
Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ than phiền là “việc trình bày tôn giáo và các giá trị của tôn giáo” đang diễn ra dưới một lăng kính bảo thủ chuyển tải hận thù, kỳ thị và bạo lực. “Việc biện minh cho những tội ác này trên cơ sở các tư tưởng tôn giáo là không thể chấp nhận được, bởi vì ‘Thiên Chúa không phải là Đấng gây hỗn loạn, nhưng Ngài tạo bình an’ (1Cr 14,33), hai vị khẳng định điều đó khi nhấn mạnh tới việc tôn trọng các sự khác biệt tôn giáo như điều kiện thiết yếu cho sự sống chung hoà bình giữa các nhóm dân tộc và tôn giáo. “Bởi vì chúng ta là các Kitô hữu, chúng ta được mời gọi phát triển các con đường của hoà giải và hoà bình”. Hai vị lãnh đạo tôn giáo, vốn hy vọng ở một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đồt tiềm ẩn đặt Armenia và  Azerbaïdjan đối đầu nhau về vùng Nagorno-Karabakh.
Các ngài cũng kêu gọi các tín hữu: “Chúng tôi kêu gọi các tín hữu của hai Giáo hội mở rộng tấm lòng và đôi tay cứu giúp các nạn nhân của chiến tranh và của khủng bố, các người tị nạn và gia đình của họ”, bởi vì đó là “ý nghĩa của lòng nhân đạo, của tình liên đới, của tấm lòng cảm thông và quảng đại của chúng ta”, vốn đang lâm nguy. Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ nhìn nhận rằng đã làm được một số việc, nhưng cũng kêu gọi những người có trách nhiệm chính trị và quốc tế nỗ lực hơn nữa để “bảo đảm cho mọi người quyền được sống trong hoà bình và yên ổn, để duy trì tình trạng Luật pháp, để bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc, để chống lại việc buôn bán vũ khí”.
Bảo vệ gia đình và dấn thân xây dựng sự hiệp nhất
Mặt khác, hai vị lãnh đạo tôn giáo cũng bày tỏ mối lo âu về tình trạng xã hội thế tục hoá, đang tìm cách loại bỏ tất cả những gì là thánh thiêng, cũng như về cuộc khủng hoảng mà các gia đình tại nhiều quốc gia đang phải trải qua. Hai Giáo hội tái khẳng định quan điểm chung của mình về gia đình, “đặt nền tảng trên hôn nhân, hành động nhưng không và yêu thương trung tín giữa một người nam và một người nữ”.
“Ý thức rằng điều hợp nhất chúng ta còn mạnh hơn điều chia rẽ chúng ta”, hai Giáo hội mạnh mẽ tái khẳng định cần phải nỗ lực ngày càng nhiều hơn nữa cho việc xích lại gần nhau, để củng cố sự hợp tác trong lĩnh vực thần học và đạo đức, cả trên bình diện các cộng đoàn địa phương, hướng tới sự hiệp thông.
Các tín hữu cũng được mời gọi “làm việc với nhau trong sự hài hoà để thăng tiến các giá trị Kitô giáo” giữa lòng xã hội và góp phần một cách có hiệu quả “vào việc xây dựng nền văn minh của công lý, hoà bình và và của tình liên đới”.

Mai Tâm
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/duc-thanh-cha-phanxico-va-duc-thuong-phu-karekin-ii-ky-tuyen-bo-chung/8006.57.7.aspx

Diễn từ của Đức Thánh Cha trong Phụng Vụ Thánh của Giáo Hội Armenia Tông Truyền sáng Chúa Nhật 26/6


Chúa Nhật 26 tháng Sáu là ngày cuối trong chuyến viếng thăm 3 ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Armenia.

Lúc 9h15 sáng, Đức Thánh Cha đã có buổi gặp gỡ với các Giám Mục Công Giáo Armenia tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Etchmiadzin.

Sau đó, lúc 10:00, Đức Thánh Cha đã tham dự Phụng Vụ Thánh tại nhà thờ chính tòa của Giáo Hội Armenia Tông Truyền.

Sau bài giảng của Đức Thượng Phụ Karekin Đệ Nhị, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có bài chia sẻ như sau:

Thưa Anh Chị Em,

Vào cuối chuyến viếng thăm hết lòng ao ước này, một chuyến viếng thăm đã là không thể nào quên được đối với tôi, tôi hiệp ý dâng lên Chúa lòng biết ơn của tôi trong những bài thánh ca ngợi khen và tán tụng tuyệt vời được dâng lên từ bàn thờ này. Thưa Đức Thượng Phụ, trong những ngày này ngài đã mở rộng cửa đón tiếp tôi, và chúng ta đã cảm nghiệm được “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau,” (Tv 133: 1). Chúng ta đã gặp nhau, đã ôm lấy nhau như anh em, chúng ta đã cầu nguyện với nhau và chia sẻ những hồng ân, những hy vọng và những mối quan tâm cho Giáo Hội của Chúa Kitô. Chúng ta đã cùng cảm thấy như nhau nhịp đập con tim của Giáo Hội, và chúng ta tin tưởng và cảm nghiệm rằng Giáo Hội là một. “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (Ep 4: 4-6). Với niềm vui lớn lao, chính chúng ta đã có thể thực hiện những lời của Thánh Tông Đồ Phaolô! Cuộc gặp gỡ của chúng ta được sự bảo trợ của các thánh Tông Đồ là các vị chúng ta đã biết đến. Thánh Bartholômêô và Thánh Tađêô là những người đầu tiên công bố Tin Mừng trong vùng đất này, và Thánh Phêrô và Phaolô là những vị đã hiến mạng sống mình cho Chúa ở Rôma và bây giờ đang ngự trị cùng Chúa Kitô ở trên trời, các vị chắc chắn vui mừng chứng kiến tình cảm của chúng ta và lòng khao khát tỏ tường của chúng ta cho sự hiệp thông trọn vẹn. Vì tất cả những điều này, tôi cảm ơn Chúa, vì hiền huynh và cùng với hiền huynh: Park astutsò! (Vinh danh Thiên Chúa!).

Trong Phụng Vụ Thánh này, bài ca vịnh trọng thể Trisagion được dâng lên trời cao, tán dương sự thánh thiện của Thiên Chúa. Cầu xin phước lành của Đấng Tối Cao tuôn đổ dư dật đầy mặt đất nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, các vị Đại Thánh và các Tiến sĩ Hội Thánh, các vị tử đạo, đặc biệt là đông đảo các vị mà hiền huynh đã tuyên thánh vào năm ngoái ở nơi này. Cầu xin “Đấng Tự Hữu Duy Nhất đã xuống trần” ban phước lành cho cuộc hành trình của chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần biến đổi tất cả các tín hữu nên một lòng một trí; xin Ngài đến để thiết lập lại sự hiệp nhất trong chúng ta. Về điều này, một lần nữa tôi khẩn cầu Chúa Thánh Thần, xin mượn những từ ngữ huy hoàng trong Phụng Vụ của hiền huynh: Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng “khẩn cầu với những tiếng thở dài không ngừng lên Chúa Cha đầy lòng thương xót, Đấng giữ gìn các thánh và thanh tẩy những kẻ tội lỗi,” xin ban cho chúng con ngọn lửa tình yêu và hiệp nhất, và “xin cho nguyên do gây ra tai tiếng của chúng con được tan biến trong tình yêu thương này” (Thánh Gregory Narek, Sách Ai Ca, 33, 5) trên tất cả là tai tiếng chia rẽ trong các môn đệ của Chúa Kitô.

Cầu xin cho Giáo Hội Armenia được tiến bước trong hòa bình và xin cho sự hiệp thông giữa chúng ta được trọn vẹn. Xin cho một mong muốn mãnh liệt cho sự hiệp nhất được tăng lên trong lòng chúng ta, một sự hiệp nhất không phải là “tùng phục nhau, hoặc đồng hóa nhau, trái lại là sự chấp nhận tất cả những ân sủng Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta. Điều này sẽ cho toàn bộ thế giới thấy mầu nhiệm lớn lao của ơn cứu rỗi đã được hoàn tất nơi Chúa Kitô qua Chúa Thánh Thần “(Lời chào mừng trong Phụng Vụ Thánh tại nhà thờ Thánh George, ở Istanbul, ngày 30 Tháng 11 2014).

Chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của các thánh, chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của những người khiêm nhường và nghèo hèn, của đông đảo các nạn nhân của hận thù, là những người đã thí mạng sống vì đức tin. Chúng ta phải chú trọng đến thế hệ trẻ, những người đang tìm kiếm một tương lai không có những chia rẽ trong quá khứ. Từ thánh điện này, xin cho ánh sáng rạng rỡ được tỏa sáng một lần nữa, và cho ánh sáng của đức tin, đã từng soi sáng mảnh đất này từ thời Thánh Gregôriô, là Người Cha của anh chị em trong Tin Mừng, có thể hiệp cùng ánh sáng của tình yêu để đem lại ơn tha thứ và hòa giải.

Như các tông đồ vào buổi sáng lễ Phục sinh, với tất cả những do dự và hoang mang của các ngài, đã chạy đến ngôi mộ Chúa Phục sinh khi được thu hút bởi bình minh của niềm hy vọng mới (x Jn 20: 3-4); cầu xin cho trong ngày Chúa Nhật thánh này, chúng ta cũng vội vã theo tiếng gọi của Chúa để hiệp thông đầy đủ với nhau và chạy nhanh về hướng đó.

Bây giờ, thưa hiền huynh, trong danh Thiên Chúa, xin ban phép lành cho tôi, và cho Giáo Hội Công Giáo, và ban phép lành cho con đường hướng tới hiệp nhất trọn vẹn này của chúng ta.

J.B. Đặng Minh An dịch
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/187691.htm