Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Tin Mừng Chúa nhật XXXI thường niên - Lễ Các Thánh Nam Nữ

PHÚC ÂM: Mt 5, 1-12a
"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng: "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. - Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. - Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. - Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. - Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. - Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. - Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. "Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời".
Nguồn: http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=10614

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Video: Niềm Tin Và Quê Hương - Vũ đoàn VietCatholic




Xuất bản 27-10-2015

Vũ đoàn VietCatholic trình diễn vũ khúc: Niềm Tin Và Quê Hương trong chương trình Đại Hội Hát Lên Mừng Chúa (Praise The Lord) được tổ chức tại Christ Cathedral 13280 Chapman Avenue - Garden Grove, CA 92840 vào lúc 7.00 tối ngày 24 tháng 10 năm 2015.

Hậu Thượng Hội Đồng: một vòng nhận định của các nghị phụ


Khách quan mà nhìn, Thượng Hội Đồng năm 2015 về gia đình quả là một biến cố được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Đó là nhận định hậu Thượng Hội Đồng của một số nghị phụ.

Lòng thương xót và sự thật

Ngay trước ngày họp cuối cùng của Thượng Hội Đồng, Đức Tổng Giám Mục Chaput của Philadelphia, Hoa Kỳ, đã có cái nhìn tổng quát và rất tích cực về Thượng Hội Đồng. Trong một cuộc phỏng vấn trên liên mạng của tờ National Catholic Register, ngài cho biết “Xét chung, đây là một trải nghiệm rất tốt đẹp, rất thân ái. Bên trong Thượng Hội Đồng, nó thân ái hơn những người ở bên ngoài tưởng tượng nhiều. Có một số vấn đề và dị biệt nghiêm trọng nơi các nghị phụ Thượng Hội Đồng, như về bản chất của lương tâm và vấn đề rước lễ của người ly dị và tái hôn chẳng hạn… Thủ tục thì mới mẻ. Có một số trục trặc và hàm hồ. Các bản dịch có vấn đề. Tôi nghĩ nhiều nghị phụ muốn thấy Ủy Ban soạn thảo bản văn cuối cùng trong tương lai sẽ được bầu hơn là chỉ định. Nhưng cho tới nay, trải nghiệm này rất tích cực, và tôi tin Bản Tường Trình Sau Cùng sẽ khá hơn bản Tài Liệu Làm Việc rất nhiều”.

Về ngôn ngữ cần có để chuyển tải Tin Mừng Gia Đình, Đức Tổng Giám Mục Chaput cho rằng ngôn ngữ này càng thổi phồng, ta càng cần ái ngại về ý nghĩa thực sự của các từ ngữ và điều người ta cố tình mập mờ. “Khi các giám mục lên tiếng, ta cần nói đơn giản và rõ ràng như là nội dung lời dậy đòi hỏi. Ta cũng cần trung thực; không lẩn thánh, không hàm hồ. Hiển nhiên, lời lẽ của ta cần được khuôn định bởi đức ái, dè dặt và trọng kính người ta, và cả bởi sự thật nữa. Đây là hồng phúc vĩ đại nhất mà Kitô Giáo có thể đem tặng thế giới. Sẽ không có lòng thương xót đích thực nếu không có sự thật”.

Ngài cũng đánh giá cao phẩm chất các cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng. “Đem các giám mục lại với nhau sẽ không có nghĩa lý gì, trừ khi bạn muốn các ngài lên tiếng một cách thành thực. Và thẳng thắn là đức tính luôn được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cao… Giáo Hội có thể dùng nhiều đức tính này ở mọi bình diện: trung thực thảo luận, luôn trong tinh thần bác ái và kính trọng. Nhất là hai chữ cuối: bác ái và kính trọng cần hơn là những lời lẽ nghe ra đạo đức mà thực sự giả hình chỉ nhằm tiêu diệt các suy nghĩ của người mình không thích”.

Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin của Ái Nhĩ Lan cũng vậy, ngay trước ngày Thượng Hội Đồng kết thúc, đã nói với đại diện Đài Phát Thanh Vatican rằng: Ngài rất ngưỡng phục cách Đức Giáo Hoàng Phanxicô tạo khung cho một nghệ thuật lắng nghe đầy chăm chú đối với các vị giám mục suốt trong ba tuần lễ hội họp. Theo ngài, sức mạnh của Thượng Hội Đồng nằm ở chỗ biết lắng nghe nhau và tại Phòng Thượng Hội Đồng cũng như trong các nhóm nhỏ, có nhiều ý kiến mạnh mẽ “nhưng cũng có việc lắng nghe nhau một cách kính trọng”, mưu cầu hiệp lực và đồng quy…

Không nhằm qui luật tổng quát

Về lại giáo phận của mình, Đức Cha Jean-Luc Brunin, giám mục giáo phận La Havre, Pháp, trong một cuộc phỏng vấn của tờ La Croix, cho hay: “Tham dự Thượng Hội Đồng đòi hỏi một việc đầu tư bản thân nhất quán: cần phải biện phân giữa các giám mục sống trong các bối cảnh khác nhau, phải cố gắng hiểu điều các ngài nói khởi đi từ chính kinh nghiệm mục vụ của các ngài. Cũng cần phải lên hình thức cho các đề nghị tiên tiến. Nhưng đây quả là một kinh nghiệm phong phú trong việc biện phân ở bình diện Giáo Hội hoàn cầu. Điều này khích lệ tôi diễn tiến trong tính năng động này, luôn chú ý tới các tình huống cụ thể của các gia đình. Như Đức Thánh Cha đã nói với chúng tôi, chúng tôi không thể vùi đầu vào cát mà phải chào đón thực tại sống của các gia đình và đồng hành với họ”.

Đức Cha Brunin nói thêm: “cần phải nhấn mạnh rằng chúng tôi không được mời gọi đưa ra các qui luật tổng quát mà được mời gọi cùng đi với người ta trong cuộc hành trình bản thân của họ trong đó, các tín hữu tìm hiểu điều Thiên Chúa muốn họ sống. Người ta không thể quyết định kỳ hạn của con đường trước khi đi hết con đường ấy”.

Nói về hành trình biện phân của những người ly dị và tái hôn, Đức Cha giải thích thêm: “kết quả của con đường biện phân như thế không hẳn là quyền được rước lễ mà là quyết định đáp trả điều Chúa Kitô kêu gọi họ sống”.

Trả lời một câu hỏi cho rằng kết quả mà Thượng Hội Đồng đạt được là một kết quả khiến người ta ngã lòng, vì nó thật khó hiểu: xét từng trường hợp một là thế nào; sau một năm chờ đợi, đáng lẽ Đức Giáo Hoàng phải đã đưa ra được một quyết định dứt khoát mới đúng chứ, Đức Cha Brunin cho hay: “Xem ra ông ngã lòng vì sự kiện: viễn tượng được mở ra là một viễn tượng về một cuộc hành trình có tính đến tình huống bản thân của người ta. Tuy nhiên, lời mời gọi của Chúa Giêsu và cuộc gặp gỡ với Người luôn có tính bản thân… nghĩa là từng trường hợp một. Chúa Giêsu không bao giờ nhận cho đăng ký làm môn đệ dựa vào một khuôn khổ duy nhất, Người kêu gọi từng người một và những người này lên đường với tính khí của họ, với lịch sử bản thân của họ. Nhờ quan tâm chiêm niệm phương cách hành động của Chúa Giêsu, Thượng Hội Đồng đã nhấn mạnh rằng điều chủ yếu là lưu tâm tới đường đời của mỗi người, tới các tình huống cụ thể, tới các bối cảnh đặc thù. Tôi giúp ông dấn thân vào một cuộc gặp gỡ với một ai đó, người này sẽ đồng hành với ông trên con đường biện phân để khám ra điều Thiên Chúa muốn kêu gọi ông, Người mời gọi ông hội nhập nhiều hơn vào cộng đồng các môn đệ của Người ra sao”.

Nói thêm về Thượng Hội Đồng nói chung, Đức Cha Brunin cho biết: “Trong ba tuần lễ, chúng tôi đã sống một trải nghiệm đầy say mê thú vị. Chúng tôi không ở đó để bênh vực các chủ trương lập trường, để lôi kéo người khác theo quan điểm của mình. Chúng tôi ở đó với nhau để biện phân điều Chúa Thánh Thần mời gọi Giáo Hội đồng hành với những con người và những gia đình trong sự đa dạng của hoàn cảnh nơi họ. Chúng tôi đã làm việc đó trong tư cách các mục tử của một Giáo Hội đặc thù, người đem tới cuộc sống, niềm vui, các khó khăn và các đau khổ của các gia đình trong giáo phận chúng tôi. Chính nhờ vậy, từ từ, ý tưởng con đường biện phân và đồng hành đã phát sinh. Thái độ mục vụ này bám rễ sâu trong “sư phạm Thiên Chúa” từng được nêu lên từ phiên đầu của Thượng Hội Đồng. Sau cùng, chính trong nền thân học ơn thánh, mà Thượng Hội Đồng đã đặt căn bản cho các đề nghị trình lên Đức Giáo Hoàng. Diễn tiến này đã nối liền với tính thượng hội đồng mà Đức Thánh Cha vốn mời gọi Giáo Hội ở mọi bình diện dự phần, từ giáo xứ tới Thượng Hội Đồng giám mục, xuyên qua các giáo phận và các hội đồng giám mục”.

Báo La Croix còn thuật lại nhận định của Đức Cha Laurent Ulrich, Tổng Giám Mục Lille, Pháp, về Bản Tường Trình Sau Cùng của Thượng Hội Đồng. Ngài hoan nghinh “sự thống nhất tốt đẹp trong quan niệm” và viễn kiến “thực tiễn, mà không bi quan”. Theo ngài, bản văn này mở cho các gia đình một con đường hy vọng, một con đường trên đó các gia đình có thể gặp gỡ Chúa Kitô, và biểu lộ các khả năng sống theo Thần Khí ngay trong các yếu đuối mỏng dòn của họ: họ mang quanh họ một phần ánh sáng của Người.

Một diễn trình

Tờ báo này cũng nhắc tới Đức Hồng Y Donald Wuerl, Tổng Giám Mục Hoa Thịnh Đốn, một trong các vị thuộc ủy ban soạn thảo Bản Tường Trình Sau Cùng. Viện Phụ Schröder, một nghị phụ tại Thượng Hội Đồng năm 2015, cũng nhắc tới vị Hồng Y này, người mà Viện Phụ coi là nhiều kinh nghiệm nhất về Thượng Hội Đồng, và có cách tiếp cận hết sức quân bình đối với nhiều sự việc, thường khích lệ các điều hợp viên lèo lái các nhóm đi theo hướng đúng.

Trong cuộc phỏng vấn của David Gibson, thuộc Religion News Service ngày 28 tháng Mười, 2015, Đức Hồng Y Wuerl cho rằng với Thượng Hội Đồng 2015, Giáo Hội Công Giáo đã chuyển từ chủ nghĩa duy luật qua lòng thương xót và khung tham chiếu từ nay sẽ là: Tin Mừng thực sự đã nói gì về vấn đề này?

Theo ngài, điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô cố gắng làm trong hai năm qua với hai Thượng Hội Đồng liên tiếp về gia đình chính là kêu gọi một diễn trình (process) chứ không hẳn một Thượng Hội Đồng: một cuộc thảo luận cởi mở về những vấn đề Giáo Hội đang băn khoăn (chữ ngài dùng mạnh hơn: struggling), một cuộc thảo luận mà bạn sẽ không nên đóng cửa trong tương lai.

Đã đành là Giáo Hội có một giáo huấn rõ ràng về gia đình và Giáo Hội luôn công bố giáo huấn ấy, nhưng giáo huấn ấy cũng bao gồm cả lòng thương xót của Thiên Chúa và sự chăm sóc từng cá nhân tín hữu nữa. Hai yếu tố của cùng một thực tại này là điều Đức Giáo Hoàng đề cao và làm cho hiển thị một cách chưa từng thấy. Nếu bạn không thể phục vụ con người ở trạng huống hiện tại của họ, là bạn không chu toàn giáo huấn này.

Ý niệm diễn trình hay đồng hành trên nổi bật đến nỗi theo Đức Hồng Y Wuerl, không nhất thiết Đức Giáo Hoàng phải ban hành tông huấn hậu thượng hội đồng dựa vào Bản Tường Trình Sau Cùng, mặc dù ngài có thể sẽ làm thế, như nhận định gần đây của Đức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và của Cha Nicolas, Bề Trên Cả Dòng Tên. Đức Hồng Y Wuerl cho hay: các bài học rút ra từ Thượng Hội Đồng 2015 không hẳn phải là các văn kiện, mà trước hết là “Đây là cách anh chị em thảo luận sự việc trong Giáo Hội: cởi mở”. Thứ hai, cố gắng sống giáo huấn trong bối cảnh hiện bạn đang hiện diện và đừng ngã lòng nếu bạn không sống nó cách hoàn hảo, đừng coi bạn không phải là thành phần trong Giáo Hội nếu bạn không sống giáo huấn ấy cách hoàn hảo.

Công trình Chúa Thánh Thần

Báo Lacroix sau đó nhắc tới Đức Cha Mark Coleridge, Tổng Giám Mục Brisbane, người mà họ coi là hoạt bát nhất tại Thượng Hội Đồng năm 2015. Vị tổng giám mục này ngỡ ngàng trước “lối nhìn có tính khải huyền của một số nghị phụ quá hăng say trong việc chống lại bất cứ ý tưởng nào nhằm cho phép người ly dị tái hôn rước lễ hay phương thức nào nhân ái và thương cảm hơn đối với người đồng tính”. Ngài viết: “đối với một số vị, Thượng Hội Đồng giống như bãi chiến trường Armaguedon, cuộc quyết đấu cuối cùng giữa con cái ánh sáng và con cái bóng tối. Cuộc quyết đấu giữa thiện và ác, giữa đen và trắng, chứ không gì khác”. Tóm lại, là viễn kiến nhị phân mà kết cục là đặt sự đối nghịch giữa “sự thật và lòng thương xót”, “Giáo Hội và thế giới”, “tín lý và mục vụ”. Dù thế, vị tổng giám mục của Úc này vẫn thấy “một điều gì đó lớn hơn”, “công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng là tác nhân hàng đầu của Thượng Hội Đồng”. Nhất là khi Đức Giáo Hoàng lên tiếng. “Vị giáo hoàng này không có chút gì của một người ý thức hệ, ngài ghét ý thức hệ. Ngài có một cảm thức sắc bén về chính trị, nhưng ngài không chơi trò chơi chính trị. Ngài biết có những xác tín và lập trường khác nhau, nhưng ngài nâng ngài lên trên các dị biệt”.

Báo Lacroix cũng phỏng vấn Đức Hồng Y Oscar Maradiaga, phối trí viên của hội đồng chín Hồng Y cố vấn cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Vị Hồng Y này cho rằng sau Thượng Hội Đồng năm 2015, Giáo Hội sẽ Samaritanô (nhân ái) nhiều hơn và ngài cho rằng Thượng Hội Đồng lần tới nên bàn về tính thượng hội đồng, tính hợp đoàn và việc tản quyền trong Giáo Hội.

Ngài nói rằng ngài rất hãnh diện “vì chúng tôi đã vẫn hợp nhất, bất chấp các dị biệt văn hóa, các lối suy nghĩ khác nhau, các nhận thức thực tại đôi khi cách nhau tới 180 độ của chúng tôi. Các vị giám mục phần lớn làm việc tại các văn phòng, với ít kinh nghiệm mục vụ đoàn chiên, là những vị duy luật nhiều nhất. Nhưng các dị biệt này vẫn không ngăn cản được việc chấp nhận các đường hướng chỉ đạo chung nhằm cải thiện nền mục vụ gia đình. Ngay Liên Hiệp Quốc cũng không có được khả năng này bởi vì chính trị tụ họp họ lại chứ không phải đức tin”.

Nói về những điều mới mẻ do Thượng Hội Đồng này đem tới, Đức Hồng Y Maradiaga cho hay: có thể là tự do phát biểu, phát biểu thành thực và tinh thần hợp đoàn cũng như tản quyền.

Cung kính

Tạp chí America thì phỏng vấn Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám Mục Westminster, Anh. Ngài cho rằng các chữ “đồng hành”, “biện phân” và “cung kính lắng nghe” trong Bản Tường Trình Sau Cùng là những chữ “tuyệt đối chủ yếu”, cho thấy Giáo Hội đặt “lòng thương xót của Thiên Chúa trong cái hiểu trọn vẹn của nó vào trong trái tim mình”, một Giáo Hội trong đó, “lòng thương xót vĩ đại của Thiên Chúa trở nên có thực chất đối với đời người”.

Một kiểu nói rất hay nữa là kiểu nói ví gia đình là hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Nếu thế thì trước gia đình ta phải hành xử một cách tôn kính.

Nhận định về ba đoạn của Bản Tường Trình Sau Cùng nói về ly dị tái hôn bị số phiếu chống cao, Đức Hồng Y Nichols cho rằng: động lực của số phiếu chống cao này là sự sợ hãi lo lắng, nên trong diễn từ cuối cùng của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyên họ: “can đảm lên, hãy đứng dậy, đừng sợ!”.

Đức Hồng Y Nichols nhắc lại bầu khí cởi mở tại Thượng Hội Đồng. Ngài còn nhớ câu phát biểu thời danh của Đức Hồng Y Schonborn: “xin qúy vị thận trọng khi nói về người ly dị vì cha mẹ tôi là những người ly dị. Xin qúy vị suy nghĩ cách nói về vấn đề này, vì chúng ta nói về chính đời sống ta, về đời sống các người của chính ta”.

Đức Giáo Hoàng bảo đảm sự hợp nhất

Tạp chí America cũng phỏng vấn Viện Phụ Jeremias Schröder, một trong các nghị phụ của Thượng Hội Đồng năm 2015. Viện Phụ năm nay 50 tuổi, thuộc Dòng Biển Đức Truyền Giáo tại St. Ottilien. Hiện dòng có 1,000 thành viên, rải rác trên 20 quốc gia. Theo Viện Phụ, Thượng Hội Đồng cần một viễn ảnh lịch sử, vì mối liên hệ của Giáo Hội với thời hiện đại và lịch sử của nó là “những vấn đề bao trùm” của Thượng Hội Đồng.

Viện Phụ cho rằng “những điều hiện nay ta coi là chân lý trường cửu thực ra đã chỉ được lên công thức tại Công Đồng Trent, và đây là điều nhiều nghị phụ Thượng Hội Đồng không hiểu… Là các tu sĩ Biển Đức, chúng tôi lớn lên với một cảm thức lịch sử, mọi điều chúng tôi có đều được lên khuôn trong lịch sử, nhưng cảm thức này không có trong Thượng Hội Đồng”.

Tuy nhiên, Viện Phụ cho hay các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã tiến lại “gần nhau hơn nhiều”, không nhất thiết về lập trường mà là về “cách phát biểu”. “Các ngài nhìn vào mắt nhau. Chúng tôi ngồi sát cạnh nhau, đụng cùi chỏ nhau là thường, trong những căn phòng nhỏ xíu”.

Các dị biệt lớn lao thường liên hệ tới tín lý, cảm thức đức tin và việc sử dụng ngôn ngữ. Và điều này “củng cố điều Đức Giáo Hoàng nói vào hôm thứ Bẩy: rằng con đường của Thượng Hội Đồng đạt tới đỉnh cao của nó nơi Giám Mục Rôma. Ngài là người bảo đảm sự hợp nhất của ta”.

Cám ơn mẹ

Đài Phát Thánh Vatican thì phỏng vấn Đức Cha Charles Palmer Buckle, Tổng Giám Mục Accra của Ghana về trải nghiệm của ngài trong ba tuần dự Thượng Hội Đồng năm 2015. Ngài cho biết: Thượng Hội Đồng đã làm ngài hiểu thấu tầm quan trọng của gia đình.

Ngài bảo: “tôi muốn chạy về nhà ôm lấy mẹ tôi, năm nay đã 88 tuổi, nhẩy nhót vòng vòng với ngài mà nói: ‘mẹ ơi, con cám ơn mẹ và thầy’. Thầy tôi qua đời đã 30 năm nay. Mẹ tôi thì còn sống. Tôi muốn cám ơn mẹ. Tôi muốn hôn tay mẹ mà nói: cám ơn mẹ… vì thầy tôi và mẹ tôi đã dưỡng dục chúng tôi trong cảnh đơn sơ. Thầy tôi chỉ là một dược sĩ; mẹ tôi là bà nội trợ. Và cha có biết chúng tôi bao nhiêu người không?... Mười hai người con: bẩy trai, năm gái, tất cả đều được giáo dục đàng hoàng; cao nhất có thể đạt tới”.

Điều còn kỳ diệu hơn, theo Đức Tổng Giám Mục Buckle là cha mẹ ngài đã giữ cho anh chị em ngài và các con các cháu đông đúc của họ đoàn kết với nhau cho tới tận nay: “nhờ đức tin của thầy mẹ tôi, tất cả chúng tôi vẫn đoàn kết với nhau”.

Trọn vòng Emmau

Thiển nghĩ nhận định cảm động nhất về Thượng Hội Đồng năm 2015 phải dành cho Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York. Thực vậy, vừa về tới tổng giáo phận của mình ngày 26 tháng Mười, 2015, Đức Hồng Y tải lên blog của ngài www.cardinaldolan.org một bài chia sẻ, trong đó ngài nói tới ba ơn phúc và hai thách đố.

Ơn phúc đầu tiên là được thấy Đức Thánh Cha hàng ngày, không hẳn để được lắng nghe ngài mà là được ngài hết sức lắng nghe. Ngài yêu cầu các nghị phụ nói tự do và dành giờ lắng nghe từng vị! Ơn phúc thứ hai là Giáo Hội hoàn vũ: tại Thượng Hội Đồng, Đức Hồng Y được gặp các giám mục anh em, các đại biểu đại kết, các thần học gia và các cặp vợ chồng khắp thế giới, tính hoàn vũ thật là hiển hiện. Bài học là: ta thuộc về Giáo Hội, nhưng ta không là toàn bộ Giáo Hội, thành thử khi Thượng Hội Đồng trở tới trở lui với một số vấn đề tranh cãi “thì cần nhớ rằng… ta phải nhìn quá bên kia những quan tâm hẹp hòi của mình”.

Ơn phúc thứ ba: chứng tá đời sống gia đình Công Giáo. Chắc chắn, có những bất đồng tại Thượng Hội Đồng, nhưng không có bất đồng nào về tầm quan trọng có tính yếu tính tuyệt đối của gia đình, tính trung tâm của nó trong kế hoạch cứu rỗi của ta. Thượng Hội Đồng nhắc ta nhớ: ta cần cám ơn thầy mẹ ta trước nhất, như Đức Tổng Giám Mục Buckle muốn làm trên đây. Đức Hồng Y Dolan tâm sự: Nghe các cặp vợ chồng kể lại chứng từ của họ, ngài cảm thấy phải cám ơn các gia đình trong tổng giáo phận New York vì lòng “đại lượng sống ơn gọi làm môn đệ của Chúa trong phép hôn phối thánh thiện, như những người cha người mẹ, như các phụ huynh và con em, như các ông bà, người đỡ đầu, như cô cậu chú dì, và như anh chị em!"

Còn về hai thách đố, thì thách đố đầu tiên là đi trọn con đường hay hành trình Emmau. Ai cũng đã thuộc lòng câu truyện Chúa đồng hành với hai môn đệ đang ngã lòng trên đường Emmau tiến vào đêm tối và nhờ cuộc đồng hành này, họ mở mắt ra và quyết chí đi ngược trở về ánh sáng phục sinh của Giêrusalem!

Phương thức đồng hành nói trên của Chúa Giêsu đã được Đức Hồng Y Thomas Christopher Collins của Toronto trình bầy tại Thượng Hội Đồng và được Đức Hồng Y Dolan tóm tắt như sau: Chúa Giêsu đến gần. Người đồng hành với họ một cách đầy yêu thương. Người hỏi họ cho biết tình huống của họ. Người lắng nghe trải nghiệm của họ. Người phê phán sai lầm của họ. Người dạy họ sự thật của Thánh Kinh. Người tự mặc khải trong Phép Thánh Thể. Nhờ đó, Người phục hồi niềm hy vọng của họ và dẫn họ trở về (Giêrusalem)!

Các môn đệ đi hướng sai, Chúa Giêsu đã dẫn họ đi ngược lại đúng hướng! Một vòng Emmau tròn trịa. Một số góp ý trong Thượng Hội Đồng chỉ có nửa vòng Emmau, cái nửa vòng thất vọng đưa người ta vào bóng đêm. Cái nửa vòng chỉ đồng hành mà không trở lại. Cái nửa vòng chỉ có hỏi và lắng nghe, vô tình giam hãm người ta mãi xa ơn cứu rỗi. Nếu chỉ phê phán thì chỉ tổ gây thêm đau khổ cho người đang đau khổ. Nếu chỉ dạy sự thật khách quan của Thánh Kinh, thì ta đâu có chỉ cho người ta thấy làm thế nào nó là tin vui cho từng linh hồn cá thể. Nếu ta mang người ta tới Thánh Thể mà trước đó không chuẩn bị để họ hoán cải hồi tâm, thì làm sao họ được mạc khải của Chúa Giêu biến cải!

Đã đành là không dễ, nhưng thách đố có bao giờ dễ dàng. Nói tóm lại sứ mệnh của ta là: đến gần, đồng hành, hỏi, lắng nghe, phê phán sai lầm, dạy sự thật của Tin Mừng, tỏ bầy Chúa Kitô, phục hồi hy vọng, làm người ta hóan cải, trở lại với Giáo Hội.

Bản Tường Trình Sau Cùng của Thượng Hội Đồng, theo Đức Hồng Y Dolan, đã bao trùm tất cả các bước ấy trong các đề nghị của mình.

Thách đố thứ hai: Phòng Trên Lầu. Chúa hiện ra với các môn đệ vẫn ở lại Phòng Trên Lầu! Họ chẳng tốt lành gì, cũng nhát đảm, mất tinh thần, đầy hoài nghi, bất trắc, nhưng họ không trốn chạy vào đêm tối như hai môn đệ Emmau, họ tiếp tục ở lại Phòng Trên Lầu, là nơi họ nên ở lại, với nhau, chờ được xác nhận tin vui do Maria Mađalêna mang tới rằng Thầy đã sống lại thật rồi!

Đức Hồng Y Dolan viết rằng không phải ai ai cũng lên đường đi Emmau, bước vào đêm đen. Có những người vẫn anh hùng ở lại với “tiểu Giáo Hội”, dù với cửa kín then cài vì sợ bị lộ là môn đệ của người bị đóng đính! Chúa Giêsu đã đồng hành với họ và Giáo Hội cũng phải đồng hành với họ.

Những người trên ngày nay bị coi là tân thiểu số, dù họ đông vô kể, tân thiểu số đối với nền văn hóa đương thịnh. Các nghị phụ cũng như các quan sát viên tại Thượng Hội Đồng nhấn mạnh: họ là những người độc thân, những người bị lôi cuốn bởi người đồng phái, những người ly dị, những người góa vợ góa chồng, những người mới tới một quốc gia mới lạ, những ngừơi khuyết tật, những người già cả, quanh quẩn trong nhà, các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo.

Riêng Đức Hồng Y Dolan thì thêm: họ là những cặp vợ chồng cậy nhờ ơn thánh và lòng thương xót của Chúa luôn cố gắng sống nhân đức và trung thành: trì chí qua các thử thách, vì coi hôn nhân là chuyện vĩnh viễn; là các thanh niên nam nữ quyết định không chung sống với nhau trước khi cưới nhau; người đồng tính nam nữ muốn sống trong sạch…

Những người như trên đáng được ta khích lệ và nâng đỡ. Nhưng ngược lại họ cũng khích lệ ta và nâng đỡ ta bằng chứng tá sống của họ.

Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/148908.htm

Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập Quỹ Giáo dục Công giáo



WHĐ (30.10.2015) – Qua văn kiện viết tay đề ngày 28-10-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập Quỹ Gravissimum Educationis. Trong văn kiện này, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn đối với Bộ Giáo dục Công giáo đã có các sáng kiến ​​tổ chức kỷ niệm 50 năm công bố Tuyên ngôn Gravissimum Educationis [Vai trò vô cùng quan trọng của giáo dục] của Công đồng Vatican II về giáo dục Kitô giáo.

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ sự hài lòng vì trong dịp kỷ niệm này Bộ Giáo dục Công giáo đã “mong muốn thành lập một Quỹ có tên gọi Gravissimum Educationis, với mục đích theo đuổi ‘các mục tiêu khoa học và văn hóa, nhằm thúc đẩy nền giáo dục Công giáo trên thế giới’ ”.

Sau khi nhắc lại lời mở đầu của Tuyên ngôn Gravissimum Educationis: “Giáo hội thừa nhận vai trò vô cùng quan trọng của giáo dục trong đời sống con người, và tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của ngành giáo dục đối với sự phát triển của xã hội hiện nay”, Đức Thánh Cha công bố quyết định thành lập Quỹ Gravissimum Educationis như các cơ quan công, có tư cách pháp nhân về dân sự và giáo luật, với quy chế riêng.

Quỹ này sẽ đặt trụ sở tại thành phố Vatican và chịu sự chi phối của Bộ giáo luật hiện hành cũng như luật dân sự hiện hành ở thành phố Vatican.

Huy Hoàng
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/duc-thanh-cha-phanxico-thanh-lap-quy-giao-duc-cong-giao/7403.57.7.aspx

Hội ngộ Liên tôn 2015: Bồi đắp Văn hóa Gặp gỡ

WGPSG -- "Cùng nhau đi về nguồn cội / Tương quan nghĩa tình đồng bào ơi / Năm châu bốn bể một nhà thôi!"- Lời bài hát chủ đề "Bồi đắp Văn hóa Gặp gỡ" này đã nói lên ý nghĩa của cuộc Hội ngộ Liên tôn Lần thứ V được tổ chức vào lúc 14g30 ngày 27.10.2015 tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn (TTMV TGPSG).
Hiện diện trong ngày hội có Đức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn, Đức Giám mục Stêphanô Tri Bửu Thiên, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền, linh mục Phanxicô Xaviê Bảo lộc, các chức sắc tôn giáo bạn, các linh mục, tu sĩ, vài vị khách nước ngoài, cùng rất đông Kitô hữu.
Mở đầu chương trình, hai vị MC đã chào mừng các thành phần tham dự cùng tuyên bố hai lý do ngày hội được tổ chức: Kỷ niệm 20 năm qua đời của Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (1995-2015) và kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nostra Aetate về "Liên lạc giữa Giáo hội và các tôn giáo ngoài Kitô giáo” (1965-2015). 
Sau lời phát biểu khai mạc nhắc đến câu nói của ĐGH Phanxicô: "Thế giới hiện nay là thế giới quy tụ, văn hóa gặp gỡ", ĐGM Stêphanô cùng một Bô lão đã đánh trống và chiêng khai hội.
Chương trình tiếp tục với ba phần chính: Con đường gặp gỡ, Kinh nghiệm gặp gỡ và Cầu an cho các dân tộc.
Phần I: “Đạo: Con đường gặp gỡ”
Phần này gồm: Đại Đức Thích Giác Hoàng với "Lòng bao dung theo giáo lý nhà Phật"; Cô Trà Mi với "Giáo lý Baha'i và văn hóa gặp gỡ"; Nữ tu Mai Thành với "Những ký ức về Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình"; Hai vị Phật giáo Hòa Hảo diễn ngâm giáo lý; và Ca đoàn Têrêsa giáo xứ Tân Định với bài hát "Quả tim mới".
Kết thúc phần I, các tham dự viên đến viếng mộ Đức cố TGM Phaolô tại Nhà nguyện TTMV. Các tham dự viên lần lượt lên cúi chào trước phần mộ ngài trong bầu khí thinh lặng và thiêng liêng.
Sau 45 phút giải lao và xem triển lãm "Đồ thờ tự cổ", cộng đoàn trở lại hội trường.
HỘI NGỘ LIÊN TÔN 2015: "VĂN HÓA GẶP GỠ"
Phần II: “Nhân: Kinh nghiệm gặp gỡ”
Mục sư Trần Thanh Truyện mở đầu với bài thuyết trình "Thái độ khoan dung của Chúa Giêsu".
Tiếp theo, 4 ca sĩ của Cao Đài, Phật giáo và Công giáo hòa điệu trong ca khúc chủ đề "Bồi đắp Văn hóa Gặp gỡ". Sau đó là phần chia sẻ thú vị của cặp vợ chồng đạo diễn Đức Thịnh và Nhà sản xuất phim Thanh Thúy về sự vượt lên những khác biệt để giữ gìn tình yêu, hạnh phúc gia đình.
Được cha MC Giuse Phạm Văn Bình mời lên ban huấn từ, ĐHY Gioan Baotixita chia sẻ hai điều: Trước hết là cảm ơn cuộc gặp gỡ để tín đồ các tôn giáo thêm hiểu biết nhau; Hai là gặp nhau qua trí tuệ có thể có những dị biệt, nhưng qua tấm lòng nhân hậu từ bi thì yêu thương sẽ tăng thêm. Ngài ước mong mọi người yêu thương nhau và hy vọng nhiều hơn.
Nối tiếp chương trình, ca sĩ phật tử “3 trong 1” Hiếu Ngọc - người ca hát trong cả ba tôn giáo Phật giáo, Công giáo và Cao Đài - đã bày tỏ niềm hân hoan được góp mặt trong ngày hội với bài "Nhân gian có tình thương". Sau đó, các hướng đạo sinh Tân Định đã làm sinh động hội trường với bài hát có cử điệu "Selfless Love". Ông Trần Trọng Thảo, một hướng đạo sinh Phật tử 77 tuổi, đã chia sẻ bốn điều một hướng đạo sinh phải giữ: Trung tín với tin ngưỡng tâm linh; Bạn với mọi người; Giúp đỡ mọi người và luôn vui tươi khi gặp khó khăn.
Kết thúc phần II là tiết mục hòa tấu các nhạc cụ dân tộc bài "Gặp Chúa trên quê hương" trong đó có tiếng sáo của cha Phêrô Maria Giuse Hà Thiên Trúc và hoạt cảnh do các em Legio Mariae và Huynh trưởng TNTT giáo xứ Hàng Sanh biểu diễn theo các giai điệu mượt mà, đầy cảm xúc.
Phần III: “Nguyện: Cầu an cho các dân tộc và quốc gia”
Các vị đại diện cho các tôn giáo đã lên sân khấu để dâng lên lời kinh cầu an theo từng bản sắc của tôn giáo mình. Cha Phanxicô Xaviê - Trưởng ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn - đúc kết chương trình bằng lời cảm ơn chân tình gởi đến tất cả các tham dự viên, cũng như lời tri ân đến quý ân nhân âm thầm cầu nguyện và đóng góp cho ngày hội. Lời Kinh Hòa Bình được cất lên trong tâm tình nguyện cầu tha thiết của mọi người.
Chương trình kết thúc lúc 19g00, nhưng những ấn tượng về ngày hội còn vương vấn mãi trong lòng người tham dự. Điều này được thể hiện qua các phát biểu khi được hỏi về cảm tưởng qua những lần tham dự Hội ngộ.
Theo lời khuyên của các thân hữu, bạn trẻ Sơn Tuyền, đạo Baha'I, đã tham dự và cảm thấy thật vui vì ngày hội tổ chức thật chuyên nghiệp. Cô Trà Mi, cũng thuộc tôn giáo Baha’I, nhân xét về chương trình thật sâu sắc, có ý nghĩa, MC nhiệt tình, mọi người thân mật, gần gũi.
Đạo tỷ Cẩm Loan của Cao Đài nói lên niềm phấn khởi vì được biết thêm nhiều kiến thức qua hai lần tham dự: “Lần trước có múa lân nên sôi động, lần này thì sâu sắc hơn!”. Giáo hữu Thượng Công Thanh tham dự được bốn lần cho rằng: “Mỗi một lần đổi mới tốt hơn, thích hợp với nhu cầu mọi người. Lần này dùng những từ ngữ hay: văn hóa gặp gỡ, bao dung, khoan dung. Rất cảm mến Đức cố TGM Phaolô!”.
Đại đức Thích Minh Nghĩa - lần đầu tiên tham dự - thấy có sự thân thiện, hòa đồng và chu đáo. Đại đức Thích Giác Hoàng đã ba lần đến ngày hội thấy nội dung ngày một phong phú hơn, đón tiếp nồng hậu, lịch sự, không có khoảng cách.
Đạo trưởng Đại Bác của Minh Lý Đạo thấy chủ đề mỗi năm đều mới và hay, tinh thần liên tôn hợp thời cho một thế giới đại đồng.
Vị đại diện Phật Giáo Hòa Hảo Trịnh Văn Sang cho biết “Ngày hội rất tốt, hay, phong phú và tạo điều kiện giao lưu cho các tôn giáo bạn; nhờ tham dự mới biết về Đức cố TGM Phaolô và sáu vị Hồng y, cảm thấy được khuyến khích đi dự các ngày hội trong tương lai”.
Mọi người đều mong “đến hẹn sang năm lại đi”.
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20151030/32594

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 22 – 28/10/2015: Tóm lược Phúc trình chung kết Thượng Hội Đồng Giám Mục




Xuất bản 28-10-2015
• Tuyên ngôn của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Trung Đông, Phi châu và Ukraine
• Thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới
• Tóm lược Phúc trình chung kết Thượng Hội Đồng Giám mục
• Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc tố cáo tình trạng thờ ơ với tình trạng bạo lực tại Trung Đông
• Tám tên du đảng tại Đức ra tòa vì ăn trộm các nhà thờ để tài trợ cho quân khủng bố Hồi Giáo IS
• Mẹ Têrêsa có thể được tuyên thánh vào năm tới 2016
• Giáo phận Pelplin ra quyết định đình chỉ tư cách linh mục của Krzysztof Charamsa
• Đức Thánh Cha Phanxicô công bố kế hoạch thành lập một bộ mới: Thánh Bộ Giáo Dân, Gia đình và sự sống.
• Đức Tổng Giám Mục Jean-Clément Jean Bart kêu gọi sự can thiệp quân sự của Anh chống lại Nhà nước Hồi giáo

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Gợi ý mục vụ cho Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn - Đề tài 12



Đề tài 12. Tân Phúc âm hoá Giáo xứ và Cộng đoàn: 

Đồng hành truyền giáo cùng với anh chị em di dân
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, 
loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15)
1. Mệnh lệnh truyền giáo
Lệnh truyền đó của Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta ngày hôm nay, trong khi thế giới, dẫu phát triển và tiến bộ nhiều, cũng vẫn khao khát tìm kiếm bình an và niềm vui. Như là Kitô hữu, đây là thời đại để chúng ta làm chứng nhân. Đối với chúng ta, ngày nay sứ vụ truyền giáo là trực tiếp loan báo Tin mừng, lôi kéo người ta đến để được chia sẻ sự sống của cộng đoàn Thánh Thể.
Để thực hiện lệnh truyền loan báo Tin mừng đó cho có hiệu quả, chúng ta cần trở nên một dân có một kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa về Thiên Chúa, dấn thân trọn vẹn và để cho Thần Khí hướng dẫn vì chỉ trong ánh sáng đức tin và nhờ suy gẫm Lời Chúa mà chúng ta có thể nhận ra được Chúa ở mọi nơi và trong mọi lúc, “trong Ngài chúng ta sống, hoạt động và hiện hữu” (Cv 17,28). Chỉ trong khi tìm kiếm thánh ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống và nhận ra Chúa Kitô nơi mọi người, chúng ta mới có thể thẩm định đúng đắn về ý nghĩa thật và giá trị của các thực tại trần thế, trong bản chất của chúng cũng như trong mối quan hệ với cứu cánh của con người.[1]
Người giáo dân sống giữa đời dễ dàng liên lụy với các việc đời và lãnh lấy nhiệm vụ làm chứng cách cá nhân cho sự thánh thiện và thực tế đã nên một chứng từ thụ động bởi lẽ làm chứng tá còn là gì hơn nữa chứ không chỉ là làm việc lành và đọc kinh. “Việc tông đồ không chỉ giới hạn trong việc làm chứng bằng đời sống; người tông đồ đích thực còn tìm dịp loan truyền Chúa Kitô bằng lời nói, hoặc cho những người chưa tin để đưa họ đến với đức tin, hoặc cho những người đã tin để hướng dẫn, củng cố và thúc đẩy họ sống nhiệt thành hơn; quả thật, “tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta” (2Cr 5,14), và hãy để lời Thánh Tông Đồ luôn vang vọng trong tâm trí tất cả chúng ta: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16)”.[2]
2. Di dân tích cực loan báo Tin mừng
Tình trạng di dân hiện nay trên thế giới cũng như tại đất nước chúng ta “không những tác động trên đời sống kinh tế và xã hội, nhưng cả trên đời sống và sinh hoạt đức tin”.[3]
Trong tầm nhìn tích cực, giống như Hội Thánh sơ khai ở Palestine do hoàn cảnh chiến tranh và bách hại mà niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô Chịu Chết và Sống lại bành trướng đi khắp nơi, làn sóng di dân ngày nay trên thế giới, trong đó có những đồng bào Công giáo, không phải là dấu chỉ thời đại và cũng là cơ hội loan báo Tin mừng Đức Giêsu Kitô sao? Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như các Đức Giám mục Việt Nam động viên anh chị em Di dân trở thành chứng tá của “Niềm Vui Tin mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 1).
Chiêm ngắm Dung nhan Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, được tỏ hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô; nhờ đó người tín hữu mới cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương và niềm vui lan tỏa tự con tim khắp con người, trở thành dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót trong cuộc sống.
Chỉ có niềm vui tự trong con tim cảm thấy được yêu thương, và “tình yêu Chúa Kitô thúc bách”, anh chị em di dân trong khi “đi ra”, mới loan báo Tin mừng Tình yêu ấy bằng chứng từ, bằng cả lời nói và hành động. Nhưng con tim họ chỉ vui trong khi sống kinh nghiệm gặp gỡ thâm tình với Chúa, Đấng đã chịu chết và sống lại vì họ, trong việc cầu nguyện và sống Lời Chúa thường xuyên trong cộng đồng gia đình, Hội thánh, nơi đi cũng như nơi đến. Từ đó niềm vui Tin mừng ấy lan truyền trong môi trường lao động nghề nghiệp xã hội. Chỉ khi ấy, anh chị em di dân trở thành chủ thể tích cực loan báo Tin mừng và sẽ cảm thấy “khốn” nếu họ không loan báo Tin mừng vốn được họ cảm nghiệm sống động.
3. Mục vụ Di dân và Cử hành trong Năm Thánh Lòng Thương Xót
Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn năm 2016 sẽ được tổ chức vào Chúa nhật, 17 tháng 01 năm 2016, với chủ đề: Người di dân và tị nạn chất vấn chúng ta. Lời giải đáp của Tin Mừng Lòng Thương Xót.
Năm 2016 là Năm Thánh Lòng Thương xót nên Hội Đồng Tòa Thánh về Chăm sóc Mục vụ cho người Di Dân và Lưu Động đã lưu ý 5 nội dung cần chuẩn bị để việc cử hành ngày Thế giới Di dân và Tị nạn trong Năm Thánh của Lòng Thương Xót không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu hoặc tồn tại như một phong trào thường niên, nhưng trở thành một cử hành đức tin cụ thể:
– Việc cử hành ở mỗi giáo phận nên được tổ chức hài hoà tại giáo xứ với sự tham gia của anh chị em di dân và giáo dân địa phương để toàn thể cộng đoàn đức tin được cùng nhau chia sẻ;
– Việc cử hành phải trở nên cơ hội đồng hành cùng anh chị em di dân qua những dấu chỉ hữu hình của Lòng Thương Xót: những cách thế vừa mang dấu ấn vừa diễn tả sự gần gũi và nhạy cảm của Hội thánh dành cho anh chị em di dân;
– Gây ý thức cho cộng đoàn đức tin về hiện tượng di dân hiện nay vốn vừa mang lại những hệ quả tích cực nhưng đồng thời cũng đối mặt với nhiều hiểm nguy và rủi ro;
– Trở thành cơ hội chuyển tải thông điệp của Đức Thánh Cha về Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn 2016;
– Việc cử hành không chỉ đơn thuần là một biến cố trong ngày nhưng trở thành cơ hội hình thành những kế hoạch thiết thực cho anh chị em di dân trong Năm của Lòng Thương Xót.
Để chuẩn bị cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót và Năm Tân Phúc-Âm-Hoá đời sống xã hội 2016, Hội thánh Việt Nam, Hội đồng Giám mục đã quyết tâm đồng hành với anh chị em di dân cách cụ thể hơn qua việc ủy thác cho Ủy ban Mục vụ Di dân nghiên cứu tình hình và soạn thảo “Hướng dẫn mục vụ di dân” để “tất cả chúng ta có một đường lối chung trong việc phục vụ anh chị em di dân” và “giúp họ hội nhập vào đời sống của cộng đoàn giáo hội địa phương” nhằm “trở nên những thành viên tích cực trong việc xây dựng Giáo hội”.[4]
Câu hỏi thảo luận
1. Cộng đoàn giáo xứ, giáo họ của anh chị em có đón nhận những anh chị em di dân, hay tị nạn, nhập cư vì nhiều lý do khác nhau, như về kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo, không? Cộng đoàn của anh chị em có thường xuyên vắng bóng nhiều người trẻ phải ra đi xa quê và xa gia đình không, và điều đó có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của cộng đoàn hiện tại không?
2. Cộng đoàn của nơi tiếp đón có tiếp đón và giúp anh chị em tạm cư, nhập cư hội nhập đời sống Hội thánh địa phương cách tích cực và hài hòa không? Có xem họ là hồng ân Chúa gửi đến cho Hội thánh địa phương mình không?
3. Cộng đoàn của nơi anh chị em ra đi có chuẩn bị từ xa, và gần cho những anh chị em di dân vì kinh tế, chính trị xã hội, học tập,… trở thành những chiến sĩ loan báo Tin mừng không?
––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
[1] Cf. AA 4.
[2] AA 6.
[3] HĐGMVN, Thư Mục Vụ 2014, số 4.
[4] x. HĐGMVN, Thư gửi cộng đồng Dân Chúa, 2015, số 6.


Lm Luy Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/goi-y-muc-vu-cho-nam-tan-phuc-am-hoa-doi-song-giao-xu-va-cong-doan-de-tai-12/7399.36.17.aspx

Tài Liệu Làm Việc và Bản Tường Trình Sau Cùng của Thượng Hội Đồng



Bản Tường Trình Sau Cùng của Thượng Hội Đồng năm 2015, được các nghị phụ chấp thuận chiều thứ Bẩy 24 tháng Mười, 2015, là một cải thiện đồ xộ và đầy khích lệ so với Tài Liệu Làm Việc vốn được dùng làm cơ sở cho các cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng. Sự khác nhau rất lớn giữa hai bản văn đã minh tả con đường Thượng Hội Đồng theo trong ba tuần lễ vừa qua quả là hữu hiệu.


Các điểm khác nhau đáng kể và các cải thiện đáng lưu ý

Trĩu nặng bởi xã hội học, mà lại là thứ xã hội học chẳng hay ho bao nhiêu, Tài Liệu Làm Việc, ở một số không ít điểm, khó được nhận diện như một tài liệu của Giáo Hội. Bản Tường Trình Sau Cùng rõ ràng là một bản văn của Giáo Hội, một sản phẩm của việc Giáo Hội suy gẫm về Lời Thiên Chúa, hiểu như lăng kính qua đó, Giáo Hội giải thích trải nghiệm hiện thời của mình.

Tài Liệu Làm Việc làm biếng “ăn” Thánh Kinh. Bản Tường Trình Sau Cùng rất phong phú về Thánh Kinh, thậm chí còn hùng biện nữa, rất xứng hợp là một cuộc hội họp Thượng Hội Đồng nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc Công Đồng Vatican II và Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa, Dei Verbum.

Có lúc, Tài Liệu Làm Việc xem ra gần như bối rối đối với tín lý lâu đời của Giáo Hội về tính bất khả tiêu của hôn nhân, về các điều kiện cần thiết để rước lễ cách xứng đáng, và về các nhân đức trong sạch và trung thành. Bản Tường Trình Sau Cùng tái khẳng định các tín lý của Giáo Hội về hôn nhân, rước lễ, và khả thể sống một cách hợp nhân đức trong thế giới hậu hiện đại. Và nó làm thế không hề cãi bướng, ngay cả lúc nó kêu gọi Giáo Hội phải công bố hữu hiệu hơn các chân lý nó mang theo như là di sản tiếp nhận được từ chính Chúa Giêsu, và phải chăm sóc mục vụ sốt sắng hơn đối với những người đang sống trong các hoàn cảnh hôn nhân và gia đình khó khăn.

Tài Liệu Làm Việc gần như im lặng về hồng phúc con cái. Bản Tường Trình Sau Cùng mô tả con cái như là một trong các hồng phúc lớn lao nhất, ca ngợi các gia đình lớn, thận trọng coi nặng các trẻ em có nhu cầu đặc biệt, và đề cao các chứng tá của các cặp vợ chồng hạnh phúc, đông con và của con cái họ trong vai trò tác nhân của phúc âm hóa.

Tài Liệu Làm Việc biến lương tâm và vai trò của nó trong đời sống luân lý thành một món thịt băm. Bản Tường Trình Sau Cùng thực hiện một việc tốt hơn nhiều là giải thích cái hiểu của Giáo Hội về lương tâm và mối liên hệ của nó với sự thật, bác bỏ ý niệm coi lương tâm như một thứ khả năng thả nổi của ý chí hành xử tương đương như quân bài “Tự Do Ra Khỏi Nhà Tù”.

Tài Liệu Làm Việc đầy những hàm hồ về thực hành mục vụ và mối liên hệ của nó với tín lý. Bản Tường Trình Sau Cùng, dù không hẳn là không có một số hàm hồ, nhưng nói rõ rằng việc chăm sóc mục vụ phải bắt đầu từ đáy cam kết lên tới giáo huấn lâu đời của Giáo Hội, và thực sự không hề có những điều như “Đạo Công Giáo theo giải pháp địa phương” cả trong các giải pháp vùng/quốc gia đối với các thách đố lẫn các giải pháp của từng giáo xứ. Giáo Hội vẫn mãi là Giáo Hội duy nhất.

Tài Liệu Làm Việc cũng gần như hàm hồ trong việc mô tả “gia đình”. Bản Tường Trình Sau Cùng nhấn mạnh rằng không hề có loại suy thích đáng nào giữa cái hiểu Công Giáo về “hôn nhân” và “gia đình” và các sắp xếp xã hội khác, bất kể tư cách luật pháp của chúng.

Trong Tài Liệu Làm Việc, lòng thương xót và sự thật dường như đôi khi căng thẳng với nhau. Bản Tường Trình Sau Cùng thì được khai triển về thần học nhiều hơn khi liên kết lòng thương xót và sự thật trong Thiên Chúa, nên chúng không thể tách biệt nhau trong tín lý và thực hành của Giáo Hội.

Tài Liệu Làm Việc kém cả về phương diện văn chương, đọc khó hiểu. Bản Tường Trình Sau Cùng khá hùng biện ở một số điểm, làm đời sống người đọc thêm phong phú, dù họ không đồng ý với một số cách phát biểu nào đó.

Tóm lại, Bản Tường Trình Sau Cùng, dù có một số khuyết điểm, đã đi rất xa, vượt quá Tài Liệu Làm Việc rất xa, thực hiện được điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô và nhiều nghị phụ Thượng Hội Đồng muốn Thượng Hội Đồng thực hiện: đề cao và cử hành viễn kiến Công Giáo về hôn nhân và gia đình làm câu trả lời đầy soi sáng cho cuộc khủng hoảng của những định chế này trong thế kỷ 21.

Những đoạn liên quan tới các người ly dị tái hôn và đồng tính

Trên đây là phân tích của George Weigel. Đối với ký giả Rocco Palmo, Thượng Hội Đồng đã kết thúc với việc thông qua trọn vẹn, từng đoạn, Bản Tường Trình Sau Cùng gồm 94 điều. Nhưng với số 177 phiếu cần để đạt đa số tuyệt đối cho từng đoạn, điều đáng lưu ý là ba đoạn sít sao đạt đa số tuyệt đối ấy chính là ba đoạn nói về những người ly dị tái hôn, nhất là việc cho phép họ lãnh các bí tích, và những người đồng tính luyến ái.

Trong số ba đoạn trên, đoạn 85, tức đoạn nói tới việc “biện phân mục vụ… có tính đến lương tâm đã được đào tạo của người ta”, chỉ đạt được 178 phiếu thuận, hơn đa số tuyệt đối có 1 phiếu, với 80 phiếu chống. Đoạn sau, tức đoạn nói tới việc bàn hỏi với một linh mục “ở tòa trong” để tìm ra “một phán đoán đúng đối với việc điều gì ngăn trở người ly dị tái hôn không được tham dự đầy đủ vào đời sống Giáo Hội” thì đạt được số phiếu 190 thuận / 64 chống.

Còn đoạn về người đồng tính luyến ái thì nói đến việc phải “đặc biệt chú ý tới việc đồng hành với các gia đình có người có khuynh hướng đồng tính” và nhân danh Giáo Hội, tái khẳng định rằng “mọi người, bất luận xu hướng tính dục, phải được tôn trọng vì phẩm giá của họ và được chào đón với lòng kính trọng”, trong khi vẫn duy trì ngôn ngữ năm 2003 của Bộ Tín Lý là ngôn ngữ dạy rằng “không hề có bất cứ nền tảng nào để bao gồm hay thiết lập một giá trị tương đương” giữa các cuộc kết hợp đồng tính và “phương án của Thiên Chúa về gia đình”. Đoạn này được thông qua với số phiếu 221 thuận / 37 chống.

Cũng nên biết Bản Tường Trình Sau Cùng đã được ủy ban soạn thảo gồm 10 vị giáo phẩm với những quan điểm dị biệt nhất trí thông qua một cách “không dè dặt” trước khi được đưa ra phiên khoáng đại của Thượng Hội Đồng.

Một điều cũng đáng lưu ý: Đức Giáo Hoàng Phanxicô chưa cho biết ý định của ngài đối với Bản Tường Trình Sau Cùng nay đã trở thành Bản Tường Trình của Thượng Hội Đồng. Nhưng trong bài diễn văn cuối cùng của ngài tại Phòng Hội của định chế này, ngài có kín đáo lồng vào một ghi chú thật dài (ghi chú số 8) cho biết quan điểm của ngài về chữ “Gia Đình”. Dùng các vần đầu (acrostic) của chữ tiếng Ý FAMIGLIA (gia đình), ngài viết:

“ Nhìn những vần đầu của chữ FAMIGLIA, ta có thể tóm lược được sứ mệnh của Giáo Hội như là bổn phận phải: Đào tạo (Forming) các thế hệ mới để họ cảm nghiệm được tình yêu một cách nghiêm túc, không phải như một tìm kiếm khoái lạc có tính cá nhân chủ nghĩa để rồi vứt bỏ đi, nhưng để một lần nữa tin vào tình yêu chân thực, sinh hoa trái và lâu bền như phương cách duy nhất thoát ra khỏi mình và cởi mở đón chào người khác, để lại sau lưng sự cô đơn, sống theo Thánh Ý Thiên Chúa, tìm được thành toàn, hiểu ra rằng hôn nhân là 'một cảm nghiệm mặc khải tình yêu Thiên Chúa, bảo vệ tính thánh thiêng của sự sống, của mọi sự sống, bảo vệ tính duy nhất và tính bất khả tiêu của sợi dây hôn phối như là dấu chỉ ơn thánh Chúa và khả năng con người có thể yêu thương nghiêm túc' (Bài giảng Thánh Lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng, 4 tháng Mười, 2015: L’Osservatore Romano, 5-6 tháng Mười 2015, tr. 7) và, hơn nữa, thăng tiến việc chuẩn bị hôn nhân như là phương thế cung cấp một cái hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa Kitô Giáo của bí tích hôn phối; Tiếp cận (Approaching) người khác, vì một Giáo Hội tự khép kín vào mình là một Giáo Hội chết, một Giáo Hội không để tường hào của mình lại phía sau để đi tìm, để ôm ấp và dẫn người khác tới với Chúa Kitô là một Giáo Hội phản bội chính sứ mệnh và ơn gọi của mình; Biểu lộ (Manifesting) và đem lòng thương xót của Thiên Chúa tới các gia đình đang cần tới; tới những người bị bỏ rơi, tới người già cả bị làm ngơ, tới các trẻ em đau khổ vì cha mẹ chia ly, tới các gia đình nghèo đang chật vật để sinh tồn, tới những người có tội đang gõ cửa nhà ta và những người thật xa mà tới, tới những người có khả năng cách khác (khuyết tật), tới tất cả những người đang mang thương tích trong linh hồn và ngoài thể xác, và tới những cặp vợ chồng đang tan nát vì sầu khổ, bệnh hoạn, chết chóc hay bách hại; Soi sáng (Illuminating) các lương tâm thường bị tấn công bởi những lực lượng có hại và tinh tế dám mưu toan thay thế Thiên Chúa Hóa Công, những lực lượng nhất thiết phải bị lột mặt nạ và chống cự trong khi vẫn tôn trọng phẩm giá mỗi người; Thu lượm (Gaining) và khiêm cung xây dựng lại lòng tin tưởng vào Giáo Hội, một lòng tin tưởng bị làm yếu đi rất nhiều vì tác phong và tội lỗi của con cái Giáo Hội, đáng buồn thay, tính phản chứng tá của các tai tiếng do một số giáo sĩ phạm trong Giáo Hội đã phá hoại tính khả tín và làm lu mờ vẻ sáng lạn trong các sứ điệp cứu rỗi của Giáo Hội; Lao công (Labouring) cách nhiệt tình để nâng đỡ và khích lệ nhiều gia đình mạnh mẽ và trung thành dù giữa các lao đao hàng ngày vẫn tiếp tục làm chứng lớn lao cho lòng trung thành đối với giáo huấn của Giáo Hội và các giới răn của Thiên Chúa; Sáng chế (Inventing) ra các chương trình đổi mới để chăm sóc gia đình đặt căn bản trên Tin Mừng và tôn trọng các dị biệt văn hóa, một chăm sóc mục vụ có khả năng thông truyền Tin Mừng một cách lôi cuốn và tích cực, giúp loại bỏ khỏi tâm hồn giới trẻ sự sợ hãi không dám thực hiện các cam kết dứt khoát, một chăm sóc mục vụ biết lưu ý cách đặc biệt tới trẻ em đang là nạn nhân thực sự của các gia đình đổ vỡ, một chăm sóc mục vụ biết canh tân và cung cấp được một sự chuẩn bị thích đáng để lãnh nhận bí tích hôn phối, hơn là có quá nhiều chương trình mà xem ra chỉ có hình thức hơn là huấn luyện để người ta cam kết suốt đời; Nhắm (Aiming) việc yêu thương vô điều kiện mọi gia đình, nhất là các gia đình đang trải nghiệm khó khăn, vì không gia đình nào nên cảm thấy mình cô đơn hay bị loại ra ngoài vòng tay yêu thương của Giáo Hội, và tai tiếng đích thực chính là nỗi sợ đối với tình yêu và không dám biểu lộ tình yêu ấy một cách cụ thể".

Các giám mục Đức và ba đoạn nói về ly dị tái hôn

Nói gì thì nói, điều rõ ràng là: không như Thượng Hội Đồng năm 2014, tất cả các điều khoản của bản dự thảo Tường Trình Sau Cùng do Ủy Ban Soạn Thảo của Thượng Hội Đồng năm 2015 đã được đa số tuyệt đối thông qua trọn vẹn.

Tuy nhiên, các điều nói về người ly dị tái hôn trong Bản Tường Trình Sau Cùng vẫn tiếp tục được bàn tán, ít nhất cho tới lúc nó được lồng vào hay bị loại bỏ dứt khoát hoặc được sửa đổi đáng kể bởi tông huấn hậu Thượng Hội Đồng của Đức Phanxicô trong Năm Thương Xót.

Thực vậy, theo George Weigel, chỉ trong vòng 90 phút sau khi Kinh Te Deum được hát lên trong ngày cuối cùng của Thượng Hội Đồng năm 2015, tranh cãi đã vỡ ra liên quan tới ý nghĩa của ba đoạn 84-86, ba đoạn có số phiếu chống cao nhất: 187/72, 178/80, 190/64, tuy không đủ 1/3 tổng số phiếu bầu để loại chúng ra khỏi Bản Tường Trình Sau Cùng.

Sau khi ba đoạn này được các nghị phụ Thượng Hội Đồng xem xét lần đầu tiên vào đêm thứ Năm, hàng tá tu chính đã được đề nghị. Nhiều tu chính đề nghị loại bỏ một, hai hay cả ba đoạn này vì bị coi là hàm hồ. Khoảng 20 gợi ý tương tự cũng đã được đưa ra tại phiên khoáng đại sáng thứ Sáu. Tất cả các đề nghị này đều không được ủy ban soạn thảo chấp thuận, nhưng ủy ban có lồng vào một chi tiết chủ yếu mà chúng tôi sẽ nhắc ở dưới đây.

Sau đây là bản dịch ba đoạn này, dựa vào bản tiếng Anh của George Weigel, nói là căn cứ vào bản gốc tiếng Ý của Phòng Báo Chí Tòa Thánh:

84. Những người đã rửa tội ly dị và tái hôn dân sự nên được hội nhập nhiều hơn vào các cộng đồng Kitô Giáo theo nhiều cách khác nhau bao nhiêu có thể, tránh mọi dịp gây gương xấu. Luận lý học của việc hội nhập này là chìa khóa cho việc đồng hành mục vụ với họ, không những để họ thấy họ vẫn thuộc về Nhiệm Thể Chúa Kitô là Giáo Hội, mà còn để họ có được một cảm nghiệm hân hoan và sinh hoa trái trong Nhiệm Thể ấy. Họ là người đã rửa tội, họ là anh chị em, các ơn phúc và đặc sủng của Chúa Thánh Thần tuôn vào trong họ vì lợi ích của mọi người. Sự tham dự của họ có thể được phát biểu trong nhiều việc phục vụ khác nhau trong Giáo Hội: nên Giáo Hội phải biện phân xem các hình thức nào trong số các hình thức loại trừ đang được áp dụng trong sinh hoạt phụng vụ, mục vụ, giáo dục và định chế có thể được bỏ qua. Không những họ không nên tự coi mình như bị tuyệt thông, mà họ còn cần được sống và lớn mạnh như các chi thể sống động của Giáo Hội, cảm nghiệm Giáo Hội như mẹ hiền cũng đang đồng hành với họ, săn sóc họ một cách âu yếm, và khích lệ họ trên đường đời và đường Tin Mừng.

Việc hội nhập này cũng cần thiết đối với việc săn sóc và giáo dục con cái họ, vốn là quan tâm quan trọng nhất. Đối với cộng đồng Kitô Giáo, săn sóc những người này không làm suy yếu đức tin của Giáo Hội và chứng tá của Giáo Hội đối với tính bất khả tiêu của hôn nhân; đúng hơn, trong việc săn sóc này, Giáo Hội nói lên tình bác ái của mình cách thích đáng.

85. Thánh Gioan Phaolô II đã cho ta một tiêu chuẩn toàn bộ sẽ vẫn là căn bản cho việc đánh giá các hoàn cảnh này: “Các mục tử phải biết rằng, vì lợi ích của sự thật, các ngài buộc phải thi hành việc biện phân các hoàn cảnh một cách thận trọng. Thực vậy, có sự khác nhau giữa những người thành thực cố gắng muốn cứu cuộc hôn nhân thứ nhất của họ và bị bỏ rơi một cách bất công, và những người, qua lỗi lầm nặng nề của mình, đã hủy diệt một cuộc hôn nhân thành sự theo giáo luật. Sau cùng, có những người bước vào cuộc kết hợp thứ hai vì lợi ích dưỡng dục con cái, và những người, về phương diện chủ quan, đôi khi chắc chắn trong lương tâm rằng cuộc hôn nhân trước và đã bị huỷ diệt một cách vô phương cứu chữa chưa bao giờ thành sự cả” [Familiaris Consortio 84]. Bởi thế, bổn phận của các linh mục là đồng hành với những người liên hệ trên con đường biện phân phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội và sự hướng dẫn của vị giám mục. Trong diễn trình này, điều hữu ích là thi hành việc xét lương tâm trong những thời khắc suy gẫm và thống hối. Người ly dị và tái hôn phải tự hỏi mình xem mình đã cư xử ra sao với con cái khi cuộc khủng hoảng bắt đầu xẩy ra với cuộc hôn nhân đầu; họ có thực hiện các cố gắng hòa giải hay không; tình huống người bạn đời bị bỏ rơi ra sao; các hậu quả của mối liên hệ mới như thế nào đối với những người khác trong gia đình và đối với cộng đồng tín hữu; và mẫu gương nào đã được dành cho các người trẻ đang chuẩn bị hôn nhân. Một suy gẫm thành thực có thể tăng cường niềm tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, một lòng thương xót không bị từ khước cho bất cứ ai.

Ngoài ra, điều không thể chối cãi được là: trong một số hoàn cảnh, “Việc quy lỗi và trách nhiệm về một hành động có thể được giảm bớt hay xóa bỏ” [Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 1735] do nhiều điều kiện khác nhau. Thành thử, phán kết về một hoàn cảnh khách quan không nhất thiết dẫn tới một phán kết để “qui lỗi chủ quan” [Ủy Ban Giáo Hoàng về Các Bản Văn Luật Pháp, Tuyên Bố ngày 24 tháng Sáu, năm 2000, số 2a].

Trong một số hoàn cảnh, người ta rất khó có thể hành động khác đi. Cho nên, dù vẫn duy trì qui luật tổng quát, nhưng cần phải thừa nhận rằng trách nhiệm đối với một hành động hay một quyết đình nào đó không như nhau trong mọi trường hợp. Dù vẫn phải lưu ý tới việc đào tạo lương tâm thích đáng nơi người ta, nhưng việc đồng hành mục vụ phải dự liệu các hoàn cảnh này. Hậu quả của các hành vi không nhất thiết phải như nhau trong mọi trường hợp.

86. Diễn trình đồng hành và biện phân sẽ hướng dẫn các tín hữu này tới việc xét lương tâm đối với hoàn cảnh của họ trước mặt Thiên Chúa. Đàm đạo với một linh mục ở tòa trong sẽ góp phần vào việc đào tạo một phán đoán đúng về điều hiện đang ngăn cản khả thể được sống trọn vẹn hơn trong Giáo Hội và về các biện pháp có thể gây thuận lợi và phát huy việc phát triển này. Xét vì không hề có sự tiệm tiến trong lề luật [Familiaris Consortio số 34], việc biện phân này không thể nào không xét tới các đòi hỏi của Tin Mừng về chân lý và bác ái được Giáo Hội đề nghị. Để việc này có thể diễn ra, các điều kiện cần thiết về khiêm nhường, thận trọng, và kính yêu Giáo Hội và giáo huấn Giáo Hội phải được bảo đảm, trong việc thành thực tìm kiếm thánh ý Chúa và trong ước nguyện đạt tới một đáp trả hoàn thiện hơn đối với thánh ý này.

Một số nhận xét về ba đoạn nói về ly dị tái hôn

1. Khả thể rước lễ của những người ly dị và tái hôn dân sự không được nhắc tới trong ba đoạn trên cũng như trong toàn bộ Bản Tường Trình Sau Cùng.

2. Câu được in ngả và đậm trong đoạn 85 trên đây đã được lồng vào dự thảo soạn lại của Bản Tường Trình Sau Cùng sau khi đoạn này bị các nghị phụ chỉ trích, để xác nhận rằng giáo huấn của Giáo Hội về tính bất khả tiêu của hôn nhân, và sự xứng đáng để được rước lễ, vẫn phải là nền tảng để từ đó việc đồng hành mục vụ và biện phân có thể diễn tiến. Cấu trúc của toàn câu này minh xác và nên minh xác rằng việc hướng dẫn mục vụ của vị giám mục (và nói rộng ra, việc làm của các linh mục) có trách nhiệm phải lưu ý tới giáo huấn nền tảng và lâu đời này.

3. Giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II trong Familiaris Consortio số 84 là tiêu chuẩn có hiệu lực và toàn diện trong các hoàn cảnh cảnh mục vụ khó khăn và tế nhị này. Trong các sửa đổi (modi) đệ nạp sáng thứ Sáu, có đề nghị cho rằng trọn số 84 của Familiaris Consortio được trích dẫn đầy đủ trong Bản Tường Trình Sau Cùng; mọi hàm hồ đáng lẽ đã không còn nếu các sửa đổi này được chấp thuận. Nhưng nếu Familiaris Consortio số 84 quả thực là “tiêu chuẩn toàn diện” cho việc biện phân mục vụ và thiêng liêng trong các tình huống này, thì tính toàn diện này chắc chắn phải phải bao gồm cả mấy câu sau, vốn được viết liền ngay sau những câu được trích dẫn ở số 85 trên đây: “Tuy nhiên, Giáo Hội tái xác nhận thực hành của mình, một thực hành đặt căn bản trên Thánh Kinh, là không cho phép những người ly dị và tái hôn rước lễ. Họ không thể được phép như thế do sự kiện trạng thái và điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với sự kết hợp tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội vốn được biểu hiện và được thể hiện bởi Phép Thánh Thể. Ngoài ra, còn một lý do mục vụ đặc biệt khác nữa: nếu những người này được phép rước lễ, các tín hữu sẽ bị dẫn vào sai lầm và lẫn lộn đối với giáo huấn của Giáo Hội về tính bất khả tiêu của hôn nhân”.

4. Trong ba doạn trên và trong cả toàn bộ Bản Tường Trình Sau Cùng, không thấy gợi ý nào về việc “tín lý” có thể tách biệt khỏi “thực hành” trong vấn đề xứng đáng được rước lễ của những người ly dị và tái hôn dân sự.

5. Đề Xuất Kasper không xuất hiện trong ba đoạn trên hay trong Bản Tường Trình Sau Cùng vì các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã dứt khoát bác bỏ nó.

6. Bản Tường Trình Sau Cùng không ủng hộ “giải pháp Công Giáo Địa Phương” tức việc tản quyền trong các vấn đề này cho các hội đồng giám mục miền hay quốc gia hay cho các giám mục hoặc mục tử địa phương.

7. Bản Tường Trình Sau Cùng minh xác rằng “lương tâm”, hiểu cách đúng đắn, là một lương tâm được đào tạo đứng đắn, nghĩa là đào tạo trong và bởi sự thật; điều này có nghĩa: “lương tâm” không phải chỉ nói lên ý chí của một người. Lời tuyên bố về lương tâm tại các số 84-86 cần được đọc dưới sự soi sáng của điều vừa nói.

Tuy không như một số giới truyền thông cho rằng ba đoạn trên đã ngầm thừa nhận đề xuất của Đức Hồng Y Kasper, nhưng ít nhất ba đoạn đó nghiêng về phía quan điểm của các vị giám mục nói tiếng Đức.

Thực vậy, đọc kỹ bản tường trình phần thứ ba của họ (xem http://www.vietcatholic.net/News/Html/147851.htm), ta thấy cung giọng của nó gần như hoàn toàn được phản ảnh trong ba đoạn trên, kể cả cung cách trích dẫn, mà nhiều người cho là mập mờ, số 84 Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Familiaris consortio của Đức Gioan Phaolô II. Các luận điểm bênh vực giải pháp, cũng bị nhiều người cho là không rõ ràng, của cả hai bản đều có những điểm tương tự như nhau. Tinh thần hòa giải, thỏa hiệp để đạt đồng thuận hay nhất trí quả đã bàng bạc trong cả hai bản văn, ít nhất trong các đoạn nói về người ly dị và tái hôn dân sự.

Theo George Weigel, ngôn ngữ trong ba đoạn trên đôi lúc mập mờ, nhất là đối với những người cố ý muốn có sự mập mờ. Nhưng cứ luận lý học mà xét, thì đã trích Familiaris Consortio 84, người ta buộc phải chấp nhận trọn nội dung của nó. Và nếu như thế, thì ba đoạn trên không hẳn không tương hợp với tín lý cổ điển và kỷ luật bí tích hiện hành của Giáo Hội; thậm chí nó còn tăng cường tín lý và kỷ luật này khi thẳng thừng quả quyết rằng giáo huấn của Giáo Hội là nền tảng để từ đó việc đồng hành mục vụ chân thực có thể diễn ra.

Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/147876.htm