Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

Tin Mừng Chúa nhật lễ Thánh Gia - Năm C

30-12-2018-–-chua-nhat-le-thanh-gia-nam-c

Phúc Âm: Lc 2, 41-52
"Hai Ông Bà gặp Chúa Giêsu đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.

Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.

Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con". Người thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.

Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.

Gợi ý mục vụ năm 2019: Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn

Gợi ý mục vụ năm 2019: Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn
Năm 2019, Hội Thánh tại Việt Nam - theo định hướng mục vụ Hội đồng Giám mục đã đề ra trong Thư Chung 2016 - giữa những mối quan tâm mục vụ sẽ quan tâm cách đặc biệt đến việc “Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn”. Các Đức Giám mục của chúng ta, cách riêng, nêu ra ba loại đối tượng phạm trù: các gia đình di dân, các gia đình của các cặp hôn phối khác tôn giáo/tín ngưỡng, và các “gia đình” li thân, li dị tái hôn. Để Hội thánh thể hiện một sức bật mục vụ có tính tập trung, chúng tôi đề nghị điểm nhấn mục vụ chi tiết và cụ thể hơn theo thời gian của năm mục vụ tới:
Giai đoạn 1 (từ tháng 12/2018 – 3/2019): đồng hành với các gia đình di dân;
Giai đoạn 2 (từ tháng 4 – tháng 7/2019): đồng hành với gia đình các cặp hôn nhân khác đạo;
Giai đoạn 3 (từ tháng 8 – tháng 11/2019): đồng hành với các “gia đình” li thân, li dị tái hôn.

Chúng ta thiếu điều thiết yếu của mục vụ

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong các Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình 2014 và 2015 vừa qua, khi nói về việc Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn đã có nhận xét về sự khiếm khuyết này trong thực hành của Giáo hội hiện nay: “Những phúc đáp của cuộc tham vấn đã thực hiện cho thấy rằng trong các hoàn cảnh khó khăn hoặc nguy kịch phần đông người ta không nhờ đến các trợ giúp của mục vụ đồng hành, vì họ không cảm thấy được sự thông cảm, gần gũi, hay không thực tế, cụ thểBởi vậy, giờ đây chúng ta  nên tìm cách tiếp cận với các cuộc khủng hoảng hôn nhân bằng một cái nhìn nhạy cảm hơn với những gánh nặng của đau đớn và thống khổ họ phải chịu” (Amoris laetitia, 234).
Trong thực tế các gia đình trong những lúc khó khăn, khốn khổ, chênh vênh không cảm thấy được Hội thánh quan tâm, giúp đỡ, họ cảm thấy cô đơn, và càng ngày càng rời xa Giáo hội. Hướng tới một viễn tượng Mục vụ Đồng hành có nghĩa là bắt đầu một cuộc hoán cải mục vụ, mà để đồng hành thực sự hiệu quả chúng ta cần thời gian, cần kiên trì, và hành động thực tế. Chương trình Mục vụ này cần phải được phác thảo cho tốt và đi đến chạm tới đời sống của người ta. Đức Thánh Cha Phanxicô xác định Đồng hành là tiêu chuẩn trọng tâm của Mục vụ gia đình, ngài nói:
“Hội Thánh muốn đến với các gia đình trong sự cảm thông khiêm tốn, và ước muốn của Hội thánh là “đồng hành với mỗi gia đình và mọi gia đình để họ có thể khám phá ra cách tốt nhất để vượt qua những khó khăn mà họ gặp phải trên hành trình của họ”[1]. Không phải chỉ đưa vào các kế hoạch mục vụ lớn lao với mối bận tâm chung chung đối với gia đình là đủ. Để các gia đình có thể mỗi lúc một trở nên là chủ thể tích cực của mục vụ gia đình hơn nữađòi hỏi ta phải có “một nỗ lực loan báo Tin mừng và huấn giáo hướng vào trong chính gia đình”[2], theo định hướng này” (AL 200).

Đồng hành là gì?

Đồng hành là việc Hội thánh khởi đầu đến với con cái mình để thiết lập một mối quan hệ bền vững và ngày càng tiến triển. Đồng hành không nhằm giải quyết tức thời các vấn đề cuộc sống, ngược lại, Hội thánh ý thức cần có thời gian và kiên nhẫn giúp người ta, cách riêng những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn hoặc “trái qui tắc”, được lớn lên đến mức trưởng thành trong tình yêu đích thật. Không để họ cô đơn lạc lõng, dưới ánh sáng Lời Chúa Hội thánh giúp phân định mục vụ để nhận ra sự thật của con người trong hoàn cảnh thực tế hiện tại còn xa với sự thật của tình yêu như Chúa muốn. Mục vụ Đồng hành cần giúp nhìn sâu vào hoàn cảnh thực tế, cả trong những trường hợp rất chông chênh, hoặc đã đổ vỡ, và ý thức luật tiệm tiến là tiêu chuẩn căn bản của sự phân định và sẽ không thực hành được nếu không có sự đồng hành. “Vấn đề là một lộ trình đồng hành và phân định nhằm hướng dẫn các tín hữu này đi đến ý thức về tình trạng của họ trước mặt Thiên Chúa” (AL 300). Chìa khóa của sự phân định này là sự thật của dây hôn phối, như là diễn tả đầu tiên của Lòng Thương Xót, được Tông huấn Amoris laetitia xem như là tiêu chuẩn căn bản (AL 211). Sau cùng, Hội thánh giúp các cá nhân tín hữu và gia đình họ hội nhập cách hài hòa trọn vẹn vào Thân Mình Đức Kitô toàn thể, tức là Gia đình Hội thánh. Hội nhập hoàn toàn, vào mốihiệp thông hội thánh, là mục đích sau cùng của Đồng hành. Hội nhập dựa trên cơ sở của bí tích Rửa tội như ơn huệ khởi đầu chung và hiệp thông Thánh Thể như là mục đích sau cùng của toàn thể tiến trình Đồng hành.
Từ đó, có thể gợi lên những đề tài suy tư mục vụ cho năm 2019 tập trung vào những hành động mục vụ trong Đồng hành, thể hiện qua các từ khóa sau đây: ĐỒNG HÀNH – PHÂN ĐỊNH – HỘI NHẬP, như sau:
1.      Chúa Giêsu dạy chúng ta đồng hành
2.      Gia đình là nơi đồng hành đầu tiên
3.      Qui luật của đồng hành: sự tiệm tiến theo thời gian
4.      Đồng hành với các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn
5.      Các bước của lộ trình đồng hành
6.      Phân định để làm gì?
7.      Cách thức phân định
8.      Phân định cái gì?
9.      Hội nhập: trở về để hiệp thông trọn vẹn
10.  Chăm sóc những thương tích cản trở ta tham dự trọn vẹn
11.  Làm thế nào để khích lệ những người li dị tiến bước trên đường hướng về tham dự trọn vẹn?
12.  Hội nhập: xây nhà trên đá. Tiếp cận mục vụ toàn diện.
Ủy ban Mục vụ Gia Đình
 [1] Relatio Finalis (RF) 2015, 56.

Cha mẹ ơi, xin cho con được sống!


Nếu gõ cụm từ “phá thai” trong Google, người ta dễ dàng thấy hàng triệu kết quả liên quan đến vấn nạn này bằng Tiếng Việt. Có cái nhìn chống đối lẫn đồng thuận. Người phò sự sống thì cho rằng phá thai là đi ngược lại với giá trị nhân bản của con người. Số khác lại đồng ý với việc phá thai vì cho rằng nó có thể giải quyết được nhiều hệ quả đau lòng. Giữa những cuộc tranh luận xôn xao ấy, con số ca nạo phá thai vẫn gia tăng mỗi ngày tại Việt Nam mà số liệu dễ dàng được tìm thấy trên Internet.

Mới đây một số bạn trẻ phát động một chiến dịch “Mẹ ơi! Đừng giết con!” với mong muốn pháp luật can thiệp không cho phá thai một cách vô tội vạ. Tuy với ý hướng tốt lành: cứu những thai nhi vô tội, họ vẫn bị cộng đồng mạng “ném đá” và dường như ước nguyện ấy chưa thể thực hiện. Những luồng ý kiến ấy đủ cho thấy phá thai luôn là vấn đề phức tạp hơn người ta tưởng. Phức tạp vì tùy góc nhìn mà người ta đưa ra quan điểm ủng hộ hay phản đối.

Trước hết chúng ta hẳn đồng ý với nhau về một nền tảng chung của con người là: Chúng ta yêu mến sự sống. Đó là giá trị tự nhiên của mỗi người khi được hiện hữu trên mặt đất này. Tiếng nói lương tâm trong bản tính con người luôn vang vọng thứ âm thanh yêu mến sự sống ấy. Nó thường nhắc cho con người: đừng gây tổn hại cho chính mình và người khác. Nếu là một người tốt, chắc hẳn phá thai luôn là một điều gì đó tàn nhẫn bạo tàn. Thương tâm có thể xảy đến cho chính bản thân của người cha, người mẹ, và ác tâm với chính bào thai mà người mẹ đang cưu mang. Tôi tin rằng chính người cha người mẹ trước khi phá thai cũng không ít lần lắng nghe được tiếng lương tâm ấy. Họ bị dằn vặt rất nhiều trước khi đưa ra quyết định phá thai. Trong đầu họ luôn có hai luồng ý hướng: phá bỏ hay giữ lại!

Nhiều người thông cảm và chấp nhận hành vi phá thai với nhiều lý do. Trước ý kiến chống đối phong trào trên đây, dường như họ có lý khi cho rằng phá thai không chỉ quy hết lỗi lầm cho người mẹ, nhưng cả người cha và những ai tham gia vào vụ việc này cũng cần nhắc tới. Hơn nữa, việc phá thai dường như chỉ là vấn đề ngọn, đằng sau đó là những vấn đề xã hội cấp thiết cần phải giải quyết: giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản, tiếp cận phương pháp tránh thai an toàn, văn hoá tình dục, chăm sóc sức khoẻ cho thai phụ và trẻ sơ sinh… Những điều cần này tiếc là chưa được quan tâm đúng mức nên hệ quả là phá thai nở rộ như giải pháp cuối cùng.

Một điều đáng ghi nhận là phá thai có thể giúp người mẹ, người cha được “giải thoát” khỏi trách nhiệm với bào thai ngoài ý muốn. Trước áp lực của cộng đồng, gia đình và trước trách nhiệm với đứa con (nếu sinh ra), dường như đó là gánh nặng quá lớn khiến đôi bạn không thể và không dám gánh vác. Trong chiều hướng này, nơi cuốn tự truyện có tên “Người Mẹ Can Đảm” ra mắt hồi tháng 7-2014 ở Bồ Đào Nha, bà Santos tiết lộ từng muốn phá thai khi bà mang thai Cristiano Ronaldo. Thời điểm đó, gia đình bà đang rất nghèo. Sau cùng mẹ của siêu sao bóng đá tâm sự: “Chúa đã không muốn điều đó (phá thai) xảy ra và tôi thật may mắn vì Chúa đã không trừng phạt tôi.”

Thực tế cho thấy phá thai tuy giải quyết được hệ quả trước mắt, nhưng không ít biến chứng từ thể lý cho đến tinh thần để lại nơi người mẹ, người cha. Biết bao chuyện thương tâm mà báo chí thường đưa tin liên quan đến việc các bà mẹ bị tổn thương sau khi phá thai. Nhiều nỗi ám ảnh đáng sợ khi người cha hồi nhớ về đứa con họ loại bỏ. Đó là những di chứng tâm lý mà đương sự thường gặp phải. Tôi tự hỏi trước khi phá thai không biết đương sự có lường trước được những hệ quả về sau không? Chắc là có ít nhiều, nhưng để giải thoát tình cảnh trước mắt, họ vẫn bất chấp.

Nhiều người thường nại đến tình yêu gia đình, mối tình phụ tử, mẫu tử để chống đối việc phá thai. Nếu đặt trong hoàn cảnh của đương sự, nguồn tình yêu ấy dường như phai nhòa, không đủ mạnh để họ can đảm giữ bào thai lại. Tuy nhiên thực tế cũng không ít cha mẹ nhất quyết cho con mình được mở mắt chào đời. Dù họ có thai ngoài ý muốn, dù bào thai có bị thương tật, dù thai phụ đang mắc bệnh, dù gặp nhiều cản trở, nhưng lúc ấy tình yêu ruột thịt, mối tình mẫu tử khiến họ vượt qua tất cả để sinh con ra! Người ta ngả mũ ca ngợi trước quyết định bảo vệ bào thai đến cùng của người cha, người mẹ ấy. Có người cho rằng điều ấy quá lý tưởng đến nỗi chỉ một số người mới làm được. Dẫu sao, tình yêu và mối dây thiêng liêng máu mủ ấy đã giúp biết bao thai nhi được nhìn thấy mặt trời. Khi nghe mẹ Ronaldo kể về chuyện suýt phá thai, CR7 nói đùa với mẹ rằng: “Mẹ đã không muốn sinh con ra. Nhưng giờ mẹ thấy đấy! Con đang có mặt ở đây để giúp đỡ mọi người”. Đó là kết quả hạnh phúc may mắn mà không phải ai cũng có được!

Chắc hẳn mỗi người đều có quyền đưa ra nhận xét, hành động trước vấn nạn phá thai này. Riêng tôi, là con người dường như chúng ta không có quyền xâm phạm đến bất kỳ sự sống nào của chính mình và người khác. Xin đừng quên thai nhi luôn bất lực để bảo vệ chính mình; bào thai chưa thể nói lớn tiếng van xin mọi người đừng giết bỏ chúng. Hy vọng những tiếng nói lương tâm, những giá trị đạo đức, tình yêu và mối dây liên kết giữa người với người, giữa cha với con, giữa mẹ với thai nhi… cho các em được sinh ra trong kiếp này.

Ước mong nhiều người vào cuộc bằng cách này hay cách khác để gióng lên hồi chuông trước nạn phá thai đang gia tăng. Tôi tin lúc ấy chúng ta có thể hiểu nhau hơn, có giải pháp hợp tình, hợp lý hơn. Sự thật và tình yêu sẽ luôn bảo vệ thai nhi, tôi tin như thế, nếu chúng ta chân thành nhìn nhận vấn đề này và cùng nhau xây đắp một nền văn minh tình thương và sự sống. Được như thế, người ta luôn để tâm lắng nghe những tiếng kêu gào ngày đêm của vô số thai nhi: “Cha mẹ ơi, xin cho con được sống!”

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Bắc hàn chúc mừng Giáng sinh các tín hữu Nam hàn

Lễ Giáng sinh tại một nhà thờ ở Seoul
Lễ Giáng sinh tại một nhà thờ ở Seoul  (ANSA)

Các đại diện tôn giáo của 5 tôn giáo “được cho phép” ở Bắc hàn đã gửi một sứ điệp video chúc mừng Giáng sinh đến các Kitô hữu Nam hàn.

Hội đồng tôn giáo Bắc hàn - gồm các tín đồ Phật giáo, Hồi giáo, Đạo giáo, Công giáo và Tin lành - đã cầu xin "hòa bình và thịnh vượng" cho "các anh em nam Hàn" và mời gọi họ "cùng nhau bước đi, chung tay, hướng tới sự thống nhất và hòa bình ".

Hy vọng hòa bình và thống nhất

Sứ điệp video bắt đầu với một loạt các hình ảnh của Thế vận hội mùa đông tại Pyeongchang (Bình xương) và các cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa các lãnh đạo hai miền nam bắc Triều tiên trong năm 2018. Tiếp đó là lời của chủ tịch Hội đồng tôn giáo Kang Ji-young, ông nói: “Tôi muốn gửi những lời chúc bình an trong Giáng sinh này đến các anh chị em Nam hàn. Chúng tôi hy vọng rằng với chúc lành của Chúa Giêsu, chúng tôi sẽ có thể cùng nhau tiến bước tay trong tay hướng đến hòa bình và thống nhất.”

Video được Bộ trưởng thống nhất Seoul chấp thuận và loan truyền cho các đại diện các tôn giáo khác nhau ở Nam hàn.

Bách hại tôn giáo

Tại Bắc hàn, chỉ được phép thờ kính vị lãnh tụ quá cố Kim Jong-Il (Kim Nhật Thành) và cha của ông. Chế độ cộng sản luôn tìm cách ngăn cản sự hiện diện của các tôn giáo, đặc biệt là của các Phật tử và Kitô hữu và đòi các tín hữu phải đăng ký vào các tổ chức do đảng cộng sản kiểm soát. Chính quyền thường xuyên bách hại dữ dội các tín hữu không đăng ký và các nhà truyền giáo. Từ khi chính quyền cộng sản nắm quyền ở Bắc hàn, khoảng 300 ngàn Kitô hữu đã bị sát hại.

Bắc hàn phân dân chúng thành 51 nhóm trong xã hội và những người thực hành đức tin không được chính quyền kiểm soát thuộc vào nhóm thấp nhất, ít có cơ hội học tập, không được nhận trợ cấp lương thực và liên tục là nạn nhân của bạo lực tàn bạo .

Dụng cụ tuyên truyền cho chế độ

Chính quyền Bình nhưỡng tuyên bố nước này có tự do tôn giáo và được hiến pháp quốc gia bảo vệ. Theo số liệu chính thức của chính quyền, tại Bắc hàn có 10 ngàn Phật tử, 10 ngàn tín hữu Tin lành và 4 ngàn tín hữu Công giáo; đây là số tín hữu đăng ký trong các hiệp hội được nhìn nhận.

Trong những năm 1980, tại Bình nhưỡng chỉ có 2 nhà thờ Tin lành và một nhà thờ Công giáo được xây dựng. Năm 2006, chính quyền Bắc hàn cho phép xây một nhà thờ Chính thống.

Theo một số nhân chứng đã có cơ hội thăm các nhà thờ này, thì tại các nhà thờ này chỉ quảng cáo cho chế độ: những “linh mục” làm việc ở đây so sánh lãnh đạo Kim Nhật Thành như một vị thần trên trái đất. Trong nhà thờ Công giáo duy nhất ở đây không có linh mục nào và mỗi tuần chỉ có một buổi cầu nguyện chung.

Sứ điệp Giáng sinh của ĐHY Andrew Yeom

Trong sứ điệp Giáng sinh gửi cho cộng đoàn của mình, ĐHY Andrew Yeom Soo-jung, tổng Giám mục Seoul đã khẳng định rằng các Kitô hữu được mời gọi trở thành những người đầu tiên xây dựng hòa bình trên thế giới và hòa bình đích thực là một món quà của Thiên Chúa mà chúng ta chỉ có thể nhận được nhờ cầu nguyện. Do đó ngài mời gọi các tín hữu tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình trên bán đảo Triều tiên.

ĐHY cũng chúc lành cho các anh chị em Bắc hàn, ngài nói: “Tôi hy vọng rằng Giáng sinh có thể là một hy vọng và ánh sáng mới cho các anh chị em Bắc hàn, và có thể mang đến niềm an ủi lớn lao cho những khó khăn mà họ đang trải qua.”

Hồng Thủy - Vatican

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

Sứ điệp Giáng Sinh và phép lành toàn xá Urbi et Orbi

ĐTC ban phép lành Urbi et Orbi

Lúc 12 giờ trưa Lễ Giáng Sinh 25/12, ĐTC đã chủ sự buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi cho thành Roma và toàn thế giới. Đức hai bên ĐTC trên ban công chính giữa đền thánh Phêrô là ĐHY Renato Raffaele Martino, người Ý, nguyên bộ trưởng bộ Công Lý và Hoà Bình, và ĐHY Kevin Joseph Farrell, người Mỹ, Bộ trưởng bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống. Trên thềm đền thờ thánh Phê-rô, có đội cận vệ Thuỵ Sĩ và đại diện các binh chủng Italia đứng dàn hàng chào danh dự.

Anh chị em thân mến,

Chúc Mừng Giáng Sinh!

Tôi loan báo lại tin vui từ Bê-lem với anh chị em tín hữu Roma, anh chị em tín hữu hành hương và tất cả tất cả mọi người khắp nơi trên thế giới: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,14).

Như các mục tử, những người đầu tiên chạy đến hang đá, chúng ta cũng ngạc nhiên trước dấu chỉ mà Thiên Chúa đã ban: “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc2,12). Trong thinh lặng, chúng ta quỳ gối và thờ lạy.

Hài Nhi được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra cho chúng ta, đã nói gì với chúng ta? Sứ điệp cao cả của Giáng Sinh là gì? Đó là Thiên Chúa là Người Cha tốt lành và tất cả chúng ta là anh em của nhau.

Sự thật này là nền tảng của cái nhìn Ki-tô giáo về con người. Không có tình huynh đệ mà Đức Giêsu Kitô đã ban thì những nỗ lực của chúng ta cố gắng xây dựng một thế giới bình đẳng hơn cũng sẽ chết yểu, và ngay cả những dự án tốt nhất cũng trở nên vô hồn và trống rỗng.

Vì thế lời chúc mừng Giáng Sinh của tôi là một lời chúc mừng huynh đệ.

Huynh đệ giữa mọi người thuộc mọi dân tộc và văn hoá.

Huynh đệ giữa những người thuộc các ý thức hệ khác nhau, nhưng có khả năng tôn trọng nhau và lắng nghe nhau.

Huynh đệ giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau. Đức Giêsu đã đến để mặc khải khuôn mặt của Thiên Chúa cho tất cả những ai tìm kiếm Người.

Khuôn mặt của Thiên Chúa được biểu lộ nơi khuôn mặt một con người cụ thể. Ngài không tỏ ra nơi một thiên thần, nhưng nơi một con người, sinh ra trong không gian và thời gian. Do đó, với sự nhập thể của Ngài, Con Thiên Chúa chỉ cho chúng ta rằng ơn cứu độ đến ngang qua tình yêu, sự đón nhận và tôn trọng bản tính con người nhỏ bé mà chúng ta đang chia sẻ với nhau trong sự khác biệt lớn về chủng tộc, ngôn ngữ, văn hoá… Nhưng tất cả đều anh chị em trong cùng một bản tính.

Như thế, sự khác biệt của chúng ta không phải là sự nguy hại hay nguy hiểm, nhưng là sự phong phú. Cũng như đối với nghệ sĩ muốn làm một bức tranh, thì việc có nhiều màu sắc sẽ tốt hơn là chỉ có một vài màu!

Kinh nghiệm gia đình cũng dạy cho chúng ta: giữa những anh chị em, chúng ta khác nhau, và cũng không phải bao giờ cũng đồng ý với nhau, nhưng có một mối dây liên kết bền vững nối kết chúng ta và tình yêu của cha mẹ giúp chúng ta yêu thương nhau. Điều đó cũng đúng với gia đình nhân loại, mà ở đây Thiên Chúa là “cha mẹ”, là nền tảng và sức mạnh cho tình huynh đệ của chúng ta.

Kế đến, Đức Thánh Cha cầu nguyện và cầu chúc cho các dân tộc đang gặp những khó khăn nội bộ hay liên quốc gia. Ngài nói:

Ước gì Giáng Sinh này giúp chúng ta tái khám phá mối dây huynh đệ liên kết chúng ta, hiệp nhất như những cá nhân và liên kết như những dân tộc. Ước mong biến cố này giúp Israel và Palestin nối lại cuộc đối thoại và bắt đầu hành trình hoà bình, khép lại xung đột dã trải qua hơn bảy mươi năm tại mảnh đất Thiên Chúa đã chọn để tỏ lộ gương mặt yêu thương của Ngài.

Ước gì Hài Nhi Giêsu hướng dẫn đất nước Syria yêu quý và đau khổ tìm được tình huynh đệ sau những năm dài chiến tranh. Ước gì cộng đồng quốc tế dấn thân mạnh mẽ vì một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt những chia cắt và lợi lộc phe phái, để người dân Syria, đặc biệt tất cả những ai bị ép phải rời khỏi quê hương của họ và tìm nơi khác lánh nạn, có thể trở về sống trong hoà bình trên đất nước của họ.

Tôi nghĩ về đất nước Yemen, với hy vọng rằng sự đình chiến nhờ can thiệp của cộng đồng quốc tế có thể cuối cùng đem lại sự an ủi cho nhiều trẻ em và người dân kiệt quệ vì chiến tranh và đói kém.

Tôi nghĩ về Châu Phi, nơi hàng triệu người phải tị nạn hay di tản và sống nhờ sự cứu trợ nhân đạo và anh ninh lương thực. Ước mong Hài Nhi Thánh, Vua Hoà Bình, làm im tiếng súng và làm sáng lên hừng đông mới của tình huynh đệ trên cả châu lục, xin Ngài chúc lành những nỗ lực của tất cả những ai dấn thân cỗ võ những con đường hoà giải ở cấp độ chính trị và xã hội.

Ước gì Giáng Sinh củng cố mối dây huynh đệ hiệp nhất bán đảo Triều Tiên và giúp tiếp bước con đường tái lập diễn ra gần đây và đạt đến những giải pháp đồng thuận đảm bảo sự phát triển và thịnh vượng của đôi bên.

Ướ mong thời gian ân phúc này giúp đất nước Venezuela tìm lại được sự hoà hợp và làm cho tất cả mọi thành phần xã hội làm việc trong tình huynh đệ vì sự phát triển của đất nước và trợ giúp những thành phần yếu thế nhất trong dân.

Ước mong Chúa mới sinh mang lại niềm an ủi cho đất nước Ukraina yêu dấu, sớm tìm lại một nền hoà bình dài lâu. Chỉ với hoà bình, tôn trọng quyền của mỗi quốc gia thì đất nước mới có thể khôi phục lại từ những đau khổ đang gánh chịu và lấy lại được điều kiện sống xứng đáng với nhân phẩm cho các công dân của mình. Tôi gần gũi những cộng đoàn Kitô của các vùng này, và cầu nguyện cho họ có thể phát triển tương quan huynh đệ và bạn hữu.

Đứng trước Hài Nhi Giêsu, những người dân đất nước Nicaragua yêu dấu có thể tìm lại được tình anh em giữa họ, để những chia rẽ và bất đồng không thắng thế, nhưng tất cả ra sức xây dựng sự hoà giải và cùng nhau xây dựng tương lai đất nước.

Tôi cũng mong ước nhớ đến tất cả những người đã chịu những hình thức thực dân ý thức hệ, văn hoá và kinh tế. Họ đang phải chứng kiến tự do và căn tính của họ bị chà đạp, và đang đau khổ vì đói kém và thiếu đi sự chăm sóc giáo dục và sức khoẻ.

Tôi nghĩ đặc biệt đến những anh chị em mừng Sinh Nhật Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn, nếu không nói là bị chống đối, đặc biệt nơi Kitô giáo là thiểu số, thường bị tổn thương và không được mong đợi. Xin Chúa ban cho họ, và tất cả những nhóm thiểu số, sống trong bình an và các quyền của họ được nhìn nhận, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo.

Xin Hài Nhi bé nhỏ và chịu giá lạnh mà chúng ta chiêm ngắm hôm nay nơi máng cỏ bảo vệ tất cả trẻ em trên trái đất và tất cả những người yếu thế, những người dễ bị tổn thương và bị loại trừ. Xin cho tất cả chúng ta đón nhận hoà bình và được an ủi từ cuộc sinh hạ của Đấng Cứu Thế, và cảm nhận mình được tình yêu thương của Cha trên trời, được nhìn thấy nhau và sống với nhau như anh chị em!

Đức Thánh Cha cử hành lễ Vọng Giáng Sinh 2018

  Đức Thánh Cha cử hành lễ Vọng Giáng Sinh

Thánh lễ do ĐTC Phanxicô cử hành, bắt đầu lúc 21 giờ 30 tối ngày 24-12-2001, trước sự hiện diện của hơn 8 ngàn tín hữu ngồi chật Đền Thờ Thánh Phêrô, trong đó có nhiều vị thuộc ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Đồng tế với ngài có đông đảo các Hồng Y, GM và và hằng trăm linh mục.

12 em bé dâng hoa

Đầu thánh lễ, ĐTC đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính. Gần bàn thờ có đặt một tượng bằng gỗ nhiều mầu hình Đức Mẹ đang ẵm Chúa Hài Nhi. 12 em bé, được chọn từ 5 nước: Italia, Trung Quốc, Panama, Cộng hòa Dân Chủ Congo, Rumani và Nhật Bản, đã đặt các bó hoa cạnh ảnh tượng Chúa Hài Đồng.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC đi từ sự kiện nguyên ngữ từ ”Bethlehem” có nghĩa là ”nhà bánh” và ngài nhắc đến sự kiện Chúa đến trong ”Nhà Bánh” để trở nên lương thực hằng ngày cho chúng ta, để ban sự sống cho nhân loại. ”Trong lễ Giáng Sinh, chúng ta đón nhận Chúa Giêsu là Bánh bởi trời giáng thế: đó là lương thực không bao giờ bị hư, và làm cho chúng ta nếm hưởng từ bây giờ cuộc sống đời đời.”

Vai trò những người chăn súc vật

Bethlehem cũng là thành của Vua Đavit, người đã được Thiên Chúa chọn trong lúc chăn đoàn vật để làm người hướng dẫn cai quản Dân Chúa. Ngày Chúa giáng sinh trong thành của Vua Đavít, những người đón nhận Chúa Giêsu Hài Đồng chính là những người chăn súc vật. Được Sứ thần Chúa báo tin, họ mau lẹ lên đường đến gặp Con Vua Đavít giáng sinh.

Noi gương tỉnh thức của các mục tử

“Những người chăn chiên ở Bethlehem cũng nói với chúng ta về cách thức đi gặp Chúa. Họ tỉnh thức trong đêm: họ không ngủ, nhưng làm điều Chúa Giêsu sẽ yêu cầu nhiều lần: ”hãy tỉnh thức” (Mt 25,13). Họ canh thức, chờ đợi tỉnh thức trong đêm đen; và Thiên Chúa ”bao phủ họ bằng ánh sáng” (Lc 2,9). Điều này cũng được áp dụng cho chúng ta. Cuộc sống của chúng ta cũng có thể là một sự chờ đợi, cả trong những đêm đen của các vấn đề, chúng ta tín thác vào Chúa và mong ước Ngài; khi ấy ta sẽ nhận được ánh sáng của Chúa..”

Vượt thắng ích kỷ, trần tục và tiêu thụ

”Vậy chúng ta hãy đi đến tận Bethlehem” (Lc 2,15).. Con đường ngày nay là con đường lên dốc: cần phải vượt qua cái đỉnh ích kỷ, không được trượt chân rơi vào những hố rãnh cảu tinh thần trần tục và trào lưu duy tiêu thụ.”

Lời nguyện của ĐTC

”Lạy Chúa, con muốn đến Bethlehem, vì tại đó Chúa đang đợi con. Và tại đó con thấy rằng Chúa được đặt trong máng cỏ, Chúa là bánh cho cuộc đời con. Con cần hương thơm dịu dàng của tình yêu Chúa để đến lượt con, con cũng trở thành bánh được bẻ ra cho thế giới. Xin Chúa vác con lên vai như Mục Tử Nhân Lành: được Chúa yêu thương, con cũng có thể yêu mến và giúp đỡ các anh chị em của con. Khi ấy sẽ là lễ Giáng Sinh, khi con có thể nói với Chúa: ”Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa” (Xc Ga 21,17)

Sau khi ban phép lành cuối thánh lễ, ĐTC đã bồng tượng Chúa Hài Đồng Giêsu đi rước tới hang đá tại nhà nguyện có giếng rửa tội. (SD 24-12-2018)

G. Trần Đức Anh OP - Vatican

Giáo phận thứ 27 của Giáo Hội Việt Nam: Giáo phận Hà Tĩnh


Chiêm niệm biến cố Giáng Sinh của Chúa Giê-su

Cuộc hành trình từ Nazareth về Belem của thánh Giuse và Mẹ Maria dài khoảng 150 km. Trung bình mỗi ngày người ta có thể đi bộ được 30 km, băng qua đồi núi, sa mạc. Thánh Giuse và Đức Mẹ chắc đã cần năm ngày để đến được Belem, nơi quê quán của các Ngài để khai tên tuổi. Các Ngài là một gia đình nghèo, không biết ngoài con lừa ra còn có gì để đem theo. Đức Mẹ đã sắp sinh con, mà phải ngồi trên lưng con lừa đi bộ mấy ngày trời, chắc Mẹ đã mệt mỏi và đau đớn lắm về thể xác!

Thánh Giuse dắt con lừa và đi bộ cũng cùng một con đường đó. Nỗi nhọc nhằn thể xác của Ngài hẳn không ít, nhưng nếu so sánh với Đức Mẹ, thì có thể không đáng kể. Thế nhưng nỗi đau tinh thần của Ngài thế nào?

Kinh Thánh không có đoạn nào viết về Đức Mẹ than vãn cả. Tuy nhiên Đức Mẹ cũng là một con người, chắc chắn đã phải thốt ra những âm thanh khi thể xác quá đau đớn không thể chịu đựng nổi. Là người chồng khi thấy vợ mình đau đớn và phải chịu nhọc nhằn như vậy thì những đau đớn trong tâm hồn thánh Giuse có thể không thua kém gì. Dẫu vậy, Ngài đã bất lực hoàn toàn và không thể làm được gì thể thay đổi hoàn cảnh.

Đau khổ và tủi nhục biết bao cho Ngài, khi đã đến Belem mà không thể thuê được một phòng trọ cho Đức Mẹ. Có thể tất cả mọi phòng trọ đã cho thuê rồi vì quá nhiều người phải trở về quê quán để đăng ký, nhưng cũng có thể tại Ngài nghèo nên không thể thuê được phòng. Không biết trong lòng Ngài đã ra sao khi chính Ngài phải dẫn Đức Mẹ ra chuồng bò ngoài đồng và chứng kiến thấy Chúa Giêsu con của mình được sinh ra trong hoàn cảnh thiếu thốn cơ cực đó.

Khi sanh con chắc Đức Mẹ đã nhờ thánh Giuse một ít việc, cụ thể như một chiếc khăn nhúng nước ấm để lau cho con và chính mình. Nhưng trong hoàn cảnh đó thánh Giuse làm sao có thể đáp ứng được. Chắc thánh Giuse đã làm tất cả những gì có thể. Dù là phải chịu cơ cực đến tột độ, nhưng Đức Mẹ chắc đã rất hạnh phúc có được người chồng như thánh Giuse. Tâm hồn con người thật khó tả và kỳ diệu. Khi được yêu thương, dù có thiếu thốn trăm bề người ta vẫn có thể là một người hạnh phúc nhất trên đời nếu như cảm thấy mình được quan tâm chăm sóc.

Thánh Giuse của con, Ngài là một người cha sống ẩn dật âm thầm. Nhưng con tin chắc rằng Chúa Giêsu đã không thể có được một người cha yêu thương và gương mẫu hơn Ngài. Không có Ngài dẫn dắt và che chở thì sao Chúa Giêsu có thể có được một gia đình hạnh phúc như thế. Tuy Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng mặc lấy thân xác con người và cũng cần mỗi ngày một lớn một thêm khôn ngoan, như vậy Chúa Giêsu cũng đã học hỏi được rất nhiều nơi Ngài. Ngài chắc chắn cũng là một điểm tựa cho Đức Mẹ, nhất là trong đời sống cơ cực thiếu thốn hay những lúc tâm hồn cảm thấy trống vắng cô đơn.

Con cũng là một người cha, con cũng rất mong muốn sống sao để làm một tấm gương sáng cho các con noi theo. Xin Ngài thương xót con, dạy cho con những gì Ngài đã dạy cho Chúa Giêsu để con sống đẹp lòng Chúa hơn. Chúa trao cho con mấy đứa con để yêu thương, hướng dẫn và nâng đỡ chúng trong cuộc sống. Con ước mong sao những điều chúng học hỏi được nơi con là những điều Chúa muốn con làm cho chúng: Những tâm hồn ngày nào là những tờ giấy trắng Chúa trao cho con mai đây sẽ trưởng thành khôn lớn, chúng biết Chúa và biết sống thương người. Con xin trao chúng lại trong lòng thương xót Chúa.

Con cũng là một người chồng. Xin dạy con biết thương yêu che chở người vợ của con như Ngài đã yêu thương Đức Mẹ. Amen.

Michael L. V. D.

Trở nên quà tặng


Món quà giáng sinh đầu tiên

Ngày này, việc kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa giáng trần đã trở thành một lễ hội dân gian quốc tế. Người không tin Thiên Chúa cũng mừng và chúc mừng chúng ta trong dịp lễ Giáng sinh. Những sự kiện đạo đời, câu chuyện và hình thức trang trí trong mùa lễ này ngày càng đa dạng, hiện đại và mang lại niềm vui cho nhiều người, từ trẻ em đến người lớn – vui khi thấy con cháu vui.

Tuy nhiên, niềm vui đến từ ngoại giới ấy không làm cho tôi quên Món quà giáng sinh đầu tiên. Chính Hài Nhi Giêsu là Món quà giáng sinh nguyên thủy mà Chúa Cha tặng ban cho toàn thể nhân loại và cho từng người chúng ta. Chính tặng phẩm thần linh này mới là suối nguồn Niềm vui đích thực, niềm vui của san sẻ, của tương quan huynh đệ.

Món quà Giáng sinh năm nay

Không biết niềm vui Giáng sinh của các Bạn năm nay là gì? Phần tôi thì món quà Noel tinh thần đã được trao cho chúng ta từ mùa Vọng. Đó là hai người trẻ: chàng thủ môn Việt kiều Nga, 23 tuổi và cô gái người Êđê, 26 tuổi.

Tôi thật ấn tượng thấy hình ảnh thủ môn đội tuyển Việt Nam trong giải AFF 2018, Đặng Văn Lâm, một mình quỳ gối làm dấu thánh giá bên cột khung thành, trước sự chứng kiến của hàng vạn khản giả.

Còn H’Hen Niê, người Êđê lọt vào Top 5 Miss Universe 2018, là một cô gái tự tin nhưng không tự kiêu. Thật vui khi biết cô là một Kitô hữu Tin Lành và thật ấm lòng khi nghe Niê tâm sự: “Từ nhỏ tôi là người theo đạo và tin rằng Chúa có chương trình và kế hoạch cho mỗi người, có gì đó tốt đẹp dành cho mình. Trong từng vòng thi, tôi đều cầu nguyện và xin Chúa ban cho mình sự bình an, bình tĩnh, tỏa sáng theo ý muốn tốt lành của Ngài. H’Hen nghĩ mọi điều đều có Chúa dẫn đường. Tôi xin theo ý muốn của Chúa chứ không phải ý muốn riêng của mình. Nếu xin theo ý mình là rất ích kỷ và chỉ muốn mọi thứ theo ý mình” (cgvdt.vn).

Mỗi chúng ta là một món quà

Các Bạn thân mến, chúng ta không chỉ nhận quà và tặng quà, mà chính chúng ta mới là quà tặng nhân bản và quý giá nhất cho tha nhân.

"Hãy đem trao tặng nhau món quà,
Là chính chúng ta bên trong giấy bọc.
Chớ lo chi bản thân riêng ta,
Mà giữ lấy khép đôi tay,
Chẳng cho ai điều chi.

Mỗi chúng ta là một món quà,
Mà chính Chúa Cha ân ban cho mình.
Hãy đơn sơ để đem cho nhau,
Bằng hết những dễ thương,
Cho cuộc sống thêm đậm đà.”

Tâm tình bài hát trên mời gọi tôi chia sẻ niềm vui mà mình nhận được từ Quà tặng Giáng sinh đầu tiên để nhân lên trong trái tim nhiều người, nhất là những anh chị em sống dưới cùng một mái nhà, những ai tôi gặp gỡ hàng ngày và cả những người chúng ta chỉ gặp một lần trong đời.

Vì mỗi chúng ta là một món quà, các Bạn cùng tôi, chúng ta hãy đơn sơ để đem cho nhau “những dễ thương, cho cuộc sống thêm đậm đà” Tình Chúa và tình người!

Viva Emmanuel!
Hãy mừng vui lên !
Thiên Chúa ở cùng chúng ta!

Magnificat

Lạy Chúa Giêsu yêu dấu của con!


Lạy Chúa Giêsu yêu dấu của con! Con thật hạnh phúc với những dòng nước mắt, chúng cứ tự nhiên chảy như những ân sủng của Chúa đổ trên cuộc đời con. Con hạnh phúc vì con cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài trong giờ cầu nguyện vừa qua. Chúa biết rõ những sự yếu đuối trong con, Chúa biết rõ con cần điều gì. Chính vì thế mà không cần xin thì Chúa vẫn tiếp tục ban cho con.

Ôi lạy Chúa, một mình con với Chúa trong chiêm niệm, trong sâu cõi lòng con, trong thinh lặng Chúa đang lắng nghe từng dòng suy tư của con. Vâng chỉ mình Ngài mới hiểu rõ, con cảm nhận chỉ một khi hai người yêu nhau, thì không cần phải nói điều gì. Chỉ cần nhìn ngắm nhau, thì tận sâu trong đáy lòng họ hiểu đối phương đang cần điều gì . Như chiều nay Chúa nhìn con và con nhìn Chúa.

“ Anh em đừng sợ” Những nỗi sợ hãi đã và vẫn làm cho cuộc sống của con không cho phép con đóng vai làm trẻ thơ an vui tự tại, tuy con rất thèm muốn tâm hồn mình trở nên như trẻ thơ. Bao nhiêu nỗi sợ hãi vì điều này điều kia luôn là những rào cản để con được sống bình an, để con bước theo tiếng gọi của Chúa. Dẫu cho niềm tin của con có trông cậy vào Chúa thì những nỗi sợ hãi vẫn luôn bám theo con, quấy rầy con, chúng ảnh hưởng tinh thần và thân xác con. Con thường tự hỏi, nếu con đường con đang đi cũng nằm trong ước muốn của Chúa, thì tại sao Chúa chưa giúp con khắc phục những điểm yếu của con? Nếu trong mọi yếu đuối của con, Chúa có thể dùng trong mọi kế hoạch của Ngài, thì lạy Chúa, con xin chấp nhận và bằng lòng.

Như năm xưa mẹ Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm trong lòng và suy đi nghĩ lại, khiến con nhìn lại những gì đã và đang xảy ra trong cuộc đời con. Thật là một mầu nhiệm khi con có trong cuộc đời này, với biết bao ân sủng Chúa ghi dấu trong từng khoảnh khắc trong cuộc sống. Dẫu trong cuộc đời con được pha lẫn với những thất bại, thất vọng, điều như ý hay không như ý, những khao khát ước muốn chưa đạt được, thì con thấy mình là người hạnh phúc vì con có Chúa, và trong tất cả mọi sự cần phải xảy ra thì con tin là chúng đều nằm trong mọi kế hoạch của Chúa.

Lạy Mẹ Maria! Con ước muốn noi gương Mẹ sống hiền lành khiêm nhường và trung thành trong hai tiếng xin vâng với lời mời gọi của Chúa. Xin Mẹ giúp con thêm can đảm để con có thể vượt qua mọi sợ hãi yếu đuối, để bước theo tiếng gọi của Chúa. AMEN

Một thành viên của chương trình Magis.

Giáng sinh cho những người phong cùi ở Mumbai, Ấn Độ: Chúa Kitô là ánh sáng

Giáng sinh cho những người phong cùi ở Mumbai

Giáng sinh cho những người phong cùi ở Mumbai. "Giống như lễ hội Diwali của đạo Hindu. Đây là dịp để cử hành ánh sáng chiến thắng bóng tối. Đối với chúng tôi, Chúa Kitô là ánh sáng cho thế giới, Người đến để soi sáng tâm hồn mỗi người". Sơ Bertilla Capra, nữ tu thuộc Dòng Truyền giáo Vô Nhiễm Mẹ Maria cho biết như trên. Sơ Bertilla điều hành "Trung tâm da liễu Vimala" ở quận Versova, một trong những bệnh viện quan trọng nhất điều trị bệnh phong ở Mumbai. Và chính tại đây, ngày 22 tháng 12, cùng với khoảng 60 bệnh nhân và 83 thiếu nữ ở trong khu sinh viên tổ chức lễ sinh nhật Chúa Kitô.

Được thành lập vào năm 1976, Trung tâm là một điểm đến cho các bệnh nhân mắc bệnh Hansen ở vùng đô thị Maharashtra. Trong hơn 40 năm, trung tâm đã điều trị cho hàng ngàn người và cung cấp các phương pháp điều trị, phẫu thuật thẩm mỹ và phục hồi chức năng và vật lý trị liệu. Hiện tại, 9 nữ tu làm việc ở đó, với sự cộng tác của hàng chục chuyên gia trên khắp Ấn Độ. Nữ tu nói: "Những bệnh nhân bị bệnh nhẹ hơn, những người ở giai đoạn đầu, được giúp đỡ tại nhà. Các trường hợp cấp tính, đã xuất hiện các vết loét và nhiễm trùng ở các chi và cần điều trị y tế và phẫu thuật cụ thể, phải nhập viện".

Buổi lễ diễn ra trong một hội trường bệnh viện. Các thiếu nữ trình diễn cảnh ra đời của Chúa Kitô. Sơ Bertilla cho biết: "Mọi người đều tham gia. Đó là một buổi lễ đơn giản, không phô trương, mục đích để chỉ cho thấy những giá trị mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Sau buổi diễn, các diễn viên cùng với bệnh nhân đến trung tâm bệnh viện, nơi ông già Noel đang chờ họ với những món quà. Những món quà tuyệt vời đã được phân phát cho người bệnh và cho các cô gái. Tiếp theo là những bài hát và trò chơi ".

Hầu hết các bệnh nhân theo đạo Hồi và Ấn Độ. Nhà truyền giáo nói: "Chúng tôi ở đây vì họ. Sự hiện diện của chúng tôi là một việc làm chứng: trao một thông điệp của Chúa Giêsu, về tình yêu và hòa bình. Chúng tôi cung cấp dịch vụ này để giúp đỡ họ". Sơ Bertilla kết luận: "công việc của chúng tôi được đánh giá cao, bởi vì chúng tôi chăm sóc những người bị lãng quên. Bệnh nhân mắc bệnh phong vẫn còn bị đặt sang một bên, họ là những người cần sự giúp đỡ, nhưng không ai quan tâm ".

Ngọc Yến - Vatican

Bảo tồn gia đình Công Giáo


Trong những ngày áp lễ Giáng Sinh này, tôi có cơ hội nhìn ngắm cách người ta đón ngày lễ trọng đại này. Tại những thành phố lớn, người ta đổ xô đến những khu mua sắm sầm uất. Người ta nô nức đến những khu phố có trưng đèn hoa, cây thông để chụp hình, đăng facebook. Trong những khu phố Công Giáo, người ta thấy những hang đá được dựng lên hoành tráng và công phu. Ở một đoạn phố khác, nhiều đoàn người lướt qua chiêm ngưỡng và râm ran bình phẩm cách bố trí bày biện hang đá. Để cho sôi động, người ta tổ chức múa nhảy với màn biểu diễn của những DJ nóng bỏng ngay trên đường khiến những người đi đường cũng nóng nảy không kém. Ở một khu phố khác lặng lẽ hơn, người ta cũng thấy những hang đá với Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giê-su nhưng im ắng và sâu lắng. Nhìn những gam màu cuộc sống khác nhau, nghe những âm thanh của cuộc đời như thế, tôi tự hỏi thực ra người ta làm hang đá để làm gì? Để trang trí vì nó là biểu tượng của Giáng Sinh, hay bởi người ta muốn bảo tồn tính Ki-tô Giáo nơi gia đình mình? Chiêm ngắm gia đình Ki-tô giáo đầu tiên, ta nhận thấy những điều đang có nguy cơ bị tuyệt chủng trong gia đình Công Giáo ngày nay.

Trước một thế giới tôn thờ vật chất, gia đình Công Giáo hẳn không cầu cho mình giàu có. Người mong giàu có hẳn sẽ chẳng thờ phượng một Hài Nhi sinh ra và sống trong cảnh nghèo hèn như thế. Chẳng thế mà chàng thanh niên giàu có kia đã chán ngán bỏ Chúa mà đi. Người ta đã giàu thì muốn giàu hơn, đã có danh thì muốn thăng tiến hơn. Rốt cuộc, người ta có được cuộc sống thoải mái, nhưng lại chẳng đảm bảo cho mình có đời sống hạnh phúc và viên mãn. Dần dà, người giàu cũng phần nào trở thành một ông thần trong xã hội này. Nhiều người đến với họ nhưng thật khó để biết người ta đến vì quý mến chân thành hay chỉ vì lợi dụng nhau.

Phần Chúa Giêsu, Người dạy các môn đệ hãy xin cho mình có lương thực đủ dùng hàng ngày. Biết đủ, nghèo cũng là giàu; không biết đủ, thừa thãi mà vẫn thấy nghèo. Có lẽ, một khi tôn kính Gia Đình Thánh Gia – một gia đình nghèo, gia đình Kitô Giáo đầu tiên – trong gia đình mình, người ta không sợ mình nghèo. Người ta chỉ sợ mình vì cái nghèo mà không còn sống ngay chính và yêu thương mà thôi.

Trước một thế giới thích bình phẩm công kích, gia đình Công Giáo cũng dễ đánh mất đi sự thinh lặng thánh thiêng. Thánh Giuse là người trải qua những điều khó nói và chẳng biết chia sẻ cùng ai. Ngài đã định tâm bỏ đi trước vị hôn thê đang cưu mang một hài nhi không phải của mình. Còn Đức Maria, người cũng mang nơi mình một sứ vụ cao cả trong công việc Nhà Chúa. Người không biết phải giải thích thế nào để thánh Giuse hiểu. Đúng là phụ nữ nhiều khi sống chịu đựng và chỉ biết thinh lặng. Nhưng nơi thánh Giuse, người ta sẽ thấy, người nam chịu đựng không phải ít. Nếu bảo người nam có quyền quát tháo nói lớn trong nhà, thì nơi thánh Giuse, chúng ta thấy một người chồng sống thầm lặng và vâng phục những điều Chúa gửi tới đến lạ. Nếu nói người nam thích ra lệnh, chỉ tay năm ngón, bắt người khác phục vụ, thì thánh Giuse sống trách nhiệm, bảo vệ và chăm sóc gia đình.

Trong bối cảnh ngày nay, hai chữ “trách nhiệm” đang bị liệt vào sách đỏ, dễ có nguy cơ bị tuyệt chủng, nhường chỗ lại để hai chữ “vứt bỏ” lên ngôi. Người ta sẵn sàng giết chết một sự sống khi con trẻ chưa được chào đời. Người ta sẵn sàng vì lợi ích của mình, vì những điều không mấy dễ chịu trong đời sống vợ chồng mà vứt bỏ luôn cái gọi là “tổ ấm” của những đứa con.

Tôn kính thánh Giuse và Mẹ Maria, hẳn gia đình Công Giáo đang xin cho mình được can đảm đón nhận những biến cố xảy đến trong cuộc đời với thái độ thinh lặng và khiêm tốn. Thinh lặng để nhìn nhận vấn đề cho thấu đáo, khiêm tốn để xin sức mạnh vượt qua điều ấy. Đau khổ và những khó khăn ở đời này dễ làm cho người ta quay quắt, nổi nóng và làm người khác tổn thương. Can đảm đón nhận, thinh lặng nhìn nhận và sống có trách nhiệm không phải là điều dễ dàng!

Rước Gia Đình Thánh vào trong gia đình mình, người ta xin cho mình sống “tình yêu” và “hy sinh”. Chữ “hy sinh” này đang sắp bị tuyệt chủng, còn đáng báo động hơn cả hai chữ “trách nhiệm”. Sự hy sinh đòi hỏi một sự tế nhị và âm thầm. Ngày nay, dễ gì có chuyện mình sẵn sàng hy sinh, nhường nhịn một chút để gia đình êm ấm, thuận hoà. Dễ gì có chuyện vợ chồng hy sinh những thói xấu của nhau để nên một. Dễ gì bỏ được thói quen hút thuốc, say xỉn chỉ vì vợ con. Dễ gì bỏ được thói nói hành, nói xấu, chọc bị gậy, đâm bị thóc. Nhưng ngay cả khi người ta không có sức mạnh để thắng mình đi nữa, thì vì tình yêu, người ta có thể làm tất cả. Hy sinh quảng đại chính là để tình yêu được thắm nồng. Nhưng yêu thương lại là một ơn. Mà là một ơn, thì người ta chỉ còn biết nài xin và đón nhận. Đau khổ và vui mừng sẽ chẳng biến mất trên cõi đời này, nhưng ước gì khi làm một hang đá trong gia đình, xứ đạo mình, gia đình Công Giáo cũng bảo tồn được sự thinh lặng suy gẫm Lời Chúa, sống sự hy sinh tế nhị, và gia đình được sống trong yêu thương, bình an.

Nhiều đoàn du khách từ khắp nơi đến thăm hang đá làm bằng cát ở quảng trường Thánh Phê-rô. Đâu đó có một bà mẹ đang kể cho đứa con nhỏ nghe câu chuyện về Hài Nhi năm xưa. Và hai mẹ con chắp tay cầu nguyện.

Trần Đỉnh, SJ

Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh

HT. Thích Như Tín

''Sự gặp gỡ, kết chặt tình thân hữu trong nhiều năm qua giữa hai bên là một điều cao quý...''. Đó là lời Đức cha Giám quản Giuse khi tiếp phái đoàn Phật giáo đến chúc mừng lễ Giáng sinh.
Vào lúc 9g sáng thứ Năm, ngày 20.12.2018, phái đoàn Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam (GHPGVN)  tại Tp.HCM, do Trưởng lão Hòa Thượng Thích Như Tín dẫn đầu, đã đến chúc mừng giới Công giáo Giáng Sinh 2018 tại Tòa Tổng Giám Mục TP.HCM.
Tiếp đón phái đoàn Phật giáo có Đức cha Giám quản Giuse, Đức cha LUY cùng Lm. Phanxicô Xaviê và các linh mục, tu sĩ, thành viên Ban Mục vụ Đối Thoại Liên Tôn TGP.
Sau phần giới thiệu thành phần chức sắc của hai bên, HT. Thích Như Tín, Phó Ban trị sự TW GHPGVN, đã gợi lên ảnh hưởng tốt đẹp của mối tương quan giữa hai tôn giáo lớn với số tín đồ đông đảo tại Việt Nam.
Đáp từ, Đức cha Giám quản bày tỏ niềm vui và nhắc đến sự liên tục của tình bằng hữu được xây dựng qua các vị chủ chăn TGP Sài Gòn:  ''sự ghé thăm của phái đoàn nói lên sự đoàn kết trải qua bao nhiêu đời, từ thời Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, tiếp đến là Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẩn và thời gian gần đây là Đức cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc...''. Nhân dịp này, ngài cũng cảm ơn Ban Trị sự đã phân ưu và đến viếng linh cữu Đức TGM Phaolô hồi tháng Ba vừa qua.
Sau lời chúc Giáng sinh đến các chức sắc và giáo dân Công giáo thành phố, Ban trị sự GHPHVN đã trao lẵng hoa cho Đức cha Giám quản. Đức cha Giuse cũng chúc quý lãnh đạo và Phật tử năm mới an bình và tràn đầy sức khỏe trên tinh thần phục vụ giáo hội và đất nước. Trước khi chia tay, hai bên đã chụp ảnh lưu niệm.
BAN TRỊ SỰ PHẬT GIÁO VN CHÚC MỪNG GS 2018