Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Gx. Đông Quang: Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường

WGPSG -- Vào lúc 9g00 ngày 29-03-20014, Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, TGP TPHCM, đã chủ tế Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường giáo xứ Đông Quang cùng với hơn 50 linh mục. Tham dự có quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân, quý khách và đông đảo giáo dân trong giáo xứ.
Trước Thánh lễ, Cha sở Giuse Phạm Đình Đại đã chia sẻ về những khó khăn của giáo xứ phải trải qua để có khu đất gần mười ngàn mét vuông với chi phí để thu hồi và di dời các hộ dân ra đi là khoảng 14 tỉ đồng.
Đức Tổng Phaolô hướng cộng đoàn đến với Chúa trong bài giảng lễ Đức Mẹ Mân Côi, bổn mạng giáo xứ. Đạo chúng ta là đạo Chúa chớ không phải đạo Đức Mẹ. Chính Chúa là Đường: Hãy bước đi theo Ngài; Chúa là Sự Thật: Ngài đến trần gian để mạc khải tình yêu và lòng thương xót của Ngài; Chúa là Sự Sống: Ngài đã chia sẻ sự sống của Ngài cho chúng ta.
- Chúa Giêsu rất yêu mến Mẹ Maria. Trên Thánh giá, Chúa trao Mẹ cho chúng ta và trao chúng ta cho Mẹ. Mẹ thương yêu và chăm sóc chúng ta. Vì vậy, lòng tôn kính và yêu mến của chúng ta đối với Đức Mẹ chính là làm đẹp lòng Chúa Giêsu, Chúa chúng ta. Nhưng tình yêu và lòng tôn kính không dừng lại ở Mẹ Maria vì Mẹ sẽ dẫn dắt từng người đến với Chúa Giêsu và được gặp gỡ Chúa trong niềm xác tín sâu đậm.
- Qua tràng hạt Mân Côi, Đức Mẹ tập luyện cho chúng ta chiêm ngắm Chúa. Cho nên, hễ ai lần hạt Mân Côi chỉ cần nghĩ đến Chúa, yêu Chúa, tin Chúa và đặt niềm hy vọng vào Chúa là thành công trong việc lần hạt Mân Côi.
Đức Tổng chia sẻ thêm: Công việc xây dựng giáo xứ rất quan trọng nhưng Giáo hội nhắc chúng ta không dừng lại ở ngôi nhà thờ bằng đá. Điều quan trọng là mỗi người biết ý thức mình là đền thờ của Thiên Chúa và biết kết hợp với nhau sống trong sự thật để Chúa Thánh Thần ngự trị như viên đá sống động là thân thể của Chúa Kitô.
Sau đó, Đức Tổng Phaolô chủ sự nghi thức làm phép viên đá đầu tiên khởi công xây dựng thánh đường Đông Quang, địa chỉ số 35 đường Đông Hưng Thuận 2, khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Sau Thánh lễ, trong niềm hân hoan và tri ân, cộng đồng giáo xứ đã dâng lời tạ ơn quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ, quý khách và cộng đoàn dân Chúa đã chung tay góp sức cho công trình xây dựng Nhà Chúa.
GX. ĐÔNG QUANG: LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ ĐẦU TIÊN

Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình trình bày về Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ 8

Hôm thứ Ba 25/03/2014, Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình đã chủ trì cuộc họp báo để trình bày về Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ 8 sẽ diễn ra tại Philadelphia vào tháng 9 năm 2015. Ngài cho biết các hướng dẫn cho chương trình nghị sự của Đại hội đã được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập khi ngài nói: "vẻ đẹp của gia đình và của hôn nhân, sự cao cả của một thực tại vừa đơn giản, vừa sâu sắc, một sự kết hợp của vui mừng, hy vọng, gánh nặng và đau khổ, giống hệt phần còn lại của đời sống".
Phát biểu trước thính phòng đông đúc các ký giả, Đức Tổng Giám Mục Paglia cho biết trong suốt đại hội, các tham dự viên sẽ "tìm cách đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về nền thần học của gia đình và sự chăm sóc mục vụ mà chúng ta phải thực hiện trong thế giới ngày nay".
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Paglia trong buổi họp báo:
Kính thưa quý vị,
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình, thật là vinh dự lớn lao cho tôi khi chào đón Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia, Ngài Michael Nutter, thị trưởng của Philadelphia, Ngài Tom Corbett, Thống đốc Pennsylvania, và tất cả các thành viên trong phái đoàn đến Rôma để chính thức bắt đầu chuẩn bị cho Đại hội Gia đình Thế giới được tổ chức tại Philadelphia từ 20 đến 27 tháng Chín năm 2015. Về bản thân tôi, và thay mặt cho Chủ tịch đoàn, các thành viên và các cố vấn của Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình, tôi xin gởi lời cảm ơn chân thành nhất về sự đón tiếp mà họ đang chuẩn bị cho sự kiện này, vốn là cực kỳ quan trọng trong đời sống của Giáo Hội Công Giáo.
Như chúng ta đã biết, Đức Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô XVI đã công bố chọn Philadelphia là nơi tổ chức Đại hội kế tiếp khi kết thúc Đại hội Gia đình Thế giới 2012 ở Milan, và Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định điều đó trong Thư gửi cho các Gia đình vào ngày hai tháng Hai năm nay.
Đại hội Philadelphia sẽ được tổ chức vào một thời điểm đặc biệt quan trọng đối với Giáo Hội. Thực tế là Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định tập trung sự chú ý của tất cả người Công giáo đối với vấn đề gia đình. Tháng trước, ngài triệu tập Công nghị Hồng y chính thức để nghe những ưu tư của các hồng y về gia đình. Tháng Mười tới, ngài sẽ chủ trì Thượng Hội đồng Giám mục Đặc biệt để nghiên cứu chủ đề "Các Thách đố Mục vụ của Gia đình trong Bối cảnh Phúc Âm hóa", và chủ đề tương tự cũng sẽ được suy tư trong Thượng Hội đồng Giám mục thông thường dự kiến họp vào ​​tháng Mười năm 2015. Trong khuôn khổ đó, Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ 8 mang tầm quan trọng đặc biệt khi được tổ chức ngay trước Thượng Hội đồng Giám mục thông thường vào tháng Mười năm 2015. Tương tự như vậy, chúng ta không thể quên rằng thời điểm Đại hội Gia đình của Giáo Hội cùng lúc với tiến trình phân tích và thảo luận được Liên Hiệp Quốc thực hiện để kỷ niệm lần thứ hai mươi Năm Quốc tế về Gia đình, và chúng ta không được đánh giá thấp sự gần gũi địa lý giữa các sự kiện của giáo hội diễn ra ở Philadelphia và các cuộc thảo luận được tổ chức tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc tại New York. Sự gần gũi đó là lời mời gọi quan phòng gởi đến các cơ quan tôn giáo và dân sự cùng nhau làm việc để mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả các gia đình trên thế giới.
Đại hội Gia đình Philadelphia trước tiên tìm kiếm sự quy tụ các Giáo Hội của Mỹ châu, và khuyến khích sự tham gia của tất cả các nền văn hóa đa dạng, từ Alaska đến Tierra del Fuego, của người dân các châu lục rộng lớn này. Thêm vào đó, không còn nghi ngờ gì nữa sự hiện diện trên Ngai Thánh Phêrô của Đức Giáo Hoàng người Mỹ châu Latinh đầu tiên làm cho sự kiện này càng có ý nghĩa hơn. Đức Giáo Hoàng mang tông hiệu Thánh Phanxicô Assisi, vị thánh của tình huynh đệ phổ quát. Đức Thánh Cha, người được gọi là "từ tận cùng trái đất", đã đồng hành với chúng tôi khi chúng tôi chuẩn bị cho Đại hội Gia đình Thế giới 2015. Chúng ta thấy những gì ngài đã thực hiện trong một năm qua: Các gia đình hành hương Năm Đức Tin vào ngày 26-27/10/2013; Hội nghị khoáng đại lần thứ 21 của Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình được tổ chức ba ngày trước đó (24-25/10) để nghiên cứu Hiến chương về các Quyền của gia đình nhân kỷ niệm 30 năm Hiến chương ra đời, Cuộc gặp của Đức Thánh Cha và các cặp đính hôn ở Quảng trường Thánh Phêrô vào Ngày Lễ Tình nhân 14/02 vừa qua; Thư của Đức Giáo Hoàng gửi các gia đình và Công nghị Hồng y về gia đình như tôi đề cập ở trên. Đây là tất cả sự kiện quan trọng trên con đường mà những người nam và người nữ đang đi từ khắp các giáo hội của chúng ta trên thế giới, chúng ta cũng không thể không đề cập đến bảng câu hỏi gửi đến tất cả các giáo phận trên thế giới nhằm tạo điều kiện chia sẻ trong cuộc hành trình này.
Điểm khởi đầu và hướng dẫn cho cuộc hành trình này được Đức Thánh Cha đưa ra cho chúng ta: "vẻ đẹp của gia đình và của hôn nhân, sự cao cả của một thực tại vừa đơn giản, vừa sâu sắc, một sự kết hợp của vui mừng, hy vọng, gánh nặng và đau khổ, giống hệt phần còn lại của đời sống". Chúng ta sẽ tìm cách đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về nền thần học của gia đình và sự chăm sóc mục vụ mà chúng ta phải thực hiện trong thế giới ngày nay. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: "Chúng ta sẽ thực hiện những điều này một cách sâu sắc và không vấp vào ‘những lý lẽ ngụy biện’ vốn chắc chắn làm giảm giá trị công việc của chúng ta". Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng gia đình bị coi rẻ và bị đối xử tồi tệ trong thế giới ngày nay và cộng việc mà chúng ta được mời gọi thực hiện là phải nhìn nhận rằng thật là chân thiện mỹ biết bao khi xây dựng một gia đình, là một gia đình trong thế giới ngày nay, thế giới và tương lai của nhân loại sẽ ra sao khi không có gia đình. Nhiệm vụ của chúng ta là trình bày kế hoạch rạng ngời của Thiên Chúa dành cho các gia đình, để giúp các cặp vợ chồng vui sống trong kế hoạch đó, và dành cho họ sự chăm sóc của người mục tử là khôn ngoan, can đảm và đầy tình yêu thương" (Diễn từ khai mạc của Đức Thánh Cha Phanxicô trước Công nghị Hồng y ngoại thường về Gia đình, 20/02/2014).
Đây là những gì chúng ta sẽ thực hiện khi chúng ta hướng về Đại hội ở Philadelphia: chúng ta sẽ ở cùng các gia đình trên thế giới với sự chăm sóc của người mực tử, đó là "khôn ngoan", "can đảm" và "đầy tình yêu thương". Khôn ngoan trong hiểu biết những gì gia đình phải đối mặt hôm nay, can đảm trong việc tham gia vào nhiều vấn đề phức tạp ngày nay; và tình yêu giúp giải quyết những vấn đề đó trong ánh sáng của Tin Mừng của gia đình và sự sống. Chúng ta sẽ đối phó với nhiều vấn đề trong khôn ngoan, can đảm và yêu thương khi cùng nhau làm việc: thần học của gia đình, linh đạo hôn nhân và hôn nhân thánh thiện, chăm sóc mục vụ cho các gia đình, các gia đình trong văn hóa đương đại, di dân và gia đình, gia đình và đại kết.
Chúng tôi cũng hy vọng rằng Đại hội ở Philadelphia có được sự hiện diện rộng rãi và tích cực của các Giáo Hội và cộng đồng Kitô giáo khác, cũng như từ các đại diện tôn giáo lớn khác của thế giới, cùng với những người nam, người nữ, dù không tôn giáo, dấn thân mang lại hòa bình và thiện chí cho thế giới chúng ta. Cầu xin cuộc quy tụ gia đình sắp tới của chúng ta sẽ khuyến khích tất cả mọi người nhớ rằng chúng ta là một gia đình nhân loại. Là một gia đình, chúng ta phải cùng nhau đi trên trên con đường dẫn đến hạnh phúc thật sự.
Tạ Ân Phúc
Nguồn: http://www.ubmvgiadinh.org/article/ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%93ng-gi%C3%A1o-ho%C3%A0ng-v%E1%BB%81-gia-%C4%91%C3%ACnh-tr%C3%ACnh-b%C3%A0y-v%E1%BB%81-%C4%91%E1%BA%A1i-h%E1%BB%99i-gia-%C4%91%C3%ACnh-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-l%E1%BA%A7n-th%E1%BB%A9-8

Giới thiệu nội dung thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các gia đình

Lúc 12 giờ trưa ngày 25-2-2014 Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình, đã mở cuộc họp báo giới thiệu thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho các gia đình. Ngài nói với hàng chục nhà báo hiện diện trong Phòng Báo Chí Tòa Thánh rằng hơn bao giờ hết trong các tháng qua gia đình đã ở trong tâm trí của Giáo Hội. Bằng chứng là các lời nhắn nhủ dặn dò của Đức Thánh Cha Phanxicô về gia đình trong năm đầu tiên triều đại của người; cuộc hành hương của các gia đình trong Năm Đức Tin; cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với các đôi bạn trẻ đã đính hôn trong ngày lễ thánh Valentino; gia đình và hôn nhân trong việc cứu xét của Công Nghị các Hồng Y; việc chuẩn bị và cử hành Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường sắp tới trong năm 2014 về đề tài ”Các thách đố mục vụ về các gia đình trong bối cảnh của việc loan báo Tin Mừng”; Ngày Quốc Tế các Gia Đình tại Philadelphia vào tháng 9 năm 2015; Thượng Hội Đồng Giám Mục bình thường vào tháng 10 năm 2015: các biến cố này trong các năm qua được nói từ con tim của Giáo Hội và đánh động sâu xa con tim của gia đình nhân loại và và gia đình kitô.
Với bức thư gửi cho các gia đình trên thế giới này, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn lôi cuốn gia đình vào trong lộ trình Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, một cuộc hành hương, mà hình ảnh lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ gợi lên với hiệu qủa đặc biệt. Kiểu tham dự đầu tiên vào lộ trình này là lời cầu nguyện. Các gia đình không chỉ là đối tượng của sự chú ý, mà cũng là chủ thể của cuộc hành hương này nữa, xét rằng các gia đình là thành phần đa số của Giáo Hội và được ghi dấu bởi bí tích Hôn Phối. Đức Thánh Cha nhìn các gia đình với lòng biết ơn của người nhận ra công trình, mà chính Thiên Chúa hoàn thành qua tình yêu của người nam và người nữ, của các cha mẹ, con cái, anh chị em, của các ông bà và cháu chắt.
Chúng ta không thể quên rằng sự giãi tỏa của Kitô giáo thời tiên khởi đã xảy ra qua mạng lưới của các gia đình. Đây cũng là một bài học lớn cho thời đại chúng ta, đang khẩn nài một mùa truyền giáo mới của việc rao giảng Tin Mừng.
Tiếp tục buổi họp báo giới thiệu thư Đức Thánh Cha gửi cho các gia đình, Đức Cha Paglia nói: Đức Thánh Cha xin các gia đình kitô cảm nhận được trách nhiệm sứ mệnh của họ trong thời đại hỗn loạn và âu lo ngày nay. Ngài xin sự trợ giúp của họ. Nếu không có các gia đình, lời Chúa Giêsu, lời Giáo Hội, lời Đức Giáo Hoàng nói về tình yêu phu thê có khả năng rộng mở cho tình yêu hiệp thông của Thiên Chúa đối với mọi người sẽ trừu tượng, ngập ngừng và vô hiệu. Nhưng cảm tạ Chúa, các gia đình hiện hữu, và sự hiện diện của chúng sinh động. Vì thế thật là ý nghĩa, các Chủ chăn và các Gia đình sống thời điểm này, đồng tâm nhất trí trong lời cầu nguyện, như trong Nhà tiệc ly tinh thần quy tụ toàn thế giới, chờ đợi Thần Khí dấy lên một mùa Hiện Xuống mới. Trong khi thôi thúc các gia đình cầu nguyện, xem ra Đức Thánh Cha cũng nói với tất cả mọi gia đình kitô rằng: ”Bức thư của chúng tôi chính là anh chị em” (2 Cr 3,2).
Thật vậy, ai có thể nói về ơn cao trọng là hôn nhân và gia đình đối với nhân loại hơn là các gia đình tín hữu? Ai có thể nói - và không chỉ bằng lời - rằng gia đình đâm rễ sâu trong hôn nhân là một thiện ích không tài nào so sánh được, cần phải giữ gìn cẩn thận? Qua các lời đơn sơ này Đức Thánh Cha gợi ý rằng chứng tá xinh đẹp của các gia đình tín hữu qủa thật là một bức thư ”viết trong con tim”, để cho mọi người đọc, để đánh động trong sâu thẳm con tim của nhiều người.
Thật thế, Đức Thánh Cha thường nói về gia đình trong các bài giảng và các suy tư của ngài. Ngài ý thức được các khó khăn mà người trẻ ngày nay gặp phải. Cuộc khủng hoảng kinh tế, văn hóa, đức tin, và nói cho cùng đó là cuộc khủng hoảng của chính bản vị con người nữa, không kháng cự lại sức mạnh của các khó khăn. Con người ước muốn thực hiện chính mình trong cuộc sống, thành lập một cộng đoàn và không khép kín trong chính mình. Nhưng nó gặp sức mạnh nền văn hóa của sự tạm bợ, nỗi sợ hãi lãnh trách nhiệm trong cuộc sống. Sự kiện này cũng trùng hợp với một cuộc khủng hoảng của hàng lãnh đạo chính trị, với sự xa cách gia tăng giữa dân nghèo và tầng lớp ưu việt, khép kín trong các lợi lộc riêng tư của họ, và đã đánh mất đi ý thức về trách nhiệm đối với xã hội dân sự. Thiếu một đường lối chính trị nâng đỡ gia đình.
Nhiều người muốn lập gia đình, nhưng sợ không có công ăn việc làm và nhà ở. Họ sợ phải lấy một quyết định suốt đời, vì mọi sự chung quanh đều bay biến. Rồi lại còn có áp lực của các nhóm không chấp nhận một quan điểm kinh thánh về phẩm giá con người nam nữ, được tạo dựng nên giống hình của Thiên Chúa, và có ơn gọi cộng tác vào việc vun trồng canh giữ trái đất. Họ tạo ra một nền văn hóa khép kín trong chủ thuyết cá nhân thuần túy. Đồng thời, có làn sóng tục hóa gia tăng khiến cho một số kitô hữu chạy theo của cải vật chất ngày càng nhiều hơn, để hưởng lạc thú, tham vọng, tham gia vào quyền bính gây hại cho tha nhân.
Chính trong bối cảnh này Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại thường vào tháng 10 năm 2014 để tìm hiểu tình hình của gia đình trong các bối cảnh văn hóa và xã hội khác nhau; và Thượng Hội Đồng Giám Mục bình thường năm 2015 để gợi ý cho Đức Thánh Cha phối hợp một công tác mục vụ gia đình cho Giáo Hội hoàn vũ. Đó cũng chính là đề tài mà ngài đã thảo luận với Công Nghị Hồng Y cách đây mấy hôm. Trong đó ngài đã tái khẳng định gia đình là tế bào nền tảng của xã hội loài người, ngay từ đầu đã được Thiên Chúa Tạo Hóa dựng nên và chúc phúc, để người nam và người nữ sinh con cái đông đúc trên mặt đất. Như thế, gia đình diễn tả phản ảnh của Thiên Chúa, Duy Nhất, Ba Ngôi.
Đức Thánh Cha cũng nêu bật vẻ đẹp và sự cao cả của gia đình và hôn nhân, một thực tại đơn sơ nhưng phong phú, bao gồm niềm vui và hy vọng, nhọc mệt và khỗ đau, như toàn cuộc sống con người. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đào sâu nền thần học về gia đình và mục vụ gia đình trong các điều kiện sống ngày nay. Ngày nay gia đình bị khinh rẻ và bị đối xử tồi tệ. Nhưng chính vì thế cần phải thừa nhận việc thành lập gia đình ngày nay xinh đẹp và tốt lành chừng nào, không thể thiếu đối với cuộc sống của thế giới và tương lai của nhân loại biết bao.
Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho các gia đình. Ngài viết: ”Các gia đình thân mến, hôm nay tôi trình diện trước ngưỡng cửa gia đình của anh chị em để nói với anh chị em về một biến cố mà, như đã biết, sẽ diễn ra vào tháng 10 tới đây tại Vaticăng. Đó là Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại thường, được triệu tập để thảo luận về đề tài ”Các thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh của việc rao truyền Tin Mừng”. Thật thế ngày nay Giáo Hội được mời gọi loan báo Tin Mừng cũng bằng cách đương đầu với các cấp bách mục vụ liên quan tới gia đình.
Cuộc hẹn hò quan trọng này liên lụy tới toàn dân Chúa, các Giám Mục, linh mục, các người sống đời thánh hiến và tín hữu giáo dân của các Giáo Hội địa phương trên toàn thế giới, đang tham gia tích cực vào việc chuẩn bị với các gợi ý cụ thể, và với phần đóng góp không thể thiếu của lời cầu nguyện. Sự đỡ nâng của lời cầu nguyện thật cần thiết và có ý nghĩa một cách đặc biệt từ phía anh chị em, hỡi các gia đình thân mến! Thật vậy, Thượng Hội Đồng Giám Mục này được đặc biệt dành cho anh chị em, cho ơn gọi và sứ mệnh của anh chị em trong Giáo Hội và trong xã hội, cho các vấn đề của hôn nhân, của cuộc sống gia đình, của việc giáo dục con cái, cho vai trò của các gia đình trong sứ mệnh của Giáo Hội. Vì thế tôi xin anh chị em tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần, để Người soi sáng cho các Nghị Phụ và hướng dẫn các vị trong nhiệm vụ đòi hỏi nhiều dấn thân của các vị. Như anh chị em biết, Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại thường này sẽ được theo sau bởi Thượng Hội Đồng Giám Mục bình thường, cũng đề cập tới đề tài gia đình. Và trong bối cảnh đó, vào tháng 9 năm 2015 cũng sẽ có Cuộc gặp gỡ của các Gia đình tại Philadelphia. Như vậy chúng ta tất cả hãy cùng nhau cầu nguyện để, qua các biến cố này, Giáo Hội chu toàn một lộ trình phân định đích thực và đề ra các phương tiện mục vụ thích hợp, hầu trợ giúp các gia đình đương đầu với các thách đố hiện nay với ánh sáng và sức mạnh đến từ Tin Mừng.
Tôi viết bức thư này cho anh chị em trong ngày cử hành lễ Dâng Chúa Giêsu và Đền Thờ. Thánh sử Luca kể lại rằng Đức Mẹ và thánh Giuse đem Con Trẻ vào đền thờ để dâng cho Chúa, theo Lề Luật Môshê, và hai cụ già Simeong và Anna được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đến gặp các Ngài và nhận ra nơi Đức Giêsu Đấng Messia (x. Lc 2,22-38). Ông Simeong ẵm Người trên tay và cảm tạ Thiên Chúa, bởi vì sau cùng ông đã ”trông thấy” ơn cứu độ; bà Anna tuy đã cao niên, nhưng tìm lại được sức mạnh mới và bắt đầu nói về Con Trẻ với tất cả mọi người. Đây là một hình ảnh đẹp: hai cha mẹ trẻ và hai người già, được quy tụ bởi Chúa Giêsu. Thật thế, Chúa Giêsu khiến gặp gỡ và hiệp nhất các thế hệ! Người là suối nguồn không thể cạn của tình yêu thương chiến thắng mọi khép kín, mọi cô đơn, mọi buồn sầu. Trên con đường gia đình của anh chị em, anh chị em chia sẻ với nhau biết bao nhiêu lúc tươi đẹp: các bữa ăn, sự nghỉ ngơi, công việc trong nhà, giải trí, cầu nguyện, các cuộc du hành và các cuộc hành hương, các hành động liên đới... Tuy nhiên, nếu thiếu tình yêu, thì thiếu niềm vui; và Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta tình yêu đích thật: Người cống hiến cho chúng ta Lời của Người, soi sáng con đường của chúng ta; Người cho chúng ta Bánh sự sống, nâng đỡ sự mệt nhọc thường ngày của chúng ta trên đường đời.
Các gia đình thân mến, lời cầu nguyện của anh chị em cho Thượng Hội Đồng Giám Muc sẽ là một kho tàng qúy báu làm giầu cho Giáo Hội. Tôi cám ơn anh chị em, và xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi nữa, để tôi có thể phục vụ Dân Chúa trong chân lý và bác ái. Xin sự chở che của Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc và của thánh Giuse luôn đồng hành với tất cả anh chị em và trợ giúp anh chị em bước đi hiệp nhất trong tình yêu và việc phục vụ lẫn nhau. Tôi hết lòng khẩn nài Chúa ban phép lành cho mọi gia đình.
Từ Vaticăng, ngày mùng 2 tháng 2 năm 2014, lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ.
Ký tên Phanxicô
(SD 25-2-2014)
Linh Tiến Khải
Nguồn: Vatican Radio
Đăng lại từ: http://www.ubmvgiadinh.org/article/gi%E1%BB%9Bi-thi%E1%BB%87u-n%E1%BB%99i-dung-th%C6%B0-%C4%91%E1%BB%A9c-th%C3%A1nh-cha-phanxic%C3%B4-g%E1%BB%ADi-c%C3%A1c-gia-%C4%91%C3%ACnh

Giáo xứ Hà Nội: Thu ve chai giúp người nghèo

WGPSG -- Sáng Chúa nhật ngày 30/3/2014, được sự chấp thuận của cha chánh xứ Đaminh Đinh Ngọc Lễ, cha Giuse Phùng Văn Thông Minh - đặc trách đoàn Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Hà Nội - đã phối hợp với Ban Caritas giáo xứ và đoàn Thiếu nhi Thánh Thể bước vào chiến dịch thu ve chai, nhằm tạo nguồn tài chánh cho công tác thực thi bác ái mùa Chay.
Đúng 09g30, các thành viên thuộc hai đoàn thể đã tập trung đông đủ tại nhà xứ. Sau lời nhắn nhủ của cha chánh xứ, cũng như sự động viên của cha Giuse, các thành viên chia thành 6 nhóm, tỏa xuống 6 giáo họ để thu ve chai. Đến 12g00, toàn bộ số ve chai đã được tập trung tại sân nhà nguyện giáo họ Khánh Khê, để các thành viên chọn lọc và đem bán.
Khi tham gia thu ve chai, mọi thành viên không phân biệt lớn tuổi hay còn trẻ, dù có địa vị trong xã hội hay còn là học sinh… mọi người đã nỗ lực cộng tác với nhau để cùng thu và vận chuyển ve chai, đã tạo được gắn kết tuyệt đẹp giữa các thành viên thuộc hai đoàn thể.
Ông Giuse Nguyễn Văn Lợi - Trưởng ban Caritas giáo xứ - cho biết: “Qua chương trình này, chúng ta mới cảm nhận được những tấm lòng của bà con trong giáo xứ, đặc biệt đối với những hoàn cảnh cơ cực và thiếu may mắn”.
Vâng, còn gì quý cho bằng, khi người cho đã gửi gắm với cả tấm lòng của mình, còn người nhận không phải nhận cho mình, nhưng là tiếp tục trao ban. Cầu chúc những tấm lòng nghĩa tình, xuất phát từ trái tim yêu thương, sẽ mang lại niềm vui đến với mọi người trong mùa Chay này.
GX. HÀ NỘI: THU VE CHAI GIÚP NGƯỜI NGHÈO

Vợ tôi uống rượu



"Hãy mở cửa ra, đón Chúa vào nhà"

 Khi bước chân vào nhà một người bạn, trực diện ở phòng khách là hai tấm giấy màu đỏ viết hai câu đối bằng chữ thư pháp, khiến khách đến thăm phải chú ý và tò mò đọc.

- Câu bên trái ghi: XUÂN KHỨ, XUÂN LAI, XUÂN BẤT DIỆT
- Câu bên phải ghi: TỬU CHAI, TỬU LÍT, TỬU BÌNH XUÂN

Ngồi đàm tiếu với chủ nhà và những người bạn, tôi mạnh dạn hỏi chủ nhà ý nghĩa câu thứ hai: tửu là rượu (tạm dịch) rượu chai, rượu lít, còn rượu bình xuân, khó hiểu thật? Chủ nhà cười dẫn giải: rượu chai hết sẽ đi qua, rượu lít lại đến, nhưng rồi cũng sẽ hết, chỉ có rượu bình không hết, vì cái bình to gấp mấy chục lần chai và lít, làm sao uống hết. Ông còn hỏi lại tôi: “Anh có biết bình ché không?”. Tôi trả lời: “Cái bình ché to như cái lu”. Chủ nhà cười sảng khoái và giải thích tiếp chữ Xuân: “Xuân đi, Xuân đến, Xuân có mãi. Vì thế rượu chai hết, rượu lít cũng hết, chỉ rượu bình mãi mãi không hết như mùa Xuân vậy”. Trời ạ! giải nghĩa theo hũ chìm kiểu đó chỉ có ma men mới tôn làm sư phụ.

 Vào đầu tháng 12 vừa qua, tôi có dịp ghé lại nhà anh bạn rượu, cố ý chúc tết gia đình và khuyên anh giảm bớt rượu. Nhìn lên phòng khách không thấy hai câu ấy nữa. Tôi hỏi anh: “Hai câu anh treo như hai câu đối đâu rồi?” Anh nhìn tôi cười trả lời: “Tôi lấy xuống gần một năm rồi, bởi vợ tôi uống rượu!!”.

 Tôi định hỏi nguyên nhân, vợ anh vội bộc bạch:  Tôi kết hôn với anh trên 15 năm, anh đã say hết 14 năm 11 tháng 29 ngày rồi. Anh uống bia như nước lã. Anh chê rượu Tây nhạt chỉ dành cho đàn bà, vì loại rượu anh uống, uống vào đến đâu nóng ran đến đó. Hằng ngày, Anh không hề quan tâm đến gia đình, vợ con chỉ biết qui tụ bạn bè nhậu từ sáng đến tối, cho đến khi say bí tỉ mới lếch thếch trở về nhà. Khi tôi khuyên can, anh lớn tiếng bảo: “Đàn ông đích thực phải uống rượu. Hơn nữa, tôi đi uống rượu nhưng có bao giờ để gia đình thiếu ăn, nhịn đói ngày nào chưa? Tôi sống còn có bạn bè nữa chứ!”.

 Bao lời khuyên nhủ anh để ngoài tai. Sức chịu đựng của tôi đã đến lúc cạn kiệt, gia đình luôn xung đột chỉ vì rượu, khiến tôi cần tìm ra hướng để giải quyết. Tôi đã chọn phương án uống rượu đua với chồng, dẫu biết rằng uống rượu đối với tôi là một thử thách lớn, vì tôi rất sợ rượu, chỉ ngửi qua mùi rượu là tôi đã buồn nôn rồi! Tôi quyết định uống rượu đua với chồng cũng là cách bất đắc dĩ, để mong anh hiểu được nỗi khổ tâm mà tôi đã chịu đựng từ bao năm nay, để kéo anh ra khỏi những cuộc nhậu triền miên. Hơn nữa tôi nghĩ, tôi phải uống rượu để có lý do khiến chồng tôi phải chọn một trong hai điều kiện: Thứ nhất, nếu anh thật lòng yêu thương vợ con, anh phải bỏ rượu và chu toàn bổn phận trách nhiệm làm chồng, làm cha.... Thứ hai, nếu anh không bỏ rượu, tôi cũng uống rượu sẽ tan cửa nát nhà, gia đình ly tán, tôi sẽ ôm con đi tìm kế sinh nhai.

 Trước khi thực hiện kế hoạch “Uống rượu đua với chồng”, tôi bàn với người bạn thân của tôi là Hiền, để Hiền giúp tôi nếu tôi có sự cố sau khi uống rượu. Khi biết đêm nay chồng tôi không đi nhậu vì có công việc bên nhà chồng, tôi điện thoại báo cho anh biết là tôi không ăn cơm tối ở nhà, vì có người bạn thân lâu không gặp, nay cùng mấy chị em bạn họp mặt để nhậu cho vui.

 Thật không dễ dàng gì, tôi nhắm mắt nín thở uống ly rượu thứ nhất, cố ăn một miếng để dịu bớt mùi rượu. Rồi tôi tiếp tục uống ly thứ hai và suy nghĩ, nếu không tiếp tục uống ly thứ ba, thứ tư… tôi sẽ không thể uống rượu được! Cứ thế tôi uống liên tục, không còn kiểm soát được mình nữa. Tôi bắt đầu cảm thấy đầu nhức như búa bổ, người quay cuồng như đi trên mây! Cứ thế tôi uống cho đến khi người mềm nhũn và lịm đi lúc nào không biết!

 Khi tỉnh dậy, tôi thấy đồng hồ đã chỉ 09g00 sáng hôm sau, đầu óc nặng trịch như đang đội cả quả núi. Tôi cố gượng nhìn chung quanh, thấy đống ra giường đùm đúm ở góc phòng, trong khi chồng tôi đang loay hoay chùi nhà, tôi lờ mờ nhớ ra tối qua mình đã uống rượu.... Tôi húng hắng ho, anh quay phắt lại nhìn thấy tôi tỉnh dậy, anh chạyđến sờ lên trán tôi, chẳng hỏi câu nào, anh liền nổi xung xỉ vả: “Tại sao em uống rượu? Đàn bà con gái say xỉn thế có coi được không? Em nôn tháo lên ra giường rồi kia kìa! Cả đêm vừa khóc lóc vừa lảm nhảm không còn ra thể thống gì nữa”.

 Tôi nhận ra anh đã phờ phạc sau một đêm mất ngủ để lo cho tôi. Tôi nhẹ nhàng nói: “Em chỉ muốn tập uống rượu, để được uống với anh. Chả lẽ anh uống với bạn thì được mà từ chối uống với vợ sao?". Anh hét lên "điên, đồ điên" rồi anh bỏ mặc tôi đi qua nhà cha mẹ. Khi ấy tôi chợt nhớ ra hôm nay là ngày giỗ ông nội chồng... Nhưng tôi quyết không bỏ cuộc, tôi phải tiếp tục cuộc chiến.

 Tôi quyết định không nấu cơm tối, vì anh chỉ lo nhậu với bạn bè, không coi trọng bữa cơm gia đình, thì tội gì tôi phải nấu nướng! Khi anh về, biết tôi không chuẩn bị cơm tối cho gia đình, anh bực tức la lối: “Tại sao không nấu cơm?”. Tôi nhẹ nhàng trả lời: “Làm sao em biết tối nay anh có ăn cơm ở nhà mà nấu? Vậy hôm nay em mời anh và con ra ngoài quán nhậu, em sẽ uống với anh. Anh uống 10 ly em sẽ tiếp anh 10 ly, thế mới xứng “đôi lứa trùng phùng” chứ!". Anh mắng tôi là bị điên, nhưng tôi vẫn nhẹ nhàng nói với anh: “Em muốn uống rượu với anh. Em muốn anh nhìn thấy em ngất ngư trong những cơn say. Anh không đưa em đi thì em uống ở nhà”. Tôi lôi chai rượu mới mua ra uống một mình, tôi nhắm mắt nín thở cầm chai rượu lên tu một hơi gần nửa chai. Ruột gan tôi xoắn trộn vào nhau, làm tôi đau đớn không thể tả nổi, nước mắt tôi ứa ra. Tôi líu lưỡi nói: "Anh không uống với em đi? Phải uống chứ?”. Chưa nói hết câu thì tôi đã nôn thốc nôn tháo và không còn biết gì nữa!

 Khi tôi mở mắt ra, tôi thấy ba tôi đang đứng giữa đống đồ bể nát do anh đập phá trong cơn tức giận. Ba mắng tôi liên tục rồi nói - Đúng là "Tửu nhập tâm, như khuyển cuồng tại thị" . Rồi ba tôi bỏ ra về .

 Có tiếng điện thoại báo tin nhắn, mở ra đọc tôi thấy đoạn tin "Hôm nay anh ăn cơm ở nhà". Lòng tôi bỗng trở nên chộn rộn lạ thường. Sau nửa tháng tập uống rượu la đà, lúc khóc lóc, lúc rên la… tôi đã thấy mình kiệt sức và muốn bỏ cuộc, tôi nghĩ mình đã quyết định sai lầm.

 Tôi vội ra chợ mua những thúc ăn anh thường thích để chiêu đãi anh. Khi tôi đi chợ vừavề, anh cũng về đến nhà. Tôi lên tiếng: "Hải sản tươi nầy vợ chồng mình nhậu anh nhỉ?" Tôi vừa nói vừa thăm dò ý anh. Mặt anh bỗng trở nên nghiêm trang khác lạ.  Hôm nay anh muốn nói chuyện với em. Em đừng uống rượu nữa. Anh chán cảnh phải dọn bãi chiến trường của em sau những cơn say rồi.  Tôi im lặng. Tôi biết anh hết kiên nhẫn với tôi rồi! Nhưng đó chưa phải là điều tôi chờ đợi nơi anh. Tôi thử anh lần nữa, lẳng lặng cầm chai rượu lên tu. Ngay lập tức, anh giật lấy chai rượu và ném ra ngoài sân bể nát. Anh nói: “Anh cũng không uống rượu nữa. anh hứa”. Tôi hỏi tại sao? Anh nói có 2 lý do: Thứ nhất - chán cảnh dọn mùi xú uế khi em say. Thứ 2 - nhờ ba giải nghĩa câu "Tửu nhập tâm, như khuyển cuồng tại thị". Anh tự thấy xấu hổ với ông đặc trách phát triển GĐPTTTCG quá, nên anh bỏ rượu.  Tôi hỏi ông đặc trách phát triển GĐPTTTCG nói gì mà anh xấu hổ?

 Anh kể: “Lâu lắm rồi, từ khi thành lập GĐPTTTCG xứ đoàn được vài tháng. Nhân dịp anh Thịnh (là đoàn viên GĐPTTTCG xứ đoàn) mời ăn tân gia, có ông đặc trách phát triển GĐPTTTCG cùng tham dự. Khi cùng nhau nâng ly rượu chúc mừng gia chủ, ông chỉ bưng ly nước lọc lên chúc mừng. Trong lúc tửu nhập tâm, anh tìm đủ mọi cách mời ông nhúm môi một chút, nhưng ông vẫn chối từ. Anh nói: "Nam vô tửu, như kỳ vô phong", ông vẫn tự nhiên không trả lời. Anh nói tiếp chắc ông là hệ thứ 3, ông cũng cười không phản ứng. Anh nghĩ ông nầy có vẻ đạo đức giả, và cố ý nói khích để anh ta phải uống cho bằng được. Cả bàn ai cũng cố ép ông uống, nhưng ông cũng không nhúm môi. Khi ấy anh nói "Dân tộc thiểu số thường hay nói: đàn ông không uống rượu thì đưa khố cho mấy bà mặc, nên mặc sarông của mấy bà thích hợp hơn". Ông cũng cười, rồi ông lấy bút và giấy ra viết điều gì đó? và ông đứng dậy bắt tay chào tạm biệt cả bàn, cáo lui ra về vì công việc. Khi bắt tay anh, ông nói chúc anh vui vẻ và gởi anh mấy chữ để về nhà đọc, để hiểu "Tại sao tôi không uống rượu?". 

 Khi ông đi rồi, anh mở ra đọc cho mọi người cùng nghe dòng chữ ông viết: Uống rượu rất tốt, nhưng phải biết dừng đúng lúc, đừng để hệ lụy sau những cuộc vui. Đàn ông không uống rượu, như cờ không có gió, như anh không uống rượu là không có mùa Xuân, tôi có câu nầy tặng  anh - Tửu nhập tâm như khuyển cuồng tại thị. Cả bàn không ai hiểu câu ấy.... Nhưng hôm qua em say, ba ghé qua thấy nhà cửa ngổn ngang, ba nói lên câu mà từ lâu anh không biết hỏi ai. Anh nhờ ba giải nghĩa câu nói ấy. Ba ôn tồn giải thích:"Khi rượu nhập vào tâm, như con chó điên ở chợ". Vì thế, hôm nay anh hứa sẽ bỏ rượu, và anh đã gỡ hai câu ấy xuống đốt.

 Tôi thở phào nhẹ nhõm và sung sướng biết dường nào. Nước mắt tôi từ từ chảy ra vì chờ đợi anh nói câu bỏ rượu suốt thời gian quá dài. Có thể tôi đã điên khi biến mình thành kẻ nát rượu trước mắt chồng, nhưng nếu tôi không điên làm sao tôi có thể thuyết phục chồng quay về với gia đình, dùng cơm với gia đình, để gia đình có những giây phút quây quần bên nhau ấm áp hạnh phúc.

 Anh bộc bạch: “Hôm nay anh thành tâm xin lỗi tất cả mọi người”. Anh cũng cho biết, khi hiểu được câu nói trên, các bạn anh cũng đã bắt đầu bỏ rượu rồi.

 Anh đã tham gia sinh hoạt đoàn thể GĐPTTTCG. Khi sinh hoạt, ông đặc trách phát triển GĐPTTTCG tiếp tục động viên các đoàn viên, mỗi lần đi Tôn vương hay đọc kinh luân phiên các gia đình, nên giảm hay bỏ uống rượu. Ông nêu hai lý do: Thứ nhất - có những gia đình họ rất muốn Tôn vương hay đọc kinh, nhưng họ rất ngại không dám mời vì eo hẹp tài chánh. Thứ hai - gặp những người ác ý, họ sẽ nói đi đọc kinh không phải vì yêu mến Chúa, nhưng vì yêu rượu! Sẽ gây hệ lụy sau khi đọc kinh, và làm ảnh hưởng đến đoàn thể.

 Xin cảm ơn đoàn thể GĐPTTTCG, đã hướng dẫn chúng tôi những bài học đích thực làm người Kitô hữu. Ước mong những đoàn viên còn trong cơn men, hãy lấy chuyện gia đình tôi làm bài học mà tránh xa, để có tâm hồn thanh thản ĐÓN CHÚA VÀO NHÀ.

 Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Chúa đã yêu thương chúng con và cứu chuộc chúng con, nhưng Chúa không cứu chuộc được nếu chúng con không muốn. Xin Thánh Tâm Chúa uốn nắn lòng chúng con đừng cứng cỏi theo dục vọng của riêng mình, mà xa lánh con đường dẫn đến vinh phúc trường sinh. Amen

 (Viết theo lời kể của đoàn viên GĐPTTTCG giáo tỉnh Huế)

Jos. Hồ Ngọc Hương
Nguồn: báo Lửa Mến tháng 4-2014

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Đức Thánh Cha gặp gỡ người khiếm thính và người khiếm thị


WHĐ (30.03.2014) – Đó là cuộc gặp gỡ rất cảm động chưa từng có của Đức Thánh Cha Phanxicô với khoảng 6.000 người khiếm thính hoặc khiếm thị, diễn ra hôm thứ Bảy 29-03 tại Vatican. Cuộc gặp gỡ này –một sáng kiến ​​của Tổ chức “Tiểu Sứ vụ cho người khiếm thính–khiếm thị” và “Phong trào Tông đồ cho người Khiếm thị”–, là thành quả của một bức thư của cha Deuci –linh mục người Brazil– gửi cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Cha Deuci muốn gây ý thức về tình trạng thiếu người phiên dịch và các linh mục hiểu biết ngôn ngữ ký hiệu.
Đức Thánh Cha đã có một bài huấn từ ngắn, khởi đi từ đề tài “Chứng nhân Phúc Âm cho một nền văn hóa gặp gỡ”. Bài huấn từ được nhiều người chuyển dịch sang ngôn ngữ ký hiệu. Đức Thánh Cha nói: “Kiểu diễn tả này (văn hóa gặp gỡ) muốn nói đến một cuộc gặp gỡ khác: gặp gỡ Chúa Kitô, một cuộc gặp gỡ cần thiết và cơ bản cho những ai muốn trở nên chứng nhân Phúc Âm. Và Đức Thánh Cha nhắc lại đoạn Phúc Âm về người phụ nữ Samaria, “một ví dụ rõ ràng về những gì Chúa Giêsu thích làm: gặp gỡ người bị loại trừ, người bị gạt ra bên lề, người bị khinh khi, để làm cho họ trở nên những chứng nhân”. Người phụ nữ Samaria là một người trong số đó, bởi vì chị là phụ nữ và là người xứ Samaria.
“Nhưng chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những người Chúa Giêsu muốn gặp, nhất là những bệnh nhân, những người khuyết tật, để chữa lành và phục hồi phẩm giá của họ. Điều rất quan trọng là họ trở nên các chứng nhân của một thái độ mới, mà chúng ta có thể gọi là “nền văn hóa gặp gỡ”.
Đức Thánh Cha còn đưa ra một câu chuyện khác, câu chuyện người mù bẩm sinh, được đọc trong Thánh Lễ Chúa nhật thứ tư mùa Chay (Gioan 9,1-41). Người này sinh ra đã bị mù và bị gạt ra bên lề xã hội vì một quan niệm sai lầm: người ta cho rằng sở dĩ anh bị khuyết tật là vì Chúa phạt. Chúa Giêsu mạnh mẽ bác bỏ não trạng mang tính xúc phạm này, Người đã thực hiện công trình của Thiên Chúa là cho anh mù lại được nhìn thấy.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Tuy nhiên, điều cần nhớ là người này đã trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu và về công trình của Thiên Chúa. Anh đã làm chứng cho sự sống, tình yêu, cho lòng thương xót, và mạnh mẽ tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu một cách đơn sơ, trước mặt người Pharisêu. Như vậy dù bị loại trừ, nhưng trong thực tế anh mù lại được gia nhập một cộng đoàn mới dựa trên đức tin vào Chúa Giêsu và tình huynh đệ”.
“Đây là hai nền văn hóa đối lập nhau: văn hóa gặp gỡ và văn hoá loại trừ. Các bệnh nhân cũng như người khuyết tật, từ thân phận mong manh của mình có thể trở thành chứng nhân của gặp gỡ: gặp gỡ Chúa Giêsu, gặp gỡ người khác và gặp gỡ cộng đoàn. Chỉ những ai nhận ra tính mong manh của mình mới có thể xây dựng được những mối quan hệ huynh đệ và liên đới, trong Giáo hội và xã hội”.
Cuối cùng Đức Thánh Cha cảm ơn những người có mặt và khích lệ họ tiến bước trên con đường của Gặp gỡ: “Hãy để Chúa Giêsu gặp anh chị em. Chỉ một mình Người biết rõ trái tim của con người, một mình Người mới có thể giải thoát con người khỏi ngục tù và sự bi quan cằn cỗi, để mở ra cho Sự sống và niềm hy vọng”.
Sau đó Đức Thánh Cha đọc một kinh Kính Mừng, trước khi chào đông đảo các tín hữu khiếm thính và khiếm thị.
Những người khuyết tật tham dự cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha đến từ khắp Italia, nhưng cũng có những người khiếm thính từ các nước khác.
(Theo Vatican Radio)


Minh Đức
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/duc-thanh-cha-gap-go-nguoi-khiem-thinh-va-nguoi-khiem-thi/5916.57.7.aspx

Nghiên cứu phong tục Ngắm và thi Ngắm tại Việt Nam


Kính gửi quý độc giả bài nghiên cứu của tác giả Nguyễn Long Thao về phong tục Ngắm tại Việt Nam. Đây là một phương thức hội nhập văn hóa giúp sống đức tin cách thực tiễn và sống động.

Nhân dịp Giáo Phận Thanh Hóa tổ chức thi ngắm 15 Sự Thương Khó giữa các giáo xứ, chúng tôi viết bài này nhằm mục đích giúp các bạn trẻ, nhất là những người ở hải ngoại, biết về một nghi thức phụng vụ đã được Việt hóa ngay từ thời cha Đắc Lộ. Nội dung bài này sẽ tìm hiểu Ngắm là gì? Có bao nhiêu loại Ngắm ? Và cuối cùng là một vài nhận xét về phong tục Ngắm.


I. Định Nghiã Từ Ngắm : Ngắm là từ Nôm lấy dạng từ Ngâm  trong Hán Việt, có nghĩa là nhìn kỹ, gẫm suy. Ngắm cũng có âm khác là Ngẫm. Miền Bắc dùng từ Ngắm, miền Nam dùng từ Ngẫm hay Gẫm. Tất cả đều có nghĩa là suy nghĩ kỹ. Từ Ngâm trong Hán Việt có nghĩa là đọc chậm, giọng ngân nga như ngâm thơ, ngâm vịnh. Do vậy từ Ngắm xuất phát từ từ Ngâm cũng có nghĩa là vừa ngắm nhìn vừa ngân nga. Ý nghiã này thể hiện rất rõ nét trong trong các nghi thức Ngắm của người Công Giáo Việt Nam

II. Các Loại Ngắm: Kinh sách Công Giáo Việt Nam dùng nhiều từ Ngắm: Nguyện Ngắm, Ngắm Bẩy Sự, Ngắm Đàng Thánh Giá, Ngắm Lễ, Ngắm Đứng, Ngắm 15 Sự Thương Khó, Ngắm Nhân Sao, Ngắm Nhân Tài. Ngắm Đàng Thánh Giá. Tuy nhiên có ba loại ngắm chính là Ngắm Lễ, Ngắm 15 Sự Thương Khó và Ngắm Đàng Thánh Giá. Riêng Ngắm Đàng Thánh Giá thì trên thế giới nơi nào cũng có nên chúng tôi chỉ nghiên cứu tập tục Ngắm Lễ và Ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu là hai loại ngắm đặc thù của Công Giáo Việt Nam. Ngoài ra trong bài này chúng tôi cũng trình bày một số loại ngắm không được phổ thông lắm: Đó là Ngắm Rằng, Ngắm Nhân Sao, Ngắm Nhân Tài, Ngắm Dấu Đanh diễn ra trong tuần thánh tại các xứ đạo lớn ở miền Bắc Việt Nam.

1. Ngắm Lễ: Trước Công Đồng Vatican II, thánh lễ được cử hành bằng tiếng La Tinh. Khi Linh Mục cử hành thánh lễ, các cô học trò đọc những lời diễn giải ý nghiã nghi thức đó. Vì đọc theo cung giong ngân nga nên gọi là Ngắm Lễ. Ví dụ, khi Linh Mục đọc kinh Tin Kính, các cô học trò ngắm như sau:

“Thầy đọc kinh tin kính: Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu, tôi tin thật những điều Chúa Giêsu đã truyền cho Hội Thánh. Tôi sẵn lòng đổ máu tôi ra mà làm chứng. Tôi hợp một ý cùng thầy cả mà xưng ra tôi tin kính Chúa tôi cùng tin những lời Hội Thánh dậy, dù sống chết thì hợp một ý cùng Hội Thánh mà tin cho vững bền như là vậy”

Cung giọng ngắm lễ thì ngân nga trầm bổng và để có thể ngân nga, người ta thêm các âm í i/ í ì/ ì i ì/. Ví dụ phần nhập lễ, các cô học trò ngân nga như sau: Lậy I Chúa tôi Í, I.- Bao nhiêu lễ Ê làm ÀM ngày AY hôm nay Í I.- Khắp cả A VÀ À thiên hạ Í I. – Thì Ì xin dâng cho Chúa Í I. v. v… Cung giọng ngắm lễ mùa Vui hay mùa Mừng, khác cung giọng mùa Thương. Mùa Vui là mùa Sinh Nhật, Mùa Hiện Xuống. Mùa Mừng là mùa Phục Sinh. Ba mùa này cung giọng bớt thảm não ngân nga hơn Mùa Thương tức mùa Chay Thánh. Ngắm lễ không có bài bản ghi dấu nốt nhạc nhất định, chỉ được bà quản dậy thế nào, các cô học trò ngắm như vậy. Họ học thuộc lòng không cần mở sách nên cung giọng rất đều. Ngày nay phong tục ngắm lễ đã biến mất. Chúng tôi ghi lại đây nét đại cương như một tài liệu văn hóa Công Giáo cần được nghiên cứu đầy đủ để bổ túc cho việc nghiên cứu lịch sử thánh ca Việt Nam vì ngắm lễ chính là một thứ “dân ca tôn giáo Việt Nam”.

2. Ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu: Ngắm được diễn ra trong tuần thánh, là nghi thức phụng vụ giúp giáo dân suy nghĩ về cuộc tử nạn của Chúa Cứu Thế. Ngắm 15 Sự Thương Khó còn gọi là Ngắm Đứng vì người đọc đứng trước bàn thờ, trước cung thánh ngân nga những lời suy niệm.

Tác giả các bài Ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu là cha Alexandre de Rhodes. Cha viết trong Lịch Sử Đàng Ngoài như sau: “Để cho họ khỏi bị thiệt thòi, thì chúng tôi đã chia các mầu nhiệm thương khó làm 15 đề tài chính. Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy niệm một trong 15 sự thương khó, sau mỗi lần như thế thì lại tắt một trong 15 ngọn nến sáng theo tục lệ trong giáo hội Roma. Trong nghi lễ, họ khóc lóc, kêu gào và rên rỉ tỏ lòng thương mến những thống khổ và cái chết của Chúa Cứu Thế, người lân cận cũng đến nghe.”

Trước năm 1954 nghi lễ ngắm 15 Sự Thương Khó được tổ chức vào các ngày Thứ Tư, Năm, Thứ Sáu Tuần Thánh. Trong các ngày này, giáo xứ bừng lên một không khí sống đạo náo nhiệt, mọi người trong gia đình thay nhau đến nhà thờ dự nghi thức phụng vụ tuần thánh. Tại các giáo xứ miền Bắc, nghi thức diễn ra như sau:

Người ta đặt một cái bàn phủ khăn trắng ở vị trí chỗ giáo dân lên rước lễ trong nhà thờ. Sau bàn là một vì kèo gọi là kèo ngắm cao độ 3 hay 4m trên đó cắm 15 ngọn nến tượng trưng cho 15 ngắm sự thương khó. Sau mỗi ngắm, người ta tắt đi một ngọn nến. Trên bàn có đặt cây thánh giá nhỏ được che màn trắng, hai bên có hai cây nến. Vào ngày thứ Sáu tuần thánh giáo dân tham dự ngắm đội tang trắng để tưởng nhớ ngày Chúa chêt. Sở dĩ dùng màu trắng vì theo phong tục Á Đông, màu trắng là màu tang chế, ngược lại với Tây Phương màu đen là màu tang chế. Trước thánh giá người ta đặt một kệ nhỏ để sách ngắm, có hai cây nến để hai bên. Ngày xưa sách ngắm thường là sách viết tay bằng chữ nôm hay chữ quốc ngữ.

Vào khoảng kinh kính mừng thứ 8, bồi tế gõ mõ ra lệnh, trống khẩu đáp lại, đoàn rước từ cuối nhà thờ rước viên chức tiến lên bàn ngắm. Dẫn đầu đoàn rước là người cầm trống khẩu vừa đi vừa điểm 3 tiếng trống: hai nhặt, một khoan. Sau đó đến 4 hay 6 người cầm bát bảo và hai bồi tế chia làm hai hàng đi lên. Trong khi đó hội bát âm ở cuối nhà thờ cử hành những bản nhạc cổ truyền. Viên chức lên ngắm thường mặc áo thụng màu thanh thiên, đầu đội khăn xếp, chân đi hài. Đến bàn ngắm, thì giáo dân đã đọc xong 10 kinh, bồi tế gõ mõ, hai bồi tế và viên chức ngắm bái qùy. Một hồi chiêng trống và nhịp trắc nổi lên, viên chức bắt đầu ngắm. Trong lúc ngắm người cầm trống khẩu đệm nhẹ ba tiếng: hai nhặt một khoan. Cách đệm trống này trong ngôn ngữ hát chầu gọi là chầu ấm đám. Ngắm xong, hội bát âm, chiêng trống và đội đánh trắc, ở cuối nhà thờ nổi lên một hồi, bồi tế gõ mõ, đoàn rước bái qùy và rước viên chức ngắm xuống cuối nhà thờ. Giáo dân lại đọc 10 kinh kính mừng. Chú giúp lễ tắt một ngọn nến trên vì kèo ngắm. Đến kinh thứ 8 đoàn rước lại rước viên chức khác lên ngắm. Ngày xưa chỉ có đàn ông được để cử lên ngắm và coi đó là một vinh dự nên hàng xứ thường chia 15 ngắm cho các chức việc, các hội đoàn, các người có công lao hay danh vọng trong giáo xứ.. Trước năm 1954 nhiều ông không biết chữ, nhưng thuộc lòng một số ngắm, do vậy bài ngắm vẫn diễn ra một cách trôi chảy. Sau mỗi phiên ngắm, giáo dân có tục lệ phẩm bình, chấm điểm các người lên ngắm xem ông nào ngắm hay. Vì nguyên nhân này mà trong các xứ đạo ngày xưa có tục thi Ngắm Nhân Tài.

Về cung giọng ngắm, giáo dân Bắc Trung Nam có giọng ngân nga khác nhau. Riêng tại các giáo phận mà từ ngữ chuyên môn gọi là các điạ phận Dòng như Bùi Chu, Bắc Ninh có giọng ngắm khác với giọng ngắm của các địa phận Hà Nội, Phát Diệm, Thanh Hóa là các địa phận thuộc Hội Thừa Sai Paris. Điểm cần ghi nhớ là chỉ có cung giọng là khác còn nội dung ngắm đều giống nhau.

Về nội dung các bài ngắm, nói chung, tất cả đều đúng với Kinh Thánh, nhưng vì muốn giáo dân thương cảm và xúc động trước cảnh Chúa Giêsu chịu nạn nên tác giả của 15 Ngắm Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu đã dùng nhiều từ ngữ “quá đáng” hoặc tài liệu không có chứng liệu trong kinh thánh. Vị dụ ngắm thứ sáu viết: “Bấy giờ nó nó lột áo ra, liền trói chân tay vào cột đá, đoạn lấy chà gai cùng dây gia và lòi tói sắt đánh cả và mình Đức Chúa Giêsu dư 5000 nghìn đòn cho nên nát hết thịt ra, xem thấy xương chẳng còn nơi đâu lành, mặt mũi chẳng còn hình tượng người như trước nữa.”

Vào ngày thứ Sáu tuần thánh, sau nghi thức ngắm 15 Sự Thương Khó, nhiều giáo xứ còn diễn lại nghi thức Tháo Đinh, Táng Xác Đức Chúa Giêsu. Trong nghi thức này có một loại kinh nguyện mà đặc ngữ chuyên môn gọi là “Đọc Đoạn” và “Than Mồ. Nội dung và cung giọng của Đọc Đoạn và Than Mồ cũng nhằm diễn tả sự đau thương của Chúa chịu chết vì nhân loại. Sau khi tháo đinh, tượng Chúa Giêsu được đặt trong quan tài và giáo dân kiệu đi quanh nhà thờ rồi táng trong Mồ Thánh là một hang núi nhân tạo làm bằng giấy đen. Xác Chúa nằm trong mồ thánh được giáo dân thay nhau đến kính viếng.

3. Ngắm Nhân Tài: Ngắm thi. Ở miền Bắc trước năm 1954, một số giáo xứ lớn có phong tục thi ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu để xem ai, họ nào có người ngắm hay nhất. Ngắm Nhân Tài diễn ra vào ba ngày cuối của tuần thánh, nhưng lồng vào đó tinh thần thi đua. Trong khi ngắm có vị giám khảo cầm trống chầu. Viên chức ngân nga hay, giám khảo điểm trống khen thưởng, nếu ngắm sai, phạm các lỗi như không cúi đầu, không bái gối khi đọc tới danh thánh Chúa Giêsu, giám khảo gõ ra tang trống. Nguyên tắc này giống nguyên tắc cầm chầu trong các phiên chầu hát tại các đình làng ngày xưa. Ngày nay, lễ nghi ngắm 15 sự thương khó đã đơn giản nhiều, nhất là ở hải ngoại, không còn ngắm nhân tài nữa và các bà cũng lên ngắm. Người lên ngắm chỉ mặc áo trắng, đội khăn tang. Cung giọng cũng bớt ngân nga và không còn đội chiêng, trống, trắc làm cho sinh hoạt giáo xứ rộn lên trong Tuần Thánh.

4. Ngắm Dấu Đanh: Trong các xứ đạo ngày xưa, vào hồi 10 giờ sáng thứ Tư tuần thánh, giáo dân đến nhà thờ Ngắm Năm Dấu Đanh. Gọi là Ngắm 5 Dấu Đanh vì đó là 5 bài suy niệm ngắn về năm dấu đanh trên thân xác Chúa Giêsu. Cách ngắm và cung giọng cũng gần giống như ngắm 15 Sự Thương Khó nhưng bớt ngân nga hơn. Theo tục lệ, ngắm thứ nhất thường dành cho thầy giúp xứ, còn 4 ngắm kia được phân chia cho giáo dân. Sau đây là phần dẫn nhập và nội dung ngắm thứ nhất trong Ngắm Năm Dấu Đanh:

Phép lần hạt năm dấu thánh Đức Chúa Giêsu ba mươi kinh Lậy Cha cùng năm kinh Kính Mừng chia ra làm sáu phần. Thứ nhất thì ngằm: Khi quân dữ bắt chân tả Đức Chúa Giêsu vào Thánh Giá mà đóng đanh sắt bằng mũi đau đớn lắm, máu chảy xuống dòng dòng. Khi ngắm sự ấy thì nguyện năm kinh Lậy Cha, lậy ơn Đức Chúa Giêsuchịu đóng đanh chân tảvì chúng tôi đi đàng trái, cùng nguyện một kinh Kính Mừng thương Đức Mẹ đau đớn trong lòng, như phải đóng đanh vậy. Xin cho chúng tôi chừa đi đàng trái, là chớ làm tội lỗi mất lòng Đức Chúa Giêsu nữa. Amen.

5. Ngắm Nhân Sao: Trong Tuần Thánh, sau khi ngắm 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu, nhiều giáo xứ còn có nghi thức Ngắm Nhân Sao hay còn gọi là Hỏi Nhân Sao. Ngắm Nhân Sao là tìm hiểu tại sao linh hồn Chúa Giêsu chịu mọi sự thương khó. Gọi là Nhân Sao hay Hỏi Nhân Sao vì khi ngắm, giáo dân chia làm hai bè. Một bên hỏi lý do mà từ ngữ cổ gọi là Nhân Sao, một bên trả lời lý do. Sau đây là là câu đầu tiên của Ngắm Nhân Sao:

Bên hỏi: Nhân Sao Đức Chúa Giêsu chịu thằng Giuda bán?

Bên thưa: Ta chịu bán cho được chuộc tội con.

Bên hỏi: Nhân sao Đức Chúa Giêsu cầu nguyện lâu làm vậy?

Bên thưa: Ta cầu cùng Đức Chúa Cha kẻo qưở phạt con…

6. Ngắm Rằng: Trong các xứ đạo ngày xưa, vào hồi 10 giờ sáng thứ Tư và thứ Sáu tuần thánh, giáo dân đến nhà thờ ngắm. Thứ Tư Ngắm Năm Dấu Đanh, thứ Sáu Ngắm Rằng. Hai loại ngắm này có sự liên hệ. Ngắm Dấu Đanh mô tả vắn tắt về suy niệm các dấu đanh, Ngắm Rằng là quảng diễn sự suy niệm cách rộng rãi hơn. Do vậy nhiều đoạn văn trong Ngắm Dấu Đanh được lập lại trong Ngắm Rằng. Gọi là Ngắm Rằng vì câu đầu trong phần suy niêm được bắt đầu bằng chữ Ngắm Rằng. Sau đây là phần đầu của Ngắm Rằng:

Phép lần hạt năm dấu thánh Đức Chúa Giêsu ba mươi kinh Lậy Cha cùng năm kinh Kính Mừng chia ra làm sáu phần. Thứ nhất thì ngắm: Khi quân dữ bắt chân tả Đức Chúa Giêsu vào Thánh Giá mà đóng đanh sắt bằng mũi đau đớn lắm, máu chảy xuống dòng dòng. Ngắm Rằng Đức Chúa Giêsu là con thật Đức Chúa Trời….

Cung giọng Ngắm Rằng giống Ngắm Năm Dấu Đanh đều không ngân nga dài dòng như Ngắm 15 Sự Thương Khó, chỉ ngâm một chút ở cuối câu.

III. Nghĩ về phong tục ngắm: Khi nghiên cứu về các nghi thức phụng vụ của Công Giáo Việt Nam, chúng tôi có thể khẳng định một điều mà không mấy sợ bị sai lầm rằng, ngay từ thời cha Đắc Lộ, các nhà thừa sai đã cố gắng áp dụng tinh thần hội nhập văn hóa. Các ngài đã lồng nghi thức phụng vụ vào văn hóa Việt Nam mà cụ thể là phong tục ngắm đứng. Nếu tôn giáo dân gian diễn ra tại đình làng có nghi thức Hèm tức nghi thức diễn lại thần tích của vị Thành Hoàng thì người Công Giáo Việt Nam cũng có nghi thức diễn lại cuộc khổ nạn của Chúa qua nghi thức Ngắm, Tháo Đinh, Táng Xác. Như vậy lập luận xưa kia cho rằng theo đạo là chối bỏ văn hóa dân tộc là một kết án thiếu căn bản.

Rồi khi so sánh với Công Giáo Âu Châu và Công Giáo Việt Nam, lại có một số vị đã phát biểu rằng người Công Giáo Việt Nam giữ đạo không có chiều sâu, nông cạn, vụ hình thức, nặng về tình cảm hơn lý trí, mà cụ thể là các nghi thức phụng vụ rềnh rang, ồn ào như ngắm, rước kiệu, dâng hoa, v.v.

Người viết bài này suy nghĩ rất nhiều về nhận định trên và tự hỏi liệu giáo dân với cung cách sống đạo ồn ào, nặng phần kinh sách, bề ngoài, thì đức tin của họ có kiên vững không?

Sau khi quan sát đời sống đạo của giáo dân Âu Mỹ trong hơn 30 năm, tôi nhận thấy lời phê bình và kết án trên là hoàn toàn không có căn cứ vì thực tại lịch sử đã bác bỏ luận cứ này. Bằng chứng hùng hồn nhất là sức sống của Giáo Hội Công Giáo hiện nay là ở Châu Á, Châu Phi, Mỹ Châu La Tinh chứ không phải Âu Châu. Châu Á và Châu Phi đang gửi các nhà truyền giáo đi khắp nơi trên thế giới. Tòa Thánh Vatican đã nói tới việc Âu Châu cần phải được tái truyền giáo. Theo thiển ý chúng tôi, chính những hình thức bị lên án là rềnh rang, nặng tình cảm, vụ hình thức đã là phương tiện giúp củng cố đức tin người Công Giáo Việt.

Quan sát đời sống đạo hiện nay của giáo dân Thanh Hóa, Phát Diệm, Bắc Ninh, Bùi Chu, v.v.. không ai có thể dám nói là đức tin của họ thiếu kiên vững. Trong hơn nửa thế kỷ qua, dù gặp bao nhiêu gian nan, khó khăn nhưng tinh thần sống đạo của họ vẫn kiên vững, vẫn đáng nêu gương.

Đối với người Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại, vì được thừa kế truyền thống của cha ông nên họ đã được nhiều vị Hồng Y, Giám Mục điạ phương nhiệt liệt ca ngợi. Nhiều Giám Mục Mỹ đã nói với các vị Giám Mục Việt Nam rằng “Giáo dân Việt Nam là một hồng ân Chúa ban cho Giáo Hội Hoa Kỳ.”Thí dụ cụ thể minh chứng cho tinh thần đức tin của người Công Giáo VN ở hải ngoại  là tại San Jose, California, vì nhà thờ bị cháy, phải xây lại mà chỉ trong vòng hơn 8 tháng,, khoảng 1500 gia đình VN thuộc giáo xứ Đức Mẹ La Vang đã đóng  góp  trên 26 triệu Mỹ Kim. Nhiều cộng đoàn giáo dân VN tại Mỹ, với khoàng ba /bốn ngàn giáo dân vẫn đã có thể xây được nhà thờ cho mình  với trị giá hai / ba chục triệu Mỹ Kim.

Giáo phận Thanh Hóa tổ chức cuộc thi ngắm không chỉ là làm sống lại nét văn hóa Công Giáo Việt, mà chủ yếu là khơi dậy tâm tình thống hối trong mùa chay để giáo dân có dịp soi chiếu đời mình trong tuần thánh.
Nguyễn Long Thao
Nguồn: http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=8506