Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Thông báo: Đại Hội Giới Trẻ Mùa Chay 2017 "Sống Xanh"

TOÀ TỔNG GIÁM MỤC SÀI GÒN
       BAN MỤC VỤ GIỚI TRẺ
      180 NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU – Q3
               ĐT: 39 300 599

THƯ MỜI
                          Kính Thưa: Quý Cha, Quý Tu sĩ, Quý Đồng hành,
                                               Và các bạn trẻ thân mến.
Hội Đồng Giám mục Việt Nam định hướng mục vụ chung quan tâm đến gia đình, nhấn mạnh sự quan trọng của công tác chuẩn bị hôn nhân cho người trẻ, đặc biệt trong năm 2017.
Trong tâm tình đó, chúng con trân trọng kính mời quý Cha, Quý Đồng hành và các bạn trẻ tham dự:
Đại Hội Giới Trẻ Mùa Chay 2017
Tại Trung Tâm Mục vụ Tổng giáo phận Tp.HCM, 6 bis Tôn Đức Thắng, Q1
Vào thứ Bảy ngày 08 tháng 04 năm 2017, với chủ đề:
SỐNG XANH
“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại” ( Lc 1,49)
(Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 32)
Chương trình:
- 13g00-13g30: Đón tiếp
- 13g30-15g30: Workshops với các đề tài theo hướng dẫn của UBMVGĐ
I. XANH MÀU TÌNH YÊU
-15h45: Hát với nhau
                Khai mạc
II. THÁNH HOÁ TÌNH YÊU
- 16g45: Nghi thức rước lá- Thánh lễ ( Áo đỏ)
III. NIỂM VUI TÌNH YÊU
- 19g30: Hoa Hồng hay Bụi Gai?
IV. SỐNG XANH – TOẢ SÁNG TÌNH YÊU
- 21g00: Dấn thân cho tình yêu lên ngôi.
Kính chúc quý cha, quý đồng hành cầu nguyện và giúp đỡ chúng con:
- Chi phí tổ chức: có workshop – 60.000 đ/ người: tham dự - 30.000 đ/người.
       - Cho phép niêm yết poster và thông báo này tại bản tin giáo xứ.
  Chúng con xin chân thành ghi ơn.
Sài Gòn, ngày 27 tháng 02 năm 2017
Đặc trách Mục Vụ Giới Trẻ
       Lm. Gioan Lê Quang Việt
     (Đã ký)
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20170330/38207

Hình ảnh truyền giáo 'Đường Lên Bản Thượng' cuả vùng Tây Bắc Bộ


Bài hát "Con đường nào Chuá đã đi qua" cuả Cha Văn Chi, phó giám đốc VietCatholic, chắc hẳn phải ỉ ôi bên tai cuả linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình trong suốt lộ trình 40 km cheo leo khi ngài vượt đường rừng để đến với một cộng đoàn mới mẻ người dân tộc H'mông. 

Tại đây, ngài đã gứi đi nhiều tấm hình sống động cuả những mảnh đời cô quạnh trong cảnh bần cùng, tuy chưa đến nỗi như cảnh 'nuí Sọ' năm xưa, nhưng cũng đầy dẫy những bi thương về các thân phận 'lỡ phải sinh ra' trong một vùng 'bị bỏ rơi'.

Ngài viết:

"Lần đầu tiên đến với Bản Toòng, một cộng đoàn H'mông cách Sapa 40km, nơi còn khó khăn nhiều mặt. Cả 4 tiêu chí để phát triển ĐIỆN-ĐƯỜNG-TRƯỜNG-TRẠM (điện thắp sáng, đường giao thông, trường học, trạm y tế) đều hầu như chưa có. 

Ghi công cha Giuse Đỗ Tiến Quyền đã vất vả gầy dựng nên cơ sở vật chất này và cha Đaminh Hoàng Thế Bằng đã thường xuyên đến dâng lễ cho cộng đoàn."

'Con đường lên bản thượng' này phải chăng là con đường Nuí Sọ mà các nhà truyền giáo ngày nay đang gắng sức vượt qua, tìm gặp sự thương khó cuả Chuá Kitô trên những đỉnh núi, đồ̀ng thời mang đến những tia hy vọng cuả một muà phục sinh?

Xem hình ảnh:

Trần Mạnh Trác
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/218809.htm

Kỷ niệm 50 năm công bố Thông điệp "Tiến Bộ các Dân Tộc"

Ngày 26 tháng 3 năm 1967, tức cách đây 50 năm vào đúng ngày lễ Phục Sinh, Đức Phaolô VI đã công bố Thông điệp “Populorum progressio – Tiến bộ các dân tộc”. Đây là một trong các tài liệu ý nghĩa nhất của thế kỷ XX, với cùng chiều hướng của các tài liệu quan trọng của Công Đồng Chúng Vaticăng II, và với chính các tài liệu, diễn văn và bài phát biểu của chính Đức Phaolô VI từ Thông điệp “Ecclesiam suam Giáo Hội Ngài” cho tới diễn văn đọc tại Liên Hiệp Quốc ngày mùng 4 tháng 10 năm 1965.

Thông điệp gồm 87 số từ phần dẫn nhập cho tới lời kêu gọi kết thúc. Phần nhập đề khẳng định rằng “vấn đề xã hội là vấn đề luân lý”. Phần I của Thông điệp đề cập tới mục đích thông điệp nhắm tới là thăng tiến một sự phát triển toàn diện cho con người, tại khắp nơi trên thế giới này. Nó duyệt qua một số các dữ kiện giải thích tại sao lại cần phát triển con người toàn diện. Tiếp đền là tưong quan giữa Giáo Hội và sự phát triển, và công việc cần thực hiện trong các lãnh vực cụ thể của cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội. Phần hai của Thông điệp trình bầy đề tài “hướng tới việc phát triển liên đới của nhân loại”, bao gồm việc trợ giúp những người yếu đuối, tạo ra sự bình đẳng trong các tương quan thương mại, phát huy tình bác ái đại đồng, và thông điệp kết thúc với lời kêu gọi hướng tới mọi thành phần xã hội: các tín hữu công giáo, các kitô hữu và tín hữu các các tôn giáo khác, các người thiện chí, các giới chức lãnh đạo chính trị xã hội, kinh tế văn hoá, các tư tưởng gia, và tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.

Đức Phaolô VI trở thành Giáo Hoàng ngày 21 tháng 6 năm 1963 giữa khoá họp thứ nhất và thứ hai của Công Đồng Chung Vaticăng II. Ngay lập tức ngài đưa vào truyền thống các chuyến tông du, trước hết bên Palestina, tại Bếtlêhem, Nadarét và Giêrusalem, nơi ngài gặp gỡ Đức Athenagoras, Thượng phụ Giáo Hội chính thống Costantinopoli. Sau đó là các chuyến viếng thăm Bombay bên Ấn Độ, rồi Liên Hiệp Quốc và New York, Fatima Bồ Đào Nha, Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ, Bogotà Colombia, Genève Thụy Sĩ, Uganda, Đông Á, Đại dương châu và Australia.

Trong sứ điệp phát thanh đọc một tháng trước ngày khai mạc Công Đồng Chung Vaticăng II Đức Gioan XXIII đã nói: “trước các dân tộc kém mở mang Giáo Hội muốn là Giáo Hội của tất cả mọi người và đặc biệt là Giáo Hội của người nghèo”. Ở đây Đức Roncalli đặt để sự tương ứng giữa các dân tộc nghèo và sự nghèo nàn của Giáo Hội là Giáo Hội thuộc về người nghèo, là những người khiến cho Giáo Hội hữu hình trong việc đi theo mầu nhiệm của Chúa Giêsu, là Đấng Cứu Thể của người nghèo.

** Theo cách thức của mình Đức Phaolô VI muốn du nhập viễn tượng này và trả lời cho thế giới kém mở mang đang gây áp lực mạnh, để đáp ứng nhu cầu của Tin Mừng đòi hỏi công bằng cho các quốc gia thuộc miền nam bán cầu. Nhất là hồi đó hàng Giám Mục châu Mỹ Latinh đặt ra vấn đề kitô hữu tham dự vào các tiến trình và phong trào cách mạng chính trị xã hội. Thông điệp muốn trả lời cho một tiến trình đã khởi đầu với Hiến chế mục vụ “Gaudium Spes - Vui Mừng và Hy Vọng” về Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Hồi đó thế giới có các thay đổi sâu rộng với một tiến bộ kinh tế ngoạn mục chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại, song song với một cuộc cách mạng sâu rộng trong điều kiện sống của con người, để lại các dấu vết trong lịch sử. Các tài liệu công đồng cho thấy Giáo Hội cũng ý thức được một điều gì vĩ đại đang xảy ra. Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng khẳng định rằng: “Nhân loại ngày nay đang sống một giai đoạn mới trong lịch sử của mình. Đó là giai đoạn chất chứa những thay đổi sâu rộng và mau chóng đang dân dần lan rộng trên toàn địa cầu… Như thế, chúng ta có thể nói tới một biến đổi đích thực về mặt xã hội và văn hoá, sự biến đổi này đang lan tràn tới cả đời sống tôn giáo” (s. 4).

Sự tăng trưởng kinh tế đã thực sự là một hiện tượng không phải chỉ của thế giới tây âu, nhưng cả trong khối liên xô, và tại các nước đang trên đường phát triển, bị gọi là “thế giới thứ ba” nữa. Các nước này có dân số gia tăng một cách ngoạn mục, và tuổi thọ của con người cũng gia tăng vì các phát triển trong lãnh vực nông nghiệp và y khoa. Thông điệp Tiến bộ các dân tộc cũng ghi nhận sự va chạm giữa các nền văn minh truyền thống và các mới mẻ do nền văn minh kỹ nghệ đem lại tạo ra hậu quả sâu rộng trên các cơ cấu không thích ứng được với các điều kiện mới mẻ. Bên trong môi trường thường là cứng nhắc của các cơ cấu đó, được đóng khung cuộc sống của các cá nhân và gia đình, tìm thấy nơi các cơ cấu ấy sự nâng đỡ cần thiết, và các thế hệ già bám víu vào chúng, trong khi giới trẻ hướng tới chỗ thoát khỏi các cơ cấu này vì coi chúng như một chướng ngại vô ích; và họ hướng tới các hình thức mới mẻ trong cuộc sống xã hội. Mặc dầu thừa nhận các điều ác của một loại chế độ thực dân nào đó và các hậu quả tiêu cực của nó, thông điệp thừa nhận trong vài trường hợp tiến trình khởi đầu tối tân hoá cũng đã phù hợp với các đường lối chính trị của các quyền lực thực dân. Mặc dù không đầy đủ nhưng vài cơ cấu vẫn hoạt động, chẳng hạn như trên bình diện chống lại nạn dốt nát mù chữ và bệnh tật, trong lãnh vực truyền thông và cải tiến các điều kiện an sinh.

** Chính việc thoát khỏi tình trạng ao tù của các xã hội truyền thống đang mở mắt cho các đám đông dân chúng của các quốc gia nghèo đang trên đường phát triển, và trải rộng ra trên bình diện toàn cầu các xung đột xã hội. Sự âu lo xâm chiếm các tầng lớp nghèo của các quốc gia đang trong giai đoạn kỹ nghệ hoá giờ đây đã tới với những người, cho tới nay hầu như chỉ sống về nông nghiệp. Giới nông dân ý thức về cảnh nghèo túng đáng lý ra họ không phải chịu một cách bất công như cho tới nay. Tóm lại, để triệt hạ nghèo đói và bất công - và đây là đường hướng của Thông điệp - cần phải tháp nhập các giai tầng này vào trong một tiến trình biến đổi kinh tế, chứ không được để cho họ bị gạt bỏ ngoài lề. Điều quan trọng đó là phải cai trị, hướng dẫn tiến trình tiến bộ này tới các mục tiêu xác định, không thể để cho nó muốn tới đâu thì tới. Và việc phát triển không chỉ được giản lược vào sự tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà thôi, nhưng phải là việc phát triển toàn diện, có nghĩa là phải thăng tiến sự phát triển của mỗi một người và toàn con người trong tất cả mọi bình diện cuộc sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, an sinh và tôn giáo.

Để được như vậy trước hết xã hội phát xuất từ sự tân tiến hoá này không đuợc lập lại các sai lầm và khuyết điểm của “thế giới thứ nhất”, bao gồm các chủ trương tiêu thụ hưởng, chủ thuyết hạt nhân duy cá nhân chủ nghĩa, cái luận lý đơn thuần duy lợi ích chủ thuyết hoạt động, chủ thuyết kỹ thuật. Mọi tăng trưởng đều hàm hồ. Vì thế cần phải cho phép con người là nguời hơn. Nếu việc theo đuổi phát triển ngày càng đòi hỏi một số chuyên viên kỹ thuật đông hơn, thì lại càng cần có đông tư tưởng gia có khả năng suy tư sâu rộng, tìm kiếm một nền nhân bản mới cho phép con người tìm lại được chính mình, nhận lãnh các giá trị cao hơn cuả tình yêu thương, tình bạn, của lời cầu nguyện và việc chiêm niệm. Như vậy cần duy trì cái gì đó của chủ trương chung và của các phẩm chất khác của các xã hội truyền thống, và dẫn đưa chúng vào trong các xã hội mới.

Ngoài ra, cần phải tránh cho các xã hội mới khỏi rơi vào các bất công xã hội xâu xé đã xảy ra trong các thế giới tây âu sau cuộc cách mạng kỹ nghệ đầu tiên. Thông điệp không đổ lỗi cho việc kỹ nghệ hoá có các khía cạnh tích cực của nó, nhưng cảnh cáo khung cảnh ý thức hệ, trong đó nảy sinh ra chủ thuyết tư bản tự do. Trong các xã hội mới cần phải có chỗ cho việc tăng trưởng tư bản cùng tới việc chiếm hữu những gì cần thiết cho cuộc sống, chiến thắng các tai ương xã hội, mở rộng việc hiểu biết, chiếm hữu được văn hoá.

** Tất cả những điều này đã được thực hiện tại các nước kỹ nghệ phát triển, nhưng rất thường khi với các cuộc chiến đấu và xung khắc xã hội đã có thể tránh được để không gây ra các đổ vỡ bất công. Để được như thế cần bỏ việc tuyệt đối hoá tư sản là kiểu mẫu của chế độ tư bản tự do, và theo giáo huấn của các Giáo Phụ và các thần học gia lớn của Giáo Hội, theo đó quyền tư hữu không bao giờ được thực thi gây thiệt hại cho công ích. Vì thế trong một số trường hợp có thể thực thi đuờng lối chính trị truất hữu, cấm chuyển vốn ra ngoài, nhất là sử dụng các kinh nghiệm chương trình hoá kinh tế, vì sáng kiến cá nhân không thôi và sự cạnh tranh đơn thuần không thể bảo đảm cho sự thành công của việc phát triển.

Việc tân tiến hoá các quốc gia đang trên đường phát triển phải từ từ. Giáo Hội là “chuyên viên về nhân bản” biết rất rõ rằng vài mất quân bình nào đó trong xã hội là điều cần thiết, do đó việc thay đổi xã hội không được vội vã: một cuộc cải cách nông nghiệp bất thình lình có thể thất bại không đạt đích. Một việc kỹ nghệ hoá vội vã có thể gây bất ổn cho các cơ cấu còn cần thiết, và tạo ra các bần cùng xã hội làm thành một bước thụt lùi trên bình diện các giá trị nhân bản.

Việc đẩy mạnh các tình hình để tạo ra một di động cách mạng nhằm loại bỏ các bất công đớn đau không thể chịu đựng nổi chỉ có thể chấp nhận được trong một số tình trạng xác định như “trong trường hợp một chế độ độc tàì hiển nhiên kéo dài vi phạm trầm trọng các quyền con người và gây thiệt hại một cách nguy hiểm cho công ích của quốc gia. Bởi nếu không, cuộc cách mạng sẽ lại là nguồn gốc của các bất công mới, tạo ra các bất quân bình mới và gây ra các đổ vỡ mới mà thôi: “Không thể đánh đổ một sự dữ thực thụ với giá cuả một sự dữ lớn hơn”.

Sự sữ lớn hơn đó đã là viễn tượng của một “tập thể hoá toàn diện hay của một kế hoạch hoá tuỳ tiện khước từ tự do như nó là và loại bỏ mọi quyền nền tảng của bản vị con người nhằm thực hiện một chủ nghĩa nhân bản vô thần, một chủ nghĩa nhân bản đóng kín, vô cảm đối với các giá trị của tinh thần và đối với Thiên Chúa, là suối nguồn của các giá trị đó. Chắc chắn là con người có thể tổ chức trái đất không có Thiên Chúa, “nhưng không có Thiên Chúa cuối cùng con người có thể tổ chức chống lại con người”. “Một chủ thuyết nhân bản loại trừ là một chủ thuyết nhân bản vô nhân”.

Điều kiện cần có để thực hiện một sự phát triển đúng đắn và nhân bản là phải làm sao để việc tân tiến hoá không bị đi kèm bởi việc tục hoá man rợ, như hiện đang xảy ra tại các quốc gia đang trên đường phát triển. Và nhất là phải biết thừa nhận các giá trị siêu việt cũng như Thiên Chúa là nguồn gốc của các giá trị đó, và trân trọng niềm tin của con người nơi Thiên Chúa. Chỉ như thế mới có thể phối hợp sự phát triển kinh tế với một chủ thuyết nhân bản toàn cầu, bởi vì không có sự nhân bản đích thực nếu con người không rộng mở cho Đấng Tuyệt Đối, qua việc nhận ra một ơn gọi cống hiến cho ý tưởng đích thật về cuộc sống con người. Trong nghĩa này thông điệp có chiều kích “cải cách” đích thực với một viễn tượng lạc quan giúp xây dựng một xã hội công bằng, huynh đệ và hoà bình, đáp ứng các khát vọng của các dân tộc trên thế giới.

(Oss. Rom. 23.24-3-2017)

Linh Tiến Khải
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2017/03/28/k%E1%BB%B7_ni%E1%BB%87m_50_n%C4%83m_c%C3%B4ng_b%E1%BB%91_th%C3%B4ng_di%E1%BB%87p_ti%E1%BA%BFn_b%E1%BB%99_c%C3%A1c_d%C3%A2n_t%E1%BB%99c/1301682

Ơn gọi Truyền giáo Nhật Bản

WGPSG -- “Tháng 2 vừa qua, tôi có dịp đi qua Nhật và thăm viếng các dòng nữ, nhận thấy nơi đó phần lớn Ơn gọi đến từ Việt Nam. Giáo Hội Việt Nam, quê hương đất nước Việt Nam là cái nôi của ơn gọi linh mục và tu sĩ…”
Trên đây là chia sẻ của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc trong phần giảng lễ kỷ niệm 15 năm chương trình chuẩn bị Ơn gọi Truyền giáo tại Nhật Bản (2002-2017).
Thánh lễ Tạ ơn diễn ra vào lúc 10g00 sáng ngày 29.03.2017 tại nhà thờ Chí Hòa.
Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã chủ sự Thánh lễ. Đồng tế với ngài có cha Đa Minh Cao Sơn Thân - Giám đốc chương trình Ơn gọi Truyền giáo Nhật Bản - Dòng Anh Em Giảng Thuyết, cha Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh - nguyên Tổng Đại diện TGP HCM, cha Clêmentê Lê Minh Trung - Chánh xứ Chí Hòa, Cha Antôn Nguyễn Đình Thục - hạt phó hạt Chí Hòa và 4 cha khách.
Tham dự Thánh lễ có sự hiện diện của quý nữ tu Bề trên các Dòng tại Nhật Bản: dòng Nữ tu Bệnh viện Thánh Phanxicô, dòng nữ Thánh Giuse Truyền giáo Osaka, dòng Đức Mẹ Dâng Mình, dòng Truyền giáo Phúc Âm Thánh Gioan, cùng quý ân nhân, quý ông bà cố và cộng đoàn.
Trước lễ, quý Bề trên đại diện 4 Dòng nữ Nhật Bản đã giới thiệu cùng cộng đoàn về linh đạo và các họat động của Hội dòng.
Dựa vào câu Lời Chúa của thánh Luca: "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14, 26-27), Đức Tổng Giám mục Phaolô mời gọi cộng đoàn hãy tin tưởng vào ân sủng của Thiên Chúa, chúc tụng Thiên Chúa và Ngài sẽ chúc phúc cho.
Ngài chia sẻ: “Có khi chúng ta còn sợ, ngại ngùng đến các xứ khác, đến xứ lạ để loan báo Tin Mừng, để dấn thân truyền giáo. Nhưng đừng sợ vì Thiên Chúa luôn bảo vệ chúng ta”, như lời Đức Chúa phán với ông Giê-rê-mi-a: “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1,7).
Ngài chia sẻ thêm: “Khi chúng ta dấn thân rao giảng Tin Mừng, chắc chắn Chúa sẽ soi sáng và chúc phúc cho chúng ta. Vì khi chúng ta nói, không phải chúng ta nói mà Chúa Thánh Thần nói. Cầu chúc cho anh chị em tràn đầy Chúa Thánh Thần trong tâm hồn do sự dấn thân của anh chị em”.
Trước khi nhận phép lành cuối lễ, quý Bề trên đại diện các nữ tu 4 dòng Nhật Bản đã dâng lời cảm ơn và tặng hoa Đức Tổng Giám mục Phaolô, quý cha, quý bà cố. Quý Bề trên các Hội dòng Nhật Bản gửi lời cảm ơn Giáo Hội Việt Nam đã thương gửi những người trẻ, những người thiện chí đến với Hội dòng.
Thánh lễ kết thúc lúc 11g00. Mọi người cùng ở lại dùng bữa cơm thân mật với Đức Tổng Giám mục Phaolô, quý cha, quý nữ tu cùng quý khách mời.
ƠN GỌI TRUYỀN GIÁO NHẬT BẢN
Một số Dòng tu Nhật Bản có người Việt Nam, như:
Dòng Phanxicô Bệnh Viện, Tỉnh dòng Nhật Bản, hiện có 14 em nữ đến từ Việt Nam (7 Khấn, 2 Tập sinh, 1 Tiền tập sinh, 4 Đệ tử).
Dòng nữ Thánh Giuse Truyền giáo Osaka, hiện có 12 chị em Việt Nam đang học tập và tu dưỡng tại Nhật Bản (7 Khấn, 1 Nhà thử, 1 Nhà tập, 3 Đệ tử).
Dòng Đức Mẹ Dâng Mình có 7 em nữ Việt Nam đang dấn thân trên con đường dâng hiến tại Nhật Bản (3 Khấn, 1 Nhà thử, 3 Đệ tử).
Dòng Truyền giáo Phúc Âm thánh Gioan có 3 em nữ Việt Nam (3 Đệ tử).
Dòng Caritas Chúa Giêsu có 1 em nữ Việt Nam (1 Khấn).
Dòng Đa Minh Truyền giáo có 1 em nữ Việt Nam (1 Khấn).
Dòng Tôn Thờ Thánh Thể có 3 em nữ Việt Nam (1 Khấn, 2 Tiền tập).
Dòng Nữ Thánh Tâm Truyền giáo có 2 em nữ Việt Nam (2 Khấn).
Dòng Phanxicô Assisi Truyền giáo có 1 em nữ Việt Nam (1 Khấn).
Bài: Xuân Đại & Ảnh: Quang Hoàng – Minh Sơn
Nguồn:http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20170330/38211

Khuynh hướng tự tử tại Nhật Bản

Liên quan đến Nhật Bản, tuy quốc gia này được xếp vào hạng thứ 51 trong các nước hạnh phúc, nhưng dân chúng tại đây lại có khuynh hướng thiên về tự tử.

Một cuộc điều tra do bộ y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản thực hiện và mới công bố kết quả hôm 22.03.2017 vừa qua, cho biết rằng khoảng 25% tổng số dân Nhật trưởng thành đều đã có ít nhất một lần nghiêm chỉnh nghĩ đến chuyện tự tử, và trầm trọng hơn cả, con số này đang gia tăng.

Hồi năm ngoái, có hơn 21 ngàn vụ tự tử thành công tại Nhật. Con số chính xác các vụ tự tử năm ngoái là 21.764 vụ. So với các năm trước, tỷ lệ các vụ tự tử gia tăng: hồi năm 2008, tỷ lệ này là 19,1%, năm 2012 23.4% và năm ngoái 2016 tỷ lệ này tăng lên 23,6%.

Trong kết quả, cuộc nghiên cứu cho thấy một ý niệm tuyệt vọng đang lan tràn trong dân Nhật. Cuộc nghiên cứu này bắt nguồn từ mong ước của bộ y tế sức khỏe Nhật, muốn ngăn ngừa các vụ tự tử bằng cách đối đầu với những vấn đề sâu xa khiến cho người dân Nhật toan tính tự tử. Dạo tháng 10 năm ngoái, bộ này đã gửi bản thăm dò ý kiến đến 3 ngàn người dân Nhật nam cũng như nữ, trên 20 tuổi. Đã có hơn 2000 bản trả lời được gửi trả về bộ.

Theo những bản trả lời này, 36,7% cho biết là đã nghĩ đến chuyện tự tử, nhưng sau cùng đã vượt thắng được cuộc khủng hoảng, nhờ dành nhiều thời giờ giải trí hoặc tập trung vào công ăn việc làm hơn; trên 32% nhờ chia sẻ tâm sự với người chung quanh. Một chi tiết khác cũng đáng chú ý là gần 50% khẳng định rằng khi gặp khó khăn hay lo âu, họ luôn ngần ngại không muốn cầu cứu hay thổ lộ tâm sự với người khác, dù là các cơ cấu chuyên về việc giúp đỡ tâm lý.

Nhưng có một điểm rất hiếu kỳ: đó là trong bản thăm dò ý kiến, hoàn toàn không có câu hỏi nào liên quan đến nguyên do khiến cho một người nghĩ đến chuyện tự tử.

(Asia News 22.03.2017)

Mai Anh
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2017/03/30/khuynh_h%C6%B0%E1%BB%9Bng_t%E1%BB%B1_t%E1%BB%AD_t%E1%BA%A1i_nh%E1%BA%ADt_b%E1%BA%A3n/1302150

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Học viện Mục vụ TGP: Tĩnh tâm cuối tuần 01.4.2017


Tĩnh tâm cuối tuần 01.4.2017
Kitô giáo là đạo của niềm vui. Mỗi khi tham dự Thánh lễ Chúa nhật hay ngày thường, chúng ta đều được nghe công bố Tin Mừng. Thế nhưng vì sao Kitô hữu chưa thể hiện được niềm vui trong lối sống và cách thực hành đạo của mình? Phải chăng vì thế mà tha nhân chưa cảm nhận được Chúa Kitô Phục sinh khi gặp gỡ người Công giáo?
Nhằm giúp Kitô hữu phát triển đời sống tâm linh và vui sống Tin Mừng trong gia đình cũng như giữa xã hội, Học viện Mục vụ tổ chức ngày tĩnh tâm với chủ đề:
SỐNG NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU
Khám phá bản thân qua niềm vui và nỗi buồn
Niềm vui của Tin Mừng
Sống niềm vui trong gia đình
Giảng thuyết và đồng hành:
1. Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Trung tâm Mục vụ.
2. Cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, Giám học Học viện Mục vụ.
Thời gian8giờ đến 17giờ thứ Bảy, ngày 1.4.2017
Địa điểmTu hội Bác ái Cao Thái
Số 39/7 đường 16, khu phố Vĩnh Thuận, phường Long Bình, quận 9 (qua Suối Tiên 4 km)
Số lượng: tối đa 90 người
Đăng ký tại Phòng học vụ từ thứ Hai, ngày 13.3.2017 cho đến khi đủ số lượng.
Lệ phí: 70.000đ/người

Chương trình
Sáng
8g30:   Khai mạc
8g45:   Suy niệm 1
9g30:   Cầu nguyện riêng
10g30: Suy niệm 2
11g30: Cơm trưa (sau đó nghỉ trưa)
Chiều
14g00:  Suy niệm 3
14g45:  Cầu nguyện riêng
15g30:  Thánh lễ (Chúa nhật V Mùa Chay)    
16g30:  Chia sẻ - Đúc kết
17g:00  Bế mạc
Học Viện Mục Vụ TGP
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20170327/38175

Thông cáo của Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em


VATICAN. Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em quyết tâm tiếp tục thi hành sứ vụ do ĐTC trao phó và tăng cường cộng tác với các HĐGM trên thế giới trong lãnh vực này.

Trên đây là nội dung thông cáo chung kết sau khóa họp toàn thể thứ 8 của Ủy ban Tòa Thánh, nhóm tại Roma từ ngày 24 đến 26-3-2017. Một đề tài chính trong khóa họp là vụ bà Maria Collins người Ailen, thành viên của Ủy ban từ chức vì không hài lòng về sự cộng tác của các cơ quan khác của Tòa Thánh với Ủy ban này. Bà từng là cựu nạn nhân bị 1 giáo sĩ lạm dụng tính dục.

Thông cáo cho biết Ủy ban ủng hộ việc làm của bà Collins trong việc cổ võ sự chữa lành cho các nạn nhân bị lạm dụng và phòng ngừa mọi sự lạm dụng khác với đối trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương. Ủy ban cũng cám ơn bà Collins vì tiếp tục làm việc với Ủy ban trong các chương trình huấn luyện các GM mới và các văn phòng của Giáo triều Roma.

Ủy ban đồng thanh tìm kiếm những con đường mới để đảm bảo cho công việc của mình được sự cộng tác của các nạn nhân từng bị lạm dụng. Nhiều ý tưởng đã được ứng dụng thành công nơi khác sẽ được đề nghị lên ĐTC.

Ủy ban cũng thảo luận về tầm quan trọng của việc trả lời trực tiếp và sốt sắng cho các nạn nhân bị lạm dụng khi họ viết thư về Tòa Thánh..

Khóa họp của Ủy ban nối tiếp ngày Giáo Dục, 23-3-2017, tại Đại học Gregoriana về đề tại ”bảo vệ an toàn tại trường học và gia đình: học hỏi từ các kinh nghiệm trên thế giới”. Tham dự cuộc hội thảo này có hơn 150 người, trong đó có nhiều vị lãnh đạo tại Tòa Thánh, đứng đầu là ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhiều vị giám đốc chủng viện, các chuyên gia của cảnh sát Italia và hiến binh Vatican.

Trong thông cáo, Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em cho biết sẽ tiếp tục giúp đỡ các Giáo hội địa phương trong trách nhiệm bảo vệ trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương. Ủy ban cũng gặp gỡ đại diện của các HĐGM về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa thánh.

Ngoài ra các đại diện của Ủy ban tiếp tục viếng thăm các HĐGM và các Giáo Hội địa phương trên thế giới để giúp khai triển và ứng dụng các chính sách và thực hành tốt nhất để kiến tạo môi trường an ninh cho trẻ em. Năm nay Ủy ban tổ chức các cuộc hội thảo dành cho các vị lãnh đạo Giáo Hội, các nhà đào tạo, các giáo lý viên và các chức sắc bảo vệ trẻ em tại Zambia và Colombia, gặp gỡ Liên HĐGM Á châu tại Bangkok Thái Lan vào mùa xuân này, và gặp các vị Chủ tịch Liên HĐGM Mỹ châu la tinh và quần đảo Caraibí. (SD 27-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2017/03/27/th%C3%B4ng_c%C3%A1o_c%E1%BB%A7a_%E1%BB%A7y_ban_t%C3%B2a_th%C3%A1nh_b%E1%BA%A3o_v%E1%BB%87_tr%E1%BA%BB_em/1301474

Curia Hóc Môn: Mừng Lễ Truyền Tin

WGPSG -- "Lạy Nữ Vương là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ".
Trên đây là lời khấn của hội viên (HV) Legio Maria, đã được các anh chị HV Legio Maria giáo hạt Hóc Môn long trọng lặp lại lời khấn trong ngày lễ Truyền Tin (Đại hội Acies) hằng năm.
Năm nay, giáo hạt Hóc Môn tổ chức Lễ Truyền Tin tại giáo xứ Tân Hiệp vào lúc 8g00 ngày 25.3.2017. Thánh lễ do cha Gabriel Trịnh Công Chánh -chánh xứ Tân Quy- chủ tế. Đồng tế với ngài có cha Linh giám Curia Gioan M. Vianey Chu Minh Tân, chánh xứ Bà Điểm; cha chánh xứ Tân Hiệp Phêrô Nguyễn Văn Bắc và 3 cha khách.
Đến hiệp dâng Thánh lễ có hơn 600 HV và cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Tân Hiệp.
Trong tâm tình dâng hiến, sau phần kinh khai mạc, các HV cùng lắng nghe cha Linh giám chia sẻ về ý nghĩa việc “Dâng mình cho Đức Mẹ”. Ngài diễn giảng: “Là hội viên Legio, việc sùng kính Đức Maria là điều quan trọng nhất. Vì thế, tham dự Đại hội Acies để dâng mình cho Mẹ nhằm giúp hội viên thêm yêu mến Mẹ, nhận lãnh nơi Mẹ sức mạnh và phúc lành, giúp giao tranh với quyền lực tội ác là điều không thể thiếu với các HV Legio. Đồng thời, HV phải có tinh thần của Đức Maria: Đức vâng lời - cầu nguyện liên lỉ - hy sinh”. Kết luận, ngài mong muốn và cầu chúc anh chị ngày càng thăng tiến trong tinh thần và trách nhiệm của người HV. Đồng thời ngài báo một tin vui của Curia Hóc Môn, là giáo xứ Tân Hiệp chuẩn bị ra mắt hội Legio trong thời gian tới.
Nghi thức chính trong đại hội được diễn ra thật trang nghiêm và sốt sắng. Cha Linh giám, cha chánh xứ Tân Hiệp cùng đặt tay dâng mình cho Đức Mẹ. Nối tiếp, Ban Quản trị, các Ủy viên, HV lần lượt xếp hàng tiến về bàn thờ Đức Mẹ và thân thưa cùng Mẹ trong niềm xác tín mãnh liệt: “Lạy Nữ Vương là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ”. Tuy âm lượng của các bậc cao niên, trung niên và các em Junior có các cung bậc trầm bổng khác nhau, nhưng tất cả đều toát lên lòng tin tưởng và yêu mến Mẹ tuyệt đối.
Chuẩn bị bước vào Thánh lễ, quí cha trong đoàn đồng tế, các hội viên cung nghinh tượng Đức Mẹ chung quanh nhà thờ và tiến lên cung thánh với những khúc hát tôn vinh Mẹ.
Trong thánh lễ, cha Gabirie chia sẻ: “Hôm nay là ngày vui mừng của toàn thể nhân loại, chính ngày hôm nay, nhân loại sẽ được cứu rỗi nhờ tiếng thưa ‘Xin Vâng’ của Mẹ Maria. Đặc biệt, HV Legio, những người lính của Mẹ còn vui mừng hơn, vì được theo chân Mẹ đem Tin Mừng đến cho những người còn ngồi trong bóng tối tội lỗi, và những người chưa nhận biết Chúa. Trong niềm vui hân hoan đó chúng ta hãy cố gắng trở thành những người lính trung thành của Mẹ, thánh hóa bản thân, hiệp nhất trong tinh thần Legio, phục vụ Chúa trong tha nhân, để góp phần xây dựng một Hội Thánh tinh tuyền và thánh thiện hơn”.  
Sau lời nguyện hiệp lễ, vị đại diện Curia cám ơn quí cha đồng tế, quý chức, quý khách, cộng đoàn Dân Chúa và các HV đã về tham dự đại hội, giúp đại hội thành công tốt đẹp, đồng thời cũng báo cáo những kết quả đã đạt được trong năm qua.
Đáp từ, cha chủ tế cám ơn cha chánh xứ Tân Hiệp đã tạo điều để Curia tổ chức đại hội, cám ơn quí cha đồng tế và tất cả HV đã về tham dự đông đủ.
Thánh lễ kết thúc lúc 11g30, quí cha cùng chụp hình lưu niệm với HV trước khi ra về.
CURIA HÓC MÔN: LỄ TRUYỀN TIN
Được biết, hiện nay Curia Hóc Môn có:
- 22 Praesidia Senior và 1 Curia Junior với 6 Praesidia
- Số hội viên Senior gồm 299 HV hoạt động & 634 HV tán trợ
- Số hội viên Junior 96
- Curia Hóc Môn đang thành lập Legio tại giáo xứ Tân hiệp và sẽ chuẩn bị ra mắt trong thời gian tới.
- Sắp tới Curia sẽ tiếp xúc với cha xứ và sẽ thành lập Legio tại giáo xứ Châu Nam.
Bài: Tuyết Nhung & Ảnh: Môn Định
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20170327/38174

Đền thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem có nguy cơ bị sụp đổ


Giêrusalem – Nhóm các nhà khảo cổ và chuyên viên vừa kết thúc việc tu sửa Edicola/Edicule - nhà nguyện bên trong đền thờ Mộ Thánh, trên mộ Chúa Giêsu, lên tiếng báo động rằng nếu không có những can thiệp thích đáng để gia cố nền móng không chắc chắn của đền thờ Mộ Thánh thì nó có nguy cơ bị sụp đổ.

Nhà khảo cổ người Hy lạp Antonia Moropoulou, giáo sư trường kỹ thuật quốc gia Athen và điều phối viên kỹ thuật của chương trình tu bổ Edicola mới hoàn tất khẳng định rằng toàn bộ kiến trúc của Nhà thờ Mộ Thánh có thể bị đe dọa bởi sự sụp lún đáng kể của tòa nhà. Và nếu khả năng này trở thành hiện thực thì nó không phải là một quá trình hư hỏng từ từ, nhưng sẽ sụp đổ đột ngột.

Các giả thuyết báo động được đưa ra khi các nghiên cứu và khảo sát được thực hiện trên Mộ Thánh bởi đội ngũ chuyên gia chịu trách nhiệm phục hồi Edicola.

Các nghiên cứu cho thấy toàn bộ tòa nhà được xây dựng trên khu đổ nát còn sót lại của những nhà thờ trước đó. Mặt đất bên dưới nền móng hiện tại bao gồm các đống đổ nát, đan xen bởi các đường hầm cổ xưa.

Việc gia cố đền thờ Mộ Thánh có chi phí được ước tính khoảng 6 triệu euro (6,5 triệu đô la); nó cũng khó khăn phức tạp vì tầm quan trọng khảo cổ của vật liệu bên dưới tòa nhà hiện thời. Tòa Thánh đã cam kết tài trợ 500 ngàn đô la cho dự án.

Đền thờ Mộ Thánh được hoàng đế Costantino xây dựng trên nền của một đền thờ thời đế quốc Roma, bị tàn phá phần nào bởi những người Ba tư vào thế kỷ thứ VII, rồi bởi người Fatimidi vào năm 1009. Nhà thờ được xây dựng lại vào giữa thế kỷ XI. (Fides 24/03/2017)

Hồng Thủy
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2017/03/25/%C4%91%E1%BB%81n_th%E1%BB%9D_m%E1%BB%99_th%C3%A1nh_%E1%BB%9F_gi%C3%AArusalem_c%C3%B3_nguy_c%C6%A1_b%E1%BB%8B_s%E1%BB%A5p_%C4%91%E1%BB%95/1301228

Góp ý về 3 từ : Kinh Thánh, Thánh Kinh, Sách Thánh - Từ nào đúng ?



Đặc Ngữ Công Giáo: Góp Ý Về Ba Từ Kinh Thánh, Thánh Kinh, Sách Thánh - Từ Nào Đúng

Sách viết về Thánh Kinh Công Giáo Việt Nam có vấn đề đáng chú ý là nhiều tác giả chỗ này dùng từ Thánh Kinh, chỗ khác viết là Kinh Thánh, có chỗ lại viết là Sách Thánh. Xin nêu vài thí dụ điển hình. 

- Trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo của Tổng Giáo Phận Sàigòn do nhà xuất bản Tôn Giáo in năm 1997, nơi trang 59,người ta thấy tựa đề của mục 5 viết: “ Kinh Thánh Trong Đời Sống Giáo Hội”. Nhưng chỉ cách đó 15 dòng, sách giáo lý lại viết: “Toàn bộ Thánh Kinh chỉ là một cuốn sách duy nhất…”

- Các tác giả phiên dịch Thánh Kinh sang tiếng Việt có khi dùng từ Thánh Kinh, có khi dùng từ Kinh Thánh. Ví dụ: LM Albert Schlicklin thường được gọi là cố chính Linh dịch thánh kinh cựu ước lấy tựa đề: Thánh Kinh Cựu Ước. Các giáo sĩ dòng Đa Minh, LM Gerard Gagnon, LM Nguyễn Thế Thuấn, LM Trần Đức Huân đều lấy tiêu đề cho tác phẩm của mình là Thánh Kinh Tân Ước hay Thánh Kinh Tòan Bộ. Trong khi đó Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn lại đặt tiêu đề Kinh Thánh Tân Ước. 

- Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có một ủy ban lấy tên là Ủy Ban Kinh Thánh. Một Thành viên của ủy ban là Linh Mục Nguyễn Văn Trinh viết tác phẩm Lịch Sử Hình Thành Quyển Thánh Kinh. Chỉ đọc phần dẫn nhập của tác phẩm này, người ta đã thấy Linh Mục dùng cả ba từ Thánh Kinh, Kinh Thánh và Sách Thánh. 

- Giáo Hội Tin Lành tại Việt Nam cũng dùng lẫn lộn hai từ Thánh Kinh và Kinh Thánh.

- Tác giả Nguyễn Đình Diễn trong tác phẩm Từ Điển Công Giáo Anh Việt, dịch từ Bible: Kinh Thánh.

- Thuật Ngữ Thần Học Anh -Việt của Học Viện Đa Minh xuất bản năm 2002 dịch từ Bible: Thánh Kinh hay Sách Thánh.

Tóm lại, người Công Giáo Việt Nam cũng như Tin Lành đều dùng cả ba từ Thánh Kinh, Kinh Thánh và Sách Thánh để diễn tả từ mà Anh và Pháp ngữ gọi là Bible, người Tàu gọi là 聖 经 [shèngjìng], và Hy Lạp, Latin là Biblia.

Vậy ba từ Thánh Kinh, Kinh Thánh, Sách Thánh, từ nào đúng? Vì sao lại có hiện tượng hiểu Thánh Kinh là Kinh Thánh? Đó là nội dung bài nghiên cứu này.

GIẢI NGHIÃ TỪ THÁNH KINH

Thánh Kinh 聖 经 là hai từ Hán Việt. Thánh 聖 có các nghĩa sau: (1) Người có nhân đức cao như Thánh Nhân. (2) Được tôn vinh như thần thánh: Thánh Cung, Thánh Thể, Thánh Địa (3) Thuộc về vua như Thánh Thượng, Thánh Chỉ. 

Kinh được viết là 經 hay 经, phát âm là [jìng]. Kinh nếu là danh từ có nghiã là sách có giá trị đặc thù, được coi là phép tắc, khuôn mẫu như: Thi Kinh 詩經, Thư Kinh 書經, Hiếu Kinh 孝經. Với tôn giáo, Kinh cũng có nghiã là sách như Phật Giáo có Lăng Nghiêm Kinh 楞嚴經, Lăng Già Kinh 楞伽經, Bát Nhã Kinh 般若經. Hồi Giáo có Kinh Coran, Ấn Độ Giáo có Kinh Veda. Sách của một triết thuyết cũng gọi là Kinh như, Ngũ Kinh của triết học Khổng Tử. Tóm lại Kinh có nghiã là sách.

Kinh của các tôn giáo có tính chất tín ngưỡng quan trọng, nên chúng có thể mang thêm tĩnh từ Thánh: Thánh Kinh. Về mặt văn phạm, hai chữ Kinh và Thánh đều là từ Hán Việt. Nếu muốn đúng theo văn phạm tiếng Tàu thì phải đặt tĩnh từ Thánh trước danh từ Kinh sau. Vì thế phải nói Thánh Kinh 圣 经 thì đúng văn phạm hơn là nói Kinh Thánh. Thần Học Từ Điển 神学辭典 của Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc dịch từ Bible là 聖 经, phát âm là [shèngjìng], Hán Việt đọc là Thánh Kinh. Trong kho tàng ngôn ngữ Công Giáo Việt Nam có từ Thánh Ca, Thánh Thể. Nhưng không ai nói Ca Thánh, Thể Thánh. Trường hợp Thánh Linh có thể nói ngược lại là Linh Thánh, Thánh Thần là Thần Thánh nhưng Linh Thánh khác nghiã với Thánh Linh, Thần Thánh khác nghiã với Thánh Thần.

Còn nếu muốn nói theo tiếng Việt để chỉ Thánh Kinh thì ta có thể nói Sách Thánh. Nếu ta nói Kinh Thánh thay vì Thánh Kinh thì ý nghĩa sẽ khác đi vì Kinh Thánh có nghiã là kinh cầu các thánh. Từ điển Dictionarium Anamitico-Latinum của Đức Giám Mục AJ. L. Taberd xuất bản năm 1838 định nghĩa Kinh Thánh: Litaniae sanctorum nghiã là Kinh Cầu Các Thánh. Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, ấn bản 1895-1896, định nghiã Kinh Thánh là Kinh Cầu Các Thánh. Linh Mục Anthony Trần Văn Kiệm trong mục từ Kinh của tác phẩm Từ Điển Văn Học Việt Nam, tập 1, ấn bản năm 2007 viết rằng từ Thánh Kinh đã hoá Nôm nên từ Kinh Thánh cũng chấp nhận được nhưng nên dùng từ Thánh Kinh thì hơn (trang 728). Riêng Đại Từ Điển Tiếng Việt của Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo xuất bản năm 1999 không có từ Sách Thánh nhưng đã méo mó định nghiã Thánh Kinh hay Kinh Thánh là Sách giáo lí của đạo Thiên Chúa.

Thánh Kinh là dịch từ chữ Hy lạp Ta Biblia. Ta có nghĩa là những (số nhiều); Biblia nghĩa là sách. Vậy Ta Biblia nghĩa là những sách.Thánh Kinh là bộ sách chứa đựng lời Chúa nói với con người qua các thời đại lịch sử của một dân tộc (Israel), được viết dưới nhiều hình thức khác nhau, do nhiều tác giả được sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Thánh Kinh gồm 2 bộ: Bộ Cựu Ước gồm 46 quyển, viết về giao ước Chúa ký kết với Dân tộc Israel. Bộ Tân Ước, gồm 27 quyển, viết về giao ước giữa Chúa và loài người, qua Chúa Giêsu. Có 4 sách Phúc Âm là quan trọng nhất, vì ghi lại đời sống và lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Từ Cựu Ước và Tân Ước mới có gần đây. Từ điển Dictionarium Anamitico-Latinum ghi Cổ Thánh Kinh: Vestus Testamentum và Tân Thánh Kinh: Novum Testamentum tức Cựu Ước và Tân Ước. Trước khi có từ Thánh Kinh, người Công Giáo dùng từ Sấm Truyền: Sách Sấm Truyền.

VÌ SAO THÁNH KINH TRỞ THÀNH KINH THÁNH?

Lý giải thế nào về hiện tượng ngày nay dân chúng Công Giáo cũng như Tin Lành đều hiểu Kinh Thánh đồng nghiã với Thánh Kinh? Chưa có lời giải thích nào cho vấn nạn này. Theo thiển ý, có lẽ ban đầu một vị nào đó đã lầm lẫn gọi Thánh Kinh là Kinh Thánh, rồi từ đó từ Kinh Thánh được phổ thông, được nhiều người chấp nhận nên Linh Mục Trần Văn Kiệm mới có thể viết từ Thánh Kinh đã hóa Nôm. Một khi đã hóa Nôm thì tĩnh từ Thánh có thể đặt sau danh từ Kinh: Kinh Thánh. Một lý giải khác cũng có thể chấp nhận được là ngôn ngữ có thể biến đổi theo thời gian. Ví dụ trước đây các từ điển Tầu cũng như Hán Việt đều giải thích Tạo Vật 造 物 là Tạo Hóa (creator) nhưng ngày nay người ta hiểu Tạo Vật là vật được tạo thành, không phải Tạo Hóa.

Kết Luận: Chúng ta nên dùng từ Thánh Kinh thì đúng hơn là Kinh Thánh và nếu muốn nói theo tiếng Việt ta nên dùng từ Sách Thánh.

Nguyễn Long Thao
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/217753.htm

Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm mục vụ Milano: “Đừng làm ‘khán giả” khi đứng trước những đau khổ”




MILANO, ITALIA – Ngày 25-3-2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm mục vụ giáo phận Milano của Italia.

Mở đầu cuộc viếng thăm mục vụ kéo dài 12 giờ tại giáo phận lớn nhất châu Âu này, lúc 8g30, Đức Thánh Cha đến thăm một khu phố nghèo đa sắc tộc thuộc quận Forlanini, ngoại ô của Milano, nơi có “Những căn nhà Trắng - Case bianche”. Tại đây, Đức Thánh Cha đã đến thăm ba gia đình trong căn hộ của họ. Đức Thánh Cha cũng đón nhận hai món quà của những người nghèo; trong đó có một dây stola do chính người dân Milano dệt thủ công mà Đức Thánh Cha nói đây là “một dấu chỉ tiêu biểu của linh mục, nhắc nhở tôi rằng tôi đến đây giữa anh chị em như một linh mục”.

Lúc 10g, Đức Thánh Cha gặp các linh mục tu sĩ tại Nhà thờ chính toà Milano. Trong buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã trả lời một số câu hỏi của các linh mục.

Lúc 11g, tại quảng trường trước Nhà thờ chính toà, Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền tin và ban phép lành cho các tín hữu. Sau đó, ngài đi thăm nhà tù San Vittore và dùng bữa trưa với các tù nhân.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến công viên Monza, cách trung tâm Milano 18 km để cử hành Thánh lễ lúc 15g00 với khoảng 700 ngàn tín hữu.

Cuối cùng, trước khi trở về Vatican, tại Sân vận động San Siro, Đức Thánh Cha gặp gỡ 80 ngàn người gồm các thiếu niên mới lãnh nhận bí tích Thêm sức cùng với các bậc phụ huynh, người đỡ đầu của chúng, các giáo lý viên, giáo viên và tình nguyện viên.

Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh lễ tại công viên Monza:

***

Chúng ta vừa nghe lời truyền tin quan trọng nhất trong lịch sử của chúng ta: Truyền tin cho Mẹ Maria (x. Lc 1,26-38).Một đoạn Tin Mừng súc tích, đầy sức sống, mà tôi thích đọc trong ánh sáng của một lời truyền tin khác: lời truyền tin về việc Gioan Baotixita được sinh ra (x. Lc 1,5-20). Hai lời truyền tin tiếp nối nhau và liên kết với nhau; hai lời truyền tin mà khi đặt chung với nhau, sẽ cho chúng ta thấy được điều Chúa ban cho chúng ta trong Con của Ngài.

Lời truyền tin về Gioan Baotixita xảy ra khi tư tế Dacaria chuẩn bị thi hành công việc tế tự, đi vào Cung thánh của Đền thờ, trong khi toàn bộ dân chúng đứng bên ngoài chờ đợi.

Còn lời truyền tin của Chúa Giêsu lại xảy ra ở một nơi hẻo lánh của miền Galilê, trong một thành phố ngoại ô và chẳng có tiếng tăm gì đặc biệt (x. Ga 1,46), trong một ngôi nhà vô danh của một thiếu nữ tên là Maria.

Một sự tương phản không nhỏ, cho chúng ta thấy rằng Đền thờ mới của Thiên Chúa, cuộc gặp gỡ mới giữa Thiên Chúa với dân Ngài sẽ diễn ra ở những nơi mà chúng ta thường không mong đợi, ở những vùng ngoại vi. Ở nơi đó sẽ diễn ra những cuộc gặp gỡ, ở nơi đó hai bên sẽ gặp nhau; ở nơi đó Thiên Chúa sẽ hoá thành nhục thể để đi với chúng ta, cho đến vào trong cung lòng của Mẹ Ngài. Từ nay sẽ không còn là ở một nơi chỉ dành cho một ít người trong khi đa số phải đứng bên ngoài chờ đợi. Sẽ không có gì và không có ai còn xa lạ đối với Thiên Chúa, không có hoàn cảnh nào thiếu vắng sự hiện diện của Ngài: niềm vui ơn cứu rỗi đã bắt đầu trong cuộc sống thường nhật nơi ngôi nhà của một cô gái ở làng Nazareth.

Chính Thiên Chúa là Đấng đưa ra sáng kiến và đã chọn –như Ngài đã làm điều đó nơi Đức Maria– đi vào căn nhà của chúng ta, vào cuộc mưu sinh hằng ngày của chúng ta đầy những lo toan và mơ ước. Và chính trong những thành phố của chúng ta, trong những ngôi trường và đại học của chúng ta, những quảng trường và bệnh viện, mà lời truyền tin đẹp nhất chúng ta có thể nghe thấy, được thực hiện: “Hãy vui lên, Chúa ở với ngươi!”. Một niềm vui phát sinh sự sống, phát sinh niềm hy vọng, niềm vui ấy đã trở nên xác phàm trong cách thức chúng ta nhìn vào tương lai, trong thái độ chúng ta nhìn tha nhân. Một niềm vui trở thành tình liên đới, lòng mến khách, lòng thương xót đối với mọi người.

Cũng như Đức Maria, chúng ta cũng có thể bối rối. “Làm sao có thể thực hiện được điều ấy?” trong thời buổi đầy những nghiên cứu suông này? Người ta nghiên cứu về cuộc sống, về công việc, về gia đình. Người ta nghiên cứu về người nghèo và người nhập cư; người ta nghiên cứu về người trẻ và tương lai của chúng. Tất cả dường như đều giản lược vào những con số, bỏ mặc cuộc sống hằng ngày của nhiều gia đình nhuộm đầy màu sắc bấp bênh và bất an. Đang khi nỗi đau gõ cửa rất nhiều người, đang khi ngày càng có nhiều người trẻ không được thỏa lòng vì thiếu những cơ hội thực sự, thì ở đâu cũng đầy những nghiên cứu suông.

Chắc hẳn nhịp sống quay cuồng mà chúng ta đang phải chịu đựng dường như đã cướp mất niềm hy vọng và niềm vui của chúng ta. Những áp lực và sự bất lực trước biết bao hoàn cảnh dường như làm cho tâm hồn chúng ta ra khô cằn và khiến chúng ta dửng dưng trước vô vàn thách đố. Và thật là nghịch lý khi tất cả đều hối hả –về mặt lý thuyết– xây dựng một xã hội tốt hơn, để rồi rốt cuộc chúng ta lại chẳng có thời gian cho bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai. Chúng ta đánh mất thời gian dành cho gia đình, cho cộng đoàn, chúng ta đánh mất thời gian dành cho tình bạn, cho tình liên đới và thời gian để nhớ lại.

Sẽ là điều tốt nếu chúng ta tự hỏi: Làm sao có thể sống niềm vui của Tin Mừng trong các thành phố của chúng ta ngày nay? Có thể có được niềm hy vọng Kitô giáo trong hoàn cảnh này, ở đây và bây giờ không?

Hai câu hỏi này chạm đến căn tính của chúng ta, đến cuộc sống của gia đình chúng ta, của thành phố của chúng ta. Hai câu hỏi này chạm đến cuộc sống của con cái chúng ta, những người trẻ của chúng ta, và đòi hỏi chúng ta phải đặt mình vào trong lịch sử theo một cách thế mới. Nếu niềm vui và niềm hy vọng Kitô giáo vẫn có thể làm được, mà chúng ta lạikhông thể làm, không muốn làm, khi đối diện với biết bao hoàn cảnh đau thương, thì chúng ta vẫn chỉ là những khán giả đứng nhìn trời mong cho “mưa sẽ tạnh”. Tất cả những gì xảy đến đòi hỏi chúng ta mạnh dạn nhìn vào hiện tại, sự mạnh dạn của người biết rằng niềm vui ơn cứu rỗi đang hình thành trong cuộc sống thường nhật nơi ngôi nhà của một cô gái ở làng Nazareth.

Trước sự bối rối của Đức Maria, trước sự bối rối của chúng ta, sứ thần đưa ra ba chiếc chìa khoá để giúp chúng ta đón nhận sứ mạng được uỷ thác cho chúng ta.

1. Gợi lại ký ức

Điều đầu tiên mà sứ thần đã làm là gợi lại ký ức, bằng cách mở ra sự hiện diện của Mẹ Maria với toàn bộ lịch sử ơn Cứu rỗi. Sứ thần gợi lại lời đã hứa với Đavit như hoa trái của giao ước với Giacob. Maria là người con của Giao ước. Chúng ta ngày nay cũng vậy, chúng ta được mời gọi nhớ lại, nhìn lại quá khứ của mình để đừng quên rằng mình từ đâu đến. Để không quên tổ tiên, ông bà của chúng ta và tất cả những gì mà các ngài đã trải qua cho chúng ta có được ngày hôm nay. Miền đất này và người dân ở đây đã nếm trải nỗi đau của hai cuộc chiến tranh thế giới; và cũng từng có tiếng tăm về ngành công nghiệp và nền văn minh bị ô nhiễm bởi những tham vọng vô độ. Ký ức sẽ giúp chúng ta không bị giam hãm trong những ngôn từ chỉ gieo rắc những đổ vỡ và chia rẽ như là cách duy nhất để giải quyết xung đột. Gợi lại ký ức là phương thuốc hay nhất để chúng ta có được những giải pháp thần kỳ cho những mối chia rẽ và bất hoà.

2. Thuộc về Dân Thiên Chúa

Ký ức giúp cho Mẹ Maria nhận ra Mẹ thuộc về Dân Thiên Chúa. Thật là tốt đẹp nếu chúng ta nhớ rằng mình thuộc về Dân Thiên Chúa! Là người Milano, đúng thế, là người Ambrosia, chắc chắn là vậy, nhưng tất cả đều hợp thành đoàn dân vĩ đại của Thiên Chúa. Một dân hình thành bởi hàng ngàn diện mạo, lịch sử và gốc gác, một dân đa văn hoá và đa sắc tộc. Đó là một trong những điều phong phú của chúng ta. Đó là một dân được mời gọi đón nhận những khác biệt, tiếp nhận những khác biệt ấy với lòng tôn trọng và sáng tạo, đồng thời vui mừng về những điều mới mẻ của người khác; đó là một dân không sợ đón nhận những hạn chế, những ranh giới; đó là một dân không sợ tiếp đón những ai đang cần đến mình vì dân ấy biết rằng Chúa của mình đang hiện diện ở đây.

3. Không có gì là không thể làm được

“Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37): Sứ thần đã kết luận như thế khi trả lời cho Mẹ Maria. Nếu chúng ta nghĩ rằng tất cả đều chỉ tuỳ thuộc nơi mình, thì chúng ta vẫn còn bị giam hãm trong những khả năng, sức mạnh và tầm nhìn thiển cận của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta sẵn sàng để cho mình đuợc trợ giúp, được khuyên dạy, nếu chúng ta mở lòng ra cho ân sủng, thì xem như điều không thể đã bắt đầu trở nên có thể.

Những miền đất trong dòng lịch sử đã từng sản sinh biết bao ơn đặc sủng, biết bao nhà truyền giáo, biết bao điều phong phú cho đời sống Giáo hội, biết rõ điều đó! Biết bao người, nhờ vượt qua tâm trạng bi quan cằn cỗi và chia rẽ, đã mở lòng ra cho sáng kiến ​​của Thiên Chúa và đã trở nên dấu chỉ cho thấy một miền đất, khi không để cho mình bị giam hãm trong những ý tưởng của mình, trong những giới hạn và khả năng của mình và mở ra cho người khác, sẽ có thể nên dồi dào phong phú.

Như trong quá khứ Thiên Chúa vẫn tìm kiếm những người đồng bạn, nay ngài vẫn đi tìm những người nam và nữ có khả năng tin tưởng, có khả năng ghi nhớ, cảm nhận mình thuộc về đoàn dân của Chúa để cộng tác với sự sáng tạo của Chúa Thánh Thần.

Thiên Chúa vẫn tiếp tục đi đến các khu phố và những nẻo đường của chúng ta, đi khắp nơi để tìm kiếm những tâm hồn biết lắng nghe lời Ngài mời gọi và làm cho Ngài nhập thể ở đây và lúc này.

Lấy lại lời của Thánh Ambrôsiô trong bài giảng về đoạn Phúc âm này, chúng ta có thể nói: Thiên Chúa vẫn đang tìm kiếm những tâm hồn giống như tâm hồn của Mẹ Maria: sẵn sàng tin, ngay cả trong những hoàn cảnh hoàn toàn lạ thường (x. Trình bày Phúc âm theo Thánh Luca II, 17: PL 15, 1559). Nguyện xin Chúa làm cho niềm tin và niềm hy vọng ấy lớn lên trong chúng ta.

(WHĐ, 27.03.2017) 

Minh Đức chuyển ngữ
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/duc-thanh-cha-phanxico-vieng-tham-muc-vu-milano-%E2%80%9Cdung-lam-%E2%80%98khan-gia%E2%80%9D-khi-dung-truoc-nhung-dau-kho%E2%80%9D/8699.57.7.aspx

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Tin Mừng Chúa nhật IV mùa Chay - Năm A


PHÚC ÂM: Ga 9, 1-41 (bài dài)
"Hắn đi rửa, rồi trở lại trông thấy rõ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Môn đệ hỏi Người: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội, anh này hay cha mẹ anh, khiến anh mù từ khi mới sinh?" Chúa Giêsu đáp: "Không phải anh cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi anh. Bao lâu còn ban ngày, Ta phải làm những việc của Ðấng đã sai Ta. Ðêm đến không ai có thể làm việc được nữa. Bao lâu Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian". Nói xong, Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy và bảo: "Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa" (chữ Silôê có nghĩa là được sai). Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được. Những người láng giềng và những kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói: "Ðó chẳng phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?" Có kẻ nói: "Ðúng hắn!" Lại có người bảo: "Không phải, nhưng là một người giống hắn". Còn anh ta thì nói: "Chính tôi đây". Họ hỏi anh: "Làm thế nào mắt anh được sáng?" Anh ta nói: "Người mà thiên hạ gọi là Giêsu đã làm bùn xức mắt tôi và bảo: Ngươi hãy đến hồ Silôê mà rửa. Bấy giờ tôi đi, tôi rửa và tôi trông thấy". Họ lại hỏi: "Ngài ở đâu?" Anh thưa: "Tôi không biết". Họ liền dẫn người trước kia bị mù đến với những người biệt phái, lý do tại Chúa Giêsu hoà bùn và chữa mắt cho anh ta lại nhằm ngày Sabbat. Các người biệt phái cũng hỏi anh ta do đâu được sáng mắt? Anh đáp: "Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt". Mấy người biệt phái nói: "Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat". Mấy kẻ khác lại rằng: "Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?" Họ bất đồng ý kiến với nhau. Họ liền quay lại hỏi người mù lần nữa: "Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?" Anh đáp: "Ðó là một tiên tri". Nhưng người Do-thái không muốn tin anh đã mù và đã được khỏi trước khi đòi cha mẹ anh đến. Họ hỏi hai ông bà: "Người này có phải là con hai ông bà mà ông bà bảo bị mù từ khi mới sinh không? Do đâu mà bây giờ nó lại trông thấy?" Cha mẹ y thưa rằng: "Chúng tôi xác nhận đây chính là con chúng tôi, và nó đã bị mù từ khi mới sinh. Nhưng làm sao mà bây giờ nó trông thấy, và ai đã mở mắt cho nó thì chúng tôi không biết. Nó khôn lớn rồi, các ông hãy hỏi nó, nó sẽ tự thưa lấy". Cha mẹ anh ta nói thế bởi sợ người Do-thái, vì người Do-thái đã bàn định trục xuất khỏi hội đường bất cứ ai dám công nhận Chúa Giêsu là Ðấng Kitô. Chính vì lý do này mà cha mẹ anh ta nói: "Nó khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó". Lúc ấy người Do-thái lại gọi người trước kia đã mù đến và bảo: "Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa! Phần chúng ta, chúng ta biết người đó là một kẻ tội lỗi". Anh ta trả lời: "Nếu đó là một người tội lỗi, tôi không biết; tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi mù và bây giờ tôi trông thấy". Họ hỏi anh: "Người đó đã làm gì cho anh? Người đó đã mở mắt anh thế nào?" Anh thưa: "Tôi đã nói và các ông đã nghe, các ông còn muốn nghe gì nữa? Hay là các ông cũng muốn làm môn đệ Ngài chăng?" Họ liền nguyền rủa anh ta và bảo: "Mày hãy làm môn đệ của người đó đi, còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của Môsê. Chúng ta biết Thiên Chúa đã nói với Môsê, còn người đó chúng ta không biết bởi đâu mà đến". Anh đáp: "Ðó mới thật là điều lạ: người đó đã mở mắt cho tôi, thế mà các ông không biết người đó bởi đâu. Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa không nghe lời những kẻ tội lỗi, mà hễ ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý Chúa, thì kẻ đó mới được Chúa nghe lời. Xưa nay chưa từng nghe nói có ai đã mở mắt người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì". Họ bảo anh ta: "Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?" Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài. Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ta ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo: "Anh có tin Con Thiên Chúa không?" Anh thưa: "Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?" Chúa Giêsu đáp: "Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh". Anh ta liền nói: "Lạy Ngài, tôi tin", và anh ta sấp mình thờ lạy Người. Chúa Giêsu liền nói: "Chính vì để luận xét mà Ta đã đến thế gian hầu những kẻ không xem thấy, thì được xem thấy, và những kẻ xem thấy, sẽ trở nên mù". Những người biệt phái có mặt ở đó liền nói với Người: "Thế ra chúng tôi mù cả ư?" Chúa Giêsu đáp: "Nếu các ngươi mù, thì các ngươi đã không mắc tội; nhưng các ngươi nói "Chúng tôi xem thấy", nên tội các ngươi vẫn còn".

Nguồn: http://www.kinhthanhvn.net/26-03-chua-nhat-4-mua-chay/