Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2018




“Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.” Lc 1, 30.

Các bạn trẻ thân mến,

Ngày Giới Trẻ Thế giới năm 2018 là một bước chuẩn bị cho Ngày Giới Trẻ Thế giới cấp quốc tế diễn ra tại Panama vào tháng 1 năm 2019. Chặng đường mới này của cuộc hành hương của chúng ta rơi vào cùng năm mà Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Niên sẽ nhóm họp với chủ đề: Người trẻ, đức tin và phân định ơn gọi. Đây quả là sự trùng hợp thú vị. Sự chú tâm, cầu nguyện và phản tỉnh của Giáo Hội sẽ hướng về chúng con là những người trẻ, với khao khát để đón nhận, và trên hết, để ôm lấy món quà quí giá mà chúng con đang dành cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội và cho thế giới.

Như chúng con đã biết, chúng ta đã chọn mẫu gương và sự cầu cử của Mẹ Maria đồng hành với ta trên hành trình này, Mẹ cũng là người nữ trẻ thành Nazarét được Chúa chọn làm Mẹ của Con Thiên Chúa. Mẹ đi cùng với chúng ta hướng về Thượng Hội Đồng Giám Mục và hướng tới Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Panama. Nếu năm ngoái những lời chúc tụng của Mẹ hướng dẫn chúng ta, “Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.” (Lc1,49), thì năm nay cùng với Mẹ, chúng ta tìm kiếm, lắng nghe Lời Chúa khơi dậy lòng can đảm và ban ơn cần thiết để chúng ta đáp lại lời mời gọi của Ngài: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.” (Lc 1:30). Đây là những lời của Tổng Lãnh Thiên Thần Gabrien nói với Maria, một thiếu nữ bình dị tại làng nhỏ bé ở Galilê.

1. Đừng sợ!

Chúng ta có thể hiểu được sự xuất hiện đột ngột của thiên thần với lời chào màu nhiệm: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1:28) đã làm cho Maria bối rối. Maria rất ngạc nhiên trước sự tiết lộ đầu tiên về danh tính và ơn gọi khi mà Maria vẫn chưa được ai biết đến. Mary giống những người trong Kinh Thánh, run sợ trước lời gọi nhiệm mầu của Thiên Chúa. Chỉ trong chốc lát Thiên Chúa đặt trước Maria vô số kế hoạch của Ngài, và khiến Maria cảm thấy tất cả sự nhỏ bé của mình như một thụ tạo khiêm tốn. Thiên thần thấy được nơi thẳm sâu trong lòng của Mẹ, nên ngài nói: “Đừng sợ!” Thiên Chúa cũng đọc được tận trong cõi lòng của chúng ta. Thiên Chúa biết rõ những thách đố mà chúng ta phải đương đầu trong cuộc sống, đặc biệt khi chúng ta đối diện với những lựa chọn cơ bản dựa trên việc chúng ta là ai, và chúng ta sẽ làm gì trong thế giới này. Đây quả là điều “rùng mình” mà chúng ta cảm thấy khi phải đối diện với những quyết định về tương lai, bậc sống và ơn gọi của chúng ta. Trong những lúc đó, chúng ta gặp bối rối và bị rất nhiều nỗi sợ hãi vây quanh.

Là những người trẻ, nỗi lo sợ của chúng con là gì? Điều gì làm chúng con lo lắng nhất? Nỗi sợ hãi “căn bản” mà nhiều người trong chúng con gặp phải là thấy mình không được yêu thương, yêu hay được đón nhận dù chúng con là ai. Ngày nay, có rất nhiều người trẻ cảm thấy cần phải khác với những gì họ thực sự là, trong nỗ lực thích ứng với chuẩn mực giả tạo và không thể đạt được. Họ liên tục “đánh bóng” hình ảnh của họ, ẩn sau chiếc mặt nạ và căn tính dối trá ấy, chính họ gần như trở thành cái tôi sống ảo. Nhiều người bị ám ảnh với việc nhận được càng nhiều “like” càng tốt. Nhiều nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn xuất hiện từ ý thức không phù hợp này. Những người khác lại sợ họ không thể tìm được an toàn về tình cảm và họ ở lại trong nỗi cô đơn. Nhiều người đối diện với bấp bênh của công việc, sợ không thể tìm thấy một vị trí chuyên môn thỏa đáng, hoặc để hoàn thành ước mơ của họ. Ngày nay, một số lượng lớn thanh thiếu niên đầy sợ hãi, cả người tin lẫn người không tin. Thật vậy, những người đón nhận món quà đức tin và tìm kiếm ơn gọi một cách nghiêm túc, họ cũng không miễn trừ khỏi sợ hãi. Một số người nghĩ rằng có lẽ Thiên Chúa đang yêu cầu hoặc tra hỏi hỏi họ quá nhiều. Có thể đi theo con đường mà Thiên Chúa vạch ra cho tôi, tôi sẽ không thực sự hạnh phúc, hoặc tôi chẳng thể làm những gì Thiên Chúa đề nghị tôi. Những người khác nghĩ rằng nếu tôi đi theo con đường Thiên Chúa chỉ cho tôi, ai có thể đảm bảo rằng tôi có thể đi đến cuối con đường? Tôi sẽ nản chí thoái lui? Tôi đánh mất lòng nhiệt huyết của mình? Liệu tôi có thể kiên trì suốt cả cuộc đời tôi chăng?

Trong khoảnh khắc những nỗi hoài nghi và sợ hãi tràn ngập trái tim chúng ta, phân định là cần thiết. Phân định cho phép chúng ta lấy lại trật tự trước những bối rối trong suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta, để hành động trong đường lối công minh thận trọng. Trong tiến trình này, bước đầu tiên vượt qua nỗi sợ hãi là định vị chúng một cách rõ ràng, để không phí thời gian sức lực trong việc bám lấy những bóng ma trống rỗng và vô hồn. Như thế, cha mời tất cả chúng con nhìn vào lòng mình để “đặt tên” cho những nỗi sợ của chúng con. Hãy hỏi chúng con rằng điều gì làm tôi phiền muộn, lúc này trong những điều cụ thể của cuộc đời hôm nay, điều tôi sợ nhất là gì? Điều gì cản trở và ngăn cản tôi tiến lên phía trước? Tại sao tôi thiếu can đảm để đưa ra những lựa chọn quan trọng mà tôi cần làm? Đừng sợ phải đối diện với nỗi sợ của chúng con một cách trung thực, để nhận ra chúng là gì và đối diện với chúng. Kinh Thánh cũng có những kinh nghiệm của con người về sự sợ hãi với nhiều nguyên nhân. Áp-ra-ham sợ hãi (xem Sáng Thế12, 10), Gia-Cóp sợ hãi (xem Sáng Thế 31,31, và 32, 7), và Mô-sê cũng vậy (xem Xuất Hành 2:14, 17: 4), Phêrô (xem Mt 26, 69) và các Tông Đồ cũng thế (xem Mc4, 38-40; Mt26,56). Chính Chúa Giêsu, dù không thể so sánh, cũng kinh sợ và đau khổ khủng khiếp (xem Mt 26,37; Lc22,44).

“Sao nhát thế ? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” “(Mc 4,40). Khi khuyên nhủ các môn đệ của mình, Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu được làm sao mà sợ hãi lại thường trở ngại cho đức tin, chứ không phải là hoài nghi. Như vậy hiểu rằng việc phân định chỉ ra nỗi sợ hãi của chúng ta và sau đó có thể giúp chúng ta vượt qua chúng, mở cho chúng ta cuộc sống và giúp chúng ta bình tĩnh đối mặt với những thách thức đang đến trên đường đời. Đối với chúng ta, đặc biệt là những Kitô hữu, sợ hãi không bao giờ là lời cuối cùng, nhưng đúng hơn, đó là dịp để thực thi niềm tin vào Thiên Chúa … và vào cuộc sống! Điều này có nghĩa là tin tưởng vào điều tốt lành cơ bản của sự hiện hữu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta và tin tưởng Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta đến một hồi kết tốt đẹp, thậm chí ngang qua những cảnh huống thăng trầm khiến chúng ta hoang mang. Tuy nhiên, nếu chúng ta che giấu nỗi sợ hãi, chúng ta sẽ hướng nội, khép kín để bảo vệ bản thân khỏi mọi thứ và mọi người, và chúng ta sẽ bị tê liệt. Chúng ta phải hành động! Không bao giờ đóng kín mình! Trong Kinh Thánh, cụm từ “Đừng sợ” lặp lại 365 lần với những thay đổi khác nhau, như thể nói với chúng ta rằng Thiên Chúa muốn chúng ta thoát khỏi sợ hãi mọi ngày trong năm.

Phân định rất cần thiết khi ai đó đang tìm kiếm ơn gọi cho mình trong cuộc đời. Thường thì ơn gọi của chúng ta lúc đầu không rõ rằng hiển nhiên, nhưng dần dần chúng ta hiểu được nó. Phân định trong trường hợp này, không nên hiểu như là một nỗ lực cá nhân trong nội tâm, nhằm mục đích hiểu rõ hơn về nội tâm của chúng ta, để củng cố chúng ta và có được sự cân bằng. Trong những trường hợp như thế, người đó có thể mạnh hơn, nhưng vẫn còn hoay hoay trong chân trời giới hạn về khả năng và quan điểm của mình. Tuy nhiên, ơn gọi là một lời gọi đến từ bên trên, và phân định trong bối cảnh này chủ yếu chính chúng ta mở lòng trước Đấng gọi mời. Vì thế, cần phải thinh lặng cầu nguyện để nghe tiếng Chúa vang lên trong tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa gõ cửa cõi lòng chúng ta như Ngài đã làm với Maria; Chúa mong muốn thiết lập tình bạn với chúng ta qua cầu nguyện, trò chuyện với chúng ta qua Sách Thánh, để ban cho chúng ta lòng thương xót trong Bí Tích Hòa Giải, và cùng ở với chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể.

Điều quan trọng là phải đối thoại và gặp gỡ tha nhân, anh chị em trong đức tin của chúng ta là những người có nhiều kinh nghiệm, để họ giúp chúng ta thấy tốt hơn và lựa chọn khôn ngoan từ những khả thể khác nhau. Khi cậu bé Samuen nghe tiếng của Đức Chúa, cậu không nhận ra điều đó ngay. Ba lần cậu chạy đến gặp thầy tư tế lớn tuổi Êli, thầy cuối cùng đưa ra lời đề nghị chính xác cho cậu trước tiếng gọi của Chúa: “Hễ có ai gọi con thì con thưa: “Lạy Ðức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” (1Sam 3,9). Trong những nghi ngờ của chúng con, hãy biết rằng chúng con có thể cậy dựa vào Giáo Hội. Cha biết có rất nhiều linh mục, những người nam nữ tu sĩ và giáo dân, nhiều người trong số họ còn trẻ, những người có thể trợ giúp chúng con như anh chị em trong đức tin. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, họ sẽ giúp chúng con hiểu rõ những nghi ngờ của chúng con và hiểu được kế hoạch ơn gọi của chính chúng con. Họ không chỉ là người linh hướng, mà còn là người giúp chúng ta mở lòng trước phong nhiêu vô biên của đời sống mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Điều quan trọng là hãy tạo không gian trong các thành phố và cộng đoàn để phát triển, để mơ ước và để nhìn vào những chân trời mới! Không bao giờ mất đi lòng nhiệt thành tận hưởng sự đồng hành và tình bạn của tha nhân, cũng như phấn khởi cùng nhau ước mơ, cùng nhau dấn bước. Kitô hữu đích thực không sợ mở lòng mình với người khác và chia sẻ những không gian quan trọng của chính mình, làm cho không gian ấy đượm tình huynh đệ. Các bạn trẻ thân mến, đừng cho phép người trẻ bị dập tắt trong bóng tối của một căn phòng khép kín mà chỉ có cửa sổ nhìn ra thế giới bên ngoài là máy tính và điện thoại thông minh. Hãy mở rộng cánh cửa đời sống của chúng con! Hãy để thời gian và không gian của chúng con tràn ngập những mối quan hệ có ý nghĩa, những con người thực, với những người mà chúng con chia sẻ kinh nghiệm thực và cụ thể về cuộc sống hàng ngày của chúng con.

2. Maria!

“Ta đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ” (Is 43,1). Lý do đầu tiên không phải lo sợ là Thiên Chúa đã gọi chúng ta bằng tên. Thiên thần, sứ giả của Thiên Chúa, gọi tên Maria bằng tên. Thiên Chúa có quyền đặt tên. Trong công trình sáng tạo, Đức Chúa gọi mọi thụ tạo theo tên. Có một căn tính đằng sau cái tên, đó là cái duy nhất trong mọi thứ duy nhất, trong mỗi người duy nhất; điều ấy là mối thân tình căn bản mà chỉ Thiên Chúa thực sự biết. Quyền thánh thiêng này, Thiên Chúa chia sẻ với con người khi Ngài mời gọi con người đặt tên cho thú vật, chim trời và cho cả con cái loài người (Sáng Thế2, 19-21, và 4, 1). Nhiều nền văn hoá chia sẻ tầm nhìn kinh thánh sâu sắc này; họ nhận ra trong mỗi cái tên đều mặc khải cuộc sống sâu sắc nhiệm mầu và ý nghĩa của tồn tại.

Khi kêu gọi ai đó bằng tên, Thiên Chúa cũng tiết lộ cho người ấy biết ơn gọi của Ngài, kế hoạch thánh thiện và thành toàn của Ngài. Qua đó, người ấy trở thành món quà cho tha nhân và là duy nhất. Khi Thiên Chúa muốn mở rộng chân trời cuộc sống, Ngài đặt một tên mới cho người mà Thiên Chúa gọi, như Ngài đã làm với Simon mà Ngài quen gọi là Phêrô. Từ đó, có một tục lệ là khi bước vào Dòng tu, người tu sĩ có tên mới để cho thấy một căn tính và sứ mạng mới. Vì lời gọi của Thiên Chúa là duy nhất và rất cá nhân, nên chúng ta cần can đảm để giải thoát mình khỏi áp lực, khỏi những khuôn mẫu rập khuôn, để cuộc sống của chúng ta thật sự có thể trở thành một món quà đích thực cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội và cho mọi người.

Các bạn trẻ thân mến, được gọi theo tên là dấu chỉ của phẩm giá cao cả trong mắt Thiên Chúa, và là dấu hiệu tình yêu dành cho chúng ta. Thiên Chúa kêu gọi mỗi người chúng con theo tên. Tất cả chúng con là “bạn” của Thiên Chúa, quý giá trong ánh mắt Ngài, đáng kính trọng và yêu thương (xem Is43,4). Hân hoan vì cuộc đối thoại mà Thiên Chúa dành cho chúng con, tiếng gọi mà Ngài ban cho và mời gọi chúng con bằng danh xưng.

3. Bà đẹp lòng Thiên Chúa

Lý do chính tại sao Maria không cần phải sợ là vì Maria luôn làm đẹp lòng Chúa. Từ “ân sủng” nói đến thứ tình yêu tự do trao ban, không nợ nần. Chúng ta được khích lệ biết bao để biết rằng chúng ta không phải tìm kiếm sự gần gũi và sự trợ giúp của Thiên Chúa bằng cách trưng ra “Tấm bằng thuộc loại xuất sắc” với đầy tham vọng và công danh! Thiên thần nói với Maria rằng Maria đã tìm được ơn nghĩa với Thiên Chúa, chứ không phải là Maria sẽ đạt được nó trong tương lai. Và cùng cách thức của lời thiên thần nói, giúp chúng ta hiểu rằng ân sủng của Thiên Chúa là liên tục, chứ không phải là một cái gì đó hời hợt thoáng qua. Vì lý do này chúng ta không bao giờ thất bại. Ngay cả trong tương lai, ân sủng của Thiên Chúa sẽ luôn ở đó để trao ban cho chúng ta, đặc biệt trong những giây phút thử thách tăm tối.

Sự hiện diện thánh thiêng liên tục khuyến khích chúng ta ôm ấp ơn gọi của mình với lòng can đảm. Ơn gọi của chúng ta đòi hỏi một sự cam kết trung thành vốn cần được làm mới lại mỗi ngày. Hành trình ơn gọi của chúng ta không thiếu vắng thập giá: không chỉ nơi những nghi ngờ ban đầu mà còn cả những cám dỗ thường xảy ra trên đường đời. Cảm giác thấy mình không hợp với môn đệ của Đức Kitô theo ta suốt đời. Tuy nhiên, anh ấy hay cô ấy lại biết sự giúp đỡ ân sủng của Thiên Chúa.

Lời của Thiên Thần ngự trên những nỗi sợ hãi của con người, giải tỏa chúng bằng sức mạnh của Tin Mừng. Theo đó, chúng ta được báo trước: cuộc sống của chúng ta không phải là cơ hội thuần túy, hay chỉ là cuộc đấu tranh sinh tồn, mà mỗi chúng ta là một câu chuyện vốn được Thiên Chúa mến yêu. Chúng ta đã “tìm thấy ân sủng trong ánh mắt Thiên Chúa”, nghĩa là Đấng Tạo Hoá nhìn thấy vẻ đẹp độc đáo trong con người chúng ta, và Ngài có một kế hoạch tuyệt vời dành cho chúng ta. Thấy được sự chắc chắn này, tất nhiên chúng ta không giải quyết được tất cả các vấn đề, cũng không mất đi những thứ không chắc chắn. Nhưng nó có sức mạnh để biến đổi sâu sắc cuộc sống của chúng ta. Không biết về ngày mai, đối với chúng ta, không phải là một mối đe dọa tối tăm mà chúng ta cần vượt qua, nhưng là thời gian thuận lợi để chúng ta sống trọn vẹn trong ơn gọi riêng của chúng ta, và để chia sẻ nó với anh chị em của chúng ta trong Giáo Hội và trên thế giới .

4. Hãy can đảm trong giây phút hiện tại

Từ việc chắc chắn rằng ân sủng của Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, cho chúng ta sức mạnh để can đảm trong giây phút hiện tại. Can đảm để đón lấy những gì Thiên Chúa yêu cầu chúng ta ở đây và lúc này, trong mọi lãnh vực của đời sống. Hãy can đảm để nắm lấy ơn gọi mà Thiên Chúa tỏ lộ cho chúng ta; hãy can đảm để sống đức tin của chúng ta mà không che giấu hoặc hạ thấp nó.

Vâng, khi chúng ta mở ra với ân sủng của Thiên Chúa, điều không thể trở thành hiện thực. “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm8, 31). Ân sủng của Thiên Chúa chạm đến “lúc này” trong cuộc sống của bạn, “giữ” cho chúng con như chúng con là, với tất cả những nỗi sợ hãi và giới hạn của chúng con, nhưng nó cũng cho thấy những kế hoạch diệu kỳ của Thiên Chúa! Chúng con cần biết rằng ai đó thực sự tin tưởng vào chúng con. Xin hãy biết rằng Đức Giáo Hoàng có lòng tin vào chúng con, Giáo Hội tin tưởng vào chúng con! Về phần mình, chúng con hãy tin tưởng vào Giáo Hội!

Đối với người trẻ, Maria được ủy thác một nhiệm vụ quan trọng, chính xác bởi vì Maria còn trẻ. Người trẻ chúng con có sức mạnh khi chúng con trải qua một giai đoạn đầy tràn năng lượng. Hãy tận dụng sức mạnh và năng lượng này để cải thiện thế giới, bắt đầu với những thực tế gần gũi nhất với chúng con. Cha muốn những trọng trách được trao cho chúng con trong Giáo Hội; hãy can đảm chuẩn bị không gian ấy cho chúng con; và chúng con có thể được chuẩn bị để thực hiện những trách nhiệm này.

Cha mời gọi chúng con một lần nữa chiêm ngắm tình yêu của Mẹ Maria: một tình yêu chăm sóc, năng động và cụ thể. Một tình yêu đầy dũng cảm và tập trung hoàn toàn vào món quà của bản thân. Giáo Hội được thấm nhuần bởi những phẩm chất của Mẹ Maria, sẽ luôn là một Giáo Hội tiến lên, vượt qua giới hạn và ranh giới của chính mình để cho ân sủng Giáo Hội nhận được trào tràn. Nếu chúng ta cho phép gương mẫu của Đức Maria thực sự đánh động chính mình, chúng ta sẽ sống chân thành, vốn là lòng nhân từ thúc đẩy chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết và trên cả chính mình, để yêu thương những người mà chúng ta chia sẻ cuộc sống hàng ngày. Và chúng ta cũng yêu những người có vẻ khó ưa. Đó là một tình yêu phục vụ và cống hiến, trước hết hướng đến yếu đuối và nghèo hèn nhất, tình yêu biến diện mạo của chúng ta ngập tràn niềm vui.

Cha muốn kết thúc với những từ thật hay của thánh Bernard nói trong một bài giảng nổi tiếng về mầu nhiệm Truyền Tin, những lời diễn tả sự mong đợi của toàn thể nhân loại đối với lời đáp của Đức Maria: “Các con đã nghe Đức Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai; các con đã nghe điều ấy không do người nam, nhưng lại bởi Chúa Thánh Thần. Thiên thần đang chờ đợi câu trả lời … Lạy Nữ Vương, chúng con cũng đang mong chờ lời từ ái của Mẹ… Trong lời ngắn gọn của Mẹ, chúng con được canh tân để được nhớ về cuộc sống … Đây là những gì mà toàn thế giới trông đợi, chúng con phủ phục dưới chân Mẹ … Xin Mẹ nhanh nghe lời chúng con.”(Bài giảng số 4, 8-9; Opera Omnia).

Các bạn trẻ thân mến, Thiên Chúa, Giáo Hội và thế giới đang mong chờ câu trả lời của chúng con trước lời gọi độc nhất mà mỗi người nhận được trong cuộc sống này! Khi Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Panama đến gần, cha mời chúng con chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ của chúng ta, với niềm vui và lòng nhiệt thành của những ai muốn tham gia vào cuộc phiêu lưu tuyệt này. Ngày Giới Trẻ Thế Giới dành cho những người can đảm! Nó không dành cho những người trẻ chỉ tìm kiếm sự thoải mái, và không dành cho những ai thoái lui khi có khó khăn phát sinh. Chúng con có chấp nhận thử thách không?

Từ Vatican, ngày 11 tháng 2 năm 2018

Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên,
Lễ Kính Đức Mẹ Lộ Đức

Phanxicô

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ chuyển ngữ

Số linh mục gia tăng ở Brazil


Theo một cuộc điều tra của Trung tâm Khảo sát xã hội và thống kê Tôn giáo (Ceris) dành cho Hội đồng các giám mục Brazil, vào năm 2017 Giáo hội Brazil có 27.300 linh mục so với ba năm trước đó là 24.600 linh mục, tăng 11%.

Một linh mục cho 7.802 cư dân

Bước nhảy vọt này không đơn giản là kết quả của việc gia tăng dân số của quốc gia. Theo tờ báo Folha De Sao Paulo, trong năm 2014, một linh mục phục vụ cho 8.130 cư dân so với năm 2017 là 7.802 cư dân - ở Pháp, tỷ lệ này là một linh mục cho 5.500 cư dân.

Vào đầu những năm 2000, Giáo hội Công giáo Brazil có 16.000 linh mục.

Tuy nhiên, với số dân ở Brazil là hơn 200 triệu thì số linh mục vẫn còn khiêm tốn và có sự khác nhau giữa các vùng. Đức cha Erwin Kraütler, nguyên Giám mục của Xingu, Giáo phận lớn nhất nước, trong một buổi tiếp kiến tại Vatican vào tháng 4 năm 2014 đã nói với ĐTC rằng Giáo phận này chỉ có 27 linh mục phục vụ cho 700.000 tín hữu .

Ơn gọi muộn

Nhưng làm thế nào giải thích bước nhảy vọt này của sự gia tăng ơn gọi vì số người Công giáo trong nước có xu hướng giảm? Theo các cuộc thăm dò khác nhau thì người Công giáo dao động từ 50 đến 60% dân số. Tương tự như vậy, tỷ lệ "không tôn giáo" vẫn còn rất nhiều nơi dân tộc thiểu số, mức tăng khoảng 10%.

Sự gia tăng số linh mục được giải thích phần lớn bởi sự gia tăng của các ơn gọi trễ. Ngày càng có nhiều người đàn ông trung niên quyết định vào chủng viện. Xu hướng này đã được thảo luận tại cuộc họp gần đây của Hội đồng Giám mục Brazil. Vì có nhiều tiến bộ trong cuộc sống của họ, các chủng sinh này đã có thể đào sâu thêm ước muốn trở thành linh mục và tăng cường sự lựa chọn của họ.

Tại buổi gặp gỡ của các Giám mục Brazil, Đức cha Jaime Spengler, Tổng GM Porto Alegre hoan nghênh sự gia tăng ơn gọi trong một "bối cảnh đa nguyên tôn giáo ở Brazil", ngay cả khi nó không "đáp ứng nhu cầu" của Giáo hội Công giáo Brazil. (Sismografo 26-5-2018)

Ngọc Yến

Sự dữ đi vào ngang qua những túi tiền


“SỰ DỮ ĐI VÀO NGANG QUA NHỮNG TÚI TIỀN”

CHÚA THÁNH THẦN, TÁC GIẢ CỦA SỰ ĐA DẠNG,
 VÀ LÀ NHÀ KIẾN TẠO HIỆP NHẤT

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GẶP GỠ ĐẠI DIỆN CÁC DÒNG TU 
TẠI ĐẠI HỘI CÔNG NGHỊ QUỐC TẾ NGÀY 04/5/2018

Kính chào Quý Bề Trên, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ cùng Anh Chị em,
Tôi đã nghĩ đến việc dọn một bài thật chu đáo, nhưng hôm nay lại bộc phát để nói những gì thích hợp với lúc này.
Điểm then chốt tôi sẽ nói cũng là điều mà Đức Hồng Y Chủ Tịch yêu cầu, ngài đề nghị tôi chỉ ra một tiêu chí chuẩn xác cho đời sống thánh hiến. Bởi thực sự, bao nhiêu điều đang xảy ra và làm thế nào chúng ta không đánh mất chính mình trong thế giới đó, một thế giới tranh tối tranh sáng của tục hoá, một thế giới mù mờ của các ơn gọi, của sự hung hãn và nhiều điều khác. Chúng ta phải có một tiêu chí định hướng đúng đắn cho mình, tiêu chí ấy sẽ hướng dẫn chúng ta biết phân định đúng sai.
Và này, có một điều khác nữa: Chúa Thánh Thần là “tai hoạ”, vì Ngài sáng tạo không mệt mỏi [tiếng cười cất lên]. Giờ đây, với những hình thức mới mẻ của đời sống thánh hiến, thì với những đặc sủng của mình, Chúa Thánh Thần thật sự đang kiến tạo, điều này thật thú vị… vì đang khi Ngài vừa là tác giả của sự đa dạng, nhưng cùng lúc, Ngài là Đấng làm nên sự hiệp nhất. Chính Chúa Thánh Thần, chứ không ai khác. Với sự đa dạng của các đặc sủng và bao ân huệ, Ngài đang kiến tạo sự hiệp nhất trong Thân Mình Đức Kitô cũng như sự hiệp nhất của đời sống thánh hiến. Nhưng đây cũng là một thách đố.
Và tôi tự hỏi, vậy thì điều gì khiến Chúa Thánh Thần có thể giữ cho đời sống thánh hiến được luôn luôn mạnh mẽ? Câu hỏi này cứ quay đi quẩn lại trong đầu tôi… cho đến ngày tôi đến Tổng Giáo Phận San Giovani Rotondo và câu hỏi ấy vẫn làm tôi bận trí, tôi không hiểu lý do tại sao… nhưng khi nhìn thấy các nam nữ tu sĩ đang sống tốt lành đời tu của mình ở đó thì tôi đã nghĩ ra những gì mình phải nói. Ở đó, tôi đã nói đến “ba chữ P”, và tôi tự nhủ, đây là ba trụ cột vốn duy trì bền vững đời sống thánh hiến: Prayer, Cầu Nguyện; Poverty, Nghèo Khó và Patience, Nhẫn Nhịn”.
Vậy hôm nay, tôi quyết định sẽ nói với Quý Bề Trên, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ cùng Anh Chị em cũng những điều này: cầu nguyện, khó nghèo và nhẫn nhịn trong đời sống thánh hiến.

1. Trước hết, “Cầu Nguyện”, “Prayer”, chữ “P” thứ nhất.
Cầu nguyện là liên lỉ quay về với tiếng gọi đầu tiên. Bất cứ lời cầu nguyện nào, có thể là một lời cầu xin lúc ngặt nghèo, vẫn luôn luôn là một sự quay về với Đấng đã gọi tôi. Lời cầu nguyện của một Cha, một Thầy, một Soeur, một Anh Chị em sống đời thánh hiến là một sự quay về với Chúa Giêsu, Đấng đã kêu gọi tôi theo sát Ngài hơn. Quay về với Ngài, Đấng đang nhìn tôi trong ánh mắt Ngài, Đấng đã nói với tôi, “Hãy đến! Hãy bỏ hết mọi sự và đến đây” - “Nhưng con muốn bỏ một nửa thôi” (chúng ta sẽ nói điều này khi đề cập đến khó nghèo) - “Không, hãy đến, bỏ hết mọi sự” và trong giờ phút đó, niềm vui chợt đến khi chúng ta ít nhiều bỏ lại những gì mình có. Mỗi người biết những gì mình vừa từ bỏ: cha mẹ, gia đình, nghề nghiệp…
Thế nhưng, sự thật là có một vài người đang tìm nghề nghiệp “trong nhà dòng”, đây là điều không tốt, bởi lẽ bổn phận của chúng ta là tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng mời gọi chúng ta theo Người gần gũi hơn. Mỗi lời cầu nguyện là một sự quay trở về với lời mời gọi này. Và cầu nguyện là cái làm cho tôi nên người làm việc cho vị Thiên Chúa đó, chứ không làm vì sở thích, cũng không làm cho Hội Dòng. Không, phải là cho Thiên Chúa.
Có một từ ngữ được sử dụng rất nhiều, quá nhiều… khiến sức mạnh của nó phải mai một, nhưng nó lại nói rõ điều này, đó là từ “tận căn”. Tôi không thích dùng từ ngữ này vì người ta sử dụng nó quá nhiều. Thế nhưng từ ngữ đó có nghĩa là, “Con bỏ mọi sự vì Chúa”, đó là nụ cười của những bước chân đầu tiên… Và rồi các vấn đề xảy ra, bao nhiêu trái khuấy mà tất cả chúng ta đang gặp phải, đã gặp phải… dẫu vậy, phải luôn luôn quay về với cuộc gặp gỡ đó, gặp gỡ Thiên Chúa.
Cầu nguyện trong đời sống thánh hiến là bầu khí đang gọi mời, đang làm cho chúng ta hít thở, đồng thời đang tân tạo lời mời gọi đó. Không có bầu khí này, chúng ta không có khả năng trở nên những con người sống đời dâng hiến lành thánh. Chúng ta có thể là những người tốt, những người công giáo, những Kitô hữu tốt lành khi dấn thân vào những công việc của Giáo Hội; nhưng với đời sống thánh hiến, thì lời mời gọi đó phải được làm mới lại liên lỉ, liên lỉ trong nguyện cầu, trong việc gặp gỡ Thiên Chúa.
“Nhưng thưa Đức Thánh Cha, con quá bận, con có nhiều việc phải làm” - “Hãy đi cầu nguyện”, điều này quan trọng hơn và kìa, giờ cầu nguyện đó lại giúp chúng ta ở trước sự hiện diện với Chúa suốt cả ngày. Dù gì đi nữa… cũng “Hãy đi cầu nguyện”.
“Nhưng công việc của con quá ngặt nghèo, hầu như cả ngày”. Nào, hãy nghĩ đến một người phụ nữ sống đời thánh hiến trong thời đại chúng ta. Mẹ Têrêxa được gọi là con người “đi tìm những của nợ cho mình”… vì mẹ là thiết bị dò tìm “của nợ”, nên mẹ đã rày đây mai đó trên những nẻo đường; vậy mà hai giờ đồng hồ cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày là điều không ai có thể lấy mất của mẹ. “Ôi Têrêxa, mẹ thật tuyệt vời!”. Cũng vậy, chúng ta hãy làm như mẹ Têrêxa đã làm, làm hệt như mẹ, hãy tìm kiếm Thiên Chúa của mình, Đấng kêu gọi chúng ta. Mỗi người phải tìm xem, không chỉ trong buổi sáng, làm sao để cầu nguyện cho được, tôi sẽ cầu nguyện giờ nào. Phải luôn luôn làm điều đó, phải cầu nguyện luôn. Không ai có thể sống đời thánh hiến, có thể phân định những gì đang xảy ra mà không thỏ thẻ với Chúa mỗi ngày.
Tôi không muốn nói thêm đề tài này nữa, tôi nghĩ, nói ít nhưng Quý Cha, Quý Soeurs hiểu nhiều. Hãy cầu nguyện! Hội Thánh cần những thiện nam tín nữ cầu nguyện, nhất là thời buổi hôm nay, thời buổi mà nhân loại đang khốn cùng hơn bao giờ hết.

2. Chữ “P” thứ hai, đó là sự “Khó Nghèo”, “Poverty”.
Trong Hiến Pháp, Thánh Ignatio, Dòng Tên, đã viết như thế này, “Nghèo khó là người mẹ, là tường bao bọc đời sống thánh hiến” - xem ra bản gốc không phải của ngài, tôi nghĩ ngài trích câu này đâu đó từ các Giáo Phụ Sa Mạc. Nghèo khó là “mẹ” - thật lý thú. Thánh Ignatio không nói người mẹ đó là đức trinh khiết vốn liên quan đến thiên chức làm cha, thiên chức làm mẹ. Không, ngài nói nghèo khó là mẹ. Không có đức nghèo khó, đời sống thánh hiến không đơm hoa kết trái. Hẳn chắc, nghèo khó là tường luỹ, là vật che chắn bảo vệ chúng ta khỏi lây nhiễm tinh thần thế tục.
Ai trong chúng ta cũng biết, sự dữ đi vào lòng người ngang qua những túi tiền. Những cám dỗ cỏn con lỗi đức khó nghèo là thương tích của các thành viên trong thân mình cộng đoàn thánh hiến. Lời khấn khó nghèo tuân theo Quy Luật, theo Hiến Pháp của mỗi Hội Dòng không giống nhau. Quy Luật dạy, “Luật chúng ta không cho phép điều này; luật dòng không ban phép điều kia”, nhưng luôn luôn có một điểm chung là tinh thần nghèo khó và chúng ta không cần bàn cãi điều này. Không có đức khó nghèo, chúng ta sẽ không bao giờ có khả năng phân định đúng đắn những gì đang xảy ra trong thế giới hôm nay.
“Hãy từ bỏ mọi sự, đến với người nghèo!”, Chúa Giêsu đã nói với người thanh niên như thế và người thanh niên đó là tất cả chúng ta. “Nhưng thưa Đức Thánh Cha, không, con có của cải gì đâu?”. Phải, nhưng con có một cái gì đó, một vài dính bén nào đó. Chúa Giêsu yêu cầu điều này và đó là cậu nhóc Isaac mà con phải hiến tế; một linh hồn trần trụi, một linh hồn khó nghèo. Với tinh thần nghèo khó này, Thiên Chúa sẽ bảo vệ chúng ta, Người phòng ngự giúp chúng ta tránh khỏi bao vấn đề và vô vàn cạm bẫy khác vốn đang chực huỷ hoại đời sống thánh hiến.
Có ba bước khi khởi đi từ đời sống thánh hiến tu trì sang tục hoá bậc tu trì. Phải, ngay nơi các Tu sĩ. Phải nhìn nhận đang có một sự tục hoá Tu sĩ, nhiều nam nữ Tu sĩ và nhiều người sống đời thánh hiến giờ đây trở nên quá thế gian. Hãy xét đến ba bước: bước thứ nhất, tiền, lỗi đức khó nghèo; bước thứ hai, vênh vang, từ việc rán sức khoe mẽ như một con công đến những vênh vang vụn vặt; và bước thứ ba, kiêu ngạo, tự phụ… Rồi từ đó, bao nhiêu điều xấu xa kéo theo.
Bước thứ nhất chính là sự ràng buộc với của cải, dính bén tiền bạc. Nếu chúng ta cảnh giác điều này, những điều khác sẽ không đến. Và tôi nói, của cải, không chỉ tiền bạc nhưng là sự quyến luyến vật chất. Để có khả năng phân định những gì đang xảy ra, phải có tinh thần khó nghèo. Và đây, một số câu hỏi để chúng ta xét mình:
Tôi sống khó nghèo làm sao? Hãy nhìn vào những ngăn kéo của các linh hồn. Hãy nhìn vào mỗi cá nhân, nhìn vào Hội Dòng… Chúng ta đang sống nhân đức nghèo khó thế nào?
Đó là bước thứ nhất, nếu chúng ta bảo vệ nhân đức này, những điều khác sẽ cao chạy bay xa. Khó nghèo là tường luỹ bảo vệ chúng ta khỏi bao điều khác. Khó nghèo là bà mẹ giữ cho chúng ta nên người tu trì hơn, dạy chúng ta biết đặt mọi của cải mình có nơi Thiên Chúa. Khó nghèo là tường chở che chúng ta khỏi sự tục hoá ngày càng phát triển vốn đang đe doạ nghiêm trọng bất cứ Tu sĩ nào trong thời buổi hôm nay.

3. Chữ “P” thứ ba - “Nhẫn Nhịn”“Patience” (nhẫn nhục, nhẫn nại).
“Nhưng thưa Đức Thánh Cha, nhẫn nhịn… có liên quan gì ở đây?”. Nhẫn nhịn, quan trọng lắm. Chúng ta không thường xuyên nói về nó, nhưng nó thật sự quan trọng. Khi chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu, đức nhẫn nhịn là điều khiến Ngài phải đi đến cùng tận của việc hiến dâng thân mình. Sau bữa Tiệc Ly, Ngài đi vào vườn ôliu, chúng ta có thể nói, chính giây phút đó, theo một cách thức đặc biệt, Chúa Giêsu “đi vào trong sự nhẫn nhịn”.
Đi vào trong sự nhẫn nhịn, cũng là thái độ của chính đời sống thánh hiến vốn đi từ những chuyện tí tẹo của đời sống cộng đoàn hay đời sống thánh hiến mà mỗi người có được trong sự đa dạng mà Chúa Thánh Thần ban cho. Từ những việc vụn vặt, những bao dung nhỏ bé, những cử chỉ tinh tế, một nụ cười… trong khi đáng ra, chúng ta chỉ những muốn nguyền rủa… cho đến việc hy sinh cái tôi hay hy sinh cả mạng sống.
Như Thánh Phaolô nói, nhẫn nhịn là “gánh trên vai”, ngài nói đến việc mang người khác trên vai như một nhân đức Kitô giáo. Không nhẫn nhịn, chúng ta sẽ không có khả năng mang lấy khổ đau. Không đi vào trong sự nhẫn nhịn này, đời sống thánh hiến sẽ không được trợ lực, nó sẽ nửa vời. Không có sự nhẫn nhịn này, những “cuộc nội chiến” xảy ra trong cộng đoàn là điều dễ hiểu, bởi những con người ở đó không nhẫn nhịn để gánh vác lẫn nhau và rồi, mạnh được yếu thua. Người được không luôn luôn là người tốt hơn, người thắng cũng không phải là người tốt nhất… chỉ vì họ thiếu nhẫn nhịn.
Không chỉ nhẫn nhịn trong đời sống cộng đoàn, chúng ta còn phải nhẫn nhịn trước những khổ đau của thế giới, gánh trên vai tất cả vấn nạn, mọi đớn đau của thế giới, “để đi vào sự nhẫn nhịn” như Chúa Giêsu đã đi vào hầu đạt đến sự cứu độ.
Đây là điểm then chốt, chúng ta nhẫn nhịn, không chỉ để tránh những cuộc cãi vả trong cộng đoàn vốn là một gương mù gương xấu nhưng nhờ nhẫn nhịn mà mỗi người được thánh hiến và biết phân định.
Và rồi chúng ta còn phải nhẫn nhịn trước bao vấn đề trong đời dâng hiến. Hãy nghĩ đến sự mòn mỏi ơn gọi. “Chúng ta không biết phải làm gì, vì giờ đây chúng ta không có ơn gọi, chúng ta vừa đóng cửa ba nhà dòng”. Điều tôi đang nói đây đã xảy ra và đang xảy ra.
Tôi biết ít nữa hai trường hợp liên quan đến hai Hội Dòng thuộc hai Tỉnh Dòng riêng biệt tại một đất nước rất tục hoá kia. Tỉnh Dòng đó đi theo con đường thế gian vốn được coi là lối tục hoá, họ chấp nhận một thái độ chết mỹ miều, “ars bene moriendi”. Và điều này có nghĩa là gì trong Tỉnh Dòng đó, hai Tỉnh Dòng thuộc hai dòng khác nhau đó? Đóng cửa nhà tập, chúng ta ở đây an hưởng tuổi già cho đến chết… và dòng đó đã không còn. Hai trường hợp này không phải là chuyện thần tiên, tôi đang nói đến hai Tỉnh Dòng nam vốn đã chọn lựa theo cách đó.
Ở đây, thiếu vắng nhẫn nhịn, và không có đức nhẫn nhịn, chúng ta kết thúc đời mình bằng cái chết đẹp đẽ như thế đó. Ở đâu thiếu nhẫn nhịn, ở đó, các ơn gọi đâu thèm tìm tới. Chúng ta buôn bán, chúng ta dính trết với tiền bạc và dán chặt với bất cứ những gì có thể ùa đến trong tương lai. Khi một Hội Dòng bắt đầu mê tiền thì đây là dấu cho thấy chúng ta đang đến rất… rất… gần cái chết. Không có đức nhẫn nhịn, chúng ta rơi vào chữ “P” thứ hai, “Poverty”, lỗi đức khó nghèo.
Và tôi có thể tự hỏi điều gì đã xảy ra với hai Tỉnh Dòng đó khi họ chọn cho mình cái chết đáng mong đợi như thế và liệu tâm hồn tôi có đang chờ chết như vậy không? Hoặc sự nhẫn nhịn nơi tôi đã cạn kiệt và tôi cứ tiếp tục lây lất như thế chỉ để tồn tại? Không nhẫn nhịn, không ai có thể cao thượng; không nhẫn nhịn, chẳng người nào có thể theo Chúa Giêsu, chúng ta sẽ kiệt sức. Chúng ta theo Ngài được một thời gian nào đó, nhưng khi một hoặc hai thử thách đầu tiên xảy đến, chúng ta rút lui. Tôi chọn cái chết mỹ miều, đời sống thánh hiến của tôi dừng lại ở đây, và rồi tôi đóng kín lòng mình… để sống vất vưởng. Trong tình trạng ân sủng? Vâng, đúng thế!
“Thưa Đức Thánh Cha, liệu con có xuống hoả ngục không?”. Không, không đâu, có lẽ con không xuống hoả ngục… nhưng cuộc sống của con hôm nay… Vậy thì con từ bỏ khả năng làm cha, thiên chức làm mẹ một gia đình; con từ bỏ niềm vui nơi con cái, cháu chắt, con bỏ tất tần tật… chỉ để kết thúc theo cách đó sao? Thái độ chấp nhận cái chết có vẻ nghệ thuật đó là một sự an tử thiêng liêng của một tâm hồn thánh hiến vốn không còn gì để mất. Thái độ này khiến chúng ta không còn nhuệ khí để theo Chúa Giêsu, đó không phải là một lời mời gọi.
Tôi muốn lấy việc khan hiếm ơn gọi như điểm khởi đầu để nói về điều này cũng là điều làm cho linh hồn nên cay đắng. “Tôi không có con”, tổ phụ Abraham thở vắn than dài, “Lạy Chúa, một gia nhân sẽ thừa kế cơ nghiệp của con sao?”. Chúa trả lời ông, “Hãy kiên nhẫn, ngươi sẽ có một mụn con”, “Nhưng lạy Chúa… ở tuổi cửu tuần?” và bà nhà của ông lấp ló sau cửa - xin lỗi, như các bà, bà ấy mật thám từ cánh cửa sổ, nhưng đây là tính cách của các phụ nữ, tốt thôi, có gì xấu đâu - bà mỉm cười, vì bà nghĩ, “Tôi 90… và nhà tôi ngấp nghé 100, vậy mà chúng tôi sẽ có một nhóc con sao?”, Chúa bảo, “Cứ kiên nhẫn, cứ hy vọng, cố lên, cố lên, cố lên”.
Hãy để ý đến ba chữ “P” này, cầu nguyện, khó nghèo và nhẫn nhịn. Phải thận trọng! Và tôi nghĩ rằng, Chúa sẽ thích, Người sẽ cho phép tôi sử dụng cái từ ngữ mà tôi chẳng mấy ưa, những chọn lựa “tận căn” theo nghĩa này. Những chọn lựa này có thể là riêng tư, cũng có thể là chọn lựa chung của cộng đoàn, nhưng chính Quý Cha, Quý Soeurs và Anh Chị em phải tự mình đánh cược với nó.
Tôi xin cám ơn về sự nhẫn nại của Quý Cha, Quý Soeurs và Anh Chị em đã lắng nghe bài chia sẻ này [tiếng cười cất lên cùng tiếng vỗ tay]. Tôi xin cám ơn và cầu chúc ai ai cũng sinh sôi nảy nở. Quý Cha, Quý Soeurs và Anh Chị em sẽ không bao giờ biết được tiến trình đơm hoa kết trái đâu… nhưng nếu chúng ta cầu nguyện, nếu chúng ta nghèo khó, nếu chúng ta nhẫn nhịn, thì cứ tin đi, chắc chắn chúng ta cũng sẽ ‘con đàn cháu đống’.
Bằng cách nào đây? Ngày kia, “trên thiên đàng”, Chúa sẽ tỏ cho chúng ta, nhưng chính cầu nguyện, khó nghèo và nhẫn nhịn là cách thức đâm chồi nẩy lộc. Quý Cha, Quý Soeurs và Anh Chị em sẽ là một người cha, sẽ là một người mẹ của các hậu duệ. Đó cũng là những gì tôi cầu chúc những ai đang sống đời sống tu trì, được sinh sôi nảy nở.
Xin cám ơn. Hãy tiếp tục nghiên cứu, học hỏi, làm việc, đặt ra những quyết tâm cao… nhưng luôn luôn với viễn cảnh đó, cũng là viễn cảnh mà Chúa Giêsu mong mỏi. Và này, khi Quý Cha, Quý Soeurs và Anh Chị em nghĩ đến chữ “P” thứ nhất, “Prayer”, thì đừng quên tôi để cầu nguyện cho tôi. Xin cám ơn!
Chúng ta cùng đọc Kinh Kính Mừng, “Kính mừng Maria…”
[Đức Thánh Cha ban phép lành]
Chúc một ngày tốt lành!

JIM FAIR (Người dịch: Lm. Minh Anh, Gp. Huế)