Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

CHÚC MỪNG LỄ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU - Bổn mạng Giáo khu 3 và Ca đoàn Têrêsa


Bạn đã bao giờ nghe về Thánh Thérèse hay Thánh Têrêsa Hài Đồng và những bí mật về thánh nữ? Bạn có biết tại sao có rất nhiều người chọn ngài làm thánh quan thầy, và là người bạn gần gũi nhất của mình không?
Chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu…

Câu chuyện của Thérèse Martin

Thérèse Martin sinh ra trong một thị trấn thuộc Alencon, Pháp vào ngày mùng 2 tháng 1 năm 1873. Chị ấy là con gái út trong gia đình gồm 5 chị em gái. Khi chị ấy còn rất nhỏ, mẹ của chị ấy mắc căn bệnh ung thư. Vào thời đó, họ không có thuốc và sự điều trị tốt như ngày nay. Các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng căn bệnh của bà Martin vẫn ngày càng nặng thêm. Bà ấy đã mất khi Thérèse mới chỉ 4 tuổi.

Đó là khi bố của Thérèse quyết định tốt hơn nên chuyển nhà đến Lisieux, một thị trấn khác, nơi có nhiều người thân sinh sống. Ở đó có tu viện Carmelite, một tu hội dòng kín, nơi mà các thiếu nữ làm một công viêc đặc biệt đó là cầu nguyện cho toàn thế giới. Khi Thérèse được 10 tuổi, một chị gái của chị là Pauline đã xin nhập dòng Carmelite ở Lisieux. Điều đó thật khó khăn cho Thérèse vì chị Pauline giống như người mẹ thứ hai của Thérèse, chăm sóc và dạy dỗ chị ân cần như mẹ chị đã từng làm. Thérèse nhớ chị Pauline đến phát ốm. Suốt cả tuần sau đó chị vẫn chưa khỏi, các bác sĩ không biết chị ấy đã gặp vấn đề gì. Bố và 4 chị gái của Thérèse đã cầu xin Thiên Chúa giúp. Một ngày sau, tượng Đức Mẹ trong phòng ngủ của Thérèse bỗng dưng mỉm cười với Thérèse và chị ấy hoàn toàn bình phục!

Một lần khác, Thérèse nghe tin về một người đàn ông đã gây ra ba vụ giết người và thậm chí còn không biêt hối lỗi. Chị ấy quyết định cầu nguyện và làm một việc hy sinh để cầu nguyện cho ông ấy (như từ bỏ một cái gì đó mình thích hay làm một việc nào đó mà mình không thích). Chị ấy cầu xin Chúa thay đổi tâm hồn người đàn ông ấy. Trước khi người đàn ông đó chết, ông ta hỏi về cây thánh giá và hôn lên hình Chúa Giêsu. Thérèse cảm thấy rất hạnh phúc, chị biết rằng ông ta đã tin vào Chúa và nhân đón nhân ơn sám hối.

Thérèse rất yêu mến Chúa Giêsu. Chị muốn dâng hết cả con người mình cho Chúa. Chị muốn gia nhập dòng Camelô để có thể dâng hiến đời mình để làm việc và cầu nguyện cho mọi người, nhất là những người còn chưa biết đến lòng thương xót Chúa. Nhưng Thérèse gặp một trắc trở. Chị ấy còn quá trẻ, chị cần phải cầu nguyện và chờ đợi thêm. Cuối cùng thì chị cũng được 15 tuổi, được phép gia nhập vào tu viện.

Chị Thérèse đã làm gì trong thời gian ở tu viện? Không gì đặc biệt cả. Bí mật của chị ấy là: YÊU MẾN. Có một lần Thérèse nói rằng: “Thiên Chúa không muốn chúng ta phải làm điều này điều kia cho Ngài, mà Ngài muốn chúng ta yêu Ngài là đủ”. Vì thế, Thérèse đã ước muốn và thực hành đời sống yêu mến Chúa. Chị tập kiên nhẫn và ân cần với mọi người, điều đó thật không dễ chút nào. Trong thời ấy, lúc các chị đang giặt quần áo bằng tay (lúc đó máy giặt chưa được phát minh!). Có một chị luôn làm bắn tóe nước bẩn vào mặt chị Thérèse. Nhưng Thérèse chẳng bao giờ tỏ ra bực bội. Thérèse thường hay giúp đỡ một chị lớn tuổi có tính cáu gắt và luôn phàn nàn về mọi thứ, bởi vì chị Thérèse không cảm thấy thích việc đó. Thérèse muốn đối xử với chị ấy như với chính Chúa Giêsu. Chị biết rằng khi mình yêu những người khác tức là mình đang yêu chính Chúa Giêsu. Tình yêu khiến Thérèse trở nên hạnh phúc.

Thérèse chỉ sống đời tu 9 năm. Căn bệnh lao đã xảy đến với chị, nó khiến chị phải chịu rất nhiều đau đớn. Không có sự điều trị đối với căn bệnh ấy, các bác sĩ cũng không thể giúp được nhiều cho chị. Thérèse qua đời khi mới chỉ 24 tuổi. Nhưng trước khi chết, chị đã hứa sẽ không từ bỏ điều bí mật của mình. Chị hứa sẽ luôn yêu thương và giúp đỡ mọi người khi về quê trời. Trước khi mất, Thérèse đã nói: “Tôi sẽ gửi mưa ơn lành từ trời xuống mặt đất”. Và chị ấy đã làm được điều đó! Tất cả mọi người trên thế giới, những người đã nhờ thánh Thérèse Lisieux cầu xin đến Thiên Chúa đều nhận được sự đáp trả qua lời cầu nguyện của họ.

Bí mật của Thánh Têrêsa Hài Đồng

Thérèse đã khám phá ra “con đường nhỏ” để đến với Thiên Chúa: Thérèse muốn nên Thánh. Ngài biết Thiên Chúa rất muốn giúp đỡ mình và đặt hết mọi tin tưởng nơi Thiên Chúa và yêu Chúa hết cả tấm lòng, sau đó ngài quan tâm, đối xử tốt với mọi người xung quanh, từ những việc đơn giản nhất. “Con đường nhỏ” của Thérèse là làm mọi việc bạn có thể làm cho người khác vì yêu mến Chúa. Đó chắc chắn là cách để bạn có thể nên thánh.

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

CHÚC MỪNG LỄ TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICHAEL - Bổn mạng Ban Trật Tự tại Giáo xứ Cầu Lớn

Kết quả hình ảnh cho thánh micae
Tổng lãnh thiên thần Micae

Micae, danh từ Hêbrô có nghĩa “Ai bằng Thiên Chúa” ám chỉ sự siêu việt của Thiên Chúa, được nói đến trong sách Đamien (10, 13-21) và trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan (12,7) như vị chiến thắng ma quỷ.

Thánh Micae đã chống lại thần dữ để bênh vực quyền tối cao của Thiên Chúa. Giáo Hội nhận thánh Micae như Ðấng bảo trợ và tin rằng ngài vẫn dâng lời cầu nguyện của chúng ta lên ngai tòa Chúa. Ngài được tôn kính ngay từ những ngày xa xưa bên Đông phương. Tại Tây phương, nhiều cuộc hiển linh của thánh Micae càng làm cho việc sùng kính khởi sắc hơn, như tại núi Gargano miền nam nước Ý, dưới thời đức Gelase (192-196).

Tại Pháp, thánh Thiên Thần là một thánh quan thầy. Tổng Lãnh Thiên Thần Micae cũng đã hiện ra với nhiều người, đặc biệt năm 708, ngài hiện ra với Ðức Giám Mục thành Arranche và Ðức Giám Mục đã xây một thánh đường nguy nga để kính dâng Ðức Micae tại Mont Saint Michel. Từ đó, nơi đây đã trở nên một vị trí hành hương lớn.

Theo thánh nữ Jeanne d’Arc, Thánh Micae đã thúc giục bà đi gặp vua Charles VII để lên đường đi cứu nước

Thánh Micae là quan thầy những người làm nghề phải dùng đến lò nung như người làm bánh, người thợ rèn,… Thánh Thiên Thần cũng là quan thầy đoàn lính dù. Nhiều thành phố đã mang tên Người. Thánh Micae cũng được cầu khi giúp bệnh nhân sắp chết.

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

Tin Mừng Chúa nhật 26 thường niên - Năm C


Phúc Âm: Lc 16, 19-31
"Ngươi đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: "Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:

'Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này'. Abraham nói lại: 'Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được'.

Người đó lại nói: 'Ðã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này'. Abraham đáp rằng: 'Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài'. Người đó thưa: 'Không đâu, lạy cha Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải'. Nhưng Abraham bảo người ấy: 'Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu'".

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

Nhà thờ, đền thờ Hồi giáo, hội đường Do thái giáo được xây trên cùng mảnh đất

+++ RPT Vaticano:riunito Comitato fratellanza umana,scelta data 11/9 +Rtp+
Ủy ban cấp cao về tình huynh đệ con người  (ANSA)

Một nhà thờ, đền thờ Hồi giáo, hội đường Do thái giáo sẽ được xây tại cùng một địa điểm tại Abu Dhabi


Dự án lịch sử độc đáo được mệnh danh là “Ngôi nhà Gia đình Abraham” đang trong những bước đầu tiên, sẽ cần 3 năm để hoàn thành, và sẽ được mở cửa vào năm 2022.

Ủy ban cấp cao về tình huynh đệ con người

“Ngôi nhà gia đình Abraham” là một trong những dự án đầu tiên của Ủy ban cấp cao về tình huynh đệ con người, đã được xem xét tại cuộc họp thứ hai được tổ chức tại Thư viện công cộng New York, trong đó Ủy ban đã chia sẻ với các bên liên quan sứ mệnh của họ để tiến tới nền văn hóa tôn trọng lẫn nhau và đối thoại xuyên qua tất cả các nguồn gốc, tín ngưỡng và quốc tịch.

Ủy ban cấp cao về tình huynh đệ con người có nhiệm vụ hướng dẫn và tư vấn về việc thực hiện các mục tiêu của "Tài liệu về tình huynh đệ của con người vì hòa bình và chung sống", được ĐTC Phanxicô và Tiến sĩ Ahmad Al Tayeb, Đại Imam của Al Azhar Al Sharif, ký tại Abu Dhabi, trong chuyến viếng thăm của ĐTC vào tháng 2 năm nay.

Sau cuộc họp khai mạc của Ủy ban cấp cao tại Vatican hồi đầu tháng 9 này, cuộc họp mặt tại New York là lần họp thứ hai của Ủy ban cấp cao.

“Ngôi nhà gia đình Abraham”

Dự án ““Ngôi nhà gia đình Abraham” được xây dựng tại đảo Saadiyat của Abu Dhabi. Một nhà thờ, đền thờ Hồi giáo và hội đường Do thái sẽ lần đầu tiên chia sẻ một không gian chung, phục vụ như một cộng đồng đối thoại và trao đổi giữa các tôn giáo, và nuôi dưỡng các giá trị của sự cùng chung và chấp nhận nhau trong sống hòa bình, giữa các khác biệt về tín ngưỡng, quốc tịch và văn hóa.

Thiết kế của dự án ““Ngôi nhà gia đình Abraham”, được thực hiện bởi kiến trúc sư từng đoạt giải thưởng và nổi tiếng toàn cầu, Sir David Adjaye, đã được công bố tại sự kiện ở New York.

Thế giới của tình huynh đệ và hòa bình

Nhận định về sáng kiến lịch sử này, ĐHY tân cử Miguel Ángel Ayuso Guixot, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn và thành viên của Ủy ban cấp cao, nói: “Nỗ lực này là một khoảnh khắc cảm động sâu sắc cho nhân loại. Mặc dù thật đáng buồn là sự dữ, thù hận và chia rẽ thường tạo ra tin tức, nhưng có một biển những điều tốt lành đang phát triển và khiến chúng ta hy vọng vào cuộc đối thoại, sự hiểu biết nhau và khả năng xây dựng, cùng với các tín đồ của các tôn giáo khác và tất cả những người nam nữ thiện chí, hy vọng vào một thế giới của tình huynh đệ và hòa bình. Tôi muốn cảm ơn Liên hiệp các nước tiểu vương quốc Arập vì sự dấn thân cụ thể được thể hiện thay mặt cho tình huynh đệ của con người." (Gulf News 21/9/2019)

Sứ điệp từ trời, Maria Divine Mercy - một sự lừa bịp đã bị vạch mặt


Ngày 21/3/2015, bà "Maria Divine Mercy" đóng cửa trang web TheWarningSecondComing.com - nguồn gốc của Sứ điệp tự trời ở Việt Nam - của bà ta.

Trước đó, ngày 16/4/2014, Toà Tổng Giám Mục Dublin, Ireland đã có thông cáo chính thức về thị nhân tự xưng Maria Divine Mercy và các sứ điệp từ trời của bà ấy, trong đó có đoạn nói rằng "các thị kiến và sứ điệp giả định này không được giáo quyền chấp nhận và chứa nhiều lý thuyết mâu thuẫn với giáo lý Công Giáo. Các sứ điệp này không được ủng hộ hay sử dụng trong bất kỳ liên lạc Công Giáo nào."

Mong sao những người đang theo dõi Sứ điệp từ trời (Sđtt) của bà Maria Divine Mercy sớm từ bỏ những mặc khải sai lầm này.

Ngày nay có vô số sứ điệp và lời tiên tri nổi lên tự xưng do Chúa ban qua các thị kiến, nhưng Kinh Thánh thì nhắc nhở chúng ta "Vì chính Xa-tan cũng đội lốt thiên thần sáng láng" (2Cr 11,14). Lời cảnh báo này cho chúng ta biết rằng CHỈ DUY NHẤT GIÁO HỘI mới có thể phân định những lời tiên tri kia xác thực hay không. Chúa Giêsu nói rằng: ai nghe các Tông Đồ là nghe Chúa, ai từ chối các ngài là từ chối Chúa lẫn Chúa Cha.

Sau đây là những lời tiên tri thất bại của bà SĐTT đã bị lật tẩy nhờ thời gian.

1. Các lời tiên tri sai lầm về việc Giáo Hoàng "bị lật đổ"

Sứ điệp ngày 22/7/2012: "Giáo Hội đã bị phá hoại từ bên trong, bởi những kẻ thù của Thiên Chúa. Có 20 người đang điều khiển Giáo Hội, và họ đang cố gây dựng một cuộc lừa đảo vĩ đại. Họ đã bầu chọn một người không đến từ Chúa, trong khi Đức Thánh Cha, người kế vị Thánh Phêrô, thì bị âm thầm lật đổ."

Sđtt muốn khiến chúng ta tin rằng Đức Giáo Hoàng Danh Dự đã từ chức mà không nói được lời nào. Ngài là một "tù nhân thánh thiện" bị "âm thầm lật đổ". Nếu thế thì chẳng lẽ Đức Bênêđictô XVI đã nói dối khi ngài nói trong diễn từ từ chức "Tôi sẽ đồng hành cùng anh em, đặc biệt trong những ngày tới, để anh em có thể hết lòng chấp nhận hành động của Chúa Thánh Thần trong việc tuyển chọn tân giáo hoàng." Ngài còn nói: "Giữa anh em là vị giáo hoàng tương lai, tôi hứa sự vâng phục và kính trọng không điều kiện với vị đó."

Lời tiên tri trên của Sđtt quả là gây xáo trộn, bất an, và đặc biệt là thái độ ly giáo khi chống lại vị Giáo Hoàng đương kiêm đã được bầu chọn hợp pháp và hiệu quả bởi Hồng Y Đoàn.

2. Đức Phanxicô - "tiên tri giả"?

Ngày 19/08/2012, Sđtt bắt đầu làm hoang mang dư luận với lời tiên tri: "Tên tiên tri giả đang chuẩn bị xuất hiện, và đã đang hiện diện ở Vatican. Nhưng y che giấu bộ mặt giả dối của y rất khéo."

Chúng ta biết quá rõ: Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, tân Giáo Hoàng, người Áchentina, đã KHÔNG HỀ "đã đang hiện diện ở Vatican", ngài được bầu chọn khi vẫn còn đang làm Tổng Giám Mục Buenos Aires, Áchentina, Nam Mỹ. Đây rõ ràng tuyệt đối là một lời tiên tri giả. Maria Divine Mercy đã nghĩ chắc mẩm rằng một vị Hồng Y ở Vatican sẽ được bầu. Nhưng bà ta đã quá chủ quan, và thế là lời tiên tri "phá sản". Đức Bergoglio đã không ở Vatican từ trước, hoặc là "Vatican đã được dời qua Áchentina cách mầu nhiệm".

Sứ điệp ngày 12/4/2012 lại tiếp tục: "Vị giáo hoàng có thể được bầu chọn bởi các thành viên trong Giáo Hội Công Giáo, nhưng sẽ là tiên tri giả. Những kẻ bầu chọn cho y chính là những sói dữ đội lốt chiên và là thành viên của hội Tam Điểm, do Satan dẫn đầu."

Lại lần nữa, Tam Điểm được nhắc đến. Đã hàng thế kỷ nay, thời nào cũng có lời đồn Hồng Y này, Giám Mục kia là người của Tam Điểm, nhưng cũng hàng thế kỷ nay, CHƯA TỪNG CÓ MỘT BẰNG CHỨNG NÀO cho thấy có một vị giáo phẩm theo Tam Điểm. À, vâng, thì cứ cho là những vị theo Tam Điểm đó đang cố ẩn mình đi, nhưng số Hồng Y theo Tam Điểm đủ nhiều để bầu một "tiên tri giả" làm Giáo Hoàng. Cần ít nhất 77 Hồng Y trong số 115 vị đến từ 48 quốc gia khác nhau, vốn không quen biết gì nhau nhiều; chẳng lẽ mốt của hàng giáo phẩm là được thăng Hồng Y thì theo Tam Điểm? Quả là thuyết âm mưu ngu si.

3. Đức Giáo Hoàng Phanxicô là "đầu của con Mãng Xà"?

Sứ điệp ngày 13/11/2012: "Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ phải chịu đựng nhiều lắm... Và Đầu Hội Thánh sẽ bị thay thế bởi đầu của con Mãng Xà."

Những sứ điệp này được cho là của Chúa Giêsu kết án người kế vị Đức Bênêđictô sẽ là "đầu của con Mãng Xà." Nhưng cứ tự hỏi xem: "đầu của con Mãng Xà" có thể khiêm nhường, ấm áp, gần gũi, thương xót, sùng đạo như Đức Thánh Cha Phanxicô hay không?

4. Đức Phanxicô là "kẻ lừa dối"?

Từ khi Đức Phanxicô được bầu lên, ngài không ngừng bị soi mói từng lời nói, từng hành động nhằm chứng minh những "sứ điệp từ trời" là đúng.

Sứ điệp ngày 22/7/2013, 5 tháng sau khi có tân Giáo Hoàng: "Chỉ có thể có một người lãnh đạo Giáo Hội trên trái đất, do Con của Ta ban quyền, và người đó sẽ làm Giáo Hoàng đến chết. Bất cứ ai khác đến ngồi trên ngai toà Phêrô đều là kẻ lừa dối."

Thực tế là Đức Thánh Cha có toàn quyền từ chức nếu ngài muốn vào bất cứ lúc nào, và một số vị Giáo Hoàng trong lịch sử đã làm thế. Bộ Giáo luật 1983 quy định: "Nếu Đức Giáo Hoàng Rôma muốn từ chức khỏi ngai vị, để có thể là hữu hiệu thì ngài phải tuyên bố từ chức cách tự do và công khai." (GL 332, #2)

Thế thì chẳng lẽ Thiên Chúa không biết giáo luật của Giáo Hội Công Giáo, khi Người nói "Người lãnh đạo Giáo Hội... sẽ làm Giáo Hoàng đến chết"? Nếu có một Giáo Hoàng từ chức, và vị kế vị là "kẻ lừa dối", thì Giáo Hội đã có mấy kẻ lừa dối, và đã trở thành dị giáo từ đời nào rồi? Và còn quyền tháo cởi của Phêrô mà Chúa Giêsu đã hứa là trên trời sẽ nghe theo như Phêrô quyết định, chắc hẳn Chúa không quên!

5. Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô đã "bị trục xuất thành công"?

Sứ điệp ngày 19/2/2013: "Các con đừng quá phiền muộn, vì tuy mão gai đã ụp xuống trên vị đại diện của Ta, do Ta là Chúa Giêsu Kitô chỉ định, để cai trị Hội Thánh Công Giáo và Tông Truyền của Ta, đã bị trục xuất - Cuối cùng, giờ đây Ta đến để ban bình an. Năm tới sẽ rất xáo trộn và căng thẳng cho các con và cả Vị tông đồ yêu dấu của Ta, vị Giáo Hoàng chân thật... Chúng sẽ cố giết chết ngài, như đã giết chết Ta. Chúng sẽ nói rằng ngài đã phạm những tội tày trời mà ngài không hề có."

Mấy năm đã qua, và Đức Phanxicô người Áchentina được bầu lên hợp pháp, Giáo Hội vẫn bình an, Đức Bênêđictô vẫn an toàn. Chính Đức Giáo Hoàng Danh Dự đã nói rõ: "Tôi nhận thức rõ ràng rằng sức khoẻ của tôi, vì tuổi cao, đã không còn phù hợp để thi hành đầy đủ sứ vụ Phêrô. Vì lý do này, với đầy đủ ý thức về tính nghiêm trọng của hành động, với hoàn toàn tự do, tôi tuyên bố từ chức khỏi sứ vụ Giám Mục Rôma, kế vị Phêrô." Còn chuyện Đức Bênêđictô bị cáo buộc phạm tội và bị giết hại thì chắc trong tiểu thuyết có thể có, quả là chuyện nực cười.

6. Những lời tiên tri giả khác đã không bao giờ xảy ra

"Giờ đây sự trừng phạt sẽ xảy ra trên toàn thế giới" (4/4/2011). 
"Lời tiên tri Garabandal sắp trở thành sự thật. Hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ vì chỉ còn vài tháng để chuẩn bị linh hồn" (31/5/2011).
"Vài tháng"? 8 năm rồi mà cũng chưa ai biết lời tiên tri Garabandal là gì! Thế là sau đó có thêm lời tiên tri này:
"Khi Ta nói vài tháng, điều đó có thể nghĩa là bất cứ lúc nào trong vòng 1 năm" (1/7/2011).
"Con yêu dấu, giờ đây các con đang ở giữa Cơn Hoạn Nạn... Phần thứ hai, Cơn Hoạn Nạn lớn lao sẽ xảy ra trước cuối năm 2012, như Ta đã báo trước" (20/7/2011).
Cuối năm 2012 đã qua nhẹ nhàng như không thể nhẹ nhàng hơn.
"Sẽ có 3 nhà lãnh đạo thế giới bị ám sát trong thời gian ngắn... 2 trong số họ đến từ thế giới Ả Rập và người còn lại là từ Âu châu" (17/2/2011).
6 năm rồi, vẫn chưa có đủ "3 lãnh đạo thế giới bị ám sát". Giả sử Muammar Gaddafi là một trong các lãnh đạo đó, thì vẫn còn thiếu 2. Mà Gaddafi bị giết hồi tháng 10/2011, thời gian ngắn sau đó chắc không thể kéo dài đến 6 năm!

Gioakim Nguyễn lược dịch từ mysticsofthechurch.com

TGP Sài Gòn: Khai mạc Tuần lễ Di dân 2019


WGPSG -- “Không phải chỉ là người Di dân”. Đây là chủ đề ngày khai mạc Tuần lễ Di dân 2019 của Tổng Giáo phận Sài Gòn, được chính thức bắt đầu lúc 15g00 Chúa nhật 22.09.2019 tại nhà thờ Khiết Tâm (15B đường số 4, Khu phố 5, Phường Bình Chiểu, Quận Thủ Đức).

Đến với buổi khai mạc Tuần lễ Di dân 2019 có Đức Giám mục (ĐGM) Louis Nguyễn Anh Tuấn, linh mục (Lm) Phaolô Phạm Trung Dong - trưởng ban Mục vụ Di dân TGP Sài Gòn, Lm Giuse Vũ Hoàng Anh - chánh xứ Khiết Tâm, đông đảo các linh mục, tu sĩ gắn bó với di dân và hơn 1000 bạn trẻ di dân. 

Từ 14g, các bạn trẻ di dân từ các giáo xứ: Phaolô (Bình Tân), Tam Hải, An Phú, Bình Chiểu, Hiển Linh, Xuân Hiệp; các thầy dòng Thánh Thể, các thầy Dòng Truyền Giáo Thánh Carolo - Scalabrini, các nữ tu dòng con Đức Mẹ Phù hộ, các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Khiết Tâm, các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, dòng Phan Sinh… đã tụ họp về khuôn viên nhà thờ Khiết Tâm để sinh hoạt giao lưu, khởi động bằng những bài hát, cử điệu sôi động.

Đúng 15g, chương trình mở đầu với lời nguyện Cầu xin Chúa Thánh Thần. Trong tư cách chủ nhà, Lm Chánh xứ Khiết Tâm đã long trọng tuyên bố khai mạc Tuần lễ Di dân 2019, nối tiếp bằng bài hát chủ đề “Hãy ra chỗ nước sâu”. Với giọng nói trầm ấm, Lm Phêrô Nguyễn Trung Chánh (dòng Thánh Thể, và là phó Ban Tổ chức buổi khai mạc) đã là MC xuyên suốt chương trình.

Từ 15g đến 15g45 là chương trình Games Show đố vui Giáo lý ‘Rung Chuông Vàng’ với 11 câu hỏi trắc nghiệm. 13 anh chị đã được nhận phần thưởng.

Từ 16g đến 16g30 là giờ Chầu Thánh Thể. Lm chủ sự Giuse Vũ Hoàng Anh đã xin Chúa hướng dẫn, dạy bảo mỗi người biết đón nhận những ân sủng cách trung tín. Giờ Chầu kết thúc với vũ khúc ‘Kết nối tình thân’.

Từ 16g30 đến 17g15, ĐGM Louis Nguyễn Anh Tuấn đã gặp gỡ và nói chuyện với giới trẻ di dân về đề tài “Ơn gọi Hôn nhân”. Ngài nhấn mạnh: "Hôn ước bền vững mới bảo đảm cho đứa trẻ lớn lên thành người. Nếu thiếu cha hay mẹ, đứa trẻ sẽ thành người khập khiễng, không thể trở nên người toàn diện được."

ĐGM Louis dành 15 phút cuối giải đáp những thắc mắc về ơn gọi hôn nhân. Một bạn trẻ hỏi: Có hai vợ chồng không sinh con được, bí tích Hôn nhân đó có trọn vẹn không? ĐGM đã trả lời: Bí tích Hôn nhân là hình ảnh tình yêu của Chúa Kitô với Giáo hội, cho nên tình yêu đó đã là bí tích trọn vẹn, dù hiếm muộn. Có những cặp vợ chồng Công Giáo không có con, nhưng vẫn sống rất hạnh phúc.



Lúc 17g30, Thánh lễ được cử hành trọng thể với sự chủ tế của ĐGM Louis Nguyễn Anh Tuấn. Đồng tế với ngài có Lm trưởng Ban Di dân TGP, Lm Phêrô bề trên Giám Tỉnh Dòng Thánh Thể, Lm chánh xứ, phó xứ Khiết Tâm cùng 13 linh mục.

Trong bài giảng lễ, ĐGM Louis nhắn nhủ: Bài dụ ngôn hôm nay dạy chúng ta hãy dùng tiền của đời này mà chuẩn bị cho tương lai đời sau, và tham dự vào sự giàu có của Thiên Chúa là chính sự sống của Ngài.



Sau Thánh lễ, ĐGM Louis đã chủ sự nghi thức sai đi. Nến sáng được Đức Giám mục chuyển từ nến Phục Sinh đến các Thầy, rồi đến anh chị em di dân, làm sáng lên cả một góc trời trong cử điệu bài múa “Hãy Thắp Sáng Lên”.

Tiếp theo sau là phần ăn tối và văn nghệ với 16 tiết mục do các anh chị di dân thực hiện, đặc biệt có sự góp mặt của linh mục - nhạc sĩ Trần Tuấn, ca sĩ Phi Hùng, ca sĩ Tuyết Mai,…

Ngày khai mạc Tuần lễ Di dân 2019 đã khép lại lúc 20g45 trong niềm hân hoan của toàn thể anh chị em di dân.

Ngày Bế mạc Tuần lễ Di dân 2019 với chủ đề “Chào đón - Bảo vệ - Khuyến khích và Hội nhập” sẽ được tổ chức tại nhà thờ Thánh Phaolô, Hạt Tân Sơn Nhì vào lúc 14g Chúa nhật 29.09.2019.


Bài: Trương Công - Ảnh: MVTT hạt Thủ Đức

Caritas Giáo phận Hà Tĩnh: Niềm vui vì tình người trong công tác cứu trợ người dân vùng lũ lụt


Nằm trên địa bàn hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, dải đất đầy nắng gió, đầy bão tố, lũ lụt, thiên tai. Đây là điều mà Ban Bác Ái xã hội – Caritas Giáo phận Hà Tĩnh đã lường trước và có những tính toán trước mùa mưa bão để phòng, chống và giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây nên bằng việc tổ chức các đợt tập huấn về công tác cứu trợ hết sức thiết thực. Cũng chính nhờ có sự chuẩn bị và nhất là việc nâng cao kiến thức cho những cộng tác viên, những chuyên viên làm công tác cứu trợ ở những vùng trọng điểm từ các đợt tập huấn nên trận lũ do cơn bão số 4 và hoàn lưu các đợt áp thấp nhiệt đới gây ra vừa qua đã hạn chế được những thiệt hại nhất định, nhất là hạn chế về thiệt hại ảnh hướng tới tính mạng của người dân. Đặc biệt, Ban Bác Ái Xã Hội – Caritas Hà Tĩnh đã có những phương án tối ưu để cứu trợ khẩn cấp, kịp thời cho những người dân bị mắc kẹt trong lũ lụt và phương án dài hơi để khắc phục hậu quả sau lũ.
Theo thống kê của Văn phòng Caritas và các cộng tác viên ở các Giáo xứ, Giáo hạt trong toàn Giáo phận thì trận lũ lụt vừa qua có hơn 4.500 ngôi nhà bị ngập sâu, nhiều ngôi làng bị cô lập hoàn toàn trong nhiều ngày, nhiều tài sản, nhà cửa bị cuốn trôi, hàng trăm ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị mất trắng, hàng chục ao nuôi cá cũng như gia súc, gia cầm của người dân bị lũ cuốn trôi.
Trước tình cảnh cấp bách đó, ngay trong những ngày mưa lũ cho đến nay, Ban Caritas giáo phận đã kịp thời thực hiện chương trình cứu trợ cho gần 4.500 hộ gia đình đang đối diện diện với đói rét, bệnh tật với số lương thực, thực phẩm trị giá trên 350 triệu đồng. Ngoài ra Ban Caritas Giáo phận còn trực tiếp phối hợp với các tổ chức từ thiện, nhân đạo, các đoàn thể và cá nhân có lòng hảo tâm đến tận nơi để giúp đỡ, chia sẻ với người dân vùng lũ trong Giáo phận và cả những người lương dân trong vùng (bao gồm hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình).

Đặc biệt, trong tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, Ban Caritas Giáo phận cũng đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của Caritas Việt Nam và một số các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước gửi về giúp đỡ người dân trong đợt lũ vừa qua. Với nguồn tài chính đó, Ban Caritas và cách riêng Ban Cứu trợ cùng các Cộng tác viên tại các Giáo xứ, các địa phương đang rà soát và khảo sát thực tế mức độ thiệt hại của từng hộ gia đình để lập kế hoạch, lên phương án khắc phục hậu quả sau lũ nhằm phần nào giúp đỡ họ sớm ổn định cuộc sống.

Đúng như cha ông ta có câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, với số tiền và nguồn kinh phí hiện tại dẫu chưa thấm vào đâu so với những thiệt hại mà cơn lũ gây ra với người dân, nhưng đây lại là một sự giúp đỡ với giá trị rất lớn bởi không chỉ giúp người dân khắc phục hậu quả, giảm bớt những khó khăn trước mắt mà còn là một nguồn động viên, sự khích lệ để tạo nên động lực giúp họ lạc quan hơn trong cuộc sống, tin tưởng hơn về tình yêu thương đồng loại, sự nâng niu của các thành phần trong Giáo hội và xã hội nhằm giúp cho mọi người biết sống một cách tích cực, thấm đậm tình người. Đặc biệt với những người Công giáo, họ càng thấy rõ hơn về tình yêu Đức Giêsu được hiện diện trong mỗi con người để biết sống tin yêu, phó thác và cậy trong với tinh thần Bác ái, yêu thương và chia sẻ như Đức Giêsu đã dạy.

Hy vọng rằng với tâm tình qua câu ca dao: “Thương người như thể thương thân. Nhường cơm, sẻ áo lòng nhân mới là”. Hay như lời của tiểu thuyết gia và thi hào lỗi lạc của Scotland, Walter Scott, đã viết: “Loài người sẽ diệt vong nếu con người ngừng giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta không thể tồn tại mà không hỗ trợ lẫn nhau. Và do đó tất cả những người cần trợ giúp có quyền đi tìm sự giúp đỡ từ người khác; và không ai có khả năng giúp đỡ lại có thể từ chối mà không thấy cắn rứt”. Từ đây ban Cartas Giáo phận cũng như người dân vùng lũ tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ, sẻ chia của các tổ chức nhân đạo, các đoàn thể cũng như các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân để họ giảm bớt nỗi thống khổ, hầu có thể sớm ổn định cuộc sống.
Ban truyền thông Caritas
Nguồn: giaophanhatinh.com

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

ĐTC: Đừng thế tục hoá đức tin, Giáo Hội là ngôi nhà của Lòng Thương Xót

ITALY-VATICAN-POPE-ALBANO

Hãy đến với những người bị lãng quên nhất, với những người đang lẩn tránh đàng sau sự xấu hổ, sợ hãi, cô đơn, để nói với họ: ‘Thiên Chúa nhớ đến bạn’”, Đức Thánh Cha đã nhắn nhủ như thế trong chuyến viếng thăm giáo phận Albano, gần Vatican. Ngài mời gọi mọi người đừng trở nên những người bình phẩm, lên án người khác, nhưng trở nên những người thăng tiến lợi ích cho tất cả anh chị em của mình.

Chiều thứ bảy 21/9, ĐTC đã viếng thăm giáo phận Albano nằm về hướng tây nam của Roma. Trên lãnh thổ của giáo phận có dinh thự nghỉ hè của các Giáo hoàng, Castel Gandolfo.

Ngày 21/9 – dấu mốc quan trọng trong ơn gọi của ĐTC

Hôm 12/7, Tòa Thánh đã thông báo rằng rằng ĐTC sẽ đến thăm giáo phận Albano vào ngày 21/9. Đức cha Marcello Semeraro , giám mục của giáo phận Albano, cũng là Tổng Thư ký Hội đồng Hồng y cố vấn của ĐTC, cho biết: “Ngày 21/9/1953, ngày lễ thánh Matthêu, ĐTC Phanxicô đã đến gặp một linh mục, đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử ơn gọi của ngài. Để ghi nhớ biến cố này, tôi đã đề nghị Đức Thánh Cha sống lại cuộc hẹn thiêng liêng này với chúng tôi. Và đây cũng là dịp ghi nhớ biến cố ngày 21/9/2008, ĐTC Biển Đức XVI đã đến nhà thờ chính tòa thánh Pancrazio để cung hiến bàn thờ chính và ghế giám mục mới của nhà thờ chính toà.” Đức Thánh Cha đã đồng ý thỉnh cầu của Đức cha Semeraro. Đó là lý do ngài đến Albano Laziale chiều ngày 21/9 và chủ sự Thánh Lễ tại đây. 

Bức họa trên tường “Exemplum Omnibus”

ĐTC đã đến nhà thờ chính tòa Albano vào khoảng 5,15 chiều và được Đức cha Semeraro, thị trưởng Nicola Marini thành phố Albano cùng với phu nhân, và cha sở nhà thờ chính tòa chào đón. Ông thị trưởng đã chào ĐTC và trao cho ngài Chìa khóa thành phố và một cuốn thuật lại kinh nghiệm của các hiệp hội thiện nguyện của thị trấn Albano, trình bày cho ĐTC bức họa trên tường được thực hiện nhân chuyến viếng thăm của ĐTC. Bức tranh vẽ ĐTC trong y phục của một công nhân đang lau sạch khói bụi trên bầu trời, những thứ ô nhiễm do con người gây ra hàng ngày.

Tại cửa vào nhà thờ chính tòa, cha sở chào đón ĐTC và sau đó ĐTC rảy nước thánh trên các tín hữu. Lên đến cung thánh, ĐTC bắt đầu phút cầu nguyện với các linh mục. Sau đó, vào lúc 6 giờ chiều, ĐTC bắt đầu cử hành Thánh lễ.

Trong bài giảng, dựa trên đoạn Tin Mừng thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu vào thành Giêricô và đi ngang qua thành này, và đã nhìn thấy ông Giakêu, ĐTC đề cập đến 3 đặc tính của tình yêu Thiên Chúa.

Hành động thứ nhất của Chúa Giêsu: không lãng quên nhưng nhớ đến con người

Trước hết, Thiên Chúa không lãng quên, nhưng nhớ đến con người. Giêricô bị tàn phá và bị gọi là “thành phố bị lãng quên” (xem Gs 6). Nhưng theo Tin Mừng, Chúa Giêsu “đi vào và đi ngang qua” Giêricô (xem Lc 19,1). Ông Giakêu, một người thu thuế, đúng hơn “người đứng đầu những kẻ thu thuế, những kẻ cộng tác cướp bóc, bị dân chúng thù ghét, là tượng trưng cho hình ảnh của một điều tồi tệ bị lãng quên. Dưới mắt dân chúng, ông là kẻ tồi tệ, không thể được cứu độ. Nhưng dưới mắt Chúa Giêsu thì không phải thế. Chúa Giêsu là người đã gọi đích danh ông, Giakêu, nghĩa là “Thiên Chúa nhớ”. Tại thành phố bị lãng quên, Thiên Chúa nhớ đến kẻ tội lỗi nhất.

Không cản trở nào ngăn Chúa nhớ đến chúng ta

ĐTC nói rằng Chúa Giêsu nhớ đến chúng ta trước hết, Người không quên chúng ta, không bỏ qua chúng ta dù có những cản trở có thể làm chúng ta xa cách Người. Những cản trở của ông Giakêu là dáng người thấp bé của ông, về cả thể lý và luân lý, và cả sự xấu hổ của ông nữa, điều khiến ông tìm cách trốn dưới những cành cây đầy lá để nhìn Chúa Giêsu, có lẽ là ông hy vọng không bị Chúa nhìn thấy. Và rồi những lời phê bình bên ngoài, vì cuộc gặp gỡ với Chúa, cả thành phố xầm xì (câu 7). Dù những giới hạn, tội lỗi, xấu hổ, đàm tiếu và định kiến, không có trở ngại nào khiến Chúa Giêsu quên đi điều cốt yếu, con người được yêu thương và cứu độ”.

Sứ vụ của Giáo Hội: nói cho con người biết mình được Chúa yêu thương

Câu hỏi được ĐTC đặt ra: “Đoạn Tin Mừng này nói với anh chị em điều gì trong năm kỷ niệm nhà thờ chính tòa của anh chị em?” Mỗi giáo xứ, Giáo Hội tồn tại để duy trì trong trái tim con người ký ức sống động về tình yêu của Thiên Chúa đối với Hội Thánh. Giáo hội hiện diện để nói rằng mỗi người, cả những người xa cách Giáo Hội nhất: “Bạn được yêu thương và được Chúa Giêsu gọi đích danh; Thiên Chúa không quên bạn, bạn ở trong tim Người”.

Và ĐTC nhắn nhủ các tín hữu hãy đến với những người bị lãng quên nhất, với những người đang lẩn tránh đàng sau sự xấu hổ, sợ hãi, cô đơn, để nói với họ: ‘Thiên Chúa nhớ đến bạn’”.

Hành động thứ hai của Chúa Giêsu: “đi bước trước”

Hành động thứ hai của Chúa Giêsu được ĐTC nhấn mạnh chính là Người “đi bước trước”. ĐTC lưu ý rằng ông Giakêu không khám phá ra Chúa Giêsu khi ông nhìn Người, nhưng chính khi ông được Chúa nhìn. Bởi vì khi ông đang tìm cách thấy Chúa, Chúa Giêsu đã thấy ông trước; trước khi ông nói, Chúa Giêsu đã nói với ông; trước khi ông mời Chúa Giêsu, Chúa đã đến nhà ông.

ĐTC nói: “Chúa Giêsu chính là người thế này: người nhìn thấy chúng ta trước, người yêu thương chúng ta trước, người đón tiếp chúng ta trước”. Khi chúng ta khám phá ra rằng Người yêu thương chúng ta rước, Người đến với chúng ta trước, thì cuộc sống sẽ thay đổi”… Chỉ với Chúa Giêsu, bạn sẽ tìm thấy mình được yêu thương và khám phá cuộc sống. Bạn sẽ cảm thấy được sự dịu dàng không thể cưỡng nổi của Thiên Chúa chạm vào sâu thẳm con tim của mình, Đấng lay động và làm cho con tim thổn thức. Điều này cũng xảy ra với ông Giakêu và với mỗi người chúng ta, khi chúng ta khám phá ra ‘bước đi trước’ của Chúa Giêsu”.

Thiên Chúa trước hay chương trình của chúng ta trước?

ĐTC tiếp tục đặt câu hỏi: “Là Giáo Hội, chúng ta tự hỏi xem Chúa Giêsu có đến với chúng ta trước tiên: là Người đến trước tiên hay lịch làm việc của chúng ta, là Người hay là các cơ cấu của chúng ta? Và ĐTC cảnh giác: “Mỗi cuộc hoán cải xuất phát từ bước đi trước của lòng thương xót, của sự dịu dàng của Thiên Chúa, sự dịu dàng đánh cắp con tim. Nếu tất cả điều mà chúng ta làm không xuất phát từ ánh nhìn thương xót của Chúa Giêsu, chúng ta có nguy cơ gặp phải sự tục hóa của đức tin, nguy cơ làm cho nó phức tạp và lấp đầy nó với những điều thứ yếu … Chúng ta quên điều thiết yếu, sự đơn giản của đức tin: cuộc gặp gỡ với lòng thương xót của Thiên Chúa. Nếu điều này không là trọng tâm, nếu nó không là khởi điểm và kết thúc của mọi hoạt động của chúng ta, chúng ta có nguy cơ đặt Chúa ‘bên ngoài ngôi nhà Giáo hội’, nơi chính là nhà của Người.”

Hành động thứ ba của Chúa Giêsu:giúp chúng ta cảm thấy ở nhà mình

Hành động cuối cùng của Chúa Giêsu là làm cho chúng ta cảm thấy như ở nhà mình. Ông Giakêu, người bị cảm thấy là khách lạ trong thành phố của mình, sau khi gặp Chúa, ông trở về nhà như người được yêu thương. Cảm thấy mình ở nhà của mình, ông đã mở cửa cho tha nhân.

Giáo hội là nhà của mọi người

ĐTC nói: “Sẽ thật tuyệt với nếu những người lân cận và người quen biết của chúng ta cảm thấy Giáo hội như là nhà của họ! Thật không may là các cộng đoàn của chúng ta trở thành xa lạ với nhiều người và lôi cuốn ít người… Có nhiều anh chị em nhớ nhà, không có can đảm đến gần, bởi vì họ không cảm thấy được đón tiếp. Chúa mong ước rằng Giáo hội của Người là một ngôi nhà giữa những ngôi nhà hiếu khách, nơi mỗi người gặp được Chúa.

Tin Mừng kết luận: “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chuộc những gì đã hư mất” (Lc 19,10). ĐTC mời gọi tín hữu hãy xin được ơn đi gặp mỗi người như một người anh em và không thấy người nào là kẻ thù. Và nếu chúng ta bị đối xử tệ thì hãy đáp lại bằng điều tốt.

Nhà thờ là nơi cảm thấy được Chúa nhớ, được Người mời gọi trước và được đón tiếp

ĐTC kết thúc với lời cầu chúc: “Anh chị em thân mến, tôi cầu chúc rằng nhà thờ của anh chị em, cũng như mọi nhà thờ, là nơi mà mỗi người cảm thấy được Thiên Chúa nhớ đến, được lòng thương xót của Người đến trước và được đón tiếp vào nhà. Và cũng mong ước rằng trong Giáo Hội xảy ra điều tốt đẹp nhất: hãy vui mừng bởi vì ơn cứu độ đã vào trong cuộc đời của anh chị em”.

Giáo hội Philippines và dự luật ly hôn

Cho phép ly hôn là chống  lại hôn nhân và gia đình

Trong những ngày này, Thượng nghị viện Philippines đang xem xét dự luật cho phép ly hôn. Hội đồng Giám mục Philippines phản đối dự này; vì cho phép ly hôn là chống lại hôn nhân và gia đình.

Cha Jerome Secillano, Thư ký điều hành văn phòng các vấn đề công cộng của HĐGM, đại diện tiếng nói của Giáo hội kêu gọi các nhà lập pháp không làm sai sự thật về ly hôn. Cha nói: "Ly hôn không bao giờ có lợi cho hôn nhân, gia đình và con cái. Đừng bóp méo sự thật chỉ để thỏa mãn một chương trình nghị sự cụ thể. Hợp pháp hóa ly hôn ở Philippines sẽ chỉ hủy hoại nhiều gia đình”.

Hiến pháp Philippines (Điều 15, triệt 2) quy định rằng "hôn nhân là một thể chế xã hội bất khả xâm phạm, là nền tảng của gia đình và phải được Nhà nước bảo vệ".

Trước những phản đối mạnh mẽ từ Giáo hội, trong những ngày này Thượng nghị viện Philippines đã bắt đầu xem xét lại việc hợp pháp hóa ly hôn tại quốc gia phần lớn là Công giáo này.

Thượng nghị viện đề xuất 6 tháng mới bắt đầu tiến hành giải quyết vụ việc xin ly hôn, sau khi vợ chồng nộp đơn yêu cầu ly hôn. Thời gian này như một nỗ lực cuối cùng cho việc hòa giải giữa hai vợ chồng. Thượng nghị viện cũng đề xuất những lý do cho phép ly hôn: bạo lực thể xác, lạm dụng thô bạo, ma túy, nghiện rượu thường xuyên, thường xuyên cờ bạn, đồng tính luyến ái, và ngoại tình.

Ông Vicente Sotto, Chủ tịch Thượng viện cho biết các thượng nghị sĩ không chắc chắn về việc ly hôn nhưng có thể sẵn sàng thông qua dự luật cho phép hủy bỏ một cuộc hôn nhân.

Hiện nay, Philippines là quốc gia duy nhất ngoài Quốc gia Thành Vatican không cho phép ly hôn.

Cậu bé ăn mày được công nhận là Tôi tớ Chúa

Từ khu ổ chuột, một thiếu niên Philippines vừa được Tòa Thánh công nhận là tôi tớ Chúa vì luôn truyền cảm hứng cho đến thời điểm trút hơi thở cuối cùng vào năm 17 tuổi.

Khó ai có thể tưởng tượng được một cuộc đời vô cùng chật vật, khốn khó mọi bề lại có thể nở rộ và truyền cảm hứng cho những người khác, chỉ bởi vì ơn của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn những cơn ác mộng tồi tệ nhất.
Darwin Ramos lớn lên trên đường phố và qua đời vào năm 2012 do chứng bệnh thoái hóa hiểm nghèo. Mới đây, cậu bé khổ và bất hạnh ngày nào đã được Ðức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên phong là tôi tớ Chúa. Ðây là bước mở đường cho giáo phận Cubao của Philippines tiếp tục tiến trình thực hiện các bước để tuyên phong chân phước và bậc hiển thánh cho Ramos, theo Ðài CNN dẫn thông tin từ Hội đồng Giám mục Philippines. Ðức Hồng y Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Tuyên thánh, đã nhắc về việc này hồi tháng 3, nhưng quyết định chính thức mới có hiệu lực từ đầu tháng 6, theo trang Ucanews.com.

Lay lắt ăn xin
Darwin chào đời tại khu ổ chuột của thành phố Pasay ở ngoại ô thủ đô Manila vào ngày 17.12.1994. Mẹ làm thợ giặt thuê, cha nghiện rượu. Ngay khi cảm thấy Darwin đủ tuổi làm việc, người cha bắt cậu và em gái nhỏ Marimar bới rác kiếm ăn. Bọn trẻ không được đi học. Lúc 5 tuổi, cậu bắt đầu biểu hiện các triệu chứng bất thường, chẳng hạn như đi đứng khó khăn, chân yếu đi. Ðến lúc Darwin không thể đứng trên đôi chân của mình (7 tuổi), và bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn dưỡng cơ Duchenne, người cha phát hiện đây là cơ hội kiếm tiền. Mỗi sáng, ông ta đưa con trai đến nhà ga xe lửa Libertad gần đó để xin ăn, và gần như toàn bộ số tiền kiếm được đều mua rượu uống. Thế nhưng, Darwin vẫn vui vì ít nhất kiếm được tiền để mua thức ăn cho gia đình.
Suốt vài năm sau, cuộc sống của Darwin cứ thế tiếp tục trong cảnh tàn tật, chui rúc trong khu ổ chuột và xin ăn, cho đến năm 2006, thời điểm cậu phải dùng tay nếu muốn di chuyển. Một ngày nọ, có nhóm thiện nguyện đến ga Libertad và phát hiện Darwin đang lê lết trên sân ga. Họ thuộc về tổ chức Tulay ng Kabataan (TNK) - Quỹ Cầu nối cho Trẻ em, với sứ mệnh giúp đỡ các trẻ em tàn tật và bị vứt bỏ, phải kiếm sống trên đường phố Manila. Những người này bắt đầu tiếp xúc với Darwin 3-4 lần trong tuần, và dần dần thuyết phục được cậu đồng ý theo họ về Trung tâm Ðức Bà Guadalupe, nơi nuôi dưỡng các bé trai bị tật nguyền. Có thể nói, cuộc sống của Darwin bất ngờ trải qua thay đổi to lớn, và cũng là lần đầu tiên cậu biết đến Công giáo.
Dù đau đến mấy, cậu luôn nở nụ cười và mang đến niềm vui cho mọi người xung quanh

Tàn tật là sứ mệnh
Với tấm lòng nhiệt thành, Darwin được Rửa tội và trở thành tín hữu Công giáo vào năm 2007, và kể từ đó, cậu bắt đầu hoàn toàn mở lòng giúp đỡ mọi người xung quanh. Trong lúc tình trạng sức khỏe ngày càng tệ dần, đức tin của Darwin vào Thiên Chúa - Ðấng Cứu Thế càng thêm vững chắc. Ðến một thời điểm, cậu cảm thấy mọi sự đau đớn và thống khổ về mặt thể xác đều dâng lên Người. Darwin chẳng bao giờ nhắc đến bệnh tình của bản thân hoặc gọi lên cái tên theo y khoa. Thay vào đó, cậu xem nó là “sứ mệnh Chúa Giêsu giao phó”.
Càng biết về Darwin, mọi người càng thêm yêu thương cậu. Dù đau đến cách mấy, cậu luôn nở nụ cười và mang đến niềm vui cho mọi người xung quanh, như thể bệnh tật chẳng bao giờ là sự trở ngại. Bất chấp thái độ lạc quan, Darwin không thể nào chiến thắng được bệnh tật. Tình trạng rối loạn hô hấp diễn ra ngày một thường xuyên hơn, và dù tần suất nhập viện cao, cậu chẳng bao giờ than phiền. Darwin chia sẻ với một vị linh mục: “Con nghĩ là Chúa Giêsu muốn con chịu đựng cho đến tận phút giây cuối cùng, giống như Ngài từng như thế”.

Một số người mô tả những gì diễn ra kế tiếp giống như là Tuần Thánh của Darwin. Thứ Hai, 16.9.2012, cậu phải thở bằng máy và trao đổi với những người xung quanh bằng cách viết giấy. Ðến thứ Năm, Darwin cho hay đang trải qua cuộc chiến tâm linh với quỷ dữ. Hôm thứ Sáu, cậu viết hai dòng chữ cuối cùng: “Vô cùng biết ơn mọi người” và “Con rất hạnh phúc”. Cậu được xức dầu rồi sau đó im lặng suốt cả thứ Bảy. Chúa nhật 23.9, Darwin Ramos trút hơi thở cuối cùng.
Ðức Giám mục Honesto Ongtioco của giáo phận Cubao đã bắt đầu tiến trình tuyên thánh theo đề nghị của Hiệp hội Những người bạn của Darwin Ramos. “Darwin là một ví dụ điển hình của sự thánh thiện”, vị giám mục nhận định, “cậu thiếu niên gần gũi với Chúa Giêsu trong nỗi thống khổ lẫn niềm vui sướng”.

GIANG VÔ YÊN

Chuyện về tiến sĩ K’Ho người Công giáo


Sau lần bỏ học gần 1 tuần nhưng bố vẫn quyết tâm dắt tay đến lớp, anh Cil Duin (42 tuổi, dân tộc K’Ho), giáo dân giáo xứ Lang Biang, giáo phận Ðà Lạt đã hứa với lòng mình phải nỗ lực học hết sức, học “hết chữ”. Chính vì những phấn đấu đó, giờ đây không những anh trở thành tiến sĩ đầu tiên của dân tộc K’Ho tại Lâm Ðồng, mà còn là niềm tự hào của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây nguyên.

Gian nan “đi tìm con chữ”

Sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo có 9 người con dưới chân núi Langbiang, thuộc thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương - Lâm Ðồng, anh Cil Duin cũng như bao đứa trẻ cùng trang lứa, ban ngày theo bố mẹ lên rẫy, tối về quây quần bên bếp lửa với chút cơm và rau mắm ăn cho qua bữa.

Vì muốn cho con mình biết chữ, người bố đã cho cậu bé Cil Duin đi theo anh chị tới trường nghe cô giáo giảng về con chữ. Anh bắt đầu đi học rất muộn, khi đã 11 tuổi mới vào lớp Một.

Lúc này, do chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học, trong đầu anh với suy nghĩ theo trào lưu “học cho có, học cho biết” để vui lòng phụ huynh. Chỉ từ năm học lớp Năm, sau lần bỏ học gần 1 tuần nhưng bố vẫn quyết tâm dắt tay lên trường, anh mới thực sự quyết tâm phải đi cho trọn con đường học tập, tự hứa với bản thân nhất quyết không được bỏ học một lần nào nữa. Anh Cil Duin vui vẻ chia sẻ: “Lên lớp 4 tôi mới có thể viết được những đoạn văn ngắn, nhưng lên cấp 2, chỉ còn 7-8 học sinh, tới cấp 3 thì chỉ còn 5, trong đó có tôi”.

Mặc dù điều kiện gia đình khó khăn, cha mẹ đông con, nhưng anh Cil Duin chưa từng có ý định sẽ bỏ học giữa chừng. Cứ giữ vững niềm say mê với con chữ, Cil Duin đã tiến bộ rõ rệt theo từng ngày, lớn hơn một chút thì tiếp tục theo học tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Ðồng.

Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử tại Trường ÐH Sư phạm Huế, anh trở về Lạc Dương, làm giáo viên Trường THPT Lang Biang. Tại ngôi trường thân yêu này, anh truyền đạt hết kiến thức và động viên các học trò luôn gắng sức, kiên nhẫn, cố công học hành học tập. Thời điểm đó, anh còn có nguyện vọng được đi vùng sâu, vùng xa để phục vụ, cống hiến sức trẻ.

Nói về động lực học tập, anh Cil Duin chia sẻ : “Bố tôi rất mong muốn con cái trong nhà phải đi học cho đến nơi đến chốn, mặc dù điều kiện không dễ dàng, tôi cầu nguyện xin thực hiện được hoài vọng của bố. Vì đam mê nghề giáo viên nên tôi nghĩ phải đem chữ về cho buôn làng để nêu gương cho các em nhỏ. Càng học lên cao, tôi càng thấy việc học rất quan trọng, có thể khám phá ra nhiều cái mới, cái hay ở các địa phương khác trong nước và thế giới”.

Mong muốn của anh Cil Duin sau khi đi học tiến sĩ về vẫn là công tác trong ngành giáo dục để tuyên truyền, vận động các cháu tiếp tục đi học, nâng cao đời sống của bản thân.

Nhà thờ Lang Biang


Niềm tự hào của buôn làng

Năm 2005, Cil Duin thi đậu cao học ngành lịch sử Việt Nam của Trường ÐH Ðà Lạt và lấy được tấm bằng thạc sĩ sau hai năm. Ðây cũng là năm anh “bị bắt” về ở rể vì người K’Ho theo chế độ mẫu hệ. Khi biết cậu con trai tiếp tục học cao học, cha anh thắc mắc : “Học hết cao học là học tới đâu vậy con ? Học tới thạc sĩ đã hết chưa? Buôn làng này đã có ai học lâu như thế đâu !”.

Dù hiểu rất mơ hồ về các học vị, nhưng người cha anh vẫn khuyến khích con học tới khi nào “hết chữ” thì nghỉ. Nghe lời cha, anh được tiếp thêm động lực. Tháng 9.2012, anh làm nghiên cứu sinh tại trường Ðại học Sư phạm Bắc Kinh - Trung Quốc và trở thành tiến sĩ ngành Quản lý học vào năm 2015.

Anh Cil Duin tâm sự, cuộc đời anh đã gặp nhiều điều may mắn thì mới có thể không dang dở giấc mơ học hành. Người mẹ năm nay hơn 80 tuổi thì vô cùng tự hào về con trai của mình : “Nếu như còn bố thì chắc chắn bố cũng sẽ rất vui và mãn nguyện vì con trai đã thay ông đi hết con đường mà ông trăn trở”.

Nói đến người bố : ông mất năm 2014, lúc anh đang học ở Trung Quốc. Trước đó, khi chỉ còn 2 tuần nữa là Cil Duin sang Trung Quốc để làm tiến sĩ, bố bị phát hiện bệnh ung thư máu nên anh buộc phải lựa chọn giữa đi và ở. Bố không đồng ý anh bỏ, vậy là anh đi. Nghe tin bố yếu, anh về được 5 ngày thì ông qua đời. Sau một tháng chịu tang, Cil Duin trở lại Trung Quốc và bảo vệ luận văn thành công.


Nhắc đến tiến sĩ Cil Duin, ở Lang Biang gần như không ai không biết. Giờ đây, không chỉ gia đình Cil Duin, mà bà con, họ hàng ở Lạc Dương, giáo xứ đều lấy làm hãnh diện vì lần đầu tiên có một người con K’Ho ở mảnh đất này học lên tận tiến sĩ. Mỗi lần có dịp con cháu quây quần, người lớn luôn lấy cái tên Cil Duin là tấm gương học tập để khuyên dạy lũ trẻ phải biết vượt khó đến trường.

Dù đã thôi dạy và chuyển về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Lạc Dương, nhưng anh Cil Duin vẫn luôn được buôn làng gọi là thầy một cách thân thương, trìu mến.

THIÊN ÂN

Những nẻo đường vang dội tiếng gọi


Hai năm trước, tôi rời vùng đất quen thuộc, nơi tôi được sinh vào sứ vụ giữa bà con các sắc tộc, để nhận sứ vụ mới.
Sứ vụ là thế, những con đường nối tiếp những con đường, 
tôi đã đi dọc sông Lô, điểm dừng chân đầu tiên là giáo xứ Vân Cương, gặp gỡ anh chị em trong ban Caritas giáo xứ. Đó là những con người với những đôi tay đơn nghèo, tháng tháng cùng nhau gom ve chai trong xứ, để có chút chi mỗi khi thăm nom những người yếu đau bệnh tật. 
Gặp nhau, từng trang Kinh Thánh đưa chúng tôi gần nhau và quen thân lẹ làng. 
Trong khi cùng nhau ngắm nhìn và lắng nghe tiếng Chúa được bày tỏ trong Tin Mừng, chúng tôi cảm nhận lòng thương xót Thiên Chúa ấp ủ chở che, và khao khát giãi bày lòng thương xót Thiên Chúa cho mọi người, đặc biệt những ai đang gặp khó khăn. 


Nếu trước đây khi đứng nhìn một bệnh nhân quằn quại trong đau đớn, chúng tôi chỉ biết xót xa cho một phận người, thì nay, khi bên tai nghe vang dội lời chúc phúc ngàn đời được phác thảo thành hiến chương Nước Trời : “phúc cho ai sầu khổ, vì sẽ được chính Thiên Chúa ủi an”, chúng tôi đã có thể nhìn thấu chiều sâu của cặp mắt mở lớn đang nép mình trong Thiên Chúa, Đấng khơi nguồn sự sống, vẫn đang vỗ về ủi an ngay nơi tận cùng của nỗi đau. Thật khó diễn tả khung cảnh đang diễn ra trước mắt : mầu nhiệm của đớn đau, thánh thiêng và phàm tục. Phận người sao quá lạ lùng, ngay cả khi con người rơi vào vòng tội lụy, thì ở đó lại vang dội tiếng reo vui của ơn tha thứ và lòng xót thương.
Cuối cùng giữa muôn tiếng gọi mời, câu trả lời của chúng tôi là công bố ơn tha thứ và lòng thương xót Thiên Chúa.
Đi dọc theo sông Lô cho tới mút cùng của tỉnh Tuyên Quang là vùng núi rừng Bạch Xa, nơi đây tôi vui lắm, vì được đồng hành với cha xứ, một linh mục cứ sáng ra khỏi phòng, rảo gót khắp hang cùng ngõ hẻm, cho tới chiều tối mới về lại phòng ngủ.

Được sai về một vùng đất rộng lớn: 
Phải coi sóc một nhà thờ xứ với 3 nhà thờ họ, nằm giữa một vùng núi rừng mênh mông, thêm nhiều sắc dân thiểu số, mà đa phần là lương dân nghèo khổ, có những mái nhà không hơn túp lều, thì rất nhiều việc phải làm.
Chúng tôi mới chỉ gặp nhau 2 lần, nhưng thực tế vẫn sát cánh bên nhau trên cánh đồng sứ vụ. 
Hai chúng tôi, hai vùng đất, hai mảnh trời với những con người cách xa nhau vạn dặm nhưng lại giống nhau về hoàn cảnh, núi đồi và sông nước : cũng những con người suốt đời lam lũ mà không đủ ăn, thậm chí không có nhà để ở.

Được nhận chìm vào con tim của lòng thương xót, chúng tôi khao khát muốn ôm trọn những con người đang trong cảnh khốn cùng. Chúng tôi đã làm gì khi đôi tay của mình quá bé nhỏ, để rồi cuối cùng chỉ biết kêu trời trong tiếng nấc nghẹn ngàn đời Của con Thiên Chúa làm người.

Mỗi lần chúng tôi gặp nhau là một lần trải lòng :
“Bố à, cha Giám đốc Caritas nói con chọn 10 nhà nghèo nhất để giúp dựng nhà, rồi lại nói con chọn 5 thôi, bây giờ chỉ giúp một. Con biết chọn ai, bỏ ai hả bố? Giáo xứ mà Chúa và bề trên giao cho con bố đã đến và bố biết. Lắm người điên khùng hơn người khôn ngoan, đáng thương hơn đáng trách, mấy ngày nay con khó suy nghĩ quá. Sức con có hạn, bố đã chung vai gánh đỡ con, bố đã hiểu thấu. Bố lựa lời nói với mọi người giúp đỡ con, còn 10 ngôi nhà cần và rất cần giúp đỡ nữa để thoát khỏi nỗi cơ cực, đủ sức chống chọi với mùa mưa rừng này. Con thương họ lắm mà lực bất tòng tâm. 
Sáng nay lễ xong, con đi thăm bản về mà lòng tái tê. Mấy ngày trước, khi con đến thăm đã thắp lên cho họ một niềm hy vọng, ấy vậy mà hôm nay đến nhìn cảnh đời của họ, con chỉ lặng lẽ lau nước mắt mà trở về căn phòng quạnh hiu. Không dám dập tắt niềm hy vọng của họ, nhưng cũng chẳng biết nói sao để an ủi họ, bố ạ. Việc của Chúa mà bố. Lòng thường xót Chúa phải được bày tỏ qua các môn đệ của ngài chứ. Con vừa đi bản về, uống cốc nước rồi đi nghỉ lấy lại sức. Con chào bố!!!”


Dĩ nhiên, tiếng kêu cứu nào mà chẳng thấu cung lòng Thiên Chúa, để rồi cũng chính từ cung lòng Thiên Chúa có tiếng người đáp lại : nếu Caritas giáo phận chỉ có thể giúp tiền xây một nhà, thì một cha già ở nhà hưu Xuân Lộc giúp hai. Thế là trong tiếng kêu cứu lại vang dội tiếng reo vui của người bạn đường.

Khi kể về ngôi nhà thứ ba vừa xây xong, anh mừng mừng tủi tủi nói : “Bố à, con mới bắt đầu cho xây nhà cho bà Đặng thị Nich ở bản Ngòi Nung, hai mẹ con đầu óc không ổn định ở với nhau. Thỉnh thoảng lên cơn, con đánh mẹ, mẹ chửi con, khổ hết chỗ nói. Nhà không ra nhà, con bỏ đi lang thang vạ vật, mẹ già rồi nên không đi đâu được, quanh quẩn lượm ve chai kiếm sống, tối về túp lều dột nát ở, nay con cho thợ đến xây nhà mới rồi…”
Mộng ước của chúng tôi là xây một nhà nội trú, vì 5 xã vùng này mới có được một trường cấp ba, nếu không có nhà nội trú thì nhiều em sẽ phải bỏ học, mà nếu có tiếp tục đến trường được thì khó khăn trăm bề. Cũng lại cha già ở nhà hưu Xuân Lộc đã nhận giúp chúng tôi một phần đáng kể. Xin Chúa tiếp tục gửi người đến phụ giúp cho công trình này.


Giữa núi rừng Tuyên Quang, có sông Gâm chảy qua Chiêm Hóa về sông Lô, nơi đây tôi có dịp làm quen với bà con thuộc giáo xứ Vĩnh Ngọc. Mỗi lần tới đây, tôi thích dừng chân tại giáo họ Tham Kha, êm đềm và thanh tịnh. Gặp nhau, cũng qua từng trang Kinh Thánh, giúp nhau học hỏi chưa là mấy, nhưng thân thiết lắm, nay đã vội chia tay. Cũng chỉ vì tôi vẫn còn quá nặng lòng với núi rừng tây nguyên, và cũng vì tuổi đời đã xế chiều, như chiếc lá rụng đang rơi dần về cội nguồn.
Cội nguồn là đất mẹ, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, được sinh ra làm người và làm con Thiên Chúa.
Cội nguồn là Dòng Tên nơi tôi được sinh ra mang tên gọi Giê-su hữu, 
Cội nguồn, nơi tôi được sinh vào đời sứ vụ, bạn đường, giữa các sắc dân thiểu số. 
Từ cái thuở còn xuân cho mãi tới hôm nay, trong dòng chảy của tình yêu Thiên Chúa, từ trái tim đền trái tim.
Một ông bố giữa một đoàn con đông đúc, hồn nhiên, chân tình. 
Thương nhau không hết, chỗ đâu để giận hờn.
Vì thế, nếu không gian và thời gian có chia cách ngàn dặm, thì khi gặp lại, vẫn cứ như thể hôm qua, thương lắm.


Phố Nỉ ơi, cho ta gửi lời chào nhé. Hai năm trời có nhau, chưa hẳn đã vẹn nghĩa trọn tình, nhưng vì phía trước là tiếng gọi, chia tay là lẽ thường, bao lâu trái đất vẫn tròn, vẫn có dịp gặp lại.
Dòng sông Lô với dòng sông Gâm, có ai nhắn gửi lời qua dòng sông bao giờ chưa, dòng đời như nước trôi qua cầu, không được, chẳng dại. 
Cũng chẳng có ai gửi nỗi lòng mình cho gió. 
Thực ra, giữa dòng đời này, chỉ cần “gặp nhau ăn một miếng trầu, đã là chút nghĩa ngày sau mà nhìn”.
Trong khi suốt hơn 2 năm qua, bạn thân ơi, chúng ta đã cùng nhau chia sẻ bàn tiệc lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, 
Đã trò chuyện với Chúa và với nhau qua từng trang Kinh Thánh,
Đã chung nhau những bữa ăn thân tình,
Thì những dòng này là ước nguyện : 
Xin được lưu giữ kỷ niệm của những cuộc gặp gỡ từ sông Lô tới sông Gâm, cho tới Nam Viên, Tiên Lục, Thái Nguyên và Phố Nỉ.
Xin gửi gắm tất cả trên đôi tay hiến tế của Con Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta.


MM Tân, SJ.