Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

CHÚC MỪNG LỄ THÁNH MARIA, MẸ THIÊN CHÚA - Bổn mạng Giáo khu 4

Hồng Ân Cao Vời
Lễ Mẹ Thiên Chúa
Ngày đầu năm mới và cũng là ngày Quốc Tế Hòa Bình, Giáo Hội hân hoan cử hành lễ Đức Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa. Cả hai sự kiện này cùng diễn ra khi Giáo Hội đang cử hành mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, Ngài là Hoàng Tử Bình An, là hòa bình đích thực của nhân loại.
Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con của Ngài sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Đức Maria đã được nâng lên địa vị là Mẹ Thiên Chúa và Giáo Hội muốn đặt lễ hôm nay lên hàng đầu của năm tháng ngày giờ.
1. Tín điều Mẹ Thiên Chúa
Năm 431, có một cuộc tranh luận gay gắt đã diễn ra trong Giáo Hội Công Giáo, về tước hiệu đặc biệt của Đức Mẹ. Cuộc tranh luận đã đưa tới một công đồng chung, được tổ chức tại thành phố Êphêsô nhằm giải quyết vấn đề đặt ra.
Có hai lập trường hoàn toàn trái ngược nhau, một bên là giám mục Nestorius (Constantinople), bên kia là thánh Cyrilô (Alexanria).
Giám mục Netorius một mực cho rằng, Đức Maria nên được gọi là Christokos “người sinh ra Chúa Kitô”. Linh mục Dwight Longnecker giải thích rằng “Ngôn từ mà giám mục Netorious sử dụng, cho thấy, ông ta chủ trương rằng, Đức Giêsu Kitô có hai ngôi vị tách biệt. Vì thế, Đức Mẹ chỉ là người đã sinh ra Chúa Giê-su về mặt thể xác, nhân tính; và Mẹ nên được gọi là Christokos, tức là “Mẹ của Chúa Kitô” chứ không thể là “Mẹ Thiên Chúa”.
Đối lại với quan điểm trên, thánh Cyrilô và đa phần các giám mục đều cho rằng, Đức Maria phải được gọi là Theotokos, tức là “Mẹ Thiên Chúa”. Tín điều này khẳng định rằng Chúa Giêsu có “một ngôi vị duy nhất, gồm hai bản tính liên kết chặt chẽ với nhau (không hề tách rời nhau)”.
Đa số tuyệt đối đã đồng quan điểm rằng, Theotokos là tước hiệu xứng hạp với Đức Mẹ, và Nestorius đã bị truất phế chức giám mục Constantinople.
“Mẹ Thiên Chúa” không có nghĩa là Đức Maria hiện hữu trước Thiên Chúa hay Mẹ dựng nên Thiên Chúa, nhưng Mẹ là Đấng đã sinh ra Chúa Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật.
Trong mục nói về tín điều Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có đoạn viết: “Quả thế, Ðấng mà Mẹ cưu mang làm người bởi Thánh Thần, Ðấng thực sự là Con Mẹ theo xác phàm, chính là Con hằng hữu của Chúa Cha, Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh. Vì vậy, Hội Thánh tuyên xưng Ðức Maria thực sự là 'Mẹ Thiên Chúa' (Theotokos) (GLCG, số 495).
Truyền thống Kitô giáo Chính Thống và Byzantine ưa dùng tước hiệu này hơn bất cứ tước hiệu nào khác của Mẹ. Một bản thánh ca có từ lâu đời trong nghi thức phụng vụ của các truyền thống này, đã diễn tả một cách rất thơ văn, chân lý không đơn giản này như sau: “Đấng toàn thể vũ trụ không thể chứa đựng nổi lại được cưu mang trong cung lòng của Mẹ, ôi Mẹ là Mẹ Thiên Chúa!”
Việc Giáo hội Công Giáo quyết định tuyên xưng Mẹ là Theotokos (Mẹ Thiên Chúa), đã đánh dấu một bước ngoạt quan trọng trong dòng lịch sử Giáo hội. Tước hiệu này làm sáng tỏ hơn niềm tin của Giáo hội về Đức Giêsu Kitô, đồng thời cũng xác quyết mạnh mẽ hơn về bản chất của cuộc nhập thể của Đức Kitô. Tất cả những gì Giáo hội đã tin tưởng từ thời các thánh tông đồ, đã được long trọng xác quyết một cách chính thức trong Công đồng Êphêsô.
Hơn nữa, việc vinh danh Đức Mẹ với tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa đã khẳng định vai trò ưu tuyển của Mẹ trong dòng lịch sử cứu độ, đồng thời cũng cho thấy rõ hơn mầu nhiệm cao cả đã diễn ra nơi cung lòng của Mẹ.
Để kỷ niệm thánh công đồng này, năm 1931, Đức Piô XI đã cho thiết lập lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày 11 tháng 10. Công đồng Vaticanô II đã chuyển lễ này sang ngày 01 Tháng Giêng và đổi tên thành lễ kính trọng thể Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa. (Philip Kosloski; Sr Anna Nguyễn Tuyết.op, chuyển ngữ từ: aleteia.org).
2. Tín Điều trong truyền thống Hội Thánh
a. Nền tảng Thánh Kinh.
Tín điều Mẹ Thiên Chúa được xây dựng trên nền tảng Thánh Kinh.
Tiên tri Isaia loan báo: “một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ đặt tên con trẻ là Emmanuel” (Is 7,14). Đức Maria sinh ra Đấng Emmanuel, nên Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Lời tiên tri được thực hiện khi sứ thần Gabriel báo tin cho Mẹ Maria : "Bà sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ đặt tên con trẻ ấy là Giêsu... Vì thế Con Trẻ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa." (Lc 1,31-35).
Thánh Phaolô viết : “Thiên Chúa đã sai con mình đến sinh bởi người nữ và sinh dưới chế độ luật” (Gal 4,14). Trong Tin mừng Gioan, Mẹ Maria được gọi là Mẹ Chúa Giêsu (2,1;19,26), và trong Tin mừng Luca, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa đến thăm bà Elidabet (1,43).
Các Kitô hữu thời sơ khai được các Tông Đồ hướng dẫn, luôn có một niềm tin vững chắc vào thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Điều này được chứng tỏ bằng những việc tôn kính phổ quát như Kinh Tin Kính của các Tông Đồ.
b. Truyền thống Hội Thánh
Tước hiệu Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã được các giáo phụ như Thánh Cyrilô, Athanasiô, Ignatiô Antiochia, tin yêu và truyền dạy.
Công Đồng Êphêsô năm 431 tuyên tín Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Công Đồng Constantinople III (680-681) xác quyết rằng: Chúa Giêsu Kitô được sinh ra bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, và Đức Trinh Nữ Maria chính thức và thật sự là Mẹ Thiên Chúa theo nhân tính của Chúa Kitô.
Đức Giáo Hoàng Piô XI, đã ra thông điệp “Mediator Dei” mừng kỷ niệm 1.500 năm Công Đồng Êphêsô và công bố lễ Mẹ Thiên Chúa, mừng trong toàn thể Giáo Hội vào ngày 11 tháng 10.
Đức Piô XII, đã thiết lập Năm Thánh Mẫu vào năm 1954 và tuyên bố rằng chức Mẹ Thiên Chúa là nguồn gốc tất cả mọi ơn sủng và đặc sủng của Mẹ Maria.
Thánh Bônaventura đã nói : “Chức mẹ Thiên Chúa là một ơn vĩ đại phi thường nhất Thiên Chúa có thể ban cho loài thụ tạo. Ơn ấy Ngài đã ban cho Đức Maria”. Thánh Tôma tiến sĩ nói thêm : “Tước vị Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria cao trọng hầu như vô cùng, vì Thiên Chúa không thể cất nhắc ai lên bậc tốt lành và cao sang hơn nữa. Chức Mẹ Thiên Chúa hầu như đã tới biên giới vô cùng”.
Công Đồng Vaticanô II dành chương VIII trong Hiến Chế Lumen Gentium, nói về Mẹ Thiên Chúa. Và trong Hiến Chế về Phụng Vụ, các Nghị Phụ Công Đồng đã chuyển lễ Mẹ Thiên Chúa ngày 11 tháng 10 sang ngày 1 tháng 1 hàng năm.
Thánh Lễ thật phong phú với những lời cầu nguyện cùng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội. Cả 4 kinh nguyện Thánh Thể đều nhắc tới Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Trong kinh nguyện Thánh Thể I, linh mục chủ tế đọc : Hiệp cùng Hội Thánh, chúng con kính nhớ Đức Maria vinh hiển trọn đời đồng trinh Mẹ Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Kinh nguyện Thánh Thể II, III và IV đọc : Cùng với Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa...
Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con…” là lời kinh được đọc lên hàng triệu triệu lần mỗi ngày. Danh hiệu Mẹ Chúa Trời được đọc trong phụng vụ của Giáo Hội, trong kinh nguyện riêng tư tại gia đình, trên xe, trên giường bệnh... Càng hiểu biết và yêu mến mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, chúng ta càng hiểu biết và yêu mến cách trọn vẹn hơn mầu nhiệm Chúa Cứu Thế, Người Con rất yêu dấu của Đức Mẹ.
3. Nữ Vương ban sự Bình An
Giáo Hội mừng lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày đầu năm Dương lịch,cũng là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới như một nhắc nhớ việc chiêm ngưỡng Mẹ là một Tạo Vật mới tinh tuyền của Thiên Chúa, một Evà mới khởi đầu một thời đại mới, một tạo dựng mới. Kỷ nguyên cứu độ đã khởi sự qua việc Chúa Giêsu nhập thể trong cung lòng Đức Mẹ sau lời xin vâng. Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế để bắt đầu kỷ nguyên cứu độ. Nếu Evà cũ đã bất tuân để vùi lấp con người trong khổ đau và sự chết, thì Đức Mẹ với tâm tình xin vâng đã đưa Chúa Giêsu đến với nhân loại mang lại sự sống và tình yêu. Từ đây nhân loại sẽ bước đi trong ánh sáng cứu độ. Chúa Giêsu vị Vua Thái Bình, Hoàng Tử Bình An đã đi vào lòng thế giới, để thiết lập vương quốc Nước Trời qua Mẹ Maria.
Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã viết: “Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 01 tháng giêng với ngày thứ tám giáp lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày Thế Giới Hòa Bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hòa bình đã phát sinh trong lòng nhiều người.” (Marialis Cultus, số 5).
Chúa Giêsu được xưng tụng là Hoàng Tử Hòa Bình, đến chuộc tội nhân loại, giao hòa con người với Chúa Cha. Mẹ Maria luôn gắn bó, hợp tác, hiệp công với Con của mình nên đã trở nên Nữ Vương Hòa Bình cho toàn thế giới. Mẹ đã đóng góp cả cuộc đời mình cùng với Chúa Giêsu mà giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi.
Đức Mẹ khuyên mọi tín hữu siêng năng lần hạt và coi chuỗi kinh Mân Côi như là phương tiện hun đúc hòa bình. Ngày 13 tháng 10 năm 1917 tại Fatima, Đức Mẹ đã hiện ra để lại lời nhắn nhủ dưới hình thức của huấn lệnh là: cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt, tôn sùng trái tim Mẹ. Đây chính là lộ trình nên Thánh bao gồm ba bước tiếp theo nhau và chuỗi Mân Côi được đặt như là một nhịp cầu giữa một bờ là tội lỗi nhân loại và bờ bên kia chính là ơn thánh hóa của Thiên Chúa. Cũng như việc lần hạt chuyên cần là một phương tiện hiệu quả giúp người ta đạt được hòa bình. Chính trong ý nghĩa này, kinh Mân Côi phải được gọi là Kinh của hòa bình. Ở đâu kinh Mân Côi được cổ võ thì ở đó cũng vang lên lời cầu nguyện tha thiết: “Nữ Vương ban sự bình an, cầu cho chúng con”.
Lễ Mẹ Thiên Chúa kết thúc tuần Bát Nhật Giáng Sinh làm tỏa sáng vẻ đẹp kỳ diệu của tình yêu cứu độ. Ngôi Hai đã vâng phục nhập thể cứu rỗi nhân loại. Với tiếng xin vâng, Đức Maria làm Mẹ Ngôi Lời nhập thể và làm Mẹ hết thảy những ai được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô.
Ngày đầu Năm Mới, xin Mẹ ban bình an và cho chúng con thêm tuổi thêm khôn ngoan, thêm nhân đức, thêm ơn nghĩa trước mặt Thiên Chúa và mọi người.Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Nguồn: http://www.ubmvgiadinh.org/article/hong-cao-voi-le-me-thien-chua

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

ĐTC Phanxicô: Mẫu gương vâng phục Thánh ý Thiên Chúa của Thánh Gia


Lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 29-12-2019 lễ Thánh Gia Thất, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra cửa sổ Dinh Tông Toà đọc Kinh Truyền Tin với tín hữu và du khách hành hương. Trước khi cầu nguyện, ĐTC đã có bài giáo lý ngắn dựa theo Tin Mừng thánh Máthêu chương 2,13-15;19-23.

ĐTC nói: “Hôm nay, chúng ta mừng lễ Thánh gia Nazareth. Thuật ngữ ‘thánh’ đặt gia đình này trong bối cảnh thánh thiện. Đây là một hồng ân của Thiên Chúa, nhưng đồng thời, là tự do và trách nhiệm trong việc thực thi kế hoạch của Ngài. Như vậy, đặc tính của gia đình Nazareth: hoàn toàn sẵn sàng trước Thiên ý”.

ĐTC lần lượt giải thích về sự vâng phục của các thành viên trong Gia đình Thánh này.

Đức Maria vâng phục

Trước hết, ĐTC nói về Đức Maria với việc đặt câu hỏi: “Làm thế nào chúng ta không thể không ngạc nhiên trước sự ngoan ngùy của Đức Maria đối với tác động của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời Mẹ, khi Chúa Thánh Thần yêu cầu Mẹ trở thành mẹ của Đấng Thiên Sai?”. Và ĐTC quảng diễn rằng Đức Maria, như mọi phụ nữ trẻ cùng thời, đang chuẩn bị cho kế hoạch tương lai, trở thành hôn thê của Thánh Giuse. Nhưng khi nhận ra Chúa mời gọi mình thi hành một sứ vụ đặc biệt, Mẹ Maria không ngần ngại tuyên xưng là "nữ tỳ" của Thiên Chúa (Lc 1,38). Chúa Giêsu sẽ tán dương sự lớn lao của Đức Maria không phải vì vai trò làm mẹ của Đức Maria, nhưng vì sự vâng lời của Mẹ đối với Thiên Chúa: "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa" (Lc 11,28). Và khi Mẹ Maria không hiểu tất cả những sự kiện liên quan đến mình, Mẹ thinh lặng suy niệm, suy gẫm sáng kiến của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Mẹ dưới chân Thánh giá hiến dâng tất cả sự sẵn sàng này.

Thánh Giuse vâng phục

Tiếp đến ĐTC nói về Thánh Giuse: “Đối với Thánh Giuse, Tin Mừng không nói với chúng ta điều gì. Thánh Giuse không nói, nhưng hành động trong vâng phục. Thánh Giuse là một người sống thinh lặng và vâng phục”.

“Trang Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy sự vâng phục này của Thánh Giuse: trốn sang Ai Cập và từ Ai Cập trở về đất Israel. Dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa, qua những lần báo mộng của Sứ thần, Thánh Giuse đưa gia đình tránh xa sự đe dọa của Hêrôđê. Như thế, Gia đình Thánh này liên đới với tất cả các gia đình trên thế giới buộc phải lưu vong, liên đới với tất cả những người bị buộc phải từ bỏ đất đai của họ vì bị đàn áp, bạo lực, chiến tranh.

Chúa Giêsu vâng phục

Cuối cùng, người thứ ba trong Gia đình Thánh, Chúa Giêsu. Ngài là ý muốn của Chúa Cha. Thánh Phaolô trong 2Cr 1,19 nói: Đức Ki-tô Giê-su, Con Thiên Chúa, không vừa là “có” vừa là “không”, nhưng nơi Người chỉ toàn là “có”. Điều này được thể hiện trong nhiều thời điểm cuộc sống dương thế của Chúa Giêsu.

ĐTC trưng dẫn một số ví dụ. Trước hết khi Chúa lên 12 tuổi, Ngài theo Thánh Giuse và Mẹ Maria lên đền thờ Giêrusalem. Sau ba ngày trong lo lắng và buồn rầu hai ông bà tìm được Chúa thì Ngài trả lời: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49).

Chúa Giêsu tiếp tục lặp lại sự vâng phục của mình: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người" (Ga 4, 34). Chúa cầu nguyện trong cuộc Khổ nạn: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha" (Mt 26, 42). Tất cả những sự kiện này là cho thấy Chúa thi hành một cách hoàn hảo sứ vụ: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con”. (Dt 10, 5-7). “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: Này con xin đến! Trong sách có lời chép về con rằng: con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con” (Tv 40, 7-9).

Mẹ Maria, Thánh Giuse, Chúa Giêsu, Gia đình Nazareth đại diện cho một bản hợp xướng đáp trả trước Thánh ý Chúa Cha: ba thành viên của gia đình này giúp chúng ta khám phá và thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa. Các Ngài cùng nhau cầu nguyện, làm việc và chia sẻ.

Tới đây ĐTC tiếp tục đặt câu hỏi: “Trong gia đình của anh chị em, anh chị em có có biết trao đổi, chia sẻ, hay anh chị em giống như các các bạn trẻ ngồi tại bàn, mỗi người với một điện thoại trong tay và tán gẫu với ai đó? Nơi bàn này, dường như có một sự thinh lặng như thể họ đang ở trong Thánh lễ ... Nhưng họ không nói chuyện với với nhau, không trao đổi, chia sẻ. Chúng ta phải nối lại việc giao tiếp trong gia đình. Đây là một nhiệm vụ phải làm ngay hôm nay, chính vào ngày lễ Thánh gia".

Thánh gia là mẫu gương cho các gia đình, giúp cha mẹ và con cái nâng đỡ nhau trong việc tuân giữ Tin Mừng, nền tảng của sự thánh thiện của các gia đình. Chúng ta trao phó cho Đức Maria, "Nữ vương các gia đình", tất cả các gia đình trên thế giới, đặc biệt các gia đình đang đau khổ, khó khăn. Chúng ta cầu xin Mẹ che chở nâng đỡ họ.

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha cho Năm 2020



Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha cho Năm 2020

THÁNG 1: Ý cầu nguyện cho việc truyền giáo – Cầu cho việc thúc đẩy hòa bình thế giới

Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô hữu, các tín đồ của các tôn giáo khác, và tất cả mọi người thiện chí biết thúc đẩy hòa bình và công lý trên thế giới. 

THÁNG 2: Ý cầu nguyện chung – Cầu cho việc lắng nghe tiếng khóc của những người di cư

Chúng ta cầu nguyện cho tiếng khóc của anh chị em di cư, tiếng khóc của các nạn nhân trong các vụ buôn người, có thể được lắng nghe và xem xét. 

THÁNG 3: Ý cầu nguyện cho việc truyền giáo – Cầu cho các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc

Chúng ta cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc được kiên trì trung thành với Tin Mừng và phát triển trong sự hiệp nhất.

THÁNG 4: Ý cầu nguyện chung – Cầu cho thoát khỏi cơn nghiện

Chúng ta cầu nguyện cho những người đang đau khổ vì sự nghiện ngập được giúp đỡ và đồng hành.

THÁNG 5: Ý cầu nguyện cho việc truyền giáo – Cầu cho các phó tế

Chúng ta cầu nguyện cho các phó tế trung thành trong việc phục vụ Lời Chúa và người nghèo, nhờ đó họ trở nên một biểu tượng tiếp thêm sinh lực cho toàn thể Giáo hội.

THÁNG 6: Ý cầu nguyện cho việc truyền giáo – Cầu cho “đường đi của trái tim”

Chúng ta cầu nguyện cho tất cả những người đau khổ tìm thấy được đường đi trong cuộc sống, và họ được Trái tim của Chúa Giêsu chạm tới.

THÁNG 7: Ý cầu nguyện chung – Cầu cho gia đình của chúng ta

Chúng ta cầu nguyện cho các gia đình ngày nay được song hành với tình yêu, sự tôn trọng và hướng dẫn.

THÁNG 8: Ý cầu nguyện chung – Cầu cho giới hàng hải

Chúng ta cầu nguyện cho tất cả những người làm việc và sống trên biển, trong đó có thủy thủ, ngư dân và gia đình của họ.

THÁNG 9: Ý cầu nguyện chung – Cầu cho việc tôn trọng các tài nguyên trái đất

Chúng ta cầu nguyện cho các tài nguyên trên trái đất không bị tước đoạt, nhưng được chia sẻ một cách công bằng và tôn trọng.

THÁNG 10: Ý cầu nguyện cho việc truyền giáo – cầu cho sứ mệnh của giáo dân trong Giáo hội

Chúng ta cầu nguyện cho giáo dân, đặc biệt là phụ nữ, nhờ phép Rửa tội, được tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực hữu trách trong Giáo hội.

THÁNG 11: Ý cầu nguyện chung - Cầu cho trí tuệ nhân tạo (AI)

Chúng ta cầu nguyện cho sự tiến bộ của robot và trí tuệ nhân tạo luôn phục vụ con người.

THÁNG 12: Ý cầu nguyện cho việc truyền giáo – Cầu cho một đời sống cầu nguyện

Chúng ta cầu nguyện cho mối tương quan riêng tư của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và một đời sống cầu nguyện.

Văn Việt chuyển ngữ từ popeprayer.va

Khai Trương Website Chính Thức Của Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu

Nhân dịp khai mạc Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu, kỷ niệm 135 năm Đức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu phù hộ các giáo hữu trong cơn lâm lụy, trang mạng (website) chính thức của Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu (TTTMTK) được khai trương với địa chỉ truy cập  https://ttthanhmautrakieu.org nhằm mục đích truyền thông những tư liệu lịch sử, mọi tin tức và hoạt động của Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu của Giáo phận Đà Nẵng; đồng thời, trang mạng cũng là phương tiện để kết nối những quan tâm, nhu cầu của khách hành hương tìm đến với Đức Mẹ Trà Kiệu. Ban Mục vụ Truyền Thông Xã hội Giáo phận hân hạnh được giới thiệu cộng đồng dân Chúa giáo phận và quý độc giả khắp nơi một vài điểm cần thiết để sử dụng trang mạng này.
Website chính thức này của Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu do ban Mục vụ Truyền Thông Giáo phận Đà Nẵng thiết kế và kết nối với website của Giáo phận Đà Nẵng (giaophandanang.org) và được ban Giám đốc TTTM Trà Kiệu điều hành. Website được thiết kế đáp ứng cho việc truy cập với (1) giao diện trên máy tính để bàn, máy tính xách tay; và (2) giao diện trên điện thoại thông minh (smartphone) với các hệ điều hành Android hoặc IOS…
Giao diện của website TTTMTK xử dụng màu ô-liu chủ đạo (màu yên tĩnh và thư giãn nhất cho mắt người nhìn, đồng thời nói lên ý nghĩa của sự bình an – PAX) với chính diện là danh xưng của Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu (Tra Kieu Marian Center) thuộc Giáo phận Đà Nẵng được nhấn mạnh với biểu hiệu (logo) của Trung tâm Thánh Mẫu bên cánh phải và hình tượng Đức Mẹ Trà Kiệu kèm lời hiệu triệu “Các con chớ lo, này Mẹ con đây!” phía bên trái.
Tiếp theo phần hình (banner) chính là dãy các cửa sổ gồm có:
1/ Trang chủ: với biểu tượng hình ngôi nhà
2/ Giới thiệu Linh địa: Với các tiểu mục (a) Biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu; (b) Kinh Đức Mẹ Trà Kiệu do ĐGM Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh chuẩn ấn ngày 28/5/2002; (c) Hình ảnh tư liệu; (d) Hình ảnh các công trình tại linh địa; (e) Nhân sự điều hành
3/ Đồng hành với Mẹ: Trình bày nhịp sống của cộng đồng dân Chúa (tín hữu sở tại và khách hành hương từ mọi nơi) khi đến với Mẹ Trà Kiệu để nhờ Mẹ, đến với Chúa.
4/ Phục vụ hành hương: Gồm các phần mục (a) Đăng ký hành hương: bằng cách kích hoạt và điền vào các chi tiết liên quan đến cuộc hành hương tới TTTM Trà Kiệu theo bản hướng dẫn(b) Giới thiệu các tiện ích, các cử hành đạo đức và các địa điểm thích hợp cho các hoạt động hành hương (thánh lễ, bí tích hòa giải, chầu Thánh Thể, Đàng Thánh Giá, học hỏi về Thánh Mẫu Maria, v.v….). Ngoài ra, trong phần đăng ký hành hương, quý khách có thể tham khảo các giờ lễ và địa điểm cử hành thánh lễ của giáo xứ Trà Kiệu hoặc các đoàn hành hương khác.
5/ Tâm tình với Mẹ: giới thiệu những tâm tình của cộng đoàn dân Chúa và các khách hành hương, du khách bày tỏ tâm tình tạ ơn, hiếu kính với Đức Mẹ Trà Kiệu.
Bốn đại mục (cửa sổ chính) này được bố trí dưới dạng thức dịch chuyển (slide) đáp ứng tiêu chí mỹ thuật và hiệu quả cho việc truy cập.
Ngoài ra, trong Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu (từ 01/01-11/9/2020) một đại mục được thiết kế để độc giả trực tiếp tra cứu và theo dõi những tài liệu và hoạt động thường xuyên về các cử hành tôn vinh Đức Mẹ tại Trung Tâm Thánh Mẫu và những nơi khác cả trong lẫn ngoài giáo phận. Tiêu chí thông tin và tương tác cũng được bao gồm trong việc thiết kế trang mạng để phục vụ hữu hiệu hơn các nhu cầu đạo đức – tâm trí của độc giả và các tín hữu yêu mến Đức Mẹ Trà Kiệu.
Xin được giới thiệu trang mạng (website) chính thức này của Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu thuộc giáo phận Đà Nẵng.
Mong được góp phần trình bày sơ lược về tụ điểm kết nối và nguồn tư liệu mới này để thúc đẩy và gia tăng lòng mộ mến Đức Mẹ Trà Kiệu cho toàn thể cộng đoàn Dân Chúa và mọi người quan tâm. Nào, chúng ta cùng bắt đầu truy cập vào website: https://ttthanhmautrakieu.org
Trân trọng kính mời!
Lm. Pr. Hoàng Gia Thành
Ban MVTT/GP Đà Nẵng

Gia đình có một Hồng y, một Giám mục, hai Linh mục và bốn Tu sĩ

(Hình mang tính minh họa)
Trong cuốn “Trên Đường Lữ Hành”, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã kể về gia đình đó như sau:
Chuyện xảy ra vào thế kỷ đầu thế kỷ XX, tại Luân Đôn, có một gia đình công nhân vừa nghèo khó lại vừa đông con: cả thảy 13 đứa! Bố của 13 đứa con này phải đi làm việc suốt ngày ở xí nghiệp để kiếm tiền, ngày làm không đủ tranh thủ làm thêm ban đêm, vất vả trăm chiều. Còn người mẹ ở nhà làm thêm nghề phụ và lo việc nội trợ, chăm sóc cho 13 đứa con.
Dù đầu tắt mặt tối, bận bịu suốt ngày đêm, nhưng bà mẹ tên là Vaughan này vẫn vui vẻ thay mặt chồng dạy dỗ các con học giáo lý, tập luyện chúng có tinh thần đạo đức, khuyên chúng chịu khó học tập, lao động, và đặc biệt là trưa nào, sau khi rửa chén bát xong, bà cũng đến nhà thờ chầu Chúa một giờ. Láng giềng ai cũng lấy làm lạ và hỏi bà: “Một bầy con 13 đứa, bận rộn từ sáng đến tối, mà sao trưa nào chị cũng đi chầu Thánh Thể chi vậy?” Bà tươi cười bảo: “Thấy một bầy con lúc nhúc, ăn bữa mai chạy gạo bữa hôm, tôi lo lắm. Hơn thế, khi chúng đến trường đi học, có rất nhiều bạn bè xấu rủ rê đi chơi hoặc ra phố phường xa hoa, do đó có nhiều nguy hiểm, tôi càng thao thức và lo lắng hơn. Thành thử mỗi ngày dầu bận việc đến đâu, tôi cũng bỏ ra một giờ để chầu Chúa, sốt sắng xin Người ban ơn cho vợ chồng tôi có lương thực đủ dùng nuôi nấng các cháu hằng ngày và dạy dỗ chúng nên người đạo đức”. Nhờ sự kiên trì của bà, Chúa đã nhận lời và ân thưởng cho lòng tin và sự kiên nhẫn của bà. 13 người con vẫn lớn khôn khỏe mạnh, học hành đàng hoàng. Trong 13 người con: có một người làm Hồng Y Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Luân Đôn, một người làm Giám Mục, hai người làm Linh mục, hai người làm nam tu sĩ dòng, hai người làm nữ tu, cả thảy 8 người dâng mình cho Chúa, 5 người còn lại ở thế gian lập gia đình sinh con đẻ cái, sống cuộc đời đạo đức thánh thiện.
Bạn thân mến,
Trước những trào lưu, cám dỗ và khó khăn quá lớn trong cuộc sống, ta thường nghĩ rằng Lời Chúa, Thánh Thể Chúa không thể giúp được gì, và ta thường viện lý do là quá bận không có thời gian cho việc đọc kinh, cầu nguyện. Việc đến với Chúa, tìm kiếm Chúa trở thành việc thứ yếu, ta chỉ nên làm khi có thời gian rảnh.
Không, đó là một sai lầm. Việc đến với Chúa, tìm kiếm Chúa phải là việc quan trọng trên hết. Khi xưa, Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse trong đời sống thường ngày cũng đã trải qua biết bao thử thách, cám dỗ và khó khăn, cũng bị hiểu lầm, cũng phải chạy giặc, phải làm lụng kiếm sống, phải chạy cơm từng bữa... như bao gia đình ngày nay. Nhưng Gia đình Thánh Gia đã vượt qua tất cả, nhờ biết lắng nghe và thực thi Ý Chúa.
Càng bận rộn, càng gặp khó khăn thì ta phải càng đến với Chúa. Chúa Giêsu đã nói: “Hỡi ai vất vả mang gánh nặng nề hãy đến với ta, ta sẽ bổ sức cho.” (Mt 11,28) Hãy đến với Chúa, hãy dâng cho Chúa những nỗi lo lắng vất vả hằng ngày, Chúa sẽ bổ sức và lo lắng giúp cho chúng ta. Thánh vịnh 37 nói: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Ngài, Ngài sẽ ra tay”. Trong Tin mừng Maccô, Chúa còn đảm bảo rằng: “mọi sự đều có thể đối với những kẻ tin.” (Mc 9,23)
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chạy đến với Chúa và kết hiệp với Chúa mỗi ngày, đặc biệt trong những lúc thử thách gian nan, nhờ đó gia đình chúng con trở thành một mái ấm đích thực, đầy ắp tình yêu Chúa. Amen.
Linh mục Phêrô Huỳnh Thế Vinh

Hai bà ve chai


Gặp chúng tôi trên con đường nhỏ dẫn lối tới Bến đò Bình Quới, đôi mắt sung sướng, giọng nói nhẹ nhàng trên khuôn mặt bám đầy bụi đời, đủ thứ nhăn nheo trên đồi gò má hằn rõ nỗi khổ của những truân chuyên, bà vui mừng khoe:
Người ta cho đồ nhiều lắm các chú ạ!
Ông bảo vệ khách sạn mới cho cái màn hình 14 inch,
ông chủ nào đó cho tiền mua chiếc máy lạnh nhỏ để đựng đồ.
Mới đây thôi, hai chị bán quán ngoài chợ cho bao gạo 5 kí.
Bà mừng lắm vì người ta mới cho tấm bánh chưng…
Chỉ một chốc một lát, bà như mở ra một thế giới của niềm vui, sự vui mừng của một người nhận. Chỉ trong phút chốc ngắn ngủi ấy, bà phủi chút tâm tư, gạt chút muộn phiền của một người cô gái sông Tiền ngày nào. Bà rón rén đặt chân lên đất Sài Thành vào một ngày âm thầm nào đó giữa dòng người với ước mơ đổi vận chuyển đời. Bị đời quật, người giật, chồng xa, người ta đâu còn để ý, bà một mình nuôi thằng con trai khôn lớn trong một căn nhà lúp xụp đã bấy nhiêu năm kiên cường trước dòng thời dòng đời. Tưởng như đứa con đã khôn, đã lớn của bà bù đắp được phần nào cái quá khứ đầy ứ nước mắt, nỗi đau dằn lòng bao buổi sớm chiều ấy, thế mà cảnh đời đẩy đưa, gia đình nhỏ của nó cũng tan tác, xác xơ để lại đứa con gái bơ vơ với người đàn bà khốn cùng. Con trai, con dâu mỗi người mỗi ngả đi tìm một nửa hạnh phúc cho riêng mình, tìm bình mình cho một ngày mới, tận hưởng sức phơi phới của tuổi trẻ. Giờ à! Nhà chỉ có một già này với đứa cháu gái 12 tuổi mà thôi.
Già ấy cứ lam lũ “ la cà” ba ca một ngày, đẩy cái xe ba bánh, cuốc bộ, lượm đồ, ai thương cho gì lấy đó, không bỏ xó nào, bước đi trong dòng lệ tuôn trào vì gánh nặng nơi đôi chân bị nứt mạch máu. Đôi chân ấy vẫn hằng ngày rong ruổi nơi những con phố, lê bước trong từng tước phim của cảnh nghèo cảnh khổ, mở lối cho chén cơm manh áo từng ngày.
Chúng tôi trao cho bà điều gì? Tôi cũng không biết nữa.
Quay xe ra về, phía sau kia, người đàn bà già nua ấy vẫn gượng gạo thập thễnh đẩy chiếc xe chậm dãi đi về phía con đường nhỏ, khó khăn cúi mình nhặt từng vỏ chai, lượm từng mảnh vụn để nuôi cái thân già, dưỡng cho đứa trẻ. Thấp thoáng cuối đường những vệt nắng chiều vẫn rọi sau lưng bà. Chúng tôi trở về, lòng vẫn rạo rực niềm vui của bà, lòng vẫn tràn ngập hạnh phúc nhỏ nhoi hàng ngày của bà…Đắm chìm nơi niềm vui của phận già vẫn la cà trên từng con phố, từng con hẻm thân quen suốt mấy chục năm trường.
Bà ơi, cuộc sống bà vẫn thế
Suốt mấy năm trời vẫn tìm kế sinh nhai với cái nghề ve chai vui vẻ
Kẻ qua người lại bên đời
Kẻ cho người giúp bên đường, bà ơi.
Bà nhận bà lãnh từng phần
Mỗi lần như thế dạt dào niềm vui
Ngày vẫn lon ton gánh gồng
Không chồng chẳng kẻ đỡ đần nuôi thân
Bà vẫn vui vẫn đẹp trong con hẻm bao thời
Cái vui cái đẹp nơi bà chẳng ai dám chối chẳng kẻ dám than
Đời già gan dạ, phi thường, một niềm hy vọng không ngày thở than….
Giữa đất Sài Thành đắm lệ này, đâu chỉ có một bà hai, đâu chỉ có một căn lều lụp xụp, đâu chỉ có một chiếc xe lượm ve chai…Bạn có hiểu có thấu những cuộc đời ấy vẫn đầy niềm vui, ắp tiếng cười nơi cái xó xỉnh nào đó ngay bên bạn cạnh chúng ta.
Thiên Chúa vẫn cần nơi bạn một tiếng cười, một bàn tay, một cử chỉ, một an ủi, và hơn thế nữa kìa…

Lyeur Nguyễn

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

Tin Mừng Chúa nhật lễ Thánh Gia - Năm A


Phúc Âm: Mt 2, 13-15. 19-23
“Hãy đem Con Trẻ và mẹ Người trốn sang Ai-cập”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi các đạo sĩ đã đi rồi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: “Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người”. Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm cho trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: “Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”.

Bấy giờ Hêrôđê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe những tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.

Khi Hêrôđê băng hà, thì đây thiên thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ bên Ai-cập và bảo: “Hãy chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm hại mạng sống Người đã chết”. Ông liền chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel. Nhưng nghe rằng Arkhêlao làm vua xứ Giuđa thay cho Hêrôđê là cha mình, thì Giuse sợ không dám về đó. Ðược báo trong giấc mộng, ông lánh sang địa phận xứ Galilêa, và lập cư trong thành gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua các tiên tri rằng: “Người sẽ được gọi là Nadarêô”.

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2019

Kinh Truyền Tin 26/12: Rất nhiều vị tử đạo ngày nay

2019.12.26 Angelus

Lúc 12 giờ trưa ngày 26/12, Lễ Thánh Stephanô, Đức Thánh Cha đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô.


Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha có một bài huấn dụ ngắn dành cho các tín hữu:

Chào anh chị em!

Hôm nay là lễ thánh Stephanô, vị tử đạo đầu tiên. Sách Công vụ Tông đồ kể cho chúng ta về ngài (xem chương 6-7) và bài đọc phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy những giây phút cuối của cuộc đời ngài, bị bắt và bị ném đá (x. 6,12; 7,54- 60). Trong bầu không khí vui tươi của Giáng sinh, việc nhớ lại vị Kitô hữu đầu tiên bị giết vì đức tin có thể xuất hiện không đúng chỗ. Tuy nhiên, chính trong cái nhìn của đức tin, việc cử hành này hài hòa với ý nghĩa thực sự của Giáng Sinh. Thực vậy, trong cuộc tử đạo của thánh Stephanô, bạo lực bị đánh bại bởi tình yêu, cái chết bị đánh bại bởi sự sống: trong giờ làm chứng tuyệt đỉnh, ngài đã chiêm ngưỡng bầu trời rộng mở và tha thứ cho những kẻ bắt bớ ngài (x. 7,60).

Người tôi tớ Tin Mừng này, đầy Chúa Thánh Thần, đã có thể thuật lại Chúa Giêsu bằng lời nói, và trên hết bằng cuộc sống của mình. Nhìn vào ngài, chúng ta thấy lời hứa của Chúa Giêsu với các môn đệ được thực hiện: “Khi anh em bị ngược đãi vì Thầy, Thần Khí của Chúa Cha sẽ ban cho anh em sức mạnh và biết phải nói gì để làm chứng” (x. Mt 10,19-20). Nơi trường học của Thánh Stephanô, người đã trở nên giống Thầy cả trong sự sống lẫn cái chết, chúng ta cũng hướng nhìn về Chúa Giêsu, chứng nhân trung thành của Chúa Cha. Chúng ta học biết rằng vinh quang Nước Trời, nơi sự sống vĩnh cửu, không phải được tạo nên từ sự giàu có và quyền lực, nhưng từ tình yêu và sự tự hiến.

Chúng ta cần hướng nhìn về Chúa Giêsu, “Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin của chúng ta” (Dt 12,2), để có thể có lý do hy vọng vốn đã được ban cho chúng ta (x. 1Pr 3,15), qua những thách đố và thử thách mà chúng ta phải đối mặt hằng ngày. Đối với Kitô hữu chúng ta, Trời Cao không còn xa cách, tách biệt khỏi trái đất: trong Chúa Giêsu, Trời Cao đã đi xuống mặt đất. Và nhờ Ngài, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể đón nhận tất cả những gì là con người và hướng nó về Trời. Như thế, chứng tá đầu tiên chính là cách chúng ta là con người, một lối sống được định hình theo Chúa Giêsu: hiền hòa và can đảm, khiêm tốn và cao thượng, không bạo lực và mạnh mẽ.

Thánh Stephanô là phó tế, một trong bảy phó tế đầu tiên của Giáo hội (x. Cv 6,1-6). Ngài dạy chúng ta phải loan báo Chúa Kitô qua những cử chỉ huynh đệ và bác ái. Lời chứng của ngài, với đỉnh cao là sự tử đạo, là nguồn cảm hứng cho sự đổi mới của các cộng đoàn Kitô giáo của chúng ta. Họ được kêu gọi để trở nên ngày càng truyền giáo, tất cả những nỗ lực để loan báo Tin Mừng, dấn thân rõ nét trong việc đến với những người nam, người nữ ở các vùng ngoại vi về địa lý và hiện sinh, nơi khát khao niềm hy vọng và ơn cứu độ nhiều hơn. Các cộng đoàn không theo logic thế gian, không đặt mình, hình ảnh của mình làm trung tâm, nhưng chỉ có vinh quang Thiên Chúa và lợi ích của mọi người, đặc biệt là những người nhỏ bé và người nghèo.

Lễ vị tử đạo tiên khởi Stephanô mời gọi chúng ta nhớ tất cả các vị tử đạo của hôm qua và hôm nay – ngày nay có rất nhiều – để chúng ta cảm được sự hiệp thông với họ, và xin họ ân sủng để sống và chết với tên của Chúa Giêsu trong trái tim và trên đôi môi. Xin Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu chuộc, giúp chúng ta sống Mùa Giáng sinh này, hướng nhìn về Chúa Giêsu, để trở nên giống Ngài hơn mỗi ngày.

ĐTC Phanxicô ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi - Lễ Giáng Sinh

1577272491592.JPG

Lúc 12h trưa ngày 25/12, Lễ Giáng Sinh, Đức Thánh Cha đã gởi sứ điệp Giáng Sinh đến khoảng 55 ngàn tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô và nhiều tín hữu theo dõi qua các kênh phát thanh, truyền hình và mạng xã hội. Sau sứ điệp Giáng Sinh và đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi (cho thành Roma và toàn thế giới) cho các tín hữu. ĐTC ra trước ban công chính trước Vương cung thánh đường thánh Phêrô. Đứng trước Đức Thánh Cha là Đội cận vệ Thụy Sĩ và một tiểu đoàn đại diện Lực lượng Vũ trang Ý. Ngoài ra còn có hai ban nhạc: một của Vatican và một của cảnh sát Ý. Hai ban nhạc trao đổi việc cử hành quốc thiều. Ban nhạc Ý thổi quốc thiểu Vatican, và ban nhạc Vatican thổi quốc thiều Ý.


Chúng tôi xin gởi đến quý vị sứ điệp Giáng Sinh của Đức Thánh Cha:

“Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9,1).

Anh chị em thân mến,

Chúc mừng Giáng Sinh!

Từ cung lòng Mẹ Giáo hội, tối nay Con Thiên Chúa đã một lần nữa được sinh ra làm người. Tên của Ngài là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa cứu. Chúa Cha, Tình yêu vĩnh cửu và vô tận, đã sai Ngài vào thế gian, không phải để kết án nhưng để cứu thế gian (x. Ga 3:17). Chúa Cha đã ban Người Con, với lòng thương xót bao la. Ngài ban Người Con cho tất cả mọi người. Ngài đã ban mãi mãi. Và Người Con được sinh ra, như một ngọn lửa nhỏ thắp sáng trong bóng tối và lạnh lẽo của đêm đen.

Hài Nhi đó, được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, là Lời của Thiên Chúa làm người. Lời hướng dẫn con tim và bước chân của Áp-ra-ham về miền đất hứa, và tiếp tục lôi cuốn những ai tin vào lời hứa của Thiên Chúa. “Lời” đã dẫn bước người Do Thái trên con đường từ nô lệ đến tự do, và Lời ấy vẫn tiếp tục kêu gọi những nô lệ của mọi thời, ngay cả ngày nay, thoát ra khỏi ngục tù của họ. Đó là Lời sáng hơn mặt trời, nhập thể nơi một con người bé nhỏ, Giêsu, ánh sáng thế gian.

Vì thế, tiên tri Isaia đã thốt lên: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9,1). Đúng, có những bóng tối trong trái tim con người, nhưng ánh sáng của Chúa Kitô lớn hơn. Có những bóng tối trong các tương quan cá nhân, gia đình, xã hội, nhưng ánh sáng của Chúa Kitô lớn hơn. Có những bóng tối trong các xung đột kinh tế, địa chính trị và sinh thái, nhưng ánh sáng của Chúa Kitô lớn hơn.

Nguyện xin Chúa Kitô trở nên ánh sáng cho nhiều trẻ em phải chịu chiến tranh và xung đột ở Trung Đông và tại các quốc gia khác nhau trên thế giới. Nguyện xin Ngài trở thành niềm an ủi cho người dân Syria yêu dấu, những người vẫn chưa thấy hồi kết của thù địch đã xé tan đất nước hàng thập kỷ qua. Nguyện xin Đức Kitô làm rung chuyển lương tâm những người thiện chí, truyền cảm hứng hôm nay cho các nhà cầm quyền và cộng đồng quốc tế để tìm ra giải pháp đảm bảo an ninh và chung sống hòa bình giữa các dân tộc trong Vùng và chấm dứt sự đau khổ không thể tả xiết của họ. Nguyện xin Đức Kitô trở nên nguồn nâng đỡ người dân Lebanon, để họ có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại và tái khám phá ơn gọi của mình như là một thông điệp của tự do và sự chung sống hài hòa đối với tất cả mọi người.

Nguyện xin Chúa Giêsu trở nên ánh sáng cho Đất Thánh, nơi Ngài, Đấng cứu độ của con người, được sinh ra; là nơi nhiều người, dù vất vả nhưng không mất tin tưởng, đang tiếp tục chờ đợi ngày hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Xin Chúa Giêsu trở nên niềm an ủi cho Iraq, đã trải qua những căng thẳng xã hội và cho Yemen, đã trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Xin Hài Nhi bé nhỏ của Bêlem trở nên niềm hy vọng cho toàn lục địa Mỹ châu, nơi nhiều quốc gia khác nhau đang trải qua một mùa biến động xã hội và chính trị. Xin Ngài khuyến khích người dân Venezuela thân yêu, đã trải qua những căng thẳng chính trị và xã hội lâu dài, và đừng để họ thiếu sự giúp đỡ cần thiết. Xin Ngài chúc lành cho những nỗ lực của những người đang làm việc để thúc đẩy công lý và hòa giải; và nỗ lực để vượt qua nhiều khủng hoảng khác nhau và nhiều hình thức nghèo đói xúc phạm nhân phẩm của mỗi người.

Xin Đấng Cứu Độ trần gian trở nên ánh sáng cho Ukraina thân yêu, nơi khao khát những giải pháp cụ thể cho hòa bình lâu dài.

Nguyện xin Chúa, Đấng được sinh ra, trở nên ánh sáng cho các dân tộc châu Phi, nơi vẫn tồn tại các tình huống chính trị và xã hội thường bắt người ta phải di cư, tước đoạt khỏi họ nhà cửa và gia đình. Xin Ngài trở nên hòa bình cho người dân sống tại các khu vực phía đông của Cộng hòa Dân chủ Congo, bị dày xé bởi những xung đột dai dẳng. Xin Ngài nâng đỡ những người bị bạo lực, thiên tai hoặc ngặt nghèo về sức khỏe. Xin Ngài an ủi những người bị bách hại vì đức tin tôn giáo của họ, đặc biệt là những nhà truyền giáo và những tín hữu bị bắt cóc, và những người là nạn nhân của các nhóm cực đoan, đặc biệt tại Burkina Faso, Mali, Nigeria và Nigeria.

Nguyện xin Con Thiên Chúa, từ trời xuống thế, trở nên người bảo vệ và hỗ trợ cho tất cả những ai, vì những bất công này hay khác, phải di cư với hy vọng có được một cuộc sống an toàn. Đó thật là sự bất công buộc họ phải băng qua các sa mạc và biển khơi, biến chúng thành những nghĩa trang. Đó thật là sự bất công buộc họ phải chịu những lạm dụng không thể kể xiết, các hình thức nô lệ và tra tấn trong các trại giam vô nhân đạo. Đó thật là sự bất công khi từ chối họ khỏi những nơi mà họ có thể có hy vọng về một cuộc sống xứng đáng, nhưng lại khiến họ nhìn thấy những bức tường thờ ơ.

Nguyện xin Đấng Emmanuel trở nên ánh sáng cho tất cả nhân loại bị thương tích. Xin làm mềm trái tim thường cứng cỏi và ích kỷ của chúng ta và biến chúng ta thành công cụ của tình yêu Ngài. Qua khuôn mặt nghèo khó của chúng con, xin ban nụ cười của Ngài cho các trẻ em trên toàn thế giới: những trẻ bị bỏ rơi và những trẻ phải chịu những bạo lực. Qua vòng tay yếu ớt của chúng con, xin mặc đồ cho những người nghèo không có gì để che thân, cho bánh những người đói, chăm sóc những bệnh nhân. Bằng tình thân mong manh của chúng con, xin gần gũi những người già và người cô đơn, người di cư và bị gạt sang bên lề. Trong ngày lễ này, xin ban cho mọi người sự dịu dàng của Ngài và chiếu sáng những bóng tối của thế giới này.

Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha đọc kinh truyền tin. Sau đó, ĐHY Renato Raffaele Martino, trưởng đẳng phó tế, tuyên bố chủ ý Đức Thánh Cha ban phép lành toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như các anh chị em tín hữu trên toàn thế giới theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình; miễn là họ giữ các quy tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Đức Thánh Cha đã đọc lời kinh xá giải và công thức ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi cho thành Roma và toàn thế giới.

- Xin các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là những vị, mà chúng tôi dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen.

- Nhờ lời cầu bầu và công nghiệp của Đức Trinh Nữ Maria, của Tổng lãnh thiên thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô, cùng toàn thể các Thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em, và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen

- Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả mọi tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa Thánh Thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen

- Và xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng là Cha và Con và Thánh Thần, xuống trên anh chị em và ở lại cùng anh chị em luôn mãi. Amen

Cầu nguyện cho người Philippines, nạn nhân của thiên tai và khủng bố trong dịp Giáng Sinh


WGPSG -- Sau giờ kinh Truyền Tin vào thứ Năm 26-12-2019, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho người dân Philippines vừa bị cơn bão Phanfone tấn công vào ngày lễ Giáng sinh, gây ra những thiệt hại lớn lao. 

Đức Giáo hoàng nói: “Giáng Sinh khơi dậy nơi tất cả mọi người niềm khao khát chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trong máng cỏ, để sau đó phục vụ và yêu mến Ngài trong tha nhân, đặc biệt là những người đang gặp cảnh khốn khó khổ đau.”

Đức Giáo hoàng đã mời gọi khoảng 25.000 người có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô đọc một kinh Kính Mừng cầu nguyện cho người dân Philippines.

Bão Phanfone lần đầu tiên tấn công tỉnh Đông Samar của Philippines vào ngày 24-12-2019, và tiếp tục băng qua các đảo thuộc khu vực Đông Visayas ở phía nam Luzon và Tây Visayas vào ngày 25-12-2019.

Theo CNN, ít nhất 16 người đã thiệt mạng và khoảng 2.351 người bị ảnh hưởng. Hơn 1.600 người đang ở trong các trung tâm sơ tán. 

Ngoài thiên tai này, trước Giáng Sinh 3 ngày, Philippines còn chịu những đau thương do khủng bố. Một quả bom đã phát nổ gần Nhà thờ chính tòa Cotabato trên đảo Mindanao ngay lúc Thánh lễ đang được cử hành vào tối Chúa nhật ngày 22-12-2019 làm cho 22 người bị thương, trong đó có 12 lính gác của nhà thờ vào những ngày lễ Giáng Sinh. 

Cách đó không xa cũng xảy ra một vụ nổ khác làm bị thương một người đi ngang qua. 

Một vụ nổ khác nữa ở thị trấn Upi thuộc tỉnh Maguindanao làm bị thương 2 người. Theo cảnh sát địa phương, một quả bom thứ hai đã được ném vào đồn cảnh sát nhưng không nổ. 

Dù trong tình thế hết sức hỗn loạn và sợ hãi, các Cha xứ vẫn kêu gọi người dân địa phương đón Lễ Giáng Sinh với niềm vui và sự can đảm. 

Ông Cynthia Guiani-Sayadi, thị trưởng của Cotabato cho biết các biện pháp an ninh đã được tăng cường, đồng thời chính quyền cũng đang nỗ lực tìm thủ phạm của những vụ nổ liên tiếp này. 

Hiện tại, vẫn chưa có một tổ chức nào nhận trách nhiệm về các vụ tấn công. 

Theo Thiếu tá Arvin Encinas, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân đội phía Tây Mindanao, các nhóm khủng bố như “Chiến binh Tự Do Hồi Giáo Bangsamoro” (BIFF) hoặc các nhóm liên quan đến “Nhà nước Hồi giáo” tự phong (ISIS) có thể đứng đằng sau các cuộc tấn công này.

Tác phẩm đoạt giải cuộc thi Hang đá Giáng Sinh 2019 tại Vatican


WHĐ - Tác phẩm miêu tả “hình ảnh dịu dàng của tình phụ tử”.

Để chuẩn bị cho mùa Giáng sinh 2019, Đài phát thanh Vatican đã tổ chức một cuộc thi thiết kế hang đá Giáng sinh truyền thống. Năm nay, tác phẩm đoạt giải thuộc về gia đình “Calderón Cruz”, đến từ Texas. Họ đã cùng nhau tạo nên một khung cảnh Giáng sinh tuyệt đẹp, với Thánh Giuse bế Chúa Giêsu Hài Đồng, nhìn Chúa cách triều mến, và cúi đầu thờ lạy Chúa.
Cuộc thi được Ban tiếng Tây Ban Nha của Đài phát thanh Vatican tổ chức. Ban tổ chức đã ca ngợi gia đình “Calderon Cruz”, vì họ miêu tả “sự dịu dàng của hôn nhân”, điều mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói tới trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 18 tháng 12 vừa qua. Trong một bài đăng trên FacebookBan tổ chức cũng giải thích rằng họ chọn tác phẩm vì nó đã “minh chứng cho tình phụ tử và tình yêu trong gia đình.”
Trong bài đăng, họ không đăng bất kỳ tác phẩm nào khác, nên có thể hiểu đây là tác phẩm nổi bật nhất. Các nhân vật trong tác phẩm được thiết kế đẹp và được sơn cẩn thận bởi những bàn tay chuyên nghiệp. Thật đáng ngạc nhiên khi thấy tác phẩm miêu tả Thánh Giuse bế Chúa Giêsu Hài Đồng, cùng với Đức Mẹ đứng đằng sau, vì thông thường Thánh Giuse và Đức Mẹ được miêu tả ở vị trí ngược lại.
Ban tổ chức không đề cập đến bất kỳ giải thưởng nào cho những người chiến thắng, nhưng họ bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những người tham gia cuộc thi.
Văn Việt chuyển ngữ từ Aleteia
Nguồn: hdgmvietnam.com