Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Chúa nhật 1 mùa Vọng - Năm C



PHÚC ÂM: Mt 24, 37-44
"Hãy tỉnh thức để sẵn sàng".


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Trong thời ông Noe xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. Cũng như trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ rơi. Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. "Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến".

Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng lên đường đi nhận sứ vụ mới

Như tin đã đưa, Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng-Giám quản giáo phận Phát Diệm sẽ chính thức nhận Tổng giáo phận Sài Gòn trong nghi thức trước Thánh lễ tạ ơn vào lúc 8g30, thứ Tư, ngày 11 tháng 12 năm 2019, tại Nhà thờ Chính Toà Đức Bà Sài Gòn.



Trước khi lên đường đi Sài Gòn, vào lúc 04g15, sáng nay, ngày 30 tháng 11 năm 2019, Ngài đã dâng Thánh lễ kính Thánh Anrê Tông đồ tại nhà nguyện Tòa Giám mục Phát Diệm.Trong phần chia sẻ Lời Chúa (Mt 4, 18-22), nêu gương thánh Anrê, Đức Tổng đã làm nổi bật tinh thần từ bỏ là điều cốt yếu của người môn đệ theo Chúa trong mọi hoàn cảnh, tiếp theo là tầm quan trọng của việc ở lại với Chúa mỗi ngày để được biến đổi và từ đó đi giới thiệu Chúa cho anh chị em mình.


Lúc 05h15, ngay sau Thánh lễ, Đức Tổng Giuse đã rời Tòa giám mục. Cùng đi với Ngài có cha Đại diện, cha phó Đại diện, cha chánh văn phòng, quý cha quản hạt và một số cha khác. 


BTT

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

Đức TGM Marek Zalewski gởi lời chúc Mùa Vọng đến tín hữu Việt Nam

"Chúng ta sắp bước sang Mùa Vọng, tôi muốn gửi đến tất cả các tín hữu tại Việt Nam những lời chúc sâu sắc nhất, lời cầu nguyện và phúc lành trong suốt thời gian này. Ước gì nó trở thành thời gian ý nghĩa và ơn ích trong việc chuẩn bị cho Giáng Sinh trọng đại của Chúa chúng ta."

Đức Thánh Cha: “Đây là điều châu Á có thể trao tặng phương Tây”

2019.11.19 Viaggio Apostolico in Thailandia e Giappone Incontro con i Vescovi

Chiều 23/11, sau khi vừa đến Nhật Bản, tại Tòa Sứ thần, Đức Thánh Cha đã gặp các Giám mục Nhật Bản.

Sau bài diễn văn đã chuẩn bị sẵn, Đức Thánh Cha đã trả lời một số câu hỏi của các Giám mục trong cuộc trò chuyến kéo dài nửa giờ.

Ước mơ truyền giáo ở Nhật Bản

Câu hỏi đầu tiên là về ước mơ của vị linh mục trẻ Bergoglio, người rẩ muốn đến Nhật Bản truyền giáo. Đức Thánh Cha trả lời: “Tôi muốn đến Nhật truyền giáo khi tôi đang học triết học. Nhật Bản rất thu hút tôi… tôi không biết tại sao. Đó là một nơi truyền giáo, có thể la vì vẻ đẹp nên tôi ao ước đến Nhật. Sau đó, tôi đã chính thức xin cha Tổng quyền mới được bầu, cha Arrupe. Nhưng vì tôi đã bị cắt một lá phổi nên ngài trả lời “không”: không, sức khỏe của cha không cho phép. Và ngài còn nói thêm rằng tôi phải hướng nhiệt tâm tông đồ sang một hướng khác. Ngài làm cho tôi nghĩ rằng tôi sẽ còn sống một ít năm nữa thôi. Nhưng khi làm giám tỉnh tôi đã “trả thù” bằng cách gửi 5 người trẻ sang Nhật.”

Tấm hình em bé Nagasaki: "Thành quả của chiến tranh"

Câu hỏi tiếp theo là Đức Thánh Cha đã tìm thấy tấm hình em bé Nagasaki đang chờ để đưa em trai bị giết bởi bức xạ bom nguyên tử vào lò hỏa táng. Đức Thánh Cha đã in nó thành hàng ngàn bản và phân phát khắp nơi. Ngài trả lời: "Tôi không nhớ rõ. Nhưng khi đó tôi đã là Giáo hoàng. Ai đó đã gửi nó cho tôi, tôi tin rằng đó là một nhà báo và khi tôi nhìn thấy nó, nó đã chạm vào trái tim tôi. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều khi nhìn vào bức tranh đó, và trong đầu tôi xuất hiện ý nghĩ đăng nó và sử dụng nó như một tấm card để phân phát ... Tôi chỉ thêm một tiêu đề: "Thành quả của chiến tranh". Và tôi đã phân phát nó ở khắp mọi nơi…”

Sứ điệp cho người trẻ: hãy luôn bước đi!

Được hỏi đâu là sứ điệp chính mà ngài dự định mang đến Nhật trong những ngày này, Đức Thánh Cha nói: “Sứ điệp đầu tiên tôi đã trao cho các bạn trẻ ở phi trường. Họ rất đông và nói với tôi: ‘Xin Cha cho người trẻ chúng con một sứ điệp!’. Tôi quan sát họ và nói: ‘Hãy bước đi, luôn bước đi và ai biết, có thể con sẽ ngã nhưng mà như thế con học đứng đậy và phát triển trong cuộc sống’. Sau đó, tôi nhận ra rằng vô thức đã phản bội tôi vì đó là một thông điệp chống lại sự cầu toàn và chán nản của những người trẻ tuổi khi họ không có được những gì họ muốn và có quá nhiều phiền muộn, tự tử và những vấn đề mà bạn biết”.

Sự gần gũi

Đức Thánh Cha nói thêm rằng một từ quan trọng khác trong các thông điệp của ngài tại Nhật Bản sẽ là "sự gần gũi": "Đối với gia đình, và nhất là đối với các linh mục và những người nam nữ tận hiến, các giáo lý viên, tôi mong họ không nản lòng, mong họ gần gũi với dân Chúa để sứ điệp đến với người dân”. Đức Thánh Cha cũng nói trước rằng trong các chuyến thăm tới Nagasaki và Hiroshima, ngài sẽ lên án việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Chiều kích siêu việt của Giáo hội Á châu

Được hỏi sau những chuyến thăm các nước khác nhau của Á châu, đâu là đóng góp của Giáo hội Á châu cho Giáo hội hoàn vũ mà Đức Thánh Cha mong đợi, ngài trả lời: “Điều đầu tiên làm tôi xúc động đó là sự siêu việt. Giáo hội Á châu là một Giáo hội với chiều kích siêu việt, bởi vì trong nền văn hóa của các quốc gia này có một dấu hiệu cho thấy tất cả không kết thúc trên trái đất này. Chiều kích siêu việt này tốt cho các quốc gia phương Tây. Chúng ta cần điều đó.”

Đức Thánh Cha được tặng áo số 86

Đức Giám mục của Hiroshima tặng Đức Thánh Cha một áo thun bóng đá có số 86, để tưởng nhớ ngày (6 tháng 8) về vụ nổ nguyên tử tàn phá thành phố… Đức Thánh Cha nói rằng ngài thích chơi bóng đá, một niềm đam mê lớn của ngài, nhưng với kết quả tồi tệ: "Họ gọi tôi là “patadura", chân gỗ, và họ đưa tôi vào nhà". Vào cuối buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã mời các giám mục đọc lại số 80 của Tông huấn Evangelii nuntiandi của thánh Giáo hoàng Phaolô VI, về việc phân biệt nhà truyền giáo tốt với nhà truyền giáo xấu.

Hội nghị Quốc tế về nạn bách hại Kitô hữu

Hội nghị Quốc tế kỳ II về nạn bách hại các tín hữu Kitô trên thế giới đang tiến hành trong 3 ngày, từ 26 đến 28/11/2019 vừa qua, tại Budapest, thủ đô Hungary với sự tham dự của nhiều vị lãnh đạo Kitô đến từ nhiều nơi, đặc biệt là Trung Đông. Nhiều đại diện khác đến từ Phi châu, và cũng có các đại diện chính phủ Ba Lan, Italia, Nigeria, Liban và Hoa Kỳ.
Diễn văn của thủ tướng Hungary
Trong diễn văn khai mạc hội nghị, hôm 26/11, Thủ tướng Hungary, ông Victor Orbán, bày tỏ xác tín rằng các tín hữu Kitô được bảo vệ chống lại nạn bách hại ngày nay, có thể sẽ cứu vãn Âu Châu ngày mai. Ông nói: “Tôi xác tín rằng để cứu Âu Châu, những người có thể mang lại cho chúng ta sự trợ giúp lớn nhất chính là những người chúng ta đang giúp đỡ bây giờ. Chúng ta gieo hạt giống, bằng cách cung cấp cho người bị bách hại những gì họ cần, và bù lại chúng ta đón nhận từ họ đức tin Kitô, tình thương và sự kiên trì”.
Thủ tướng Orbán giải thích rằng: “Người Hungary tin các giá trị Kitô sẽ dẫn đến hòa bình và hạnh phúc, chính vì thế Hiến Pháp đất nước chúng tôi khẳng định rằng bảo vệ Kitô giáo là một nghĩa vụ đối với Nhà Nước Hungari”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng gửi thư tới Hội nghị, trong đó ông bày tỏ lòng biết ơn vì Hungary chia sẻ sự dấn thân của nước Mỹ cho tự do tôn giáo.
Theo thống kê, 4 phần 5 những người bị bách hại vì tín ngưỡng trên thế giới là tín hữu Kitô. Thủ tướng Hungary phê bình nhiều nước Âu Châu giữ thái độ im lặng trước hiện tượng bách hại Kitô hữu tại Phi châu cũng như Trung Đông. Cuộc bách hại này không thể tách biệt khỏi tình trạng tại Âu Châu.
Chính Phủ Hungary đã tài trợ 40 triệu Mỹ kim để giúp đỡ các tín hữu Kitô tại Syria và Irak, về việc tái thiết gia cư, nhà thương, trường học...
Tại Hội nghị, Đức Thượng Phụ Ignatius Aphrem II, Giáo chủ Chính Thống Siriac than rằng: “Tiếng kêu của chúng tôi không được nhiều người lắng nghe”.
Cả Đức Hồng y Peter Erdoe, Giáo chủ Công Giáo Hungary, cũng kêu gọi dư luận tại Tây phương đừng dửng dưng đối với cuộc bách hại và cả những thái độ thù nghịch đối với các tín hữu. Những cuộc tấn công hoặc lăng mạ chống Kitô hữu không thể bị coi như không có gì xảy ra.
Hội nghị tại Budapest, Hungary, trùng vào dịp Tổ chức Bác ái Trợ giúp các Giáo Hội Đau Khổ kêu gọi chiếu đèn đỏ trên các dinh thự và đền đài tối ngày 27/11 vừa qua để nhắc nhớ tình trạng các tín hữu Kitô bị bách hại trên thế giới.
G. Trần Đức Anh, O.P

Hơn 2000 giáo xứ ở Philippines tham gia “thứ Tư Đỏ”

ITALY-SYRIA-IRAQ-RELIGION-CHRISTIANITY-CONFLICT-COLOSSEUM
Hí trường Colosseo tại Roma trong một sự kiện "thứ Tư Đỏ"  
(AFP or licensors)

Theo tin của Hội đồng Giám mục Philippines, chiến dịch toàn cầu “thứ Tư Đỏ” năm nay đang nhận được nhiều sự ủng hộ ở Philippines, với hơn 2000 giáo xứ tham gia sự kiện này.

Năm ngoái tại Philippines có 1600 giáo xứ tham gia chiếu sáng mặt tiền nhà thờ với ánh sáng đỏ để nêu bật tình cảnh của các Kitô hữu bị bách hại trên khắp thế giới. Năm nay số giáo xứ tham gia tăng 25%.

Ông Jonathan Luciano, giám đốc quốc gia của tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ ở Philippines, cho biết có một số trường Công giáo cũng tham gia sự kiện vào thứ Tư 27/11 tới đây. Ông nói: “Người Philippines đang ngày càng ý thức hơn về vấn đề và điều này thể hiện qua sự gia tăng các giáo xứ và trường học tham dự sự kiện.

Chiến dịch “thứ Tư Đỏ” được tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ tổ chức lần đầu tại Anh vào năm 2016. Đây là lần thứ ba Philippines tổ chức sự kiện này. Ông Luciano nói thêm: “Chúng tôi muốn liên đới với các Kitô hữu không được may mắn như chúng tôi.”

Màu đỏ là màu tử đạo của Kitô giáo. Các nghiên cứu cho thấy các Kitô hữu tiếp tục là cộng đoàn đức tin bị bách hại nhất trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông và châu Phi.

Hoạt động chính của “Thứ Tư Đỏ” sẽ được tổ chức tại nhà thờ chính tòa Manila với Thánh lễ do Đức cha Pablo Virgilio David, phó chủ tịch Hội đồng Giám mục chủ sự. Sau phần phụng vụ, một chương trình ánh sáng và cầu nguyện đại kết sẽ được cử hành bên ngoài nhà thờ chính tòa. (Zenit 22/11/2019)

Giáo hội Mêxicô cử hành Ngày Giáo dân

Mêxicô

Chúa nhật lễ Chúa Kitô Vua, cũng là Ngày Giáo dân, hơn 10.000 giáo dân đã tụ họp trong Công viên trăm năm của Guanajuato, ở Silao Guanajuato để tận hiến cho Chúa Kitô Vua. Ngày Giáo dân được tổ chức vào cuối tuần thứ ba của tháng 11. Ngày tận hiến này do Ủy ban Giám mục cho giáo dân, trực thuộc HĐGM Mêxicô tổ chức.

Theo ban tổ chức: Sự tận hiến này với mục đích hướng đến hoàn cảnh thực tế của đất nước, vốn nổi lên một nền văn hóa chết chóc khủng khiếp từ mối đe dọa to lớn đối với sự sống, gia đình, các quyền tự do cơ bản. Hậu quả là cái chết của rất nhiều người vô tội dưới tay của tội phạm có tổ chức và tỷ lệ phá thai ngày càng gia tăng trong nước.

Trong Ngày Giáo dân, Đức cha Franco Coppola, Sứ thần Tòa Thánh, chủ tế thánh lễ. Ngoài ra còn có các sự kiện khác trong ngày như: hòa nhạc, chia sẻ các chứng từ.

Hội nghị thường niên của HĐGM Mêxicô đã nhất trí bỏ phiếu chọn Chân phước Anacleto González Flores làm Đấng bảo trợ Giáo dân và thành lập Ngày Giáo dân vào cuối tuần thứ ba của tháng 11, ngày lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ. Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích đã chấp thuận yêu cầu này.

Chân phước Anacleto González Flores, giáo dân người Mêxicô, đã bị giết vào ngày 01 tháng 4 năm 1927 cùng với ba thanh niên thuộc Phong trào Công giáo Tiến hành của Giới trẻ Mêxicô. Anacleto được phong chân phước vào ngày 20 tháng 11 năm 2005 tại Guadalajara, cùng với 12 vị tử đạo khác của “cuộc chiến Cristera”, là cuộc cách mạng Mêxicô diễn ra trong những năm từ 1920 đến 1930. (Fides 23/11/2019)

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

Thánh ca Tiếng Việt cất lên giữa Tokyo


Không khí tại Nhật Bản đang trùm bởi một màu "vui" khó tả. Đó không chỉ là niềm vui gặp gỡ, hiệp thông với Đức Giáo hoàng của người Công giáo Nhật mà cả của tín hữu Việt Nam tại Nhật. Ban Việt ngữ - Vatican News có buổi nói chuyện với cha Giuse Nguyễn Thanh Nhã, SJ – phụ trách giới trẻ Công giáo Việt Nam tại Nhật Bản.

Đức Thánh Cha ‘gõ cửa’ Nhật Bản

Vatican News Tiếng Việt: Nhật Bản vẫn được cho là một nước “đóng cửa” với dòng người di cư đang diễn ra trên thế giới. Sự “đóng cửa” này xuất phát từ nguyên nhân nào thưa cha?

Có nhiều nguyên nhân để nói về sự “đóng cửa” của nước Nhật đối với thế giới bên ngoài.

Trước hết đó là lý do địa lý. Nước Nhật bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, bị bao phủ xung quanh bởi biển. Vậy nên, nước Nhật vốn tự bản chất ít có tương tác với thế giới bên ngoài.

Kế đến là lý do chính trị. Do nhiều mâu thuẫn, hoài nghi nên nước Nhật đã duy trì chính sách “bế quan toả cảng” một thời gian dài cho đến thời Minh Trị. Có thể nói đây là 2 nguyên nhân dẫn đến việc nước Nhật dường như đi bên lề những chuyển biến của thế giới, đặc biệt vấn đề đón nhận người di cư.

Tuy nhiên thời gian gần đây có rất nhiều tổ chức xã hội ở Nhật đang kêu gọi chính phủ mở rộng cửa hơn để tiếp nhận những người di cư do chiến tranh, xung đột hay mâu thuẫn chính trị.

Vatican News: Theo nhiều bài viết thì có một cộng đồng Việt Nam khá đông đang sinh sống tại Nhật Bản. Vậy, sự hội nhập của tín hữu Công giáo Việt Nam vào Giáo hội địa phương như thế nào?

Theo thông kê gần đây nhất, người Việt ở Nhật đã lên tới con số 370.000, chỉ đứng sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Người Việt ở Nhật bao gồm nhiều thành phần người di dân của những năm 80, gần đây là du học sinh, tu nghiệp sinh, kỹ sư.

Nhìn chung tiếng Nhật là rào cản lớn nhất trong việc hội nhập vào xã hội Nhật. Tiếng Nhật là một trong nhưng thứ tiếng khó học nhất trên thế giới.

Phong tục tập quán của Nhật cũng khá khác biệt so với những nước châu Á xung quanh nên việc hội nhập tương đối khó. Người Nhật yêu chuộng sự ngăn nắp, rõ ràng trong công việc và các tương quan.

Tuy nhiên, nói như thế không phải là không thể hội nhập vào xã hội Nhật. Những người đến Nhật từ những năm 80 đã hội nhập vào văn hoá Nhật rất tốt. Nhìn chung, người Nhật có thiện cảm nhiều đối với Việt Nam.

Những năm gần đây do số lượng người Việt đến Nhật quá đông và các công ty, trường học đưa người sang Nhật nhưng chưa trang bị cẩn thận kiến thức cơ bản dẫn đến những khó khăn trong việc hội nhập văn hoá và đời sống ở Nhật. Điều đặc biệt là người Nhật rất không thích sự ồn ào. Người Việt Nam thì khá thoải mái về vấn đề này nên đôi khi làm họ mất thiện cảm phần nào.

Gần đây, người Việt Nam đến Nhật với tư cách là sinh viên, thực tập sinh, kỹ sư… Điều này mang lại bộ mặt mới cho xã hội Nhật nhưng cũng là một thách đố. Làm sao để giúp các bạn trẻ này thật sự tìm được tương lai của mình ở Nhật là câu hỏi lớn dành cho xã hội cũng như Giáo hội Nhật. Nhiều nhóm xã hội, thiện nguyện của nhà nước, chùa và nhà thờ cũng hình thành để giúp các bạn trẻ Việt Nam ở Nhật hội nhập tốt hơn và thành công hơn.

Giáo Hội Nhật cũng dần mở ra hơn với di dân, đặc biệt người Việt Nam. Các thánh lễ Chúa Nhật nhiều nơi được cử hành với nhiều ngôn ngữ. Tiếng Việt cũng được đưa vào phụng vụ như bài đọc tiếng Việt trong thánh lễ, các lời cầu nguyện…

Thánh Lễ của cộng đoàn người Việt 
tại nhà thờ Thánh Inhã ở Tokyo hôm 24/11

Vatican News: Trong chuyến viếng thăm tại Nhật, Đức Thánh Cha đề cập đến vấn đề “đón nhận người nhập cư” ra sao? Những lời chia sẻ của ĐTC có tác động như thế nào?

ĐTC luôn chủ trương đón nhận người di cư. Tuy nhiên, về phía xã hội Nhật mặc dù có những tiến bộ nhưng vẫn còn dè dặt. Đức Thánh Cha cũng đã đề cập đến vấn đề mở cửa đón nhận mọi người đặc biệt người nghèo, người di dân… Hy vọng thông điệp của Ngài sẽ giúp nước Nhật thay đổi nhiều hơn về mảng này.

Thánh ca Tiếng Việt được cất lên

Vatican News: Trong Thánh lễ do ĐTC chủ tế, cộng đoàn Công giáo Việt cũng đóng góp bài hát “Tán tụng Hồng ân”. Cha có thể chia sẻ sự tham gia của cộng đoàn người Việt trong chuyến viếng thăm lần này?

Ban tổ chức đề nghị tôi tìm 5 bạn trẻ Việt Nam để đại diện đi đón ĐTC tại toà Khâm sứ ngày 23/11, một người đọc lời nguyện và họ muốn mình hát một bài lúc hiệp lễ. Đề nghị này đến cũng khá bất ngờ.

Có một số lớn những người Việt đang sinh sống ở Nhật tham dự thánh lễ của ĐGH tại Nagasaki và Tokyo. Cũng có các phái đoàn từ Việt Nam sang với số lượng khiêm tốn hơn ở Thái Lan. Tuy nhiên, tất cả những ai hiện diện trong thánh lễ ở Tokyo Dome vừa qua đều xúc động khi nghe tiếng Việt vang lên trong thánh lễ. Đó là sự ưu ái của giáo hội Nhật dành cho người Việt.

Ca đoàn giới trẻ Việt Nam phụng vụ Thánh lễ 
do Đức Thánh Cha chủ tế tại Tokyo Dome ngày 25/11.

Trong quá khứ, cộng đoàn Việt Nam ở Nhật chịu nhiều thiệt thòi hơn các cộng đoàn khác như Philippines, Tây Ba Nha, Brazil… Hiện nay Dòng Tên Nhật Bản có trung tâm dành cho người nói tiếng Tây Ban Nha, người Philippines, người Đức, người Trung Quốc nhưng chưa có trung tâm dành cho người Việt.

Tuy nhiên, những năm gần đây với sự tăng trưởng số người Việt đến Nhật Bản, Giáo hội Nhật bắt đầu quan tâm hơn đến chúng ta. Dòng Tên Nhật Bản cũng bắt đầu nghĩ đến chuyện đẩy mạnh hơn hoạt động dành cho di dân, đặc biệt cho người Việt Nam.

Chúng ta cám ơn Giáo hội Nhật vì những nỗ lực của họ trong việc cố gắng đồng hành về thiêng liêng với giáo dân Việt Nam tại Nhật. Đồng thời tôi thiết nghĩ người Công giáo Việt Nam tại Nhật đang được mời gọi để làm chứng cho Chúa ngang qua đời sống của mình trong môi trường vốn đang bị thế tục hoá của Nhật.

Chúng con xin chân thành cảm ơn cha!

An Duyên - CTV Vatican News

Áo dài Việt Nam giữa trời Bangkok

Đoàn người trẻ Việt Nam trước Thánh lễ cùng Đức Thánh Cha tại nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Lên Trời - Bangkok
Đoàn người trẻ Việt Nam trước Thánh lễ cùng Đức Thánh Cha 
tại nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Lên Trời - Bangkok 

Ước tính có khoảng 6.000 người Việt Nam đến Thái Lan với mong muốn được tận mắt thấy Đức Thánh Cha. Áo dài, nón lá giữa Băng Cốc, người dân Công giáo Việt mong được Đức Thánh Cha một lần ghé thăm.

Ước tính có khoảng 6.000 người Việt Nam đến Thái Lan với mong muốn được tận mắt thấy Đức Thánh Cha. Áo dài, nón lá giữa Băng Cốc, người dân Công giáo Việt mong được Đức Thánh Cha một lần ghé thăm.

Nhiều giáo xứ, công ty du lịch đã tổ chức hành hương Thái Lan trong dịp Đức Thánh Cha ghé thăm từ ngày 19 đến 22 tháng 11. Sự hiện diện của Đức Thánh Cha tại Thái Lan không chỉ dành riêng cho xứ chùa vàng này mà cả quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á.

Trả lời BBC Tiếng Việt, Đức cha Nguyễn Thái Hợp nói rằng: Giáo hội Việt Nam đã nhiều lần đề nghị mời Đức Thánh Cha ghé thăm. Tuy nhiên, việc quyết định chính thức nằm ở nhà nước Việt Nam. Điều này không dễ bởi phụ thuộc vào tình hình chính trị hiện tại.

Giám mục đoàn Việt Nam cử hành Thánh lễ 
cùng Đức Thánh Cha Phanxicô tại Băng Cốc.

Tuy nhiên, người Công giáo Việt Nam vẫn hiệp thông trực tiếp khi có thể trong mỗi chuyến tông du của Ngài tại khu vực Châu Á. Tại Thái Lan lần này, nhiều người thể hiện niềm vui khó tả được nhìn thấy Đức Thánh Cha trên các trang mạng xã hội. “Hello Pope Francis, I’m Vietnam Youth” (chào ĐTC Phanxicô, chúng con là giới trẻ Việt Nam) – một video ngắn do các bạn trẻ quay lại khi được diện kiến ngài.

Dẫn đoàn giới trẻ Việt Nam trong chuyến hành hương, cha đặc trách Gioan Lê Quang Việt cho hay: “Nhận lời mời của Ủy ban Mục vụ Giới trẻ Thái Lan, các bạn trẻ khu vực Đông Nam Á đến với nhau trong niềm vui chào đón vị cha chung của Giáo hội. Đây cũng là dịp để người trẻ Á Châu quy tụ, gặp gỡ và chia sẻ niềm tin”.

Được biết, 40 bạn trẻ Việt Nam được vinh dự đại diện trong buổi gặp gỡ với Đức Thánh Cha. “Đồng hành với đoàn là một lời mời gọi để chúng mình học bước theo hành trình Emmaus của hai môn đệ xưa. Gặp gỡ Đức Thánh Cha sẽ giúp chúng mình cảm thấy thật gần với Giáo hội như Chúa Giê-su thật gần với hai môn đệ”, Hoàng Trần Thảo Vy (24 tuổi) chia sẻ.

Chuyến thăm của Đức Thánh Cha tới Thái Lan cũng gợi cho Giuse Phan Quyền, một bạn trẻ trong đoàn về việc lên đường và dấn thân truyền giáo của Giáo hội. “Hãy ra vùng ngoại vi để làm cho mọi người biết Chúa. Thái Lan là một cánh đồng truyền giáo ‘rất rất’ lớn mời gọi người trẻ bước ra khỏi vùng ngoại vi để đi xa hơn”, Quyền nói.

Phê-rô Trịnh Việt Tân chia sẻ: “Thái Lan là một đất nước có nhiều lễ hội, văn hóa đa dạng, ẩm thực đặc sắc, công nghệ quảng cáo và dịch vụ du lịch phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên cũng tồn tại những thách đố lớn lao đối với người Ki-tô hữu, nhất là các Ki-tô hữu trẻ khi sống giữa một môi trường có nhiều vấn nạn về luân lý tính dục, đạo đức sinh học và các thực hành ma thuật, phù chú cổ quái khác.”

Nếu có cơ hội nói với Đức Thánh Cha, một tâm tư rất chung của người Công giáo Việt Nam là: Giáo hội Việt Nam yêu mến Đức Thánh Cha, người trẻ Công giáo Việt Nam yêu mến Đức Thánh Cha.

“Chúng con hy vọng Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Việt Nam vào một ngày gần nhất, đặc biệt khi sang năm Giáo hội Công giáo Việt Nam kỷ niệm 60 năm Tông Hiến Venerabilium Nostrorum của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam”, Việt Tân nói với tâm tư là một người trẻ Công giáo Việt.

An Duyên - CTV Vatican News

Văn hóa dễ thương


“Dễ thương” là hạnh phúc lớn nhất của người được yêu và đang yêu, vì chỉ người biết mình được yêu rất nhiều mới biết mình dễ thương, và chỉ người đang yêu rất nhiều mới hiểu giá trị vời vợi của hạnh phúc “dễ thương” với mọi người.

Vì thế khi say nắng, có mấy tình nhân, nhân tình đã không dễ thương với nhau ? Và khi nồng nàn, cháy bỏng, chẳng đôi lứa nào đã hạnh phúc bên nhau mà thiếu lửa “dễ thương”.
Qủa thực, cái làm cho chúng ta dễ thương không phải là danh phận, chức quyền, của cải, vị thế xã hội, ngược lại, chính những cái vừa kể lại là nguyên nhân làm chúng ta trở nên “dễ ghét, khó thương”, bởi có chút danh phận thì dễ kiêu căng, lố bịch ; tanh tanh mùi quyền thì dễ phách lối, khinh người ; lờm lợm vinh hoa thì dễ sang chảnh, hợm hĩnh, để rồi “dễ thương” bị cắt xén, loại bỏ không tiếc thương.

Trong đời thường, biết bao người khi gặp lại, ta ngỡ ngàng, hụt hẫng khi nhận ra họ không còn “dễ thương như ngày nào, không còn dễ thương như ngày xưa”, và ở họ, dễ thương chỉ còn là chuyện qúa khứ, kỷ niệm của ngày đó qua rồi, hình ảnh nhạt phai của ngày ấy rất xa xôi, chứ hôm nay thì ôi thôi, “khó thương có hạng, dễ ghét có bằng cấp”. Và như thế, dễ thương chỉ có thể có trong trái tim yêu thương, ở con người biết mình đang được yêu thương.

Bởi trái tim có yêu thương, cái nhìn mới trong sáng dễ thương ; trái tim có chất ngất yêu thương, nụ cười mới tươi thắm dễ thương ; trái tim có chan hoà yêu thương, lời nói mới thân thiện dễ thương ; trái tim có rộn rã yêu thương, thái độ mới dễ thương hào sảng. Bởi có biết mình được yêu thương, tim óc mới rạng rỡ dễ thương, thái độ, cử chỉ mới ân tình dễ thương, và cuộc đời mới dễ thương tuyệt vời.

Thực ra, không ai sống mà có thể từ chối yêu, hay không để mình được yêu bởi người khác, vì tình yêu tuy ít ai học để thấu đáo, ít ai nghiên cứu để biết phải yêu thế nào, thương làm sao, nhưng không vì thế mà người ta tránh được sức mạnh luôn điều khiển, chi phối, ảnh hưởng trên mọi sinh hoạt đời người của tình yêu, bởi một lý do đơn giản nhưng căn bản, đó là con người được sinh ra từ tình yêu để không ngừng khao khát yêu và được yêu, như đòi hỏi và điều kiện tất yếu để hạnh phúc. Vì thế, dù có tất cả, nắm giữ tất cả, cai quản tất cả, làm nên tất cả, nhưng không yêu và không được yêu, người ta vẫn thấy mình thiếu thốn, khốn nạn, bất hạnh, vô phúc.

Nếu tình yêu quan trọng và cần thiết cho con người và đời sống đến mức độ không thể thiếu, thì chẳng ai có thể tự cho mình là người không yêu thương ai, và cũng không thể nói : chẳng được thương yêu bởi người nào. Ý nghĩ này qủa “không tưởng”, và là sản phẩm chính hiệu của ảo tưởng và kiêu căng, bởi tất cả mọi người tuy ít nhiều, cách này hay cách khác đều yêu và được yêu. Vấn đề là đã không biết mình yêu và được yêu, hoặc không công bằng, lương thiện nhận mình đang yêu và được yêu.

Vâng, không ai không yêu thương và không được thương yêu, vì tình yêu là quà tặng vĩ đại của Thượng Đế dành cho mọi người, và là kho tàng hạnh phúc tuyệt vời con người toàn quyền sử dụng và có khả năng trao tặng nhau, nên từ khước, chối bỏ tình yêu mình đang có, đang nhận, cũng như nhắm mắt, lạnh lùng làm lơ trước tình yêu mình nên trao dâng và tình yêu mình được nhận lãnh thiết tưởng là hành vi “đánh mất mình” trầm trọng và rất tội nghiệp, đáng thương.

Nhận ra mình “đang yêu và được yêu”, biết mình “đang thương và được thương” không những là điều kiện để sống hạnh phúc, mà còn là lý do để mình “dễ thương với chính mình” là người đang yêu thương, và “dễ thương với mọi người” là những người đang yêu thương mình. Với ý thức tình yêu, chúng ta sẽ hồn nhiên “dễ thương” với người thấp kém, bé nhỏ, yếu đuối hơn chúng ta, vì tình yêu đích thực mang nặng cảm thương và biết chạnh lòng ; với cảm thức tinh tế của người đang yêu, chúng ta đơn sơ “dễ thương” với những người cần đến mình, vì tình yêu chính danh mang theo lòng tốt, tình nhân loại ; với niềm vui dạt dào của người được yêu thương, chúng ta đằm thắm nhưng qủa cảm “dễ thương” với những người không mấy thiện cảm với mình, vì cây tình yêu qúy hiếm chỉ cho đời những bông hoa tuyệt đẹp, tuyệt xinh khi được chăm bẵm bằng qủang đại, bao dung ; và với hạnh phúc được mãi mãi yêu thương, chúng ta ân cần “dễ thương” với những người mà một đời “ơn sâu, nghiã nặng”, vì tình yêu đậm đà, sâu lắng niềm tri ân.

Mến chúc bạn luôn gặp trên đường đời những con người dễ thương, vì không gì hạnh phúc hơn được đồng hành với những bạn đường dễ thương. Chung đường bên đôi chân dễ thương của những con người dễ thương, đường đời sẽ bớt mệt nhọc, truân chuyên, chuyện đời sẽ bớt khó khăn, căng thẳng, và việc đời sẽ bớt nặng nề, nhiêu khê.

Nhưng để ước mơ được chắc chắn thực hiện, tôi với bạn, chúng ta cũng không ngừng cố gắng trở nên những bạn đường dễ thương, những con người dễ thương với tâm tình dễ thương, ngôn từ dễ thương, nụ cười dễ thương, ánh mắt dễ thương, cử chỉ dễ thương, nếp sống dễ thương, và cả một đời dễ thương khi không ngừng ý thức : tôi đang rất yêu và rất được yêu.

Jorathe Nắng Tím

Chớ vội vàng yêu, đừng dễ dàng nói câu “mãi mãi”


Vội vàng nào cũng có nguy cơ lầm lạc, nhưng trong những sự vội vàng diễn ra trên thế giới này, vội vàng yêu là một trong những điều ngu xuẩn nhất. Ai cũng khao khát yêu và được yêu, nên khi gặp được người nào đó có vẻ hợp, ta chẳng ngần ngại trao gửi tất cả: niềm tin, trái tim, thân xác… cùng những lời hứa hẹn sẽ “mãi mãi” bên nhau. Vội vàng như thế là chưa trân trọng đủ giá trị của tình yêu, còn hành xử theo phong trào hay cảm xúc, thậm chí, còn chưa nếm trải cách chân thực sự phũ phàng của cuộc đời và thời gian. Thời gian không phải là sáng chế của con người. Con người không làm chủ được nó. Nó không phải là sản phẩm ảo. Nó có thực và sức tàn phá của nó kinh khủng hơn những gì người ta có thể nghĩ tới. Bởi thế, những hứa hẹn có từ “mãi mãi” không nên dễ dàng thốt ra khi chưa suy xét cho kỹ, nếu không, chính nó sẽ dày xéo cuộc sống và trái tim mình.

Biết bao hối tiếc và đau khổ cũng do sự vội vàng này mà ra. Khi còn đắm chìm trong mật ngọt, người ta rất dễ ngộ nhận về cái gọi là yêu. Yêu không chỉ là cảm xúc nồng nàn thăng hoa. Nó còn bao gồm cả trách nhiệm, sự trao hiến, hy sinh… Vì thế, nó cần sự trưởng thành, bình tĩnh để suy xét cẩn thận. Cuộc sống cũng không đơn giản và luôn tươi đẹp như người ta nghĩ. Thời gian qua đi, với những lo lắng bộn bề và sức ép của mưu sinh, ý hướng của con người sẽ được tỏ lộ. Khi hạnh phúc và bình an, người ta nghĩ ra được vô vàn những từ hoa mỹ nhất để hứa hẹn. Khi một chút khổ cực xảy đến hay chỉ là khi thời gian trôi qua, người ta thậm chí còn không nhớ là mình đã nói những gì lúc trước.

“Mãi mãi” là một từ rất nguy hiểm mà những ai đã từng trải sẽ không nói mà không suy xét cho cẩn thận, bởi họ biết rằng để có thể tìm ra một tình yêu đích thực đủ sức đánh bại sự tàn phá của thời gian không phải là chuyện dễ. Thời gian có thể làm xoá nhoà mọi cảm xúc thăng hoa, có thể làm lòng người thay đổi, có thể làm người ta chán chường, muốn đi tìm cái mới. Những biến đổi của thời gian giúp người ta nhận ra rất nhiều sự thật phũ phàng đằng sau con người mà ta cứ ngờ là duyên trời, là định mệnh, là sinh ra để cho nhau. Phút ban đầu, mặn nồng với nhau, cứ ngỡ đó là yêu, nhưng sau một vài biến cố, ta phát hiện ra rằng đó chỉ là ích kỷ, là bù trừ, là một kiểu cảm xúc chóng qua mà thôi. Thế nên, “mãi mãi” với nhau đến răng long đầu bạc có khi chỉ là ảo tưởng và khó có thể đạt được. Sau nhiều lần như vậy, niềm tin bị đổ vỡ, ta tức khắc sẽ học được bài học xương máu cho bản thân.

Nơi chính con người ta cũng đôi khi có những thay đổi nào đó. Con tim phân làm đôi. Cứ ngỡ là đã yêu say đắm ai đó. Nhưng gặp một người khác, trái tim mình cũng rung động, một kiểu rung động không giống như trước. Đâu mới là yêu thực lòng? Câu “mãi mãi” mà ta dành cho người kia liệu có còn giá trị không? Có khi do bị cảm xúc chi phối, ta đã vội vàng hứa hẹn đủ điều, làm cho người ta hy vọng, đến khi phát hiện ra đó không phải là tình yêu, ta rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, tiến tới cũng không được mà chấm dứt cũng chẳng đành lòng. Một chữ “mãi mãi” thôi mà làm cho nhiều người phải đau khổ!

Hãy cứ yêu nhưng đừng vội vàng. Từ từ yêu và từ từ cảm nếm các mùi vị phong phú của nó. Khi nó được quan tâm, nó sẽ từ từ lớn lên và mang một giá trị vĩnh viễn. Đừng vội thề thốt, hứa hẹn đủ điều khi chưa cùng nhau trải qua một khoảng thời gian để kiểm chứng cảm xúc và thử thách tình yêu. Cũng đừng vì quá đau bởi cuộc tình nào đó mà yêu vội yêu vàng như để khoả lấp nỗi trống vắng hay trả thù đời. Lời thề hứa bên nhau mãi mãi không nên là những lời thốt ra một cách tự tiện, nhưng phải được diễn ra sau một cuộc suy xét, cân nhắc khi sự tin tưởng và những cảm nếm đã đạt được sự chín muồi.

Lời thề thuỷ chung và ở với nhau suốt đời không chỉ là một vài ngôn từ hứa hẹn hoa mỹ. Nó phải xuất phát từ khao khát cháy bỏng của con tim khi đã tìm được một người mà ta tin là cuộc sống của mình. Chỉ người nào phải thật xứng đáng mới được hưởng sự dâng hiến “mãi mãi” của ta. Và chỉ có tình yêu đích thật mới có đặc tính “mãi mãi” này. Nếu không, nó sẽ bị thời gian cùng những biến chuyển của nhân tình thế thái đánh bại. Vết tích còn lại sẽ chỉ là một nỗi hụt hẫng và niềm tin bị đánh mất. Ai cũng khao khát những giá trị vĩnh hằng, chỉ có điều những giá trị ấy không dễ tìm thấy nơi dòng chảy quá nhanh của kiếp nhân sinh đầy biến động hay nơi cõi lòng những người hời hợt và xem thường tình yêu. Bên cạnh một trực giác tinh nhạy, tình yêu luôn cần phải đi đôi với sự trưởng thành, ý thức đầy đủ và một sự can đảm. Sự “mãi mãi” trong tình yêu không phải là một ơn ban một lần cho tất cả. Để có được “mãi mãi”, cần những chút nhỏ dựng xây ở phút giây hiện tại này. Vì thế, đừng vội vàng yêu, đừng dễ dàng nói câu “mãi mãi” khi chưa ý thức được ý nghĩa sâu sắc và cái giá phải trả của những điều này.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi điện tín đến Chủ tịch nước và người dân Việt Nam



Hôm qua, 23-11-2019, Phòng Báo chí Toà Thánh thông báo trên chuyến bay từ thủ đô Thái Lan đến thủ đô Nhật Bản, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi điện tín đến Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và người dân Việt Nam.

Kính gởi Ngài Nguyễn Phú Trọng - Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam,

Nhân dịp bay ngang không phận Việt Nam trên đường đến Nhật Bản, tôi gởi đến ngài và người dân Việt Nam những lời chúc tốt đẹp nhất. Nguyện xin Thiên Chúa tuôn đổ hồng ân trên quý vị. Tôi cầu nguyện cho đất nước này được an bình và thịnh vượng.

Giáo Hoàng Phanxicô

Nam Định

ĐTC Phanxicô dâng Thánh Lễ tại sân vận động Bóng Chày, Nhật Bản

1574575156811.JPG

Sau khi dùng bữa trưa tại Tòa TGM, vào lúc 13 giờ 30, ĐTC đến sân vận động bóng chày Nagasaki để cử hành Thánh lễ. Trước khi lên xe, ĐTC chào cách đặc biệt 16 nhân viên làm việc tại đây.

Sân vận động bóng chày Nagasaki, được làm bằng gạch đỏ và trắng, kết cấu như đấu trường thời cổ với một loạt các vòm. Công trình bốn tầng được hoàn thành trong khoảng thời gian từ tháng 01 năm 1996 đến tháng 7 năm 1997, với chi phí 7,2 tỷ yên. Sân vận động có sức chứa hơn 25 nghìn chỗ ngồi; ngoài ra còn có khu liên hợp thể thao, bao gồm một sân tập trong nhà và một phòng triển lãm bóng chày địa phương.

Thánh lễ được cử hành theo phụng vụ Chúa nhật kính trọng thể Chúa Kitô Vua. Bài đọc thứ nhất được đọc bằng tiếng Nhật, bài đọc thứ hai tiếng Anh.

Mở đầu bài giảng, ĐTC trích dẫn một câu Tin Mừng Thánh Luca: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42).

ĐTC mời gọi các tín hữu “chúng ta hãy để cho tiếng nói của chúng ta hợp với tiếng kêu của người làm điều ác, người bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu, người đã nhận ra và tuyên bố Chúa là vua. Ở đó, trong giờ phút ít chiến thắng và vinh quang, giữa những tiếng kêu gào chế giễu và sỉ nhục, người phạm tội đã có thể lên tiếng và tuyên xưng đức tin của mình. Đây là những lời cuối cùng mà Chúa Giêsu lắng nghe; và đến lượt mình, Chúa cũng đã có những lời cuối cùng trước khi phó mình cho Cha: Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).

ĐTC giải thích: “Ngay lập tức, quá khứ không ngay chính của người trộm mang một ý nghĩa mới: đồng hành với cuộc khổ nạn của Chúa. Núi Sọ, một nơi đang diễn ra sự bất công, nơi của sự thờ ơ, nhạo báng được biến đổi. Tất cả nhờ vào thái độ của người trộm lành, mang lại hy vọng cho cả nhân loại. Những trò đùa cợt và tiếng kêu réo "tự cứu mình" trước những đau khổ của người vô tội không phải là những lời cuối cùng”.

Áp dụng câu chuyện của người trộm lành vào chính cuộc sống của mỗi người, ĐTC nói: “Hôm nay, ở đây chúng ta muốn làm mới lại đức tin và dấn thân của chúng ta. Như người trộm lành, chúng ta biết rõ lịch sử của những thất bại, tội lỗi và giới hạn của chúng ta, nhưng chúng ta không muốn điều này quyết định hiện tại và tương lai của chúng ta”.

“Vì thế, giống như người trộm lành, hôm nay, chúng ta muốn sống giây phút mà chúng ta có thể lên tiếng và tuyên xưng đức tin của mình, để bảo vệ và phục vụ Chúa, Người vô tội đau khổ. Chúng ta muốn đồng hành với nỗi thống khổ của Chúa, nâng đỡ Chúa trong lúc cô đơn và bị bỏ rơi. Và một lần nữa, chúng ta lắng nghe ơn cứu độ, đó là lời mà Chúa muốn ban cho mọi người: "Hôm nay anh sẽ ở cùng tôi trên thiên đường".

Tiếp đến, ĐTC nhắc đến Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo. Chính vì ơn cứu độ mà các thánh đã can đảm làm chứng bằng chính cuộc sống mình. Theo mẫu gương của các ngài, chúng ta muốn tiếp tục bước đi như thế, chúng ta muốn ra đi, tuyên xưng với lòng can đảm rằng tình yêu được Chúa Kitô trao ban, hy sinh và tôn vinh trên thập giá có thể vượt qua mọi hận thù, ích kỷ, sỉ nhục; có thể vượt qua bất kỳ sự bi quan biếng nhác hoặc mê ngủ trong an hưởng. Như Công đồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta: Chúng ta là công dân của cả hai đô thị, hãy nỗ lực chu toàn cách trung thành những bổn phận trần thế, và chu toàn dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm. Thực sai lầm cho những ai đang khi biết rằng chúng ta không có một quê hương trường tồn ở trần thế và đang phải kiếm tìm một quê hương hậu lai để rồi vì đó tưởng rằng mình có thể xao lãng các bổn phận trần gian” (Gaudium et spes, 43).

“Đức tin của chúng ta là tin vào Thiên Chúa của người sống. Chúa Kitô đang sống và đang hành động giữa chúng ta, hướng dẫn tất cả chúng ta đến cuộc sống viên mãn. Chúa Kitô đang sống và Người muốn chúng ta sống: đây là niềm hy vọng của chúng ta (Christus Vivit, 1). Mỗi ngày, chúng ta khẩn nài: Lạy Chúa, xin cho Nước Chúa trị đến. Và khi làm như vậy, chúng ta cũng muốn cuộc sống và hành động của chúng ta trở thành một lời khen ngợi. Nếu sứ mệnh của chúng ta là môn đệ truyền giáo, làm chứng và loan báo những gì sẽ đến, thì điều này không cho phép chúng ta cam chịu trước sự dữ, nhưng thôi thúc chúng ta trở thành men của Nước Chúa. Cho dù chúng ta ở đâu: trong gia đình, tại nơi làm việc, trong công ty, hãy là một lối mở nhỏ, trong đó Thánh Thần tiếp tục thổi bùng niềm hy vọng giữa các dân tộc”.

“Nước Trời là mục đích chung của chúng ta, một mục tiêu không chỉ cho tương lai, nhưng chúng ta khẩn nài và bắt đầu sống Nước Chúa ngay hôm nay. Chúng ta phải biết rằng, sự thờ ơ và im lặng đang bao quanh chúng ta, người già và người tàn tật, người bị bỏ rơi, người tị nạn và người lao động nước ngoài; tất cả đều là bí tích sống động của Chúa Kitô, Vua của chúng ta (Mt 25,31-46). Như thế, nếu chúng ta thực sự xuất phát lại từ việc suy ngẫm Chúa Kitô, chúng ta sẽ biết cách nhìn thấy trong khuôn mặt của những người này chính Chúa muốn đồng hóa với họ ( Novo millennio ineunte, 49). Trên Núi Sọ, nhiều tiếng nói im lặng, rất nhiều người nhạo báng; chỉ có tên anh trộm lành biết cách đứng lên và bảo vệ người vô tội đau khổ: một hành động can đảm tuyên xưng đức tin. Tùy thuộc vào việc mỗi chúng ta quyết định giữ im lặng, chế giễu hoặc nói lời ngôn sứ”.

Kết thúc bài giảng ĐTC khuyến khích các tín hữu: “Anh chị em thân mến, Nagasaki đã để lại trong tâm hồn anh chị em một vết thương khó lành, một biểu hiện của đau khổ không thể giải thích được của rất nhiều người vô tội; nạn nhân của các cuộc chiến tranh trong quá khứ nhưng ngày nay vẫn phải chịu đựng. Tại đây, chúng ta lên tiếng, cùng nhau cầu nguyện cho tất cả những người còn đang phải chịu đau khổ trong thân xác, tội này kêu thấu trời cao. Chúng ta cùng nhau cầu nguyện để cho ngày càng có nhiều người, giống như người trộm lành, không im lặng hoặc chế giễu, nhưng nói lời ngôn sứ bằng tiếng nói của chính mình cho một vương quốc của sự thật và công lý, của sự thánh thiện và ân sủng, của tình yêu và hòa bình”.

Thánh lễ được tiếp tục và phần lời nguyện tín hữu được đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Tagalog, Nhật và Việt Nam. Cuối Thánh lễ Đức cha Joseph Mitsuaki Takami, TGM Nagasaki có lời cám ơn ĐTC.

Nhắc nhau bảo vệ môi trường


Từ khi sống ở trời Âu, tôi mới nhận thức rõ hơn: Tại sao Châu Âu và người dân ở đây luôn ý thức bảo vệ môi trường? Họ được học, được tập và được nhắc nhở từ thuở đến trường. Lớn lên một chút, lời căn dặn ấy trở thành thói quen. Đó còn là cách hành xử của người lịch sự. Điều này quan trọng, vì khi bước vào xã hội, môi trường kinh tế, kinh doanh sản xuất và trong mọi lãnh vực, họ thường ý thức môi trường xanh sạch là xu thế toàn cầu. Bởi đó, những sản phẩm thân thiện với thiên nhiên, những công ty ít tác động đến môi trường thường được nhà nước và người dân ủng hộ. Hơn nữa, từ khi Giáo Hội Công Giáo ban hành Tông Huấn Laudato si’”, người ta lại càng nhắc nhau bảo vệ môi trường hơn.

Đối với người Việt, có lẽ từ Latinh trên đây khá lạ lẫm. Nếu hiểu nghĩa nó, thì thử hỏi mấy ai nhắc nhau bảo vệ môi trường bằng cụm từ này? Dẫu sao, Laudato si’ có nghĩa là: Chúc tụng Thiên Chúa. Đó là tên chính của Tông Huấn được Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố ngày 18 tháng 6 năm 2015. Bên dưới Tông Huấn có phụ tựa: Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Ngoài ra, Laudato si’ cũng gợi cho người đọc nhớ đến một vị thánh nổi tiếng thân thiện và luôn chăm sóc thiên nhiên: Thánh Phanxicô Assisi. Chẳng hạn bài ca về Thiên Nhiên nổi tiếng của ngài âm vang: “Chúc tụng Chúa, lạy Thiên Chúa của con, ngang qua người Chị của chúng con, Mẹ Trái Đất, là người duôi dưỡng và điều hành chúng con, và là người sản sinh ra nhiều hoa trái khác nhau với nhiều loại hoa muôn sắc và cỏ cây.” (Laudato si’ số 1).

Tôi không muốn đi vào nội dung Tông Huấn, vì chúng ta có thể dễ dàng tìm đọc bản Tiếng Việt trên Internet hoặc trong sách. Ở đây, điều thú vị là nếu chúng ta nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường, thì ngôi nhà chung Việt Nam của chúng ta sẽ tốt hơn nhiều. Sẽ là thoái lui nếu cứ mang thành kiến: nhắc nhau thì được gì, quan trọng là làm. Đúng vậy! Nhưng trước khi hành động, người ta cần ý thức và nhắc nhau về một vấn nạn khủng hoảng môi trường đang xảy ra. Từ đó chính người nhắc cũng có thêm động lực để bảo vệ môi trường nơi những điều cụ thể. Hãy tưởng tượng từ thuở học sinh, các em được thầy cô dạy bảo, nhắc nhở và tập cho những việc làm nho nhỏ bảo vệ thiên nhiên; từ từ các em sẽ có thói quen gìn giữ ngôi nhà chung của chúng ta. Đúng là thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi đó nguyền rủa bóng đêm. Bắt đầu từ suy nghĩ, từ bản thân và từ gia đình!

Chắc có người cho rằng nhắc nhau như thế cũng chẳng đi đến đâu, bởi môi trường thiên nhiên ở Việt Nam hiện quá ô nhiễm. Các thông tin báo chí thường đưa tin đây đó ô nhiễm nguồn nước, không khí và thực phẩm. Vì các dự án, nhiều hàng cây xanh bị chặt hạ, nhiều cánh rừng biến mất. Vì nhiều tư lợi, các công ty ô nhiễm vẫn ngang nhiên hoạt động, xả thải. Hoặc chính mỗi người cũng cảm thấy môi trường bị ô nhiễm đang bào mòn sức sống người Việt. Nhiều người đùn đẩy trách nhiệm ấy cho nhà nước. Bởi, để giải quyết vấn đề này cần mang tầm mức quốc gia. Điều ấy đúng! Nhưng thực tế mỗi người, mỗi gia đình cũng có thể làm được chút nào đó góp phần bảo vệ môi trường. “Hãy cùng nhau Laudato si’!”

Tại nhiều nước tiên tiến, người ta đánh giá mức độ văn minh của một người khi nhìn vào cách người ấy đối xử với môi trường như thế nào. Xả rác bừa bãi dĩ nhiên là một người bất lịch sự. (Có khi trong lời nói cũng đầy rác thải). Gây tổn hại đến thiên nhiên, nơi công ích cũng là người thiếu văn minh. Lãng phí khi sử dụng đồ ăn, thức uống cũng là người chưa văn hóa. Vài ví dụ ấy cho thấy cung cách sống thân thiện với thiên nhiên là xu hướng đang được người ta để tâm tập tành. Có thể ý tưởng này chưa phổ biến ở Việt Nam, nhưng đã đến lúc trẻ em cần được dạy bảo, người lớn cần sửa đổi, nếu thấy mình đang “có lỗi” với thiên nhiên.

Khi nhắc nhau bảo vệ môi trường, chúng ta cũng tránh được thái độ thờ ơ với người khác và thiên nhiên. Tôi nhớ nhiều lần chúng bạn (có khi cả chính tôi) nói rằng: người ta có bảo vệ thiên nhiên đâu, nên tôi cũng chẳng cần làm. “Ai làm sao, tôi làm vậy” không còn hợp thời nữa! Nhất là trong khi chung sống với Mẹ Thiên Nhiên, nhiều người làm sai, nhưng tôi hẳn là không muốn đi vào lối mòn ấy. Nói thì dễ, nhưng để thay đổi không phải một sớm một chiều. Tuy vậy, cần nhắc nhau, cần nói trên phương tiện truyền thông, cần bàn trong những kế hoạch dự án, cần tạo nên làn sóng bảo vệ môi trường. Khi đó, nhân loại, cách riêng là người Việt, mới có hy vọng được hít thở bầu không khí trong lành, được sử dụng nguồn nước trong sạch và môi trường sống xanh tươi.

Nếu người Việt ngả mũ khen nước Nhật là văn minh, phát triển và xanh sạch, thì chúng ta nhớ họ đã từng nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường. Họ đã từng là nước ô nhiễm trầm trọng, nhất là sau hai cuộc thế chiến. Tuy nhiên, ngoài chính sách vĩ mô, tại Nhật “có hàng nghìn tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường, hàng trăm tờ báo chuyên về môi trường, về xử lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học. Khắp nơi đâu đâu cũng có các thông điệp về bảo vệ môi trường, tràn ngập trên các dãy phố, trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, tác động vào nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân Nhật Bản về tình yêu đối với môi trường và cuộc sống, vì một màu xanh cho thế hệ mai sau.[1] Ngoài ra, giáo dục về vấn đề này ở trường lớp cũng nằm trong chính sách của cả nước Nhật. Nếu người Việt cũng muốn hưởng môi trường sống như thế, mỗi người cần bắt đầu với việc nhắc nhau và chung tay làm những điều có thể.

Đó là ước mơ của mỗi người. Trước khi nói đến phát triển, làm giàu và tương lai, phải chăng môi trường nhiên nhiên, ngôi nhà chung vốn tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người, lại không quan trọng hơn sao. Ước gì mỗi người tập nhắc cho em nhỏ, nhắc chính mình và bạn bè hãy yêu quý thiên nhiên. Từ đó, chúng ta tin rằng có rất nhiều ý tưởng, sáng kiến trong việc làm mới lại môi trường đang ô nhiễm này.

Tôi muốn kết thúc chủ đề này với lời nguyện thật đẹp của Tông Huấn Laudato si’ – Một lời cầu nguyện cho trái đất của chúng ta:

Lạy Thiên Chúa toàn năng,
Cha đang hiện diện trong toàn thể vũ trụ
và trong các loài thọ tạo nhỏ bé nhất của Cha.
Cha ôm lấy tất cả mọi sự đang hiện hữu
bằng sự dịu dàng của Cha.
Xin đổ tràn trên chúng con sức mạnh của tình yêu Cha,
để chúng con có thể bảo vệ sự sống và vẻ đẹp.
Xin đổ tràn đầy sự bình an trên chúng con,
để chúng con có thể sống như những anh chị em,
mà không làm hại một ai.
Ôi lạy Thiên Chúa của người nghèo, xin giúp chúng con
biết cứu người bị bỏ rơi và bị lãng quên của trái đất này,
vốn quá quý giá trước nhan thánh Cha.
….

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Caritas Việt Nam: Thực trạng con em di dân Việt Nam


“Con rất muốn được đi học!” Chuyện tưởng chừng đơn giản và dễ thực hiện với các em học sinh, nhưng lại là ước mơ rất thực của con em di dân. Bởi, việc đến trường đối với con em di dân nghèo quả là niềm mơ ước và khó thực hiện.


Một lần đến thăm khu nhà trọ di dân, chúng tôi mới thấu hiểu được chuyện muốn đi học của con em di dân là điều không tưởng. Người ta tính, cứ trung bình mỗi hộ thuê trọ thì có hai đứa trẻ trong độ tuổi từ mầm non đến THCS nhưng không có một trẻ nào được đến trường, trừ một vài em từng được động viên ra lớp tình thương, xoá mù chữ. Không những thế, vì cha mẹ phải đi làm quần quật, không có thời gian bên cạnh chăm sóc con. 

Giáo hội không thể làm ngơ trước hoàn cảnh những người đang bị thiếu thốn và bị bỏ rơi. Trong thông điệp “Bác Ái trong Chân lý” của Đức Thánh Cha Bênêđictô nói rằng: Di dân là người có những quyền căn bản bất khả nhượng phải được trân trọng nơi mọi người và trong mọi hoàn cảnh (x. số 62). Trẻ em di dân cũng là những em bé mọn cần được yêu thương và quan tâm.

Trước thực trạng con em của các gia đình di dân, Caritas Việt Nam cùng với các giáo phận, các dòng tu, trung tâm – mái ấm phần nào đáp lại lời mời gọi của Giáo hôi là đón tiếp anh chị em di dân, cùng cộng tác để mở các lớp tình thương, các lớp học phổ cập để phần nào thực hiện ước mơ được tiếp tục đi học của trẻ di dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ấy.

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

Tin Mừng Chúa nhật 34 năm C- Chúa Kitô Vua vũ trụ


Phúc Âm: Lc 23, 35-43
"Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: "Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn". Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi". Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: "Người Này Là Vua Dân Do Thái".

Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: "Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa". Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp: "Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".