Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Tin Mừng Chúa nhật II mùa Chay - Năm B

PHÚC ÂM: Mc 9, 1-9 (Hl 2-10)
"Đây là Con Ta rất yêu dấu".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?"
Nguồn: http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=9804

Thư Mục tử Mùa Chay 2015


Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20150226/29675

Giới thiệu sách: “Tình yêu là sứ mệnh của chúng ta – để gia đình được sống dồi dào”




“Tình yêu là sứ mệnh của chúng ta – để gia đình được sống dồi dào”

Giáo lý chuẩn bị Đại hội Thế giới các Gia đình 2015


WHĐ (27.02.2015) – Trong khung cảnh Giáo hội toàn cầu đang hết sức quan tâm đến ơn gọi và sứ vụ gia đình, vì “tương lai của nhân loại đi ngang qua gia đình”(Familiaris Consortio, 86), Đức Thánh Cha Phanxicô đã triệu tập hai Thượng Hội đồng Giám mục liên tiếp bàn về gia đình: Khoá ngoại thường thứ ba đã diễn ra vào tháng Mười năm ngoái, và Khoá thường lệ thứ 14 sẽ nhóm họp tại Roma vào tháng Mười sắp tới. Hơn nữa, Đại hội Thế giới các Gia đình lần thứ VIII –diễn ra ngay trước Khoá họp thường lệ này của Thượng Hội đồng–, với chủ đề “Tình yêu là sứ mệnh của chúng ta – để gia đình được sống dồi dào” lại càng nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình đối với xã hội.

Đại hội Thế giới các Gia đình lần thứ VIII được tổ chức tại Philadelphia, Hoa Kỳtừ ngày 22 đến 27 tháng Chín 2015. Để chuẩn bị cho Đại hội này, Tổng giáo phận Philadelphia đã soạn thảo Tập sách Giáo lý chuẩn bị:

“Tập giáo lý này giải thích giáo huấn công giáo về tính dục, hôn nhân và gia đình vốn phát xuất từ niềm tin cơ bản, tin vào Chúa Giêsu. Tập giáo lý này bắt đầu với trình thuật tạo dựng, trình bày tóm tắt về sự sa ngã và những thách đố chúng ta đang đối diện, nhưng nhấn mạnh kế hoạch của Thiên Chúa để cứu độ chúng ta. Tình yêu là sứ mệnh của chúng ta. Chính tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân đem đến cho chúng ta sự sống dồi dào.

Trong tập giáo lý này, chúng tôi cố gắng trình bày giáo huấn công giáo theo cách mới mẻ, rõ ràng, dễ hiểu đối với người công giáo hôm nay và tất cả những ai thành tâm thiện chí… Chúng tôi hy vọng các bài giáo lý mới này trình bày cho anh chị em vẻ đẹp và tính xuyên suốt của giáo huấn công giáo, vốn là sự khôn ngoan cao cả tuyệt vời, và nguồn mạch dồi dào để canh tân trong mọi thời đại, kể cả thời đại chúng ta” (Trích Lời mở đầu).

Tập Giáo lý chuẩn bị gồm 10 bài: (1) Được dựng nên để chung hưởng niềm vui; (2) Sứ mệnh yêu thương; (3) Ý nghĩa tính dục con người; (4) Hai nên một; (5) Tạo dựng tương lai; (6) Mọi tình yêu đều mang lại hoa trái; (7) Ánh sáng trong một thế giới tăm tối; (8) Một mái ấm cho những trái tim mang thương tích; (9) Bản chất và vai trò của Hội Thánh: Là người mẹ, người thầy, gia đình; (10) Chọn sự sống.

Mười bài giáo lý này –với các câu hỏi thảo luận cuối mỗi bài– có thể dùng để học hỏi, sống và chia sẻ trong gia đình, giữa các gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ, trong vòng mười tháng, cho đến tháng Chín 2015.

Tập Giáo lý chuẩn bị đã được Uỷ ban Mục vụ Gia đình trực thuộc HĐGMVN chuyển ngữ sang tiếng Việt (Nhà xuất bản Tôn Giáo, 156 trang khổ 13,5 x 20 cm, giá bìa: 20.000đ).

Quý độc giả có nhu cầu mua sách xin liên hệ:

Uỷ ban Mục vụ Gia đình – Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam

72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, Tp.HCM;

ĐT: (08) 3820.5242; ĐTDĐ: 090 632.5382;

Email: vpbmvgiadinh@hotmail.com

WHĐ
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/gioi-thieu-sach-%E2%80%9Ctinh-yeu-la-su-menh-cua-chung-ta-%E2%80%93-de-gia-dinh-duoc-song-doi-dao%E2%80%9D/6784.63.8.aspx

Thư giới thiệu nhân sự mới của Uỷ ban Giáo dục Công giáo

Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/thu-gioi-thieu-nhan-su-moi-cua-uy-ban-giao-duc-cong-giao/6782.55.4.aspx

Hồng y Kriengsak nói ‘chủ nghĩa thế tục’ là bộ mặt của quỷ dữ

Hồng y Kriengsak nói ‘chủ nghĩa thế tục’ là bộ mặt của quỷ dữ thumbnail
Hồng y Francis Xavier Kriengsak Kovithavanij của Bangkok nói chuyện với CNA (Ảnh: Andreas Dueren/CNA)
Thách thức chính của Giáo hội ngày nay là chủ nghĩa thế tục, theo Đức Hồng y Phanxicô Xavier Kriengsak Kovithavanij của Bangkok, ngài gọi đó là hiện tượng khuôn mặt của quỷ dữ trong thế giới hiện đại.
“Nó không chỉ là một thách thức đối với Giáo hội châu Á … tất cả thế giới đang phải đối mặt với những thách thức của chủ nghĩa thế tục,” Đức Hồng y Kriengsak nói.
“Chủ nghĩa thế tục là cách thức mới để ma quỷ hiện mình trong thế giới hiện đại”, và ngài nói thêm rằng các thế lực quỷ dữ có một ngoại hình hấp dẫn, chứ không phải là kỳ cục: “nó dường như đối với những người theo chủ nghĩa thế tục là một con quỷ đẹp, không phải là quỷ dữ”.
Đức Hồng y người Thái thừa nhận “có những điều tốt đẹp trong văn hóa hiện đại”, nhưng mặt khác “mọi người đang quá dễ dãi với làn sóng của chủ nghĩa thế tục … và điều này không chỉ diễn ra ở châu Á, và chủ nghĩa thế tục không chỉ ảnh hưởng đến người Công giáo”.
Đức Hồng y Kriengsak được sinh ra ở Ban Rak, Thái Lan, vào năm 1949, học Tiểu chủng viện thánh Giuse ở Sampran, sau đó học Đại học Giáo hoàng Urban ở Rôma. Ngài thụ phong linh mục tại Tổng Giáo phận Bangkok năm 1976, và phục vụ trong nhiều giáo xứ. Ngài cũng đã từng là viện trưởng hoặc phó viện trưởng của nhiều chủng viện Thái, và cũng là giáo sư. Năm 2007, ngài được tấn phong làm Giám mục Nakhon Sawan, và vào năm 2009 được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Bangkok.
Đức Hồng y Kriengsak là một trong 20 vị giám mục người được phong hồng y ngày 14 tháng Hai tại Vatican. Ngài là một trong 15 người, ở độ tuổi dưới 80, sẽ được bỏ phiếu bầu chọn giáo hoàng; ngài cũng là một trong ba vị hồng ý của châu Á vừa mới được phong.
Đức Hồng y nhận xét “Tôi tin rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thấy rằng châu Á là một lục địa của Thiên Chúa so với các châu lục khác, và vì vậy đây là thời điểm cho châu Á, như Đức Thánh cha Phanxicô đã nhấn mạnh”.
Các hồng y Châu Á khác được phong lần này là Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn của Hà Nội và Tổng Giám mục Charles Bo của Yangon.
Đức Hồng y Kriengsak nhấn mạnh, “Tất cả chúng tôi làm việc cùng nhau trong Liên Hội đồng Giám mục châu Á và chúng tôi có rất nhiều hoạt động mục vụ với nhau”.
Ngài nói thêm, “năm 2007, tôi phát hiện ra rằng ba triệu người tị nạn đến từ Miến Điện sinh sống tại Thái Lan … họ sẽ không được phép tị nạn, nhà nước Thái Lan không giúp gì cho họ, nhưng họ đã ở đó”.
Điều này dẫn đến sự hợp tác đặc biệt giữa ngài và Hồng y Bo: “Tôi được khuyến khích để triệu tập hội đồng giám mục ở Miến Điện, và vì thế chúng tôi thành lập một nhóm nghiên cứu hợp tác giữa các giám mục Thái Lan và Miến Điện.”
Sống ở Thái Lan, nơi Kitô hữu chỉ là thiểu số, những ưu tiên của Hồng y Kriengsak là về đối thoại liên tôn giáo, loan báo Tin Mừng, và giáo dục Công giáo.
Ngài giải thích “Giáo hội Công giáo tại Thái Lan cố gắng để xây dựng các nhịp cầu, chúng tôi cố gắng để giáo dục dân chúng, tăng cường giáo giục để có thể đi ngược lại với những con sóng xã hội”.
Khoảng 93% người Thái theo đạo Phật, và năm phần trăm là người Hồi giáo. Kitô giáo, hầu hết họ là người Công giáo, ít hơn một phần trăm dân số.
Đức Hồng y Kriengsak kể lại “từ năm 2012 Thượng Hội đồng về Tân Phúc Âm hóa, chúng tôi đã chủ yếu tập trung vào lời chứng của cuộc sống. Đầu tiên chúng tôi làm chứng đời sống Kitô hữu ngang qua cuộc sống của chúng tôi, và sau đó chúng tôi có thể loan báo Tin Mừng. Tất cả mọi thứ sẽ đến, nhưng trước hết sự cần thiết đó là để làm chứng về sự sống trong các nhóm nhỏ của gia đình Kitô giáo.”

Andrea Gagliarducci cho CNA/EWTN News 
Đăng lại từ: http://vietnam.ucanews.com/2015/02/26/hong-y-kriengsak-noi-chu-nghia-the-tuc-la-bo-mat-cua-quy-du/

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Thánh ca: "Tâm Tình Hiến Dâng/A Gift of Love/Don de Amor" by Oanh Sông Lam (Vietnamese/English/Spanish)




Xuất bản 25-12-2014
Text: Vietnamese by Oanh Sông Lam; English tr. by Rufino Zaragoza, OFM;
Spanish tr. by Pedro Rubalcava. Text and music © 1972, 2011, Nguyễn Văn Oanh.
Published by OCP, 5536 NE Hassalo, Portland, OR 97213. All rights reserved.

Published in OCP Choral Octavo Packet #73 (October 2012).
Recording: http://ocp.org/products/30114133
Printed Octavo Edition (shipped): http://ocp.org/products/30108087
Digital Octavo Edition (downloadable): http://ocp.org/products/30113297

Choir: OCP Session Singers with Choir Members from Our Lady of La Vang Parish, Portland, OR
Soloist: Lê Quốc Tuấn
Pianist: Rick Modlin
Producer and Studio Conductor: James Denman
Engineer: Mike Moore
Executive Producer: Kevin Walsh

Cover: The Chapel in Hatsal Youth Ministry Institute, Seoul, Korea.
Photo by Tâm Bùi Nguyên. Used with permission.

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 19/02-25/02/2015: Câu chuyện N...



Xuất bản 25-02-2015
• Lòng can đảm lựa chọn Chúa mọi ngày
• Đừng bao giờ dùng Thiên Chúa như bình phong cho sự bất công
• Cần cấp thiết đem tình huynh đệ vào lòng xã hội ngày nay
• Trở về với Chúa với tất cả con tim
• Mùa Chay là mùa chiến đấu chống tội lỗi và những tính hư nết xấu
• Bên cạnh đó là câu chuyện Ðức Giêsu và các trẻ em và câu chuyện Nước Trời của linh mục nhà văn Nguyễn Tầm Thường.

Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

ĐGM giáo phận Orange, Kevin W. Vann, chủ tế thánh lễ cầu bình an tại giáo xứ Tân Phú Sàigòn



“Ngày đầu xuân con dâng lên Thiên Chúa chí tôn, lời cảm mến chúc khen Cha chí lành - cảm tạ Chúa - Chúa đã ban thêm một mùa xuân, mùa xuân sáng tươi hy vọng cho mọi người trên dương gian”.

Những lời thánh ca mùa Xuân tưng bừng và đầy chân thành, vang lên trong ngôi thánh đường GX Tân Phú, TGP Sài Gòn, thay cho lời kinh cảm tạ của cộng đoàn dân Chúa trong ngày mồng Một Tết Ất Mùi, thứ Năm 19/ 02/ 2015. Hồng ân nối tiếp hồng ân: Thánh lễ giao thừa do ĐTGM Sài Gòn, Phaolô Bùi Văn Đọc cử hành; và 7 giờ sáng hôm nay, ĐGM giáo phận Orange, Kevin W.Vann, lại tiếp tục xông đất để chủ tế Thánh lễ cầu bình an trong năm mới.


Nhiều tín hữu ở Việt Nam đã biết ĐGM Kevin W.Vann qua đĩa Gloria Giáng sinh 2014, mà ngài là một nhạc sĩ đã đệm đàn piano cho nghệ sĩ hát bài Mùa Đông Năm ấy năm tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập giáo xứ Đức Mẹ La Vang, một giáo xứ có tên tiếng Việt đầu tiên trên đất Hoa Kỳ. 

Lúc 6g45 cha chánh xứ Tân Phú, Giuse Lê Đình Quế Minh đã tiến ra cổng để chào mừng ĐC Kevin W.Vann và quý vha Phanxicô Vũ Thế Toàn, Dòng Tên; cha Giuse Nguyễn Tiến Đình, quận Cam California trong nỗi vui mừng và xúc động.

Đoàn đồng tế có ĐC Kevin W.Vann, cha chánh xứ Giuse, cha Phanxicô Vũ Thế Toàn, cha Giuse Nguyễn Tiến Đình và ba cha phụ tá Tân Phú đã đi vòng quanh khuôn viên trước khi bước vào thánh đường dâng lễ.

Trước lễ, cha chánh xứ Giuse đã thay mặt cộng đoàn GX Tân Phú để gởi lời chào mừng đến Đức Cha và quý cha bằng tiếng Anh. 

ĐC phát biểu đầu lễ, được Cha Phanxicô chuyển ngữ tiếng Việt: “Thật là một hồng ân lớn lao của Chúa ban cho anh chị em hôm nay, và tôi trong chuyến hành trình đầu tiên đến châu Á, đầu tiên đến Việt Nam, và đây cũng là Thánh lễ minh niên đầu tiên của tôi tại chính đất nước Việt Nam này. Tôi xin gửi lời chân thành đến anh chị em đã đến cùng hiệp dâng Thánh lễ, và giờ đây, chúng ta hãy thật lòng sám hối để xứng đáng cử hành Thánh lễ.”

Cha Phanxicô Vũ Thế Toàn chia sẻ trong bài giảng lễ: “Thật là phúc đức cho chúng ta trong lễ Minh Niên sáng nay, chúng ta quy tụ về đây trong tình thương của đại gia đình GX Tân Phú, để Tạ ơn Chúa, để dâng lên những tâm tình ao ước nhất cho Chúa và để trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong ngày đầu năm.

Là năm Mùi nên chúng ta xin Chúa cho chúng ta niềm mơ ước tương quan để chúng ta nhìn xem năm Dê trong Thánh Kinh, trong đời sống, trong phúc đức, trong đời thường và Dê của những khoảnh khắc chúng ta nên Thánh để xem cái Dê đó có đi vào đời sống của chúng ta hay không?

Loài Dê là loài mắn đẻ, chúng ta thấy phúc đức của Chúa trao cho chúng ta trong bản Hiến Chương Nước Trời để chúng ta nghiền ngẫm và đưa Lời Chúa vào cuộc sống tất bật hằng ngày của chúng ta và những tinh túy tâm linh trong bản Hiến Chương ấy sẽ hướng dẫn cuộc sống chúng ta.

Năm nay nhắc nhở chúng ta đến với Chúa và trân qúy bản chất con người trong từng giây phút để chúng ta trở nên thánh thiện….”

ĐC đã ban phép lành cho các cháu nhỏ lên rước Chúa và ban Phép lành cho một số chị đang mang thai. Số người rước lễ quá đông kéo dài tới 15 phút và cha Phanxicô phải chia Bánh Thánh nhỏ ra mới đủ cho cộng đoàn rước lễ.

Cuối lễ, ông Chủ tịch HĐMV GX Tân Phú ngỏ lời chân thành cám ơn ĐC Kevin W.Vann, quý cha đồng tế, quý xơ, quý chức, quý tu sỹ và toàn thể cộng đoàn, ông kính biếu ĐC và quý cha những bức tranh quang cảnh quê hương Việt Nam với nét vẽ hiền hòa và thơ mộng.

Trong lời đáp từ, được cha Giuse Nguyễn Tiến Đình chuyển ngữ, ĐC Kevin W.Vann nói: “Năm nay, tôi mừng 34 năm thụ phong linh mục và mừng 10 năm Giám mục. Từ đáy lòng và trong suốt những năm là chủng sinh tôi đã biết những người Việt Nam của chúng ta, đặc biệt khi chuyển đến vùng Texas Hoa Kỳ là tiểu bang có đông người Việt thì tôi biết nhiều về người Việt Nam hơn và tôi được khánh thành nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là nhà thờ lớn nhất ở bên Mỹ. Đối với Việt Nam, đây là Thánh lễ đầu tiên tại đây. Sau khi kết thúc, tôi trở về TGP Sài Gòn và tiếp tục ra Hà Nội tham dự một số sự kiện Văn hóa. Tôi rất ấn tượng với các bạn trẻ vì các bạn rất năng động, nhìn các bạn, tôi lại nhớ đến các bạn trẻ của tôi ở bên Mỹ…” Sau đó ĐC nói bằng tiếng Việt: “Chúc mừng Năm Mới, năm Ất Mùi.”

Thánh lễ kết thúc lúc 8g45 sau khi ca đoàn Giuse và cộng đoàn hát bài kết lễ “Hoan ca mùa xuân”. Tuy là mùng Một Tết, nhưng không thấy ai vội về nhà ngay vì mọi người còn đang lưu luyến không khí thánh lễ minh niên rất đặc biệt này.


Phương Nga/Lê Tân
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/134328.htm

Đức giám mục Angaelos, Giáo hội Chính thống Copt: Tôi tha thứ cho ISIS

WHĐ (24.02.2015) – Ngay cả theo các tiêu chuẩn tàn bạo của ISIS, đoạn video chiếu cảnh hai mươi mốt Kitô hữu Copt bị ISIS chặt đầu tại một bãi biển ở Libya là rất khủng khiếp.

Các Kitô hữu trên khắp thế giới đã bày tỏ nỗi kinh hoàng và phẫn uất về vụ sát hại này. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi các nạn nhân là những người “tử vì đạo”, và cái chết thê thảm của họ sẽ đoàn kết cộng đồng Kitô hữu đang bị tan nát.
Tuy nhiên, đáng chú ý là một giám mục Copt đã nói rằng ngài tha thứ cho những người đã hành quyết các Kitô hữu.
Đức giám mục Angaelos, vị lãnh đạo Giáo hội Chính thống Copt ở Vương quốc Anh, hiện đang ở Washington hôm thứ Sáu 20-2 để dự lễ nhậm chức của vị tân đại sứ lưu động Hoa Kỳ đặc trách tự do tôn giáo là ông David Saperstein, đã giải thích với CNN lý do tại sao ISIS nhắm vào các Kitô hữu Copt, và tại sao ngài đã tha thứ cho họ, mặc dù vẫn không chấp nhận hành vi tàn ác của họ.
– Điều đầu tiên mà Đức cha nghĩ đến khi nghe nói về vụ ISIS giết hại các Kitô hữu Coptic là gì?
– Tôi nghĩ rằng tôi đã có cảm giác đó là điều không thể tránh khỏi. Chúng tôi biết rằng điều đó sẽ xảy ra bởi cách ISIS đưa tin về những người bị họ bắt, phô diễu họ trên video. Và mọi chuyện đã được dàn dựng. Thật là sốc khi thấy điều đó lại có thể xảy ra trong thế kỷ 21 này.
Nhưng chúng ta cũng đã thấy sức mạnh và lòng dũng cảm của những người này, và số lượng tin nhắn và các cuộc gọi chúng tôi đã nhận được để chia buồn, bày tỏ tình đoàn kết và trợ giúp là rất nhiều. Tội ác này không chỉ là một tội ác chống lại các Kitô hữu Copt. Đó là một tội ác chống nhân loại, và nếu có điều gì chúng ta phải bênh vực với tư cách là con người, thì trước hết và trên hết phải là sự thánh thiêng của sự sống con người.
– Không lâu sau khi đoạn video được phát tánĐức cha đã đưa lên Tweeter dòng tweet về vụ hành quyết này vớihashtag #FatherForgive. Có phải Đức cha có ý nói rằng đã tha thứ cho ISIS?
– VângCó vẻ như điều này không thể tin được đối với một số độc giả của quý vị, nhưng là một Kitô hữu và là thừa tác viên của Chúa Kitô, tôi có trách nhiệm với bản thân mình và trách nhiệm hướng dẫn người khác đi vào con đường của sự tha thứ. Chúng tôi không tha thứ cho hành động này vì hành động này thật tàác. Nhưng từ tận đáy lòngchúng tôi tha thứ cho những kẻ giết người. Nếu không, chúng tôi sẽ bị lòng căm giận và thù hận huỷ diệtĐiều đó trở thành một vòng xoáy bạo lực vốn không có chỗ đứng trong thế giới này.
– Đức cha và nhiều người khác đã công khai xin ISIS phóng thích các Kitô hữu Coptnhưng họ lại bị sát hại một cách dã man. Làm sao Đức cha vẫn tin vào Thiên Chúa vào vào lời cầu nguyện sau một kết quả khủng khiếp như vậy?
– Từ lâu rồi tôi đã học biết rằng khi cầu nguyện, là cầu nguyện để có một kết quả tốt nhất, mà không cần biết kết quả đó ra sao. Tất nhiên, tôi đã cầu nguyện xin cho họ được an toàn. Nhưng tôi cũng cầu nguyện rằng, khi thời điểm đến, họ sẽ có được bình an và sức mạnh để vượt qua. Tôi không thay đổi cái nhìn của mình về Thiên Chúa khi mà 21 người này đã chết theo cách ấy. Họ đã hy sinh, nhưng từ đó đã phát sinh nhiều điều. Họ khiến cho cả thế giới chú ý đến những nguy hiểm đang chực chờ những người bị gạt ra bên lề, không chỉ là người Kitô hữu, nhưng còn là người Yazidi và những người khác nữa ở Trung Đông.
– Đây không phải là lần đầu tiên ISIS nhắm vào các Kitô hữu Copt. Theo Đức cha tại sao lại như thế?
– Trong đoạn video, họ cáo buộc quân viễn chinh Copt đã buộc các phụ nữ cải đạo sang Thiên Chúa giáo; điều này hoàn toàn vô căn cứ và không đúng sự thật. Các Kitô hữu Copt không thuộc về đội quân Thập tự chinh ban đầu và hiện nay cũng vậy. Chúng tôi đã sống một cách hoà bình và không bao giờ cm vũ khí hoặc ép buộc ai phải cải đạo. Nhưng họ cần biện minh cho các hành vi bạo lực và họ đã đưa ra các lý do này.
– Đức cha đang ở Washington để gặp các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. Họ phải làm gì trước việc ISIS đang bức hại các Kitô hữu và các cộng đồng tôn giáo khác?
– Tôi muốn thấy tất cả chúng ta cùng hướng tới nghĩa vụ bảo vệ quyền con người nói chung, bởi vì khi chúng ta chia thành các cơ quan, tổ chức khác nhau thì đổi thay nào cũng sẽ bị manh mún. Nếu nhìn vào quyền của mỗi cá nhân, quyền được Thiên Chúa phú ban, mọi người chúng ta phải cùng nhau đấu tranh để bảo vệ bất kỳ ai đang bị bức hại ở bất cứ đâu. Tất nhiên, hiện nay phần lớn các cuộc bức hại đều nhắm vào các Kitô hữu ở Trung Đông và cần phải nói đến điều này. Nhưng, là một Kitô hữu, tôi sẽ không bao giờ hài lòng nếu chỉ bảo vệ quyền lợi của các Kitô hữu. Chúng ta phải giúp đỡ tất cả mọi người.
(CNN)

Minh Đức
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/duc-giam-muc-angaelos-giao-hoi-chinh-thong-copt-toi-tha-thu-cho-isis/6767.57.7.aspx

#WeAreN: Chúng Tôi Là Kitô Hữu



Vài năm gần đây, các nhóm phiến quân Hồi giáo, hậu thân của Al-Qaeda, ở vùng Syria, Iraq đã thực hiện những cuộc khủng bố và tàn sát nhắm vào Kitô hữu và những nhóm thiểu số... Với thời gian và tham vọng, từ những nhóm phiến quân rời rạc, hung bạo chúng hội tụ dưới ngọn cờ màu đen biểu tượng cho cuộc thánh chiến đã trưởng thành trong thời gian kỷ lục. Bằng những phương thức dã man, chúng gây kinh hoàng cho các binh sỹ Iraq và Syria, và chớp nhoáng đã dành quyền kiểm soát và thống trị cả một khu vực rộng lớn thuộc lãnh thổ Iraq và Syria.

Ngày 30-06-2014, Abu Muhammad al-Adnani, phát ngôn viên của tổ chức Nhà Nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) thông báo một Nhà Nước Hồi giáo đã được thành lập trên khu vực tây bắc Syria đến đông bắc Iraq, và Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh tụ của nhóm, sẽ trở thành “Caliph Ibrahim”, tức “Giáo chủ Hồi giáo”. 

Nhà nước Hồi giáo, tiếng Anh gọi là “Islamic Caliphate”, là một khối Hồi giáo được lãnh đạo bởi người tự xưng (hoặc được tuyển cử) kế vị của tiên tri Muhammad. Nhân vật này được gọi là “Caliph”, thường được dịch là “Giáo chủ Hồi giáo”, đó là nhân vật lãnh đạo có quyền hành tuyệt đối trên cả hai lãnh vực thần quyền và thế quyền không giới hạn lãnh thổ, biên cương. Nhà nước Hồi giáo được cai trị bằng luật Sharia nghiêm nhặt. Gần đây nhất, cha Canon Andrew White, tổng đại diện Anh Giáo tại thủ đô Baghdad nói với tờ The Independent của Anh hôm 8 tháng 12 rằng bọn khủng bố Hồi giáo IS đã chặt đầu bốn trẻ em theo đạo Kitô vì chúng không chịu cải đạo sang Hồi giáo.

Các cộng đoàn Công Giáo hiện diện trên vùng đất này từ thế kỷ thứ nhất với dấu chân truyền giáo của các thánh Tông đồ, trước khi khối Hồi giáo Ả rập xuất hiện vào thế kỷ thứ sáu. Với sự tàn bạo không lượng, và tham vọng không tưởng, họ đã xem các Kitô hữu là đối tượng khủng bố. Hằng trăm ngàn Kitô hữu đã phải trốn chạy lìa bỏ quê hương của mình tỵ nạn ở các quốc gia láng giềng. Chúng phổ biến “tối hậu thư” buộc Kitô hữu hoặc phải cải đạo sang Hồi giáo, hoặc phải đóng thuế thật nặng, hoặc phải bỏ sự nghiệp, nhà cửa mà ra đi. Nhà nước Hồi giáo đã cho sơn trước nhà của các Kitô hữu một mẫu tự Ảrập (ن) tương tự như mẫu tự “N” trong hệ thống chữ Latinh (phát âm như “nūn”). Mẫu tự đó có nghĩa “Nasara” hoặc “Nazaren”, có nghĩa là Kitô hữu mang nặng tính miệt thị. Sau khi sơn nhà cửa của các Kitô hữu với dấu hiệu này, các thành phần khủng bố ra tay cướp đoạt, tiêu diệt và tàn sát. Những tu viện, thánh đường cổ kính từ thế kỷ thứ tư ở Syria và Iraq bị đốt sạch. Cờ màu đen của Nhà nước Hồi giáo được gắn trên các nóc giáo đường thay cho Thánh giá. Thật đau lòng khi nghe Tổng Giám mục nghi lễ Chaldean, Bashar M Warda nói: “Lần đầu tiên sau hơn 1600 năm, tháng Sáu vừa qua, thành phố Mosul không có thánh lễ.” 



Nhà của Kitô hữu được đánh dấu chữ ن.

Thế rồi người ta thấy trên các trang mạng xã hội xuất hiện một “hashtag” #WeAreN, có nghĩa “chúng tôi là những Kitô hữu”. Và ngay sau đó người ta khám phá rằng Jeremy Courtney, một người Hoa Kỳ đang sống và làm việc cho một tổ chức tư nhân Hoa Kỳ tại Iraq, là tác giả của “hashtag” #WeAreN độc đáo và giàu ý nghĩa này. Cứ như thế hằng trăm ngàn ngườì tham gia các trang mạng xã hội như Twitter, FaceBook dùng nó thay cho “profile” của mình như hình thức hỗ trợ cho anh chị em Kitô hữu đang bị bách hại ở Iraq và Syria và cũng là một cách thế tuyên xưng đức tin của mình. Đúng vậy, các Kitô hữu khắp nơi đã đứng dậy trong tình liên đới với các anh chị em mình đang ở “nơi than khóc”, hay “chốn lưu đày”. Ngay cả những người tín đồ Hồi giáo thiện tâm, hiền hòa vẫn sát cánh bên các Kitô hữu. Họ cũng xuống đường mang biểu ngữ đòi hỏi quyền tự do cho những Kitô hữu. Một điều lạ kỳ là những người Kitô hữu đã dùng mẫu tự nguyên hàm chứa một sự sỉ nhục, bách hại dưới con mắt của Nhà nước Hồi giáo biến nó trở thành dấu hiệu của một niềm hãnh diện và tình liên đới. Như Kitô hữu đã bước theo Thánh giá, vì Chúa Kitô đã biến thập tự, biểu tượng của nhục hình, thành dấu hiệu của chiến thắng vinh quang.

Các nhà hoạt động đấu tranh cho tự do tôn giáo đòi hỏi các chánh quyền phương Tây hãy lưu ý đến thân phận của những Kitô hữu ở vùng Trung Đông. Nhiều nơi, những người biểu tình cũng đã mang những chiếc áo có chữ ن. 



Biểu tình tuyên xưng “Chúng tôi là Kitô hữu”

Tiếng nói của những anh em Kitô hữu ấy cần được cộng đồng quốc tế lắng nghe. Các tín hữu đã kêu cứu trong tình trạng tuyệt vọng, đại diện Tòa Thánh đã không ngừng sử dụng các diễn đàn ngoại giao để cổ võ cho một giải pháp tốt đẹp cho các tín hữu và những người bị áp bức. Các Kitô hữu cũng có cùng những nhân quyền như bất cứ công dân nào khác và căn cước tôn giáo của họ không thể là cớ để họ bị kỳ thị ngay trên quê hương họ. Bởi vì sự bất công và tàn nhẫn ấy nó quá lớn để những ai dù ở thân phận, địa vị nào đều phải thấy cần làm điều gì đó ngăn cản làn sóng bạo lực này.

Đức Tổng Giám Mục Tomasi, Đại diện Thường trực của Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc tại Genève phát biểu rằng: “Tòa Thánh đã tích cực dấn thân qua tiếng nói của Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã không tiếc bất cứ cố gắng hay lời lẽ nào nhằm nói rằng con đường hợp lý duy nhất cho tương lai là con đường đối thoại và thương thuyết, để người ta có thể sống chung với nhau, tôn trọng nhau, thậm chí nhìn nhận các dị biệt của nhau, nhưng phải thừa nhận nhân tính nền tảng mà tất cả chúng ta đều có.”

Đặc biệt trong chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 28 tháng Mười Một, Đức GH Phanxicô đã nhân dịp này đã kêu gọi “chấm dứt mọi hình thức quá khích và khủng bố đã hủy diệt phẩm giá con người và lợi dụng tôn giáo.” Một cách cụ thể, Ngài đã quan tâm một cách sâu sắc về hành động man rợ xảy ra ở Syria và Iraq. Theo quan điểm của Ngài, trong khi chiến tranh chính đáng cho phép có những hành động quân sự để “chặn đứng những kẻ xâm lược bất chính,” đồng thời giải pháp tối thượng đáp trả cho bạo lực phải dựa trên cam kết hỗ tương để xây dựng hòa bình bằng công lý.

Đức GH và TP Barthôlômeô cũng đã ra một bản thông cáo chung kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khu vực hãy nỗ lực trợ giúp những nạn nhân của Nhà nước Hồi giáo, và đặc biệt tạo điều kiện để cho những Kitô hữu đã hiện diện trong vùng gần 2000 năm được ở lại quê hương của họ. Các ngài cũng kêu gọi mỗi người thiện chí hãy không ngừng cầu nguyện cho tình trạng của những người anh em đau khổ ấy. 

Và thảm trạng này không có dấu hiệu gì sẽ chấm dứt trong thòi gian sắp tới. Những Kitô hữu hôm nay là nạn nhân của những phán lệnh của những nhóm Hồi giáo cực đoan, một phần bởi vì họ không được bảo vệ bởi những cộng đồng Hồi giáo ôn hòa chính thống. Theo nghĩa đó, sự phát sinh các nhóm cực đoan như Boko Haram ở Phi Châu và ISIS là một bất hạnh của nhân loại, nhưng xem ra cũng rất “tự nhiên”, vì nó là hệ quả tất yếu do sự thất bại của cộng đồng Hồi giáo trong việc giải quyết nền tảng thần học của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. 

Gần đây, sự tàn nhẫn của các nhóm Hồi giáo cực đoan đã buộc các nhà lãnh đạo Hồi giáo phải lên tiếng. Đó là những tiếng nói lẻ loi, muộn màng và hiếm hoi nhưng thực sự cần thiết. Vào ngày 11 tháng Mười Hai, các học giả Hồi giáo đã tham dự cuộc hội thảo hai ngày tại Đại Học Al-Azhar, Ai Cập về đề tài “Chống Chủ Nghĩa Cực Đoan và Khủng Bố.” Trong cuộc hội thảo, một Giáo Sĩ người Nigeria, Sheikh Ibrahim Saleh al-Hussaini, đã kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo Hồi giáo cùng tuyên bố các thành viên của ISIS là những người “vô đạo.” Tín hữu Hồi giáo gây chiến tranh chống lại người Hồi giáo khác là kẻ “vô đạo.” Tuy thế lời kêu gọi của ông không được hội nghị hưởng ứng và đồng ý. 

Sự kiện bách hại này nhắc chúng ta, giáo dân Công Giáo Việt Nam, nhớ đến nỗi đau thương thời đạo Công Giáo bị bách hại trên quê hương. Lúc vua quan bắt giáo dân phân sáp, cấm cố, hễ ai quá khoá, là bước qua hình Thánh giá, thì quan truyền đem ra khắc hai chữ “nguyên đạo”, có ý ban khen kẻ ấy đã tuân lịnh vua mà bỏ đạo Chúa. Ngược lại những ai vững lòng kiên trung tuyên xưng đức tin, không chịu quá khoá, thì quan truyền khắc hai chữ “tả đạo” có ý phỉ báng đạo Chúa là tà đạo. 

Riêng chúng ta ở trong một quốc gia tự do, dân chủ, chúng ta không phải chịu những hình thức bách hại nghiệt ngã như tình trạng ở Syria hay Iraq. Câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta có vì quan điểm chính trị, xã hội mà vất bỏ “căn tính” Kitô hữu của chúng ta hay không? Một số người Kitô hữu, một thời đã khai trên lý lịch của mình là “không Tôn Giáo”, một số ngần ngại nhìn nhận, tuyên xưng mình là người Kitô hữu. Vì công ăn việc làm, vì mối liên hệ đảng phái, chính trị, xã hội một số Kitô hữu đã không ngại từ bỏ lập trường tôn giáo của mình để được yên ổn, sợ tẩy chay, sợ phiền hà. Cũng bằng nhiều cách thế khác nhau, chúng ta làm ngơ hoặc vô tình ủng hộ những chính sách đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội.

Nhưng các bạn và tôi, chúng ta phải là những chứng nhân sống động của Chúa Kitô. Các Kitô hữu ở những nơi khác bị bách hại vì đã và đang làm chứng cho Chúa bằng chính sinh mạng của mình, còn chúng ta chỉ phải làm chứng bằng cách sống trung thành và chu toàn tuân giữ giáo huấn của Chúa Kitô và của Giáo Hội Ngài. Chúng ta phải sống và thực hành những nguyên tắc này mỗi ngày: khi chúng ta thực hiện nghĩa vụ công dân qua việc bỏ phiếu, lúc chúng ta đi mua sắm, hoặc khi chúng ta làm việc tại công xưởng, bệnh viện… Tôn giáo và nhà nước sẽ luôn mãi là hai thực tại cách biệt nhưng luôn có những tác động hỗ tương. Có những lúc xã hội, hay các tổ chức trần thế muốn áp đặt quan điểm của xã hội lên tôn giáo, hoặc muốn loại bỏ ảnh hưởng của tôn giáo trên xã hội. Đó chính là lúc xã hội cần có những Kitô hữu sẵn sàng làm vai trò chứng nhân can đảm và sống động ngay ở giữa đời. Với ảnh hưởng trên môi trường sống và làm việc, chúng ta làm chứng cho Chúa Kitô một cách sống động và hiệu quả. Giống như muôn người phản ứng lại sự tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo, họ gióng lên tiếng nói và đòi hỏi chính quyền sở tại quan tâm giúp đỡ những người bị áp bức lưu đày. Đó cũng là là trách nhiệm của mỗi người chúng ta trong những gì chúng ta có thể làm: “Cầu nguyện, hành động, yểm trợ.”



Cầu Nguyện, Hành động, Yểm trợ. Chúng tôi là Kitô hữu.

Chắc chắn nếu Chúa hỏi chúng ta: “Abel, em của con ở đâu?” Chúng ta không muốn trả lời như Cain ngày xưa: “Con đâu phải là người giám hộ của em con.” Sáng Thế 4,9.


Nguyễn Viết Tấn
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/134284.htm

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Video: Giáo Hội Năm Châu: 17/02 – 23/02/2015



Xuất bản 22-02-2015
Chương trình hôm nay sẽ gởi đến quý vị và anh chị em những tin chính sau đây:
• Tòa Thánh phủ nhận tin có âm mưu ám sát Đức Thánh Cha tại Phi Luật Tân
• Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Syria kêu gọi các tín hữu ở lại Trung Đông
• Thống kê về những người bước vào đời thánh hiến tại Hoa Kỳ
• Thủ tướng Do Thái kêu gọi người Do Thái trở về đất nước sau cuộc tấn công một hội đường Do Thái tại Đan Mạch
• Các Giám Mục Ấn tố cáo âm mưu của chính quyền muốn biến Kitô hữu thành công dân hạng hai
• Lệnh ngưng bắn tại Ukraine

Giáo Hội có thêm một vị Tiến sĩ Hội Thánh



VATICAN -- Đức Thánh Cha sẽ tôn phong Tiến sĩ Hội Thánh cho Thánh Gregorio làng Narek người Armeni.
Hôm 21-2-2015, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Đức Hồng y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, và đã phê chuẩn quyết định của các Hồng y và Giám mục thành viên của Bộ trong khóa họp toàn thể về việc tôn Thánh Gregorio làng Narek làm Tiến sĩ Hội Thánh. Đây là vị Tiến sĩ thứ 36 của Giáo Hội.
----------
Thánh Gregorio làng Narek sinh năm 950 tại làng Narek thuộc cộng hòa Arméni trong một gia đình văn sĩ và mồ côi mẹ khi còn nhỏ. Thân phụ của ngài là Cha Khosrov sau này trở thành Tổng Giám mục. Gregorio cùng với em là Gioan được thân phụ ủy thác cho một người họ hàng là bà Anania Narek để chăm sóc. Bà cũng là người đã lập ra trường học và làng Narek.
Lớn lên, Gregorio đi tu làm Đan sĩ, rồi thụ phong Linh mục và trở thành Viện phụ một Đan viện. Ngài sống rất khiêm tốn và bác ái, dấn thân làm việc và cầu nguyện, đầy lòng kính mến Chúa Giêsu và Đức Mẹ.
Cha Gregorio là một thần học gia nổi bật và là một trong những thi sĩ quan trọng nhất của nền văn chương Arméni. Trong số các tác phẩm của ngài có cuốn chú giải Sách Nhã Ca, nhiều bài tán tụng Chúa và Đức Mẹ, cùng với một bộ sưu tập 95 kinh nguyện dưới hình thức thơ phú gọi là “Narek” cũng là tên Đan viện nơi ngài sinh sống. Ngài qua đời năm 1010, thọ 60 tuổi. Mộ của thánh nhân trở thành nơi thu hút các tín hữu đến hành hương cho đến năm 1915 là thời kỳ cuộc tàn sát của Thổ nhĩ kỳ chống dân Arméni.
Trung thành với truyền thống Giáo Hội thánh Gregorio có lòng sùng mộ sâu xa đối với Đức Mẹ và theo lưu truyền Ngài đã được Đức Mẹ hiện ra. Trong số các tác phẩm của ngài, đặc biệt có bài tụng ca Đức Trinh Nữ Maria và kinh nguyện số 80 mang tựa đề “Từ thẳm sâu tâm hồn, chuyện vãn mới Mẹ Thiên Chúa”. Trong kinh nguyện này, ngài cũng đào sâu mầu nhiệm Nhập Thể, kín múc từ đó những điểm để chúc tụng vẻ đẹp của Đức Mẹ.
Giáo Hội Công Giáo la tinh đã nhìn nhận sự thánh thiện của thánh Gregorio và gọi ngài là vị trổi vượt về đạo lý, các tác phẩm và khoa học thần bí. Lễ kính thánh nhân vào ngày 27-2 hằng năm. Giáo Hội Arméni ghi tên ngài vào số các vị Tiến sĩ. (SD 23-2-2015)
Giuse Trần Đức Anh, O.P
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20150224/29660

Lễ Tro tại Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn

WGPSG -- Vào lúc 17g thứ Tư, ngày 18.2.2015, Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã long trọng chủ tế Lễ Tro, khai mạc mùa Chay 2015, tại Nhà thờ Chánh tòa Tổng Giáo phận Sài Gòn.
Đồng tế với ngài có Đức Giám mục Kevin Vann, Giám mục Giáo phận Orange California-USA, và quý linh mục gồm: cha GB Huỳnh Công Minh, cha Giuse Vương Sĩ Tuấn, cha Phêrô Đỗ Duy Khánh, cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, Cha Giuse Hoàng Ngọc Dũng, Cha Giuse Nguyễn Tiến Bình (thư ký Đức cha Kevin Vann) và cha Phanxicô Vũ Thế Toàn, S.J. cùng đông đảo giáo dân tham dự.   
Trong bài giảng lễ, Đức TGM Phaolô chia sẻ cặn kẽ cho cộng đồng dân Chúa về các điểm sau: Lễ Tro hôm nay đã khai mạc mùa Chay Thánh. Qua các bài đọc và bài Tin Mừng, chúng ta lưu ý những tâm tình sau:
- Tâm tình trở về với chúa, vì chúng ta là kẻ có tội, đã đi hoang, xa rời Chúa. Nay chúng ta đáp trả lời Chúa kêu gọi trở về để nhận sự tha thứ của Chúa, vì Ngài luôn chờ đón ta với niềm vui lớn trong tim Ngài.
- Tâm tình hòa giải mà Thánh Phaolô đã mời gọi chúng ta làm hòa với Chúa tuy chúng ta chẳng đáng gì. Thiên Chúa đã đi bước trước khi Ngài ban cho ta Người Con duy nhất của Mình để trở thành hiện thân của tội lỗi loài người.
- Tâm tình mùa Chay Thánh: Ai trong chúng ta cũng biết về thân phận mỏng dòn, tro bụi của mình, nhưng khi gặp cạm bẫy trần gian thì lại tưởng mình là tồn tại vĩnh cửu.
- Do đó, mùa Chay Thánh giúp ta cần làm các điểm sau đây dể giúp ta hòa giải với Thiên Chúa và đáp lại lời mời gọi của Ngài:
Ăn chay và hãm mình, mà hãm mình là cần thiết để giúp ta biết thắng bớt lại những nhu cầu vật chất, tránh xa tội lỗi. Hãy cầu nguyện nhiều, vì khi đó, chúng ta đến với Chúa, muốn thú thật là con yêu Chúa tuy là kẻ có tội, và sẽ được Chúa tha thứ. Chỉ có cầu nguyện mới làm đức tin ta sống động hơn. Hãy làm phúc và bố thí.
Trước khi ban phép lành cuối lễ, ngài chúc Tết cộng đoàn được nhiều sức khỏe và thành công.      
NHÀ THỜ CHÁNH TÒA SG: KHAI MẠC MÙA CHAY

Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc Mùa Chay


WHĐ (21.02.2015) – Như mọi năm, vào chiều thứ Tư lễ Tro 18-02, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự cuộc rước sám hối từ tu viện Thánh Anselmô của Dòng Bênêđictô đến nhà thờ Thánh Sabina của Dòng Đa Minh, với sự tham dự của các nhân viên Phủ giáo hoàng và các cộng đoàn tu sĩ tại đồi Aventinô. Sau đó, Đức Thánh Cha đã cử hành Lễ tro và xức tro.

Bài giảng của Đức Thánh Cha dựa trên các bài đọc của Thánh lễ. Tiên tri Joel, được Chúa giao cho sứ vụ kêu gọi dân chúng sám hối: Chỉ một mình Chúa mới có quyền tha thứ không giáng họa, nên phải cầu nguyện và ăn chay, phải thú nhận tội lỗi để cầu xin Người điều ấy. Tiên tri “nhấn mạnh sự hoán cải nội tâm và lời kêu gọi trở về với Chúa với tất cả trái tim... có nghĩa là thực hiện cuộc hoán cải trong tận đáy lòng chúng ta, chứ không phải chỉ dốc lòng cách hời hợt thoáng qua. Trái tim được coi là trọng tâm của sự chọn lựa của chúng ta”.

Rồi Đức Thánh Cha nhắc đến hình ảnh của vị tư tế – theo tiên tri Joel – vừa cầu nguyện vừa than khóc: “Vào đầu Mùa Chay này, thật là tốt đẹp khi chúng ta cầu nguyện trong than khóc, đặc biệt là các linh mục. Chúng ta hãy xin ơn biết than khóc, để làm cho sự hoán cải của chúng ta nên thực lòng hơn và bớt phần giả hình”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Mỗi người trong chúng ta, phải tự hỏi mình có khóc khi cầu nguyện không. Nhưng phải phân biệt tiếng khóc bên ngoài với tiếng khóc của con tim”. Thời tiên tri Joel, việc thực hành bố thí, cầu nguyện và ăn chay đã trở thành hình thức và thậm chí còn được đề cao trong xã hội... Nhưng những kẻ giả hình không biết khóc. Họ đã quên mất cách khóc, thậm chí họ còn không biết phải khóc như thế nào và chẳng bao giờ xin ơn biết than khóc. Mỗi khi chúng ta làm điều tốt, trong lòng chúng ta liền nảy sinh mong muốn được yêu thích hay khen ngợi, và chúng ta tự hào về điều đó. Nhưng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy làm điều tốt mà không phô trương và chỉ mong chờ phần thưởng nơi Chúa Cha là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn. Chúa không ngừng xót thương và tha thứ cho chúng ta, chúng ta cần được Chúa tha thứ biết bao. Người kêu gọi chúng ta trở về với Người với một quả tim tinh khiết, thanh tẩy bằng nước mắt, để được thông phần niềm vui với Người.

Thánh Phaolô giải thích làm sao để đáp lại lời kêu gọi làm hoà với Thiên Chúa. Giải hoà không phải chỉ là nỗ lực của con người. Việc chúng ta giải hòa với Thiên Chúa và với anh em mình chỉ có thể thực hiện được nhờ lòng thương xót và tình yêu của Chúa Cha, Đấng đã không tiếc gì Người Con duy nhất của mình...

Chính trong Người mà chúng ta mới có thể nên công chính; chúng ta hãy tận dụng dịp này để đón nhận ân sủng của Người. Xin anh chị em hãy dừng lại và để cho Thiên Chúa giúp chúng ta giải hoà.

Nghi thức xức tro nhắc chúng ta nhớ mình là tro bụi và chúng ta sẽ trở về bụi tro. Khi nhận tro, chúng ta được nghe nhắc lại lời Chúa Giêsu kêu gọi hoán cải và tin vào Phúc Âm. Đó là lời nhắc nhở về sự thật của sự hiện hữu: Chúng talà những thụ tạo có giới hạn, là những tội nhân cần sám hối và hoán cải. Điều quan trọng là phải lắng nghe và ghi nhớlời nhắc nhở rất thời sự ấy! Lời mời gọi hoán cải chính là lời khích lệ hãy làm như đứa con trong dụ ngôn: Trở về trong vòng tay của Người Cha đầy lòng thương xót, thống hối và tín thác nơi Người.

(Theo VIS)

Minh Đức
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/duc-thanh-cha-phanxico-khai-mac-mua-chay/6763.57.7.aspx

Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) bày tỏ lòng thành kính với các Kitô hữu Ai Cập chịu tử đạo



WHĐ (22.02.2012) – Đức hồng y Oswald Gracias, Tổng giám mục Bombay, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), đã bày tỏ lòng thành kính với 21 Kitô hữu Ai Cập thuộc lễ nghi Copt bị những kẻ cực đoan Hồi giáo hành quyết dã man hồi đầu tuần qua ở Libya; và ước mong cuộc tử đạo của họ đem lại đối thoại và hoà bình giữa các tôn giáo. Hôm thứ Sáu 20-02, Đức hồng y Gracias đã nói với Asia News: “Trái tim chúng tôi rướm máu vì 21 Kitô hữu Ai Cập Copt ở Libya bị sát hại. Giáo hội ở châu Á xin cúi đầu cầu nguyện và chia buồn với Đức giáo chủ Tawadros II,với gia đình của các người chịu tử đạo và người dân Ai Cập cùng với Đức giám mục Giovanni Innocenzo Martinelli,Đại diện Tông toà Tripoli”.

Đức hồng y Gracias khẳng định rằng chủ tâm sát hại 21 người vô tội –chỉ vì họ là Kitô hữu– là một hành động hèn nhát và xấu xa, và trước cái chết, các người tử đạo này đã tỏ rõ lòng can đảm, sức mạnh và phẩm cách của họ. Chúng tôi cầu nguyện cho hy tế mạng sống của họ mang lại ân sủng Bình an cho toàn thể gia đình Copt ngay giữa những tội ác điên rồ và bi thảm này.

Đức hồng y Chủ tịch FABC cho biết ngài sẽ dâng Thánh lễ ngày thứ Sáu tuần thứ nhất Mùa Chay cầu nguyện cho linh hồn của 21 Kitô hữu Copt này và cầu cho tang quyến của họ. Đức hồng y Gracias nói: “Hành động ghê tởm này càng cho thấy nhu cầu cấp thiết phải thúc đẩy hoà bình và đối thoại giữa các tôn giáo và sửa chữa cái nhìn méo mó, sai lạc và gây hiểu lầm về Thiên Chúa và tôn giáo. Tội ác này đi ngược lại bản tính của Thiên Chúa và chống lại tất cả các tôn giáo. Chúng tôi cầu nguyện cho họ và cầu nguyện cho con tim của tất cả những người đã phạm những tội ác này được hoán cải”.

Giáo hội Chính thống Copt cho biết cuộc tử đạo của 21 Kitô hữu Ai Cập bị sát hại sẽ được đưa vào lịch phụng vụ của Giáo hội này.

Đức Giáo chủ Tawadros II nói rằng tên của các vị tử đạo sẽ được ghi vào Synaxarium của Giáo hội Copt (Synaxarium trong Giáo hội Đông phương tương đương với Sổ bộ các Thánh của Giáo hội Roma). Thủ tục này cũng tương đương với việc tuyên thánh trong Giáo hội Công giáo Roma.

Theo terrasanta.net, cuộc tử đạo của 21 Kitô hữu Ai Cập sẽ được nhớ vào ngày 8 tháng Amshir theo lịch Copt, tức ngày 15 tháng Hai theo lịch Gregorianô. Lễ nhớ này rơi vào lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ.


Minh Đức
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/chu-tich-lien-hoi-dong-giam-muc-a-chau-fabc-bay-to-long-thanh-kinh-voi-cac-kito-huu-ai-cap-chiu-tu-dao/6765.57.7.aspx

Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Thư chúc mừng Năm mới Ất Mùi của Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGMVN


Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/thu-chuc-mung-nam-moi-at-mui-cua-duc-tong-giam-muc-phaolo-bui-van-doc-chu-tich-hdgmvn/6754.63.8.aspx

Thư chúc mừng Năm mới Ất Mùi 2015 của Đức giám mục Giuse Nguyễn Chi Linh, Chủ tịch Uỷ ban Di dân, gửi cộng đồng di dân Việt Nam


Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/thu-chuc-mung-nam-moi-at-mui-2015-cua-duc-giam-muc-giuse-nguyen-chi-linh-chu-tich-uy-ban-di-dan-gui-cong-dong-di-dan-viet-nam/6755.32.21.aspx

Sứ điệp Mùa Chay năm 2015 của Đức Thánh Cha Phanxicô

Sứ điệp Mùa Chay năm 2015
của Đức Thánh Cha Phanxicô
“Anh em hãy vững lòng” (Giacôbê 5,8)
Anh chị em thân mến,
Mùa Chay là thời gian canh tân đối với toàn Giáo hội, mỗi cộng đoàn và mỗi tín hữu. Trước hết đó là “thời gian ân sủng” (2 Cr 6,2). Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta điều gì mà chính Ngài lại không ban cho chúng ta trước: “Chúng ta yêu thương vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19). Chúa không dửng dưng với chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều có chỗ trong lòng của Ngài, Ngài biết đích danh chúng ta, chăm sóc và đi tìm chúng ta mỗi khi chúng ta bỏ Ngài. Chúa quan tâm đến mỗi người chúng ta; tình yêu không cho phép Chúa dửng dưng với những gì xảy đến với chúng ta. Thường thì khi chúng ta mạnh khoẻ và dễ chịu, chúng ta quên mất những người khác (Chúa Cha không bao giờ làm như thế): chúng ta không quan tâm đến những vấn đề của họ, những nỗi đau và bất công họ đang chịu... Tâm hồn chúng ta trở nên lạnh lùng. Bao lâu tôi còn tương đối mạnh khoẻ và dễ chịu, thì tôi chẳng nghĩ đến những người không được khoẻ mạnh. Ngày nay, thái độ vô cảm ích kỷ này mang một chiều kích toàn cầu, đến độ chúng ta có thể nói đó là một thứ toàn cầu hoá thói vô cảm. Đây là một vấn đề mà người Kitô hữu chúng ta cần phải đương đầu.
Khi Dân Chúa trở về với tình yêu của Ngài, họ sẽ tìm ra những câu trả lời cho những vấn nạn mà lịch sử không ngừng nêu lên. Một trong những thách đố khẩn cấp nhất mà tôi muốn đề cập trong Sứ điệp này chính là hiện tượng toàn cầu hóa thói vô cảm.
Vô cảm đối với tha nhân và với Thiên Chúa cũng là một cám dỗ thực sự đối với các Kitô hữu chúng ta. Vì thế, hằng năm vào Mùa Chay chúng ta cần nghe lại lời các ngôn sứ lên tiếng thức tỉnh lương tâm chúng ta.
Thiên Chúa không dửng dưng đối với thế giới chúng ta, Ngài yêu thương thế giới đến độ ban Con của Ngài để cứu rỗi chúng ta. Trong mầu nhiệm nhập thể, trong cuộc sống trần thế, trong mầu nhiệm sự chết và sống lại của Con Thiên Chúa, cánh cửa giữa Thiên Chúa và con người, giữa trời và đất, đã mở ra một lần và luôn mãi. Giáo hội như bàn tay giữ cho cánh cửa ấy luôn mở, qua việc công bố Lời Chúa, cử hành các bí tích, và làm chứng cho đức tin sống động nhờ đức ái (x. Gl 5,6). Nhưng thế giới lại có xu hướng thu mình lại và đóng chặt cánh cửa mà qua đó Thiên Chúa đi vào thế giới và thế giới đến với Thiên Chúa. Thế nên nếu Giáo hội, như là bàn tay, có bị từ khước, bị nghiền nát và mang thương tích thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Vì vậy Dân Chúa cần canh tân nội tâm, để không trở nên vô cảm và không thu mình lại. Để giúp cho việc canh tân này, tôi xin đề nghị suy tư 3 câu Kinh Thánh sau đây:
1. “Nếu một chi thể đau, thì mọi chi thể cùng đau” (1 Cr 12,26) – Giáo hội
Tình yêu của Thiên Chúa phá vỡ sự vô cảm ấy, một thái độ khép kín tai hại. Giáo hội trao tặng chúng ta tình yêu này qua giáo huấn, và nhất là qua chứng tá của mình. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm chứng về điều mà chính chúng ta đã cảm nghiệm. Kitô hữu là người để Thiên Chúa mặc cho mình lòng nhân từ và thương xót của Ngài, mặc lấy Chúa Kitô, để giống như Chúa Kitô, trở nên tôi tớ của Thiên Chúa và của người khác. Chúng ta thấy rõ điều này trong Phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh qua nghi thức rửa chân. Phêrô không muốn Chúa Giêsu rửa chân cho ông, nhưng ông đã hiểu ra rằng Chúa Giêsu không muốn chỉ nêu gương về cách thức chúng ta phải rửa chân cho nhau. Chỉ những ai để cho Chúa Giêsu rửa chân mình trước thì người ấy mới có thể phục vụ người khác như thế. Chỉ người nào được “dự phần” với Ngài (Ga 13,8) thì mới có thể phục vụ người khác.
Mùa Chay là thời gian thuận tiện chúng ta để cho Chúa Kitô phục vụ mình - nhờ đó chúng ta trở nên giống Ngài hơn, mỗi khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Nơi đó chúng ta trở thành điều mà chúng ta lãnh nhận: trở nên Thân Mình Chúa Kitô. Trong thân mình này, không có chỗ cho thói vô cảm rất thường chiếm lĩnh tâm hồn chúng ta. Vì ai thuộc về Chúa Kitô thì cũng thuộc về một thân mình duy nhất và trong Chúa chúng ta không được dửng dưng đối với nhau. “Vì nếu một chi thể đau, thì mọi chi thể cùng đau; và nếu một chi thể được vinh dự thì mọi chi thể đều được chia sẻ niềm vui ấy” (1 Cr 12,26).
Giáo hội là cộng đoàn các thánh thông công không chỉ vì gồm có các thánh, nhưng còn vì Giáo hội là một cộng đoàn hiệp thông trong những điều thánh thiện: tình yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ cho chúng ta trong Chúa Kitô và tất cả những hồng ân của Ngài. Trong những hồng ân ấy cũng có lời đáp lại của những người để cho tình yêu này chạm đến. Trong cộng đoàn các thánh, khi chia sẻ những điều thánh thiện này, không ai chiếm hữu cho riêng mình, nhưng chia sẻ mọi sự với người khác. Và vì chúng ta được liên kết với nhau trong Chúa, chúng ta mới có thể làm gì đó cho những ai còn ở xa Giáo hội, là những người mà tự sức chúng ta chẳng bao giờ đến được với họ, vì cùng với họ và cho họ, chúng ta xin Chúa cho tất cả chúng ta biết mở ra với công trình cứu độ của Ngài.
2. “Em ngươi đâu?” (St 4,9) – Các giáo xứ và các cộng đoàn
Những gì đã nói về Giáo hội hoàn vũ thì cũng phải được áp dụng cho đời sống của các giáo xứ và các cộng đoàn. Các tổ chức Giáo hội này có giúp chúng ta cảm nghiệm được mình thuộc về một thân mình duy nhất hay không? Một thân mình lãnh nhận và chia sẻ những gì Thiên Chúa muốn ban tặng? Một thân mình biết nhận ra và chăm sóc những phần tử yếu đuối nhất, nghèo khổ nhất và bé nhỏ nhất? Hay chúng ta trốn chạy vào một tình yêu phổ quát, ôm trọn cả thế giới mà lại không nhìn thấy người nghèo Lazarô ngồi trước cửa nhà đóng kín của chúng ta? (x. Lc 16,19-31).
Để lãnh nhận những gì Chúa ban cho chúng ta và làm cho chúng mang lại hoa trái dồi dào, chúng ta cần vượt qua những ranh giới của Giáo hội hữu hình theo hai cách.
Thứ nhất, bằng cách hợp lời cầu nguyện với Giáo hội trên thiên quốc. Lời cầu nguyện của Giáo hội ở trần thế làm nên một cộng đoàn hiệp thông phục vụ và mưu ích cho nhau, lời cầu nguyện ấy bay lên tới tôn nhan Thiên Chúa. Cùng với các thánh đã tìm được sự sung mãn trong Thiên Chúa, chúng ta là thành phần cộng đoàn hiệp thông ấy, trong đó tình yêu chế ngự thói vô cảm. Giáo hội trên thiên quốc không hoan hỉ vì đã quay lưng với những đau khổ của trần thế để vui mừng trong cảnh huy hoàng của riêng mình. Nhưng các thánh đã được hân hoan chiêm ngắm chiến thắng rồi: nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, các ngài đã vĩnh viễn chiến thắng thái độ vô cảm, cứng lòng và thù hận. Bao lâu chiến thắng ấy của tình yêu chưa thấm nhập vào toàn thế giới, thì các thánh vẫn đồng hành với chúng ta trên đường lữ thứ. Thánh Têrêsa Lisieux, tiến sĩ Hội Thánh, đã bày tỏ xác tín rằng niềm vui trên trời về chiến thắng của Tình yêu chịu đóng đinh vẫn chưa trọn vẹn bao lâu còn một người trên trần thế phải chịu đau khổ và khóc than: “Con hy vọng rằng ở trên trời con sẽ không phải ngồi không, mong ước của con là vẫn tiếp tục làm việc cho Giáo hội và cho các linh hồn” (Thư 254 ngày 14-7-1897).
Chúng ta cũng tham dự vào công phúc và niềm vui của các thánh, cũng như cả các ngài cũng tham dự vào cuộc chiến đấu và niềm khao khát hoà bình và hoà giải của chúng ta. Niềm vui của các thánh trong chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh cho chúng ta sức mạnh để nỗ lực vượt thắng thói vô cảm và cứng lòng.
Cách thứ hai, mỗi cộng đoàn Kitô hữu được kêu gọi ra khỏi chính mình để dấn thân vào đời sống của xã hội rộng lớn hơn mà mình cũng là thành phần, nhất là với những người nghèo và những người ở xa Giáo hội. Giáo hội tự bản chất là truyền giáo, Giáo hội không co cụm vào mình, nhưng được sai đến với mọi quốc gia và mọi dân tộc.
Sứ mạng của Giáo hội là kiên trì làm chứng cho Đấng muốn đưa tất cả tạo thành và từng người về cùng Chúa Cha. Sứ mạng ấy là đem đến cho mọi người một tình yêu không được lặng câm. Giáo hội bước theo Chúa Giêsu Kitô trên con đường đến với từng con người, cho đến tận cùng trái đất (x. Cv 1,8). Như thế, nơi mỗi người khác, chúng ta phải nhìn thấy họ là người anh chị em mà Chúa Kitô đã chịu chết và sống lại cho họ. Điều chúng ta nhận lãnh, thì chúng ta cũng lãnh nhận cho họ nữa. Cũng thế, những gì những người anh chị em chúng ta có, chính là một món quà cho Giáo hội và cho toàn thể nhân loại.
Anh chị em thân mến, tôi mong muốn biết bao rằng nơi nào Giáo hội hiện diện, đặc biệt là các giáo xứ và các cộng đoàn của chúng ta, nơi ấy sẽ trở thành những hải đảo thương xót giữa lòng đại dương vô cảm!
3. “Anh em hãy vững lòng!” (Gc 5,8) – Cá nhân Kitô hữu
Cả trong tư cách là những cá nhân, chúng ta cũng bị cám dỗ sống vô cảm. Khi bị chìm ngập trong những tin tức và hình ảnh kinh hoàng về đau khổ của con người, chúng ta thường cảm thấy mình hoàn toàn không có khả năng giúp đỡ. Phải làm gì để không bị vướng vào cái vòng xoáy khốn cùng và bất lực ấy?
Trước hết, chúng ta có thể hiệp thông cầu nguyện với Giáo hội ở trần thế và Giáo hội trên thiên quốc. Chúng ta đừng coi thường lời cầu nguyện có sức mạnh của biết bao người hiệp nhất với nhau! Sáng kiến 24 giờ cho Chúa, mà tôi mong ước sẽ được cử hành vào các ngày 13-14 tháng Ba trong toàn Giáo hội, cả ở cấp giáo phận, sẽ là dấu chỉ cho thấy cần thiết phải cầu nguyện.
Thứ hai, chúng ta có thể giúp đỡ bằng những việc bác ái, cho những người ở gần cũng như những người ở xa Giáo hội, qua nhiều tổ chức bác ái của Giáo hội. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để bày tỏ mối quan tâm này đối với người khác, qua những dấu chỉ –tuy bé nhỏ nhưng cụ thể– nói lên rằng chúng ta thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất.
Thứ ba, đau khổ của người khác là một lời mời gọi hoán cải, vì sự thiếu thốn của họ nhắc nhở tôi rằng cuộc đời tôi rất mong manh, và tôi lệ thuộc vào Thiên Chúa và anh chị em mình. Nếu chúng ta khiêm tốn cầu xin ơn Chúa và chấp nhận những giới hạn của mình, thì chúng ta sẽ tin tưởng vào những khả năng vô biên mà tình yêu của Thiên Chúa dành sẵn cho chúng ta. Và chúng ta có thể chống lại cám dỗ của ma quỷ khi tưởng mình có thể cứu thoát bản thân và thế giới bằng sức riêng mình.
Để thắng được thói vô cảm và ảo tưởng tự lập của chúng ta, tôi muốn mời gọi mọi người sống Mùa Chay này như một dịp huấn luyện tâm hồn - theo cách nói của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI (x. Thông điệp Deus caritas est, 31). Một con tim biết thương xót không có nghĩa là một con tim yếu đuối. Ai muốn tỏ lòng xót thương thì phải có một con tim mạnh mẽ, vững vàng, đóng lại trước Satan, nhưng mở ra cho Thiên Chúa; một con tim để cho Thánh Linh xuyên thấu và dẫn đi trên những nẻo đường tình yêu đến với anh chị em mình; và cuối cùng, một con tim nghèo, nhận ra sự nghèo hèn của chính mình và sẵn sàng trao tặng người khác.
Anh chị em thân mến, vì thế trong Mùa Chay này chúng ta hãy cầu xin Chúa: “Fac cor nostrum secundum cor tuum: Xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa”(Kinh cầu Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu) để có được một con tim mạnh mẽ và biết xót thương, ân cần và quảng đại, một con tim không thu mình lại, không vô cảm hay rơi vào cám dỗ của nạn toàn cầu hóa thói vô cảm.
Tôi ước mong và cầu nguyện cho Mùa Chay này đem lại hoa trái thiêng liêng cho mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn Giáo hội. Xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi. Nguyện xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em.
Vatican, ngày 4 tháng Mười 2014
Lễ Thánh Phanxicô Assisi
PHANXICÔ
(Đức Thành dịch theo bản tiếng Anh của vatican.va)

Nguồn: 
 WHĐ
Đăng lại từ: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20150130/29342