Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

Tin Mừng Chúa nhật 1 mùa Chay - Năm A

Kết quả hình ảnh cho tin mừng chúa nhật 1 mùa chay năm a

Tin Mừng: Mt 4,1-11
Đức Giê-su đã ăn chay bốn mươi ngày và chịu cám dỗ.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi !” Nhưng Người đáp : “Đã có lời chép rằng : Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”

Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng : Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”

Đức Giê-su đáp : “Nhưng cũng đã có lời chép rằng : Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”

Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, 9 và bảo rằng : “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” Đức Giê-su liền nói : “Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”

Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

Mùa Chay: sám hối cộng đoàn và đại dịch virus corona

Dâng hoa tại một nhà thờ ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), một xã bị phong toả vì virus corona
Dâng hoa tại một nhà thờ ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), một xã bị phong toả vì virus corona 

Mùa Chay năm nay đặc biệt hơn những năm trước vì tại nhiều Giáo phận của Việt Nam các Giám mục đã mời gọi tín hữu ăn chay trước dịp lễ Thứ tư Lễ Tro. Ăn chay để tỏ lòng sám hối và cầu nguyện cho những bệnh nhân của virus Corona. Trong lúc cả thế giới đang hướng về Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung với sự lo lắng và bồn chồn, thì nhiều người Công Giáo đã không khỏi xúc động khi được nghe một bản thánh ca thống hối được cất lên trong các thánh đường Công Giáo.

Cứ sau dịp mỗi tết Nguyên Đán là người Công Giáo lại chuẩn bị cho Mùa Chay, mùa dọn tâm hồn để tưởng niệm mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Đức Giê-su. Mùa Chay còn được gọi là Mùa Chay Thánh vì đây là thời gian mà các Kitô hữu được mời gọi để chuẩn bị tâm hồn ngang qua việc ăn chay, cầu nguyện, bố thí và đặc biệt là hoán cải tâm hồn của mình.

Có lẽ, Mùa Chay năm nay đặc biệt hơn những năm trước vì tại nhiều Giáo phận của Việt Nam các Giám mục đã mời gọi tín hữu ăn chay trước dịp lễ Thứ tư Lễ Tro. Ăn chay để tỏ lòng sám hối và cầu nguyện cho những bệnh nhân của virus corona. Trong lúc cả thế giới đang hướng về Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung với sự lo lắng và bồn chồn, thì nhiều người Công Giáo đã không khỏi xúc động khi được nghe một bản thánh ca thống hối được cất lên trong các thánh đường Công Giáo. Khi một cộng đoàn cử hành phụng vụ thống hối cộng đoàn, họ ý thức rằng họ là một cộng đoàn nhỏ bé giữa một thế giới rộng lớn. Thế nhưng có lẽ mỗi tín hữu trong cộng đoàn ấy tin rằng, lời cầu nguyện của họ đại diện cho cả dân tộc, cho thế giới, đó là lời sám hối và ăn năn vì những bất toàn và tội lỗi của toàn thể nhân loại và cho chính lỗi lầm của họ.


Qua việc ăn chay, qua lời ca tiếng hát, qua kinh nguyện, chúng ta thấy người Kitô giáo thực hành việc sám hối cộng đoàn. Tại sao phải sám hối cộng đoàn? Chẳng phải tội là tội cá nhân và sám hối phải là sám hối cá nhân sao? Cụ thể, khi đi xưng tội, mỗi cá nhân phải thú tội với Chúa ngang qua cha giải tội. Vậy đâu là ý nghĩa của việc sám hối cộng đoàn?

Sám hối cộng đoàn dựa trên thần học về chiều kích xã hội của tội hay còn gọi là tội xã hội, một khái niệm thần học được phát triển trong thế kỷ 20. Trong Tông Huấn Reconciliatio Et Paenitentia (Hòa Giải và Sám Hối, 1984), thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã định nghĩa tội xã hội theo ba nghĩa. Trước hết, “nói tới ‘tội xã hội’ là nhìn nhận rằng, vì tình liên đới nhân loại là một điều gì đó vừa huyền nhiệm và khó tả vừa thực tế và cụ thể, tội của mỗi cá nhân đều có ảnh hưởng cách nào đó đến những người khác.”[1] Theo ý nghĩa này, nếu mỗi linh hồn thánh thiện “nâng” cả thế giới lên thế nào, thì một linh hồn “suy thoái” cũng kéo theo cả Giáo hội và toàn thể thế giới rơi vào thung lũng của tội thế ấy.

Thứ hai, gọi tội xã hội là vì cái tội ấy chống lại hay trực tiếp tấn công vào đồng loại của mình. Đây là những tội đi ngược lại với công bình xã hội hay công bình giữa người với người. Giữa các tội này, Đức Gioan Phaolo II nhấn một cách đặc biệt đến các tội như phá thai, an tử, v.v. Bởi lẽ các tội này chống lại quyền của con người, đặc biệt là quyền được sinh ra và quyền được sống của mỗi người.

Nghĩa thứ ba của “tội xã hội” ám chỉ các mối quan hệ giữa các cộng đồng nhân loại khác nhau. Ở đây ngài muốn nói đến các cơ cấu xã hội bất công đi ngược lại với sự công bình của Thiên Chúa. Sự bất công của các tổ chức xã hội và chính trị có thể tạo ra nghèo đói, bất công, chiến tranh, v.v… đi ngược lại với phẩm giá con người.

Khi Giáo hội nói về những tình trạng tội lỗi hay khi Giáo hội lên án tội nào đó như là một tội xã hội thì Giáo hội ý thức rằng, tội xã hội là kết quả tích luỹ của nhiều tội cá nhân. Bởi xét cho cùng, những cơ cấu hay tổ chức bất công sở dĩ tồn tại được là do sự góp tay trực tiếp của từng con người cụ thể, khi họ đang tìm kiếm lợi ích riêng cho cá nhân mình. Hoặc gián tiếp là khi mỗi người quên mất trách nhiệm bài trừ và giới hạn sự dữ trong xã hội, bởi sự lười biếng, sợ hãi, thờ ơ lãnh đạm, hay im lặng “dĩ hòa vi quý”. 

Thần học về tội xã hội có thể được khắc hoạ một cách rõ nét qua đại dịch virus corona đang hoành hành trên thế giới trong những ngày qua. Rõ ràng, đại dịch dưới cái nhìn thần học có thể được xem là một tội xã hội hay tội cấu trúc. Sự xuất hiện của “vị khách không mời” này gắn liền với sự dữ luân lý của một cá nhân, một tổ chức, hay một quốc gia. Tuy nhiên, hậu quả của nó không chỉ dừng lại ở bình diện một thành phố hay một quốc gia nữa. Như một tội xã hội, sự dữ của biến cố này gắn liền với sự lơ là hay thiếu trách nhiệm của một số người có trách nhiệm, sự thiếu minh bạch hay phản ứng chậm chạp mang tính cơ cấu tổ chức. Như virus, hậu quả của tội đã tiêm nhiễm, lây lan và gieo rắc đau thương cho biết bao nhiêu người trên thế giới. Cũng như tội gây ra sự chia rẽ và mất bình an thế nào, thì virus corona cũng gây chia rẽ, hoang mang, mất bình an thế ấy. Cuối cùng, điều khiến người ta hoang mang và lo lắng nhất là virus corona có thể tước đi mạng sống của con người. Cái chết thể lý đã đáng sợ, cái chết trong tâm hồn còn đáng sợ hơn bội phần. Giống như tội, đại dịch corona không chỉ gây ra cái chết thể lý, điều đáng sợ hơn là đại dịch ấy còn gây ra những cái chết trong tâm hồn: đó là sự ích kỷ, mất bình an, mất niềm tin vào nhau, mất đức tin vào Thiên Chúa.

Nói thế không có nghĩa là chúng ta không còn hy vọng. Thực ra, trong cơn hoạn nạn như thế, chúng ta nhận ra chúng ta cần Thiên Chúa và xác tín rằng Thiên Chúa sẽ cứu giúp chúng ta. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta cần hoán cải với tư cách cá nhân cũng như cộng đoàn. Thần học về tội xã hội của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho chúng ta thấy rằng, nhiều khi chính chúng ta, vì vô tình hay cố ý, trực tiếp hay gián tiếp, tham dự vào sự bất công trong xã hội. Tội của chúng ta không chỉ gây hại cho chính mình mà còn làm tổn thương người khác. Ý thức điều đó, trước mặt Chúa, chúng ta được mời gọi để hoán cải, không chỉ với tư cách cá nhân, mà còn với tư cách là cộng đoàn. Trong truyền thống Công giáo, đặc biệt là qua Thánh Kinh, chúng ta thấy rằng sám hối cộng đoàn là một cử hành phụng vụ rất đẹp và rất ý nghĩa đặc biệt là trong những thời gian đặc biệt nào đó.

Hoán cải ở đây trước hết là thay đổi cái nhìn, đặc biệt là cái nhìn về tội và hậu quả của tội. Tội không chỉ mang tính cách cá nhân mà nó còn mang chiều kích xã hội. Tội lỗi của chúng ta không chỉ ảnh hưởng đến bản thân ta mà còn gây hại cho tha nhân. Là Kitô hữu, trước những vấn nạn của thế giới, chúng ta cũng phần nào chịu trách nhiệm vì những sự dữ luân lý diễn ra trong xã hội và thế giới. Chúng ta chịu trách nhiệm phần nào khi chúng ta thờ ơ lãnh đạm trước cái ác, khi chúng ta nhắm mắt làm ngơ và nghĩ: “Phận ai nấy lo!” Chúng ta tự hỏi mình, trái tim của chúng ta có rung động khi biết bao nhiêu người phải đau khổ với đại dịch này không? Chúng ta có nhắm mắt làm ngơ khi gặp một điều bất công trong đời sống thường ngày của chúng ta không?

Trái ngược với thái độ thờ ơ và dửng dưng là sự liên đới, người Việt nam chúng ta có câu: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Câu tục ngữ này nói lên tình liên đới như là một đức tính đáng quý trong truyền thống Việt Nam. Đáng tiếc tinh thần ấy đang dần bị lãng quên khi con người chỉ biết lo lắng cho bản thân mình.

Vì vậy, chúng ta cũng cần sám hối vì những thiếu sót của riêng mình. Trong kinh nguyện sám hối trước thánh lễ, chúng ta không chỉ sám hối về những điều chúng ta lỗi phạm nhưng còn sám hối vì những điều chúng ta thiếu sót. Do đó, ý thức về sự thờ ơ hay lãnh đạm của chúng ta trước bất công và đau khổ của người khác, chúng ta cần đấm ngực và tự hỏi mình: Chúng ta đã hành động như thế nào khi đối diện với những bất công trong xã hội? Trái tim của chúng ta có rung động trước những mảnh đời bất hạnh mà chúng ta vẫn gặp hàng ngày không? Khi đối diện với những phận đời bất hạnh, chúng ta có sẵn giúp đỡ hay chúng ta nhắm mắt làm ngơ vì nghĩ rằng: “Sức tôi có hạn, hay điều tôi làm chỉ như muối đổ biển thôi!”?

Như cộng đoàn Do Thái khi xưa, tin tưởng vào một Thiên Chúa “chậm giận và giàu lòng xót thương” (Tv, 103, 8), chúng ta tin rằng, Thiên Chúa sẽ sửa lại những thiệt hại do tội lỗi con người chúng ta gây nên. Quả thực, ơn cứu độ của Chúa phục sinh không chỉ chữa lành vết thương nơi tâm hồn tội lỗi chúng ta, ơn cứu độ ấy còn có sức biến đổi thế giới, biến đổi cấu trúc bất công trong xã hội. Tuy nhiên, để làm được điều đó, Thiên Chúa cần chúng ta hợp tác. Vì như Thánh Augustinô viết: “Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Ngài không cần hỏi ý kiến ta. Nhưng khi cứu độ ta, Ngài cần chúng ta cộng tác”. Với tư cách là một cộng đoàn dân Chúa, tất cả chúng ta được mời gọi để cùng nhau hoán cải, đấm ngực mình vì biết rằng, đã bao lần, cố ý hay vô tình, sự vô tâm hay thờ ơ của chúng ta đã góp phần tạo nên sự dữ trong thế giới này.

[1] Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Reconciliatio Et Paenitentia [Hòa Giải Và Sám Hối] (1984), số 16.

10 điều cần nhớ trong Mùa Chay


1. Hãy nhớ khẩu hiệu Mùa ChayĐể giúp các tín hữu dễ nhớ các chân lý đức tin, Giáo hội đã tóm gọn những chân lý ấy thành các danh sách và khẩu hiệu như: 10 Điều răn, 7 Bí tích, 3 Ngôi vị trong Ba Ngôi. Đối với Mùa Chay, Giáo hội cũng cho chúng ta một khẩu hiệu gồm ba điều cần thực hiện trong suốt mùa Chay: Cầu nguyện, Ăn chay và Bố thí. 
2. Thời gian cho cầu nguyện. Mùa Chay thực sự là một thời gian cầu nguyện trải dài trong 40 ngày. Khi cầu nguyện là lúc chúng ta đi trên một hành trình đầy hy vọng, mang chúng ta đến gần với Đức Kitô hơn và khiến chúng ta thay đổi nhờ việc gặp gỡ Người.
3. Thời gian cho chay tịnh. Với việc chay tịnh vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, các ngày Thứ Sáu kiêng thịt và xen kẽ đó là các việc rèn luyện bản thân, Mùa Chay thực sự là những ngày chay tịnh đối với nhiều người Công giáo. Và có lẽ đó là lý do tại sao Mùa Chay làm mọi người quan tâm. “Bạn đang từ bỏ cái gì trong Mùa Chay? Xúc xích? Bia? Kẹo dẻo?..." Chay tịnh gần như là một trò chơi đối với một số người trong chúng ta, nhưng ăn chay thực sự là một hình thức đền tội, giúp chúng ta tránh xa tội lỗi và hướng về Đức Kitô. 
4. Thời gian cho việc rèn luyện bản thân. Cách chung, 40 ngày Mùa Chay cũng là một thời gian tốt cho việc định giờ đối với việc rèn luyện bản thân. Thay vì từ bỏ một cái gì đó, ta có thể làm một điều gì đó tích cực. “Tôi sẽ tập thể dục nhiều hơn. Tôi sẽ cầu nguyện nhiều hơn. Tôi sẽ trở nên tốt hơn với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của tôi.”
5. Việc chết đi với chính mình. Mặt rèn luyện quan trọng hơn trong Mùa Chay là việc tự kiểm soát bản thân - đó là việc nhận ra nơi bản thân những mặt nào ít giống với Đức Kitô và hãy để nó chết đi. Sự đau khổ và cái chết của Đức Kitô là điều quan trọng nhất trong tâm trí chúng ta trong Mùa Chay, và chúng ta liên kết vào những mầu nhiệm này bằng đau khổ và sự chết với Đức Kitô, để được phục sinh trong con người mới trong sạch. 

6. Đừng làm quá nhiều. Ta bị cám dỗ thực hiện trong Mùa Chay những việc sửa mình đầy tham vọng nhưng tốt nhất là hãy giữ nó đơn sơ và tập trung. Giáo hội vẫn sống những mầu nhiệm này hàng năm mà. Chúng ta dành trọn cuộc đời để lớn lên trong việc gần Thiên Chúa hơn. Đừng cố gắng nhồi nhét tất cả mọi việc sửa mình trong Mùa Chay. Làm theo cách thức đó thì thất bại.
7. Mùa Chay nhắc nhở chúng ta về sự yếu đuối của chúng ta. Dĩ nhiên, ngay cả khi chúng ta đặt ra những mục tiêu đơn giản cho bản thân trong Mùa Chay, chúng ta vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện. Khi chúng ta ăn chay, chúng ta nhận ra chúng ta chỉ còn ăn một bữa là để khỏi bị đói. Mùa Chay cho chúng ta thấy sự yếu đuối của mình. Điều này có thể làm chúng ta đau khổ, nhưng khi nhận ra mình bất lực như thế sẽ khiến chúng ta tìm kiếm sự trợ giúp của Thiên Chúa với sự khẩn nài và chân thành mới. 
8. Hãy kiên nhẫn với chính mình. Khi chúng ta đối diện với sự yếu đuối của chính mình trong Mùa Chay, chúng dễ làm chúng ta tức giận và thất vọng. “Tôi thật là một người xấu!”, đó là một bài học sai lầm. Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta hãy kiên nhẫn và nhìn vào chính mình như Người làm với một tình yêu vô điều kiện.
9. Vươn tới đức ái. Khi chúng ta kinh nghiệm về sự yếu đuối và đau khổ trong Mùa Chay, lòng cảm thương của chúng ta nên được đổi mới đối với những người đói khát, đau khổ hoặc thiếu thốn khác. Phương thế thứ ba trong Mùa Chay là bố thí. Không chỉ là việc bỏ thêm một ít tiền vào giỏ nhà thờ, nhưng nó còn đòi hỏi chúng ta tiếp cận với những người khác và giúp đỡ họ cách vô vị lợi. Đây là cách chia sẻ kinh nghiệm về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. 

10. Học yêu như Đức Kitô. Hy sinh và trao ban chính mình đang khi chúng ta đau khổ đưa chúng ta đến gần với tình yêu như Đức Kitô, Người đã chịu đau khổ và trút bỏ mình cách vô điều kiện trên thập giá cho tất cả chúng ta. Mùa Chay là một cuộc hành trình qua sa mạc cho đến chân thập giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh khi chúng ta tìm kiếm Đức Kitô, xin sự trợ giúp của Người, kết hợp với sự đau khổ của Người và học yêu như Người.
Dung Hạnh chuyển ngữ từ usccb.org
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN

Ăn chay giúp trái tim biết yêu thương nhiều hơn

Ăn chay giúp trái tim biết yêu thương nhiều hơn
WGPSG / Aleteia -- Ăn chay theo cung cách của Chúa Giêsu sẽ giúp ta thành người bác ái và yêu thương nhiều hơn. 
Thoạt đầu, ăn chay xem ra là một việc đạo đức tiêu cực, buộc bản thân từ khước một số niềm vui như thực phẩm hoặc giải trí nào đó. 
Tuy nhiên, nếu chúng ta ăn chay như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ mở lòng ra với người lân cận và giúp trái tim biết yêu thương nhiều hơn. 
Khi Chúa Giêsu ăn chay trong sa mạc, Ngài cũng mở lòng ra như thế. Không phải là một ham muốn cho bản thân, mà là bác ái: đây chính là bí quyết giúp ta ăn chay theo gương Chúa Giêsu. 
Chúng ta phải mong ăn chay như một cơ hội mở lòng ra với Chúa và người lân cận: ăn chay với mục đích rõ ràng như thế. 
Nói cách khác, chúng ta sẽ thành công trong việc ăn chay nếu chúng ta làm như thế cho tha nhân: mong cho hoa trái và ân sủng tuôn đổ tràn trề trên họ. Theo cách này, ăn chay trở thành một hành động của tình yêu. 
Ngoài ra, ăn chay cũng khiến chúng ta phải quan tâm đến tha nhân và tìm cách giúp đỡ người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất. 
Vào thế kỷ 19, nhà văn H M. Wylde đã trình bày khía cạnh này của ăn chay trong cuốn sách ‘Những Suy niệm đơn giản cho người trẻ - Simple meditations for young persons’. 
“Ngôn sứ Isaia cho chúng ta thấy rằng ăn chay theo hình thức bên ngoài không có giá trị, nếu nó không khiến ta sám hối, rồi thực hiện các việc từ thiện. 
Chúng ta phải tháo xiềng hung ác, rồi cho kẻ đói ăn bánh, là loại bánh đòi chúng ta phải cho đi. Chúng ta phải mở cửa tiếp đón người nghèo, dành thời gian cho họ, bỏ qua niềm kiêu hãnh mà đưa người nghèo đến gần chúng ta, vì họ là người nghèo của Chúa Kitô. 
Ăn chay sẽ dẫn chúng ta đến sự vị tha. Nó sẽ khiến chúng ta quên đi những ham muốn của bản thân để cố gắng dành thời gian và tiền bạc cho người khác. 
Ăn chay sẽ khiến chúng ta khao khát làm nhiều hơn cho Chúa Kitô, và chỉ khi chúng ta ăn chay với mong muốn trở nên giống Chúa hơn, việc ăn chay mới có tác dụng. 
Chúa Kitô đã từ bỏ tất cả những gì Ngài ưa thích, để dành bốn mươi ngày đêm mà ăn chay, và như thế Ngài có thể chỉ cho chúng ta cách từ bỏ chính mình. 
Quyết tâm: Hôm nay tôi sẽ cố gắng làm một điều gì đó cho người nghèo hoặc bệnh nhân nào đấy. Nếu tôi không thể thực hiện bất kỳ hành động bên ngoài nào cho họ, tôi sẽ cầu nguyện đặc biệt cho những ai trong giáo xứ này đang túng thiếu hoặc u sầu.” 
Bất cứ khi nào ăn chay, hãy nhớ kỹ điều này. Ăn chay là việc tốt nhât có thể làm cho người khác: không phải để đạt được ân sủng cách ích kỷ, mà là để quên mình hầu­ phục vụ tha nhân theo gương Chúa Kitô. 
Philip Kosloski (Aleteia) / Lệ Hương chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG 

Thần dược mùa Chay


“Cuộc đời vắn vỏi qua mau
Như cơn gió thoảng tan màu người ơi
Ai ơi nhớ lấy phận người
Ta là cát bụi xin người nhớ cho.”

Khi nghĩ về cuộc đời, tôi chợt nhớ đến hình ảnh của một người em trong giáo xứ. Chỉ mới đây thôi, trước khi tôi trở lại học tập sau những ngày nghỉ tết ít ỏi, tôi được tin em gặp tai nạn xe máy khi đang trên đường về nhà. Vụ tai nạn ấy khiến em chết tại chỗ, thi thể của em được đưa về nhà trong sự ngỡ ngàng của gia đình và những người xung quanh. Ai ai cũng thương xót cho em, vì em còn quá trẻ. Em đã mãi mãi ra đi ở cái tuổi 18, cái tuổi thanh xuân với bao ước mơ và hoài bão. Sự ra đi của em đã để lại nhiều mất mát và đau đớn cho gia đình và người thân. Dường như cái chết của em là một lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người phải hồi tâm suy nghĩ về số phận mỏng manh của đời người. Nói đến đây, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng và xót xa mỗi khi nghĩ đến hình ảnh của em.
Sau biến cố ấy, tôi không ngừng suy nghĩ về cuộc sống tại thế của con người nơi trần gian tạm bợ này. Có ai dám bảo: “Ồ tôi còn trẻ và khỏe lắm, còn lâu tôi mới chết”. Nhưng bạn của tôi ơi, Không ai biết trước được ngày mai sẽ ra sao, hôm nay sẽ như thế nào. Cái chết luôn đến với ta một cách bất ngờ và nó không tha bất kỳ ai bao giờ. Dù giàu hay nghèo, sang hay hèn, mạnh khỏe hay đau ốm thì chúng ta vẫn phải chết. Dĩ nhiên, chúng ta phải ra trước tòa Chúa để trả lẽ cho những việc mà chúng ta đã làm khi còn ở giới thế gian này. Vậy, câu hỏi hỏi được đặt ra: Tôi có sợ chết không? Tôi có cảm thấy mình hoàn toàn sạch tội trước mặt Chúa không? Tôi sẽ đi về đâu sau khi chết: Thiên đàng, luyện ngục hay hỏa ngục chăng? Biết bao nhiêu câu hỏi mang tính đầy hiện sinh như thế luôn chất vấn lương tâm con người và giúp họ ý thức rằng: “tôi phải chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời của tôi khi tôi còn sống ở đời này”. Như vậy, đâu là điều mà tôi phải làm và cần làm những gì?
Bạn biết không? Có một liều thuốc mà các bệnh viện nổi tiếng không quen bán, nhưng những quầy thuốc công giáo lại xem nó như thần dược của mình. Thần dược ấy người đời không quen tìm kiếm, nhưng kẻ có đạo lại tìm đến mà mua như một thứ thuốc mỗi khi có bệnh trong người. Thần được ấy là gì? Thưa đó là liều thuốc “ăn năn sám hối”, một thứ thuốc có màu tím truyền thống của Mùa Chay. Đó không phải là thứ thuốc mới nhưng luôn có hiệu nghiệm dành cho những ai biết dùng đúng cách. Thật là tinh tế khi Giáo Hội cử hành nghi thức sám hối với việc xức tro trên đầu để chuẩn bị cho người Kitô hữu bước vào Mùa Chay, Mùa của lòng “ăn năn sám hối”. Với một chút tro trên đầu, Giáo Hội như muốn nhắc nhở cho chúng ta về thân phận cát bụi đầy mỏng dòn của đời người. Một thân phận bọt bèo, mau chóng tàn phai như giấc mộng. Đời người như một nắm tro bụi, thổi thì bay, mưa thì ướt và chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua thôi cũng đủ xóa sạch mọi vết tích. Vì thế, Mùa Chay luôn là mùa đặc biệt của sự trở về của những người biết ăn năn sám hối. Thế nhưng, bằng chi ấy cái Mùa Chay đã qua đi mà trong tâm hồn bạn có sự thay đổi gì không? Hay bạn chỉ xem nó như một điều phải đến trong một năm phụng vụ. Nó cứ đến rồi đi, nhẹ nhàng như nhịp điệu của bài hát. Nó hay đó, cảm động đó. Nhưng riết rồi nó cũng đi vào quên lãng theo từng năm tháng. Nghe có vẻ lạ lẫm nhưng nó khá giống tâm trạng của một câu hát “Tình yêu đến em không mong đợi gì. Tình yêu đi em không hề hối tiếc”. Bạn có trông đợi Mùa Chay đến không? Bạn có hối tiếc khi Mùa Chay lặng lẽ trôi đi như “chiếc lá cuối cùng” rơi xuống đất không? Bạn có bao giờ hiểu thấu được tầm quan trọng của Mùa Chay không? Nghe thì nhiều đó nhưng để thực hiện là cả một vấn đề.
Sám Hối luôn là tiến trình không đơn giản. Nó bao gồm nhiều giai đoạn, nhiều hy sinh và nhiều sự từ bỏ. Vậy, Một câu hỏi được đặt ra: Mình có cần sám hối không? Thưa có. Vì sao? Vì trong thâm tâm của tận cõi lòng, bạn và tôi cảm thấy mình có tội, nhận ra tội lỗi của mình. Không một ai là người công chính trước mặt Thiên Chúa, huống chi bạn lại không nhận ra điều xấu mình đã làm hay sao. Thật là nguy hiểm biết bao, khi nhân loại hôm nay dù đã làm bao nhiêu điều xấu, họ vẫn không thấy mình có tội. Họ đã đánh mất ý thức tội lỗi, đánh mất tâm thức mình là một tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Tuy nhiên, cái chi đã thành nếp, thành thói quen thì khó bỏ vô cùng và không ai muốn bỏ đi chút nào. Nó đã quen với tôi, gắn liền với con người của tôi. Tôi phải từ bỏ nó ư! Tôi phải thay đổi bản thân sao? Tôi phải hãm mình sao? Không, tôi không làm được. Dẫu biết rằng: ăn năn sám hối là việc khó khăn, tiếc nuối chớ, đau lắm chớ, nhưng có bệnh thì phải uống thuốc mà thuốc đắng thì mới dã tật được.
Vì thế, bạn không nên cứ ở mãi trong con người “lầm lì” của mình được, để rồi bạn thường xuyên chiều theo sự hư đốn của bản thân mà phạm hết tội này đến tội khác. Cho nên, để nhận được sự “khoan hồng”, sự yêu thương và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thiết nghĩ, mỗi người cần một cuộc trở về thực sự, một cú nhảy “sám hối” triệt để, để bước ra khỏi con người “cũ kĩ chật hẹp”, bước ra khỏi cái vỏ bọc “cứng nhắc” và “thường nhật” của mình, bước ra khỏi cái tham, sân, si đang ngự trị trong bản thân và dứt khoác với tình trạng tội lỗi mà mình đang mắc phải. Chính lúc trở về là lúc bạn gặp gỡ Thiên Chúa trong tình yêu, một cuộc gặp gỡ hiện sinh với Đấng là nguồn mạch của Tình yêu. Quả thật, càng yêu Chúa, bạn càng hối hận, càng hối hận bạn càng yêu Chúa. Chắc chắn Thiên Chúa sẽ tha thứ và ban lại cho bạn niềm vui và bình an mỗi khi bạn biết ra đi để trở về với Chúa. Một hình ảnh thật đẹp như người cha nhân hậu luôn chào đón người con hoang đàng trở về. Thiên Chúa cũng đang ngóng trông từng ngày con cái của Ngài sẽ trở về, trở về với người Cha của mình. Vì thế, đừng chần chừ khi thời gian vẫn còn, đừng ngủ dài khi đường đời đang ngắn lại. Chúng ta cần một sự “lột xác”, một cuộc “lột xác” toàn diện. Để rồi qua sự quyết tâm đó, bạn trở nên một con người mới, được đổi mới trong Đức Giêsu Kitô.
Ai cũng biết: mỗi bước đi đầu tiên trong cuộc đời luôn là giai đoạn khó khăn nhất. Hành trình trở về với Chúa cũng vậy. Giai đoạn này rất khó và đòi hỏi nhiều sự hy sinh với những cuộc chiến đấu với bản thân và làm chủ được chính mình. Chính vì thế mà bản thân bạn cần rất nhiều sự cầu nguyện và nhất là cần ơn Chúa trợ giúp. Ước mong rằng: mỗi người biết “chết đi”, “chết đi” một chút cho con người cũ của mình. Để rồi mỗi một Mùa Chay Thánh trôi qua, những gì còn đọng lại trong bạn là niềm vui, niềm hạnh phúc khi đã được biến đổi thành con người mới trong sự Phục sinh của Chúa Giêsu, và sẽ thôi không còn những câu nói hối tiếc “Thôi có gì để năm sau mình sám hối cũng được”. Tắt một lời, mời các bạn cùng suy gẫm bài thơ sau đây:
“Ớt nào mà ớt chẳng cay
Thần dược ‘sám hối’ đánh bay bệnh tình
Ăn năn sớm tối hãm mình
Thời gian hối thúc đừng nhìn cho qua
Sau này ra trước Ngai Cha
Ta hiên ngang đứng bên cha Trên Trời”

Huỳnh Tấn Dũng
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

Sứ điệp Mùa Chay năm 2020 của ĐTC Phanxicô

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2020
của Đức thánh cha Phanxicô

“Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa” 
(2 Cr 5,20)

Anh chị em thân mến,
Năm nay, một lần nữa, Chúa lại ban cho chúng ta một thời gian thuận tiện để canh tân tâm hồn chuẩn bị mừng mầu nhiệm lớn lao về sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, viên đá góc của đời sống Kitô hữu chúng ta - cá nhân cũng như cộng đoàn. Trí và tâm chúng ta luôn phải trở lại với Mầu nhiệm này. Quả vậy, Mầu nhiệm này không ngừng lớn lên trong chúng ta, theo như chúng ta để cho sức thiêng của Mầu nhiệm ấy dẫn dắt, cũng như chúng ta gắn bó với Mầu nhiệm ấy khi tự do và quảng đại đáp lại.
1. Mầu nhiệm phục sinh, nền tảng của sự hoán cải
Niềm vui của người Kitô hữu tuôn trào từ việc lắng nghe và đón nhận Tin mừng về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu: đó là kérygmaKérygma tóm kết Mầu nhiệm về một tình yêu “có thật, chân thực và cụ thể đến mức đem đến cho chúng ta một tương quan đầy đối thoại chân thành và hiệu quả. (Tông huấn Christus vivit, 117). Ai tin vào lời loan báo này cũng đều bác bỏ lời dối trá nói rằng sự sống của chúng ta là từ chính chúng ta, đang khi thực sự sự sống ấy sinh ra từ tình yêu của Thiên Chúa Cha, từ thánh ý của Ngài muốn cho chúng ta được sống dồi dào (x. Ga 10, 10). Ngược lại, nếu chúng ta nghe theo tiếng nói quyến rũ của “cha kẻ dối trá” (Ga 8,44), chúng ta có nguy cơ rơi vào vực thẳm vô nghĩa, và sống cảnh địa ngục ngay ở đây trên trái đất này, như nhiều biến cố bi thảm theo kinh nghiệm của cá nhân cũng như cộng đồng nhân loại đã chứng minh điều ấy một cách đáng buồn.
Vậy trong Mùa Chay năm 2020 này, tôi muốn chia sẻ với mọi Kitô hữu những gì tôi đã viết cho người trẻ trong Tông huấn Christus vivit: “Con hãy nhìn vào đôi tay dang rộng của Đức Kitô chịu đóng đinh, hãy luôn để mình được cứu độ lần này đến lần khác. Và khi con đi xưng thú tội lỗi của mình, con hãy vững tin vào lòng thương xót của Chúa, vốn giải thoát con khỏi lỗi tội. Hãy chiêm ngắm Máu Người đổ ra với tình yêu lớn lao như thế, và hãy để mình được tẩy sạch bởi máu ấy. Nhờ đó con sẽ có thể được tái sinh luôn mãi” (số 123). Phục sinh của Chúa Giêsu không phải là một sự kiện quá khứ: nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, nó luôn là hiện tại, cho phép chúng ta lấy đức tin mà nhìn và chạm vào thân xác của Chúa Kitô nơi biết bao người đau khổ.
2. Tính cấp thiết của hoán cải
Thật là hữu ích khi suy ngẫm sâu sắc hơn về Mầu nhiệm Phục sinh, mà nhờ đó, Lòng thương xót của Thiên Chúa đã được ban cho chúng ta. Thật vậy, chúng ta chỉ có thể trải nghiệm lòng thương xót khi “đối diện” với Đức Chúa bị đóng đinh và sống lại, “Đấng đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2,20). Một cuộc đối thoại chân thành giữa những người bạn. Đó là lý do tại sao cầu nguyện lại rất quan trọng trong Mùa Chay. Còn hơn cả một bổn phận, cầu nguyện diễn tả nhu cầu của chúng ta muốn đáp lại tình yêu của Thiên Chúa vốn luôn đi trước và trợ giúp chúng ta. Thật vậy, người Kitô hữu cầu nguyện mà vẫn luôn ý thức mình được yêu thương dù không xứng đáng. Cầu nguyện có thể có nhiều hình thức, nhưng điều thực sự đáng kể dưới mắt Thiên Chúa là lời cầu nguyện đi sâu vào cõi lòng chúng ta và cuối cùng làm cho con tim cứng cỏi của chúng ta trở nên mềm mại, để biến cải con tim ấy ngày càng thuận theo Chúa và theo ý Chúa.
Trong thời gian thuận lợi này, chúng ta hãy để cho mình được dẫn đưa như dân Israel ở trong sa mạc (x. Hs 2,16), để cuối cùng có thể nghe được tiếng nói của Đấng Phu Quân của chúng ta, để làm cho tiếng nói ấy vang lên trong chúng ta sâu lắng hơn và sẵn sàng bước theo tiếng nói ấy. Càng để cho lời ấy thấm nhập, chúng ta càng trải nghiệm được lòng thương xót nhưng không của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Vậy chúng ta đừng để thời gian ân sủng này trôi qua vô ích, với ảo tưởng tự phụ rằng chúng ta có thể tự mình ấn định thời gian và cách thức trở về với Ngài.
3. Thiên Chúa say mê đối thoại với con cái của Ngài
Chúng ta không bao giờ được coi việc Chúa một lần nữa cho chúng ta thời gian thuận tiện để hoán cải là điều đương nhiên. Cơ hội mới này khơi lên tâm tình biết ơn nơi chúng ta và lay động chúng ta ra khỏi tính ù lì. Mặc dù sự ác, đôi khi là bi thảm, vẫn có đó trong cuộc sống của chúng ta cũng như trong cuộc sống của Giáo hội và thế giới, cơ hội này được ban để chúng ta hoán cải cho thấy ý muốn kiên định của Thiên Chúa là không cắt đứt cuộc đối thoại cứu rỗi của Ngài với chúng ta. Nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, “Đấng đã biến Người thành tội lỗi vì chúng ta” (x. 2 Cr 5,21), ý muốn này khiến Chúa Cha trút lên Con của Ngài mọi tội lỗi của chúng ta, đến nỗi “Thiên Chúa quay lại chống đối chính mình”, như Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói (x. Thông điệp Deus caritas est, 12). Quả vậy, Thiên Chúa cũng yêu thương kẻ thù của Ngài (x. Mt 5,43-48).
Cuộc đối thoại mà Thiên Chúa muốn thiết lập với mỗi người qua Mầu nhiệm Phục sinh của Con Ngài không phải như cuộc đối thoại được được cho là của những cư dân Athens, là những người “chỉ dành thời gian để tán gẫu hay nghe ngóng điều mới lạ” (Cv 17,21). Kiểu tán gẫu ấy, với tính tò mò trống rỗng và hời hợt, là điển hình của tính thế gian trong mọi thời và, trong thời đại của chúng ta, nó cũng có thể dẫn đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông cách sai lạc.
4. Giàu có để chia sẻ, chứ không phải để giữ cho riêng mình
Đặt mầu nhiệm vượt qua vào trung tâm cuộc sống có nghĩa là tỏ lòng thương xót những vết thương của Chúa Kitô chịu đóng đinh mà chúng ta nhận ra nơi nhiều nạn nhân vô tội của các cuộc chiến tranh, của các cuộc tấn công vào sự sống, từ khi còn trong lòng mẹ cho đến tuổi già, dưới vô số hình thức bạo lực, trong các thảm họa môi trường, trong sự phân phối không đồng đều tài nguyên của Trái đất, trong nạn buôn người đủ kiểu và trong miếng mồi nhử của lợi nhuận vô độ, vốn cũng là một hình thức thờ ngẫu tượng.
Ngày nay cũng vậy, điều quan trọng là phải kêu gọi những người có thiện chí chia sẻ của cải của họ với những người túng thiếu nhất, như một hình thức của cá nhân tham gia xây dựng một thế giới công bình hơn. Việc chia sẻ trong tình bác ái làm cho con người trở nên người hơn, trong khi việc tích trữ có nguy cơ làm cho người ta trở nên xấu xa, khi giam hãm con người trong sự ích kỷ. Chúng ta có thể và phải đi xa hơn nữa, khi xem xét các chiều kích cấu trúc của kinh tế. Vì lẽ đó, vào Mùa Chay năm 2020 này, tôi đã mời các nhà kinh tế trẻ, các doanh nhân và những người làm thay đổi thế giới, tham dự một cuộc họp ở Assisi từ ngày 26 đến 28 tháng Ba với mục đích đóng góp vào việc phác hoạ một nền kinh tế công bằng và toàn diện hơn nền kinh tế hiện nay. Như Huấn quyền của Giáo hội đã lặp lại nhiều lần, chính trị là một hình thức bác ái cao vời (x. Piô XI, Diễn văn với các Thành viên Liên đoàn Đại học Công giáo Ý, 18 tháng 12 năm 1927). Cũng có thể nói như thế về kinh tế, nếu nền kinh tế ấy tham gia dựa trên chính tinh thần Phúc âm này, đó là tinh thần của Tám mối Phúc thật.
Tôi cầu xin Đức Trinh nữ Maria rất thánh chuyển cầu cho Mùa Chay sắp tới, để chúng ta đón nhận lời mời gọi giao hòa với Thiên Chúa, để chiêm ngắm Mầu nhiệm Phục sinh và hoán cải, đi vào cuộc đối thoại cởi mở và chân thành với Thiên Chúa. Như thế, chúng ta sẽ trở nên những gì mà Chúa Kitô đòi hỏi các môn đệ của Người: muối đất và ánh sáng thế gian (x. Mt 5,13-14).
Phanxicô
Ban hành tại Roma, gần Đền thờ Thánh Gioan Latêranô,
 ngày 7 tháng Mười 2019,
Lễ Đức Mẹ Mân côi

Chuyển ngữ: Minh Đức
Nguồn: Văn phòng Thư ký HĐGMVN

Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thư mục vụ Mùa Chay và Phục Sinh 2020

Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thư mục vụ Mùa Chay và Phục Sinh 2020

Ngày 24 tháng 2 năm 2020


TOÀ TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.8) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com


THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY VÀ PHỤC SINH

Kính gởi quý cha, quý tu sĩ, chủng sinh,
và anh chị em tín hữu trong Tổng giáo phận

Anh chị em thân mến,

1. Mùa Chay và Mùa Phục sinh là thời gian canh tân đời sống Kitô hữu nhờ thông phần vào mầu nhiệm Thánh giá và Phục sinh của Chúa Giêsu. Trong thời gian thánh thiện này, tất cả các sinh hoạt đạo đức đều nhằm làm cho sự sống của Chúa lớn lên trong chúng ta. “Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu” (Ep 4, 15) : thánh Phaolô muốn nói về sự tăng trưởng toàn diện của các Kitô hữu, không những trên bình diện cá nhân, mà cả trong chiều kích Giáo hội và vũ trụ. Trên bình diện cá nhân, không phải chỉ có người trẻ mới cần “tiến tới sự trưởng thành toàn diện” như đã được đề ra cho Năm giới trẻ, mà tất cả các Kitô hữu đều cần lớn lên về mọi phương diện, không ngừng vươn lên tới Chúa để sự sống thần linh của Chúa sung mãn trong chúng ta. Ngay cả những người cao niên, dù đã già về tuổi tác nhưng vẫn còn phải lớn lên để “già dặn” hơn trong đời sống đức tin; dù thân xác có thể đã cằn cỗi nhưng con tim vẫn không ngừng lớn lên và mở rộng để ôm trọn mọi người bằng tình yêu của Chúa.

2. Định hướng để chúng ta lớn lên là chính Đức Kitô : “vươn tới Đức Kitô là Đầu”. Nếu không có điểm nhắm này, cuộc đời sẽ trôi dạt lệch hướng, và như vậy chúng ta có nguy cơ đánh mất cuộc đời. Thực tế nạn dịch do virus corona là một tai họa nhưng cũng là cơ hội cho chúng ta thức tỉnh. Cả thế giới đang lo âu trước sự lây lan của virus rất nhỏ bé không thể thấy bằng mắt thường. Bao nhiêu cường quốc trên thế giới, bao nhiêu bác sĩ và nhà khoa học tài ba, bao nhiêu người giàu có và quyền lực, bao nhiêu súng ống bom đạn, tất cả hiện nay vẫn đang bất lực trước chủng virus mới đe dọa mạng sống con người. Thế mà người ta cứ tưởng mình vĩ đại đến độ muốn loại trừ Thiên Chúa toàn năng. Chúng ta sợ hãi trước virus nhưng lại không biết kính sợ Thiên Chúa và qui hướng về Ngài. Con virus nhỏ bé nhắc nhở chúng ta về sự mong manh yếu đuối của thân phận con người để chúng ta khiêm tốn hơn và định hướng lại cuộc đời mình, quay về với Chúa Giêsu, bước theo Chúa Giêsu để sự sống của Chúa Giêsu Phục sinh ngày càng lớn lên trong chúng ta.

Chúa không lấy mất của chúng ta điều gì, Ngài chỉ muốn chúng ta qui hướng về Ngài và sắp xếp cuộc đời theo định hướng đó. Đây chính là sự sám hối đúng nghĩa. Metanoia thường được dịch là sám hối, nhưng sâu xa hơn, đó là sự đảo ngược lòng trí để hướng cuộc đời về Chúa.

3. Các việc đạo đức trong Mùa Chay sẽ giúp chúng ta “lớn lên về mọi phương diện”.

- Cầu nguyện : Sự sống của Thiên Chúa mà chúng ta lãnh nhận trong ngày Rửa tội mới chỉ là mầm sống nhỏ bé, cần được nuôi dưỡng để lớn mạnh nhờ việc chuyên chăm cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Mặc dù cuộc sống hôm nay rất bận rộn vội vã, anh chị em hãy sắp xếp để dành thời giờ cho Chúa; nếu không, chúng ta sẽ không có sự sống và tư tưởng của Chúa để sống như một người con Chúa. Đặc biệt, trong các tuần tĩnh tâm Mùa Chay, nhờ việc suy gẫm Lời Chúa, xưng tội và tham dự thánh lễ, chúng ta sẽ lớn lên trong sự sống của Chúa Ba Ngôi, “được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).

- Chay tịnh : Làm chủ dục vọng là điều cần thiết để con người triển nở quân bình và toàn diện. Tuy nhiên, trào lưu của văn hóa hưởng thụ lại khơi dậy các dục vọng và thúc đẩy người ta thỏa mãn chúng. Muốn làm chủ các dục vọng lệch lạc của “con người xác thịt” để “con người thiêng liêng” lớn lên, chúng ta hãy tập hy sinh hãm mình. Càng biết từ bỏ những ham muốn tự nhiên, chúng ta sẽ càng có tinh thần mạnh mẽ và có sức đề kháng chống lại “virus tội lỗi” luôn rình rập xâm nhập mỗi người chúng ta.

- Bác ái : Đất nước càng phát triển thì hố sâu ngăn cách giàu nghèo lại càng tăng, nhiều người phải sống trong điều kiện thiếu thốn hoặc bị bỏ rơi. Đặc trưng của Kitô giáo là yêu thương như Chúa đã yêu, đặc biệt là yêu thương người nghèo khổ. Trong Mùa Chay, xin anh chị em hãy chứng tỏ lòng bác ái qua việc quảng đại chia sẻ và giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật, gặp nghịch cảnh hoặc bị bỏ rơi. Càng cho đi, chúng ta càng được lớn lên; ngược lại, càng ích kỷ, chúng ta lại càng nghèo nàn và nhỏ bé.

Anh chị em thân mến,

4. Chúng ta tiếp tục dành Mùa Chay năm nay để ủng hộ cho việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà. Công việc còn kéo dài, chúng ta hãy giữ ngọn lửa nhiệt tình cháy mãi, đừng để nguội dần và sa sút theo năm tháng. Anh chị em đã rất quảng đại trong những năm qua, xin cám ơn anh chị em. Chúa sẽ bù đắp gấp trăm những gì anh chị em dâng hiến cho Giáo hội và người nghèo khổ.

Dịch Covid-19 vẫn đang lây lan. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nạn dịch mau qua, cho các bệnh nhân được Chúa chữa lành. Xin Chúa nâng đỡ gia đình của họ và cho những người đã qua đời được an nghỉ trong tình thương của Chúa.

Xin cầu chúc cho mọi thành phần Dân Chúa trong Tổng giáo phận một Mùa Chay thật sốt sắng và một Lễ Phục Sinh thánh thiện vui tươi. Anh chị em đừng quên cầu nguyện cho chúng tôi.

(đã ký)

+ Giuse NGUYỄN NĂNG
Tổng Giám mục

+ Louis NGUYỄN ANH TUẤN
Giám mục Phụ tá

Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro


WGPSG -- Theo sách A Pulpit Commentary on Catholic Teaching (Giải nghĩa trên tòa giảng về Giáo huấn Công giáo), một trong những lý do thứ Tư và thứ Sáu được chọn là ngày ăn chay ở Roma - đó là để thay đổi thói quen tội lỗi của những người ngoại đạo vào những ngày đó.

Lịch trình của Mùa Chay

Mùa Chay khởi sự từ thứ Tư Lễ Tro, kéo dài đến Chúa nhật Phục Sinh. Và theo ý nghĩa phụng vụ, Mùa Chay kéo dài 40 ngày, tương đương với 40 ngày Chúa Giêsu ăn chay trong sa mạc.

Tuy nhiên, bạn có thể tự hỏi: làm thế nào Mùa Chay có thể là 40 ngày được nếu thứ Tư Lễ Tro luôn nằm trước Lễ Phục Sinh 46 ngày? Đó là bởi vì việc ăn chay của mùa Chay không bao gồm các ngày Chúa nhật - được coi là các Ngày Lễ (kỷ niệm Chúa phục sinh); vì vậy, trừ đi 6 ngày Chúa nhật trước lễ Phục sinh không 'ăn chay', số ngày còn lại của Mùa Chay sẽ tròn 40 ngày.

Ý nghĩa của việc ăn chay vào thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh

Theo sách A Pulpit Commentary on Catholic Teaching (Giải nghĩa trên tòa giảng về Giáo huấn Công giáo), một trong những lý do khiến thứ Tư và thứ Sáu được chọn là ngày ăn chay hằng tuần của các tín hữu thời sơ khai ở Roma - đó là để thay đổi thói quen tội lỗi của những người ngoại đạo vào những ngày đó.

Vào thời Giáo hội sơ khai, thứ Tư (Mercredi) đã được những người ngoại đạo hiến dâng cho thần Mercury, vị thần trộm cắp và bất công; còn thứ Sáu (Vendredi) đã được dâng cho thần Venus, thần Vệ nữ của tình yêu xác thịt và đồi trụy. Việc ăn chay vào những ngày ấy đã được suy tính kỹ lưỡng để góp phần đền bù vô số tội lỗi do những bất công và ô uế gây ra ở khắp mọi nơi gần như không có sự kiềm chế, và như thế nhằm giữ cho các Kitô hữu không sống buông thả như vậy.

Tuy nhiên, có thể lý do đầu tiên khiến ngày thứ Tư trở thành ngày ăn chay là để ghi nhớ sự phản bội của Giuđa: ăn chay để phần nào đền bù sự phản bội này, cũng là để xin lỗi Chúa vì bao nhiêu lần các Kitô hữu cũng phản bội Chúa Giêsu do tội lỗi của họ.

Còn ăn chay vào thứ Sáu vì thứ Sáu là ngày Chúa chết.

Sau này, vì nhiều lý do, Giáo hội chỉ buộc ăn chay vào thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, đồng thời buộc kiêng thịt vào thứ Sáu hằng tuần. Ở đây ta cũng thấy được sự trùng hợp lý thú khi ngày khởi đầu 40 ngày của mùa Chay lại nằm đúng vào thứ Tư, là ngày ăn chay của các tín hữu thời sơ khai ở Roma. 

Lệ Hương tổng hợp từ Aleteia .../ Nguồn: WGPSG

Kiêng FACE bớt PHONE


Hãy chậm lại một chút và vấn lòng mình:
Chiếc điện thoại (phone) đang đồng hành với bạn như thế nào?
Facebook (face) đang sống với bạn ra sao?
Có lẽ thời gian người ta “đú đởn” với phone, “lởn vởn” trên face còn hơn nhiều điều khác
Có lẽ không gian người ta sống với người, cống hiến cho đời không cân xứng với từng giờ với phone từng phút trên face
Có lẽ tương quan người ta vun người ta đắp trên face trong phone còn tỉ mỉ, kĩ càng hơn hàng tá người đang chờ đợi họ ngoài kia
Có lẽ chuyện đời người ta sẻ chia đâu bằng những mảnh vụn trên kia
Có lẽ khoảng trống người ta đang có dễ được lấp đầy bằng face bằng phone hơn rất nhiều điều khác
Có lẽ năng lượng người ta nuôi dưỡng face chăm sóc phone hơn cả tâm hồn gần gũi bên trong của họ
….
Bạn đang thuộc về thế giới ấy? Bạn đang đứng ở đâu trong khoảng trời này?
Hãy thử tưởng tượng:
Bạn sẽ ra sao nếu thiếu một giờ, vắng một ngày, cả một tuần, hay đủ một tháng sống thiếu cái phone vắng bóng face?
Mọi thứ sẽ nổ tung xung quanh cuộc sống của bạn chăng?
Dường như chẳng cần tưởng tượng, không cần vẽ ra chuyện ấy làm gì vì nó quá rõ điều gì đang gắn với bạn với phone, thứ gì đang níu chân bạn lại với face. Chúng…
Cứu vãn nhiều thứ quanh bạn
Lấp đầy những khoảng trống
Tống khứ đủ mối lo âu
Đâu đâu cũng cần
Ân cần chắt chiu từng chút để biết hết chuyện nhỏ to, kết nối bao người, sẻ chia bao cảm xúc, tận hưởng bao hạnh phúc của người ta, la cà với muôn điều lý thú…
Bao lý do bấy nhiêu ích lợi cho một cái chạm, một lần like, một câu bình luận… Có lẽ cũng không thiếu những lý do len lỏi trong đầu óc bạn về những tác động không tốt của phone của face. Điều gì nơi chúng đang khiến bạn cảm thấy không thoải mái, mất hạnh phúc từng chút? Có người sẽ không dễ để tìm ra đáp án cho bài toán thú vị này bởi chúng đang khiến bạn chìm ngập trong một thế giới vừa lạ vừa quen, mon men với những điều mới lạ, miên man với những thứ thân quen, bon chen trong những ảo huyền mộng mị. Đâu dễ gì “ly dị” với chúng, đâu dễ gì “chia lìa” những người bạn thân quen này.
Chậm bước lại, ngẫm suy vài lời, bao lời mời gọi…
Một chút thôi…Chúa đang lôi cả một bầu trời Mùa Chay rộng lớn đến bên bạn.
“Hãy làm hòa với Thiên Chúa” trong lời mời gọi của vị Giáo Hoàng thân yêu.
Nếu bạn đang muốn sống một Mùa Chay thật ý nghĩa hay mong tìm thấy chút hạnh phúc, một phút bình yên, hãy làm hòa với Thiên Chúa, bạn nhé!
Bạn sẽ tìm thấy Ngài ở đâu?
Dễ dàng gì khi cố gắng lục lọi nickname của Giêsu trong facebook của bạn, hay gọi điện, nhắn tin cho Người với cái phone trên tay. Bạn hãy thử coi!
Nên chăng…
Dành thời gian thuận lợi này để chuẩn bị mừng lễ thay vì “đú đởn” với phone, “lởn vởn” trên face
Tạo không gian cho riêng bạn với Người với đời thay vì sống cùng phone, cống hiến trên face
Nối kết tình bạn chân thành với Giêsu trong cầu nguyện hơn là những tương quan lan man trên đó
Sẻ chia với Người những câu chuyện thú vị của bạn hơn cả mớ hỗn độn, lộn xộn trên kia
Trải lòng trong tương quan ”mặt đối mặt” với Người thay vì qua cái màn hình bé xíu, tí ti
Cho phép tiếng Người vang dội sâu hơn trong ta hơn cả những ảo mộng hão huyền, luyên thuyên trên đó.
Cho phép bạn suy nghĩ về face, về Chúa và về mình trong tình liên đới với tha nhân.
Có thể tìm thấy sa mạc nào đó trên face
Có thể lắng nghe tiếng lòng trong bạn trên đó
Có thể chiêm ngắm hình ảnh đâu đó trên đây
Có thể đụng chạm thứ gì thú vị ở đó
Mọi cơ hội thuận lợi đến với ta chỉ có thời có buổi, và ta sẽ phải lựa phải chọn cho vừa lòng ta hay đẹp ý Người.
Mùa Chay này, bạn có thể hạn chế thứ này và thay thế thứ kia tốt hơn, cho vinh danh Thiên Chúa hơn.

Lyeur Nguyễn