Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Lễ giỗ Chân phước Charles de Foucauld (1858-1916)

Nhân chứng của tình yêu đại đồng
Chiều ngày 1/12/1916, một nhóm du kích đã đột nhập vào nhà Anh Charles, cướp của, bắt trói anh lại và cuối cùng đã hạ sát anh tại chỗ. Anh Charles đã bị hạ sát như một người vô tội, bị hiểu lầm, đứng giữa tôn giáo và chính trị, như cái chết của Chúa Giêsu.
Kể từ khi thế chiến I (1914-1918) bùng nổ ở Châu Âu tràn sang Phi Châu và kéo vào tận trung tâm sa mạc Sahara, nơi Anh Charles đang sống, người ta đã đề nghị Anh di tản vào một đồn trú ẩn an toàn hơn, nhưng Anh Charles không chịu. Anh không muốn rời Tamanrasset và các bạn Touareg của Anh.
Hình như từ lâu Anh đã linh cảm trước cái ngày tận cùng bi thảm của đời Anh, khi còn ở Nazareth cạnh tu viện các Soeurs Claristes, khi suy niệm về cái chết của Chúa Giêsu (Lc 23,46): “Đức Giêsu kêu lớn tiếng: ”Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở”, Anh Charles đã viết: “Hãy tưởng rằng tôi sẽ chết vì đạo, bị lột hết quần áo, nằm dãy dụa trên vũng máu với vết thương, đến nỗi chẳng ai nhận ra tôi . Tôi sẽ phải bị giết một cách tàn bạo đau thương… Hãy mong sao cho điều ấy được xảy ra đúng ngày hôm nay đi”.
Rồi khi ở Béni-Abbès, Anh cũng lại viết: “Hãy sống ngày hôm nay từng giây, từng phút như thể chiều nay sẽ phải tử đạo… Hãy luôn luôn chuẩn bị cho giờ tử đạo đó, để đón nhận nó không kháng cự như Chiên Thiên Chúa”.
Cho đến lúc ở Tamanrasset, Anh vẫn không quên điều mơ ước đó, và ngày 1/12/1916 định mệnh bi thảm đó đã thật sự đến với Anh. Anh đã chết như Anh đã mơ ước. Anh đã ở lại với các bạn Touareg của Anh đến phút cuối cùng. Anh đã chết như Anh đã sống. Anh đã hiến mạng sống mình cho tình nghĩa anh em đại đồng.
Sứ điệp của Anh Charles
Nhưng, chúng ta thử hỏi: một người chết đi tại Tamanrasset cho tình yêu thương huynh đệ đại đồng có nghĩa lý gì, khi hàng triệu con người vẫn tiếp tục chém giết nhau trong một thế giới chiến tranh, khủng bố và hận thù? Một mạng người có thể để lại được gì trong sa mạc Sahara mênh mong, cho dù tình thương huynh đệ của con người ấy có bao la đến mấy đi nữa? – Thật vậy, cuộc sống của Anh Charles bề ngoài như chẳng làm nên trò trống gì và cả cái chết của Anh cũng có vẻ như vô hiệu quả!
Tuy nhiên, đây chính là mầu nhiệm Vượt Qua. Một hạt lúa mì đã gieo vào lòng đất, dù giữa đất khô cằn, nóng bỏng của sa mạc Sahara vẫn nẩy sinh được nhiều bông hạt.
Một người nằm xuống để hàng ngàn người đứng lên. Bao nhiêu người trên thế giới đang sống lại tình huynh đệ đại đồng của Anh Charles giữa lòng thế giới hôm nay, chẳng phải là những hoa trái tươi tốt nẩy sinh từ hạt giống được gieo trồng giữa lòng sa mạc khô cằn, nóng bỏng ấy sao?
Cái chết âm thầm nghèo khó của Anh Charles là cuộc phục sinh, biểu dương ý nghĩa sâu sắc của sứ điệp Anh Charles để lại cho chúng ta. Sứ điệp đó là: “Hãy sống trọn vẹn hôm nay cuộc đời của Thiên Chúa nhập thể làm người”.
Nói đến mầu nhiệm nhập thể, tôi thiết tưởng đây phải chăng cũng là một việc của Chúa quan phòng: Anh Charles đã chết vào đầu tháng 12 là thời gian phụng vụ Giáo Hội bắt đầu vào Mùa Vọng, mùa sống lại mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập thể làm người, để cứ mỗi lần cử hành lễ giỗ Anh Charles vào đầu Mùa Vọng, chúng ta cũng nhớ lại chính sứ điệp của Anh: “Hãy sống trọn vẹn hôm nay cuộc đời của Thiên Chúa nhập thể làm người”. Thiên Chúa đã chọn lấy thân phận con người, một người nghèo khó ở Bêlem, một người thợ vô sản ở Nazareth và Ngài đã yêu thương con người đến thí mạng sống cho con người trên thập giá. Anh Charles  từ  Âu châu đã đến Phi châu, sống giữa những người thổ dân nghèo hèn, chia sẻ với họ những nỗi cực nhọc và vui buồn của cuộc đời, yêu thương họ bằng một tình thương như anh em, sẵn sàng hy sinh mạng sống cho anh em.
Anh em của mọi người
Muốn trở thành người anh em của mọi người, Anh Charles đã sống và chết để cho tình yêu Thiên Chúa và tình huynh đệ giữa loài người được lan rộng, được lớn mạnh. Như Chúa Giêsu xưa kia đã từng ưu tiên đem tình yêu thương đến những người nghèo và những người bị xã hội loại trừ, những người sống xa cách Thiên Chúa. Anh Charles đã đến tận sa mạc Sahara, trước tiên là để yêu thương những người nghèo nhất, những người xa cách nhất, những người chưa biết Chúa. Chính những người ấy là những người anh em mà tình yêu Thiên Chúa đòi buộc Anh Charles phải yêu thương hơn cả và thật sự là Anh đã yêu thương họ đến cùng. Anh đã chia sẻ thân phận của họ cho dù phải đói khát với họ, phải đổ máu ra vì họ.
Đi theo Anh Charles 
Chúng ta phải tiếp tục sống sứ điệp Anh Charles đã để lại cho chúng ta. Trong môi trường xã hội chúng ta ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta càng phải sống mạnh mẽ và trọn vẹn cuộc đời của Thiên Chúa nhập thể làm người và ở cùng chúng ta. Bởi vì người nghèo vẫn còn đó và ngày càng có những người nghèo mới bên cạnh chúng ta. Người chưa biết Chúa vẫn có và có thêm một lớp người mới không muốn biết Chúa. Ở đây, trên đất nước này, chứ không phải ở phương trời xa xôi nào khác, đây phải là môi trường chúng ta phải dấn thân, nhập thế để cho tình yêu Thiên Chúa và tình huynh đệ giữa con người được thấm nhập, lan rộng và lớn mạnh, như Anh Charles đã dứt khoát ở lại với các bạn Touareg của Anh đến cùng, mặc dù riêng mình, Anh đã có thể trốn thoát khỏi thảm họa xảy đến.
Gắn bó với dân tộc mình, dấn thân vào các môi trường xã hội, vào môi trường các anh em nghèo khó - nghèo khó vật chất, tinh thần, nghèo khó đức tin và nghèo khó kinh tế. Không phải dấn thân vào đó để rồi chính mình cũng lại trở thành nghèo khó về mọi mặt như họ. Trái lại, dấn thân vào đó để nâng cao họ lên, để đưa họ đến gần với Tin Mừng, để họ được sống xứng với phẩm giá con người hơn và nhất là con người đã được Thiên Chúa yêu thương cứu chuộc.
Để kết…
Cuối cùng, tôi nghĩ đến lời kinh của các chị Tiểu Muội cầu nguyện thật sốt sắng mỗi khi vừa tiếp rước Mình Thánh Chúa:
“Lạy Cha chí thánh, hiệp với Thánh lễ Mình và Máu Chúa Giêsu và để làm vinh danh Cha, xin nhận toàn thân con làm của lễ dâng hiến để cứu rỗi các anh em trên toàn thế giới. Con cũng xin hiến dâng để cho các anh em nghèo khó và bị áp bức gặp được sự giải phóng đích thực trong công bằng và bác ái của Chúa Kitô, để cho có sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa những anh em không cùng tín ngưỡng, giữa những anh em không cùng chung ý thức hệ, khác biệt giai cấp, quốc gia và dân tộc”.
Lời kinh này nói lên tất cả ý nghĩa và mục đích của cuộc đời “vừa hiện diện với Chúa, vừa hiện diện với anh em” theo tinh thần của Anh Charles. Không chỉ bằng lời cầu nguyện mà còn bằng cả hành động, bằng cả cuộc sống, chúng ta phải đem đến cho môi trường dấn thân của chúng ta một tình yêu thương huynh đệ, một sự hiệp nhất đức tin, sự bình đẳng, tôn trọng nhau và công bằng xã hội. Thực hiện được những việc ấy là chúng ta thực hiện đúng sứ điệp của Anh Charles và cũng là sứ điệp Tin Mừng của Thiên Chúa nhập thể làm người và ở cùng chúng ta: EMMANUEL.
Lm. Fx Lê Văn Nhạc

Cộng đoàn Công giáo ở Singapore giúp người tị nạn Hồi giáo Rohingya

Người tị nạn Hồi giáo Rohingya

Giúp người tị nạn Hồi giáo Rohingya trong việc giáo dục và đào tạo nghề. Đây một hoạt động của Dịch vụ cho người tị nạn của dòng Tên gọi là JRS ở Singapore.

Hoạt động giúp người tị nạn được sự giúp đỡ của nhiều tình nguyện viên đến từ cộng đồng Công giáo địa phương và phần đóng góp kinh tế của toàn thể Giáo hội địa phương. Tất cả đang dấn thân để hỗ trợ cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến hơn 700.000 người tị nạn sắc tộc Rohingya đã bỏ chạy khỏi Myanmar đến nước láng giềng Bangladesh nguyên nhân do đàn áp quân sự. Các hoạt động và dự án bao gồm gây quỹ, tổ chức các chuyến mục vụ, ngoài ra các thiện nguyện viên còn quan tâm đến nhận thức văn hóa về tình trạng của người tị nạn và người di tản thông qua các cuộc triển lãm và hội nghị. Ở Singapore, một số nhà thờ như nhà thờ thánh Ignazio, Lòng Chúa Thương Xót, và thánh Antonio, nhà thờ Chính tòa Người Mục Tử nhân lành, đã tổ chức các cuộc triển lãm, cầu nguyện và các cuộc gặp gỡ để thông tin về tình hình của những người tị nạn.

Một tình nguyện viên Công giáo Singapore, Jeremy Lim, nói với Hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo về kinh nghiệm giúp đỡ những người tị nạn tại thành phố Bengala của Cox's Bazar: "Tôi đã khám phá ra một khía cạnh mới của đời sống Kitô: ngoài phụng vụ ca tụng và tôn thờ Thiên Chúa, tôi đã sống kinh nghiệm của Chúa Kitô, Đấng chạm vào người phung cùi, của Giáo Hội như một bệnh viện dã chiến đón tiếp những người bị thương". Một tình nguyện viên Công giáo khác Doris Khoo khẳng định rằng: "Đi tới các trại tị nạn cho chúng tôi cơ hội để gần gũi với anh chị em chúng ta có hoàn cảnh khó khăn. Những chuyến viếng thăm đó cho phép chúng tôi thực sự sống đức tin một cách cụ thể".

Ưu tiên của JRS là làm việc với các đối tác ở Indonesia và Thái Lan để cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng giáo dục, cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội và tư vấn pháp lý cho người tị nạn và người xin tị nạn. Một công việc tế nhị khác đó là tiếp tục giúp các tín hữu ở Singapore nhận thức được những vấn đề mà những người tị nạn đã trải qua và tạo ra nhận thức về cuộc khủng hoảng hiện tại. Trong số các sáng kiến đang diễn ra, có các chương trình giáo dục cho trẻ em, chăm sóc sức khỏe, mưu sinh và các dịch vụ xã hội.

Panama tiếp tục chuẩn bị cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2019

Panama tiếp tục chuẩn bị cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2019

Chỉ còn không đầy 2 tháng nữa là đến Đại hội Giới trẻ Thế giới (WYD) 2019, diễn ra từ ngày 22-27.1 tại Panama. Sau khi công bố chương trình chính thức của Đức Thánh Cha trong chuyến tông du đến quốc gia này, các hoạt động chuẩn bị vẫn tiếp tục được nhân rộng.

Chúa nhật 18.11 vừa qua, hàng ngàn bạn trẻ đã tham gia cuộc tuần hành từ Đại học Kỹ thuật Gymnasium đến Đại học Đức Maria Antigua, và kết thúc với thánh lễ do Đức cha José Domingo Ulloa Mendieta, Tổng Giám mục Panama chủ sự. Trong thánh lễ, ngài nói: “Giới trẻ thân mến, các con chính là lý do để Giáo hội và đất nước nỗ lực tổ chức Đại hội”. Ngài cũng nhắc lại rằng, mục đích của sự kiện này là để gặp gỡ Thiên Chúa, tiếp tục cuộc sống với niềm vui, sự khiêm tốn và sự sẵn lòng của người tín hữu.

Ngày 22.11.2018, các biểu tượng của WYD - thánh giá và tranh icôn Đức Mẹ Salus Populi Romani - đã được rước tới Tổng Giáo phận Panama, sau khi hành hương qua Venezuela. Ngày cầu nguyện cho quốc gia tại nhà thờ Đức Mẹ Từ bi cũng đã diễn ra vào 22.11. Hàng trăm bạn trẻ đã dâng lời nguyện xin Thiên Chúa ban hồng ân không chỉ cho đất nước mà còn cho sự thành công của WYD 2019.

Cũng trong tuần này, Đức Thánh Cha công bố sứ điệp* về WYD. Ngài mời gọi các bạn trẻ hãy “thực hiện một cuộc cách mạng để có thể phá vỡ những thế lực của thế giới ngày nay - cuộc cách mạng phục vụ”, thông qua đối thoại với Thiên Chúa, và bằng thái độ lắng nghe, noi gương Mẹ Maria.

(Fides, 24/11/2018)

Gia Hy
* Cập nhật lúc 10g18 ngày 28/11/2018

Lần đầu tiên một phụ nữ đứng đầu Khoa Thần học của Đại học Công giáo

ĐTC trong một lần viếng thăm Bộ Giáo dục Công giáo
ĐTC trong một lần viếng thăm Bộ Giáo dục Công giáo 

Với sắc lệnh của Bộ Giáo dục Công giáo ban hành ngày 26 tháng 10, lần đầu tiên bà Ana Maria Jorge, 56 tuổi, nữ tiến sĩ giáo dân sẽ là người đứng đầu Khoa Thần học của Đại học Công giáo Bồ Đào Nha.

Tiến sĩ Jorge chuyên ngành nghiên cứu lịch sử tại Khoa Văn và Triết học của Đại học Công giáo Lovanio, là thành viên của Học viện Lịch sử Bồ Đào Nha, Hiệp hội Nghiên cứu trung cổ Bồ Đào Nha và Hội Khoa học Đại học Công giáo, nơi bà dạy môn lịch sử Giáo hội và Kitô giáo, cũng như phương pháp luận. Bà còn là người điều phối các nghiên cứu về tôn giáo, giữ vai trò chỉ đạo ở Trung tâm Nghiên cứu về Lịch sử Tôn giáo và tạp chí "Lusitania sacra" từ 2007 đến 2010.

Khoa Thần học được thành lập từ ngày 4 tháng 11 năm 1968, chính xác cách đây năm mươi năm. Kế hoạch của Viện cho giai đoạn 2015-2020 là nâng cao trình độ giảng dạy và tăng cường đội ngũ giảng viên; gia tăng nghiên cứu thần học và khoa học tôn giáo; thiết lập học viện Khoa học tôn giáo. Trong tinh thần hợp tác với nhiều tổ chức Giáo hội trong nước và quốc tế, các Giáo hội của các nước châu Phi nói tiếng Bồ Đào Nha.

Theo bà Ana Maria Jorge quốc tế hóa giảng dạy, thông qua tính chuyển động của giáo viên và học sinh, có tầm quan trọng mới. Bà nói: "Đây là một thách thức lớn. Thực tế cần phải đa dạng hóa quốc tế châu Âu và mở rộng toàn thế giới trong việc nghiên cứu. Cần phải làm sao để việc nghiên cứu của sinh viên ngày càng mang lại hiệu quả. Để đạt được điều này ở các buổi hội thảo Khoa Thần học phải có sự kết nối với các trường khác và các quốc gia khác”.

Khi nói về lịch sử của Khoa mà bà sẽ đứng đầu, nữ tiến sĩ cho biết khoa hoạt động tại ba trung tâm (Lisbona, Porto e Braga), và cho biết trong năm mươi năm qua đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên. Bà và các cộng tác viên tin tưởng việc đào tạo các thế hệ sinh viên tiếp theo trong tương lai tiếp tục phát triển.

Ngọc Yến - Vatican
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2018-11/phu-nu-dung-dau-khoa-than-hoc-dai-hoc-cong-giao.html

Giáo hội Philippines khai mạc Năm Giới trẻ

ĐTC Phanxicô tại Filippines
ĐTC Phanxicô tại Filippines 

Trong thánh lễ trọng thể kính Chúa Kitô Vua, Giáo hội Philippines đã khai mạc Năm Giới trẻ, công bố Ngày Giới trẻ Quốc gia năm 2019. Hội đồng Giáo mục đã chính thức công bố năm 2019 sẽ là Năm Giới trẻ, và sẽ kết thúc vào ngày 24 tháng 11 năm 2019, như một phần của "hành trình chín năm cho công cuộc Tái Truyền giảng Tin Mừng”, chuẩn bị kỷ niệm 500 năm đức tin Kitô giáo được loan truyền ở Filippines (1521-2021).

Đức Tổng Giám mục José Palma của Cebu cho biết: "Trong việc cử hành Năm Giới trẻ và Ngày Giới trẻ, chúng tôi cố găng đưa nhiều người bước theo Chúa Giêsu. Năm 2019, dành riêng cho những người trẻ, họ là tương lai mà còn là hiện tại của Giáo hội. Với sự tham gia tích cực của người trẻ vào xã hội và trong đời sống của Giáo hội, họ truyền cảm hứng cho chúng ta việc Phúc Âm hóa và biến đổi xã hội",.

Trong quá trình chuẩn bị cho Năm thánh 2021, những năm đầu tiên được dành riêng cho việc "huấn luyện toàn bộ đức tin" (2013), cho giáo dân (2014), cho người nghèo (2015), cho Thánh Thể và gia đình (2016), và cho giáo xứ như sự hiệp thông cộng đồng (2017). Năm 2018 được dành riêng cho các giáo sĩ và những người thánh hiến trong khi, sau Năm Giới trẻ (2019), hai năm cuối cùng sẽ được dành cho cuộc đối thoại đại kết và liên tôn (2020) và cho công cuộc loan báo Tin Mừng (2021).

Đức Tổng Giám mục Palma nói: "Chúng tôi đang chờ đợi với lòng biết ơn và niềm vui ngày 16 tháng 3 năm 2021, kỷ niệm năm trăm năm Kitô giáo xuất hiện ở Philippines. Chúng tôi ghi nhớ với lòng biết ơn Thánh lễ đầu tiên được cử hành trên đảo Limasawa, vào Chúa nhật Phục Sinh, ngày 31 tháng 3 năm đó. Chúng tôi ghi nhớ năm 1521, năm mà Rajah Humabon lãnh nhận bí tích Rửa tội, với tên thánh là Carlos và vợ là Harah Amihan, tên thánh là Juana. Chúng tôi hướng nhìn đến thánh Niño de Cebu, biểu tượng tôn giáo lâu đời nhất của Philippines, một món quà của Ferdinando Magellano dành cho những người Công giáo đầu tiên của Philippines. Năm 2021 sẽ là một Năm Thánh lớn cho Giáo Hội ở Philippines".

Chứng tá truyền giáo của đức cha George Pallipparambil

Đời sống thường nhật của người nông dân Ấn độ
Đời sống thường nhật của người nông dân Ấn độ  (ANSA)

Từ một cộng đoàn chỉ có 900 tín hữu Công giáo vào năm 1979, đến nay giáo phận Miao đã có 90 ngàn tín hữu, chiếm gần 20% dân số trong vùng.


Trong khi nhiều Giám mục lên chương trình cẩn thận để hướng dẫn và điều hành giáo phận của họ, thì đức cha George Pallipparambil thì khác. Đối với ngài, kế hoạch được Thiên Chúa thực hiện, còn công việc của ngài là lắng nghe và đáp lời Thiên Chúa.

Những năm đầu

Giáo phận Miao nằm dọc biên giới Trung quốc, thuộc bang Arunachal Pradesh ở miền đông bắc Ấn độ. Cho đến gần đây, nơi này vẫn được xem như là một vị trí xa xôi cách trở, hầu như không thể đến được. Giáo phận được thành lập từ năm 2005 nhưng đức cha George đã chăm sóc đoàn chiên từ gần 4 thập niên, từ khi cộng đoàn chỉ có 900 tín hữu Công giáo vào năm 1979, đến 90 ngàn tín hữu ngày nay, chiếm gần 20% dân số trong vùng. Khi cha George đến đây, cha không có kế hoạch, không có nhà thờ, không có nhà xứ. Nhưng Thiên Chúa đã làm tất cả.

40 năm trước, Miao vẫn còn do quân đội Ấn điều hành như một tiểu bang trực thuộc tiểu bang. Dân số phần lớn là các bộ tộc người Mông cổ và họ thường xung đột với nhau. Cơ duyên đến với Miao của cha George cũng không nằm trong kế hoạch của cha. Từ Kerala, một bang ở miền nam Ấn độ, cha giúp đỡ lập một trường học cho các trẻ em bộ tộc từ miền bắc di cư xuống miền nam. Khi các học sinh này trở về lại quê nhà trong một tình trạng hoàn toàn khác: họ được nuôi nấng đầy đủ, biết đọc biết viết, và biết Chúa Kitô, những vị bô trưởng của các bộ lạc nhờ các học sinh trở lại trường nhắn tin cho cha George. Các trẻ em học thuộc tin nhắn và lập lại với cha: Thưa cha George, xin đến với chúng tôi và nói cho chúng tôi biết hơn nữa về Chúa Giêsu, Đấng đã làm nhiều điều cho các con em của chúng tôi.” Thế là vào năm 1979, cha George đã lên đường đến miền bắc Ấn độ và ở lại đó cho đến bây giờ.

5 năm đầu, cha George gặp nhiều thử thách. Các linh mục bị cấm ở vùng này cũng như việc rao giảng Tin mừng. Một ngày vào dịp lễ Giáng sinh năm 1980, cha cùng với một người đàn ông, đi bộ từ làng này sang làng khác, rao giảng Tin mừng, và cha đã bị bắt và giam trong một trại cảnh sát. Khi tin cha bị bắt loan đến ngôi làng gần đó, mấy trăm giáo dân đã cầm gươm và đuốc kéo đến đồn cảnh sát. Vị tộc trưởng đã yêu cầu trưởng đồn cảnh sát trả lại cho họ vị linh mục. Cuối cùng, nửa đêm hôm đó, cha đã được trả về cứ điểm truyền giáo.

Tự do trong Tin mừng

Cha George nhận thấy người dân rất khao khát Tin mừng. Đối với họ, Tin mừng là điều rất ý nghĩa; Tin mừng mang cho họ tự do theo nghĩa rộng, nhưng đặc biệt cho họ phẩm giá mà họ chưa từng biết trước đây. Dù là cải đạo sang Kito giao là điều bị cấm ở Án độ, nhưng đối với cha George, cải đạo ở Ân độ được hiểu như là một sự chuyển đổi tự nhiên, như một đứa trẻ lớn lên trong một thứ tôn giáo sơ khai và rồi tìm được điều gì đó tốt hơn.

Người dân ở vùng này phần lớn đều biết đến thứ tôn giáo vật linh và họ “bị nô lê” bởi việc thực hành tôn giáo tự nhiên này. Nghi lễ tôn giáo duy nhất mà dân làng biết đến là nghi thức sát tế thú vật và việc hiến tế này khiến cho họ trở nên nghèo hơn. Kitô giáo, sự tự do của Tin mừng cũng là một giải phóng kinh tế cho người dân ở đây. Kitô giáo đưa các cộng đoàn đến với y tế, giáo dục, tất cả những điều mà trước đây đơn giản là họ không thể có. Phát triển xã hội và loan báo Tin mừng đi song song với nhau.

Đức cha George chia sẻ: “Chúng tôi không bao giờ nhắm đến việc nhét Tin mừng vào miệng bất cứ ai. Mục đích đầu tiên của chúng tôi là giúp đỡ họ, bất cứ điều gì họ cần, như giáo dục, y tế, bất cứ điều gì. Đây là những công việc chúng tôi làm, nhưng họ đã hiểu. Họ nhìn thấy chúng tôi ở đây, sống với họ, ở lại với họ, họ nhìn thấy các chứng nhân. Đón nhận Tin mừng là kết quả của công việc yêu thương, trao tặng cách tự do, của chúng tôi.”

Đức cha chia sẻ rằng nhân phẩm là chìa khóa mở cánh cửa thay đổi. Dù trong 30 năm qua, Đức cha đã thành lập 40 trường học trong vùng, nhưng sự tăng trưởng hàng trăm lần của đoàn chiên không phải là nhờ con số ít các trường học này. Thành quả đạt được mà không có một kế hoạch “Kitô hóa” dân chúng thì như thế chỉ có thể là sự can thiệp thật sự và trực tiếp của Chúa Thánh Thần trong đời sống người dân, chứ không phải là sự can thiệp của Đức cha hay những người loan báo Tin mừng. Trong khi sự phát triển của cộng đồng giáo hội địa phương được thấy rõ thì đối với đức cha George, điều quan trọng hơn, chính là ảnh hưởng của nó trên cộng đồng dân chúng địa phương.

Phẩm giá người nữ

Một trong những điều Kitô giáo mang đến các cộng đồng bộ tộc chính là việc thăng tiến phụ nữ. Trong xã hội bộ tộc ở đây, phụ nữ chăm lo việc gia đình và con cái. Chế độ đa thê là điều bình thường tại nhiều nơi, và việc các cô dâu trẻ em hoặc việc bán các con gái trong những cuộc hôn nhân cũng là điều bình thường. Nhưng hiện nay điều này không còn tồn tại nữa. Và điều này cũng là kết quả từ các gương lành và chứng tá của các Kitô hữu, chứ không phải là do người dân bị ép buộc. Đức cha kể: “Chúng tôi không chống trực tiếp lại các thói tục này hay nói đi nói lại với họ rằng những điều này là sai. Thay vào đó, chúng tôi bắt đầu giáo dục các thiếu nữ, tổ chức các khóa huấn luyện các em, dạy cho các em đọc chữ và nghề nghiệp cho các phụ nữ trẻ.”

Khi những thanh niên trẻ rời đi nơi khác để tìm việc làm hoặc học hành thì những phụ nữ ở lại và trở thành những người lãnh đạo trong làng, được các nhóm phụ nữ Công giáo trợ giúp phát triển cộng đoàn và đời sống chung, mà trước đó họ hoàn toàn cậy dựa nơi người nam. Đó là một điều nhỏ bé nhưng đã thay đổi hoàn toàn thế giới của những phụ nữ này. Ngày nay các người nữ chọn người chồng của mình; họ quan tâm đến việc chọn một Kitô hữu hoặc một người sẽ trở thành Kitô hữu. Hôn nhân Kitô giáo là hôn nhân bình đẳng dựa trên tình yêu. Điều này đã được thay đổi nơi các bộ tộc và ngày nay nó đã trải rộng khắp bang Arunachal Pradesh.

Ơn gọi nên thánh và ơn gọi truyền giáo

Tin mừng được loan báo không chỉ đưa đến những thay đổi về kinh tế và xã hội nhưng còn về các ơn gọi. Khi giáo phận được thành lập vào năm 2005, và đức cha George được bổ làm giám mục tiên khởi, thì tiểu chủng viện cũng được thành lập. Đồng thời, nhiều thiếu nữ được giáo dục bởi Giáo hội cũng chọn đời sống tu trì. Giáo phận dấn thân vào việc loan báo Tin mừng và các chủng sinh được huấn luyện trong tinh thần này. Cha mẹ họ là những giáo dân truyền giáo, đã đưa Giáo hội đến đây và gieo trồng Giáo hội, đau khổ vì Giáo hội. Những ngày đầu, khi các thừa sai không được phép đến các làng truyền giáo thì chính các dân làng, rồi đến con cái họ, các học sinh, là những người làm tất cả. Họ giảng đạo, hoán cải người dân, rửa tội, tập họp dân chúng mỗi tuần và cầu nguyện, đọc Tin mừng và hát thánh ca với nhau.

Ngày nay giáo phận có 28 linh mục, với 68 tu sĩ. Họ phục vụ 90 ngàn tín hữu trong giáo phận có diện tích 17 ngàn dặm, mà đa phần không thể đi xe đến được. Người dân ở đây không để cho các linh mục làm hết mà tất cả họ đều phải mang tin mừng. Các linh mục giải tội và cử hành Thánh lễ nhưng các giáo dân là người loan báo Tin mừng.

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

Thư Mục vụ Mùa Vọng & Mùa Giáng Sinh 2018

TOÀ TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
(84.28)3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

 

THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG VÀ GIÁNG SINH 2018

Kính gởi: quý cha, quý nam nữ tu sĩ,
                quý thầy đại chủng sinh,
                và toàn thể anh chị em giáo dân.
Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai,
người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel,
nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”
 (Mt 1,23).
Anh chị em rất thân mến,
1. Năm Phụng vụ 2019 sắp bắt đầu với Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh cùng 3 điểm nhấn: (1) Giáo Hội đang thao thức muốn áp dụng những thành quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới (THĐGM) về giới trẻ vừa kết thúc vào ngày 28/10/2018 vừa qua; (2) riêng đối với Giáo Hội Việt Nam, chủ đề cho năm 2019, năm thứ ba về Mục vụ gia đình, được HĐGMVN đề nghị, là “đồng hành với các gia đình gặp khó khăn”[1]; (3) cuối cùng, Giáo Hội cùng với Thánh Bộ Loan Báo Tin Mừng đang chuẩn bị cho tháng 10 năm 2019 được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ấn định là “tháng truyền giáo ngoại thường”[2].
2. Trong sự hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu và Giáo Hội Việt Nam, tôi và Đức cha Louis muốn đề nghị một định hướng mục vụ cho toàn thể Tổng Giáo phận trong Năm Phụng vụ 2019 là: đồng hành với giới trẻ, dấn thân Loan Báo Tin Mừng, đặc biệt quan tâm đến những gia đình gặp khó khăn.
3. Trước hết, điểm nhấn đầu tiên trong Văn kiện Cuối cùng của THĐGM về giới trẻ là việc đồng hành. Người trẻ cần được Giáo Hội (linh mục, tu sĩ, giáo lý viên, các đoàn thể...) và cha mẹ đồng hành trong yêu thương, để giúp họ phân định nhằm có được những chọn lựa đúng đắn và thực hiện những chọn lựa này. Giáo Hội và cha mẹ cần dành thời giờ để quan tâm, lắng nghe và hướng dẫn các bạn trẻ khám phá bản thân, phân định Thánh ý Chúa và tích cực tham gia vào việc xây dựng Giáo Hội và xã hội.
Mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa làm người là một hình ảnh sống động của việc đồng hành. Đấng Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, qua sự hạ mình, hiện diện và chia sẻ nơi hang đá Bêlem, là một tấm gương cho chúng ta trong việc đồng hành với những người trẻ. Việc Con Thiên Chúa đến đồng hành, chia sẻ và hướng dẫn con người, khởi sự với mầu nhiệm Nhập thể, đã đạt đến cao điểm trong Mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh. Hình ảnh Chúa Giêsu Phục Sinh đồng hành với hai môn đệ đang chán nản, thất vọng, trên đường Emmaus được THĐGM dùng làm tựa đề cho ba phần của Văn kiện Cuối cùng về tiến trình phân định: (1) Phần I “Ngài đồng hành với họ” (giai đoạn Nhận biết); (2) Phần II “Mắt họ mở ra” (giai đoạn Giải thích); (3) Phần III “Lập tức họ lên đường” (giai đoạn Chọn lựa).
Một đề nghị cụ thể giúp chúng ta và các bạn trẻ có được những tiêu chuẩn để làm sáng tỏ và giải thích các vấn đề khó khăn, khi sống đức tin công giáo, đó là việc học hỏi Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh Công giáo trong tập sách DOCAT, với bốn nguyên tắc: Nhân phẩm - Công ích - Liên đới - Bổ trợ (x. DOCAT, số 84), và bốn giá trị: Sự thật - Công bằng - Tự do - Tình yêu (x. DOCAT, số 104-109).
4. Tiếp đến, ngoài việc chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân, trong năm 2019, Tổng giáo phận chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn để đồng hành với các gia đình đang gặp khó khăn, đặc biệt các gia đình trẻ trong những năm đầu của đời sống hôn nhân. Những cuộc thăm viếng, những lớp học hỏi giáo lý và Lời Chúa, những buổi cầu nguyện trong gia đình, những tổ chức gặp gỡ dịp kỷ niệm hôn phối .v.v. cùng với những sáng kiến của cha sở, của các hội đoàn trong các giáo xứ, để đồng hành với các gia đình này, cần được học hỏi, nhân rộng và phát huy.
5. Cuối cùng, Tổng Giáo phận của chúng ta tích cực hưởng ứng lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về “tháng truyền giáo ngoại thường” (tháng 10/2019): “Điều mà Đức Bênêđíctô XV canh cánh bên lòng cách nay gần 100 năm, và văn kiện của Công Đồng đã nhắc nhớ chúng ta từ hơn năm chục năm nay, vẫn luôn còn mang tính thời sự. Cả trong thời đại hôm nay cũng như hồi ấy, Giáo Hội được Chúa Kitô sai đi để loan báo và công bố Tình Yêu của Thiên Chúa cho hết thảy mọi người và mọi dân nước... Trong thực tế, nhờ vào sứ mạng truyền giáo, Giáo Hội sẽ được canh tân, Đức Tin và căn tính Kitô giáo sẽ được củng cố... Cha hy vọng rằng, tất cả mọi cộng đoàn đều lưu tâm làm sao để có được những biện pháp cần thiết hầu tiến về phía trước trên con đường tái tổ chức lại công cuộc mục vụ và truyền giáoVới niềm tín thác vào Thiên Chúa và với nhiều can đảm, chúng ta đừng sợ hãi trước một ‘quyết định truyền giáo’”[3].
Từ ba năm qua, với Đức Cố Tổng giám mục Phaolô, Tổng giáo phận của chúng ta đã bắt đầu chương trình truyền giáo gồm 2 điểm chính: (1) đào tạo nhân sự truyền giáo; và (2) hình thành những giáo điểm truyền giáo. Chương trình này sẽ được tiếp tục thực hiện trong những năm tới. Tổng giáo phận mong được sự hỗ trợ của toàn thể các linh mục, tu sĩ và giáo dân qua việc cầu nguyện và đóng góp tài chánh cho sự hình thành các giáo điểm. Một cách cụ thể, trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh này, chúng ta sẽ quyên góp cho việc mua đất và hình thành các giáo điểm trong Tổng Giáo phận.
6. Anh chị em thân mến! Trong Mùa Vọng và Giáng Sinh năm nay, chúng tôi cầu chúc cho tất cả mọi người và đặc biệt cho các bạn trẻ, cảm nhận được niềm vui và niềm hy vọng vào Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ đã và đang đến để đồng hành cùng chia sẻ với nhân loại chúng ta trong cuộc sống.
Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria và Thánh cả Giuse, xin Chúa Hài Đồng chúc lành cho chúng ta và những ước mơ của chúng ta trong Năm Phụng vụ mới này. Amen.
(đã ký và đóng dấu)
+ Giuse ĐỖ MẠNH HÙNG
 Giám Quản Tông Tòa
+ Louis NGUYỄN ANH TUẤN

[1] x. Thư Mục vụ của HĐGMVN sau Hội nghị thường niên kỳ II/2018, ngày 27/9/2018, số 2.
[2] ĐGH Phanxicô đưa ra quyết định trên đây trong thư gửi ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Thánh Bộ Loan Báo Tin Mừng, được công bố hôm chúa nhật 22/10/2017, hướng đến ngày kỷ niệm lần thứ 100 việc công bố Tông Thư Maximum illud của Đức Benêdictô 15 về truyền giáo.
[3] Trích Thư của ĐGH Phanxicô gởi ĐHY Fernando Filoni, Tổng Trưởng Thánh Bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, ngày 22/10/2017.

Tổng Giáo phận Sài Gòn: Bế mạc Năm Thánh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

WGPSG -- “Chúng ta được mời gọi tiếp bước theo các Thánh Tử Đạo trên hành trình Đức tin. Biết sống, bảo vệ và rao truyền Đức tin cách sống động cho các thế hệ con cháu chúng ta”.
Trên đây là tâm tình của Đức Giám mục (ĐGM) Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Giám Quản Tổng Giáo phận Sài Gòn - khi chủ tế Thánh lễ Bế mạc Năm Thánh của Tổng Giáo phận được cử hành trọng thể lúc 8g30 thứ Bảy 24.11.2018 tại Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn.
Đồng tế với ngài có các linh mục Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Lm giám đốc Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn, quí cha bề trên, quí cha quản hạt, quí cha trong, ngoài Giáo phận. Hiệp dâng Thánh lễ có quí tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và đông đảo giáo dân trong Giáo phận.
Mở đầu Thánh lễ, Đức cha chủ tế chia sẻ: Năm Thánh là một điểm nhấn, vì thế dù Năm Thánh đã kết thúc, nhưng chúng ta được mời gọi tiếp bước theo các Thánh Tử Đạo trên hành trình Đức tin. Biết sống, bảo vệ và rao truyền Đức tin cách sống động cho các thế hệ con cháu chúng ta.
Trong bài giảng lễ, Đức cha chủ tế tâm tình: Cha ông chúng ta đã sẵn sàng bỏ tất cả vinh hoa, phú quí, sẵn sàng chịu chết để làm chứng rằng sự sống nơi trần thế nầy không phải là tuyệt đối, mọi vinh dự, của cải ở đời nầy không phải là vĩnh cữu. Với cái chết của mình, cha ông chúng ta thấy rằng chết chưa phải là hết, nhưng là cửa ngõ để đi vào một đời sống vĩnh cửu. Đức cha nói thêm: Trong TL hôm nay, nhờ lời cầu bàu của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (CTTĐVN), xin Chúa cho tất cả chúng ta có sức mạnh để luôn chọn Chúa, chọn những giá trị của Tin Mừng, thay vì chọn trần thế với những tiền của, danh vọng, lạc thú hay chọn lựa cái tôi ích kỷ của mình. Lạy CTTĐVN, xin cầu cho chúng con.
Thánh lễ được tiếp nối với phần phụng vụ Thánh Thể.
Đức cha long trọng ban phép lành toàn xá cho toàn thể cộng đoàn, được nhường lại cho các linh hồn.
Thánh lễ được khép lại lúc 9g45 cùng ngày. Cộng đoàn ra về trong tâm tình của lời mời gọi nên thánh, cho dù Năm Thánh có ngắn ngủi nhưng lòng yêu mến các thánh và quyết tâm nên thánh vẫn thôi thúc nơi mỗi Kitô hữu chúng ta.
TGP: BẾ MẠC NĂM THÁNH KÍNH CTTĐVN

Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn gửi các tín đồ đạo Sikh*

Nhân lễ kỷ niệm sinh nhật của Guru Nanak, người sáng lập đạo Sikh, Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn đã gửi một Sứ điệp cho các tín đồ đạo Sikh. Chủ đề của Sứ điệp năm nay (2018) là: “Kitô hữu và người Sikh: Cùng nhau thúc đẩy nền văn hoá của lòng tử tế”. Sau đây là nội dung của Sứ điệp.
***
Kitô hữu và người Sikh: Cùng nhau thúc đẩy nền văn hoá của lòng tử tế
Sứ điệp nhân lễ kỷ niệm sinh nhật của Guru Nanak – 2018
Các bạn Sikh thân mến,
Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn xin gửi đến tất cả các bạn lời chào thân ái và lời chúc tốt đẹp nhân dịp các bạn mừng lễ sinh nhật của Guru Nanak năm nay, 23 tháng Mười Một. Mong sao những lễ hội của các bạn trong dịp lễ này đổi mới và tái củng cố mối quan hệ tương kính và yêu thương trong các gia đình và cộng đồng của các bạn, và nhờ đó cũng gia tăng hạnh phúc, hoà hợp và bình an giữa các bạn!
Theo truyền thống tốt đẹp, chúng tôi chia sẻ với các bạn vài tư tưởng nhân dịp này và ước mong được các bạn quan tâm. Năm nay, chúng tôi suy tư về việc vun đắp và thúc đẩy một nền văn hoá của lòng tử tế, vì một nền văn hoá của thói quy ngã và sự thờ ơ với nhau dường như đang đâm rễ ở khắp nơi. Hơn nữa, có sự gia tăng đáng báo động về số người trong các khu xóm và thành phố của chúng ta cảm thấy không được yêu thương và không được chăm sóc, đó là dấu hiệu của một chỉ số về lòng tử tế ở mức thấp nhất mọi thời đại trên toàn cầu. Vì thế, suy tư của chúng tôi cũng hướng đến việc làm sao chúng ta, cả Kitô hữu lẫn người Sikh, có thể thúc đẩy nền văn hoá của lòng tử tế vì hạnh phúc của mọi người.
‘Lòng tử tế’, như thường được cảm nghiệm và giải thích, là cử chỉ của một người thể hiện lòng tốt, sự hoà nhã và quan tâm đến người khác. Đó là thể hiện của việc con người biết cảm thông với người khác và cho người khác. Đó là chân thành nhìn đến, lắng nghe, ở bên và an ủi người khác, nhất là những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và làm tất cả những gì có thể làm được, thậm chí chấp nhận rủi ro, vì hạnh phúc của họ. Đức giáo hoàng Phanxicô thích mô tả điều ấy như “một hoạt động khởi phát từ con tim của chúng ta rồi đi tới đôi mắt, đôi tai và bàn tay” (Bài nói chuyện truyền hình, Hội nghị TED, Vancouver, Canada, ngày 25 tháng Tư 2017).
Chắc chắn rằng nền tảng của ‘lòng tử tế’ là chính Thiên Chúa, Đấng ‘nhân lành vô hạn’. Tuy nhiên, chúng ta cảm nghiệm được lòng nhân lành, sự chăm sóc và quan phòng của Thiên Chúa vào những lúc chúng ta cần đến, chủ yếu qua phương tiện con người, như thể đó là cách mà Thiên Chúa ưa thích nhất. Vì thế, khi ý thức chính chúng ta đang cần đến lòng nhân lành của Thiên Chúa và lòng tử tế của người khác, cũng như ý thức rằng chúng ta là thành viên của một gia đình nhân loại, ngày nay thế giới chúng ta sẽ phải cần đến điều mà Đức giáo hoàng gọi là “cuộc cách mạng của lòng tử tế” (Đức giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 2013, số 88). Đi đầu trong cuộc cách mạng ấy là những cử chỉ chăm sóc thực sự và những hành động cụ thể của lòng thương xót đối với anh chị em chúng ta, nhất là người nghèo, người yếu thế, người bệnh, người già, người khuyết tật di dân, dù họ theo tôn giáo nào. Chúng ta càng thể hiện lòng tử tế trong lời nói và hành động của mình, thì nền văn hoá của lòng tử tế càng lan toả sâu rộng. Lòng tử tế này cũng phải mở rộng đến toàn bộ công trình sáng tạo bởi vì việc chăm sóc trái đất và chăm sóc lẫn nhau đi đôi với nhau; không quan tâm đến thiên nhiên sẽ dẫn đến chỗ không quan tâm đến con người và ngược lại (x. Đức giáo hoàng Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc chăm sóc Thiên nhiên, 1 tháng Chín 2016, số 1).
Việc đào luyện ‘lòng tử tế’ rõ ràng phải bắt đầu từ trong chính các gia đình; ở đó con cái noi theo tấm gương của cha mẹ và người lớn để học cách thể hiện tình yêu thương và quan tâm đến người khác, nhất là người yếu đuối và thiếu thốn, phục vụ họ và nâng đỡ họ. Chắc hẳn giáo huấn tôn giáo, giáo dục học đường và các phương tiện truyền thông xã hội, tất cả đều đóng một vai trò rất quan trọng trong việc ghi khắc nơi các tín hữu, giới học sinh và những  công dân khác lòng vị tha, nhân ái và tôn trọng đối với người khác. Nếu các tín đồ của mọi tôn giáo đều thực hành lối sống ấy, thì chắc chắn thế giới của chúng ta sẽ có hoà bình và hoà hợp hơn. Vì thế, bồi đắp “nền văn hoá của lòng tử tế” có thể là mô hình mới cho cả các hoạt động liên tôn và những thành tựu chung, cũng như cho việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn nhờ việc  chia sẻ quan điểm và hành động chung.
Cả hai tôn giáo chúng ta đều tin vào Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em của nhau. Khi sống niềm xác tín tôn giáo này và khuyến khích tha nhân cũng sống như vậy, mong sao người Sikh và Kitô hữu chúng ta, cùng với các tín hữu của các truyền thống tôn giáo khác và mọi người thành tâm thiện chí, sẽ làm tất cả những gì có thể, trong sự khiêm tốn và tình liên đới để thúc đẩy ‘nền văn hoá của lòng tử tế’ vì hạnh phúc của từng người và vì phúc lợi của toàn thế giới đã được tạo dựng!
Một lần nữa xin chúc tất cả các bạn một lễ sinh nhật của Guru Nanak Dev Ji vui tươi và an lành!
Giám mục Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ
Thư ký

ĐGH tiếp Đại Hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công Giáo

ĐGH tiếp Đại Hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công Giáo

ĐTC mời gọi các ca đoàn và các ca viên Công Giáo trở thành những chứng nhân về chiều sâu của Lời Chúa, và hãy dành ưu tiên cho các thánh ca cộng đồng.


Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 24-11-2018 dành cho 7 ngàn tham dự viên Đại hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công Giáo, kết thúc vào chúa nhật hôm nay, 25-11-2018 sau 3 ngày tiến hành ở Roma.

Trong bài huấn dụ, sau khi đề cao tầm quan trọng của thánh nhạc và thánh ca trong phụng vụ, ĐTC nói: ”Âm nhạc và thánh ca của anh chị em là một dụng cụ đích thực để loan báo Tin Mừng, theo mức độ anh chị em trở thành những chứng nhân về chiều sâu của Lời Chúa, đánh động tâm hồn con người, và anh chị em giúp cho việc cử hành các bí tích, nhất là Thánh Lễ, làm cho tín hữu cảm nghiệm được vẻ đẹp của Thiên Đàng. Anh chị em đừng bao giờ ngừng lại trong sự dấn thân quan trọng như thế đối với đời sống của các cộng đoàn chúng ta”.. 

Đừng phô trương cá nhân

ĐTC cũng cảnh giác các ca viên ”đừng rơi vào cám dỗ muốn trở thành những người nắm vai chính, tỏ ra mình là quan trọng, mà làm sự dấn thân của anh chị em bị lu mờ và làm giảm bớt sự tham gia tích cực của dân chúng vào việc cầu nguyện. Anh chị em hãy trở thành những người linh hoạt thánh ca của toàn thể cộng đoàn và đừng thay thế họ, khiến cho dân Chúa không được hát với anh chị em và làm chứng về một kinh nguyện của Giáo Hội và cộng đoàn”.

Đừng giảm bớt các hình thức lòng đạo đức bình dân

Sau cùng, ĐTC cũng nhắc nhở các ca viên đừng làm giảm giá trị của những hình thức khác biểu lộ lòng đạo đức bình dân, như các lễ bổn mạng, các cuộc rước, các điệu vũ và các bài ca đạo của dân chúng, vì đó cũng là một gia sản lòng đạo đức đích thực cần được đề cao giá trị và nâng đỡ, vì đó cũng là một hành động của Chúa Thánh Linh trong tâm hồn Giáo Hội”.

Chương trình kế tiếp của Đại hội

Ban chiều cùng ngày 24-11-2018, từ lúc 6 giờ, có buổi hòa nhạc của các ca đoàn để kính thánh nữ Cecilia. Trên sân khấu sẽ có hơn 600 ca viên và 70 nhạc công, họ sẽ ca hát vùng với hơn 8 ngàn ca viên khác trong đại thính đường.

Sáng chúa nhật 25-11, lúc 10 giờ, Đức TGM Rino Fisichella, sẽ chủ sự thánh lễ với phần thánh ca do các viên đảm trách. (Rei 24-11-2018)

Hội nghị thường niên của các Giám mục Hàn Quốc và Nhật Bản: Vì sự hòa giải và hòa bình

ĐHY  Andrew Yeom Soo-jung
ĐHY Andrew Yeom Soo-jung 

Từ ngày 13 đến 15 tháng 11 tại Uijeongbu, Hàn Quốc, một cuộc gặp gỡ có ý nghĩa to lớn giữa các giám mục Hàn Quốc và Nhật Bản với mục đích nói về tuổi trẻ, hòa bình và loan báo Tin Mừng.

Địa điểm cuộc gặp gỡ thuộc giáo phận Uijeongbu, gần biên giới với Bắc Triều Tiên, các giám chức đến thăm làng Panmunjeom, nơi vào năm 1953 hiệp định đình chiến được ký kết, kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Và nơi diễn ra cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa lãnh tụ Bắc Triều Tiên, Kim Jongun và tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in.

Từ khu vực phi quân sự, các giám mục đã đưa ra một lời kêu gọi mới để tiến trình hòa bình và hoà giải được tiếp tục và thành công. Kể từ năm 1996 mỗi năm các giám mục Hàn Quốc và Nhật Bản tụ họp, thúc đẩy hỗ trợ mục vụ lẫn nhau và đưa ra các sáng kiến chung. Các giám mục cho rằng các năm được đánh dấu bởi những xung đột lịch sử và sự thù hận phân chia các quốc gia đàng sau chúng ta; bây giờ điều cấp bách là làm mới nguyên tắc của tình huynh đệ trong đức tin và ý chí xây dựng một Giáo Hội truyền giảng Đông Á.

Ở Uijeongbu, các giám mục được Đức giám mục địa phương, Đức cha Peter Lee Ki-Heon đón tiếp, Trong ba ngày làm việc (có đặc tính: hòa hợp, tình huynh đệ và cộng tác) các tham dự viên đã có một cuộc trao đổi hiệu quả, chia sẻ thông tin và các chiến lược mục vụ trong các Giáo hội của cả hai quốc gia. Trong chương trình nghị sự cũng có một cuộc thảo luận về sự hiện diện của sứ điệp Kitô trong thời đại của "cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư", đó là công nghệ, tiếp theo là tập trung vào mục vụ cho giới trẻ và cách truyền tải thông điệp tình yêu của Chúa Kitô đến những người trẻ tuổi hôm nay, bắt đầu từ bản đúc kết của Thượng Hội đồng được tổ chức tại Vatican.

Trong số 23 giám chức Hàn Quốc có Hồng y Andrew Yeom Soo-jung tổng giám mục Seoul, và trong số 18 giám chức Nhật Bản có sự hiện diện của Đức Hồng Y Thomas Aquino Manyo Maeda, Tổng giám mục Osaka.

Người Công giáo Cali muốn dâng hiến tiểu bang cho Đức Mẹ

Đức Mẹ Maria

Tại California đang có chiến dịch cố gắng để dâng hiến tiểu bang cho Trái Tim Vô nhiễm Mẹ Maria và tất cả tín hữu Công giáo được mời gọi tham gia vào cuộc vận động này.

Vào ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội 08/12 tới đây, tại một số giáo xứ trên toàn tiểu bang California sẽ họp nhau cầu nguyện từ giữa trưa đến 2 giờ trưa. Chương trình dự kiến có Thánh lễ được cử hành giữa trưa, sau đó là cuộc đi bộ đến địa điểm được chuẩn bị trước. Tại địa điểm này, các tín hữu sẽ đọc kinh Mân Côi và các kinh nguyện thánh hiến đặc biệt.

Những người tổ chức nỗ lực này cầu xin Mẹ Maria giúp chiến đấu chống lại những sự ác luân lý đang phổ biến tại tiểu bang. Chương trình này có địa chỉ trang web: www.consecratecalifornia.com, trên đó có danh sách các giáo xứ đăng ký tham gia vào chiến dịch này.

Một trong những kinh nguyện có trên trang web là kinh cầu xin được thoát khỏi hình phạt dành cho linh hồn chúng ta, điều xứng với các tội giết thai nhi, bệnh nhân, người già yếu, người không được mong muốn chào đời và các bạo lực, xâm phạm tính dục, ma túy, vv. Lời kinh này cũng xin Mẹ Maria gìn giữ khỏi các thiên tai và chiến tranh, cũng như giúp chiến thắng nền văn hóa chết chóc và mang Thiên Chúa và ý niệm về gia đình trở lại trong cuộc sống.

Chiến dịch dâng hiến bang California do Angelo Libutti, một cư dân ở Glendale khởi xướng, một cựu chiến binh của ngành công nghiệp điện ảnh. Năm ngoái, trong khi đang cầu nguyện trước Thánh Thể sau một ngày làm việc căng thẳng, vì bị các đồng nghiệp phê bình dữ dội vì ông đã bày tỏ quan điểm ủng hộ sự sống của mình.

Cá nhân ông Libutti đã dâng mình cho Đức Mẹ và ông đã trải nghiệm những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống của ông. Ông cảm thấy việc dâng hiến toàn tiểu bang là cách chữa khỏi sự vô luân, tục hóa và hận thù đối với các giá trị truyền thống ở California. Tháng 12 năm ngoái là lần dâng hiến California đầu tiên và năm nay sẽ là lần thứ hai.

Trong lần dâng hiến năm ngoái và chuẩn bị năm nay, ông Libutti được sự hiệp tâm của các tín hữu. Ông cũng đã trình bày với hai vị tổng giám mục tại bang California, Đức tổng GM Los Angeles và Đức tổng GM San Francisco. Ông hy vọng chương trinh sẽ được các ngài đồng thuận.

Cha Jay Bananal của giáo xứ thánh Pio X ở Chula Vista nhận thấy việc dâng hiến tiểu bang cho Đức Mẹ là một điều đáng làm. Cha nói: “Có nhiều thành phố và nơi chốn ở bang mang các tên chứng tỏ nền tảng Kitô giáo của bang này. Nhưng thật buồn là một số luật lệ xấu đã được bang thông qua trong những năm gần đây làm thương tổn đến các gia đình, gây lại cho người già và các thai nhi. Hy vọng rằng việc dâng hiến tiểu bang xinh đẹp của chúng ta một lần nữa cho Chúa, qua Đức Mẹ, các tín hữu Công giáo California có thể hiệp nhau cầu xin lòng thương xót của Chúa trên chúng ta và bàn tay hướng dẫn của Người dẫn đưa chúng ta, đặc biệt các nhà làm luật, trong đường ngay nẻo chính.”

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

Tin Mừng Chúa nhật 34 thường niên - Lễ Chúa Kiô Vua

25-11-2018-cn-xxxiv-mua-thuong-nien-b-chúa-kito-vua

PHÚC ÂM: Ga 18, 33b-37
"Quan nói đúng: Tôi là Vua".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: "Ông có phải là Vua dân Do-thái không?" Chúa Giêsu đáp: "Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?" 

Philatô đáp: "Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?" Chúa Giêsu đáp: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này". 

Philatô hỏi lại: "Vậy ông là Vua ư?" 

Chúa Giêsu đáp: "Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi".

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Panama

22-29.07.2013 GMG Rio de Janeiro
22-29.07.2013 GMG Rio de Janeiro 

Các bạn trẻ thân mến, Chúng ta đang đến gần Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ được tổ chức tại Panama vào tháng giêng tới đây với chủ đề: câu trả lời của Đức Trinh Nữ Maria trước lời mời gọi của Thiên Chúa: ”Này tôi là tôi tớ Chúa: xin làm cho tôi như lời Sứ Thần truyền” (Lc 1,38).

Lời “Xin Vâng” Can Đảm và Quảng Đại

Những lời của Đức Maria là một tiếng “Xin vâng” đầy can đảm và quảng đại. Đó là lời đáp trả xác quyết của một người đã hiểu được bí quyết của ơn gọi: ra khỏi mình và đặt mình phục vụ tha nhân. Cuộc sống của chúng ta chỉ tìm được ý nghĩa trong việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Sức mạnh của người trẻ

Nhiều người trẻ, cả những tín hữu lẫn người vô tín, sau khi kết thúc một giai đoạn học tập của mình, cảm thấy muốn làm một điều gì đó cho những người đang gặp đau khổ. Đó là sức mạnh nơi người trẻ, sức mạnh mà tất cả các bạn đều có. Đó là sức mạnh có thể thay đổi thế giới. Sức mạnh này là “cuộc cách mạng” có thể đánh bại “cường quyền” đang lộng hành trên trái đất này. Đó là ”cuộc cách mạng” của sự phục vụ.

Thái độ lắng nghe… như Đức Maria

Đặt mình phục vụ người thân cận không chỉ là sẵn sàng hành động, mà còn là đặt mình đối thoại với Thiên Chúa với thái độ lắng nghe, như Đức Maria đã làm. Mẹ đã lắng nghe điều sứ thần nói với mình và sau đó Mẹ đã đáp lời. Chính trong tương quan với Thiên Chúa trong thinh lặng nội tâm, chúng ta khám phá ra căn tính của chúng mình và ơn gọi mà Thiên Chúa kêu mời chúng ta. Ơn gọi này được biểu lộ dưới nhiều hình thức: trong đời sống hôn nhân, thánh hiến, linh mục... Nhưng ơn gọi không có nơi chủ nghĩa cá nhân. Ơn gọi không tồn tại nơi một người sống theo chủ nghĩa cá nhân. Tất cả những hình thức ấy là những cách thức theo Chúa Giêsu. Điều quan trọng là khám phá xem Chúa đang chờ đợi gì nơi chúng ta và can đảm thưa “xin vâng”.

Bước đầu tiên hướng tới cuộc đời hạnh phúc

Mẹ Maria là một người nữ hạnh phúc, bởi Mẹ đã quảng đại đáp lời Thiên Chúa và mở lòng trước kế hoạch Thiên Chúa dành cho mình. Những đề nghị Thiên Chúa dành cho chúng ta, như điều Người đã dành cho Mẹ Maria, không phải để dập tắt những ước mơ, nhưng để khơi lên những khao khát. Những lời mời gọi ấy làm cho đời sống chúng ta trổ sinh hoa trái, đem đến những nụ cười, và làm cho nhiều tâm hồn hân hoan. Thưa ”xin vâng” cách xác quyết đối với Thiên Chúa là bước đầu tiên để được hạnh phúc và làm cho nhiều người hạnh phúc.

“Lạy Chúa, Chúa muốn gì nơi con?”

Các bạn trẻ thân mến, hãy can đảm bước vào nơi sâu thẳm tâm hồn mình, và hỏi Thiên Chúa: Chúa muốn gì nơi con? Các bạn hãy để Chúa nói với các bạn, và các bạn sẽ thấy cuộc đời mình được biến đổi và tràn đầy niềm vui.

Chúc các bạn có một hành trình tốt đẹp hướng về Panama

Ngày Giới Trẻ Thế Giới đang đến gần, Cha mời gọi các bạn hãy chuẩn bị cho biến cố này, bằng cách theo dõi và tham gia vào tất cả mọi sáng kiến đang được thực hiện. Những việc ấy sẽ giúp các bạn tiến về mục tiêu ấy.

Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với các bạn trong cuộc lữ hành này. Và ước gì tấm gương của Mẹ thúc đẩy các bạn can đảm và quảng đại đáp lời.

Chúc các bạn thượng lộ bình an tiến về Panama!

Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha.

Mong sớm gặp lại các bạn.