Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các tu hội đời


VATICAN. ĐTC kêu gọi các thành viên các tu hội đời hãy mang vào trần thế, vào những hoàn cảnh mình sinh sống, lời đã lắng nghe từ Thiên Chúa.

Ngài đưa ra lời mọi gọi trên đây trong sứ điệp gửi các tham dự Hội nghị các tu hội đời Italia, nhóm tại Học Viện Augustinianum ở Roma trong hai ngày 28 và 29-10-2017 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Tông hiến ”Provida Mater Ecclesiae” (Mẹ quan phòng của Giáo Hội), do ĐGH Piô 12 ban hành về các tu hội đời. Chủ đề của Hội nghị là ”Đi xa hơn và ở giữa. Các tu hội đời: những chuyện say mê và ngôn sứ cho Thiên Chúa và thế giới”.

Trong sứ điệp, ĐTC nhắc đến tính chất ”cách mạng” trong hình thức mới của đời thánh hiến: các giáo dân và linh mục giáo phận được kêu gọi sống các lời khuyên Phúc Âm giữa đời trong cuộc sống thường nhật hoặc trong sứ vụ mục vụ. Ngài viết: ”Ngày nay, anh chị em được kêu gọi trở thành những người khiêm tốn và hăng say mang ý nghĩa của thế giới và lịch sử, trong Chúa Kitô và trong Thánh Linh của Người. Sự kiện anh chị em ở giữa đời không phải chỉ là một hoàn cảnh xã hội học, nhưng còn là một thực tại thần học, giúp anh em chú ý, nhìn, nghe, đồng cảm, chia sẻ niềm vui và trực giác những nhu cầu”.

ĐTC gợi ý với các thành viên tu hội đợi 5 thái độ tinh thần giúp tiến bước trong hành trình ơn gọi đặc thù của mình, đó là:

- Cầu nguyện để kết hiệp với Thiên Chúa; gần gũi với tâm hồn và lắng nghe tiếng Chúa;

- Biết phân định những điều thiết yếu với những điều phụ thuộc; làm cho sự khôn ngoan trở nên nhạy bén bằng cách vun trồng nó ngày qua ngày, giúp nhìn thấy đâu là những trách nhiệm cần lãnh nhận và đâu là những công tác ưu tiên.

- Chia sẻ số phận của mỗi người nam nữ, dù những biến cố của thế giới bi thảm và đen tối, vẫn không bỏ mặc cho số phận của thế giới, như Chúa Giêsu và cùng với Chúa yêu thương đến cùng.

- Với ơn Chúa, mang lại can đảm, không bao giờ mất niềm tín thác, biết nhìn điều tốt trong mọi sự.

- Sau cùng là có thiện cảm với thế giới và con người.

Hội nghị các tu hội đời Italia đã kết thúc với thánh lễ lúc 1 giờ trưa chúa nhật 29-10 do ĐHY João Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ các dòng tu và tu hội đời chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Trên thế giới hiện nay có 193 tu hội đời với tổng cộng gần 32.400 thành viên (Rei 28-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Uỷ ban Giáo dân: Thư mời gặp gỡ (tháng 11/2017)


Gm Giuse Trần văn Toản

Đại Hội Caritas Việt Nam 2017 tại tòa Giám Mục Thái Bình


Ngày 24-27/10/2017, Caritas Việt Nam tổ chức Đại Hội 2017 tại TGM Thái Bình với chủ đề: “Thăng tiến để phục vụ”.

Tham dự Đại Hội có Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn – TGM Hà nội và 6 vị Giám mục: Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Chủ tịch UBBAXH; Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Gm Gp Thái Bình; Đức cha Alosiô Nguyễn Hùng Vị - Phó Chủ tịch UBBAXH; Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Phó Chủ tịch UBBAXH; Đức cha Anphongso Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch UBLBTM; Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch UBDD; Lm Giuse Đào Nguyên Vũ, thư ký UBDD; Lm Giuse Phan Trọng Quang, đại diện Liên hiệp Bề trên Thượng cấp; và 120 đại biểu Caritas của 26 giáo phận, đại biểu của một số Dòng Tu và khách mời.


Từ sáng ngày 23/10, ban tổ chức đã đón tiếp ân cần các đại biểu đến từ các giáo phận. Nhà Chung Thái Bình với cơ sở rộng mênh mông, khang trang, các tham dự viên được phục vụ hết sức tận tình và chu đáo. Nhà Chung bao gồm Tòa Giám Mục, Trung tâm Mục vụ, Nhà Thờ Chính tòa và Chủng Viện. Công trình này có hơn 200 phòng nghỉ, 2 Nhà nguyện lớn và rất nhiều phòng hội, phòng học…được xây dựng suốt ba năm rưỡi, công lao động do bà con giáo dân từ hơn 100 giáo xứ trong giáo phận đóng góp. Đức cha Phêrô là Tu sĩ Dòng Don Bosco nên ngài đã tạo nhiều sân chơi trong khuôn viên Nhà Chung như những sân bóng đá mini, sân cầu long, bóng bàn, bi lắc… các Thầy và nhiều người dân từ bên ngoài vào chơi thể thao tự do. Từ 4 giờ chiều, Nhà Chung tấp nập nam phụ lão ấu đến các sân chơi rèn luyện thân thể, lương giáo cũng như già trẻ vui nhộn trong tinh thần hiệp nhất thể thao.

Trong bữa cơm tối, cha Vinhsơn Vũ Ngọc Đồng, Giám đốc Caritas Việt Nam cám ơn Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ chủ nhà và chào đón những tham dự viên. Đức cha Phêrô chào mừng và khích lệ. Ngài ước mong các thành viên mạng lưới Caritas Việt Nam luôn dấn thân mạnh mẽ hơn nữa trong sứ vụ bác ái Kitô giáo. 

Qua 4 ngày, các tham dự viên đã lắng nghe các bài tham luận về Loan báo Tin mừng, Mục vụ Di dân và Bảo vệ môi trường, các báo cáo về kế hoạch chiến lược một số Caritas Giáo phận, tổng kết hoạt động của Caritas trung ương, thảo luận theo nhóm Giáo tỉnh.

Mỗi ngày mới đều khởi đầu bằng Kinh Sáng, Thánh Lễ và Kinh chiều.

1. Ngày thứ nhất

Sau kinh sáng tại Nhà nguyện TGM, Đức cha Phêrô chủ tế thánh lễ và giảng lễ. Ngài chia sẻ những thao thức truyền giáo của Giáo hội Việt nam qua những hoạt động của Caritas.

Lúc 8g sáng, các tham dự viên lên lầu 6 vào hội trường rộng và hiện đại, bắt đầu chương trình ngày tập huấn về “kế hoạch chiến lược”.

Nhằm đáp ứng những hoạt động của Caritas các giáo phận, Caritas Việt Nam thường xuyên tổ chức những khóa đào tạo chuyên môn để trợ giúp những kỹ năng cần thiết cho các thành viên. Tất cả nhằm "Thăng tiến để phục vụ" và lập ra kế hoạch chiến lược cho các hoạt động của Caritas trong những năm sắp tới.

Thời gian trọn ngày, các tham dự viên lắng nghe đại diện 3 Giáo tỉnh trình bày kế hoạch chiến lược. Caritas Sài gòn và Caritas Đà lạt đại diện Giáo tỉnh Sài gòn, Caritas Hải phòng đại diện Giáo tỉnh Hà nội, Caritas Huế đại diện Giáo tỉnh Huế. 

Sau những góp ý, thảo luận sôi nổi, tiến sĩ Lê Đại Trí trao đổi về nội dung viết kế hoạch chiến lược và hứa sẵn sàng hỗ trợ các Giáo phận bất cứ khi nào Caritas cần.

2. Ngày thứ hai

Lúc 8 giờ sáng, sau lời kinh khai mạc, Cha Vinhsơn, Giám đốc Caritas Việt Nam giới thiệu các thành phần tham dự. 

Đức Cha Tôma - Chủ tịch Caritas Việt Nam, đọc diễn văn khai mạc Đại Hội.

“Sau gần 10 tái thành lập tổ chức phục vụ người nghèo, Caritas Việt Nam đã có nhiều dự án, và chương trình hoạt động như: cứu trợ đồng bào bị thiên tai; trợ giúp người khuyết tật, người nhiễm bệnh H; bảo vệ sự sống; khuyến học; xây nhà tình thương… Với những kết quả đã thu lượm được dựa trên những báo cáo của các Caritas Giáo phận cũng như Caritas Việt Nam sẽ được trình bày sắp tới đây, chúng ta có bao giờ nghĩ rằng như vậy đã đủ cho chúng ta chưa? Chúng ta là những nhân viên Caritas có cần thăng tiến để phục vụ người nghèo tốt hơn và có hiệu quả hơn không? Thăng tiến như thế nào trong xã hội ngày hôm nay?

Thực tế, không ai muốn thăng tiến mà không trải qua thời gian đào luyện về nghiệp vụ, chuyên môn, cũng như tự đào luyện chính bản thân.Tuy nhiên, đào luyện chuyên môn mới chỉ là điều kiện cần cho một thành viên Caritas mà thôi, chúng ta còn phải hội tụ cả việc đào luyện tâm linh và đào luyện trái tim như là những điều kiện cần và đủ để thi hành sứ vụ bác ái theo đúng tinh thần Thông điệp Deus Caritas Est của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI”.

Đức cha Tôma lần lượt triển khai ý nghĩa của việc Đào luyện chuyên môn, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Đào luyện con tim và Đào luyện tâm linh để có thể trở thành người phục vụ người nghèo tốt hơn theo gương Chúa Giêsu.

Trong phần kết, ngài trích dẫn câu Lời Chúa: “Chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 13-14), để quảng diễn chủ đề của Đại Hội một cách ý nghĩa hơn. Qua đó, các thành viên Caritas có thể hiểu ý nghĩa sâu xa hơn khi đem tình yêu của Thiên Chúa đến với mọi người, cụ thể là người nghèo.

Tiếp theo, cha Vinhsơn báo cáo hoạt động của Caritas Việt Nam trong năm 2017 và phần tóm lược báo cáo của Caritas 26 Giáo phận.

Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Kế Hoạch Chiến Lược 2017-2020, văn phòng Caritas Việt Nam bắt đầu từng bước chuyên nghiệp hoá các hoạt động, từ việc tổ chức, quản lý phát triển nguồn nhân lực của văn phòng cho đến việc nâng cao chất lượng chuyên môn của những chương trình và dự án hướng tới những cộng đồng đang gặp khó khăn. Vì vậy, báo cáo đã nêu lên những kinh nghiệm ban đầu của quá trình này với mong muốn chia sẻ và nhận được sự góp ý của các Caritas Giáo phận. Báo cáo cũng nhấn mạnh đến những thay đổi trong năm 2017 để nâng cao chất lượng chuyên môn và tăng cường vai trò kết nối và liên đới hỗ trợ giữa văn phòng Caritas Việt Nam và Caritas các Giáo phận.

Đến 9 giờ 30, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - Tổng Giám mục TGP Hà Nội, chủ tế thánh lễ khai mạc, cầu nguyện cho công việc bác ái xã hội luôn theo ý Chúa.

Đoàn đồng tế có 6 Giám mục và 54 Linh mục. Hiệp thông thánh lễ có quý tu sĩ nam nữ, anh chị em giáo dân đang hoạt động trong lĩnh vực bác ái xã hội tại các 26 giáo phận.

Chia sẻ trong thánh lễ, dựa vào câu Kinh thánh: "Anh em là muối cho trần gian" (Mt 5,13), ĐHY Phêrô nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của muối trong đời sống của mỗi người. Ngài cũng mời gọi anh chị em nhân viên Caritas phải là muối cho đời, làm cho môi trường sống của mình thêm “mặn mà” tình bác ái yêu thương. Ngài cũng khích lệ các thành viên Caritas trong công cuộc thực thi bác ái: "Công việc của anh chị em chính là công việc của Chúa vì Đức bác ái là hồng ân của Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta". Ngài mong muốn các tham dự viên trân trọng, gìn giữ và thăng tiến hơn trong hoạt động bác ái. Chỉ có như thế Đức Kitô mới được bẻ ra để phân phát, chia sẻ cho hết thảy tất cả mọi người. 

Lúc 11 giờ, Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Chính quyền Tỉnh Thái bình đến thăm chúc mừng Đại Hội Caritas. Ông Vũ Chiến Thắng - Tân Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ, bày tỏ niềm vui được gặp gỡ Quý Đức cha, Quý cha, Quý Tu sĩ và mong ước được cộng tác với nhau để hoàn thành nhiệm vụ được trao. Ông nhìn nhận những thành tựu của UB. Bác Ái Xã Hội - Caritas Việt Nam đối với người nghèo trên đất nước Việt Nam, đặc biệt ở những vùng sâu vùng xa. Hình ảnh các nữ tu âm thầm, khiêm tốn, và ân cần phục vụ những bệnh nhân phong, người có HIV… Ông hứa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đại Hội thành công và sẽ cộng tác với Caritas Việt Nam dấn thân và đạt nhiều thành tựu hơn nữa trong việc giúp đỡ người nghèo.

Buổi chiều, vào lúc 14g, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Gm. Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa, Chủ tịch UB. Loan Báo Tin Mừng có bài tham luận. Đây là lần thứ 5 ngài tham dự Hội nghị thường niên của Caritas Việt Nam. 

Đức Cha Anphong khẳng định: thăng tiến là đòi hỏi hợp lý đối với mọi nghiệp vụ, mọi hoạt động và những người liên quan. Nếu không có sự thăng tiến, nghiệp vụ sẽ không phát triển, tay nghề bị cùn, hoạt động không đạt hiệu quả cao.

Đối với UBLBTM, để thăng tiến trong sứ mạng Loan báo Tin Mừng ở thiên niên kỷ thứ ba này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề ra tiêu chí là phải có “nhiệt huyết mới, phương pháp mới, và cách trình bày mới”. Trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, ĐTC Phanxicô cũng đã nhắc lại và bàn giải các tiêu chí này.

Đối với UBBAXH, để thăng tiến trong sứ mạng phục vụ thì cũng dựa trên các tiêu chí trên: nhiệt huyết mới, phương pháp mới, và cách trình bày mới.

Tiếp theo, cha Giuse Phan Trọng Quang, MF, Thư ký LHBTTC trình bày tóm tắt thực trạng hoạt động và tinh thần phục vụ của các Dòng tu tại Việt Nam. Dưới sự soi sáng của Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội, và cụ thể hơn là của HĐGM Việt Nam, người sống đời thánh hiến tại Việt Nam trong mọi môi trường hiện diện đã thực sự thể hiện tinh thần yêu thương, quảng đại dấn thân phục vụ như một chứng từ sống động trong công cuộc tân Phúc Âm hóa. Ngài cũng gợi lên thao thức dấn thân của các Dòng tu trong sứ vụ phục vụ; đời sống thánh hiến cần một cuộc hoán cải và canh tân để giải quyết những bất cập đang làm yếu đi đời sống chứng tá của mình. Do đó, thách đố lớn nhất cho đời sống thánh hiến trong thời đại hiện nay là sự chuyển mình từ chủ nghĩa đặc quyền, hưởng lợi qua tinh thần phục vụ.Thực tế, chúng ta phải nhìn nhận rằng trong nhiều năm qua, các Dòng tu đã rất dấn thân vào công tác bác ái xã hội với nhiều sáng kiến và trong mọi lãnh vực. Cùng với các thao thức dấn thân trong sứ vụ phục vụ, đời sống thánh hiến cũng bày tỏ mong ước trong thời gian tới được cộng tác tích cực, có trách nhiệm, và có hiệu quả với Caritas Việt Nam cụ thể tại các Giáo phận.

Sau các bài tham luận, từ 15-16g, có 4 nhóm thảo luận, theo 3 Giáo Tỉnh và nhóm các Dòng tu nam nữ. Việc liên đới với các Dòng tu, vấn đề chăm sóc và bảo vệ môi trường.

Sau phần đúc kết, ngày khai mạc Đại Hội kết thúc vào lúc 17g45.

3. Ngày thứ ba

Kinh sáng và Thánh lễ khởi đầu một ngày mới trong ân sủng và tình yêu Thiên Chúa. Đức Cha Alosiô Nguyễn Hùng Vị chủ tế và giảng lễ.

Lúc 8 giờ, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Gm. Phụ tá TGP Sài gòn, Chủ tịch UB Di dân có bài tham luận. Ngài trình bày 4 vấn đề: Caritas và lòng thương xót, Caritas và sự thăng tiến, Caritas và “muối cho đời”, Ủy ban Caritas và Ủy ban Di dân.

Nói đến Caritas hay Bác ái xã hội là nói đến người nghèo. Đức Thánh Cha Phanxicô mới thiết lập “Ngày Thế giới về người nghèo”, sẽ được cử hành lần đầu vào ngày 19.11.2017 sắp tới, với chủ đề “Anh chị em đừng yêu thương bằng lời nói suông, nhưng bằng việc làm cụ thể”. Trong sứ điệp “Ngày Thế giới về người nghèo”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho biết: Ngày thế giới người nghèo là thành quả của Năm Thánh Lòng Thương Xót, đó là dấu hiệu và phương cách để diễn tả các thực tế trọng tâm của đức tin Kitô, đó là thái độ lắng nghe, đón nhận, hội nhập…nó nói lên quan tâm hàng đầu của Chúa Giêsu cho người nghèo.

Người ta không thể cho đi điều họ không có. Để có thể phục vụ tốt, mỗi thành viên Caritas cần phải nỗ lực trau dồi, thăng tiến bản thân để từ đó luôn được thấm nhập “Chất muối yêu thương của Tin Mừng”, “Chất muối Giêsu Kitô” nhằm giúp cho người nghèo giữ được phẩm giá của họ và làm cho cuộc sống của họ được đậm đà vui tươi.

Ngài kết luận bằng lời mời gọi về sự hợp tác giữa hai ủy ban để phục vụ một cách tốt nhất, hiệu quả nhất trong việc chăm lo cho người nghèo và anh chị em di dân.

Cha Giuse Đào Nguyên Vũ, SJ, Thư ký UBDD, trình bày những thao thức mục vụ di dân và sự liên kết giữa hai Ủy ban hướng đến sứ vụ phục vụ anh chị em di dân.mở công ty tạo công ăn việc làm, đính hướng mục vụ thiết thực.

Tiếp theo, ban tổ chức dành nhiều thời giờ cho 4 nhóm đại biểu theo Giáo tỉnh – Dòng tu, thảo luận những đề tài chính như: năng lực nghiệp vụ của nhân viên văn phòng Caritas, đào tạo nhân sự, hệ thống mạng lưới Caritas từ giáo phận giáo hạt đến các giáo xứ, việc gây quỹ, thẻ hội viên và đường hướng nối kết hỗ trợ các Caritas trong giáo tỉnh. Các đại biểu sôi nổi trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau về nguồn nhân lực và thao thức đào tạo nhân sự. 

Ban tối, Nhà Chung tổ chức đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” chào mừng Đại hội. Với sự góp phần của quý cha, quý tu sinh và đại biểu Caritas đã làm nên nhiều sắc màu tạ ơn và rộn rã niềm vui yêu thương. Tiệc nhẹ vui vẻ, chúc cho nhau bình an và tình thương phục vụ.

4. Ngày thứ tư

Các Đại biểu trao đổi thêm về vai trò của văn phòng Caritas Giáo phận, như một nhịp cầu hết sức thiết yếu cho mối tương quan giữa Caritas Việt Nam với Caritas Giáo phận, giữa các Caritas Giáo phận với nhau và với các Giáo hạt, Giáo xứ. Sự hiện diện đã quan trọng, năng lực của nhân viên càng quan trọng hơn cho một hoạt động hữu hiệu và lâu bền.

Sau những đóng góp bổ ích của các tham dự viên, cha Giám đốc Caritas Việt Nam tổng kết Đại hội vào lúc 8g, lược lại những hoạt động trong 3 ngày vừa qua cùng với những đề xuất và định hướng cho năm Mục vụ 2018. Ngài thay mặt Caritas Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn với quý Đức cha qua những tâm tình và bó hoa tươi thắm lòng hiếu thảo. 

Đức Cha Tôma chủ toạ buổi thảo luận chung, cùng các Đại biểu phân tích những thuận lợi, khó khăn liên quan đến hoạt động của Caritas tại các Giáo phận. Những mối tương quan với các Đấng bản quyền trong Hội thánh, với các Linh mục quản xứ, với các tín hữu trong Giáo phận… cần phải được kiến tạo cách tốt đẹp, để có được sự đồng thuận và hợp lực trong hoạt động. 

Ngài đưa ra những kết luận chung và trao phó cho tất cả các đại biểu sứ mệnh thể hiện lòng bác ái nơi địa phương của mình.

- Cần nâng cao năng lực và cũng cố vững mạnh về nhân sự cho các văn phòng Caritas các Giáo phận. Về nguồn nhân lực, chương trình ngắn hạn nên quy tụ các em sinh viên đã tốt nghiệp Đại học chưa có việc làm; chương trình dài hạn nên cấp học bổng cho các sinh viên nghèo hiếu học, cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc cho Caritas giáo phận. 

- Mở thêm những khóa tập huấn cho nhân viên văn phòng, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ làm việc phát triển. Cha giám đốc Caritas giáo phận luôn đồng hành với các nhân viên, cảm thông và giúp đỡ.

- Liên đới trong giáo tỉnh, khuyến khích việc họp mặt gặp gỡ các cha Giám đốc Phó giám đốc trong mỗi giáo tỉnh, chia sẻ kinh nghiệm mỗi năm ít là một lần. Mỗi tham dự viên dành thời giở để đọc tất cả 26 bản báo cáo các giáo phận, qua đó học hỏi thêm nhiều hoạt động phong phú.

- Liên đới với các Dòng tu. Tôn trọng sinh hoạt độc lập, những công việc đang có của dòng tu, giao lưu học hỏi,đơn cử như nhà khuyết tật có 300 em dòng Saint Paul - Đà Nẵng, Bệnh viện Dòng Gioan Thiên Chúa - Hố Nai. Trao đổi về đào tạo nhân sự qua các khóa tập huấn. Cha giám đốc và Dòng tu cùng bàn những phương án cứu trợ khẩn cấp do thiên tai. 

- Liên đới giữa ba Ủy ban: Di dân - Loan báo tin mừng và Bác ái. Thử nghiệm tại TGP Sài gòn. Gặp gỡ thống nhất, báo cáo với HĐGMVN, sau đó thưa với quý giám mục các giáo phận, nhằm cổ võ mở rộng mạng lưới Caritas.

- Đẩy mạnh phát triển sinh hoạt Caritas, cần sự tham gia tích cực của các cha xứ, cần Đấng Bản Quyền mời gọi các giáo xứ.

Đức Cha Tôma cũng thông báo về Hội nghị Caritas năm 2018 - kỷ niệm 10 năm thành lập Caritas, sẽ được tổ chức vào tháng 10 tại TGM Xuân lộc. Ngài sẽ tổ chức tĩnh tâm cho các cha Giám đốc và Phó Giám đốc Caritas 26 giáo phận vào tháng 4-2018. Caritas Việt Nam sẽ thực hiện cuốn Sổ tay về tất cả các cơ sở bác ái trong 26 giáo phận.

Vào lúc 10g, cộng đoàn tham dự Thánh lễ tạ ơn và bế mạc tại Nhà nguyện TGM. 

Đức Cha Tôma chủ tế và giảng lễ. Gia đình Caritas Việt Nam hợp nhất trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, phó dâng cho Ngài niềm vui và nỗi ưu tư cho hoạt động của Caritas ngày càng hữu hiệu hơn, thể hiện được Caritas là một Gia đình yêu thương và thăng tiến để phục vụ, làm chứng cho Tình yêu Thiên Chúa.

Đại hội Caritas 2017 kết thúc trong tâm tình tri ân Thiên Chúa và cảm ơn nhau, cùng mở ra cho một năm mới của Caritas Việt Nam với nhiều đổi mới và nỗ lực hơn trong việc phục vụ bác ái. 

Sáng cơm trưa, nhiều đại biểu đi hành hương Đền Thánh Bắc Trạch, sau đó ra sân bay Hải Phòng về Sài gòn. 

Mọi người chia tay trở về nhiệm sở với những công việc bề bộn của những ngày tháng 11 sắp đến.

*****

Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong kỳ họp thường niên, từ ngày 25-9-2008, tại Xuân Lộc, đã xác nhận tầm quan trọng và sự cần thiết của Caritas Việt Nam trong Giáo hội Việt Nam. Caritas thật sự đã đổi mới bản chất và phương thức hành động khi Đức Thánh Cha Beneđictô XVI chỉ định vị Hồng Y đầu tiên, Oscar Andres Rodriguez, làm Chủ tịch Caritas Internationalis thay cho những người giáo dân giữ chức vụ này từ mấy chục năm nay. Hành động này như muốn xác định Giáo Hội toàn cầu muốn Hiệp hội Caritas đóng vai trò lớn lao hơn trong sinh hoạt của Giáo Hội và người tín hữu cần xác tín rằng “hoạt động bác ái chính là trách nhiệm của mỗi tín hữu và cũng là bản chất của Giáo Hội Công Giáo” như Đức Thánh Cha đã xác định trong Thông điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa là Tình Yêu), số 20.

Caritas: Theo nguyên ngữ Latinh, từ Caritas có nghĩa là bác ái, là tình yêu bao la, là tình thương quảng đại hay hoạt động từ thiện. Việc liên đới với người nghèo và dấn thân phục vụ họ theo giáo huấn và gương sống của Đức Giêsu là một đòi hỏi của bác ái Kitô giáo, đồng thời là sứ mệnh căn bản của Giáo Hội. Giáo Hội Công Giáo đã khuyến khích thành lập nhiều tổ chức Caritas quốc gia để thể hiện tình yêu thương này ở khắp nơi. Caritas đầu tiên được thành lập vào năm 1897, tại Freiburg, Đức, sau đó được hình thành tại nhiều quốc gia khác như Thuỵ sĩ (1901), Áo (1903), Hoa Kỳ (Catholic Charities, 1910). 

Caritas Quốc tế (Caritas Internationalis) là một tổ chức liên kết các hoạt động bác ái trên phạm vi toàn cầu của Giáo Hội Công Giáo. Tổ chức này được thành lập từ năm 1951, hiện có 162 thành viên Caritas cấp quốc gia. Trụ sở được đặt tại Piazza San Calisto 16, 00153, Roma, Italy. Caritas Quốc tế cứu trợ những người nghèo khổ, tật bệnh hay gặp hoàn cảnh khốn cùng, không phân biệt tôn giáo, quốc gia, chủng tộc, chính trị. 

Caritas Việt Nam 

- Đầu năm 1965, Hội đồng Giám mục miền Nam Việt Nam (HĐGMVN) thành lập Caritas Việt Nam: Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đặc trách; Linh mục G.B. Hồ Văn Vui làm Giám đốc.

- Năm 1968, Caritas Việt Nam do Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền đặc trách. Caritas Việt Nam bắt đầu nhắm đến các kế hoạch phát triển lâu dài.

- Năm 1969, vì các hoạt động xã hội đòi hỏi nhu cầu chuyên môn nên Caritas Việt Nam cộng tác với trường Cán sự Xã hội của Tu đoàn Nữ tử Bác Ái thánh Vinh Sơn mở 2 khoá đào tạo nhân viên sơ cấp. Sau khi học xong, những cán sự xã hội này về làm việc trong các văn phòng Caritas Giáo phận, phòng phát thuốc, cơ sở dạy trẻ em nghèo, dạy phụ nữ cắt may…

- Năm 1972, Caritas Việt Nam do Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đặc trách. Ngài mở rộng hoạt động bác ái xã hội bằng việc thành lập cơ quan điều hợp các tổ chức, gọi là Hội Hợp tác để xây dựng lại Việt Nam gọi tắt là COREV (Cooperation pour la Réédification du Vietnam). Hội này gồm các thành viên: Caritas Việt Nam, Hội Hồng Thập Tự VN, Tổng Liên đoàn Lao công VN, CRS Hoa kỳ… Hội này được Đức cha Henri Lemaitre, Khâm sứ Toà Thánh, chúc lành và yểm trợ đắc lực. Hội xây dựng được nhiều làng định cư, nhiều trung tâm xã hội.

- Đầu tháng 7-1974, Linh mục Phêrô Trương Trãi, Giáo phận Nha Trang, được cử làm Giám đốc. 

- Tháng 6-1976, Caritas Việt Nam được lệnh tạm ngưng hoạt động, bàn giao cơ sở và phương tiện cho Uỷ ban Quân quản TP. HCM.

- Ngày 19-09-2001, Uỷ ban Bác ái Xã hội (UBBAXH) được thành lập trong Đại hội VIII của HĐGMVN, tại Hà Nội, nhưng chỉ chính thức hoạt động sau kỳ họp ngày 26-09-2002, với sự tham dự của đại biểu các giáo phận và các dòng tu để lo các công việc từ thiện, phát triển, cứu trợ khẩn cấp và hoạt động xã hội như hiện nay. Uỷ Ban đã bầu ra Ban Thường trực tại Trung ương cũng như Ban Bác ái Xã hội tại các giáo phận.

Trong tinh thần hội nhập với thế giới, UBBAXH Việt Nam xin phép sử dụng lại tên Caritas Việt Nam và các tên Caritas Giáo phận cho thống nhất ở trong nước và phù hợp với mạng lưới Caritas toàn cầu. 

Ngày 2-7-2008, Ban Tôn giáo Chính phủ đã gửi Công văn số 941TGCP-CP chấp thuận cho HĐGMVN tái lập Caritas ở cấp Trung ương và cấp giáo phận. 

(Theo quy chế Caritas Việt nam)

Lm Giuse Nguyễn Hữu An, Caritas Phan Thiết

Hạt Hóc Môn: Khóa Huấn luyện Căn bản chăm sóc bệnh nhân Bích Liên


WGPSG – “Đôi mắt dửng dưng nhìn nỗi đau của người khác; đôi tay dửng dưng để mặc người chao đảo, ngã đổ, vỡ nát; đôi chân dửng dưng không chút ngập ngừng đi qua những tổn thương của người. Sống dửng dưng như thế thì rất dễ, nhưng người ta không thể lớn lên. Cuộc sống không thể tốt đẹp hơn, bởi cách sống dửng dưng như vậy.Nhưng nhiều người vẫn chọn cách sống này vì: dễ”.

Với lối sống vô cảm ngày nay, là điều rất thiệt thòi cho các bệnh nhân đang trên giường bệnh và sự bất an trong tâm của họ. Các bệnh nhân rất cần sự an ủi, chăm sóc, nhất là những giây phút hấp hối. Vì thế, gia đình Chăm sóc các bệnh nhân được hình thành nhiều năm nay, dưới sự linh hướng của Linh mục Antôn Nguyễn Chân Hồng, Dòng Gioan Thiên Chúa sáng lập. Ngài kêu gọi những ai được Chúa mời gọi trong “Ơn gọi phục vụ các bệnh nhân” đến học từ khóa Căn bản đến khóa Nâng cao kiến thức, để phục vụ bệnh nhân ngày một chu đáo hơn.

Mỗi năm một khóa, tổ chức theo ước muốn của từng giáo xứ, liên giáo hạt trong giáo phận Sài Gòn. Năm nay, giáo xứ Bùi Môn vui mừng đón tiếp Cha linh hướng, Ban Tổ chức và khoảng 220 học viên tham dự. Khóa học gồm 03 ngày: 24, 25 và 26.10.2017; sáng từ 8g – 11g, chiều 13g30 - 15g30.


Nội dung khóa học bao gồm những phần chính yếu sau:

- Mục vụ và chăm sóc những nhu cầu cơ bản của con người theo tinh thần Kitô giáo nhằm giúp cho học viên mang lấy tinh thần Chúa Kitô khi đến thăm viếng bệnh nhân.

- Mục vụ và chăm sóc bệnh nhân theo tinh thần Thánh Gioan Thiên Chúa. Điều này giúp cho học viên nhận lấy tinh thần phục vụ của Thánh Gioan Thiên Chúa trong cung cách phục vụ bệnh nhân.

- Biết chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối, hấp hối và lìa đời. Giúp cho học viên nhận biết được về tâm sinh lý trong từng giai đoạn trước khi bệnh nhân qua đời để từ đó học viên nắm vững các tiến trình trong công tác thăm viếng.

- Đặc biệt là học viên sẽ nắm bắt được tiến trình thăm viếng những bệnh nhân suy nhược ngõ hầu theo dõi và chăm sóc họ như những chi thể của Đức Kitô.

Buổi học cuối cùng, sau khi làm bài thi kiểm tra trắc nghiệm, mỗi người một đề không giống nhau, kết quả đạt rất khả quan và tốt đẹp.

Cuối buổi, mọi người trao đổi thêm những thắc mắc của nhiều học viên khi đi vào thực tế rất ý nghĩa. Cha Hạt trưởng hạt Hóc Môn chia sẻ thêm về mong ước của ngài là các giáo xứ nên thành lập theo nhóm, chia người đến thăm chừng bệnh nhân trong những ngày cuối đời của họ theo kiến thức mình đã được học, để xoa dịu, an ủi bệnh nhân đang trong thời khắc giao tranh giữa đau khổ và hạnh phúc, giữa sự chết và sự sống.


Thật đáng vui mừng khi nhiều người dần mở rộng vòng tay yêu thương đối với các bệnh nhân, biết đồng cảm với những nỗi đau nhức nhối của xã hội ngày nay. Và đó cũng là chủ đề kêu gọi của Đức Thánh Cha (ngày 30.09.2016): “Đừng sợ, vì Ta ở với con (Is 43,5). Thông truyền niềm hy vọng và tin tưởng trong thời đại chúng ta”.

Kết thúc khóa học là giờ Chầu Thánh Thể trong tâm tình mong Chúa thánh hóa ơn gọi của mình. Mỗi người hãy là một người Samari nhân hậu, hãy đem tình bác ái không so đo tính toán, không sợ hãi trước những nỗi đau và niềm bất hạnh của người khác. Biết mời Chúa hướng dẫn mình trong những giây phút cấp bách giữa đời thường, giữa những nơi chúng ta đang sống: Lạy Chúa, xin hãy cho con biết, con phải làm gì cho họ đây, cho con biết giúp những đóng góp, chung chia những khổ đau mà họ đang gánh chịu. Để xã hội vơi bớt đi sự dửng dưng vô cảm, để con là một tia sáng chứng minh mình là một người Kitô giáo.

Bích Liên

Tìm Nét Riêng của Học viện Công giáo Việt Nam




GIÁO PHẬN XUÂN LỘC – Sáng 21/10/2017, tại Toà Giám mục Xuân Lộc, Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN) đã tổ chức buổi họp mặt đầu tiên của năm học 2017-2018 giữa các giáo sư và các vị hữu trách thuộc Ban điều hành HVCGVN. Đây là dịp để các tham dự viên gặp gỡ, trao đổi và đóng góp ý kiến xây dựng HVCGVN. Thành phần tham dự gồm có Đức Giám mục Viện trưởng Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục giáo phận Xuân Lộc, Chủ tịch Uỷ ban Giáo Dục; các cố vấn của Đức Giám mục Viện trưởng: Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ; Lm. Giuse Tạ Huy Hoàng, Tổng giáo phận Sài Gòn; Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM; Lm. Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng, SCJ; cùng 23 thành viên thuộc các ban ngành của HVCGVN: Ban Giảng huấn, Ban Đồng hành, Ban Thư ký, Ban Thư viện và Ban Tài chính.

Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh chủ sự phần cầu nguyện đầu giờ. Tiếp đến, Lm. Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng, Tổng Thư ký HVCGVN, giới thiệu các tham dự viên. Mở đầu cuộc hội thảo, Đức Giám mục Viện trưởng chào mừng các tham dự viên và bày tỏ tâm tình biết ơn đến các giáo sư, thành viên các ban ngành của HVCGVN, những người đã tiên phong góp phần xây dựng Học viện. Đức Giám mục Giuse nêu lên những thuận lợi cũng như những khó khăn về mọi mặt trong những bước khởi đầu xây dựng Học viện. Ngoài ra, Đức Giám mục Viện trưởng xác định HVCG cần xây dựng những nét riêng cũng như lập những truyền thống riêng cho Học viện. Đức cha nhấn mạnh đến điểm khác nhau cơ bản của HVCG và các Đại chủng viện cũng như các học viện khác, đó là mục đích đào tạo. HVCG nhằm đào tạo những người có khả năng suy tư, nghiên cứu, và giảng dạy Thần học cho Giáo hội. 


Sau lời phát biểu của Đức Giám mục Viện trưởng, Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, Trưởng ban Học vụ và Phụ trách chương trình Cao học của HVCG, đã trình bày tư tưởng “Thử tìm Nét Riêng của Học viện Công giáo Việt Nam”. Bài phát biểu đề cập nét đa dạng của Học viện với thành phần Ban giảng huấn đến từ nhiều môi trường học vấn khác nhau, thuộc nhiều nước và nhiều linh đạo khác nhau. Ngoài ra, Lm. Antôn cũng nhấn mạnh đến phương pháp học tập tích cực của HVCG nhằm đào tạo những sinh viên có khả năng suy tư, nghiên cứu và phản biện; đồng thời biết trình bày những tư tưởng Thần học một cách khoa học và sáng sủa. Ngôn ngữ là phương tiện cần thiết cho sinh viên tiếp thu kiến thức và trình bày những suy tư của mình. Học viện quan tâm nhiều đến việc củng cố và phát triển khả năng Việt ngữ cũng như việc nâng cao khả năng đọc hiểu Anh ngữ cho sinh viên. Hơn nữa, Học viện còn quan tâm đến bối cảnh văn hóa xã hội và tôn giáo đặc thù ở Việt Nam để có thể “xây dựng một nền thần học với những nét riêng phù hợp với dân tộc Việt Nam”.

Tiếp đến, Lm. Giuse Tạ Huy Hoàng, Phụ trách Ban Ngôn ngữ đã trình bày “Anh văn và Ngôn ngữ trong Dự phóng Chương trình Đào tạo HVCGVN”. Bài phát biểu nêu lên những trăn trở trong việc phát triển khả năng đọc viết bằng tiếng Anh cho sinh viên và trình bày những chương trình cụ thể mà ban Anh ngữ HVCGVN đang thực hiện trong học kỳ I của năm học 2017-2018.

Sau các bài phát biểu là phần đóng góp ý kiến sôi nổi và chân thành của các tham dự viên. Các ý kiến xoay quanh vấn đề chính như điều kiện tuyển sinh, chương trình học, phương pháp học, phương tiện hỗ trợ (thư viện và kỹ thuật) và những quy chế cần thiết của Học viện. Các ý kiến đã được Đức cha Viện trưởng cùng các ban ngành của HVCG trân trọng đón nhận.Chắc chắn những góp ý này sẽ được HVCGVN cân nhắc để thực hiện trong tương lai. 


Sau cùng, Đức cha Viện trưởng trình bày những khó khăn trong việc tuyển sinh vào HVCGVN. Mục tiêu hàng đầu của HVCG là giúp đào tạo những ứng viên có tiềm năng để họ trở thành những người có khả năng phục vụ Giáo hội Việt Nam trong lãnh vực nghiên cứu và giảng dạy Thần học. Vì vậy, HVCG cần những giáo sư không những chỉ có chuyên môn vững vàng để giảng dạy, mà cần có tấm lòng để nâng những sinh viên tiềm năng thành những nhà nghiên cứu tài đức cho Giáo hội.

Sau cuộc hội nghị, các thành viên cùng chia sẻ bữa ăn agapé với Đức cha Giuse và Đức cha Phụ tá giáo phận Xuân Lộc Gioan Đỗ Văn Ngân.

Cũng cần nhắc lại: ngày 14/09/2015, Bộ Giáo dục Công giáo Toà Thánh đã ký sắc lệnh thành lập HVCGVN nhằm đáp ứng nhu cầu học hỏi và trau dồi thêm kiến thức Thần học và Mục vụ của các thành phần Dân Chúa. Năm học 2017-2018, HVCG có 68 sinh viên theo học ba chương trình: Cử nhân Thần học gồm 40 sinh viên, Cao học Thần học gồm 18 sinh viên, và Năm Chuẩn bị cho chương trình Cao học gồm 10 sinh viên. Hiện nay, các hoạt động của HVCG diễn ra tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn - Tp. HCM, số 6 bis Tôn Đức Thắng, Quận 1. 

Nữ tu Bình Minh

Đời sống gia đình gương mẫu của ông bà Ulisse e Lelia Amendolagine

“Hôn nhân chắc chắn là một trong những ơn gọi cao quý và lớn lao nhất, như hôn nhân hướng dẫn các đôi vợ chồng trở nên thánh. Ông bà Ulisse e Lelia Amendolagine đã hiểu rất rõ điều này. Sự hiện diện sống động và hiệu lực của Thiên Chúa trong sự kết hiệp của họ là bí mật của sự trung thành với nhau, không thể phân chia của họ, là bí mật của sức mạnh để đối diện với những phấn đấu hàng ngày để sinh tồn và của niềm vui rạng ngời để lan truyền ánh sáng và hy vọng của Chúa Kitô trong gia đình và trong xã hội.” Đó là lời của tác giả Luca Pasquale giới thiệu cho cuốn sách “Một gia đình được Tin mừng hướng dẫn”, kể lại câu chuyện của đôi vợ chồng Ulisse e Lelia Amendolagine.

Ông Ulisse sinh năm 1893 tại Salerno, miền nam Italia, còn bà Lelia sinh cùng năm 1893 tại Potenza. Năm 1929, họ đã gặp gỡ và quen biết nhau ở Roma. Ngoài những nét hấp dẫn của riêng mỗi người, Ulisse và Lelia còn tìm thấy điểm chung là đức tin sâu sắc và ước muốn xây dựng một gia đình Kitô giáo. Một năm sau đó, ngày 29 tháng 9 năm 1930, họ làm lễ thành hôn tại giáo xứ thánh Têrêsa do các cha dòng Cát minh nhặt phép phụ trách. Hai vợ chồng đã nhanh chóng trở thành những thành viên tích cực của giáo xứ: ông Ulisse gia nhập dòng ba Cát minh, còn bà Lelia thì trở thành thành viên của Huynh đoàn Đức Mẹ Carmine.

Gia đình ông bà Ulisse và Lelia nhanh chóng được nhân rộng với sự chung sống của cha mẹ và một số anh chị em của hai người. Tuy thế, Leila đã là người phụ nữ đảm đang, sắp đặt công việc gia đình với sự hiền dịu và khả năng quản lý. Bà Lelia và chồng siêng năng cầu nguyện với nhau: mỗi sáng, trước khi bắt đầu ngày mới và mỗi tối, sau khi kết thúc một ngày, hai vợ chồng cùng quỳ ở chân giường của họ và cầu nguyện. Năm 1931, đứa con trai đầu lòng Leonardo của ông bà ra đời và sau đó là 4 người con khác. Ông bà đã đón nhận các con như những món quà Chúa ban và nuôi dưỡng, giáo dục chăm sóc các con về đời sống nhân bản và tôn giáo, luôn trao đổi với các giáo viên của các con, theo dõi việc học của các con khi ở trường và khi có thời gian rảnh rỗi. Hai con trai trong số 5 người con của ông bà: Giuseppe trở thành linh mục dòng Cát minh với tên gọi Raffaele, và Roberto thì trở thành linh mục của giáo phận Roma. Ông bà Ulisse e Lelia cũng cởi mở và phát triển các mối quan hệ với người khác, sẵn sàng giúp đỡ với sự tôn trọng và lòng quảng đại bất cứ ai cần đến họ, về vật chất cũng như tinh thần. Họ đã sống cuộc sống như thế trong những năm khó khăn của thế chiến thứ hai.

Cả hai ông bà Ulisse và Lelia đã sống đức tin cách đơn giản nhưng mạnh mẽ. Lòng tín thác vào Thiên Chúa quan phòng của ông bà gia tăng ngay cả khi sống trong sự thiếu thốn những thứ cơ bản nhất để sinh tồn. Sức mạnh của ông bà chính là cầu nguyện chung, Thánh Thể và sự trông cậy vào Đức Trinh nữ Maria. Họ sẵn sàng dâng các con cho Chúa trong đời tu trì ngay cả khi gặp sự phản đối của họ hàng. Trước ngày người con trai Giuseppe bước vào đời sống tu trì, bà Lelia đã viết cho cậu: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, con phải luôn tìm kiếm nước thiên đàng. Thiên Chúa biết ai thích hợp cho đời linh mục hay đời sống giáo dân, con cần để cho Chúa làm.” Khi bị ung thư màng ruột, bà Lelia vẫn phó thác cho sự gìn giữ của Mẹ Maria và bà đã qua đời ngày 3 tháng 7 năm 1951, trong sự che chở của Đức Mẹ, sau hai năm chịu đau bệnh. Năm 1955, ông Ulisse cũng ngã bệnh và sau những năm chịu đựng đau khổ, cô độc với đức tin anh hùng, ông qua đời ngày 30 tháng 5 năm 1969, trong sự chiêm ngắm Thiên Chúa và trong cánh tay của thánh nữ Têrêsa, sau khi đã được đón nhận các bí tích sau cùng do hai người con linh mục trao ban.

Ngày 18 tháng 6 năm 2004, Đức hồng y Camillo Ruini,giám quản Roma lúc đó, đã khai mạc tiến trình điều tra phong chân phước cho ông bà, trước sự hiện diện của 4 người con còn sống là Teresa, Francesco, cha Giuseppe và cha Roberto. Theo Đức hồng y, sức mạnh bền chặt của mối liên kết vợ chồng không thể chia cắt được của ông bà Ulisse và Lelia được đâm rễ từ bí tích hôn nhân. Sự trung thành với ơn gọi hôn nhân và giáo dục con cái trong đời sống kitô giáo và gương sống chịu đựng gian khổ đau đớn của họ dưới ánh sáng của đức tin sâu sắc và sự dấn thân của gia đình trong việc tham gia tích cực vào đời sống giáo xứ là gương mẫu của đời sống hôn nhân.” Cuộc điều tra ở cấp giáo phận đã kết thúc vào ngày 24 tháng 5 năm 2011. Đôi vợ chồng đã được tuyên phong lên hàng “Tôi tớ Chúa” và án phong chân phước vẫn đang được tiến hành. (FC 28/08/2014)

Hồng Thủy

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

Tin Mừng Chúa nhật XXX thường niên - Năm A


PHÚC ÂM: Mt 22, 34-40
"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại, đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: "Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?" Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó".

Nguồn: http://www.kinhthanhvn.net/29-10-%E2%80%93-chua-nhat-30-thuong-nien-a

Đức Thánh Cha trò chuyện với phi hành đoàn trên trạm không gian quốc tế


“Anh em là một tòa nhà bằng kiếng nhỏ mà tổng thể lại lớn hơn tổng số của các phần”. Đó là những lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các phi hành gia của trạm không gian quốc tế vào chiều ngày 26/10 vừa qua.

Vào lúc 3 giờ chiều Roma ngày 26/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 25 phút với phi hành đoàn trên trạm không gian quốc tế đang ở trên quĩ đạo. Đức Thánh Cha đã đặt một số câu hỏi cho 6 thành viên của phi đội.

Đức Thánh Cha chào phi hành đoàn và tiến sĩ phi hành gia người Ý Paolo Nespoli. Ngài cám ơn các phi hành gia và tất cả những người đã sắp xếp buổi kết nối hôm nay, đã cho ngài cơ hội “găpcác phi hành gia” và hỏi họ vài điều.

- Câu hỏi đầu tiên của Đức Thánh Cha là: Thiên văn học giúp chúng ta chiêm ngắm những chân trời vô hạn của vũ trụ và gợi lên trong lòng chúng ta những câu hỏi: chúng ta đến từ đâu? Tôi muốn hỏi tiến sĩ Nespoli: dưới ánh sáng những kinh nghiệm ở trong không gian của tiến sĩ, ông nghĩ gì về chỗ của con người trong vũ trụ?

Tiến sĩ Nespoli trả lời: thưa Đức Thánh Cha, đây là một câu hỏi phức tạp. Con nghĩ mình là một kỹ thuật viên, một kỹ sư, con ở giữa các máy móc, với các kinh nghiệm; nhưng khi nói về những điều như “chúng ta đến từ đâu”.. con bị bối rối. Đây là vấn đề khó nói. Con nghĩ là mục đích của chúng con là nhận biết sự hiện hữu của chúng con, để làm đầy sự hiểu biết, hiểu những điều xung quanh chúng ta…Con thích có những người như ngài, không chỉ là các kỹ sư và vật lý gia, nhưng là các thần học gia, triết gia, văn sĩ, thi sĩ có thể đến đây với chúng tôi để khám phá việc một người ở trong không gian có nghĩa gì.

- Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc lại câu nổi tiếng mà thi sĩ Dante đã kết thúc tác phẩm “Hài kịch thần linh”, “tình yêu di chuyển mặt trời và các vì sao khác”. Ngài hỏi các phi hành gia, khi nói tình yêu là sức mạnh di chuyển vũ trụ, điều này có nghĩa gì với họ. Trả lời câu hỏi này của Đức Thánh Cha, phi hành gia người Nga Alexander Misurkin đề cập đến cuốn sách “Hoàng tử nhỏ” của Antoine de Saint-Exupéry, kể về một cậu bé đã sẵn sàng hy sinh sự sống để cứu các cây cối và thú vật trên trái đất và ông nói: một cách căn bản, tình yêu là sức mạnh đem lại cho bạn khả năng trao bạn sự sống của bạn vì một ai đó.

- Câu hỏi thứ ba của Đức Thánh Cha, như ngài nói, là một sự hiếu kỳ. Ngài hỏi: “Điều gì đã thúc đẩy anh em trở thành các phi hành gia? Phi hành gia người Nga Sergei Ryazanskiy cho biết chọn lựa trở thành phi hành gia của ông có liên quan đến ông của mình, một trong những người tiên phong trong ngành không gian và là kỹ sư của phi thuyền không gian Sputnik 1. Sergei muốn theo bước ông của mình vì không gian rất xinh đẹp và lý thú và cũng rất quan trọng đối với con người. Phi hành gia Randy Bresnik người Mỹ nhấn mạnh đến cơ hội có thể nhìn Trái đất “một tí” với đôi mắt của Chúa” và nhìn vẻ đẹp không thể tin nỗi của hành tinh này. Ông cho biết thêm, với vận tốc của quỹ đạo là 10 km/ giây, các phi hành gia nhìn Trái đất với đôi mắt khác: chúng tôi nhìn thấy một Trái đất không có biên giới, nơi mà bầu khí quyển vô cùng mỏng manh, và quan sát Trái đất lúc này chúng tôi nghĩ về con người, nghĩ đến việc chúng ta cùng nhau làm việc thế nào cho một tương lai tốt hơn.

- Câu hỏi thứ 4 của Đức Thánh Cha dựa trên một quan sát: hành trình trong không gian thay đổi nhiều điều, ví dụ như ý niệm “trên” và “dưới”. Có điều gì khi đang sống trong trạm không gian làm anh em ngạc nhiên? Ngược lại, có điều gì đánh động anh em bởi vì nó được xác định ở đó, trong một bối cảnh khác như thế? Phi hành gia người Mỹ Mark T. Vande Hei trả lời: “Điều làm tôi ngạc nhiên là sự kiện “trong không gian bạn thấy các sự vật hoàn toàn khác, dường như là những điều không thể nhận ra được. Ông nói thêm: để hiểu tôi ở đâu, tôi phải quyết định đâu là trên và đâu là dưới và thiết lập mô hình thu nhỏ của tôi.

- Câu hỏi cuối cùng, Đức Thánh Cha nói: xã hội của chúng ta rất là cá nhân và ngược lại cuộc sống của chúng ta rất cần sự cộng tác với nhau. Các anh có thể nêu vài ví dụ có ý nghĩa về sự cộng tác của anh em trên trạm không gian không? Phi hành gia Joseph Acaba người Mỹ nói rằng “trạm không gian là một ví dụ của sự cộng tác quốc tế”. Có những người Mỹ, người Nga, Nhật, Canada, 9 nước châu Âu … Một điều quan trọng và lý thú là mỗi người có sự khác nhau và tất cả sự khác nhau này được đặt chung làm thành một tổng hợp rất lớn, hơn một người duy nhất. Với nhau, chúng tôi có thể làm nhiều điều tốt hơn nếu chúng tôi chỉ làm một mình.

Sau câu trả lời, Đức Thánh Cha nhận xét: “Anh em là một tòa nhà bằng kiếng nhỏ mà tổng thể lại lớn hơn tổng số của các phần”. Đây là mẫu gương của anh em đối với chúng tôi.

Trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha đã chào và cám ơn các phi hành gia. Ngài nói: “Chúng tôi nhìn nhận anh em như những đại diện của cả gia đình nhân loại trong chương trình nghiên cứu vĩ đaị ở trạm không gian.

Tiến sĩ Nespoli cũng cám ơn Đức Thánh Cha đã đánh giá cao các phi hành gia, đã đưa họ ra khỏi khung cảnh máy móc hàng ngày và đã giúp họ nghĩ đến những điều lớn hơn. (REI 26/10/2017)


Hồng Thủy

65.000 bạn trẻ đã trả lời Bản câu hỏi của Thượng Hội đồng Giám mục về người trẻ


WHĐ (27.10.2017) – Từ ngày 14 tháng Sáu 2017, Văn phòng Thượng Hội đồng Giám mục đã đăng tải bản câu hỏi trên mạng internet nhằm lấy ý kiến của người trẻ trên khắp thế giới, để chuẩn bị cho Khoá họp thường lệ thứ XV của Thượng Hội đồng Giám mục, sẽ diễn ra vào tháng Mười 2018 tại Roma với chủ đề: “Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”. Cho đến nay bản câu hỏi đã nhận được 65.000 câu trả lời, một con số khá khiêm tốn.

Bản câu hỏi gửi đến những người trẻ từ 16 đến 29 tuổi trên toàn thế giới, là cuộc tham khảo ý kiến trực tiếp chưa từng có, được thực hiện song song với sự đóng góp của các Hội đồng Giám mục ở các quốc gia. Bản câu hỏi này được thích nghi với người trẻ, dành cho tất cả mọi người, thuộc mọi tôn giáo và mọi vùng miền, quốc gia.

Gần 150.000 lượt truy cập và 65.000 phản hồi

Đây là lần đầu tiên kể từ khi đăng tải bản câu hỏi, và hơn một tháng trước khi khoá sổ, Đức hồng y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, cho biết một vài số liệu liên quan. Có 148.247 người truy cập bản câu hỏi. Khoảng một nửa trong số đó, 65.000 người, đã trả lời đầy đủ. Và khoảng 3.000 người đã để lại địa chỉ e-mail với mong muốn, như trang web gợi ý, sẽ được thông báo về kết quả cuối cùng.


Các số liệu trên đây được đăng tải trên nhật báo L’Osservatore Romano số ra ngày thứ Ba 24-10-2017, theo công bốcủa Đức hồng y Baldisseri trong một cuộc họp báo tại Pordenone, miền bắc Italia vào tuần trước, dành cho các nhà xuất bản tôn giáo ở Italia.

Các số liệu này khá khiêm tốn đối với một bản câu hỏi với quy mô toàn cầu. Đặc biệt nếu chúng ta so sánh với con số 2,5 triệu người trẻ tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới gần đây tại Krakow (Ba Lan) vào mùa Hè năm 2016.

Trong số những người theo sát việc chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục, một số người ghi nhận rằng truyền thông không phải lúc nào cũng hoạt động hiệu quả theo từng quốc gia. Rào cản ngôn ngữ cũng là một hạn chế. Chẳng hạn, bản câu hỏi không được dịch sang tiếng Đức. Vì thế, Hội đồng Giám mục Đức đã dịch và phổ biến bản câu hỏi này, nhưng những câu trả lời của giới trẻ Đức không được tính vào số liệu do Đức hồng y Baldisseri đưa ra.

Những phê bình về nội dung và hình thức của bản câu hỏi

Trong cuộc họp báo nói trên, Đức hồng y Baldisseri cũng đưa ra một bản tóm tắt các bình luận về bản câu hỏi. Ngài trích dẫn một số câu trả lời của các bạn trẻ người Pháp, cho biết họ rất vui khi có dịp bày tỏ ý kiến. Nhưng vị thư ký Thượng Hội đồng Giám mục cũng không tránh né đề cập đến những lời phê bình đã nhận được. Về hình thức, một số bạn trẻ cho rằng bản câu hỏi quá dài; về nội dung, các câu hỏi đặc biệt liên quan đến các chủ đề ít hoặc không được đề cập đến, trong số đó, có các vấn đề liên quan đến rượu hoặc ma túy, tình dục và đời sống tình cảm hoặc mối tương quan với các tôn giáo khác. Đây là những phê bình đã được các bạn trẻ nêu lên khi họ tham dự một hội thảo tại Vatican về giới trẻ hồi tháng Chín vừa qua, trong khuôn khổ chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục.

Đức hồng y Baldisseri lặp lại rằng những đóng góp của người trẻ là “cần thiết để giúp cho những đúc kết (của Thượng Hội đồng Giám mục) đáp ứng với thực tế của Giáo hội và của xã hội”. Không có những đóng góp ấy, Đức hồng y khẳng định, “chúng ta có nguy cơ xây nên một “lâu đài trên cát” không có người ở, vì người trẻ chẳng thấy ở đấy có ích lợi gì”.

Thời hạn cuối cùng để trả lời cho Bản câu hỏi – đăng tại địa chỉ: http://youth.synod2018.va – là ngày 30 tháng Mười Một. Các câu trả lời sẽ được dùng vào việc soạn thảo Instrumentum Laboris (Tài liệu làm việc) cho Khoá họp thường lệ thứ XV của Thượng Hội đồng Giám mục.

(La Croix)

Minh Đức

Nói và làm


Nói và làm là hai cách thức thể hiện tư tưởng của một con người. Nói và làm tác động và gắn bó với nhau, đến nỗi lời nói chứng minh cho việc làm và ngược lại. Tư tưởng thì trừu tượng; việc làm thì cụ thể. Tư tưởng thì dễ dàng và cao xa bay bổng; việc làm thì khó khăn và nghiệt ngã khắt khe. Người ta chỉ có thể kiểm chứng và lượng giá lời nói của một người, nếu đã thấy những việc làm của người đó phù hợp với những gì đã được thể hiện qua lời nói. Nói và làm cùng phát xuất từ tư tưởng của một con người, nhưng không dễ để hoà hợp và đi đôi với nhau. Có nhiều người nói một đàng mà làm một nẻo. Có những người nói thì rất hay mà làm lại rất dở. Vì thế để cho lời nói phù hợp với việc làm, cần phải luôn khôn ngoan thận trọng và cố gắng. Người nào biết hòa hợp lời nói và việc làm, người đó có thể được coi là hoàn hảo.

Còn nhớ vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước, trên báo Nhân Dân hằng ngày có mục “Nói và Làm” của tác giả N.V.L. Mỗi ngày có một bài viết, ngắn gọn nhưng rất cụ thể. Tác giả đề cập tới những sự việc gây bức xúc trong mọi lãnh vực của xã hội. Đó cũng là giai đoạn được đánh dấu bằng ngọn gió đổi mới, đưa xã hội Việt Nam sang một bước ngoặt lịch sử, chấm dứt ngăn sông cấm chợ, không còn khép kín, nhưng mở ra với thế giới bên ngoài. Nhờ những bài viết trong mục “Nói Và Làm”, một số lớn những tiêu cực và bất cập trong xã hội bị dẹp bỏ. Người dân phấn khởi vui mừng. Tiếc rằng những bài viết thể loại này hiếm thấy trên báo chí, trong một xã hội hôm nay đầy nhiễu nhương, bất công và tiêu cực.

Từ nói đến làm tuy gần mà rất xa. Dư luận xã hội gần đây xôn xao trước thông tin một số cán bộ khi vừa nhận chức đã có những bài phát biểu rất hùng hồn. Lời nói của các vị này làm nức lòng cán bộ và nhân dân vì thể hiện tâm huyết với công việc được trao, với những lời hứa sẽ sống thanh liêm trong sạch trước hiện tượng tham nhũng. Tuy vậy, những lời nói có cánh ấy chẳng được lâu bền. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ diện. Trước những tố cáo của người dân, cơ quan điều tra đã vào cuộc và đã có kết luận vị cán bộ này dùng bằng giả, nhận đất đai nhà cửa và xe cộ của người khác “biếu tặng” một cách bất minh. Đó chỉ là một trong trăm ngàn trường hợp trong xã hội chúng ta cho thấy lời nói và việc làm luôn có khoảng cách xa vời.

Cũng trong xã hội hiện nay, dường như tồn tại một tình trạng “nói mà không làm”. Những phong trào, những đợt ra quân, những bài phát biểu hùng hồn, những quyết tâm, những chiến dịch, thoạt nghe ban đầu có vẻ hùng hồn, quyết liệt, nhưng thường rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, “đánh trống bỏ dùi”. Hậu quả là lãng phí của công và làm dịp cho một số cá nhân trục lợi làm giàu. Đơn cử trường hợp chính quyền một quận của Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết tâm giành lại vỉa hè, quyết định này làm nức lòng người dân. Ấy vậy mà một thời gian sau, vị lãnh đạo đi dẹp đường cũng bị “dẹp” luôn do quyết định của vị cán bộ cấp cao hơn. Những việc làm nhằm tới mục đích rất tốt, nhưng không được thực hiện nhất quán và toàn bộ, thì chỉ nổi lên như bong bóng xà phòng. Và thế là, những dự định tốt đẹp ấy chỉ dừng lại ở lời nói. Phải chăng vì thế mà rừng vẫn bị phá mặc dù có những lời kêu gọi bảo vệ rừng; môi trường vẫn ô nhiễm sau một loại những chiến dịch xây dựng thành phố xanh sạch đẹp và những dự án rất tốn kém. Điều đó cho thấy, ngoài những khẩu hiệu, phải có những việc làm cụ thể để đào tạo những con người và thu phục nhân tâm.

“Nói mà không làm”, đó cũng là điều Chúa Giêsu phê phán những người biệt phái và luật sĩ. Chúa đã dùng những lời lên án rất nặng nề và gọi họ là những kẻ giả hình, vì họ nói rất hay nhưng làm chẳng bao nhiêu. Họ chỉ “cốt đè đặt gánh nặng trên vai người khác, mà không muốn đặt ngón tay lay thử” (Mt 23,4). Điều đáng chú ý, những người bị Chúa lên án là những bậc vị vọng, có uy quyền trong xã hội Do Thái. Họ cũng là những nhà lãnh đạo tôn giáo và có ảnh hưởng lớn trong dân chúng thời bấy giờ. Lời nói của họ rất có trọng lượng và uy tín đối với công chúng, vì họ được coi như những người “ngồi trên tòa ông Môisê mà giảng dạy” (x. Mt 23,2), nhưng tiếc thay, những việc họ làm ngược lại với những điều họ nói. Chúa Giêsu đã so sánh những người giả hình giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài bóng bẩy mà bên trong đầy xú khí. Người cũng gọi họ là những người mù quáng, chỉ chăm chút bên ngoài để che đậy lối sống cướp bóc và thói ăn chơi vô độ.

Một lối sống Đạo chỉ dừng ở những lời nói mà không tác động và biến đổi con tim, đó cũng là tình trạng phổ biến nơi đời sống đức tin của một số Kitô hữu hiện nay. Giáo Hội cho chúng ta nghe Lời Chúa trong các lễ nghi Phụng vụ và trong các buổi cử hành. Tuy vậy, chúng ta chưa thực sự đón nhận Lời Chúa một cách nghiêm túc, và như thế, việc thực hiện Lời Chúa còn là một việc xa vời. Người tín hữu đich thực là người biết đưa Lời Chúa vào cuộc sống hằng ngày, nhờ đó mà họ luôn cảm thấy Ngài hiện diện để hướng dẫn, như tác giả Thánh vịnh đã viết: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105). Trong những sự kiện quan trọng của cộng đoàn, có những bài phát biểu bao gồm những lời lẽ rất uyên bác và khôn ngoan, những băng-rôn khẩu hiệu trích dẫn giáo huấn Lời Chúa, nhưng ít khi những lời ấy lắng đọng nơi những người tham dự. Vì vậy mà người nói cứ nói mà không đem lại hiệu quả là nơi người nghe. Những tín hữu thể loại này giống như mảnh đất đầy gai góc hoặc đá sỏi mà Chúa Giêsu đã diễn tả trong dụ ngôn “người gieo giống”. Họ nghe Lời Chúa rồi để Lời ấy bị bóp nghẹt vì những lo toan bận rộn của cuộc sống, và vì thiếu sự trân trọng và cộng tác để cho Lời ấy sinh hoa kết trái.

“Người ta chẳng bao giờ tin một người nói láo, dù nó có nói thật đi chăng nữa” (Cicero). Các Cụ ta cũng dạy: “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Một lần nói dối sẽ đánh mất uy tín biết bao năm tạo lập. Một người chân chính coi uy tín trọng hơn vàng bạc, vì thế họ thà chấp nhận thiệt thòi chứ không chịu nói hai lời. Một khi lời nói đi đôi với việc làm, chúng ta sẽ luôn an bình thanh thản trước mặt Chúa và đối với anh chị em.

Tháng 10-2017

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn: Tân Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn dâng lễ tạ ơn

WGPSG – “Quý thầy hãy cố gắng tu học để mai ngày trở nên các mục tử như lòng Chúa ước mong”, Đức tân Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn đã nhắn nhủ quý thầy Đại Chủng viện Thánh Giuse Sàigòn (ĐCV) như thế, khi ngài đến hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn tại nhà nguyện ĐCV vào sáng thứ Năm, ngày 26.10.2017, nơi ngài đã từng trải qua 6 năm tu học. Ngài thuộc linh mục khóa III, vào Đại Chủng Viện năm 1993 và ra trường năm1999.  
Trong bài giảng, Đức tân Giám mục đã chia sẻ những kỷ niệm và kinh nghiệm quý báu của ngài khi còn là chủng sinh tại đây, đồng thời nhắn gửi và nhắc nhở quý thầy cố gắng phân định ơn gọi, để biết sẵn sàng từ bỏ chính mình mà theo chân Đức Kitô trên con đường sứ vụ.
Cũng trong bài giảng, Đức Cha nhấn mạnh về những đặc tính của lửa: lửa không những để chiếu sáng và sưởi ấm mà còn để thanh luyện. Chính ngài cũng đã chịu sự thanh luyện ấy, sự thanh luyện mà Thiên Chúa đã dành cho ngài trong suốt quãng đời trai trẻ, cho đến tận khi ngài trở thành chủng sinh và sau đó là linh mục, rồi giám mục. Ngài cũng khuyên nhủ các thầy can đảm chịu thanh luyện, đón nhận những thử thách và phó thác cuộc đời mình trong tình yêu quan phòng của Chúa.
Cuối Thánh lễ, cha Giám đốc ĐCV đã có đôi lời tri ân và sau đó, thầy Giuse Nguyễn Tiến Hải, niên trưởng khóa Tu đức, đã đại diện cho quý thầy, gửi đến Đức tân Giám mục lời chúc mừng và cám ơn sâu sắc, cùng với món quà đơn sơ và bó hoa tươi thắm nói lên tấm lòng của gia đình Đại Chủng viện.
Trước khi ban phép lành kết lễ, Đức tân Giám mục đáp từ, và một lần nữa,  ngài nhắn gởi quý thầy cố gắng tu học để mai ngày trở nên các mục tử như lòng Chúa ước mong.
ĐCV SÀI GÒN: TÂN GM LOUIS DÂNG LỄ TẠ ƠN

Thánh lễ bế mạc Đại hội 50 năm Cursillo Việt Nam

Sau 3 ngày Đại hội mừng 50 phong trào Cursillo hiện diện tại VN, từ 19 đến 21/10/2017 tại Trung tâm Hành hương Thánh Mẫu La Vang, Thánh lễ bế mạc đã diễn ra vào trưa ngày 21/10/2017.
ĐC Giuse Trần Văn Toản - GM phó GP Long Xuyên,  Chủ tịch Ủy ban Giáo Dân thuộc HĐGMVN - chủ tế. ĐC Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, GM Bà Rịa - Chủ tịch Ủy ban Phụng Tự; ĐC Stêphanô Tri Bửu Thiên - GM Cần Thơ, Đặc trách Đối thoại Liên tôn - và khoảng 30 LM đồng tế.
Trong bài giảng lễ Đức Mẹ thăm viếng bà Elisabeth, với ngôn từ mộc mạc, ĐC Emmanuel đã nói về niềm vui của người tín hữu có Chúa trong mình. Niềm vui  sâu thẳm từ ánh sáng Lời Chúa, niềm vui giản đơn từ Mẹ Maria đầy ơn phúc. ĐC nói mỗi người phải để Lời Chúa hôm nay thành của riêng mình, mình nghe được, cảm nhận được như Chúa nói với riêng mình. Khi Mẹ thăm viếng bà Elisabeth, Mẹ không giảng hay phát biểu gì với người chị họ, thế nhưng bào thai thánh Gioan Baotixita đã nhảy mừng và bà Elisabeth cũng thốt lên những lời mừng vui. Mẹ mang đến niềm vui vì Mẹ có Chúa trong mình, mọi người đều có thể đem niềm vui giản đơn đến người khác khi biết đón nhận và sống Lời Chúa, mang Chúa theo mình theo nghĩa từ Emmanuel (Thiên Chúa ở cùng). Mỗi người hãy học tâm tình của Mẹ là tâm tình tôi tớ trao ban niềm vui…
Sau Thánh lễ là Nghi thức Ra đi, đại diện PT Cursillo 11 GP đã lên lễ đài đón nhận lời nguyện theo chân Mẹ thăm viếng bà Elisabeth ra đi đem Chúa đến cho mình và cho người khác.
Buổi sáng, trước khi bước vào Thánh lễ là phần huấn dụ, chia sẻ với cộng đoàn của ĐC Emmanuel, ĐC Stêphanô, Đức ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú (Xuân Lộc), LM Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Long Xuyên), Xơ Maria Trần Thị Sâm (Đaminh Thánh Tâm Xuân Lộc) và anh Giuse Mai Chung Văn (Hà Nội).
ĐC Emmanuel đã mượn hình ảnh chiếc máy phát điện để chia sẻ về sức sống của phong trào. Từ 50 năm nay, khi Phong trào Cursillo hiện diện tại Việt Nam, chiếc máy phát điện như đã có sẵn rồi, vấn đề là làm thế nào để từng Cursillista biết cách nối mình với chiếc máy phát điện để thắp sáng cho chính mình và cho môi trường chung quanh. Hãy cẩn trọng vì bên cạnh mặt phải, luôn luôn tồn tại một mặt trái làm cho muối, men không còn tác dụng.
ĐC Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục GP Cần Thơ, nhận mình là một nông dân. ĐC chia sẻ một kinh nghiệm phải đốt hết những cây xoài gần cây bị sâu đục làm chết rồi mới trồng lại cây mới được, sâu lây lan rất nguy hiểm. Mỗi người hãy diệt trừ mầm mống sâu ý riêng mình, sâu ích kỷ và gây chia rẽ trong cộng đoàn.
Với cách nói chuyện dí dỏm và hài hước (được sai đi nhưng đừng đi sai, đi ra trước rồi mới ra đi) phần huấn dụ thân mật của 2 ĐC đã bị gián đoạn nhiều lần bởi những tràng vỗ tay và tiếng cười từ mọi người.
Đức ông Vinh Sơn đã lược thuật những giai đoạn chính từ hình thành đến trầm lắng và dần khởi sắc của PT Cursillo Xuân Lộc, một GP có đông Cursillistas nhất nước.
LM Gioan Kim Khẩu, linh hướng PT Long Xuyên nhấn mạnh đến tầm nhìn qua mối ưu tư về đào luyện người giáo dân, trong đó Viếng Thánh Thể là một trong những phương thức đào luyện đơn giản và hiệu quả nhất.
Maria Trần Thị Sâm là một trong những Cursillista kỳ cựu (tham dự Khóa Cursillo năm 1968 tại Manila, Philippines)  nhớ lại những ngày gặp gỡ người anh cả PT Cursillo VN, Đấng đáng kính Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận.
Anh Giuse Mai Chung Văn chia sẻ tình hình Giáo Hội và tình hình PT Cursillo nơi TGP Hà Nội.
Được biết lần Đại hội toàn quốc đầu tiên này có hơn 1800 Cursillistas đại diện cho gần 4000 Cursillistas trên cả nước tham dự.
Trong 2 ngày trước đã có quý ĐC đến Dâng lễ và huấn dụ: ĐC Giuse Nguyễn Năng - GM Phát Diệm, Phó Chủ tịch HĐGMVN; ĐC Giuse Đặng Đức Ngân - GM Đà Nẵng, Chủ tịch UB Văn hóa HĐGMVN; ĐC Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản - GM Ban Mê Thuột, Chủ tịch UB Thánh Nhạc HĐGMVN. Nhiều chia sẻ chứng nhân thú vị của các anh chị em Cursillista cũng được trình bày.
Cursillo là một PT của Giáo Hội được khởi xướng từ giáo dân và dành cho giáo dân, PT hướng đến sự thay đổi môi trường bằng bằng men, muối nơi những Kitô hữu đích thực. 
T. LỄ BẾ MẠC ĐẠI HỘI 50 NĂM CURSILLO VN

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Không có các Kitô hữu "bình chân như vại", không chiến đấu chống lại sự ác


Không có những Kitô hữu "bình chân như vại", cảm thấy an tâm và không chiến đấu chống lại sự ác. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thay đổi đời sống, thay đổi cách sống; Ngài mời gọi chúng ta hoán cải. Thay đổi chính mình là một cuộc chiến đấu chống lại sự ác, cả sự ác ở trong trái tim chúng ta, một cuộc chiến không để cho chúng ta yên thân nhưng lại ban cho chúng ta sự bình an.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ những ý tưởng trên trong bài giảng Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta sáng hôm nay.

Giải nghĩa đoạn Tin mừng theo thánh Luca 12,49-53, trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng Ngài đã đến ném lửa vào mặt đất, Đức Thánh Cha giải thích rằng loại lửa mà Chúa Giêsu ném xuống thế gian là loại lửa đòi hỏi chúng ta phải thay đổi. Chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi cách cảm nghĩ. Trước đây trái tim của chúng ta thuộc về thế gian, không thuộc về Thiên Chúa, nhưng bây giờ trái tim chúng ta đã trở thành trái tim của Kitô hữu với sức mạnh của Chúa Kitô. Đó là sự thay đổi và cũng có nghĩa là hoán cải. Sự hoán cải này là một cuộc hoán cải toàn diện, bao gồm tất cả thân xác và linh hồn. Điều này là một sự hoán cải nội tâm, hoán cải thật sự như Đức Thánh Cha giải thích: “Đó là sự thay đổi nhưng không phải là sự thay đổi hình thức, bên ngoài, giả tạo, mà là sự thay đổi nội tâm, do Chúa Thánh Thần thực hiện và chúng ta phải cộng tác để Chúa Thánh Thần có thể hoạt động. Điều này có nghĩa là chúng ta phải chiến đấu, chiến đấu!” Chúng ta cộng tác với Chúa Thánh Thần, nghĩa là đề cho Ngài đi vào tâm hồn chúng ta, Ngài giúp hoán cải chúng ta. Chấp nhận để Chúa Thánh Thần hoạt động là một cuộc chiến đấu chống lại sự ngủ yên, chống lại chọn lựa ở yên và không muốn thay đổi. Thay đổi đòi chúng ta phải chiến đấu vượt qua con người cũ với lối sống cũ, những suy nghĩ cũ và cách hành động cũ.

Trong lối sống cũ các Kitô hữu cảm thấy an tâm nhưng Đức Thánh Cha nhắc rằng không có những Kitô hữu "bình chân như vại", cảm thấy yên hàn và không cần chiến đấu mỗi ngày và không phấn đấu chống lại sự dữ. Đó không phải là các Kitô hữu mà là những người dửng dưng, nửa nóng nửa lạnh. Đức Thánh Cha nói rằng người ta có thể tìm thấy sự an bình để ngủ ngon với một viên thuốc, nhưng không có những viên thuốc có thể đem lại sự bình an nội tâm. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể ban sự bình an của tâm hồn và bình an đó mang lại sức mạnh cho các Kitô hữu.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cộng tác với Chúa Thánh Thần bằng cách để khoảng trống cho Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mình. Chúa Thánh Thần có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự ác của Kitô hữu: “Chúa Thánh Thần giúp chúng ta rất nhiều trong việc kiểm điểm lương tâm, mọi ngày, giúp chúng ta chiến đấu chống lại các căn bệnh của tinh thần mà kẻ thù gieo vãi và là các căn bệnh của thế gian.”

Chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa Giêsu chống lại ma quỷ là chuyện của Ngài, là chuyện đã qua. Nhưng Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu rằng: “Cuộc chiến mà Chúa Giêsu chống lại ma quỷ, chống lại sự ác, không phải là chuyện cổ điển xa xưa, nhưng nó rất mới, rất hiện đại, là chuyện của thời nay, của hôm nay, của mọi ngày”, bởi vì “ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã đến và mang đến cho chúng ta thì ở trong tâm hồn chúng ta.” Lửa Chúa Giêsu mang đến đòi chúng ta chiến đấu chống lại những gì ngược lại với Thiên Chúa. Vì vậy chúng ta phải để cho Chúa đi vào tâm hồn chúng ta và mỗi ngày tự hỏi chính mình: “tôi đã vượt qua tính thế gian, qua tội lỗi, đến với ân sủng thế nào? Tôi có để cho Chúa Thánh Thần có chỗ trong tâm hồn tôi để Ngài có thể hoạt động không?

Những khó khăn trong cuộc sống chúng ta không thể được giải quyết bằng cách giảm nhẹ chân lý, để cho sự việc được dễ dàng. Đức Thánh Cha nói rằng chân lý chính là Chúa Giêsu đã mang lửa và chiến đấu vào thế gian, tôi sẽ làm gì? Hoán cải, thay đổi, chiến đấu chống sự ác luôn là điều cần thiết. 

Đức Thánh Cha đã kết luận bài giảng: hoán cải “cần một trái tim quảng đại và trung thành”: “quảng đại là điều luôn đến từ tình yêu và trung thành đến từ Lời Chúa.” (REI 26/10/2017)


Hồng Thủy