Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thư kêu gọi Hiệp thông và trợ giúp các nạn nhân lũ lụt ngày 23-10-2020



TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
( (84.28) 3930 3828
E.mail: tgmsaigon@gmail.com

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 10 năm 2020

THƯ KÊU GỌI
Hiệp thông và trợ giúp các nạn nhân lũ lụt

Kính gửi quý cha, quý tu sĩ nam nữ và chủng sinh, cùng toàn thể anh chị em

Qua phương tiện truyền thông, chúng ta đều biết từ ngày 6/10/2020 lũ lụt liên tục xảy ra tại khu vực Tây Nguyên và miền Trung, đặc biệt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đã khiến cho đồng bào tại những nơi đó phải gánh chịu thiệt hại rất nặng nề. Theo thống kê sơ bộ đến nay, trên 100 người đã thiệt mạng, hàng chục người mất tích, và rất nhiều người bị thương. Bên cạnh đó là những mất mát lớn về tài sản vật chất: nhiều chục ngàn ngôi nhà bị ngập, hư hỏng; hàng ngàn hécta lúa, hoa mầu và nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hàng trăm ngàn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi…

Đứng trước nỗi đau lớn lao ấy, chúng ta được mời gọi hiệp thông với các nạn nhân cũng là anh chị em của chúng ta qua lời cầu nguyện. Xin Thiên Chúa giầu lòng thương xót, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Mân Côi, luôn an ủi nâng đỡ và ban cho mọi người những ơn cần thiết để sớm vượt qua khó khăn trong hoàn cảnh hiện tại.

Truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam và tinh thần bác ái Kitô giáo thôi thúc chúng ta có hành động cụ thể để chia sẻ hỗ trợ về vật chất giúp đồng bào của mình sớm khắc phục hậu quả, tái thiết và ổn định đời sống. Mặc dù chúng ta vừa thực hiện cuộc quyên góp cho quỹ truyền giáo năm 2020 của Tổng giáo phận vào ngày 18/10 vừa qua, nhưng do tính cấp bách của sự việc, tôi đề nghị các giáo xứ và cộng đoàn sắp xếp một Chúa nhật gần nhất để thực hiện sự liên đới với anh chị em đang trải qua hoạn nạn. Mọi đóng góp xin quý cha và các cộng đoàn gửi về văn phòng Ban Caritas, số 180 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, Tp. HCM; hoặc chuyển vào tài khoản:

- Tên tài khoản: CARITAS TGP TPHCM

- Số tài khoản: 130 306 119

- Ngân hàng: ACB (Thương mại cổ phần Á Châu) – PGD Trương Định

Tôi cầu chúc cho tất cả anh chị em được tràn đầy bình an và muôn phúc lành của Thiên Chúa. Xin Người dùng đôi tay và tấm lòng của tất cả chúng ta xoa dịu và chữa lành nỗi đau của các nạn nhân vùng bão lũ.

Thân mến chào anh chị em,

(đã ký)
+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám mục

ĐTC: sinh thái học toàn diện đòi có sự hoán cải nội tâm sâu xa


Trong sứ điệp gửi các tham dự viên hội nghị quốc tế của EcoOne, Đức Thánh Cha nhắc nhở về sự nối kết giữa con người với nhau và với môi trường. Ngài kêu gọi phát triển phẩm giá con người, chống lại nguyên nhân gây nghèo đói, và hoạt động để bảo vệ môi trường.

EcoOne là một sáng kiến môi trường của phong trào Focolare. Hội nghị quốc tế năm nay có chủ đề: “Những cách thức mới hướng tới nền sinh thái toàn diện: 5 năm sau thông điệp Laudato Si’”, được tổ chức tại Castel Gandolfo từ ngày 23-25/10.

Chủ đề của hội nghị, theo Đức Thánh Cha, đề cập đến tầm nhìn nối kết giữa nhân loại và việc chăm sóc thế giới của chúng ta từ các chiều kích: đạo đức, khoa học, xã hội và thần học.

Đặc sủng hiệp nhất

Nhắc lại xác tín của chị Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare, rằng thế giới được tạo thành mang trong mình ơn gọi hiệp nhất, Đức Thánh Cha tin rằng điều này hướng dẫn công việc của các tham dự viên trong việc nhìn nhận rằng “mọi thứ kết nối với nhau” và “sự quan tâm cho môi trường cần được kết nối với tình yêu chân thành dành cho các anh em đồng loại và sự dấn thân không ngừng để giải quyết các vấn đề xã hội.”

Một mô hình kinh tế xã hội mới và bao gồm hơn

Đức Thánh Cha nêu lên nhu cầu khẩn cấp về một mô hình kinh tế xã hội mới và bao gồm hơn, cho thấy rằng chúng ta là “một gia đình nhân loại duy nhất, những người bạn đồng hành cùng chung một xác thịt, những đứa con của cùng trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta” (Fratelli Tutti, số 8). Tình liên đới với tha nhân và thế giới, Đức Thánh Cha nói, “đòi một sự sẵn sàng cương quyết để phát triển và áp dụng các nguyên tắc thực hành để nâng cao phẩm giá mọi người trong các tương quan con người, gia đình và công việc, đồng thời chống lại các nguyên nhân cơ cấu gây nên nghèo đói, và nỗ lực bảo vệ môi trường.”

Hoán cải nội tâm sâu xa

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhận định rằng để đạt được một nền sinh thái học toàn diện cần có sự hoán cải nội tâm sâu xa, cả ở mức độ cá nhân và tập thể. Cần phá bỏ lý luận khai thác bóc lột và ích kỷ để cổ võ lối sống điều độ, đơn giản và khiêm tốn. (CSR_7774_2020)

360 trường Công giáo Úc tham gia Ngày Nhi đồng truyền giáo đặc biệt


Hơn 360 trường Công giáo Úc, đại diện cho hầu hết các giáo phận ở Úc, đã tham gia sáng kiến của Ngày truyền giáo dành cho trẻ em, có tên gọi “Sockoktober” năm 2020, giúp gây quỹ giúp đỡ cho trẻ em gặp khó khăn ở Campuchia và các nước khác trên thế giới.

“Sockoktober” là chữ ghép từ hai từ “socks” và “October”, dựa trên cách nói của người Úc; "sock it to something" có nghĩa là “đánh mạnh vào cái gì đó”. Khẩu hiệu năm 2020 là “sock it to poverty”, nghĩa là phá đổ nghèo đói. Các trẻ em Úc chơi bóng với quả bóng được làm bằng tay từ những chiếc vớ, cảm nghiệm cách chơi bóng ở các nước nghèo nhất, nơi các cậu bé dùng nhiều mảnh vải vụn để làm một quả bóng, chơi trên sân đất.

Sáng kiến “Sockoktober” được tổ chức bởi tổ chức Truyền giáo Công giáo. Tổ chức này là phân bộ Úc của các Hội Giáo hoàng truyền giáo, được thành lập tại Sydney năm 1847. Tổ chức đóng góp vào việc tài trợ các dự án mục vụ và xã hội cho các Giáo hội ở châu Phi, châu Á, châu Đại dương và Nam Mỹ, liên quan đến việc đào tạo thiêng liêng, các chương trình chăm sóc mục vụ, giáo dục, y tế, vệ sinh và nông nghiệp.

Tổ chức Truyền giáo Công giáo mời gọi mọi trẻ em đóng góp để giúp giải quyết các vấn đề xã hội. Ngày 21/10, hàng ngàn học sinh đã tham gia vào các cuộc thi thể thao.

Một thành viên của tổ chức Truyền giáo Công giáo chia sẻ: “Ngày này được dành để nâng cao nhận thức của các trẻ em về việc truyền giáo ở mức độ toàn cầu. Dù cho những thời điểm rất khó khăn mà các trường học và gia đình gặp phải, sự quảng đại của học sinh Úc và phụ huynh của các em đối với những người gặp khó khăn là nguồn cảm hứng. Ngày Nhi đồng truyền giáo là một sự kiện giúp nhận ra sự dấn thân truyền giáo của trẻ em trong việc giúp cho các anh chị em của các em ở nước ngoài, ngay cả khi có nghĩa là các em phải hy sinh điều gì đó mà các em có.”

Nhiều trường học còn tham gia các sáng kiến trên trang web và tổ chức Ngày Sockoktober của trường mình, với các buổi học hỏi và hội nghị dựa trên tài liệu học tập được tổ chức Truyền giáo Công giáo cung cấp.

Các trường học trên khắp nước Úc còn tổ chức quyên góp trong Tháng Truyền giáo. (Fides 23/10/2020)

Đời sống gia đình trẻ và những điều “không như là mơ”

 Người xưa có câu: “Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng”, và đó là điều mà hầu hết ai cũng trải qua. Đó không chỉ là biến cố lớn đối với những chàng trai, cô gái nhưng còn là sự kiện quan trọng của cả gia đình, dòng họ. Nhịp sống thời đại với những nỗi lo chật vật về cơm áo gạo tiền khiến nhiều bạn trẻ mặc dù đã đến tuổi “cập kê” nhưng “ngại, sợ” lập gia đình; cũng có nhiều đôi bạn trẻ gặp không ít khó khăn khi “về chung một nhà” mà theo các nhà tâm lý và xã hội học thì giai đoạn khó khăn nhất là 5 năm đầu sau khi cưới.

Lấy vợ gả chồng không phải là làm phép toán 1+1=2 nhưng là trở nên “một” như Chúa Giêsu dạy: “Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mc 10,7-8; x.St 2,24). Cả hai sẽ trở nên một xương một thịt nghĩa là chỉ còn có một người, nhưng như ông Mencken nói: ”Khi một người đàn ông và một người đàn bà lấy nhau, họ chỉ còn là một người, cái khó đầu tiên là quyết định người nào.” Trong con người này vừa có vợ, vừa có chồng, mỗi người chỉ có một nửa. Vì thế chồng mới gọi vợ là “mình ơi,” và vợ cũng gọi chồng là “mình ơi.” Thi sĩ Hàn mặc Tử đã nhận ra thực tại này nên mới nói:

                        Người đi một nửa hồn tôi mất,

                        Một nửa hôn tôi bỗng dại khờ.

Lấy nhau, yêu nhau không phải là chỉ ngồi ngó nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng, là đồng chí hướng với nhau! Nhưng như vậy… là tình yêu hay là tình bạn “đồng chí hướng”? Nói cho cùng, tình yêu luôn đi với tình bạn, hay đúng hơn, tình yêu cũng bao hàm tình bạn, đời sống vợ chồng bao hàm cả tình yêu và tình bạn, có lẽ vì vậy người ta thường gọi người chồng hay người vợ là “bạn đời” của nhau. Khi ở trong một mái nhà, đừng ngồi cạnh nhau trên ghế sofa hay đối diện với nhau trên bàn cơm mà dán mắt vào chiếc điện thoại và để cho thứ ánh sáng trắng xanh của màn hình cảm ứng ru ngủ bạn với những mối quan hệ ảo và những lời bình luận “có cánh” trên mạng. Điều ấy chẳng khác gì vợ chồng đang xoay người lại phía nhau, và coi người “bạn đời” mình như “không tồn tại;” vợ chồng “đồng sàng dị mộng.” Trong cuốn tiểu thuyết Xứ sở tàn bạo và chốn tận cùng của thế giới, nhà văn người Nhật Haruki Murakami cũng từng viết: “Hai người có thể ngủ chung trên một chiếc giường, nhưng họ vẫn thấy cô đơn khi nhắm mắt lại.”

Lấy nhau là mang lấy những tâm tư của nhau. Lúc mới yêu, người ta thấy mọi sự thật đẹp, và dù có ngăn cách trắc trở vẫn dễ dàng vượt qua để đến với nhau. Nhưng khi đã về chung sống thì họ nhanh chóng nhận ra “cuộc đời không như là mơ,” nó như thời tiết vậy, có khi đang nắng chang chang thì mây đen đã ùa tới rồi mưa xối xả, cũng có khi không nắng cũng chẳng mưa, cứ mãi âm u và khó đoán. Vì thế, với thiện chí và khả năng của mình, mỗi người phải luôn luôn nỗ lực để xây dựng tổ ấm, nhưng một khi muốn làm gì, thì phải nghĩ đến người còn lại. Quan trọng nhất không phải là ngọt ngào lãng mạn nhưng là trung thành với lời hứa trong lễ Hôn phối: “hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em).” Lời cam kết được thổ lộ công khai trước mặt Hội Thánh và người bạn đời của mình không chỉ là một nghi thức để kết nối chính thức hai con người với nhau, nó còn là một dấu ấn thiêng thiêng và cũng là trách nhiệm của bản thân mỗi người đối với cuộc sống hôn nhân của cả hai.

Trai gái lấy nhau không chỉ là lấy một người, nhưng còn là mang vào trong mình cả đại gia đình hai bên nữa. Nhiều bạn trẻ mới lập gia đình sẽ không khỏi ngao ngán trước những phong tục xa lạ và có phần rườm rà của gia đình bên chồng hay vợ. Đó còn là chưa kể tới những khác biệt về vùng miền, trong tư duy giữa nhiều thế hệ (như trẻ thích hiện đại, người lớn lại thích truyền thống…). Những khác biệt ấy chỉ có thể vượt qua với một tình yêu lớn và một con tim rộng mở vì “yêu nhau yêu cả đường đi,” quan trọng hơn cả là hạnh phúc gia đình.

Có thể hai người vì yêu nhau mà đến, nhưng để sống chung với nhau, tình thôi chưa đủ, cần nhất vẫn là sự tôn trọng và tin cậy nhau. Yêu ai là đặt người đó ngang hành với mình, là quý chuộng tôn trọng người đó như chính mình. Cảm xúc của mỗi người đều khác nhau và chúng ta không thể áp đặt cảm giác của mình lên người khác. Mỗi người cần đặt mình trong vị trí của người kia để nhận ra và hiểu nhu cầu của nhau. Ngay cả khi bất ngờ khám phá những mặt tiêu cực hay “vấn đề” của nhau, cũng đừng vội kết án, vợ chồng nên bình tĩnh đối thoại và chia sẻ để hiểu nhau hơn và cùng nhau giải quyết vấn đề. Đừng vội vàng, nhưng hãy nhẫn nại và kiên trì với nhau, nếu không cãi vã và bất ổn sẽ là “bữa cơm” hàng ngày thay cho tiếng cười và hạnh phúc. Đời sống hôn nhân có thể hấp dẫn và ngọt ngào ở những ngày đầu, nhưng đời đâu chỉ là “tuần trăng mật,” sẽ có lắm lúc rất khác… nữa, sẽ có cả những nồng nàn và chênh vênh, đầy màu sắc và đủ mọi thăng trầm.

Thánh Inhã nói: “Tình yêu phải được đặt ở trong hành động hơn là trong lời nói” (Linh Thao số 230). Đời sống gia đình cần những lời nói để nuôi dưỡng tình yêu với nhau; nhưng những hành động quan tâm, nâng đỡ, sẻ chia dành cho nhau và cho gia đình nhỏ thì phải chiếm vị trí quan trọng hơn và cần thiết hơn. Thánh Inhã còn nói thêm: “tình yêu cốt ở sự trao đổi giữa hai bên” (Linh Thao số 231). Không có tình yêu nếu không có sự hỗ tương có tính thông giao.

Xin cho các bạn trẻ mới bước vào đời sống gia đình biết luôn đặt Chúa trong tình yêu của mình, xin cho tình yêu họ dành cho nhau luôn nồng thắm và bền chặt, để họ có đủ sức vượt qua những gian nan vất vả trên đoạn đầu của đời sống hôn nhân và để họ xây dựng gia đình trẻ đầy niềm vui và hạnh phúc.


Gió Biển

Nguồn: https://dongten.net/2020/10/23/doi-song-gia-dinh-tre-va-nhung-dieu-khong-nhu-la-mo/

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Tin Mừng Chúa nhật 30 thường niên - Năm A


PHÚC ÂM: Mt 22, 34-40
“Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại, đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?”

Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”.

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

HĐGM: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa năm 2020


 HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

THƯ GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA

Anh chị em thân mến,

1. Trong Tông Hiến Venerabilium Nostrorum, ngày 24 tháng 11 năm 1960, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII công bố việc thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Năm nay 2020, chúng ta kỷ niệm 60 năm sự kiện đáng nhớ này. Chúng tôi vui mừng được gặp gỡ nhau trong Hội Nghị thường niên, tại Trung Tâm Mục Vụ của Tổng Giáo Phận Sài Gòn – Thành Phố Hồ Chí Minh, xin gửi lời chào thân ái đến toàn thể cộng đồng Dân Chúa và mong muốn chia sẻ cùng anh chị em vài tâm tình về đời sống và sứ mệnh Giáo Hội.

2. Trong Tông Thư Jam in Pontificatus (1961), Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII viết: "Từ nay hầu hết các giáo phận ở Việt Nam sẽ do các Giám Mục bản quốc quản trị. Sự kiện đó minh chứng cách hùng hồn sự trưởng thành và khả năng của hàng giáo sĩ bản xứ nay đã đông đúc và được huấn luyện đầy đủ". Tại thời điểm đó, ở Việt Nam có khoảng 1.500.000 (một triệu rưỡi) người Công Giáo thuộc 17 giáo phận, ngày nay trên toàn quốc, có khoảng 7.000.000 (7 triệu) trong 27 giáo phận. Đây là dấu hiệu sự trưởng thành và phát triển của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, mặc dù việc loan báo Tin Mừng vẫn còn nhiều giới hạn. Chúng ta cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa là nguồn mọi ân phúc, và tri ân các bậc tiền nhân về di sản cao quý các ngài để lại bằng mồ hôi và nước mắt, đôi khi bằng cả máu đào minh chứng niềm tin. Tâm tình tri ân đích thật không chỉ mời gọi chúng ta đón nhận mà còn phải sống, khai triển và chuyển tải di sản các ngài để lại, cách riêng là sự hiệp thông trong Giáo Hội và sứ mệnh làm muối cho đời, ánh sáng cho trần gian (x. Mt 5,13-16).

3. Từ khi thiết lập Hàng Giáo Phẩm tới nay, dù phải đối diện với không ít khó khăn, thử thách, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam vẫn luôn duy trì sự hiệp thông với Đức Thánh Cha và Giáo Hội hoàn vũ, cũng như giữ gìn sự hiệp thông trong Giáo Hội tại quê nhà. Mỗi người chúng ta cần ý thức đóng góp phần mình vào việc xây dựng sự hiệp thông đó như thánh Phaolô kêu gọi: "Xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác" (Pl 2,2-4).

Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi cũng rất quan tâm đến những lệch lạc trong đời sống đức tin nơi một vài phong trào đạo đức, có thể do thiếu hiểu biết giáo lý, hoặc do những bất cập trong các hoạt động mục vụ tại một số giáo xứ. Vì thế, xin anh em linh mục, với đức ái mục tử, hãy nỗ lực đồng hành với anh chị em trong các giáo xứ nhằm giúp họ trở thành những môn đệ và tông đồ thực thụ của Đức Giêsu, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống của tất cả mọi người (x. Ga 14,6).

4. Hiệp thông trong Giáo Hội là để "cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống" (Kinh Đức Mẹ La Vang). Thật vậy, "vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô" (Hiến chế Mục Vụ, 1). Với tinh thần đó, trong những ngày này, chúng tôi kêu gọi anh chị em tích cực tham gia vào việc cứu trợ nạn nhân bão lụt tại miền Trung. Đồng thời, để ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát, chúng ta hãy tuân thủ những quy định về y tế và góp phần với toàn xã hội trong việc xây dựng môi trường sống lành mạnh.

5. Để bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống, chúng tôi cũng muốn lưu ý anh chị em về việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Trong thế giới ngày nay, các phương tiện truyền thông hiện đại là khí cụ hữu hiệu đế mở rộng tâm trí, kết nối yêu thương và gia tăng tình liên đới. Đáng tiếc là có nhiều người sử dụng các phương tiện truyền thông để gây chia rẽ hơn là hiệp nhất, gieo rắc hận thù hơn là tình yêu, cổ vũ lầm lạc hơn là chân lý. Là người Công Giáo, chúng ta phải sử dụng các phương tiện truyền thông để phục vụ chân lý, tình yêu và hiệp nhất để đóng góp cho sự phát triển toàn diện của con người. Mới đây, ngày 10 tháng 10 năm 2020, tại vương Cung Thánh Đường Thánh Phanxicô Assisi, Carlo Acutis (1991-2006) được tuyên phong Chân Phước. Ngài là mẫu gương tiêu biểu cho chúng ta trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa cho anh chị em đồng loại.

6. Thế giới kỹ thuật số cũng là "ngôi nhà" thân thương của người trẻ. Giáo Hội luôn quan tâm đến người trẻ, vì thế Giáo Hội Việt Nam dành ba năm 2019-2022 để tập trung vào mục vụ giới trẻ. Chủ đề mục vụ của năm 2021 tới đây là "Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình". Gia đình là nơi người trẻ tập sống tương quan căn bản với Thiên Chúa trong cầu nguyện, tương quan hiếu thảo với cha mẹ, và tương quan huynh đệ với anh chị em trong nhà. Gia đình cũng là nơi người trẻ học tập những đức tính nhân bản như trung thực, quảng đại, phục vụ, tinh thần trách nhiệm. Ước mong các bạn trẻ cùng với cha mẹ mình vun đắp gia đình thành ngôi nhà cầu nguyện, mái ấm yêu thương và nơi đào tạo con người trưởng thành toàn diện.

Chúng ta đang sống trong tháng Mân côi, xin Đức Mẹ Mân côi giúp chúng ta biết noi gương Mẹ thưa "Vâng" với Lời Chúa và trở thành sứ giả loan báo Tin Mừng cho người khác, bằng đời sống chan chứa yêu thương và dấn thân phục vụ.

Làm tại Trung tâm mục vụ TGP. Sài Gòn - TP. HCM,
Ngày 15 tháng 10 năm 2020

Chủ tịch HĐGMVN
đã ký
TGM. Giuse Nguyễn Chí Linh
Tổng Giáo phận Huế

Tổng thư ký HĐGMVN
đã ký
Gm. Phêrô Nguyễn văn Khảm
Giáo phận Mỹ Tho


Caritas Việt Nam: Hướng về miền Trung yêu thương


Từ ngày 6/10 – 21/10, mưa lớn kéo dài gây lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Miền Trung - Việt Nam. Theo thống kê, tính tới ngày 21/10, số người chết đã lên đến 132 người, 27 người mất tích, hơn 200 000 người phải sơ tán, 160 000 ngôi nhà bị ngập sâu trong biển nước. Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh là những vùng chịu thiệt hại nặng nề, trong đó Quảng Trị thiệt hại nhất là về người. Trong số đó rất nhiều nạn nhân là những lực lượng cứu hộ cũng đã bị núi đồi sạt lở vùi lấp. Còn thiệt hại về tài sản là vô cùng. 

Trong 2 ngày qua (18-20/10), Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh lại đón đợt lũ lên nhanh vượt đỉnh lịch sử năm 1979 gần 1m. Có những nơi ngập sâu đến 4 m. Hơn 166.700 ngôi nhà bị ngập. Riêng số nhà bị ngập ở tỉnh Quảng Trị chiếm 50%. Trước đó, mưa lũ cũng khiến 24.700 ngôi nhà bị hư hỏng, sập đổ, các tuyến đường hư hỏng…


Về nông nghiệp, hơn 924 ha lúa, 106.000 ha hoa màu và 461.000 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi là những thiệt hại về tài sản ghi nhận được sau gần 2 tuần miền Trung bước vào đợt mưa lũ lịch sử. (Theo New Zing).

Mỗi năm một số tỉnh Miền Trung luôn phải hứng chịu những mất mát, đau thương do thiên tai gây ra. Mỗi đợt bão lớn đi qua đã gây thiệt hại nặng đến tính mạng và tài sản. Nhưng có lẽ chưa bao giờ người dân Miền Trung, đặc biệt Hà Tĩnh, Quảng Bình, và Quảng Trị, lại đón đợt mưa lũ và sạt lở khủng khiếp như năm nay. Thật không thể diễn tả cảnh tang thương, đau xót mà người dân đang phải gồng mình vật lộn và chống chọi với cơn bão lũ cuồng phong này. Ngoài việc mất đi hàng trăm người, người dân phải sống trong sợ hãi, không lương thực, không nước sạch, bệnh tật, đói khát, và trắng tay. Thật khủng khiếp đó là những lời mà người dân cả nước Việt Nam và đặc biệt người dân Miền Trung phải thốt ra khi nhìn cảnh đâu đâu cũng là biển nước, nhà nhà ngập sâu. 

Trước tình cảnh đau thương của người dân Miền Trung, cả nước đang hướng về mảnh đất Miền Trung thân yêu. Có rất nhiều người hảo tâm, trong nước cũng như ngoài nước, các dòng tu, các tổ chức lớn nhỏ v.v đã và đang quyên góp hỗ trợ họ. 

Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh - Chủ tịch HĐGM Việt Nam và Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu – Chủ tịch UBBAXH - Caritas Việt Nam đã khẩn trương kêu gọi các Kitô hữu cầu nguyện và đóng góp cứu trợ Miền Trung. Một số Giám mục đại diện cũng đã đến hiện diện và trao gởi những món quà yêu thương đến họ. Trong biến cố này, Caritas Việt Nam cũng nhận được rất nhiều sự đóng góp cứu trợ của các tổ chức công giáo, đồng bào trong nước cũng như hải ngoại để chuyển đến người dân Miền Trung. 


“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Hẳn người dân Miền Trung đang cảm thấy rất ấm lòng khi nhận được những món quà từ các quý vị hảo tâm. Tuy nhiên trước những hiểm nguy, thiệt hại và mất mát quá lớn do mưa lũ gây ra, chúng tôi tha thiết mời gọi các tổ chức và các doanh nghiệp, cá nhân thêm lời cầu nguyện và tiếp tục giúp đỡ đồng bào Miền Trung vượt qua được cơn hoạn nạn này. Bất cứ sự giúp đỡ nào của quý vị cũng luôn có giá trị và được trân quý.


PTT - Caritas Việt Nam

TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG
Tên tài khoản: UBBAXH CARITAS VIET NAM

Số tài khoản:
VND: 033.1.00.379133.5
USD: 033.1.37.379370.5
EURO: 033.1.14.380725.6
Ngân hàng: Vietcombank
Chi nhánh Sài Gòn, 69 Bùi Thị Xuân, Q.1, Tp. HCM
Swift code: BFTVVNVX
Bank code: 79203008

“Francesco” - Bộ phim tài liệu mới về Đức Thánh Cha


Phim tài liệu “Francesco” được thực hiện bởi đạo diễn người Mỹ, gốc Nga, Evgeny Afineevsky, được trình chiếu ngày 21/10 tại Liên hoan phim Roma và được trao giải Kinéo ngày 22/10. Phim kể lại giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, những thách đố của thời đại và tính cấp bách cần giải đáp, qua một loạt các cuộc phỏng vấn về các chủ đề chính trong triều giáo hoàng của ngài.

Phim “Francesco” đan xen câu chuyện thực với các cuộc phỏng vấn độc quyền với chính Đức Giáo hoàng Phanxicô, với Đức Biển Đức XVI, với gia đình của ngài, với ĐHY Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các dân tộc, với đức cha Charles Scicluna, trợ lý thư ký của Bộ Giáo lý Đức tin, và cả với nữ tu Norma Pimentel, người đã dấn thân cho những người di cư tại biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico, và với người bạn lâu năm của Đức Thánh Cha, rabbi Abraham Skorka.

Phim đề cập đến nhiều vấn đề thời sự khác nhau như đại dịch, phân biệt chủng tộc, lạm dụng tính dục… Phim nói về cuộc chiến tại Syria và Ukraine nhưng cũng nói về cuộc bách hại người Rohingya để họ sống trong cảnh khốn cùng ở trại tị nạn ở Bangladesh.

Thông cáo báo chí về việc trình chiếu phim viết rằng, Đức Thánh Cha trả lời các câu hỏi “bằng sự khôn ngoan và lòng quảng đại” khi chia sẻ “những ví dụ cảm động về những bài học cuộc sống của ngài”, đưa ra những lý tưởng “có thể giúp chúng ta xây dựng một cây cầu hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn và phát triển như một cộng đồng toàn cầu”.

Dù phim nói về nhiều đề tài khác nhau, nhưng báo chí dường như chỉ tập trung vào đề tài sự chung sống của những người đồng tính. Tuy nhiên, khi khai thác về đề tài này, nhiều tờ báo lớn đã không muốn đào sâu ý muốn thực sự của Đức Thánh Cha, nhưng đi theo một hướng khác, với cách dùng từ khác, vì thế làm dấy lên một làn sóng truyền thông trên khắp thế giới.

Vatican News Tiếng Việt sẽ có bài phân tích riêng về đề tài này.

Các giám mục Tây Ban Nha và châu Mỹ Latinh liên đới với Giáo hội Chile khi các nhà thờ bị đốt


Sau khi hai nhà thờ tại thủ đô Chile bị đốt cháy trong cùng ngày Chúa Nhật vừa qua, các giám mục Tây Ban Nha và châu Mỹ Latinh đã gửi các thông điệp bày tỏ sự gần gũi và tình liên đới với Giáo hội Chile.

Tây Ban Nha

Trong một lá thư gửi đến Giáo hội Chile, Đức Hồng y Juan José Omella, Chủ tịch Hội đồng giám mục Tây Ban Nha, và Đức cha Tổng Thư ký Luis Arguello đã bày tỏ tình huynh đệ và gần gũi của các ngài trong những thời khắc khó khăn do bạo lực bùng phát, tấn công một số nhà thờ của tổng giáo phận Santiago de Chile. Các ngài viết: “Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa tuôn đổ ân sủng của Người trên người dân Chile để họ có thể làm cho trái tim của những kẻ bạo lực được hiền dịu lại và sự tôn trọng đối với sự thật, công lý và nhân quyền có thể nảy sinh.” 

Argentina

Về phần mình, trong thư được ký bởi Đức cha Chủ tịch Hội đồng giám mục Oscar Ojea và Đức cha Tổng Thư ký Carlos Malfa, các giám mục Argentina xin Chúa ban hòa bình và tình thân hữu xã hội cho quốc gia Chile. Các ngài cầu xin sự chuyển cầu của Đức Mẹ Carmel, bổn mạng của Chile, cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những người đau khổ vì bạo lực.

Paraguay

Đức cha Chủ tịch Hội đồng giám mục Paraguay viết trong thư liên đới với Giáo hôi Chile rằng “Mỗi cử chỉ bất khoan dung, thiếu tôn trọng tấn công phẩm giá của con người và những biểu hiện chân thật của họ, cho thấy sự xa cách đau đớn và sai lầm tàn nhẫn mà cái ác có thể tạo ra trong trái tim và tâm trí của những người đã quên Chúa”.

Mexico

Còn các giám mục Mexico bày tỏ trên Twitter: “Các nhà thờ là các dấu hiệu của bản sắc của một dân tộc, sự phá hủy của họ là một mất mát ảnh hưởng và tổn thương cộng đồng”.

Mỹ châu Latinh

Cuối cùng, Hội đồng giám mục Mỹ châu Latinh mạnh mẽ lên án các hành động bạo lực tấn công các giáo xứ. Các ngài tin tưởng các nhà chức tránh sẽ sớm chấm dứt các hành động bạo lực không thể chấp nhận dưới bất kỳ hình thức nào và bất kể nguồn gốc của nó. (CSR_7720_2020)

[Vui bước Tin Mừng] Cồn Tròn - 100 năm…!


Tôi cứ mãi miết đeo đuổi suy nghĩ, rồi tưởng tượng ra cảnh 100 năm trước, tại nơi nhà thờ Cồn Tròn này như thế nào, nhưng không thể, vì sau 100 năm, Cồn Tròn vẫn nằm sâu heo hút một nơi mà xoay tròn mấy vòng vẫn chưa tìm được lối.

Tôi đi theo sự chỉ dẫn trên tấm thiệp mời, cộng theo lời dặn dò của ông bà: “Đường đi trên cửa miệng”, ý là đi tới đâu không biết thì hỏi. Lần mò mãi cũng tới được bến tàu, chờ một lúc thấy có cái gì đó sai sai nên hỏi ra thì tàu đi Côn Đảo, được chỉ quanh co trở ra để tìm đến bến cảng Tràn Đề. Ở hiền gặp may, tôi vừa hỏi tới Cồn Tròn, có anh chàng tốt bụng hỏi ngay: “Đi lễ 100 năm phải không? Để tui dẫn lên bến tàu Ngan Rô đi cho dễ.” Bến tàu cách đó khoảng chừng 4 km. Thì ra đúng là “phe ta”. Hình như trong Giêsu, chúng ta là anh em. Chỉ cần xưng danh Giêsu là mọi sự được an bài. Thiên thần Chúa đang trực sẵn nơi mọi cửa hẹp để dẫn lối đưa đường. Tôi đến bến phà thì có nhiều người cùng tiến về cùng tiến về một đích, thế là đến được Cồn Tròn nguyên vẹn.

Đứng trước cổng nhà thờ tôi ồ lên đẹp quá. Một ông cụ có tuổi nói với tôi hôm nay đẹp vậy đấy chứ ngày xưa ở đây là lùm sậy, ao mương, tất cả là con số không. Đời sống đạo cũng bấp bênh như cái cù lao trôi trên sông Hậu này. Thế mà Chúa và Đức Mẹ vẫn gìn giữ tới ngày nay, chắc nhờ các cụ lần hạt Mân Côi. Tôi trộm nghĩ: nhân vật lịch sử chứng kiến sự thay da đổi thịt của nơi này là đây!

Khuôn viên rộng lớn thoáng đãng, khoe nét đẹp mái nhà cong vút, rất sang chảnh. Nhà Thờ Cồn Tròn nhấn mình sâu giữa vùng đất hoang sơ, lấp bởi bốn bề sông nước. Cả nhà thờ lặng thinh nghe đọc lịch sử của Cồn Tròn, có một luồng cảm xúc đang trào ngược trong trái tim tôi, một chi tiết đã đụng chạm vào nơi sâu thẳm tâm hồn tôi là vào năm 1920 ông Nguyễn Văn Kiểng, trước làm “thầy pháp”, sau được Cha Phan Thanh Đề (Trà Lồng) hướng dẫn trở thành Kitô hữu… Từ một hạt giống đức tin mảnh mai, yếu ớt mà Thiên Chúa đã gieo vào một vùng đất lau sậy này, để rồi trải qua 100 năm trầy trụa không bị hủy diệt cứ âm thầm thắm đẵm vào lòng đất ngủ yên chờ ngày bừng sức sống. Để sau 100 năm, có một nhà thờ Cồn Tròn trổ bao nhiêu hoa trái sum xuê trong vườn hoa Giáo hội.

Tôi nhiều lần cúi đầu ngưỡng mộ các cha thừa sai truyền đạo. Tại sao họ có thể đi đến những nơi mà 100 năm sau khi có lối vào mà tôi vẫn luẩn quẩn lạc lối? Tại sao giữa rừng thiêng nước độc hạt mầm đức tin vẫn được nuôi dưỡng chờ ngày lớn xanh? Tin Mừng Chúa được cấy vào tế bào giữa lồng ngực những con người rất bình thường để làm nên sức mạnh phi thường. Mỗi lần nghe lịch sử của những họ đạo vùng sâu xa là mỗi lần trái tim tôi rung lên niềm xúc cảm như đang chạm phải luồng sức mạnh từ Chúa Thánh Linh đang chảy dọc ngang tim mình.

Thánh Lễ - Cồn Tròn

Trong bài chia sẻ Tin Mừng, Cha Giuse đã nhiều lần nhấn mạnh rằng: một vị thánh to nên thánh từ những việc nhỏ, trong vùng đất nhỏ có nhà thờ to, từ khởi sự với những con người nhỏ bé, Chúa đã kéo dài lịch sử suốt trăm năm, mặc dù gần 80 năm không danh phận, nhưng sự hiện diện là hiển nhiên. Dọc theo chiều dài lịch sử họ đạo, người ta như bắt gặp những khuôn mặt hóa thạch rất đẹp thời Cựu Ước và những gương mặt đang tỏa sáng thời Tân Ước để cho danh Đức Kitô luôn rạng ngời.

Trên bàn thánh, cột mốc 100 năm được mở ra cho mọi người nhìn lại và chiêm niệm một chặng đường dài gian khổ, nhìn lại những mục tử đã từng được sai đến để sống cùng, đồng hành với đoàn chiên. Trước giờ lễ người ta đã chứng kiến cuộc hội ngộ vỡ òa của 10 năm, 5 năm, 3 năm… tay bắt mặt mừng, mắt rưng rưng ngấn lệ. Tình người được trộn lẫn trong tình Yêu Kitô. Nó vĩnh hằng trong trái tim người ra đi lẫn người ở lại.

Thánh Lễ - Cồn Tròn

Như lời cha quản hạt Sóc Trăng chia sẻ: “100 năm là điểm son để chúng ta cùng nhìn lại những điều huyền nhiệm mà Thiên Chúa đã ban cho Cồn Tròn, nhìn lại để tạ ơn và sống xứng đáng hơn với ơn ban. Mong ước rằng Cồn Tròn sẽ ngày càng phát triển mạnh về đời sống đức tin và lan tỏa cho mọi người xung quanh.”

Còn cha sở Giuse Phạm Thành Công thì chia sẻ: mặc dù Cồn Tròn nhỏ bé nằm cheo leo trên một cù lao bao bọc bởi sông nước thuộc giáo hạt Sóc Trăng, giáo phận Cần Thơ, đường đi khó khăn, giáo dân chỉ khoảng hơn 300, đa phần là người già và trẻ nhỏ, nhưng mầm đức tin đã ăn sâu trong lòng họ đạo suốt 100 năm qua. Cha sở như người cha lo trong lo ngoài từ việc học tập của con cái trong giáo xứ, việc mang ánh sáng văn minh đến với họ đạo bằng việc chăm lo đời sống tri thức và sống đạo, các lớp giáo lý được cha quan tâm hàng đầu. Thánh lễ ngày Chúa Nhật đông đủ đoàn chiên tụ về tham dự sốt sắng. Thánh lễ mỗi sáng có hơn 20 người tham dự, hàng đêm bà con sum họp bên đài Đức Mẹ lần chuỗi Mân Côi. Cha mới được bài sai về chưa tròn 3 tháng với sức trẻ, năng động và niềm tin vào quyền năng Thiên Chúa, tin rằng cha sẽ đồng hành để Cồn Tròn sẽ có những chồi xanh trong vườn hoa Giáo Hội.

Cồn Tròn đường đến khó, đường về cũng không dễ, nhưng tin rằng thời gian và tấm lòng mục tử sẽ là sức mạnh giúp đoàn chiên miệt mài dấn thân trên bước đường đem Tin Mừng Chúa đến từng ngõ ngách lòng người.

Tiểu Hổ

Tôi thấy gì trong cơn lũ?

 Anh chị em tôi tại Miền Trung Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn lũ lịch sử. Tôi đã và đang thấy gì trong cơn lũ ấy?

Tôi thấy những dòng nước trắng xóa đang dần thay chân cho đất liền và các ngôi nhà. Nước lênh láng khắp nơi. Từ miền núi nước đổ dốc dữ dội, như muốn cuốn phăng tất cả những gì trên đường nó đi qua. Nơi đồng bằng nước dâng cao ngút không còn một chỗ đất khô ráo lộ ra.

Tôi thấy sinh mạng đồng bào tôi tại Miền Trung Việt Nam đang bấp bênh. Số người chết và mất tích đang dần tăng lên, kèm theo đó là những thiệt hại đáng kể về tài sản. Những người vợ khóc chồng, con cái khóc cha mẹ, anh chị em khóc cùng nhau trước sự ra đi của người thân yêu.

Tôi thấy những cánh tay với lên trên mái ngói khi đội cứu hộ đi qua, họ đang cầu cứu nhân viên cứu hộ. Những chiếc phao được ném vào trong căn nhà đầy nước, lần lượt người già đến trẻ con được kéo ra, đưa lên tàu cứu hộ và đưa về nơi an toàn. Tay chân họ run bần bật với khuôn mặt lo sợ khủng khiếp.

Tôi thấy những ánh mắt ngơ ngác của các em nhỏ. Các em nhớ trường lớp, nhớ bạn bè, nhớ con chữ. Trường cũng ngập nước, sách vở đã ướt hoặc bị cuốn trôi mất, đôi mắt thơ ngây nhìn theo sách vở đang trôi theo dòng nước xiết.

Tôi thấy những cụ già run lẩy bẩy vì lạnh và thiếu áo ấm. Thiếu chăm sóc y tế, đối mặt với bệnh tật trong hoàn cảnh lũ lụt thế này có thể cuốn trôi đời họ bất cứ lúc nào.

Tôi thấy những gói mì, bịch sữa và nhu yếu phẩm cần thiết được chuyền lên nơi bà con đang trú ẩn. Đau lòng khi nhận ra họ không có nước sôi để nấu mì, và họ phải ăn mì sống để cầm cự chờ lũ rút hoặc đợi đội cứu hộ tới sơ tán dến chỗ an toàn.

Tôi thấy những giọt nước mắt của anh chị em tôi lúc nhận ra đội cứu hộ hoặc đoàn tiếp tế lương thực đến gần. Họ khóc vì mấy ngày rồi họ chưa có gì bỏ bụng, kèm theo nỗi lo sợ vì không biết họ sẽ chết lúc nào.

Tôi thấy những con người có tấm lòng nhân ái đang đến với anh chị em tại Miền Trung, bằng cách trực tiếp hay gián tiếp, mong hỗ trợ bà con chút lương thực ít ỏi và trên hết cầu mong nước lũ mau rút để bà con sớm trở về cuộc sống ổn định.

Tôi thấy cả nước đang hướng lòng về Miền Trung thân yêu trong cơn lũ lụt này. Cả nước đang dùng mọi phương cách: gây quỹ, quyên góp quần áo, lương thực và những đoàn thiện nguyện bác ái… tất cả chỉ muốn chia san nỗi đau buồn và thiệt hại nặng nề này.

Tôi thấy không chỉ người trong nước, mà người Việt tại nước ngoài cũng như các nước bạn bè cũng đau đáu với nỗi đau của người Việt Nam. Họ cũng đóng góp để giúp đỡ anh chị em mình trước tình cảnh này.

Tôi thấy những Thánh Lễ, những buổi cầu nguyện, và nhiều hình thức tâm linh khác nhau đang được tổ chức, trong trang nghiêm và thành khẩn. Họ đang cầu nguyện cho đồng bào Miền Trung rất nhiều.

Tôi thấy những cánh tay nối dài trong hoàn cảnh nguy hiểm và cấp bách. Tính mạng đồng bào tôi được đặt lên trên hết, trên cả tiền bạc, kinh tế hay bất cứ điều gì khác. Hàng triệu trái tim chỉ mong đồng bào tôi mau chóng bình ổn cuộc sống.

Tôi cũng thấy chính mình xốn xang, từng khúc ruột như quặn thắt, giọt nước mắt nóng hổi rơi trên hai gò má. Tôi mong ước góp chút gì đó, vật chất hoặc tinh thần, cho anh chị em mình. Đồng thời, việc tôi có thể làm ngay bây giờ là lời kinh Mân Côi đơn sơ và ý nghĩa:

Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Đức Chúa Trời ở cùng Bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giê-su Con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen.

 

Little Stream

Nguồn: https://dongten.net/2020/10/21/toi-thay-gi-trong-con-lu/

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Hội nghị thường niên 2020: Phỏng vấn Đức cha Chủ tịch HĐGMVN

 Truyền thông HĐGMVN

WHĐ (13.10.2020) - Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam trả lời phỏng vấn về:

- Những nét chính yếu của Hội nghị thường niên 2020

- Năm thánh của Tổng Giáo phận Huế

- Đền thánh Đức Mẹ La Vang

- Lũ lụt miền Trung

Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoi-nghi-thuong-nien-2020-phong-van-duc-cha-chu-tich-hdgmvn-40756

HĐGM: Khai mạc Hội nghị thường niên 2020

 Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ

WHĐ (13.10.2020) – Vào lúc 20g, ngày 12 tháng 10 năm 2020, toàn thể Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã qui tụ tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh để cử hành giờ Chầu Thánh Thể và Kinh Tối chuẩn bị khai mạc Hội nghị thường niên.


Sáng 13 tháng 10, ngay sau cử hành phụng vụ giờ Kinh Sáng, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM đã chủ tế Thánh lễ, cùng toàn thể thành viên Hội nghị, cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Hội nghị đã bắt đầu phiên họp đầu tiên vào lúc 8 giờ sáng với lời khai mạc long trọng của Đức Tổng Giám mục Chủ tịch. 


Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tổng Thư ký HĐGM đã trình bày chương trình Hội nghị và những đề tài thảo luận do quý Đức cha đã đề nghị. Các đề tài xoay quanh những nhu cầu mục vụ của các giáo phận, chương trình hoạt động và đề án của một số Uỷ ban Giám mục, những dự phóng về viễn ảnh toàn cầu và sứ vụ Hội Thánh trong thời kỳ thế giới đối diện với hậu quả của đại dịch Covid-19. 


Do tình trạng giãn cách vì đại dịch, Hội nghị Thường niên kỳ I được dự trù tổ chức từ 20 đến 24 tháng 4 vừa qua đã không thực hiện được.  Hôm nay, khi Hội nghị khai mạc, các vị mục tử của Hội Thánh tại Việt Nam cũng ưu tư về tình trạng mưa lụt đang làm đảo lộn cuộc sống của anh chị em tại Tổng Giáo phận Huế và Giáo phận Đà Nẵng. Ngay trong ngày 12 tháng 10 khi chuẩn bị bắt đầu Hội nghị, Uỷ ban Bác ái Xã hội - Caritas đã phát thư kêu gọi cầu nguyện và cộng tác cứu trợ. Trong lời phát biểu chào đón Hội nghị tại Trung tâm Mục vụ, cha Tổng Đại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân cũng đã thay mặt Tổng Giáo phận chia sẻ và hiệp thông với Tổng Giáo phận Huế và Giáo phận Đà Nẵng trong hoàn cảnh khó khăn vì mưa lụt.

Video đón tiếp các Đức Giám mục đến tham dự hội nghị

Hội nghị thường niên 2020 chào đón sự hiện diện của tất cả các Đức cha Chính toà, phụ tá và giám quản tông toà của 27 giáo phận tại Việt Nam, cùng với sự hiện diện thân thương của Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn.


Hội nghị sẽ kết thúc ngày 16 tháng 10. Xin Chúa chúc lành và xin các thành phần Dân Chúa cầu nguyện cho Hội nghị.


Video khai mạc Hội nghị thường niên 2020 của HĐGMVN

Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hdgm-khai-mac-hoi-nghi-thuong-nien-2020-40751

Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc


Ngày 12-10-2020, tại văn phòng Caritas Việt Nam, Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu – chủ tịch UBBAXH – Caritas Việt Nam đã chủ trì nghi thức bàn giao chức vụ Giám đốc Caritas Việt Nam. Trước tiên, Đức cha Tôma thay mặt Đức cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và văn phòng Caritas các giáo phận, ngỏ lời cảm ơn Cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, SDB., nguyên Giám đốc Caritas VN. Đức cha Tôma nhìn nhận những nỗ lực, lòng hăng say, cung cách làm việc nhiệt tình và hiệu quả, nhờ đó cha Vinh Sơn đã chu toàn trách vụ được trao. Chặng đường 10 năm (2010-2020) không dài lắm nhưng cũng đủ để cha Vinh Sơn cống hiến cho sứ vụ phục vụ người nghèo và người bất hạnh. Dưới sự điều hành của Cha Vinh Sơn, Caritas Việt Nam đã phát triển rõ nét, nhất là trong việc quảng bá linh đạo và mở rộng mạng lưới Caritas đến các Giáo phận, Giáo hạt và Giáo xứ.


Cho đến nay cơ cấu tổ chức Caritas Việt Nam phần nào đã đi vào hoạt động khá chuyện nghiệp. Tất cả 27 Giáo phận tại Việt Nam đều có văn phòng Caritas, các nhân viên được đào tạo và tập huấn thường xuyên. Hầu hết các Giáo hạt và Giáo xứ đều có các hội viên Caritas hoạt động tích cực trong việc giúp đỡ người nghèo.

Đức Cha Tôma trao bằng tri ân cho Cha Vinh Sơn

Đáp lời, cha Vinh Sơn bày tỏ tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và Giáo hội qua việc Đức Cha Tôma đã tin tưởng trao phó trách nhiệm để cha được phục vụ người nghèo. Cha Vinh Sơn cũng không quên cảm ơn cha Phó Giám đốc cũng như nhân viên văn phòng Caritas Việt Nam đã cùng cộng tác với ngài trong những năm qua. 

Ký bàn giao

Tiếp theo, Đức cha Tôma trao quyết định bổ nhiệm cha Giuse Ngô Sĩ Đình, OP. làm Tổng thư ký UBBAXH, Giám đốc Caritas Việt Nam. Đức Cha Tôma cảm ơn và cầu chúc cho cha Tân Giám đốc đạt được nhiều kết quả trong nhiệm kỳ sắp tới. Tham dự buổi bàn giao còn có Cha Tôma Aquinô Nguyễn Trường Tam, Giám tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam. Nhân dịp này, Đức cha Tôma cũng cảm ơn Cha Giám tỉnh đã chấp thuận cho Cha Giuse Ngô Sĩ Đình lãnh nhận trách vụ mới. Được biết, cha Tân Giám đốc đã từng đảm nhận chức vụ Giám tỉnh tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam trong hai nhiệm kỳ, và hiện nay ngài đang tham gia giảng dạy tại nhiều trung tâm thần học tại Việt Nam.

Đức Cha Tôma trao thư bổ nhiệm cho cha Tân Giám đốc

Trong bài phát biểu nhận chức, cha Tân Giám đốc cảm ơn Đức Cha Tôma đã tin tưởng trao phó trách vụ cho ngài. Trước công việc mới mẻ này, tuy có băn khoăn lo lắng nhưng cha Tân Giám đốc luôn tín thác vào Thiên Chúa. Ngài cũng bày tỏ lời tri ân đến Cha nguyên Giám đốc vì những dấu ấn và công trình tốt đẹp mà cha đã để lại, đồng thời bày tỏ mong muốn nhận được sự hướng dẫn, đồng hành của Đức Cha Tôma, của cha nguyên Giám đốc và sự cộng tác huynh đệ của các nhân viên văn phòng Caritas Việt Nam để Caritas Việt nam luôn nêu cao tinh thần tận tâm phục vụ theo như tôn chỉ của Caritas là tôn trọng và thăng tiến phẩm giá con người, nhất là người nghèo khổ, yếu kém trong xã hội.


Ngày bàn giao cũng là dịp mừng kỷ niệm 11 năm tấn phong Giám Mục của Đức Cha Tôma 10-10-2009. Cha Tân Giám đốc Giuse đã đại diện văn phòng Caritas Việt Nam chúc mừng Đức cha chủ tịch. 


Nghi thức bàn giao kết thúc bằng lời kinh tạ ơn Chúa tại nhà nguyện của văn phòng Caritas VN với sự hiện diện của một số khách mời, đại diện văn phòng Caritas Sài Gòn và nhân viên văn phòng Caritas Việt Nam. 



PTT - Caritas Việt Nam