Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

ĐGH Phanxicô - Bài Giảng Lễ Lòng Thương Xót 2016


“Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này” (Ga 20:30). Tin Mừng là cuốn sách về lòng thương xót của Thiên Chúa, cần được đọc đi đọc lại, bởi vì mọi thứ mà Chúa Giêsu nói và làm là một sự diễn tả về lòng thương xót của Chúa Cha. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều được viết ra; Tin Mừng của lòng thương xót vẫn là một cuốn sách mở, mà trong đó các dấu chỉ của các môn đệ Đức Kitô, là những hành động cụ thể của tình yêu và chứng tá tốt nhất về lòng thương xót, tiếp tục được viết ra. Tất cả chúng ta đều được mời gọi để trở thành những tác giả sống động của Tin Mừng, những sứ giả của Tin Mừng cho hết mọi người nam nữ ngày nay. Chúng ta thực hiện điều này bằng việc thực thi công việc thể lý và thiêng liêng của lòng thương xót, vốn là những trụ cột của đời sống Kitô Giáo. Ngang qua những phương thế của những nghĩa cử đơn sơ mà mạnh mẽ này, ngay cả khi âm thầm, thì chúng ta có thể đồng hành với người đang cần giúp đỡ, mang lại sự gần gũi và sự an ủi của Thiên Chúa. Do đó tiếp nối công việc của Chúa Giêsu vào Ngày Phục Sinh, khi Ngài tuôn đổ vào tâm hồn của các môn đệ sợ sệt của Ngài lòng thương xót của Chúa Cha, mang lại cho các ông Thần Khí là Đấng tha thứ các tội lỗi và mang lại niềm vui.

Đồng thời, câu chuyện mà chúng ta vừa nghe trình bày một sự tương phản rõ ràng: một mặt, có một sự sợ hãi của các môn đệ, những người đang tề tựu phía sau những cánh cửa đóng kín; mặt khác, có sứ mạng của Chúa Giêsu,Đấng sai họ ra thế giới để loan báo thông điệp của sự tha thứ. Sự tương phản này cũng có thể hiện diện ở trong mỗi người chúng ta, được kinh nghiệm như sự đấu tranh nội tại giữa một tâm hồn khép kín và một tiếng gọi của tình yêu để mở ra các cánh cửa đã bị khép kín lại bởi tội lỗi. Đó là một tiếng gọi giải thoát chúng ta để đi ra ngoài khỏi bản thân chúng ta. Đức Kitô, Đấng vì yêu đã đi xuyên qua các cánh cửa bị chặn lại bởi tội lỗi, sự chết và các sức mạnh của hoả ngục, muốn đi vào trong mỗi người chúng ta để phá tan các cánh cửa đã bị khép kín và sai chúng ta ra đi. Con đường mà Vị Thầy Phục Sinh tỏ cho chúng ta là con đường một chiều, nó chỉ đi một hướng: điều này có nghĩa là chúng ta phải vượt ra khỏi chính bản thân mình để làm chứng cho sức mạnh chữa lành của tình yêu đã chinh phục chúng ta. Chúng ta thấy trước mắt chúng ta một nhân loại vốn quá thường bị tổn thương và sợ hãi, một nhân loại mang lấy những vết sẹo của nỗi đau và sự không chắc chắn. Trước tiếng kêu khóc bi đát cần đến lòng thương xót và bình an, Chúa Giêsu mạnh mẽ dạy chúng ta: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:21).

Trong lòng thương xót của Thiên Chúa, tất cả mọi yếu hèn của chúng ta đều tìm thấy được sự chữa lành. Thực ra, lòng thương xót của Ngài không giữ khoảng cách: lòng thương xót tìm kiếm gặp gỡ hết mọi hình thức của sự nghèo nàn và giải thoát thế giới này khỏi quá nhiều kiểu nô lệ. lòng thương xót khao khát chạm đến các vết thương của tất cả mọi người, chữa lành chúng. Là các môn đệ của lòng thương xót có nghĩa là chạm đến và xoa dịu các vết thương mà ngày nay đang ảnh hưởng lên thân xác và linh hồn của quá nhiều anh chị em của chúng ta. Chữa lành các vết thương này, chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu, chúng ta làm cho Ngài hiện diện và sống động; chúng ta giúp cho người khác chạm vào lòng thương xót của Ngài bằng chính đôi bàn tay của họ, nhận ra Ngài là “Chúa và Thiên Chúa” (Ga 20:28), như Tông Đồ Tôma đã nhận ra. Đây là sứ mạng mà Ngài uỷ thác cho chúng ta. Quá nhiều người cần được lắng nghe và được thấu hiểu. Tin Mừng của lòng thương xót, được loan báo và viết trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, tìm kiếm con người bằng tâm hồn nhẫn nại và rộng mở, “những người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu”là người hiểu lòng thương cảm và sự thinh lặng trước mầu nhiệm của mỗi người anh chị em. Tin Mừng của lòng thương xót đòi hỏi những tôi tớ đại lượng và vui tươi, những người yêu cách nhưng không mà không mong đợi nhận lại bất cứ điều gì.

“Bình an cho anh em!” (Ga 20:21) là lời chào của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Ngài; cùng sự bình an nàyđang đợi chờ những người nam và nữ của thời đại chúng ta. Đó không phải là một sự bình an thoả hiệp, đó không phải là sự thiếu vắng mâu thuẫn: đó là sự bình an của Ngài, sự bình an xuất phát từ trái tim của Chúa Phục Sinh, sự bình an đã chiến thắng tội lỗi, sự sợ hãi và sự chết. Đó là sự bình an không gây chia rẽ mà tạo sự hiệp nhất; đó là sự bình an không bỏ mặc chúng ta mà làm cho chúng ta cảm thấy được lắng nghe và được yêu thương; đó là sự bình an vẫn tiếp tục ngay cả trong nỗi đau và giúp cho niềm hy vọng trổ sinh. Sự bình an này, như vào ngày Phục Sinh, được sinh ra hoàn toàn mới mẻ bởi sự tha thứ của Thiên Chúa vốn làm cho tâm hồn xao xuyến của chúng ta bình thản trở lại. Là người mang sự bình an của Ngài: đây là một sứ mạng được uỷ thác cho Giáo Hội vào ngày Phục Sinh. Ở nơi Đức Kitô, chúng ta được sinh ra để trở thành những khí cụ của sự hoà giải, để mang lại sự tha thứ của Chúa Cha cho mọi người, để làm tỏ lộ diện mạo yêu thương ngang qua những nghĩa cử cụ thể của lòng thương xót.

Trong Thánh Vịnh đáp ca chúng ta đã nghe những lời này: “Tình thương của Ngài bền vững mãi thiên thu” (Tv 117/118:2). Đúng thật, lòng thương xót của Thiên Chúa là mãi mãi; lòng thương xót không bao giờ lụi tàn, không bao giờ cạn kiệt, không bao giờ đầu hàng khi đối diện với những cánh cửa khép kín, và không bao giờ mỏi mệt. Trong sựkhông bao giờ này, chúng ta tìm thấy sức mạnh trong những giây phút gặp thử thách và yếu đuối bởi vì chúng ta chắc chắn rằng Thiên Chúa không bỏ mặc chúng ta. Ngài vẫn ở với chúng ta mãi mãi. Chúng ta hãy tạ ơn vì một tình yêu quá cao cả, một tình yêu mà chúng ta không thể nắm bắt lấy. Chúng ta hãy xin ân sủng để không bao giờ mỏi mệt kín múc từ giếng lòng thương xót của Chúa Cha và mang lòng thương xót ấy cho thế giới: chúng ta hãy xin để chúng ta cũng biết xót thương, lan toả sức mạnh của Tin Mừng ở khắp mọi nơi.

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ Vatican Radio)
Nguồn: http://muoianhsang.com/cac-duc-giao-hoang/bai-giang/dgh-phanxico-bai-giang-le-long-thuong-xot-2016.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét