Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Tội ác do thù hận và phân biệt chủng tộc gia tăng tại Đông Nam Á

Tội ác do thù hận và phân biệt chủng tộc gia tăng tại Đông Nam Á thumbnail
Cộng đồng thiểu số Rohingya bị ngược đãi tàn nhẫn tại Myanmar, khiến rất nhiều thành viên bỏ trốn sang nước láng giềng Bangladesh (Ảnh: ucanews.com)
Trong 9 năm liền, Myanmar được xếp vào trong những nước nguy hiểm nhất đối với các nhóm thiểu số, trong khi các nước Đông Nam Á trong đó có Campuchia, Thái Lan và Malaysia được xếp vào số các nước gia tăng tình trạng căng thẳng chủng tộc.
Báo cáo thường niên về Tình trạng Người thiểu số và bản địa trên thế giới của Tổ chức Quốc tế về quyền người thiểu số phát hành hôm 3-7, trình bày các cuộc nghiên cứu trường hợp tại 70 quốc gia trên toàn cầu và xếp hạng các nước này dựa trên mức độ nguy hiểm mà các nhóm thiểu số trong nước đó đối mặt.
Myanmar là quốc gia Đông Nam Á duy nhất nằm trong mức đe dọa, đứng thứ 8 trong nhóm 10 quốc gia, trong đó Somalia xếp thứ nhất, Afghanistan xếp thứ 5 và Pakistan xếp thứ 7.
Báo cáo lưu ý mặc dù chính quyền Myanmar “đang từng bước cởi mở hơn”, “thái độ thù địch chống người Hồi giáo thiểu số” vẫn cứ tăng.
“Các vụ ngược đãi nghiêm trọng nhất đã xảy ra với người Hồi giáo Rohingya tại bang Rakhine, nhưng bạo lực còn lan sang các vùng khác trong nước này do các nhóm cực đoan Phật giáo kích động. Đa số các vụ giết hại người Hồi giáo do các băng đảng địa phương hay các băng nhóm Phật giáo gây ra, ngoài ra còn do chính quyền cắt đứt nguồn tài trợ nhân đạo dành cho 100.000 người Rohingya tản cư sống trong các trại tị nạn”, báo cáo lưu ý.
Hôm thứ Ba, bạo lực giáo phái bùng nổ tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar sau khi hàng trăm người Phật giáo trong đó có các tu sĩ bắt đầu ném đá vào một chủ phòng trà người Hồi giáo bị buộc tội cưỡng hiếp một phụ nữ Phật giáo. Hàng trăm nhân viên cảnh sát được điều đến giải tán đám người này. Cảnh sát bắn đạn cao su vào đám đông để dập tắt vụ bạo lực làm hai người thiệt mạng và ít nhất năm người bị thương.
“Trong khi đã có những tiến bộ trong một số lĩnh vực, Miến Điện lại đình trệ, thậm chí đi thụt lùi trong các lĩnh vực khác”, Hanna Hindstrom, thông tín viên châu Á tại Tổ chức Quốc tế về quyền người thiểu số, phát biểu.
Hindstrom dẫn chứng lệnh ngừng bắn giữa chính phủ và Liên minh Dân tộc Karen là một trong những cải thiện rõ ràng từ khi Myanmar bắt đầu công cuộc cải cách vào năm 2011, nhưng lưu ý rằng bạo lực trong bang Kachin và Shan có ít dấu hiệu giảm bớt.
“Người Hồi giáo thiểu số ở Miến Điện đứng trước cảnh bạo lực và thù địch gia tăng đáng kể trong hai năm qua, chủ yếu là do tự do đẩy mạnh tuyên truyền thù hận”, bà nói thêm.
Về mọi phương diện, năm ngoái Đông Nam Á chứng kiến sự gia tăng về “chủ nghĩa dân tộc tôn giáo – bản sắc … dẫn đến nhiều vụ tấn công nhắm vào các nhóm thiểu số”, báo cáo cho biết.
Tại Thái Lan, các lực lượng chống chính phủ buộc tội người Campuchia âm mưu cùng với gia đình ông Thaksin Shinawatra gây bất ổn cho Thái Lan. Gần đây, chính quyền quân sự đã đàn áp người lao động di cư Campuchia và Myanmar bất hợp pháp, dẫn đến cuộc di tản lớn của người Campuchia và khơi lên lo sợ nơi hai nhóm sắc tộc này. Trong khi đó, Malaysia và Indonesia chứng kiến các cuộc vận động lòng căm thù dẫn đến các cuộc tấn công chống các nhóm tôn giáo thiểu số và người nhập cư.
Sau khi Thủ tướng Malaysia Najib Razark suýt thất bại trong cuộc bầu cử, ông bị buộc tội kích động tình trạng phân biệt chủng tộc khi đổ lỗi cho sự tăng trưởng chậm là do “trận sóng thần do người gốc Trung Quốc gây ra”. Trong khi đó do các nhóm vũ trang ở Indonesia phát triển nhanh, hàng trăm Kitô hữu và người Hồi giáo thiểu số bị tấn công trong năm vừa qua. Bị buộc tội làm quá ít không thể khống chế các vụ tấn công đó, chính quyền đã ép thông qua một loạt các đạo luật mang tính phân biệt đối xử, trong đó có đạo luật yêu cầu tất cả cư dân Aceh thực hiện luật Sharia “bất kể họ theo tôn giáo nào”.
Adiani Viviana thuộc Viện Hỗ trợ nghiên cứu chính sách ở Indonesia nói các nhóm thiểu số như cộng đồng người Ahmadiya gặp phải những vụ ngược đãi, như “đe dọa, bạo lực và cấm thờ tự hay tổ chức các hoạt động tôn giáo”.
“Cho đến nay cảnh sát vẫn không thể bảo vệ được các thành viên cộng đồng Ahmadiya”, Viviana cho biết thêm.
“Mặc dù chủ nghĩa dân tộc tôn giáo – bản sắc không phải là hiện tượng mới lạ ở Đông Nam Á, chúng ta chứng kiến sự gia tăng đột ngột ở nhiều quốc gia trong năm qua”, Hindstrom nói. “Trớ trêu thay, có thể thấy nhiều mô hình như thế trên khắp khu vực, và các lãnh đạo chính trị chỉ trích các cộng đồng được xem là người ngoại quốc”.
Trong khi tình trạng bất khoan dung và đe dọa các nhóm thiểu số tương đối hiếm thấy ở Campuchia, đất nước này chứng kiến sự gia tăng căng thẳng đáng lo lắng trong phong trào chống người Việt và tình trạng người bản địa thiểu số đang bị gạt ra bên lề xã hội.
Lãnh đạo phe đối lập Sam Rainsy và trợ lý của ông là Kem Sokha thường có những bài diễn thuyết chống người Việt trước và sau cuộc bầu cử hồi tháng 7-2013. Rainsy hứa ngăn chặn người Việt xâm lấn, kể cả việc thôn tính lãnh thổ Campuchia làm “thuộc địa”, và đổ lỗi cho người Việt gây ra tình trạng mất việc làm, mất đất đai và đảng cầm quyền kiểm soát. Sokha còn nói dữ hơn, ông trình bày các giả thuyết âm mưu cho rằng chính quyền Việt Nam chịu trách nhiệm về “việc tổ chức” trung tâm an ninh Khmer Đỏ khét tiếng, S-21, và lên kế hoạch điều khiển vụ giẫm đạp tại Lễ hội nước 2010, khiến hơn 350 người thiệt mạng.
Đồng thời tình trạng căng thẳng trong phong trào chống người Việt cũng gia tăng. Tại nhiều điểm bầu cử trên cả nước, người gốc Việt và thậm chí những người trong giống người Việt bị các băng nhóm ngăn không cho bỏ phiếu vì cho là bất hợp pháp. Các cửa hiệu của người Việt bị tấn công sau các vụ biểu tình bạo lực hồi tháng Giêng, trong khi cũng trong tháng này một người đàn ông gốc Việt bị giết chết, tình nghi là do một nhóm phân biệt chủng tộc tấn công.
Ang Chanrith, giám đốc điều hành Tổ chức về quyền người thiểu số, nói chính quyền của đảng cầm quyền cũng chịu một phần trách nhiệm về tình trạng căng thẳng sắc tộc, và chỉ ra rằng chính quyền đã không làm nhiều để đảm bảo những người có quyền nhập quốc tịch hợp pháp được cấp quyền công dân.
“Họ có đủ tư cách để xin hay lấy giấy chứng nhận quyền công dân để trở thành công dân Campuchia, nhưng luật không được thi hành gì cả, làm cho họ không có quốc tịch”, ông nói.
Kết quả là cộng đồng người gốc Việt gồm vài trăm ngàn người không thể hội nhập xã hội Campuchia, con cái không có giấy khai sinh nên không được đi học, không xin được việc làm và bóc lột xảy ra tràn lan.
“Hai chính đảng luôn lấy người Việt làm cái cớ để giành sự ủng hộ của cử tri, đảng cầm quyền không thi hành luật… để họ có thể giành cử tri người Việt. Còn đảng đối lập công kích người Việt vì họ muốn giành sự ủng hộ từ những người phân biệt đối xử với người Việt”.
Ngoài việc giao thiệp với người gốc Việt ra, chính quyền của đảng cầm quyền còn bị chỉ trích không thể bảo vệ người bản địa thiểu số.
“Các vụ chiếm đất ồ ạt tiếp tục lan tràn nơi các cộng đồng thiểu số và bản địa ở Campuchia”, báo cáo lưu ý và thêm rằng các nhóm này thường “bị nhà nước gạt ra bên lề xã hội”.
Trong khi quyền sở hữu đất công được luật pháp công nhận là quyền dành cho các cộng đồng bản địa bảo vệ các vùng đất rộng có giá trị về văn hóa, chỉ có 5 cộng đồng thiểu số được cấp quyền sỡ hữu như thế trong hơn một thập niên qua.
Phát biểu tại cuộc họp các đại diện thiểu số bản địa đến từ khắp cả nước hồi tuần trước, Prim You, thành viên 60 tuổi thuộc dân tộc thiểu số Kuoy ở tỉnh Kompong Thom, cho biết ông hầu như không tin chính quyền sẽ bảo vệ văn hóa của ông.
“Ngay bây giờ, chúng tôi gặp rắc rối trong việc đăng ký đất. Tôi cảm thấy như là họ không muốn cấp quyền sở hữu đất cho chúng tôi, họ không muốn cho chúng tôi đăng ký. Chưa có ai cố ý giành đất của chúng tôi, nhưng chúng tôi lo lắng”, ông nói.
Abby Seiff từ Phnom Penh
Nguồn: http://vietnam.ucanews.com/2014/07/07/toi-ac-do-thu-han-va-phan-biet-chung-toc-gia-tang-tai-dong-nam-a/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét