Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Xét mình với luân lý Tân Ước

Từ xưa đến nay, tín hữu (giáo dân) xét mình là để xưng tội; tu sỹ và giáo sỹ còn xét mình hằng ngày để sửa khuyết điểm nữa. Xét mình, nhất là để xưng tội, người ta quen lấy “Mười điều răn Đức Chúa Trời và Sáu luật điều Hội thánh” mà xét.
Tại sao đã gọi “Luật điều Hội thánh”, mà không kêu “Luật Thiên Chúa” luôn? “Điều răn” hay Giới, Giới răn nói về điều phải tránh, chứ không điều phải giữ (gọi là Quy)[1]. Do đó, nếu bảo “kính mến một Đức Chúa Trời’ và “thảo kính cha mẹ” là giới hay răn, thì có nghĩa là”Cấm kính mến một ĐCT” và “Cấm thảo kính cha mẹ” đấy!
Ngoài ra, Mười luật (điều răn) Thiên Chúa nói trên mới chỉ là luật Cựu Ước, chứ chưa phải luật Tân Ước. Vậy nếu lấy luật CƯ mà xét mình, há chẳng thụt lùi hay sao? Cách đây hai ngàn năm, thánh Phaolô đã đấu tranh để chúng ta thoát khỏi luật lệ Do Thái giáo, mà nay chúng ta lại tự đánh mất thứ tự do ấy à?


Luật CƯ, luật xưa cũ rồi

Cứ việc giở Mt.5.21-48 thì rõ. Tuy ngay trước đấy, vì viết cho độc giả Do Thái, thánh Mathiêu đã trưng dẫn lời Thầy : “Đừng tưởng Ta đến hủy bỏ Luật và Ngôn sứ : Ta không đến bãi bỏ, nhưng kiện toàn” (Mt.5.17), nhưng rồi liền sau đó, Ngài liên tiếp đối lập luân lý của “người xưa” với quan điểm của Ngài. Chúa nói :”Anh em nghe nói với người xưa…Còn Thầy thì Thầy bảo cho anh em biết…”.  Vâng, Chúa không nhắc đến Maisen, mà đến người xưa, tức những cổ nhân (arkhaioi) nói chung, những người góp phần làm nên truyền thống luật lệ CƯ. Như thế, Chúa kiện toàn luật lệ ấy bằng cách đề ra một thứ luật lệ vượt cao hơn hẳn. Sau đây là sáu luật cũ chính yếu:
1-Không được giết người
2-Không được ngoại tình
3-Không được rẫy vợ
4-Đừng thề gian hay làm trái lời thề
5-Mắt đền mắt, răng đền răng
6-Yêu người thân cận và ghét (không yêu) kẻ thù
Không đối nghịch, nhưng vượt xa sáu luật ấy là sáu luật mà Chúa công bố:
1-Chỉ nóng giận hay chửi rủa người khác thôi, là đã có tội rồi
2-Mới ham muốn người khác phái trong lòng là đã có tội
3-Không được rẫy vợ cũng như không được lấy người vợ bị rẫy
4-Đừng thề, mà có sao nói vậy
5-Ai tát anh em má trái, hãy chìa thêm má phải
6-Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ làm hại mình
Xem như thế, luật TƯ đòi hỏi nhiều hơn, cao hơn, nhất là nhắm tâm hồn trước hết.
*
Thật ra, cái mà Công giáo Việt Nam gọi là Mười điều răn, cái ấy Cựu Ước gọi là Mười lời (deka-rêmata : Nhị luật 4.13; 10.4). Do đó Hy ngữ và La ngữ gọi là DECALOGOS, DECALOGUS (deka=mười, logos là lời). Mười luật hay lời ấy được ghi rõ trong Xuất hành 20.1-17 và Nhị luật 5.6-21. Có thể tóm tắt như sau:
1-không được thờ thần nào ngoài Ta, Thiên Chúa các ngươi
2-Không được tạc đúc tượng thần
3-Không được hơi tí thì kêu danh Thiên Chúa
4-Giữ và thánh hóa ngày sabbat
5-Hiếu thảo với cha mẹ
6-Không được giết người
7-Không được ngoại tình
8-Không được trộm cắp
9-Cấm làm chứng gian
10-Cấm tham của cải người khác
Xem như thế, luân lý CƯ không có gì cao hơn một số nền luân lý cùng thời, trừ khoản độc thần. Không ai chối cãi, ở một vài chỗ khác, thiết định CƯ cũng có những điểm thật hay. Như nếu cầm đồ, thì chiều đến phải trả lại áo khoác cho người cùng túng, để họ làm chăn mền đắp ấm qua đêm (Xh.22.25-26; Nl.24.13). Như trả lương thì không được khất đến ngày mai (Lv.19.13). Như cho vay thì không được lấy lãi (Xh.22.24). Thêm vào đấy, cứ bảy năm một lần, mọi công nợ đều xí xóa hết (Nl.15.1-2). Có điều, những luật đầy tinh thần bác ái này chỉ áp dụng cho người thân cận (plêsion), tức đồng bào, cũng là đồng tôn giáo luôn,  chứ với người ngoại thì không cần (Nl.15.3).

Và đây, luật Tin mừng hay luật Đức Kitô

Như đã thấy trong Mt.5.21-48, Chúa cấm những điều nhẹ hơn nhiều (chỉ chửi rủa đã có tội rồi, chứ chưa cần hại người, thậm chí giết người), buộc ngặt hơn (không chỉ cấm thề gian, mà còn buộc phải thành thật nữa), lại xét từ trong lòng xét ra (chỉ ham muốn người khác phái đã có tội, chứ chưa cần có hành vi ngoại tình hay gian dâm). Còn nói về lòng nhân, thì luật Chúa thật quá cao, do đó cũng thật khó giữ: Phải yêu thương hết mọi người, dù cho đây là người xa lạ (như người Samaritanô đối với Do Thái), thậm chí yêu kẻ thù, lại còn làm ơn cho kẻ hại mình nữa chứ!
Nói chung, luật TƯ là luật Tình yêu, khi mà chính Thiên Chúa là Tình yêu viết hoa (1Yo.4.8). Vì bản chất là Yêu, nên yêu loài người, Thiên Chúa đã yêu họ trước, ngay khi họ còn là tội nhân, là kẻ thù của Ngài. Yêu đến nỗi Ngài đã sai chính Con một giáng trần làm người để cứu ta bằng cái chết. Khai mở đạo Tình yêu, Ngài đã truyền lệnh cho chúng ta phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta (Yo.13.14), yêu đến có thể hy sinh mạng sống vì  người (Yo.15.13).
*
Quả thật, luật Chúa Kytô là một nền đạo đức quá cao, quá khác thường. Khác thường ngay từ Bài giảng trên núi vốn được đánh giá là bản Tuyên ngôn Nước Thiên Chúa:
-Phúc cho những ai nghèo khổ; phúc cho người khóc lóc, bị ghét bỏ, chửi rủa, chịu sỉ nhục, bách hại…(Mt.5.3-12; Lc.6.20-26).
Ai nấy, xưa cũng như nay, đều coi Phúc là ở “Đa tử, đa tôn, đa phú quý”,v.v…, chứ nghèo khổ, bị hà hiếp và sỉ nhục chỉ được coi là những điều bất lợi, không may thôi. Nên để thực sự hiểu con đường Chúa, không thể không lộn đầu đi ngược!
Phải chăng khó như thế thì không ai giữ nổi? Thật ra, với người phàm thì thế, chứ với (ơn) Chúa thì giữ chẳng khó chi (Mt.19.26). Bằng chứng là đời nào cũng có thánh Công giáo, mà có nhiều là khác. Mà thánh không chỉ là giữ được luật Chúa khi có khi không, hoặc giữ với những khuyết điểm, nhưng là giữ một cách hoàn hảo, thường hằng, nhất là tiến xa hơn luật vào con đường quảng đại của tình yêu. Đường Tình yêu chính là đường Tin mừng, đường mà Chúa khai mở cho hết mọi tín đồ chân thực của Chúa. Bởi được rửa (dìm) nhân danh Chúa đã là thành một với Thầy Giêsu trong mầu nhiệm Thánh giá và Phục sinh, như thánh Phaolô giải thích (Rom.6.3-14; Col.2.12). Thành một với Chúa trong mầu nhiệm kép ấy ở bề sâu, là để có thể sống hai mầu nhiệm ấy ở bề mặt. Sống được như vậy một cách hoàn hảo, đó là thánh. Và để thánh được như vậy chỉ cần sống theo Tin mừng, dựa vào sức đẩy của ân sủng, sự trợ lực của Chúa Thánh Thần. Đó cũng là làm hiển lộ Chúa Kytô trong đời sống, để ta có thể nói theo thánh Phaolô :“Tôi sống, mà không phải tôi sống nữa, nhưng Đức Kytô sống nơi tôi” (Gal.2.20).

Hoành Sơn
Nguồn: http://dongten.net/noidung/1602
(Trích đăng phần 1&2)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét