Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

Đại Chủng viện Thánh Giuse Sàigòn: Lễ giỗ 140 năm cha cố Théodore Louis Wibaux

WGPSG -- Sáng ngày 07/10/2017, toàn thể gia đình Đại Chủng viện Thánh Giuse Sàigòn đã hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho cha cố Théodore Louis Wibaux, đấng sáng lập Chủng viện, nhân 140 năm ngày giỗ của ngài, cũng như cho các vị thừa sai Paris (MEP) và các ân nhân đã mang đức tin đến cho đất nước Việt Nam, cách riêng cho giáo phận Đàng Trong, bao gồm cả Tổng giáo phận Sài Gòn ngày nay. Đồng tế Thánh lễ với cha Giám đốc và quý cha giáo là cha Etcharren (tên tiếng Việt là Hoàng Trung), nguyên Bề trên Hội Thừa sai Paris, người đã từng gắn bó lâu năm với Giáo Hội Việt Nam. Sau Thánh lễ, quý cha và quý thầy đã cử hành nghi thức tưởng niệm và viếng mộ cha bề trên Wibaux (phía sau nhà nguyện cũ), bất chấp trời mưa to, trong bầu khí sốt sắng và đầy cảm xúc.
Đôi nét về cha Théodore Louis Wibaux:
Cha Théodore Louis Wibaux sinh ngày 28/03/1820, tại giáo xứ thánh Martin ở Roubaix, miền Bắc nước Pháp. Năm 1840, ngài gia nhập chủng viện, và chịu chức linh mục ngày 06/06/1846, sau đó làm giáo sư môn hùng biện tại trường Trung học Marc-en-Baroeul. Với ước muốn trở thành nhà truyền giáo, ngày 24/11/1857, ngài gia nhập Hội Thừa sai Paris, và ngày 20/02/1859, ngài lên đường đi truyền giáo, đến Đàng Trong vào tháng 1/1860.[1]
Sau gần 2 năm (từ 1861-1862) làm mục vụ tại Tân Định, cha Théodore Louis Wibaux được Đức cha Dominique Lefèbvre bổ nhiệm làm Tổng Đại diện Giáo phận Tây Đàng Trong vào năm 1863.[2] Khi ấy, cha Wibaux cũng được trao nhiệm vụ làm giám đốc Chủng viện, bắt đầu công việc xây dựng cơ sở Chủng viện, trở thành Đấng sáng lập Chủng viện Sài Gòn.[3] Việc xây dựng ngôi nhà đầu tiên của Chủng viện được thực hiện từ năm 1863 đến năm 1866. Để có đủ tài chính cho công trình này, cha Wibaux đã dâng tặng hầu như tất cả tài sản cá nhân mà ngài được thừa hưởng từ gia đình.[4] Khi công trình hoàn thành, Đức cha Jean Claude Miche đã long trọng cử hành Thánh lễ làm phép và khánh thành ngôi nhà Chủng viện đầu tiên; chính trong dịp này, Chủng viện đã chọn Thánh Giuse là bổn mạng, thể theo ước nguyện của Đức cha Dominique Lefèbvre.
Một năm sau khi khánh thành ngôi nhà đầu tiên của Chủng viện, năm 1867, cha Wibaux tiếp tục công việc xây dựng nhà nguyện, công việc xây dựng kéo dài trong 4 năm cho đến năm 1871. Thế nhưng, đang khi nỗ lực cho công việc xây dựng nhà nguyện Chủng viện, do kiệt sức, cha Wibaux ngã bệnh năm 1869, phải trở về Pháp để chữa trị. Vẫn không ngơi nghỉ, với lòng nhiệt tâm, trong thời gian chữa bệnh, từ năm 1870-1871, cha Wibaux nhận làm tuyên úy quân đội trong cuộc chiến tranh Pháp-Đức. Khi nhận thấy sức khỏe đã tạm bình ổn, cha lên đường trở lại Việt Nam vào năm 1871, ngài tiếp tục công việc ở Chủng viện, hoàn thành công trình xây dựng nhà nguyện Chủng viện và khánh thành vào năm 1871.
Sáu năm sau ngày quay trở lại Sài Gòn, cha Wibaux đã an nghỉ trong Chúa vào ngày 7/10/1877. “Khi qua đời, cha Wibaux đã để lại cho vùng truyền giáo Sài Gòn cơ sở Chủng viện được tổ chức rất tốt với 150 chủng sinh, trong số đó, đã có 10 đại chủng sinh được chịu chức linh mục…”[5]
Thân xác của Đấng sáng lập Chủng viện được an táng phía sau ngôi nhà nguyện của Chủng viện, ngài vẫn hiện diện giữa đoàn con cái trong suốt dòng lịch sử 150 năm qua.[6]
(Theo Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, “Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn – 150 năm hình thành và phát triển”, trong Kỷ yếu 150 năm Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn 1863-2013, nxb. Tôn Giáo, 2013, trang 24-27)

[1] Notice biographique số 741, WIBAUX, Théodore Louis.
[2] Les Missions Catholiques, Số XI, 1879, tr. 37, mục: Séminaire de Saigòn.
[3] http://archives.mepasie.org/notices/noticesbiographiques/wibaux"
[4] Mgr Dumortier, Rapport annuel des évêques, 1928.
[5]  Mgr Dumortier, Rapport annuel des évêques, 1928.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét