Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

CHÚC MỪNG LỄ CHÚA HIỂN LINH - Bổn mạng Ca đoàn Hiển Linh



CHIẾU TỎ ĐỨC TIN VÀ TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA
Mt 2, 1 - 12
Biến cố Chúa Giáng sinh là biến cố trọng đại cho vũ trụ, cho muôn dân muôn nước. Thiên Chúa đã cho các mục đồng chứng kiến biến cố này. Đồng thời Ngài cũng cho lương dân mà đại diện là ba nhà đạo sĩ như những tâm hồn chân thành tìm kiếm Thiên Chúa được chứng kiến tận mắt biến cố lớn lao này.
Lễ Hiển Linh được gọi là lễ Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại. Thiên Chúa không chỉ tỏ mình ra cho riêng dân tộc Do Thái mà còn cho muôn dân khác nữa. Bởi đó, mọi người trong chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa để làm bừng sáng lên ánh sáng đã xuất hiện từ Phương Đông. Chúng ta phải là ánh sao dẫn đường cho mọi người đến với Chúa. Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, tiên tri Isaia đã mở ra cả một viễn tượng lớn lao: đó là ngày và thời vinh quang của Thiên Chúa chiếu trên Dân Chúa và biến Dân Chúa thành điểm thu phục muôn dân. Mọi người từ mọi phương hướng sẽ cùng qui về một mối trong tiếng ngợi ca Thiên Chúa. (x Is 60, 1 - 6)
Nội dung của lòng tin tưởng này đã được Thánh Matthêu diễn tả một cách sống động qua câu chuyện về ba nhà đạo sĩ đi tìm gặp Đức Giêsu mới sinh tại Bêlem. Xưa chúng ta quen gọi đây là ba vua, do đó lễ Hiển Linh này cũng gọi là lễ Ba Vua. Nhưng điều mà đoạn Tin Mừng ở đây muốn nhấn mạnh đến là các đạo sĩ. Họ là những người ở ngoài Dân riêng của Chúa, không thuộc dân Do Thái nhưng họ đã tìm đến và được lãnh nhận ơn cứu độ. Có thể nói, đoạn Tin Mừng này đã diễn tả tất cả tấn bi kịch của công cuộc cứu chuộc đới với Dân riêng của Chúa và đồng thời cũng nói lên tấm lòng đại đội của Thiên Chúa: Hêrôđê tượng trưng cho quyền lực, một thứ quyền lực xảo quyệt chỉ biết khư khư giữ lấy ngai vàng của mình như một lẽ sống. Còn dân thành Giêrusalem đáng lý ra phải vui mừng khi hay tin "Vua người Do Thái mới sinh", Đấng họ trông chờ như Vị Cứu Tinh, thì trái lại, họ đã hoảng hốt cùng với Hêrôđê người cai trị trên họ. Dường như họ ngại phải dấn mình vào một sự đổi thay, dù họ tin rằng sự đổi thay đó đem lại sự giải thoát cho họ. Còn những Tư Tế và những nhà thông luật, biết rõ nơi Vị Cứu Tinh ra đời, nhưng chẳng ai màng đến với Ngài. Để rồi cuối cùng, chỉ có những người bị liệt vào hàng "dân ngoại" lại hăm hở đến với "Vua người Do Thái", cũng là Vị Cứu Tinh của nhân loại.
Lễ Hiễn Linh là lễ Thiên Chúa tỏ mình ra. Chúng ta biết được qua bài Tin mừng, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho muôn dân. Thánh Gioan viết: "Thiên Chúa nào có ai thấy Ngài bao giờ, và làm sao thấy Ngài được? Nhưng người Con duy nhất của Ngài đã làm người, và cho ta thấy được Thiên Chúa mang bản tính con người, làm người như chúng ta và ở giữa chúng ta" (Ga 1, 18; 6, 46). Từ khi Ngôi Lời nhập thể, ai tin nhận Đức Kitô là tin nhận Thiên Chúa, ai từ khước Đức Kitô là từ khước Thiên Chúa.
Vấn đề được nêu lên hôm nay, là ai làm cho người ta biết Đức Kitô, nếu không phải là mỗi người chúng ta? Tuy nhiên, chúng ta đã biết Đức Kitô đến mức độ nào? Nhất định là chúng ta chỉ biết Ngài với một mức độ thật giới hạn. Còn nếu chứng minh bằng chính đời sống, để nói được với bất cứ ai, như Thánh Phaolô đã nói: "Xin ông bà, anh chị, hãy bắt chước tôi, như tôi đã sống noi gương Đức Kitô", thì lắm kẻ không dám nói, và không được phép nói. Bởi vì cuộc sống hiện tại của họ, mọi người đều biết nó như thế nào rồi! Nói cách khác, bản thân tôi chưa gặp được Thiên Chúa, mặc dù miệng tôi luôn nói: Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, Thiên Chúa ở trong tôi, Thiên Chúa ở trong mọi người. Nhưng thực sự, tôi không thấy Thiên Chúa nơi ai cả, ít là trong những cử chỉ tôi đối với những người chung quanh đã nói lên rõ rệt như vậy. Và cũng thế, chưa ai thấy Thiên Chúa ở nơi tôi cả vì chính cuộc sống của tôi đã nói lên rõ ràng như vậy.
Thật vậy, còn có biết bao người đang sống trong tăm tối thiêng liêng; họ đang bước đi trong lầm lạc; họ đang khao khát chân lý; họ không ngừng đặt vấn nạn với chúng ta: "Đức Vua Dân Do Thái sinh ra ở đâu?". Thế nên, chúng ta có trách nhiệm trả lời cho họ. Trả lời một Đức Kitô sống động qua con người của chúng ta, qua cách sống của mình. Không có con đường nào khác đưa người ta trở về hoặc khám phá ra Chúa Kitô ngoài cách sống đức tin của mình, lòng quảng đại, sự tha thứ, tinh thần quan tâm, chia sẻ trong tình yêu thương của Chúa Kitô. Chính tình yêu là sức mạnh khiêm tốn nhất nhưng lại mãnh liệt nhất để đưa con người đến với nguồn chân lý.
Khi người Kitô hữu chỉ đóng khung đời sống đạo của mình trong nhà thờ, giữa những nghi lễ, mà không nhận ra những nhu cầu, những đòi hỏi của xã hội chung quanh; khi một cộng đoàn Kitô hữu quá bám víu vào những thứ gọi là quyền lợi tôn giáo của mình mà làm ngơ trước những đau khổ, bất hạnh của kẻ khác thì chính họ đang làm dập tắt những ánh sáng dẫn đường tới Chúa Kitô.
Thiên Chúa là Thiên Chúa tình thương, hy sinh Con một cho nhân loại phản bội. Thiên Chúa là Đức Kitô dám chết cho kẻ mình yêu tuy chúng ta không đáng yêu. Trong xã hội chúng ta, ngay giữa chúng ta, có nhiều mẫu người hy sinh, quên mình, lo cho người đau khổ, nghèo đói, bệnh tật, trong các bệnh viện, đặc biệt ở những trại cùi. Có nhiều người đang âm thầm vào các bệnh viện, tìm thăm những bệnh nhân không gia đình thăm viếng, chăm sóc. Những con người đó đang sống đức tin của mình cách công khai, họ chính là những nhân chứng đích thực của Chúa Kitô.
Xin Chúa ban cho có nhiều tông đồ, nhân chứng của tình yêu Chúa với những việc làm cụ thể như thế để tạo được sự Hiển Linh, làm cho mọi người được thấy Thiên Chúa tình thương. 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con dám sống quảng đại, vị tha, quan tâm giúp đỡ đến nhu cầu của tha nhân. Xin cho chúng con trở nên những ánh sao chiếu toả đức tin, tình thương, lòng nhân hậu của Chúa cho mọi người. Amen.
Nguồn: http://www.giaophanvinhlong.net/Le-Chua-Hien-Linh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét