Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Thứ Bảy Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ Vọng Phục sinh

Thứ Bảy Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô 
cử hành Thánh lễ Vọng Phục sinh:
“Hãy mở toang những nấm mộ đóng kín của chúng ta 
cho Chúa Giêsu bước vào”

WHĐ (28.03.2016) – Tối thứ Bảy Tuần Thánh 26-03-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ Vọng Phục sinh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô lúc 20g30.

Trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã ban các bí tích khai tâm Kitô giáo: Thánh tẩy, Thêm sức và Thánh Thể cho mười hai dự tòng gồm 8 nữ và 4 nam thuộc sáu quốc gia: Cameroon, Italia, Albania, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc; trong số này, có ông bà đại sứ Hàn Quốc tại Italia, ông Yong-Joon Lee và bà Hee Kim. Đỡ đầu cho họ là ông bà đại sứ Hàn Quốc cạnh Toà Thánh.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu: “Cũng như Phêrô và các phụ nữ, chúng ta không thể có được sự sống khi cứ mãi buồn phiền, thất vọng, và trở thành tù nhân của chính mình. Nhưng chúng ta hãy mở toang những nấm mộ đóng kín của chúng ta ra cho Chúa … để cho Chúa Giêsu bước vào và ban cho chúng ta sự sống; hãy dâng cho Người những viên đá hận thù và quá khứ của chúng ta, những tảng đá nặng nề của những yếu đuối và vấp ngã. Người muốn đến và đưa tay cho chúng ta để kéo chúng ta ra khỏi mối lo lắng”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến “niềm xác tín luôn được Chúa Kitô yêu thương và tha thứ. Chúa Kitô, Đấng đã vì chúng ta mà chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự chết, chiến thắng nỗi sợ hãi”. Đức Thánh Cha tuyên bố: “Hôm nay là ngày lễ của niềm hy vọng của chúng ta, chúng ta cử hành niềm xác tín này: không có ai và không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài (x. Rm 8, 39)”.

Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:

***


“Phêrô chạy ra mộ” (Lc 24, 12). Những ý nghĩ nào có thể khuấy động tâm trí của Phêrô khi ông chạy ra mộ? Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Nhóm Mười Một, gồm cả Phêrô, đã không tin lời chứng của các phụ nữ khi họ báo tin Chúa sống lại. Hơn nữa, “các ông còn cho là chuyện vớ vẩn” (c. 11). Vì vậy, ông Phêrô nghi ngờ, và có nhiều ý nghĩ tiêu cực: ông buồn vì người Thầy yêu quý đã chết, ông thất vọng vì đã phản bội Thầy ba lần trong cuộc Thương khó.

Nhưng có một chi tiết đánh dấu một bước ngoặt: Phêrô, sau khi nghe các bà nói và không tin lời các bà, nhưng đã “đứng dậy” (câu 12). Ông không ngồi đó suy nghĩ, ông không giam mình trong nhà như những người khác. Ông không để cho những nghi ngờ hay bầu không khí ảm đạm của những ngày đó tác động, ông cũng không để cho mình bị xâm chiếm bởi nỗi hối hận, sợ hãi hoặc những câu chuyện tán gẫu vốn chẳng dẫn đến đâu. Ông tìm Chúa Giêsu, chứ không tìm mình. Ông đã chọn con đường gặp gỡ, con đường tin tưởng và thế là ông đứng dậy và chạy ra mộ, rồi từ ngôi mộ trở về, “đầy ngạc nhiên” (c. 12). Đó là khởi đầu của “sự sống lại của Phêrô”, sự sống lại của con tim ông. Không chịu khuất phục trước buồn đau và bóng tối, ông đã để cho hy vọng lên tiếng: ông đã để cho ánh sáng của Thiên Chúa chiếu rọi vào trong cõi lòng mình, chứ không dập tắt ánh sáng ấy.

Những người phụ nữ cũng vậy, họ ra đi từ sáng sớm để làm một công việc của lòng thương xót, mang theo dầu thơm ra mộ, họ cũng sống cùng một kinh nghiệm ấy. Họ đã “sợ hãi, cúi gằm mặt xuống đất”, nhưng họ bối rối khi nghe thiên thần nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” (c. 5).

Chúng ta cũng vậy, cũng như Phêrô và các phụ nữ, chúng ta không thể có được sự sống khi cứ mãi buồn phiền, thất vọng, và trở thành tù nhân của chính mình. Nhưng chúng ta hãy mở toang những nấm mộ đóng kín của chúng ta ra cho Chúa – mỗi người chúng ta đều biết những nấm mộ ấy là gì–, để cho Chúa Giêsu bước vào và ban cho chúng ta sự sống; hãy dâng cho Người những viên đá hận thù và quá khứ của chúng ta, những tảng đá nặng nề của những yếu đuối và vấp ngã. Người muốn đến và đưa tay cho chúng ta để kéo chúng ta ra khỏi mối lo lắng. Nhưng tảng đá đầu tiên phải lăn ra trong đêm nay là sự thiếu niềm hy vọng vốn nhốt kín chúng ta vào chính mình. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cái bẫy khủng khiếp của những Kitô hữu không có niềm hy vọng, sống như thể Chúa đã không sống lại, như thể các vấn đề của chúng ta là trung tâm của đời sống.

Chúng ta đang gặp và sẽ còn gặp những vấn đề xung quanh chúng ta và ở trong chúng ta. Sẽ luôn có những vấn đề. Nhưng đêm nay, chúng ta phải soi sáng những vấn đề ấy bằng ánh sáng của Đấng Phục Sinh, theo một nghĩa nào đó, chúng ta “Phúc âm hóa” những vấn đề ấy. Chúng ta không được để cho bóng tối và sợ hãi chi phối và điều khiển chúng ta; nhưng hãy nghe lời thiên thần nói: Chúa “không còn ở đây nữa, nhưng đã sống lại rồi” (c. 6), đó là niềm vui lớn lao của chúng ta, luôn ở với chúng ta và không bao giờ làm chúng ta thất vọng.

Đó là nền tảng của niềm hy vọng, vốn không chỉ đơn thuần là sự lạc quan, cũng không phải là một thái độ tâm lý hoặc một mong muốn sống can đảm. Niềm hy vọng Kitô giáo là một ơn ban của Chúa, nếu chúng ta ra khỏi chính mình và mở lòng mình ra cho Ngài. Niềm hy vọng này không làm chúng ta thất vọng bởi vì chính Chúa Thánh Thần đã được tuôn đổ vào lòng chúng ta (Rm 5,5). Đấng An Ủi không làm cho mọi sự thành đẹp đẽ, cũng không loại bỏ điều ác bằng cách vung cây đũa thần, nhưng Ngài rót vào lòng chúng ta sức mạnh thực sự của sự sống, không phải là không còn vấn đề nhưng là niềm xác tín luôn được Chúa Kitô yêu thương và tha thứ. Chúa Kitô, Đấng đã vì chúng ta mà chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự chết, chiến thắng nỗi sợ hãi. Hôm nay là ngày lễ của niềm hy vọng của chúng ta, chúng ta cử hành niềm xác tín này: không có ai và không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài (x. Rm 8, 39).

Chúa là Đấng hằng sống và Người muốn chúng ta tìm kiếm Người nơi những kẻ đang sống. Sau khi gặp Chúa, mỗi người sẽ được Chúa sai đi loan báo sứ điệp Phục sinh, khơi lên và phục hồi niềm hy vọng nơi những trái tim trĩu nặng u buồn, nơi những ai đang nhọc nhằn tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Ngày nay điều đó thật cần thiết. Nhưng chúng ta không loan báo chính mình. Mà, như những người tôi tớ hân hoan vì hy vọng, chúng ta phải loan báo Đấng Phục Sinh bằng cuộc sống và tình yêu của chúng ta; nếu không chúng ta sẽ chỉ là một tổ chức quốc tế có đông đảo thành viên và kỷ luật tốt, nhưng chẳng thể đem lại hy vọng cho một thế giới đang khao khát.

Làm sao nuôi dưỡng được niềm hy vọng của chúng ta? Phụng vụ đêm nay cho chúng ta một chỉ dẫn. Phụng vụ dạy chúng ta hãy nhớ lại những công trình của Chúa. Thật vậy, các bài đọc đã thuật lại cho chúng ta lòng trung tín của Ngài, lịch sử tình yêu của Ngài dành cho cho chúng ta. Lời sống động của Thiên Chúa có thể đưa chúng ta vào câu chuyện tình yêu này, khi nuôi dưỡng niềm hy vọng và làm bừng lên niềm vui. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe cũng nhắc nhở chúng ta điều ấy: các thiên thần đã nhen lên niềm hy vọng cho những người phụ nữ, khi bảo họ: “Hãy nhớ lại những gì Người đã nói với các bà” (câu 6). Nhớ lại lời của Chúa Giêsu, nhớ lại tất cả những gì Người đã làm trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta đừng quên lời Người đã nói và việc Người đã làm, nếu không chúng ta sẽ đánh mất hy vọng và trở nên những Kitô hữu sống không có hy vọng; trái lại, chúng ta hãy nhớ đến Chúa, nhớ lại lòng nhân hậu của Ngài và lời sự sống của Ngài đã chạm vào chúng ta; hãy nhớ lại những điều ấy và biến chúng thành của chúng ta, để trở nên những người lính canh rạng đông biết khám phá những dấu chỉ của Đấng Phục Sinh.

Anh chị em thân mến, Chúa Kitô đã sống lại! Chúng ta hãy mở lòng ra để đón nhận ơn ban hy vọng của Người. Chúng ta hãy mở ra cho niềm hy vọng và hãy lên đường. Ước gì việc nhớ lại những gì Người đã làm và đã nói trở nên ánh sáng rực rỡ hướng dẫn chúng ta bước đi trong tin tưởng, đến tham dự lễ Vượt Qua vĩnh cửu.

Minh Đức chuyển ngữ
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/thu-bay-tuan-thanh-duc-thanh-cha-phanxico-cu-hanh-thanh-le-vong-phuc-sinh/7797.57.7.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét