Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Một lá phổi đã ngừng thở

Với những thăng trầm của cuộc sống, các dòng tu cũng chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh, bởi tác động của xã hội.
Đan viện nữ do Thánh Phanxicô và Thánh Clara thành lập vào thế kỷ XIII tại Assisi, Ý. Năm 1935, 8 chị người Pháp thuộc Đan viện Roubaix đến lập dòng tại Việt Nam, trong Giáo phận Vinh. Năm 1950, vì chiến tranh phải trở về Pháp. Năm 1972, bốn chị người Việt và một chị người Pháp tái lập dòng tại Thủ Đức, Việt Nam.
Với tôn chỉ chuyên lo cầu nguyện qua nếp sống thật sự nghèo khó, khổ chế, đơn sơ, vui tươi và huynh đệ cùng với việc sống Phúc Âm theo linh đạo Thánh Phanxicô và Thánh Clara quy về đời sống chiêm niệm, ẩn kín.
Một trong những chị tái lập dòng thời đó chính là nữ đan sĩ Maria Hoàng Thị Minh. Qua những thăng trầm của cuộc đời, của những biến cố của đất nước, nữ đan sĩ vẫn trung thành sống đời thánh hiến của mình.
Nữ đan sĩ Maria Hoàng Thị Minh là một chứng nhân sống động của đời sống hèn mọn, thanh bần theo tinh thần của mẹ Thánh Clara, nữ đan sĩ đã để lại nhiều bài học quý giá cho cộng đoàn, nhất là đối với những người đang được thụ huấn, vì giới trẻ ngày nay cần gương sáng cụ thể, hơn là những lý thuyết xa vời.
Đời sống nhiệm nhặt, chuyên chăm cầu nguyện của các nữ đan sĩ nói chung và cách riêng của nữ đan sĩ Maria vẫn truyền lại cho thế hệ tương lai.
Trong một lần, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn ban bí tích Thêm Sức cho một giáo xứ gần đan viện, thay vì dùng cơm trưa ở nhà xứ cùng với các cha, thì Đức Hồng y ghé dùng cơm với đan viện để tỏ tình thân và cũng như muốn nhìn thấy đời sống thực tế của các nữ đan sĩ.
Đến bất ngờ ngay vào giờ cơm trưa, đan viện lúng túng không biết phải làm sao để đãi khách quý. Trong khi đó, Đức Hồng y vẫn vui vẻ với đĩa cơm rau luộc chấm chao. Ngài ăn vui vẻ và bữa cơm đó để lại trong Ngài nhiều cảm xúc đặc biệt là đời sống nhiệm nhặt và khó nghèo của đan viện.
Hỏi ra, Đức Hồng y biết được rằng với 50 khẩu phần ăn nhưng tiền chợ chưa đến 400 ngàn đồng mỗi ngày. Bữa cơm của đan viện thật giản đơn. Không những thế, tất cả những gì gọi là tiện nghi cho cuộc sống ở đan viện này, vẫn là những tiện nghi hết sức bình dị và không thể hình dung ra khi xã hội phát triển và chạy theo nền kinh tế thị trường, nhu cầu hưởng thụ, thì ở đây vẫn mang một nếp sống tu trì đặc biệt.
Phải nói rằng, đời sống cầu nguyện chính là hơi thở, là nguồn sống cho Giáo Hội. Chính các đan sĩ đang ngày đêm âm thầm sống chuyên chăm cầu nguyện, nhiệm nhặt hy sinh là hơi thở cho những hoạt động của Giáo Hội.
1g30 phút ngày 17 tháng 11 năm 2014, Chúa đã gọi vị tái lập dòng còn lại duy nhất là nữ đan sĩ Maria Hoàng Thị Minh về với Chúa. Một lá phổi đã ngưng thở.
Nữ đan sĩ Maria Hoàng Thị Minh hưởng thọ 92 tuổi với 66 năm khấn dòng.
Cuộc đời nữ đan sĩ Maria xem ra chẳng có gì để nói với người đời nhưng với Thiên Chúa thì lại là nhiều điều để nói. Trong 66 năm sống kết hợp mật thiết với Chúa chắc có lẽ nữ đan sĩ đã gần Chúa hơn nhiều người, sâu hơn nhiều người. Một cuộc đời thật đẹp kết hợp mật thiết với Chúa trong sâu lắng, trong cầu nguyện, trong hy sinh cho người khác được hưởng nhờ, trong đó có chúng ta.
Với đời sống nhiệm nhặt hy sinh, khi qua đời, nữ đan sĩ ra đi với thân hình tiều tụy, non kém 18 cân. Thế nhưng, dù thân xác tiều tụy ấy, khi còn sống, nữ đan sĩ Maria vẫn minh mẫn, vẫn nhớ, vẫn nhắc đến những người thân quen.
Nói như thế để ta thấy được rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện nơi những cuộc đời âm thầm và nhỏ bé cũng như càng nhỏ bé, càng âm thầm, càng lắng đọng thì lại gần Chúa nhiều hơn.
Chúng ta, những người hoạt động, những người hoạt náo, rất cần nhờ vào lời cầu nguyện của những đan sĩ đang hằng ngày đêm âm thầm cầu nguyện, trong đó có nữ đan sĩ Maria.
Nữ đan sĩ Maria đã ra đi, một lá phổi đã ngưng thở nhưng nhịp thở của nữ đan sĩ đã truyền lại cho thế hệ trẻ, cho những đan sĩ đang tiếp bước con đường mà nữ đan sĩ đã đi qua. Nhịp thở ấy không còn hiện diện ở trần gian nhưng nay nhịp thở ấy lại gần với Chúa để cầu nguyện cho chúng ta hơn.
Dĩ nhiên, cuộc ra đi nào cũng là cuộc mất mát đau thương nhưng trong lòng tin và nhất là trong tình hợp thông Kitô giáo, nữ đan sĩ được gần Chúa hơn và chắc chắn nữ đan sĩ Maria sẽ cầu nguyện cho đan viện, cầu nguyện cho những người thân quen và cho cả Giáo Hội nữa.
Micae Bùi Thành Châu
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20141118/28438

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét