Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Một chút về đạo đức truyền thông


Ở đời, ông bà thường nói : "Ăn ở có đức mặc sức mà ăn". Câu nói giản đơn nhưng gói ghém bài học ông bà dạy cho con cháu.

Ăn ở như muốn nói đến lối sống, cách sống, nhân cách và cả công việc của con người. Nói như thế để hiểu rằng trong cuộc sống, dù bất cứ công việc nào, ngành nghề nào cũng cần phải có đạo đức và có đạo đức để mình hưởng từ cái đạo đức mà mình làm ra.

Một cái gọi là nghề rất thịnh trong xu hướng thời đại ngày nay đó là truyền thông. Truyền thông ảnh hưởng rất mạnh trong đời sống con người. Truyền thông mang những thông tin, những chuyện vui buồn trong cuộc sống quanh ta. Nếu thông tin tốt, chính xác, có tính cách xây dựng xã hội và con người thì con người đón nhận sẽ tốt và có cuộc sống tốt và ngược lại.

Ngày nay, phải nói là bùng nổ về thông tin nhất là các trang mạng. Dù bùng nổ thế nào đi chăng nữa, bùng nổ đến đâu đi chăng nữa thì cũng không bỏ qua và không quên được đạo đức trong truyền thông.

Nhiều chuyện thầm kín, nhạy cảm của con người nhưng người ta cố tình phơi bày những thứ ấy trên báo chí. Dĩ nhiên nó dễ đi vào tâm trí con người và nó cũng dễ nảy sinh ra bao nhiêu chuyện xấu kèm theo.

Chuyện bi hài là tỷ phú đô la X, con trai ông Y, người giàu nhất Thị trường chứng khoán” và “Người yêu của anh (tức X) là “hot girl” nổi tiếng Sài thành “Whitebear” được post lên Internet một số báo mạng đã vội vàng khai thác, thậm chí dựa theo thông tin này để viết bài điều tra. Từ đó, bài “Con trai người giàu nhất sàn chứng khoán tỏ tình gây sốc” được đưa lên một số báo điện tử, diễn đàn. Chỉ đến khi ông Y khẳng định tin đó là sai sự thật, cơ quan chức năng vào cuộc thì mới phát hiện đây là tác phẩm của một cô bé 13 tuổi đã hư cấu để... trêu đùa!

Thông tin và phê phán cái xấu là cần thiết, đáng khuyến khích nhưng phê phán thế nào để những cái xấu được khắc phục, được loại bỏ, hay cải tạo góp phần làm cho xã hội lành mạnh hóa… thì lại là điều cần phải xem xét.

Một số tòa soạn đang cố tình khai thác, cố tình công bố tin tức theo kiểu: “Càng cập nhật càng tốt, càng giật gân càng hay”.

Đua tranh đưa tin và bình luận về sự kiện - hiện tượng bất thường đã đưa tới một hệ quả là tình trạng “chụp giựt”. Việc một tờ báo lùng sục khai thác thông tin đời tư nạn nhân của vụ án rồi đưa lên mặt báo một cách chi tiết nếu không nói là xúc phạm người trong cuộc thì cũng hết sức phản cảm, rất cần phê phán”.

Hẳn nhiên ta còn nhớ vụ án NĐN và LVL đã qua đi nhưng mỗi khi nhắc lại chắc chắn bất cứ ai cũng có thể kể vanh vách những tình tiết man rợ như được tận mặt chứng kiến. Báo chí đi sâu khai thác từng ngõ ngách nhỏ của vụ việc, khơi dậy nỗi đau của những người thân nạn nhân... chỉ để “thỏa mãn” thị hiếu tò mò của công chúng.

Chuyện bi hài mới nhất đó là chuyện anh chàng cẩu thủ còn khá trẻ. Anh là ngôi sao sáng trẻ nhất. Chỉ sau một bàn thắng trước Australia, báo chí đưa cầu thủ trẻ ấy lên như một ngôi sao sáng. Môi trường xung quanh anh ta đã hoàn toàn biến đổi. Đi ngoài đường, anh ta không có nổi 2 m để tự do. Anh ta được lăng xê quá đáng trong vòng một tháng qua. Đừng quên rằng anh ta chỉ là một cầu thủ trẻ.

Cũng do sự tung hô quá đáng của báo chí và rồi mọi người lại đã bất ngờ và thất vọng trước những chàng trai Sydney. Vấn đề của chàng cầu thủ trẻ này do chính báo chí gây ra. Báo chí đã đưa anh chàng này lên rất cao.

Và, ta cũng quá nhiều kinh nghiệm về chuyện đưa đẩy của báo chí. Có những gia đình trầm lắng nhưng khi bị moi thông tin và đăng tải thì gia đình họ khốn đốn với những thông tin thiếu chính xác đấy.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này. Trước hết, một thực tế là báo chí hiện đại không chỉ thuần túy đăng tải thông tin hay bình luận sự kiện, hiện tượng mà còn là một hoạt động kinh doanh. Chính vì thế, các nhà báo tìm mọi cách để lôi kéo độc giả về phía mình, trong đó việc sử dụng các “chiêu trò”, các tin tức “giật gân” nhằm đánh vào tâm lý, kích thích độc giả được nhiều tờ báo chọn lựa.

Hiện tượng “chụp giật”, “câu khách” trên là một “sự khủng khiếp” và là “một thảm họa”: “Báo chí đưa thông tin chụp giật, câu khách, đi ngược lại sự phát triển lành mạnh của một nền báo chí tử tế. Trong khi đó, báo chí Việt Nam có truyền thống là báo chí cách mạng, báo chí chính trị. Đây là bệnh của cả một nền báo chí và cần phải có thuốc thăm khám cẩn thận . Phải điều chỉnh về văn hóa và làm thế nào để tính toán được những hệ lụy của những việc đưa theo kiểu này để bạn đọc thay đổi về nhận thức và hành vi.

Ta thấy có sự mâu thuẫn giữa tính văn hóa và tính vụ lợi bởi hai cái đó không đi chung trên một con đường và luôn luôn xung đột. Đôi khi nó xuất phát từ thói quen, tư tưởng muốn vụ lợi của nhà báo là muốn câu view, muốn độc giả truy cập báo mình càng nhiều nên ra sức “chế biến”, “nhào nặn” thông tin.

Có nhiều cách để phê phán cái xấu, không phải cứ phơi bày trần trụi sự thực mới có hiệu quả. Mà đôi khi chú trọng vào việc đăng tải, đề cao người tốt - việc tốt, những tấm gương xúc động lại làm thay đổi đến nhận thức, hành vi của con người một cách nhanh chóng.

Tôi còn nhớ mãi câu chuyện nồi cơm của Khổng Tử :

Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử

Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ … Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.

May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo … Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.

Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất – phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.

Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.

Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống … thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi từ từ đưa cơm lên miệng …

Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài … ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”

Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về … Nhan Hồi lại luộc rau … Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ …

Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.

Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước …

Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy … cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?

Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”

Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”

Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”

Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”

Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em …

Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!

Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”

Phải chăng câu chuyện nồi cơm là câu chuyện đắt giá cho truyền thông. Có những chuyện ta thấy trước mắt đó sự thật lại khác.

Nhiều lần nhiều lúc ta thấy đâu đó những trang mạng, những bài báo nói về các vị chủ chăn này nọ. Nào là tam ca áo tím, tam ca áo ... xanh rồi mắng mỏ là "lên tiếng hay không lên tiếng" đủ thứ đủ điều ...

Có ai hiểu được độ "nóng" của các ngài khi ở vị thế của các ngài chăng để mà nói. Có những người nói một cách vô tội vạ, nói cho sướng cái miệng mình nhưng không hề nghĩ đến cái hậu, cái thiệt hại đàng sau những lời nói đó.

Tôi nghĩ cũng buồn cười, người ta vẫn này nọ khi các giám mục không nói nhưng nên nhớ rằng nói phải có nơi có chỗ và nói như thế nào chứ không phải bạ đâu nói đó, ngồi đâu nói đó và nói những điều sai sự thật.

Với bức thư của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc đưa ra về Biển Đông, ai nói gì nữa ? Quan điểm, lập trường của Giáo Hội vẫn là quan điểm và lập trường của Tin Mừng, của bác ái, của yêu thương. Đâu phải Đức Tổng Phaolô hay Đức Cha này Đức Cha kia chưa nói là la toáng lên, là bôi nhọ đủ điều xấu xa. Trước khi bôi nhọ người khác nên chăng nhìn lại chính mình. Chỉ có mình đối diện với chính mình là thật hơn bao giờ hết. Hơn thế nữa, chỉ mình mình đối diện với Chúa mình sẽ thấy mình thật đến mức độ nào, bao nhiêu ?

Đôi khi anh bức xúc, anh khóc mướn những chuyện không phải của anh mà anh không nhận ra. Đôi khi anh hô hào người ta sống thế này thế kia nhưng kỳ thực anh sống như thế nào anh đâu có nhìn lại bản thân mình.

Ở đời cũng có cái lạ, những người hay lên án, hay chỉ trích, hay chà đạp người khác thì họ chẳng ra gì cả. Nếu có tâm tình xây dựng, góp ý chân tình và sống Tin Mừng thật thì họ sẽ góp ý, xây dựng đậm chất Tin Mừng và ngược lại.

Vẫn mong mỏi những người làm truyền thông có đạo đức để khi mình thông truyền cho người khác là những tin thật, tin vui, tin hiệp nhất, tin yêu thương chứ không phải là tin phá hoại, chia rẽ. Làm bất cứ điều gì hay đặc biệt làm truyền thông phải có đạo đức. Làm truyền thông dù tin hay, dù viết giỏi nhưng không có đạo đức thì chỉ là những thanh la phèng phèng và gây bất hòa chia rẽ mà thôi.

Hãy nhìn mình thật kỹ trước khi nói về người khác, cách riêng là bôi nhọ, là phê phán. Mong lắm thay !

Micae Bùi Thành Châu
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/131477.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét